“Thầy bói xem voi” là một câu chuyện dân gian đã rất cũ, nhưng thực sự nếu chúng ta hiểu rõ được hàm ý sâu xa của nó thì có lẽ chúng ta sẽ tránh được rất nhiều mâu thuẫn và xung đột không đáng có trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh vì dân chủ đa nguyên cho đất nước ngày nay.
Chuyện kể rằng, có năm ông thầy bói mù cùng ngồi nói chuyện với nhau thì nghe tin có một người quản trượng dắt voi đi qua. Cả năm vị thầy bói mù đều chưa từng biết đến con voi bao giờ nên họ cùng nhau góp tiền để trả cho người quản trượng, để họ có thể sờ xem con voi mà mình từng được nghe có hình thù như thế nào.
Thầy thứ nhất sờ vòi voi thì nói:
“Tưởng con voi thế nào, hoá ra nó cứ sun sun như con đỉa ấy.”
Thầy thứ hai, sau khi sờ cái tai voi, thì phản đối:
“Không phải! con voi như cái quạt nan cơ!”
“Tầm bậy! con voi giống như cái cột nhà hơn“, thầy thứ ba cãi lại, sau khi sờ được chân voi.
Thầy thứ tư, vừa sờ bụng voi xong, liền la lên:
“Ông cũng sai nốt! Con voi giống như cái lu nước!”
“Các ông đều chẳng đúng! Con voi giống như cái chổi xể thôi mà.”
Ông thầy bói thứ năm kết luận, sau khi sờ đuôi voi.
Và thế là không ai chịu ai, họ tranh cãi nhau rồi sau đó dùng gậy đánh nhau, ai cũng sứt đầu mẻ trán cả.
Thấy vậy, người quản trượng mới cười nói:
“Thân hình con voi có nhiều bộ phận khác nhau, đại thể như thế này:
Vòi dài giống con đỉa
Tai tựa cái quạt nan
Bụng chứa vừa một gian
Chân to tày cột cái
Mồm thì như cái vại
Ngà giống thanh kiếm dài
Sau đít có cái đuôi
Cứng khác nào chổi xể.
Nếu các thầy thấy hết, đâu đến nỗi phải cãi cọ nhau rồi đánh nhau ra nông nỗi này.”
Trong cuộc sống cũng như vậy, chúng ta thường nhìn nhận, phán xét và đánh giá một sự vật, hiện tượng hay sự kiện theo góc nhìn riêng của chúng ta. Góc nhìn của chúng ta được hình thành do những trải nghiệm, kinh nghiệm được tích lũy trong quá khứ và khả năng phân tích của não bộ của từng người. Nhưng chính khả năng phân tích và kết luận của não bộ cũng dựa trên những dữ kiện và kinh nghiệm có trong quá khứ, bao gồm cả ADN di truyền từ cha mẹ, ông bà…
Góc nhìn của riêng mỗi người trở thành định kiến, trở thành lăng kính riêng của người đó. Giống như người thầy bói mù thứ nhất, ông ta đã từng có kinh nghiệm, hiểu biết về con đỉa. Còn thầy bói mù thứ hai đã có trải nghiệm trước đó với cái quạt nan, tức là ông ấy đã biết đến cái quạt nan. Và, thầy bói mù thứ ba, thứ tư và thứ năm thì lần lượt có trải nghiệm và hiểu biết về cái cột nhà, cái lu nước và cây chổi xể.
Cho nên khi gặp con voi – một điều mà họ chưa biết – thì họ sẽ dựa vào trải nghiệm trước đó, tức là cái họ đã biết, để đưa ra nhận xét về con voi. Và như mọi người đã thấy, không có ai đưa ra nhận xét đúng về con voi cả. Ngay cả khi mỗi bộ phận của con voi được mô tả thì nó cũng chỉ là gần đúng. Gần đúng không có nghĩa là đúng. Cái vòi voi giống với con đỉa nhưng cái vòi voi không phải là con đỉa. Cái tai voi giống với cái quạt nan nhưng cái tai voi không phải là cái quạt nan. Cái chân voi giống cái cột nhà nhưng cái chân voi không phải là cái cột nhà. Cái bụng voi giống cái lu nước nhưng cái bụng voi không phải là cái lu nước. Cái đuôi voi giống với cái chổi xể nhưng cái đuôi voi không phải là cái chổi xể. Cho nên, chúng ta không thể dựa vào những điều đã biết để phán xét những điều chưa biết.
Những kinh nghiệm trong quá khứ, những kiến thức đã biết sẽ là sự ngăn trở cho con người tìm hiểu cái mới, cái chưa biết.
Không những thế, những kinh nghiệm trong quá khứ, những kiến thức đã biết sẽ là sự ngăn trở cho con người tìm hiểu cái mới, cái chưa biết. Những vị thầy bói đều là người mù, tức là những người không thể nhìn, vì vậy họ không thể chắc chắn mà chỉ “bói” thôi. Chỉ người quản trượng mới sáng mắt nên có thể nhìn, mới có thể biết rõ con voi là vậy. Mỗi chúng ta đều là những “thầy bói mù” ở trong đời, đều nhìn cuộc sống qua cái lăng kính riêng của chúng ta. Chúng ta thường nhìn những bông hoa đẹp qua một lớp kính rồi phán rằng những bông hoa kia bẩn mà không thấy rằng kính chúng ta đang đeo mới bị bẩn.
Không một người bình thường nào có thể nhìn thấy cuộc sống khách quan như nó vốn có, mà chúng ta chỉ nhìn thấy được một thực tế chủ quan theo góc nhìn, theo lăng kính của chúng ta. Có thể bạn nhìn thấy con số kia là số 6 nhưng tôi lại nhìn thấy nó là số 9. Có thể bạn nhìn thấy chữ kia là chữ m nhưng tôi lại thấy đó là chữ w, và một người nào khác họ có thể nhìn thấy đó là số 3, còn người thứ tư có thể thấy đó là chữ E. Tất cả phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người.
Nhưng vì sao các vị thầy bói mù lại cãi cọ nhau rồi dẫn đến đánh nhau sứt đầu mẻ trán? Lý giải hợp lý nhất là bởi vì tự họ cho chính mình là đúng nhưng lại bị kẻ khác cho rằng họ là sai. Và vì không chịu đựng được sự phủ định đó, họ liền thể hiện bản năng của loài vật là sử dụng bạo lực - cãi cọ và đánh nhau – để áp đặt người khác phải nghe theo mình. Đi sâu hơn vào bản chất tâm lý của mỗi người thầy bói, chúng ta thấy rằng họ quan trọng việc khẳng định bản thân mình là đúng hơn việc khám phá ra rốt cục con voi có hình thù như thế nào. Họ muốn thể hiện và khẳng định sự quan trọng của bản thân họ hơn việc tìm hiểu sự thật về con voi.
Nếu họ đề cao hơn việc khám phá sự thật về con voi thì có thể họ đã không đấu võ mồm rồi dẫn tới thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với nhau rồi. Thay vào đó, họ đã có thể ngồi lại và trao đổi với nhau để tổng hợp ý kiến hoặc họ cùng nhau nhờ người quản trượng xem xét và đánh giá nhận định của họ về con voi. Qua một trong hai cách đó, hoặc cả hai, họ có thể có cái “nhìn” tổng thể và chính xác hơn về con voi. Đằng này, họ đã bị định kiến che mờ lý trí và cũng mang nặng bản ngã, hay “cái tôi” quá cao, tự cho mình là quan trọng nhất, là đúng đắn nhất nên họ chẳng thèm lắng nghe ai, cũng sẵn sàng “sống chết” với những ai khác biệt với mình trong cách nhận xét về con voi. Vì vậy, họ đã tự mình đánh mất khả năng nhìn thấu được sự thật về con voi.
Mục đích ban đầu của họ, tức là khám phá sự thật về con voi, đã không đạt được. Tệ hơn nữa, họ đã gây ra tổn thương cho người khác và nhận lấy tổn thương cho chính bản thân mình. Và mối quan hệ của họ với những người khác cũng đã đổ vỡ sau khi cãi cọ và đánh nhau. Họ đã nhân việc khám phá sự thật để áp đặt tầm quan trọng của bản thân lên người khác. Cuộc sống vốn phức tạp hơn rất nhiều so với con voi. Và số lượng “thầy bói mù” nhiều lên đến hàng tỷ nên sẽ có hàng tỷ cách nhìn về cuộc sống.
Nhưng chúng ta cũng đã thấy rõ rằng: con người không thể nhìn thấy được một thực tế khách quan như nó vốn là, mà chỉ nhìn cuộc sống theo cách nhìn chủ quan của mình, dựa theo những gì mình có trong nhận thức. Hầu hết chúng ta, nhất là những người đọc bài viết này, đều nhìn thấy rõ ràng thực trạng tan nát một cách bi thảm của đất nước Việt Nam ngày nay. Việt Nam đang bị Đảng Cộng Sản Việt Nam độc quyền cai trị bằng bạo lực và các chính sách ngu dân. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang chà đạp, coi thường và cướp bóc của người dân Việt Nam không từ một cái gì.
Đảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang phá hoại đất nước Việt Nam và thần phục Trung Quốc – kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam – và dâng biển đảo của Tổ quốc cho ngoại bang. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tạo nên một đống đổ nát trên đất nước Việt Nam về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – sự tan tác và kiệt quệ trong lòng mỗi người con dân nước Việt, dù người đó ở trong nước hay đang ở hải ngoại. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang biến dân tộc Việt Nam dần trở thành một giống loài đầy bệnh tật, bạc nhược, dối trá và suy đồi…chứ không phải là con người văn minh đầy hãnh tiến của thế kỷ hai mốt. Đảng Cộng Sản Việt Nam đang cưỡng bức dân tộc Việt Nam đi đến bờ vực của sự diệt vong!
Vâng, có lẽ tôi cũng chỉ là một “thầy bói mù” khi nhìn nhận và đánh giá tình hình ở Việt Nam. Mặc dù tôi đã sống hơn nửa đời trên đất nước này, đã chứng kiến hàng ngày bao nhiêu sự việc đau đớn đã và đang diễn ra trên dải đất chữ S này, đã mài mòn không biết bao nhiêu cái đũng quần trên ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa trong hơn mười bảy năm trời và cũng đã trăn trở về tình hình đất nước Việt Nam trong gần chục năm qua, tôi vẫn có thể nhìn nhận tình hình thiếu chính xác. Có thể lắm chứ!
Nhưng nếu bạn cũng nhìn thấy những điều mà tôi đang nhìn thấy, thì câu hỏi tiếp theo mà chúng ta cần đặt ra là: Chúng ta sẽ làm gì để cứu vãn tình trạng nguy kịch này? Nhiều người đã lên án Đảng Cộng Sản Việt Nam trong mấy chục năm qua. Nhưng có sự thay đổi khả quan nào xảy ra không? Không hề. Ngược lại, tình hình còn tệ hơn mỗi ngày.
Nhiều người đã gửi thư góp ý cho Đảng Cộng Sản Việt Nam trong thời gian qua. Và những người đó có được Đảng Cộng Sản lắng nghe hay không? Không hề. Tệ hơn, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đối xử với họ bằng những bản án tù đày kéo dài mấy chục năm trời. Nhiều người đã tổ chức biểu tình phản đối và đòi yêu sách. Rồi họ có được Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp thu không? Không hề. Họ đã được đáp trả bằng nắm đấm, dùi cui, hơi cay và khủng bố.
Vì sao lại như vậy? Bởi vì họ nhỏ nhoi, ít ỏi và đơn độc. Bởi vì Đảng Cộng Sản không phải là lãnh đạo của đất nước Việt Nam. Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tập đoàn chiếm đóng và cai trị Việt Nam chúng ta!
Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tập đoàn chiếm đóng và cai trị Việt Nam chúng ta!
Cùng với sự phát triển của công nghệ trong hai mươi năm qua, mạng xã hội cũng đã hình thành và phát triển đến mức mà bất cứ ai, dù ở bất cứ đâu trên trái đất này, đều có thể học hỏi, trao đổi, trò chuyện, giao dịch, kết nối với nhau và kết nối với nguồn tri thức vô hạn của nhân loại. Vì vậy, nhiều người dân Việt Nam đã tiếp xúc được với kiến thức đúng đắn, hiểu rõ hơn về lịch sử và nắm rõ tình hình của đất nước hơn. Đặc biệt, họ đã biết rõ được nguyên nhân gốc rễ của thảm trạng bi đát hiện nay của dân tộc: Đảng Cộng Sản Việt Nam và chế độ cộng sản ở Việt Nam.
Và như một lẽ tự nhiên của những con người còn lương tâm - ở đâu có đàn áp thì ở đó có phản kháng – ngày một nhiều người cất lên tiếng nói của lương tri, góp phần vào công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ của nước nhà. Giống như mục đích ban đầu của năm ông thầy bói mù là khám phá ra sự thật về con voi, những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, đa nguyên – những người đã nhìn thấy thảm trạng tồi tệ của đất nước Việt Nam - đều đồng ý với nhau là cần phải thay đổi, cần phải xoá bỏ chế độ cộng sản để xây dựng một thể chế dân chủ đa nguyên với tam quyền phân lập.
Nhưng, cũng như năm ông thầy bói mù, những người đấu tranh cho dân chủ đa nguyên hiện nay đều không thể cùng nhau, không thể tập hợp lại với nhau thành những tổ chức để đấu tranh cho mục đích tối hậu. Không những thế, họ còn đấu đá với nhau bằng việc phán xét, miệt thị và hạ bệ nhau. Sau đó, họ không thèm nhìn mặt nhau, rời bỏ tổ chức, từ bỏ mục tiêu, hoặc là đấu tranh theo lối nhân sỹ để mưu cầu danh tiếng, lợi ích cho bản thân.
Nhân danh việc khám phá sự thật về con voi, các thầy bói mù cãi cọ và đánh nhau. Thật lố bịch!
Nhân danh việc đấu tranh cho tự do dân chủ của đất nước, chúng ta phỉ báng và hạ bệ nhau. Thật đớn đau!
Thật đớn đau khi Đảng Cộng Sản đang vắt kiệt sức sống của dân tộc Việt Nam!
Thật xót xa khi cả trăm triệu con dân nước Việt đang quằn quại trong kiếp nô lệ, cô đơn và mờ mịt!
Thật xót xa khi những đứa con có điều kiện hơn, có hiểu biết hơn, có lương tâm hơn so với số còn lại của đất mẹ Việt Nam đang quay lưng với nhau và quay lưng với anh em, đồng bào đang rên xiết trong ngày tàn đêm đen để mưu cầu tư lợi hay vì sĩ diện cá nhân.
Chúng ta đều biết rõ là đấu tranh chính trị phải là đấu tranh có tổ chức. Không có tổ chức dân chủ đối lập với Đảng Cộng Sản Việt Nam thì không bao giờ có thành công. Tổ chức không đủ mạnh thì không thể đối lập được với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Không đối lập được với Đảng Cộng Sản thì Việt Nam chúng ta sau 100 năm nữa cũng không có tự do, không có dân chủ. Mà liệu 100 năm nữa có còn “chúng ta” hay không?
Thông qua tìm hiểu quá khứ, việc chúng ta đã làm và làm rất kỹ, chúng ta hiểu vì sao có Việt Nam như lúc này. Thông qua những gì đang xảy ra, chúng ta có chắc chắn hậu thế của chúng ta sẽ còn gọi tên Việt Nam, hay rồi con cháu của chúng ta sẽ còn lại vài nhúm nhỏ lác đác khắp thế giới và còn không đủ rành rọt tiếng Việt để hát “Hận Đồ Bàn”, “Sài Gòn ơi vĩnh biệt” và “Sài Gòn niềm nhớ không tên” nữa?
Liệu rồi còn có nhạc sỹ nào đau đớn trước cảnh nước mất nhà tan của con dân nước Việt mà sáng tác nên bài “Hận Việt Nam” hay không? Điều đó chắc chắn phụ thuộc vào việc làm hôm nay của tất cả chúng ta.
Bạn có thấy bực bội khi chạy xe giữa trời nắng nóng đầy bụi bặm và tranh giành từng mét đường khi tắc nghẽn giao thông?
Bạn có thấy rùng mình khi khắp phố phường ở tất cả tỉnh thành đều đầy rẫy những quán nhậu và chốn ăn chơi để phục vụ cho giới trẻ Việt Nam không?
Bạn có thấy nỗi buồn trào dâng lên khi nhìn thấy những em nhỏ phải lê la khắp phố để ăn xin hay bán vé số?
Bạn có thấy tội nghiệp cho những bà mẹ bồng con nhỏ đứng ở các giao lộ để cầu mong người khác rũ lòng thương xót?
Bạn có thấy cắn rứt lương tâm khi phải thoả hiệp với những thứ đê tiện, bần hàn và khốn nạn đang chực chờ bạn trong suốt cuộc sống hàng ngày?
Bạn có lo lắng khi nhìn thấy nền giáo dục hiện nay đang dần biến con cháu chúng ta thành những loài thú hoang hay không, trong khi học phí đang ngày càng tăng cao?
Bạn có đau đớn khi bước vào bệnh viện để chứng kiến số lượng người bệnh đang ngày càng nhiều và càng trầm trọng, trong khi hệ thống y tế sinh ra dường như chỉ để trục lợi và bóc lột chứ không phải phục vụ nhân dân?
Bạn có tức giận khi thấy nạn tham nhũng hoành hành ở tất cả mọi hang cùng ngõ hẻm của đất nước, ở tất cả các cấp và ở trong chính người dân Việt Nam?
Bạn có thấy đau nhói tim gan khi thấy hàng ngàn người dân Việt Nam bị cướp nhà, cướp đất phải rơi vào cảnh khốn cùng, màn trời chiếu đất?
Có thể bạn nói chúng ta còn nghèo.
Có thể bạn nói dân trí chúng ta còn thấp.
Có thể bạn sẽ đưa ra hàng trăm, hàng ngàn lý do để giải thích rằng chúng ta chưa thể có tự do và dân chủ đa nguyên.
Nhưng tất cả lý do đó, dù nghe có vẻ có lý hay vô lý, đều sẽ trì hoãn quá trình dân chủ hoá đất nước và sẽ kéo dài tình trạng bi đát hiện nay. Và vì vậy, tình trạng đó sẽ ngày một nặng hơn đến nỗi sẽ không thể cứu chữa được nữa. Và vì vậy, chúng ta đưa ra lý do để trì hoãn hoặc từ chối trách nhiệm và sứ mệnh mà mình phải gánh vác.
Chúng ta không thể như ông Vũ Đức Đam mà nói rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta không đòi được thì con cháu chúng ta sẽ đòi.” Chúng ta cũng không thể ăn mặn để rồi đời con, đời cháu chúng ta phải khát nước. Chúng ta lẽ nào lại đành lòng chối bỏ tình yêu thương đối với chính con cháu và hậu thế của mình ư? Chúng ta yêu thương con cháu và đồng bào mình bằng cách nào đây?
Đảng Cộng Sản Việt Nam đã không còn mạnh nữa. Họ đã suy thoái và chia rẽ nội bộ rất nghiêm trọng. Mà vì chúng ta còn yếu. Chúng ta yếu: Vì chúng ta đứng một mình. Vì chúng ta thích đấu tranh theo kiểu nhân sĩ hơn là đoàn kết trong một tổ chức. Vì chúng ta thực sự chưa biết đau nỗi đau của con cháu chúng ta để có thể biến nỗi đau đó thành sức mạnh.
"Đoàn kết là sức mạnh" nhưng chúng ta không đoàn kết. Kẻ thù của chúng ta cũng không phải là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Kẻ thù của chúng ta chính là sự mất đoàn kết. Kẻ thù của chúng ta chính là bản ngã, là cái tôi của chúng ta! Kẻ thù của chúng ta chính là bản thân chúng ta! Nhưng con cháu của chúng ta rất cần chúng ta. Những người đồng bào của chúng ta rất cần chúng ta. Đất nước Việt Nam đang rất cần chúng ta.
Nền tự do dân chủ - một văn hóa tổ chức và một ý thức tiến hóa của nhân loại - cần được hiện thân chính nó qua hành động của chúng ta. Chúng ta cần phải đấu tranh để giành lại quyền làm người, dành lại tất cả những điều mà đất nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam xứng đáng phải có. Nhưng đấu tranh chính trị bắt buộc phải là đấu tranh có tổ chức.
Chúng ta cần phải tổ chức, tổ chức và tổ chức.
Chúng ta cần phải đoàn kết, đoàn kết và đoàn kết.
Tổ quốc đang gào thét, chúng ta cần phải “đáp lời sông núi.”
Chúng ta không thể sang sông với vài hay một bó tre rời rạc được. Nhưng nếu tổ chức bó tre đó lại thành một chiếc bè thì chúng ta sẽ qua được bờ bên kia mà không gặp mấy khó khăn.
Trên một chiếc ô tô có hơn hai trăm mác thép, mỗi tấm thép với một mác thép khác nhau (mác thép là đại lượng thể hiện độ chịu lực của thép) được gắn kết với nhau theo một cách hợp lý, đã góp phần tạo nên chiếc ô tô đưa con người đến những nơi mơ ước nhanh chóng và tiện lợi. Những tấm thép to nhỏ, dày mỏng khác nhau, có độ chịu lực khác nhau nhưng được tổ chức lại với nhau một cách khoa học đã tạo nên những con thuyền to lớn để đương đầu với phong ba bão táp và đưa con người vượt qua những đại dương bao la, đến những vùng đất mới mênh mông hơn, trù phú hơn.
Những người con dân nước Việt chúng ta, với những khả năng khác nhau, nhưng chỉ cần hàn gắn và kết nối lại với nhau thì chắc chắn sẽ tạo nên con thuyền vô cùng vững chắc để đưa đất nước Việt Nam qua khỏi vũng lầy đày đoạ này và mau chóng đến với bến bờ tự do, dân chủ và đa nguyên.
Xin được kết thúc bài viết với lời nhắn nhủ của nhạc sỹ Trần Đức Quang trong bài hát Cho Đồng Bào Tôi:
“Một địa cầu mới hãy mọc lên,
Một thế giới mới hãy ra đời,
Một nền hòa bình vĩnh viễn mau đến cùng người.
Một đoàn người mới hãy vùng lên,
Bài ca tranh đấu hãy vang rền,
Và người vì người hãy chủ động nuôi lớn quê hương.”
Trương Sỏi
(4/7/2023)