Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

13/08/2017

Chống tham nhũng hay chống nhau ?

Việt Hoàng

Vụ an ninh Việt Nam sang tận Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn đang còn nóng trong dư luận. Tuy nhiên các cuộc ‘tranh luận’ về chủ đề ‘chống tham nhũng’ của đảng cộng sản lại còn nóng hơn. Có những ý kiến cho rằng vụ bắt Trịnh Xuân Thanh chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và vì thế họ ủng hộ cái giá mà Việt Nam phải trả.

tham0

Có những ý kiến cho rằng vụ bắt Trịnh Xuân Thanh chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và vì thế họ ủng hộ cái giá mà Việt Nam phải trả

Tham nhũng là một trong ba mối nguy của Việt Nam (cùng với ô nhiễm môi trường và sự lệ thuộc vào Trung Quốc). Sự tàn phá của tham nhũng vô cùng kinh khủng. Nó hủy hoại tất cả. Nó đặt những kẻ bất tài, độc ác vào những vị trí cần người có năng lực và tử tế. Nó làm tha hóa tất cả, nó biến đen thành trắng, biến người xấu thành tấm gương, biến cái ác thành sự bình thường, nó làm đảo lộn hoàn toàn mọi giá trị trong cuộc sống. Tham nhũng khiến ngân sách trống rỗng và để bù đắp vào sự thiếu hụt đó chính quyền chỉ còn cách móc túi người dân ngày càng trắng trợn và thô bạo. Tham nhũng hủy hoại niềm tin của con người vào đất nước và giữa con người với nhau. Tham nhũng khiến kinh tế trì trệ vì các doanh nghiệp chán nản và mệt mỏi khi phải bôi trơn và hối lộ thường xuyên các cơ quan công quyền. Tham nhũng khiến y tế và giáo dục trở nên đắt đỏ ngoài tầm tay với của đa số người dân nghèo.

Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai nhận định : "Cả nhân dân lẫn chính quyền đều đồng ý rằng tham nhũng là quốc nạn và là giặc nội xâm tàn phá đất nước nhưng có lẽ chúng ta chưa ý thức được một cách đầy đủ sự độc hại của nó và trong xã hội đang có khuynh hướng chấp nhận đành sống với nó như một định mệnh. Nó đang trở thành một luật chơi và một định chế. Nhưng tham nhũng không thể dung túng. Nó làm hư hỏng tất cả. Nó đưa những người bất xứng vào những chức vụ quan trọng, trao những dự án lớn cho những nhóm lợi ích gian trá. Nó làm hỏng quy luật thị trường, lưu manh hóa con người và biến quan hệ xã hội thành một cuộc thi đua bịp bợm. Nó loại bỏ kiến thức, nghiên cứu và sáng tạo. Nó khiến mọi dự án và kế hoạch công cũng như tư trở thành vô nghĩa và vô dụng. Nó tàn hại cả môi trường và cơ sở hạ tầng vì bao che những ô nhiễm và cho phép những thi công xây dựng và bảo trì gian trá. Một thí dụ là dự án Bô-xít Tây Nguyên và quyết định cho xây ồ ạt những lò điện hạt nhân ; cả hai dự án này đều phi kinh tế và còn đe dọa sinh mệnh đất nước nhưng vẫn được áp đặt vì có lợi lớn cho các cấp lãnh đạo tham ô. Một thí dụ khác là sự xuống cấp nhanh chóng của hệ thống cầu đường dù mới xây cách đây không lâu. Nó đe dọa cả an ninh quốc gia bởi vì nếu tiền mua được tất cả thì không có gì lạ nếu nhiều quan chức cao cấp trong bộ máy nhà nước trên thực tế là những nội ứng của nước ngoài. Ở mức độ hiện nay của nước ta nó vừa làm đất nước lụn bại, vừa đe dọa an ninh và chủ quyền, vừa khiến các ý niệm quốc gia, dân tộc mất hết ý nghĩa. Nếu không bị chặn đứng nó sẽ nhanh chóng hủy diệt đất nước”. 

Câu hỏi quan trọng mà chúng ta cần phải có câu trả lời và đồng thuận với nhau đó là đảng cộng sản có thể chống được tham nhũng hay không ? Có lẽ là họ cũng muốn chống tham nhũng vì họ hiểu rằng tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ. Tuy nhiên muốn là một chuyện còn làm được hay không lại là một chuyện khác.

Có những ý kiến về tham nhũng hoặc là quá dốt hoặc là cố tình bao biện cho chế độ khi nói rằng tham nhũng là vấn nạn chung, nước nào cũng có… Những người này cố tình không biết đến sự khác nhau rất lớn giữa 1% và 99%. Các nước dân chủ cũng có tham nhũng nhưng chỉ là một vài phần trăm, nó khác xa với Việt Nam với tỉ lệ tham nhũng là 99%. Tham nhũng ‘ổ bánh mì’ với tham nhũng trong những vụ đại án hàng tỉ đôla về bản chất là giống nhau những hậu quả hoàn toàn khác nhau. Tham sân si là bản chất của con người, ai cũng muốn vơ vét và trục lợi cho bản thân nếu có điều kiện và nếu không bị phát giác.

Tham nhũng gắn liền với quyền lực. Chỉ có những người có quyền lực mới có thể tham nhũng vì ‘tham nhũng là một vi phạm đạo đức bằng cách sử dụng công quyền cho lợi ích cá nhân’. Như vậy những kẻ tham nhũng đều là đảng viên có chức, có quyền. Những đảng viên thường thì cũng phải chịu chung số phận như 90 triệu người dân Việt Nam, có nghĩa là phải ‘chung chi, lót tay’ khi đến cửa quan. Lâu dần đút lót, hối lộ và phong bì đã trở thành ‘văn hóa’ của người Việt.

Những đảng viên có chức có quyền và có thể tham nhũng là ai ? Điều này ai cũng biết: tất cả họ đều là đồng chí của nhau và đều là đảng viên đảng cộng sản. Việt Nam không có dân chủ nên các cơ quan thuộc về lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng chỉ là một, dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản. Đã là đồng chí, cùng hội cùng thuyền và suốt ngày hội họp, ăn nhậu cùng nhau thì làm sao họ có thể xử nhau một cách nghiêm túc ? Ông Nguyễn Phú Trọng từng kết luận ‘chống tham nhũng rất khó vì ta chống ta’.

Biện pháp chống tham nhũng mà đảng cộng sản vẫn sử dụng suốt 70 qua là ‘phê bình và tự phê bình’ tức là cấp dưới thấy cấp trên sai thì phải phê bình và thấy mình sai thì phải tự phê bình mình cùng với đó là việc thường xuyên ‘học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’. Một câu chuyện bi hài về phê bình cấp trên  trong một cuộc họp tổng kết cuối năm tại một cơ quan rằng, có ông bí thư chi bộ đứng lên phát biểu là ông muốn nghe những ý kiến phê bình của cấp dưới chứ không muốn nghe những lời tán dương vì ông đã chán ngán với những lời khen rồi. Ông động viên mãi cuối cùng mới có một người dũng cảm đứng lên phê bình ông rằng: ‘khuyết điểm lớn nhất và duy nhất của đồng chí bí thư suốt thời gian qua đó là đồng chí đã làm việc quá nhiều, đồng chí đã không quan tâm đúng mức đến sức khỏe của bản thân vì vậy tôi đề nghị đồng chí rút kinh nghiệm…’.

Với mức lương công bố năm 2016 thì lương của chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội là khoảng hơn 15 triệu đồng một tháng (1). Cấp tỉnh, huyện, xã chắc chắn phải thấp hơn. Tuy nhiên nhìn vào khối tài sản nổi (như nhà cửa, bất động sản) của các vị quan chức này thì ai cũng biết tiền đấy lấy từ đâu ra nếu không tham nhũng.

Văn hóa Khổng giáo đề cao ‘sự biết ơn’ một cách thái quá vào chính quyền, vào quá khứ vẫn đang còn ăn sâu trong tâm lý người Việt khiến cho chúng ta dễ thông cảm với việc tham nhũng và hậu quả là quan chức chính quyền xem việc tham nhũng như là một phần thưởng, một đặc ân mà nghiễm nhiên họ được hưởng. Đảng cộng sản luôn cho rằng họ đã có công đánh đuổi Pháp, Mỹ để giành độc lập nên họ có quyền lãnh đạo đất nước đến muôn năm, dù có sai sót gì thì từ từ họ sẽ sửa. Người dân Việt vẫn còn tâm lý đó khi chất vấn các tổ chức chính trị đối lập rằng ‘các ông bà đã có công trạng gì, đã làm được gì chưa mà đòi cầm quyền hay chia sẻ quyền lực với đảng cộng sản’… hay ‘ngoài đảng cộng sản ra chưa thấy có ai có khả năng lãnh đạo đất nước’… không ít người trong số này là trí thức có học vị rất cao như giáo sư, tiến sĩ… Những người này không hiểu rằng tính chính danh của chính quyền phải đến từ sự ủy quyền của người dân trong hiện tại, bốn năm một lần, thông qua các cuộc bầu cử tự do và minh bạch. Đất nước không phải là chiến lợi phẩm để chia chác và ban thưởng.

Khi người Việt vẫn còn xem đất nước Việt Nam là ‘chiến lợi phẩm’ mà đảng cộng sản đáng được hưởng thì việc trông chờ họ chống tham nhũng là chuyện viển vông. Trong bài viết ‘Một cách nhìn tham nhũng và chống tham nhũng’ ông Nguyễn Gia Kiểng đã đặt câu hỏi :

"Khi một nhóm người đã tự cho phép mình dùng bạo lực để khống chế cả một dân tộc, bất chấp mọi nguyện vọng và mọi lý luận, thì nhóm người đó trên thực tế đã hành xử như một bọn cướp võ trang uy hiếp con tin bằng họng súng. Một đảng cầm quyền như thế không có tư cách để nói đến chống tham nhũng. Kẻ đã cướp cả đất nước có tư cách gì để lên án những tên móc túi. Và khi đất nước đã bị chiếm đoạt làm của riêng cho một nhóm người thì làm sao còn có thể nói đến lòng yêu nước, nền tảng của đạo đức quốc gia ?" (2).

Theo ông thì "muốn chống tham nhũng thì phải có dân chủ và cũng phải có đội ngũ mạnh, nghĩa là phải có một tổ chức dân chủ thật gắn bó với đầy quyết tâm, của những người dân chủ thực sự và trong sạch thực sự, quyết tâm đánh bại độc tài, bạo lực và lòng tham dù phải chịu những hy sinh lớn".

 Ông cho rằng ‘một chính quyền tham nhũng không thể thay đổi mà chỉ có thể thay thế’. Các chính quyền dân chủ (hậu Xô viết) như Gruzia hay Ukraine đã nhanh chóng thay thế hoàn toàn các cơ quan có khả năng tham nhũng nhất như cảnh sát giao thông, thuế vụ, viện kiểm sát, tòa án, hải quan… Muốn làm được điều đó thì phải có một chính quyền mới, đoạn tuyệt với những tư duy cũ, tư duy xem đất nước như là của riêng mình, đoạn tuyệt với quá khứ chiến tranh, bạo lực, đấu tố, độc tài, bất dung.

Một chính quyền mới đó chỉ có thể là một kết hợp giữa một tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn và có viễn kiến với các lực lượng tiến bộ trong đảng cộng sản.

Cuộc chiến ‘chống tham nhũng’ hiện nay do đảng cộng sản tiến hành chỉ là việc đấu đá, tranh dành quyền lực giữa các phe nhóm. Giả sử phe ông Nguyễn Phú Trọng chiến thắng trong việc loại bỏ hoàn toàn phe cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng rồi thì sao ? Tham nhũng sẽ hết ? Dân chủ sẽ đến với Việt Nam ? Cuộc sống người dân Việt Nam sẽ được cải thiện ? Hoàn toàn không có chuyện đó mà là ngược lại. Tham nhũng và cướp bóc sẽ gia tăng khi phe chiến thắng tranh thủ vơ vét và hưởng thụ ‘thành quả cách mạng’. Phe thắng cuộc lại tiếp tục xem đất nước như là chiến lợi phẩm để ban phát cho nhau và thậm chí là còn thô bạo hơn vì họ đang độc quyền và chiến thắng.

Đất nước đang đứng trước những ngả rẽ nguy hiểm, việc hình thành một tổ chức dân chủ hùng mạnh và có tầm vóc để làm giải pháp thay thế cho giải pháp cộng sản đang là một đòi hỏi khẩn trương và cấp bách cho Việt Nam. Vai trò và trọng trách lịch sử này đặt trên vai tầng lớp trí thức chính trị Việt Nam.

Việt Hoàng

(13/8/2017)    

(1) http://vtc.vn/luong-cua-chu-tich-nuoc-thu-tuong-chu-tich-quoc-hoi-la-bao-nhieu-d270961.html

(2) https://thongluan2016.blogspot.com/2016/12/mot-cach-nhin-tham-nhung-va-chong-tham.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)