Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

28/10/2018

Từ khủng hoảng Việt Nam-Slovakia, nghĩ về các lãnh đạo đảng cộng sản

Việt Hoàng

Hãng thông tấn nhà nước Slovakia (TASR) hôm 19/10 cho biết quan hệ song phương Việt Nam-Slovakia sẽ bị đóng băng cho đến khi Slovakia nhận được lời giải thích khả tín từ Hà Nội về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Điều này cũng có nghĩa là Slovakia có thể sẽ đơn phương chấm dứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

dm1

Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc thọ nguyên cố Tổng bí thư Đỗ Mười tròn 100 tuổi - Ảnh minh họa 

Đây là một thất bại nặng nề về đối ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam. Tuyên bố của Bộ ngoại giao Slovakia về việc đóng băng quan hệ Việt Nam-Slovakia diễn ra chỉ hai ngày sau một sự kiện quan trọng khi Ủy ban Châu Âu thông qua hai thỏa thuận thương mại và đầu tư giữa Việt Nam-EU. Ủy ban đã đệ trình thỏa thuận này cho Hội đồng và Nghị viện Châu Âu ký kết để có hiệu lực.

Còn thêm một thỏa thuận quan trọng nữa là Hiệp định bảo hộ đầu tư với Việt Nam và thỏa thuận này phải chờ sự phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu và các nước thành viên EU trong đó có Slovakia. Một qui tắc quan trọng của EU là sự đồng thuận. Chỉ cần một nước trong 28 nước thành viên EU không đồng ý là các thỏa thuận và hiệp ước sẽ không được phê chuẩn. Nếu Slovakia cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì có nghĩa là Việt Nam không thể có quan hệ tốt đẹp và đầy đủ với EU vì thiếu một mắt xích là Slovakia. Khủng hoảng sẽ rất nghiêm trọng.

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một hành động có thể nói là "điên rồ" của chính quyền Việt Nam. Bản chất khủng bố của đảng cộng sản không hề thay đổi. Họ không chỉ bất chấp luật pháp của chính họ đối với người dân Việt Nam (ví dụ việc kết án những tiếng nói bất đồng chính kiến và ôn hòa lên đến 20 năm tù như trường hợp ông Lê Đình Lượng mới đây) mà họ còn bất chấp cả luật pháp quốc tế khi sang tận Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Cách hành động của họ rất lỗ mãng, bất chấp hậu quả và lợi ích của quốc gia khi nhân danh nhà nước và các hoạt động công vụ để "kết hợp" với việc bắt người trái phép trên lãnh thổ các nước có chủ quyền như Đức và Slovakia.

Chính bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đã đạo diễn và trực tiếp tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nhưng người chịu trách nhiệm lớn nhất trong vụ này lại là ông Nguyễn Phú Trọng. Trong buổi tiếp xúc với cử tri tại xã Cổ Loa (Hà Nội) ngày 6/12/2016 ông Trọng cho biết là đã "phát lệnh truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh" với "tinh thần bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh" (1).

Có hai giả thiết, một là ông Trọng muốn bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh để từ đó bắt những con cá lớn hơn như Đinh La Thăng, hai là ông Trọng chỉ "chém gió" với cử tri. Tôi nghiêng về giả thiết thứ hai là ông Trọng chỉ nói vậy để tỏ vẻ quyết tâm chống tham nhũng khi tiếp xúc với cử tri bởi vì chính quyền cộng sản muốn bắt ai thì bắt, đâu cần đến chứng cớ và luật pháp. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là một chế độ phong kiến kéo dài nên mỗi lời nói của "đức vua" đều được đám cận thần khắc cốt ghi tâm và cố gắng thực hiện cho bằng được. Bộ trưởng công an Tô Lâm đã nhanh chóng thành lập một chuyên án đặc biệt để bắt Trịnh Xuân Thanh với hai ông tướng công an và diễn biến xảy ra như thế nào thì chúng ta đều đã biết.

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, chỉ cần một câu nói bâng quơ của nhà vua trong lúc bực bội như "trẫm ghét thằng đó" hay "trẫm không muốn thấy mặt nó" là đám gia nô hiểu thành "phải giết thằng đó" mặc dù trong nhiều trường hợp nhà vua không hề muốn giết người đó. Nhưng khi xảy ra rồi thì vua cũng phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì không lẽ trừng phạt đám cận thần của mình vì lòng "trung thành" ?

Vụ Trịnh Xuân Thanh cũng vậy, chính quyền Việt Nam lúng túng không biết xử trí thế nào trong trường hợp này. Chỉ có một cách giải quyết duy nhất là chấp nhận sự thật, xin lỗi Đức và Slovakia đồng thời hứa với thế giới là từ nay sẽ không hành động nông nổi và dại dột như vậy nữa. Tuy nhiên rất khó lòng để đảng cộng sản đủ dũng cảm uống liều thuốc đắng này vì như thế phải ăn nói thế nào với người dân Việt Nam và với dư luận thế giới khi suốt một năm qua cứ khăng khăng là Thanh tự về đầu thú ? Khi thừa nhận bắt cóc Thanh thì bản chất khủng bố của chính quyền cộng sản sẽ bị phơi bày. Tiến thoái đều lưỡng nan. Nếu im lặng thì Slovakia sẽ cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Có lẽ đảng cộng sản đành phải im lặng và chịu trận mặc cho lợi ích quốc gia ra sao thì ra.

Bộ máy tuyên giáo của Việt Nam luôn tuyên truyền về sự anh minh và sáng suốt của lãnh đạo đảng cộng sản nhưng thực tế thì không phải như vậy. Đảng cộng sản Việt Nam đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác nhưng cuối cùng họ vẫn đứng vững và tồn tại bởi vì văn hóa Khổng giáo rất tương đồng với bản chất của cộng sản, một dạng nhà nước phong kiến kéo dài.

Bất cứ một lãnh đạo nào của đảng cộng sản đều được ca tụng và thêu dệt như là một người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn nhưng thực tế lại hoàn toàn khác xa. Ngay cả Hồ Chí Minh, người được xem là một ông Thánh, có thể nói được 29 thứ tiếng nhưng tiếng Việt lại không rành. Viết chính tả còn không chuẩn, ngay cả tiêu đề cuốn sách quan trọng nhất của ông Hồ là "Đường cách mạng" cũng viết sai chính tả thành "Đường kách mệnh". Bản di chúc cũng đầy rẫy lỗi chính tả. Thơ ca của ông thì khỏi bàn. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Nhật Bản (NDN) năm 1966 ông Hồ đã phải cầm một tờ giấy viết sẵn và đọc từ đầu đến cuối (2).

Ông Võ Nguyên Giáp, người có học hành đến nơi đến chốn nhất trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản cũng không khá hơn gì. Ngoài chuyện ông nổi tiếng là "tướng nướng quân" trong trận Điện Biên Phủ và sau đó là chuyện ông cam chịu làm chủ tịch "Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch" thì ông còn bị chỉ trích rất nhiều về việc ông đã không lên tiếng trong vụ án "xét lại chống đảng". Ông đã im lặng khi các cộng sự của ông bị bắt giam dù ông biết rất rõ là họ hoàn toàn vô tội như các ông Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Đỗ Đức Kiên, Nguyễn Kiến Giang… Trong các cuộc phỏng vấn cuối đời của mình ông vẫn tin vào con đường đi lên xã hội chủ nghĩa và tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin.

Sau ông Hồ và ông Giáp thì các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam ngày càng tệ hơn. Nổi tiếng nhất có lẽ là ông Lê Duẩn, người cùng với Lê Đức Thọ nắm quyền lãnh đạo Việt Nam từ năm 1960 đến 1986. Ngoài việc ông là "kiến trúc sư" trưởng trong chiến tranh Việt Nam thì ông còn nổi tiếng là người độc đoán và bảo thủ khiến cả nước trở nên nghèo đói cơ cực sau "giải phóng miền Nam".

Tiếp nối Lê Duẩn là các đời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và hiện tại là Nguyễn Phú Trọng. Tất cả họ đều là những cấp lãnh đạo mờ nhạt và không hề có viễn kiến. Đặc điểm, dấu ấn và "thành tích"chung lớn nhất của họ là đưa Việt Nam dần dần vào quĩ đạo của Trung Quốc. Bắt đầu từ Hiệp ước Thành Đô (1990) với sự khởi xướng và chủ động của Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười. Đến nay đã gần 30 năm trôi qua mà vẫn không một người dân Việt Nam nào biết được về nội dung của hiệp định này. Dư luận đồn đoán rằng hiệp ước Thành Đô sẽ biến Việt Nam thành một khu tự trị của Trung Quốc vào năm 2020, thực hư không ai rõ và Đảng cộng sản Việt Nam không hề lên tiếng dù được chất vấn nhiều lần.

Để phác họa chân dung một người lãnh đạo cộng sản tiêu biểu thì có lẽ ông Đỗ Mười là đặc sắc nhất. Đỗ Mười xuất thân tầm thường, học vấn rất thấp. Ông tin và xem chủ nghĩa cộng sản như là một tôn giáo vì vậy ông không bao giờ hoài nghi hay thắc mắc về các tín điều của chủ nghĩa cộng sản. Ông suy nghĩ đơn giản, xác quyết hồ đồ và nhắm mắt làm theo các chỉ đạo của đảng. Cả cuộc đời ông tận tâm, tận lực cống hiến cho đảng, không vụ lợi, không nghĩ đến bản thân mình. Năm 1997 tập đoàn LG Hàn Quốc và công ty Nomura Nhật bản đã biếu ông 1,1 triệu USD và ông đã tặng lại số tiền đó cho Quĩ khuyến học Việt Nam (4).

Đỗ Mười là một người thừa hành gương mẫu, tận tình, tất cả mọi hành động và suy nghĩ của ông đều vì sự nghiệp của đảng, phục tùng đảng vô điều kiện và sẵn sàng hy sinh vì đảng. Mẫu người của ông luôn đạt được thành công trong mọi trường hợp và trong mọi tổ chức. Một cách vô thức và tình cờ, ông đã có được một phẩm chất quan trọng mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên gọi là "văn hóa tổ chức". Tuy nhiên vì học vấn thấp nên những người như ông rất dễ bị lôi cuốn vào các câu chuyện hoang tưởng, thần thoại và dẫn đến các xác quyết nông nổi và hồ đồ.

Suy nghĩ, hành động và tính cách của Đỗ Mười hoàn toàn phù hợp với sự tầm thường, nông cạn và nhảm nhí của chủ nghĩa cộng sản.

Đỗ Mười hành động một cách không có cảm xúc, không suy nghĩ và không xét lại. Ông chỉ làm tất cả những gì mà đảng yêu cầu và ông nghĩ là có lợi cho đảng. Ông sẽ thành công nếu chỉ là một viên chức cấp thấp trong bộ máy đảng và chính quyền thay vì là một cấp lãnh đạo của quốc gia. Một người lãnh đạo đảng hay quốc gia phải là người có hiểu biết sâu rộng về tình hình thế giới, là người có viễn kiến, sáng suốt và can đảm để đưa ra những lựa chọn và quyết định sau cùng liên quan đến vận mệnh và tương lai của đất nước. Ông Đỗ Mười hoàn toàn không có những khả năng đó. Do thiếu hiểu biết và do học vấn thấp, ông không biết đến những thành quả tiến bộ của nhân loại về mọi lĩnh vực, ông phủ nhận các giá trị đạo đức và tinh thần…

Dù vậy Đỗ Mười lại là một người thăng tiến đều đều, chỉ có lên chứ không có xuống và đã nắm giữ những chức vụ quan trọng nhất của Đảng cộng sản Việt Nam. Ông là người duy nhất giữ cả hai chức vụ, thủ tướng (Chủ tịch hội đồng bộ trưởng) từ 1988 đến 1991 và tổng bí thư trong suốt hai nhiệm kỳ từ 1991 đến 1997. Cho đến lúc chết và dù đã nghỉ hưu từ năm 1997 nhưng ảnh hưởng của ông vẫn còn rất lớn trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên "thành tích" của ông Đỗ Mười thì thật là kinh khủng. Những chính sách mà ông gây ra còn để lại hậu quả tai hại và lâu dài cho người dân và đất nước Việt Nam. Ông sẽ được nhớ đến với các sự kiện như "đánh tư sản miền Nam" khiến hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Ông cùng với Nguyễn Văn Linh, là đồng tác giả của Hiệp ước Thành Đô, đẩy Việt Nam vào sâu trong quĩ đạo của Trung Quốc. Ông với Lê Đức Anh phải cùng chịu trách nhiệm cho việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo và có mặt tại Trường Sa…

Những hành động của Đỗ Mười đã gây ra đau khổ cho hàng triệu người Việt Nam. Cuộc đời của ông là những tháng ngày đáng tiếc khi tận tâm tận lực cống hiến cho một thứ chủ nghĩa độc hại và hoang tưởng. Tất cả đều do sự thiếu hiểu biết nên dẫn đến những xác quyết hồ đồ và các hành động tàn nhẫn mà vẫn cứ nghĩ đó là cao đẹp và cần thiết.

Sau Đỗ Mười thì các ông Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và cả Nguyễn Phú Trọng rồi cũng như thế. Đừng quên rằng Nguyễn Phú Trọng là giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành "xây dựng đảng", ông là một trong những người cuối cùng còn đặt niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản và đang ra sức cố gắng để cải thiện nó. Chính vì thế mà ông được chọn làm tổng bí thư và bây giờ kiêm luôn cả chức chủ tịch nước.

Việc tập trung quyền lực của đảng cộng sản vào ông Nguyễn Phú Trọng là một tình huống khẩn cấp trong nỗ lực tuyệt vọng kéo dài sự tồn tại của đảng. Cũng như các vị lãnh đạo tiền bối khác của đảng cộng sản, ông Trọng không hề ý thức được những thành quả tiến bộ mà nhân loại đã đạt được về khoa học kỹ thuật và nhất là về các quyền căn bản và phổ cập của con người. Ông Trọng và ban lãnh đạo đảng cộng sản vẫn tiếp tục bơi ngược dòng lịch sử vì thế sẽ sớm đuối sức và bị cuốn trôi bởi làn sóng dân chủ thứ 4 đang tràn tới mà Dự án Chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Khai sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đã nói đến.

Chỉ dưới một chế độ dân chủ thì người dân Việt Nam mới có thể chọn ra được những tổ chức chính trị và người lãnh đạo thực sự có tâm, có tầm và có viễn kiến để dẫn dắt dân tộc Việt Nam đến bến bờ của tự do và thịnh vượng.

Việt Hoàng

(28/10/2018)

(1) https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/tong-bi-thu-bat-bang-duoc-trinh-xuan-thanh-3509341.html

(2) https://www.youtube.com/watch?v=e-Ly8I7zzDQ

(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_X%C3%A9t_l%E1%BA%A1i_Ch%E1%BB%91ng_%C4%90%E1%BA%A3ng

(4) https://baomoi.com/nguyen-tong-bi-thu-do-muoi-da-danh-1-1-trieu-usd-khuyen-hoc-nhu-the-nao/c/27980979.epi

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1259 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)