Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 17 juin 2018 05:53

Cơn mửa

Nghe bà chủ tịch quốc hội cộng sản lớn giọng phát động chiến dịch vu cáo người dân : "Quốc hội lên án việc kích động gây mất trật tự". Đọc những dòng chữ trên hàng trăm tờ báo lớn nhỏ của hệ thống tuyên giáo nhà nước cộng sản vu cáo người dân, nào là "tụ tập đông người gây rối", nào là "bị kẻ xấu kích động", một cảm giác ghê tởm và căm phẫn dâng lên làm tôi như nghẹn thở.

conmua1

Bà chủ tịch quốc hội cộng sản lớn giọng phát động chiến dịch vu cáo người dân : "Quốc hội lên án việc kích động gây mất trật tự".

Trong thời đại ngày nay, nhà nước đích thực phải là công bộc của Dân. Nhận lương cao, đãi ngộ lớn từ tiền thuế của Dân để phục vụ Dân, nhà nước phải biết lắng nghe Dân. Đại diện cho quyền lợi của Dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng chính đáng của Dân, quốc hội càng phải biết lắng nghe Dân.

Nhưng quốc hội cộng sản đã đi ngươc ý chí của Dân. Không vì lợi ích của Dân của nước, chỉ vì lợi ích của những nhóm quyền lực đang nô dịch Dân, đang chống lại Dân, đang phản bội nước, quốc hội âm thầm và gấp gáp làm luật đặc khu kinh tế cắt đất đai lãnh thổ cho những nhóm lợi ích trong và ngoài nước. Quốc hội hăm hở làm luật an ninh mạng tước đoạt quyền tự do ngôn luận, quyền biểu đạt chính kiến, quyền riêng tư của Dân, tước đoạt quyền phê phán, tỏ thái độ bất bình với đám công bộc ăn tàn phá hại. Cực chẳng đã, người Dân phải lên tiếng, phải tỏ thái độ.

Tiếng nói rời rạc, lẻ tẻ của từng người Dân nhỏ bé chẳng có giá trị, ý nghĩa gì. Sức mạnh của người Dân là số đông. Một giọt nước là hư vô, là số không, không có một chút tác dụng gì. Nhưng tỉ tỉ giọt nước là biển cả, là sức mạnh của sóng lừng, của bão táp. Vì vậy, cùng với quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, biểu tình là một trong những quyền tự nhiên, quyền cơ bản nhất của công dân. Quyền biểu tình cùng với quyền tự do ngôn luận cũng đã được Hiến pháp nhà nước cộng sản Việt Nam bảo đảm : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 25 Hiến pháp 2013).

Luật bảo đảm những quyền cơ bản của người Dân như luật biểu tình, quốc hội lần lữa không làm lại hối hả, hấp tấp làm luật tước đoạt quyền của người Dân và làm luật cắt đất đai lãnh thổ cho những nhóm lợi ích. Quyền con người và lòng yêu nước đã tập hợp người Dân lại để có tiếng nói mạnh mẽ ngăn chặn bộ luật ngang nhiên và ngạo ngược chống lại Dân, ngăn chặn bộ luật gây nguy khốn, tiêu vong đất nước, tiêu vong dân tộc. Đó là tập hợp và tiếng nói vô cùng chính đáng, cần thiết và cấp bách.

Trì hoãn vô thời hạn luật biểu tình để quốc hội và cả hệ thống truyền thông nhà nước cộng sản dùng sức mạnh nhà nước và dùng cả sự vô liêm sỉ vu cho sự tập hợp và tiếng nói của quyền con người, của lòng yêu nước là tụ tập gây rối, coi người Dân chỉ là đám người khờ dại, chưa trưởng thành và tham lam, thấp hèn bị kẻ xấu kích động, mua chuộc.

Vu cáo tạo cớ để nhà nước cộng sản huy động cả một bộ máy bạo lực nhà nước khổng lồ đàn áp tiếng nói chính đáng của quyền con người, của lòng yêu nước.

Vu cáo, lên án cuộc biểu tình chính đáng của Dân, cuộc biểu tình được hiến định trong Hiến pháp nhưng chính quyền và hệ thống truyền thông nhà nước cộng sản lại bao che cho tội ác của công cụ bạo lực nhà nước với Dân. Như bầy thú hoang, lực lượng công cụ bạo lực nhà nước đông áp đảo Dân biểu tình, xông vào đánh Dân rách mặt, bể đầu, gãy răng. Cuộc biểu tình nào máu Dân cũng đổ loang trên đường phố nhưng cả bộ máy nhà nước và cả hệ thống báo chí nhà nước cộng sản đã lờ đi tội ác của công cụ bạo lực nhà nước cộng sản với Dân, với giống nòi, với lịch sử.

Đứng đầu quốc hội là một nhân cách thấp hèn vu cáo Dân, xỉ nhục Dân mà quốc hội đó vẫn nhơn nhơn tự nhận là đại diện cho quyền lợi, ý chí, nguyện vọng của Dân ! Cả một hệ thống truyền thông như dàn đồng ca hát theo chiếc đũa chỉ huy của ban tuyên giáo vu cáo Dân, lăng mạ quyền con Người, lăng mạ lòng yêu nước của người Dân và hệ thống báo chí đó vẫn tự xưng là báo chí cách mạng, là tiếng nói của Dân. Lại phải nhớ đến tiếng than đau đớn, phẫn nộ của nhà thơ Bùi Minh Quốc : Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi.

Phạm Đình Trọng

(17/06/2018)

Published in Diễn đàn

Nhân dân đã điểm mặt và Lịch sử sẽ ghi tên những tội đồ dâng giang sơn Việt Nam cho Trung Quốc

1988. Với lệnh trói tay chiến sĩ Việt Nam giữ đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa không được nổ súng chống trả quân Trung Quốc tràn lên cướp đảo, Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ quốc phòng nhà nước cộng sản Việt Nam đã dâng Gạc Ma cho Trung Quốc và biến 64 chiến sĩ Việt Nam giữ Gạc Ma thành tấm bia sống cho lính Trung Quốc thảm sát.

toido2

Những gương mặt chủ chốt trong Đảng cộng sản Việt Nam đã tích cực góp phần dâng giang sơn Việt Nam cho Trung Quốc

1990. Nguyễn Văn Linh, đảng trưởng cộng sản Việt Nam dẫn đầu đoàn hàng thần sang Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc kí cam kết Thành Đô chấp nhận sự bảo kê của Trung Quốc cho sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam trước bão táp của thời đại đang cuồn cuộn nổi lên quét sạch bãi rác cộng sản của lịch sử khỏi đời sống chính trị loài người. Cam kết Thành Đô đã mở ra một thời Bắc thuộc mới đau đớn của dân tộc và ô nhục của lịch sử Việt Nam.

2001. Nông Đức Mạnh, đảng trưởng cộng sản Việt Nam kí Tuyên bố chung với đồng cấp Trung Quốc Giang Trạch Dân, cam kết đón Trung Quốc vào khai thác bô xít Tây Nguyên. 2009, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nhà nước cộng sản Việt Nam tuyên bố : Khai thác bô xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng đã rước hàng sư đoàn quân Trung Quốc mặc bộ đồ công nhân trá hình là những lao động khai thác bô xít vào chiếm lĩnh Tây Nguyên, biến điểm cao chiến lược Tây Nguyên thành đất nhượng cho Trung Quốc, người Viêt không được lai vãng đến.

2006. Là Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng kí quyết định thành lập khu kinh tế Vũng Áng. 2008, là Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, Võ Kim Cự đã kí vượt thẩm quyền cấp phép cho Công ty Hưng Nghiệp Formosa đầu tư dự án Nhà máy liên hợp luyện gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương với thời hạn 70 năm. Hưng nghiệp Formosa thương hiệu là doanh nghiệp Tàu Đài Loan nhưng tiền đầu tư vào Vũng Áng, công nghệ và con người đổ bộ vào Vũng Áng là Tàu đại lục. Sau bức tường sừng sững, Vũng Áng đã trở thành lãnh địa riêng của Trung Quốc, thành căn cứ quân sự, thành pháo đài cắt đôi đất, cắt đôi biển Việt Nam.

Xả thải giết chết sự sống của biển Việt Nam, Formosa là thảm họa khủng khiếp, lớn lao, lâu dài của sự sống trên đất nước Việt Nam. Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Võ Kim Cự là những tội đồ dâng Vũng Ánh cho Trung Quốc cũng là tội đồ giết chết sự sống Việt Nam.

2018. Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc do Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì soạn thảo được trình ra Quốc hội. Toàn bộ nội dung luật, cách diễn đạt của luật cho thấy luật chỉ hướng về Trung Quốc, luật làm ra chỉ để dành ba vùng đất yếu huyệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trên ba miền đất nước Việt Nam dâng cho Trung Quốc trong 99 năm. Để giấu giếm ý đồ đó, trong từ ngữ, luật né tránh tuyệt đối nhắc đến tên Trung Quốc và tên Trung Quốc được thay bằng "nước chung đường biên giới với Quảng Ninh".

Qua chỉ lệnh của Chủ tịch quốc hội Thị Kim Ngân với ủy ban Thường vụ Quốc hội : "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật", cho thấy luật mở ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để đón Trung Quốc vào Việt Nam là ấp ủ, là hoài thai từ Bộ chính trị mà đứng đầu là đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng và luật đã được đảng trưởng cùng Bộ chính trị xét duyệt, xác quyết rồi chỉ còn thủ tục đưa ra Quốc hội để hợp thức hóa mà thôi.

Dù kì họp Quốc hội lần này hay kì họp Quốc hội lần sau bấm nút cho ra đời luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc, xẻ đất, xẻ biển, xẻ thịt cơ thể Tổ quốc Việt Nam nhượng cho Trung Quốc 99 năm, 70 năm hay 50 năm, đánh đổi lấy sự bảo hộ của Trung Quốc cho sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam thì Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Chí Dũng cùng những ông nghị, bà nghị cộng sản bấm nút chấp thuận dự luật này đều là những tội đồ ô nhục của giống nòi Việt Nam, những tội đồ kế tiếp sau Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Võ Kim Cự. Tội đồ bán nước !

Phạm Đình Trọng

(10/06/2018)

Published in Diễn đàn

Phần Một

Đặc khu kinh tế không còn cần thiết với Việt Nam

Đặc khu kinh tế ra đời ở những nước chưa phát triển, chưa có nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Nền sản xuất công nghiệp hiện đại là vốn tư bản, công nghệ tư bản, thị trường tư bản, một thị trường toàn cầu, không biên giới và con người tư bản, những ông chủ của nền sản xuất đó. Chưa phát triển là nói tránh cho đỡ tủi thân chứ thực sự là nước nghèo, thiếu thốn đủ thứ, đói khát đủ thứ. Đói vốn. Đói công nghệ. Đói thị trường toàn cầu. Đói khát cả cung cách làm ăn của những con người công nghiệp. Chỉ có đất tự nhiên đang chìm đắm trong giấc ngủ ngàn năm và sức lao động thừa thãi, rẻ mạt.

kinhte1

Đặc khu kinh tế không còn cần thiết với Việt Nam - Ảnh Zing.vn

Trong khi đó những ông chủ tư bản ở những nước phát triển lại đang có nhu cầu phủ đồng vốn, phủ hoạt động kinh doanh, phủ thị trường ra cả thế giới và tìm kiếm, khai thác sức lao động đang dư thừa ở những nước nông nghiệp dân cư đông đúc trên khắp thế giới. 

Hai nhu cầu này gặp nhau như cô gái con nhà nghèo có chút nhan sắc đến tuổi cập kê gặp chàng trai có sự nghiệp đang muốn kiếm vợ. Đặc khu kinh tế ra đời từ đó.

Thời hệ thống cộng sản thế giới tan rã. Bức màn sắt bưng bít thế giới cộng sản bị thời đại, bị lịch sử xé toang như bức tường bê tông ngăn đôi đông tây Berlin, nước Đức, bị phá bỏ. Không còn bị bưng bít, những người lãnh đạo các nước cộng sản dụi mắt nhìn ra thế giới, chợt nhận ra đất nước của họ đã bị các nước tư bản bỏ lại phía sau quá xa. Cách xa cả một tiến trình sản xuất, tiến trình sản xuất nông nghiệp và tiến trình sản xuất công nghiệp hiện đại. Cách xa cả một chế độ xã hội, chế độ mang danh xã hội chủ nghĩa nhưng thực ra là chế độ xã hội phong kiến trung cổ bạo lực, tối tăm, ngưng đọng và chế độ tư bản văn minh, phát triển.

Tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người của đất nước họ đâu có kém mà sao đến nông nỗi này. Láu cá và quyết đoán, Đặng Tiểu Bình đã đi đầu trong việc lập đặc khu kinh tế và chọn 2050 cây số vuông đất Thẩm Quyến của những làng chài xơ xác, sát biền, sát Hồng Kông, thuận tiện giao thương. Từ Hồng Kông sang Thẩm Quyến chỉ nửa bước chân. Những ông chủ tư bản Hồng Kông cùng nói tiếng Quảng Đông với người Thẩm Quyến đến Thẩm Quyến như về nơi quê cha đất tổ. Đất đẹp cùng nhiều ưu đãi đặc biệt đón những ông chủ tư bản mang đồng vốn tư bản, mang công nghệ tư bản, mang thị trường tư bản vào đất nước vừa trải qua cuộc cách mạng văn hóa tốn máu của hàng chục triệu mạng người nhưng xã hội càng chìm sâu vào hướng ngược chiều văn hóa.

Dưới nòng súng pháo hạm của sức mạnh quân sự mạnh nhất thế giới thời đó là hải quân hoàng gia Anh, nhà Thanh phải cắt đất Hồng Kông nhượng cho nước Anh 99 năm. Đó là nỗi cay đắng, nỗi ô nhục muôn đời của lịch sử, của dân tộc Trung Hoa nên dù mê mẩn thèm khát đồng vốn tư bản, mê mẩn thèm khát công nghệ tư bản, Đặng cũng chỉ cho ưu đãi về thuế, về giá thuê đất, về xuất nhập cảnh, tuyệt đối không ưu đãi về thời gian thuê đất.

Từ một huyện nghèo thuộc tỉnh Quảng Đông, trở thành đặc khu kinh tế, Thẩm Quyến trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh rầm rộ, phát triển nhất Trung Quốc. Năm 2017, sản lượng kinh tế của Thâm Quyến đạt 338 tỷ USD, vượt qua Quảng Châu, Hồng Kông, đứng thứ 3 trong số 659 thành phố của Trung Quốc, chỉ sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Từ một bãi biển xơ xác, đặc khu kinh tế đã đưa Thầm Quyến trở thành cảng biển lớn thứ hai Trung Quốc chỉ sau cảng biển Thượng Hải đã có từ mấy trăm năm trước.

Thành công ngoài mong đợi của đặc khu Thẩm Quyến đã gọi những đặc khu kinh tế Chu Hải, Hạ Môn, Sán Đầu, Hùng An mọc lên. Về diện tích, các đặc khu kinh tế này nhỏ hơn một tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc nhưng đã đóng góp tới 22% GDP của Trung Quốc và chiếm 45% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc. Các đặc khu kinh tế Trung Quốc đã trở thành động lực kéo nền kinh tế Trung Quốc băng băng chạy đua với các nền kinh tế thế giới, góp phần đưa Trung Quốc có mặt trong tổ chức G20, nhóm các nước có nền kinh tế lớn trên thế giới. Năm 2016 tổng sản phẩm trong nước của Trung Quốc đạt 11,2 ngàn tỉ đô la, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mĩ.

Ngoài ra, các đặc khu kinh tế còn như những chiếc van cực lớn giảm áp lực về dân số cho những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Châu. Trước đây dân nghèo đói ở miền Tây, ở các tỉnh nông nghiệp thường lũ lượt kéo về Bắc Kinh, Thiên Tân... làm thuê kiếm sống thì nay họ tìm đến các đặc khu kinh tế.

Với sự thành công của cải cách kinh tế và đặc khu kinh tế, đến thời Tập Cận Bình, Trung Quốc trở thành chủ nợ của thế giới, trở thành ông chủ nắm vận mệnh nhiều nước châu Phi, châu Á. Dưới sức mạnh pháo hạm của hải quân Anh, Trung Hoa phải gán đất Hồng Kông cho Anh 99 năm. Ngày nay dưới sức mạnh đồng tiền vay nợ của Trung Quốc, nhiều nước châu Á, châu Phi đã phải gán đất 99 năm cho chủ nợ Trung Quốc.

Đi sau Trung Quốc hơn một nhiệm kì đại hội đảng, năm 1986 Việt Nam mới bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới cách làm kinh tế. "Đổi mới" chỉ là cách nói kể công của những người cộng sản, thực ra chỉ là quay về với cách làm kinh tế tự chủ, sáng tạo và hiệu quả đã có ở xã hội Việt Nam trước đây mà những người cộng sản đã xóa bỏ, tiêu diệt. Tiêu diệt những tinh hoa biết làm giầu bị gán cho tội giai cấp tư sản. Hủy hoại công nghệ, cơ sở vật chất của một nền công nghiệp hiện đại đang hiện hình. Hủy hoại cả trật tự xã hội, văn hóa xã hội đang đi vào văn minh đô thị sang trọng, lịch lãm. Hủy hoại cả đời sống dân chủ trong xã hội. Hủy hoại cả ý thức cá nhân trong mỗi con người. Xã hội không nhìn nhận cá nhân. Con người không còn ý thức cá nhân. Xã hội trở về bầy đàn. Bầy đàn thì chỉ có bạo lực. Không thể có bình yên. Không thể có kỉ cương. Không thể có văn hóa.

Đổi mới, nền kinh tế không còn khép kín, bế quan tỏa cảng nữa. Hướng nội, kinh tế tư nhân được nhìn nhận. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể không còn độc tôn nữa. Hướng ngoại, mở cửa đón nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, mang công nghệ hiện đại vào. Đây chính là thời điểm tốt nhất, cần thiết nhất và cũng là thời điểm duy nhất cần có đặc khu kinh tế. Nhưng đặc khu kinh tế đã bị bỏ qua. Nhà nước cộng sản Việt Nam không tính đến đặc khu kinh tế hay nhà nước cộng sản đàn anh Trung Quốc không cho Việt Nam làm đặc khu kinh tế ?

Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam phát triển, giàu mạnh. Mãi mãi yếu hèn, Việt Nam sẽ phải mãi mãi phụ thuộc vào họ. Họ luôn tìm mọi cách đánh phá nền kinh tế Việt Nam. Tung đội quân buôn gian bán lận xục xao mua móng trâu, mua rễ tiêu, mua tất cả những thứ có thể làm hại nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Tung đội ngũ nhà thầu đểu thâu tóm các dự án kinh tế của Việt Nam bằng cách hối lộ quan chức chủ thầu, bỏ giá thầu cực thấp để trúng thấu rồi khi thi công liên tục đội giá lên. Đưa lao động cơ bắp Tàu sang lập làng Tầu. Đưa máy móc cộng nghệ phế thải hoặc tồn kho do đã lạc hậu từ bên Tàu sang. Thi công dầm dề kéo dài như vô tận. Nhà thầu Tầu giở đủ trò đánh phá các dự án kinh tế Việt Nam nhưng đám quan chức chủ thầu đã ăn hối lộ đầy mồm cứ phải nhắm mắt chấp nhận và hầu hết các công trình, dự án kinh tế của Việt Nam đều lọt vào tay các nhà thầu đểu Trung Quốc.

Đánh phá nền kinh tế Việt Nam, kìm hãm sự phát triển của Việt Nam không từ một thủ đoạn bẩn thỉu, đê tiện nào là chủ trương xuyên suốt của nhà nước Trung Quốc. Lấy ý thức hệ cộng sản và lấy đồng tiền hối lộ sai khiến quan chức nhà nước cộng sản Việt Nam thì Trung Quốc sai khiến gì cũng phải nghe. Thời điểm tốt nhất, cần thiết nhất để Việt Nam mở đặc khu kinh tế, nhưng bị Trung Quốc ngăn cản không cho làm cũng là điều bình thường, có sác xuất rất cao là sự thật.

Không làm đặc khu kinh tế, những chuyên gia kinh tế Việt Nam vội xây dựng luật đầu tư nước ngoài với sự cởi mở của tấm lòng và nhiều ưu đãi về chính sách. Luật đầu tư nước ngoài ra đời. Nhà đầu tư nước ngoài nhộn nhịp vào Việt Nam đã lấp đầy các khu công nghiệp mọc lên trên cả nước. Nhiều khu công nghiệp rất thành công, ngày càng được mở rộng như khu công nghiệp Vietnam – Singapore ở Bình Dương, khu công nghiệp Amata ở Đồng Nai...

Đặc khu kinh tế như cái ống thông giữa hai cái bình trên một mặt bằng. Một bình đầy nước, đầy vốn tư bản, đầy công nghệ tư bản là các nước công nghiệp phát triển. Một bình trống không là nước nghèo đang khát vốn tư bản, khát công nghệ tư bản. Năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, mở đường cho các nước đầu tư vào Việt Nam. Khi đó nền kinh tế Việt Nam là cái bình trống không. Cái bình trống không đó nếu có cái ống thông là đặc khu kinh tế nối với cái bình đầy vốn tư bản, đầy công nghệ tư bản thì Việt Nam đương nhiên cũng phải có những Thẩm Quyến rực rỡ, phồn vinh. Thời cơ duy nhất, tốt nhất để làm đặc khu kinh tế nhưng Việt Nam đã không làm hay không được làm.

Không có đặc khu kinh tế nhưng với luật đầu tư nước ngoài đúng đắn do nhiều chuyên gia kinh tế góp trí tuệ soạn thảo, Việt Nam đã mở rộng tấm lòng, mở rộng cửa khẩu đón nguồn vốn, đón công nghệ từ các nước phát triển chảy vào. Các khu công nghiệp là những đặc khu kinh tế phân tán nhỏ mọc lên trên khắp đất nước làm cho cái bình trống không đã óc ách nước.

Thời điểm duy nhất, tốt nhất cho đặc khu kinh tế đã qua rồi. Lúc này, đặc khu kinh tế không còn cần cho Việt Nam nữa vì :

- Ngày nay với một dải đất hẹp và trải dài thì các khu công nghiệp trải rộng trên cả nước vừa sức với trình độ các nhà quản lí Việt Nam là phù hợp nhất, tốt nhất.

- Những nguồn vốn, những ngành công nghệ của các nước muốn đầu tư vào Việt Nam một cách chân chính, đàng hoàng, chỉ vì mục đích kinh tế, đều đã đầu tư rồi. Thương trường là chiến trường. Kinh doanh phải nhạy bén, phản ứng, chớp thời cơ mau lẹ như người lính ngoài mặt trận. Việt Nam mở cửa, tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đã 30 năm. Những nhà đầu tư chậm chân nhất cũng đã kịp có mặt.

- Với kinh tế tri thức, các nhà đầu tư ra nước ngoài tìm trí tuệ, tìm tinh hoa, săn đầu người chứ không tìm đất đai, không tìm sức lao động phổ thông nữa. Những ông chủ tư bản chỉ làm kinh tế không còn nhiều quan tâm đến đầu tư nước ngoài. Phải phân biệt rõ những ông chủ tư bàn chỉ làm kinh tế khác với những người mượn cớ đầu tư kinh tế ra nước ngoài để làm chính trị sẽ nhắc đến ở phần sau. Vào làm chủ Nhà Trắng, một trong những việc đầu tiên Donald Trump làm là thúc giục những ông chủ tư bản Hoa Kỳ rút đầu tư nước ngoài về để tạo việc làm cho người lao động Mỹ.

- Hơn 20 năm đổi mới cung cách làm kinh tế đã đánh thức nội lực Việt Nam vươn vai đứng dậy thành những ông chủ lớn, những nhà đầu tư ngang ngửa với nước ngoài thì đâu cần phải vọng ngoại tìm nhà đầu tư nước ngoài. Lập đặc khu kinh tế, ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, chèn ép doanh nghiệp trong nước như thời thuộc Pháp, nhà nước Pháp ưu đãi doanh nghiệp Pháp, chèn ép doanh nghiệp bản địa Việt Nam vậy.

Ngày nay người dân Việt Nam đã nhận ra bộ mặt thật những nhà đầu tư như bô xít Tây Nguyên, như Formosa nhảy vào Việt Nam không hẳn vì mục đích kinh tế mà vì cái lớn hơn, sâu xa hơn, độc địa hơn kinh tế là đất đai, lãnh thổ. Có quá nhiều nhà đầu tư loại này đang lăm le muốn nhảy vào Việt Nam.

Làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam một sức sống mới. Nhưng độc tài về chính trị, tham nhũng về kinh tế cũng đã rước những nguồn đầu tư mang lại tai họa khôn lường, gây nên những ung nhọt nhức nhối trên cơ thể đất nước Việt Nam. Như dự án bô xít đang tàn phá màu xanh Tây Nguyên, đang làm chảy máu dai dẳng nền kinh tế Việt Nam. Như tập đoàn Hưng Nghiệp Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh, như nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận đã và đang giết chết biển Việt Nam, đuổi người dân ra khỏi bến bãi, biển bờ ngàn đời của họ, để biển Việt Nam không còn bóng dáng những người dân đánh cá Việt Nam, những cột mốc sống khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên biển. Trong chuyện gấp gáp, hăm hở làm đặc khu kinh tế lúc này cũng thấy rõ bóng dáng của độc tài chính trị. Đồng hành với độc tài chính trị luôn luôn là tham nhũng quyền lực và tham nhũng kinh tế.

**********************

Phần Hai

Những bất thường trong Dự luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và trong cách đưa dự án ra Quốc hội

Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, bộ tam đặc này xin được viết gọn là Đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc, có quá nhiều điều bất thường từ dự thảo luật, nội dung luật, tạo sức ép để ra được luật. Tất cả những bất thường đó cho người dân hai cảm nhận.

kinhte2

Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc

Một là, Những cam kết giữa ông đảng trưởng cộng sản Nguyễn Văn Linh và ông đảng trưởng Trung Quốc Giang Trạch Dân ở Thành Đô năm 1990 vẫn đang còn giấu kín. Nhưng dường như Luật Đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc chính là bước đi theo lộ trình đã vạch ở Thành Đô năm 1990. Khi Luật Đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc được hơn 90% ông bà nghị là đảng viên cộng sản bấm nút thông qua thì ngày nhà nước Việt Nam độc lập bị thực sự xóa sổ đã cận kề.

Hai là, Thế lực đen tối ở bên ngoài Việt Nam áp đặt Việt Nam phải làm bô xit Tây Nguyên nay lại lù lù xuất hiện áp đặt Việt Nam phải làm đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc. Sự áp đặt đó đang đè nặng xuống phòng họp Diên Hồng trong tòa nhà Quốc hội ở Ba Đình.

Áp đặt

Nền kinh tế Việt Nam không cần có đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc cũng như nền kinh tế Việt Nam không cần khai thác bô xít Tây Nguyên. Con mắt, tầm nhìn Việt Nam không chọn Đồn – Phong – Quốc làm đặc khu kinh tế. Nhưng một thế lực từ bên ngoài đã nhòm ngó, thèm khát Tây Nguyên. Nay thế lực đó lại nhòm ngó, thèm khát ba yếu huyệt Đồn – Phong – Quốc. Vì vậy mà đã có dự án khai thác bô xít Tây Nguyên và nay lại có Đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc.

Trước tiếng nói của một công thần nhà nước cộng sản Việt Nam, đại tướng Võ Nguyên Giáp, ba lần lên tiếng về nguy cơ của dự án bô xít Tây Nguyên, trước những cơn sóng lừng phản đối dự án bô xít Tây Nguyên của đội ngũ trí thức và đông đảo người dân, ông thành viên bộ chính trị đảng cộng sản và là Thủ tướng nhà nước cộng sản Việt Nam lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng chỉ đáp gọn lỏn : Dự án bô xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng. Chủ trương lớn của đảng vì trước đó người đứng đầu đảng Việt Cộng, Nông Đức Mạnh đã cam kết với người đứng đầu đảng Trung Quốc Hồ Cảm Đào về việc cùng với Trung Quốc khai thác bô xít Tây Nguyên của Việt Nam. Một ông đảng trưởng không có quyền hành pháp, tự tiện quyết định công việc nhà nước, công việc hành pháp, áp đặt cho cả bộ máy nhà nước phải thực hiện.

Đảng áp đặt thì dân phải gánh chịu và nước phải lãnh đủ. Áp đặt về kinh tế, Đảng cộng sản Việt Nam đã mang lại cho dân tộc Việt Nam những thảm họa lớn như

Đảng Việt Cộng nghe Trung Quốc xui khôn xui dại áp đặt cải cách ruộng đất thì hàng trăm ngàn nông dân làm ăn giỏi có cuộc sống sung túc phải trở thành địa chủ, bị xử bắn và người bị đảng bắn chết thê thảm đầu tiên, bắn chết ở ngay bản doanh kháng chiến của cơ quan đầu não cộng sản Việt Bắc là người đàn bà ân nhân của đảng, bà Nguyễn Thị Năm. Cải cách ruộng đất không chỉ giết hàng trăm ngàn nông dân làm ăn giỏi, những người sáng tạo nên nền văn minh lúa nước Việt Nam mà còn phá nát nền văn hóa làng xã Việt Nam.

Đảng áp đặt cải tạo tư bản, tư doanh thì nền công nghiệp hiện đại mang khát vọng dân tộc Việt Nam đang lớn mạnh liền bị quốc hữu hóa. Giao vào tay những người chỉ có lòng hận thù giai cấp, chỉ biết có bạo lực cách mạng, nền công nghiệp hiện đại nhanh chóng tan nát.

Chủ trương lớn của đảng đã áp đặt thì hàng trăm ngàn tỉ tiền thuế của dân phải ném vào dự án bô xít, thì cánh cửa khẩu nhập cảnh, cánh cửa an ninh quốc gia phải mở rộng đón hàng chục ngàn lao động cơ bắp từ Trung Quốc tràn vào Tây Nguyên. Màu xanh bất tận Tây Nguyên bị hủy diệt. Nền văn hóa rừng đặc sắc Tây Nguyên bị đánh bật gốc rễ. Mỗi năm dự án khai thác bô xít Tây Nguyên thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng. Cả chục năm nay từ khi khai thác bô xít Tây Nguyên nền kinh tế Việt Nam bị chảy máu xối xả.

Kín đáo hơn, sâu xa hơn, mềm mại, uyển chuyển hơn nhưng sự áp đặt vẫn lồ lộ ra trong việc đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đang gấp gáp triển khai ba đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc. Ngày 21/5/2018 Quốc hội mới nhóm họp để xem xét dự luật Đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc nhưng từ hơn tháng trước, ngày 16/4/2018 bà chủ tịch Quốc hội Thị Kim Ngân đã quán triệt, nhắc nhở và cả chỉ thị cho thành viên ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cuộc họp chuẩn bị cho kì họp Quốc hội tháng sau : Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật.

Bộ chính trị đã kết luận rồi chỉ là cách nói mềm mại, uyển chuyển của một sự thật : Bộ chính trị đã quyết định rồi. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ che giấu sự thật thì những người cộng sản Việt Nam là kiệt xuất. Như thành phố Sài Gòn đã chi hàng ngàn tỉ tiền ngân sách vào việc chống ngập lụt nhưng chỉ một trận mưa nhỏ những điểm ngập lại xuất hiện khắp thành phố, những người đã làm tiêu tan hàng ngàn tỉ tiền thuế của dân liền gọi tên sự ngập lụt đó chỉ là những điểm tụ nước. Thực chất Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc nhằm hướng tới Trung Quốc, nhằm mở cửa đón Trung Quốc. Nhưng để giấu kín ý đồ đó, trong luật, tên Trung Quốc đã được thay bằng "nước chung đường biên giới với Quảng Ninh". Tài đến thế là cùng !

Bộ chính trị đã quyết định rồi và ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội phải nhắc nhở, chỉ thị cho thành viên ủy ban thường vụ Quốc hội đều là đảng viên phải chấp hành. Bộ chính trị đã quyết định rồi và trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh phải quán triệt, đòi hỏi đảng viên trong đoàn "phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật" Ai cũng biết hơn 90% các ông nghị, bà nghị là đảng viên cộng sản thì cái kết luận, cái quyết định của Bộ chính trị đảng cộng sản cũng sẽ là cái quyết định của Quốc hội cộng sản mà thôi. Đây là điều người dân đang vô cùng lo lắng và phẫn nộ

Áp đặt ở nghị trường. Áp đặt trong đội ngũ quan chức nhà nước. Áp đặt cả với dư luận, với người dân. Dự luật hình thức là đặc khu kinh tế nhưng thực chất là văn bản pháp lí hợp thức hóa việc rước giặc vào nhà đang làm hầu hết người dân Việt Nam thắt tim lo lắng và bừng bừng phẫn nộ thì nhà nước cộng sản liền đưa một đoàn nhà báo công cụ của đảng sang chiêm ngưỡng sự phồn vinh hào nhoáng của đặc khu kinh tế Thẩm Quyến bên Tàu rồi mang sự phồn vinh hào nhoáng Thẩm Quyến về ru ngủ sự phẫn nộ của người dân Việt Nam.

Đặc khu kinh tế hay Đặc khu quân sự ?

Với Việt Nam, đặc khu kinh tế là sản phẩm của thế kỉ 20. Sắp hết thập kỉ thứ hai của thế kỉ 21 mới tính đến làm đặc khu kinh tế là đã quá lỗi thời, lạc lõng với thời đại. Dự luật đặc khu hành chính – kinh tế Đồn – Phong – Quốc với hai nội dung cho thuê đất 99 năm và những pháp nhân trong đặc khu được mời tòa án nước ngoài phân xử tranh chấp lại càng lạc lõng và vô cùng nguy hại.

Cho thuê đất 99 năm thực chất là gán đất, nhượng đất, là sản phẩm của hai thời lịch sử :

Thời thực dân cũ ở thế kỉ 19, nước thua trận phải nhượng đất 99 năm cho nước thắng trận. Như Trung Hoa Mãn Thanh phải nhượng đất Hương Cảng 99 năm cho nước Anh.

Thời thực dân tiền ở đầu thế kỉ 21. Với sự trỗi dậy của chủng tộc Đại Hán luôn có khát vọng đất đai lãnh thổ cũng là thời trỗi dậy của một thứ chủ nghĩa thực dân mới là chủ nghĩa thực dân tiền. Cải cách kinh tế đã nâng Tàu Công lên thành một cường quốc kinh tế. Cường quốc kinh tế Trung Quốc với đồng tiền rủng rỉnh liền làm sống lại chủ nghĩa thực dân, đi xâm lược, chiếm đất, vơ vét tài nguyên, nô dịch các dân tộc nhỏ yếu và Trung Quốc đã sáng tạo ra loại hình thực dân mới, thực dân tiền. Vung tiền cho các nước nghèo khó và các nước độc tài, tham nhũng vay. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Tiền vào nước độc tài, tham nhũng như nước chảy vào cái thùng không đáy. Tiền vay cho nền kinh tế nhưng phần lớn chảy vào túi quan tham thì lấy đâu ra tiền trả nợ ! Không có tiền trả nợ, con nợ phải nhượng đất 99 năm cho chủ nợ Trung Quốc. Sri Lanka đã phải nhượng cảng Hambantota 99 năm cho Trung Quốc. Campuchia cũng đã gán cảng Congpongsom 99 năm cho Trung Quốc...

Đặc khu kinh tế đã là quá khứ. Vì sao lúc này chóp bu cộng sản Việt Nam lại gấp gáp, máu me làm đặc khu kinh tế ? Cho thuê đất 99 năm thực chất là nhượng đất. Nước con nợ phải mang đất gán nợ cho nước chủ nợ. Vì sao lúc này nhà nước cộng sản Việt Nam lại phải hấp tấp, lấm lét và trí trá, lừa dối dân mang ba mảnh đất vàng ở ba vị trí chiến lược hiểm yếu ra gán nhượng ? Đặt ra hai câu hỏi này sẽ tìm thấy ngay câu trả lời là ở Trung Quốc.

Đây là lúc kinh tế Việt Nam cùng quẫn nhất, khốn đốn nhất, hậu quả để lại sau hai nhiệm kì của ông Thủ tướng dốt nát, tham nhũng và tàn bạo Nguyễn Tấn Dũng. Cả một Chính phủ hối hả tham nhũng với những Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Phùng Quang Thanh, Đinh La Thăng, Võ Kim Cự, Nguyễn Bá Thanh, Văn Hữu Chiến... Loại quan chức chưa mon men được tới cấp Chính phủ như Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh… mỗi tên cũng nuốt hàng ngàn tỉ đồng thì ở cấp Chính phủ, số tiền tham nhũng còn khủng khiếp đến thế nào. Nền kinh tế đất nước bị phá tanh bành, ngân khố trống rỗng, công nợ ngập đầu. Lộn túi dân ra vét tiền bằng đủ các sắc thuế, sắc phí tàn ác hơn cả thời thuộc Pháp. Mang cả các doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi Sabeco, nhựa Bình Minh... ra bán tống bán tháo cũng không cứu vãn được ngân sách trống rỗng. Rồi lại dồn dập đến kì hạn phải trả những khoản nợ vay nước ngoài và Trung Quốc là một chủ nợ lớn.

Cùng với kinh tế suy sụp là lòng dân li tán. Nhà nước độc tài và tham nhũng ngày càng đi ngược lợi ích của nhân dân và đất nước, ngày càng thù địch, đàn áp dân tàn bạo. Đàn áp đổ máu dân Hà Nội, Sài Gòn biểu tình phản đối sự có mặt của Tập Cận Bình ở Việt Nam. Đàn áp dân Nghệ An, Hà Tĩnh trong thảm họa Formosa. Lòng dân không chỉ li tán mà nỗi bất bình ngày càng ngùn ngụt bốc cao. Đây chính là lúc nhà nước cộng sản Việt Nam suy yếu nhất, run rảy nhất. Càng run rảy trước dân càng phải lấp liếm sự run rảy bằng bạo liệt đàn áp. Đây là lúc nhà nước cộng sản Việt Nam xa dân nhất, chới với nhất.

Trong cảnh kiệt quệ, khốn cùng, nền kinh tế Việt Nam khấp khởi trông chờ vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định Hợp tác thương mại với Liên Hiệp Châu Âu EVFTA. Nhưng Trời không dung độc tài và tham nhũng. Không những Mỹ rút ra khỏi TPP làm cho TPP không còn giá trị mà những công ty Mỹ đầu tư ra nước ngoài cũng đang tính nước rút về Mỹ. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP thay thế TPP thì chưa ngã ngũ. Sau vụ kéo cả một đám tướng tá an ninh nhà nước cộng sản Việt Nam lén lút sang nước Đức, đạp lên luật pháp nước Đức, đột nhập vào Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, quan hệ giữa nhà nước cộng sản Việt Nam với cả Liên minh châu Âu trở nên tồi tệ chưa từng có thì EVFTA còn treo lơ lửng vô thời hạn.

Để cứu vãn tình thế, ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng vội hấp tấp đến Pháp. Pháp cùng với Đức là hai nước trung tâm, rường cột của Liên minh châu Âu và Pháp cũng là nước có quan hệ thân tình, mật thiết với nước Đức. Dù phải mở cửa Điện Élysée tiếp ông đảng trưởng độc tài nhưng đất nước đã làm cuộc cách mạng tư sản dân quyền từ thế kỉ 18 phá nhà ngục Bastille của độc tài phong kiến không thể chấp nhận độc tài và ông chủ trẻ của đất nước Tự do – Bình Đẳng – Bác ái đã tiếp ông đảng trưởng cộng sản quá lạnh nhạt, hờ hững như tiếp kẻ độc tài từ thế kỉ 18 lạc loài giữa ánh sáng văn minh. Ông đảng trưởng độc tài càng nhận rõ sự lạc lõng, cô đơn của nhà nước cộng sản Việt Nam và nhận ra những cái phao cứu sinh của nền kinh tế Việt Nam đều đã không còn. Việt Nam không những suy yếu mà còn đơn độc giữa thế giới loài người hơn bao giờ hết.

Trong khi đó Trung Quốc đã quân sự hóa xong các đảo cướp được của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa. Trên những sân bay hiện đại và những trận địa dã chiến giữa biển Đông, những máy bay ném bom hạng nặng đã vào vị trí xuất phát, những dàn tên lửa đã lên bệ phóng hướng về phía Tây, nơi có dải bờ biển hình chữ S.

Run rảy trước nhân dân trong nước. Cô lập lẻ loi trong thế giới loài người văn minh. Những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đưa mắt nhìn quanh chỉ thấy có mỗi thân hình lừng lững như hộ pháp và bộ mặt cuộn lên từng múi thịt của Tập Cận Bình. Thôi đành nhắm mắt thực hiện những cam kết cay đắng ở Thành Đô năm 1990, làm theo những gì con người hộ pháp kia cần. Bộ mặt nậc lên từng múi thịt đang hau háu thèm khát nhìn vào Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì phải gấp gáp làm luật biến ba nơi đó thành ba đặc khu kinh tế che mắt dân và lặng lẽ đón những kẻ ngàn đời thèm khát đất đai lãnh thổ vào mảnh đất Vân Đồn còn in dấu chân, in chiến công đánh đuổi giặc Nguyên của Đức Ông Trần Quốc Tảng đời nhà Trần.

Con đường tất yếu của kẻ đặt lợi ích vương triều thối nát của một dòng họ lên trên lợi ích trăm họ cũng là con đường tất yếu của những kẻ đặt lợi ích của một đảng độc tài lên trên lợi ích của dân tộc, của đất nước. Con đường bán nước.

Cuối thế kỉ 20, núp dưới danh nghĩa khai thác bô xít Tây Nguyên, Trung Quốc đã đưa hàng sư đoàn lên điểm cao Tây Nguyên, lập những làng Tầu trên nền đất văn hóa Tây Nguyên.

Đầu thế kỉ 21, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Võ Kim Cự đã dâng yếu huyệt Vũng Áng, Hà Tĩnh cho Hưng Nghiệp Formosa, danh nghĩa là Tàu Đài Loan nhưng thực chất là Tàu Bắc Kinh. Vũng Áng đã trở thành đất của Trung Quốc trong 70 năm. Người Việt Nam dù là quan chức quản lí đất đai cấp bộ cũng không được bén mảng đến. Sau bức tường cao quây kín Vũng Áng, lao động Tàu đang xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương cho tầu ngầm có thể neo đậu, biến cảng nước sâu Sơn Dương thành một đầu cầu cho quân từ biển đổ bộ vào đất liền, cắt đôi đất nước Việt Nam ở nơi hẹp nhất. Cảng nước sâu Sơn Dương cùng với căn cứ hải quân Du Lâm trên đảo Hải Nam của Trung Quốc tạo thành cánh cửa thép khép kín vịnh Bắc Bộ, cắt đôi biển Việt Nam.

Năm thứ 18 của thế kỉ 21, ba đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc ra đời. Không có CPTPP, không có EVFTA thì chỉ có những dòng người từ Trung Quốc tràn vào với danh nghĩa nhà đầu tư.

Ba đặc khu kinh tế Đồn – Phong – Quốc mở ra đón dòng người từ đại lục Trung Hoa tràn đến. Dải đất Việt Nam sẽ nằm gọn trong bàn tay với năm ngón tay thép, năm gọng kìm lửa : Bô xít Tây Nguyên ở phía Tây. Đặc khu Vân Đồn, Quảng Ninh ở phía Bắc. Căn cứ Vũng Áng Formosa Hà Tĩnh và Đặc khu Bắc Vân Phong, Khánh Hòa ở miền Trung. Đặc khu Phú Quốc, Kiên Giang ở phía Nam. Những đặc khu danh nghĩa là kinh tế sẽ hiện nguyên hình thực chất là những đặc khu quân sự.

Phạm Đình Trọng

(06/06/2018)

Published in Diễn đàn
dimanche, 27 mai 2018 06:04

Ôi cuốc hội !

Việc nguy khốn của đất nước : Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông đã bị mất. Giặc Trung Quốc hoàn toàn làm chủ Biển Đông của lịch sử Việt Nam. Chúng bắn giết, cướp tài sản của dân Việt Nam đánh cá trên biển Việt Nam. Chúng cấm Việt Nam không được thăm dò khai thác dầu khí trên biển Việt Nam. Bằng sức mạnh quân sự và bằng ngoại giao gian dối và kẻ cả, chúng gây sức ép buộc các nước đã kí hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông với Việt Nam phải bỏ cuộc. Những đoàn tàu đánh cá của dân Trung Quốc rầm rộ từ đảo Hải Nam, từ bờ biển Phúc Kiến được tàu chiến của chúng hộ tống tràn vào Biển Đông đánh cướp hải sản của biển Việt Nam chỉ cách bờ biển Đà Nẵng chưa đến 50 cây số, khoảng 30 hải lí.

qh11

Những đoàn tàu đánh cá của dân Trung Quốc rầm rộ tràn vào Biển Đông đánh cướp hải sản của biển Việt Nam.

Những trái tim Việt Nam yêu nước bừng bừng phẫn nộ và đau thắt nỗi lo vận nước nhưng Cuốc hội Việt Nam đang nhóm họp ở Ba Đình Hà Nội vẫn xưng xưng tự nhận là đại diện cho ý chí, nguyện vọng người dân Việt Nam lại chỉ chăm lo vun vén cho những lợi ích cục bộ, chỉ nói ra những câu phù phiếm ngớ ngẩn về những chuyện vụn vặt của đời sống xã hội và dửng dưng vô cảm, câm miệng hến trước vận nước nguy khốn.

Máu tham bành trướng Đại Hán đã chiếm Biển Đông của Việt Nam bằng hình vẽ lưỡi chó sói trên bản đồ từ năm 1947. Nay Trung Quốc bằng sức mạnh hạm tàu, sức mạnh tàu sân bay, sức mạnh tên lửa, sức mạnh máy bay ném bom hạng nặng và sức mạnh của thế trận triển khai bao vây, cô lập, chia cắt đã xiết chặt. Đã đến giờ G Trung Quốc thôn tính lưỡi chó sói trên thực tế Biển Đông, đuổi Việt Nam ra khỏi hình vẽ lưỡi chó sói, độc chiếm Biển Đông, vươn cánh tay thâu tóm cả Đông Nam Á. Đây chính là lúc cần thiết, gấp gáp, đúng lúc nhất đưa cái lưỡi chó sói phi pháp ra tòa án quốc tế. Một Quốc hội thực sự của giống nòi Việt Nam, của những dòng máu, những trái tim Việt Nam thì phải thảo luận và biểu quyết ngay điều này. Nhưng những ông nghị, bà nghị cộng sản với tầm văn hóa thấp kém, tầm chính trị giai cấp hẹp hòi, hoàn toàn thiếu vắng hồn dân tộc, hồn nước Việt đã dửng dưng câm lặng. Và những cuộc tụ tập của những ông bà nghị ở Ba Đình chỉ đáng gọi là Cuốc hội mà thôi.

Là cuốc nhưng không được như con cuốc cuốc biết nhớ nước thương nòi trong thơ bà Huyện Thanh Quan : "Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc", mà chỉ là loài cuốc kêu theo kì hạn khi mùa hè về : "Ai xui con cuốc gọi vào hè", chỉ là tiếng loài cuốc một năm hai kì kêu những tiếng lạc lõng.

Nỗi oan khiên ngút trời của hàng ngàn người dân bị quyền lực của đồng tiền và quyền lực nhà nước kết cấu với nhau cướp hàng trăm hecta đất của người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, ở Thủ Thiêm, Sài Gòn.

Bị cướp đất, cướp nhà, cướp cả chùa chiền, nhà thờ, người dân Thủ Thiêm, con người thể xác thì vật vờ, vất vưởng bới rác, lượm ve chai, lội sình dừa nước mò con cua con ốc kiếm sống từng bữa, con người tâm linh thì thành chúng sinh bơ vơ lạc lõng của kẻ vô loài suốt gần hai mươi năm đau đớn cả thể xác, cả tinh thần.

Không để bị cướp mảnh đất sống, người dân Đồng Tâm đã rào làng giữ đất, đã trở thành một pháo đài chống lại cả một hệ thống chính quyền tham nhũng. Đó là một hiện thực đã và đang diễn ra hơn hai năm nay ở Đồng Tâm, Mỹ Đức cách Ba Đình chưa đến 50 cây số và Đồng Tâm với Ba Đình lại càng gần gũi vì cùng trong một hệ thống loa phường của sở Thông tin truyền thông Hà Nội.

Hơn ngàn hộ dân, mấy chục ngàn người dân Thủ Thiêm đau đớn oan khiên. Dân oan Thủ Thiêm đội đơn kêu oan trên đầu, mang ba lô đơn kêu oan nặng trĩu trên vai ra Hà Nội lập làng Thủ Thiêm sát hội trường Cuốc hội ở Ba Đình gần hai chục năm nay.

Cuốc hội Ba Đình vẫn vỗ ngực tự xưng đại diện cho ý chí nguyện vọng của người dân Việt Nam mà hết khóa họp này đến khóa họp khác vẫn câm lặng, bịt tai, nhắm mắt trước nỗi oan khiên của dân Đồng Tâm, của dân Thủ Thiêm nhưng lại to mồm, lớn tiếng hè nhau đòi phải làm luật chống phản động.

Phản động nào ở đâu xa. Những kẻ kiên định theo đuổi học thuyết chính trị đã bị loài người ném vào sọt rác lịch sử, đã bị loại bỏ khỏi đời sống xã hội loài người, đã bị Quốc hội của các nước văn minh châu Âu ra nghị quyết buộc tội và lên án. Những thủ lĩnh chính trị kiên trì áp đặt cho nhân dân Việt Nam học thuyết tội ác đó, những kẻ cố sống cố chết duy trì học thuyết kìm hãm sự phát triển của đất nước, kéo đất nước trở lại thời nô lệ trung cổ, chính là phản động đó. Những quan chức tham nhũng đang điên cuồng cướp đất của dân, đang tàn bạo bóc lột dân, đang hối hả bòn rút tài nguyên, vơ vét của cải của nước, chính là lũ phản động đó.

Sức mạnh xâm lăng của Trung Quốc đã làm chủ Biển Đông. Chủ quyền Việt Nam chỉ còn được chứng minh, được khẳng định bởi những con tàu đánh cá của những người dân Việt Nam quả cảm có mặt trên Biển Đông. Một chính quyền đủ tầm chính trị và đủ lòng yêu nước phải nhận ra những ngư dân Việt Nam chính là những cột mốc chủ quyền sống. Giống nòi Việt Nam, lịch sử Việt Nam và nhà nước Việt Nam phải biết ơn những thế hệ dân chài Việt Nam nối tiếp nhau thầm lặng và bền bỉ viết tên Tổ quốc Việt Nam trên Biển Đông.

Nhà nước Việt Nam phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ những chuyến ra khơi của họ. Ra khơi thả lưới, họ không phải chỉ là người dân đi kiếm sống mà họ thực sự là những người lính nồng nàn yêu nước và quả cảm đi giữ biển. Chăm lo cho làng quê, gia đình họ có cuộc sống sung túc, yên vui, bền vững là trách nhiệm chính trị và lương tâm con người của quan chức nhà nước ở các bộ và các tỉnh ven biển Việt Nam.

Nhưng những quan chức cấp bộ trong Chính phủ và những quan chức cấp tỉnh dọc dải đất ven biển Việt Nam đã bán linh hồn cho những kẻ vong bản, những đại gia người Việt hồn Tàu được ngân hàng Công Thương Trung Quốc bơm tiền cho để thôn tính đất đai dọc bờ biển Việt Nam, đánh bật người dân đánh cá ra khỏi làng quê, bến bãi, ngư trường ngàn đời của họ, để Biển Đông không còn bóng những tàu thuyền đánh cá người Việt.

Tiếp tay cho những đại gia vong bản, quan chức cấp bộ và cấp tỉnh dọc dải đất ven biển Việt Nam đã ngu ngốc, đểu cáng và bất lương thu hồi đất đai chòm xóm, thu hồi bến bãi đi về của những tấm bia chủ quyền sống trên Biển Đông, giao đất thu hồi của người dân bám biển cho nhà đầu tư sẵn đồng tiền của ngân hàng Công Thương Trung Quốc. Không còn mảnh đất bám víu, người dân ven biển đành bỏ thuyền, bỏ biển. Những tấm bia sống về chủ quyền Việt Nam không còn bóng dáng trên Biển Đông. Sự việc nghiêm trọng diễn ra từ nhiều năm nay, diễn ra trước mắt những ông nghị, bà nghị trong đoàn đại biểu Cuốc hội các tỉnh và năm nào cũng xuân thu nhị kì Cuốc hội có hai kì họp kéo dài cả tháng trời nhưng những ông bà nghị đều câm miệng hến.

Câm miệng hến trước nhưng việc lớn hệ trọng của dân của nước, những ông nghị bà nghị ở Cuốc hội chỉ lớn tiếng đòi hỏi những lợi ích cục bộ, to mồm về những chuyện tầm phào, vớ vẩn. Bộ công an chỉ là công cụ bạo lực của nhà nước đã lạm phát cấp tướng. Tờ báo của bộ công an chỉ là tờ báo cấp hai mà tổng biên tập cũng mang hàm tướng. Giám đốc công an tỉnh nghèo xơ xác Yên Bái chỉ có bảy trăm ngàn dân cũng là một ông tướng. Tướng công an đã đè bóng đen nặng nề xuống cuộc sống thời bình của đất nước, đè nặng trĩu xuống ngân sách nghèo của quốc gia. Chỉ lo lấy lòng mấy ông công an, bà Chủ tịch Cuốc hội liền lên tiếng đòi hỏi công an phải có thêm nhiều tướng, công an tỉnh nào cũng phải có hàm tướng.

Nhìn ông phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế của Cuốc hội Nguyễn Đức Kiên vung tay, trợn mắt bên hành lang Cuốc hội nói lấy được lớn tiếng bảo vệ cho từ ngữ lừa bịp, lưu manh “trạm thu giá” nhiều người lại phải nhớ đến những phường Sơn Đông mãi võ mồm loa mép giải quảng cáo lừa bịp để bán dạo những gói thuốc dỏm ở hè phố.

Từ cuối thế kỉ 20, loài người đã thực sự bước vào nền văn minh tin học, bước vào nền kinh tế tri thức. Làm giầu bằng kĩ nghệ đã tạo ra những ông chủ rải nhà máy khắp thế giới. Làm giầu bằng tri thức đã tạo ra những người giầu rải tiền tỉ làm từ thiện khắp thế giới. Đã bước sang năm thứ 18 của thế kỉ 21, thế kỉ của những dự án xuyên quốc gia và mỗi quốc gia không phải chỉ biết làm giầu trên đất nước mình mà còn phải biết làm giầu, biết khai thác những nguồn tiền lớn từ khắp thế giới. Vậy mà ông phó chủ nhiệm ủy ban đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến của Cuốc hội Việt Nam chỉ biết háu háu nhìn vào mấy đồng tiền còm của bà già nghèo khổ bán li trà đá bên vỉa hè kiếm sống qua ngày và ông nghị Cuốc hội tị nạnh : Người bán trà đá tại Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, năm ngàn đến bảy ngàn phần trăm nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách.

Vô cảm câm lặng đứng ngoài cuộc trước những thách thức sống còn của vận nước, vô cảm câm lặng đứng ngoài cuộc trước tiếng than khóc thảm thiết của hàng ngàn dân oan bị quan tham cướp đất, những ông nghị, bà nghị của Cuốc hội Việt Nam đương nhiệm không những thiếu tư cách của một công dân bình thường mà còn thiếu cả lương tâm của một con người bình thường.

Không mở mồm nói được những đòi hỏi khẩn thiết, sống còn của dân của nước. Chỉ lo giành giật lợi ích cục bộ, chỉ hùng hồn lên tiếng những điều vụn vặt nhỏ bé, cái tầm của những ông nghị, bà nghị Cuốc hội Việt Nam đương nhiệm quá thấp so với tầm của người dân bình thường, lại càng quá thấp so với tầm của thời họ đang sống,

Phạm Đình Trọng

(27/05/2018)

Published in Diễn đàn
dimanche, 20 mai 2018 09:38

Đại cục bán nước

Dân gian ta có câu : Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa để chỉ hạng người ăn chơi thì giỏi, nói năng bẻm mép thì hay nhưng làm thì dở. Quan chức nhà nước cộng sản Việt Nam không phải chỉ làm dở, làm đâu hỏng đấy mà đến lời nói cũng ngô ngọng, ngớ ngẩn. Mở mồm ra nói là bộc lộ một nền tảng văn hóa thấp kém, một nhân cách hèn mọn, một tư cách công dân thiếu vắng.

Chinese State Councillor Yang Jiechi (2nd L) attends a meeting with Vietnamese President Tran Dai Quang (2nd R) at the presidential palace in Hanoi on June 27, 2016. .Yang is in Vietnam to attend the 9th joint-meeting on bilateral cooperation between Viet

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp ông Dương Khiết Trì, Chánh Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Phủ Chủ tịch ngày 24/06/2016 - Ảnh minh họa quan lớn Trung Quốc đến Hà Nội dạy bảo quan nhỏ Việt Nam

Với mọi công dân bình thường thì lòng yêu nước luôn thường trực trong ý thức, trong tình cảm. Với lòng yêu nước, một núm cát của đất đai Tổ quốc cũng mang hồn thiêng của cha ông, cũng là hương hỏa thiêng liêng của cha ông để lại và không có gì lớn hơn, hệ trọng hơn là núm cát mang hồn thiêng ông bà tổ tiên, là chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Để cho khách du lịch Trung Quốc mặc áo vẽ bản đồ Trung Hoa có hình lưỡi bò liếm hết Biển Đông của lịch sử Việt Nam nghênh ngang đi trên đường phố Việt Nam đã là việc làm tồi tệ, không thể chấp nhận được của ngành du lịch, của an ninh cửa khẩu nhà nước cộng sản Việt Nam. Tồi tệ từ người làm việc ở cửa khẩu đến người làm quản lí ở cấp nhà nước.

Càng tồi tệ hơn khi người đứng đầu bộ máy quản lí du lịch nhà nước cộng sản Việt Nam, một người vóc dáng cơ bắp nhìn nhận chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm, bị cưỡng chiếm chỉ là sự cố nhỏ khi con người cơ bắp ở vị trí Tổng cục trưởng Du lịch nói về những khách du lịch Trung Quốc thách thức người dân Việt Nam, xâm lãnh thổ Việt Nam bằng những chiếc áo in hình bản đồ Trung Hoa với cái lưỡi bò liếm cả Biển Đông của Việt Nam : Không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đại cục.

Từ "đại cục" chính là từ những kẻ rắp tâm cướp Biển Đông của Việt Nam phun ra vừa lừa mị, bịp bợm, vừa trịch thượng, xấc xược dạy bảo lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Đưa hạm đội lớn, hạm đội nhỏ vào sâu vùng biển Việt Nam. Cấm dân Việt Nam đánh cá trên biển Việt Nam. Cướp tài sản, bắn giết dân lành Việt Nam. Ngang nhiêm xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và gây những tội ác tày trời đó rồi Trung Quốc răn dạy những người đứng đầu nhà nước cộng sản Việt Nam rằng : Không để những chuyện nhỏ đó ảnh hưởng đến đại cục.

Kẻ cướp coi tính mạng người dân Việt Nam, coi lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam chỉ là chuyện nhỏ. Nước nhỏ chư hầu phải biết cam phận, phải biết hiếu hòa với nước mẹ mới là việc lớn, mới là đại cục. Không có lòng yêu nước làm sức đề kháng, lời bịp bợm, xấc xược của kẻ xâm lược đã thấm vào máu con người cơ bắp ở vị trí đứng đầu ngành du lịch nhà nước cộng sản Việt Nam. Nay với tâm thức chư hầu, tâm thức nô lệ, con người chỉ thấy có cơ bắp, không thấy có não, không thấy có tim lại phun ra lời bịp bợm xấc xược của kẻ xâm lược để răn dạy người dân Việt Nam : Không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đại cục.

Quyền làm chủ đất nước của người dân Việt Nam đã bị đảng cộng sản cầm quyền tước đoạt. Đảng phân chia, ban phát quyền lực tước đoạt của dân cho quan chức của đảng. Người dân chỉ còn biết đau đớn nhìn đội ngũ quan chức cướp quyền lực của dân chỉ làm những việc hại dân, hại nước và người dân phải xót xa nhận ra một đại cục ở đội ngũ quan chức đó là : đại cục bán nước. Bán nước từ trong tâm thức.

Phạm Đình Trọng

(20/05/2018)

Published in Diễn đàn

Như Lê Chiêu Thống dẫn đường đưa quân Mãn Thanh vào xâm lược Việt Nam thế kỷ 18, những năm tháng ý thức hệ cộng sản đang đưa Trung Quốc tham tàn vào xâm lược Việt Nam

Trung Quốc đã cướp Biển Đông của tổ tiên ta trên công luận thế giới bằng hình vẽ lưỡi bò, lưỡi chó sói liếm cả Biển Đông trên bản đồ Đại Hán.

lang01

Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã rơi vào tay của quân Trung Quốc năm 1974

Trung Quốc đã cướp Biển Đông của tổ tiên ta bằng ý thức hệ vô sản : Xóa bỏ biên giới quốc gia ; Xóa bỏ dân tộc, chỉ còn đồng nhất một giai cấp vô sản.

Quan san muôn dặm một nhà

Bốn phương vô sản đều là anh em

(Hồ Chí Minh).

Bên kia biên giới là nhà

Bên nay biên giới cũng là quê hương.

Và :

Bên ni biên giới là mình

Bên kia biên giới cũng tình quê hương

(Tố Hữu).

Với những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam, không có dân tộc Việt Nam, chỉ có giai cấp vô sản thế giới. Không có Tổ quốc Việt Nam, chỉ có đảng cộng sản. Không có Tổ quốc, đảng trở thành tổ quốc của những người cộng sản và họ ngạo ngược, xấc xược đưa lá cờ tổ quốc của vài triệu đảng viên, lá cờ của vài triệu đứa con lạc loài, tội lỗi của dân tộc Việt Nam lên ngang hàng lá cờ nước của chín mươi nhăm triệu người dân Việt Nam.

Dù cùng là người Việt Nam, cùng cội nguồn bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ nhưng không cùng ý thức hệ vô sản thì vẫn là kẻ thù không đội trời chung với những người cộng sản, phải tiêu diệt, loại bỏ khỏi xã hội cộng sản. Còn Trung Quốc dù là kẻ thù truyền kiếp của lịch sử Việt Nam hôm qua và là kẻ đang điên cuồng giết hại người Việt Nam hôm nay, đang cướp đất, cướp biển, cướp đảo của Việt Nam nhưng có cùng ý thức hệ vô sản thì kẻ xâm lược, kẻ thù truyền kiếp đó vẫn là bạn vàng giai cấp, bạn bốn tốt của những người cộng sản Việt Nam. Và những người cộng sản Việt Nam cầm quyền đã nhường đất biên cương, đã giao Biển Đông của tổ tiên người Việt cho Trung Quốc

Có cán bộ cộng sản còn chút lòng dân tộc, lo lắng, bất bình trước sự kiện đầu năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của tổ tiên ta do nhà nước Việt Nam Cộng Hòa quản lí thì ông Lê Đức Thọ, một người trong nhóm lãnh đạo chóp bu của Đảng cộng sản Việt Nam liền trừng mắt : Lập trường chính trị các anh để đâu ? Đang có chiến tranh lại phối hợp hoạt động với địch à ? Cuộc chiến tranh gay go của ta rất cần sự ủng hộ của Trung Quốc mà lại nói quay sang chống bạn. Rồi để làm yên lòng cấp dưới, ông Thọ thả giọng đường mật : Trung Quốc có giải phóng Hoàng Sa giúp ta thì sau này cũng trả lại cho ta thôi !

Coi lòng yêu nước trong sâu thẳm tâm hồn người Việt là địch, coi kẻ cướp Hoàng Sa của cha ông người Việt là bạn. Đó là bản lĩnh chính trị, là chân tướng và tâm địa của những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, là cội nguồn mất nước, cội nguồn một thời Bắc thuộc mới đang diễn ra khi âm thầm, khi lộ liễu công khai, trên mọi mặt đời sống xã hội. Trong không gian lãnh thổ, cuộc Bắc thuộc mới đang diễn ra quyết liệt, rộng khắp. Trung Quốc đang ráo riết xâm lược Biển Đông của tổ tiên ta và cuộc xâm lược Biển Đông diễn ra không chỉ ở trên Biển Đông.

lang02

Trung Quốc dù là kẻ thù truyền kiếp của lịch sử Việt Nam hôm qua vẫn là bạn vàng giai cấp, bạn bốn tốt của những người cộng sản Việt Nam. Ảnh minh họa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị APEC 2017 Đà Nẵng

Với mấy ông bà đang hôn mê học thuyết cộng sản thì trong tâm hồn, tình cảm của họ chỉ có giai cấp, không có dân tộc, chỉ có đảng cộng sản, không có Tổ quốc. Ý thức hệ vô sản đã xóa bỏ trách nhiệm với Tổ quốc và làm tê liệt ý chí bảo vệ Tổ quốc của những người cộng sản Việt Nam đang cầm quyền. Từ sau khi đánh chiếm được Hoàng Sa của Việt Nam, tàu đánh cá của Trung Quốc tràn ngập Biển Đông của ta và tàu chiến đấu của Trung Quốc mặc sức tự do lùng sục ngang dọc khắp Biển Đông, hàng ngày chặn bắt, đâm chìm tàu đánh cá của dân chài Việt Nam, bắn giết dân Việt Nam làm ăn trên biển Việt Nam. Những ngày này trên Biển Đông của lịch sử Việt Nam, hoàn toàn không thấy bóng dáng một con tàu giữ biển của quân đội nhà nước cộng sản Việt Nam. Những ngày này trên Biển Đông mang hồn cốt cha ông người Việt, những con tàu cá của dân chài Việt Nam trở nên bé nhỏ, trần trụi, đơn độc và mong manh giữa những con tàu chiến hung hãn tua tủa súng lớn súng nhỏ của Trung Quốc.

Trung Quốc đang ngạo nghễ làm chủ biển Việt Nam, đang hàng ngày, hàng giờ bắn giết dân Việt Nam trên biển Việt Nam nhưng quân đội nhà nước cộng sản Việt Nam cứ bình thản bám bờ và tướng lĩnh cấp cao cứ chìm đắm, mê mệt trong những mưu mẹo chiếm đất sân bay, cứ say sưa làm giầu bằng kinh doanh sân golf, khách sạn, cứ cay cú quyết liệt cướp mảnh đất sống của người nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bỏ mặc Biển Đông cho quân đội cộng sản Trung Hoa làm chủ.

Nhà nước cộng sản Việt Nam đã bỏ mặc Biển Đông còn in đậm dấu ấn mở cõi của tổ tiên người Việt cho Trung Quốc chiếm đoạt. Không gặp bất kì sự chống trả nào của quân đội nhà nước cộng sản Việt Nam, dù chỉ là sự chống trả yếu ớt lấy lệ cũng không có, nhưng thực tế Trung Quốc vẫn không thể thực sự làm chủ Biển Đông bởi suốt đêm ngày lúc nào cũng có hàng ngàn tầu thuyền đánh cá của người dân Việt Nam thầm lặng và bình thản thả câu buông lưới trên khắp Biển Đông của ông bà, của lịch sử Việt Nam để lại.

lang03

Những bờ biển đẹp miền Trung đang vuột khỏi tay người Việt Nam để rơi vào tay người Trung Quốc

Biển Đông không chỉ là nguồn sống giầu có và bền vững của người dân ven biển Việt Nam. Biển Đông còn là lịch sử mở cõi của dân tộc Việt Nam, là khát vọng, là ý chí, là thành quả dựng nước của tổ tiên người Việt. Biển Đông là hồn thiêng, là mồ hôi, nước mắt, là máu xương của nhiều thế hệ người Việt nối tiếp nhau. Từ những làng chài trải dọc dải bờ biển hình chữ S dưới chân dãy Trường Sơn, những tàu thuyền đánh cá bé nhỏ, thầm lặng nhưng bền bỉ có mặt trên Biển Đông từ ngàn năm trước và sẽ còn mãi đến ngàn năm sau. Hiểu rõ điều đó, kẻ hau háu cướp Biển Đông liền tung ra hai đòn hiểm độc để xóa sạch bóng dáng những tàu thuyền đánh cá của người Việt ở Biển Đông là

Đòn thứ nhất. Đòn độc đánh vào ngọn. Biến Biển Đông thành biển máu người Việt, thành nơi chôn vùi sinh mạng và tài sản người Việt, thành nỗi khiếp đảm của người Việt đề người Việt nhìn ra Biển Đông mà rùng mình sởn gáy không dám ra biển nữa.

Ngoài những chiến hạm lừng lững rình rập, săn đuổi, nghiền nát những tàu thuyền đánh cá mỏng manh của người Việt, nhà nước Trung Quốc còn hỗ trợ cho dân đánh cá Trung Quốc chuyển hệ tàu đánh cá từ tàu nhỏ, vỏ gỗ sang tàu lớn, vỏ sắt dày và huấn luyện quân sự, trang bị súng đạn cho tất cả tàu đánh cá Trung Quốc tràn vào Biển Đông, biến 100% dân đánh cá Trung Quốc thành những dân binh thiện chiến, hung hãn và hiếu sát. Tràn vào Biển Đông, đám dân binh ngư phủ Trung Quốc ngoài công việc đánh cá kiếm sống cho gia đình còn có bổn phận với tổ quốc Trung Hoa là lùng sục, tìm diệt, đâm chìm tàu đánh cá của người Việt, cướp tài sản, cướp thiết bị hành nghề biển của người Việt.

Đòn thứ hai. Đòn hiểm diệt tận gốc. Xóa sổ những làng nghề cá, xóa sổ những miền quê sống bằng nghề biển. Xóa sổ những bến bãi ngàn đời của những con tàu đánh cá mang hồn Việt, nơi người Việt mang khát vọng biển cả hăm hở ra khơi xa và nơi những phiên chợ cá đông vui trên bến dưới thuyền đón họ trở về.

Thực hiện đòn hiểm này, Trung Quốc đã âm thầm và ráo riết ném tiền ra mua linh hồn quan chức Việt Nam, mua không gian bờ biển Việt Nam lập những dự án, những công trình bịt kín bờ biển Việt Nam, đầu độc biển Việt Nam như khu công nghiệp Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh. Trung Quốc đã bỏ tiền ra đuổi dân Việt Nam phải bỏ bến bãi thân thiết như máu thịt của cơ thể mình, bỏ nguồn sống giàu có của vùng biển quê cha đất tổ, tức tưởi phiêu bạt đi nơi khác để Trung Quốc biến những bến bãi neo đậu tàu thuyền, biến những chợ cá sớm chiều nồng nàn mùi biển cả thành những lãnh địa riêng của những chủ dự án người Tàu với những bức tường, những hàng rào chặn đứng lối ra biển của người dân, biến những vị trí chiến lược hiểm yếu thành chốn riêng đi về của những ông chủ mang dòng máu Hán. Và yếu huyệt quân sự Hải Vân, và những resort giăng giăng im lìm và bí hiểm dọc bờ biển Đà Nẵng trên đất Việt Nam nhưng người Việt Nam không được bén mảng đến, chỉ những ông chủ người Tàu mới biết ở đó đang diễn ra những điều gì.

lang04

Biển Đông đã cho người dân miền Trung một nguồn sống dồi dào, bền vững nay đang biến thành vùng biển chết vì ô nhiễm

Nhưng nếu chỉ có những dự án của người Tàu bịt kín 3.500 kilomet chiều dài bờ biển Việt Nam thì đến đứa trẻ con cũng nhận ra mục đích thực của những dự án đó. Thô thiển, xoàng xĩnh, ngờ nghệch vậy đâu phải người Tàu. Chỉ những vị trí chiến lược hiểm yếu như Vũng Áng, như Hải Vân, người Tàu phải chiếm lĩnh bằng được mới cần đến sự xuất hiện của người Tàu. Còn việc xóa sạch bóng dáng những tàu thuyền Việt Nam đánh cá trên Biển Đông, triệt đường ra biển kiếm sống của người dân biển Việt Nam, sẽ phải do chính người Việt Nam thực hiện bằng đồng tiền sai khiến của Trung Quốc.

Trong tay sẵn có đồng tiền

Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Trung Quốc có cả một ngân hàng quốc doanh lớn, ngân hàng Công Thương Trung Hoa chuyên cung cấp tiền bạc cho nỗi thèm khát lãnh thổ của nhà nước Trung Quốc. Trung Quốc đã mua được linh hồn cả những tổng thống độc tài tỉ phú đô la của Châu Phi, đã biến cả Châu Phi rộng lớn thành công trường khai thác khoáng sản, tài nguyên giầu có của Châu Phi đưa về Trung Quốc thì mua linh hồn mấy ông bà chủ doanh nghiêp Việt Nam vừa chập chững bước vào thương trường đang khát vốn như sa mạc khát nước và mua dải bờ biển xác xơ sỏi đá của Việt Nam chỉ là chuyện nhỏ.

Như con rắn độc lặng lẽ trườn nhẹ êm trong cỏ cây rậm rạp, đồng tiền của ngân hàng Công thương Trung Hoa âm thầm, bí mật len lỏi theo đường tiểu ngạch xuống phía Nam, bất ngờ tạo lên những đại gia đất đai tuổi trẻ mà tiền nhiều như thác lũ, đầy sức mạnh và cũng đầy bí ần, mờ ám.

Những năm gần đây trong giới đại gia thâu tóm đất đai ở Việt Nam bỗng xuất hiện một gã trai tuổi còn trẻ có vóc hạc nhỏ nhắn, dáng người mềm mại của loài chồn cáo chuyên chui luồn, rình, phục, có nước da trắng nhợt nhạt thư lại và khuôn mặt bóp nhỏ, vuốt dài và nhọn hoắt ở cằm như mặt chuột.

Chàng trẻ tuổi mặt trắng thư lại đi đến đâu cũng được quan đầu tỉnh ở đó chiều như chiều vong. Tỉnh nghèo. Dân cày ruộng làm không đủ ăn thì chỉ có chiếc khố rách. Bòn dân khố rách chẳng sơ múi gì. Chỉ có mảnh đất dưới ngôi nhà của họ, mảnh đất họ đang cày cấy thì càng ngày càng có giá. Mà đất đai là sở hữu toàn dân, là công thổ quốc gia. Dù mảnh đất hương hỏa của tổ tiên ông bà họ để lại, ngày nay cũng là công thổ quốc gia do quan hàng tỉnh quản lí. Và quan hàng tỉnh nào cũng mong chờ dự án của đại gia như bầy ruồi mong chờ giọt mật. Có dự án thì những chủ dự án bộn tiền phải lẹ chân lui tới công đường tỉnh, phải thậm thụt tìm đến cửa trước, cửa sau nhà riêng quan hàng tỉnh. Có dự án là có thu hồi đất, là có chênh lệch một trời, một vực giữa giá đất thị trường và giá đất bồi thường cho dân. Sự chênh lệch quá lớn, quá bất công như sự ăn cướp hợp pháp đó chính là động lực to lớn, mạnh mẽ của nhà đầu tư, là nỗi thèm khát của quan hàng tỉnh, là nỗi thống khổ, oan khiên ngút trời của người dân.

Để mau sinh lời, các đại gia thâu tóm đất đai đều chạy đua tìm đến các đô thị, các vùng dân cư đông đúc, các vùng đất đang cựa quậy thức dậy. Thời gian là tiền bạc. Các dự án ở đó đều phải chạy đua với thời gian, hối hả xây cất, mau lẹ đưa vào khai thác, thu lợi nhuận. Riêng nhà đầu tư mặt trắng thư lại không mặn mà với đất đai đô thị, dù có một, hai dự án đầu tư ở Hà Nội, Sài Gòn cũng chỉ để có mặt, chỉ giữ chỗ , đóng băng để đấy, chưa biết đến ngày nào mới cần cho tan băng. Nơi thu hút tâm trí của chàng là những làng chài, những bãi biển dập dìu đi về của những đoàn tàu thuyền khai thác vựa cá Biển Đông.

Trong 3.500 kilomet bờ biển Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên thì dải bờ biển miền Trung là nơi dân làm nghề biển đông đúc nhất, có ý chí bám biển mạnh mẽ nhất, có tổ chức chặt chẽ nhất và có kĩ thuật đánh bắt hiện đại và hiệu quả nhất. Dải đất miền Trung khô cằn, khắc nghiệt. Những mảnh ruộng nhỏ hẹp trập trùng cát trắng kẹp giữa một bên là núi cao hiểm trở, rừng thiêng nước độc, một bên là biển cả mênh mông. Đất rừng không nuôi nổi người dân. Đất ruộng quanh năm thiếu nước. Chỉ còn con đường ra biển và Biển Đông đã cho người dân miền Trung một nguồn sống dồi dào, bền vững, cho họ cả ý chí sống mạnh mẽ, không lùi bước trước mọi thử thách dữ dội của động biển và cướp biển. Những làng nghề biển ngày càng giầu có, đông vui san sát dọc bờ biển. Cuộc sống tươi thắm đó tràn ra cả những cù lao ngoài biển, nhuộm xanh cả những cù lao chơ vơ cát trắng.

Dải đất tập trung người dân đánh cá trên Biển Đông nhiều nhất, dải đất mang khát vọng lớn nhất với Biển Đông, dải đất có số tàu thuyền ra Biển Đông đông đảo nhất, rầm rộ nhất cũng là dải đất chàng mặt trắng thư lại dồn tiền bạc nhiều nhất thâu tóm nhiều nhất đất của những làng nghề cá, biến những làng cá đông vui thành những khu du lịch sang trọng nhưng đìu hiu, thành những resort, những sân golf vắng ngắt, thành những vườn cảnh sum xuê cây và rực rỡ hoa nhưng chỉ có những ngọn gió biển lang thang đi về. Một sự đầu tư khác người. Đầu tư không cần hiệu quả kinh tế, không cần lợi nhuận. Chỉ cần hiệu quả xã hội. Chỉ nhằm xua đuổi không còn bóng một người dân đánh cá trên bờ biển và không còn bóng một con thuyền câu, một con thuyền lưới đi về trên biển.

Xin liệt kê sơ lược chưa đầy đủ thành tích giết chết những làng nghề cá dọc bờ biển miền Trung Việt Nam, xóa sổ những con tàu cá Việt Nam trên Biển Đông của chàng mặt trắng thư lại mang dòng máu Việt, mang họ tên người Việt nhưng linh hồn đã bị những kẻ cướp Biển Đông làm chủ như chúng đã làm chủ linh hồn nhiều quan chức nhà nước cộng sản Việt Nam.

Biến 200 hecta đất bãi biển Sầm Sơn của làng cá Quảng Trường huyện Quảng Xương, Thanh Hóa thành nhà nghỉ, vườn cảnh, sân golf cho những ông chủ sẵn tiền lui tới. Làng cá Sầm Sơn bị xóa sổ. Dân đánh cá Sầm Sơn phải bỏ quê phiêu bạt khắp phương trời. Người ra Hà Nội chạy xe ôm. Người dắt díu vợ con vào Bình Dương dựng túp lều cạnh bãi rác thải làm nghề thu gom ve chai. Người lên Tây Nguyên chăm sóc vườn cà phê cho chủ trang trại. Người đi làm thuê trên tàu đánh cá Hàn Quốc.

Thảm họa của người dân đánh cá Sầm Sơn, Thanh Hóa đang lặp lại ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình khi chàng mặt trắng thư lại đã là chủ của 460 hecta đất ven biển của làng cá Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An, là chủ 10 kilomet bờ biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh, là chủ 1.900 hecta bãi biển xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

Thảm họa của người dân đánh cá Sầm Sơn, Thanh Hóa sắp rầm rộ diễn ra với người dân ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa khi quan đứng đầu những tỉnh này đã rải thảm đón chàng mặt trắng thư lại về tỉnh và dành cho chàng những dải đất ven biển mà chàng đang thèm khát.

Dải đất hẹp khô cằn miền Trung là dải đất của nghề cá, dải đất mang khát vọng Biển Đông của dân tộc Việt Nam. Và Quảng Ngãi chính là phủ thủ của dải đất nghề cá, là trái tim của khát vọng Biển Đông. Theo con sóng biển đưa đẩy, theo luồng cá lênh đênh, dân biển Quảng Ngãi có mặt khắp bờ biển phía Nam đất nước. Dân đánh cá trên đảo Phú Quốc ngày nay hầu hết đều là dân biển Quảng Ngãi dạt đến từ trong xa thẳm lịch sử. Những năm chiến tranh ác liệt ở dải đất miền Trung vừa qua lại có thêm một đợt dân biển Quảng Ngãi tìm đến bình yên Phú Quốc. Dù ở đâu, người dân biển Quảng Ngãi cũng hướng ra Biển Đông, hướng ra Trường Sa, Hoàng Sa. Khát vọng bám biển và tinh thông nghề biển của dân biển Quảng Ngãi đã được lịch sử Việt Nam mở cõi ghi nhận. Các triều vua Nguyễn đều chọn dân đảo Lý Sơn và dân huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi tổ chức thành những đội binh cảm tử ra trấn giữ quần đảo Hoàng Sa.

Ra sống dài ngày giữa tâm bão Biển Đông, đối mặt với muôn vàn bất trắc của biển cả, mỗi người lính cảm tử ra Hoàng Sa đều mang theo đôi chiếu cói mới, bảy nẹp tre, bảy sợi mây dài và chiếc thẻ bài khắc chìm họ tên, năm sinh, quê quán. Chuẩn bị sẵn những vật dụng đơn sơ đó chính là sự bình thản đón nhận cái chết có thể đến bất cứ lúc nào với người lính Hoàng Sa. Những vật dụng để đồng đội bó xác khi không may bỏ mạng trong cơn biển động, sóng dữ bất thường của Biển Đông. Trước khi đội quân Hoàng Sa lên đường, chính quyền địa phương và dân đảo Lý Sơn tổ chức lể khao lề tế sống những người ra đi giữ biển quê hương. 

Hoàng Sa trời nước mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về

Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng hai khao lề tế lính Hoàng Sa.

Câu hát ru con về một thời lịch sử ông cha nối chí nhau đi mở Biển Đông vẫn còn khắc ghi trong hồn người dân Lý Sơn hôm nay. Đó là ý chí quyết bám Biển Đông, quyết giữ Biển Đông của người dân Quảng Ngải, của người dân miền Trung. Ngày nay những ngôi mộ gió của những người lính Hoàng Sa không về, những am thờ những cai đội, những lãnh binh chết ngoài Hoàng Sa còn rải rác khá nhiều trên đảo Lý Sơn.

Thôn tính được dải đất nghề cá ở Quảng Ngãi như đội quân xâm lược chiếm được thủ đô của đất nước bị xâm lược. Dùng quân sự đánh vào thủ đô nước bị xâm lược phải có sức mạnh quyết định của con người và vũ khí. Đội quân của xâm lược kinh tế là đồng tiền. Dù là cuộc xâm lược bằng quân sự hay bằng kinh tế thì mục đích cũng là chiếm lĩnh đất đai, lãnh thổ. Hãy nhìn cuộc xâm lược bằng kinh tế thôn tính lãnh thổ ở Quảng Ngãi của chàng mặt trắng thư lại để thấy sức mạnh đồng tiền của chàng và nhận rõ thêm tâm địa của chàng.

Thời của những con sóng dân du lịch. Ở dải đất ven biển miền Trung, tìm đất chỉ để kinh doanh khu du lịch, làm khách sạn, nhà hàng, resort đón khách du lịch thu lời lớn và lẹ thì phải chọn Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận. Danh nghĩa là làm quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị nhưng chàng mặt trắng thư lại lại chọn Quảng Ngãi, đất của nghề cá. Chọn Quảng Ngãi tung cú đòn quyết định triệt bến bãi, triệt làng xóm của những tàu thuyền đánh cá ngoài Biển Đông là đã đánh trúng mục tiêu, đã bắn trúng vòng 8 điểm, 9 điểm của tấm bia ngắm.

Cú đòn quyết định đó lại giáng vào Bình Sơn, Lý Sơn là đã đánh trúng yếu huyệt, đã bắn trúng điểm 10. Chàng mặt trắng thư lại đã chi ra khoản tiền lớn để chiếm đất và sai khiến cả bộ máy quan lại hàng tỉnh Quảng Ngãi hối hả vận hành làm mọi việc giúp chàng nhanh chóng làm chủ lãnh thổ 4.000 hecta đất ven biển Bình Sơn. 4.000 hecta đất đó vươn cả ra biển, trùm xuống chiếm cả đất hòn đảo của lịch sử mở cõi ra biển của ông cha ta, đảo Lý Sơn.

Hãy nhìn đám quan lại hàng tỉnh Quảng Ngãi, từ quan đầu tỉnh đến quan đầu sở với dáng xum xoe, xăng xái, với vẻ mặt chăm chú đón ý chủ đang xúm xít vây quanh chàng mặt trắng thư lại mặt đầy thỏa mãn, tay chỉ chỏ như ông chủ cuộc săn chỉ con mồi. Hình ảnh một ông chủ giữa đám tay chân sai bảo.

Hãy nhìn quan đầu tỉnh trở thành tư lệnh của đạo quân xâm lược bằng kinh tế, tư lệnh thống lĩnh cả hệ thống chính trị của tỉnh, xốc cả hệ thống chính trị hùng mạnh của tỉnh vào cuộc thôn tính đất đai cho cuộc xâm lược bằng kinh tế đó. Thời bình mà những công văn hỏa tốc ! hỏa tốc ! từ tỉnh đường tới tấp, gấp gáp bay tít mù trong bộ máy nhà nước hàng tỉnh như trong một trận đánh quyết định. Công văn hỏa tốc đuổi đồn biên phòng rời đi nơi khác lấy đất đẹp ven biển dâng cho kẻ xâm lược kinh tế. Công văn hỏa tốc ra lệnh dừng ngay việc xin UNESCO công nhận Lý Sơn là công viên địa chất toàn cầu. Công văn hỏa tốc lệnh cho quan huyện, quan xã phải có đất sạch dâng cho kẻ xâm lược trước ngày 19 tháng năm, 2018.

Hãy nhìn sức mạnh của chàng mặt trắng thư lại, sức mạnh đồng tiền của kẻ xâm lược bằng kinh tế khi sức mạnh đó sai khiến cả hệ thống quyền lực của tỉnh và hệ thống quyền lực đó phải quyết định dốc 500 tỉ tiền thuế của dân đánh cá ra bồi thường giải phóng mặt bẳng, đuổi dân đánh cá đi, giao đất bến bãi, đất làng xóm của đân đánh cá cho dự án xâm lược.

Mua mảnh đất sống của dân làm dự án kinh doanh, đó là một giao dịch dân sự bình đẳng và bình thường giữa nhà đầu tư và dân có đất. Nhà đầu tư phải bỏ tiền ra bồi thường cho dân theo giá thỏa đáng, thuận mua vừa bán. Nhưng cả hệ thống chính trị hàng tỉnh của nhà nước cộng sản vào cuộc đứng về phía kẻ có tiền, mang sức mạnh quyền lực nhà nước cộng sản kết hợp với sức mạnh đồng tiền tư bản trấn lột đất sống của người dân, dùng quyền lực nhà nước ép dân phải nhận giá đền bù rẻ mạt, bất công, oan nghiệt, dùng sức mạnh bạo lực nhà nước cưỡng chế, đàn áp buộc dân phải bỏ nhà cửa, bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ biển, bỏ cuộc sống ấm no, ổn dịnh, bền vững, bỏ nghề biển từ ngàn đời của tổ tiên ra đi, bước chân vào cuộc sống mờ mịt không nhà cửa, không nghề nghiệp, bấp bênh, vô dịnh, bất trắc. Sức mạnh đồng tiền cùng quyền lực nhà nước cộng sản Việt Nam buộc người dân đánh cá Việt Nam phải bỏ thuyền, bỏ bến ra đi để dải đất ven biển Việt Nam không còn dân Việt Nam làm nghề biển. Để Biển Đông không còn một con thuyền Việt Nam làm nghề cá !

Dõi theo bước chân và việc làm của nhà đầu tư mặt trắng thư lại chắc không ai không nhận ra đó chính là ông chủ trẻ Trịnh Văn Quyết của doanh nghiệp FLC.

lang05

Tuy còn trẻ, nhưng Trịnh Văn Quyết đã rất già dặn trong nghề sai khiến bộ máy quan lại, thâu tóm đất đai lãnh thổ, tàn phá cuộc sống bình yên của dân lành…

Doanh nghiệp trẻ, ông chủ trẻ nhưng ngón nghề sai khiến bộ máy quan lại, ngón nghề thâu tóm đất đai lãnh thổ thì quá già dặn, tinh quái, hành động thôn tính đất đai, phá cuộc sống bình yên của dân lành quá lạnh lùng, độc ác và tiền bạc để làm những việc phản nước hại dân của Trịnh Văn Quyết như vô tận. Nhưng dù quỉ quyệt, tinh quái đến đâu, dù tiền bạc nhiều đến đâu mà bộ máy quan chức nhà nước quản lí đất đai lãnh thổ có chút lòng yêu nước, có chút ý thức dân tộc và có lương tâm con người thì việc cướp bến bãi, cướp mái ấm của những người dân đánh cá trên suốt dải bờ biển Việt Nam không thể diễn ra mau lẹ, ồ ạt và tàn ác như nó đang diễn ra.

Cả bộ máy nhà nước cấp Chính phủ đứng ra bảo vệ cho Trung Quốc khai thác bô xít Tây Nguyên, tàn phá môi trường, tàn phá màu xanh Tây Nguyên, tàn phá nền kinh tế Việt Nam.

Cả bộ máy nhà nước cấp Chính phủ đứng ra bảo vệ cho sự tồn tại của Formosa để Formosa cứ âm thầm đầu độc biển Việt Nam, làm hoang hóa cả một dải biển bốn tỉnh miền Trung.

Cả bộ máy nhà nước cấp Tỉnh tiếp tay cho doanh nghiệp cướp bến bãi, cướp làng mạc của người dân đánh cá Việt Nam để bờ biển Việt Nam không còn một xóm chài, để Biển Đông không còn bóng một tàu cá Việt Nam.

Bộ máy quan chức nhà nước đó đâu còn biết đến dân tộc Việt Nam, đâu còn biết đến Tổ quốc Việt Nam. Hạng người đó chỉ biết có ý thức hệ cộng sản, chỉ biết có đảng cộng sản của họ mà thôi.

Như Lê Chiêu Thống dẫn đường đưa quân Mãn Thanh vào xâm lược Việt Nam thế kỉ 18, những năm tháng này ý thức hệ cộng sản đang dẫn đường đưa Trung Quốc tham tàn vào xâm lược Việt Nam. 7

Biển Đông đang bị đạo quân lớn, đông và mạnh của Trung Quốc xâm lược và những người dân đánh cá Việt Nam lẻ loi, đơn độc, trong tay chỉ có vầng lưới cá đang bền bỉ chống trả kẻ xâm lược, đang âm thầm và quả cảm giữ Biển Đông bằng máu của họ. Nhưng họ đang bị truy đuổi ở ngay chính làng quê họ, ở ngay trong lòng đất nước Việt Nam.

Phạm Đình Trọng

(07/05/2018) 

Published in Diễn đàn
jeudi, 12 avril 2018 07:55

Một dân tộc tội tình

Cô giáo bắt học trò quì
Cha học trò bắt cô giáo quì
Đảng cầm quyền bắt người dân quì
Cả dân tộc mọp gối quì
Trong thời đại Stephen Hawking, loài người đã bay lên khám phá vũ trụ.

toitinh1

Cô giáo chủ nhiệm bắt học trò phải uống nước giặt giẻ lau bảng
Uống thứ nước ô nhiễm đưa bụi phấn độc hại vào cơ thể trẻ thơ
Như đảng cầm quyền bắt người dân Việt Nam phải uống vào hồn học thuyết máu Mác Lê Mao
Học thuyết hủy hoại tính người đã bị cả loài người nguyền rủa.

Đưa học thuyết hận thù đấu tranh giai cấp vào lòng dân tộc
Đảng độc tài chia dân tộc Việt Nam hiền hòa thành giai cấp đối kháng quyết liệt tiêu diệt nhau
Chia dân tộc Việt Nam thành hai trận tuyến trong cuộc chiến tranh ý thức hệ
Cuộc chiến tranh dân tộc với giai cấp
Cuộc chiến tranh quốc gia với cộng sản
Cuộc chiến tranh người Việt cộng sản giết người Việt quốc gia
Cả chục triệu người chết trong chiến trận,
Chết trong ngục tù,
Chết trong bão biển trên đường đi tìm tự do
Cả chục triệu người phải bỏ nước ra đi
Cả dân tộc Việt Nam thua đau trong tang tóc chia li
Để đảng cộng sản chiến thắng ngạo nghễ lập lên nhà nước cộng sản độc tài trung cổ

Học thuyết máu Mác Lê Mao, giữa người với người không có tình yêu, chỉ có hận thù giai cấp
Cơn bão táp hận thù biến thế giới tươi xanh thành lò lửa chiến tranh
Biến dân tộc Việt Nam thương người như thể thương thân
Thành dân tộc tàn bạo
"Giết ! Giết nữa ! bàn tay không ngơi nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong"
(*)
Con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng.

Uống vào hồn học thuyết giai cấp chống lại giống nòi
Đảng cầm quyền coi kẻ thù truyền kiếp cướp đất đai biển đảo của tổ tiên là bạn vàng bốn tốt
Cắt đất biên cương, cắt biển quê hương dâng kẻ thù truyền kiếp nay là bạn vàng cùng ý thức hệ
Đưa cán bộ nguồn sang Bắc Kinh, Tây An thay hồn Việt bằng hồn Hán về lãnh đạo quốc gia

Uống vào hồn học thuyết độc tài
Đảng độc tài cầm quyền coi dân chỉ là bầy chuột bạch
Ném chín mươi triệu Dân - Chuột - Bạch vào cuộc thí nghiệm máu cách mạng xã hội chủ nghĩa
Dù trăm năm sau cũng không biết chủ nghĩa xã hội có hay không.

toitinh0

Uống vào hồn học thuyết ô nhiễm rác rưởi của lịch sử
Đảng độc tài cầm quyền tồn tại bằng bạo lực công an, tòa án, nhà tù
Coi khí phách người dân đòi tự do dân chủ là thế lực thù địch, là âm mưu lật đổ
Đảng độc tài giam cầm khí phách nhân dân trong ngục tù trung cổ

Uống vào hồn học thuyết bạo lực man rợ tối tăm
Tâm địa độc ác tối tăm run sợ trước ánh sáng tri thức, nhân văn
Đảng liền dựng lên những vụ án hoang tưởng để loại bỏ trí thức của dân, loại bỏ hào kiệt của nước
Vụ án Xét lại chống đảng, vụ án Giai Phẩm Nhân Văn
Vụ án động trời, bắt giam cả Bộ trưởng, Trung tướng, Thiếu tướng, nhà báo, nhà văn
Nhưng không có bản án
Vì bản án là bằng chứng để mai sau phán xét kẻ độc tài.
Chỉ có lệnh miệng của bạo quyền độc tài thay bản án
Những trí tuệ của nhân dân, tinh hoa của dân tộc cũng mút mùa tù ngục, mút mùa mang án.
Và những tâm hồn nghệ sĩ cả đời phải mang còng số 8

toitinh3

Cuồng tín bạo lực, đảng độc tài cầm quyền căm thù cả những bản tình ca.
Tống những thanh niên phơi phới tuổi xanh, lãng đãng hồn nghệ sĩ vào ngục tù tăm tối
Với những bản án khắc nghiệt mười năm, mười lâm năm cấm cố
Chỉ vì tội say sưa hát tình ca
Hết hạn tù, người nghệ sĩ hát tình ca bị ném ra đường
Rồi chết thảm ở vỉa hè trong đêm đông mưa phùn gió bấc !

Uống vào hồn học thuyết vô luân mất tính người
Đảng độc tài cầm quyền dửng dưng trước những kiếp người sống mòn lay lắt
Người già ốm đau không có tiền nằm bệnh viện đành về nhà chịu đau chờ chết
Lũ trẻ treo mạng sống trên sợi cáp mỏng manh vượt thác lũ đến trường
Và ngồi học trong những túp lều tranh tuềnh toàng như tấm áo rách tả tơi
Đảng độc tài cầm quyền cứ dửng dưng dốc hàng ngàn tỉ tiền thuế nghèo của dân
Xây mả to, dựng tượng lớn cho những kẻ độc tài đã chết

Cả một dân tộc cúi đầu quì mọp trước quyền uy đảng độc tài cầm quyền
Cả một dân tộc nhắm mắt uống vào hồn học thuyết độc hại ô nhiễm của lịch sử.
Một dân tộc tội tình
Dân tộc đó bao giờ mới ý thức được giá trị làm người
Mới đủ dũng khí đứng lên trong tư thế con người đi cùng thời đại văn minh.
Đi cùng thời đại con người đã vươn lên tầm vũ trụ

Phạm Đình Trọng

(12/04/2018)

* Thơ của nhà thơ cộng sản Tố Hữu

Published in Diễn đàn

Gặp nhau, biết nhau ở phố nhà binh Lý Nam Đế, Hà Nội : báo Quân đội nhân dân của Bùi Văn Bồng và nơi làm việc của tôi, Xưởng Phim quân đội, cùng ở đầu phố Lý Nam Đế.

bong1

Hai nhà văn và cựu đại tá quân đội Bùi Văn Bồng (trái) và Phạm Đình Trọng. Ảnh : Nhà văn Phạm Đình Trọng

Cùng chuyển vào làm việc ở phương Nam đất nước, gia đình tôi và gia đình Bùi Văn Bồng lại cùng làm nhà trên khu đất quân đội đường Phạm Văn Bạch quận Tân Bình, trước năm 1975 là hàng rào kẽm gai và bãi mìn góc phía tây sân bay Tân Sơn Nhất. Gia đình tôi và gia đình anh cùng ở bên số chẵn đường Phạm Văn Bạch và cách nhau chỉ hai căn nhà.

Nhưng anh không ở Sài Gòn. Mang nặng duyên nợ với mảnh đất màu mỡ phù sa sông Tiền sông Hậu, anh xuống Tây Đô Cần Thơ làm trưởng đại diện báo Quân đội nhân dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau này đôi lần tôi và anh gặp lại nhau đều gặp trên mảnh đất duyên phận của anh. It gặp nhau trong đời nhưng hầu như đêm nào tôi và anh cũng thấy hình ảnh của nhau, cũng gặp suy nghĩ, nỗi niềm của nhau trên trang viết, trên trang blog trung thực và đầy trách nhiệm của anh và trên những trang báo mạng.

Trái tim người lính đã đập cùng nhịp đập với đất nước, đã đau cùng nỗi đau mất mát với nhân dân những năm tháng chiến tranh. Chiến tranh đã qua đi nhưng đất nước đang bị những nhóm lợi ích xâu xé, tàn phá tan hoang hơn cả thời chiến tranh. Chiến tranh đã qua đi nhưng nhân dân vẫn đang phải chịu những mất mát vô cùng lớn lao.

Trong chiến tranh có thể mất xương máu, mất tính mạng và người dân sẵn sàng hi sinh xương máu, hi sinh tính mạng để giành độc lập thống nhất đất nước. Thật vô lí, đất nước đã độc lập, thống nhất, trong cuộc sống hòa bình người dân lại bị quyền lực nhà nước độc tài cộng sản tước đoạt mất những giá trị cơ bản không thể thiếu của kiếp người, những giá trị làm người. Người dân chỉ là bầy nô lệ, không có quyền con người, không có quyền công dân, không có quyền làm chủ đất nước. Nền độc lập phải đổi bằng tính mạng của cả chục triệu người dân đã trở nên vô nghĩa.

Thời chiến tranh, tôi và anh cùng mặc áo lính, cùng đi vào những ngả đường máu lửa, cùng chia sẻ bom đạn, sốt rét, đói khát với những ngưới lính để cùng viết về người lính. Ngày nay tôi và anh cùng cởi bỏ chiếc áo lính, mang lại chiếc áo dân sự, đi cùng người dân viết về cuộc đấu tranh với nhà nước độc tài cộng sản, giành lại những giá trị làm người, giành lại quyền làm chủ đất nước của 90 triệu người dân Việt Nam.

Nghỉ hưu, tiếng gọi thì thầm nhưng tha thiết của quê hương gọi anh về với dòng sông Mã quê anh. Anh lại mang trang blog Bùi Văn Bồng sôi động sự sống, ấm áp tấm lòng đôn hậu của anh từ sông Hậu về sông Mã. Tưởng như sức sống mạnh mẽ của mảnh đất phù sa sông Mã cùng tình cảm ấm áp của chòm xóm quê hương sẽ là nguồn dinh dưỡng nuôi con người thể phách, nuôi con người tinh thần Bùi Văn Bồng mạnh mẽ như dòng sông Mã, bền bỉ như màu xanh cánh đồng Yên Định quê anh. Nào ngờ!

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác

Tôi lại đau trước bác mấy ngày

Làm sao bác vội đi ngay

Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời

Nỗi thảng thốt của nhà thơ Nguyễn Khuyến trước sự ra đi đột ngột của người bạn tri kỉ Dương Lâm cũng là nỗi thảng thốt của tôi tối ngày 4.4.2018 khi được tin sự rời bỏ dương thế đột ngột của bạn tôi, nhà báo, nhà thơ Bùi Văn Bồng.

Cùng thế hệ lớn lên phải dập mặt vào cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử Việt Nam triền miên chiến tranh nhưng tôi lớn hơn Bùi Văn Bồng mấy tuổi. Tôi lại mỏng cơm, nhẹ cân, mong manh hơn Bùi Văn Bồng nhiều. Vậy mà Bùi Văn Bồng lại giành phần đi trước.

Với sự ra đi vội vã, tức tưởi của Bùi Văn Bồng, tôi lại ngậm ngùi thương thế hệ chúng ta quá Bùi Văn Bồng ơi !

Phạm Đình Trọng

(05/04/2018)

Published in Văn hóa

Tháng ba, năm 2018. Tròn 30 năm Trung Quốc cướp được một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm tám bãi cát san hô, giết 64 người lính Hải quân Việt Nam trên bãi Gạc Ma.

diepvu1

Phim có cảnh đoàn chiến hạm Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh Thanh Niên.

Tháng ba, năm 2018. Người dân Việt Nam mang nỗi đau 30 năm mất một phần Trường Sa và kẻ hí hửng 30 năm cướp được một phần Trường Sa của Việt Nam đều có hoạt động tưởng niệm, ghi nhớ sự kiện lịch sử này, đương nhiên với hình thức khác nhau.

Người dân Việt Nam mang nỗi đau Trường Sa đã nhắc nhau đúng ngày 30 năm trước 64 người lính giữ Gạc Ma bị Trung Quốc thảm sát và cướp núm cát Gạc Ma, cùng nhau lặng lẽ mang nỗi đau Trường Sa, mang hương hoa đến tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội và tượng đài Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn. Hương hoa tưởng nhớ những hồn thiêng Việt Nam ở lại mãi với Trường Sa. Còn nỗi đau nén lại trong lòng để thêm đinh ninh trong dạ món nợ Trường Sa.

diepvu2

Người dân thắp hương và đặt vòng hoa tại Tượng Đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội - Ảnh VOA tiếng Việt

Kẻ cướp được một phần Trường Sa của Việt Nam thì huênh hoang hướng sự kiện 30 năm Trường Sa ra thế giới bằng việc tung ra thế giới bộ phim xây dựng công phu, tốn kém Điệp Vụ Biển Đỏ. Đưa bộ phim ra thế giới nhưng nội dung Điệp Vụ Biển Đỏ như chỉ để dành cho Việt Nam, như chỉ để dằn mặt Việt Nam, răn đe Việt Nam. Mượn một sự việc xảy ra ở Biển Đỏ năm 2015 mà Hải quân Trung Quốc có tham gia, Điệp Vụ Biển Đỏ nhằm tới hai mục đích :

Một. Trực tiếp phô trương sức mạnh ghê gớm của đội quân Trung Quốc trên biển. Một đội quân tinh binh, làm chủ kĩ chiến thuật, với vũ khí tối tân, hiện đại, Hải quân Trung Quốc đã thực hiện thắng lợi những điệp vụ gay cấn, khẩn cấp.

Hai. Gián tiếp khẳng định Nam Hải (Biển Đông của Việt Nam) với những những nhóm đảo Tam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) là lãnh thổ Trung Quốc, đang được lính Hải quân Trung Quốc hùng mạnh cùng vũ khí hiện đại giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt và hiệu quả.

Khoe sức mạnh Hải quân Trung Quốc để dẫn đến cái kết của phim : Hạm đội hải quân Trung Quốc rẽ sóng trên vùng biển được xác định rõ bằng chữ trên màn hình là Nam Hải tức là Biển Đông của Việt Nam.

Trên Biển Đông của Việt Nam, hạm đội Trung Quốc bỗng phát hiện những chiếc tàu phía xa, tàu chiến Trung Quốc liền phóng loa cảnh báo : "Chú ý! Đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc. Xin hãy rút đi ngay !".

Tiếng loa trong Điệp Vụ Biển Đỏ chính là tiếng loa từ tàu chiến Trung Quốc vẫn thường phóng sang những con tàu Việt Nam hoạt động ở Trường Sa, Hoàng Sa. Chỉ khác ngôn ngữ trong phim Điệp Vụ Biển Đỏ nhẹ nhàng, nhã nhặn và lịch sự. Còn ngôn ngữ từ tàu chiến Trung Quốc choang choang phóng sang tàu Việt Nam ở Biển Đông là ngôn ngữ kẻ cướp có sức mạnh, đầy trịch thượng, bặm trợn và đe dọa : Đây là lãnh hải Trung Quốc. Kẻ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc nếu không rút đi sẽ bị tiêu diệt !

Rõ ràng tên phim Điệp Vụ Biển Đỏ nhưng nội dung phim chính là Điệp Vụ Biển Đông. Biển đỏ chỉ là màu đỏ của đông phương hồng, mặt trời lên, màu đỏ của lá cờ năm sao Trung Quốc đang tràn ngập Biển Đông.

Ba mươi năm Tổ quốc Việt Nam bị giặc Trung Quốc cướp tám đảo trong quần đảo Trường Sa. Ba mươi năm 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa bị giặc Trung Quốc giết hại và cướp đảo. Người dân Hà Nội, Sài Gòn làm lễ tưởng niệm 30 năm nỗi đau Trường Sa, Gạc Ma thì nhà nước cộng sản Việt Nam huy động một lực lượng lớn công an phá buổi lễ tưởng niệm của lòng yêu nước, rải công an chặn cửa không cho người dân ra khỏi nhà tham gia lễ tưởng niệm.

Ba mươi năm cướp được tám đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đầu tư gần trăm triệu đô la làm phim Điệp Vụ Biển Đỏ phô trương sức mạnh và cũng là một hình thức tuyên dương anh hùng lực lượng đã cướp một phần Trường Sa của Việt Nam, ngạo ngược công bố với thế giới rằng Biển Đông là lãnh hải của chúng và Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của chúng. Với bộ phim Điệp Vụ Biển Đỏ, Trung Quốc đã hợp thức hóa với thế giới sự chiếm hữu Biển Đông của Việt Nam.

Và Điệp Vụ Biển Đỏ đã được 100% thành viên trong hội đồng duyệt phim quốc gia thuộc bộ Lễ của nhà nước cộng sản Việt Nam cho phép chiếu rộng rãi trên toàn quốc Việt Nam đúng vào giữa tháng ba, năm thứ ba mươi Tổ quốc Việt Nam mang nỗi đau Trường Sa, Gạc Ma.

diepvu3

Điệp Vụ Biển Đỏ đã được 100% thành viên trong hội đồng duyệt phim quốc gia thuộc bộ Lễ của nhà nước cộng sản Việt Nam cho phép chiếu rộng rãi trên toàn quốc

Hội đồng duyệt phim quốc gia của nhà nước cộng sản Việt Nam gồm những gương mặt đường đường phương diện quốc gia : lãnh đạo cấp Vụ của Ban Tuyên giáo trung ương đảng cộng sản cầm quyền, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam…

100% thành phần hội đồng quyền uy đó đã nhất trí biểu quyết cho phép Điệp Vụ Biển Đỏ, bộ phim phô trương sức mạnh kẻ đã cướp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và cướp tám đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam được công chiếu trên toàn cõi Việt Nam. Cho phép Điệp Vụ Biển Đỏ, bộ phim lớn tiếng nói với thế giới rằng Biển Đông của Việt Nam đã là lãnh hải của Trung Quốc được công chiếu trên toàn cõi Việt Nam.

100% biểu quyết cho bộ phim Điệp Vụ Biển Đỏ được chiếu trên toàn cõi Việt Nam, hội đồng duyệt phim quốc gia của nhà nước cộng sản Việt Nam nếu không 100% ngu dốt thì chắc chắn 100% đã bán linh hồn cho giặc Trung Quốc rồi !

Phạm Đình Trọng

(28/03/2018)

Published in Diễn đàn
dimanche, 25 mars 2018 10:43

Văn Đoàn Độc Lập

Ngày thứ ba, 13/03/2018, ban Tuyên giáo của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ra chỉ thị do ông Phó Trưởng ban thường trực Võ Văn Phuông kí yêu cầu tổ chức đảng của Bộ Giáo dục và đào tạo : Rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia tổ chức "Văn Đoàn Độc Lập" ra khỏi chương trình sách giáo khoa môn học ngữ văn mới.

vandoan1

Ngày chủ nhật 25/03/2018, Văn Đoàn Độc Lập tổ chức cuộc họp mặt đầu xuân tại Sài Gòn. Nhiều nhà văn đã bảo nhau dành rượu sang, bánh quí, dành của ngon vật lạ từ Tết Mậu Tuất như dành tấm lòng thơm thảo mang đến với nhau trong ngày vui gặp mặt đầu xuân. Nhưng y như rằng mỗi lần Văn Đoàn Độc Lập hẹn gặp nhau thì đám an ninh nhà nước cộng sản lại kéo cả đám, cả bầy đến chặn cửa trước nhà các nhà văn thành viên Văn Đoàn Độc Lập.

Điểm mặt lũ công cụ rải trước nhà, tôi ngao ngán phôn cho ông bạn Lời Ai Điếu. Những lần Văn Đoàn Độc Lập họp mặt trước đây, ông viết lên lời ai điếu thảm thiết của xã hội Việt Nam dưới chế độ cộng sản vẫn vượt qua được sự ngăn chặn của đám sai nha đến cụng li rượu với bầu bạn Văn Đoàn Độc Lập. Lần này ông cũng đành chịu chung cảnh bị cầm tù tại nhà như tôi.

Chặn cửa, trắng trợn vi phạm pháp luật, ngang nhiên tước đoạt quyền cơ bản của con người, quyền tự do đi lại, hèn hạ mang cả đám công cụ nhà nước nhiều như giăc cỏ và hung hăng như bầy kiến lửa bị phá ổ, quyết phá đám một sinh hoạt hợp pháp, bình thường của một tổ chức xã hội dân sự hiền lành, bé nhỏ.

Loại bỏ tác phẩm của các nhà văn tham gia Văn Đoàn Độc lập ra khỏi sách giáo khoa ngữ văn trong nhà trường là chống lại nhân dân, chống lại đất nước về văn hóa, làm méo mó, xấu xí, nghèo nàn gương mặt văn hóa đất nước với thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai.

Lặng lẽ né tránh lối làm ăn nô lệ, làm thuê, giả dối, dong công chấm của hợp tác xã nông nghiệp, những người nông dân chân chính hăm hở nhận khoán chui vừa để giải phóng sức sản xuất, vừa để được thực sự làm chủ mảnh đất máu thịt, làm chủ con người mình và điều quan trọng hơn cả là được thực sự làm người nông dân, giữ được nhân cách, giữ được những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân truyền thống, được làm thiên chức lao động sáng tạo ra của cải, làm ra nhiều nhất, tốt nhất hạt lúa củ khoai nuôi xã hội.

Những nhà văn rời bỏ hợp tác xã văn chương của ông chủ nhiệm Hữu Thỉnh không còn nhân cách văn hóa, không còn nhân cách nhà văn, chỉ còn là nô bộc cho chính trị cũng là để thực sự được làm nhà văn có nhân cách, có lương tri, có trách nhiệm với nền văn hóa đất nước, có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước.

Những nhà văn chân chính đều thấy bị xúc phạm khi ông Hữu Thỉnh chủ nhiệm hợp tác xã văn chương quốc doanh nhân danh các nhà văn nằn nì thảm thiết với Thủ tướng xin từ chiếc xe ô tô sớm đi tối về đến kì kèo xin bằng được từ tiền thuế nghèo của dân hết chục tỉ tiền này đến chục tỉ tiền khác chỉ để làm tha hóa các nhà văn. Những chục tỉ tiền rủng rỉnh từ thuế mồ hôi nước mắt của dân rót về hội Nhà Văn, hợp tác xã văn chương quốc doanh Hữu Thỉnh, đã tạo ra những cuộc chạy đua hối hả và bất tận.

Chạy đua vào hợp tác xã nhà văn Hữu Thỉnh để được vênh váo mang danh nhà văn, mang thẻ nhà văn. Chạy ! Chạy ! Chạy ! Nhiều cái tên quá xa lạ với văn chương, nhiều người viết vè, viết ngâm vịnh nhạt nhẽo bỗng trở trở thành "nhà văn" trong hợp tác xã văn chương Hữu Thỉnh.

Chạy ! Chạy ! Chạy ! Những người được hợp tác xã văn chương Hữu Thỉnh trao giải thưởng văn chương thực ra chỉ là những người có thế lực trong cuộc chạy đua còn quyết liệt, đông đảo và ồn ào hơn cả cuộc chạy đua vào hợp tác xã văn chương Hữu Thỉnh. Những nhà văn chân chính làm sao không bị xúc phạm khi những tập sách văn chương kém cỏi được tôn vinh chỉ vì người viết là kẻ thắng cuộc trong cuộc chạy đua ngoài văn chương đó.

Văn chương đòi hỏi sự phong phú đa dạng. Phong phú, đa dạng trào lưu, phong cách nghệ thuật. Phong phú, đa dạng cả quan niệm thái độ của nhà văn với cuộc sống, với thời cuộc, với chính trị. Sự phong phú, đa dạng là bản chất của nghệ thuật. Như tình yêu là bản chất của cuộc sống. Văn Đoàn Độc Lập xuất hiện chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa đất nước, làm lành mạnh, khỏe khoắn nền văn học đang xanh xao, còi cọc, thiếu sự sống dưới sự trùm lớp của nền chính trị độc tài cộng sản. Văn Đoàn Độc Lập trả nhà văn về vị trí đích thực của nhà văn. Văn Đoàn Độc Lập đòi hỏi nhà văn phải là gương mặt văn hóa của đất nước, tác phẩm của nhà văn phải là tiếng nói chân thực của nhân dân, của cuộc sống chứ không phải là thứ minh họa nhạt nhẽo, thứ tụng ca sáo rỗng của chính trị.

Loại bỏ tác phẩm của các nhà văn trong tổ chức Văn Đoàn Độc Lập ra khỏi sách giáo khoa ngữ văn là việc làm nhỏ nhen, thiển cận và rất phi chính trị của những nhà chính trị cộng sản. Cũng như sách giáo khoa ngữ văn trong nhà trường suốt bao năm qua không có một chữ nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa, không một dòng nhắc đến lịch sử mở cõi của cha ông người Việt ở Hoàng Sa, Trường Sa là những người làm sách giáo khoa ngữ văn đã rắp tâm bán nước, loại bỏ Hoàng Sa, Trường Sa trong tâm hồn những thế hệ trẻ.

Rừng Xà Nu, Đường Chúng Ta Đi của nhà văn Nguyên Ngọc, chủ soái của Văn Đoàn Độc Lập là hào khí của một thời lịch sử bi tráng. Hào khí đó đã nâng một dân tộc đứng lên trong máu và nước mắt.

Với kí sự ngổn ngang tư liệu lịch sử viết lên Lời Ai Điếu, văn Lê Phú Khải là văn Tư Mã Thiên của thời bóng tối cộng sản trùm lên đất nước Việt Nam, đè lên số phận dân tộc Việt Nam đau thương.

Những đội binh nhà Lê, nhà Nguyễn vượt biển dữ đến nhận đất Hoàng Sa hôm qua, những người lính hải quân Việt Nam có mặt ở Trường Sa hôm nay là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử. Tiếng hát à ơi ru con :

Chiều chiều sóng dậy Biển Đông

Thương gái có chồng đi lính Hoàng Sa

là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa trong tâm hồn người Việt.

Những truyện ngắn và bút kí chân thực với hiện thực và giàu cảm xúc văn học viết về biển đảo, viết về Trường Sa trong những tập truyện ngắn Rừng Và Biển, Sự Tích Những Hòn Đảo và trong những tập bút kí Đảo Vàng, Một Thuở của Phạm Đình Trọng là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa trong văn học.

Nền giáo dục loại bỏ, ngăn chặn những tác phẩm văn chương đó, loại bỏ, ngăn chặn những tư cách nhà văn đó trong sách giáo khoa ngữ văn chỉ chứng tỏ đó là một nền giáo dục thấp kém, què quặt và độc tài.

Phạm Đình Trọng

(25/03/2018)

Published in Diễn đàn