Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

02/02/2018

Đối lập dân chủ Việt Nam đang ở đâu ?

Việt Hoàng

Thế nào là một xã hội dân chủ ?

Có rất nhiều giải thích. Nhưng để giản dị hóa câu trả lời, một xã hội dân chủ phải hội tụ ít nhất ba đặc tính căn bản, đó là :

- Tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tín ngưỡng.

- Tự do kết hợp, tức là tự do lập hội và tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự hoặc các đảng phái chính trị.

- Tự do bầu cử và ứng cử vào các cơ quan công quyền.

doilap1

Xây dựng tổ chức đối lập trong một chế độ độc tài là niềm hy vọng để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn

Nhưng ba đặc tính cơ bản này không phải tự nhiên mà có, và chỉ có thể trở thành hiện thực nếu không có một tổ chức chính trị làm đầu tàu. Cá nhân có thể góp phần để phát huy các quyền tự do đó, nhưng chỉ những tổ chức mới đủ khả năng biến chúng thành hiện thực.

Trong một quốc gia dân chủ bình thườn, vai trò của những tổ chức chính trị (đảng phái) là rất cần thiết. Khi một đảng chính trị hay một liên minh chính trị lên cầm quyền, sau khi thắng cử qua một cuộc đầu phiếu tự do, những đảng phái thất cử khác đương nhiên trở thành những đảng phái đối lập để theo dõi, phê bình đường lối và chính sách của phe cầm quyền, đồng thời xét duyệt lại đường lối và chính sách của mình để tranh thủ quần chúng trong những cuộc bỏ phiếu tương lai. Sự hiện diện của đảng phái đối lập là một đối trọng để đảng cầm quyền không thể tự tung tự tác trong và trên xã hội. Các chế độ dân chủ phương Tây đã trở nên hùng mạnh và giàu có nhờ theo phương cách sinh hoạt chính trị đó. Sống trong một xã hội nhờ đó càng thêm củng cố.

Trong các nhà nước hay chế độ độc tài, ba yếu tố của một xã hội dân chủ nói trên bị hạn chế, nếu không muốn nói bị cấm đoán, yêu cầu xây dựng những tổ chức chính trị đối lập lại càng cấp thiết hơn nữa.

Nói tóm lại, trong một nhà nước dân chủ thì không thể thiếu vắng các tổ chức chính trị đối lập. Tổ chức chính trị đối lập là một trong những yếu tố cơ bản để một quốc gia có thể phát triển và vươn lên, sinh hoạt chính trị trở nên lành mạnh và trong sáng hơn.

Chúng tôi đồng ý hoàn toàn với ý kiến cho rằng, để biết một nhà nước có dân chủ hay không thì chỉ cần nhìn vào các tổ chức đối lập. Đối lập càng mạnh thì đất nước càng có dân chủ, ngược lại những nước có đối lập yếu hoặc có cũng như không thì đất nước đó không có dân chủ. Một nhà nước mà chính quyền mạnh và lấn áp hoàn toàn đối lập thì đất nước đó không có dân chủ hoặc dân chủ rất hạn chế. Nga, Iran, Thổ… là những ví dụ.

Người Việt Nam, có lẽ, ai cũng muốn có dân chủ như các nước phát triển, tuy nhiên mong muốn đó dường như không tỉ lệ thuận với quyết tâm và sự dấn thân để đạt được mục đích. Quan tâm và đấu tranh cho dân chủ luôn luôn là lựa chọn và ưu tư của một bộ phận nhỏ dân chúng mà đại diện là tầng lớp trí thức chính trị tinh hoa.

Chính trị là "làm việc chung với nhau" để mang lại những lợi ích tốt nhất cho người dân. Hay nói một cách khác, làm chính trị là để cống hiến và phụng sự người dân chứ không phải làm chính trị là tranh giành, đấu đá để hưởng thụ vinh hoa phú quí. Chính vì không hiểu rõ bản chất thật sự của việc đấu tranh chính trị, do bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Khổng Giáo, mà người Việt chúng ta thường quay lưng với chính trị. Khi những người tốt xa lánh chính trị thì những kẻ xấu sẽ độc quyền thao túng chính trị để phục vụ cho quyền lợi của  họ và của phe nhóm.

Việt Nam là một trong những nước cuối cùng còn lại trên thế giới chưa có dân chủ. Tuy nhiên thực tế là trí thức Việt Nam chưa chuẩn bị cho tương lai, là ngày người dân Việt Nam được sống dưới một chế độ dân chủ. Biểu hiện dễ thấy nhất và quan trọng nhất của sự thiếu chuẩn bị đó là cho đến giờ này Việt Nam vẫn chưa có được một lực lượng đối lập dân chủ thật sự.

Nếu không có đối lập dân chủ thì làm sao có thể chuyển hóa Việt Nam về phía dân chủ ? Trong bất cứ một quốc gia nào cũng không thể không có chính quyền. Chính quyền là để đảm bảo an ninh trật tự và ổn định của một quốc gia. Nếu giả sử vì một lý do nào đó mà đảng cộng sản không còn nữa thì tổ chức nào sẽ đứng ra gánh vác trọng trách lãnh đạo đất nước lâm thời để chờ bầu cử ? Hoặc sớm muộn gì rồi đảng cộng sản cũng phải "đàm phán" với đối lập dân chủ vì một mình đảng cộng sản không thể nào tiếp tục lãnh đạo đất nước được nữa. Tấm gương của Venezuela sẽ là tương lai của Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, đừng có mà mơ, không bao giờ có chuyện đảng cộng sản "đàm phán" và chấp nhận đối lập dân chủ. Đúng là hiện tại chưa có chuyện đó thật nhưng tương lai là một chuyện khác. Đến khi đảng cộng sản cùng đường và bất lực (mà chuyện này chắc chắn sẽ đến rất nhanh) thì khi đó họ phải cần đến "đối lập dân chủ". Nếu trí thức Việt Nam không chuẩn bị ngay từ bây giờ thì liệu đến lúc đó có kịp chuẩn bị nữa không ?

"Mùa xuân Ả rập" đã không mang lại thay đổi bao nhiêu cho cuộc sống người dân nơi đây. Sự hồ hởi của cộng đồng quốc tế về bà Ang San Suu Kyi, một biểu tượng và hy vọng của người dân Myanmar đã tan thành mây khói. Bà Suu Kyi không có bất cứ một dự án chính trị nào cho Miến Điện cho nên đã tỏ ra lúng túng không biết làm gì khi nắm quyền. Đối lập Venezuela đã từng chiến thắng và chiếm 2/3 số ghế trong quốc hội nhưng rồi cũng không biết phải làm gì nên đã tan vỡ và Venezuela tiếp tục chìm trong đói khổ và độc tài…

Những chuyện này trí thức Việt Nam không lạ gì vì báo chí nói đến mỗi ngày. Thế nhưng vì sao họ lại không tham gia hay thành lập bất cứ một tổ chức chính trị đối lập nào ? Nếu không giải mã và vượt qua được trở ngại tâm lý này thì không bao giờ Việt Nam có dân chủ.

Một lý do quan trọng, có thể do xuất phát từ văn hóa, đó là sự thiếu tự tin vào bản thân mình. Một trong biểu hiện của sự mất tự tin vào chính mình là sự trông chờ vào thế hệ con cháu hay ca ngợi, tôn sùng quá đáng vào người xưa. Tại sao chúng ta không cố gắng để làm những việc cần làm ngay bây giờ mà dồn hết gánh nặng lên cho con cháu ? Đã không ít lần chúng ta nghe các quan chức lãnh đạo Việt Nam nói rằng việc lấy lại Hoàng Sa sẽ chờ cho con cháu làm ! Nhiều ông bố bà mẹ luôn cố gắng để con mình học thật nhiều, thật giỏi để sau này làm ông nọ bà kia… Tại sao mình không cố gắng để làm điều đó mà cứ bắt con cái mình phải làm ?

"Chúng ta thần thánh hóa người xưa vì chúng ta không quí trọng chính mình : chúng ta không tin ở chính mình nên chúng ta đã không nhận ra được những hào kiệt ngay trong thời đại này, mặc dầu họ khá đông đảo, vì lý do giản dị là họ có nhiều điểm giống mình hoặc không hơn gì mình ; mà đã không hơn mình thì nhất định là phải tầm thường rồi.

Chúng ta chưa biết cách quản lý tổ tiên. Chúng ta cần tìm ra cách nào khác để quí trọng người xưa. Để vẫn yêu quí tổ tiên mà vẫn quí mình. Có quí mình chúng ta mới có thể nhìn ra những con người lỗi lạc ngay giữa chúng ta. Và chỉ có những hào kiệt của thời nay mới giúp được chúng ta. Trên đường chinh phục tương lai, chúng ta cần nhìn về đằng trước, chứ không thể chỉ nhìn đằng sau. Cũng như khi lái xe, chúng ta không thể chỉ nhìn kính chiếu hậu..." (Nguyễn Gia Kiểng).

Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết rằng :

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con.

Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng ‘giấc mơ con’ đó vẫn đè nặng lên tâm hồn người Việt. Chúng ta không tin vào chính chúng ta vì thế chúng ta bế tắc không biết phải làm gì, trong khi đất nước và thời cuộc đang đòi hỏi rất nhiều việc cần phải làm ngay. Một trong những việc cần gấp đó là phải chung tay tạo dựng nên các tổ chức đối lập dân chủ có tầm vóc để làm đối trọng buộc đảng cộng sản chuyển hóa về hướng dân chủ.

Trí thức Việt Nam vẫn chọn con đường đấu tranh nhân sĩ, tức là hoạt động một mình thay vì tham gia vào một tổ chức chính trị nào đó. Họ nói và hành động vì lương tâm thay cho lý trí. Các cá nhân dù nổi tiếng đến đâu cũng không thể nào là đối trọng của đảng cộng sản. Chỉ có các tổ chức chính trị mới có tư cách để đàm phán và ‘nói chuyện’ với đảng cộng sản.

Không có niềm tin thì sẽ dẫn đến bế tắc. Các tổ chức chính trị đối lập của Việt Nam không thể hình thành cũng vì sự bế tắc đó. Không tin vào tương lai, không tin vào chiến thắng nên mọi người đã không chịu bỏ thời gian để nghiên cứu về chính trị và cách thức vận hành của một tổ chức chính trị.

Trong tài liệu ‘Văn hóa Tổ chức’ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi có định nghĩa một vài khái niệm về tổ chức như sau :

Thế nào là một tổ chức ? Định nghĩa đơn giản nhất đó là : "Tổ chức là tập hợp của một nhóm người cùng theo đuổi một lý tưởng hay những mục tiêu chung. Trong tổ chức có sự phân công và có cấp bậc không bình đẳng".

Tổ chức chính trị là một tổ chức phức tạp nhất và cao nhất trong các hình thái của các tổ chức vì nó có nhiều mục tiêu khác nhau và có tham vọng cầm quyền để nhằm thực thi một dự án chính trị đã đề nghị trước đó.

Đặc tính của một người có văn hóa tổ chức là cảm thấy có nhu cầu tham gia vào một tổ chức và chấp nhận một cách dễ dàng những bó buộc của sinh hoạt tổ chức.

Những người không có, hoặc thiếu, văn hóa tổ chức thì hoặc không thể tham gia, hoặc không thể chịu đựng lâu dài những gò bó, bực bội và thất vọng không tránh khỏi trong một tổ chức.

Lý do hiện hữu và ý nghĩa thực sự của tổ chức là để thay đổi xã hội. Gia nhập một tổ chức là một biến cố vượt thoát diễn ra vào một thời điểm mà bỗng dưng con người nhìn thấy một khả năng biến mơ ước thành sự thực.

Định nghĩa thực sự của tổ chức : "Tổ chức là một nhịp cầu nối liền một thực tại không thể chấp nhận và một tương lai đáng mong muốn". (Một cách tương tự, tổ chức cũng có thể là phương tiện để ngăn cản một đe dọa thay đổi theo một hướng không thể chấp nhận).

Một hệ luận : Chính vì tổ chức, nhất là một tổ chức chính trị, trong bản chất thực sự của nó, là dụng cụ của thay đổi xã hội mà những người không thực sự quyết tâm thay đổi xã hội khó có thể tham gia lâu dài vào một tổ chức chính trị’.

Sau biến cố 1975, 43 năm đã trôi qua nhưng ngay tại hải ngoại thì cộng đồng người Việt vẫn chưa xây dựng được cho mình một vài tổ chức chính trị dân chủ đối lập thực sự có tầm vóc. Nhiều tổ chức nhanh chóng ra đời và nhanh chóng tan vỡ. Di hại lớn nhất của sự đổ vỡ này là làm cho nhiều người con ưu tú của Việt Nam mất niềm tin vào sự kết hợp trong cùng một tổ chức và rồi, hoặc họ rút lui hoặc hoạt động kiểu nhân sĩ. Lý do không phải do tổ chức, mà do người Việt chúng ta chưa chịu dành thì giờ để nghiên cứu về tổ chức và văn hóa tổ chức. Chúng ta tham gia một công việc mà chưa tìm hiểu kỹ về nó, cũng như một bác sĩ, chưa học xong nhưng đã vội hành nghề. Tai nạn và đổ vỡ là không thể tránh khỏi.

Trí thức luôn là đại diện, là tiếng nói phản ánh tâm hồn và trí tuệ của một dân tộc. Sỡ dĩ Việt Nam chưa có dân chủ là vì trí thức Việt nam vẫn loay hoay chưa biết phải làm gì và làm như thế nào ?

Trong nỗ lực và cố gắng để giải quyết vấn đề căn bản đó, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã ra đời như là một kết hợp của mọi con tim và khối óc của trí thức Việt Nam, đặc biệt là các trí thức trẻ sinh ra và lớn lên sau ngày 30/4/1975. Chúng tôi đã trình bày một kế hoạch xây dựng lại đất nước cũng như các bước đấu tranh dành thắng lợi cho phong trào dân chủ Việt Nam thông qua dự án chính trị : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Chúng tôi trân trọng đề nghị trí thức Việt Nam tham khảo và chia sẻ với chúng tôi Dự án chính trị này.

Việt Hoàng

(02/02/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1254 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)