Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

11/10/2017

Niềm tin, yếu tố quyết định cho mọi thắng lợi

Việt Hoàng

Bản thân tôi cũng như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (gọi tắt là Tập Hợp) luôn luôn đề nghị và kêu gọi những người dân chủ Việt Nam hãy đấu tranh có tổ chức, không nên làm cách mạng kiểu nhân sĩ, nghĩa là ‘một mình một ngựa’ không tham gia vào tổ chức nào, vì sẽ không dẫn đến đâu. Điều này có thể làm phiền lòng một số người nhưng đó là sự thật đã được thời gian chứng minh.

mot1

Một mình một ngựa không còn là phương thức đấu tranh mang lại hiệu quả, cho dù rất can cường và dũng cảm

Tuy nhiên có một việc mà các bloggers đã làm được và có kết quả rất tốt trong thời gian qua khiến đảng cộng sản đau đầu, đó là làm xói mòn niềm tin của người dân Việt Nam vào đảng cộng sản. Trang ‘Nhật Ký Yêu Nước’ là một ví dụ. Đảng cộng sản và các quan chức của đảng hiện rõ lên trong mắt người dân là những người bảo thủ, cực đoan, ngu dốt, vô học và bất tài. Tất nhiên không phải quan chức nào của đảng cũng thế, nhưng đa số là như vậy.

Không phải tự nhiên mà ban tuyên huấn đảng luôn kêu gọi là phải ‘chống diễn biến hòa bình, chống tự chuyển hóa, tự diễn biến’ trong nội bộ đảng. Đảng cộng sản đề ra những qui định rất nghiêm ngặt với đảng viên của mình, nhất là hai thành phần bảo vệ chế độ là công an và quân đội. Hai lực lượng này không được tham gia mạng xã hội, không được truy cập các trang web ‘phản động’, không được tự do xuất ngoại… Như thế vẫn chưa yên tâm, mới đây nhất, trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường quân đội và công an năm 2017, đảng cộng sản áp dụng chế độ ưu tiên cộng điểm cho các vùng sâu, vùng xa. Thoạt nhìn cứ tưởng đó là ‘lòng tốt’ của đảng nhưng thực chất là đảng cộng sản không muốn nhận vào quân đội và công an những thanh niên sống ở thành phố, vì những người này ‘tiếp xúc’ thường xuyên với các thông tin đa chiều thông qua các mạng xã hội. Kết quả là nhiều thanh niên thành phố đạt 30 điểm cho ba môn thi vẫn bị trượt vì điểm họ lấy là 30,5.

Chính quyền Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra qui chế ‘cấm công chức phát ngôn tùy tiện trên mạng xã hội’. Chưa kể trước đó đã có những qui định rằng muốn làm trưởng, phó phòng trong các cơ quan chuyên môn của nhà nước cũng cần có chứng chỉ của các khóa học về chính trị từ ban tuyên giáo. Thậm chí học viên tài chính trong môn thi về bơi ếch cũng phải chứng minh được ‘tính đảng’ trong đó. Tóm lại, đảng cộng sản đang cố gắng làm cái việc mà dân gian gọi là ‘lấy thúng úp voi’ khi tìm mọi cách ngăn cản người dân Việt Nam và công chức nhà nước tiếp cận với các thông tin đa chiều liên quan đến của cuộc sống của mọi người.

Chúng ta đều biết rằng đảng cộng sản chỉ có thể tồn tại dựa trên sự dối trá và bạo lực. Dối trá để người dân khỏi chống đối, và bạo lực để khuất phục những người biết rõ sự dối trá của đảng. Những bản án nặng nề dành cho những người hoạt động xã hội như Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Oai, các thành viên hội ‘Anh Em Dân Chủ’… là một minh chứng. Chính quyền đã qui kết cho họ những tội danh hết sức nghiêm trọng như ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’. Làm sao những người dân ‘một thân một mình’ có thể làm được điều đó ? Lý do chính quyền lo lắng và sợ hãi là vì những người này mất hoàn toàn niềm tin vào đảng và đang truyền luồng suy nghĩ đó cho những người khác. Hay nói một cách cụ thể, chính quyền sợ những bloggers này tạo các đốm lửa cho các cuộc phản kháng trên một bình diện rộng lớn hơn, nghĩa là một cuộc ‘cách mạng đường phố’.

Có thể thấy rằng niềm tin của người dân (những người có chút hiểu biết) vào đảng cộng sản đã hoàn toàn chấm hết. Những cuộc tranh trừng trong nội bộ đảng cộng sản hiện nay cho thấy sự ruỗng nát của chế độ, không một ai (tôi nhắc lại) không một ai đương quyền trong đảng cộng sản và chính quyền không dính vào tham nhũng, không nhiều thì ít. Một lý do rất giản dị, muốn vào đảng, công an, quân đội hay chính quyền đều phải đút lót, phong bì. Mặc dù vậy, vẫn còn một số người, trong đó có cả những người trí thức, trước đây vẫn hy vọng và trông chờ vào sự tự thay đổi của đảng, nay thì đã rõ : không thể thay đổi một cơ chế tham nhũng đang ruỗng nát. Đó là một bước tiến dài trong quá trình nhận thức và thay đổi tư duy của người Việt. Tuy nhiên để Việt Nam có dân chủ thì cần thêm một bước đột phá nữa về tư duy, đó là cần phải đặt niềm tin vào một tổ chức chính trị khác, ngoài đảng cộng sản.

Niềm tin vào một tổ chức chính trị mới đang đến rất gần vì thời gian đã làm những công việc của nó. Một trong những tiếng nói thức thời và có trọng lượng là trường hợp giáo sư Nguyễn Đình Cống, ông cho rằng khả năng để ông Nguyễn Phú Trọng và ban lãnh đạo đảng cộng sản có thể tự mình thay đổi về hướng dân chủ là rất thấp (dưới 1%). Ông cũng cho rằng chỉ có một kết hợp giữa những đảng viên ‘tử tế, có trí tuệ, có dũng khí và lòng yêu nước chân chính’ lại với nhau và với những người dân chủ ngoài đảng để thành lập nên các đảng chính trị đối lập thì mới có thể ‘cứu đảng và cứu nước’ (1).

Từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình dài hạn. Làm thế nào để ‘yên tâm’ tham gia hay ủng hộ một tổ chức chính trị đối lập ? Làm sao để biết được một tổ chức chính trị nào là tốt hay xấu ? Chỉ có một yếu tố duy nhất để làm được điều đó là NIỀM TIN. Niềm tin đó phải có điều kiện, vì niềm tin vào một tổ chức chính trị khác với niềm tin vào một tôn giáo. Đức tin của các tôn giáo gần như là mặc định và không bàn cãi, nhưng niềm tin vào một tổ chức chính trị phải dựa ít nhất trên hai yếu tố, thứ nhất là ‘tư tưởng chính trị’ và thứ hai là ‘đội ngũ nhân sự’ của tổ chức đó.

Một tổ chức chính trị bắt buộc phải có một ‘dự án chính trị’ để người dân biết rõ trình độ của tổ chức đó muốn gì và đề nghị những gì để thực hiện ? Dự án đó sẽ dẫn đưa đất nước và người dân về đâu ? Người dân cũng sẽ căn cứ vào ‘dự án chính trị’ đó để giám sát các hoạt động của tổ chức, xem tổ chức có làm đúng những gì đã hứa hẹn hay không. ‘Đội ngũ nhân sự’ nòng cốt của tổ chức đó như thế nào, có đủ tư cách để hiện các giá trị đạo đức của tổ chức không, và đội ngũ đó có đủ khả năng và trình độ nhận thức và làm việc để thực hiện những đề nghị mà ‘dự án chính trị’ đã đưa ra hay không.

Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn bế tắc nếu nhìn vào hai yếu tố ‘tư tưởng chính trị’ và ‘đội ngũ nhân sự’ của đảng. Tư tưởng Marx-Lenin đã bị cả thế giới lên án là độc hại, hoang tưởng và chống lại nhân loại. Cả thế giới đã vứt bỏ tư tưởng này vào sọt rác của lịch sử cách đây đã gần 30 năm. Đội ngũ nhân sự của đảng ngày càng xuống cấp thê thảm, vì sự sàng lọc dựa trên ‘tính đảng’ chứ không dựa trên năng lực của mỗi người. Các kỳ hội nghị trung ương đảng chỉ còn tập trung giải quyết mỗi vấn đề là ‘nhân sự, nhân sự và nhân sự’. Và nhân sự của đảng ngày càng tập trung vào khối công an và tuyên giáo. Hai nhân vật vừa được bầu bổ xung vào Ban bí thư (cơ quan quyền lực nhất của đảng gồm 12 người) là Phan Đình Trạc, đại tá, cựu giám đốc công an tỉnh Nghệ An và ông Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Một trong những tính cách khiến người Việt không thể làm việc cùng nhau đó là sự ‘thiếu tin tưởng lẫn nhau’. Đây là một di sản nặng nề của văn hóa Khổng giáo. Không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, người Việt cũng chỉ thích làm ăn nhỏ lẻ, tự mình làm chủ chứ không dám (hoặc không muốn) liên kết với những người khác để hùn vốn làm ăn lớn hay tạo ra các công ty tầm cỡ, và nếu có ‘hợp tác làm ăn’ thì cũng không minh bạch rồi sớm đổ bể, đường ai nấy đi.

Người Việt Nam có câu ‘chín người, mười ý’ để nói lên sự khác nhau và chia rẽ của người Việt. Những cố gắng kêu gọi liên minh hay đoàn kết những lực lượng hay tổ chức tranh đấu lại với nhau thành một lực lượng thống nhất rõ ràng là không hiểu tâm lý người Việt. Không bao giờ có chuyện đó. Đoàn kết chỉ có thể có giữa những người chia sẻ với nhau những lý tưởng chung, mục đích chung và đồng thuận chung về một lộ trình tranh đấu. Một tổ chức không có đồng thuận về tư tưởng thì sớm muộn gì cũng tan vỡ.

Ngay cả với một chức đặt sự đồng thuận về tư tưởng lên trên hết như Tập Hợp mà vẫn còn xảy ra sự cố. Năm 2016 đã có một số thành viên Tập Hợp rời bỏ tổ chức. Trừ những người chủ mưu là có ý đồ và mục đích cá nhân rõ ràng, một vài thành viên còn lại vì không nắm vững đường lối và ít sinh hoạt nên dễ bị lung lạc, rời bỏ tổ chức và bỏ cuộc. Sự mạo muội hay cố ý nhân danh Tập Hợp để làm hỏa mù đã bị cộng đồng những người tranh đấu tố giác và tẫy chay. Điều này cho thấy, không ai có thể nhân danh một lý tưởng mà không thể hiện lý tưởng đó ngay trong cuộc sống và trong hành động. Dư luận tuy không năng động như những người đấu tranh nhưng không mù quáng và không dễ bị lường gạt.

Vậy làm thế nào để có được niềm tin ? Chỉ có mỗi thứ duy nhất để có được niềm tin đó là SỰ HIỂU BIẾT. Sự hiểu biết tạo nên niềm tin, niềm tin sinh ra sự dũng cảm và sự dũng cảm thôi thúc hành động và sự dấn thân. Chính niềm tin cho rằng chế độ hiện nay là bất công và cần phải thay đổi khiến cho những người dấn thân như Mẹ Nấm, bà Trần Thị Nga, Bùi Hằng… trở nên dũng cảm. Những người mà niềm tin chưa đủ lớn sẽ dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng hoặc khi bị gây áp lực.

Để Việt Nam sớm có dân chủ và hội nhập vào dòng chảy của nhân loại thì niềm tin của người Việt nói chung và của những người dấn thân cho dân chủ nói riêng cần phải ‘nâng cấp’ lên một tầm cao mới. Không tin vào đảng cộng sản thôi cũng chưa đủ mà phải chọn lựa và đặt niềm tin vào một tổ chức chính trị ngoài đảng cộng sản. Muốn thay đổi thì phải có giải pháp khác vì nếu không có giải pháp khác thì làm sao thuyết phục được người khác thay đổi ?

Để dễ hiểu thì mọi người có thể liên tưởng đến chuyện cấm xe máy tại Việt Nam. Nếu không có các phương tiện khác thay thế như tàu điện ngầm, xe buýt, xe điện trên cao… thì làm sao thuyết phục được người dân bỏ xe máy ? Bỏ xe máy rồi sẽ đi bằng gì ?

Đối với Việt Nam, người dân sẽ hỏi nếu không còn đảng cộng sản nữa thì ai, tổ chức nào sẽ thay thế cho đảng cộng sản ? Những tổ chức đấu tranh phải có câu trả lời cho câu hỏi này.

Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục tồn tại một cách vô lý vì trước mặt không có đối trọng chính trị, những cá nhân không phải là đối thủ của đảng cộng sản. Bao nhiêu người dấn thân một mình (tức là không tham gia vào một tổ chức nào) tin rằng có thể chiến thắng được đảng cộng sản ? Hầu như họ dấn thân là vì lương tâm thôi thúc chứ không hề hy vọng chiến thắng hay nhìn thấy chế độ cầm quyền thay đổi. Ước mong của những người đấu tranh và tuyệt đại đa số quần chúng là không muốn bị đảng cộng sản đè đầu cưỡi cổ nữa, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Hơn nữa, ngay cả khi họ chỉ muốn như vậy thì cũng phải ủng hộ cho một tổ chức chính trị đối lập để làm cái việc mà họ không thể làm được. Đâu có cách nào khác ?

Nhắc lại, đấu tranh phải có tổ chức. Muốn có thắng lợi phải có niềm tin. Tổ chức và niềm tin cần phải truy tìm và quan sát mới thấy. Cụ thể hơn, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đáp ứng hai điều kiện vừa kể.

Việt Hoàng

(10/10/2017)

(1) http://thongluan2016.blogspot.com/2017/10/trao-oi-voi-nguyen-trung-nguyen-inh-cong.html 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 2590 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)