Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

08/04/2020

Bàn về dân chủ và dân trí

Giang Hoàng

Lời tòa soạn : Cần đánh tan một ngộ nhận là phải nâng cao dân trí trước rồi mới dân chủ hóa đất nước sau. Quan niệm này không những không đúng mà còn làm cho phong trào dân chủ Việt Nam không thể lớn mạnh. Đã hơn 100 năm ngày cụ Phan Châu Trinh đưa ra câu nói "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh" mà dân trí Việt Nam vẫn còn thấp, tại sao ?

Thông Luận đăng lại bài viết cũ của Giang Hoàng về chủ đề này.

Việt Hoàng

danchu1

Dân trí là ý thức chính trị của người dân, ý thức về vai trò vị thế của họ trong mối tương quan với chính quyền, ý thức về quyền căn bản của con người, khả năng suy nghĩ độc lập, tư duy phê phán…

Có nhiều lý do phong trào dân chủ Việt Nam chưa lớn mạnh như đáng lẽ nó phải có. Một trong những lý do có vẻ thuyết phục được nhiều người là do dân trí của ta chưa cao. Liệu đây có phải là lý do thực sự không, hay chỉ là lý cớ để biện minh cho một thực tế khác ?

Trước khi bàn về vấn đề này, chúng ta hãy phân tích một chút về dân trí của người dân Việt Nam hiện nay, để xem lý do được đưa ra ở trên có phải là một khái quát đúng đắn, hay chỉ là một nhận định được đưa ra từ sự bất lực của những người đang ước vọng cho một Việt Nam dân chủ. Điều này rất quan trọng, vì dân trí vừa là lý do làm chùn bước những người có ý định dấn thân, vừa là lý do để cho rằng chúng ta chưa thể áp dụng các quyền tự do dân chủ vào thực tế Việt Nam.

Nếu hiểu dân trí là một xã hội mà, đa số người dân tốt nghiệp trung học, nhiều người có bằng cấp về một chuyên môn nào đó thì ta có thể nói, dân trí của ta tương đối cao.

Nếu hiểu dân trí là một xã hội mà đa số người dân có thể đọc, nghe và hiểu một cách tương đối những thông tin, thông điệp của hệ thống truyền thông đại chúng thì có thể nói, dân trí của ta ở mức trung bình (nhiều nước khá phát triển nhưng do sự phức tạp về sắc tộc, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa nên tỉ lệ mù chữ cao hơn ta nhiều).

Còn nếu hiểu dân trí là ý thức chính trị của người dân, ý thức về vai trò vị thế của họ trong mối tương quan với chính quyền, ý thức về quyền căn bản của con người, khả năng suy nghĩ độc lập, tư duy phê phán… thì phải thừa nhận một thực tế đáng buồn, dân trí của ta rất thấp.

danchu2

Phan Châu Trinh, nhà cách mạng nổi tiếng với câu "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh".

Tôi đã nói chuyện với nhiều người có trình độ học vấn đại học và nhận thấy tuyệt đại đa số không phân biệt được tổ quốc và chính quyền. Đối với những người này, khi ai đó lên tiếng phê phán những sai trái của chính quyền là đồng nghĩa với việc chống lại tổ quốc ! (có lẽ, với họ, Cao Bá Quát là tên phản quốc vì ông dám nổi loạn chống chính quyền nhà Nguyễn – chính quyền mà ông từng phục vụ !).

Và, tôi cho rằng phải đánh giá sự cao thấp của dân trí qua tiêu chí thứ ba này, nghĩa là tiêu chí nhận thức chính trị, hay ít nhất phải coi đây là tiêu chí quan trọng nhất. Những người  tốt nghiệp bác sĩ ở Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có trình độ chuyên môn tương đương, nhưng ý thức chính trị thì đẳng cấp rất khác nhau giữa các bác sĩ Hàn – Việt. Điều này tạo ra sự khác biệt lớn mà ta có thể đánh giá trình độ dân trí của hai cộng đồng này.

Nhưng liệu có phải vì dân trí của ta thấp, mà ta chưa nên dấn thân cho dân chủ, hay chưa thể bắt đầu xây dựng được dân chủ, mà phải chờ đợi hiểu biết chính trị của người dân tăng lên một mức nào đó, rồi mới có thể nói tới dân chủ ? Điều này sai. Bởi vì, như đã nói ở trên, dân trí là ý thức chính trị, tư duy độc lập, tư duy phê phán…của người dân trước các vấn đề chính trị, xã hội. Mà những cái này chỉ có trong môi trường giáo dục khai phóng, môi trường truyền thông tự do, đa chiều. Những yếu tố chỉ có trong chế độ dân chủ, chứ không thể có trong chế độ toàn trị, nơi mà hệ thống giáo dục, truyền thông chỉ phục vụ cho mục đích ngu dân về chính trị, nô dịch về tư tưởng.

Nói rằng : hãy khoan nghĩ tới dân chủ khi dân trí chưa cao cũng chẳng khác gì nói với một người chưa biết bơi rằng: anh/chị đừng bao giờ xuống nước cho tới lúc nào biết bơi. Vấn đề ở đây là chưa có ai tập bơi thành công trên cạn cả. Nói như vậy là nhầm lẫn giữa hậu quả và nguyên nhân. Dân chủ là điều kiện tiên quyết cho phép phổ biến và tích lũy tri thức, nghĩa là nâng cao dân trí, rồi từ đó dân chủ ngày càng được củng cố. Hai điều này có mối quan hệ biện chứng nhưng dân chủ vẫn là tiền đề khởi phát.

Hệ thống giáo dục và đào tạo hiện nay của chế độ cộng sản đã có những cố gắng thực sự với hy vọng có một đội ngũ cán bộ có trình độ, nhưng đó chỉ là trình độ chuyên môn hạn hẹp trong những ngành nghề nhất định. Họ, nếu thành công, cũng chỉ tạo ra những con người ngoan ngoãn chỉ biết vâng lời và phục vụ cho hệ thống kinh tế đang nuôi dưỡng bộ máy khổng lồ của chính quyền độc tài. Những người này thực ra không khác gì những con bò chỉ biết cày kéo, suốt đời bị chính quyền dắt mũi. Có lẽ, đây là lý do Aristotle từng có định nghĩa nổi tiếng : "Con người là động vật chính trị".

Nhưng tại sao, có nhiều người, trong đó có những trí thức đang có những cố gắng nhất định để dân chủ hóa Việt Nam, vẫn khăng khăng rằng : cần phải nâng cao dân trí trước khi nghĩ tới dân chủ.

Theo tôi, lý do chính là đa số những người đang được hay đang bị coi là trí thức của Việt Nam hiện nay không phải là trí thức đúng nghĩa. Họ có kiến thức, thường là kiến thức chuyên môn cao nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để trở thành trí thức.

Người trí thức trước hết phải là người can đảm. Can đảm để đảm trách vai trò lãnh đạo quần chúng, trước những thử thách cam go của đất nước, điều mà giới khoa bảng Việt Nam không có. Họ chỉ là những kẻ theo đuôi quần chúng, chờ đợi ý thức chính trị của quần chúng tăng lên theo thời gian. (Hy vọng này được củng cố và có phần đúng trong thời đại internet, khi mà chính quyền độc tài không còn kiểm soát được hoàn toàn truyền thông). Rồi nhờ một biến cố bên trong như đấu đá nội bộ ở thượng tầng, sự phẫn uất của người dân từ một sự kiện như ở Tunisia, hay một Gorbachev Việt Nam xuất hiện. Hoặc một biến cố từ bên ngoài như Trung Quốc suy sụp, Đảng cộng sản Việt Nam mất chỗ dựa rồi sụp đổ theo… và đất nước chuyển hóa về dân chủ.

Những ước định của họ nếu đúng, thì Việt Nam cũng sẽ đối mặt với khả năng nguy hiểm : rất có thể rất lâu nữa chúng ta mới có dân chủ, và khi đó mọi sự có thể rất tồi tệ, thậm chí đã quá muộn. Tại sao ư ?

Hãy nhìn vào nguồn lực quốc gia, bao nhiêu tài nguyên khoáng sản quan trọng đã bị phung phí hết, môi trường bị hủy hoại hàng ngày, văn hóa đạo đức xuống cấp không phanh, ngay cả tài nguyên quan trọng nhất là nguồn lực con người cũng đang hao mòn theo thời gian. Dân số nước ta đang già đi nhanh chóng.

Nước Nhật mấy chục năm nay đang suy thoái mạnh, mà nguyên nhân quan trọng là dân số già hóa. Nhưng Nhật chỉ đối mặt với tình trạng lão hóa dân số khi mà trình độ phát triển đã đạt mức rất cao, hệ thống an sinh xã hội đầy đủ, hoạt động kinh tế không còn dựa nhiều vào cơ bắp. Còn chúng ta sẽ phải đối mặt với lão hóa dân số ngay khi chế độ độc tài này vẫn còn tồn tại. Hậu quả là nước ta sẽ mãi mãi tụt hậu.

Và, nếu chế độ độc tài này sụp đổ như cái kịch bản mà họ tưởng tượng thì đất nước có thể rơi vào hỗn loạn trong một thời gian dài, với nguy cơ can thiệp của các thế lực bên ngoài, khi mà lực lượng dân chủ chưa sẵn sàng về mặt tổ chức để lấp vào khoảng trống chính trị mà chế độ cộng sản để lại.

Người trí thức phải là người có hiểu biết sâu sắc về chính trị, nhưng do sống trong hàng ngàn năm dưới các chế độ chuyên chế, người dân bị gạt ra ngoài đời sống chính trị, chính trị chỉ còn là trò chơi quyền lực giữa các phe nhóm trong cung đình mà chỉ một số nhỏ thành phần trí thức khoa bảng được tham gia với vai trò công cụ. Nền chính trị bóng tối này đẻ ra những quan niệm rất sai về chính trị, coi nó như là những thủ đoạn bẩn thỉu, lừa lọc cần tránh xa. Trí thức Việt Nam không mấy người chịu hiểu rằng : chính trị, theo đúng nghĩa của nó là khoa học tìm ra phương thức tổ chức xã hội tốt nhất, hòng mưu cầu hạnh phúc tối đa cho quần chúng.

Năm 1993, trong một cuộc phỏng vấn, khi trả lời câu hỏi của nhà báo người Đan Mạch về vai trò của trí thức đối với quá trình dân chủ hóa Việt Nam, nhà toán học Phan Đình Diệu đã trả lời đại ý như sau : hiện nay, chúng tôi có nhiều nhà toán học, nhiều nhà vật lý, nhiều nhà văn, v.v. và sắp tới, sẽ có thêm nhiều nhà kinh tế học. Nhưng trí thức, hiểu theo nghĩa những người có hiểu biết về chính trị xã hội, có tư duy độc lập, dám đưa ra phản biện chính sách của chính quyền để hướng dẫn dư luận thì chúng tôi chưa có tầng lớp này.

Thomas Friedman - tác giả cuốn "Thế giới phẳng" - nói rằng : "năng lực tạo ra ý định". Tôi nghĩ, ông có lý. Không có năng lực chính trị thì không có gì ngạc nhiên khi trí thức Việt Nam không dám dấn thân chính trị, không tin vào chiến thắng chính trị khi đối diện với chế độ độc tài.

Đối với họ, đảng cộng sản Việt Nam là một tổ chức mạnh, quá mạnh. Với họ, sức mạnh của đảng cộng sản Việt Nam là những giá trị biểu kiến như, số đảng viên đông đảo, lực lượng quân đội, công an hùng hậu, hay ngân sách quốc  gia mà đảng tùy ý sử dụng…

Họ không hiểu một chính đảng mạnh là một chính đảng có lý tưởng mà các đảng viên của nó tin tưởng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ những gì xác tín. Đảng cộng sản Việt Nam từng là là một chính đảng mạnh vì nó có lý tưởng cộng sản. Chính chủ nghĩa Mác - Lenin là tín điều tạo ra một đội ngũ cuồng tín, gắn bó làm nên sức mạnh của nó. Bởi vậy, dù chỉ với một đội ngũ nhỏ, họ đã giành được chính quyền, vượt qua nhiều cam go rồi đi đến toàn thắng trước các đối thủ có phương tiện dồi dào hơn hẳn.

Còn hiện nay - khi lý tưởng cộng sản đã lố bịch - trong hàng triệu đảng viên của đảng, có đảng viên nào dám hy sinh một ngón tay cho đảng ? Đảng cộng sản hiện nay chỉ là một tập đoàn mà người ta vẫn gọi là một đảng vì khối đảng viên vẫn ràng buộc nhau bởi quyền lực và quyền lợi. Nhưng quyền lực và quyền lợi không bao giờ tạo ra sự gắn kết thực sự, nó chỉ tạo ra chia rẽ, tranh đoạt. Những đấu đá, mạt sát nhau thậm tệ của đám chóp bu được phơi bày trên internet là minh chứng rõ ràng.

Nếu hiểu như vậy thì trí thức Việt nam sẽ thấy, đảng cộng sản hiện nay không những không mạnh mà thực ra: nó không còn gì. Họ sẽ biết mình phải làm gì để đưa đất nước ra khỏi bế tắc, thay vì chỉ biết biện luận loanh quanh, mỗi trí thức sẽ hiểu phải chọn cho mình một tổ chức để tham gia hoặc ủng hộ một cách công khai và mạnh mẽ.

Kể từ ngày lập quốc, đặc biệt trong khoảng hai trăm năm trở lại đây, đất nước chúng ta đã có những thay đổi khốc liệt. Nhưng thứ ít thay đổi nhất có lẽ là tâm lý của thành phần mà ngày trước gọi là kẻ sĩ, nay được gọi là trí thức. Họ vẫn là những kẻ vong thân vị kỷ, vẫn tuyên bố một cách không xấu hổ :

Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả

Tội gì mà thức một mình ta

Hay như Tú Xương ngày trước :

Ngủ quách sự đời thây kẻ thức

Bên chùa thằng trọc đã hồi chuông…

Hoặc biết giới cầm quyền cho ăn bánh vẽ cũng giả vờ nhai như Chế Lan Viên :

Tôi vô thần nên tôi chẳng tin

Nhưng bảo khấn thì tôi khấn…

Nguyễn Duy cũng từng nói một cách mỉa mai về niềm tin đối với chủ nghĩa Mác – Lênin rằng, khi không được làm công cụ của giai cấp thống trị, thì cũng chỉ là kẻ cam chịu sự vô lý của bạo quyền, hoặc tự tách mình ra ngoài lề mọi biến chuyển của đất nước… Quả là sự phá sản của trí tuệ và phẩm giá.

Suy cho cùng, những lý lẽ cho rằng chưa thể thực hiện dân chủ vì dân trí chưa cao, vì điều kiện văn hóa, kinh tế…chưa cho phép chỉ là những biện luận lúng túng của một chế độ độc tài đã mạt vận – không còn dám bác bỏ dân chủ - nó chỉ là thể hiện sự bất lực của trí tuệ. Người trí thức cần phải có thái độ độc lập vì đó là thuộc tính của trí thức. Ông tổ của chủ nghĩa cộng sản từng phán rằng : "Những tư tưởng thống trị thời đại bao giờ cũng là tư tưởng của giai cấp thống trị". Trí thức Việt Nam cần dõng dạc bác bỏ nó và mạnh mẽ tuyên bố : những tư tưởng của thời đại phải là tư tưởng của trí thức. 

Giang Hoàng

(8/11/2016)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Giang Hoàng
Read 1292 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)