Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 05 février 2018 08:50

Thế hệ trẻ là thế hệ nào ?

Tôi luôn được nghe một câu kinh điển rằng : "Hy vọng thế hệ trẻ sẽ thay đổi đất nước". Nhiều lúc tôi còn nghe thấy câu đó ở những người U30. Vậy "thế hệ trẻ" mà họ nhắc đến là thế hệ nào ? Thế hệ 9X, 10X... ? Và lúc này họ (thế hệ già) chỉ làm mỗi việc ngồi chờ hay sao ?

tre1

"Thế hệ trẻ" là thế hệ nào ? Thế hệ 9X, 10X... ?

Lúc đầu, tôi cảm thấy được động viên, được tôn trọng, được khuyến khích khi nghe câu nói này. Nhưng càng về sau, và đặc biệt khi người nói càng lúc càng trẻ, tôi bắt đầu suy nghĩ, bắt đầu đặt những câu hỏi. Tôi thắc mắc tại sao họ lại có truyền thống "nhường" trọng trách cho thế hệ đi sau ? Câu trả lời là hàng loạt lý do : hoàn cảnh khó khăn, học thức thấp, quá bận rộn... Tôi chợt liên tưởng, nếu tôi là người trẻ (thế hệ sinh cuối thập niên 80), tôi có được quyền trả lời với con cháu sau này : thời của ba nhiều gái đẹp, nhiều xe sang, nhiều quần áo đắt tiền, nhiều thú tiêu khiển... nên ba không thể góp phần thay đổi đất nước ? Những lý do này nhiều khi còn thuyết phục hơn những lý do thiếu thốn, vì cám dỗ càng lớn thì sự hi sinh càng nhỏ.

Thật kém may mắn cho những đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam, chưa chào đời nhưng đã được trao những trọng trách nặng nề. Trong khi ông bà, cha mẹ, cô chú, anh chị... của chúng thì cứ thỏa thích hưởng thụ, thỏa thích tàn phá, thỏa thích phung phí thời gian, thỏa thích bất đồng, thỏa thích làm nhân sĩ... rồi khi về già (hoặc sắp già) lại tự nhận là thế hệ bỏ đi, thế hệ bất lực... và để lại cho con cháu những món nợ và trách nhiệm khổng lồ.

Nhiều kẻ còn khuyến khích thế hệ sau tiếp tay cho cường quyền để nối dài truyền thống phá hoại, người thì nhồi vào đầu con cháu nỗi sợ hãi và sự ích kỷ, để chúng phải xa rời quê hương, tìm kiếm thiên đường nơi xứ người với thứ tiếng dì ghẻ. Lắm kẻ lại đổ thừa vì lo cho tương lai con cái, nên sẵn sàng bán rẻ nhân phẩm không những của họ, mà cả của gia đình và con cái…

Vậy "thế hệ bỏ đi" có thật sự vô dụng, có thật sự bất lực hay không ? Xin quả quyết là không. Họ chỉ tự chặn con đường của mình, tự bóp nghẹt những tiềm năng to lớn của bản thân, tự giết chết óc lạc quan và hy vọng... Chỉ cần họ giũ sạch sự bảo thủ, từ bỏ những thói xấu, khước từ những lợi ích có được vì luồn lách…thì chắc chắn họ (chứ không là bất cứ ai khác) sẽ là một kho kiến thức để giới trẻ học hỏi, là tiếng nói khách quan trong tranh luận, là chỗ dựa tinh thần cho thế hệ trẻ dấn thân, là cầu nối dẫn đến các tổ chức chính trị tầm vóc. Thế hệ bỏ đi đang đứng trước một lựa chọn lịch sử, hoặc là thật sự bỏ đi, hoặc là trở thành vốn quí của đất nước.

Theo tôi, phải có niềm tin vào bản thân mình, vào thời đại mình và những người đang sống xung quanh thay vì đặt hết hy vọng (hoặc nói thẳng ra là đùn đẩy trách nhiệm) cho thế hệ trẻ. Cũng không nên ca tụng một cách quá đáng vào người xưa. Thời nào cũng có hào kiệt và thời nào cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết. Không ai sinh ra là tự nhiên trở thành anh hùng hay danh nhân ngay lập tức mà đó là một quá trình học học, tìm tòi và cống hiến.

Cuộc đời chỉ thực sự có ý nghĩa khi sống có niềm tin và lý tưởng. Cần nói với bản thân rằng : không phải chúng ta sống được bao lâu mà là chúng ta đã cống hiến được gì cho cuộc đời và cho dân tộc của mình.

Nếu cuộc sống mà không có mục tiêu và lý tưởng thì cuộc sống sẽ rất tẻ nhạt và vô vị. Tất nhiên khi đói nghèo thì nhiệm vụ đầu tiên là phải vượt qua được những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như "cơm, áo, gạo, tiền" nhưng khi đã no đủ rồi thì nên chăng nghĩ đến những điều cao quí hơn như quyền tự do ngôn luận, quyền được tôn trọng, quyền được sống như những con người văn minh ?

Có một câu nói rất hay rằng "hạnh phúc là cho đi, hạnh phúc là được cống hiến", vậy thế hệ nào thì cũng nên cống hiến, hy sinh cho đời rồi đời sẽ cho ta niềm vui và hạnh phúc. Thế hệ nào thì cũng chỉ được sống có một lần thôi vì vậy nên sống xứng đáng với chính bản thân mình để con cháu sau này có thể tự hào và hãnh diện về mình thay vì chê cười vì mình đã buông xuôi, không làm được gì tốt đẹp cho đời.

Thế hệ nào cũng có bổn phận và trách nhiệm với đất nước và xã hội, mỗi người, mỗi thế hệ nếu làm đúng và làm tròn bổn phận của mình thì xã hội chắc chắn sẽ khá hơn và tương lai con cháu chúng ta sẽ tốt đẹp hơn và con cháu sẽ cám ơn chúng ta vì sự hy sinh đó.

Vậy phải làm những gì ? Đơn giản là hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất là không nói dối, không nịnh bợ, không hùa theo cái sai mà chỉ làm theo những điều mà mình biết chắc là đúng, là lẽ phải. Thấy sai và vô lý thì cần phản đối, thấy cái đúng cái tốt thì nên ủng hộ và cổ vũ. Quan trọng nhất là nên thành thật với lương tâm mình. Đừng đầu độc thế hệ trẻ bằng những thứ độc hại và sự ích kỷ.

Việt Nghĩa

(5/2/2018)

Published in Quan điểm
lundi, 29 janvier 2018 08:54

Vẫn là đám đông

Những ngày gần đây, cả nước như nắng hạn gặp mưa rào, cờ phướn đỏ rực, đám đông cuồng loạn... Chưa bao giờ đất nước lại có nhiều đám đông như vậy, đám đông hiện diện ở khắp nơi, từ đường phố, đến quán nhậu, và cả trên FB, vừa hò hét, vừa nhảy múa, thậm chí thoát y.

damdong1

Họ làm cho cả nước như phát cuồng, làm chúng ta quên đi sự thua kém toàn diện, sự thua kém đáng xấu hổ mà nguyên nhân chính là do thể chế chính trị

Cũng không quá khó hiểu về tình trạng này, một đám đông luôn tự hào là anh hùng, dũng cảm, thông minh... nhưng luôn thua kém bạn bè, gần như không có gì để tự hào, dù cho đó là kinh tế, văn hóa, hay thể thao. Tệ hơn nữa là sự thua kém mỗi lúc một lớn, và thua cả những nước "đàn em", những nước từng bị đánh giá là tụt hậu, nghèo đói. Và một nguyên nhân quan trọng nữa là người Việt gần như không có hoạt động văn nghệ, giải trí lành mạnh, hấp dẫn, suốt ngày chỉ ra rả nghe những bài nhồi sọ cũ rích của chính quyền.

Trước khí thế cuồng nhiệt của đám đông, những nhà đấu tranh dân chủ cá nhân có vẻ nao núng, thậm chí là dao động chính kiến. Họ ngưỡng mộ đám đông, nhưng lại mỉa mai trí thức. Họ ca ngợi đám đông đoàn kết, yêu nước, quí mến nhau, mà quên rằng hàng ngày cũng chính những người trong đám đông đó sẵn sàng mạt sát nhau, tàn phá đất nước. Nhiều người cho rằng phải tạm công nhận những giá trị mà đám đông đang tôn thờ, dù rằng đó là điều sai trái.

Qua sự việc này, chúng ta càng thấy rõ yếu kém của các nhân sĩ : lập trường không vững, kiến thức chính trị không sâu, không hiểu được phẩm chất của người làm chính trị, coi thường năng lực lãnh đạo của trí thức, sợ sệt đến mức phải vuốt đuôi đám đông... Đến bao giờ chúng ta mới có những trí thức như Plato, Aristote, Gandhi,... những con người dám cảnh tỉnh đám đông, dám hi sinh cả tính mạng để phổ biến những giá trị tiến bộ ?

Nếu trí thức Việt Nam còn tiếp tục để đám đông lấn lướt, chắc chắn chúng ta sẽ bế tắc, sẽ tiếp tục có những lực lượng vừa vuốt đuôi, vừa lợi dụng đám đông để cưỡng đoạt quyền lực (như Đảng cộng sản Việt Nam). Dẫn chứng rõ nhất là trong những ngày gần đây, đảng cộng sản gần như huy động hết mọi nguồn lực truyền thông để ca ngợi U23 Việt Nam, từ những tờ báo lá cải, đến cả những ông Thủ tướng, Chủ tịch nước...

Họ làm cho cả nước như phát cuồng, làm chúng ta quên đi sự thua kém toàn diện, sự thua kém đáng xấu hổ mà nguyên nhân chính là do thể chế chính trị. Không những thế, họ còn đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc, thứ chủ nghĩa hẹp hòi, ích kỷ. Chỉ vì thứ chủ nghĩa độc hại này có lợi cho việc duy trì chế độ độc tài tại Việt Nam. Và không chỉ Việt Nam mà các nước độc tài luôn dùng con dao hai lưỡi là "chủ nghĩa dân tộc" để mị dân như Nga, Trung Quốc và kể cả Campuchia.

Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ chưa có một lực lượng nào khai thác những điểm yếu của đám đông tốt như đảng cộng sản. Họ không từ thủ đoạn nào, từ dụ dỗ, vỗ về đến hăm dọa và cuối cùng là dùng vũ lực với đám đông. Ngoài miệng thì họ luôn nói đám đông là trung tâm, là quan trọng, nhưng trong lòng thì họ chỉ tìm cách để cai trị, để đàn áp. Một dẫn chứng nóng hổi là hành động hăm dọa các tài xế trong vụ phản đối BOT.

Chắc chắn rằng lực lượng trí thức chính trị mà chúng ta kỳ vọng sẽ không mang những tư tưởng lệch lạc này trong suy nghĩ và hành động của mình mà sẽ là những tư tưởng tỉnh táo, tiến bộ, đặt con người lên trên hết và dám đối mặt với đám đông, dám đi ngược lại những xu hướng tiêu cực của đám đông, vững tin vào lẽ phải và sự thật.

Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc trí thức Việt Nam phải ngồi lại với nhau, phải dứt khoát chấm dứt việc trông chờ, dựa dẫm vào đám đông. Không có con đường đi từ đám đông => tinh hoa => thành công, mà chỉ có con đường từ tinh hoa => đám đông => thành công.

Việt Nghĩa

(29/01/2018)

Published in Quan điểm
lundi, 15 janvier 2018 22:30

Kỳ vọng đầu năm mới

Năm 2017 là một nút thắt của tiến trình đấu tranh dân chủ. Hàng loạt nhà tranh đấu bị bắt giữ, hàng loạt bản án nặng nề được đưa ra, hàng loạt người bỏ cuộc, hàng loạt chỉ trích lên án lẫn nhau giữa các nhà hoạt động... Có lẽ đây là năm nhiều sắc thái nhất, đau nhức nhất mà phong trào dân chủ phải trải qua.

kyvong1

Cái mà chúng ta đang thiếu vắng là những giá trị đạo đức căn bản nhất trong sinh hoạt có tổ chức : đó là tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe nhau, và không xúc phạm lẫn nhau.

Thời điểm này có lẽ chín muồi và thích hợp để chúng ta đi tìm câu trả lời cho tương lai sắp tới. Để tìm được câu trả lời đó, có lẽ chúng ta cần xét lại bản thân mình. Chúng ta luôn hô hào về dân chủ, về đa nguyên, nhưng liệu chúng ta đã có những tố chất và đạo đức căn bản đó chưa ? Chẳng hạn như sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự thật ?

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, chúng ta gần như gắn mình vào thân phận nô lệ (nô lệ cho ngoại bang, nô lệ cho độc tài) và chúng ta tiêm nhiễm thói bạo lực của những kẻ cai trị rồi chúng ta lại say mê với bạo lực, đối xử với nhau bằng bạo lực, bạo lực trong cả hành động lẫn ngôn từ…

Làm sao có thể có những tổ chức mạnh nếu chúng ta không thật sự tôn trọng nhau ? Làm sao có thể có những phương pháp, kế hoạch dân chủ thật sự nếu chúng ta cứ thích làm lãnh tụ, thích ngồi lên đầu người khác. Chúng ta bệnh hoạn đến mức chỉ dạy con cái là phải luồn lách để hơn người, chứ không phải dạy con trở thành người tốt. Đó có lẽ là nguyên nhân của những bất hạnh mà dân tộc Việt Nam đang phải hứng chịu ngày hôm nay.

Lịch sử nhân loại ghi nhận những tư tưởng tiến bộ, những giá trị văn minh mà con người đã tìm tòi, đấu tranh, thậm chí phải hi sinh cả mạng sống để bảo vệ, thế nhưng chúng ta đã tiếp nhận những giá trị đó một cách hời hợt. Tìm một câu trả lời có lẽ không khó, nhưng khó là chúng ta có tôn trọng câu hỏi của mình hay không ?

Hàng ngày chúng ta nghe những quan chức thắc mắc "tại sao đường cao tốc ở Việt Nam có chi phí cao nhất thế giới ?", nhưng ngay tối hôm đó họ lại hưởng thụ những chai rượu Macalan thượng hạng mà không hề áy náy lương tâm. Cũng như nhiều nhà hoạt động suốt ngày kêu gọi đa nguyên, đa đảng, nhưng họ luôn nghĩ không có ai đủ tầm để đứng vào hàng ngũ của họ (nên hàng ngũ của họ thường chỉ có vài người, thậm chí chỉ có một hay hai người).

Vậy chúng ta đang thiếu vắng điều gì ?

Tôi nghĩ chúng ta không thiếu vắng tư tưởng chính trị, không thiếu vắng kế hoạch và dự án chính trị. Cái mà chúng ta đang thiếu vắng là những giá trị đạo đức căn bản nhất trong sinh hoạt có tổ chức : đó là tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe nhau, và không xúc phạm lẫn nhau.

Làm sao có được một tổ chức thật sự có tầm vóc làm điểm hội tụ cho những khát vọng thay đổi khi hành động phá đám luôn diễn ra, cả bên ngoài lẫn bên trong (khi ý kiến của mình không được lựa chọn) ?

Tôi tin là có nhiều người nặng lòng với quê hương vẫn đang kiên nhẫn thuyết phục Anh Em mình, vẫn đang ngày đêm tìm kiếm những phương pháp, cách thức để truyền thông hiệu quả hơn, để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những giá trị tiến bộ, và thuyết phục người Việt đồng thuận với nhau. Bên cạnh đó vẫn còn có ý kiến, dù cố tình hay vô ý, cho rằng những người đó đã già rồi, lại đang sống ở hải ngoại, thế hệ con cháu của họ còn không nói sõi tiếng Việt, chuyện tranh đấu là của người Việt trong nước...

Tôi không nghĩ rằng họ vô lý, nhưng tôi nghĩ ngay ngã ba đường luôn luôn có hai ngã rẽ. Nếu dự đoán cực đoan của họ thành hiện thực, thì đó rõ ràng là một tương lai u tối cho người Việt, cho mảnh đất hình chữ S này. Nhưng ở một góc nhìn ngược lại, tôi lại thấy vô cùng lạc quan, tôi kinh ngạc trước sự kiên trì của những trí thức lớn tuổi, tôi bất ngờ trước những suy nghĩ tiến bộ của giới trẻ, tôi vui mừng trước khao khát lương thiện của giới doanh nhân. Với những nhân tố quí giá này, cộng với điều kiện kết nối thông tin dễ dàng, và sự áp đảo của các tư tưởng tiến bộ trên phạm vi toàn cầu, ngày tàn của thói độc quyền chân lý, coi thường nhau, coi thường lẽ phải đang đến rất gần và rất nhanh.

Có lẽ vào lúc này, nhân dịp đầu năm 2018, chúng ta chỉ cần làm một việc duy nhất, đó là xét lại xem mình đã thật sự tôn trọng nhau chưa ? Tôn trọng nhân cách của nhau, tôn trọng lý lẽ của nhau, tôn trọng sự khác biệt ý kiến và sáng kiến, dựa trên sự khách quan của những giá trị văn minh mà nhân loại đã công nhận và trở thành phổ cập, chứ không phải dựa trên bằng cấp, kinh nghiệm, tài sản...

Nếu làm được việc này, tôi nghĩ 2018 sẽ là một năm thần tốc của cuộc cách mạng dân chủ.

Việt Nghĩa

(15/01/2018)

Published in Quan điểm

Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười nồng ấm, cả rừng bài viết ca ngợi hợp tác song phương, đa phương... Nhưng người Việt được gì ? Nghịch lý là chúng ta đang bị đe dọa lấy mất phần lớn không gian tự do kết nối với thế giới : Facebook, Google, Viber... thật nực cười khi những kẻ được gọi là nguyên thủ đang bô bô : "ủng hộ tự do, mở rộng bang giao, kết nối toàn cầu...".

danang1

Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười nồng ấm, cả rừng bài viết ca ngợi hợp tác song phương, đa phương... nhưng người Việt được gì ?

Có lẽ yên tâm với điều đó, chúng ta phó mặc nhu cầu tranh đấu tự do cho Đảng cộng sản Việt Nam, báo chí Việt Nam say sưa tìm hiểu việc Thủ tướng Canada đẹp trai thế nào ? Xăm hình gì trên bắp tay ? Xe của Trump hoành tráng ra sao ? Tại sao lại gọi là "quái thú"... Theo lẽ tự nhiên, người ta sẽ bớt đau đầu hơn khi bàn đến những thứ dễ dãi, hời hợt, ít tranh cãi, còn những thứ đau đầu như chính trị, tự do, dân chủ thì người ta né tránh, không muốn đề cập đến.

Chúng ta thường tự hào với truyền thống "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", vậy tại sao việc nước nguy nan mà chúng ta lại "đau đầu" và né tránh ? Chúng ta kỳ vọng gì ở những hội nghị như APEC ? Người Việt Nam, những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những quyết định, hiệp định được ký kết tại APEC, liệu có bao giờ đánh đổi thời gian đọc "chuyện tình của thủ tướng Canada" để tìm hiểu về những điều khoản mà Đảng cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết tại kỳ họp này ? Obama đã từ chối trách nhiệm giành dân chủ mà người Việt "giao phó", còn Trump thì đang bận "lo cho lợi ích của nước Mỹ", vậy chúng ta sẽ giao trách nhiệm này cho Tập Cận Bình ư ? Mọi kết nối, bang giao còn gì là ý nghĩa nếu người dân không màng đến việc nước ?

Chúng ta luôn ta thán về một thời đại thừa thông tin, nhưng có bao giờ chúng ta thực sự muốn tìm hiểu những thông tin hữu ích có liên quan đến thực tại và tương lai của đất nước ? Thực tế là không ít người đã dừng lại khi "bức tường lửa" hăm dọa. Nếu vậy thì sao chúng ta biết được báo chí Việt Nam trơ trẽn dịch thiếu chữ nhân quyền trong phát biểu của Trudeau ?

Điều gì cũng trở nên đặc biệt khó khăn đối với người Việt, khi đó là việc chung. Chúng ta "không quan tâm" đến những gì Đảng cộng sản Việt Nam đang làm để rồi sau đó chúng ta lại điên lên khi những thỏa thuận ngu dốt của Đảng cộng sản Việt Nam được phơi bày, rồi chúng ta lại còng lưng gánh những món nợ do họ để lại ! Làm sao có được những "thỏa thuận" chiếm ưu thế khi kẻ đại diện (là Đảng cộng sản Việt Nam) thay mặt chúng ta đi đàm phán lại là những kẻ dốt nát, bảo thủ và chỉ giỏi đàn áp người dân Việt Nam ?

APEC diễn ra ở Việt Nam vào thời điểm thật trớ trêu, số người đấu tranh ôn hòa bị bắt đạt đỉnh điểm, vi phạm luật pháp quốc tế về nhân quyền của Đảng cộng sản Việt Nam nghiêm trọng chưa từng có… thế nhưng các nguyên thủ quốc gia, được mấy người lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam ? Họ không có trách nhiệm và nghĩa vụ "đấu tranh" để mang lại tự do và dân chủ cho Việt Nam nhất là sau khi quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này là Mỹ đã rút lui !

Các nguyên thủ 21 nước APEC đến Việt Nam là để bàn chuyện làm ăn và đánh bóng hình ảnh của họ. Tổng thống Putin đã hào phóng ủng hộ nạn nhân cơn bão Damry 5 triệu đôla và sau đó là Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng vậy. Họ lờ đi việc Đảng cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền và thách thức lương tri của cả thế giới khi tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga trong khi cả thế giới lên án và tố giác chủ nghĩa cộng sản đã giết hại hàng trăm triệu người trên trái đất.

Người có hành động duy nhất đáng được nể phục trong tuần lễ APEC có lẽ là bà… Melania Trump. Dù đã đến Trung Quốc nhưng bà vẫn quyết định không sang Việt Nam. Lý do có thể xuất phát từ lá thư của con gái Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), cháu Nguyễn Bảo Nguyên gửi cho bà Melania, nhờ bà can thiệp với Hà Nội trả tự do cho Mẹ Nấm. Đây là nhiệm vụ bất khả thi với chính sách "không quan tâm nhân quyền" của chồng bà. Lựa chọn tránh mặt của bà là hợp lý và có... tình người.

Thành quả duy nhất và rõ nét trong APEC kỳ này là sự hồi sinh của hiệp ước TTP không có Mỹ với tên gọi mới "Hợp tác toàn diện và Cấp tiến xuyên Thái Bình Dương" (Comprehensive and Progressive Agreement for he TPP-CPTPP) với vai trò đầu tàu của Nhật. Hy vọng với sức mạnh của nền kinh tế cộng với sự quyết tâm cao của chính phủ Abe, Nhật Bản sẽ thay thế Mỹ để thiết lập và hình thành một Liên minh kinh tế trong khu vực, làm đối trọng với sự bá quyền của Trung Quốc với kế hoạch đầy tham vọng "một vành đai, một con đường".

TPP map 121117_New

Hiệp ước TTP không có Mỹ với tên gọi mới "Hợp tác toàn diện và Cấp tiến xuyên Thái Bình Dương" (CPTPP) với vai trò đầu tàu của Nhật.

Việt Nam thay vì bày tỏ thái độ cầu cạnh các nước lớn (mà ông Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quá trớn và vô duyên) thì cần phải thay đổi, chấp nhận những nguyên tắc và luật chơi chung của thế giới thay vì những hành động vuốt ve, nịnh nọt hay ngớ ngẩn như việc định "cấm cửa" Facebook, Google, Viber… Ngay cả Tổng thống Trump cũng nói thẳng rằng Mỹ cần những "đối tác mạnh mẽ chứ không tìm đối tác yếu kém" trong bài phát biểu tại APEC.

Chắc chắn Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không đặt lợi ích của dân tộc vào trọng tâm của các cuộc đàm phán, thỏa thuận mà họ chỉ quan tâm làm sao để kéo dài chế độ, làm sao để ngoại quốc ít lên án. Nếu người Việt chúng ta tiếp tục ngại tìm hiểu, ngại đau đầu, ngại vượt tường lửa để biết và quan tâm đến các vấn đề chính trị…thì những diễn đàn như APEC mãi là nơi diễn ra những thỏa thuận ngầm giữa Đảng cộng sản Việt Nam và ngoại bang.

Việt Nghĩa

(12/11/2017)

Published in Quan điểm
mercredi, 08 novembre 2017 15:57

Bão tố và bão lòng

Mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu hàng chục cơn bão và chúng ta chỉ có thể gói gọn trong hai từ là "tang thương" mỗi khi cơn bão quét qua. Tuy nhiên, theo thời gian, tâm hồn con người trở nên chai đá, chúng ta không còn ngạc nhiên, không còn đau đớn khi thấy đồng bào mình bị nguy hiểm, bị cướp đi mạng sống.

bao1

Mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu hàng chục cơn bão

Điều đó cũng chẳng có gì khó hiểu, mỗi ngày chúng ta đang phải đón hàng loạt cơn bão khác cũng nghiêm trọng không kém : thực phẩm bẩn, tai nạn giao thông, ung thư, ô nhiễm... có khác chăng chỉ là những cơn bão ngầm, là những cái chết từ từ, lặng lẽ và đớn đau.

Người Việt chúng ta thật kém may mắn khi sinh ra trong một xã hội lạc hậu và chậm tiến với biết bao thế hệ ngập ngụa trong sự ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ, lừa lọc và thậm chí tàn sát lẫn nhau. Mỗi người Việt như một con thuyền bơ vơ, lạc lõng giữa một rừng giông bão, nhiều số phận bị chìm nghỉm bởi những lý do lãng xẹt (bê tông rớt trúng đầu, mổ nhầm, tai nạn giao thông...). Những con thuyền còn lại thì bơi tứ phía, như một đàn ong vỡ tổ, vô phương hướng, vô tổ chức vì mất niềm tin.

Thảm kịch này kéo dài đến mức bào mòn niềm tin của đa số, họ tự ti đến mức không dám nhận mình là người Việt. Có lẽ nhiều người lo âu rằng, một ngày nào đó đất nước Việt Nam sẽ biến mất. Lịch sử thế giới từng chứng kiến điều đó, và kịch bản này có thể xảy ra với một dân tộc không muốn hoặc không xứng đáng tồn tại. Dân tộc đó không nhất thiết phải bị tiêu diệt bởi một thế lực ngoại xâm mà nó tự huỷ diệt.

bao2

Mỗi người Việt như một con thuyền bơ vơ, lạc lõng giữa một rừng giông bão

Điều kỳ lạ là thế giới đã đổi thay, những luật lệ, cách thức cư xử giữa người với người đã được qui ước, được đại đa số nhân loại ủng hộ, nhưng tại sao lại có một nơi mà những tiếng nói bảo thủ, cố chấp cất lên một cách trịch thượng, hùng hồn và trơ lì như đá trước bão, lại còn được một đám đông (vô học có, vô cảm có) ủng hộ bằng sự tiếp tay hay sự nín lặng ?

Lẽ ra chúng ta phải để cơn bão dân chủ cuốn đất nước vào vòng xoáy của sự công bằng, bình đẳng, văn minh… đằng này, đáng buồn và đáng giận là chúng ta lại bị cuốn theo lối sống tham lam, trọng vật chất, bất công ? Làm sao đất nước có sự thịnh vượng khi thiếu vắng những con người có nhân cách cao thượng ?

Là người Việt Nam, chúng ta có thể gặp bất hạnh bất cứ lúc nào, rồi chúng ta chỉ biết than khóc, đau đớn, nhưng có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi "tại sao dân tộc Việt Nam bất hạnh như thế ?", hay lại tiếp tục trốn tránh bằng những câu như "nước nào cũng vậy" một cách hèn nhát và đáng xấu hổ ? Chúng ta hãy trả lời nghiêm túc câu hỏi "một ngày tôi dành ra bao nhiêu phút để suy nghĩ về việc chung (việc nước) ?", và chúng ta cũng nên tự hỏi mình "một ngày tôi (tiếp tay) tàn phá đất nước này thế nào ?".

Một sự vô cảm sẽ nuôi dưỡng hàng ngàn tội ác, một sự tiếp tay sẽ giúp sinh sôi hàng trăm ngàn, hàng triệu, thậm chí hàng tỷ cái xấu. Một nhân cách bị nhuộm đen sẽ bít kín ánh sáng tương lai của con cái. Hơn ai hết, chính bản thân kẻ thủ ác sẽ bị trừng trị thích đáng nhất.

Vậy đây là lúc hợp lý nhất để chúng ta xé lòng ăn năn, chúng ta không thể chần chừ được nữa. Việt Nam lúc này đang như một trái bom nổ chậm cần tháo ngòi ngay lập tức. Nếu ai chưa thức tỉnh thì cần thức tỉnh, nếu ai chưa kiên trì thì cần kiên trì, nếu ai còn chần chừ thì phải quyết đoán bám ngay vào những tư tưởng tiến bộ, khai sáng bản thân. Chúng ta chỉ cần "hi sinh" những lợi ích tầm thường, nhỏ bé và tạm bợ là có thể xây đắp được một tương lai chung, một tương lai có đủ chỗ cho tất cả mọi người.

Những con người có viễn kiến, yêu nước và bao dung cần kiên trì hòa mình vào đám đông để thuyết phục, hãy xem nhau là anh em trước khi là chí hữu. Đừng bi quan vì những bất đồng, đừng tức giận trước những lời mỉa mai, xỉa xói vì điều đó càng làm cho sự bảo thủ phản kháng điên cuồng.

Tạo hóa sinh ra những con người có viễn kiến không phải để lên án đám đông hay đả kích lẫn nhau, mà để kết hợp họ lại, tạo nên những thành trì vững chắc như là đầu tàu để dẫn dắt đám đông vượt qua giông bão.

Nhìn những hình ảnh tiêu điều, xơ xác, hoang tàn sau mỗi cơn bão, người viết liên tưởng đến nỗi lòng người Việt lúc này, nỗi đau quá lớn và đến quá thường xuyên làm lòng chúng ta chai sạn, nhưng chắc chắn tận đáy lòng không ai là không u buồn, kể cả những kẻ đang kỷ niệm những ngày lễ phi nghĩa trong lúc dân tộc đang quằn quại, rên xiết. Dù sao họ cũng là người Việt, chỉ có điều chính vì sự mê muội và mù quáng nên họ đã tự tròng vào đầu cái vòng kim cô Mác-Lê không lối thoát.

Chúng ta cần bao dung với họ, chúng ta chỉ được quyền thay thế họ, chứ không được trả thù họ. Chắc chắn họ sẽ phải trả giá cho những tai họa đã gây ra cho dân tộc này, nhưng phải dưới áng sáng của nền công lý, văn minh, công bằng và hãy xem họ là đồng bào trước khi kết tội họ.

Cái ngày mà họ mọc rễ trên những chiếc ghế quyền lực sẽ kết thúc trong tương lai rất gần, vấn đề lúc này là những người Việt Nam đối lập, yêu nước và có viễn kiến đã chuẩn bị những gì ? Hay lại tiếp tục là sự chia rẽ, giành giật và tàn sát lẫn nhau như trong suốt chiều dài lịch sử ? Nếu điều đó diễn ra thì nó đúng là một cơn cuồng phong, và Việt Nam chắc chắn sẽ tan vỡ hoặc có một kết cục bi thảm (nội chiến, độc tài...).

Lo lắng thay, sự chuẩn bị của giới tinh hoa Việt Nam nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung, vẫn trì trệ, chúng ta vẫn chưa đồng ý hoàn toàn với nhau về tư tưởng "hòa giải và hòa hợp dân tộc", không lẽ chúng ta muốn tiếp tục trả thù nhau ? hay phải tử hình hết những người theo cộng sản ? Nếu vậy thì chúng ta lại tiếp tục hành động như họ khi áp dụng những bộ luật lạc hậu, hung bạo trong một thế giới văn minh, vị tha ?

Trong tương lai, khi cộng sản không còn nữa, chúng ta sẽ xây dựng đất nước như thế nào ? Có thể chúng ta lại tiếp tục bất đồng về một "dự án" cho đất nước thời hậu cộng sản ? Phải thừa nhận là chúng ta rất thích sao chép, sao chép một cách máy móc và thiếu suy nghĩ. Chúng ta chỉ nhìn vào Hoa Kỳ và khăng khăng rằng chế độ tổng thống là hay nhất, nhưng chúng ta lại rất ít thắc mắc tại sao chế độ tổng thống thất bại ở tất cả các quốc gia khác ? Trong khi các nước theo mô hình Đại nghị đã đạt được những thành công vượt trội tại Anh, Đức, Nhật, Úc, Canada... ?

Những mâu thuẫn và bất đồng này không khác gì những cơn bão dữ, chực chờ cuốn phăng Việt Nam vào một tương lai tối tăm, bất định. Hơn lúc nào hết, như khi một cơn bão đi qua thì người ta sẽ phải thu dọn, phải gầy dựng lại nhà cửa, phải làm việc cật lực để ổn định cuộc sống…dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao nhiêu cơn bão dữ (nội chiến, cộng sản…). Đã đến lúc người Việt Nam cần phải cố gắng và cật lực thuyết phục nhau, bao dung (nhân đạo) với nhau, để tạo nên một đồng thuận chung như những đứa con trong cùng một gia đình Việt Nam.

Chúng ta cần nhìn nhận nhau như Anh Em một nhà và cùng nhau chia sẻ những giá trị chung của nhân loại như dân chủ, hòa bình, liên đới, bao dung, lương thiện…khi chúng ta đạt được đồng thuận với nhau về một chế độ mới, một tương lai khác thì trong lòng mỗi người sẽ không còn những cơn bão tố của sự chia rẽ, đố kị, oán thù, lừa lọc…

Chỉ khi đó thì tâm hồn chúng ta mới hết chai sạn để nhường chổ cho tình huynh đệ, tình đồng bào và một tình yêu quê hương trọn vẹn và đúng nghĩa. Đồng thuận và đoàn kết sẽ tạo nên một tảng đá thống nhất, vững vàng, đủ sức đương đầu với mọi bão tố.

Việt Nghĩa

(08/11/2017)

Published in Quan điểm
Trang 2 đến 2