Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

10/06/2018

10/6/2018 – Cần nói gì với nhau trong ngày hôm nay ?

Việt Thủy

 

Với những diễn biến trong thời gian gần đây, chúng ta đã thấy rõ được lòng dân như thế nào. Họ đã quá chán nản và ngày càng thù ghét chế độ cộng sản. Họ cũng không còn quá sợ hãi như trước kia nữa. Những cuộc biểu tình chứng tỏ rõ ràng điều đó. Nhưng như vậy chưa đủ. Chúng ta vẫn cần đấu tranh có tổ chức.

noigi1

Hôm nay trên toàn quốc, đã có nhiều cuộc biểu tình diễn ra. Đây là những tín hiệu đáng mừng báo hiệu một thời cơ chín muồi cho một cuộc cách mạng dân chủ. Mặc dù chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hoãn việc thông qua luật về đặc khu nhưng các cuộc biểu tình vẫn nổ ra khắp các miền đất nước. Các cuộc biểu tình ngày hôm nay mang một dấu ấn đặc biệt : Lần đầu tiên người dân Việt nam biểu tình phản đối chính quyền cộng sản. Trước đây các cuộc biểu tình đều có một lý do khách quan từ bên ngoài và người dân biểu tình là để phản đối Trung Quốc, ví dụ vụ hạ đặt giàn khoan HD981 hay vụ Formosa…

Một bước thay đổi lớn về tư duy của người Việt Nam : Đã đến lúc không thể phó mặc mọi chuyện cho "đảng và nhà nước lo". Nếu người Việt không có tiếng nói và gây áp lực lên chính quyền thì một tương lai u tối đang chờ đón tất cả chúng ta.

Tuy nhiên dù rất xúc động và tự hào nhưng các cuộc biểu tình hôm nay vẫn chưa đủ để tạo ra một thay đổi lớn. Đây chỉ là các cuộc "tập dượt" cho một trận "chung kết" mà chiến thắng sẽ hoàn toàn thuộc về người dân. Làm thế nào để có được một cuộc tổng biểu tình ôn hòa trên toàn quốc và đạt được thắng lợi hoàn toàn ?

Thật ra thì để trả lời câu hỏi này, ta cần phải làm rõ về việc biểu tình. Ta đã chuẩn bị kỹ càng cho một cuộc biểu tình thật sự chưa ? Ta đã thật sự tính đến việc biểu tình thành công thì như thế nào mà thất bại thì ra sao chưa ? Ta đã có kỹ thuật biểu tình chưa ? Ta đã thật sự nghiêm túc với vấn đề này chưa ?

Đầu tiên cần phải nhắc lại rằng, việc biểu tình chỉ nằm trong bước cuối cùng của 5 giai đoạn đấu tranh cho cách mạng dân chủ. Tôi xin phép được nhắc lại 5 giai đoạn, ta có thể gọi là 5 bước cũng được :

1. Xây dựng một tư tưởng chính trị, dự án chính trị.

2. Xây dựng một đội ngũ nòng cốt.

3. Xây dựng và kiểm điểm phương tiện.

4. Xây dựng cơ sở quần chúng.

5. Vận động quần chúng đứng lên và tiến công giành chính quyền.

Trong 5 giai đoạn trên, ta có thể thấy rằng những cuộc biểu tình thời gian vừa rồi, ta đều thiếu 4 bước đầu tiên để chuẩn bị và làm đệm. Cho nên, mặc cho ta có đông đảo, ta có biểu tình ở nhiều nơi, mặc cho chính quyền cộng sản có suy yếu như thế nào đi nữa, ta vẫn chưa thể gây một sức ép hoặc một áp lực đủ lớn buộc chính quyền cộng sản thay đổi hoàn toàn về dân chủ, họ sẽ tìm cách câu giờ và sẽ tiếp tục "bán nước" một cách âm thầm mà chúng ta không thể biết được.

Có thể nhiều người chưa đồng tình nhưng tôi cũng phải nói, việc biểu tình buộc chính quyền cộng sản hủy luật về đặc khu chỉ giải quyết được phần ngọn, phần gốc phải là dân chủ hóa Việt Nam. Nếu đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn độc quyền lãnh đạo thì sẽ còn hàng trăm hàng ngàn tai ương khác tiếp tục đổ lên đầu chúng ta. Ưu tư của đảng cộng sản là duy trì quyền lực bằng mọi giá với học thuyết độc hại Mác-Lênin. Quyền lợi của nhân dân và tổ quốc chưa bao giờ là ưu tư của họ.

Trong 5 giai đoạn trên, 2 giai đoạn đầu là quan trọng nhất. Các tổ chức đấu tranh hiện nay cũng đã nhận ra rõ tầm quan trọng của tư tưởng chính trị và việc xây dựng một dự án chính trị. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với dự án chính trị "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai" luôn muốn đóng góp một phần nhỏ sức lực và trí tuệ trong công cuộc dân chủ hóa đất nước.

Một điều nữa, thời gian gần đây, tầng lớp trí thức ở Việt Nam đang đứng trước những thay đổi dồn dập của những biến cố liên quan đến chế độ cộng sản, từ việc bắt bớ các quan chức tham nhũng, đấu đá phe cánh, hay những mâu thuẫn của người dân với chế độ, rồi thời gian gần đây là việc 2 dự luật là "đặc khu 99 năm" và luật "an ninh mạng"… khiến họ đã dần quan tâm đến hiện trạng đất nước hơn.

Đó cũng là lẽ dễ hiểu, vì chế độ này đang càng ngày lộ rõ ra bản chất của một đám ăn cướp, vô lại. Điều đó đã chà đạp, xúc phạm danh dự và quyền lợi của mỗi người dân Việt Nam cũng như giới trí thức. Mặc dù trí thức Việt Nam đã nhập cuộc, nhưng vẫn chưa đủ, chưa đủ để tiến hành đến bước cuối cùng của 5 giai đoạn, chứ đừng nói đủ để làm lung lay chỗ đứng của chế độ này.

Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa. Chúng ta cần vượt qua nỗi sợ hãi và thử thách cam go này. Chúng ta cần thuyết phục mọi người, làm mọi người hiểu rằng, luồn lách và tìm giải pháp cá nhân không phải là con đường để thoát khỏi những khổ ải này. Tất cả chúng ta đều có một số phận chung, một tương lai chung gắn bó với đất nước này. Chúng ta cố gắng để thoát khỏi tầm ảnh hưởng của chính trị, nhưng chính trị đâu có cho chúng ta làm điều đó ? Giới trí thức cần phải hiểu rõ hơn một bài học cũ nhưng chưa bao giờ hết mới, đó là đấu tranh chính trị là phải có tổ chức, và trí thức phải làm trách nhiệm của mình là dẫn dắt quần chúng để thay đổi xã hội. Tôi tin rằng, rồi sớm thôi, trong thời gian sắp tới, họ sẽ nhập cuộc. Tôi hy vọng vào một sự chuyển hóa lớn trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ. Các trí thức còn ngần ngại gì nữa mà chưa tham gia ? Tương lai của tất cả nằm ở chính bàn tay chúng ta !

Khi ta làm đủ được 2 giai đoạn đầu tiên, giai đoạn 3 và 4 sẽ tự đến. Mọi thứ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với việc "đốt cháy giai đoạn". Việc đốt cháy giai đoạn chỉ dẫn đến những tổn thất không cần thiết. Đã có những người dân Việt Nam bị đánh đập, đàn áp dã man. Đã có những cậu sinh viên bị an ninh đe dọa, bị chủ nhà trọ đuổi khỏi khu trọ. Đã có những người ngày ngày bị an ninh, cảnh sát để ý, canh giữ giam lỏng tại nhà. Đã có những người phải chịu cảnh tù đầy nghiệt ngã... Đó đều là hậu quả của việc chúng ta đã quá hời hợt và không chuẩn bị kỹ càng, nghiêm túc cho cuộc đấu tranh này. Dù rằng, chúng ta ghi nhận sự hy sinh đó, chúng ta cảm thông và hiểu cho những trái tim đó. Nhưng hơn hết lúc này, việc chúng ta cần làm là tránh bị tổn thất. Chúng ta đã tổn thất quá đủ rồi. Chúng ta đã không nghiêm túc đủ rồi. Đã đến lúc ta cần nghiêm túc với bản thân mình và với những người đấu tranh với nhau.

Qua sự việc ngày hôm nay, tôi nhận thấy có một chuyển biến rõ ràng trong quần chúng : biểu tình ôn hòa. Người dân đã đồng thuận rằng bạo động chẳng giải quyết được vấn đề gì cả, bạo động chỉ gây đổ máu và phá tan nát cả vật chất lẫn tinh thần của người dân. Người dân ta đã khác. Họ đã thông minh hơn, họ đã hiểu rằng ôn hòa cũng như bất bạo động là một thứ sức mạnh. Chẳng thế mà ngày hôm nay, an ninh và cảnh sát đã phải cố gắng kích thích, dàn cảnh để cố dẫn đến bạo động nhằm có cớ đàn áp người dân biểu tình. Ta có thể hình dung rằng, bất bạo động và ôn hòa là hình thức đấu tranh khiến các chế độ độc tài ghê sợ nhất. Vì chúng giỏi và chú trọng bạo động. Ta bạo động là ta mắc mưu chúng. Mà bạo động chỉ gây đổ máu cho chính chúng ta, và sự tổn thất đó không được phép có với chúng ta, một dân tộc đã quá đau khổ với bao nhiêu cuộc nội chiến, chia rẽ. Chúng ta không cần thêm đổ máu nữa.

Chúng ta cần những cái bắt tay, cần sự ôn hòa hơn là bạo lực. Chúng ta phải kéo chế độ cộng sản ra khỏi sân chơi ưa thích của chúng : bạo động. Chúng ta phải tạo sức ép để cộng sản phải chơi theo luật của chúng ta, đó là bất bạo động. Cuộc đấu này có thể hình dung giống như một cuộc đấu trên võ đài theo luật tự do. Một võ sĩ quyền Thái cho dù có giỏi võ đến mấy với những đòn chỏ, gối hay đấm đá tàn khốc, nhưng anh ta chỉ giỏi khi đánh trong tư thế đứng. Nhưng khi bị ngã xuống sàn đấu, buộc phải chiến đấu trong tư thế nằm, anh ta như một con hổ bị rơi xuống sông, hồ. Anh ta sẽ như một con hổ đấu với một con bạch tuộc ở sông, hồ, khi mà anh ta gặp một võ sĩ Nhu Thuật Ba Tây (Brazilian Jiu Jitsu). Vì con hổ có dũng mãnh đến mấy cũng chỉ giỏi trên cạn. Cộng sản cũng vậy, họ chỉ giỏi khi sử dụng bạo lực và khủng bố. Nhưng với "ôn hòa" hay "bất bạo động" coi như đó là điểm chết của họ.

Với những diễn biến trong thời gian gần đây, chúng ta đã thấy rõ được lòng dân như thế nào. Họ đã quá chán nản và ngày càng thù ghét chế độ cộng sản. Họ cũng không còn quá sợ hãi như trước kia nữa. Những cuộc biểu tình chứng tỏ rõ ràng điều đó. Nhưng như vậy chưa đủ. Chúng ta vẫn cần đấu tranh có tổ chức. Sẽ không thể là những cuộc biểu tình tự phát, nhỏ lẻ nữa. Chúng ta cần có một liên minh các tổ chức đấu tranh dân chủ hoặc một tổ chức đủ tầm vóc để lãnh đạo quần chúng. Chế độ đang nguy kịch. Vận mệnh lịch sử đang đến rất gần. Chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ, cần hiểu rõ và đồng thuận với nhau rằng đấu tranh phải có tổ chức. Chúng ta không thể tự phát và cứ vô tổ chức như vậy nữa. Đã đến lúc phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam cần tiến thêm một bước tiến quan trọng : đấu tranh có tổ chức. Những đổ máu, mất mát, tù đày, đã là bài học nhãn tiền quá đủ cho sự hời hợt và vô tổ chức của chúng ta. Chúng ta càng phải thấm rõ bài học đó.

Bài học của chúng ta vẫn luôn vậy, chỉ gói gọn trong mấy chữ : tổ chức và sự nghiêm túc !

Việt Thủy

(10/06/2018)

******************

(xem thêm : Biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu trên khắp nước ngày 10/06/2018)

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Thủy
Read 1201 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)