Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

15/05/2018

Làn sóng dân chủ vẫn đang trào dâng mạnh mẽ !

Việt Dân

Người ta có lý khi băn khoăn về sự khựng lại của làn sóng dân chủ. Nhất là khi quan sát sự trỗi dậy của các chế độ độc tài hay xu hướng dân túy quá khích trong những nền dân chủ lâu đời gần đây.

lan1

Sự khựng lại của làn sóng dân chủ và sự trỗi dậy của các chế độ độc tài hay xu hướng dân túy

Thế giới trong nửa đầu năm 2018 đã xảy ra nhiều sự kiện quan trọng. Nước Mỹ, quốc gia siêu cường về kinh tế và rất tích cực thúc đẩy tiến bộ dân chủ, nhân quyền, đang co cụm lại theo tầm nhìn hạn hẹp của Donald Trump. Chế độ tổng thống, với thể thức bầu cử của nó, đã làm suy yếu các chính đảng. Các thảo luận nghiêm túc hay các định nghĩa đúng đắn về vai trò của nhà nước và công dân, các quyền con người, sự liên đới giữa các cộng đồng và trong xã hội... dần dần trở nên nhạt nhòa và xa lạ với người dân. Các khái niệm dân chủ và viễn kiến chính trị vốn được bàn thảo và chuyên chở bởi các chính đảng rồi từ đấy mới đến được với người dân đang ngày càng vắng bóng và xa cách…

Phải có một logic lý giải cho việc thắng cử của tổng thống Donald Trump hiện tại. Nó đã bắt đầu kể từ năm 1992 với ông Bill Clinton, người chủ trương "Economist, stupid", nghĩa là chỉ quan tâm tới kinh tế và sẵn sàn bắt tay với các chế độ độc tài bạo ngược. Các tổng thống tiếp theo của Mỹ đã chỉ tệ hoặc đỡ tệ hơn. Dẫu vậy, Donald Trump và những hành động của ông ta kể từ khi chấp chính, đã phá vỡ mọi sự tưởng tượng về những điều tệ nhất. Đỉnh điểm gần đây là việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, thỏa ước mà Châu Âu và Mỹ đã phải rất dày công cố gắng xây dựng và thuyết phục Iran nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho vùng Trung Đông đầy bất ổn vì yếu tố lịch sử và địa lý của nó.

Nước Mỹ đã gây thương tổn nặng nề cho các đồng minh lâu đời và quan trọng là Châu Âu và khối NATO. Không ai có thể dự đoán chính xác được rằng trong những ngày tới sẽ có một cuộc xung đột thực sự xảy ra ở vùng Trung Đông hay không ? Đây là lúc lý trí và sự sáng suốt cần phải được cân nhắc kĩ lưỡng. Một giải pháp hòa bình bằng con đường ngoại giao, do Châu Âu nỗ lực cứu vãn, sẽ được đưa ra cho cả Mỹ, Iran, Do Thái và các nước trong vùng Trung Đông. Bất cứ một sự nóng vội hay sai lầm nào đều có thể đưa đến một cuộc chiến đẫm máu và khốc liệt trong khu vực này giữa nhà nước Do Thái (với 6 triệu dân) và khối Ả Rập (hơn 400 triệu dân).

Sự triệt thoái của Mỹ cũng là một chỉ dấu "vui mừng" cho các chế độ độc tài. Trung Quốc với "Chủ tịch trọn đời" Tập Cận Bình. Ông Putin, sau nhiều đường lắt léo, lại tiếp tục tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga lần thứ tư và thẳng tay đàn áp những tiếng nói đối lập. Philipines ngày càng trở nên bất ổn và mâu thuẫn dưới nhiệm kì của ông Duterte. Hay Triều Tiên, nhiều quan sát viên vẫn cảm thấy lo ngại trước những hành động của ông Kim Jong Un, nhất là khi những bài học lịch sử về sự tráo trở của họ Kim đã xảy ra không chỉ một lần trước đây.

Băn khoăn về đà tiến của làn sóng dân chủ là vậy, song chúng ta có lý do nào để giữ gìn sự lạc quan ? Đó là làn sóng dân chủ vẫn đang tiếp tục tràn tới, mặc cho xu hướng co cụm hay sự hung hăng của các chế độ độc tài. Thế giới đã bước vào một kỉ nguyên của dân chủ và nhân quyền. Không còn một công thức dân chủ được đề nghị bởi khối Tư bản hay phe trục các nước xã hội chủ nghĩa thời Xô viết nữa. Cái lằn ranh ý thức hệ đã trở nên rỗng nghĩa từ lâu, nhất là khi những tiến bộ truyền thông dồn dập trong vài thập kỉ trở lại đây đã cho người dân một cái nhìn khích lệ hơn. Dân chủ và tự do là ưu tư của bất cứ người dân nào trên trái đất này. Chính các chế độ độc tài cũng lúng túng và không dám phủ nhận.

Vậy có thể rút ra kết luận gì từ hiện tượng này ?

Sự hung hăng của Trung Quốc, Nga, các phong trào Hồi Giáo cực đoan hay các trào lưu dân túy quá khích… chỉ cho thấy một tâm lý tuyệt vọng, bị dồn vào chân tường của con thú dữ. Nhưng nó sẽ thất bại bởi vì nó không đại diện cho một tương lai phải đến của người dân trong mỗi quốc gia nói riêng và nhân loại nói chung. Trung Quốc cần nhìn nhận rằng, nó không phải là một quốc gia đúng nghĩa mà là một đế quốc. Suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc chỉ được thống nhất và sát nhập bằng bạo lực, duy trì quyền lực bằng bạo lực, chế độ cộng sản Trung Quốc không phải một ngoại lệ mà đó là một sự tiếp nối của lịch sử. Trung Quốc đã tích tụ quá nhiều bất mãn và nguy cơ về kinh tế, môi trường, sự thù hận…

Gần đây, Đảng cộng sản Trung Quốc đã tỏ ra quá phân rã và rục muỗng vì tham nhũng và sự độc đoán trong chính trị nên nó đã lấy quyết định đưa một nhân vật không có gì nổi trội lên làm lãnh tụ độc tài suốt đời : Tập Cận Bình. Mặc dù được xem là người đàn ông quyền lực nhất thế giới hiện nay nhưng ông Tập không đưa ra được bất cứ một hứa hẹn gì hay một dự án tương lai nào cho Trung Quốc. Hình ảnh của ông Tập chỉ cho người ta thấy gợn gợn và rùng mình khi nhớ lại giai đoạn khủng hoảng toàn diện suốt thời kì Mao Trạch Đông cai trị.

Còn nước Nga ? Nền kinh tế đang lao dốc. Nước Nga với địa lý và tài nguyên rộng lớn, nhưng nền kinh tế nhỏ hơn cả Hàn Quốc hay Đài Loan. Hơn nữa, rất khó để Putin có thể bưng bít mãi với người dân và phe đối lập những gì đang diễn ra trên thế giới. Các thế hệ trẻ Nga không còn vương vấn hay tiếc nuối nào về giai đoạn Xô Viết. Họ đòi hỏi một nền dân chủ thực sự để người dân được bảo đảm đầy đủ nhân quyền, phẩm giá và tìm một lối thoát cho nền kinh tế nước nhà.

Các phong trào Hồi Giáo cực đoan cũng đã thất bại hoàn toàn. Thế giới Ả Rập đang ở trong thời kỳ xét lại triệt để và đau nhức để Hồi giáo tách ra hẳn khỏi chính trị và quay về vị trí một tôn giáo đúng nghĩa.

Những giải đáp cho những băn khoăn về sự khựng lại của làn sóng dân chủ rất quan trọng. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hiện tại để có được niềm tin vào tương lai để rồi cùng nhau vực dậy phong trào dân chủ Việt Nam. Những tín hiệu lạc quan từ hai nước Armenia và cuộc bầu cử tại Malaysia gần đây càng củng cố thêm cho điều này : Làn sóng dân chủ vẫn đang tràn tới và không thể đảo ngược.

lan2

Người ta không thể không phẫn nộ khi hay tin một vị cán bộ ngân hàng có "thâm niên tuổi Đảng" được hưởng 18 tháng án tù treo sau khi đã xâm hại tình dục nhiều cô bé trẻ thơ.

Nhìn về Việt Nam, nhiều thân hữu không khỏi băn khoăn khi chia sẻ một mối lo : "Khi nào thì dân chủ sẽ đến với Việt Nam ?". Phong trào dân chủ Việt Nam đã không khỏi lúng túng và bế tắc sau phiên tòa xử Hội Anh Em Dân Chủ. Phải làm gì bây giờ ? Đáng buồn là những điều tồi tệ vẫn đang ở phía trước. Đó là khi chúng ta đọc những tin tức thời sự dồn dập xảy ra mỗi ngày, mỗi giờ trong chế độ Cộng sản. Người ta không thể không phẫn nộ khi hay tin một vị cán bộ ngân hàng có "thâm niên tuổi Đảng" được hưởng 18 tháng án tù treo sau khi đã xâm hại tình dục nhiều cô bé trẻ thơ.

Người ta cũng không thể không uất nghẹn khi đọc và nhìn thấy sự tiều tụy, gầy guộc và khắc khổ hằn lên nét mặt của những người dân oan Thủ Thiêm bị đẩy ra bên lề cuộc sống sau khi bị các nhóm lợi ích chia chác và xẻ thịt khu đất vàng này.

Chế độ Cộng sản hiện nay, tự thân nó đã mất hết lẽ phải và sức sống. Nó không có tính chính danh và nó cũng không còn đại diện cho cả tiếng nói của khối 4 triệu Đảng viên cơ sở. Thực tế nó chỉ còn là một lớp váng và làm bình phong cho những vị lãnh đạo ở trên và nhóm đặc quyền, đặc lợi cấu kết với nhau xâu xé, chia chác lợi ích và đẩy nhân dân Việt Nam ra ngoài lề xã hội.

lan3

Sự tiều tụy, gầy guộc và khắc khổ hằn lên nét mặt của những người dân Thủ Thiêm bị đẩy ra bên lề cuộc sống và chỉ biết kêu oan

Chúng ta có thể chấp nhận thực tại này mãi không ?

Câu hỏi này để lại trong tôi nhiều ưu tư. Nó dẫn tôi đến câu hỏi vậy mục đích của cuộc tranh đấu này là gì ? Có phải chỉ để lật đổ chế độ độc tài toàn trị hay không ? Lật đổ như thế nào ?

Trong Dự án Chính trị-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi đã xác quyết rằng đây là một cuộc tranh đấu để xây dựng một thể chế chính trị "dân chủ đa nguyên" cho Việt Nam. Nó không phủ nhận hay đòi tiêu diệt bất cứ một giai cấp hay một thành phần nào, nó cũng không nhằm trả thù bất cứ ai. Ngược lại, nó nhằm vinh danh quyền sống và tự do cho mọi người dân Việt Nam (trong đó có cả các đảng viên đảng cộng sản). Tuyệt đại đa số nhân dân hiện nay đều đang bị kiềm tỏa về đời sống tinh thần, vật chất bởi vòng kim cô mang tên đảng cộng sản. Chuyển tiếp thành công về dân chủ là để giải thoát cho cả dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu rằng, lần đầu tiên, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, người Việt thực sự có tự do để làm chủ đời mình và vận mệnh đất nước.

Chính vì xác định mục đích tranh đấu như vậy nên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã chọn lựa phương pháp đấu tranh bất bạo động, ôn hòa và nỗ lực truyền bá nhiều kiến thức, tư tưởng chính trị hơn nữa đến với mọi tầng lớp nhân dân với mong ước trí thức Việt Nam sớm nhập cuộc, và người dân có được một sự chuẩn bị tốt hơn cho hạn kì dân chủ đang đến gần. Chế độ Cộng sản đã quá suy yếu. Cho đến lúc này, ngay cả những người lãnh đạo Cộng sản và bộ máy tuyền truyền của nó, cũng đã chấp nhận bỏ cuộc trong việc tranh dành tình cảm của người dân Việt Nam. Họ chỉ còn một phương thức duy nhất là đàn áp. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tan vỡ như một qui luật tất yếu kể cả khi không ai làm gì nó.

Chúng ta, những người dân chủ, phải làm gì ? Phải chuẩn bị những gì ?

Đó là phải chuẩn bị một lực lượng nhân sự chính trị có tinh thần và kiến thức về dân chủ để đảm bảo sự chuyển tiếp về dân chủ trong giai đoạn sắp tới sẽ thành công, không hỗn loạn, không có sự trả thù bằng "nợ máu, trả máu"… Những bài học lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của ông bà ta cho thấy sự đổ vỡ sẽ rất lớn và khó hàn gắn trong tâm hồn của người Việt nếu chúng ta chỉ biết giải quyết các bất đồng bằng những biện pháp và hành động dựa trên bạo lực của kẻ thắng cuộc.

Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một lựa chọn để mưu tìm một tương lai cho người Việt, nó mở ra cho tất cả chúng ta một cơ hội để tiếp tục chung sống với nhau.

Nếu người Việt và đất nước Việt Nam từ trước đến nay đã là nạn nhân của những hận thù, ý thức hệ, tương tàn, "nồi da nấu thịt"…thì chúng ta càng phải cố gắng hòa giải với nhau trong tình nghĩa đồng bào, tình anh em tìm lại. Cái đầu nóng phải đặt dưới sự kiểm soát của lý trí và con tim. Tinh thần bao dung phải vượt lên trên lòng thù hận.

Những người dân chủ hãy kết hợp lại với nhau để cùng mở ra một tương lai cho đất nước.

Việt Dân

(15/5/2018)

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180508-lanh-dao-doi-lap-armenia-duoc-quoc-hoi-bau-lam-thu-tuong

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180511-chien-thang-ngoan-muc-cua-tan-cuu-thu-tuong-92-tuoi-malaysia

https://www.economist.com/news/europe/21740804-having-prudently-transferred-powers-premiership-president-serzh-sargsyan-assumes

https://www.economist.com/news/leaders/21741972-ruling-party-used-every-dirty-trick-book-and-still-lost-malaysias-chance-clean-up

https://www.economist.com/news/europe/21741570-russia-seems-sensibly-wary-interfering-armenias-revolution-continues-its-opposition-leader

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Dân
Read 1126 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)