Gần đây tờ Nikkei Asian Review có một bài viết về sự tăng trưởng ấn tượng trong ngành bảo hiểm và thiết bị an ninh công nghệ tại Việt Nam. Theo đó, đang có một tầng lớp trung lưu móc hầu bao nhiều hơn cho những gói bảo hiểm và thiết bị an ninh giám sát để bảo vệ đời sống thường nhật của con cái, người thân và cho chính họ. Một công ty bảo hiểm của Nhật có mức độ tăng trưởng gấp 11 lần kể từ lúc thành lập năm 2007. Một con số quá đỗi ấn tượng nếu so sánh với nền kinh tế của Việt Nam và mức thu nhập trung bình trong xã hội. Dẫu vậy nội dung của bài viết để lại trong tôi nhiều ưu phiền.
Tiêu đề bài viết "Người Việt Nam mở hầu bao để mua chút bình yên trong tâm trí !" bật lên một hiện trạng đáng buồn đang kìm kẹp xã hội và con người Việt Nam nói chung.
Vay tín chấp theo bảo hiểm nhân thọ
Từ câu chuyện người tài xế già vừa mua một gói bảo hiểm 36 triệu đồng gồm cho cả vợ ông ấy. Đây thực sự là một khoản tiền lớn nếu so với mức lương trung bình 6-8 triệu đồng ở khu vực đô thị. Nhưng ông ấy cảm thấy an tâm hơn. Một người phụ nữ công sở, một người mẹ có con nhỏ ở nhà. Cô ấy chi trả một khoản để lắp đặt gói camera an ninh giám sát người trông trẻ ở nhà. Không phải cô ấy không tin người trông trẻ, nhưng việc thỉnh thoảng bật điện thoại lên để kiểm tra đem lại sự nhẹ nhõm khi liên hệ đến những tin tức về bạo hành trẻ em trên mặt báo.
Chúng ta gặp nhiều ví dụ thực tế như vậy và liên hệ với chính bản thân chúng ta. Với hầu hết mọi người, xã hội Việt Nam hiện tại không đáng sống. Chúng ta có một chế độ độc tài bạo ngược cai trị suốt mấy chục năm. Từ độc tài đưa đến việc quản lý nhà nước thiếu minh bạch, tham nhũng, vô pháp...càng dẫn đến sự hủy hoại về tinh thần và vật chất nhanh chóng hơn. Ai cũng lo lắng, có quá không khi một số người có điều kiện hơn đang dồn cố gắng để đi tìm mua một chút cảm giác bình yên ?
Một cuộc hội thoại giữa người mẹ với cô con gái bây giờ đã là công dân Úc. "Cô Tám vừa bán được căn nhà ở trung tâm 8 tỷ. Cuối năm này đi Canada rồi. Gần 60 tuổi giấc mơ cũng thành hiện thực" - "Người giàu họ tính rất xa và rất kĩ !". Câu kết luận của cô con gái để lại trong tôi nhiều ưu tư. Cái gì làm cho người Việt tìm mọi cách ra đi như vậy ? Với thế hệ người Việt tại hải ngoại đầu tiên, những thuyền nhân, những người tị nạn thì hai chữ Việt Nam nhiều khi gợi lại một kí ức đau thương, ám ảnh suy nghĩ của họ không ngoai. Họ đã không chỉ "bỏ của chạy lấy người", mà do sự thất vọng quá lớn họ quyết định bỏ lại luôn những mảnh kí ức ở lại.
Lần này, cuộc di chuyển "cả của và người" không ồ ạt mà lại có suy tính rất lâu và kiên định. Phải kiên định thì một người phụ nữ gần 60 tuổi mới có thể dũng cảm bỏ lại sự thân thuộc và quyến luyến với mảnh đất họ sinh sống từ lúc sinh ra, chôn nhau cắt rốn để đi đến một đất nước mới. Họ có hoà nhập được không, có thể họ không dám nghĩ đến khoảng thời gian khó khăn đó nhưng họ vẫn nhất quyết đi để tìm lại sự bình yên đã mất.
Một thân hữu có đặt ra một câu hỏi : Nếu giả sử hơn 90 triệu người dân Việt Nam được phép chọn lựa đi hay ở lại Việt Nam. Một cách nghiêm túc, bao nhiêu người sẽ chọn ở lại ? Không ai đưa ra một con số cụ thể nhưng chúng tôi đều đồng ý với nhau rằng con số chắc chắn sẽ rất cao. Không dừng lại ở câu hỏi này, tôi còn muốn suy tư thêm nếu giả sử có một con số chung nhất biểu quyết ra đi thì mất bao nhiêu thế hệ trái đất này sẽ không còn người Việt. Tôi không lạc quan lắm, nhất là khi nhiều gia đình dù bố mẹ vẫn còn gắn chặt kí ức với Việt Nam mà con cái họ đã thực sự hoà nhập hẳn vào cuộc sống phương Tây. Họ là những công dân Úc, Mỹ, Canada, Đức... và chỉ nói, viết tiếng Việt một cách hết sức khiêm tốn. Và nhiều người tuy còn ở trong nước nhưng họ cũng đã giải thể sự liên hệ với Việt Nam trong lòng họ rồi.
Thật sự buồn rầu khi nghĩ đến viễn cảnh dân tộc Việt Nam có thể sẽ chỉ là một dân tộc được nhắc lại trong sách sử sau này. Chúng ta đã sống quá lâu với một chế độ độc tài bạo ngược. Nó luôn xem tuổi trẻ và trí tuệ là những thứ phải bị kìm kẹp hoặc định hướng. Giới trẻ ở ngoài nước không cảm thấy gắn bó, cũng không cảm thấy Việt Nam là môi trường tốt với họ. Người trẻ trong nước thì bị đầu độc, nhồi nhét những kiến thức sai, chia rẽ và được ngầm khuyến khích hưởng ứng những thứ văn hoá hời hợt, vô bổ. Những người trẻ yêu nước, dám bày tỏ chính kiến trước hiện trạng của đất nước như Phan Kim Khánh, Nguyễn Văn Hoá, Hội Anh Em Dân Chủ thì bị bắt và nhận những bản án nặng nề đầy toan tính. Với nhiều người, Việt Nam không đáng sống.
Tôi có cơ hội lắng nghe tâm tình của nhiều người và quan sát họ. Không ai giấu được sự lo lắng của hiện trạng xã hội mà họ đang sống. Từ những câu chuyện trà dư tửu hậu trong quán nước, trong quán nhậu đến anh xe ôm công nghệ, cô hàng nước, những người làm công sở, thương mại, chuyên viên nhà nước...Ai ai cũng có những u uất riêng để giãi bày hòng vơi chút buồn, để chửi cho thoả lòng, than thở những mong đổi lại chút công bằng.
Tôi đã nghe rất nhiều về những "ông này tham nhũng", "ông kia bị bắt", "Chúng nó ăn tàn phá hại không chừa thứ gì", những cái đập bàn đầy giận giữ hằn lên cả ánh mắt, những câu trào phúng để mô tả sự vô lý của chế độ hiện thời và sự dốt nát của những người cầm quyền... Nếu không phải là một người tham gia trực tiếp và thường xuyên vào guồng quay này, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được lòng dân đã sôi sục lắm rồi, dân chủ đã chín muồi lắm rồi để rút ra một kết luận "Dân chủ đến nhanh thôi". Nhưng tôi không có cái may mắn đó, tôi đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, được tham gia thảo luận và tham khảo ý kiến của những trí thức thật sự nặng lòng với đất nước để tự đặt lại câu hỏi : "Nếu vậy, thì cái gì, điều gì làm cho phong trào dân chủ ở Việt Nam chưa thành công ? Điều gì làm cho người dân không thể phản kháng và vẫn ngày ngày phải khổ sở đối mặt với bạo quyền và bị chà đạp quyền tự do như vậy ?"
Chỉ có thể lý giải bởi do chúng ta vẫn chưa có một tổ chức đối lập làm tụ điểm cho khát vọng dân chủ của đông đảo quần chúng nhân dân. Làn sóng dân chủ thứ tư vẫn đang tràn đến. Đây là khát vọng của con người. Từ Venezuala, Iran, Zimbabwe...Đà tiến về dân chủ vẫn mạnh dần. Chúng ta có lý do để hy vọng cho tình hình tại Việt Nam không ?
Tình hình chính trị xã hội của Việt Nam đang theo logic của một giai đoạn cuối. Đảng cộng sản Việt Nam đang phân rã vì nó không có thực chất, nó vẫn phải bám vào một thứ tư tưởng độc hại, một chất keo dính hết hạn là chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim chỉ nam tư tưởng. Thật buồn cười khi đảng cộng sản luôn tự hào có hơn 4 triệu Đảng viên trung thành lý tưởng tuyệt đối nhưng họ lại phải bỏ tiền để huy động một lực lương dư luận viên 10.000 người để "chống diễn biến, chống tự chuyển hoá". Đảng cộng sản phân rã vì tồn tại dựa vào sự phân chia lợi ích, chia chác tài nguyên và vốn xã hội. Nhưng lợi ích chỉ làm họ thêm chia rẽ. Chia rẽ đến nỗi không thể lấy quyết định dẫn đến việc biến chuyển nhanh hơn sang một hình thái độc tài cá nhân mà trong đó ông Nguyễn Phú Trọng- Một người vừa kém hiểu biết, vừa không có thực tài để lấy quyết định. Những vụ thanh trừng mang danh chống tham nhũng giải đáp hai vấn đề : xoa dịu quần chúng và nỗ lực cải tổ. Nhưng cái thứ nhất thì họ không làm được vì người dân Việt Nam đã quá mất niềm tin và chán nản với chế độ hiện thời. Cái thứ hai có thể nhìn ở nhiều góc độ, những nếu là góc độ cải tổ thì bài học của những xã hội Đông Âu hãy còn đó. Hồi cáo chung cho một chế độ độc tài sắp điểm khi nó bắt đầu nỗ lực tự sửa đổi.
Tình hình của Đảng cộng sản là vậy nhưng phong trào đối lập dân chủ ở Việt Nam vẫn chưa thể mạnh được. Chúng ta phải khẩn thiết nhận diện hiện tình xã hội. Đảng cộng sản Việt Nam đã chết, nó không còn là một chính đảng đúng nghĩa nữa. Chúng ta đang đối mặt với một chế độ độc tài bạo ngược, chưa bao giờ đặt một trọng lượng nào của lợi ích dân tộc vào các quyết định của họ. Nó sẽ phải sụp đổ theo đà tiến của làn sóng dân chủ tiếp nối và theo sự tất yếu của một chế độ biết phá hơn biết làm lợi cho dân. Tiên liệu được như vậy thì chúng ta phải nhận diện được sự khẩn thiết của việc đào sâu hơn vào tư tưởng và tham gia tổ chức chính trị. Cứu cánh của những người dân chủ là cố gắng mang lại tự do cho nhân dân Việt Nam. Để làm được điều đó, chúng ta quyết tâm mang lại dân chủ cho đất nước Việt Nam. Phong trào dân chủ chưa mạnh vì chúng ta vẫn chưa thực sự quý trọng nhau, chưa cùng đồng ý và hiểu giống nhau trên cùng một vấn đề. Trước khi bàn về phương pháp đấu tranh hay đường hướng thì chúng ta cần nhìn nhận lại những giá trị đạo đức căn bản, đặt lại những câu hỏi nền tảng cho bản thân để tránh ngộ nhận về mục tiêu tranh đấu của chúng ta.
"Mình có thực sự yêu nước không và muốn gì ? Mình tranh đấu trước hết vì tương lai đất nước hay trước hết vì tương lai của chính mình ? Dân chủ có đúng là một lý tưởng không hay đồng thời cũng là một danh nghĩa và một chiêu bài để đánh bóng mình ? Sự cao cả của một đời người là gì ? Là sự hiểu biết, là sống theo lẽ phải và phục vụ lẽ phải, là cố gắng góp phần cải thiện cuộc sống của đồng loại, trước hết là đồng bào mình, hay là được xưng tụng là anh hùng dân tộc, được có vai trò và địa vị lớn ? v.v."- Nguyễn Gia Kiểng
Chỉ sau khi đã trả lời một cách thực thà với chính mình những câu hỏi đó chúng ta mới có thể trả lời một cách nghiêm chỉnh câu hỏi bắt buộc : Phải đấu tranh như thế nào để đem lại dân chủ cho đất nước ?
Những câu hỏi nền tảng này tuy rất quan trọng nhưng không khó. Chỉ cần mỗi người tự đặt ra một cách thẳng thắn cho mình và trả lời một cách lương thiện thì tất cả mọi vấn đề chiến lược và chiến thuật đấu tranh cho dân chủ sẽ đều sáng tỏ và dễ dàng vì thực ra những giải đáp đều khá hiển nhiên. Khi cùng đồng ý với nhau về một lý tưởng tranh đấu thì chúng ta sẽ nhìn nhận nhau như anh em và cảm thấy quan điểm của mỗi người về con đường dân chủ cho Việt Nam không khác biệt nhau là bao nhiêu. Ông Nguyễn Gia Kiểng- Một trí thức nặng lòng với đất nước, đã đưa ra một qui ước sinh hoạt dân chủ như sau để phân biệt rõ ràng giữa "ta" và "họ", giữa những người dân chủ và đảng cộng sản :
Một là phải phân biệt rõ ràng giữa "ta" và "họ", ít nhất để nhận ra những người dân chủ, những chí hữu và anh em. Ta là những người tin tưởng hoàn toàn vào những quyền và giá trị qui định trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập được Liên Hiệp Quốc biểu quyết ngày 10/12/1948 và hai công ước đính kèm. Bản tuyên ngôn này không chỉ quan trọng ở nội dung của nó mà cũng quan trọng không kém ở ngay sự hiện hữu của nó. Sự kiện nó được Liên Hiệp Quốc biểu quyết thông qua như một tuyên ngôn phổ cập có nghĩa là không có một dân tộc nào chưa chín muồi cho dân chủ cả ; mọi dân tộc đều có thể và phải có ngay và có trọn vẹn những quyền tự do căn bản. Những quyền này lại chính là những quyền định nghĩa một chế độ dân chủ. Ta là những người đòi thể hiện ngay bây giờ và một cách trọn vẹn những quyền tự do đó. Họ là những người cầm đầu Đảng Cộng Sản muốn duy trì chế độ toàn trị và những người ủng hộ chế độ, dù là thực tình hay miễn cưỡng. Ở giữa là khối quần chúng mà chúng ta cần thuyết phục và động viên để đứng vào hàng ngũ dân chủ. Điều đáng mừng là khối quần chúng này trong tuyệt đại đa số đã ủng hộ lập trường dân chủ. Cần nhấn mạnh rằng đã gọi là quyền thì không thể nhân nhượng, ta có quyền và phải đòi chứ không xin, họ cướp đoạt quyền của chúng ta thì phải trả chứ không thể có thái độ cho. Dĩ nhiên cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ là cuộc đấu tranh bất bạo động và như thế sẽ phải qua những thỏa hiệp giai đoạn, nhưng thỏa hiệp là công việc của các tổ chức dân chủ chứ không phải của các cá nhân. Ở mức độ cá nhân thái độ duy nhất đúng là không nhân nhượng, là đòi hỏi mọi quyền, trọn vẹn và ngay tức khắc. Giữa ta và họ phải minh bạch. Họ gọi tên đảng của họ như thế nào, đưa ai lên làm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng là chuyện của họ. Ta có quyền nghĩ người này còn tệ hơn người kia nhưng không có vấn đề ta ủng hộ ai cả. Ta đòi quyền và họ phải trả, chừng nào họ vẫn chưa trả ta còn tiếp tục đấu tranh để buộc họ phải trả. Ta không cần xin và họ không được cho.
Hai là phải tôn trọng sự thực và lẽ phải trong mọi thảo luận và trao đổi, không xuyên tạc sự thực, không bẻ cong lý luận cũng không nhân nhượng với sự tồi dở trong bất cứ trường hợp nào. Chúng ta có thể lầm lẫn vì thiếu sót nhưng không thể vô lễ với sự hiểu biết và lý luận. Phẩm giá của những người dân chủ là như thế, nếu không họ chẳng là gì cả. Sức mạnh của phong trào dân chủ là như thế. Mọi cố ý xuyên tạc sự thực, bất chấp kiến thức và bẻ cong lý luận phải bị lên án nghiêm khắc.
Qui ước sinh hoạt này sẽ giúp mỗi người dân chủ nhìn ra những gì đáng được tôn vinh và những gì phải bị phê phán. Nó sẽ giúp phong trào dân chủ thể hiện được chính nghĩa của mình để có sức mạnh. Chúng ta hãy phục tùng lẽ phải để có sức mạnh vô địch của lẽ phải.
Trong tương lai gần thôi, Việt Nam sẽ có dân chủ. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại quê hương, đất nước. Những người dân chủ, những người đang khát khao thay đổi đất nước Việt Nam cần đào sâu hơn nữa vào tư tưởng chính trị và ý thức tham gia vào tổ chức chính trị để đẩy nhanh hơn một giải pháp chung cho đất nước.
Việt Dân
(12/1/2018)
Vài tuần trước, Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức trọng thể 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga. Dẫu vẫn có những bài viết tuyên truyền, những khẩu hiệu về tinh thần Quốc tế vô sản, niềm tin vào "xã hội chủ nghĩa" xuất hiện trên báo đài hay một vài bích trương, áp phích trên đường phố nhưng không ai phủ nhận bầu không khí hết sức ảm đạm và thờ ơ của người Việt.
Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức trọng thể 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga
Nhiều người quan tâm đến chuyện chính trị, xã hội thì bàn tán về APEC, một sự kiện rất quan trọng với Việt Nam chỉ vài ngày sau đó. Tại sao Đảng cộng sản Việt Nam lại tổ chức sự kiện này khi chính nước Nga, quê hương của Cách mạng tháng 10, đã khước từ nó ? Các quan thầy Trung Quốc cũng không tổ chức nó mà dành thời gian để tìm hiểu tư tưởng Tập Cận Bình. Chuyện gì đang diễn ra với Đảng cộng sản Việt Nam ?
Có nhiều ý kiến cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức Cách mạng tháng 10 Nga vì giới chóp bu lãnh đạo của họ vẫn tin tưởng vào tư tưởng Mác-Lênin và vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước trên mọi địa hạt. Có thật là như vậy không ?
Tôi có thể phần nào chia sẻ ý kiến này nếu như chúng ta đang sống ở những giai đoạn 1950 hay sau năm 1975. Tâm lý tự mãn và sự thui chột tri thức đã khiến những người lãnh đạo cộng sản thế hệ trước hành động với một niềm tin vào những ông "Tây râu", ông Mao, ông Stalin một cách nồng nhiệt...
Tố Hữu, một nhà thơ cung đình của chế độ, đã xưng tụng Stalin trong "Bài ca tháng 10" như sau :
Hoan hô Stalin
Đời đời cây đại thụ
Rợp bóng mát hòa bình
Đứng đầu sóng ngọn gió…
Nhưng hình ảnh các lãnh đạo cộng sản Việt Nam chóp bu đứng nghiêm trang như những hình nộm trong buổi lễ kỉ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga gần đây không phải vì do họ còn tin vào chủ nghĩa Mác Lênin nữa, chắc chắn họ không còn là những apprachik ! (Theo tiếng Nga : Công chức trung thành của bộ máy quan liêu, toàn tâm toàn ý phục vụ bộ máy, bất chấp sự thật và chân lý).
Chính ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói không biết đến hết thế kỉ này có đi đến được chủ nghĩa xã hội hay không.
Tôi bất giác nhớ lại một câu đố vui trong hồi kí Mặt Thật của Bùi Tín. Người ta đố nhau rằng : Gần đây trong lịch sử cái gì dài nhất và cái gì ngắn nhất ? Thì ra dài nhất là con đường đi tới chủ nghĩa xã hội và ngắn nhất là lịch sử của chính chủ nghĩa xã hội ! Câu nói của ông tổng Trọng thể hiện một tâm lý tuyệt vọng về mặt tư tưởng.
Không còn ai tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin nữa. Trên thực tế, Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại chỉ còn là một hư cấu, nó đã chết từ lâu. Nhiều người có thể nghi hoặc câu nói của tôi khi đối chiếu với việc gia tăng đàn áp trong lòng xã hội Việt Nam gần đây. Đúng vậy, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn đó như một thách thức đối với dân tộc Việt Nam. Nhưng nó đàn áp hay một thế lực nào đó nhân danh nó để đàn áp ? Một người chết lâm sàng có thể vẫn còn thở, tim vẫn còn đập nhưng bộ óc đã ngưng hoạt động, không tri giác và không còn phản ứng với thế giới bên ngoài. Đó là đối với một con người.
Đảng cộng sản là tổ chức và một chính đảng, cái chết của nó là cái chết của một chính đảng. Một tổ chức là sự kết hợp giữa những con người cùng theo đuổi một mục tiêu chung với cùng một phương thức. Đồng thuận về mục tiêu và phương thức hành động là sức sống của một tổ chức. Khi đồng thuận không còn, dù vì người ta không đồng ý trên những mục tiêu hay vì không đồng ý trên cách hành động để đạt mục tiêu, thì tổ chức đã chết, ngay cả khi chưa tự giải tán.
Một chính đảng là một tổ chức chính trị. Nó sống và chết như một tổ chức, chỉ khác một điều là đồng thuận của nó khó hơn vì mục tiêu của nó cao cả hơn và hành động của nó ảnh hưởng tới cả một dân tộc. Kinh nghiệm của mọi quốc gia đã chứng tỏ rằng một chính đảng chỉ có thể xây dựng và giữ gìn được nếu được quan niệm như một kết hợp để thể hiện một tư tưởng chính trị và để thực hiện một dự án chính trị. Khi không còn chức năng đó nó không còn lý do tồn tại và số phận chờ đợi nó là một cái chết chắc chắn.
Đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ còn là một hư cấu. Nó chỉ là sự kết hợp của những phe nhóm, tập đoàn vì lợi ích cướp bóc. Các lãnh đạo cộng sản hiện tại không hẳn là hạng hoàn toàn ngu dốt. Ngược lại, họ là những thủ lãnh cơ hội đứng đầu những phe, nhóm khác nhau, nhân danh một lý tưởng mà họ không còn tin để tiếp tục thống trị nhân dân Việt Nam một cách dã man. Nhìn vào chế độ cộng sản, tôi nghĩ rằng trong những thời khắc quyết định của dân tộc, những người lãnh đạo cộng sản chỉ biết đặt lợi ích của bản thân họ lên trên lợi ích dân tộc. Họ vẫn là một học trò của quan thầy Trung Quốc. Vì sao ?
Chế độ cộng sản Trung Quốc đang phơi bày những thử thách quá nghiêm trọng trong khi nội bộ lại phân hóa vì tham nhũng và bất tài của những người lãnh đạo. Như một logic tự nhiên, để đương đầu với những thử thách đó và tiếp tục tồn tại, Đảng cộng sản Trung Quốc cần một chính quyền ổn vững để thống nhất trong những quyết định lớn, một lãnh tụ toàn quyền và không thể bị phản bác. Tập Cận Bình là một kết quả của logic đó. Không phải ông ấy đã chứng tỏ bản lĩnh, mà chỉ là Đảng cộng sản Trung Quốc đang trong tình trạng nguy ngập và không nhìn thấy lối thoát nào khác ngoài xiết lại để tự vệ. Lịch sử Trung Quốc cũng đã chứng tỏ rằng sự thống nhất của Trung Quốc chỉ được duy trì bằng bạo lực và sự thống trị từ trung ương. Một quốc gia như vậy không thể tồn tại trong thế giới ngày nay. Đảng cộng sản Trung Quốc là sợi dây duy nhất ràng buộc các tỉnh với nhau, qua đại hội 19 này nó vừa lấy một quyết định rất phiêu lưu là dành toàn quyền để trấn áp những khuynh hướng ly khai ngày càng nhiều và càng mạnh.
Đảng cộng sản Việt Nam cũng muốn học theo Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng họ vẫn mãi chỉ là anh học trò không thuộc bài vở. Không có phe nhóm nào đủ mạnh để nắm quyền hòng đưa ra một nhân vật như Tập Cận Bình cả. Kết quả là họ vẫn phải gượng gạo soạn lại một chất keo đã hết hạn là tư tưởng Mác Lênin nhằm hy vọng duy trì sự đoàn kết trong nội bộ và trước nhân dân.
Trong những năm đầu thập niên 1990, chúng ta thường thấy hình ảnh đám trẻ con chạy theo cái xe bán keo dính chuột, bẫy chuột của một anh đội mũ cối. Tụi nhỏ chạy theo không phải chúng tin hay thích thú, mà chỉ vì lời rao ngô nghê đến phì cười :
"Trung tâm ứng dụng công nghệ hóa màu vừa cho ra đời loại keo, xin giới thiệu với bà con, cô bác, anh chị...một sản phẩm tiêu diệt chuột, ruồi muỗi, kiến và gián nhanh nhất, hiệu quả nhất, mà không có một loại sản phẩm nào so sánh được...đó là keo dính chuột. Keo dính chuột không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường...đặc biệt có thể tái sử dụng nhiều lần. Ngoài ra có thể diệt được các loại côn trùng khác. Mọi chi tiết được in trên vỏ hộp…".
Bây giờ không còn ai đi bán keo dính chuột nữa vì nó độc hại, nó ô nhiễm, quảng cáo sai sự thật và nó láo lếu. Người dân tìm mua những phương thức an toàn hơn, và người bán cũng kiếm nghề khác để làm.
Vậy quay lại với Đảng cộng sản Việt Nam, khi họ không còn một tư tưởng đồng thuận và một dự án chính trị để kết hợp với nhau, liệu họ có thể duy trì bằng lợi ích không ? Hoàn toàn không thể ! Một chính đảng luôn cần những phương tiện cần thiết để thực hiện mục tiêu chứ không thể có quyền lợi riêng, bởi vì về bản chất nó là một môi trường để hy sinh và đóng góp chứ không phải để thụ hưởng. Thực trạng xã hội là như vậy và nó đặt ra một câu hỏi hết sức nhức nhối với những người Việt Nam yêu nước.
Tại sao một cái Đảng đã chết đứng, mất hết nội dung và chỉ còn là một hư cấu về tính chính đáng vẫn ngang nhiên thống trị đất nước và đẩy tất cả mọi người vào ngõ cụt.
Tại sao vậy ?
Câu trả lời chỉ có thể là vì phong trào dân chủ Việt Nam vẫn chưa mạnh để kéo cái xác đó đi chôn. Mỗi người yêu nước cần hiểu rằng đấu tranh chính trị luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức.
Trí thức Việt Nam cần đào sâu hơn nữa vào tư tưởng. Trong đà tiến của dân chủ, sẽ luôn có những ý kiến phản bác lại những giá trị về dân chủ và nhân quyền, chúng ta cần giải thích rõ ràng trước những phản bác yếu ớt đó.
Khi tất cả mọi người đều đồng ý với nhau về những đồng thuận nền tảng và kết hợp lại với nhau thành một chính đảng đối lập đủ mạnh để động viên quần chúng, nhất định thắng lợi dân chủ sẽ đến.
Việt Dân
(25/11/2017)
Gần đây tôi được chia sẻ một câu chuyện về một doanh nhân Việt Nam, sau khi lo xong cho gia đình mình có được quốc tịch Mỹ thì đã hoan hỉ chia sẻ lên mạng xã hội. Vài người chất vấn về lòng yêu nước hay hành động chối bỏ căn cước của ông ấy là tại sao lại nhanh và đoạn tuyệt đến nhường vậy, nhiều người thì chia sẻ và đồng tình.
Tại sao lại chối bỏ căn cước nhanh và đoạn tuyệt đến nhường vậy ?
Tiếng thở dài nhẹ nhõm của một người sau khi rời bỏ được đất nước Việt Nam cũng là nguyện ước của rất nhiều người dù không nhiều người nói ra. Người Việt đang giải thể lòng yêu nước trong chính lòng mình ! Tại sao vậy ? Đây là một câu hỏi đau nhức cho những người còn ý chí, còn tình cảm với dân tộc và mong mỏi một sự thay đổi về dân chủ cho Việt Nam.
Ông Nguyễn Gia Kiểng, một trí thức yêu nước, đã diễn giải lòng yêu nước một cách giản dị rằng : "Như mọi tình cảm lòng yêu nước không thể định nghĩa một cách chính xác bằng ngôn ngữ thông thường nhưng mọi người đều có thể cảm nhận những thể hiện cụ thể của nó. Đó là yêu đồng bào mình như những người anh em bình đẳng, là muốn chia sẻ cuộc sống và những nỗi vui buồn với họ, là không im lặng thụ động trước những xúc phạm hoặc bất công mà họ là nạn nhân, là phấn đấu để xã hội ngày càng tự do hơn, công bình hơn, liên đới hơn, lương thiện và thân thiện hơn, để đất nước ngày một giầu mạnh hơn, đẹp hơn, sạch hơn và được thế giới kính trọng hơn".
Trong khi tôi đang viết những dòng này thì những người con ưu tú của Việt Nam như Phan Kim Khánh, những thành viên trong Hội Anh Em Dân Chủ như Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Trung Trực, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, luật sư Nguyễn Bắc Truyển hay luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài... và nhiều tù nhân lương tâm khác đang phải chịu cảnh tù đày chỉ vì lòng yêu nước của họ, vì sự khao khát thay đổi hiện trạng xã hội từ độc tài toàn trị về dân chủ. Họ đích thực là những người yêu nước.
Tôi không thể trách những người Việt từ bỏ lòng yêu nước, tôi chỉ cảm thấy đáng buồn hơn là đáng giận. Yêu nước là một tình cảm tự nhiên được nhào nặn và nuôi dưỡng từ lúc nằm nôi. Và vì là một tình cảm tự nhiên nên nó cũng luôn cần được vun đắp và nuôi dưỡng từng ngày từ những người lãnh đạo đất nước, đáng giận là đảng cộng sản không hề có ưu tư đó. Trái lại, họ còn vô tình hay cố ý phá bỏ lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Ai cũng có thể là nạn nhân của chế độ này.
Yêu nước luôn cần được vun đắp và nuôi dưỡng từng ngày từ những người lãnh đạo đất nước, đáng giận là đảng cộng sản không hề có ưu tư đó.
Nhưng không nhẽ chúng ta lại chấp nhận là một dân tộc rã hàng hay sao ? Trong một xã hội mà ai cũng cố gắng luồn lách để tìm kiến những giải pháp cá nhân, trong một xã hội ai cũng tìm cách khôn ngoan hơn người khác thì phải thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều dại và thất bại !
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…
Tin tức về bão Damrey về, những cảnh nhà xiêu vẹo, mấy chục người bị chết và mất tích, cảnh người dân co ro tránh lũ. Ánh mắt lo âu và sợ hãi hằn lên trên nét gầy guộc của người đàn ông hay vẻ thất thểu của người phụ nữ cũng làm cho chúng ta không khỏi xúc động. Như một nghĩa cử đẹp, một sự đùm bọc... nhiều người Việt vẫn cố gắng tương trợ cho đồng bào mình trong khả năng của họ. Tôi tin rằng những thất vọng, những suy nghĩ bộc phát thành lời của doanh nhân người Việt kia không phải là suy nghĩ sâu thẳm trong tâm hồn ông ấy. Dù sao chúng ta vẫn là một dân tộc của hơn 90 triệu người, có nhiều tiềm năng, nói cùng một ngôn ngữ. Chúng ta không nên tìm cách từ bỏ kí ức hay căn cước của dân tộc nhất là khi hầu hết những ý niệm, những mối quan hệ thân thuộc đều được nhào nặn trên dải đất hình chữ S này. Thay vào đó, chúng ta có thể bình tĩnh ngồi lại với nhau để tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ này và tìm cách thoát ra khỏi nó.
Lòng yêu nước ?
Trong suốt chiều dài 2000 năm lịch sử của dân tộc, không may đất nước chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi một thứ văn hóa vô tổ quốc là Nho Giáo. Nho Giáo là một hệ giá trị, một bộ qui tắc ứng xử đào tạo ra những con người thần phục vua chúa, những con người với mộng ước ra làm quan để giúp vua cai trị đất nước. Trong hệ giá trị ấy, đất nước là của vua, dân chỉ là những người ở tạm trên đó, nhờ ơn vua nên phải có trách nhiệm đóng thuế, phải đi quân dịch... vô điều kiện. Người dân không được nhìn nhận một giá trị hay vai trò nào với đất nước mà chỉ biết đến có bổn phận và nghĩa vụ mà thôi. Những quyến luyến với mảnh đất quê hương hay những ràng buộc, tình cảm với người thân chưa thể gọi là lòng yêu nước được. Dẫu sao nó cũng là một trong những ý niệm để nhào nặn lên lòng yêu nước.
Đã thế, trong hơn 80 năm cai trị cho đến hiện tại, Đảng cộng sản, vì sự thô vụng hay vì một thứ chủ nghĩa xóa bỏ ý niệm quốc gia của họ, đã tạo ra vô số sự kiện đau lòng dẫn đến việc giải thể lòng yêu nước trong suy nghĩ của nhiều người dân Việt Nam. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được động viên dưới lá cờ "Vạn Tuế Sô Nga, Sô Nga Vạn Tuế". Họ không yêu nước, họ đã chỉ nhân danh lòng yêu nước cho một lý tưởng quốc tế hóa cộng sản mà thôi. Trong từng giai đoạn, những ý niệm như lòng yêu nước, quốc gia, đất nước hay Tổ Quốc đều được Đảng cộng sản lợi dụng để duy trì sự toàn trị của mình, nhằm bóc lột toàn diện nhân dân Việt Nam và đất nước...
Tôi còn nhớ trong một bài viết của cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của tác giả Nguyễn Gia Kiểng, kể rằng trong một lần trò chuyện với mình, một trí thức yêu nước vì không chịu đựng nổi những khẩu hiệu, những tuyên truyền hay tiếng ra rả từ cái loa phường phát trên đầu mỗi ngày mà phải bực dọc mà thốt lên rằng: "Hai từ yêu nước đã trở thành kệch cỡm".
Tôi không sinh ra trong giai đoạn sau tháng 8/1945 để chứng kiến những vết thương của đất nước với những phong trào Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn-Giai Phẩm được nhìn nhận như tội ác nhân loại. Tôi cũng không sinh ra trong cuộc nội chiến hơn 20 năm giữa hai miền Bắc- Nam do Đảng cộng sản phát động mà ông Hồ Chí Minh đã xác quyết rằng "dầu phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn hay đánh đến người Việt Nam cuối cùng cũng nhất định không chùn bước". Tôi cũng không sinh ra vào những năm tháng nhọc nhằn sau năm 1975 để chứng kiến sự tủi nhục, tù đày của những người Việt Nam trong trại cải tạo. Những thuyền nhân lênh đênh trên biển và phó mặc số phận nổi trôi trước khi đến được những trại tị nạn... Có nhiều câu chuyện đau lòng mà chỉ đọc thôi, lòng cũng thắt lại. Với nhiều người Việt Nam, với những người cha, người mẹ, người anh , người chị, người con... thì những nỗi đau mà họ đã phải chứng kiến là những cảnh tượng, những đổ vỡ quá lớn, quá sức tưởng tượng của bản thân. Chỉ bởi vì họ là người Việt Nam ? Có lẽ đó chính là lý do khiến họ chỉ muốn quên hết đi những kí ức đau thương gắn liền những kí ức về Việt Nam. Tôi là một thanh niên trẻ "sinh sau đẻ muộn" nhưng hoàn toàn hiểu và chia sẻ với những gì mà thế hệ trước đã trải qua trong nhọc nhằn và đau khổ…
Lịch sử là vậy, còn hiện tại thì như thế nào ? Ngày hôm nay, tuyệt đại đa số người dân Việt Nam đều có những lý do để chán ghét hay không còn muốn nghĩ đến đất nước nữa. Việt Nam trong mắt họ, mà cảm nhận gần nhất là hình ảnh "Nhà nước" được lãnh đạo toàn diện bởi Đảng cộng sản, đó chỉ là những thứ như sông biển ô nhiễm, thất nghiệp, cưỡng chế đất đai, những nhiêu khê, tệ tham nhũng của cơ quan công quyền hay sự mất quyền tự do và bạo lực của bộ máy công an trị... Ai cũng đều có thể là nạn nhân của Đảng cộng sản. Có người chọn thái độ thỏa hiệp để kiếm chác hay làm ăn yên ổn với chế độ này. Cũng có những người chọn thái độ tranh đấu, đứng lên đòi quyền lợi để rồi bị trấn áp và bị bắt nhốt. Còn số đông hầu hết đều lầm lũi, không có những kế hoạch dài hạn cho tương lai hay suy nghĩ về đất nước như một tương lai của đời mình. Giấc mơ bị thu bé lại, mỗi người chọn cho mình một giải pháp cá nhân để rồi dần dà chúng ta thiếu đi hẳn một phản xạ dân tộc trước sự cai trị đầy vô lý của Đảng cộng sản.
Nhưng chúng ta vẫn phải lên tiếng cho một tương lai Việt Nam !
Có cả ngàn lý do để chán ghét, để rũ bỏ đất nước Việt Nam trong lòng người cho đến khi biến nó thành một hành động cụ thể. Nhưng vẫn có một lý do để cố gắng vì nó. Đó là hầu hết những vấn đề của đất nước ngày hôm nay đã không được đặt ra nếu như "không có dảng cộng sản". Chúng ta chắc chắn sẽ xây dựng được một tương lai tươi đẹp và đầy hãnh diện cho người Việt Nam nếu chúng ta dẹp bỏ được sự cai trị vô lý của Đảng cộng sản.
Gần đây tôi có nghe lại bài Tình Ca của nhạc sĩ Phạm Duy, lời bài hát giản dị , gần gũi và đi vào lòng người. Bài hát như gợi lại hành trình của dân tộc Việt Nam qua mấy ngàn năm lịch sử và nói lên một nguyện ước sống chung của người Việt :
Tấm áo nâu ! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi Tấm áo nâu !
Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau,
Áo ơi. Tôi yêu biết bao người Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai
Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là (ừ là) đóa hoa...
Nếu không có biến cố tháng 8/1945 thì Việt Nam không bị rơi vào quỹ đạo cộng sản, đất nước chúng ta chắc chắn sẽ phát triển và không gặp phải nhiều đổ vỡ như hiện tại. Chúng ta không thể thay đổi lịch sử nhưng chúng ta có thể rút ra những bài học từ nó để thay đổi tương lai.
Đảng cộng sản đang là vật cản cuối trong nỗ lực đưa dân tộc Việt Nam ta lần đầu tiên đến với dân chủ và khước từ hoàn toàn thứ văn hóa nô lệ trói buộc dân tộc ta mấy ngàn năm. Trí thức Việt Nam cần phải nhập cuộc và đoạn tuyệt với thứ văn hóa nhân sĩ để hiên ngang dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi tới trong cuộc hành trình về dân chủ.
Nếu có một bài học nào đó về những kiến nghị, cải cách hay cầu xin một sự thay đổi đền từ bên trong Đảng cộng sản thì chúng ta cần phải đoạn tuyệt hẳn.
Có thể tin tưởng vào một Đảng mà phải mất mấy chục năm sai lầm họ mới thừa nhận kinh tế tư nhân không ?
Có thể tin vào một Đảng kêu gọi hòa hợp dân tộc mà không có bất cứ cố gắng hòa giải nào sau tất cả những đau thương và đổ vỡ mà họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam hay không ?
Họ có thể nào sẽ tự sửa lỗi, tự thay đổi mà không có sức ép nào không ?
Hay một chính sách vô lý và vi phạm quyền công dân như sổ hộ khẩu mà họ vẫn chỉ thay đối một cách rón rén sau mấy chục năm trời chăng ?...
Có nhiều bài học lịch sử nhưng chúng ta phải đồng ý với nhau một cách dứt khoát rằng, một đảng tham nhũng không bao giờ có thể tự thay đổi để hết tham nhũng, một đảng toàn trị không bao giờ có thể tự thay đổi để hết độc tài. Đảng cộng sản có cả hai yếu tố đó, vì vậy chỉ có cách là phải thay đổi hoàn toàn thể chế chính trị hiện nay.
Phải làm sao ?
Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi có nêu rõ một phương thức tranh đấu thành công cho Dân chủ. Mọi nghiên cứu và kinh nghiêm đều cho thấy một quần chúng dù bất mãn tới đâu cũng chỉ nổi dậy đấu tranh nếu có đủ ba điều kiện :
- Một là : mọi người cảm thấy gắn bó trong một số phận chung và chỉ có thể có lối thoát chung chứ mỗi người không thể luồn lách để tìm giải pháp cá nhân ; mặt khác, mọi người đồng ý rằng thảm kịch chung đến từ một tập thể được nhận diện rõ rệt. Nói cách khác, phải có ý thức về hai tập thể rõ rệt, một "tập thể ta" nạn nhân vàmột "tập thể địch" bạo quyền. Trong trường hợp Việt Nam, điều kiện này có nghĩa là quần chúng Việt Nam ý thức rằng Đảng cộng sản là nguyên nhân của tình trạng tệ hại hiện nay và chỉcó thể có giải pháp chung cho cả đất nước chứ mỗi người không thể luồn lách để tìm một giải pháp cá nhân.
- Hai là : có một tổ chức để động viên và lãnh đạo quần chúng ; vai trò cốt lõi của tổ chức là để giữ nguyên khíthế đấu tranh, tránh những sai lầm gây chán nản. Quần chúng không kiên nhẫn. Cố gắng động viên quần chúng sẽ thất bại nếu có những tổ chức khác nhau đưa ra những lời kêu gọi khác nhau, hay nếu có chia rẽ trong tổ chức lãnh đạo.
- Ba là : tổ chức lãnh đạo phải đủ mạnh để quần chúng tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi. Quần chúng không lãng mạn.
Trí thức Việt Nam hãy nhập cuộc. Đây là một giai đoạn lịch sử có nhiều ý nghĩa nhất và nếu chúng ta có một khát khao, một mong mỏi dân chủ cho đất nước thì chúng ta phải ý thức được vai trò của mình. Chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước Việt Nam Dân Chủ Đa Nguyên như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung mà tất cả mọi công dân Việt Nam đều sẽ có chỗ đứng ngang nhau, mọi con tim, khối có đều sẽ có những cơ hội xứng đáng để thể hiện và cống hiến. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm được vì Dân Chủ Đa Nguyên là một tương lai phải đến cho dân tộc Việt Nam xinh đẹp. Tinh thần bao dung sẽ là một mẫu mực cho sự thành công của tình anh em tìm lại !
Việt Dân
(06/11/2017)
"Tôi nhớ quê hương tôi, nhiều khi trào nước mắt...". Những câu văn của Phan An nhiều khi cứ bật lên, văng vẳng trong đầu mỗi lúc ngồi suy nghĩ một mình.
Một tổ chức muốn đại diện cho một tương lai phải đến của dân tộc phải có một tư tưởng chính trị để thuyết phục và động viên người dân
Lũ lại về, dồn dập. Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình đã có 15 người chết, 13 người mất tích. Đọc tin xong sao mà lòng cảm thấy buồn quá. Năm nào cũng vậy, rừng thì vẫn cứ chặt cho bằng hết, thủy điện vẫn cứ xả lũ vô tâm mà không có một cảnh báo hay tính toán an toàn nào đến sinh mạng của người dân. Không nhẽ mạng người Việt bị xem thường như vậy sao ?
Đọc những hoàn cảnh bi đát đang diễn ra hàng ngày trong xã hội, có đôi khi tôi tự hỏi làm người Việt để làm gì ? Yêu nước để làm gì khi mà đất nước với nhiều người Việt chỉ là những trạm BOT mọc lên như nấm sau mưa để tận thu thuế người dân ; đất nước chỉ là những tủi nhục, nước mắt của những người công nhân sau những ngày lao động kiệt sức trong công xưởng rồi sinh hoạt chung 4,5 người trong một không gian chật hẹt 15, 16m2 ; đất nước cũng là những lần người mẹ mặt lấm tấm mồ hôi vác vội cái đòn gánh bếp than còn đỏ lửa cùng nồi tàu hũ "chạy" trật tự đô thị dẹp vỉa hè ; hay đất nước khắc sâu trong hình ảnh những đứa bé chỉ hằn lên nét mặt gầy guộc của cha, vẻ lo âu của mẹ khi bồng bế tụi nhỏ trên chiếc xe máy cọc cạch đi trên đường lộ mà thôi...
Người Việt mình sao khổ quá ! " Tôi yêu quê hương tôi, nhiều khi trào nước mắt...".
Đất nước chúng ta đỗ vỡ nhiều hơn chúng ta tưởng. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề và ngày một bị hủy hoại vì những dự án nhà máy nhiệt điện, nhiệt than mà Trung Quốc đang muốn tống khứ sang Việt Nam càng nhanh càng tốt. Kinh tế bị méo mó vì núi nợ của những tập đoàn quốc doanh, tệ hối mại quyền thế và sự cấu kết trong lãnh vực đầu cơ bất động sản... Giáo dục, đào tạo và văn hóa xuống cấp trầm trọng. Dù là một người yêu nước bình tĩnh nhất chắc chắn cũng phải bất giác thốt lên rằng : "Người Việt còn phải chịu bao nhiêu tai ương nữa đây ?".
Nhưng cái làm tôi lo lắng nhất đó là sự chia rẽ trong lòng người. Ý thức quốc gia của mẫu số chung người Việt quá yếu. Sự quyến luyến, nhung nhớ với mảnh đất quê hương chưa thể gọi là ý thức quốc gia và nhiều khi phát tác quá mạnh làm cho khoảng cách về lòng người giữa các vùng, miền càng thêm xa cách. Chúng ta không lắng nghe nhau, không hiểu nhau và không muốn gọi nhau là anh em dù gần hết thảy nói cùng một ngôn ngữ. Tại sao vậy ?
Chỉ có thể lý giải rằng dân tộc ta đã chịu quá nhiều vết thương mà chưa có cơ hội để giãi bày, để hiểu nhau thật sự cho đến khi chữa lành vết thương. Lịch sử của đất nước ta là lịch sử của những cuộc nội chiến, của những cuộc bách hại người công giáo cho đến gần đây nhất là cuộc nội chiến Bắc- Nam. Trong bất cứ thời điểm quan trọng của dân tộc, chúng ta đã luôn chọn bạo lực làm cách giải quyết xung đột chỉ vì thiếu vắng một tư tưởng chính trị làm đồng thuận căn bản.
Đảng cộng sản đã chiến thắng nhưng họ đã không nhận thức rõ cơ hội để hàn gắn đất nước mà tiếp tục hăng say bảo vệ một chủ nghĩa mà nhân loại đã vứt bỏ vào sọt rác. Để rồi trong suy nghĩ của nhiều người Việt hôm nay vẫn là những đau đớn hằn lên cơ thể lẫn tâm hồn khi nghĩ về những thuyền nhân, những trại tù cải tạo hay cuộc sống bí bách, bế tắc đến cùng cực của thời bao cấp.
Ngày hôm nay, đất nước chúng ta đang đi đến một sự đổ vỡ trong lòng người, ý niệm quốc gia có thể sẽ bị tan rã hoàn toàn nếu như không còn ai cảm thấy gắn bó hay phấn đấu vì đất nước nữa. Chúng ta là một dân tộc có rất nhiều vấn đề khẩn thiết, nhưng khẩn thiết nhất là tìm một cơ hội để xây dựng lại đất nước, khôi phục lại lòng yêu nước còn sót lại. Quốc gia sẽ không phải là những tấm panel đỏ chót gắn những khẩu hiệu tuyên truyền lố bịch nữa, quốc gia sẽ không phải là những hạch sách của cơ quan công quyền hay điều 88, điều 79, công an và trại giam nữa.
Quốc gia phải được quan niệm như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung ở đó mỗi người Việt Nam đều được nhìn nhận chỗ đứng ngang nhau với đầy đủ các quyền con người trong bản tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên là mệnh lệnh lương tâm với những người yêu nước.
Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi xác định rằng bốn điều kiện cần và đủ của một cuộc cách mạng về dân chủ như sau :
- Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.
- Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.
- Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.
- Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.
Hai điều kiện đầu chúng ta đã có. Việc còn lại phải làm là hoàn tất điều kiện thứ ba, nghĩa là đạt tới đồng thuận trên một dự án chính trị, và xây dựng điều kiện thứ tư, nghĩa là hình thành một kết hợp dân chủ có tầm vóc.
Trong bài viết "Nhìn lại hai cuộc cách mạng", tác giả Nguyễn Gia Kiểng có chia sẻ như sau :
"Cách Mạng Tháng 8 đã là một thời điểm hừng hực khí thế. Chưa bao giờ mà dân tộc Việt Nam được động viên tới mức độ đó. Cuộc cách mạng dân chủ sắp tới sẽ là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng sẽ là cuộc cách mạng thông minh nhất và đáng có nhất, nhưng chắc chắn nó sẽ không sôi động như Cách Mạng Tháng 8 vì nó sẽ diễn ra dưới sự kiểm soát của lý trí. Nhưng muốn có cuộc cách mạng này thì trí thức Việt Nam phải đầu tư hơn nữa vào tư tưởng. Họ phải ý thức ít nhất hai điều. Một là trí thức bao giờ cũng phải là người phát ngôn của đất nước, tư tưởng của trí thức cũng là tư tưởng của quần chúng. Hai là không có dân tộc nào không có triết lý cả, dân tộc nào cũng có triết lý của mình và hành động theo triết lý đó. Khi không có một triết lý đúng và lành mạnh là người ta có một triết lý sai và bệnh hoạn, và bị dẫn dắt vào thảm kịch".
Chúng tôi hy vọng rằng trước một cơ hội lịch sử để đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên của dân chủ, dứt khoát từ bỏ văn hóa nô lệ, trí thức Việt Nam cần hiểu rằng tranh đấu chính trị luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức và là giữa các tổ chức chính trị với nhau.
Một tổ chức muốn đại diện cho một tương lai phải đến của dân tộc thì phải luôn có một tư tưởng chính trị để thuyết phục và động viên người dân cũng như phản ánh được hiện tình của đất nước trong hiện tại và trong cả tương lai.
Việt Dân
(12/10/2017)
The time of our lives - Thời khắc của chúng ta!
Thuở nhỏ, sau nhiều nỗ lực bất thành với trái bóng và nhận ra nó vẫn khước từ mình, tôi bỏ. Tôi yêu bóng đá bắt đầu từ khi tôi biết xem bóng đá. Mùa hè World Cup 2006 tại Đức là một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất.
The time of our lives (hát bởi Il Divo)
Mỗi khi giai điệu bài hát The time of our lives phát ra từ cái tivi 21 inch trong nhà, tôi lại bắt chước ngân nga theo và cảm nhận :
There was a dream
Long time ago
There was a dream
Destined to grow...
Khi còn là một đứa trẻ, giấc mơ đẹp nhất của tôi là phải được dự khán một trận chung kết World Cup, chứng kiến đội tuyển Ý lên ngôi vô địch và được hòa mình trong tiếng hò reo của các fan xứ sở Mỳ ống. Lớn lên tôi vẫn mê bóng đá, thỉnh thoảng vẫn dõi theo đội tuyển Ý. Thậm chí tôi còn nghe một vài lời châm chọc hài hước rằng "Đàn ông chẳng bao giờ lớn, họ chỉ béo lên thôi".
...Tôi vẫn gầy như ngày nào, chỉ là không còn cảm nhận được giấc mơ thuở bé nữa... Nhưng có một giấc mơ gần gũi hơn, tôi cảm nhận được nó đang cháy âm ỉ trong suy tư của mình mỗi ngày và nó đang lớn dần lên: Giấc mơ Việt Nam! Giấc mơ lần đầu tiên đất nước chúng ta sẽ thật sự độc lập, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước ta có một nền dân chủ toàn vẹn !
...For a lifetime
Of heartbreaks
That brought us here today
We will go all the way
Khi còn bé, tôi đã thắc mắc tại sao giai điệu bài hát chính thức World Cup trên đất Đức lại buồn và bi tráng thế, tại sao không phải là những giai điệu vui nhộn trong một ngày hội lớn của toàn thế giới. Bây giờ phần nào tôi đã cảm nhận được sau khi có chút hiểu biết khiêm tốn về những biến cố lịch sử của họ.
Trong giai đoạn mà Hitler- Đảng trưởng Đảng Công Nhân Đức Quốc Gia Xã Hội Chủ Nghĩa- Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei. Hitler và Đảng của ông ta đã nắm bắt được tâm lý lãng mạn của quần chúng, in sâu tư tưởng "chủng tộc thượng đẳng" mà bỏ qua mọi suy tư về tiêu chuẩn đạo đức của loài người. Kết quả là tạo ra một trong những "Cơn điên của thế giới" , Đức Quốc Xã đã làm chết 20 triệu người. Triết lí nhất nguyên đã đưa nước Đức thành nguyên nhân của một thảm kịch nhân loại và biến họ thành nạn nhân sau đó. Bức tường Berlin đã chia cắt hai nửa Tây Đức và Đông Đức trong gần 30 năm. Họ hiểu được những nỗi đau tinh thần, sự rạn nứt trong lòng người và kiệt quệ trong tâm hồn một dân tộc phải trải qua trong thời gian đó. Vì thế nên ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ, người Đức đã dứt khoát hòa giải với nhau, hòa giải với chính nỗi đau, sự thù hận luôn giấu sâu trong tâm hồn họ để một lần nữa tất cả lại đi cùng nhau.
Vì thế mỗi lần nghe lại bài hát The time of our lives, trong suy nghĩ của tôi lại liên hệ đến tình hình Việt Nam ngày hôm nay.
Lịch sử của chúng ta là một lịch sử đầy bi thương. Không phải là là một thế lực ngoại xâm chiếm đóng thì cũng là một chính quyền nội xâm hung bạo. Tháng 8 là một thời khắc để chúng ta suy ngẫm lại một biến cố lịch sử của dân tộc. Trước một cơ hội chuyển mình về độc lập và xây dựng một nền dân chủ toàn vẹn, chúng ta đã để lỡ mất nó. Trong bài viết "Rút kinh nghiệm từ hai cuộc cách mạng" , tác giả Nguyễn Gia Kiểng đã lý giải biến cố dẫn đến cuộc nội chiến 30 năm và kết thúc bằng cái ách Cộng Sản mà đến bây giờ chúng ta vẫn chưa thể tháo gỡ được vì đã quá kiệt quệ:
"Thời điểm tháng 8/1945 đã là một cơ may lớn cho nước ta, đã có thể giúp ta giành lại độc lập ở một mức độ phát triển và phồn vinh cao hơn mức trung bình thế giới và với một tiềm năng địa lý và nhân văn lớn. Giờ này chúng ta đã có thể là một trong những nước văn minh và giàu mạnh hàng đầu của thế giới. Nhưng cơ may đã biến thành thảm kịch bởi vì Cách Mạng Tháng 8 đã diễn ra như thế và đã là khởi điểm của 30 năm chiến tranh kết thúc bằng cái ách cộng sản mà chúng ta vì quá kiệt quệ vẫn chưa đủ sức để tháo gỡ. Thiếu trí tuệ và sự sáng suốt thì một cơ may cũng có thể trở thành một họa lớn. Đó đã là trường hợp của Cách Mạng Tháng 8.
Nhìn lại giai đoạn Cách Mạng Tháng 8, chúng ta không thấy một nhà tư tưởng nào và cũng không thấy một người nào chứng tỏ sự hiểu biết tạm được về những triển vọng và nguy cơ đang chờ đợi đất nước lúc đó. Chúng ta không hề thấy một dự án chính trị nào. Thanh niên hăm hở lên đường nhưng lên đường để đi đến đâu thì không biết, chỉ tin là "đi hiên ngang tới phương trời tươi sáng". Rất thơ mộng nhưng không phải giải đáp. Thanh niên thế hệ 1945 thực không may. Sự thiếu sót này đến nay hình như vẫn chưa ý thức đầy đủ. Vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng không cần lý thuyết, chỉ cần hành động, không cần nói mà chỉ cần làm. Vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng có thể tranh đấu mà không cần có tư tưởng. Vẫn có những người cho rằng họ có tư tưởng chỉ vì họ không hiểu thế nào là tư tưởng. Và quần chúng, kể cả quần chúng tốt nghiệp đại học, thì nhìn mọi người và mọi tổ chức như nhau".
Vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng không cần lý thuyết, chỉ cần hành động, không cần nói mà chỉ cần làm.
Đảng cộng sản Việt Nam đã phân rã và đang ở những vòng xoay cuối cùng. Tăng trưởng kinh tế- thành trì cuối cùng trong nỗ lực ngụy tạo tính chính danh của họ, cũng đã bị phơi bày. Lúc này những người lãnh đạo của Đảng cộng sản đang rơi vào bế tắc cùng cực để tìm ra một công thức mới "chỉnh đốn Đảng". Nhưng họ biết họ không thể làm được. Vậy tại sao phòng trào dân chủ ở Việt Nam vẫn chưa tìm ra một công thức chiến thắng ?
Thời khắc của chúng ta đang đến, nhưng chúng ta vẫn chưa suy tư đủ để tìm cách đón nhận nó cùng nhau. Tháng 8, được nhớ đến như một giai đoạn dân tộc Việt Nam đã trượt dài vào một hố sâu thay vì bước theo đà tiến của nhân loại chỉ vì chúng ta đã thiếu vắng tư tưởng, thiếu vắng những trí tuệ sáng suốt dấn thân vì đất nước, thiếu vắng những tổ chức chính trị lĩnh xướng những dự án triển vọng cho tương lai đất nước. Chúng ta đã lộ ra một khoảng trống chính trị và Đảng cộng sản đã tận dụng nó để tiếm quyền cai trị đất nước.
Gần đây, nhiều người, nhiều nhóm đấu tranh cho dân chủ, cho đất nước cũng cảm thấy kiệt quệ và rã rượi. Không phải vì các bạn đã mất đi lòng yêu nước. Tháng 8 là thời khắc để chúng ta suy tư lại những biến cố mà dân tộc Việt Nam đã phải chịu đựng và cùng nhau suy nghĩ về một công thức chiến thắng cho phong trào dân chủ ở Việt Nam.
Đảng cộng sản đã bất lực trong việc tìm cho bằng được công thức duy trì sự lãnh đạo của mình vì họ là sẽ là một sự thải loại tất yếu trong vòng xoay lịch sử. Dân chủ là khát vọng của bất cứ dân tộc nào muốn xây dựng một tương lai cùng nhau. Làm sao để đi đến đó ? Một công thức giản dị : "Tư tưởng chính trị và xây dựng tổ chức".
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn quan niệm rằng đấu tranh chính trị là đấu tranh có tổ chức và dự án Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ 2 sẽ mở ra một suy tư mới cho những người yêu nước về công thức chiến thắng cho Phong trào cân chủ ở Việt Nam.
Tôi lại nghe giai điệu The time of our lives vang vọng lên :
…And, it feels like we're having
The time of our lives
Let's light the fire, find the pain
Let's come together as one in the same
'Cause it feels like we're having
The time of our lives
We'll find the glory in the game
All that we are, for all that we are
For the time of our lives
Thời khắc của chúng ta đang đến. Tôi chậm rãi suy nghĩ về ngày lễ lớn của dân tộc chúng ta. Không cần pháo hoa, không cần những lời hò reo vang dội. Tôi tưởng tượng mình cũng lặng người đi vào thời khắc đó, thời khắc của một sự trang nghiêm. Tôi nhìn những người xung quanh tôi, tôi nhìn vào những người anh em máu đỏ da vàng, tôi nhìn vào sâu trong đôi mắt của họ. Một nỗi buồn sâu thẳm, nhưng đó sẽ là lần đầu tiên tôi cảm nhận được nỗi đau của họ trọn vẹn, không giấu giếm và họ cũng sẻ chia nỗi đau của tôi. Trong thời khắc trọng đại đó, chúng ta sẽ gầy dựng lại sự đoàn kết bằng chính những nghĩa cử giản dị như vậy.
Việt Dân
(23/8/2017)
Vài tuần trước tôi có dịp tiếp xúc với hai anh công nhân người Chăm tại một dự án.
Câu chuyện cũng tình cờ, hai anh này thuộc một tốp thầu phụ vào thi công, còn tôi thì đại diện cho nhà cung cấp xuống gặp nhà thầu chính. Thấy hai anh này bị quở trách vì thi công sai biện pháp và thiếu dụng cụ thi công, tôi có mang theo dụng cụ bèn đưa cho anh ấy mượn. Nét da đen cháy, hốc mắt sâu ẩn trong nét gầy guộc vì bươn chải, anh ấy nói nhỏ "cảm ơn" với dáng vẻ khom khom không được tự nhiên cho lắm.
Lễ hội Kate và tục rước xiêm y của người Chăm
Đời sống của hầu hết công nhân xây dựng ở Việt Nam là vậy, mức thu nhập bình quân khoảng 8-9 triệu một tháng, còn công việc thì cực nhọc, ô nhiễm bởi tiếng ồn, bụi, công việc vẫn còn dùng nhiều đến tay chân, cách quản lí chưa chuyên nghiệp... lâu ngày những người công nhân đó bị "điều kiện hóa" cái cung cách, dáng vẻ ấy. Nghĩ mà buồn ! Thấy anh ấy nói tiếng dân tộc với anh bạn, tôi bất giác hỏi anh là người cộng đồng nào ? Anh bảo anh người Chăm quê ở Phan Rang !
Cộng đồng người Chăm ở Việt Nam không còn nhiều nữa, chủ yếu tập trung ở Campuchia. Miền Đông Nam Bộ thì có khoảng 30.000 người ở Phan Rang, 10.000 người ở Châu Đốc. Khi anh ấy nói anh là người Chăm trong suy nghĩ của tôi có chút gì đó hơi ngại ngùng ngăn tôi hỏi chuyện. Nếu là bình thường thì ít nhất tôi cũng hỏi vài câu xã giao, anh lập gia đình chưa ? Có mấy cháu rồi ? Dưới Phan Rang có gì vui không ?... Tôi không hỏi, mà sau đó là một khoảng thời gian tĩnh lặng suy nghĩ, tôi đặt ra những giả thiết : "Vì sao anh ta lại phải lên đây ? Hai anh này có được giới chủ đối xử bình đẳng không ? Họ có hòa nhập được cuộc sống ở cái nơi đất chật người đông với cái đồng lương "lông bông" này không ?...
Theo những kiến thức mà tôi biết thì dù đất nước ta có một chiều dài lịch sử nhưng miền Trung mới hội nhập xong từ thế kỷ 17, miền Nam từ thế kỷ 18, tức là cũng chỉ mới gần đây thôi. Có thể nói lịch sử của những cuộc hội nhập này đã luôn dựa trên một khuôn mẫu bạo lực và áp đặt.
Dự án Chính trị-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai ghi nhận rằng : "Nước ta đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai và chủng tộc. Tuy vậy các triều đại của ta lại không thích nghi với những thay đổi đó và vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh. Lịch sử của ta là lịch sử của người Kinh. Văn hóa của ta là văn hóa của người Kinh. Các quan hóa niệm về đạo lý, xã hội, luật pháp đều dựa trên người Kinh và chủ yếu nhắm phục vụ cho người Kinh. Trong suốt dòng lịch sử, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi, người Kinh hầu như chưa hề nhìn nhận một trách nhiệm nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ áp đặt khuôn mẫu của mình, nếu cần bằng bạo lực".
Biến cố năm 1975 xảy ra và đảng cộng sản lên nắm quyền, khép lại một cuộc nội chiến đầy tang thương, dai dẳng và ám ảnh đến nhiều thế hệ người Việt sau này. Nhưng một lần nữa, đảng cộng sản đã không nhìn nhận lại lịch sử để đặt lại những vấn đề lớn cho dân tộc mà tiếp tục chạy theo quán tính đúng với bản chất của họ : Bạo lực và độc quyền chân lý. Họ đã tiếp nối việc cai trị người dân sắt máu hơn, bạo lực hơn. Họ viết lại lịch sử, họ đưa ra chủ nghĩa lý lịch, các trại tù cải tạo, họ không có bất cứ ưu tư nào đủ lớn dành cho không gian văn hóa của Cao Nguyên Trung Phần, vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Sự cứng nhắc dựa trên một học thuyết lấy đấu tranh giai cấp và độc quyền chân lý làm kim chỉ nam đã đẩy sự rạn nứt, đổ vỡ trong lòng nhiều người Việt thêm trầm trọng hơn và rồi những sắc tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam cảm thấy xa lạ trên chính mảnh đất họ đang sống. Mỗi khi không khí sinh hoạt thời bao cấp xuất hiện và lởn vởn trong đầu, tôi cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến sự chịu đựng, uất ức bao trùm lên cả một thế hệ. Và tôi nghĩ rằng những người cộng sản dù ở cấp lãnh đạo cao nhất, chính họ cũng là những nạn nhân trong một xã hội mà chính họ tạo ra dù họ không muốn hoặc cố tình không biết. Không khó để thấy ban lãnh đạo đảng cộng sản đang phân rã thành nhiều phe cánh, nghi kị, hạ bệ lẫn nhau dù họ vẫn đang gọi nhau là "đồng chí".
Mở rộng vấn đề hơn thì có thể thấy chính lối cai trị độc đoán và áp đặt ý chí bằng bạo lực của đảng cộng sản đã tàn phá chất liệu nhân xã trong lòng xã hội Việt Nam. Chính sách phát triển thiếu sự công bằng, minh bạch... ảnh hưởng hết sức nặng nề đến khắp mọi miền và khắp các cộng đồng. Các sắc tộc sinh sống ở Cao Nguyên Trung Phần và miền núi phía Bắc, cộng đồng người Việt gốc Khmer, người Việt gốc Hoa đang cảm thấy xa rời với chính thứ văn hóa mà họ đang bị áp đặt lên và liệu họ có cảm thấy cần đóng góp điều gì đó cho một nhà nước quá xa lạ với suy nghĩ chung của họ, một nhà nước chưa bao giờ chấp nhận sự dị biệt trong văn hóa của họ ? Có lẽ sự ngại ngùng ngăn tôi hỏi chuyện anh công nhân ấy là vì dù tôi không chia sẻ suy nghĩ với những người cộng sản nhưng chắc là trong mắt anh ấy tôi vẫn là một người Kinh chăng ? Người Kinh trong suy nghĩ của anh ta như thế nào ? Phải chăng là nhóm người đã tìm cách xóa bỏ hoặc không thừa nhận tổ tiên, những nét văn hóa của cộng đồng anh ấy !
Việt Nam có hơn 90 triệu dân với một địa lý dài và hẹp. Chúng ta có nhiều cộng đồng khác nhau nên tinh thần chủ đạo để xây dựng lại một nhà nước trong tương lai chắc chắn phải là Dân chủ Đa nguyên và Hòa giải-hòa hợp dân tộc. Chúng ta dứt khóat xóa bỏ độc quyền chân lý và đề cao tinh thần "không có ý kiến nào cấm nêu ra và không có đề tài nào là cấm được bàn đến".
Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên xác quyết rằng :
"Các cộng đồng đều phải được tôn trọng như nhau trong một đất nước Việt Nam được định nghĩa như là đất nước của các cộng đồng. Cộng đồng người Việt gốc Khmer đã sống từ ngàn xưa tại miền Nam, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã góp công lớn khai mở ra miền Nam phải được coi là những người Việt Nam trọn vẹn trước luật pháp cũng như trong tình cảm dân tộc. Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ hẳn ý đồ đồng nhất để mưu tìm sự đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng đất nước Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Tinh thần tôn trọng các cộng đồng cũng phải được mở rộng ra tới các cộng đồng tôn giáo, các cộng đồng tư tưởng, các cộng đồng nghề nghiệp và các cộng đồng không thành hình do nếp sống khác nhau của từng địa phương mà có. Các cộng đồng này phải được đảm bảo chỗ đứng và tiếng nói trong sinh hoạt chung của quốc gia".
Tôi tin rằng một đất nước Việt Nam tương lai với một thiết chế dân chủ toàn vẹn, một mô hình nhà nước "nhẹ" và tản quyền sẽ đảm bảo tối đa cho sự phát triển hài hòa về kinh tế lẫn văn hóa giữa các vùng, miền. Đồng thời thể chế dân chủ đa nguyên, tôn trọng mọi sự khác biệt sẽ tạo ra một nguồn sinh lực mới cởi trói cho tâm lý của các cộng đồng người Việt. Chúng ta lạc quan vì chặng đường này sẽ đến như một khát vọng tất yếu !
Việt Dân
(10/8/2017)