20 ngày sau khi ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung xuống Đồng Tâm để ký vào một ‘thỏa thuận lịch sử’ với người dân nơi đây rằng chính quyền sẽ không truy tố việc họ đã giữ 38 cán bộ công an làm con tin nhằm gây sức ép lên chính quyền về việc bị công ty Viettel thu hồi 46 hecta đất canh tác không rõ ràng… thì vào ngày 13/6 cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án.
Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung xuống Đồng Tâm để ký vào một ‘thỏa thuận lịch sử’
Quyết định khởi tố vụ án Đồng Tâm đã gây ra một cú sốc lớn cho người dân nơi đây và cả dư luận Việt Nam. Việc ông Chung ký kết một ‘thỏa ước hòa bình’ với bà con Đồng Tâm đã làm sáng lên một tia hy vọng rằng từ đây chính quyền Việt Nam đã biết dùng ‘phương pháp đối thoại’ thay cho ‘biện pháp đàn áp’ bấy lâu nay. Ai cũng mừng vì vụ việc Đồng Tâm đã kết thúc có hậu cho cả hai phía, đảng và người dân.
Một số luật sư (ví dụ Trịnh Hữu Long) cho rằng nếu nhìn nhận vụ việc dưới lăng kính của một chế độ dân chủ thì ông Chung không có thẩm quyền để ký vào văn bản đó và văn bản đó không có giá trị pháp lý vì ông Chung là bên ‘hành pháp’ nên không thể can thiệp vào công việc của bên ‘tư pháp’… Tất nhiên là điều này hoàn toàn đúng với một thể chế dân chủ nhưng Việt Nam là trường hợp khác. Việt Nam vẫn đang còn sống dưới chế độ phong kiến trá hình với tên gọi là cộng sản. Chính ông cựu Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An từng nói rằng Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam là một ông ‘vua tập thể’. Việt Nam không hề có ‘tam quyền phân lập’ và không có bất cứ một chút dân chủ nào theo qui chuẩn quốc tế. Đảng cộng sản là lực lượng duy nhất cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam hơn 70 năm qua, ‘hiến pháp’ vốn là văn bản pháp lý cao nhất, là khế ước chung sống giữa chính quyền và người dân cũng chỉ là ‘văn kiện pháp lý quan trọng thứ hai sau cương lĩnh đảng’ như lời xác quyết của ông Nguyễn Phú Trọng.
Việc ông Chung ký vào bản cam kết, vì thế, không hề mang tính cá nhân hay bên ‘hành pháp’ mà là đại diện cho toàn bộ hệ thống chính trị cầm quyền, tức Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là một ‘thỏa thuận chính trị’ được một đại diện cao cấp của ‘hệ thống chính trị’ ký kết vì vậy nó không chỉ có giá trị và uy tín với cá nhân ông Chung mà còn là uy tín của cả Đảng cộng sản Việt Nam. Sự ‘bội ước’ khi quyết định khởi tố vụ án đã đánh mất hoàn toàn niềm tin của người dân vào sự chính danh của đảng lẫn chính quyền.
Sự kiện Đồng Tâm cũng chỉ là một trong hàng vạn sự kiện bất công khác trên khắp đất nước mà người dân đang phải gánh chịu, chúng tôi luôn chia sẻ và ủng hộ cho quyền lợi chính đáng của người dân. Điều chúng tôi muốn gửi đến đảng cộng sản Việt Nam và người dân Việt Nam đó là : ‘đã đến lúc cần thay đổi’.
Đầu tiên là Đảng cộng sản Việt Nam. Bây giờ là năm thứ 17 của thế kỷ 21 nhưng ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam dường như vẫn đang sống ở thế kỷ 19. Chế độ phong kiến thực sự đã kết thúc vì nó không còn phù hợp với dòng chảy của lịch sử. Chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện nay chỉ là một biến thái khác của chế độ phong kiến nên nó không có gì do gì để tồn tại. Đảng cộng sản muốn tồn tại thì phải thay đổi. Phải thay đổi tư duy ‘cai trị’ bằng tư duy ‘quản lý’ nếu không thì sẽ còn nhiều vụ Đồng Tâm xảy ra trong tương lai và khi đó sẽ không còn bất cứ một ‘thỏa hiệp’ nào nữa giữa người dân và chính quyền. Bạo lực và đập phá sẽ lên ngôi. ‘Cướp chính quyền’ và ‘giữ chính quyền’ là hai chuyện khác nhau. Đảng cộng sản Việt Nam không thể áp đặt tư duy của việc cướp chính quyền và các mưu mô thủ đoạn trong chiến tranh để áp dụng cho việc cai trị người dân trong thời bình.
‘Quản trị quốc gia’ là một công việc khó, rất khó. Nó đòi hỏi người lãnh đạo phải biết nhìn xa trông rộng, viễn kiến và bao dung, phải đề cao sự minh bạch và dân chủ. Trong thời chiến thì sự áp đặt bằng mệnh lệnh có thể chấp nhận được nhưng thời bình thì không. Trách nhiệm giải trình của chính phủ và sự minh bạch để tạo dựng niềm tin và đồng thuận mới là những nhân tố quyết định cho sự thành bại của mọi chủ trương và chính sách của nhà nước.
Muốn hay không thì cũng đã đến lúc Đảng cộng sản Việt Nam phải chấp nhận ‘luật chơi dân chủ’. Phải chủ động dân chủ hóa đất nước bằng cách chấp nhận sự xuất hiện và tham gia vào chính trường của các lực lượng chính trị ‘đối lập’. Phải xem các tổ chức đối lập chính trị dân chủ đứng đắn và có trách nhiệm như là một đồng minh thay vì kẻ thù. Chia sẻ trách nhiệm và tạo dựng đồng thuận dân tộc để đất nước phát triển theo sự tiến hóa của lịch sử là việc cần làm và nên làm. Càng trì hoãn bao nhiêu càng gây hậu quả nghiêm trọng bấy nhiêu, đầu tiên là cho chính đảng cộng sản và sau đó là cho cả dân tộc.
Người dân Việt Nam cũng đã đến lúc cần thay đổi. Phải ủng hộ cho các tổ chức dân chủ đối lập đứng đắn để các tổ chức đó lớn mạnh và có tầm vóc. Cuộc ‘đối thoại’ giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền đã thất bại vì ‘tương quan lực lượng’ quá lớn và vì cuộc đối thoại đó không có trọng tài giám sát. ‘Trọng tài’ ở đây chính là một tổ chức chính trị đối lập dân chủ. Xin xem thêm bài ‘Đối thoại với cộng sản’ (1).
Một qui luật muôn đời đó là có cạnh tranh mới có phát triển. Cạnh tranh lành mạnh sẽ sinh ra sự tử tế, văn minh, bao dung và tinh thần trách nhiệm. Nếu Việt Nam vẫn chỉ có một đảng cộng sản lãnh đạo thì người dân sẽ không có quyền và cơ hội để đòi hỏi hay ý kiến gì hết. Từ trước đến giờ ban tuyên giáo đảng cộng sản vẫn ngụy biện rằng đường lối và chính sách của đảng luôn đúng chỉ có cấp dưới là làm sai ? Sự thật thì không phải vậy. Nhà dột từ nóc, các cấp ủy đảng bên dưới luôn phải thi hành và làm đúng nghị quyết mà đảng đề ra. Nội bộ đảng luôn là một khối thống nhất từ trên xuống dưới và giả sử cấp dưới có làm sai thì cũng được cấp trên bao che và dung túng theo kiểu ‘giơ cao đánh khẽ’.
Nếu có các đảng đối lập giám sát thì khi đó cấp trên của ban lãnh đạo đảng cộng sản có muốn cũng không dám và không thể bao che cho cấp dưới làm bậy được, vì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của đảng và đảng cộng sản có thể bị mất phiếu trong các cuộc bầu cử tiếp theo. Hiện giờ đảng cộng sản có làm sai đến đâu đi nữa thì cũng… không sao vì có sai thế chứ sai nữa thì cũng có ai làm gì được đảng đâu ? Nếu người dân Việt Nam muốn có dân chủ, tức là được tự do bầu cử và ứng cử, tự do báo chí, tự do kết hợp, tam quyền phân lập, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật… thì phải ủng hộ cho các tổ chức dân chủ đối lập. Không muốn đi xe đạp thì phải tìm phương tiện khác để thay thế chứ không thể ngồi chửi rủa chiếc xe đạp mà mọi sự tốt hơn lên.
Vẫn biết rằng việc tham gia và ủng hộ cho các tổ chức đối lập dân chủ là việc của giới trí thức tinh hoa Việt Nam, nhưng khổ nỗi trí thức Việt Nam thay vì đi trước để ‘hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng’ thì họ lại luôn ‘chạy theo sau quần chúng’. Đã đến lúc người dân Việt Nam cần nói thẳng với những người trí thức rằng ‘chúng tôi muốn thấy và muốn có một tổ chức đối lập dân chủ hùng mạnh, các ông hãy làm việc đó đi’ may ra tình hình mới có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Việc chính quyền quyết định khởi tố vụ Đồng Tâm chứng tỏ rằng nội bộ của đảng đang bị phân hóa nặng nề giữa một bên là ôn hòa và đổi mới với một bên là cứng rắn và bảo thủ. Và đúng như nhận định của chúng tôi là phe bảo thủ đang lấn lướt phe ôn hòa. Trong bài ‘Ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam ?’ chúng tôi có nhận định rằng ‘Tình trạng đàn áp chỉ có thể gia tăng vì càng bất lực thì càng phải dùng nhiều bạo lực. Vai trò và quyền lực của lực lượng công an, nhất là những bộ phận được gọi là ‘bảo vệ an ninh quốc gia’ sẽ ngày càng có ‘trọng lượng’ và tiếng nói quyết định trong mọi quốc sách và chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam’ (2).
Bạo lực từ phía chính quyền sẽ gia tăng cho đến khi mất kiểm soát hoàn toàn. Đảng cộng sản Việt Nam thay vì chọn làm ‘tác nhân của lịch sử’, chủ động dân chủ hóa đất nước thì có vẻ họ đang chọn làm ‘nạn nhân của lịch sử’. Câu nói của cố tổng thống Nga Yeltsin có lẽ đúng với tất cả các đảng cộng sản trên thế giới chứ không riêng gì với Nga và Việt Nam ‘đảng cộng sản không thể sửa chữa mà chỉ có thể thay thế’.
Nhưng lấy ai để thay thế đảng cộng sản bây giờ ? Rõ ràng là chưa có ai ? Lỗi này thuộc về phong trào dân chủ đối lập Việt Nam trong đó có chúng tôi, tức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Suốt 35 năm qua chúng tôi đã cố gắng xây dựng một tổ chức đối lập có tầm vóc để làm đối trọng với Đảng cộng sản Việt Nam nhưng mong muốn đó vẫn chưa thành. Chúng tôi thành thật nhìn nhận sự yếu kém đó và mong được mọi người dân Việt Nam góp ý và giúp đỡ chúng tôi.
Chúng tôi ý thức được rằng nếu phong trào dân chủ Việt Nam không có một tổ chức hùng mạnh làm nòng cốt với một dự án chính trị nghiêm túc và khả thi để đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên và kiến thiết lại đất nước thì Việt Nam sẽ mãi mãi chịu ách độc tài và tụt hậu với các nước trong khu vực, kể cả Lào và Campuchia.
Việt Hoàng
(18/06/2017)
(1) http://www.thongluan-rdp.org/xa-lu-n/item/2595-d-i-tho-i-v-i-c-ng-s-n
(2) http://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/2714-ai-co-th-c-u-d-c-dan-t-c-vi-t-nam
********************
Thanh tra chính phủ ‘vào cuộc’ vụ Đồng Tâm (VOA, 18/06/2017)
Thanh tra chính phủ Việt Nam mới cho biết "tiếp tục phối hợp" với chính quyền Hà Nội để xử lý vụ Đồng Tâm nhằm "bảo vệ lợi ích nhà nước" cũng như "bảo vệ quyền của công dân".
Ông Lê Đình Kình, "thủ lĩnh tinh thần" của dân Đồng Tâm và ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội.
Đây là nội dung được thanh tra chính phủ gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau khi Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói trước cơ quan lập pháp rằng ông "chưa thấy tổng thanh tra chính phủ có ý kiến" về vấn đề tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm.
Vụ việc lại nóng lên trong tuần trước sau khi chính quyền Hà Nội ra quyết định khởi tố hình sự đối với người dân xã nằm ở ngoại thành thủ đô Việt Nam, dù đích thân Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung ký vào cam kết "không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân dân xã Đồng Tâm" hồi tháng Tư nhằm giải thoát cho nhiều cảnh sát cơ động bị dân làng bắt giữ.
Không chỉ có ông Chung, mà một số luật sư và cả Đại biểu quốc hội như ông Lưu Bình Nhưỡng cũng như Dương Trung Quốc cũng ký vào văn bản mà ông Quốc cho là để "tháo ngòi nổ".
Trong văn bản đề ngày 16/6 để phản hồi ý kiến của ông Nhưỡng, cơ quan thanh tra chính phủ cho biết đã "có nhiều chỉ đạo liên quan tới vụ việc" và đã cử người cùng ông Chung tới đối thoại với người dân hồi tháng Tư.
Bản cam kết của ông Chung hôm 22/4 đã dẫn tới việc hàng chục cảnh sát cơ động được người dân phóng thích.
Theo báo chí trong nước, Hà Nội đang "hoàn chính kết luận thanh tra để báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc", và "thanh tra chính phủ tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Hà Nội để giải quyết những vấn đề liên quan ; nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội".
Trong một diễn biến có liên quan, một đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội Facebook, trong đó "thủ lĩnh tinh thần" của người Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình, cáo buộc người "đi ô tô biển đỏ [của quân đội]" "đánh, đá" và làm ông gãy xương rồi đẩy ông lên ôtô "như một con vật" rồi "đút giẻ" vào mồm ông rồi đưa ông tới cơ quan công an, coi ông là "đối tượng gây rối trật tự công cộng".
VOA Việt ngữ chưa thể kiểm chứng độc lập đoạn clip về lời kể đối với sự việc xảy ra hồi tháng Tư này.
Về hành động bị coi là "phá vỡ cam kết" của Chủ tịch Hà Nội, ông David Brown, một nhà nghiên cứu về Việt Nam, mới nhận định với VOA Việt ngữ : "Cũng không có gì khó hiểu nếu bước đi táo bạo của ông Chung có thể đã khiến một số người trong Bộ Công an không hài lòng, và chính vì thế, họ tìm cách khôi phục kỷ cương bằng cách điều tra và truy tố các dân làng. Nói tóm lại, vụ khởi tố này là bằng chứng cho thấy một sự đấu đá ở hậu trường".