Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam cần thay đổi nhiều thì mới mong các nhà khoa học toàn tâm cống hiến

RFA, 12/03/2024

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hôm 11/3/2024 đã đề nghị cơ quan này tạo cơ chế để chuyên gia, nhà khoa học toàn tâm, toàn ý cống hiến, sáng tạo. Ông Nghĩa còn mong muốn có chương trình thu hút nhà khoa học trẻ trình độ cao, đồng thời phát huy sự cống hiến, trí tuệ của các nhà khoa học đầu ngành.

niemtin1

Ảnh minh họa chụp tại Buôn Ma Thuột hôm 14/3/2023. AFP

Kêu gọi suông, không đủ

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, người đã có hơn 15 năm làm việc tại Việt Nam, vào tối ngày 12/3 nói với RFA từ Sài Gòn :

"Phát xuất từ Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thì đây là một cái mới. Trước đây là nguyện vọng của Bộ Giáo dục Đào tạo, của Bộ Công nghệ, của các Hiệu trưởng trường Đại học… Lần này từ Ban tư tưởng tối cao của Đảng thì thứ nhất, tôi cho rằng mới nhưng hiệu quả trước mắt thì khó. Bởi vì quản lý khoa học, quản lý tri thức của Việt Nam đã dậm chân theo hướng lạc đường từ bao nhiêu năm qua".

Theo Giáo sư Hưng, mong muốn là một chuyện, nhưng tạo ra một môi trường để thực hiện là chuyện khác :

"Tạo ra môi trường thực hiện đòi hỏi thời gian dài dày công xây dựng và phải có một quá trình năm đến 10 năm để chuẩn bị, mà chuẩn bị khó nhất là chuẩn bị tư duy, suy nghĩ của những người lãnh đạo khoa học, có nhiệm vụ tạo điều kiện cho lớp trẻ để họ có thể thực thi… Cái này ở Việt Nam khá bế tắc, bởi vì chuyện sai đường đã kéo dài quá lâu, gần 50 năm rồi mà chưa tạo được môi trường khoa học. Tại sao ?"

Lý giải nguyên do tại sao Việt Nam cứ loay hoay hàng chục năm qua mà chưa tạo được môi trường phát triển khoa học, vị giáo sư tại Đại học Bỉ, nói tiếp :

"Tự do học thuật cần có tự do tư tưởng, phải để người ta có tự do có sáng kiến, tự do phản biện, tự do giao lưu, tự do ‘nói không’ với những gì không đúng… Khi những điều kiện đó bị hạn hẹp, tất cả những ai có ý kiến phản biện thì thường được coi là tư duy phản nghịch, thế lực thù địch… sẽ bị theo dõi, cấm cản, ngăn cản không cho báo đài phỏng vấn, không cho thuyết trình khoa học, người lãnh đạo nhất là ban tuyên giáo chỉ thích đưa lệnh miệng, không dám viết văn bản… thì những người trí thức chân chính sẽ cảm thấy bị tù hãm, cảm thấy sống tha hương trên chính đất nước của mình".

Ngoài ra, Giáo sư Hưng còn cho rằng, để thực hiện theo mong muốn của ông Trưởng ban tuyên giáo trung ương, còn thêm yếu tố "cần" nữa, đó là cần phải có người có kinh nghiệm, phải biết làm cái gì, giải quyết cụ thể ra sao…

niemtin2

Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Nam ngày 2/3/2020. Reuters / Kham.

Cần nhiều thay đổi

Việc kêu gọi nhân tài đóng góp xây dựng đất nước hầu như được các lãnh đạo Việt Nam nhắc đến mỗi năm. Vào tháng 3 năm 2023 là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra lời kêu gọi, khi ông làm việc với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Và lần này đến phiên ông Trưởng ban Tuyên giáo trung ương.

Từ Paris hôm 12/3/2024, Giáo sư Phạm Minh Hoàng chia sẻ ý kiến của ông với RFA về vấn đề trên :

"Nếu lời tuyên bố này từ một Bộ trưởng Bộ Giáo dục hay một Bộ trưởng không liên quan chính trị thì bình thường… nhưng đây là Trưởng Ban tuyên giáo thuộc về đảng, thì tôi thấy hơi buồn cười. Tại vì đây phải là chủ trương của chính phủ thì mới có nghĩa, nhưng có lẽ ông ấy muốn nhắm đến mọi người, mọi thành phần. Tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại có rất nhiều người muốn đóng góp cho đất nước, dù nhiều sinh viên giỏi, thầy cô giỏi tận tâm, nhưng tại sao đất nước vẫn nghèo, vẫn lạc hậu ?"

Theo Giáo sư Hoàng, có rất nhiều điều ngăn chặn bước tiến của Việt Nam, ngăn chặn sự đóng góp của giới trí thức, những người có khả năng… vì lẽ Việt Nam không trọng người tài hoặc chỉ trọng những người có tài nhưng phải làm theo chỉ đạo của đảng :

"Tôi thấy thay đổi đầu tiên Việt Nam cần làm, không chỉ bằng lời nói, vì đã kêu gọi nhiều lắm rồi. Có một số người vì ràng buộc nào đó còn trở về Việt Nam, nhưng chúng ta thấy sinh viên giỏi đi du học xong thường chọn ở lại luôn, đó là những nguồn chất xám đã mất. Lý do vì Việt Nam không cho phép người ta phát triển, ngoài yếu tố như tham nhũng, còn vấn đề phải làm việc với những người không phục vụ xã hội, không phục vụ cho chuyên ngành của họ, họ phục vụ cho các mục đích của đàng".

Giáo sư Hoàng cho rằng, khi nào Việt Nam chưa xóa được những điều ông vừa nêu thì hoặc hết nhiệm kỳ này, đến nhiệm kỳ sau, vẫn sẽ lại có tình trạng kêu gọi như trên.

Và như vậy, chuyện kêu gọi vẫn sẽ chỉ là kêu gọi, không bao giờ thay đổi được, trừ phi Việt Nam thay đổi được vấn đề cốt lõi, đó là phải thay đổi được bộ máy, từ kinh tế đến chính trị… thì người Việt Nam ở nước ngoài cũng như trong nước ai cũng muốn đóng góp cho đất nước. Còn với hoàn cảnh hiện tại, theo giáo sư Hoàng là "bất khả thi" !

Nguồn : RFA, 12/03/2024

***************************

Dân có còn tin vào sự thay đổi về chính sách pháp luật đất đai ?

RFA, 12/03/2024

Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) được văn phòng chủ tịch nước công bố với quốc dân hồi tháng 2 vừa qua. Trong đó có sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều.

niemtin3

Cảnh sát cưỡng chế thu hồi đất của dân tại tỉnh Nam Định hôm 9/5/2012. AFP

Nhiều nội dung trong quy định của Luật Đất đai năm 2024 được đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) "nâng tầm", liên quan đến việc bảo đảm sự bình đẳng giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tạo nên khối đoàn kết bền vững cùng nhau phát triển, cùng nhau sẻ chia lợi ích.

Người dân vẫn không có quyền sở hữu

Tuy nhiên, một số người dân bị thu hồi đất ở Việt Nam không tin mọi sự thay đổi sẽ đem lại điều tốt đẹp hơn. Ông Cao Thăng Ca, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm từ hơn 20 năm trước nói với RFA sáng 12 tháng 3 năm 2024 :

"Luật đất đai soạn thảo thì (cô) phải lưu ý vấn đề ai là người soạn thảo. Toàn là những cán bộ có chức có quyền soạn nên họ luôn luôn tạo ra một kẻ hở cho những nhà đầu tư. Người ta không để ý đến những quyền lợi thực chất của nhà nước, cũng như quyền lợi của người dân. Thay đổi thì chỉ là nói thôi, chứ thực chất thì không thay đổi gì cả, nếu ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhà nước quản lý’. Nếu vẫn giữ thế thì có thay đổi bao nhiêu, người dân cũng không có lợi gì hết, mà nhà nước cũng không có lợi gì hết.

Phải thay đổi được cái gốc. Phải công nhận quyền sở hữu của người dân, chứ bây giờ người dân chỉ được quyền sở hữu nhà ở và đất ở ; chỉ được quyền sử dụng đất thôi chứ không có quyền sở hữu".

Bà Phạm Thanh Nghiên, một người dân mất nhà trong vụ cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng đầu năm 2019, nêu quan điểm của bà với RFA :

"Các sự thay đổi về bản chất đều mang lại lợi ích cho đảng cầm quyền hoặc một thiểu số cầm quyền phe nhóm, chứ sự thay đổi đó không mang lại bất kỳ lợi ích tốt đẹp nào cho người dân. Chúng ta nhìn thấy, nếu họ thay đổi chính sách đất đai một cách có tâm, thì họ phải công nhận các quyền sở hữu tư hữu, bởi vì đất đai họ vẫn nói là thuộc về sở hữu toàn dân mà sở hữu toàn dân là ai".

Bà Phạm Thanh Nghiên lấy câu nói của ông Vũ Cao Quận, một cựu chiến binh, một nhà vận động dân chủ đã qua đời để minh họa cho quyền sở hữu đất đai mà bà cho là rất chính xác :

"Sở hữu toàn dân là gì ? Sở hữu toàn dân là sở hữu của nhà nước. Sở hữu của nhà nước là gì ? Sở hữu của nhà nước của chính phủ. Sở hữu của chính phủ là gì ? Sở hữu của chính phủ là sở hữu của quan chức. Họ dựa vào sở hữu toàn dân về đất đai để lấy đất của dân một cách vô tội vạ, tạo ra một tầng lớp dân oan trùng trùng điệp điệp như vậy".

Cần sửa cả bộ máy nhân sự

Tuy điểm chính về quyền sở hữu đất đai vẫn không thay đổi, nhưng một trong những quy định gây biết bao khiếu kiện, đó là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đã được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức. Có thể bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở.

niemtin4

Hơn 150 nông dân biểu tình ôn hòa tại thủ đô Hà Nội, ngày 16/1/2007. AFP

Mục sư Nguyễn Hồng Quang, một người dân khiếu kiện đất đai mấy chục năm qua chưa được giải quyết, nói với RFA sáng 12/3/2024 :

"Thật ra về luật đã có hàng trăm văn bản pháp lý. Nhưng nếu bộ máy nhân sự mà có cái tâm, vận dụng chính sách theo hướng có lợi người dân thì cũng đã tốt lắm rồi. Không cần thay đổi luật nhiều đâu. Ví dụ thu hồi đất của dân thì phải đền theo giá thị trường. Luật đất đai đã hướng dẫn rất rõ ; đã có luật từ cả chục năm về trước, nhưng họ có đền bù theo giá thị trường đâu. Cho nên đất đai vẫn là miếng mồi béo bở cho các quan tham. Do đó, dù luật có tốt mấy các quan cũng bao che cho nhau, họ lách luật. Những nhân sự hiện nay họ chẳng có ý thức pháp luật ; cũng chẳng vì dân vì nước. Họ chỉ là tay chân, là sai vặt cho những nhóm lợi ích mà thôi".

Theo Mục sư Nguyễn Hồng Quang, điều cần thiết là phải có những quan chức thực sự thanh liêm và có tâm điều hành đất nước thì mới có sự thay đổi, chứ chỉ thay đổi luật mà nhân sự như cũ thì đội ngũ dân oan khắp nước vẫn không giảm.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nói với RFA cách đây 2 năm rằng, luật từ năm 2003 vẫn cho rằng nguyên tắc thu hồi đất thì phải bồi thường theo giá thị trường, nhưng trên thực tế thì người dân luôn bị thiệt thòi. Ông phân tích về cách tính giá đất của Nhà nước mà ông cho là vô lý cùng cực :

"Điều này không cần khảo sát mà ngay trong các tờ trình để đưa ra bảng giá và khung giá của chính phủ đều thừa nhận giá này thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Có nghĩa là chính những người trình lên bảng giá để Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thông qua đều biết giá thấp hơn thị trường rất nhiều.

Phương pháp thứ năm này cho rằng có hệ số để nhân lên cho bằng giá thị trường, nhưng sự thực hệ số này của tất cả các tỉnh tôi nhìn lại thì thấy trung bình nó từ 1,3 đến 1,7. Nhân lên đến 30-40% thì cao nhất cũng chỉ đạt 60% giá thị trường, thấp nhất là khoảng 40% giá trị thị trường, trung bình chỉ khoảng một nửa giá trị thị trường". 

Tôi đã nhiều lần nói và viết rằng Việt Nam phải sớm loại phương pháp định giá thứ năm đi vì đây là một phương pháp định giá phản khoa học. Không có cơ sở gì về lý thuyết định giá, không có cuốn sách giáo khoa nào dạy về Phương pháp thứ năm này cả. Phương pháp này cũng không có trong tiêu chuẩn định giá của khu vực và quốc tế".

Luật Đất đai ở Việt Nam ra đời đã hơn 30 năm với năm lần sửa đổi, lần gần nhất là vào năm 2013. Hiến pháp 2013 vẫn khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Quy dịnh này dẫn đến những vụ tranh chấp đất đai kéo dài giữa người dân và chính quyền.

Luật Đất đai năm 2024 được cho là đã chỉnh lý, bổ sung nhiều quy định để cải thiện đời sống vật chất của nhân dân như : quản lý chặt chẽ hơn việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất trong giai đoạn chưa thực hiện quy hoạch sử dụng đất (Điều 76) ; đa dạng hóa các hình thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và người sử dụng đất được ưu tiên đăng ký lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền khi lập phương án (Điều 91).

Bà Phạm Thanh Nghiên kết luận :

"Tôi nghĩ rằng bất cứ một sự thay đổi nào cũng không có về cốt lõi, về bản chất. Đấy chỉ là sự mị dân. Sự đoàn kết thì lại càng kệch cỡm, càng nực cười bởi vì nếu dân có sự đoàn kết thì nó sẽ đe dọa sự cầm quyền của họ. Người dân càng chia rẽ thì họ càng dễ trị, càng cũng cố cái vị thế cầm quyền của họ !"

Nguồn : RFA, 12/03/2024

Published in Việt Nam

Khi báo chí đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có quyết định về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, rất nhiều ý kiến của nhà báo đang theo dõi vụ dịch này đã nhận xét là ‘có hơi muộn’.

niemtin1

Rất nhiều ý kiến cho rằng sự chần chừ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến từ nguyên do phải chờ ý kiến từ Bộ Chính trị, cụ thể là của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong tuần lễ Tết nguyên đán, theo dõi trên báo chí người ta dễ dàng nhận ra những lần ‘xuất hiện’ của ông Nguyễn Phú Trọng trong những diễn văn chúc Tết ; và gần đây nhất là hôm họp Ban Bí thư để đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2020 vào ngày mùng Bảy ‘hạ nêu’ 31/1-2020, người ta không thấy bất kỳ một trích dẫn nào trên báo chí về phát ngôn của ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước về dịch virus corona. Dường như ông muốn giữ hòa khí với Bắc Kinh trong những ngày xuân.

Ông Trần Quốc Vượng trong vị trí Thường trực Ban Bí thư thì tuy có đề cập trực tiếp tới đại dịch này, song lại ‘nước đôi’ yêu cầu Chính phủ phải nhớ bảo đảm được cả sự phát triển của nền kinh tế ; đặc biệt là trong năm 2020 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ‘thượng thọ’ ở tuổi 90, và đang chuẩn bị cho bầu bán nhiệm kỳ mới của đảng cầm quyền.

Ông Trần Quốc Vượng, người từng giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đang được xem là ứng viên sáng giá cho kế thừa chiếc ghế Tổng Bí thư đảng.

Dân chúng tuy vẫn quen nhìn mọi chuyện theo kiểu ‘đã có Đảng và Nhà nước lo’, song từng diễn biến trên chính trường thời gian này luôn được họ xét nét từng cử chỉ một với sự ngờ vực kiểu ‘chỉ cần giao cho người cộng sản một sa mạc, sang năm họ sẽ phải nhập cát về cho sa mạc đó’.

Nhà báo Phạm Minh Vũ, khóa 9 Khoa Báo Chí tại Cao Đẳng Phát Thanh Truyền Hình I, bình phẩm : "Cuối cùng, Nguyễn Xuân Phúc cũng chịu công bố dịch Corona trên toàn quốc, mức độ nguy hiểm toàn cầu. Hành động quá chậm sau khi phát hiện nhiều ca người Việt Nam dương tính với Corona. Sự việc không thể che giấu khi có ca ở Khánh Hoà bị lây nhiễm do tiếp xúc với người Trung Quốc. Có thể nói, đây là lúc một số ca phát bệnh mà thôi, từ 7/10 ngày tới Việt Nam sẽ vỡ trận khi nhiều người tiếp xúc với các mầm bệnh và đang trong thời gian ủ bệnh trong người.

Chính Phủ Việt Nam đã quá ngạo mạn khi cố gắng che giấu mức độ nguy hiểm bởi CoronaVirus. Và bỏ qua cảnh báo và yêu cầu đóng cửa biên giới từ các nhà hoạt động đối lập. Cũng như đe doạ và xử lý nhiều người lan toả thông tin Corona trên mạng xã hội. Bây giờ, đã đến giai đoạn trả giá cho sự ngu dốt của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Chính phủ, đảng nhà nước sẽ không lo cho sinh mạng người dân đâu, bỏ đi cái suy nghĩ ngu ngốc của cái gọi là đã có đảng nhà nước lo cả rồi".

Nhà báo Mai Bá Kiếm, cựu phóng viên báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, làm một thống kê về thời gian, qua đó cho thấy sự chậm chạp của Chính phủ Việt Nam trong dịch bệnh đến từ Vũ Hán, Trung Quốc : "Ngày 31/12/2019, Trung Quốc báo cáo với WHO về một chuỗi các trường hợp giống như viêm phổi ở Vũ Hán.

Ngày 2/1/2020, Bộ Y tế Singapore cho biết : Sàng lọc nhiệt độ (thermal screening) sẽ được thực hiện cho tất cả khách du lịch đến sân bay Changi từ Vũ Hán và các trường hợp nghi ngờ sẽ được chuyển đến bệnh viện để đánh giá thêm.

Ngày 20/1/2020, sau khi Vũ Hán có 4 người chết, Singapore cho "sàng lọc nhiệt độ" với tất cả du khách đến từ Trung quốc. Cùng ngày 20/1/2020, Singapore phát hiện du khách Trung Quốc đầu tiên là một ông 66 tuổi nhiễm chủng coronavirus mới.

Vì mỗi tuần có 54 chuyến bay đến Thái Lan từ Vũ Hán, nên Bộ Y tế Thái cũng cho ‘sàng lọc nhiệt độ’ tất cả du khách đến từ Trung Quốc, tại các phi trường quốc tế từ 2/1/2020. Và, chỉ 3 ngày sau, 5/1/2020, một nữ du khách từ Vũ Hán được kiểm tra tại sân bay Suvarnabhumi ở tỉnh Samut Prakan bị phát hiện nhiễm chủng coronavirus mới.

Trong khi đó ở Việt Nam, ngày 13/1/2020, người cha Li Ding (sinh 1954) cùng vợ và con trai là Li Zichao (sinh 1992) bay từ Vũ Hán đến sân bay Nội Bài. Rồi đến ngày 17/1/2020, bầu đoàn thê tử này bay tiếp từ Hà Nội đến sân bay Cam Ranh. Sau đó, 3 người đi tàu hỏa về Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 20/1/2020, 3 người đi về Long An bằng taxi. Chín ngày sau kể từ khi đến Nội Bài : 22/1/2020, hai cha con Li Ding và Li Zichao bị cảm sốt đến bệnh viện Bình Chánh, được tư vấn qua bệnh viện Chợ Rẫy khám, rồi được phát hiện nhiễm chủng coronavirus mới.

Ngày 23/1/2020, các báo đài đổng loạt "đưa tin đồng phục" : phát hiện hai cha con người Trung Quốc đến từ Vũ Hán bị nhiễm coronavirus tại bệnh viện, chứ không phải bị phát hiện tại sân bay ! Cùng ngày, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi công điện chỉ đạo các bộ ; các tỉnh, thành và các báo đài cùng nhau "Phòng, chống dịch bệnh viêm đương hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra"…

Nhà báo Nguyễn Đức Tính của tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét ngắn gọn : "Tôi phê bình Thủ tướng Phúc, mãi đến hôm nay (1-2 ) mới công bố dịch corona trên toàn quốc, chậm quá".

Dường như diễn tiến của dịch virus corona ở Việt Nam cho thấy một sự thật hoàn toàn trái ngược với phát biểu đầy tự tin của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở một năm về trước trong dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng : "Như chúng ta đã thấy, không phải ngẫu nhiên mà từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng tiếp tục lan tỏa rộng khắp trên cả nước".

Và ở dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục đầy tự tin : "Thành quả lớn nhất là Đảng ta đã hoạch định được những chủ trương, chính sách thật sự hợp lòng dân ; huy động được tình cảm, trí tuệ và sức mạnh của toàn dân ; được nhân dân tin yêu, đồng tâm, hợp lực, làm theo". (Trích "Đảng khai xuân khải hoàn", Ban Tuyên giáo Trung ương – Báo Quân đội Nhân dân).

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 02/02/2020

Published in Diễn đàn

Bản thân tôi cũng như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (gọi tắt là Tập Hợp) luôn luôn đề nghị và kêu gọi những người dân chủ Việt Nam hãy đấu tranh có tổ chức, không nên làm cách mạng kiểu nhân sĩ, nghĩa là ‘một mình một ngựa’ không tham gia vào tổ chức nào, vì sẽ không dẫn đến đâu. Điều này có thể làm phiền lòng một số người nhưng đó là sự thật đã được thời gian chứng minh.

mot1

Một mình một ngựa không còn là phương thức đấu tranh mang lại hiệu quả, cho dù rất can cường và dũng cảm

Tuy nhiên có một việc mà các bloggers đã làm được và có kết quả rất tốt trong thời gian qua khiến đảng cộng sản đau đầu, đó là làm xói mòn niềm tin của người dân Việt Nam vào đảng cộng sản. Trang ‘Nhật Ký Yêu Nước’ là một ví dụ. Đảng cộng sản và các quan chức của đảng hiện rõ lên trong mắt người dân là những người bảo thủ, cực đoan, ngu dốt, vô học và bất tài. Tất nhiên không phải quan chức nào của đảng cũng thế, nhưng đa số là như vậy.

Không phải tự nhiên mà ban tuyên huấn đảng luôn kêu gọi là phải ‘chống diễn biến hòa bình, chống tự chuyển hóa, tự diễn biến’ trong nội bộ đảng. Đảng cộng sản đề ra những qui định rất nghiêm ngặt với đảng viên của mình, nhất là hai thành phần bảo vệ chế độ là công an và quân đội. Hai lực lượng này không được tham gia mạng xã hội, không được truy cập các trang web ‘phản động’, không được tự do xuất ngoại… Như thế vẫn chưa yên tâm, mới đây nhất, trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường quân đội và công an năm 2017, đảng cộng sản áp dụng chế độ ưu tiên cộng điểm cho các vùng sâu, vùng xa. Thoạt nhìn cứ tưởng đó là ‘lòng tốt’ của đảng nhưng thực chất là đảng cộng sản không muốn nhận vào quân đội và công an những thanh niên sống ở thành phố, vì những người này ‘tiếp xúc’ thường xuyên với các thông tin đa chiều thông qua các mạng xã hội. Kết quả là nhiều thanh niên thành phố đạt 30 điểm cho ba môn thi vẫn bị trượt vì điểm họ lấy là 30,5.

Chính quyền Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra qui chế ‘cấm công chức phát ngôn tùy tiện trên mạng xã hội’. Chưa kể trước đó đã có những qui định rằng muốn làm trưởng, phó phòng trong các cơ quan chuyên môn của nhà nước cũng cần có chứng chỉ của các khóa học về chính trị từ ban tuyên giáo. Thậm chí học viên tài chính trong môn thi về bơi ếch cũng phải chứng minh được ‘tính đảng’ trong đó. Tóm lại, đảng cộng sản đang cố gắng làm cái việc mà dân gian gọi là ‘lấy thúng úp voi’ khi tìm mọi cách ngăn cản người dân Việt Nam và công chức nhà nước tiếp cận với các thông tin đa chiều liên quan đến của cuộc sống của mọi người.

Chúng ta đều biết rằng đảng cộng sản chỉ có thể tồn tại dựa trên sự dối trá và bạo lực. Dối trá để người dân khỏi chống đối, và bạo lực để khuất phục những người biết rõ sự dối trá của đảng. Những bản án nặng nề dành cho những người hoạt động xã hội như Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Oai, các thành viên hội ‘Anh Em Dân Chủ’… là một minh chứng. Chính quyền đã qui kết cho họ những tội danh hết sức nghiêm trọng như ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’. Làm sao những người dân ‘một thân một mình’ có thể làm được điều đó ? Lý do chính quyền lo lắng và sợ hãi là vì những người này mất hoàn toàn niềm tin vào đảng và đang truyền luồng suy nghĩ đó cho những người khác. Hay nói một cách cụ thể, chính quyền sợ những bloggers này tạo các đốm lửa cho các cuộc phản kháng trên một bình diện rộng lớn hơn, nghĩa là một cuộc ‘cách mạng đường phố’.

Có thể thấy rằng niềm tin của người dân (những người có chút hiểu biết) vào đảng cộng sản đã hoàn toàn chấm hết. Những cuộc tranh trừng trong nội bộ đảng cộng sản hiện nay cho thấy sự ruỗng nát của chế độ, không một ai (tôi nhắc lại) không một ai đương quyền trong đảng cộng sản và chính quyền không dính vào tham nhũng, không nhiều thì ít. Một lý do rất giản dị, muốn vào đảng, công an, quân đội hay chính quyền đều phải đút lót, phong bì. Mặc dù vậy, vẫn còn một số người, trong đó có cả những người trí thức, trước đây vẫn hy vọng và trông chờ vào sự tự thay đổi của đảng, nay thì đã rõ : không thể thay đổi một cơ chế tham nhũng đang ruỗng nát. Đó là một bước tiến dài trong quá trình nhận thức và thay đổi tư duy của người Việt. Tuy nhiên để Việt Nam có dân chủ thì cần thêm một bước đột phá nữa về tư duy, đó là cần phải đặt niềm tin vào một tổ chức chính trị khác, ngoài đảng cộng sản.

Niềm tin vào một tổ chức chính trị mới đang đến rất gần vì thời gian đã làm những công việc của nó. Một trong những tiếng nói thức thời và có trọng lượng là trường hợp giáo sư Nguyễn Đình Cống, ông cho rằng khả năng để ông Nguyễn Phú Trọng và ban lãnh đạo đảng cộng sản có thể tự mình thay đổi về hướng dân chủ là rất thấp (dưới 1%). Ông cũng cho rằng chỉ có một kết hợp giữa những đảng viên ‘tử tế, có trí tuệ, có dũng khí và lòng yêu nước chân chính’ lại với nhau và với những người dân chủ ngoài đảng để thành lập nên các đảng chính trị đối lập thì mới có thể ‘cứu đảng và cứu nước’ (1).

Từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình dài hạn. Làm thế nào để ‘yên tâm’ tham gia hay ủng hộ một tổ chức chính trị đối lập ? Làm sao để biết được một tổ chức chính trị nào là tốt hay xấu ? Chỉ có một yếu tố duy nhất để làm được điều đó là NIỀM TIN. Niềm tin đó phải có điều kiện, vì niềm tin vào một tổ chức chính trị khác với niềm tin vào một tôn giáo. Đức tin của các tôn giáo gần như là mặc định và không bàn cãi, nhưng niềm tin vào một tổ chức chính trị phải dựa ít nhất trên hai yếu tố, thứ nhất là ‘tư tưởng chính trị’ và thứ hai là ‘đội ngũ nhân sự’ của tổ chức đó.

Một tổ chức chính trị bắt buộc phải có một ‘dự án chính trị’ để người dân biết rõ trình độ của tổ chức đó muốn gì và đề nghị những gì để thực hiện ? Dự án đó sẽ dẫn đưa đất nước và người dân về đâu ? Người dân cũng sẽ căn cứ vào ‘dự án chính trị’ đó để giám sát các hoạt động của tổ chức, xem tổ chức có làm đúng những gì đã hứa hẹn hay không. ‘Đội ngũ nhân sự’ nòng cốt của tổ chức đó như thế nào, có đủ tư cách để hiện các giá trị đạo đức của tổ chức không, và đội ngũ đó có đủ khả năng và trình độ nhận thức và làm việc để thực hiện những đề nghị mà ‘dự án chính trị’ đã đưa ra hay không.

Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn bế tắc nếu nhìn vào hai yếu tố ‘tư tưởng chính trị’ và ‘đội ngũ nhân sự’ của đảng. Tư tưởng Marx-Lenin đã bị cả thế giới lên án là độc hại, hoang tưởng và chống lại nhân loại. Cả thế giới đã vứt bỏ tư tưởng này vào sọt rác của lịch sử cách đây đã gần 30 năm. Đội ngũ nhân sự của đảng ngày càng xuống cấp thê thảm, vì sự sàng lọc dựa trên ‘tính đảng’ chứ không dựa trên năng lực của mỗi người. Các kỳ hội nghị trung ương đảng chỉ còn tập trung giải quyết mỗi vấn đề là ‘nhân sự, nhân sự và nhân sự’. Và nhân sự của đảng ngày càng tập trung vào khối công an và tuyên giáo. Hai nhân vật vừa được bầu bổ xung vào Ban bí thư (cơ quan quyền lực nhất của đảng gồm 12 người) là Phan Đình Trạc, đại tá, cựu giám đốc công an tỉnh Nghệ An và ông Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Một trong những tính cách khiến người Việt không thể làm việc cùng nhau đó là sự ‘thiếu tin tưởng lẫn nhau’. Đây là một di sản nặng nề của văn hóa Khổng giáo. Không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, người Việt cũng chỉ thích làm ăn nhỏ lẻ, tự mình làm chủ chứ không dám (hoặc không muốn) liên kết với những người khác để hùn vốn làm ăn lớn hay tạo ra các công ty tầm cỡ, và nếu có ‘hợp tác làm ăn’ thì cũng không minh bạch rồi sớm đổ bể, đường ai nấy đi.

Người Việt Nam có câu ‘chín người, mười ý’ để nói lên sự khác nhau và chia rẽ của người Việt. Những cố gắng kêu gọi liên minh hay đoàn kết những lực lượng hay tổ chức tranh đấu lại với nhau thành một lực lượng thống nhất rõ ràng là không hiểu tâm lý người Việt. Không bao giờ có chuyện đó. Đoàn kết chỉ có thể có giữa những người chia sẻ với nhau những lý tưởng chung, mục đích chung và đồng thuận chung về một lộ trình tranh đấu. Một tổ chức không có đồng thuận về tư tưởng thì sớm muộn gì cũng tan vỡ.

Ngay cả với một chức đặt sự đồng thuận về tư tưởng lên trên hết như Tập Hợp mà vẫn còn xảy ra sự cố. Năm 2016 đã có một số thành viên Tập Hợp rời bỏ tổ chức. Trừ những người chủ mưu là có ý đồ và mục đích cá nhân rõ ràng, một vài thành viên còn lại vì không nắm vững đường lối và ít sinh hoạt nên dễ bị lung lạc, rời bỏ tổ chức và bỏ cuộc. Sự mạo muội hay cố ý nhân danh Tập Hợp để làm hỏa mù đã bị cộng đồng những người tranh đấu tố giác và tẫy chay. Điều này cho thấy, không ai có thể nhân danh một lý tưởng mà không thể hiện lý tưởng đó ngay trong cuộc sống và trong hành động. Dư luận tuy không năng động như những người đấu tranh nhưng không mù quáng và không dễ bị lường gạt.

Vậy làm thế nào để có được niềm tin ? Chỉ có mỗi thứ duy nhất để có được niềm tin đó là SỰ HIỂU BIẾT. Sự hiểu biết tạo nên niềm tin, niềm tin sinh ra sự dũng cảm và sự dũng cảm thôi thúc hành động và sự dấn thân. Chính niềm tin cho rằng chế độ hiện nay là bất công và cần phải thay đổi khiến cho những người dấn thân như Mẹ Nấm, bà Trần Thị Nga, Bùi Hằng… trở nên dũng cảm. Những người mà niềm tin chưa đủ lớn sẽ dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng hoặc khi bị gây áp lực.

Để Việt Nam sớm có dân chủ và hội nhập vào dòng chảy của nhân loại thì niềm tin của người Việt nói chung và của những người dấn thân cho dân chủ nói riêng cần phải ‘nâng cấp’ lên một tầm cao mới. Không tin vào đảng cộng sản thôi cũng chưa đủ mà phải chọn lựa và đặt niềm tin vào một tổ chức chính trị ngoài đảng cộng sản. Muốn thay đổi thì phải có giải pháp khác vì nếu không có giải pháp khác thì làm sao thuyết phục được người khác thay đổi ?

Để dễ hiểu thì mọi người có thể liên tưởng đến chuyện cấm xe máy tại Việt Nam. Nếu không có các phương tiện khác thay thế như tàu điện ngầm, xe buýt, xe điện trên cao… thì làm sao thuyết phục được người dân bỏ xe máy ? Bỏ xe máy rồi sẽ đi bằng gì ?

Đối với Việt Nam, người dân sẽ hỏi nếu không còn đảng cộng sản nữa thì ai, tổ chức nào sẽ thay thế cho đảng cộng sản ? Những tổ chức đấu tranh phải có câu trả lời cho câu hỏi này.

Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục tồn tại một cách vô lý vì trước mặt không có đối trọng chính trị, những cá nhân không phải là đối thủ của đảng cộng sản. Bao nhiêu người dấn thân một mình (tức là không tham gia vào một tổ chức nào) tin rằng có thể chiến thắng được đảng cộng sản ? Hầu như họ dấn thân là vì lương tâm thôi thúc chứ không hề hy vọng chiến thắng hay nhìn thấy chế độ cầm quyền thay đổi. Ước mong của những người đấu tranh và tuyệt đại đa số quần chúng là không muốn bị đảng cộng sản đè đầu cưỡi cổ nữa, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Hơn nữa, ngay cả khi họ chỉ muốn như vậy thì cũng phải ủng hộ cho một tổ chức chính trị đối lập để làm cái việc mà họ không thể làm được. Đâu có cách nào khác ?

Nhắc lại, đấu tranh phải có tổ chức. Muốn có thắng lợi phải có niềm tin. Tổ chức và niềm tin cần phải truy tìm và quan sát mới thấy. Cụ thể hơn, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đáp ứng hai điều kiện vừa kể.

Việt Hoàng

(10/10/2017)

(1) http://thongluan2016.blogspot.com/2017/10/trao-oi-voi-nguyen-trung-nguyen-inh-cong.html 

Published in Quan điểm
vendredi, 23 juin 2017 23:37

Khi niềm tin đang bị mất dần

Trong những ngày diễn ra các phiên chất vấn của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi liên quan đến niềm tin của người dân đối với nhà nước và Đảng.

niem1

Một phụ nữ gánh hàng rong đi qua một pano tuyên truyền Đại hội đảng toàn quốc trên đường phố Hà Nội ngày 15 tháng 1 năm 2016. AFP photo

Niềm tin đang mất dần

Ngày 15 tháng 6, Đại biểu quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, Phú Yên bấm nút đăng ký chất vấn Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về những vấn đề liên quan đến các công trình dự án lớn đang thua lỗ hoặc đắp chiếu. Phần chất vấn của vị đại biểu này được kết thúc bởi câu hỏi :

"Chính phủ đặt tâm thế của mình vào đâu để hành động khi mà kỷ cương phép nước, quyền lợi của người dân vẫn không được chú trọng. Chính phủ có cần đến niềm tin của người dân nữa hay không. Các thành viên Chính phủ có cam kết gì về lộ trình cho những giải pháp đã đề ra, để những cam kết này sẽ là lời hứa "ba mặt một lời" trước cử tri, để Quốc hội giám sát tối cao ?".

Phát ngôn của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền được truyền thông trong nước xem là một trong những chất vấn gây ấn tượng nhất trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14.

Chưa đầy 72 giờ đồng hồ sau đó, tại phát biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng, đại biểu Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi "Đất rừng mà còn bị mang đi bán thì trồng rừng bằng niềm tin hay sao ?".

Thực tế không phải chỉ riêng hai vị đại biểu Quốc hội trên chất vấn về cách quản lý điều hành của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, môi trường đã gây ảnh hưởng mạnh đến niềm tin của người dân đối với Đảng và nhà nước, mà ngay chính từng người dân trong xã hội cũng đang cho thấy họ đang mất dần niềm tin vào một đội ngũ lãnh đạo.

Từ môi trường

Hơn một năm nay, cái tên Formosa gần như chiếm lĩnh toàn bộ nội dung đăng tải trên mạng xã hội và hơn nữa là sự quan tâm của người dân Việt Nam trong và ngoài nước, kể cả quốc tế.

Thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra từ tháng 4 năm ngoái cho đến nay, theo người dân vùng biển bốn tỉnh miền Trung, cuộc sống của họ vẫn chưa thể trở lại như trước. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung của chính phủ cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung đã cơ bản ổn định.

Khi được hỏi về lời nhận định trên, trả lời phóng viên đài của chúng tôi, một người dân tên Hùng một người dân làm nghề kinh doanh thực phẩm cung cấp cho các tàu cá ở Vũng Áng, Hà tĩnh nói rằng :

"À Thủ tướng nói như thế nhưng tôi nghĩ chưa có gì đâu, ở Việt Nam mình họ cứ nói "trên mây dưới mưa như thế". Chương trình thời sự nói biển tắm được ở ngoài kia, nhưng tôi cảm thấy nước vẫn độc".

Một người dân khác có tên Quang ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh, vốn là thợ lặn từng làm việc cho Công ty Forrmosa. Anh cũng chính là nạn nhân của thảm họa biển nhiễm độc và phải nằm viện điều trị một thời gian dài chia sẻ suy nghĩ của anh :

"Họ nói như thế để cho thấy không có việc gì xảy ra, tôi nghĩ không có biển sạch, cá thì vẫn có lùm xùm vẫn ra biển đi làm kiếm cá được, song bán cá họ mua với giá cá héo. Trên thực tế nước biển vẫn nhiễm nặng, không sinh hoạt được, nước biển vẫn nhiễm đấy".

Cho đến quản lý hành pháp

niem2

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đối thoại với dân ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Cách đây khoảng hai tháng, một diễn diến được cho là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử cận đại của Việt Nam sau 1975, đó là người dân thôn Hoành, Đồng Tâm Mỹ Đức thể hiện sự phản kháng của họ đối với vấn đề cưỡng chế đất đai, đền bù, khiếu kiện bằng hành vi bắt giữ 38 cán bộ và công an làm con tin.

Mâu thuẫn được giải quyết bằng cuộc đối thoại chưa từng có giữa người dân và nhà cầm quyền, và kết thúc bằng một bản cam kết cũng chưa từng có trong lịch sử hành pháp và tư pháp của Việt Nam, đó là bản cam kết viết tay của chính ông chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng với chữ ký của những vị đại biểu Quốc hội làm người đại diện.

Trong ba nội dung của bản cam kết thì ở nội dung thứ hai, ông Chung cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm.

Thế nhưng ngày 13 tháng 6 vừa qua, Công an Thành phố Hà Nội quyết định khởi tố hình sự vụ Đồng Tâm.

Chính điều này đã từng tạo nên một làn sóng giận dữ từ người dân trong nước vì họ cho là ông Nguyễn Đức Chung không giữ đúng lời đã cam kết.

Theo một số những người theo dõi sự việc Đồng Tâm, họ cho rằng quyết định khởi tố vụ Đồng Tâm đã làm cho niềm tin của người dân vào Đảng và nhà nước ngày mất đi nhiều hơn.

Một độc giả có tên Nguyễn Kiến Nghị, từ Việt Nam chia sẻ với chúng tôi :

"Nếu phải nêu ra một thời điểm khi mọi việc bắt đầu trở nên "càng ngày càng" tệ, tôi sẽ không ngần ngại chỉ rõ là thời điểm đảng chủ trương "đổi mới". Muốn giải quyết tận gốc của vấn đề, đảng cần dẹp "đổi mới". "Đổi mới" làm gì khi dân càng ngày càng mất tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội, vào lý tưởng Cộng Sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh & sự lãnh đạo của đảng ?"

Khi được hỏi về niềm tin của người dân Đồng Tâm nói riêng và người dân Việt Nam nói chung sau câu chuyện thôn Hoành có bị lay chuyển hay không, Nguyễn Anh Tuấn, nhà hoạt động xã hội từ Đà Nẵng cho chúng tôi biết ý kiến của anh.

"Dĩ nhiên đây cũng là đánh giá chủ quan của tôi, nhưng thông qua một số phát biểu của những dân làng Đồng Tâm, trong đó có những người tôi biết và có mối quan hệ cá nhân thì có vẻ như niềm tin của họ bị sa sút rất nhiều".

Còn đó niềm tin ?

Trong câu chuyện Đồng Tâm, niềm tin của người dân thôn Hoành được nhìn nhận không phải từ kiến thức pháp lý, mà từ việc quyền lợi đất đai của họ được ông Nguyễn Đức Chung giải quyết bằng những lời hứa trên một bản cam kết viết tay.

Thế nhưng, khi những cam kết đó không bảo vệ được họ, thì niềm tin của họ đối với Đảng và nhà nước có còn hay không ? Cho đến thời điểm này, cụ Lê Đình Kình, người được xem là thủ lĩnh của dân làng Đồng Tâm vẫn khẳng khái trả lời rằng "chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào Đảng".

"Quan điểm của tôi, có Đảng là có tất cả chứ không phải có con cháu là có tất cả".

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn nhận thấy trong sự việc Đồng Tâm, niềm tin của người dân được họ đặt trên cả luật pháp, và anh gọi đó là "những niềm tin còn sót lại".

Còn theo quan điểm của một luật sư trong nước, ông nói rằng niềm tin của người dân cả nước đang nhìn vào Đồng Tâm như một tấm gương. Đồng Tâm được giải quyết như thế nào, niềm tin của họ vào Đảng và nhà nước sẽ như thế ấy. Tấm gương ấy phản ảnh tất cả mọi sự việc liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau trong xã hội.

Những khía cạnh ấy, ít nhiều, có lẽ đã được hai nữ đại biểu Quốc hội, bà Phạm Thị Minh Hiền từ Phú Yên và bà Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) Gia Lai đặt ra trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14.

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 23/06/2017

Published in Diễn đàn