Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

12/04/2018

Tại sao thế kỷ 21 sẽ không là thế kỷ của nước Trung Hoa cộng sản ?

Võ Thanh Liêm

Bài viết này đặc biệt nói về Trung Quốc và tương lai của Ấn Độ - Thái Bình dương tiền bán thế kỷ 21.

tcb2

Tập Cận Bình cổ võ cho Con đường tơ lụa (Một con đường một vòng đai) và Giấc mơ Trung Hoa

Trung hoa là một nước xưa cổ, có nền văn minh lâu đời... Kinh tế của Trung Quốc phát triển vượt bực từ 30 năm qua. Chiến tranh thì Trung Quốc thắng Mỹ tại Việt Nam, tiêu diệt đồng minh của Mỹ trên toàn cõi Đông dương. Nhìn trên đồ thị kinh tế, chính trị, quân sự thì Trung Quốc tiếp tục phát triển, lấy lại phong độ của thế kỷ 16-17 thời Minh-Thanh và sẽ thống trị thế giới.

Nếu Trung Quốc chỉ cần tiếp tục con đường đang đi, không cần thay đổi thì năm 2035 Trung Quốc là siêu cường quốc số một. Các nước quanh Trung Quốc nộp cống xưng thần.

Tuy nhiên, nhìn kỹ lại thì không có gì bảo đảm vị trí siêu cường đó sẽ lọt vào tay Trung Quốc.

Năm 2035 dân số Trung Quốc sẽ bị lão hóa nặng, 2 người trẻ đi làm nuôi 1 người già nghỉ hưu. Trung Quốc đang mắc nợ tới 280% GDP do đó không còn giữ vị trí đáng nể. Chi phí cho quân sự tăng 50%, nhanh hơn tăng trưởng GDP mỗi năm. Cứ như vậy, Trung Quốc không thể để tình trạng này kéo dài vĩnh viễn. Ước muốn tăng tiêu thụ nội địa thay cho xuất cảng rất khó vì tuyệt đại đa số người giàu hiện nay toàn là người trong đảng cộng sản, khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa rất thấp. Hơn nữa Tập Cận Bình đang chống tham nhũng, số người giàu trong Đảng cộng sản Trung Quốc không dám xài tiền vì sợ vô tù.

Trung Quốc thuở xưa có nhiều nước chư hầu và dễ dàng hù dọa các nước nhỏ mà không cần phải làm gì hết. Đừng quên thời Minh không có những cường quốc Tây phương tranh giành thị trường và ảnh hưởng của Trung Quốc. Thời Minh chưa có cường quốc Hoa Kỳ. Đồng minh của Trung Quốc hiện nay gồm có Việt Nam, Bắc Hàn và Pakistan. Không có gì là ghê gớm.

Trung Quốc hiện nay đang giữ nhiều công khố phiếu Mỹ, đây là mối lo nhiều hơn là mối lợi cho Trung Quốc. Con nợ này của Trung Quốc rất mạnh, võ trang tận răng. Chọc giận nó, nó sẽ quịt nợ, dựng rào thuế quan và ngưng mua hàng hóa thì Trung Quốc sẽ đối diện ngay với nạn thất nghiệp và bất ổn xã hội sẽ tràn lan khắp lãnh thổ Trung Quốc.

Lịch sử 4000 năm không giúp ích gì cho Trung Quốc khi phải đánh nhau với những nước có tuổi đời trẻ hơn nhưng lại khỏe mạnh hơn. Chiến tranh nha phiến đời Thanh đã làm chứng cho điều đó.

Ông Trump dang đưa quan hệ Mỹ - Hoa vào giai đoạn phức tạp và gay cấn hơn thời Obama. Bóng ma của cuộc chiến nha phiến thời vua Đạo Quang đang lững lờ trở lại. Chiến tranh vì bất đồng ngoại thương. Ngoài bất đồng về ngoại thương hôm nay chúng ta còn thấy một nguy hiểm khác, đó là cái bẫy Thucydides trap, nghĩa là chiến tranh giành ngôi bá chủ.

Thucydides, người đã viết lại lịch sử chiến tranh Peloponnesian thời Hy-Lạp, cho rằng sức mạnh kinh tế quân sự của thành Nhã Điển (Athens) đe dọa sức mạnh của Sparta khiến chiến tranh giành ngôi bá chủ không tránh khỏi.

Sử gia Graham Alison cho biết trong 500 năm qua có 15 lần thay đổi vai trò bá chủ thế giới thì đã có 11 lần xảy ra chiến tranh.

Hôm nay Trung Quốc đang thách đố Hoa Kỳ về ngôi vị bá chủ này. Chúng ta không phải chỉ có một mà đến hai lý do để hai đại cường Hoa-Mỹ lâm vào thế đối đầu nảy lửa với nhau.

Ở đây, chúng ta đang chứng kiến bóng ma cuộc chiến tranh Nha phiến đời Thanh và cái bẫy Thucydides lặp lại và đi chung với nhau. Ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia mới của tòa Bạch ốc nói rằng 'chúng ta đã có cái nhìn sai lạc và ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ vươn lên trong hòa bình. Thực tế đã ngược lại, Trung Quốc không những đang chuẩn bị chiến tranh mà còn thách thức Mỹ bằng võ lực, đặc biệt là trên vùng Biển Đông. Tuy rằng Mỹ không tranh giành tài nguyên Biển Đông với ai, nhưng Mỹ cũng không muốn tài nguyên đó lọt vào tay Trung Quốc, một đối thủ vừa kinh tế lẫn quân sự. 

Đúng là ông Trump đang khơi động chiến tranh mậu dịch, đánh thuế lên 1.300 mặt hàng made in China với một tổng trị giá ước lượng trên 100 tỉ US dollars sẽ thu về cho ngân sách. Tập Cận Bình chắc chắn sẽ không để bị mất mặt và sẽ tỏ ra cứng rắn tương tự chứ không lùi bước.

Tuy nhiên lý do kinh tế không là tất cả. Còn lý do khác nóng hơn, đó là ảnh hưởng chánh trị. Mặc dù kinh tế và sưc mạnh quân sự của Trung Quốc chưa thể đương đầu trực diện với Mỹ, do đó chưa phải là đối thủ của Mỹ. Hiện nay Trung Quốc đang cường sự hiện diện tại khắp nơi qua Con đường tơ lụa mới, trên đất liền từ Trung Á đến Châu Âu, trên biển từ Đông Nam Á qua Ấn Độ Dương, xuyên Địa Trung Hải đến Bắc Phi và Nam Âu.

Vấn đề là trong cuộc chạy đua đường dài này, khả năng kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc rất giới hạn, chưa đủ tầm vóc để trang trải trên một địa bàn quá lớn và quá phức tạp mà ngay cả những siêu cường quốc Tây Âu đầy kinh nghiệm, và ngay cả Hoa Kỳ hiện nay cũng không dám nghĩ tới. Những số tiền khổng lồ bỏ ra để xây dựng hạ tầng và mua chuộc khai thác tài nguyên tại Châu Phi hiện nay coi như mất trắng : giá cả dầu thô và quặng mỏ bán trên thị trường thấp hơn giá thành mà các công ty xí nghiệp Trung Quốc đang khai thác, do đó chỉ có lỗ và lỗ.

Ai cho rằng chiến tranh mậu dịch hoặc quân sự là đi ngược lại quyền lợi kinh tế quốc gia thì người đó cố tình quên đi yếu tố văn hóa và lịch sử.

Văn hóa Trung Hoa là một nền văn hóa độc tôn, muốn thống trị tất cả, muốn thu tất cả tài nguyên và của cải trên thế giới vào tay mình. Trung Hoa là nước trung tâm, tất cả mọi dân tộc hay sắc tộc đều phải quy phục và triều cống.

Lịch sử nước Trung Hoa là một chuổi dài những cuộc chiến tranh tiêu diệt : không ai có quyền khác biệt. Một thí dụ : không mộ phần nào của người chống đối còn nguyên vẹn, không một ngôi mộ vị vua hay hoàng đế nào còn để lại vết tích nếu không được giấu kỹ.

Trong cuộc đọ sức về kinh tế lần này với Hoa Kỳ, chắc chắn Tập Cận Bình và bộ tham mưu đã bàn thảo rất kỹ. Đụng Mỹ thì Trung Quốc sẽ thua. Thua kinh tế thì sẽ thua luôn quân sự. Do đó, trong những ngày sắp tới chúng ta sẽ thấy Trung Quốc một mặt thì cứ lên gân, mặt kia thì tìm cách đi đêm hay nhượng bộ để không bị mất mặt.

Với một đối thủ có lối suy nghĩ bình thường thì rất dễ tiên đoán phản ứng, nhưng với Donald Trump thì rất khó, vì đây là một vị tổng thống không được tôi luyện trong chốn quan trường chính trị, quân đội hay ngoại giao. Donald Trump chỉ là một doanh nhân, do đó chỉ biết và có một ưu tư duy nhất là tiền.

Tập Cận Bình biết rất rõ điều này. Ông Tập đã cố gắng mua chuộc vòng đai thân tình của Donald Trump bằng tiền. Nếu ít tiền không được thì nhiều tiền. Điều này có thể thành công với những người làm chính trị có cuộc sống thanh đạm, nhưng với Donald Trump thì chỉ như nước đổ lá môn, bao nhiêu tiền cũng không đủ.

Giải pháp hay nhất cho Tập Cận Bình là mềm dẻo, thương lượng trong hòa bình. Vấn đề là những cố vấn thân cận của Donald Trump hiện nay là những diều hâu về kinh tế : John Bolton và Peter Navarro, hai người có lập trường chống Trung Quốc kịch liệt. Những ngày sắp tới sẽ rất khó khăn cho Tập Cận Bình và Giấc mộng Trung Hoa của ông. Do đó thế kỷ 21 này sẽ không là thế kỷ của nước Trung Hoa cộng sản.

Trong cuộc đối đầu thương mại giữa hai đại siêu cường này, chỗ đứng của Việt Nam ở đâu ?

Nếu không có gì thay đổi, đảng cộng sản và nhà nước cộng sản Việt Nam, như lịch sử đã chứng minh, luôn đứng về phía cộng sản, không phân biệt chủng tộc hay vùng miền. Phía mà đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay chọn là phía Trung Quốc. Những tiếp cận với phương Tây chỉ là hỏa mù.

Khôn hay dại ? Mỗi người Việt Nam phải tìm cho mình lời giải đáp.

Võ Thanh Liêm

(12/04/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Thanh Liêm
Read 1357 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)