Chính quyền Hồng Kông trấn áp người tưởng niệm
Ngày 04/06/2023, đúng 34 năm sau vụ thảm sát đẫm máu tại quảng trưởng Thiên An Môn, Bắc Kinh, hồi năm 1989, chính quyền Hồng Kông đã điều nhiều cảnh sát tới một công viên thành phố, nhằm ngăn chặn các nỗ lực tưởng niệm của người dân thành phố. Một số người đã bị bắt giữ.
Sinh viên Trung Quốc hò hét sau khi vượt qua hàng rào phong tỏa của cảnh sát trong cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ, tiến tới Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 4 tháng 5 năm 1989. (Ảnh AP/S. Mikami) AP - S.Mikami
Hôm 04/06/2023, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ nhà ủng hộ dân chủ Hồng Kông, Alexandra Wong, nổi tiếng với tên gọi "Mamie Wong". 5 người khác cũng bị bắt tại khu trung tâm Causeway Bay. Hôm qua, cảnh sát Hồng Kông cũng đã tiến hành một cuộc bố ráp quy mô lớn ở công viên Victoria và khu vực lân cận, bắt giữ một số nghệ sĩ đường phố, kể cả những người dường như không làm điều gì đặc biệt. Tối hôm qua, theo thông báo của cảnh sát, có 4 người bị bắt giữ vì có "hành vi gây mất trật tự ở lối đi công cộng" và "hành động vì mục đích nổi loạn". Bốn người khác bị bắt vì "gây rối trật tự công cộng".
Ngày 04/06/1989, thường dân leo lên xe tăng gần đại lộ Chang'an tại Bắc Kinh. AP - Jeff Widener
Ở Trung Quốc đại lục, cho đến nay chính quyền vẫn luôn cấm mọi hoạt động tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn 04/06/1989 cướp đi mạng sống của hơn 1.000 người biểu tình ôn hòa. Hồng Kông, mà Vương quốc Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, trong suốt nhiều năm, vẫn là thành phố duy nhất của Trung Quốc tổ chức thắp nến tưởng niệm Thiên An Môn vào ngày 04/06 hàng năm.
Nhưng kể từ năm 2020, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với đặc khu hành chính Hồng Kông, bịt miệng mọi tiếng nói phản kháng, dập tắt các cuộc biểu tình, và cấm các buổi canh thức, quy tụ hàng chục ngàn người nhân dịp 04/06 ở công viên Victoria, ở trung tâm thành phố. Theo AFP, năm nay, thay cho cuộc tập hợp đông người tưởng niệm trong công viên, là một hội chợ thương mại về các sản phẩm nhập từ Trung Quốc đại lục, do các nhóm thân Bắc Kinh tổ chức, kéo dài đến ngày mai 05/06, để kỷ niệm 26 năm ngày Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc.
Ở Trung Quốc đại lục, mọi dấu vết của sự kiện Thiên An Môn đều đã bị chính quyền xóa sạch. Sách giáo khoa lịch sử không hề đề cập đến sự kiện Thiên An Môn. Các cuộc thảo luận trên mạng về chủ đề này cũng bị kiểm duyệt một cách có hệ thống. Năm nay, cảnh sát Trung Quốc đặc biệt theo dõi một địa điểm tiêu biểu cho cuộc biểu tình hiếm hoi chống đối chế độ Tập Cận Bình xảy ra hồi mùa thu năm ngoái : cầu Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh. Để đề phòng sự việc lặp lại, cảnh sát hôm nay được triển khai quanh cây cầu này.
Nhìn ra thế giới, lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn dự kiến diễn ra tại Nhật Bản, Sydney (Úc), New York (Mỹ). Tại Luân Đôn (Anh), sự kiện Thiên An Môn sẽ được tái hiện tại Quảng trường Trafalgar. Tại Đài Loan, vở kịch mang tên "Ngày 35 tháng Năm", của tác giả Hồng Kông Candace Chong, được công diễn vào hôm nay 04/06 tại một nhà hát của Đài Bắc.
Thùy Dương
Hàng trăm người tụ tập tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn ở Đài Loan
VOA, 05/06/2022
Hàng trăm người đã tụ tập tại Đài Bắc vào ngày thứ Bảy để tưởng niệm cuộc đàn áp đẫm máu của Trung Quốc đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh cách đây 33 năm.
Người Đài Loan tụ tập để kỉ niệm 33 năm vụ đàn áp Thiên An Môn ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 4 tháng 6 năm 2022.
Lãnh thổ Hong Kong do Trung Quốc quản lý đã triển khai lực lượng an ninh nghiêm ngặt để ngăn chặn bất cứ dấu hiệu biểu tình phản đối nào ở đó, Reuters đưa tin.
Ngày thứ Bảy là ngày kỉ niệm quân đội Trung Quốc nổ súng để chấm dứt vụ bất ổn do học sinh sinh viên dẫn đầu trong và xung quanh quảng trường ở trung tâm Bắc Kinh. Trung Quốc chưa bao giờ công bố số người tử vong đầy đủ từ sự kiện ngày 4 tháng 6 năm 1989, nhưng các tổ chức nhân quyền và nhân chứng nói rằng con số này có thể lên tới hàng ngàn người.
Trung Quốc cấm mọi hoạt động kỉ niệm công khai sự kiện này ở đại lục, và chính quyền Hong Kong cũng đã trấn áp, khiến Đài Loan dân chủ trở thành nơi duy nhất của thế giới nói tiếng Hoa mà sự kiện này được tưởng niệm một cách công khai.
Các nhà hoạt động đã gắn ráp một phiên bản mới của "Cột Ô Nhục" - một bức tượng tưởng niệm những người biểu tình ở Thiên An Môn mà một trường đại học hàng đầu của Hong Kong đã dỡ bỏ vào tháng 12 khỏi khuôn viên trường, nơi nó đã đứng suốt hơn hai thập niên, Reuters cho biết.
Những tiếng reo hò ủng hộ Hong Kong vang lên sau khi bức tượng được dựng lên
Nhà lãnh đạo Hong Kong, Carrie Lam, tuần này nói bất cứ sự kiện nào để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong cuộc đàn áp năm 1989 sẽ nằm trong phạm vi áp dụng của luật an ninh quốc gia.
Tại Công viên Victoria của Hong Kong, nơi người dân trước đây thường tụ tập tưởng niệm hàng năm trước đại dịch Covid-19, chính quyền đã phong tỏa các khu vực chính của địa điểm và cảnh báo người dân chớ tụ tập bất hợp pháp, theo Reuters.
Lần cuối cùng hoạt động tưởng niệm được tổ chức ở Hong Kong, vào năm 2019, hơn 180.000 người tham dự, theo ước tính của ban tổ chức.
Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong vào tháng 6 năm 2020, trừng phạt các hành vi lật đổ, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài với mức lên tới tù chung thân. Bắc Kinh nói luật này là cần thiết để khôi phục sự ổn định sau các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2019.
Tại Đài Loan, hòn đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Tổng thống Thái Anh Văn lên án điều mà bà nói là "kí ức tập thể về ngày 4 tháng 6 đang bị xóa bỏ một cách có hệ thống ở Hong Kong".
"Nhưng chúng ta tin rằng vũ lực như vậy không thể xóa bỏ kí ức của mọi người", bà nói trên trang Facebook và Instagram của mình.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi vụ đàn áp Thiên An Môn là "một cuộc tấn công tàn bạo", đồng thời nói thêm trong một tuyên bố : "Những nỗ lực của những cá nhân dũng cảm này sẽ không bị lãng quên".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, trong một cuộc họp báo thường kì hôm thứ Năm, nhắc lại lập trường của Bắc Kinh về các sự kiện này. "Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã đi đến kết luận rõ ràng về biến cố chính trị xảy ra vào cuối những năm 1980", ông nói.
**********************
Trọng Thành, RFI, 05/06/2022
Năm nay, chính quyền Trung Quốc tiếp tục ngăn cấm các hoạt động tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989 tại Hồng Kông. Sở Ngoại Vụ Hồng Kông lần đầu tiên yêu cầu các lãnh sự quán nước ngoài tránh bày tỏ thái độ trong dịp kỉ niệm này. Tuy nhiên, cảnh báo của Bắc Kinh đã không có kết quả.
Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông thắp nến trên cửa số tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn, ngày 04/06/2022. AP - Kin Cheung
Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
"Lời kêu gọi của các nhà chức trách Trung Quốc không những đã không bị phớt lờ, mà ngược lại, còn khuyến khích trí tưởng tượng của quản trị viên mạng các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Hồng Kông. Tiêu biểu nhất cho cách bày tỏ quan điểm phản đối gián tiếp là của lãnh sự quán Ba Lan. Trên Facebook, đại diện ngoại giao Ba Lan đã nhắc lại rằng rằng đất nước này là nhà sản xuất nến lớn nhất của Liên Hiệp Châu Âu.
Mười hai dòng về lịch sử ngành sản xuất chân đèn nến ở nước này, cùng với nhiều biểu tượng cảm xúc "hình ngọn nến". Biểu tượng "nến" – một cách tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn Mùa Xuân 1989 - vốn bị hệ thống kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc ngặn chặn trên các mạng xã hội.
"Nến" cũng có mặt trên tài khoản Twitter của Phái bộ Liên Hiệp Châu Âu tại Hồng Kông. Đây là điều mà các nhà chức trách Trung Quốc hoàn toàn không muốn xảy ra. Thái độ của các lãnh sự quán Châu Âu và Hoa Kỳ, vào dịp kỉ niệm năm 2021, vẫn còn khiến Bắc Kinh tức giận. Vào thời điểm đó, các cơ quan đại diện ngoại giao phương Tây đã thắp nến trên cửa sổ. Bắc Kinh đã cáo buộc "đùa với lửa".
Hôm qua, thứ Bảy, đúng vào dịp kỉ niệm thảm sát Thiên An Môn, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục khắng định : "Cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do tiếp tục tại Hồng Kông".
Về phần mình, sở Ngoại Vụ Hồng Kông tố cáo một "thủ đoạn chính trị". Các phương tiện truyền thông nhà nước ở Trung Quốc dĩ nhiên giữ im lặng trong dịp kỷ niệm thảm sát Thiên An Môn. Ngay cả "ngày Lục Tứ" (tức ngày mùng 4 tháng Sáu, ngày diễn ra vụ thảm sát) cũng bị kiểm duyệt trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Thay vào đó, báo chí Trung Quốc nhấn mạnh đến những vụ giết người hàng loạt hoặc nạn nhân của bạo lực ở Hoa Kỳ".
Nhiều người dân Đài Loan cũng tập hợp tối hôm qua, 04/06, tại Quảng trường Tự Do, thủ đô Đài Bắc, để tưởng niệm những người tranh đấu vì dân chủ, nạn nhân của cuộc đàn áp ở Thiên An Môn. Nhân dịp này, các nhà tranh đấu Đài Loan đã đưa đến Quảng trường Tự do bản sao bức tượng đài nổi tiếng "Pillars of Shame" (hay Tượng đài của sự ô nhục), tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát.
"Pillars of Shame", đài tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 đã bị nhà cầm quyền Bắc Kinh phá hủy năm 2021.
Tượng đài "Pillars of Shame" đặt tại Hồng Kông đã bị chính quyền Trung Quốc phá hủy cuối năm 2021. Tượng đài là sáng tác của nghệ sĩ điêu khắc Đan Mạch Jens Galschiøt, lần đầu tiên được dựng lên tại công viên Victoria, Hồng Kông, năm 1997, nhân dịp 8 năm vụ thảm sát.
Trọng Thành
*************************
Thanh Phương, RFI, 04/06/2022
Hôm 04/06/202, là kỷ niệm đúng 33 năm sự kiện Thiên An Môn, vụ đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Bắc Kinh ngày 04/06/1989. Vụ thảm sát này không hề được nhắc đến ở Trung Quốc, trong khi tại Hồng Kông, kỷ niệm Thiên An Môn năm nay diễn ra rất kín đáo.
An ninh siết chặt tại Quảng trường Thiên An Môn (Tiananmen), Bắc Kinh, ngày 4/6/2022, ngày kỷ niệm 33 năm vụ thảm sát sinh viên. AP - Mark Schiefelbein
Theo hãng tin AFP, hôm nay, tại Bắc Kinh, cảnh sát đã kiểm soát chặt chẽ mọi ngả đường dẫn đến quảng trường Thiên An Môn và kiểm tra căn cước rất kỹ lưỡng những người đi ngang qua đây. Từ 33 năm nay, chính quyền Trung Quốc đã làm đủ mọi cách để xóa bỏ hoàn toàn sự kiện Thiên An Môn khỏi ký ức tập thể. Các sách giáo khoa lịch sử không hề nhắc đến và mọi thảo luận trên mạng về đề tài này đều bị kiểm duyệt. Đến mức mà các sinh viên ngày nay ở Bắc Kinh chẳng còn ai biết đến sự kiện Lục Tứ, theo tường trình của thông tín viên Stéphane Lagarde từ thủ đô Trung Quốc :
"Nỗi bất bình đã quay trở lại các khuôn viên đại học trong mùa Xuân 2022 này. Trên mạng xã hội trong những ngày qua đã lan truyền các hình ảnh tại đại học Bắc Kinh hay đại học Thiên Tân đang tụ tập và giương các khẩu hiệu. Có điều lần này các sinh viên tỏ thái độ tức giận về những biện pháp phong tỏa khiến họ không thể trở về nhà.
Giới trẻ phản đối các hàng rào kiểm soát, các biện pháp hạn chế về dịch tễ và nạn quan liêu, nhưng ta thử hỏi xem ba sinh viên này biết gì về ngày 04/06 ? Một trong ba sinh viên do dự trả lời : "Tôi biết là có một lễ hội hôm đó, nhưng không biết là lễ gì. Sinh viên kia thì hỏi : "Hình như là lễ hội thuyền rồng". Sinh viên thứ thì nói : "Không phải đâu, hình như là một cái gì đó màu đỏ (ý nói đến đảng cộng sản)".
Ngày 04/06 đã là ngày tự do, nhưng đó cũng là ngày mà quân đội đàn áp cuộc nổi dậy của người dân tại Bắc Kinh cũng như tại 300 thành phố khác của Trung Quốc. Các sinh viên này không sinh ra cách đây 33 năm, còn nữ giáo viên này thì có. Nhưng bà cũng không nhớ rõ ngày Lục Tứ ngày gì : "Từ nhiều năm nay, người ta không nói đến nữa. Các sinh viên xuống đường hồi nào vậy nhỉ ? Vào lúc đó tôi sống ở tỉnh Hà Nam, tôi không còn nhớ nữa".
"Tôm tươi đây, tôm tươi mua mang về đây !", một chủ tiệm ăn đứng rao bán trên con đường mà chúng tôi đang làm phóng sự. Trong thời Covid này, các trường đại học khóa chặt cửa và những ai được phép ra ngoài đường đều thu mình lại, khi nghe nhắc đến ngày kỷ niệm đã bị bóp nghẹt sau ba thập niên kiểm duyệt gắt gao".
Thanh Phương
***********************
Thiên An Môn : Bắc Kinh nỗ lực xóa ký ức Hồng Kông
Thanh Hà, RFI, 04/06/2022
Tại Hồng Kông, cảnh sát cảnh báo mọi hình thức tham gia tưởng niệm phong trào Thiên An Môn đều "bất hợp pháp" và có thể bị phạt đến 5 năm tù. Công viên Victoria đã bị đóng cửa từ hôm qua. Đây là nơi hàng năm hàng chục ngàn người tập hợp vào mỗi đêm mồng 4 tháng 6.
Cảnh sát gác một lối vào Công viên Victoria (Hồng Kông) trong dịp kỷ niệm 33 năm cuộc đàn áp phong trào đòi dân chủ tại tam. Dân Hồng Kông thường tập hợp đông đảo tại Công viên Victoria ngày 4/6 để tưởng niệm các nạn nhân. Reuters - LAM YIK
Cho đến năm 2020 Hồng Kông luôn tổ chức Đêm Canh Thức tưởng niệm các nạn nhân cuộc đàn áp đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Nhưng từ hai năm nay, chính quyền Hồng Kông viện cớ khủng hoảng y tế để cấm tổ chức sự kiện này. Với sự chỉ đạo từ Bắc Kinh, mọi hình thức gợi lại ký ức phong trào sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ càng lúc càng bị siết chặt, như giải thích của thông tín viên Florence de Changy tại Hồng Kông :
"Bối cảnh đã thay đổi triệt để từ hai năm nay. Luật An ninh Quốc gia đã được ban hành, thêm vào đó là các quy định về y tế tiếp tục hạn chế các cuộc tập họp công cộng. Cùng với các biện pháp cấm đoán nói trên, cảnh sát Hồng Kông báo trước, dù chỉ đi một mình đến Causeway Bay tối nay, cũng đủ để bị bắt với lý do "tụ tập bất hợp pháp". Thậm chí Bắc Kinh cảnh báo ngay cả các nhân viên ngoại giao đang hoạt động tại Hồng Kông vào ngày này không được đánh dấu sự kiện dưới bất kỳ một hình thức nào, thí dụ như là thắp một ngọn nến trên bệ cửa sổ của văn phòng. Bắc Kinh không chấp nhập ngay cả cử chỉ đó. Do vậy dân Hồng Kông chỉ còn cách tương kế tựu kế : họ hùa nhau mặc quần áo màu trắng thay vì màu đen đến biểu thị cảnh tang tóc. Mọi người kêu gọi "đi tản bộ" chung quanh công viên Victoria. Một số khác mua sẵn vé xi-nê để có cái cớ đi ra ngoài, trong trường hợp họ bị câu lưu.
Tại một trong những trường đại học danh tiếng nhất ở Hồng Kông, sinh viên đã phát tán trong ký túc xá những bức tượng nhỏ xíu in bằng ảnh ba chiều nữ thần Dân Chủ, biểu tượng của phong trào đấu tranh sinh viên Trung Quốc hồi 1989. Sáng kiến này được đưa ra vào lúc cảnh sát Hồng Kông tìm đủ mọi cách xóa tất cả những vết tích trong ký ức mà trong 30 năm liên tiếp Hồng Kông đã gìn giữ một cách tài tình".
Trên mạng xã hội Twitter, bị cấm tại Trung Quốc, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken viết : "Cho dù những tượng đài tưởng niệm có bị xóa bỏ và những nỗ lực gột tẩy lịch sử, chúng ta vẫn tiếp tục vinh danh những người biểu tình can đảm (…) đã đấu tranh ôn hòa đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn". Để vinh danh những người ấy, "chúng ta hãy tiếp tục bảo vệ nhân quyền ở bất cứ nơi nào mà chúng bị đe dọa".
Ân Xá Quốc Tế phối hợp tổ chức khoảng 20 buổi lễ canh thức ở khắp nơi trên thế giới vì "công lý và thể hiện đoàn kết với Hồng Kông".
Thanh Hà
Sức mạnh của tuổi trẻ
Sài Linh, Harvard International Review, Fall 2012
Vào ngày 4 tháng Sáu, 1989, tôi chạy trốn qua các đường phố Bắc Kinh khi các viên chức chính quyền đè bẹp phong trào sinh viên mà chúng tôi đã tổ chức rất say mê ở Quảng trường Thiên An Môn. Chẳng bao lâu có tin đồn rằng nỗ lực nghiêm túc của chúng tôi nhằm đối thoại ôn hòa với các nhà lãnh đạo nước mình đã hoàn toàn thất bại, dù nhiều người nói khác đi. Trong suốt 10 tháng trời, tôi trốn tránh ở Trung Quốc, trốn chạy để khỏi bị sát hại dưới tay những kẻ đáng lẽ ra bảo vệ chúng tôi.
Nữ sinh viên Sài Linh (Chai Ling) ầm loa nói vói sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, tháng 6/1989
Chẳng bao lâu sau cuộc thảm sát, những sinh viên thoát được sự trấn áp tàn bạo ấy chứng kiến cùng với cả thế giới cảnh Bức tường Berlin sụp đổ tan tành. Chúng tôi biết rằng đây là cơn chấn động đầu tiên theo sau công cuộc mưu cầu tự do của chúng tôi. Mặc dù bao ước mơ và hy vọng của chúng tôi đã bị xe tăng và binh lính nghiền nát, nhưng phong trào đã không chết ở Thiên An Môn. Không thể nào tiêu diệt hoàn toàn phong trào tuổi trẻ được khích lệ bởi thương yêu và khát vọng tự do.
Năm 2011 được định hình bởi các phong trào xã hội mà đầu máy và lò lửa cháy không ngừng của các phong trào chính là tuổi trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Từ Tunisia và Ai Cập đến thành phố New York và Los Angeles, tuổi trẻ dùng Internet và đường phố để kêu gọi thay đổi.
Thế còn sức mạnh thay đổi rất ngoạn mục của tuổi trẻ thì sao ? Điều gì thôi thúc sinh viên đấu tranh cho công lý giữa hoàn cảnh tưởng chừng như bất khả thi ? Chúng tôi trải qua đủ thất vọng với chính quyền mình để đứng lên đòi hỏi phải đổi mới. Là tổng tư lệnh của các cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989, tôi còn trẻ và ham học hỏi, và muốn đối thoại với các nhà lãnh đạo nước mình. Mong muốn này tưởng chừng như đâu phải là một yêu cầu bất khả thi. Chúng tôi có thể yêu cầu thay đổi vì chúng tôi không trải qua đủ thất vọng trong đời để rồi thấy mình vô cảm, hoài nghi, và yếu đuối trước bao cảnh bất công. Khi lãnh đạo hay gia nhập phong trào tuổi trẻ, thiếu sự từng trải có thể là một điều tuyệt vời.
Tuổi trẻ yêu tự do. Tuổi trẻ sẽ còn bảo vệ tự do chừng nào trái đất vẫn còn tiếp tục quay. Say mê và nhiệt huyết trong trái tim cháy bỏng của một thủ lãnh sinh viên khác với những người lớn tuổi hơn và "học thức" hơn. Phong trào chúng tôi sẵn sàng chết, nhưng không may cái chết lại xảy ra quá sớm đối với nhiều sinh viên vào năm 1989.
Cơ hội cho sinh viên vận dụng kỹ thuật mới, mạng xã hội, và sức mạnh chung ngày nay khác xa với bất kỳ những gì thế giới đã từng chứng kiến. Qua Internet và mạng xã hội, và bất chấp cả Vạn lý Tường lửa, sinh viên ngày ngày nay hiểu rõ hơn thế nào là tự do và những gì các xã hội bị áp bức hay bị bóp nghẹt của họ thiếu. Sẽ đến lúc khi sinh viên không còn muốn chịu đựng bất công nữa, và lúc ấy chúng ta sẽ có thể chứng kiến cách mạng kiểu mới.
Sài Linh
Nguyên tác : "The Power of Youth : A Letter from Chai Ling", Harvard International Review, Vol. 34, No. 2, Fall 2012, trang 33
Trần Quốc Việt dịch
Sài Linh (Chai Ling) là thủ lãnh sinh viên trong phong trào Thiên An Môn 1989 và đã hai lần được đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình.
**********************
Tại sao chúng ta nhớ Thiên An Môn
Perry Link, ChinaFile, May 28, 2019
Mới đây nhiều người hỏi, "Tại sao ta phải nhớ Thiên An Môn ? Ba mươi năm đã trôi qua. Ngày ấy giờ là lịch sử. Hãy quên đi. Đã qua rồi".
Câu hỏi đơn giản, nhưng có nhiều câu trả lời. Không một câu trả lời nào là đủ, nhưng tất cả các câu trả lời hợp lại với nhau vẫn không đủ trả lời cho câu hỏi ấy mà cần thêm nhiều câu trả lời.
Một sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ chụp hình ảnh chiến thắng trước đám đông khi quân Giải phóng quân của Nhân dân rút lui ở phía tây của Đại lễ đường Nhân dân gần Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ngày 3 tháng 6 năm 1989.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì Giang Kiệt Lan lúc ấy 17 tuổi. Em vẫn ở tuổi 17. Em sẽ mãi mãi vẫn 17 tuổi. Người chết không già.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì những oan hồn đã ám ảnh Lưu Hiểu Ba cho tới lúc ông mất cũng sẽ ám ảnh chúng ta cho tới lúc chúng ta mất.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nó dạy chúng ta bản chất cố hữu của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi tất cả áo quần, tất cả mảnh vải, rơi xuống. Không có sách, phim, bảo tàng nào lại rõ ràng cho bằng.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn bởi lẽ những công nhân bình thường chết vào lúc ấy. Chúng ta không thể nào nhớ hầu như tất cả tên của họ vì chúng ta không biết hầu như tất cả họ. Chúng ta không bao giờ biết. Nhưng chúng ta nhớ họ là con người, và chúng ta nhớ rằng chúng ta không bao giờ biết tên của họ.
Rạng sáng ngày 4/6/1989, tại Tân Hoa Môn gần Lục Bộ Khẩu, 3 chiếc xe tăng truy đuổi nhóm sinh viên sơ tán khỏi quảng trường Thiên An Môn, cán chết 11 người và làm vô số người khác bị thương trên đại lô Trường An Tây
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì Trung Quốc xấu nhất là ở đấy - nhưng vì Trung Quốc đẹp nhất cũng ở đấy.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nó là vụthảm sát - không phải đơn thuần là cuộc trấn áp, hay "vụ việc", biến cố, sự kiện, phong ba ; không phải là cuộc bạo loạn phản cách mạng, không phải là ký ức mờ nhạt, và không phải, như đứa bé ngày nay ở Trung Quốc có thể nghĩ, là khoảng trống. Nó là cuộc thảm sát.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì, như Phương Lệ Chi nhận xét với sự dí dỏm độc đáo, đây là trường hợp duy nhất ông nghe về chuyện nước ta xâm lăng nước mình.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nụ cười thật tươi của Tập Cận Bình là mặt nạ.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì chúng ta muốn biết những người lính gây ra vụ thảm sát nhớ gì. Họ bị tẩy não ở vùng ngoại ô thành phố trước khi họ thực hiện lệnh tàn sát. Vì vậy họ cũng là nạn nhân. Chúng ta không biết họ đã nghĩ gì. Nhưng chúng ta nhớ rằng chúng ta muốn biết.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì Đinh Tử Lâm vẫn còn sống. Bà năm nay 82 tuổi. Mỗi khi bà ra khỏi nhà, an ninh thường phục đi theo để bảo vệ an ninh. Bảo vệ an ninh cho bà ? Không, bảo vệ an ninh cho nhà nước. Đúng rồi, chế độ với GDP đến 100 ngàn tỷ nhân dân tệ và hai triệu người lính cần bảo vệ mình trước cụ bà 82 tuổi. Bảo vệ chế độ trước tư tưởng của bà. Điều này quả là đáng nhớ.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn là để ủng hộ những người khác nhớ. Chúng ta nhớ một mình. Nhưng chúng ta cũng cùng nhau nhớ.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì nhớ Thiên An Môn khiến chúng ta trở thành những người tốt hơn. Nhớ là vì quyền lợi riêng của chúng ta. Khi những nhà chính trị nói về "quyền lợi", họ muốn nói đến quyền lợi vật chất. Nhưng quyền lợi đạo đức cũng quan trọng không kém-không, chúng còn quan trọng hơn rất nhiều. Quan trọng hơn cả làm chủ du thuyền.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì Thiên An Môn là khúc quanh lịch sử cho cả một phần năm thế giới. Khúc quanh theo hướng đáng sợ. Chúng ta hy vọng Thiên An Môn sẽ càng không hẳn là khúc quanh để ném cả thế giới xuống hố. Nhưng chúng ta không biết. Chúng ta sẽ phải chờ xem.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn, vì nếu như chúng ta không nhớ Thiên An Môn, Thiên An Môn sẽ không có cách nào ở trong đầu chúng ta. Phải chăng chúng ta có thể đã tưởng tượng ra Thiên An Môn ? Không.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì có những người tha thiết muốn chúng ta nhớ. Họ được an ủi biết bao khi biết chúng ta nhớ.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì cũng có những người vô vọng muốn chúng ta không nhớ. Họ muốn chúng ta quên vì quên lãng góp phần bảo vệ quyền lực chính trị của họ. Thật là đốn mạt ! Chúng ta sẽ chống lại quyền lực ấy cho dù nhớ về những cuộc thảm sát chỉ là cách duy nhất để chống lại nó.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn để nhắc nhở mình về cách chính quyền Trung Quốc nói láo với chính họ và với người khác. Họ nói nhân dân Trung Quốc từ rất lâu đã "đánh giá đúng đắn về cuộc bạo loạn phản cách mạng vào năm 1989 ở Quảng trường Thiên An Môn". Nhưng mỗi năm, vào ngày thảm sát Thiên An Môn, an ninh thường phục lại ngăn cản không cho mọi người bước vào Quảng trường. Tại sao ? Nếu nhân dân Trung Quốc đều tin tưởng những gì chính quyền nói họ tin, thì tại sao không cho phép nhân dân vào quảng trường để tố cáo bọn phản cách mạng. Sự hiện diện của an ninh chứng tỏ rằng chế độ không tin lời nói láo của chính họ.
Đại lộ Tây Trường An, sáng ngày 4 tháng 6 năm 1989
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì thay đổi chế độ giá như diễn ra được thì sẽ rất tốt cho Trung Quốc. Người ta sợ bốn từ "thay đổi chế độ" bởi vì những tính toán sai lầm tai hại của George Bush tại Iraq. Nhung chúng ta không nên trách những từ ấy vì sai lầm của Bush. Lưu Hiểu Ba cũng dùng những từ ấy. Mục tiêu chính của ông là đạt được sự thay đổi chế độ một cách ôn hòa.
Chúng ta nhớ Thiên An Môn vì những chấn động đối với não con người thường kéo dài rất lâu. Chúng ta có muốn cũng không thể nào quên được cho dù chúng ta cố quên.
Perry Link
Nguyên tác : Why We Remember June Fourth, ChinaFile, May 28, 2019
Trần Quốc Việt dịch
**********************
Cho tuổi mười bảy
Lưu Hiểu Ba, HRIC, 27/06/2007
Lời người dịch : Hằng năm Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) đều sáng tác một bài thơ tưởng niệm những sinh viên học sinh bị tàn sát ở Thiên An Môn. Ông đã trực tiếp tham gia cuộc phản kháng cùng với họ, cho nên ông luôn luôn tưởng niệm họ bằng những bài thơ chất chứa đầy bao cảm xúc rất bi tráng. Dưới đây là bài thơ tưởng niệm năm thứ hai cuộc thảm sát Thiên An Môn của ông. Người dịch mạo muội dịch bài thơ này để tưởng nhớ hàng ngàn tuổi xuân đã nằm xuống vì niềm khao khát tự do cháy bỏng. Họ là những nạn nhân của cộng sản ngày hôm qua nhưng là những anh hùng của ngày mai. (TQV)
*
(Em không lắng nghe lời răn bảo của cha mẹ, nhảy qua cửa sổ phòng tắm, lẻn đi.
Khi em ngã xuống vẫn giương cao lá cờ, em chỉ mới 17. Nhưng tôi sống ; tôi đã 36. Dưới bóng em, còn sống là mang tội, còn làm thơ tặng em lại càng thêm phần xấu hổ. Người sống nên câm miệng lại để lắng nghe bao tiếng thì thầm từ đáy mộ. Tôi không xứng đáng làm thơ tặng em. Tuổi em 17 còn đáng hơn mọi thi ca và kiến trúc nhân tạo)
Tôi sống,
tiếng thơm hoen ố.
Tôi không có can đảm và tư cách,
để trao cho em bó hoa và bài thơ,
để bước đến nụ cười tuổi mười bảy,
dù tôi biết -tôi biết-
Tuổi mười bảy chẳng mảy may nuôi lòng oán hận.
Tuổi em mười bảy bảo tôi :
đời là bình thường chẳng dát vàng son,
như ngắm nhìn sa mạc nghìn trùng
chẳng cần bóng cây, chẳng cần nước,
chẳng cần điểm vài bông hoa,
chỉ nhận vào ánh nắng tàn bạo.
Vào tuổi mười bảy, em quỵ ngã bên đường,
từ đấy đường biến mất.
Vào tuổi mười bảy, mắt em mở ra trong bùn
em hiền như trang giấy trắng,
Từ đây, trên đời này,
tuổi mười bảy.
em chẳng còn gì,
chỉ còn tuổi thanh xuân mãi trinh trắng.
Lúc em, tuổi mười bảy, tắt thở
Kỳ diệu thay
em vẫn không mất hy vọng.
Đạn bay rít qua núi,
chấn động đại dương,
khi tất cả hoa trên đời tạm thời
chỉ có một màu duy nhất.
Tuổi mười bảy, em không mất hy vọng,
không được mất hy vọng.
Tất cả tình thương em chưa bao giờ trao ai
nay dành hết cho me ;
tóc mẹ giờ bạc trắng, em ơi.
Mẹ từng nhốt em trong nhà.
nay dưới lá cờ đỏ năm sao
mẹ không còn người nối dõi.
ánh mắt hồn em kêu người mẹ cao quý của em,
máu thịt của em,
thức dậy.
Mẹ mang di nguyện của em,
đi giữa bao bia mộ.
Khi mẹ sắp ngã quỵ
Hồn em nương theo hơi gió về
đến nâng đỡ mẹ,
chỉ đường cho mẹ.
Vượt qua tuổi già hay tuổi xuân,
vượt qua cái chết,
Tuổi mười bảy,
đã
bất tử.
(Ngày 1 tháng Sáu, 1991, giữa đêm khuya ở Bắc Kinh)
Liu Xiaobo
Nguyên tác : For Seventeen (Commemorating the Second Anniversary of 6/4), Human Rights in China (HRIC), 27/06/2007
Trần Quốc Việt dịch
***********************
Bịt miệng để chặt chân
Hà Sĩ Phu, Trần Quốc Việt, 03/06/2022
Lời giới thiệu : Mười ba năm trước tôi dịch một bài đáng nhớ được đăng trên trang Talawas về đôi chân của Trịnh Phương (1). Trịnh Phương là một sinh viên phản kháng ở Thiên An Môn đã bị xe tăng nghiền nát đôi chân. Về sau ông trở thành vận động viên tàn tật xuất sắc. Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc cấm ông tiết lộ với phóng viên về nguyên nhân ông bị mất đôi chân. Năm 2009 ông được đến Mỹ và bạn hữu thời Thiên An Môn cùng với giới hoạt động nhân quyền ở đấy giúp ông có được đôi chân giả kỹ thuật cao. Nhờ "đôi chân" mới ông đi lại và khiêu vũ bình thường.
Nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu đã cảm hứng sáng tác ra bài thơ đăng trong phần phản hồi của bài dịch như sau. (TQV)
Trinh Phương (Fang Zheng) ngồi trên xe lăn
Trịnh Phương vũ khúc
Hà Sĩ Phu
Có chân nào như đôi chân Trịnh Phương
Từng băng băng trên đường chạy nước rút
Nhưng giữa một đêm tang thương Trung Quốc
Trên đường chạy Thiên An Môn, về đích Tự do
Đôi chân Người đã thua
xích xe tăng của bầy khỉ đột
xông ra từ góc tối một " Thiên đường"
xiết búa liềm trên máu thịt quê hương.
*
Sắt thép bạo quyền
Không nghiền nổi Trịnh Phương
Rồi những chiếc đĩa, những ngọn lao
Từ sức trẻ thần kỳ vẫn phóng ra đúng đích
Chí sắt đá tạo nên nhà vô địch
Những huy chương vàng trên một chiếc xe lăn.
Nhưng chẳng huy chương nào
giúp anh thoát khỏi những cuộc săn
của những kẻ mệnh danh đồng chí !
*
Trớ trêu thế, anh dạt vào nước Mỹ
Nơi bị rủa là "văn minh kỹ trị"
Là hổ giấy, là quân thù,
là giẫy chết, không mồ chôn !
Với tình người và kỹ thuật đỉnh cao
đã đắp cho anh đôi chân giả mê hồn,
anh khiêu vũ như thuở còn nguyên vẹn.
Cuộc tái sinh nào không tươi màu ước hẹn
Đôi chân này, hỏi đôi cánh nào hơn ?
*
Thiên An Môn : Địa bất an môn
Vòi rồng kia dẫu rửa hết máu của Tự do
Không lấp được những chân người cự phách
Chôn vào đất, trầm tích như hóa thạch
Cho muôn đời biết lối đến yêu thương
*
Ta ngồi đây, rộn rã nhạc muôn phương
Valse dịu và Tango quyến rũ
Đẩy man dại, cuồng si vào quá khứ
Khiêu vũ đi nào
Trịnh Phương...
Trịnh Phương...
Đôi chân của ông Trịnh Phương bị xe tăng nghiền nát vào sáng spwsm ngày 04/06/1989.
Hà Sĩ Phu
1/10/2009 (nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc)
Rạng sáng ngày 4/6/1989, hàng xe đầu tiên gồm 3 chiếc xe tăng do La Cương dẫn đầu, tại Tân Hoa Môn gần Lục Bộ Khẩu truy đuổi nhóm sinh viên sơ tán khỏi quảng trường Thiên An Môn đã cán chết 11 người và làm vô số người khác bị thương trên Đại lô Trường An
Bài dịch về sau được trang Bauxite Việt Nam đăng với lời giới thiệu của giáo sư Nguyễn Huệ Chi như sau :
Ông Trịnh Phương, đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc, là một trong trăm ngàn sinh viên có mặt trong cuộc biểu tình ôn hòa nhiều ngày đêm tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ngày 4 tháng Sáu năm ấy, ông cùng chiến hữu bị xe tăng quân đội Trung Quốc tiến vào đè bẹp theo lệnh Đặng Tiểu Bình, khi đang cùng với các sinh viên khác cố thoát khỏi quảng trường. Ông sống sót nhưng hai chân bị nghiến nát. Chân trái bị cưa dưới đầu gối, còn chân phải bị cưa ở giữa bắp đùi. Nhà nước Trung Quốc cố tình bưng bít thông tin về nguyên nhân què cụt của ông khi ông nỗ lực vượt lên khỏi số phận của mình để trở thành một vận động viên tàn tật xuất sắc. Trước nguy cơ bị lộ thông tin, họ cấm ông thi đấu và bỏ mặc số phận của ông. Nhưng ông kiên nhẫn chờ đợi. Và đến khi có dịp thoát khỏi bàn tay độc tài, tị nạn sang Mỹ, bè bạn bốn phương, những con người biết quý trọng nhân phẩm, đã xúm nhau lại, tìm cách để ông có lại một "đôi chân" mới. Trịnh Phương vụt trở thành một biểu tượng thách thức với bóng tối, ông lại bay lượn khiêu vũ trên đôi chân của tự do.
Trong hàng nghìn năm lịch sử, nước "An Nam" láng giềng nhỏ bé sát nách Trung Hoa luôn luôn bị "thiên triều" xấc xược lấn áp, lăm le nghiền nát không biết bao nhiêu lần ; nhưng trong mọi trường hợp gay go nghìn cân treo sợi tóc, bằng chính mối đoàn kết "Diên Hồng" bắt rễ sâu trong tình cảm của toàn dân tộc, người Việt Nam chứ không có ai khác, đều đã tìm được đôi chân thần kỳ của Trịnh Phương-đó cũng chính là biểu tượng "ngựa sắt Phù Đổng" trong tâm thức dân tộc chúng ta.
Trịnh Phương phá hai kỷ lục châu Á trong cuộc tranh tài thể thao dành cho người khuyết tật toàn Trung Quốc năm 1992
Vậy ngày nay đôi chân ấy ở đâu ? Đầu óc ngu xuẩn nào và lợi ích của tập đoàn nào đang cố tình làm tê liệt nó, thậm chí muốn tiếp tay cho kẻ thù nghiền nát nó ? Một dân tộc trong vòng tối tăm, quờ quạng không lần ra ánh sáng của tự do dân chủ là một dân tộc hai chân bị đem lên thớt. Chắc chắn dân tộc Việt Nam sẽ sớm tìm thấy đôi chân của Trịnh Phương chứ không bao giờ chấp nhận một sự hành hình như vậy".
Luật An ninh mạng du nhập từ Trung Quốc chính là một trong những nhát dao được nghĩ ra để chặt đôi chân đã giúp Việt Nam "đứng vững ngàn năm" ấy, mượn tựa đề cuốn sách của nhà báo Ngô Nhân Dụng. Thật vậy, nhìn từ bề mặt, luật an ninh mạng kiểm duyệt thông tin, giới hạn số người đọc báo mạng lề dân, hạn chế sự bày tỏ chính kiến và suy tư trên mạng xã hội, hạn chế phơi trần bất công... Nói chung luật được đặt ra để hạn chế tối đa tự do ngôn luận mà đã bùng phát trên mạng trong nhiều năm qua nhờ các mạng xã hội.
Nhưng, nhìn thật sâu, luật an ninh mạng là phương tiện giúp chế độ tà quyền bám giữ quyền lực để chung cuộc mở đường cho Trung Quốc xâm lược mềm Việt Nam. Mục đích sâu xa nhất của luật là không để cho mọi người kết nối về tâm tư, tinh thần, tư tưởng và hành động trên mạng. Mục tiêu của chế độ toàn trị không phải đàn áp tự do ngôn luận như ta tưởng. Mục tiêu tối hậu của chế độ là phải cô lập những cá nhân không để họ tìm đến nhau bằng cách nào nhặn hoàn toàn thông tin mà cá nhân có thể tiếp cận được để các cá nhân muốn phản kháng cảm thấy mình là lẻ loi hay thiểu số và không đủ tin tưởng đồng bào mình để liều mình đấu tranh. Đấy là lý do chế độ từ trước đến nay không bao giờ thừa nhận Việt Nam có tù chính trị hay có tù nhân lương tâm hay có những người biểu tình.
Luật an ninh mạng thành công khi mọi người trong xã hội là những hạt cát không thể dính lại với nhau, là những cây đũa rời dễ dàng bị bẻ gãy vì luật đã phá vỡ mọi kênh liên lạc trên mạng lẫn ngoài đời. Bóng ma của nó đứng bên cạnh bàn phím, hiện ra lờ mờ trên màn hình điện thoại để khiến cho nhiều người, dù không phải là tất cả, phải chùn tay hay ngại mở miệng. Tất cả các cuộc đấu tranh trực diện hay gián tiếp, bạo động hay ôn hòa, tổng nổi dậy hay cả đảo chính, đều phụ thuộc vào sự liên lạc giữa các cá nhân với nhau. Do vậy điều mà chế độ bằng mọi giá phải tránh là phản ứng dây chuyền từ một người đấu tranh hay một nhóm đấu tranh nào đó lan sang người khác hay nhóm khác.Họ sợ một người đấu tranh sẽ truyền cảm hứng và khích lệ đấu tranh ở những người khác. Đấy là lý do hiện tượng "bánh canh" ra đời. Công an giả dạng dân thường không cho phép những nhà hoạt động, dù nổi tiếng ít hay nhiều, ra khỏi nhà mỗi khi có lời kêu gọi biểu tình. Không phải họ sợ những người này đi biểu tình mà họ sợ hình ảnh những người này trong đoàn biểu tình sẽ khích lệ không những người biểu tình mà còn cả những người lưỡng lự đang đứng bên lề. Dù toàn dân bất mãn nhưng nếu không ai bày tỏ với nhau sự bất mãn cá nhân của mình thì cuộc đấu tranh sẽ không ra đời hay không kéo dài lâu.
Mọi người không những không nối kết nhau mà chế độ bằng mọi cách làm cho mọi người nghi ngờ lẫn nhau một khi các cá nhân không thể an tâm nối kết với nhau vì luật an ninh mạng.
Chính vì thế chế độ đặt tên cho không gian mạng là "miền chiến sự" mà hàm nghĩa là cuộc chiến tranh sinh tử mà chế độ phải thắng để tồn tại và mở đường cho thời kỳ Bắc thuộc mềm mới.
Câu chuyện Trịnh Phương cho ta thấy dân chủ và tự do là nguồn sống đích thực của dân tộc Việt Nam. Nhưng cần có đôi chân không "bị đem lên thớt", như cách nói của giáo sư Nguyễn Huệ Chi, để cuối cùng đi đến nguồn sống ấy mà sẽ nuôi dưỡng sự tồn tại muôn đời của nước Việt yêu dấu chúng ta. Một cá nhân mất chân có thể gắn chân giả. Một dân tộc mất chân sẽ trở thành nô lệ và bị đồng hóa hoàn toàn.
Chế độ đã khai chiến. Chúng ta phải đáp lại bằng cách thứ nhất bất tuân luật an ninh mạng dù phải trả giá, thứ hai tăng cường mọi giao tiếp liên lạc giũa các cá nhân với nhau trên mạng lẫn ngoài đời để duy trì những cuộc đấu tranh cá nhân hay tập thể như từ trước đến nay, thứ ba vun đắp hơn nữa mối đoàn kết "Diên Hồng". Chúng ta không thể nào kéo cờ trắng trên "miền chiến sự" mà chế độ đã tuyên chiến với lòng yêu nước và với tương lai tự do dân chủ và với sự sinh tồn của dân tộc. Từ chiến thắng trên mạng đến chiến thắng trên đường phố là quá trình nối kết và cùng nhau đấu tranh liên tục của các cá nhân ý thức về trách nhiệm của mình đối với tổ quốc và tiền nhân và con cháu. Ngày nào đấy hàng triệu đôi chân người Việt sẽ xuống đường dẹp tan bè lũ bán nước.
Với quyết tâm, can đảm, và đoàn kết, chúng ta nhất định sẽ không thua trên bất kỳ miền chiến sự nào. Chúng ta còn có hiệp hai như lời của nhà văn Nga Solzhenitsyn :
"Cuộc đương đầu giữa một người -bất kỳ người nào- với cộng sản luôn luôn kết thúc trong hai hiệp. Cộng sản gần như luôn luôn thắng trong hiệp đầu, giống như thú dữ nhảy chồm lên quật ngã đối thủ. Nhưng nếu có hiệp hai, cộng sản gần như luôn luôn thua. Mắt con người mở ra và con người thấy rằng họ đã ngắm say mê toàn những thứ đáng vất bỏ, giống như ảo ảnh. Rồi họ vĩnh viễn được miễn dịch".
Hiệp hai đã mở màn từ lâu. Cuộc đấu tranh toàn dân ngày càng cao hơn khi họ nhận thức rõ chế độ tà quyền thực chất là một lũ rước voi giày mả tổ từ đời đầu đến cuối, là một bọn bán nước cầu vinh, chỉ gây ra toàn đau khổ và tàn ác với nhân dân.
Cuộc chiến trên mạng chỉ là một trận chiến mà nhân dân sẽ chiến thắng. Chiến thắng cuối cùng của sinh tồn, tự do và dân chủ chỉ là vấn đề thời gian khi đôi chân dân tộc vẫn còn nguyên vẹn như tự ngàn xưa trong lòng mỗi trái tim yêu nước Việt Nam hôm nay đang cùng nhau tạo ra và tham gia vào hiệp hai của cuộc đấu tranh chống lại cộng sản.
Trần Quốc Việt
(03/03/2022)
(1) David Feith, Khiêu vũ với Trịnh Phương, talawas blog, 29/09/2009
Hong Kong đã làm thế giới không thể quên ngày lục tứ, 4 tháng 6, ngày mà hàng ngàn sinh viên bị thảm sát trong vụ Thiên An Môn. Ngày mà Tổng thống Thái Anh Văn miêu tả : "Một năm ở Trung Quốc chỉ có 364 ngày vì một ngày đã bị rơi vào lãng quên".
Thế giới không thể quên ngày lục tứ, 4 tháng 6, ngày mà hàng ngàn sinh viên bị thảm sát trong vụ Thiên An Môn.
Trong khi hầu như cả thế giới đều biết ba từ Thiên An Môn ám chỉ điều gì thì cả tỷ người Trung Quốc không hề biết. Câu chuyện Thiên An Môn được Bắc Kinh giấu kỹ đến nỗi những nhà báo sinh sau biến cố này khi nghe nhắc đến đều cho là cố tình bôi nhọ chính phủ Trung Quốc với những hành vi kinh khủng xấu xa và không xứng đáng đối với một đất nước đứng vào hàng cường quốc thế giới.
Bà Thái Anh Văn không hề cường điệu khi cho rằng tờ lịch của Bắc Kinh chỉ có 364 ngày. Bà cũng không cường điệu khi cho rằng "Ngày trước ở Đài Loan, chúng tôi cũng từng có nhiều ngày không thể xuất hiện trên lịch, nhưng mỗi người chúng tôi đều tìm chúng trở lại. Bởi vì chúng tôi vốn không cần phải che giấu lịch sử thêm nữa, chúng tôi có thể cùng nhau suy nghĩ về tương lai".
Thiên An Môn dù sao cũng may mắn được thế giới ngưỡng mộ và căm phẫn.
Giấu giếm những điều không tốt đẹp đối với lịch sử là khuynh hướng của các nước trong thế giới cộng sản. Chỉ khi nào thế giới biết đến thì câu chuyện mới vỡ lỡ, tuy nhiên tùy theo mức độ mà hình ảnh chống lại loài người trong những lần chính quyền cộng sản giết dân của mình được phơi bày trước ánh sáng văn minh của nhân loại. Vụ Thiên An Môn nổ ra trong lúc khoa học kỹ thuật của thế giới cho phép hình ảnh máu chảy đầy quảng trường cũng như xích sắt xe tăng cán nát những thân thể yếu đuối bày ra trên khắp các mặt báo của truyền thông thế giới để từ đó người ta không thể lãng quên. Người dân Hong Kong đã tiếp sức cho trí nhớ nhân loại và trong suốt 31 năm qua Bắc Kinh ngậm bù hòn làm ngọt vì những ánh nến tưởng niệm nạn nhân trong đêm 4 tháng 6.
Thiên An Môn dù sao cũng may mắn được thế giới ngưỡng mộ và căm phẫn. Nhưng so với Thiên An Môn, Việt Nam đã có một biến cố lớn hơn rất nhiều lần về mức độ thảm sát nhưng hầu như cả thế giới không hề nghe thấy. Đó là cuộc giết người do Hà Nội huấn luyện, tổ chức và khuyến khích cán bộ "làm cỏ" người dân của các tỉnh miền Bắc trong thập niên 50, từ ý tưởng "Cải cách ruộng đất" xuất phát từ nước cộng sản anh em : Trung Quốc
Ngày 4/12/1953, Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhóm họp và thông qua Dự luật Cải cách ruộng đất 197/HL. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê thuận và chính thức ban hành bộ luật này vào ngày 19/12/1953 để kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến, mang tên "Luật Cải cách Ruộng đất".
Theo tư liệu chính thống của Việt Nam, từ năm 1953 đến năm 1956 đã có tám đợt phát động quần chúng giảm tô tại 1875 xã và năm đợt cải cách ruộng đất ở vùng đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi phía bắc. Trong 3.314 xã, có 10 triệu dân, đã tịch thu hơn 70 vạn héc ta (44,6%) ruộng đất chia cho gần 4 triệu nông dân. Hầu hết các tình miền Bắc như Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Quảng Bình, Vĩnh Linh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa đều là nạn nhân của Luật Cải cách ruộng đất. Chỉ trong vòng vài năm số người chết vì bị đấu tố, giam cầm đã vượt qua sức tưởng tượng của loài người.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Văn Chí trong tác phẩm "Từ thực dân đến cộng sản" (From Colonialism to Communism) được dịch ra trên 15 thứ tiếng cho biết "Cán bộ cộng sản bắt nông dân học tập lại bản Điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn và thúc đẩy nông dân phát hiện thêm địa chủ. Họ nói rằng theo sự tính toán rất khoa học của các đồng chí cố vấn Trung Quốc, đã điều tra rất cẩn thận ở các làng thì lẽ ra số địa chủ phải nhiều hơn gấp bội.
Tổng số nạn nhân của phong trào Cải cách ruộng đất tại Bắc Việt chưa hề được công bố, nhưng nếu tin lời ông Gérard Tongas, một giáo sư Pháp ở lại Hà Nội cho tới năm 1959 thì "kết quả của cuộc tàn sát kinh khủng này là một trăm ngàn người".
Theo lời những người vượt tuyến vào Sài Gòn năm 1957 thì khắp các vùng nông thôn Bắc Việt nhân dân mang toàn khăn trắng. Điều này rất dễ hiểu vì ngoài những người bị tòa án nhân dân đặc biệt lên án xử tử và hành quyết công khai còn vô số những người chết trong các trại giam và những người tự tử ngay sau khi bị quy là địa chủ. Số người tự tử và chết trong các trại giam đã nhiều, nhưng chưa thấm vào đâu với số bố mẹ, con cái địa chủ chết đói vì chính sách bao vây kinh tế. Đấy chẳng qua chỉ là kết quả của phương châm : "Thà giết mười người vô tội còn hơn để thoát một kẻ thù". Đấy là chính sách của Đảng Lao động, áp dụng trong Cải cách ruộng đất, mà luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã lớn tiếng tố cáo trong bài diễn văn của ông, đọc trước Đại hội toàn quốc của Mặt trận tổ quốc, họp tại Hà Nội tháng 10 năm 1956".
Cho tới nay người Việt biết về vụ "Cải cách ruộng đất" không đủ nhiều để đòi lại công lý cho người đã mất. Nhìn lại phong trào ủng hộ và tưởng nhớ Thiên An Môn của tuổi trẻ Hong Kong người ta thấy được tầm sắt máu của chính phủ Bắc Kinh để bảo vệ chế độ, nhưng nếu so với "Cải cách ruộng đất" thì sự khát máu ấy thua xa đàn em của họ ở phương Nam trong vụ giết người có tổ chức nhằm mở màn cho chiến dịch khủng bố trắng tư tưởng của quần chúng.
Có lẽ nhân dân Việt Nam cần làm theo ý tưởng của bà Thái Anh Văn : không thể để cho tờ lịch "Cải cách ruộng đất" bị xóa vĩnh viễn trong lòng dân tộc và trên cả thế giới.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 05/06/2020 (canhco's blog)
Hơn ba thập niên sau Thiên An Môn, Trung Quốc vẫn giữ nguyên chính sách đàn áp
Cách nay 31 năm, ngày 04/06/1989, phong trào đấu tranh đòi dân chủ của giới trẻ Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn đã bị chính quyền Bắc Kinh dìm trong biển máu. Hơn ba thập niên qua, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi, nhưng để bảo đảm sự độc quyền lãnh đạo, Đảng cộng sản Trung Quốc không hề thay đổi chiến lược : diệt trừ mọi phản kháng để ngăn ngừa, răn đe mọi cuộc nổi dậy trong tương lai.
Công an nhân dân vũ trang diễn tập tại Thiên An Môn ngày 19/05/2020, trước thời điểm họp Quốc hội Trung Quốc. © Reuters/Thomas Peter
Nhân dịp này, RFI tiếng Việt xin giới thiệu bài : "Từ 1989 đến 2019 : Những biến chuyển của học thuyết duy trì trật tự của Trung Quốc từ sau Thiên An Môn" của nhà nghiên cứu Marc Julienne, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp - IFRI, đăng trên website Le grand continent, ngày 27/06/2019
*
Ngày 20/05/1989 vào lúc 10 giờ sáng, Bắc Kinh tuyên bố thiết quân luật. Những đoàn quân và xe bọc thép của Giải phóng quân Trung Quốc tiến vào trung tâm thành phố, hướng về Thiên An Môn, địa điểm biểu tượng lịch sử của Trung Quốc. Quảng trường này đã bị hàng mấy chục ngàn sinh viên chiếm đóng từ hơn một tháng.
Ban đầu tập hợp lại để vinh danh cố tổng bí thư cải cách Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang, 1980-1987), qua đời vào ngày 15/04, sau đó các sinh viên nhanh chóng biến quảng trường thành không gian tranh luận và yêu sách để xúc tiến dân chủ. Sinh viên đòi hỏi đối thoại với chính phủ, đặc biệt với thủ tướng Lý Bằng (Li Peng) để đưa ra các đề nghị. Tầng lớp cầm quyền coi đây là một cuộc nổi dậy nhằm lật đổ đảng và hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Đến cuối tháng Năm, mưu toan đàn áp đầu tiên bằng quân đội và công an vũ trang thất bại vì người dân Bắc Kinh ngăn chận, và nhiều người lính từ chối đối đầu với sinh viên. Dù vậy, khuya ngày 3 tháng Sáu, những đơn vị quân đội từ nhiều vùng xa trên khắp Trung Quốc được điều đến Thiên An Môn, biến Bắc Kinh thành sân khấu một cuộc nội chiến giữa giới trẻ và công dân thủ đô với quân đội của đảng. Hằng trăm người trẻ ngã gục dưới làn đạn, bánh xích xe tăng, hàng ngàn sinh viên khác bị bắt những ngày sau đó.
Hơn 30 năm sau, bộ máy đàn áp được hiện đại hóa
Hơn 30 năm sau, đã có những thay đổi gì ? Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế và ngoại giao, có lực lượng quân đội được hiện đại hóa siêu tốc, tóm lại, một cường quốc thế giới. Bắc Kinh ngày nay là một đại đô thị bão hòa và ô nhiễm, nhưng siêu hiện đại, và là một trong những trung tâm chính trị quốc tế. Quảng trường Thiên An Môn dày đặc hàng trăm camera an ninh, bao bọc bởi nhiều hàng rào kim loại và dưới tầng hầm là những vị trí quan sát để cho phép vào. Nếu tất cả chừng như yên tĩnh và trong tầm kiểm soát, bóng ma 1989 vẫn luôn đe dọa.
Hơn 30 năm sau, Trung Quốc là một cường quốc hiện đại, với một bộ máy an ninh phản ánh đúng hình ảnh : mạnh mẽ, đồ sộ và công nghệ. Bộ máy này trở thành hoàn hảo, phức tạp và phong phú hơn với những công cụ giám sát mới mà cuộc cách mạng kỹ thuật số thế kỷ 21 đã mang lại : nhận diện khuôn mặt và giọng nói, kho lưu trữ các thông số sinh trắc và ADN, kiểm soát internet và các mạng xã hội. Còn có những công nghệ khác mà Châu Âu cho là vi phạm tự do cá nhân, đã được thử nghiệm tại Hoa lục, như kiểm tra, cho điểm công dân thông qua các ứng dụng kỹ thuật số. Giấc mơ một Trung Quốc mở cửa và dân chủ hóa nhờ kỷ nguyên internet đã sụp đổ. Công nghệ mới giờ đây là ưu thế đáng gờm của các chế độ độc tài đang sở hữu.
Trước hết, ngân sách dành cho an ninh trong mười năm qua có tỉ lệ trung bình tăng hàng năm là 13%, cụ thể năm 2017 là 1.240 tỉ nhân dân tệ (159 tỉ euro). Kể từ 2010, ngân sách chính thức dành cho an ninh luôn cao hơn ngân sách của quân đội. Nhưng đến 2014, chính quyền Trung Quốc ngưng công bố chi tiết ngân sách an ninh, chỉ thông báo ngân sách trung ương, không cụ thể về ngân sách các tỉnh. Tuy vậy ngân sách địa phương chiếm phần đáng kể, nếu chúng ta biết rằng, chẳng hạn từ 2016 đến 2017 Tân Cương đã gia tăng ngân sách an ninh đến 92,8%, đạt 58 tỉ nhân dân tệ (7,4 tỉ euro) (1).
Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa và cải cách lực lượng an ninh, đứng hàng đầu là Công an nhân dân vũ trang. Là lực lượng bán quân sự chuyên giữ ổn định nội bộ, Công an nhân dân vũ trang đã phát triển rất nhanh kể từ khi được thành lập năm 1982. Ban đầu dưới sự kiểm soát dân sự của Bộ Công an, lẫn quân sự của Quân ủy trung ương, từ tháng Giêng 2018 lực lượng này chỉ còn do Quân ủy trung ương chỉ đạo. Công an nhân dân vũ trang được tái cơ cấu theo mô hình quân đội với bốn quân khu, và một ủy ban thanh tra kỷ luật, tăng cường tổ chức theo kiểu quân đội (2).
Hơn nữa, các đơn vị không tác chiến (như lực lượng phụ trách kiểm tra rừng, vàng, thủy điện, chống cháy rừng, biên phòng) là từ quân đội tách ra, đặt dưới quyền nhiều cơ quan dân sự khác nhau. Đến tháng 7/2018, lực lượng tuần duyên Trung Quốc vốn dưới quyền Hội đồng Nhà nước được nhập vào Công an nhân dân vũ trang. Công an nhân dân vũ trang nay là các đội quân giữ an ninh trong nước, gồm các đơn vị đặc biệt như đơn vị can thiệp SWAT (đặc cảnh), các đội đặc nhiệm tinh nhuệ (Báo tuyết) chuyên chống khủng bố, bắt con tin và chống nổi dậy.
Mục tiêu của cải cách là giải phóng Công an nhân dân vũ trang khỏi các nhiệm vụ không tác chiến, để tập trung cho cuộc chiến đấu chủ yếu : giữ ổn định nội bộ, an ninh hàng hải và hỗ trợ cho quân đội trong trường hợp chiến tranh. Cải cách này tuân thủ hướng chỉ đạo đơn giản : "Quân đội là quân đội, công an là công an, nhân dân là nhân dân" (Quân thị quân, cảnh thị cảnh, dân thị dân) (3).
Việc cải cách đã tăng cường sự kiểm soát của đảng lên các lực lượng vũ trang. Hơn nữa, còn tập trung quyền quyết định vào tay tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy trung ương là Tập Cận Bình – người chỉ đạo cả quân đội lẫn Công an nhân dân vũ trang. Các cấp hành chính tỉnh và địa phương không còn được tự ý huy động các đơn vị Công an nhân dân vũ trang, mà phải gởi yêu cầu đến cấp chỉ huy quân sự hữu quan. Ở cấp chỉ huy trung ương của đảng, việc giảm bớt các cấp chỉ huy giữa Quân ủy trung ương và các sĩ quan Công an nhân dân vũ trang nhằm làm giảm đi nguy cơ tham nhũng và lạm quyền của các quan chức cao cấp, như trường hợp Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) vốn ngự trị gần 10 năm (2003-2012) trên toàn thể bộ máy an ninh Trung Quốc.
Cũng như quân đội thuộc về đảng, Công an nhân dân vũ trang nay là công an của đảng. Câu khẩu hiệu mao-ít "đảng kiểm soát súng ống" ngày nay đúng hơn bao giờ hết. Cải cách Công an nhân dân vũ trang nằm trong một cuộc cải cách rộng lớn hơn về các định chế và bộ máy an ninh, nhằm "bảo đảm sự lãnh đạo của đảng kiên cường và mạnh mẽ hơn" (4).
Một lô-gic an ninh không hề thay đổi từ sau Thiên An Môn
Đảng ngày nay sở hữu toàn bộ các công cụ để bảo vệ mình. Một quân đội mà ưu tiên không nhằm can thiệp trong nước, một lực lượng công an vũ trang bảo đảm duy trì ổn định nội bộ với các phương tiện bán quân sự, cùng với công an nhân dân và lực lượng trật tự viên dưới sự chỉ huy của Bộ Công an, giúp kiểm soát toàn bộ không gian đô thị cũng như nông thôn. Đảng còn có thể trông cậy vào mạng lưới tình báo do Bộ An ninh phụ trách.
Cuối cùng, Ủy ban Chính trị và Pháp luật của đảng (Trung ương Chính Pháp) đóng vai trò then chốt trong việc phối hợp các lực lượng an ninh, gồm những lực lượng nêu trên và các tòa án, viện kiểm sát nhân dân. Ủy ban này do Quách Thanh Côn (Guo Shengkun), ủy viên Bộ Chính trị làm chủ tịch, hiện diện ở tất cả các cấp hành chính trên toàn quốc.
Với bộ máy trấn áp như vậy, trên lý thuyết Trung Quốc sẵn sàng vận dụng chủ thuyết duy trì trật tự không làm đổ máu và có thể thích ứng với mọi mức độ rủi ro. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng Bắc Kinh muốn áp dụng chủ thuyết này, từ sau 1989.
Hơn 30 năm sau Thiên An Môn, chủ trương không hề thay đổi trên chóp bu của đảng. Chiến lược vẫn là đập tan mọi kháng cự, để răn đe những vụ nổi dậy trong tương lai. Phương pháp cũng chẳng đổi thay, đó là đe dọa. Các tuyên bố chính thức chỉ ra kẻ thù, trước đây là những kẻ phản cách mạng, đế quốc hay xét lại, và nay là khủng bố, cực đoan, ly khai hay nói chung là những ai làm mất ổn định xã hội.
Tháng Tư năm 1999, sát cạnh Thiên An Môn, khoảng 20.000 học viên Pháp Luân Công (Falungong) tập hợp hòa bình và im lặng, không băng-rôn khẩu hiệu, xung quanh Trung Nam Hải (Zhongnanhai), đầu não của chính quyền Trung Quốc. Họ khẳng định là một phong trào phi chính trị và đòi hỏi được tự do tập khí công.
Tầng lớp lãnh đạo coi đây là nguy cơ cho đảng, và là mối đe dọa cho ổn định xã hội. Tháng Bảy cùng năm, sau ba tháng chuẩn bị kỹ lưỡng, đảng bỗng ra lệnh cấm Pháp Luân Công hoạt động, đồng thời tung ra đợt bắt bớ quy mô trên cả nước. Hàng ngàn học viên bị bắt giữ, trong đó nhiều người đã mất tích.
Ngày nay tại Tân Cương, miền cực tây Trung Quốc, có trên 1 triệu người Hồi giáo, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, bị giam giữ trong các trại cải tạo. Mục tiêu của các "trại cải huấn" này, theo ngôn từ chính thức, là nhằm "khử cực đoan hóa". Hàng triệu người khác bên ngoài các trại cải tạo phải chịu đựng sự giám sát hàng ngày ở khắp nơi.
Làn sóng đàn áp với quy mô chưa từng thấy này diễn ra sau một loạt vụ tấn công trong khoảng 2013-2014, nhiều người Duy Ngô Nhĩ chạy trốn sang các nước Đông Nam Á, một số sang Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí sang tận Syria. Chỉ vì vài chục hoặc vài trăm người, hoặc có liên can trực tiếp hay gián tiếp vào các vụ tấn công, hoặc chỉ là cảm tình viên của các mưu tính đòi độc lập, mà 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và Kyrgyzstan bị đàn áp và bắt bớ trái phép.
Nỗi sợ hãi cấp nhà nước và chiến lược đàn áp
Từ các sinh viên Thiên An Môn cho đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, chủ trương đàn áp của Trung Quốc vẫn là đại quy mô, bất tương xứng với các hành động phản kháng không hề là mối đe dọa sống còn cho đảng. Có hai lý do để giải thích.
Trước hết, là mối lo ngại chủ quan nhưng thực sự trong nội bộ đảng, rằng một phong trào xã hội bộc phát có thể đe dọa cho sự tồn vong của Đảng cộng sản Trung Quốc. Cảm giác bất an gần như là nỗi ám ảnh, bắt nguồn từ sự sợ hãi đảng bị sụp đổ. Chế độ cộng sản Ba Lan rơi rụng vì Công đoàn Đoàn kết, một tháng trước cuộc khủng hoảng Thiên An Môn ; bức tường Berlin sụp đổ, rồi đến Liên Xô tan rã ; đã nuôi dưỡng nỗi sợ này. Cuộc cách mạng màu cam ở Ukraine và Mùa Xuân Ả Rập càng tăng cường thêm sự quan ngại của Đảng cộng sản Trung Quốc trước những phản kháng xã hội.
Lý do thứ hai mang tính khách quan và chiến lược. Việc đàn áp quy mô nhằm răn đe mọi ý định nổi dậy tương lai vừa nhen nhúm, hơn là hạn chế một mối đe dọa nào đó. Lời đáp thô bạo của đảng trước mọi sự phản kháng nhắc nhở rằng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là một chế độ toàn trị kiểu Lênin, trong đó mọi sáng kiến chính trị chỉ có thể xuất phát từ đảng, chứ hoàn toàn không thể từ xã hội công dân.
Những nhà đấu tranh cộng sản trẻ tuổi từ các trường đại học danh giá nhất của Trung Quốc đã nhận ra điều này, khi phải trả giá vào mùa hè năm 2018. Tự nhận là mác-xít và mao-ít, thậm chí ủng hộ chính sách của tổng bí thư Tập Cận Bình, có đến 50 sinh viên trong số này đã bị bắt khi họ cố gắng bênh vực quyền lợi của công nhân nhà máy Jasic Technology ở Huệ Châu (Huizhou) thuộc tỉnh Quảng Đông (5). Khoảng mấy chục sinh viên khác cũng đã bị bắt những tuần lễ sau đó (6).
Hơn 30 năm sau Thiên An Môn, bất chấp việc hiện đại hóa bộ máy an ninh, Trung Quốc vẫn giữ nguyên chiến lược đàn áp hàng loạt. Nhà nghiên cứu Marc Julienne tỏ ra bi quan : Sự tàn úa của các ý tưởng Thiên An Môn và các cuộc tranh luận dân chủ trong xã hội Trung Quốc đương đại khiến người ta nghĩ rằng việc răn đe đã có tác động.
Marc Julienne
Nguyên tác : "De 1989 à 2019 : les évolutions de la doctrine chinoise de maintien de l’ordre depuis Tiananmen", Le grand continent, 27/06/2019
Thụy My dịch
Nguồn : RFI, 04/06/2020
Tham khảo :
(1) ZENZ Adrian, "China’s Domestic Security Spending : An Analysis of Available Data", China Brief, Vol.18, Issue 4, 12/03/2018.
(2) WUTHNOW Joel, "China’s Other Army : The People’s Armed Police in an Era of Reform", China Strategic Perspectives, n°14, tháng Tư/2019.
(3) "Le Comité central du Parti communiste chinois publie le ‘Plan de réforme pour l’approfondissement des institutions du Parti et de l’État’" (中共中央印发《深化党和国家机构改革方案》), Xinhua, 21/03/2018.
(4) Như trên.
(6) https://www.nytimes.com/2018/09/28/world/asia/china-maoists-xi-protests.html
Tháng 6 này đánh dấu 30 năm sự kiện Thiên An Môn, sự kiện chế độ cộng sản Trung Quốc đã dùng quân đội thảm sát hàng ngàn sinh viên biểu tình kêu gọi cải cách để bảo vệ chế độ.
Những người lính có mặt ở Thiên An Môn tháng 6/1989 không muốn nổ súng về phía những người biểu tình, họ đã bị giới lãnh đạo chóp bu Bắc Kinh đẩy vào tội ác. (Ảnh : Japantimes)
Nhiều người đấu tranh tại Việt Nam đã đặt ra câu hỏi là liệu có một cuộc thảm sát như Thiên An Môn ở Việt Nam hay không ? Chế độ cộng sản Việt Nam "có dám" hành động tương tự Trung Quốc để duy trì chế độ ? Câu hỏi này rất đáng được quan tâm. Nguy cơ này không phải là không có khi mà trong các cuộc biểu tình gần đây, dù ôn hòa và với các khẩu hiệu không hướng trực tiếp vào chế độ mà chỉ hướng vào bảo vệ môi trường, chống Formosa, chống Trung Quốc… nhưng vẫn bị chế độ đàn áp dã man. Vậy một cuộc cách mạng thay đổi chế độ, với những khẩu hiệu hướng trực tiếp vào chế độ như đòi đảng cộng sản từ bỏ quyền lực, xóa bỏ hiến pháp, đòi bầu cử tự do… thì có nhiều nguy cơ là sẽ bị đàn áp dữ dội hơn. Nhưng liệu chế độ cộng sản Việt Nam "có dám" gây ra một cuộc thảm sát như Thiên An Môn để duy trì chế độ ?
Biến cố Thiên An Môn
Một cách tóm lược, biến cố này diễn ra sau hơn một thập kỷ Trung Quốc bắt đầu quá trình mở cửa (về kinh tế nhưng vấn siết chặt về chính trị) được Đặng Tiểu Bình xúc tiến vào những năm cuối của thập niên 1970. Những bất mãn trong xã hội Trung Quốc có cơ hội được bộc phát sau những "đêm dài tăm tối" dười thời Mao Trạch Đông, cùng với đó làn sóng dân chủ thứ 3 đang trào dâng trên khắp thế giới (và sắp nhấn chìm sắc đỏ tại Đông Âu và Liên Xô), đã tiếp thêm sức mạnh cho tuổi trẻ Trung Quốc. Cái chết của nhà lãnh đạo mang hơi hướng cải cách Hồ Diệu Bang cùng chuyến thăm của Gorbachov đã là ngòi nổ đưa hàng trăm ngàn sinh viên xuống đường. Vào lúc cao điểm có tới khoảng một triệu người tại quảng trường Thiên An Môn.
Thế rồi Đặng Tiểu Bình đã quyết định loại bỏ những nhân vật ôn hòa trong Đảng cộng sản Trung Quốc và ra lệnh thiết quân luật, vào sáng ngày 4/6/1989 quân đội đã tiến vào quảng trường giải tán cuộc biểu tình và tàn sát hàng ngàn sinh viên vô tội (có thể tới hàng chục ngàn theo một số nguồn tin), nhiều người khác tham gia vào phong trào này cũng bị bắt và một số bị thủ tiêu sau đó. 30 năm sau tội ác này chế độ cộng sản tại Trung Quốc vẫn đứng vững và tội ác này bị đi vào quên lãng tại Trung Quốc bởi bộ máy kiểm duyệt khổng lồ của chế độ. Dù có góc nhìn nào về sự kiện này thì cũng phải khẳng định rằng hành động của chế độ cộng sản Trung Quốc là một tội ác đối với loài người (theo định nghĩa của luật pháp quốc tế thì việc bức hại những người vô tội vì lý do về chủng tộc, về tôn giáo, về giai cấp hay về quan điểm chính trị là một tội ác đối với loài người), không gì có thể biện minh cho tội ác này.
Quay lại với Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam đã từng gây ra một vụ thảm sát còn lớn hơn cả Thiên An Môn ?
Một tội ác tại Việt Nam có quy mô còn lớn hơn cả biến cố Thiên An Môn đã diễn ra trong và sau Cách Mạng Tháng Tám là việc đảng cộng sản Việt Nam đã thảm sát hàng trăm ngàn người yêu nước và vô tội trong các đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, hay những trí thức có uy tín và tiếng tăm vì đã từng tham gia vào cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ cho đất nước, hay đơn giản là không ủng hộ hay bị nghi ngờ là không ủng hộ đảng cộng sản (như các lãnh đạo của Đệ Tứ cộng sản, các tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo...). Khẩu hiệu của đảng cộng sản lúc đó là "Thà mười người bị chết oan còn hơn một địch sống sót".
Phải xây dựng nên một tổ chức đối lập hùng mạnh mang trong mình tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc để đẩy nhanh cuộc vận động tư tưởng.
Cũng như biến cố Thiên An Môn, những người yêu nước và vô tội này bị thảm sát chỉ vì đảng cộng sản muốn loại bỏ mọi mầm mống chống đối để độc quyền lãnh đạo đất nước. Đợt thảm sát này đã cướp đi của dân tộc những người yêu nước chân chính nhất, nó đã là nguyên nhân chính khiến đảng cộng sản có thể trụ vững tại Miền Bắc sau khi phạm phải rất nhiều tội ác đẫm máu. Nó cũng tiêu diệt mất một tầng lớp nhân sự chính trị quý giá và tiềm năng cho Miền Nam sau này, khiến Miền Nam đã chỉ có những cấp lãnh đạo thiếu cả sự chính đáng, tinh thần dân tộc lẫn tổ chức và quyết tâm - nên đã thất bại trước cộng sản. Có thể nói cuộc thảm sát này đã thay đổi hẳn hướng đi của dân tộc ta trong hơn 70 năm qua, hướng đi vào độc tài, nội chiến và tụt hậu. Với mỗi người Việt Nam thì đây là một thảm kịch có quy mô lớn hơn nhiều Thiên An Môn, tuy vậy cho tới nay nó vẫn chưa nhận được sự quan tâm như nó đáng ra phải nhận được, như sự quan tâm của dư luận Việt Nam với sự kiện Thiên An Môn là điều làm mỗi chúng ta phải suy ngẫm ?
Còn hiện nay ?
Sau hơn 70 năm sự cuồng tín đã được thay bằng sự tham lam, lòng tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin đã được thay bằng tiền và quyền, chế độ cộng sản cũng bị lệ thuộc các nước dân chủ hơn hẳn trước đây. Ngoại thương với các nước dân chủ còn lớn hơn cả GDP và vẫn đang tiếp tục tăng lên, bất cứ hành động đàn áp quy mô lớn nào như Thiên An Môn chắc chắn sẽ dẫn tới sự trừng phạt của khối dân chủ và sẽ làm sụp đổ nền kinh tế lẫn chế độ cộng sản. Tuy vậy sự tăm tối của chế độ thì vẫn còn, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ. Như vậy nguy cơ về một vụ đàn áp như Thiên An Môn hay như trong và sau Cách Mạng Tháng Tám đã giảm xuống nhưng không phải là không có. Cái chúng ta cần làm là phải hạn chế tối đa nguy cơ này, để tránh những đổ vỡ không đáng có cho dân tộc.
Hạn chế thế nào ? Với những gì đã xảy ra tại Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia hay Liên Xô và Đông Âu trước đây chúng ta phải kết luận rằng sự gian ác nằm trong bản chất của các chế độ cộng sản. Lênin từng định nghĩa "đạo đức là những gì có lợi cho đảng", nghĩa là nếu bắt cóc, ám sát, khủng bố những người chống đối mà có lợi cho đảng thì họ vẫn làm và thực tế là đã làm nhiều lần trước đây. Như vậy chế độ cộng sản Việt Nam vẫn sẽ đàn áp đối lập nếu như họ có thể đàn áp được.
Vậy muốn chế độ cộng sản không thể đàn áp mạnh tay với những người đối lập được thì chúng ta phải đặt chế độ cộng sản vào "thế" là dù họ có muốn đàn áp mạnh tay cũng không thể đàn áp được. Muốn đẩy được đảng cộng sản vào "thế" này thì chúng ta phải mạnh và đảng cộng sản phải yếu, phải tăng cường sức mạnh của chúng ta và phải làm suy yếu, chia rẽ chế độ cộng sản. Muốn thế chúng ta cần chuẩn bị trước một cuộc vận động tư tưởng rộng khắp trước khi thời cơ tới.
Luôn cần một cuộc vận động tư tưởng đi trước mọi cuộc cách mạng ?
Chế độ cộng sản tại Việt Nam hay Trung Quốc đều không kế thừa quyền lực và bộ máy từ thế lực nào mà đều do đấu tranh để nắm được chính quyền. Họ lên cầm quyền được là do có rất nhiều người ủng hộ, giúp đỡ họ tận tình, do tuyệt đại đa số quần chúng đã chấp nhận họ một cách thụ động (thí dụ như im lặng, nhẫn nhục, luồn lách để sống…), và do họ đã chỉ gặp phải rất ít chống đối thực sự. Muốn thay đổi chế độ cộng sản bằng một chế độ dân chủ thì phải đảo ngược quá trình này, nghĩa là phải giảm số lượng những người ủng hộ họ, làm suy yếu, chia rẽ chế độ, phải thuyết phục quần chúng tìm một giải pháp chung cho cả dân tộc thay vì luồn lách, nhẫn nhục để sống, và nhất là phải gia tăng số lượng những người chống đối thực sự, chống đối đúng phương pháp. Muốn thế thì cần có một cuộc vận động tư tưởng rộng lớn để thuyết phục quần chúng và ngay cả những người trong chế độ, và để xây dựng lực lượng đối lập.
Một cách cụ thể, cuộc vận động tư tưởng này trước hết phải thức tỉnh người dân về sự cần thiết của một giải pháp chung cho cả dân tộc chứ không thể cứ luồn lách, nhẫn nhục để sống. Phải thuyết phục người dân tin rằng mọi người đều gắn bó với nhau trong một số phận chung, và đều sẽ có một tương lai tươi sáng nếu dân chủ được thiết lập ; rằng dân chủ không mang lại hỗn loạn, chậm tiến, chia rẽ mà ngược lại ; rằng tự do và dân chủ không phải là các giá trị của riêng phương Tây mà là các giá trị phổ cấp của loài người và mỗi người đều cần có nó để có thể tự tìm cho mình một cuộc sống xứng đáng.
Cùng với các nỗ lực đó cũng phải thuyết phục những người trong chế độ, ủng hộ và giúp đỡ tận tình cho chế độ rằng không phải lo lắng khi chế độ chấm dứt mà ngược lại, danh dự, nhân phẩm và những quyền lợi hợp pháp của họ sẽ được tôn trọng. Hơn nữa phải thuyết phục những người vẫn còn đặt hi vọng cho chế độ rằng không thể cải tiến một chính quyền tham nhũng mà phải thay thế nó, cũng như không thể cải tiến một chế độ cộng sản mà phải xóa bỏ nó nếu muốn xây dựng dân chủ, phải đoạn tuyệt với chế độ. Nỗ lực này bắt buộc phải đi cùng với tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc một cách thành thực. Khi thành công nó sẽ làm giảm những người ủng hộ chế độ, làm chia rẽ, suy yếu khả năng tự vệ của chế độ.
Và quan trọng nhất là phải gia tăng những những người chống đối, phải xây dựng nên một lực lượng đối lập mạnh và gắn kết. Đây là điều quan trọng nhất vì tổ chức đối lập mạnh hay yếu sẽ quyết định cuộc vận động tư tưởng đi nhanh hay chậm. Tổ chức cũng là môi trường để hình thành nên tư tưởng chính trị. Ngoài ra nó cũng là yếu tố không có không được nếu muốn vận động quần chúng nổi dậy. Ở đây cần một vận động tư tưởng lớn để thay đổi cách suy nghĩ của những người tranh đấu - rằng đấu tranh chính trị không thể là đấu tranh cá nhân mà luôn luôn chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức. Cuộc vận động tư tưởng này sẽ cung cấp thêm nhân sự, làm cho các tổ chức đối lập mạnh lên.
Khi cuộc vận động tư tưởng đã hoàn tất, quần chúng đã thấy sự cần thiết của một giải pháp chung cho cả dân tộc trong một chế độ mới ; những người trong chế độ cũng thấy được mình không những không bị đe dọa mà sẽ có một tương lai tốt hơn trong chế độ mới, chế độ đã suy yếu, chia rẽ và mất khả năng tự tồn ; cũng như một lực lượng đối lập đủ mạnh để vận động quần chúng đã chín muồi này thì một cuộc cách mạng xảy ra là điều đương nhiên. Nó xảy ra như thế nào chỉ là những chi tiết (1).
Hãy thử tưởng tượng tình hình sẽ thế nào nếu một đối lập mạnh được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, trí thức và có cả những thành viên trong chính quyền, công an và cả quân đội ? Khi đó nếu tổ chức này vận động quần chúng thì các lãnh đạo đảng cộng sản sẽ thấy là tính mạng của mình cũng bị đe dọa nếu chống đối tới cùng, họ sẽ không thể làm gì khác hơn là từ bỏ quyền lực để rút lui trong an toàn như nhiều lãnh đạo cộng sản tại các nước Đông Âu trước đây, vì khi đó dù có đàn áp cũng không thể ngăn được cách mạng nữa. Hơn nữa sự cuồng tín là đặc điểm của những người có lý tưởng hay bị dồn vào chân tường, đó không phải là trường hợp của các lãnh đạo cộng sản hiện nay nếu như đối lập mang trong mình tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Tại sao chế độ cộng sản Trung Quốc vẫn trụ vững sau tội ác Thiên An Môn ?
Những phân tích trên cho phép chúng ta tìm ra nguyên nhân mà chế độ cộng sản Trung Quốc vẫn đứng vững sau khi gây ra tội ác Thiên An Môn. Những sinh viên có mặt tại quảng trường Thiên An Môn vào thời điểm đó, nghĩa là lực lượng chính, vẫn rất chia rẽ về mục tiêu, có người đòi tự do và dân chủ, có người đòi đảng cộng sản đánh giá lại di sản của Hồ Diệu Bang và tiếp tục con đường của ông, có người muốn chế độ cải tiến nhanh hơn chứ không phải lật đổ chế độ, có người ủng hộ một phe cánh trong chế độ chứ không có ý định thay đổi chế độ (2)...
Một nhân chứng hiện đang tị nạn tại Pháp nói rằng : "Sau vụ thảm sát, người ta cho đó là những sinh viên mơ đến nền dân chủ và chỉ muốn lật đổ chế độ cộng sản. Sự thật không phải như thế. Đa số sinh viên chỉ đòi những cải tổ. Chúng tôi đã tin rằng đảng, các lãnh đạo và nhà nước sớm muộn gì cũng sẽ lắng nghe chúng tôi. Chúng tôi chỉ muốn cải tổ chính trị, chứ không làm cách mạng" (3).
Điều này cho thấy cuộc vận động tư tưởng vẫn chưa hoàn tất khi mà ngay cả trong lực lượng chính vẫn chưa trả lời dứt khoát được câu hỏi nền tảng là nên thay đổi hay cải tiến chế độ ? Trong khi chế độ cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không thể cải tiến được - điều này đã được chứng minh trên cả lý luận lẫn thực tế (4). Sự chia rẽ về mục tiêu của phong trào (nhất là giữa cải tổ chế độ và thay đổi chế độ) cũng cho thấy lực lượng lãnh đạo chưa đủ mạnh, thống nhất và gắn bó về một lý tưởng chung. Khi cuộc vận động tư tưởng chưa hoàn tất thì thất bại của tuổi trẻ Trung Quốc là điều khó tránh được. Xã hội Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc cách mạng.
Tương quan lực lượng cũng xác nhận lại điều này, ngay cả với con số vào lúc đỉnh điểm là một triệu người (ở thời điểm khác có khoảng vài chục đến vài trăm ngàn người) trong một đất nước hơn một tỉ người cũng là quá ít, để dễ so sánh thì chúng ta có thể nhìn qua cuộc cách mạng Nhung tại Tiệp Khắc, lúc cao điểm có tới nửa triệu người xuống đường tại Praha trong một đất nước chỉ hơn 15 triệu người. Cùng với đó chính quyền Trung Quốc trong thập kỷ 1980 có thể xem như là một chính quyền quân chủ với ngai vàng trong tay Đặng Tiểu Bình, ông ta đã đánh bại vây cánh của Mao Trạch Đông để nắm quyền, có thể chỉ định hay cắt chức tổng bí thư của Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, tàn sát sinh viên trong biến cố Thiên An Môn mà không gặp phải một chống đối nào. Cuộc vận động tư tưởng vẫn chưa đủ mạnh để làm suy yếu, chia rẽ trong nội bộ chế độ cộng sản, văn hóa dân chủ vẫn chưa đủ lan tỏa để làm suy yếu được văn hóa quân chủ vốn đã tồn tại hàng ngàn năm tại Trung Quốc. Tình hình Trung Quốc vào lúc đó chưa chín muồi cho một cuộc cách mạng.
Và Việt Nam ?
Những phân tích về cuộc vận động tư tưởng cũng giải thích tại sao chế độ cộng sản tại Việt Nam vẫn chưa bị đánh bại. Rất nhiều trí thức uy tín vẫn tìm giải pháp ngay bên trong chế độ, vẫn kiến nghị, góp ý, muốn cải tiến thay vì thay đổi chế độ. Trí thức là trí tuệ của một dân tộc, nếu các trí thức vẫn loay hoay tìm giải pháp bên trong chế độ thì chỉ làm gương cho quần chúng tiếp tục luồn lách để tìm cách vươn lên trong chế độ thay vì thay đổi nó mà thôi. Người dân đã chán ghét chế độ cộng sản nhưng vẫn chưa nhìn thấy rõ được một giải đáp mới, một lực lượng mới. Cuộc vận động tư tưởng vẫn chưa hoàn tất, chưa cung cấp đủ nhân sự cho đối lập dân chủ thì không thể dẫn tới cách mạng, hành động vào lúc này chỉ dẫn tới thất bại và tổn hao lực lượng.
Ở đây cũng phải nhấn mạnh thêm rằng sở dĩ nhân sự của lực lượng đối lập dân chủ bị thiếu hụt còn do đảng cộng sản Việt Nam đã hai lần tiêu diệt hết những người yêu nước, một lần là trong và sau Cách Mạng Tháng Tám như đã nói ở trên. Một lần khác là sau ngày 30/4/1975, lần này giới tinh hoa miền Nam không bị giết như Cách Mạng Tháng Tám nhưng bị đánh gục ý chí và quyết tâm tranh đấu cho đất nước bằng những nhà tù, trại cải tạo và chính sách khủng bố miền Nam sau ngày 30/4/1975. Xét cho cùng thì sức sống của một dân tộc chủ yếu được quyết định bởi những người yêu nước và gắn bó với tương lai của đất nước, tiêu diệt họ là đánh gục cả một đất nước. Đảng cộng sản Việt Nam đã làm điều này tới hai lần, chính lý do này mà những yêu nước và còn giữ được quyết tâm cho đất nước hiện nay chỉ là một thiểu số rất ít ỏi, chính điều này đã làm chế độ cộng sản có thể trụ vững tới ngày hôm nay.
Chúng ta không thể cho phép đảng cộng sản Việt Nam thực hiện tội ác này thêm một lần nào nữa. Những người tranh đấu cho tương lai đất nước phải thận trọng tối đa để tránh mắc nạn, để tránh trường hợp một khi cơ hội tới chúng ta lại không có đủ lực lượng để đổi dòng lịch sử, như chúng ta đã từng bỏ lỡ cơ hội với Việt Nam Cộng Hòa vì các lực lượng yêu nước đã bị giết gần hết sau Cách Mạng Tháng Tám, cũng như cơ hội 1989-1991 vì các lực lượng yêu nước đã bị đánh gục sau ngày 30/4/1975. Trong trường hợp không may mắc nạn chúng ta sẽ không cúi đầu, để khẳng định chính nghĩa như tinh thần của các anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ.
Gần một thế kỷ qua Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định số phận của đất nước ta và đã gây ra rất nhiều mất mát và đổ vỡ cho dân tộc. Vậy từ hôm nay, thay vì đóng vai nạn nhân của lịch sử, chúng ta hãy cố gắng quyết định hướng đi của đất nước, quyết định rằng sẽ không để đảng cộng sản gây ra thêm đổ vỡ cho đất nước nữa. Chúng ta sẽ không cho đảng cộng sản có cơ hội để đàn áp mạnh tay khi vận hội của lịch sử đến, hay dù muốn đàn áp họ cũng không đàn áp được vì khi đó chúng ta đã mạnh hơn họ. Và muốn thế thì phải xây dựng nên một tổ chức đối lập hùng mạnh mang trong mình tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc để đẩy nhanh cuộc vận động tư tưởng. Tinh hình có thể chuyển biến rất nhanh.
Trần Hùng
(11/06/2019)
(1) Nội dung của cuộc vận động dân chủ - facebook.com/notes/1215557535121019
(2) vi.rfi.fr/chau-a/20190606-mua-xuan-bac-kinh-1989-uoc-mo-dan-chu-tan-vo
(3) vi.rfi.fr/chau-a/20190604-cac-nha-ly-khai-trung-quoc-nhin-lai-thien-an-mon-30-nam-sau
(4) Một cuộc chuyển hóa không thể được - facebook.com/notes/658657014144410
Khi Thiên An Môn từ "cổng địa đàng" thành "cổng địa phủ"
Tiananmen – Thiên An Môn là ba chữ chính chiếm lĩnh mục thời sự Châu Á trên nhiều nhật báo lớn của Pháp số ra ngày 04/06/2019.
Ảnh minh họa và tít trên trang nhất báo Le Figaro (04/06/2019) : "Ba mươi năm sau tấn thảm kịch Thiên An Môn, bàn tay của chế độ Trung Quốc vẫn siết chặt". Capture d'ecran Le Figaro.
Vào ngày này, "cách nay đúng 30 năm, Trung Quốc cộng sản tàn sát giới trẻ tại quảng trường Thiên An Môn", Le Figaro nhắc lại.
Trên trang nhất, nhật báo thiên hữu đăng lại tấm ảnh một nam sinh áo trắng hiên ngang đối mặt với bốn chiếc xe tăng sắp hàng thẳng tắp rồi đề tựa "Ba mươi năm sau tấn thảm kịch Thiên An Môn, bàn tay của chế độ Trung Quốc vẫn không nới lỏng".
"Ngày mồng 4 tháng Sáu năm 1989" là ngày bị cấm kỵ nhất trong lịch sử Trung Quốc đương đại. Cái ngày mà Bắc Kinh luôn tìm cách chôn vùi vào trong quên lãng từ 30 năm qua. Trong đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4 tháng Sáu, chế độ cộng sản đã phạm một điều không thể nào bào chữa được : cho quân đội nã súng và xe tăng nghiền nát người dân, những người tay không tấc sắt và ôn hòa. Họ phải trả giá cho việc dám tố cáo nạn tham nhũng và đòi cải cách dân chủ.
Le Figaro có dịp gặp lại những nhân chứng năm xưa vẫn còn sống sót, hồi tưởng lại cái đêm náo loạn khủng khiếp đáng sợ. Họ biết rằng đấu tranh đòi cải cách dân chủ có thể bị cảnh ngục tù, tra tấn, nhưng họ chưa bao giờ nghĩ rằng máu sẽ đổ thành sông, thây sẽ biến thành bùn thành cát, để rồi trôi theo những dòng nước hòa cùng với máu đổ xuống cống rãnh. Những người sinh viên hay những phóng viên năm xưa chứng kiến cảnh tàn sát đó không bao giờ quên được những hình ảnh hãi hùng, ghê rợn.
Sau cái đêm kinh hoàng này, những sinh viên đầu đàn, số thì bị bắt vì nghĩa khí anh hào để rồi bị tra tấn tàn nhẫn, số may mắn chạy thoát nhờ vào chiến dịch "Yellow Birds" do một số nhà ngoại giao Anh, Pháp, Mỹ cũng như các nhà tài phiệt Hồng Kông hảo tâm và Hội Tam Hoàng thời ấy tổ chức.
Thiên An Môn : Một ký ức "vướng víu"
Ba mươi năm sau vụ đại thảm sát là một cuộc đại tẩy, một sự im lặng nặng như chì. "Thiên An Môn, ba mươi năm im lặng" là hàng tít lớn trên trang nhất của nhật báo công giáo La Croix. Còn tờ Libération ngậm ngùi nhận định "Thiên An Môn, tấn thảm kịch bị ném vào quên lãng".
Có bao nhiêu nạn nhân trong vụ thảm sát đó ? Ba trăm người, theo chính quyền Trung Quốc, phần đông là cảnh sát ? Mười ngàn người, theo Alan Donald, đại sứ Anh tại Trung Quốc thời bấy giờ ? Hay 2.600 người theo số liệu của Hồng Thập Tự Trung Quốc ? Cho đến giờ không ai biết được con số chính xác.
Đối với tác giả bài xã luận của Le Figaro, sự kiện Thiên An Môn là "một bí mật đau đớn". Những bí mật này đang bị chính quyền Trung Quốc tìm cách xóa tan, "triệt tiêu khỏi ký ức". Tờ báo viết : "Những cuộc nổi loạn này không bao giờ tồn tại, cần phải được gạt bỏ ra khỏi sách vở học đường, tẩy sạch trí não, cấm tiệt trên mạng xã hội".
Bởi vì, "trong tâm trí các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ký ức về Thiên An Môn vẫn luôn tồn tại. Nó đeo bám họ. Nỗi sợ sự sôi sục đòi dân chủ nguy hiểm này đã sản sinh ra sự ám ảnh phải "kiểm soát". Nỗi ám ảnh đó đã đạt đến đỉnh điểm dưới thời Tập Cận Bình".
Cho nên để xóa tan vết thương và ký ức đau thương này, ba năm sau ngày thảm họa, tháng Giêng 1992, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra một bước đi kế tiếp cho người dân Trung Quốc : "Hãy làm giầu đi, cần phải lấy cái gì hay của chủ nghĩa tư bản để tạo nên mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Hoa".
Với ông Thái Sùng Quốc (Cai Chongguo), cựu giảng viên triết học, câu nói trên của Đặng Tiểu Bình còn hàm ý rằng "Hãy câm miệng đi. Một nền tư bản chủ nghĩa và các chương trình tư hữu hóa tuy không nói ra đã được thiết lập. Và Trung Quốc ngày nay mạnh hơn rất nhiều".
Vẫn theo nhận định của ông Thái Sùng Quốc với báo Libération, sức mạnh này mạnh đến nỗi khiến các đối tác thương mại của Bắc Kinh phải câm lặng. "Trung Quốc tự hào về những thành tựu kinh tế, quân sự và công nghệ. Những thành tựu này nuôi dưỡng một tinh thần dân tộc chủ nghĩa, vốn dĩ ngày càng ít dung thứ những lời chỉ trích của phương Tây. Xã hội đã bị đồng tiền và gậy dùi cui kiểm soát".
Trung Quốc 2019 : Một "1984" của George Orwell ?
Nói một cách khác, "Kể từ giờ, chủ nghĩa tổng thể ngự trị trong đảng cộng sản và xã hội thì bị dắt mũi", Le Figaro nhận xét.
Bởi vì người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ mạo hiểm xuống đường để đòi dân chủ nữa. Họ chấp nhận bản "hợp đồng" mà Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1992. Họ chấp nhận đánh đổi sự giầu có để không bao giờ đặt vấn đề về sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng như dấn thân vào chính trị.
Người vỡ mộng là những thế hệ sinh viên năm xưa và nhất là phương Tây. Họ ngây thơ nghĩ rằng sự trỗi dậy của một tầng lớp trung lưu ngày càng có điều kiện du lịch bên ngoài sẽ kéo đất nước hướng đến sự dân chủ hóa.
Nhưng ba mươi năm sau Thiên An Môn, Trung Quốc còn siết chặt hơn nữa kiểm soát xã hội, nhằm triệt ngay từ trong trứng nước mọi mầm mống nổi loạn hay thể hiện quan điểm đối lập. Công nghệ kỹ thuật tinh vi như trí thông minh nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt còn giúp cho chế độ dễ dàng kiểm soát người dân.
Những chiếc xe tăng năm nào nay được thay thế bằng những mạng lưới camera chằng chịt. Như vậy, "ngày nay sẽ khó mà tham gia vào các cuộc biểu tình như là vụ Thiên An Môn năm 1989", theo như nhận xét của ông Patrick Poon, thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, chi nhánh tại Hồng Kông.
Điều đáng buồn hơn là "ba mươi năm sau vụ Thiên An Môn : Những thế hệ trí thức Trung Quốc mới sẽ không đối đầu với chính quyền". Đây cũng chính là nhận định của nhà nghiên cứu Trung Quốc học, Sebastian Veg với nhật báo Le Monde trong một cuộc phỏng vấn.
Há chẳng phải đây là một mô hình xã hội mà nhà văn người Anh George Orwell đã từng dự đoán trong tác phẩm nổi tiếng "1984", xuất bản năm 1949 đó hay sao ?
Shangri-La 2019 : Mỹ - Trung đối đầu, ASEAN "khó xử"
Tình hình Châu Á, đặc biệt là tại Đông Nam Á, đã trở nên sôi bỏng hơn sau cuộc đấu khẩu dữ dội giữa Mỹ và Trung Quốc tại Diễn đàn An ninh Shangri–La, tại Singapore trong hai ngày cuối tuần 1 và 2/06/2019.
Le Monde, trong bài phân tích có tựa đề "Hoa Kỳ và Trung Quốc hình thành một cuộc chiến tranh lạnh mới", nhận định thế giới đang bị phân chia thành hai cực đáng lo ngại. Đa số các nước thành viên trong khối ASEAN cho rằng việc phải chọn lựa giữa hợp tác kinh tế với Trung Quốc và bảo đảm an ninh của Mỹ là điều không thể.
Đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Biển Đông đều không muốn có một sự đối đầu với Trung Quốc và kêu gọi xử lý căng thẳng thông qua con đường ngoại giao. Một quan điểm cũng được bộ trưởng Quân lực Pháp, Florence Parly chia sẻ "Đối với những quốc gia tầm cỡ trung bình trong khu vực, lập trường của Pháp rất hữu ích, vì không thiên về một bên nào cả. Chúng tôi không muốn tham gia vào cuộc tranh cãi mà Hoa Kỳ có thể có với Trung Quốc".
Bắc Triều Tiên : Căng thẳng trong nội bộ gia tăng ?
Phải chăng các nhà đàm phán Bắc Triều Tiên đang trả giá đắt cho thất bại thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 02/2019 ?
Đây là câu hỏi giới quan sát tìm cách giải đáp sau nhiều lời đồn đoán cho rằng lãnh đạo Kim Jong-un cho thanh trừng 5 quan chức cao cấp tham gia cuộc đàm phán.
Le Monde dè chừng trước thông tin do tờ báo cánh hữu Chosun Ilbo tại Hàn Quốc loan báo, cho rằng dường như 5 nhà ngoại giao, trong đó có ông Kim Hyok-chol, nhà đàm phán trong cuộc thương thuyết hạt nhân với Mỹ, đã bị hành quyết vì tội "phản bội lòng tin của lãnh đạo".
Nguyên nhân của thất bại này có lẽ là do sự thiếu chuẩn bị. Và đối với nhà lãnh đạo, đây cũng bị xem như là thất bại của cá nhân ông. Tuy thực hư chưa rõ, do không thể kiểm chứng, nhưng theo nhật báo này, có những tín hiệu đáng chú ý tại Bắc Triều Tiên, cho thấy Kim Jong-un dường như đang gặp khó khăn trong nội bộ.
Đầu tiên hết là sự vắng mặt của các nhà đàm phán trên trong cuộc gặp giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên với nguyên thủ Nga hồi cuối tháng Tư (2019) này.
Thứ hai là lời nhắc nhở "kỷ luật tư tưởng" của tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Bắc Triều Tiên, kêu gọi củng cố "tinh thần xã hội chủ nghĩa" và chống lại "hiện tượng phản chủ nghĩa xã hội hiện nay". Một lời cảnh cáo nhắm vào nhiều chủ doanh nghiệp mới, từ nhiều năm nay đã biến đổi nền kinh tế đất nước ngày càng trở nên linh hoạt hơn, pha lẫn giữa kinh tế chỉ huy và sáng kiến tư nhân.
Thứ ba, hiện tượng bắt giam nhiều "chủ doanh nghiệp đỏ", những người được mệnh danh "bậc thầy tiền tệ", hơi khá phô trương. Cuối cùng là quyết định đình chỉ các dự án với nhiều đối tác Trung Quốc.
Theo Le Monde, thất vọng ngoại giao, cùng với những khó khăn trong việc quản lý một xã hội đang có những chuyển đổi sâu sắc giải thích vì sao chế độ Bình Nhưỡng đang có xu hướng thu hẹp về những nền tảng cơ bản – tức có những "hành động hung hăng hơn". Đây cũng chính là những dấu hiệu cho thấy một sự "bất ổn" trong bộ máy chính quyền.
Bình Nhưỡng dường như bất ngờ trước thất bại của cuộc họp thượng đỉnh. Donald Trump quả thật thường xuyên tái khẳng định sự tin tưởng của ông vào Kim Jong-un, nhưng Washington đã rút ra khỏi bàn đàm phán. Các cuộc bắn thử tên lửa hồi đầu tháng 5/2019 không làm rúng động tổng thống Mỹ. Thậm chí ông còn tuyên bố là các vụ "bắn thử này chẳng làm ông phiền lòng".
Minh Anh
Số người chết trong vụ thảm sát Thiên An Môn là 'khoảng 10.000' (BBC, 25/12/2017)
Vụ quân đội Trung Quốc đàn áp các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã làm ít nhất 10.000 người thiệt mạng, theo tài liệu mới được công bố của Anh.
Một chiếc xe tăng đang cháy hôm 4/6/1989, gần Quảng trường Thiên An Môn
Số liệu được nêu trong một điện tín ngoại giao bí mật do ông Alan Donald, Đại sứ Anh tại Trung Quốc hồi năm 1989, gửi đi.
Nguồn tiết lộ con số này là bạn của một thành viên trong Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, vị đại sứ cho hay.
Những ước tính trước đây về số người chết trong các cuộc biểu tình dân chủ Thiên An Môn là vào khoảng vài trăm cho đến trên 1.000 người.
Theo một thông báo của Trung Quốc hồi cuối tháng 6/1989, 200 người dân và vài chục nhân viên an ninh đã thiệt mạng ở Bắc Kinh sau cuộc đàn áp "những kẻ nổi dậy phản cách mạng" hôm 4/6/1989.
Bức điện của ông Donald được gửi đi hôm 5/6. Ông cho biết nguồn tin của mình là một người "truyền lại thông tin từ một người bạn thân, người hiện đang là ủy viên của Hội đồng Nhà nước [Trung Quốc]".
Hội đồng này thực chất là nội các chính phủ của Trung Quốc và do thủ tướng làm chủ tịch.
Sinh viên tuyệt thực biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn hôm 14/5/1989
Bức điện của ông Donald được giữ tại Kho lưu trữ Quốc gia Anh ở London. Hồi tháng 10, tài liệu này được giải mật và trang tin HK01 đã được xem.
Ông Donald nói nguồn tin của ông là đáng tin cậy, và là người luôn "thận trọng để tách biệt sự thật với suy đoán và tin đồn".
Ông viết : "Các sinh viên tưởng là họ có một giờ đồng hồ để rời quảng trường nhưng chỉ sau năm phút, các xe tăng đã tấn công.
"Sinh viên khoác tay nhau nhưng họ bị xe bọc thép cán, trong đó có cả binh lính. Sau đó xe bọc thép cán đi cán lại trên thân thể họ để làm thành 'bánh' và thi thể họ bị xe ủi chuyển đi. Xác người bị đốt rồi xả xuống cống".
"Bốn nữ sinh viên cầu xin tha mạng nhưng họ bị đâm".
Ông Donald nói thêm rằng "một số ủy viên của Hội đồng Nhà nước cho rằng nội chiến sắp xảy ra".
Cuộc biểu tình chính trị kéo dài bảy tuần trước khi quân đội được điều đến. Đó là đợt biểu tình lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc thời cộng sản.
Vụ thảm sát Thiên An Môn cho đến nay vẫn là chủ đề hết sức nhạy cảm ở Trung Quốc.
Trung Quốc cấm các nhà hoạt động kỷ niệm và kiểm soát rất chặt các thảo luận trên mạng về sự kiện này, thậm chí còn kiểm duyệt các ý kiến chỉ trích.
Tuy vậy, cuộc thảm sát Thiên An Môn vẫn được các nhà hoạt động trên thế giới kỷ niệm hàng năm, đặc biệt là ở Hong Kong và Đài Loan.
****************
Quân đội Trung Quốc thảm sát 10.000 người trong vụ Thiên An Môn (RFI, 23/12/2017)
Gần 30 năm sau vụ thảm sát đẫm máu Thiên An Môn tháng 6/1989, công chúng vẫn tiếp tục đặt câu hỏi : Có bao nhiêu người là nạn nhân của quân đội Trung Quốc ? Một thông tin vừa được cơ quan Lưu trữ quốc gia Anh tiết lộ cho biết khoảng 10.000 thường dân thiệt mạng trong biến cố kinh hoàng này.
Hồng Kông thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn. Ảnh ngày 04/06/2016. Reuters
AFP hôm nay, 23/12/2017, thông báo đã tiếp cận được bức điện mật gửi về nước của đại sứ Anh tại Bắc Kinh vào thời điểm đó, trong đó ông khẳng định "ước tính tối thiểu có 10.000 nạn nhân". Con số nói trên cao gấp nhiều lần các ước tính được đưa ra năm 1989.
Chính quyền Trung Quốc đã kiểm duyệt nghiêm ngặt thông tin, chỉ đưa ra con số khoảng 200 người chết về phía dân thường, và "vài chục" về phía quân đội. Con số mới được công bố cũng cao hơn nhiều so với số liệu mà Hội Hồng Thập Tự Trung Quốc và các ủy hội sinh viên hồi đó cung cấp (2.700 người chết).
Báo cáo của đại sứ Anh Alan Donald – dựa trên thông tin từ một nguồn ẩn danh làm việc trong chính phủ Trung Quốc vào thời điểm đó - thuật lại cái đêm khủng khiếp từ ngày mùng 3 qua ngày 4/6, khi quân đội Trung Quốc tiến vào quảng trường Thiên An Môn mênh mông, trung tâm quyền lực của chế độ cộng sản, bị những người biểu tình chiếm giữ suốt bảy tuần lễ.
Theo đại sứ Anh, các sinh viên đã hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công tàn khốc. Khi quân đội đến quảng trường Thiên An Môn, họ "đã tin là có một giờ để sơ tán, thế nhưng chỉ 5 phút sau đó, quân đội đã nổ súng".
"Xe thiết giáp của Quân đoàn 27 xả súng vào đám đông", những người còn sống sót bị binh sĩ hạ sát ở cự ly gần. Điện thư của đại sứ Anh kể rõ xe thiết giáp "đã cán đi, cán lại nhiều lần" khiến các thi thể bị "nghiền nát hoàn toàn".
Điện mật của đại sứ Anh cho biết lực lượng tấn công sinh viên của Quân đoàn 27 bao gồm các binh sĩ đến từ tỉnh Sơn Tây (Shanxi), trong số họ "60% mù chữ".
AFP khẳng đinh nhà Hán học Pháp Jean-Pierre Cabestan cũng cho rằng số lượng thường dân thiệt mạng nói trên là "đáng tin cậy", khi so sánh với các tài liệu giải mật những năm gần đây của Hoa Kỳ.
Jean-Pierre Cabestan cho biết thêm chế độ cộng sản vào lúc đó "đã mất kiểm soát Bắc Kinh". Lực lượng phản kháng đã lập nhiều chốt chặn trên khắp thành phố. "Người dân Bắc Kinh đã kháng cự và chắc chắn đã xảy ra nhiều trận đánh hơn là mọi người vẫn nghĩ".
Về tình hình chung, theo đại sứ Anh, cuộc đàn áp tàn khốc gây căng thẳng cao độ trong nội bộ quân đội Trung Quốc. Tư lệnh vùng Bắc Kinh lúc đó đã từ chối cấp thực phẩm và nơi ở cho các đơn vị đàn áp sinh viên. Một số thành viên chính phủ Trung Quốc còn dự đoán "nội chiến có thể bùng phát".
Trọng Thành