Mối quan hệ Nga – Việt Nam không tĩnh lặng. Nó được định hình năng động bởi thực tế đương đại, đặc biệt là những lo ngại ngày càng tăng của Việt Nam về an ninh khu vực và sự trỗi dậy của Trung Quốc như một lực lượng thống trị trong liên vùng Ấn Thái Dương (Indo – Pacific).
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Putin tại Sochi (tháng 9 năm 2018)
Chuyến thăm Việt Nam của ông Putin đã vấp phải sự chỉ trích từ chính phủ Hoa Kỳ. Ngày 17/6, trả lời hãng tin Reuters, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết : "Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy tức là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình… Nếu ông ấy có thể đi lại tự do, điều này có thể bình thường hóa những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế" [1].
Tuyên bố này rõ ràng đề cập đến cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại nhà nước và nhân dân Ukraine, tiến hành từ tháng 2/2022 đến nay. Tuy nhiên, theo tin nội bộ, Việt Nam không mấy bất ngờ trước "lời trách cứ" này, vì đã có những động thái từ phía ngoại giao Mỹ cho thấy Washington vẫn kiên nhẫn chiến lược với Hà Nội. Phản ứng trên chỉ là ở "cấp thấp nhất", ở mức người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
Ông Putin sẽ thăm Hà Nội trong hai ngày 19 và 20/6. Dịp này, báo chí và truyền thông lề phải được phép mở hết công suất để ca ngợi quan hệ lâu đời Việt – Nga [2]. Hai ngày là trên danh nghĩa, thực chất Putin đến Hà Nội vào tối 19/6 và rời Hà Nội vào khoảng trưa hôm sau 20/6. Thông cáo báo chí cho biết, chuyến thăm cấp nhà nước này diễn ra theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nói ông Trọng mời là để nhắc lại cuộc điện đàm ngày 26/3/2024.
Vậy trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Putin thì người đưa ra lời mời liệu cũng là người tiếp đón chính thức là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ? Vậy cả Tổng bí thư lẫn Chủ tịch nước sẽ đón và hội đàm với Tổng thống Nga ? Tin cho hay, Putin sẽ gặp cả "bốn Trụ" trong "Bộ tứ" của Ba Đình, tức là cả Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm, Phạm Minh Chính và Trần Thanh Mẫn. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Thông cáo chung của Hội nghị hòa bình về Ukraine (15 – 16/6/2024) khẳng định cần đối thoại với Nga và với tất cả các bên để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã chỉ trích kết quả Hội nghị về Ukraine mà không có Nga tham dự [3].
Ý nghĩa địa-chính trị của chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam của Tổng thống Putin là hai nước tiếp tục sự hợp tác trên cấp độ chiến lược không chỉ trong việc củng cố quan hệ song phương, mà còn phản ánh sự thay đổi và thích nghi của mỗi nước trước những biến động lớn trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Liên bang Nga vẫn là một nhà cung cấp vũ khí quan trọng và có ý nghĩa lâu dài đối với mối quan hệ lịch sử song phương này. Tuy nhiên, mối quan hệ này không tĩnh, nó được định hình năng động bởi thực tế đương đại, đặc biệt là những lo ngại ngày càng tăng về an ninh khu vực và sự trỗi dậy của Trung Quốc như một lực lượng thống trị ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Những lo lắng của Việt Nam ngày càng tăng lên bởi thái độ quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc trưng bởi các yêu sách lãnh thổ chồng lấn và tranh chấp hàng hải. Tìm cách duy trì sự ổn định khu vực và bảo vệ chủ quyền của mình, Việt Nam dự cảm được mình đang điều hướng một hành động cân bằng bấp bênh. Yêu cầu tối ưu của Hà Nội trong hoàn cảnh hiện nay là đạt được trạng thái cân bằng mong manh ấy bằng cách tránh đối đầu vớ i Trung Quốc, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ và củng cố các kết nối khu vực [4].
Chuyến thăm Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên diễn ra trước chuyến thăm Việt Nam của Putin bị giới phân tích phê phán, cho rằng, việc Putin tiếp cận Kim Jong-un là một bước đi tuyệt vọng và có khả năng đó là một bước đi nguy hiểm. Trong khi ấy, mặc dầu có sự chỉ trích của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, đối với giới quan sát quốc tế, chuyến thăm Hà Nội của Putin chỉ nhằm "chứng minh rằng Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, không thiên vị bất kỳ cường quốc nào". Đó là nhận xét của Tiến sĩ Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS – Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore. Trong một bài viết trước đấy, Tiến sĩ Ian Storey cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị. Và theo Storey, không có quốc gia nào khác ở Đông Nam Á lại bị ảnh hưởng bởi điều này nhiều như Việt Nam. Nó sẽ tác động lớn lao đến sự tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về các vấn đề trên Biển Đông, cũng như đến việc hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với Nga [5].
Không giống với Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu (EU), một đối tác kinh tế quan trọng khác của Việt Nam, chưa có bình luận gì trước chuyến thăm sắp tới của Putin. Nhưng vào tháng trước, EU từng bày tỏ sự không hài lòng về quyết định của Hà Nội trì hoãn cuộc gặp với đặc phái viên EU để bàn về lệnh trừng phạt đối với Nga. Sự chậm trễ trong việc sắp xếp cho đặc phái viên của EU thăm Hà Nội được suy đoán là có liên quan đến quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm lần này của Putin [6]. Quan điểm thận trọng của EU phản ánh những lo ngại rộng lớn hơn về hành động quốc tế của Nga, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến tranh của Nga chống lại Ukraine. Trong khi EU đang tích cực tìm cách cô lập Nga về mặt kinh tế và ngoại giao, chuyến thăm sắp tới của Putin được xem là có thể làm suy yếu những nỗ lực này, đặc biệt khi Việt Nam có mối quan hệ quốc phòng đáng kể với Nga và đang thực hiện chính sách cân bằng chiến lược. Đã xuất hiện lo ngại, việc tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Việt Nam với các nước Châu Âu có thể bị ảnh hưởng bởi lập trường của Việt Nam đối với Nga [7].
Một số nhà quan sát trong nước còn nhận định, chuyến thăm của ông Putin đặt Việt Nam vào "thế khó", thậm chí có thể coi là "rủi ro" cho Hà Nội [8]. Rủi ro này càng tăng, thậm chí là nguy hiểm, nếu Putin đặt Hà Nội vào một phần trong chuỗi cung ứng đã được tái thiết kế để đảm bảo nhiều đầu vào cấp bách và tránh bị trừng phạt quốc tế. Trang tình báo nguồn mở Oryx của Hà Lan chuyên theo dõi tổn thất thiết bị trong cuộc chiến đang diễn ra cho biết, Nga đã mất hàng chục máy bay SU-30 trong cuộc chiến. Trong khi đó, Biden đã nâng thành luật việc cung cấp cho Ukraine thêm 61 tỷ USD viện trợ, còn Harris vừa tuyên bố gói chi viện 1,5 tỷ USD giúp Kiev khôi phục hạ tầng năng lượng. Chi tiêu quốc phòng của Nga cũng tăng khoảng 7,5% GDP [9]. Tình hình cho thấy các bên còn đánh nhau to ở Ukraine. Việt Nam sẽ bị kẹt cứng trong việc duy trì quan điểm trung lập đối với cuộc chiến tranh xâm lược mà nhiều "đối tác chiến lược toàn diện" của Việt Nam có lập trường và hành động ngược lại với Hà Nội.
Ngay vào thời điểm hiện tại, lãnh đạo Việt Nam vẫn luôn coi quan hệ với Nga là quan hệ truyền thống "đồng chí, anh em", và Nga cũng là "đối tác chiến lược toàn diện" của Việt Nam. Vấn đề mua bán vũ khí có thể sẽ là một trong những nội dung đứng đầu chương trình nghị sự trong khoảng 24 giờ của ông Putin ở Hà Nội. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo hai nước có thể sẽ tập trung vào cả những vấn đề nhạy cảm khác. Theo một trong những quan chức Việt Nam đã trả lời Reuters, ngoài vũ khí, có thể hai bên sẽ bàn vấn đề khai thác dầu khí của những công ty Nga ở các mỏ dầu trên Biển Đông, nơi xảy ra tranh chấp với Trung Quốc và vấn đề thanh toán trong bối cảnh các ngân hàng Nga đang là đối tượng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ liên quan đến chiến tranh Ukraine [10].
Cuối cùng, nhìn vào nước Nga giờ này của Putin, cũng có ý kiến trong giới phân tích băn khoăn, liệu Việt Nam dưới thời Chủ tịch Tô Lâm nắm quyền, sẽ có gì giống và khác với cách ông Putin cai trị nước Nga hiện nay ?
Đinh Hoàng Thắng
Nguồn : VOA, 18/06/2024
Tham khảo :
[2] https://vietnamnet.vn/viet-nam-nga-trang-su-ve-tinh-huu-nghi-xuyen-suot-nhieu-thap-nien-2292619.html
[3] https://www.voatiengviet.com/a/7659098.html
[9] https://www.eurasiantimes.com/130-bought-back-equipment-with-rise-in-demand/amp/#google_vignette