Đọc qua phần trả lời của học giả xã hội chủ nghĩa Nguyễn Trần Bạt trong bài phỏng vấn của ông Xuân Vũ đăng trên báo Tiền Phong về chính sách Hòa giải và hòa hợp dân tộc trong ngày 30/4/2018, người quan tâm đến thời sự Việt Nam không khỏi e ngại ông này ăn nói thiệt là bạt mạng.
Hòa giải dân tộc là một triết lý cộng sinh hài hòa giữa hai anh em không thể phủ nhận nhau cần phải đặt ra sau chiến tranh.
Lý luận chính trị chốt lại trong bài của ông Bạt là chính sách Hòa giải và hòa hợp dân tộc không được đặt ra trong thời hậu chiến. Hết chiến tranh hết Hòa giải và hòa hợp dân tộc. Trong chiến tranh phe nào hòa hợp được trong nội bộ đã đưa đến chiến thắng. Lãnh đạo cộng sản nếu có nói đến hòa hợp và hòa giải dân tộc chỉ là nói theo ‘truyền thống’ thôi vì ‘có thể có sự áy náy, lăn tăn về cái gì đó thái quá của người thắng trận, thí dụ như mình có thô lỗ, có kiêu ngạo, có quyết liệt quá chăng ? Vấn đề hòa giải chỉ được ‘những lực lượng không có tập hợp (hoặc chỉ tập hợp trên một không gian ảo là mạng xã hội)’. Mà nếu có vấn đề hòa giải cũng khó vì ‘ở trong nước bây giờ không còn lực lượng chính thống nào khác để thương lượng về hòa giải, chỉ có vấn đề hòa hợp trên những khía cạnh khác nhau mà thôi’.
Trước hết, không ai nên để bị nhiễu sóng như đây là lý luận của Đảng cộng sản Việt Nam hay của tập thể trí thức xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà di họa vào thân. Đảng cộng sản Việt Nam đã thừa nhận và tôn trọng chính sách Hòa giải và hòa hợp dân tộc (National Reconciliation and Concord) đặt ra sau chiến tranh Việt Nam trong Hiệp Định Paris 1973. Đây chỉ là ý kiến của một cá nhân ông Bạt, một người được/bị phong làm học giả đã sở hữu cả một nhà sách. Đọc cả một nhà sách mà không tiêu hóa nổi có rủi ro cao hiểm họa kiến thức bị táo bón.
Cần phân biệt rạch ròi giữa cuộc chiến tranh xâm lăng và nội chiến. Khi một quốc gia to lớn hung hăng mở cuộc xâm lăng một nước láng giềng nhỏ bé hiền hòa để cai trị, khống chế, bóc lột và khai thác tài nguyên, vấn đề hòa giải không đặt ra. Như đế quốc Trung Hoa đã bao nhiêu lần cử binh ‘dạy cho Việt Nam một bài học’ trong lịch sử đã đưa những quan chức của đế quốc, những thái thú người Trung Hoa hay thái thú dưới dạng người bản xứ đến cai trị Việt Nam. Sau chiến tranh xâm lăng mà người nhỏ bé chiến thắng không có vấn đề hòa giải giữa hai dân tộc mà chỉ có sự tái lập bang giao để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Vấn đề hòa giải dân tộc không đặt ra giữa hai dân tộc khác biệt. Vấn đề chỉ là nối lại bang giao cần thiết để có hòa bình. Lịch sử Việt Nam cho thấy mỗi lần đánh thắng giặc Trung hoa, các vua chúa Việt Nam đã tái lập bang giao với đế quốc bằng cách cử người sang xin phong vương, triều cống để được yên thân.
Nhưng chiến tranh nội chiến hoàn toàn khác biệt. Đó là nồi da xáo thịt, đó là anh em một nhà, cùng một gia phả, cùng một tổ tiên, tàn sát nhau vì xung đột, mâu thuẫn nội tại, không phải để độc quyền cai trị, bóc lột, trấn áp dân tộc mình như một lực lượng ngoại bang. Trong nội chiến, dù người thắng hay bại, cũng vẫn là anh em cùng huyết thống, cùng tiếng nói, màu da, cùng lịch sử và cùng tiền nhân tổ tiên của dân tộc. Vì thế, vấn đề hòa giải dân tộc luôn luôn cần phải được đặt ra ở bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, trước và sau chiến tranh, đặc biệt là sau nội chiến tương tàn. Sự sai lầm của người cộng sản là đã hung hăng lấy chiến tranh làm phương tiện giải quyết mâu thuẫn nội tại trong khi với người có lòng yêu nước thật sự, dù đứng trong phe thắng hay phe bại, chiến tranh là hệ quả đáng sợ của một sự hòa giải bất thành.
Hòa giải dân tộc là một triết lý cộng sinh hài hòa giữa hai anh em không thể phủ nhận nhau cần phải đặt ra sau chiến tranh. Hòa giải dân tộc là một tinh thần xuyên suốt chỉ đạo các chính sách quản trị quốc gia để xóa bỏ những sự đối xử phân biệt kỳ thị, tầm thù báo oán, trừng trị người thảm bại, thậm chí, như trường hợp Việt Nam, còn tệ hơn người ngoại quốc. Hòa giải dân tộc là phương thức vận động mọi tiềm năng nhân tài vật lực của quốc gia một cách hòa bình và hiệu quả nhất để có được sự cộng sinh hài hòa trong xã hội và dùng đó làm bệ phóng thực hiện một tương lai thịnh vượng chung chia sẻ hạnh phúc. Hòa giải dân tộc vì thế là lẽ phải, là yêu cầu bức bách nhất của vấn đề Việt Nam. Nói Hòa giải dân tộc chấm dứt cùng với chiến tranh là nhận định sai lầm tàn tệ nhất đáng bị lên án.
Người ta thường nói công thành không khó, giữ thành mới khó. ‘Nhất tướng công thành vạn cốt khô’. Nếu chiếm được thành mà không giữ được thành thì có xứng đáng với ‘vạn cốt khô’ ? Những mâu thuẫn nội tại nguy hại khôn lường thường phát sinh, xét cho kỹ, sau khi người thắng trận đã cướp được chính quyền và tổ chức điều hành quốc gia. Giữ thành là một nghệ thuật khó khăn gấp bội lần bắn một cây súng. Phe cộng sản Việt Nam hiện nay không phải đối đầu với sự chống trả của Việt Nam Cộng Hòa mà là với dân tộc Việt Nam. Những chính sách cai trị độc đoán không có sự đồng thuận của toàn dân đã ngăn cách người dân và chế độ còn rộng lớn và dài hơn cái lưỡi bò chín đoạn của Bắc Kinh ngoài Biển Đông. Lòng dân và ý đảng trở nên một đại dương cách biệt. Sự phủ nhận những mâu thuẫn và không chịu hòa giải tố cáo hiện trạng quốc phá gia vong hiện nay. Chính sách hòa giải dân tộc để bảo vệ chủ quyền Việt Nam trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Ông Nguyễn Cơ Thạch đã viết trong hồi ký sau mật ước Thành Đô ’đã bắt đầu một thời kỳ Bắc thuộc mới’.
Nhà cầm quyền Việt Nam phải hòa giải những mâu thuẫn hiện thực không thể thối thoát. Hàng triệu người dân Cồn Dầu, Đồng Tâm,Tiên Lãng, Văn Giang, Dương Nội,Vụ Bản… và mới đây nhất lòi ra thêm Thủ Thiêm, đã bị cướp đất, tước đoạt nhà cửa, sinh kế, sống màn trời chiếu đất đang đòi hỏi công lý. Còn bao nhiêu đất thánh đường, dòng tu, của các tôn giáo bị cưỡng chế để xây khách sạn, nhà nghỉ, sân golf cho quan chức cộng sản, đại gia và ngoại nhân. Hàng triệu ngư dân sinh sống dọc dài bờ biển hàng ngàn cây số từ Thừa Thiên đến Hà Tĩnh và nay đã lan đến cả Cà Mau đã mất kế sinh nhai khi biển đã bị ngộ độc vì xả thải vô lương tâm của tập đoàn Formosa, Lee&Man dưới con mắt vô cảm của nhà cầm quyền cộng sản cần được hòa giải.
Phải tránh cho ngư dân Việt Nam khỏi làm ‘những con thuyền nằm nhớ sóng xa khơi’, để khỏi phải đột ngột đổi sang nghề làm cửu vạn, đẩy xe thồ. Hàng ngàn người yêu nước đã bị trấn áp, dập dùi vì đã xuống đường chống lại giặc xâm lăng Bắc Kinh ngoài biển Đông và trong thành phố phải được phục hồi danh dự. Hàng ngàn người đã bị trấn áp dã man chỉ vì muốn thắp một nén nhang lòng thương tiếc những người đã nằm xuống vì bảo vệ biển đảo Việt Nam. Hàng ngàn người đang nằm uất hận trong lao tù chỉ vì thực hiện ôn hòa các quyền tự do ngôn luận, ý kiến cho công việc chung, đã được chính cộng sản Việt Nam ghi trong hiến pháp. Hàng ngàn quan tham cộng sản tham nhũng nấp dưới các dự án khống mà ông tổng bí thư cộng sản ngần ngại vì sợ đập chuột làm vỡ bình. Cái bình đã quá tải có thể tự nó bể ra vì sự sinh sản và phát triển kinh hoàng của loài chuột. Đây chỉ là tiêu biểu những mâu thuẫn xã hội ngày càng khốc liệt đã phát sinh sau nội chiến cần phải được hòa giải. Những mâu thuẫn xã hội, văn hóa, giáo dục, đạo đức… đang đòi hỏi một chính sách hòa giải thành tâm từ nhà cầm quyền. Cách đáp ứng của họ sẽ chứng minh họ là nhà cầm quyền có chính danh, chính nghĩa và những chính sách cai trị chính đáng. Nhưng cộng sản Việt Nam đã ứng xử ngược lại với đòi hỏi của từ công dân.
Phải tránh cho ngư dân Việt Nam khỏi làm ‘những con thuyền nằm nhớ sóng xa khơi’
Chính trong lời nói ‘ở trong nước bây giờ không còn lực lượng chính thống nào khác để thương lượng về hòa giải’ đã tố cáo tính ‘truyền thống’, tức tính gian xảo, bịp bợm, của cộng sản. Mọi nỗ lực cố gắng của người dân để được can dự vào công việc chung của đất nước, đã được quy định trong hiến pháp, đã bị nhà cầm quyền tiêu diệt trong trứng nước bằng hàng triệu đảng viên cộng sản và hàng triệu công an, quân đội, mười ngàn LL47 và hàng chục ngàn dư luận viên, hàng chục ngàn côn đồ, lưu manh giả dạng thường dân. Chính lực lượng trấn áp hàng triệu nhân sự này đã nói lên lực lượng chính thống đã lớn mạnh không thể ngăn chận. Nếu không phải thế sao lại có sự hiện hữu của đến hàng triệu côn đồ ? Vấn đề, vì thế, nhà cầm quyền có dám giải quyết bài toán khó khăn này bằng thực hiện một chính Hòa giải và hòa hợp dân tộc với thành tâm thiện ý hay không. Lá bài nằm trong tay cộng sản Việt Nam.
Nói vấn đề hòa giải chỉ được ‘những lực lượng không có tập hợp (hoặc chỉ tập hợp trên một không gian ảo là mạng xã hội)’ là nhìn cây không thấy rừng. Chỉ trên không gian ảo hoàn toàn tự do, các tổ chức chính trị, những đoàn thể xã hội, giới trí thức Việt Nam không cộng sản và những tấm lòng Việt Nam còn trăn trở trước họa quốc phá gia vong hiện nay mới không bị trấn áp, dập tắt tiếng nói và bỏ tù. Hội anh em dân chủ Việt Nam là một thí dụ điển hình. Sự xuất hiện công khai của Hội anh em dân chủ trước một lực lượng trấn áp khổng lồ tàn bạo, đã đưa đến hậu quả bị bỏ tù tổng cộng gần 100 trăm (nếu kể cả thời gian bị quản chế). Họ là những anh hùng thực sự của thời đại cộng sản và xứng đáng được tôn vinh. Nhưng những anh hùng này còn phát huy được tài năng chính trị thêm nữa, giữ cho ngọn lửa dân chủ cháy bùng lớn hơn nữa trên trang mạng xã hội. Vì đấy là phương tiện tự do mà cộng sản không đánh dập được. Không ai dứt được một cơn mưa hay nhốt được một trận bão, kể cả Bill Gates. Trong tình thế cộng sản trấn áp rộng khắp này, không gian mạng, không gian ảo đã là không gian thật trong đời thường. Không gian ảo phản ảnh trung thực những vấn đề đất nước một cách tự do.
Không giản ảo còn mạnh hơn không gian đời thực trong thời đại toàn cầu này. Phủ nhận đó hay nhảm nhí hóa nó là sự hiểm nguy của chế độ.
Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ hiện nay đang điều hành quốc gia và cả thế giới bằng Tweeter. Một không gian ảo.
Sơn Dương
(19/05/2018)