Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

25/07/2020

Đảng cộng sản phân hóa đến mức độ nào ?

Việt Hoàng

Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đang đến gần. Theo các nhà quan sát trong và ngoài nước thì kỳ đại hội này rất khó khăn và sóng gió. Chế độ cộng sản, một mô thức cầm quyền cải tiến của chế độ phong kiến dựa trên tư tưởng Khổng giáo đang tiến dần đến hồi kết theo đúng qui luật "thịnh - suy" trong lịch sử. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhận định Đại hội 13 sẽ quyết định số phận và tương lai của Đảng cộng sản.

Sự ruỗng nát của Đảng cộng sản đã quá lớn đến mức những tiểu tiết cũng trở thành rõ ràng và cụ thể. Ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ điều đó : "Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội… làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự".

Đàn áp và bắt bớ trước đại hội đang gia tăng từ trong nội bộ đảng đến ngoài xã hội. Nhiều quan chức cao cấp của thành phố Hồ Chí Minh và một số cán bộ thân cận của chủ tịch Hà Nội vừa bị bắt và khởi tố. Các bloggers và dân oan cũng vậy. Đáng chú ý là tin Bộ Công an muốn tăng cường bộ máy đàn áp bằng việc nâng cấp lên chính qui 750.000 dân phòng, bảo vệ tổ dân phố, công an xã… thành "lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở". Như vậy, cộng với hơn 1,2 triệu công an chính qui, Việt Nam có khoảng 2 triệu công an trên 95 triệu dân, tức 47 người dân/1 công an. Một tỉ lệ quá lớn so với thế giới.

dang1

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh bị bắt và khởi tố hôm 11/7/2020

Tỉ lệ đảng viên và người dân tại Việt Nam là 1/25. Khi số lượng đảng viên và công an quá đông sẽ làm suy yếu đảng cộng sản thay vì làm cho nó mạnh lên. Số đông này sẽ biến đảng cộng sản thành một đám ô hợp. Nhiều đảng viên không biết gì về chính trị nhưng lại đòi hỏi nhiều đặc quyền, đặc lợi nhân danh cái mác đảng viên đảng cộng sản. Nhiều tội phạm nghiêm trọng là đảng viên khiến hình ảnh Đảng cộng sản ngày càng hoen ố.

Đám kiêu binh này ngày càng lộng hành và Đảng cộng sản sẽ lúng túng trong việc xử lý. Chiều chuộng quá cũng không được mà mạnh tay quá cũng không xong. Việc thượng tá, chủ nhiệm bộ môn chủ nghĩa xã hội khoa học Trường Sĩ quan Công binh Bùi Tiến Lợi bị xóa đảng tịch, đuổi ra khỏi lực lượng Dư luận viên 47 sau khi "có những bài viết, phát ngôn trên mạng xã hội trái với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa, để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước", là một ví dụ.

"Đội quân" bất mãn trong nội bộ đảng sẽ ngày càng gia tăng vì chính bản chất hung ác và khủng bố của Đảng cộng sản. Chế độ bất công tạo ra nhiều người bất mãn, người hài lòng với Đảng cộng sản rất ít, ngay cả trong giới lãnh đạo cao cấp. Một ví dụ là "tình đồng chí" giữa Lê Duẩn và Lê Đức Thọ trong hồi ký "Làm người là khó" của Đoàn Duy Thành. Theo lời ông Thành thì trước lúc chết 4-5 tháng Lê Duẩn từng đuổi Lê Đức Thọ ra khỏi nhà, vì thế sau khi chết các con cháu Lê Duẩn đều lo sợ cả nhà bị giết. Rất may là điều đó đã không xảy ra. Mối quan hệ giữa cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đương kim Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng giống kẻ thù hơn là "đồng chí".

Không nhất thiết phải ở trong nội bộ Đảng cộng sản thì chúng ta cũng có thể biết rằng Đảng cộng sản đang rất phân hóa và chia rẽ. Chúng tôi đã phân tích nhiều lần rằng một tổ chức chính trị chỉ có thể đoàn kết và đồng thuận với nhau khi cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị. Đảng cộng sản không còn cả hai thứ đó cho nên đội quân khổng lồ của họ chỉ có thể xác và số lượng chứ không có tâm hồn và trí tuệ. Đảng cộng sản sẽ phân hóa thành 3 khuynh hướng :

1. Nhóm bỏ cuộc. Nhóm này đông nhất và cách bỏ cuộc của họ dễ thấy nhất là gom góp tiền bạc và chạy ra nước ngoài. Nhiều đại biểu quốc hội và quan chức cao cấp có hộ chiếu nước ngoài. Họ đã gửi con cái và tài sản sang các nước tư bản và sẵn sàng ra đi khi có biến. Nhóm này không còn quan tâm đến đất nước, họ không ủng hộ hay chống đối chế độ lẫn phong trào dân chủ. Họ chỉ làm "mất máu" cho đảng cộng sản và đất nước khi đem tiền của vơ vét và tham nhũng được ra nước ngoài.

2. Nhóm tranh luận và đòi thay đổi. Đây là nhóm các đảng viên trung cấp trong đảng. Nhóm này chưa đông nhưng sẽ là mạnh nhất và có khả năng tạo ra thay đổi nhất vì họ có hiểu biết, quyết tâm và ý chí. Đại diện cho nhóm này là những người tham gia viết tài liệu "Nguy cơ và giải pháp cứu nguy cho Đảng" mà chúng tôi đã đề cập (*). Họ chỉ là thành phần trung cấp trong đảng vì giới lãnh đạo chóp bu không thể phát biểu như vậy. Nếu ông Trọng hay ông Phúc mà phát biểu như vậy thì đảng cộng sản sẽ tan ngay lập tức. Đảng cộng sản càng phân hóa và rã rượi thì nhóm này càng mạnh lên và có tiếng nói.

3. Nhóm bảo thủ. Đây là những người trung thành với chế độ đến cùng, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng. Nhóm này không đông nhưng là nhóm "cầm lái", là những người có nhiều quyền lợi và chức vụ gắn bó với sự tồn vong của đảng. Sở dĩ Đảng cộng sản không thể cải tổ vì vấp phải sự chống đối quyết liệt của nhóm bảo thủ này. Dù vậy, khi có biến nhóm này sẽ tan rã rất nhanh vì không có sự hậu thuẫn của các đảng viên và quần chúng.

Cuộc đảo chính tại Liên Xô ngày 19/8/1991 là một ví dụ. Sự cải cách mạnh mẽ của tổng thống Liên bang Xô Viết Gorbachev khiến nhóm bảo thủ trong Đảng cộng sản Liên Xô lo sợ chế độ sẽ sụp đổ, vì vậy một nhóm 8 thành viên cao cấp của đảng gồm giám đốc Ủy ban An ninh quốc gia (KGB), Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, Thủ tướng và Phó tổng thống… đã tiến hành đảo chính Gorbachev. Cuộc đảo chính đã không nhận được sự ủng hộ của bất cứ ai, kể cả giới quân đội cũng như người dân Nga nên Boris Yetlsin đã dễ dàng dẹp tan cuộc đảo chính chỉ sau ba ngày và dẹp luôn cả Gorbachev để trở thành tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga.

dang2

Boris Yetlsin đã dễ dàng dẹp tan cuộc đảo chính do những người cộng sản bảo thủ khởi xướng chỉ sau 3 ngày (19/8/1991)

Tình hình kinh tế của Việt Nam thời hậu Covid-19 sẽ rất khó khăn vì quá phụ thuộc vào xuất khẩu nên mọi kế hoạch có thể bị ảnh hưởng do các tác động từ bên ngoài. Muốn cứu nguy nền kinh tế và dọn đường để thu hút các công ty nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc thì chính quyền Việt Nam phải tiến hành cải cách rất mạnh tay như xóa bỏ độc quyền các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực then chốt như hàng không, điện lực, xăng dầu, giao thông (xóa bỏ toàn bộ các trạm BOT trên quốc lộ 1A)…

Dự án Chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đề nghị :

"Chúng ta phải chuyển đổi từ một hệ thống nhất nguyên, tập trung và chuyên quyền sang một chế độ đa nguyên, tản quyền và phân quyền.

Thay thế một nền kinh tế hoạch định đặt nền tảng trên các xí nghiệp quốc doanh bằng một kinh tế thị trường lấy các xí nghiệp tư làm sức mạnh.

Biến một guồng máy chính quyền tham nhũng, quan liêu, bàn giấy, công cụ của một đảng thành một nhà nước hữu hiệu, trách nhiệm, lành mạnh, phục vụ cho công ích.

Phải chấm dứt lối quản lý tùy tiện bằng nghị quyết và chỉ thị để thiết lập một nhà nước dân chủ pháp trị đúng nghĩa.

Phải thay thế bộ máy công an được quan niệm và tổ chức như một dụng cụ đàn áp của Đảng cộng sản bằng một bộ máy công an bảo vệ trật tự an ninh và dân quyền ; thay thế các tòa án được coi như cánh tay nối dài của công an bằng những tòa án độc lập chỉ có sứ mạng thể hiện luật pháp.

Phải thay thế một nền giáo dục tuyên truyền, nhồi sọ và thiếu phẩm chất bằng một nền giáo dục khách quan, khai phóng và phẩm chất cao. Chúng ta phải coi giáo dục và đào tạo là cuộc chiến đấu sống còn của đất nước".

Có lẽ nhiều đảng viên đảng cộng sản đã hiểu rằng chỉ có một lối thoát duy nhất là "triệt thoát dứt khoát về dân chủ" mới có thể cứu được họ. Trung Quốc đang khủng hoảng và không còn là chỗ dựa cho Đảng cộng sản Việt Nam. Việt Nam có muốn đu dây cũng không được vì cuộc li dị giữa Trung Quốc và các nước dân chủ là dứt khoát và không thể đảo ngược. Cuộc li dị này không chỉ Mỹ và các nước dân chủ mong muốn mà ngay cả Trung Quốc cũng không muốn níu kéo vì họ hiểu rằng mô hình dân chủ không thể áp dụng cho Trung Quốc. Việt Nam đã lấy quyết định "chia tay" với Trung Quốc để xích lại với các nước dân chủ. Dù vậy chuyện "thoát Trung" cũng khiến nội bộ Đảng cộng sản chia rẽ và phân hóa nặng nề. Muốn "theo Mỹ" thì Việt Nam phải bơi qua con sông ngăn cách giữa hai thể chế chính trị độc tài và dân chủ. Đảng cộng sản sẽ chết đuối vì không biết bơi.

Tương lai của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ vô cùng đen tối sau Đại hội 13. Đây là giai đoạn chuyển giao thế hệ quan trọng. Lớp con cháu của họ nếu thông minh và khôn ngoan thì phải hiểu rằng chế độ độc tài là không phù hợp với thời đại, lớp hậu sinh này sẽ đòi hỏi thay đổi. Còn nếu thế hệ kế thừa này cố tình giả ngu "nhắm mắt, bịt tai" để tiếp tục duy trì chế độ chính trị lạc hậu này thì sớm muộn cũng sẽ bị dòng chảy của lịch sử cuốn đi. Lựa chọn nào của lớp kế cận cũng gây nhức nhối cho ban lãnh đạo cộng sản hiện nay.

Di sản của Đảng cộng sản để lại cho đất nước sau 75 năm cầm quyền quả là kinh khủng và nặng nề, chỉ có một liều thuốc duy nhất để chữa lành vết thương là tinh thần hòa giải dân tộc của một chế độ dân chủ trong tương lai. Khó khăn lớn nhất là chúng ta kế thừa một đất nước chồng chất hận thù, chia rẽ và thất vọng do chiến tranh và các chính sách phân biệt đối xử để lại. Chúng ta sẽ phải hàn gắn những đổ vỡ mà không gây ra những đổ vỡ mới. Chúng ta sẽ phải hòa giải người Việt Nam với nhau và với đất nước Việt Nam để cùng bắt tay nhau xây dựng và chia sẻ một tương lai chung trong một đất nước Việt Nam đáng sống, đáng yêu và đáng tự hào. Muốn thế chúng ta phải có một chính quyền dân chủ, lương thiện và trách nhiệm để có thể nhận diện những vấn đề của đất nước và đề ra các giải pháp.

Chỉ có một chính quyền như vậy mới có thể tạo ra được sự đồng thuận và đoàn kết dân tộc để cùng nắm tay nhau tiến vào tương lai. Đảng cộng sản không có khả năng đó. Đã đến lúc người dân Việt Nam cần tìm hiểu và ủng hộ cho một lực lượng chính trị mới với các giải pháp mới.

Việt Hoàng

(25/07/2020)

(*) Việt Hoàng, "Lực lượng chính trị nào sẽ dân chủ hóa Việt Nam ?", 30/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 2391 times

2 comments

  • Comment Link VH lundi, 27 juillet 2020 18:54 posted by VH

    Thưa anh Sơn Trần.
    Thật tình là rất khó để nhận diện nhóm thứ 3 là "nhóm tranh luận và đòi thay đổi". Tôi không nghĩ là Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa hay Nguyễn Đức Chung là thuộc nhóm này. (Trần Vĩnh Tuyến thì có quá ít thông tin nên tôi không có ý kiến)
    Những người này họ rất kín tiếng và chỉ hành động khi có thời cơ. Họ sẽ không ra mặt và công khai phản đối các chính sách hiện hành của đảng cộng sản để bị trù dập đâu mà họ sẽ âm thầm xây dựng lực lượng và tranh thủ hậu thuẫn của những người không có quá nhiều quyền lợi trong đảng.
    Lẽ phải có sức mạnh rất lớn. Tôi nghĩ là nhóm này chỉ có thể mạnh lên thôi. Đến ngay cả Hít-le còn bị ám sát và lật đổ nữa là đảng cộng sản. Những người xử lý tổng bí thư Rumania Ceausescu đều là tay chân thân tín của ông ta trước đó.
    Việt Hoàng

  • Comment Link Sơn Trân lundi, 27 juillet 2020 15:45 posted by Sơn Trân

    Thưa tác giả Việt Hòang,
    Tôi rất tâm đắc với nhận định chính xác của tác giả về 3 Nhóm tiêu biểu và mạnh nhất trong đảng CSVN. Xin thêm ở đây một ý nhỏ: đó là hình như "Nhóm tranh luận và đòi thay đổi " đang bị Nhóm bảo thủ của ông NPT trù dập nặng nề trong suốt 3 tuần qua và sẽ còn tiếp tục bị trù dập cho đến ngày đại hội 13 của họ. Bằng chứng là 3,4 năm trước Vũ Huy Hòang và Hồ Thị Kim Thoa (thuộc Trung ương) đã được tha tội chệch hướng, nhưng nay bị lôi ra hành tội củng lúc với nhóm "đảng viên cởi mở Miền Nam tại SG" (Trần Vĩnh Tuyến - Phó CT Sài Gòn) và nhóm đảng viên trẻ tại Hà Nội - tiêu biểu là tướng công an trẻ Nguyễn đức Chung - đang ngoi lên gần tới Trung ương đảng. Ba nhóm nhỏ nạn nhân nầy của NPT hình như bị nghi ngờ tán phát tài liệu mật ""Nguy cơ và giải pháp cứu nguy cho Đảng"" trong nội bộ đảng CSVN và cố ý cho lọt ra ngòai để vận động sức hậu thuẩn của XHDS và quần chúng ngòai đảng. Nếu nhận định của tôi là đúng thì cuộc đấu đá nầy hết sức gay gắt kể từ nay có thể làm đảng CSVN rã rời về thực lực, nhưng vẫn tòn tại về mặt hình thức, còn nội dung thì rỗng tuếch và cũng đã rỗng tuêch từ lâu.
    Kính thư,
    Sơn Trân.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)