Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

08/12/2017

Hai yếu tố quyết định dẫn tới thắng lợi dân chủ

Việt Tuệ

Khi trí thức Việt Nam hiểu được rằng, đấu tranh chính trị bắt buộc phải là đấu tranh có tổ chức và phải có một tư tưởng đồng thuận cũng như cần có một dự án chính trị để làm kim chỉ nam thì ngày đất nước chúng ta chuyển hóa về kỷ nguyên dân chủ không còn xa nữa.

hai1

Dự án chính trị như kim chỉ nam dẫn đường cho cuộc đấu tranh chuyển hóa về kỷ nguyên dân chủ mà đất nước đang cần

1.Đấu tranh chính trị bắt buộc phải là đấu tranh có tổ chức

Chúng ta đang đứng trước một khúc quanh trọng đại để chuyển hóa lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây là một cuộc đấu tranh có ý nghĩa nhất mà những con người Việt Nam ngày hôm nay có thể tự hào và hãnh diện vì được sống, được cống hiến cho sự nghiệp của dân tộc mà những thế hệ mai sau sẽ không thể có được vinh dự này. Hơn bao giờ hết đây sẽ là cuộc đổi đời quan trọng nhất từ ngày ông cha chúng ta dựng nước, để dân tộc Việt Nam thoát ra khỏi bóng đêm nô lệ và áp bức, để tiến tới kỷ nguyên của những giá trị tự do và tiến bộ của loài người. Cuộc đấu tranh này là một cuộc đấu tranh chính trị nhưng trên tất cả nó còn là một cuộc cách mạng văn hóa, nó sẽ thay đổi tập tính và văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Kể từ Cách mạng Tháng 8 cho đến cuối thế kỷ 20 là một giai đoạn hết sức đen tối và tang tóc của đất nước chúng ta. Nhìn lại về giai đoạn lịch sử này sẽ không có một trái tim của một người Việt Nam lương thiện nào không cảm thấy đau đớn vì những đổ vỡ mà dân tộc chúng ta đã phải chịu đựng. Đa số những đổ vỡ này là do người cộng sản Việt Nam gây nên, họ đã xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên cái chết của hàng triệu người Việt Nam, một chủ nghĩa đã bị lên án như một tội ác chống loài người để rồi bị vứt bỏ vào sọt rác của nhân loại. Chắc chắn lịch sử sẽ không thể dành cho những người cộng sản một chỗ đứng vinh quang mà sẽ là những phán xét, những chỉ trích nặng nề mà họ xứng đáng được nhận.

Trước tất cả những đổ vỡ mà dân tộc chúng ta đã phải hứng chịu do người cộng sản gây ra thì có một điều nhức nhối là tại sao chế độ cộng sản vẫn còn tiếp tục hiện diện và cai trị chúng ta cho đến tận ngày hôm nay mặc dù nó đã mất toàn bộ căn cước của mình ? Nó cũng không hề mạnh và đã thất bại trong tất cả mọi địa hạt và trên tất cả mọi phương tiện, và chúng ta cũng đã có rất nhiều cơ hội để xóa bỏ chế độ độc tài này nhưng rốt cuộc nó đã không nhận được một chống đối đáng kể nào ? đây là một câu hỏi cho trí thức Việt Nam, những con người sẽ phải nhìn nhận và chịu trách nhiệm về tư duy và hành động của mình trước vận mệnh của đất nước.

Cũng xin đưa ra hai nhận định, một là : tất cả những đổ vỡ trong quá khứ mà chúng ta phải chịu thì đó là một sự chấn thương toàn diện, cả về thể xác lẫn trí tuệ mà dân tộc Việt Nam khó có thể gượng dậy được sau đó, điều thứ hai là do trí thức Việt Nam đã không biết kết hợp lại được với nhau để có thể gây dựng được một tổ chức đối lập có tầm vóc. Điều thứ hai có liên quan mạnh mẽ đến tập quán và văn hóa của chúng ta. Trong suốt hàng ngàn năm qua, dân tộc của chúng ta chỉ biến đến khuôn mẫu Khổng giáo, chúng ta độc tôn và thờ phụng nó, coi nó như một chân lý để rồi khi mất nước vào tay người Pháp chúng ta vẫn cứ cho rằng : đạo lý là đạo lý Khổng Mạnh.

Để thành lập và duy trì được một tổ chức (dù là tổ chức chính trị hay một tổ chức thuộc xã hội dân sự) thì phải có văn hóa tổ chức, nghĩa là văn hóa kết hợp. Tiếc thay, khái niệm kết hợp hay văn hóa tổ chức hoàn toàn vắng mặt trong hệ tư tưởng Khổng giáo. Kết hợp để tạo ra đồng thuận, đoàn kết để có sức mạnh và sẽ chấm dứt được chế độ độc tài. Phải thấy rằng đạo lý Khổng giáo không khuyến khích và nó cũng cấm đoán sự kết hợp. Tư tưởng chủ yếu của nó là chính đáng hóa bạo quyền và nâng sự chấp nhận kiếp sống nô lệ lên hàng một đạo đức tuyệt đối. Nó không dung thứ và cũng không chấp nhận cho một sự phản kháng nào, cái mà nó yêu cầu là một sự trung thành tuyệt đối, trung thành là một đạo lý của kẻ sĩ và phản kháng là một tội tày trời. Tất cả những dân tộc sống và chịu ảnh hưởng văn hóa Khổng giáo đều là những dân tộc giỏi chịu đựng, thủ cựu và ít đổi mới nhất vì khái niệm kết hợp hoàn toàn thiếu vắng trong những xã hội này.

Thực tế, người Việt chúng ta (dù ở trong hay ngoài nước) không phải là đã không thành lập được một tổ chức nào, mà ngược lại, đã có khá nhiều tổ chức ra đời, nhưng rõ ràng là vì dân tộc chúng ta thiếu văn hóa tổ chức nên những kết hợp này đều dẫn đến thất bại. Có một điều chúng ta cần lưu ý rằng, khi kết hợp và tạo thành được một tổ chức hay một tập thể nào đó thì những tập thể này đều đã trở thành những thực thể sống riêng biệt, nó có những điểm khác với những con người cấu tạo ra nó vì vậy mà nó có sự sống riêng, và những nhu cầu riêng. Điều này giải thích cho chúng ta biết rằng cần phải hy sinh cái riêng cho cái chung, cho cái tập thể thay vì cho cái tôi của mỗi người. Chính vì không hiểu được điều đó mà chúng ta đã vội vàng thành lập các tổ chức và rồi vì không hiểu nhau cũng như không có văn hóa tổ chức mà mọi kết hợp đều đã nhanh chóng tan rã.

Còn một điều cuối cũng không kém phần quan trọng là dù đã cố gắng nhắc đi nhắc lại nhiều lần mà nhiều người vẫn không chịu hiểu rằng đấu tranh chính trị bắt buộc phải là đấu tranh có tổ chức vì nếu không có tổ chức chúng ta sẽ không thể chấm dứt được chế độ độc tài. Mọi cuộc cách mạng trong lịch sử thế giới đều đã chứng minh điều này, muốn thay đổi được xã hội chúng ta phải có tổ chức, 100 triệu con người dù có đồng ý là mình bị áp bức thì cũng sẽ không đứng lên tranh đấu vì họ không hề kết hợp được với nhau để đạt được một mục tiêu chung mà thay vào đó chỉ là 100 triệu cá nhân riêng lẻ và cô đơn trong khi trước mặt họ là một tập đoàn cai trị có tổ chức.

Phải nói rằng quán lực văn hóa Khổng giáo vẫn còn nằm sâu trong tâm trí của người Việt Nam đặc biệt là những người có học vì như đã giải thích : khái niệm kết hợp và tổ chức hoàn toàn thiếu vắng trong hệ tư tưởng này cho nên dù người ta có dấn thân chính trị nhưng vẫn chỉ là với tư cách một cá nhân riêng lẻ, hoặc khá hơn là một nhóm nhỏ có vài người. Điều này phải được coi như một ngoại lệ thay vì được nhìn như một điều bình thường vì vô tình nó làm giảm sút và gây phân tán sự chú ý cho cuộc đấu tranh dân chủ, và vì đáng lẽ ra quần chúng phải quan tâm và dành tình cảm cho những tổ chức đúng đắn thay vì dành một mối quan tâm đặc biệt đến những cá nhân nào đó.

2. Tư tưởng chính trị

Không có tư tưởng hay dự án chính trị người ta sẽ không biết rằng mình muốn gì, xã hội và đất nước Việt Nam cần điều gì để theo đuổi và vì thế người ta cũng không thể kết hợp được với nhau vì muốn kết hợp trước hết phải có đồng thuận. Đồng thuận về một phương pháp hành động hoặc một mục tiêu phải đạt được. Tư tưởng chính trị cung cấp cho chúng ta điều đó, một lần nữa đấu tranh chính trị luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức vì chỉ có các tổ chức chính trị mới có phương tiện để thực hiện được những cuộc cách mạng.

Hai phương tiện quan trọng nhất là tư tưởng chính trị để phối hợp hành động và dự án chính trị để xây dựng tương lai của đất nước.

Dân tộc chúng ta là một dân tộc kém may mắn, mặc dù có bề dài lịch sử vài ngàn năm nhưng chúng ta là một dân tộc nghèo nàn về trí tuệ. Xuyên suốt trong bề dài của lịch sử chúng ta chưa hề có một sản phẩm mang tính trí tuệ nào dù là trong lĩnh vực tư tưởng hay kỹ nghệ đủ tầm vóc để đóng góp cho nhân loại. Cả hai lần tiếp xúc với văn hóa của các nước khác chúng ta đều ở trong vị thế là dân nô lệ và chịu ách cai trị của các thế lực ngoại bang. Lần đầu tiên là trong một ngàn năm Bắc thuộc. Các quan thái thú của nhà Hán đã đến và giáo hóa cho chúng ta về những kỹ năng nông nghiệp và cũng từ giai đoạn này mà nước ta bắt đầu hấp thụ Khổng giáo. Tiếp theo trong một trăm năm dưới chế độ thực dân Pháp, điều đáng nói là lần này dù mất nước nhưng cũng lại là lúc mà trí tuệ Việt Nam mở mang nhất. Chúng ta không thiếu những vị tướng kiệt xuất, cũng không thiếu những nhà thơ nhà văn tầm cỡ…mà sự thiếu vắng lớn nhất của dân tộc chúng ta là đã thiếu những nhà tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị. Sự nghèo nàn về tư tưởng chính trị đã khiến cho chúng ta không biết được điều gì là đúng đắn và cần thiết cho Việt Nam và rồi sự thiếu vắng tư tưởng đã khiến cho chúng ta tàn sát nhau chỉ vì không thể đồng ý được với nhau về một mẫu số chung nào đấy.

Cuối thế kỷ 19, là lúc mà khuôn mẫu Khổng giáo bị phá sản, chúng ta bị mất nước và lệ thuộc người Pháp, đây cũng không hẳn là một giai đoạn tiêu cực mà nó còn chứng minh cho chúng ta thấy rằng một quốc gia "bế quan tỏa cảng" là một quốc gia chết. Đây là giai đoạn mà trí tuệ Việt Nam đã tiến bộ nhất nhưng vẫn chưa có ai đạt được đến tầm của một nhà tư tưởng chính trị và vì thế sau đó chúng ta đã phải trả giá cho sự thiếu vắng tư tưởng chính trị khi người Pháp rời khỏi Việt Nam. Trước đây chúng ta sống dưới văn hóa Khổng giáo và dù là tệ hại nhưng nó cũng cho chúng ta một hệ tư tưởng chính trị và một đồng thuận chung về chế độ quân chủ chuyên chế. Nhưng sau khi ý thức hệ quân chủ nho giáo đã sụp đổ thì chúng ta đã phải tìm kiếm một chế độ mới, một đồng thuận dân tộc mới và chúng ta đã thất bại trong lần tìm kiếm này. Một bên gồm một nhóm người có tổ chức và quyết tâm để áp đặt chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa chủ trương xóa bỏ quốc gia…đã chiến thắng bên gồm những cá nhân không có tổ chức, cũng không có quyết tâm và còn thiếu cả tư tưởng chính trị để bảo vệ những giá trị mà chưa chắc là họ đã hiểu và mong muốn đón nhận.

Chủ nghĩa cộng sản không phải là một tư tưởng gì mới đối với dân tộc chúng ta, càng về sau này người ta càng phát hiện rằng nó đã có rất nhiều điểm tương đồng với Khổng giáo. Thí dụ : nó cũng cổ vũ cho một quyền lực tuyệt đối, nó cũng phân chia xã hội thành những giai cấp khác nhau, cũng chủ trương khinh bỉ và coi trọng thành phần giai cấp này hơn giai cấp kia, cũng bài xích thương mại, cũng giáo điều và xơ cứng và đặc biệt xã hội Khổng giáo là những xã hội nông nghiệp mà tầng lớp dân chúng nghèo khổ chiếm đến 90%. Chính điều đó là lý do khiến cho chủ nghĩa cộng sản đã có đất dụng võ trong những xã hội này. Không phải tự nhiên trên 4 nước cộng sản còn lại thì 3 nước là những nước có một lịch sử rất lâu đời sống dưới hệ luân lý Khổng giáo.

Hiện nay ý thức hệ Khổng giáo đã không còn, chủ nghĩa cộng sản cũng đã bị phá sản từ rất lâu rồi. Một lần nữa dân tộc của chúng ta đang ở trong tình trạng thiếu vắng tư tưởng chính trị. Nhưng có một tin vui là (có lẽ) đại đa số nhân dân Việt Nam đã đồng ý với nhau về một chế độ chính trị mới, đó là chế độ dân chủ đa nguyên, một chế độ đặt trên nền tảng của chủ nghĩa tự do cá nhân. Chủ nghĩa tự do cá nhân là một triết lý chính trị, là một thế giới quan được hình thành trên các ý tưởng về tự do và bình đẳng. Những người cổ vũ cho chủ nghĩa cá nhân xem tự do và quyền của mỗi cá nhân trong việc mưu cầu hạnh phúc theo cách riêng của mình là giá trị chính trị cao nhất. Chủ nghĩa tự do cá nhân không độc đoán, cũng không giáo điều và nhất là cũng không chủ trương tiêu diệt một thành phần nào hết, nó công nhận chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho tất cả mọi thành phần dân tộc.

Thay cho lời kết

Tất cả mọi thảm kịch mà dân tộc chúng ta đã phải chịu đựng, đều chỉ do một nguyên nhân duy nhất đó là dân tộc Việt Nam đã thiếu vắng tư tưởng chính trị, chúng ta đã tàn sát lẫn nhau vì mâu thuẫn ý thức hệ. Ngày hôm nay, chúng ta đang đứng trước một thời khắc quan trọng của đất nước, giai đoạn đau thương sắp qua đi và sẽ thuộc về lịch sử, một tương lai mới đang chờ đón chúng ta. Bài học lớn mà chúng ta cần phải rút ra sau tất cả mọi đổ vỡ là không phải tiếp tục chia rẽ mà là hòa giải dân tộc để có thể cùng chung sống với nhau. Chúng ta sẽ thấy rằng chỉ có những giá trị tự do, dân chủ đa nguyên mới đem lại hạnh phúc và hòa bình. Đó mới là những giá trị đáng để phấn đấu và bảo vệ.

Ngay từ bây giờ trở đi chúng ta hãy nắm chặt tay nhau để cùng hứa rằng sẽ xây dựng lại một nước Việt Nam trên tinh thần dân chủ đa nguyên, cùng hứa rằng sẽ tìm lại tình tự dân tộc và đối xử với nhau như những người anh em bình đẳng.

Việt Tuệ

(08/12/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Tuệ
Read 1253 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)