Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

16/06/2022

Vì sao Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn chưa được nhiều người biết đến ?

Việt Hoàng

Có một câu hỏi mà một số người thường thắc mắc là vì sao Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) đã ra đời và hoạt động 40 năm rồi mà vẫn chưa được nhiều người biết đến ? Nên chăng Tập Hợp cần xem xét lại đường lối của tổ chức mình ?... Đây là một sự thật và chúng tôi biết rõ điều đó. Câu hỏi chúng tôi có muốn được nhiều người Việt Nam biết đến và ủng hộ hay không thì câu trả lời là có. Bất cứ một tổ chức chính trị nào cũng cần đến lá phiếu của người dân để trở thành đảng cầm quyền và để thay đổi xã hội theo những đề nghị đã đưa ra trước đó.

Tập Hợp ra đời cách đây 40 năm và chúng tôi đã hoạt động công khai từ đó đến giờ. Tư tưởng, đường lối và những đề nghị của chúng tôi luôn rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi gần như không giấu diếm hay có bất cứ âm mưu mờ ám nào. Tất cả những ai quan tâm và muốn tìm hiểu về Tập Hợp đều có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên mạng hoặc tiếp xúc trực tiếp với chúng tôi. Cánh cửa của Tập Hợp luôn rộng mở và chào đón tất cả mọi người.

th1

Tập Hợp đã ra đời và hoạt động công khai suốt 40 năm qua. Tư tưởng, đường lối và những đề nghị của chúng tôi luôn rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi gần như không giấu diếm hay có bất cứ âm mưu mờ ám nào.

Khi chúng tôi nói rằng Tập Hợp chưa đến được với đa số người dân là chuyện bình thường thì có người sẽ không hiểu vì sao. Thật ra lý do cũng giản dị, cuộc cách mạng mà Tập Hợp đang tranh đấu là một cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa. Đây là cuộc cách mạng ‘từ trên xuống’ chứ không phải ‘từ dưới lên’ như cuộc cách mạng cộng sản năm 1945. Nó khác hoàn toàn với các cuộc cách mạng bạo lực và lật đổ như trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Vì là cuộc cách mạng về văn hóa và tư tưởng nên đối tượng mà chúng tôi muốn thuyết phục đầu tiên đó là tầng lớp trí thức Việt Nam. Lý do: Trí thức luôn là tâm hồn, trí tuệ và tiếng nói của dân tộc. Thuyết phục được tầng lớp trí thức thì sẽ thuyết phục được quần chúng.

Vấn đề và nút thắt khiến Tập Hợp không phát triển nhanh và không được nhiều người biết đến là nằm ở tầng lớp trí thức. Nhiều người trong họ biết đến Tập Hợp. Có những người đã ủng hộ hoặc tham gia Tập Hợp như cố giáo sư Đặng Phong hay các ông Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương và những người từng hợp tác với Tập Hợp để làm báo Tổ Quốc. Có những người biết và hiểu rõ Tập Hợp nhưng họ không lên tiếng mà âm thầm đóng góp và tạo ra sự thay đổi theo cách của họ. Theo chúng tôi thì những người như vậy là khá đông. Cũng có những người biết đến Tập Hợp nhưng họ không ủng hộ và chia sẻ với tư tưởng của Tập Hợp. Điều này là rất bình thường trong một xã hội dân chủ. Tập Hợp chỉ là một khuynh hướng chính trị trong xã hội Việt Nam. Không thể và không nên có chuyện ‘đồng phục tư tưởng’ trong một đất nước có 100 triệu dân và nhiều sắc tộc khác nhau.

Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rất rõ việc thay đổi tư duy và văn hóa của một dân tộc bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa Khổng Giáo là rất khó khăn. Không chỉ mỗi Việt Nam là bị ảnh hưởng của Khổng Giáo mà gần như cả Châu Á đều như vậy. Trung Quốc là một ví dụ. Dù là cường quốc thứ hai trên thế giới với 1,4 tỉ dân và 5000 năm lịch sử nhưng Trung Quốc vẫn chưa có một nhà tư tưởng chính trị nào. Sự thiếu vắng đó được Đảng cộng sản Trung Quốc bù đắp bằng tư tưởng của Khổng Tử, người đã sống cách đây 2550 năm. Hàng trăm Viện Khổng Tử được dựng lên trên khắp Trung Quốc và thế giới là một minh chứng cho sự thiếu hụt tư tưởng đó. Nhật Bản may mắn vì có một nhà tư tưởng lớn là Fukuzawa Yukichi với tác phẩm ‘Khuyến học’. Nước Nga, một nước lớn ở Châu Âu cũng vì thiếu vắng các nhà tư tưởng chính trị nên mới sinh ra các nhà độc tài như Putin, người đang dẫn dắt nước Nga lao vào cuộc chiến tự hủy diệt với Ukraine. Châu Phi thì quá rõ, sở dĩ châu lục này luôn chìm đắm trong lạc hậu, chiến tranh và nghèo đói vì họ không có các nhà tư tưởng và văn hóa lớn.

th2

Hàng trăm Viện Khổng Tử được dựng lên trên khắp Trung Quốc và thế giới là một minh chứng cho sự thiếu hụt tư tưởng chính trị. (Ảnh: Khai trương Viện Khổng Tử tại trường Đại học Hà Nội hôm 27/12/2014).

Việc thuyết phục trí thức và người dân thay đổi tư duy và văn hóa chính trị là rất khó khăn vì tư tưởng là sự trừu tượng. Nó không sờ, không chạm, không nếm và không ăn được. Nó chỉ có thể có nơi những con người có tâm hồn mạnh mẽ, tự do và phóng khoáng. Nó chỉ được hình thành bởi nền giáo dục khai phóng và dẫn dắt bởi những nhà tư tưởng chính trị. Mặc dù tư tưởng là trừu tượng nhưng nó lại quyết định cho mọi hành động của mỗi người trong chúng ta. Ví dụ những người chỉ thích làm, thích ‘hành động’ mà không thích suy nghĩ thường không có kết quả tốt, kể cả những người hoạt động thuần túy tay chân. Cũng có những người suy nghĩ trước khi làm nhưng vẫn không có kết quả vì tư duy của họ sai. Hời hợt là bản chất của người Việt và trí thức không phải là ngoại lệ.

Việt Nam tụt hậu rất xa so với thế giới, đó là sự thật hiển nhiên. Chúng ta chưa từng có bất cứ một tác phẩm hay công trình gì mang tầm quốc tế. Dù vậy chúng ta không có gì phải mặc cảm hay xấu hổ, vấn đề là cần học hỏi và cập nhật trí tuệ của nhân loại để vươn lên thay vì tự ti chấp nhận số phận thua thiệt đó. Nhiều dân tộc đã thay đổi hoàn toàn số phận của mình chỉ sau vài thập kỷ như Hàn Quốc hay Đài Loan. Muốn làm được như họ thì chúng ta cần làm một cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa trước đã. Xin nhắc lại nếu không có một cuộc cách mạng văn hóa và tư tưởng đi trước để dẫn đường cho một cuộc cách mạng thì chỉ có các cuộc cách mạng đường phố, từ dưới lên như các nước Ả Rập. Kết quả là chỉ có thể thay thế một chế độ độc tài này bằng một chế độ độc tài khác.

taphop1

Tập Hợp muốn chia sẻ cùng 100 triệu người dân Việt Nam một ‘Giấc mơ Việt Nam’.

Một cuộc cách mạng về tư tưởng văn hóa có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tầng lớp trí thức. Tuy nhiên di sản lịch sử của Việt Nam đã nhào nặn nên một tầng lớp trí thức công cụ và phục tùng thay vì một tầng lớp trí thức dấn thân và cống hiến. Một vài tấm gương cá biệt không đại diện cho tầng lớp trí thức Việt Nam. Việc Tập Hợp muốn thay đổi tư duy và văn hóa chính trị cho trí thức rất khó khăn vì nó quá mới mẻ và xa lạ. Phải có thời gian. Không thể khác được.

Có những thân hữu đã bày tỏ sự lo âu cho tương lai của Tập Hợp và đất nước vì cuộc đấu tranh đã kéo dài quá lâu. Điều này có thể khiến cho mọi người chán nản và thất vọng. Ông Nguyễn Gia Kiểng, linh hồn của Tập Hợp cũng đã lớn tuổi… Chúng tôi biết rõ những điều đó nhưng không hề thất vọng hay bi quan. Chúng tôi ý thức rõ việc mình làm và con đường mình đang đi. Một số vị tiền bối của Tập Hợp đã ra đi trước lúc đất nước có dân chủ nhưng họ và con cháu họ hoàn toàn có thể tự hào vì họ đã sống một cuộc đời xứng đáng và có ý nghĩa. Họ đã cống hiến và dấn thân cho một lý tưởng đẹp, vì tương lai của đất nước và dân tộc mình.

Chúng tôi không thể biết chính xác khi nào con đường mình đi mới đến đích. Chúng tôi chỉ biết cố gắng làm tất cả những gì mà chúng tôi tin là đúng, là cần thiết cho đất nước với một nỗ lực và quyết tâm cao nhất. Chúng tôi tin rằng những gì đúng sớm muộn cũng sẽ được chấp nhận. Đất nước và dân tộc cần có một tương lai khác, tốt đẹp và nhân văn hơn hiện tại. Cũng vì mong ước đó mà Tập Hợp không bao giờ kêu gọi hận thù, chia rẽ, bạo lực và đập phá mà luôn kêu gọi hòa giải, đoàn kết, bao dung và xây dựng. Nếu được trí thức và người dân Việt Nam ủng hộ và chấp nhận, Tập Hợp sẽ cố gắng để Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ và tự do trọn vẹn theo đúng tinh thần của bản Tuyên ngôn Phổ cập về Quyền con người của Liên Hợp Quốc.

Việt Hoàng

(16/6/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1058 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)