Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

06/06/2022

Bất động sản Việt Nam và những hệ lụy

Việt Hoàng

Hội nghị trung ương 5 khóa 13 của Đảng cộng sản Việt Nam họp từ ngày 4-10/5/2022 diễn ra trong tình hình thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là cuộc chiến Nga-Ukraine đang ngày càng thảm khốc. Tuy nhiên một trong những nội dung chính của hội nghị này lại là "tổng kết 10 năm việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai". Bế mạc hội nghị ông Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Đảng cộng sản khẳng định "người dân chỉ có quyền sử dụng đất như một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt chứ không có quyền sở hữu". Sau đó chính quyền còn đưa ra một dự thảo chỉ cho phép người dân sử dụng căn hộ đã mua tại các chung cư trong thời hạn 50 năm thay vì lâu dài như trước đây.

dat 1

Cho đến giờ người dân Việt Nam vẫn chưa có quyền sở hữu đất đai.

Thực tế mà ai cũng thấy là các vấn đề liên quan đến đất đai đang ngày càng gây bất ổn cho xã hội. Trước khi hội nghị trung ương 5 diễn ra một tuần, hôm 27/4/2022 Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng có gửi cho Bộ chính trị và Ban bí thư một bản báo cáo về "Một số vấn đề nổi lên về việc chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản hiện nay". Nội dung của báo cáo khá chi tiết, đầy đủ và trung thực xung quanh việc thời gian qua cơ quan thuế yêu cầu người dân phải khai báo chính xác số tiền giao dịch khi mua bán bất động sản để lấy đó làm căn cứ tính thuế.

Theo báo cáo này thì "tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam xảy ra tình trạng ách tắc trong việc giải quyết hồ sơ đất đai ở mức độ, theo đánh giá của lãnh đạo ngành thuế là ‘trầm trọng tương đối’ với hàng nghìn hồ sơ chậm trễ từ 3-4 tháng. Thời gian giải quyết kéo dài là do cơ quan thuế trả lại nhiều hồ sơ do cho rằng giá khai thuế thấp hơn so với giá giao dịch thông thường. Yêu cầu người dân phải giải trình, cam kết kê khai đúng giao dịch thực tế hoặc điều chỉnh giá trên hợp đồng công chứng và hồ sơ nộp thuế".

Từ đầu năm 2022 đến nay, kiểm tra 85.000 bộ hồ sơ sau khi kê khai lại số thuế đã thu thêm được hơn 222 tỉ đồng. Tuy nhiên theo báo cáo thì đã có nhiều lỗ hổng pháp lý như :

- Cơ quan thuế không có cơ sở pháp lý để công nhận hay không công nhận mức giá kê khai theo hợp đồng công chứng.

- Các văn phòng công chứng không có cơ sở pháp lý để từ chối yêu cầu công chứng của người dân.

- Việc để công an vào cuộc xác minh hàng ngàn giao dịch ở mỗi thời điểm là không khả thi và chỉ mang tính hù dọa là chính.

Hậu quả tiêu cực :

Hàng chục nghìn hồ sơ bị tồn đọng tại cơ quan thuế, thời gian làm thủ tục kéo dài 3-4 tháng thay vì 15-30 ngày. Người dân phải đi lại nhiều lần, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh-sản xuất và nhu cầu cá nhân, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp dẫn đến tình trạng lạm quyền, tiêu cực, nhũng nhiễu để được hoàn thành sớm hoặc được chấp nhận giá kê khai hoặc có sự thỏa thuận mức giá kê khai giữa người dân và công chức thuế để ‘cưa đôi’ số tiền đóng thuế.

Báo cáo cho rằng nguồn gốc chính của việc thất thu thuế, phí từ giao dịch chuyển nhượng bất động sản là bảng giá đất của các địa phương không phù hợp và thấp hơn nhiều lần thực tế. Bảng giá đất đã không thay đổi trong giai đoạn 2020-2025 vì lo ngại việc tăng giá đất sẽ dẫn đến việc tăng chi phí đền bù khi nhà nước thu hồi đất và tăng giá bất động sản trên địa bàn. Điều này dẫn đến việc chênh lệch giữa bảng giá đất và giá giao dịch thực tế nhiều lần. Tại thành phố Hồ Chí Minh giá của nhà nước qui định chưa bằng 1/10 giá thị trường. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các sai phạm về đất đai, là động cơ thu lợi và nguồn gốc hình thành nên tài sản của các đại gia địa ốc thời gian qua.

dat 2

Có rất nhiều người Việt và quan chức giàu lên từ đất.

Đã có nhiều giải pháp đề nghị như :

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về giá bất động sản trên thị trường.

- Điều chỉnh khung giá đất theo tín hiệu thị trường.

- Thanh toán và giao dịch qua hệ thống ngân hàng.

Theo báo cáo này thì những giải pháp trên là không khả thi vì rất khó để thực hiện. Kiến nghị mà báo cáo đưa ra là:

- Hiện nay, cơ quan thuế đang đi ngược với chủ trương chung là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy cần có một cơ sở pháp lý về giá tính thuế chuyển nhượng bất động sản để áp dụng rõ ràng, minh bạch.

- Những lợi ích trước mắt trong việc tăng thu cho ngân sách nhà nước (vài trăm tỉ) không bù đắp được những tổn thất của xã hội trong việc thực hiện các biện pháp của cơ quan thuế hiện nay. Vấn đề lớn hơn cả chính là tổn thất về sự xói mòn niềm tin của xã hội về một nhà nước pháp quyền mà trong đó cơ quan nhà nước phải căn cứ trên các qui định pháp luật rõ ràng và vững chắc, đồng thời các qui định cũng phải đảm bảo tính hợp lý và công bằng, đem lại sự ổn định lâu dài cho xã hội. (Hết)

Dù báo cáo được chuẩn bị và trình bày khá đầu đủ và công phu nhưng vẫn không đề cập đến một nguyên nhân chính đó là ‘quyền sở hữu đất đai của người dân’. Khi người dân có quyền sở hữu đất đai thì mọi chuyển nhượng hay mua bán bất động sản đều do thị trường quyết định chứ không phải do nhà nước qui định.

Cho dù đã có nhiều kiến nghị yêu cầu nhà nước tôn trọng quyền sở hữu đất đai của người dân nhưng điều đó sẽ không xảy ra dưới chế độ này. Lý do cũng giản dị: Đất đai là nguồn tài nguyên vô tận mà Đảng cộng sản muốn chiếm hữu toàn diện và vĩnh viễn.

Để tồn tại thì Đảng cộng sản phải nuôi ba bộ máy khổng lồ cùng một lúc đó là chính phủ, các cơ quan đảng và mặt trận tổ quốc. Các cơ quan này ngày càng phình to và cần rất nhiều tiền. Mặc dù chính quyền đã tận thu các loại thuế phí nhưng vẫn không thể đủ. Tài nguyên khoáng sản cũng đã cạn kiệt cộng thêm nạn tham nhũng ngày càng khủng khiếp nên ngân sách thiếu tiền triền miên là điều dễ hiểu. Như vậy chỉ còn bất động sản là lĩnh vực có thể thu được nhiều tiền nhất cho ngân sách. Mọi biện pháp tận thu từ bất động sản luôn được áp dụng, việc bắt người dân kê khai đúng giá khi giao dịch bất động sản như thời gian qua chỉ là một ví dụ.

Việc chính quyền thu hồi đất và đền bù cho người dân với mức giá rẻ mạt do nhà nước ‘qui định’ đã biến hàng triệu người dân thành dân oan trong khi đó, lúc người dân kê khai để nộp thuế thì nhà nước lại bắt tính theo giá thị trường. Việc chính quyền xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông không chỉ nhằm mục đích phục vụ người dân mà còn mục đích tăng giá bất động sản để thu thuế. Người miền Bắc, nhất là dân Hà Nội thích đầu tư bất động sản hơn người miền Nam nên các công trình hạ tầng cũng được xây dựng nhiều hơn ở miền Bắc. Việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội hay việc chuyển các huyện ngoại thành lên quận và thành phố cũng vì mục đích đấy. Huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn sắp tới có thể nâng cấp lên thẳng thành phố thay vì một quận của Sài Gòn.

Có thể thấy tại Việt Nam thì bất động sản là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, giá bất động sản chỉ có tăng chứ không có giảm. Điều này dẫn đến việc người người, nhà nhà kinh doanh bất động sản, mọi nguồn lực quốc gia đều dồn hết cho bất động sản. Với người dân, việc kinh doanh bất động sản lợi nhuận cao, thuế đóng ít và hoàn toàn hợp pháp nên không có gì sai hay lạ khi họ đổ tiền vào công việc đó. Đây cũng là một kênh kiếm tiền và rửa tiền rất nhanh và hợp pháp của quan chức Đảng cộng sản. Cũng vì thế mà việc đánh thuế lũy tiến bất động sản không thể nào thực hiện được dù quốc hội đã bàn thảo rất nhiều lần. Có thể nói bất động sản gắn liền với vận mệnh của Đảng cộng sản. Bất chấp mọi thăng trầm và khủng hoảng của thế giới, bất động sản tại Việt Nam vẫn luôn ‘ổn định và thẳng tiến’.

Hệ lụy từ việc giá bất động sản tăng cao và mọi nguồn lực đều đổ vào đó là rất lớn và nguy hiểm. Khi các đại gia Việt Nam đổ hết tiền vào bất động sản thì các tập đoàn nước ngoài âm thầm thâu tóm các công ty lớn của Việt Nam đang ăn nên làm ra. Việc các ông lớn từ Thái Lan thâu tóm các công ty của Việt Nam thời gia qua là một ví dụ. Rồi đây hàng hóa của người Việt muốn đưa vào siêu thị để bán cho người Việt phải được sự đồng ý của các ông chủ nước ngoài. Khi giá bất động sản tăng quá cao dẫn đến tình trạng một số người sẽ trở nên rất giàu, siêu giàu nhưng sẽ có hàng triệu người mất đất và hàng triệu thanh niên sẽ không có cơ hội để sở hữu một ngôi nhà cho mình. Khi một người phải suốt đời ở nhà thuê thì tình cảm của họ đối với đất nước cũng giảm sút. Ngoài ra hố giàu nghèo quá lớn sẽ gây bất ổn cho xã hội. Nhiều cuộc cách mạng đường phố bùng nổ cũng vì sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn và quá đáng. Cuộc khủng hoảng ở Sri-Lanka, một quốc gia thiên đường du lịch là một cảnh báo nhãn tiền. Sự trầm lắng của lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc suốt một năm qua cũng là một dấu hiệu xấu cho bất động sản trong khu vực.

dat 4

Không có quyền sở hữu đất đai cộng với chính sách đền bù rẻ mạt khi thu hồi đất đã tạo ra hàng triệu dân oan trên khắp đất nước.

Những người Việt Nam quan tâm đến đất nước đều thấy rõ sự vô lý và bất cập trong việc quản lý, điều hành và sử dụng đất đai của chính quyền. Đảng cộng sản cũng biết rõ điều đó, bản báo cáo của Văn phòng Trung ương Đảng nêu trên là một ví dụ. Dù vậy họ sẽ không có giải pháp cho vấn nạn đó. Bằng cớ là Hội nghị trung ương 5 kết thúc mà không đưa ra được giải pháp nào. Lý do cũng dễ hiểu, mọi thay đổi có lợi cho người dân thì sẽ bất lợi cho Đảng cộng sản. Chúng ta phải hiểu rằng Đảng cộng sản không phải là một chính quyền đúng nghĩa, được bầu lên để phục vụ người dân, tôn trọng lẽ phải và bảo vệ cái đúng mà họ là một lực lượng chiếm đóng và thống trị. Quyền lợi của Đảng cộng sản là cao nhất và duy nhất.

Như vậy giải pháp cho đất nước không thể đến từ Đảng cộng sản mà chỉ có thể đến từ một tổ chức chính trị khác. Vấn nạn đất đai và những hệ hụy từ đất đai mà Đảng cộng sản để lại cho tương lai vô cùng nghiêm trọng mà một chính quyền dân chủ chỉ có thể giải quyết với tất cả quyết tâm và thiện chí trong một thời gian khoảng 5-10 năm chứ không thể ít hơn.

Việt Hoàng

(6/6/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 6234 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)