Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

16/08/2017

Có gì khác biệt giữa chủ nghĩa thân hữu và nhóm lợi ích ?

Mai V. Pham

Chủ nghĩa thân hữu (cronyism) không phải là một khái niệm mới lạ. Chủ nghĩa thân hữu xuất hiện ngày càng phổ biến ở Việt Nam, được phơi bày dưới tên gọi của "nhóm lợi ích". Những vụ thất thoát, thua lổ và tham nhũng từ trăm đến hàng ngàn tỉ đồng, đều có liên quan đến những nhóm "nhất thân, nhì thế", "con ông cháu cha", "tư bản đỏ", hoặc mafia chính trị. Những nhóm "thân hữu" kiểu này trong đảng cộng sản ngày càng bành trướng thế lực, thao túng nhiều lĩnh vực, bòn rút của công, đặc biệt là luôn tìm cách thương mại hóa quyền lực chính trị. Nói ngắn gọn, nhóm "thân hữu" cấu kết với các quan chức cấp cao của chính quyền nhằm mưu cầu đặc lợi.

capi1

Chủ nghĩa thân hữu xuất hiện ngày càng phổ biến ở Việt Nam, được phơi bày dưới tên gọi của "nhóm lợi ích".

Hệ quả mà những nhóm "thân hữu" này gây ra đã làm kiệt quệ đất nước, xã hội suy tàn, bất bình đẳng xã hội xảy ra khắp nơi và hố cách giàu nghèo ngày càng sâu rộng. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tiến trình dân chủ hóa Việt Nam còn chậm rãi, ì ạch là do sự biến tướng mạnh mẽ của những nhóm lợi ích kiểu "thân hữu" này. Cũng dễ hiểu, bởi sự tồn vong của chế độ cũng chính là sinh mạng của nhóm trục lợi này. Giải pháp duy nhất để xóa bỏ chủ nghĩa thân hữu, "lợi ích nhóm" là thiết lập nền nền pháp luật nghiêm minh trong một thể chế Dân chủ Đa Nguyên, thực sự.

Chủ nghĩa thân hữu ngày càng phát triển tràn lan ở nhiều nước, đe dọa những giá trị tốt đẹp của dân chủ. Thông Luận trân trọng gửi đến bạn đọc bài phân tích, "Chủ nghĩa tư bản không thắng Chiến tranh lạnh. Tại sao chủ nghĩa thân hữu mới thực sự là người thắng cuộc ?" (1), của Sami J. Karam, được đăng trên Foreign Affairs, số ra ngày 19/07/2017. Cũng nên biết, Foreign Affairs tờ báo hàng đầu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và các vấn đề toàn cầu.

Quí đọc giả sẽ khám phá dưới đây bài viết đặc sắc của Sami J. Karam, một nhà phân tích chiến lược chính trị quốc tế nổi tiếng của Mỹ, về những đặc điểm nổi bật trong nền kinh tế của chủ nghĩa thân hữu và cảnh báo những nguy cơ bành trướng đáng lo ngại của chủ nghĩa thân hữu toàn cầu.

Mai V. Pham

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

*****************

Chủ nghĩa tư bản không chiến thắng Chiến tranh Lạnh. Tại sao chủ nghĩa thân hữu mới thực sự là người thắng cuộc ?

Sami J. Karam, 15/08/2017

Khi Liên Xô sụp đổ cách đây 26 năm, người ta thường đồng ý rằng phương Tây đã giành thắng lợi trong Chiến tranh Lạnh (Cold War). Điều này đã được khẳng định bởi sự phồn vinh và những cơ hội đang chào đón công dân của các nước phương Tây, hoàn toàn trái ngược với tình trạng trì trệ về chính trị và kinh tế ở các nước cộng sản. Một kết luận tự nhiên được lặp đi lặp lại nhiều lần vào thời điểm đó, chính là chủ nghĩa tư bản cuối cùng đã đánh bại chủ nghĩa cộng sản.

capi2

Khi Liên Xô sụp đổ cách đây 26 năm, người ta thường đồng ý rằng phương Tây đã giành thắng lợi trong Chiến tranh Lạnh (Cold War).

Lời tuyên bố này chỉ đúng một phần. Nếu lấy chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản làm hai nhân vật chính sau chiến tranh Thế giới lần thứ II, thì thật dễ dàng nhận thấy chủ nghĩa cộng sản đã bị một đòn chí tử. Nhưng có một nhân vật chính thứ ba, đã bí mật nằm giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Đây là một hệ thống được nhận diện rõ ràng nhất vào lúc này, đó là chủ nghĩa thân hữu (cronyism).

Nếu chủ nghĩa tư bản chiến thắng trước hai đối thủ kia vào năm 1991, thì chiến thắng đó chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn. Trong những năm tiếp theo, chính chủ nghĩa thân hữu đã có mặt ngày càng nhiều trong các hoạt động kinh tế. Một cuộc khảo sát về sự phân chia quyền lực và giàu có trên khắp thế giới, đã chứng minh rõ ràng : chủ nghĩa thân hữu, chứ không phải là chủ nghĩa tư bản, cuối cùng đã thắng thế.

Định nghĩa chủ nghĩa thân hữu

Chủ nghĩa thân hữu là gì ?

Trong một bài viết trước, tôi đã phản đối cụm từ "chủ nghĩa tư bản thân hữu" (crony capitalism), được dựa trên lập luận cho rằng chủ nghĩa thân hữu chính nó sẽ tự chống lại các nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản và, vì thế không nên xem chủ nghĩa thân hữu bắt nguồn từ tư bản.

Chủ nghĩa thân hữu là một hệ thống tách biệt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội vốn bị nhà nước kiểm soát. Khi một đất nước trôi dạt từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội, thì chính giai đoạn quá độ là thời kỳ mà những "thân hữu" cai trị lãnh thổ.

Chủ nghĩa thân hữu quá độ được cho là tư bản, trong khi chủ nghĩa xã hội tuyên bố là theo đuổi chủ nghĩa quân bình (egalitarian). Nhưng cả hai đều rất giống nhau, ngoại trừ sự khác biệt nằm ở số lượng thành viên của nhóm thân hữu nắm quyền. Trong các xã hội của chủ nghĩa thân hữu, một nhóm lớn hơn sẽ bòn rút phần lớn hơn của cải trong xã hội cho bản thân và những người cộng sự. Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, một nhóm nhỏ hơn nhưng hăng hái và dã man hơn tranh giành sự giàu có và quyền lực : bởi vì các nền kinh tế của chủ nghĩa quân bình thường ít hiệu quả hơn trong việc tạo ra của cải, nên dẫn đến sự đấu đá quyết liệt giữa các nhà lãnh đạo trong chế độ xã hội chủ nghĩa.

Malcolm S. Salter của Đại học Harvard đưa ra một định nghĩa hữu ích về chủ nghĩa thân hữu, đó là một sự chuyển tiếp quá độ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, mặc dù Malcolm vẫn trung thành với thuật ngữ "chủ nghĩa tư bản thân hữu" (crony capitalism). Trong bài luận năm 2014, có tựa "Chủ nghĩa tư bản thân hữu, phong cách Mỹ : Chúng ta đang nói về điều gì ở đây ?", Salter đã viết :

"Xóa bỏ những đặc điểm cơ bản của nó, chủ nghĩa tư bản thân hữu truyền đạt một quan điểm được chia sẻ - đôi khi dẫn đến sự thông đồng giữa các ngành công nghiệp, các nhà quản lý và Quốc hội, tạo ra các chính sách và đầu tư kinh doanh thuận tiện, nhằm phục vụ lợi ích cá nhân bằng cái giá của lợi ích xã hội".

Nói tóm lại, chủ nghĩa thân hữu diễn ra khi các quan chức chính phủ và doanh nghiệp thông đồng với nhau để trục lợi và tranh giành những đặc lợi về kinh tế. Sự cấu kết thông đồng này làm suy yếu chế độ dân chủ trong chính phủ lẫn sự cạnh tranh trong kinh doanh ; do đó gây ra những hậu quả ngắn và dài hạn.

Trong trường hợp thứ nhất, các nguyên tắc dân chủ về đại diện công bằng và tiếp cận bình đẳng, bị phá hủy bởi ảnh hưởng chính trị, mà các cá nhân và nhóm lợi ích liên kết, được thông qua từ những lời hứa ngầm hoặc thẳng thắn về ủng hộ tài chính cho các chiến dịch tranh cử hoặc hứa hẹn tạo ra những việc làm hấp dẫn trong tương lai.

Trong trường hợp thứ hai, các nguyên tắc tự do kinh doanh của cạnh tranh tự do và khen thưởng xứng đáng được thỏa hiệp, khi các nhà đầu tư nhu nhược tìm cách củng cố vị trí bằng các quy định có lợi ; hoặc để bảo đảm nhận được các khoản cứu trợ của chính phủ khi không thể nào tránh khỏi sự phá sản. Bên dưới chủ nghĩa thân hữu, tất cả những tổn hại này trở thành đồng tiền chung, nhưng chỉ dành cho những tay "chơi lớn" với thu nhập cao, và vì thế sẽ gây phương hại cho các doanh nghiệp nhỏ và công dân.

Salter xác định thêm 3 yếu tố chính trong chủ nghĩa thân hữu tư bản : chiến dịch đóng góp tài chính cho các quan chức được bầu chọn, vận động hành lang dữ dội của Quốc hội và các cơ quan viết luật ; và một cánh cửa xoay tự động giữa các cơ quan chính phủ và tư nhân. Mặc dù nhiều ngành công nghiệp có thể nhận được lợi ích từ các hoạt động khai thác hoặc các hoạt động luồn lách "mưu cầu đặc lợi" (rent-seeking activities). Tuy nhiên, một số ngành lại có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn các ngành khác. Như tờ The Economist lưu ý, các ngành tài chính, năng lượng, cơ sở hạ tầng và bất động sản, có một lịch sử đáng ngại trong việc lôi cuốn và nuôi dưỡng những thân hữu.

Chủ nghĩa thân hữu trong thế giới hoang dã (Cronyism in the Wild)

Sau khi giải thích ý nghĩa của chủ nghĩa thân hữu, chúng ta hãy xem xét sự phổ biến của nó trong thế giới ngày nay. Điều này có thể khó xác định, bởi vì sự liên kết giữa các ưu đãi cá nhân và chính sách công không phải lúc nào cũng bất hợp pháp, rõ ràng, hoặc thậm chí được biết đến. Do đó, rất khó để đo được quy mô của chủ nghĩa thân hữu trong một bối cảnh nhất định : để đưa ra một phán quyết về việc liệu như - nếu có – nó có phải là một vấn đề nhỏ hay lớn.

Tuy nhiên, chúng ta có thể rút ra một số kết luận về chủ nghĩa thân hữu đã có mặt nhiều như thế nào trong một nền kinh tế, bằng cách đánh giá thành quả của nền kinh tế đó. Có bốn biểu hiệu chính đóng vai trò là những dấu hiệu cảnh báo, nơi mà chủ nghĩa thân hữu có thể đang cai trị.

Thứ nhất, cần được xem là một "dấu hiệu báo động" (red light) nếu một quốc gia có điểm số thấp trong chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International's Corruption Perceptions Index) và nền kinh tế đó bị phụ thuộc bởi các ngành khai khoáng. Ở những quốc gia như vậy, các tầng lớp doanh nhân và chính phủ liên kết chặt chẽ với nhau bằng cách tăng cường việc nắm giữ quyền lực và của cải, cũng như ngăn chặn cơ hội đến với các đối thủ cạnh tranh. Trong nhiều trường hợp, những cá nhân này được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư, đến từ các tập đoàn nước ngoài, thường là trong lĩnh vực năng lượng hoặc khai thác khoáng sản, sẽ tìm cách để mưu cầu lợi ích với chính quyền địa phương, nhằm đảm bảo quyền được thăm dò. Vốn cược cao và số lượng tiền khổng lồ nhằm củng cố vị thế của giới thượng lưu thường gây ra thiệt hại cho người dân thường.

Một vài quốc gia sản xuất dầu khí là những ví dụ điển hình. Lấy một ví dụ, Cộng hòa Guinea Xích Đạo là một quốc gia nhỏ nhưng lại giàu nguồn dầu mỏ, trước khi giá dầu giảm GDP bình quân đầu người là 48.000 đô la vào năm 2012. Tuy nhiên, Guinea Xích Đạo bị xếp vào hạng 144 trong số 187 theo hệ số Gini, thước đo sự bất bình đẳng về thu nhập hoặc sự phân phối giàu nghèo trong một xã hội. Guinea Xích Đạo cũng bị đánh giá kém về các chỉ số tham nhũng, với cáo buộc những người thân cận và gia đình của tổng thống đã chiếm lấy phần lớn các khoảng thu nhập từ nguồn dầu mỏ.

Để đóng cái vòng luẩn quẩn của dòng tiền, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của các nước đang phát triển đã chuyển một phần lớn tài sản của họ vào bất động sản ở các thành phố lớn như London hay New York, hoặc gửi tại các ngân hàng ở Thụy Sĩ. Sau đó, phần lớn các tài sản này được phân phối cho các nhà quản lý tài sản, quỹ đầu tư và tổ chức khác trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới - không chỉ New York, London và Hồng Kông mà còn cả vào những thiên đường tài chính như quần đảo Cayman, Panama, Cyprus và các nơi khác ở nước ngoài để tránh bị đánh thuế.

Thứ hai, nếu một quốc gia yếu kém về tổ chức và quản lý xã hội thì tính độc lập của cơ quan tư pháp, bình đẳng giới, và nhân quyền sẽ bị tụt hậu, chủ nghĩa thân hữu có thể được cho là một nhân tố gây ra. Chỉ số Pháp quyền thượng tôn pháp luật (Rule of Law Index) của tổ chức World Justice Project cho thấy, Venezuela bị xếp vào hạng tồi tệ nhất, thấp hơn cả Afghanistan vốn đang bị xé nát bởi chiến tranh. Venezuela còn bị xếp vào hạng thấp nhất về sự cởi mở của chính quyền, tư pháp và chế tài hình sự. Một lần nữa, không có gì ngạc nhiên khi các quyết định liên quan đến cai trị và thương mại chỉ được thực hiện bởi một phe nhóm nhỏ.

capi3

Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, được cho là một trong những chính trị gia có mức lương cao nhất thế giới.

Venezuela là ví dụ sống động hiện nay của chủ nghĩa thân hữu kiểu xã hội chủ nghĩa, nơi mà Chavez bị cho ra ngoài lề và được thay thế bằng một cơ cấu quyền lực mới, với tuyên bố theo đuổi chủ nghĩa quân bình, nhưng về cơ bản cũng lại là thân hữu của người vừa bị thay thế.

Nền kinh tế Venezuela đang rơi vào vòng xoáy lao dốc và nhiều lãnh đạo được cho là đã chiếm đoạt một lượng lớn tài sản quốc gia. Các nhà hoạt động cáo buộc họ hàng của Hugo Chavez đã tích lũy tài sản khổng lồ bằng cái giá của những tổn thất và mất mát của quốc gia. Người kế nhiệm Hugo Chavez là Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro, được cho là một trong những chính trị gia có mức lương cao nhất thế giới. Dưới thời Maduro, những người thân cận trong chính quyền của ông đã trở nên giàu có trong suốt nhiệm kỳ của ông. Điều này đã và đang diễn ra khi mà điều kiện sống của một người dân Venezuela trung bình, ngày càng tồi tệ trong những năm gần đây.

Thứ ba, nếu nền kinh tế của một quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu thương phẩm hoặc các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, chứ không phải dựa vào năng suất hoặc cải cách đổi mới, thì chủ nghĩa thân hữu cũng có thể là một nhân tố nổi trội. Cộng hòa Guinea Xích Đạo và Venezuela là một trong những ví dụ điển hình. Nhưng trong số các nước lớn hơn, Brazil và Nga cũng phù hợp với mô tả này. Cả hai đều phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu hàng hóa, và đều bị phá hủy bởi tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu đặc trưng. Ví dụ, ở Brazil, sự thông đồng cấu kết từ lâu đời, giữa chính phủ và doanh nghiệp, đang bị phơi bày trong một loạt các vụ scandals liên quan đến các quan chức chính phủ và giám đốc điều hành của các tập đoàn năng lượng, cơ sở hạ tầng và tài chính hàng đầu như Petrobras, Odebrecht và BTG Pactual.

Thứ tư, bất bình đẳng về thu nhập cao có thể được hiểu là chủ nghĩa thân hữu đã đóng một vai trò làm giảm bớt đi sự cạnh tranh trong nền kinh tế đó. Các nước phát triển không miễn nhiễm với căn bệnh này, vì chủ nghĩa thân hữu và bất bình đẳng đã phát triển cùng nhau ở Hoa Kỳ từ giữa những năm 1990. Phần lớn sự bất bình đẳng này đến từ việc làm giàu của các cá nhân, hoạt động trong các ngành năng lượng, tài chính, luật pháp và bất động sản.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng chủ nghĩa thân hữu là một vấn đề đặc trưng ở các nước BRIC tên viết tắt của các nước Brazil, Russia, India và China) và tại các nền kinh tế đang phát triển.

Nhưng chủ nghĩa thân hữu đã phá hoại nhiều như thế nào các nền kinh tế của các nước phương Tây phát triển ? Câu hỏi này rất quan trọng, bởi vì các xã hội này tự hào về tính công bằng cạnh tranh với các thể chế cân bằng và được kiểm chứng theo thời gian. Có một số cách để đánh giá điều này : trước hết, bằng cách nhìn vào dòng tiền đã chảy từ các quốc gia đang phát triển đổ vào các nước phát triển. Thứ hai, bằng cách sử dụng bộ công cụ của Salter. Và thứ ba, bằng cách kiểm tra bốn chỉ tiêu đầu ra được thảo luận ở phần trên.

Xem xét từng yếu tố

Có khá nhiều bằng chứng cho thấy các tầng lớp thượng lưu trên thế giới đã nhận lợi ích từ của cải, sự giàu có được tạo ra bởi Trung Quốc và các quốc gia mới nổi. Các ngân hàng đầu tư đã thu được hàng tỷ đô la tiền phí bằng cách bảo lãnh phát hành hàng nghìn tỷ cổ phần và các khoản nợ, kể từ đầu những năm 1990. Họ đã cầu cạnh các nhà lãnh đạo nước ngoài, các nhà môi giới quyền lực, và để đổi lấy các hợp đồng lớn. Và một số trong đó không phải lúc nào cũng vì lợi ích cao nhất của người dân. Ví dụ, bằng chứng rõ ràng là một số quốc gia giàu dầu mỏ ở Châu Phi đã thỏa thuận hợp tác với các công ty năng lượng nước ngoài, nhằm tạo lợi thế cho giới thượng lưu trong nước, nhưng lại có hại cho công dân.

Những nhà quản lý tài sản của các quỹ đầu tư nước ngoài đã khuyếch trương các dòng thu nhập có lợi nhuận, nhằm quản lý sự giàu có của các tầng lớp thượng lưu ở các quốc gia thân hữu mới nổi, bằng cách đầu tư vào các nền kinh tế an toàn và triển vọng hơn.

Mạng lưới công bằng thuế (Tax Justice Network) ước tính vào năm 2016, có khoảng 12 nghìn tỷ đô la từ các nước đang phát triển được chuyến đến những nơi tránh thuế ở nước ngoài. Trên thực tế tổng số tiền chuyển vào, bao gồm cả tiền có nguồn gốc từ các quốc gia giàu có, được cho là cao hơn rất nhiều.

Ngành bất động sản cũng hoạt động như thế : những căn nhà cao cấp được dành để bán cho những tay đầu sỏ chính trị đến từ các nước có nền kinh tế tham nhũng, hay chính trị bất ổn. Việc đổ tiền vào các quỹ đầu tư và bất động sản cực kỳ cao cấp thường là một lựa chọn đầu tư dở nhất, nhưng đối với những chính trị gia đầu sỏ giàu có, sự lựa chọn đó lại là những cá cược an toàn hơn là giữ chặt của cải tại quê nhà, nơi mà những thay đổi chính trị sẽ làm gia tăng nguy cơ bị tước đoạt.

Thị trường những căn nhà cao cấp, sang trọng đã bùng nổ nhiều năm ở Hoa Kỳ, tại các thành phố như New York và Miami đã thu hút hàng chục ngàn tỷ đô la đầu tư đến từ nước ngoài. Một báo cáo của tờ Washington Post, "Những gì mà nhiều người Mỹ có thể không nhận ra ?", giải thích vào năm 2016 "các công ty có vỏ bọc nước ngoài đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế Mỹ thông qua thị trường bất động sản". Và, "...trong năm 2015, 58% tổng số tiền mua bất động sản của trị giá hơn 3 triệu đô la đến từ các công ty trách nhiệm hữu hạn, chứ không phải bởi những người tên tuổi". Tờ New York Times năm 2015 ước tình rằng, trong 6 tòa nhà mắc mỏ nhất ở phố Manhattan, các công ty có vỏ bọc nước ngoài chiếm từ 57% đến 77%.

Nhìn vào bốn chỉ số đầu ra, chúng ta thấy rằng cả bốn chỉ số này ngày càng phổ biến ở các nền kinh tế phương Tây. Kể từ đầu những năm 1990, khu vực tài chính và các ngành "mưu cầu đặc lợi" (rent-seeking) đã tăng trưởng nhanh chóng, đóng góp một phần lớn vào GDP và lợi nhuận của tập đoàn.

Sự độc lập của hệ thống tư pháp cũng đã được đưa ra thảo luận trong những năm gần đây do cánh cửa xoay tròn và những gì mà Jesse Eisinger của Pro Publica đã gọi là "mối quan hệ thượng lưu" (elite affinity), có nghĩa là những người học cùng trường và những người làm việc cùng công ty, thường trân trọng hợp tác cùng nhau hơn là đối đầu, thậm chí ngay cả trong trường hợp khi đối đầu là cần thiết.

Năng suất của Hoa Kỳ đã bị đình trệ trong những năm gần đây và lợi nhuận của các doanh nghiệp Hoa Kì đã ngày càng phụ thuộc vào các hoạt động của nước ngoài. 

Cuối cùng, kinh tế gia Thomas Piketty và các nhà kinh tế khác đã chỉ ra rằng, sự tập trung tài sản đã gia tăng đều đặn từ năm 1980. Nhưng bắt đầu từ năm 1980, tỷ lệ này tăng mạnh cho tới ngày hôm nay, chiếm gần 50%. Một cách công bằng hơn, không phải tất cả sự gia tăng này là do chủ nghĩa thân hữu và sự suy giảm tính cạnh tranh. Công nghệ và khả năng để thúc đẩy thương hiệu mạnh vào thị trường mới nổi cũng đóng vai trò quan trọng. Nhưng chắc chắn không có nghi ngờ gì khi những người có vị trí rất tốt trong các ngành công nghiệp khai khoáng được hưởng lợi ích nhiều đáng kể. Trong số đó, là các giám đốc điều hành của các tập đoàn tài chính và thương phẩm.

Chủ nghĩa thân hữu, bên thắng cuộc

Bằng chứng cho thấy một hệ thống kinh tế đã giành được chiến thắng sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, thì hệ thống kinh tế đó không phải là chủ nghĩa tư bản, một chủ nghĩa được xuất khẩu từ phương Tây đến phần còn lại của thế giới. Thay vào, đó là chủ nghĩa thân hữu, đang lan rộng từ phần còn lại của thế giới đến Hoa Kỳ và Châu Âu.

Trong các tin tức nổi bật ngày nay, mối quan hệ mờ ám giữa chính quyền Trump (gồm các nhà hoạt động tài chính, bất động sản, năng lượng và luật pháp) và những lợi ích mật của Nga, đã nhấn mạnh lập luận rằng, tiền và ảnh hưởng phát sinh từ các nền kinh tế nhỏ, thực sự có thể gây ra tác động ăn mòn sâu sắc trên các định chế của các quốc gia phương Tây giàu có. Trump với thương hiệu riêng của chủ nghĩa thân hữu chế giễu những chuẩn mực đạo đức hòa nhã, và đang chi phối, cản trở những người tiền nhiệm với cùng ý thức hệ.

Mức độ công khai của chủ nghĩa thân hữu, nếu có, đã không được nhìn thấy ở Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian rất dài. Nhưng điều đó dựa trên thói quen đã có từ hàng thập kỉ qua, trong lúc nền kinh tế có vẻ là mở rộng của Hoa Kỳ, đang đi ngày càng xa và xa hơn nữa các nguyên tắc tự do kinh doanh vốn có và tiến lại gần hơn với chủ nghĩa thân hữu đích thực. 

Sami J. Karam

Mai V. Pham chuyển ngữ  

Nguồn : "Capitalism Did Not Win the Cold War. Why Cronyism Was the Real Victor ?"

https://www.foreignaffairs.com/articles/world/2017-07-19/capitalism-did-not-win-cold-war

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai V. Phạm
Read 2475 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)