Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

27/05/2018

Vai trò và bổn phận của giới luật sư là gì ?

Việt Hoàng

(Mến tặng luật sư Võ An Đôn, người vừa bị Liên đoàn Luật sư Việt Nam thu hồi thẻ luật sư)

Hiểu một cách ngắn gọn thì vai trò của luật sư là bảo vệ thân chủ trước Tòa và bổn phận của luật sư là bảo vệ công lý dựa trên lẽ phải. Luật pháp là một khế ước xã hội, là những cam kết và thỏa thuận của một hay nhiều cộng đồng đang cùng chung sống với nhau.

vad1

Vai trò của luật sư là bảo vệ thân chủ trước Tòa và bổn phận của luật sư là bảo vệ công lý dựa trên lẽ phải. Luật sư Võ An Đôn trong một vụ bào chữa - Ảnh minh họa

Luật pháp là sự thể hiện của lẽ phải và công lý trong đời sống xã hội nên luật phải đúng và công minh. Cách đây 24 thế kỷ Plato đã từng nói ‘Luật không đúng không phải là luật’ và chính ông cũng từng nói ‘không có gì cao hơn lẽ phải, thượng đế mà không đúng thì cũng không cần nghe theo’. Không có gì có thể cao hơn luật pháp và không có ai có quyền đứng trên luật pháp. Thể chế chính trị là phương tiện để quản lý các công việc chung trong xã hội vì thế nó phải ở dưới pháp luật như mọi hoạt động khác. Trước pháp luật mọi công dân đều phải bình đẳng như nhau, nếu không như thế thì luật pháp không còn giá trị.

Việt Nam hiện tại có gần 10.000 luật sư đang hành nghề trên mọi lãnh vực. Trong bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến các luật sư hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, là những người đã, đang và sẽ tham gia bào chữa cho các vụ án chính trị.

Trong tài liệu ‘Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư’ được thông qua tại ‘Hội nghị lần thứ Tám về Phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội của Liên Hợp Quốc’, họp tại Havana, Cuba từ ngày 27/8 đến 7/9/1990 (1) có qui định rõ ‘nhiệm vụ và trách nhiệm của luật sư’, ví dụ :

Điều 12 : Với tư cách là thành tố quan trọng trong thực hành tư pháp, luật sư phải luôn luôn gìn giữ danh dự và phẩm giá trong nghề nghiệp của họ.

Điều 14 : Trong khi bảo vệ các quyền của khách hàng và thúc đẩy sự nghiệp vì công lý, luật sư phải tìm cách đề cao các quyền tự do cơ bản của con người được pháp luật quốc gia và quốc tế công nhận. Luật sư phải luôn luôn hành động tự do, cần mẫn phù hợp với pháp luật và những tiêu chuẩn đạo đức đã được công nhận của nghề luật.

Kể từ năm 1976 Công ước quốc tế về Nhân quyền (2), gồm Tuyên ngôn Nhân quyền phổ cập, Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa - đã có giá trị của một bộ luật quốc tế mà mọi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đều phải tôn trọng. Việt Nam đã ký kết vào các văn bản này.Trong bộ luật quốc tế này các quyền tự do cá nhân đã được định nghĩa rất rõ ràng tại các điều như 18, 19, 20, 21...

Hiến pháp hiện hành của Việt Nam cũng qui định rõ về các quyền tự do căn bản của người dân như quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, lập hội...

Dân chủ và nhân quyền là một, đó chỉ là cùng một khái niệm được thể hiện trên hai qui mô khác nhau. Dân chủ là nhân quyền trên qui mô quốc gia, nhân quyền là dân chủ trên qui mô cá nhân. Chính vì thế các luật sư không nên phân biệt đấu tranh cho nhân quyền và đấu tranh chính trị. Cuộc đấu tranh cho nhân quyền trên thực tế đã là cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Việc nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam chà đạp lên Hiến pháp và các Công ước quốc tế mà họ đã long trọng ký kết là rõ ràng như ban ngày tuy nhiên không vì thế mà giới luật sư cho phép mình hùa theo, bất chấp công lý và lẽ phải.

Trong các phiên tòa xét xử những người dân chủ như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga hay mới đây là Hội Anh Em Dân Chủ thì các cáo buộc mà viện kiểm soát đưa ra đều mơ hồ và hoàn toàn trái ngược với hiến pháp hiện hành. Ví dụ việc trao đổi với nhau qua Skype, đề nghị lấy kinh tế tư nhân làm nền tảng, xây dựng chế độ chính trị dân chủ đa đảng với hệ thống tam quyền phân lập, tư vấn giúp đỡ dân oan, tiếp xúc với những người cấp tiến trong đảng để thúc đẩy dân chủ hóa, vận động và nhận tài trợ kinh tế từ người Việt hải ngoại và các tổ chức NGO quốc tế, quảng bá về nhân quyền và dân chủ đến thanh niên và sinh viên, trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài, gặp gỡ nhân viên ngoại giao các nước dân chủ như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Úc, Thụy Điển... đều không vi phạm vào bất cứ điều luật gì của Việt Nam cũng như quốc tế.

Ai cũng biết là các bản án dành cho những người dân chủ đã có sẵn, dù có luật sư bào chữa hay không thì bản án cũng không thay đổi. Dù thế các luật sư cũng cần nói hết và nói đủ những gì cần nói, dựa trên Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế. Nhiệm vụ của luật sư trong các vụ án chính trị là làm cầu nối giữa họ và gia đình họ, mạnh mẽ khẳng định sự vô tội của họ để họ và gia đình được an ủi phần nào.

Một luật sư từng ngụy biện rằng ‘nhiệm vụ của luật sư là cố gắng giảm án cho thân chủ’, điều này chỉ đúng với các tội hình sự khi bị cáo đã phạm tội rõ ràng. Với các phiên tòa xử những người hoạt động dân chủ thì họ đâu có phạm tội mà khuyên họ nhận tội ? Việc khuyên họ nhận tội là cố tình hùa với chính quyền vu oan và chụp mũ cho họ, làm hoen ố hình ảnh, xúc phạm và làm mất sự chính danh của những người tranh đấu. Không có gì khiến chính quyền mừng hơn khi họ nhận tội.

Có lẽ, trong những nghề nghiệp bị chính quyền cộng sản coi thường và xúc phạm nhất đó là giới luật sư. Trong một chế độ dân chủ thì vai trò của các luật sư trong các phiên tòa phải tương đương và ngang bằng với viện kiểm sát. Các lý lẽ và chứng cứ của luật sư phải được lắng nghe và xem xét một cách khách quan.

Luật sư phải có quyền bào chữa, quyền được nhận quyết định tố tụng liên quan đến vụ án, quyền được tranh luận tại tòa, ý kiến luật sư phải được thể hiện trong bản án... và cuối cùng là kết quả phiên tòa phải dựa trên quá trình tranh tụng giữa luật sư và viện kiểm sát. Đó là những quyền cơ bản nhất nhưng hầu như đều bị các cơ quan tố tụng bỏ qua. Điều đó đã dẫn đến vô số bản án oan sai. Ngay cả ông Đinh La Thăng còn phải cay đắng thốt lên rằng : ‘ra tòa nếu càng nói, tội càng nặng, lại bị coi là quanh co, không thành khẩn’. (3)

Luật pháp Việt Nam có cũng như không, theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì :

"Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm nhưng nếu có những thành phần phải chịu trách nhiệm hơn cả thì tập thể luật sư là một. Cứu cánh của nghề luật sư là bảo vệ công lý, nghĩa là góp phần để luật pháp ngày càng thể hiện lẽ phải một cách đúng hơn và được thi hành một cách trung thực hơn, nhưng cho đến một ngày gần đây tập thể luật sư đã làm gì ? Đã có bao nhiêu luật sư lên tiếng về sự mơ hồ và tùy tiện của các điều 79, 88, 258 của bộ luật hình sự ? Đã có bao nhiêu luật sư lên tiếng trước những phiên tòa bịp bợm được dàn dựng lên để bách hại những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ? Cụ thể hơn đã có bao nhiêu luật sư dám nhận bào chữa cho họ, dù đó là trách nhiệm và đạo lý nghề nghiệp của các luật sư ?" (4).

Để Việt Nam thay đổi về hướng dân chủ thì vai trò của giới luật sư vô cùng quan trọng. Hơn ai hết, giới luật sư là những người hiểu rõ nhất về luật pháp vì đặc thù nghề nghiệp của họ. Chính họ phải là những thành phần cần lên tiếng mạnh mẽ và quả quyết vì sự tiến bộ và văn minh của dân tộc. Đã đến lúc các luật sư cần thể hiện sự chính danh của mình trong các phiên tòa lớn nhỏ. Không thể tiếp tục làm mỗi việc là ‘chạy án’ và làm vật ‘trang trí’ cho các phiên tòa. Đạo đức nghề nghiệp của nghề luật nếu không được giữ gìn thì sớm muộn các luật sư cũng sẽ bị ‘mất nghiệp’. Nếu các luật sư không tôn trọng ‘đạo đức nghề nghiệp’ của mình thì xã hội sẽ băng hoại và đổ vỡ. Xin xem thêm bài ‘Lương tâm và đạo đức nghề nghiệp của các luật sư đâu ?’ của tác giả Việt Văn (5).

Đã đến lúc giới luật sư phải tham gia mạnh mẽ vào quá trình dân chủ hóa đất nước thông qua chính nghề nghiệp của mình bằng cách lên tiếng bảo vệ cho lẽ phải và công lý. Bảo vệ những người dân chủ trước các phiên tòa bất hợp pháp do chế độ dựng nên là bổn phận, trách nhiệm và là đạo đức nghề nghiệp của các luật sư chân chính. Phải luôn luôn nhớ đến nguyên tắc căn bản của nghề luật là ‘luật không đúng không phải là luật’.

Có hai tầng lớp cần phải tham gia đầy đủ và sớm nhất vào quá trình dân chủ hóa đất nước đó là giới ‘văn nghệ sĩ ‘ và các ‘nhà báo và luật sư’. Đây là hai tầng lớp có tư tưởng tiến bộ, có ảnh hưởng trong xã hội, có khả năng truyền thông và có nhu cầu tự do. Các văn nghệ sĩ thì cần có nhu cầu tự do để sáng tác. Giới luật sư và nhà báo là tấm gương phản ánh tâm hồn, trí tuệ và lẽ phải cho cả dân tộc... cứu cánh của họ là phục vụ con người, phục vụ nhân dân chứ không phải phục vụ chế độ. Đáng tiếc là cho đến giờ chỉ có một số nhỏ trong họ là dấn thân thực sự còn lại đa số vẫn bị tụt hậu, chưa nhập cuộc, mũ ni che tai, lựa thời và vô cảm... cho dù hơn ai hết họ là những thành phần bị chính quyền cộng sản xúc phạm và coi thường nhất.

Ai cũng chỉ sống được một lần, rồi ai cũng phải chết. Cọp chết để da, người chết để tiếng. Thay vì làm công cụ cho chế độ để người dân chê cười và nguyền rủa thì các luật sư nên làm những người tiên phong mở đường đi đến tương lai cho người dân và đất nước Việt Nam. Khi giới luật sư và văn nghệ sĩ nhập cuộc thì ‘cuộc chơi’ sẽ thay đổi nhanh chóng về hướng dân chủ.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn sẵn sàng để đồng hành cùng các bạn.

Việt Hoàng

(27/05/2018)

Chú thích :

(1) http://www.advocatenvooradvocaten.nl/wp-content/uploads/Basic-Principles-VN.pdf

(2) http://www.nhanquyen.vn/images/File/53sach%20tuyen%20ngon%20nhan%20quyen%201948.pdf

(3) https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/ong-dinh-la-thang-toi-co-cam-giac-cang-noi-toi-cang-nang-3748188.html

(4) https://thongluan2016.blogspot.com/2017/12/nghe-luat-ly-ke-manh-va-song-xung-ang.html

(5) http://thongluan2016.blogspot.com/2018/05/luong-tam-va-ao-uc-nghe-nghiep-cua-cac.html

*****************

Phụ lục :

Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế, 1948

(Được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217A (III) ngày 10/12/1948)

vad2

LỜI NÓI ĐẦU

Với nhận thức rằng :

Việc thừa nhận phẩm giá vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hoà bình trên thế giới ;

Sự coi thường và xâm phạm các quyền con người đã dẫn đến những hành động tàn bạo xúc phạm tới lương tâm nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người được tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn phải chịu nỗi sợ hãi và nghèo khổ cùng cực, được coi là khát vọng cao nhất của loài người,

Điều cốt yếu là quyền con người cần phải được pháp luật bảo vệ để con người không buộc phải nổi dậy như là một biện pháp cuối cùng nhằm chống lại sự độc tài và áp bức.

Việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc là rất cần thiết.

Các dân tộc thuộc Liên Hợp Quốc đã tái khẳng định trong Hiến chương niềm tin vào các quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị của mỗi con người, vào các quyền bình đẳng giữa nam và nữ, và đã bày tỏ quyết tâm thúc đẩy sự tiến bộ xã hội cũng như xây dựng các điều kiện sống tốt hơn, với sự tự do rộng rãi hơn ;

Các quốc gia thành viên đã cam kết, cùng với Liên Hợp Quốc, phấn đấu thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ chung các quyền và tự do cơ bản của con người ;

Sự nhận thức thống nhất về các quyền và tự do kể trên là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện đầy đủ cam kết này.

Do đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố,

Bản Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người này là thước đo chung cho tất cả các quốc gia và các dân tộc, và cho cả mọi cá nhân và tổ chức xã hội, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của mình mà, trên cơ sở luôn ghi nhớ bản Tuyên ngôn này, sẽ phấn đấu thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người thông qua truyền bá và giáo dục ; cũng như thúc đẩy sự thừa nhận và tuân thủ chung và hữu hiệu các quyền đó không chỉ với người dân nước mình mà với cả các dân tộc ở các lãnh thổ thuộc quyền quản thác của nước mình, thông qua các biện pháp tích cực, kể cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Điều 1.

Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền. Mọi người đều được tạo hóa ban cho lý trí và lương tâm, và cần phải đối xử với nhau bằng tình anh em.

Điều 2.

Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do nêu trong bản Tuyên ngôn này mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các địa vị khác.

Ngoài ra, cũng không có bất cứ sự phân biệt nào với một người mà dựa trên địa vị chính trị, pháp lý hoặc quốc tế của quốc gia hoặc lãnh thổ mà người đó xuất thân, dù đó là lãnh thổ độc lập, uỷ trị, quản thác, chưa được tự quản hay đang phải chịu bất kỳ hạn chế nào khác về chủ quyền.

Điều 3.

Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân.

Điều 4.

Không ai bị bắt làm nô lệ hoặc bị cưỡng bức làm việc như nô lệ ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm.

Điều 5.

Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.

Điều 6.

Mọi người đều có quyền được công nhận tư cách là con người trước pháp luật ở mọi nơi.

Điều 7.

Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Mọi người đều có quyền được bảo vệ một cách bình đẳng chống lại bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vi phạm bản Tuyên ngôn này, và chống lại bất kỳ sự kích động phân biệt đối xử nào như vậy.

Điều 8.

Mọi người đều có quyền được các toà án quốc gia có thẩm quyền bảo vệ bằng các biện pháp hữu hiệu để chống lại những hành vi vi phạm các quyền cơ bản của họ mà đã được hiến pháp hay luật pháp quy định.

Điều 9.

Không ai bị bắt, giam giữ hay lưu đày một cách tuỳ tiện.

Điều 10.

Mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án độc lập và khách quan để xác định các quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ.

Điều 11.

1. Mọi người, nếu bị cáo buộc về hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật, tại một phiên toà xét xử công khai, nơi người đó được bảo đảm những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình.

2. Không ai bị cáo buộc là phạm tội vì bất cứ hành vi hoặc sự tắc trách nào mà không cấu thành một phạm tội hình sự theo pháp luật quốc gia hay pháp luật quốc tế vào thời điểm thực hiện hành vi hay có sự tắc trách đó. Cũng không ai bị tuyên phạt nặng hơn mức hình phạt được quy định vào thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện.

Điều 12.

Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy.

Điều 13.

1. Mọi người đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia.

2. Mọi người đều có quyền rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình.

Điều 14.

1. Mọi người đều có quyền tìm kiếm và được lánh nạn ở nước khác khi bị ngược đãi.

2. Quyền này không được áp dụng trong trường hợp đương sự bị truy tố về những tội phạm không mang tính chất chính trị hay vì những hành vi đi ngược lại với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.

Điều 15.

1. Mọi người đều có quyền có quốc tịch của một nước nào đó.

2. Không ai bị tước quốc tịch hoặc bị khước từ quyền được đổi quốc tịch một cách tuỳ tiện.

Điều 16.

1. Nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam và nữ có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong thời gian chung sống và khi ly hôn.

2. Việc kết hôn chỉ được tiến hành với sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai.

3. Gia đình là tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội, được nhà nước và xã hội bảo vệ.

Điều 17.

1. Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hoặc tài sản sở hữu chung với người khác.

2. Không ai bị tước đoạt tài sản một cách tuỳ tiện.

Điều 18.

Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ, dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư.

Điều 19.

Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến ; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp ; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào,và không có giới hạn về biên giới.

Điều 20.

1. Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hoà bình.

2. Không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào.

Điều 21.

1. Mọi người đều có quyền tham gia quản lý đất nước mình, một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện mà họ được tự do lựa chọn.

2. Mọi người đều có quyền được tiếp cận các dịch vụ công cộng ở nước mình một cách bình đẳng.

3. Ý chí của nhân dân phải là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền ; ý chí đó phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, được tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, hoặc bằng những thủ tục bầu cử tự do tương tự.

Điều 22.

Với tư cách là một thành viên của xã hội, mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội cũng như được hưởng các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá không thể thiếu để bảo đảm nhân phẩm và tự do phát triển về nhân cách ; thông qua những nỗ lực quốc gia và sự hợp tác quốc tế ; phù hợp với hệ thống tổ chức và nguồn lực của mỗi quốc gia.

Điều 23.

1. Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp.

2. Mọi người đều có quyền được trả công ngang nhau cho những công việc như nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.

3. Mọi người lao động đều có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và hợp lý nhằm bảo đảm sự tồn tại của bản thân và gia đình xứng đáng với nhân phẩm, và được trợ cấp khi cần thiết bằng các biện pháp bảo trợ xã hội.

4. Mọi người đều có quyền thành lập hoặc gia nhập công đoàn để bảo vệ các quyền lợi của mình.

Điều 24.

Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương.

Điều 25.

1. Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tàn phế, góa bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ.

2.Các bà mẹ và trẻ em có quyền được hưởng sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt. Mọi trẻ em, dù sinh ra trong hay ngoài giá thú, đều phải được hưởng sự bảo trợ xã hội như nhau.

Điều 26.

1. Mọi người đều có quyền được học tập. Giáo dục phải miễn phí, ít nhất là ở các bậc tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học phải là bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phải mang tính phổ thông và giáo dục đại học hay cao hơn phải theo nguyên tắc công bằng cho bất cứ ai có khả năng.

2. Giáo dục phải nhằm giúp con người phát triển đầy đủ về nhân cách và thúc đẩy sự tôn trọng với các quyền và tự do cơ bản của con người. Giáo dục cũng phải nhằm tăng cường sự hiểu biết, lòng khoan dung và tình hữu nghị giữa tất cả các dân tộc, các nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, cũng như phải nhằm đẩy mạnh các hoạt động của Liên Hợp Quốc về duy trì hoà bình.

3. Cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn các hình thức giáo dục cho con cái họ.

Điều 27.

1. Mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ những tiến bộ khoa học cũng như những lợi ích xuất phát từ những tiến bộ khoa học.

2. Mọi người đều có quyền được bảo vệ các quyền lợi vật chất và tinh thần phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học hay nghệ thuật nào mà người đó là tác giả.

Điều 28.

Mọi người đều có quyền được hưởng một trật tự xã hội và quốc tế mà trong đó các quyền và tự do cơ bản nêu trong bản Tuyên ngôn này có thể được thực hiện một cách đầy đủ.

Điều 29.

1. Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ.

2. Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.

3. Trong mọi trường hợp, việc thực hiện các quyền tự do này cũng không được trái với các mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.

Điều 30.

Không được diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong bản Tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hoặc cá nhân nào được quyền tham gia vào bất cứ hoạt động hoặc thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm mục đích phá hoại bất kỳ quyền hoặc tự do nào nêu trong bản Tuyên ngôn này.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1679 times

1 comment

  • Comment Link Trần Định lundi, 28 mai 2018 10:48 posted by Trần Định

    Bài viết xuất sắc nói lên được nhiệm vụ, bổn phận và danh dự của nghề luật sư cao quý. Các luật sư trong Liên đoàn Luât sư VN cần xét lại và tự hỏi mình đã làm được gì để biểu dương lẽ phải, bảo vệ công lý, bảo vệ danh dự và nâng cao uy tín của nghề luật sư. Hiện trạng luật pháp VN bị cộng sản VN sử dụng tùy tiện trên những công dân VN dám đòi hỏi công lý, lẽ phải có phần trách nhiệm rất lớn của các luật sư đã không chu toàn chức năng của nghề luật sư. Trong xã hội cộng sản VN hiện nay nếu đa số, đa số thôi chứ không dám mơ ước tất cả, luật sư chân chính đã chọn lẽ phải, công lý làm cứu cánh phục vụ con người, bằng thái độ thường ngày của một luật sư trong sở làm của mình, tức tòa án, công cuộc dân chủ hóa nước VN sẽ thành công. Bài viết nếu được tiếp tay đưa lên các trang mạng, không gian ảo và trong xã hội VN hiện nay, sẽ giúp đảo ngược ngoạn mục vị trí đấu tranh giữa cộng sản và người dân chủ. Đảng cộng sản VN phải đến lúc chạy án, chứ không phải các luật sư.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)