Công an Hà Nội gửi thư kêu gọi người dân Đồng Tâm ‘tự thú và đầu thú’ (VOA, 14/10/2017)
Công an thành phố Hà Nội đã gửi thư kêu gọi người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức "tự thú và đầu thú" về điều được mô tả là hành vi hủy hoại tài sản và bắt giữ người trái pháp luật diễn ra vào tháng 4, khơi lên phản ứng mạnh mẽ từ người dân địa phương liên quan tới vụ tranh chấp đất đai thu hút nhiều sự chú ý.
Những nhân viên cảnh sát được người dân thả ra sau một khoảng thời gian bị câu lưu liên quan tới tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ngày 22 tháng 4, 2017.
Báo Công an Nhân dân đưa tin bức thư được cơ quan cảnh sát điều tra công bố vào ngày 13 tháng 10 và báo Tuổi Trẻ dẫn lời một phó trưởng thôn Hoành cho biết nội dung thư trên đã được đọc trên loa phát thanh của xã Đồng Tâm từ ngày 11 tháng 10.
"Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội", bức thư nói trong lời mở đầu.
"Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội viết thư này, đề nghị các cá nhân đã tham gia vào việc hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật trên địa bàn thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Thành phố Hà Nội, từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 4 không bỏ lỡ cơ hội để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, hãy dũng cảm, đối mặt với sự thật, nhanh chóng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát Nhân dân TPP Hà Nội… hoặc chính quyền, cơ quan Công an nơi gần nhất để tự thú, đầu thú, khai báo, góp phần khắc phục hậu quả đã gây ra".
Bức thư cũng cảnh báo "người che giấu, cản trở người có hành vi vi phạm pháp luật tự thú, đầu thú sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật" và kết thúc với lời nhắc nhở người dân "cần bày tỏ thái độ ứng xử trên tinh thần thượng tôn pháp luật" nếu có bất đồng để tránh những vụ việc "đáng tiếc" như đã xảy ra.
Phản ứng về bức thứ này, ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho tiếng nói phản kháng của người dân Đồng Tâm, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với VTC hôm thứ Bảy và được một người dân phát trực tuyến qua Facebook rằng người dân Đồng Tâm không có tội và đất nông nghiệp của họ đã bị chiếm đoạt để giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.
"Quan điểm của tôi là dân Đồng Tâm không sợ, chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quyền lợi của mình", ông Kình nói. "Chính là thành phố Hà Nội, chính là huyện Mỹ Đức, chính là ông chủ tịch xã Đồng Tâm gây nên cái bức xúc đó, đẩy người ta đến đường cùng".
Hồi giữa tháng 4, khi chính quyền Hà Nội tìm cách thu hồi đất ở xã Đồng Tâm, người dân đã chống trả, giữ lại 20 nhân viên cảnh sát, và "đóng cửa" làng trong nhiều ngày. Sau một tuần, người dân xã đã thả số người bị cầm giữ khi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết bằng văn bản không truy tố người dân.
Tuy nhiên, đầu tháng 6, công an thành phố đã khởi tố vụ án hình sự về việc dân Đồng Tâm giữ người nhà nước. Ông Chung bị nhiều người lên án "phá vỡ cam kết".
Vào tháng 8, công an Hà Nội đã gửi giấy triệu tập hơn 70 người dân xã Đồng Tâm, trong đó có ông Kình, để làm rõ về vụ "bắt người trái phép" và "gây rối trật tự công cộng" xảy ra ở xã hồi giữa tháng 4.
Ông Bùi Văn Kỷ, một người dân Đồng Tâm được VTC phỏng vấn hôm 14 tháng 10 nói rằng "nguyện vọng tha thiết" của người dân là được giải quyết tranh chấp về mặt hành chính và họ sẵn sàng làm việc với tất cả các cấp chính quyền để đạt được điều này.
"Chúng tôi không muốn cán bộ nào làm sai phải bị kỷ luật cả, không muốn truy tố bất cứ ai, chỉ mong muốn thiết tha rằng cái đất 59 hecta này của chúng tôi cứ trả lại cho chúng tôi canh tác để lấy bát cơm mà ăn thôi", ông nói.
***********************
Vụ Đồng Tâm : công an Hà Nội kêu gọi 'dân đầu thú' (BBC, 14/10/2017)
Công an Hà Nội vừa có thư kêu gọi người dân thôn Hoành từng bắt giữ 38 cảnh sát 'ra đầu thú', theo truyền thông chính thống của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Chung nói bản kết luận thanh tra dựa trên "rất nhiều tài liệu để đi đến sự thật".
Hôm 13/10/2017, báo Công an Nhân dân điện tử trong bài báo có tựa đề "Công an Hà Nội kêu gọi đầu thú trong vụ bắt giữ người trái pháp luật tại thôn Hoành" cho hay :
"Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội ngày 13/10 đã có Thư kêu gọi tự thú và đầu thú đến các cá nhân có hành vi hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật (từ ngày 15 đến ngày 22/4) trên địa bàn thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội.
Tờ báo của ngành công an trích dẫn nội dung bức Thư kêu gọi, tường trình có đoạn viết :
"Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội. Điều đáng tiếc, không mong muốn đó ảnh hưởng tiêu cực cho người thực hiện hành vi, gia đình họ và cho xã hội. Đối mặt với tình huống này, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cần phải làm gì để được hưởng lượng khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý với cá nhân mình.
"Cha ông ta đã có lời chỉ dạy "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại". Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta nghiêm khắc nhưng cũng thật nhân đạo, khoan dung. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật nếu thực sự ăn năn, hối lỗi bằng việc tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, góp phần khắc phục hậu quả tiêu cực cho xã hội mà mình đã gây ra luôn được xem xét, giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm pháp lý khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc".
Bức thư theo báo Công an Nhân dân Online cũng kêu gọi cộng đồng, người thân, gia đình của những người từng bắt giữ các cảnh sát, hợp tác, động viên những người liên quan ra đầu thú và đưa ra một số hứa hẹn :
Các binh sỹ và sỹ quan cảnh sát của chính quyền Hà Nội trong ngày được trao trả tự do ở Đồng Tâm, Hà Nội vài tháng trước đây.
"Công an Thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị cấp chính quyền, gia đình, thân nhân của những người đã có hành vi vi pháp luật nêu trên động viên công dân, người thân của mình có thái độ tích cực trước Thư kêu gọi này và phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tự thú, đầu thú. Đồng thời kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn động viên những người vi phạm ra tự thú, đầu thú ; cung cấp những thông tin, tài liệu có liên quan bằng các hình thức tự lựa chọn.
"Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ không bắt, giam giữ người tự thú, đầu thú và bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tự thú, đầu thú theo quy định của pháp luật. Người che giấu, cản trở người có hành vi vi phạm pháp luật tự thú, đầu thú sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật".
Trước diễn biến đang được công luận quan tâm này, hồi đầu tháng 7/2017, Chính quyền Hà Nội từng công bố "dự thảo kết luận thanh tra" đất Đồng Tâm sau vụ đối đầu chưa có tiền lệ.
Buổi công bố "dự thảo" này được một vài nhà quan sát trong nước đánh giá là phép thử dư luận trước khi có công bố chính thức.
**********************
Vụ Đồng Tâm lại bị chính quyền khơi dậy (RFA, 13/10/2017)
Cơ quan Cảnh sát điều Tra Công an Hà Nội vào ngày 13 tháng 10 có thư kêu gọi những người dân mà cơ quan này cho có liên quan đến vụ việc bị cáo buộc ‘hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật’ tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào giữa tháng tư vừa qua.
Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào tháng 4 năm 2017. RFA
Tin cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp cùng soạn thảo thư. Nội dung đề nghị những đối tượng bị cho liên can hãy ‘dũng cảm, đối mặt sự thật’, nhanh chóng đến cơ quan Cảnh sát điều tra công an Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội, hoặc chính quyền, cơ quan công an gần nhất để tự thú, đầu thú, khai báo. Mục tiêu được cơ quan chức năng nói là để khắc phục hậu quả đã gây ra.
Trước khi có thư kêu gọi đầu thú, tự thú như vừa nêu ; cơ quan chức năng gửi giấy triệu tập đến khoảng 100 người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm.
Yêu cầu được nêu trong giấy triệu tập là để làm rõ hai vấn đề liên quan đến đất tại đồng Sênh mà dân cho là đất nông nghiệp do họ khai phá, trong khi đó thì chính quyền lại nói đó là đất quốc phòng ; vấn đề thứ hai và vụ người dân thôn Hoành bắt giữ gần 40 cán bộ huyện, xã và cảnh sát cơ động để bảo vệ đất của họ.
Vụ khủng hoảng Đồng Tâm xảy ra khi công an bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm, trong đó có cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi.
Vào ngày 22 tháng tư, đích thân chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, phải về xã Đồng Tâm nói chuyện với người dân, đưa ra cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân địa phương về vụ việc bắt giữ như vừa nêu vào ngày 15 tháng 4.
Đến ngày 13 tháng 6, cơ quan Cảnh sát điều tra công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Đồng Tâm về hai tội danh ‘bắt giữ người trái pháp luật’ và hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản’.
Người dân Đồng Tâm luôn cho rằng họ phải đấu tranh giữ đất và mong muốn chính quyền giữ đúng cam kết, cũng như phải có giải quyết công tâm về khu đất bị cho là đất quốc phòng.
Thời gian gần đây Công an Thành phố Hà Nội thường xuyên về Đồng Tâm triệu tập dân làng (mỗi lần một nhóm người dân khác nhau) cho vụ án "Bắt giữ người trái phép" và "Hủy hoại tài sản" mà họ khởi tố ngày 13 tháng 6 vừa qua, gây xáo trộn đời sống sinh hoạt của bà con.
Cụ Kình : thủ lĩnh xứng danh của Đồng Tâm
Là người thủ lĩnh tinh thần của dân làng, cụ Kình, dù đang trong giai đoạn phục hồi sau khi bị một toán công an, quân đội cưỡng chế đất đánh gãy chân gần 6 tháng trước đây, vẫn nhất mực đòi con cháu và dân làng đẩy xe lăn ra trụ sở UBND xã để nói phải trái với những người đang muốn làm khó dân làng của cụ mỗi khi họ về làng.
Ngay ngày hôm qua thôi, trước những cán bộ, công an về làng đòi triệu tập người dân, dù vẫn phải ngồi trên xe lăn, cụ Kình đã đưa ra những phân tích pháp lý, đòi làm rõ những điểm khuất tất trong kết luận thanh tra của Hà Nội, và yêu cầu xử lý nghiêm những kẻ đã gây thương tích cho cụ vào ngày 15/4 vừa rồi (chưa ai bị xử lý bất kỳ điều gì cả).
Đi đầu trong công cuộc đấu tranh giữ đất cho làng, bị cường quyền đánh tới mức tàn phế ở tuổi 80 mà nay vẫn sẵn sàng bước lên phía trước gánh vác tai vạ cho dân làng trước những kẻ muốn cố đấm ăn xôi ở Đồng Tâm, cụ Kình quả thực là một thủ lĩnh xứng danh của dân làng nơi đây.
Xin được hỏi những người có trách nhiệm trong chính quyền Hà Nội và Trung ương, trước một thủ lĩnh như thế, trước một làng đoàn kết trên dưới một lòng lại được dẫn dắt bởi một thủ lĩnh như thế, các anh có gì trong tay mà đòi khuất phục ý chí của họ ?
Vạch mặt giặc nội xâm tham nhũng cướp đất Đồng Tâm
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tieng DanViet Media, 10/09/2017
Cuộc họp Đồng Tâm 3/9/2017 chống giặc nội xâm tham nhũng...
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tieng DanViet Media, 04/09/2017
Vụ việc Đồng Tâm lại khiến dư luận xôn xao khi cơ quan chức năng cả Công An và Quân Đội gửi giấy triệu tập đến người dân.
Một tờ giấy triệu tập của Công an Thành phố Hà Nội - FB Dinh Am Nguyen
Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, ông Lê Xuân Văn, nói về thông tin người dân Đồng Tâm bị triệu tập liên quan đến các hành vi mà cơ quan chức năng cho là vi phạm pháp luật trong vụ tranh chấp đất :
"Chuyện triệu tập là hết sức bình thường, cơ quan điều tra của Thành phố họ triệu tập theo luật, có vấn đề gì đâu".
Một người dân ở xã Đồng Tâm, xin giấu tên xác nhận với chúng tôi thông tin nhiều người địa phương bị cơ quan chức năng triệu tập và cũng nói rằng người dân sẽ không làm theo nội dung tờ giấy này bởi vì họ không làm gì nên tội.
Ngoài ra, anh cũng bày tỏ sự không hài lòng khi chính quyền chỉ muốn quy kết tội cho dân Đồng Tâm vì vụ giam giữ 38 cán bộ, cảnh sát cơ động hồi tháng 4, mà không màng đến nguyên nhân vì đâu người dân phản ứng như vậy :
"Nếu người ta triệu tập rồi cố đàn áp thì người ta phải tự hỏi mình xem nguồn cơn từ đâu, chứ đâu có phải cứ như vậy về bắt người là bắt được đâu. Dân người ta không nghe đâu. Sao người ta không khởi tố những người đánh cụ Kình trước đi. Làm như thế là bất công".
Cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người bị công an Hà Nội bắt giữ hồi tháng 4 vừa qua, vào sáng ngày 27/8, xác nhận thông tin cụ nhận được giấy triệu tập từ Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ quốc phòng cũng như nhiều người khác nhận giấy từ phía Công an Hà Nội.
"Tất cả các giấy triệu tập thực ra bây giờ họ cứ đi làm nhũng nhiễu rất đông. Đến hàng trăm người lận. Cả công an huyện, cả công an thành phố, cả công an xã không những đưa giấy triệu tập mà còn bảo đi đầu thú".
Tuy nhiên theo lập luận của vị cao niên lâu nay theo đuổi vụ việc tại Đồng Tâm, người dân bảo vệ đất nông nghiệp họ nên không có tội gì mà đi đầu thú. Cụ cho rằng phía chính quyền không có quyết định thu hồi đất, giao đất, không giải phóng mặt bằng, đền bù nhưng định lấy đất của người ta thì không sao ; đó là một điều hết sức vô lý.
Khi được hỏi vậy người dân có dự tính đến gặp cơ quan chức năng theo nội dụng giấy triệu tập không, cụ Kình cho biết :
"Dân Đồng Tâm người ta bảo người ta không đi đâu cả, người ta chả có tội gì mà đi đâu cả ! Bây giờ muốn giải quyết cái gì thì về văn phòng Đảng ủy xã Đồng Tâm và mời cán bộ và công dân ra đó để đối thoại. Nếu Viettel hay Mỹ Đức mà vẫn cố về tranh chấp, đến khi xảy ra án mạng thì anh nào sai anh ấy chịu trách nhiệm. Mà dân Đồng Tâm thì không bao giờ sai cả".
Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, ông Lê Xuân Văn, nói về thông tin người dân Đồng Tâm có thể sẽ không đến gặp cơ quan chức năng theo giấy triệu tập :
"Theo luật, người ta triệu tập 3 lần mà không đến thì người ta sẽ áp giải.
Nếu có tội thì người ta sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Bọn em đừng có nghe người dân, họ nói thế thôi, chứ bây giờ bắt giữ công an trái phép và giam giữ người trái pháp luật từ ngày 15 đến ngày 22, mà cứ bảo là không vi phạm pháp luật.
Thứ hai, đất là đất quốc phòng. Kết luận thanh tra của Chính phủ và Thành phố có rồi lại cứ bảo là đất của Đồng Tâm.
Người dân cứ ngồi ở nhà bảo không vi phạm gì, nhưng vụ án có hồ sơ, có căn cứ chứ sao bảo không vi phạm gì được.
Còn phạm tội gì thì công an Thành phố và cục điều tra hình sự của Bộ quốc phòng đang thụ lý.
Triệu tập có rất nhiều dạng, có thể triệu tập người bị hại, nhân chứng, có thể anh có liên quan vụ án, có thể anh là bị can, bị cáo,…
Một số đối tượng như ông Kình chẳng hạn, ông đã bị công an thành phố khởi tố rồi. Hay thằng Công, thằng Ba, những nhân vật chính, người ta cũng khởi tố và ra lệnh bắt rồi. Bây giờ người ta tạm thời cho tại ngoại thôi.
Bây giờ người ta triệu tập là theo luật thôi. Nếu anh không chấp hành thì sau này người ta sẽ xử lý theo quy định của pháp luật".
Người dân đặt chướng ngại vật trên một con đường vào xã Đồng Tâm - Courtesy of plo.vn
Đáp lại những thắc mắc của chúng tôi khi một bên chính quyền muốn gặp người dân để điều tra làm rõ vụ án, còn người dân lại lên tiếng nói rằng họ sẽ không đến gặp, luật sư Hà Huy Sơn, đoàn luật sư Hà Nội giải thích một số khía cạnh pháp lý. Thứ nhất, ông nói rằng phía công an thành phố đã khởi tố vụ án bắt và giam giữ người trái phép và cố ý phá hoại tài sản đối với một số người dân Đồng Tâm. Vì vậy, theo ông, công an có quyền hợp pháp triệu tập người dân. Ông nói thêm :
"Phía Quốc phòng thì tôi không biết người ta đã có quyết định khởi tố hay chưa. Chỉ biết là trong giấy triệu tập người ta ghi là làm rõ vụ án thôi. Nếu có quyết định khởi tố rồi thì triệu tập là hợp pháp.
Trường hợp nếu người dân không đến thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp dẫn giải".
Vị luật sư này cũng gợi ý người dân dân nên thuê luật sư để giúp bảo vệ mình ngay giai đoạn đầu. Thêm nữa, nếu việc đi lại đến trụ sở cơ quan điều tra quá xa, ảnh hưởng đến công việc, đời sống hằng ngày thì có thể làm đơn đề nghị với cơ quan điều tra cho phép làm việc hay hỏi cung tại trụ sở công an xã cho gần. Theo ông, điều này luật pháp cho phép.
Ngày 25/7 vừa qua, Thanh tra thành phố Hà Nội chính thức thông báo kết luận toàn bộ đất sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là đất quốc phòng.
Ngay sau đó người dân Đồng Tâm đã bày tỏ bất bình với kết luận này và làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng. Đến thời điểm này là hơn một tháng, cụ Kình cho biết thông tin về việc này :
"Đơn khiếu nại gửi lên Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Thủ tướng nhưng người ta chỉ gửi lại giấy nói là họ đã nhận được thôi chứ người ta về để đối thoại với mình hay trả lời mình là chưa có".
Cụ Kình nói với chúng tôi rằng dân Đồng Tâm sẽ cương quyết giữ đất đến cùng, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra :
"Chỉ có khi nào Nhà nước có quyết định thu hồi đúng thẩm quyền đúng pháp luật, giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa đáng thì lúc đó sẽ giải quyết. Còn bây giờ cứ cái kiểu nhận đất nhưng không có quyết định thu hồi gì cả thì người ta sẽ quyết giữ đến cùng. Nếu cố tình như vậy sẽ xảy ra xung đột".
Cụ ông 82 tuổi này cũng tiết lộ rằng hiện tại khu đất đồng Sênh và sân bay Miếu Môn người dân Đồng Tâm đã tiến hành trồng cây để thể hiện quyết tâm giữ đất của họ.
Phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Quang, nhà hành động xã hội dân sự, về biến cố Đồng Tâm
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : TiengDanMedia, 29/08/2017
Cụ Lê Đình Kình phát biểu về tình hình căng thẳng ở Đông Tâm hiện nay
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : TiengDanMedia, 27/08/2017
Quân đội, việc của các anh là bảo vệ lãnh thổ, Hãy buôn tay khỏi Đồng Tâm
Trong khi hàng chục giấy triệu tập của Công an Hà Nội gửi về Đồng Tâm còn chưa ráo mực, như thể "tát nước theo mưa" nhằm tăng thêm sức ép, mấy ngày nay Bộ Quốc Phòng lại gửi giấy triệu tập cụ Lê Đình Kình và con của cụ là trưởng thôn Lê Đình Công.
Ông Lê Đình Kình có giấy triệu tập nhưng vẫn chưa dưỡng thương xong để có thể tới cơ quan điều tra thuộc Bộ Quốc phòng làm việc, theo truyền thông Việt Nam
Lý do triệu tập được đưa ra là "để làm rõ vụ án". Nhưng vụ án ở đây là vụ án nào ? Bộ Quốc phòng vừa khởi tố vụ án mới hay là đang khơi lại vụ án cũ - tức vụ án Chống người thi hành công vụ mà nhân đó Bộ Quốc phòng đã cùng Công an Hà Nội đánh gãy chân cụ Kình trong quá trình bắt giữ vào ngày 15/4 ? Vụ bắt người sai quy trình tố tụng, không lập biên bản, không đọc lệnh, còn gây thương tích nghiêm trọng cho cụ Kình tới nay vẫn chưa được xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Cũng cần nhắc lại là Bộ Quốc phòng còn có dấu hiệu lạm quyền khi tiến hành khởi tố bất kỳ vụ án nào liên quan tới tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm bởi lẽ theo Luật Tổ chức Cơ quan Điều tra Hình sự 2015 thẩm quyền của Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc Phòng chỉ giới hạn trong "những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu và tương đương, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra ; vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại." (Khoản 2, Điều 26).
Cụ Lê Đình Kình - Ảnh minh họa
Những gì diễn ra ở Đồng Tâm cho tới giờ phút này không phải tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, lại chẳng xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu, mà cũng chẳng xuyên quốc gia, thì lãnh đạo Bộ Quốc Phòng lấy lý do gì để biện minh cho việc khởi tố vụ án ở Đồng Tâm ?
Quan trọng hơn, những người dân quê Đồng Tâm góp gạo góp quân là để Quân đội bảo vệ lãnh thổ quốc gia trước ngoại xâm, chứ không phải là để nhăm nhe vào đất đai - nguồn sống của họ, hoặc sử dụng bộ máy điều tra, tòa án quân sự để bỏ tù họ khi họ chỉ đang cố gắng giữ lại nguồn sống cho mình.
Súng là dân giao cho các anh, dù có thế nào đi chăng nữa, dù có dưới lệnh ai đi chăng nữa, các anh cũng không được phép chĩa nó vào những nơi mà các anh từ đó đi ra, vào những người đang đổ mồ hôi nuôi các anh.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 27/08/2017 (nguyenanhtuan's blog)