"Nếu tôi chết chỉ xin bà con một nén nhang". Đây là lời của cô Lan, bí thư xã Đồng Tâm vừa mới bị khai trừ và mất chức, nói trước hàng trăm dân làng ngay tại nhà văn hóa thôn Hoành trong những ngày sôi bỏng. Không rõ 38 cán bộ, công an bị giữ ngay lúc đó nghĩ gì về hai tiếng "lòng dân" giữa tràng pháo tay vang dội của dân làng, chỉ biết sẽ còn rất lâu nữa dân Đồng Tâm mới quên được hình ảnh người cán bộ sẵn sàng sống vì họ, và chẳng ngại chết vì họ.
Bí thư xã Đồng Tâm, bà Nguyễn Thị Lan, đọc bản cam kết của Chủ tịch Chung
Tôi biết chuyện cô Lan bị khai trừ vài ngày trước khi báo chí đưa tin. Bà con Đồng Tâm, trong nỗ lực vô vọng muốn giúp người cán bộ vì dân, đã gửi toàn văn kết luận kiểm tra đảng của cô Lan cho những người quan tâm đến Đồng Tâm, mong có thêm tiếng nói hỗ trợ cô ấy. Đúng là tôi có thể trả lời bà con với niềm tin cá nhân của mình rằng, "rời khỏi đảng, về với dân" thực ra là một điều tốt cho cô Lan, song tôi cũng hiểu vì sao bà con Đồng Tâm vẫn nghĩ bị khai trừ là một điều tệ hại đối với cô ấy. Quán tính suy nghĩ cần thời gian để thay đổi, và chẳng ai có quyền bắt người khác phải nghĩ theo lối của mình.
Tuy nhiên, sau khi đọc toàn bộ kết luận kiểm tra, tôi tin rằng mọi cố gắng giúp lật ngược quyết định khai trừ cô ấy đều vô nghĩa. Lý do là vì các cấp lãnh đạo đảng đã áp cho cô Lan "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "suy thoái chính trị" theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 - những tội lỗi bất khả dung thứ trong nhãn quan của lãnh đạo đảng hiện nay.
Một trong những lý do được đưa ra cho kết luận này là việc cô Lan nhất mực trả lời các cấp lãnh đạo rằng, cô vẫn tin đất đồng Sênh là của làng, dù các cấp chính quyền từ Trung ương đến huyện, trong thẩm quyền của họ, đã tung hàng loạt văn bản khẳng định đó là đất quốc phòng. Phía sau sự bất đồng này là những niềm tin khác biệt, giữa một bên - đa số người dân - cho rằng cá nhân (dân) và cộng đồng (làng) có thể sở hữu đất, với bên kia là lãnh đạo đảng cộng sản, dưới định hướng của ý thức hệ và quyền lợi, luôn tin rằng đất đai chỉ có duy nhất một chủ nhân ông là nhà nước, dưới dãn hiệu mỹ miều "sở hữu toàn dân".
Sự giằng co về niềm tin này dai dẳng trong lòng xã hội chúng ta hàng chục năm qua, không chỉ trong người dân mà cả cán bộ, tạo ra vô vàn bất ổn. Có lẽ chỉ một số cán bộ cấp cao mới phủ nhận sự bất hợp lý của quy định hiện hành về sở hữu đất đai ở Việt Nam, đơn giản bởi sự bất hợp lý này đang giúp họ trở thành những người cộng sản triệu phú đô-la.
Những người cán bộ cấp thấp khác, dẫu nhận ra sự bất hợp lý này, cũng khó mà lên tiếng một khi Nghị quyết Trung ương 4 đã đặt án tử lên sinh mệnh chính trị của bất kỳ đảng viên nào dám phản đối quy định "sở hữu toàn dân về đất đai". Cô Lan là một ngoại lệ. Trong những giờ phút quyết định, cô đã đi theo niềm tin cá nhân mình, đặt lương tâm lên trên nghị quyết.
Cô Lan có thể đã tự sát chính trị, song là để một lương tri được sống.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 14/12/2017 (nguyenanhtuan's blog)
"Ngu" trở thành tính từ mà gần như ai sử dụng mạng xã hội cũng dùng khi tham gia bàn luận về Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Dựng chướng ngại vật trong vụ tranh chấp đất tại Đồng Tâm. Hình minh họa.
Theo Thông tư vừa kể thì từ ngày 5 tháng 12, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình.
***
Trò chuyện với tờ Lao Động về Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Đặng Hùng Võ – cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, người vẫn được xem như một chuyên gia về đất đai ở Việt Nam, nhận định, quy định như vừa kể là thừa và sẽ gây nhiều rắc rối. Ông Võ nói thêm rằng, những viên chức đề nghị và người phê chuẩn – ban hành qui định ấy "không có hiểu biết gì về pháp luật dân sự". Ông Võ nhấn mạnh, "hộ" phổ biến là một cặp vợ chồng, nếu quyền sử dụng đất là tài sản của một cặp vợ chồng thì việc thêm tên con cái của họ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chẳng khác gì tạo thêm những đồng sở hữu mới, dù không tham gia tạo lập vẫn có quyền định đoạt đối với tài sản là quyền sử dụng đất. Cứ cho rằng con cái có đóng góp vào tài sản là quyền sử dụng đất thì dùng cách nào để xác định sự đóng góp đó ? Ông Võ tiên đoán, Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ khiến việc xác định chủ tài sản trở thành rối rắm và chắc chắn sẽ tạo ra nhiều tranh chấp.
Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường được xem như một "nỗ lực" để loại bỏ tình trạng lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đáng tiếc là giống như nhiều "nỗ lực" khác của hệ thống công quyền tại Việt Nam, không những không được ghi nhận, Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường khiến công chúng thêm giận và khinh miệt…
Giống như hàng chục ngàn facebooker tham gia bình luận về Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Nguyễn Đăng Hưng xem đó là bằng chứng về sự "ngu si, đần độn quá mức" và "kiến tạo kiểu này chỉgây mâu thuẫn cho gia đình, rắc rối cho nhân dân, mâu thuẫn cho xã hội". Bửu Nam Nguyễn Phước thì đề nghị "trao Chứng nhận Đại Ngu" cho những người soạn thảo – ban hành Thông tư 33/2017.
Tương tự, Hàn Ly Hương giải thích lý do facebooker này nhận định Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường là "quá sức ngu dốt : Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử loại người, kẻ bỏ tiền tạo lập nhà đất bị buộc phải để những người không đóng góp gì đứng tên, trở thành đồng sở hữu.
Một facebooker có tên là Su Ma thì cho rằng : "Thằng" nào không có chuyện gì làm thì nên cho "nó" về quê nuôi bò. Đừng để "nó" ở không rửng mỡ, nghĩ chuyện… ruồi bu. Nhìn tới tương lai, Dương Nhựt tiên đoán : Mai mốt muốn giao dịch phải kéo cả nhà ra ngồi một bầy cho "tụi nó" hành là chính !
Bên cạnh đó, có khá nhiều facebooker không tin Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường là "ngu dốt… thuần túy". Theo họ, thông tư này sẽ tạo ra cơ hội "móc ngoặc, tham ô, đút lót" vì "tụi nó khôn lắm, sau khi ăn ngược, bây giờ tính chuyện ăn xuôi". Cũng có những facebooker như Nhu Nguyen cà rỡn : Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường nhằm tạo điều kiện cho bệnh viện, nhà xác, nhà tù có việc để làm. Đất vốn là công sức của cha mẹ tạo lập. Bây giờ, tất cả những người có tên trong hộ khẩu đều là đồng sở hữu. Vì ngay cả con dâu, con rể cũng có quyền tham gia định đoạt nên rất dễ đâm chém nhau. Vậy là có người vô bệnh viện, có kẻ vô nhà xác, kẻ khác nữa thì vào nhà tù…
Tương tự, trên trang facebook của Đại Kỷ Nguyên, Thuong Pham tin rằng, Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường là "kế mới để các quan tham nhũng thoát thân", tài sản do nhận hối lộ mà có, giờ mang nguồn gốc "gia đình", cả chính quyền lẫn tòa án vô phương truy cứu.
***
Tại Việt Nam, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường được gọi tắt là "Sổ đỏ". Đây không phải là lần đầu tiên tờ giấy khổ lớn được gấp làm đôi, có một mặt màu đỏ khiến hàng trăm triệu người phải bận tâm.
Đáng ngạc nhiên là dường như tất cả những gì dính tới đỏ - vốn vẫn được xem như màu tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản – đều làm thiên hạ đau và giận.
Tuần này, ngoài Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường liên quan tới "Sổ đỏ", "thảm đỏ" - vốn được dùng để ví von cho nỗ lực cải tổ, mời gọi đầu tư - cũng là một chủ đề mà cả các tờ báo chính thống lẫn mạng xã hội bàn luận sôi nổi.
Hôm 20 tháng 11, tờ Tuổi Trẻ giới thiệu hàng loạt ý kiến của các chuyên gia, doanh nhân về lời kêu gọi của Thủ tướng Việt Nam : Doanh giới đừng đưa hối lộ ! Khi trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, các chuyên gia và doanh nhân cùng nêu một ý, doanh nhân chỉ có thể ngừng đưa hối lộ khi tình trạng "trên trải thảm nhưng dưới rải đinh", "cài cắm qui định" để có lý do vòi vĩnh chấm dứt !
Giữa năm ngoái, khi tham gia bàn luận về mời gọi đầu tư, ông Lê Hồng Sơn – cựu Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam, từng ví von, chủ trương mời gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư của khu vực tư nhân giống như "trải thảm đỏ" nhưng trên thực tế, các bộ, ngành liên tục đặt định rất nhiều yêu cầu "trời ơi, đất hỡi" chẳng khác gì "rải đinh" dưới thảm.
Sau 18 tháng tính từ ngày ông Sơn khái quát hiện trạng "trên trải thảm nhưng dưới rải đinh", giờ, "đinh" vẫn đầy dưới "thảm" ! Một số người biện bạch rằng "chính phủ" đã rất cố gắng, chỉ có… "các bộ, ngành" là thiếu thiện chí. Kiểu biện bạch này khiến người ta hoang mang. Chẳng lẽ chính phủ Việt Nam khác chính phủ của các quốc gia khác, thành ra "các bộ, ngành" không phải… "chính phủ" ?
Không "nhã" như các chuyên gia và doanh nhân, nhiều facebooker như Tony Do nhận định thẳng tuột, lời kêu gọi doanh giới đừng đưa hối lộ của Thủ tướng Việt Nam là một kiểu "nói chuyện huề tiền".
Tony Do bảo ông Phúc "thử khuyên mấy đứa con của chính phủ đừng gây khó dễ, đừng nhận hối lộ xem chúng có nghe không ?". Tuy nhiên Duc Do Dang cho rằng khỏi "thử khuyên" vì "vô phương". Duc Do Dang giải thích : Chúng nó nhận hối lộ để thu hồi vốn, không nhận hối lộ thì mua quan làm gì (?). Chưa kể làm như thế mấy đứa bán quan sẽ chết đói. Facebooker này không tán thành kiểu ví von cho rằng dưới thảm là đinh. Duc Do Dang nhấn mạnh : Dưới thảm đỏ là cả rừng chông. Đinh chỉ xuyên qua giày, còn chông thì… xuyên tan xác !
Chẳng lẽ đã "đỏ" thì phải có… "đinh" mới đó mà đã lạc hậu. Giờ dưới "đỏ" là "chông" mới chính xác ?
Từ hơn nửa năm nay, người Việt trên cả nước và người Việt trên khắp thế giới đều biết sự thật vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, ra cánh đồng Sênh chỉ mốc giới đất.
Sáng ngày 15/4/2017, hai sĩ quan quân đội và viên trung tá phó trưởng công an huyện Mỹ Đức nhờ cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, dẫn ra cánh đồng Sênh chỉ mốc giới đất của dân Mỹ Đức. Ra đến cánh đồng, theo yêu cầu của viên sĩ quan quân đội, cụ Kình quay lại bảo mấy người dân đi theo quay về.
Chỉ còn đám võ biền và mấy cụ già đều ở tuổi ngoài 70 đi đến chỗ chiếc ô tô nhà binh đỗ đợi. Lập tức kịch bản triệt hạ thủ lĩnh, triệt hạ ý chí, linh hồn dân Đồng Tâm được triển khai. Một tên mặc đồ dân sự ôm súng từ trong ô tô nhảy ra xả loạt đạn chát chúa thị uy. Mấy ông già nông dân giật mình, sững sờ, còn đang ngơ ngác chưa biết chuyện gì xảy ra thì viên trung tá công an lao đến cụ Kình, tung cú đá làm cụ già mình hạc bay như chiếc lá khô. Thân già da cóc bị ném lên ô tô, tống giẻ vào mồm.
Ô tô rồ máy lao hơn 50 cây số từ cánh đồng Mỹ Đức đến thẳng cơ quan cảnh sát điều tra phố Thiền Quang, Hà Nội, mặc cho sự đau đớn của cụ già 82 tuổi lãnh trọn cú đá trời giáng của kẻ đã dày công luyện võ thuật trong trường công an. Cú đá làm cho hình hài còm cõi vỡ xương hông, gãy xương đùi.
Vậy mà giữa hội trường Diên Hồng của Quốc hội nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ông nghị Đào Thanh Hải, hàm cao đại tá, chức lớn phó giám đốc công an kinh kì lại ráo hoảnh đổi trắng thay đen rằng Cụ Kình bị gãy xương là do người nhà giằng co, lôi kéo!
Đại tá Đào Thanh Hải nói xạo : Công an Hà Nội không đánh ông Lê Đình Kình gãy chân. Ảnh : VnExpress
Người dân muốn đi theo bảo vệ cụ Kình đã bị viên sĩ quan quân đội yêu cầu cụ Kình đuổi họ về. Dù họ có mặt ở đó để giằng kéo giữ lại cụ Kình vì thương yêu, bảo vệ cụ thì cũng không thể giằng kéo thô bạo gây tổn thương cho cụ được.
Vỡ xương hông, gãy xương đùi phải do lực lớn giáng vào chứ không thể do lực kéo ra. Lực kéo ra chỉ có thể làm trật khớp xương. Lực kéo mà làm vỡ xương hông, gãy xương đùi thì phải xé rách cả da thịt. Nói rằng cụ Kình bị vỡ xương hông, gãy xương đùi là do người nhà giằng kéo cụ khỏi tay những kẻ bắt giữ là nói lấy được của một nhân cách, đê tiện, vô liêm sỉ.
Thật mỉa mai, thật hài hước, nhân cách vô liêm sỉ đó lại là một Đại biểu quốc hội của nhà nước cộng sản Việt Nam!
Quốc hội của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã có người đàn bà sảo quyệt kinh doanh lòng tin, bỏ ra 30 tỉ đồng mua danh Đại biểu quốc hội để tạo lòng tin cho khách hàng. Nay lại lòi thêm ra ông nghị Đào Thanh Hải đổi trắng thay đen, lừa dối Quốc hội giữa hội trường mang tên Diên Hồng lịch sử ! Đó là thời đen tối nhất, nhem nhuốc nhất của chính trường Việt Nam và cũng là thời đen tối nhất, nhem nhuốc nhất của lịch sử Việt Nam.
Bạo lực với dân, nhục hình với người dân nằm trong tay công an và lừa dối dư luận đã trở thành ngón nghề nghiệp vụ mà công an nhà nước cộng sản Việt Nam thường xuyên thi thố đã gây bao oan khuất cho người dân, đã dẫn đến hàng trăm cái chết thảm thương trong đồn công an như những cái chết của những dân lành Nguyễn Công Nhựt ở Bến Cát, Bình Dương, Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, Nguyễn Mậu Thuận ở Đông Anh, Hà Nội, Nguyễn Hồng Đê ở Phan Rang, Phạm Ngọc Nhung ở Sài Gòn… đã dẫn đến nhiều bản án tử hình oan khiên cho người dân lương thiên, như bản án tử hình cho những công dân vô tội Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn…
Bạo lực và nhục hình của công an nhà nước cộng sản Việt Nam mặc sức lộng hành làm cho mạng sống của người dân Việt Nam những ngày này mong manh như thân phận con giun, cái kiến.
Người đàn ông đang trẻ khỏe, trưởng phòng quản lí sản phẩm của một doanh nghiệp nước ngoài ở khu công nghiệp Bến Cát, Bình Dương, bị công an Bến Cát đưa về trụ sở làm việc rồi chết trong đồn công an với những thương tích bầm dập khắp cơ thể. Cổ tay, lòng bàn tay và ngón tay bầm đen, từ bụng trở xuống nhiều chỗ bầm tím. Hai bên háng bị bầm xanh. Dương vật và hai tinh hoàn đều bị dập nát và chảy máu.
Cái chết mang dấu tích của những trận đòn thù gây đau đớn tột cùng đó được công an Bình Dương giải thích là do người đàn ông tự tử bằng cách lấy sợi dây sạc pin điện thoại di động treo cổ lên cửa sổ trụ sở công an ! Nói rằng người đàn ông có công việc ổn định, lương khá, có vợ trẻ và gia đình hạnh phúc lại mau lẹ từ bỏ cuộc sống đầy đủ đáng mơ ước tìm đến cái chết treo cổ bằng sợi dây không chịu nổi sức căng mười kilogam lực là lời trí trá của kẻ vô liêm sỉ.
Nhóm công an Đông Anh, Hà Nội đánh phóng viên của báo Tuổi Trẻ
Mạng xã hội tràn ngập clip một nhóm người cao to, cơ bắp chắc nịch hung hãn dồn đánh một thanh niên mảnh mai ngay giữa đường cái quan. Người thanh niên dáng nhỏ nhắn tay khư khư ôm chiếc túi đeo bên sườn trở thành hình nộm trong phòng tập võ hứng chịu những cú đá, những nắm đấm từ những thân hình cao to uốn cong như cánh cung trong thế võ tấn công đầy uy lực phóng tới.
Hình nộm sống phải nhận những cú đá, những nắm đấm thôi sơn kể : "Họ chỉ tay, chửi thề quát tháo tôi và hai đồng nghiệp khác rồi đấm đá túi bụi vào mặt và người khiến tôi không kịp đỡ, bị chảy máu miệng, bị thương vùng đầu. Họ tiếp tục dồn tôi ra giữa đường hành hung trong khi xung quanh có rất nhiều ô tô lưu thông tốc độ cao. Ngoài đồng nghiệp và người dân, còn có nhiều công an viên chứng kiến".
Cảnh hành hung man rợ của nhóm người cao to quây đánh anh thanh niên mảnh mai được nhiều nhà báo ghi hình và xác nhận là nhóm công an Đông Anh, Hà Nội đánh phóng viên của báo Tuổi Trẻ. Vậy mà công an Hà Nội vẫn trí trá giải thích với công luận rằng nhóm công an kia chỉ vung tay khi nói chuyện nhưng không may trúng má nhà báo mà thôi !
Bao che cho thói côn đồ của nhóm công an Đông Anh, lãnh đạo công an Hà Nội vừa dung dưỡng sự lộng hành bạo lực, dung dưỡng lối hành xử với dân bằng bạo lực ở thủ đô văn hiến, vừa bộc lộ nhân cách thấp kém, gian dối, trí trá của những người đứng đầu lực lượng công an thủ đô.
Đã quen trí trá đến vô liêm sỉ như vậy thì vụ việc viên trung tá công an Mỹ Đức, Hà Nội đá gãy xương đùi cụ Kình, làm cụ tàn phế suốt đời được viên phó giám độc công an Hà Nội trí trá biến báo thành xương đùi cụ Kình gãy là do người người nhà cụ Kình giằng co cũng là điều bình thường.
Nhưng không thể bình thường khi sự trí trá đó diễn ra giữa nghị trường Quốc hội. Không thể bình thường khi một nghị sĩ, đại biểu của nhân dân Thủ đô đã trí trá lừa dối cả Quốc hội.
Cũng không còn là Quốc hội bình thường khi chấp nhận sự trí trá, lừa dối đó. Không còn xứng đáng là đại diện cho ý chí nguyện vọng của người dân khi Quốc hội dung nạp kẻ trí trá, lừa dối đó, khi kẻ trí trá lừa dối đó vẫn ung dung, ngạo mạn là Đại biểu quốc hội, là đại biểu của nhân dân thủ đô.
Phạm Đình Trọng
(11/11/2017)
Vụ nổi loạn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội hồi giữa tháng 4 năm nay vừa được Quốc hội Việt Nam hâm nóng.
Kết luận của Công an Hà Nội về vụ cụ Kình - Đồng Tâm gãy chân là do... không bị ai đánh cả - ảnh biếm họa báo Tuổi Trẻ 08/11/2017 (bị gỡ bỏ)
Ngày 2 tháng 11, khi tham gia thảo luận về kinh tế, xã hội và ngân sách tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 14, ông Dương Trung Quốc lôi vụ Đồng Tâm ra phẫu thuật lại vì theo ông Quốc, vụ nổi loạn này là bằng chứng cho thấy hệ thống công quyền vẫn không thèm bận tâm đến những bất bình, thắc mắc của dân chúng, những bất bình, thắc mắc này tiếp tục tích tụ rồi dẫn tới "vỡ bờ".
Ông Quốc – một trong những người đang thiếu dân chúng xã Đồng Tâm món nợ về niềm tin vào sự công minh, chính trực của hệ thống công quyền – cố gắng gỡ gạc để giảm nợ đã nói thêm rằng, vụ nổi loạn ở Đồng Tâm là hậu quả của khủng hoảng niềm tin chứ không phải vụ án hình sự, thành ra chuyện giữa tháng trước, hệ thống tư pháp của thành phố Hà Nội kêu gọi dân chúng xã Đồng Tâm "đầu thú" do tham gia "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" và "bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" là không hợp lẽ.
***
Đầu thập niên 1980, chính quyền Việt Nam thu hồi 54 héc ta đất ở xã Đồng Tâm để thực hiện phi trường Miếu Môn – một "công trình quốc phòng" có diện tích khoảng 240 héc ta. Sau đó việc thực hiện "công trình quốc phòng" này bị hủy bỏ, phần lớn đất đai đã thu hồi bị bỏ hoang. Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, đơn vị được giao giữ 54 héc ta "đất quốc phòng" đã thu hồi từ dân chúng xã Đồng Tâm đem đất ra "phát canh, thu tô" và năm 2007 giao trả một phần đất đã thu hồi cho chính quyền địa phương.
Bởi phần đất mà Lữ đoàn 28 giao trả bị chính quyền xã, huyện "hoàn trả" một cách bất minh cho một số cá nhân và phân lô bán cho nhiều cá nhân khác, dân chúng xã Đồng Tâm bắt đầu khiếu nại nhưng hệ thống công quyền không bận tâm. Năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức thanh tra và "thu hồi" đất thêm một lần nữa với lý do đó là "đất quốc phòng". Lần này, "đất quốc phòng" được giao cho Viettel – tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc phòng Việt Nam để Viettel thực hiện một "công trình quốc phòng" khác.
Thay vì trả lời thấu đáo những thắc mắc về thu hồi và sử dụng đất đã thu hồi, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức "cưỡng chế". Tuy nhiên lần cưỡng chế nào cũng bất thành vì dân chúng xã Đồng Tâm liều chết giữ đất. Giữa tháng 4 năm nay, chính quyền thành phố Hà Nội mời cụ Lê Đình Kình và ba người khác tham dự hoạt động cắm mốc, phân ranh, xác định "đất quốc phòng" rồi bắt cả bốn. Trong vụ lừa - bắt thô bạo này, cụ Kình bị gãy cổ xương đùi... Đó là lý do dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn (bắt giữ 38 viên chức và cảnh sát cơ động, đòi chính quyền thành phố Hà Nội phóng thích bốn người mà họ đã bắt, đòi thanh tra toàn diện việc thu hồi – sử dụng đất ở xã Đồng Tâm).
Không thể dùng "bạo lực cách mạng" đàn áp vụ nổi loạn ở Đồng Tâm vì "cả nước trông vào", ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã thay mặt hệ thống công quyền đến xã Đồng Tâm thương lượng và cam kết :
(1) Trực tiếp giám sát cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại xã Đồng Tâm, bảo đảm đúng với "sự thật khách quan" và "đúng pháp luật", xác định rạch ròi đâu là "đất nông nghiệp", đâu là "đất quốc phòng".
(2) Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân chúng xã Đồng Tâm.
(3) Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình để xử lý theo đúng qui định pháp luật.
Cuộc thương lượng diễn ra dưới sự chứng kiến của hai đại biểu Quốc hội Việt Nam : Ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực của Ủy ban về các vấn đề xã hội và ông Dương Trung Quốc.
Hai tháng sau khi Chủ tịch thành phố Hà Nội ký cam kết vừa kể, công an thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố hai vụ án "bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" và "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4. Kế đó, chính quyền thành phố Hà Nội công bố "Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm". Theo dự thảo, hệ thống công quyền đã thu hồi và giao lố cho Bộ Quốc phòng Việt Nam khoảng 30 héc ta nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Đồng Tâm nhưng chuyện Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận lố 30 héc ta và lờ đi chỉ được xem là... thiếu sót. Nhìn chung, theo dự thảo, kế hoạch "cưỡng chế - thu hồi đất" ở Đồng Tâm không sai, khiếu nại - đòi hỏi của dân chúng xã Đồng Tâm là vô lý.
Ngày 25 tháng 7, chính quyền thành phố Hà Nội chính thức công bố Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm. Nội dung kết luận chính thức không có gì khác so với dự thảo.
***
Hôm 2 tháng 11, lúc xới lại vụ nổi loạn ở Đồng Tâm, ông Quốc nhắc tới cam kết thứ ba của Chủ tịch thành phố Hà Nội hồi hạ tuần tháng 4 : Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình để xử lý theo đúng qui định pháp luật – kèm thắc mắc, nếu "thượng tôn pháp luật" thì tại sao chỉ khởi tố dân Đồng Tâm mà tha những sĩ quan công an đánh dân gây thương tích cho cụ Kình, để số này đứng ngoài vòng pháp luật ? Nếu "thượng tôn pháp luật" thì tại sao ba tháng qua, không cơ quan nào thèm trả lời những thắc mắc của dân chúng xã Đồng Tâm về kết luận thanh tra đất đai ở xã này ?
Năm ngày sau – 7 tháng 11, một thành viên thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Hà Nội đột nhiên đăng đàn. Tuy là đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội nhưng ông Đào Thanh Hải lại dùng diễn đàn quốc hội để biện bạch cho Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội. Ông đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội kiêm đại tá, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, bảo rằng Bộ Công an đã "kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác, chấp hành pháp luật, thực thi pháp luật của Công an thành phố Hà Nội" trong toàn bộ vụ Đồng Tâm và đã xác định "không có ai đánh, gây thương tích cho ông Kình". Cứ theo lời ông đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội kiêm đại tá, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thì cụ Kình bị gãy cổ xương đùi là do "người nhà ông Kình xông vào cản trở việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan điều tra".
Tất nhiên ông Quốc không đồng tình với cách giải thích đó. Ông Quốc chất vấn rằng tại sao đến giờ, công an mới chính thức thông báo lý do làm cụ Kình gãy chân (?). Theo ông Quốc, tốt nhất là nên để dân chúng bình luận về chuyện chân một cụ già 82 tuổi có thể tự gãy hay không (?).
Trong khi con cái cụ Kình và một số người dân ở xã Đồng Tâm khẳng định, rất nhiều người sẵn sàng làm chứng về chuyện tận mắt mục kích một sĩ quan công an đá cụ Kình, khiến cụ té, gãy cổ xương đùi (dù đã được phẫu thuật nhưng vẫn bị liệt, phải dùng xe lăn do Chủ tịch thành phố Hà Nội… tặng) thì nhiều người sử dụng Internet tại Việt Nam xoay qua thảo luận về niềm tin. Một facebooker có nick name là Gà Con khen ông Dương Trung Quốc nói rất hay nhưng xin lỗi cảnh báo của ông về "khủng hoảng niềm tin" của dân chúng với hệ thống công quyền. Gà Con nhấn mạnh là mình "không còn niềm tin" bởi đã "quá quen với tình trạng nói hay cày dở". Giờ, Gà Con : "Đ… tin vào cha con thằng nào nữa".
Theo xu hướng đó, tờ Tuổi Trẻ đăng phiếm luận "Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn" : Kết luận của Công an Hà Nội về vụ cụ Kình - Đồng Tâm gãy chân là do... không bị ai đánh cả, khiến nhiều người không thuận. Tui thì không bức xúc vì thấy có hai khả năng xảy ra : Một là, rất có thể, sai sót do bệnh viện. Cụ Kình gãy răng nhưng chỉ định bó bột... háng. (tham khảo vụ chỉ định bệnh nhân nam khâu âm đạo) và vô cùng nhiều khả năng răng cụ tự rụng. Hai là, cụ tự đập chân (mông) vào... đất. (tham khảo vụ đập mặt vào giày và vụ đập mặt vào tay). Cái này vật chứng là đất vẫn còn y nguyên. Còn nói cụ bị đánh là không có lý, truyền thống và đạo lý của người Việt Nam không ai đánh cụ già 82 tuổi cả ! Thề luôn !
Dẫu ngay sau đó tờ Tuổi Trẻ tự ý đục bỏ "Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn" nhưng phiếm luận này loang nhanh như váng dầu trên biển. Nhiều facebooker than như Lê Quang : Chả biết chọn nút nào để bày tỏ cảm xúc vì chuyện đáng cười nhưng lại trào nước mắt kèm theo sự phẫn uất tột cùng vì sự trơ tráo.
Lòng dân, niềm tin của họ vào hệ thống công quyền vẫn được ví von như một thứ tài sản vô giá. Sau một thời gian dài bị lạm dụng – chiếm đoạt, thứ tài sản ấy dường như không vơi mà đã hết sạch.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/11/2017
(*) Tựa phiếm luận trên báo Tuổi Trẻ.
Sáng ngày 08/11, trước Quốc hội, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết đoàn thanh tra Bộ Công an (do một Thứ trưởng dẫn đầu) đã kết luận toàn bộ quá trình chấp pháp của Công an Hà Nội trong việc bắt giữ cụ Kình ngày 15/4 là hoàn toàn đúng. Theo ông Hải, việc cụ Kình bị gãy chân là do gia đình giằng co với lực lượng thi hành nhiệm vụ, chứ không phải lỗi của công an Hà Nội.
Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết việc bắt giữ cụ Kình ngày 15/4 là hoàn toàn đúng.
Trước phát biểu này, những tưởng cụ Kình, vốn đang trong quá trình hồi phục và vẫn chưa đi lại được, sẽ rất sốc. Nhưng có lẽ thời gian vừa qua đã quá quen thuộc với các bài vở "đổi trắng thay đen" nên, bằng một giọng điềm tĩnh thường ngày, cụ đã chỉ ra những điểm bất ổn trong phát biểu của Đại tá Hải.
Một, đoàn thanh tra Bộ Công an mà Đại tá Hải nhắc đến là thực hiện công việc như thế nào mà chẳng hề thấy về làng gặp gỡ các nhân chứng.
Bốn nhân chứng mà cụ Kình nhắc đến, những người được các sĩ quan quân đội, công an mời ra đo mốc giới, bao gồm cụ ông Bùi Văn Vệ (cựu chiến binh, đã ngoài 80), ông Bùi Viết Hiểu (thương bình, từng là Trưởng ban Thanh tra Nhân dân xã, đã ngoài 70), ông Bùi Văn Nhạc (cựu chiến binh, nhiễm chất độc da cam, ngoài 70 tuổi), và bà Hoàng Thị Thăng (đảng viên). Họ có mặt ngay ở hiện trường lúc đó, sao đoàn thanh tra Bộ Công an không gặp họ ? Sao có thể về làng triệu tập người dân cho vụ án hình sự, mà không thể mời các nhân chứng lên đối chất để tìm ra sự thật ?
Hai, lúc các sĩ quan công an, quân đội mời cụ Kình và các nhân chứng ra đo mốc giới, lực lượng mặc thường phục từ trong xe nhảy ra đã bắn hai băng đạn vào bờ tường đá ong gần đó ? Ông Hải có dám về gặp dân làng và khẳng định đã không có nổ súng ? Đoàn thanh tra Bộ Công an có về điều tra dấu vết đạn bắn ở bờ tường đá ong ngoài đồng ? Đó là chưa nói tới việc, luật pháp nào cho phép công an bắt giữ người không có lệnh, không lập biên bản như vậy ?
Ba, ông Hải nói rằng cụ Kình gãy chân là do gia đình giằng co liệu có hợp lý không khi ngay ở hiện trường lúc đó chỉ có mỗi ông Lê Đình Công là con trai cụ Kình, cũng bị bắt giải đi luôn ngay lúc đó, và chỉ được thả ra vài ngày sau khi cuộc khủng hoảng giữ cán bộ xảy ra.
Bốn, lúc cụ Kình nằm ở viện 108 sau ca phẫu thuật, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Thành và Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương vào thăm. Tướng Thành có nói đại ý ghi nhận việc cụ Kình chống tham nhũng là tốt, có lợi cho dân làng. Còn Tướng Khương thì bảo rằng rất tiếc đã vào cuộc muộn nên để xảy ra sự việc như thế và xin lỗi cụ Kình. Nếu lực lượng chấp pháp của công an Hà Nội hoàn toàn đúng đắn và cụ Kình gãy chân không hề liên quan tới họ thì Tướng Khương có cần phải xin lỗi cụ Kình không ? Ông Hải có dám đối chất với cụ Kình và cấp trên trực tiếp của ông là Tướng Khương không ?
Không ồn ào phản ứng, trên đây là bốn điểm cụ Kình đưa ra để dư luận tự rút ra kết luận. Cụ Kình và những nhân chứng liên quan cùng dân làng sẽ sớm có clip livestream để cung cấp thông tin cho dư luận.
Một chuyện quan trọng khác ở đây lại là vấn đề xung đột lợi ích. Làm sao có thể tin rằng kết luận của đoàn thanh tra do Bộ Công an thành lập đủ khách quan khi điều tra một sự việc có liên quan trực tiếp đến lực lượng công an ? Và điều đáng suy nghĩ hơn là ở nước ta hiện nay liệu có cơ quan nào đủ độc lập để đưa ra một kết luận khách quan trước một sự việc như thế này ?
Nếu câu trả lời là hoàn toàn không, thì đơn giản là hệ thống quản trị quốc gia của chúng ta bị lỗi.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 08/11/2017 (nguyenanhtuan's blog)
Công an công bố nội bộ kết luận vụ Đồng Tâm (RFA, 07/11/2017)
Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật của Công an Thành phố Hà Nội trong vụ Đồng Tâm đã được công bố khoảng một tháng nay rồi ; tuy vậy, kết luận đó chỉ được công bố nội bộ tại Công An Thành phố Hà Nội thôi.
Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào tháng 4 năm 2017. Photo : RFA
Đó là thông báo mà phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, ông đại tá Đào Thanh Hải, đưa ra với báo giới bên hành lang Quốc Hội vào ngày 7 tháng 11. Theo ông này thì đó là chuyện nội bộ của Công An nên chỉ công bố nội bộ.
Theo kết luận thanh tra của Công an Thành phố Hà Nội thì việc thực thi luật pháp của Công An thành phố này không sai, còn chuyện cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, bị gãy chân là do sơ xuất, là tình huống không lường trước được.
Đoàn thanh tra của Công an Thành phố Hà Nội nhắc lại vào cuối tháng 3 năm nay, Cơ quan Điều Tra Công an Thành phố Hà Nội cho khởi tố vụ án ‘gây rối trật tự’ tại xã Đồng Tâm, tiến hành bắt giữ 4 người, trong đó có cụ Lê Đình Kình.
Theo kết luận của Thanh Tra Công an Thành phố Hà Nội thì trong khi tiến hành bắt giữ, gia đình cụ Kình chống đối, cản trở dẫn đến việc giằng co, xô xát khiến ông này bị gãy chân.
Đến ngày 15 tháng 4, người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và cảnh sát cơ động.
Trong khi đó theo người dân, thì lực lượng chức năng và đại diện Tập Đoàn Viễn Thông Quân đội Viettel mời dân đến giải quyết tranh chấp đất đai ; thế nhưng lại tiến hành bắt giữ dân. Do vậy dân chúng phải đi đến quyết định bắt cán bộ và cảnh sát cơ động giữ ở Nhà Văn Hóa Thôn Hoành làm tin.
Đến ngày 22 tháng 4, chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung về đến thôn Hoành và làm cam kết 4 điểm, trong đó có hứa không truy tố người dân Đồng Tâm. Dân chúng đồng ý thả tất cả những người bị giữ ra.
Tuy nhiên, đến ngày 13 tháng 6, Cơ quan Điều Tra Công an Hà Nội quyết định khởi tố vụ án hình sự tại Đồng Tâm với hai tội danh ‘bắt giữ người trái pháp luật’ và ‘cố ý hủy hoại tài sản’.
Sang đến ngày 13 tháng 10, Cơ quan vừa nêu lại có thư kêu gọi người dân liên quan vụ việc ra đầu thú. Trước đó nhiều người dân tại Đồng Tâm bị gửi giấp triệu tập làm việc.
Vào ngày 2 tháng 11 vừa qua, đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại diễn đàn Quốc hội rằng ‘vụ việc ở Đồng Tâm là vụ khủng hoảng niềm tin chứ không đơn thuần là một vụ án hình sự’.
Cũng diễn tiến liên quan, vào ngày 14 tháng 11 tới đây, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ mở phiên xử phúc thẩm vụ vi phạm trong quản lý đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Sau khi diễn ra phiên sơ thẩm, nhiều người trong cuộc cho rằng số bị đưa ra xét xử không phải là những người có liên quan trực tiếp đến vụ tranh chấp đất đai tại Đồng Sệnh giữa dân thôn Hoành và Tập đoàn Viễn Thông Quân Đội Viettel.
****************
Việt Nam huấn luyện cho binh sĩ Campuchia (RFA, 07/11/2017)
Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia đề nghị Việt Nam tiếp tục huấn luyện cho binh sĩ của nước này, đặc biệt là lực lượng phản ứng nhanh và tấn công tiêu diệt.
Quân đội Hoàng gia Campuchia tham quan Trường Quân sự tỉnh Tây Ninh hồi tháng 3 năm 2017. (Ảnh minh họa) - Courtesy qdnd.vn
Mạng báo Khmer Times loan tin ngày ngày 6 tháng 11. Theo đó Tướng Pol Saroeun trong buổi tiếp đón phái đoàn quân đội của Việt Nam, do Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Tư lệnh Binh chủng Đặc công làm trưởng đoàn, nói rằng Campuchia rất cảm ơn Việt Nam đã giúp đỡ cho Quân đội Hoàng gia Campuchia, bao gồm việc hỗ trợ quân cụ và huấn luyện ; đồng thời Campuchia mong muốn Việt Nam tiếp tục trao đổi các nguồn nhân lực, đặc biệt trong lãnh vực phản ứng nhanh.
Đáp lời đề nghị của Tướng Pol Saroeun, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình hứa hẹn Lực lượng phản ứng nhanh của Việt Nam sẽ tận tình tập huấn cho binh sĩ của Campuchia và bày tỏ hy vọng hai quốc gia phát triển hơn nữa trong mọi lãnh vực.
***********************
Dự án khí đốt lớn nhất Việt Nam ở biển Đông trên đà hoàn tất (VOA, 07/11/2017)
Dự án khí đốt nhiều tỷ USD của tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ ở Việt Nam đang trên đà hoàn tất vào năm 2019, theo một quan chức hàng đầu của ExxonMobil cho biết hôm thứ Ba 7/11.
Mỏ khí đốt Cá Voi Xanh do ExxonMobil hợp tác khai thác với Việt Nam sẽ hoàn tất vào năm 2019, theo Chủ tịch Công ty Phát triển ExxonMobil Liam Mallon.
Mỏ khí đốt Cá Voi Xanh có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối nằm cách bờ biển miền trung Việt Nam 88 km, trong khu vực biển Đông đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc.
"Chúng tôi tích cực phấn đấu để thúc đẩy việc đầu tư vào dự án lớn nhất ngoài khơi Việt Nam", Chủ tịch Công ty Phát triển ExxonMobil Liam Mallon nói với một diễn đàn doanh nghiệp bên lề Tuần lễ cấp cao của các lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra ở Đà Nẵng.
Tuy nhiên vào cuối tháng 8, truyền hình nhà nước Việt Nam VTV cho biết dự án khí đốt lớn nhất của Việt Nam với tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Mỹ, có thể bắt đầu vào tháng này.
Theo tin của Reuters ngày 29/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với Exxon Mobil rằng ông hy vọng dự án này sẽ chính thức khởi động vào dịp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương khi mà Tổng thống Donald Trump và các quan chức khác của Mỹ sẽ có mặt.
Mỏ Cá Voi Xanh lần đầu tiên được công bố bởi Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là ông John Kerry trong chuyến thăm tới Việt Nam vào tháng 1 năm nay và dự kiến sẽ bắt đầu cho ra sản phẩm vào năm 2023.
Khí đốt sẽ được hút từ độ sâu 1.500m dưới đáy biển, sau đó được chuyển lên bờ qua 1 đường ống dài 88 km để vận hành 4 nhà máy điện sẽ được xây ở tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam.
Việt Nam đang tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào điện than gây ô nhiễm, để chuyển dần sang các nguồn năng lượng sạch như khí đốt, và các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió.
Trong buổi tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu thế giới tham dự APEC hôm thứ Ba 7/11, VOV trích lời Thủ tướng Phúc nói với ông Mallon rằng "chính phủ Việt Nam luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong đó có ExxonMobil tới đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch".
ExxonMobil, theo ChannelNewsAsia, cho biết quyết định đầu tư cuối cùng sẽ được đưa ra vào năm 2019 nhưng mục tiêu nhắm tới là hoàn tất những thương lượng cụ thể vào cuối năm nay.
Ông Mallon nói : "Chúng tôi đã đạt nhiều bước tiến và có những thương lượng cụ thể mà chúng tôi cần hoàn tất". "Mục tiêu là phải hoàn tất những sự thương lượng đó trước cuối năm nay, hy vọng rằng điều đó sẽ cho phép chúng tôi bước vào ‘giai đoạn kỹ thuật đầu tiên’ của dự án".
Trung Quốc chưa lên tiếng về dự án này mặc dù Bắc Kinh trước đây đã cảnh cáo các công ty nước ngoài về việc khoan dầu khí trên các vùng biển này.
Một dự án khai thác dầu khác trên biển Đông giữa Việt Nam và công ty Repsol của Tây Ban Nha đã bị đình chỉ trong năm nay vì áp lực từ Bắc Kinh.
Thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là mới đây huyện ủy Mỹ Đức đã khai trừ đảng đối với bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã.
Như vậy là sau chuỗi sự kiện người dân bắt giữ rồi thả 38 cán bộ đảng viên và cảnh sát cơ động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết không khởi tố, nhưng sau đó cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội lại ra quyết định khởi tố triệu tập người dân Đồng Tâm, tới nay Bí thư đảng ủy xã bị khai trừ, cho thấy vụ việc vẫn còn căng thẳng.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm gặp dân hôm 22/4
Theo chiều hướng này vụ việc ở Đồng Tâm sẽ còn là điểm nóng dư luận trong một thời gian dài nữa, những tính toán rất có thể sai lầm của các bên không loại trừ sẽ dẫn đến tái diễn bùng nổ bạo lực. Về phía chính quyền cho thấy họ đã quyết ăn thua đủ và không muốn cho qua chuyện này, còn người dân thì có vẻ như cũng dám chấp nhận hy sinh.
Vậy làm sao để giảm tránh những vụ việc như Đồng Tâm về sau ?
Vai trò của Tòa án
Một điều thấy rõ trong vụ việc này là mặc dù tranh chấp kéo dài qua nhiều năm những đã không được Tòa án đứng ra phân định đúng sai về sự việc.
Cho đến thời điểm này những kết luận về đất đồng Sênh là đất quốc phòng hay đất của người dân đều chỉ là kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo của các cấp chính quyền địa phương gồm xã, huyện và thành phố Hà Nội.
Theo thông tin bài báo 'Khai trừ Đảng Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm' trên báo Motthegioi cho biết thì, ngày 31/10/2016 UBND Thành phố Hà Nội đã có kết luận nội dung tố cáo của một số công dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm về việc việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, di dời một số hộ dân đang sử dụng đất tại khu vực sân bay Miếu Môn.
Huyện ủy Mỹ Đức cho rằng, mặc dù văn bản của thành phố Hà Nội đã khẳng định đất khu vực sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng nhưng bà Nguyễn Thị Lan đã không chỉ đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện đúng theo tinh thần trên nên đã kỷ luật khai trừ bà Lan.
Nhưng ở đây có một vấn đề, đó là kết luận của UBND thành phố Hà Nội là kết luận của người có trách nhiệm nghĩa vụ liên quan đến việc quản lý khu đất, đó không phải là kết quả giải quyết của một cơ quan trung gian công tâm, không thiên vị và bất vụ lợi, giúp tạo dựng sự tin tưởng của người dân vào kết quả giải quyết.
Nếu vụ việc tranh cãi về nguồn gốc đất được giải quyết bởi Tòa án, thì mặc dù ngành Tòa án Việt Nam hiện cũng còn tồn tại nhiều vấn đề, nhưng dù sao đó cũng là cách giải quyết khả dĩ trong việc đưa đến một kết quả đỡ bị chống đối.
Vì quy trình giải quyết của Tòa án là công khai, tại đó phía người dân được đưa ra mọi ý kiến lập luận, được cất lên tiếng nói và được lắng nghe, họ có cơ hội giãi bày tâm trạng, giải tỏa nỗi niềm, cái có ý nghĩa tinh thần không kém phần quan trọng so với việc đòi hỏi lợi ích vật chất.
Các binh sĩ và sĩ quan cảnh sát của chính quyền Hà Nội trong ngày được trao trả tự do ở Đồng Tâm, Hà Nội vài tháng trước đây.
Còn quy trình giải quyết khiếu nại là lối giải quyết áp đặt quan điểm của kẻ mạnh đối với kẻ yếu. Và người dân sẽ không thể tâm phục khẩu phục cho một lối giải quyết như vậy, mà điều này là rất quan trọng trong việc giữ ổn cố đời sống xã hội.
Thực tế cho thấy, khiếu nại đến cái người lấy đất mà mong người ta thay đổi ý kiến thì cái cơ chế như vậy luôn khiến cho người dân ở vào trạng thái tuyệt vọng.
Hơn cả pháp luật
Vấn đề bản chất tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm là do tồn tại sự thiếu rõ ràng về hồ sơ giấy tờ căn cứ.
Cho nên việc giải quyết vụ việc không chỉ đơn thuần căn cứ theo các quy định pháp luật hiện tại.
Có thể hình dung là mấy chục năm trước do nhu cầu của chiến tranh, một cấp chính quyền nào đó đã quyết định sử dụng khu đất ở Đồng Tâm làm sân bay. Nhưng ranh giới mốc giới không xác định rõ ràng và không lập hàng rào quản lý chặt chẽ, dẫn đến người dân tái sử dụng, đến nay chính quyền lại muốn lấy ra cho quân đội.
Nhiều vấn đề sẽ cần làm rõ như xác định gianh giới mốc giới ở đâu, chứng từ sổ sách có lưu giữ không, nhân chứng địa phương ý kiến thế nào, trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý đất ra sao, quyền lợi người dân sử dụng đất giải quyết thế nào ?
Phải dựa vào các dự kiện thực tế như vậy thì việc giải quyết mới thấu tình đạt lý, và quyền lợi chính đáng cho các bên mới được bảo đảm. Điều đó đòi hỏi sự việc phải được giải quyết bởi Tòa án chứ không thể do chính quyền địa phương giải quyết mà được.
Sự không rõ ràng của hồ sơ chứng cứ khiến cho việc vận dụng pháp luật bị hạn chế và cần đến nhiều nhận định chủ quan, khi đó càng cần đến sự xét đoán công tâm khách quan của Tòa án thay vì Ủy ban nhân dân là cơ quan có trách nhiệm liên quan.
Cho nên giải quyết vụ việc ở Đồng Tâm ngay từ ban đầu đã sai về cách làm, đó cũng do bởi pháp luật về giải quyết khiếu nại đã quy định như vậy và thực tế đáng buồn là Tòa án đã không được nhờ cậy.
Vẫn là Tòa án
Trong một xã hội ai sẽ là người đứng ra bảo vệ cho người dân trước sự xâm hại, mà rất nhiều khi kẻ xâm hại lại là chính quyền ?
Trả lời câu hỏi này, lịch sử văn minh nhân loại đã nghĩ ra mô hình chính quyền với ba quyền phân lập gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp. Để nhánh quyền lực này sẽ khắc chế ngăn chặn nhánh kia bảo vệ người dân.
Khi phân chia quyền lực làm ba nhánh, người ta hy vọng rằng sự tha hóa thối nát nếu có sẽ xảy ra không đồng thời, và một trong các nhánh còn lại vẫn giữ được sự trung thành bảo vệ người dân.
Ở Việt Nam lâu nay ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp không được phân chia mà tập trung khiến cho quyền lực của các cấp chính quyền quá lớn tạo nguy cơ xấu đối với quyền lợi dân chúng.
Trong vụ việc ở Đồng Tâm thì chính quyền địa phương nắm giữ cả bà quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, người dân không có chỗ nương tựa vào đâu để bảo vệ quyền lợi.
Tòa án đã không hề có vai trò và không hề được nhắc đến như là một thiết chế giải pháp có năng lực giải quyết vụ việc. Quyền hạn của Tòa án quá yếu kém nên không đảm đương được vai trò là định chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.
Rộng hơn một chút, rất nhiều vấn đề lộn xộn hiện nay trong đời sống xã hội đều có nguyên nhân là tư pháp yếu kém đã không đóng góp giúp ích được nhiều cho quản trị quốc gia. Nói cách khác, do Tòa án được thiết kế kém quyền trong hệ thống bộ máy nhà nước lâu nay, đó là nguyên nhân đã dẫn đến nhiều thực trạng xấu của đời sống xã hội.
Nay vụ Đồng Tâm đã xảy ra như vậy, để tránh những trường hợp tương tự về sau, đã đến lúc các ban ngành cần nhận ra vai trò của Tòa án trong quản trị quốc gia, tháo gỡ các xung đột quyền lợi.
Ngành tư pháp Việt Nam cần được tăng quyền để làm tốt hơn vai trò trò phân xử tranh cãi, ngăn chặn những sai trái lạm quyền của các cấp chính quyền. Để việc cưỡng chế người dân chỉ được thực hiện sau khi đã có quyết định giải quyết của Tòa án về vụ việc.
Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 23/10/2017
Tác giả Ngô Ngọc Trai là luật sư hiện đang hành
Phỏng vấn anh Lê Đình Công, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Huyện Mỹ Đức, về quyêt tâm của nhân dân xã Đồng Tâm giữ đất chông bọn quan tham nhũng
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : TiengDanViet Media, 21/10/2017
Đồng Tâm còn căng thẳng sau thư kêu gọi tự thú ? (BBC, 16/10/2017)
Một người dân liên quan "điểm nóng Đồng Tâm" không đồng tình về lá thư kêu gọi tự thú và đầu thú của công an Thành phố Hà Nội.
Đồng Tâm còn căng thẳng sau thư kêu gọi tự thú
Nội dung thư được đọc từ ngày 11/10, trên loa phát thanh của xã Đồng Tâm, kêu gọi đầu thú với những người "tham gia việc bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" xảy ra từ 15 đến 22/4 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội, theo báo chí Việt Nam.
Theo báo Công an Nhân dân điện tử, lá thư có một số nội dung như sau :
"Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội. Điều đáng tiếc, không mong muốn đó ảnh hưởng tiêu cực cho người thực hiện hành vi, gia đình họ và cho xã hội".
"Đối mặt với tình huống này, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cần phải làm gì để được hưởng lượng khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý với cá nhân mình ?"
Lá thư đề nghị "các cá nhân đã tham gia vụ án hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật trên địa bàn thôn Hoành từ ngày 15 đến ngày 22/4 hãy dũng cảm, đối mặt với sự thật, nhanh chóng đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội, VKSND Hà Nội hoặc chính quyền, cơ quan công an gần nhất để tự thú, đầu thú, khai báo, góp phần khắc phục hậu quả đã gây ra".
Nhân dân Đồng Tâm lập chướng ngại chặn ngã vào làng - Hình chụp ngày 20/4/2017
Từ Đồng Tâm, ông Lê Đình Công nói với BBC qua điện thoại hôm 16/10 : "Đầu thú là phải phạm tội. Phải có lệnh truy nã mới kêu gọi ra đầu thú. Đây người dân vẫn ở nhà làm ăn bình thường, có gì đâu mà ra đầu thú ?"
"Về mọi sự việc đã xảy ra, nếu công an không về đánh người, bắt người thì sẽ không có chuyện bắt giữ 38 công an đấy. Những người đánh dân thì họ hoàn toàn không đả động đến".
"Họ xử lý cái kiểu đầu không làm, lại làm từ đuôi lên. Người dân không thể chấp nhận !"
Ông Công nói thêm : "Người dân Đồng Tâm giờ chỉ muốn chính quyền thực hiện hai điều sau :
"Thứ nhất, là phải giải quyết đất đai rõ ràng, rằng đó là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, và tiến hành ra quyết định thu hồi đất đúng quy trình.
Thứ hai, là vụ việc xảy ra hôm 15/4, công an về bắt người trái pháp luật, đánh cụ Kình, người có 56 tuổi Đảng. Công an phải làm rõ những người đánh cụ Kình".
"Như vậy người dân mới tâm phục khẩu phục", ông Công khẳng định.
Ông Lê Đình Công là con trai cả của cụ Lê Đình Kình, đại diện cho dân làng trong tổ Đồng thuận - tổ đại diện bà con gửi đơn thư khiếu tố các vấn đề sai phạm trong quản lý đất đai tại địa phương và vi phạm pháp luật của cán bộ, cá nhân lãnh đạo xã Đồng Tâm.
friend/">
Nhân dân Đồng Tâm đón chào chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đền đối thoại với người dân
Cán bộ, chiến sĩ được dân xã Đồng Tâm thả ngày 22/4 sau khi chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với người dân.
Khi đó, ông Chung cũng cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân thôn Hoành trong vụ việc này.
Đến ngày 13/6, công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành để điều tra về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và sự việc đập phá gây hư hỏng một số ô tô để điều tra về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Theo ông Công, kể từ khi có quyết định khởi tố từ 13/6, chính quyền địa phương đã tuyên truyền kêu gọi người dân ra đầu thú. Vào cuối tháng Chín, một số người dân nhận được giấy triệu tập và đến ủy ban xã làm việc, nhưng "chính quyền xã hoàn toàn đóng cửa".
Từ khi có kết luận thanh tra, người dân Đồng Tâm cũng đã nhiều lần gửi đơn đến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước và Quốc hội nhưng "vẫn thấy im hơi lặng tiếng", theo ông Công.
Hơn nhiều tháng nay, người dân Đồng Tâm vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc họp nội bộ hàng tuần, được chia sẻ trực tuyến qua mạng xã hội, nếu rõ quan điểm bức xúc của người dân. Khi được hỏi có đại diện chính quyền xuống làm việc với người dân hay không, thì ông Công nói chưa có ai.
Trao đổi với BBC hôm 16/10, một trong những luật sư tư vấn cho người dân Đồng Tâm là luật sư Trần Vũ Hải cho biết ông không rõ lý do vì sao chính quyền Hà Nội quyết tâm kêu gọi người dân ra đầu thú.
'Tuyên truyền, vận động'
Cán bộ, chiến sĩ được thả ngày 22/4/2017
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Điều tra viên cao cấp của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội cho báo Người Đưa Tin biết hôm 16/10 : "Vụ Đồng Tâm xảy ra có dấu hiệu của tội phạm và cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án rồi. Phải xác định ở đây có sự việc phạm tội và do rất nhiều người tham gia".
"Tuy nhiên, cũng nhất quán ngay từ đầu về chỉ đạo của thành phố là lấy tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con là chính, để chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật".
Ông Hùng nói : "Với những người đã trót có hành vi có dấu hiệu của tội phạm thì quan điểm chung của lãnh đạo thành phố cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật là trong quá trình xem xét, xử lý sẽ chú ý thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Thực hiện chỉ đạo ấy, cơ quan điều tra kêu gọi những người có hành vi vi phạm pháp luật ra tự thú, đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng".
"Đây là những người thiếu hiểu biết pháp luật, do bị kích động nên đã có hành vi vi phạm. Nếu đã lỡ vi phạm pháp luật, về nguyên tắc thì phải xử lý, nhưng trong việc xử lý thì vấn đề khoan hồng đối với bà con, đối với những người vi phạm sẽ được hết sức quan tâm", ông Hùng nói thêm.
*******************
Ngày 13/10 vừa qua, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội và Viện kiểm sát Nhân dân Hà Nội có thư kêu gọi ra đầu thú đối với số người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội mà cơ quan chức năng cho là liên quan vụ bị nói ‘bắt giữ người trái luật cũng như hủy hoại công sản’ tại thôn Hoành hồi tháng 4 vừa qua.
Cảnh sát cơ động được người dân thả ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP
Người dân phản ứng như thế nào với lời kêu gọi này và vì sao vụ việc xảy ra bấy lâu nay nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng ?
Nội dung bức thư kêu gọi đầu thú gửi cho người dân Đồng Tâm nói rõ rằng trong cuộc sống đôi khi vì sai lầm trong nhận thức mà người ta có thể hành động sai pháp luật. Tuy nhiên chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại". Vì thế, cơ quan chức năng đề nghị những cá nhân đã tham gia vụ phá hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt giam người trái luật tại thôn Hoành từ ngày 15 đến ngày 22/4 hãy dũng cảm, đối mặt với sự thật và ra đầu thú.
Đài RFA đã trao đổi với một người dân làng là cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, một trong những người bị công an Hà Nội bắt giữ vào tháng 4 vừa qua. Cụ Kình xác minh chuyện chính quyền gửi giấy kêu gọi dân đầu thú và nói thêm rằng suốt hai ngày nay chính quyền cũng nói trên loa yêu cầu dân đầu thú. Cụ cho biết người dân không cảm thấy hoang mang, lo sợ khi nhận được giấy này mà thay vào đó họ cảm thấy bức xúc :
Đi đến đâu cũng thấy người bất bình với cách làm việc của chính quyền từ trên thành phố cho đến huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm. Chứ sợ hay dao động thì người ta không sợ. Nhiều người tuyên bố rằng sẵn sàng hi sinh.
Cụ Kình khẳng định người dân sẽ không nghe theo kêu gọi mới nhất mà cơ quan chức năng đưa ra :
Dân người ta yêu cầu đối thoại, chứ không phải cứ bắt người ta ra đầu thú. Người ta có tội gì mà đầu thú ? Người có tội bây giờ là Chủ tịch xã Đồng Tâm, Ủy ban và Huyện ủy Mỹ Đức và một bộ phận cán bộ trên thành phố trong đó có ông Nguyễn Đức Chung.
Cụ cho biết hiện tại người dân bức xúc vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là bản thân cụ bị thương trong quá trình công an bắt giữ nhưng sau đó không cơ quan chính quyền nào hỏi han hay chịu trách nhiệm. Nguyên nhân thứ hai cụ cho biết :
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói hai lần tại buổi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng là phải thượng tôn pháp luật. Cái gì của dân thì giao trả dân, cái gì của Nhà nước thì giao cho Nhà nước quản lý nhưng phải xử lý cán bộ sai phạm trước mới xử lý dân sau. Nhưng bây giờ cán bộ sai phạm là những người tự nhiên bắt cóc dân, đánh người gây thương tích thì không hỏi han gì đến, mà cứ hỏi đến người dân là những người sử dụng quyền tự vệ.
Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với cử tri Hải Phòng rằng vụ việc Đồng Tâm phải xử quan trước rồi mới xử dân sau.
RFA cũng trao đổi vấn đề này với luật sư Hà Huy Sơn, đoàn luật sư Hà Nội, người từng tham gia bào chữa nhiều vụ án đất đai cho dân oan. Theo ông một khi vụ việc tại xã Đồng Tâm đã bị khởi tố thì công an điều tra và Viện kiểm sát có quyền yêu cầu người dân đầu thú. Tuy nhiên việc người dân có ra đầu thú hay không là quyền của họ :
Người ta không có tội thì không đầu thú còn nếu sau này tòa án xét xử và thấy một người nào đó có tội mà không ra đầu thú thì họ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Trong bức thư kêu gọi đầu thú của chính quyền cũng nói rõ rằng cơ quan điều tra và Viện kiểm sát Nhân dân Hà Nội sẽ không bắt, giam giữ người tự thú, đầu thú và đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của họ.
Khoảng hai tháng trở lại đây, chính quyền Hà Nội cũng liên tục gửi giấy triệu tập cho hàng trăm người dân, nội dung là để làm việc liên quan đến vụ phá hoại tài sản và bắt người trái pháp luật. Tuy nhiên theo cụ Kình thì người dân nói rằng họ không đi đâu hết, trừ khi chính quyền về tại địa phương thì họ mới đồng ý làm việc. Sau đó, Hà Nội cử người về địa phương và khoảng chục người dân đại diện ra làm việc trong đó có cụ Kình. Tuy nhiên, phần lớn người dân sau khi gặp chính quyền lại từ chối nói chuyện vì họ cho rằng công an làm việc với họ nhưng chỉ có hai người mặc sắc phục còn lại là mặc thường phục. Họ nói như vậy là trái pháp luật. Họ sợ rằng những người mặc thường phục là xã hội đen, sẽ đàn áp người dân và sau này chính quyền sẽ chối cãi rằng đó không phải là công an.
Cụ Kình là một trong vài người chịu ngồi lại làm việc. Trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video có cảnh cụ Kình ngồi làm việc với hai công an. Cụ thẳng thắn lên án sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương khi phó mặc cho cấp trên giải quyết. Cụ Kình nói lại với chúng tôi :
Chỉ có công an trên thành phố về chứ huyện không có ai. Đặc biệt là UBND xã Đồng Tâm trong đó Chủ tịch và Phó Chủ tịch đều không có mặt trong buổi làm việc. UBND xã Đồng Tâm thuộc địa giới quản lý nhưng họ không hợp tác với cấp trên mà phó mặc cho thành phố muốn làm ngược làm xuôi gì thì làm.
Mâu thuẫn đất đai giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền đã diễn ra mấy năm nay. Vụ việc người dân bắt giữ 38 cán bộ hồi tháng 4 vừa qua được xem là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. Kể từ đó đến nay đã nửa năm trôi qua, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đang theo như nguyện vọng mà người dân cho là chính đáng.
Chúng tôi nêu vấn đề với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội và cũng là người theo dõi vụ việc Đồng Tâm ngay từ những ngày đầu. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng lòng dân vẫn chưa yên là do cách giải quyết và hành xử của các cơ quan chức năng :
Một mặt ông Nguyễn Đức Chung đã đến tận nơi ký vào bản cam kết với dân nhưng bây giờ công an Hà Nội lại vẽ ra trò như vậy [yêu cầu dân đầu thú], thì hỏi làm sao người dân yên tâm được ?
Trong khi đó việc những kẻ lừa cụ Kình ra ngoài đồng, rồi đánh cụ ấy gãy chân, quăng cụ ấy lên xe chở về đồn công an chứ không đưa đi cấp cứu là những kẻ có tên, hình ảnh rõ ràng thì chẳng thấy chính quyền trừng trị gì cả.
Trong khi đó, chính việc bắt cụ Kình và đòi thu đất của dân là nguyên nhân gây ra việc dân bắt giữ 38 cảnh sát, những người thực chất đến để đàn áp người dân.
Ông nhận định rằng những kẻ gây ra tội ác thì vẫn nhởn nhơ, còn người dân tự vệ để bảo vệ quyền lợi của mình thì bị đem ra xử. Khi xử không được lại kêu gọi đầu thú. Ông gọi đây là một "trò cười".
Ngày 22/4 vừa qua, khi người dân Đồng Tâm vẫn còn giam giữ 38 cán bộ và cảnh sát, ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến làm việc với dân và viết một bản cam kết với ba nội dung chính. Thứ nhất là cam kết sẽ đưa thanh tra tới phân định rõ khu đất Đồng Sênh để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Thứ hai là cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân Đồng Tâm. Và thứ ba là cam kết điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên đến tháng 6, công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án ở Đồng Tâm, trái với lời hứa của ông Chủ tịch Thành phố.
Sau đó, kết luận thanh tra đất đai được công bố, nói rằng đó là đất quốc phòng chứ không phải đất nông nghiệp của người dân.
Vụ việc gây thương tích cho cụ Kình thì đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Luật sư Hà Huy Sơn nhận định rằng vụ việc ở Đồng Tâm như một bức tranh thu nhỏ của cả nước. Ông cho rằng luật đất đai hiện hành là một bất công lớn ảnh hưởng đến người nông dân, gây ra sự bất mãn trong xã hội.
Về vụ việc ở Đồng Tâm, ông nhận xét là có phần lỗi của cơ quan chức năng :
Người dân thì không hiểu biết gì nhiều. Người ta chỉ thấy ai có cương vị, chức vụ, quyền hạn mà không cần biết họ là bên tư pháp hay hành pháp và người ta coi đó là tiếng nói của pháp luật.
Trong sự việc này có sự bất nhất từ khi ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung về tuyên bố rằng không khởi tố người dân thì dân hiểu rằng không có chuyện gì nữa. Nhưng nay cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát lại chiếu theo quy định của pháp luật lại khởi tố vụ án.
Tôi cho rằng trách nhiệm cuối cùng vẫn là cơ quan Đảng. Tại vì trong hiến pháp điều 4 nói rằng Đảng lãnh đạo tất cả mà lại để cho cơ quan hành pháp là ông Chung nói như vậy, còn cơ quan tư pháp lại nói khác đi.
Cụ Kình cho biết mong muốn của người dân bây giờ là Thanh tra Chính phủ sẽ về đối thoại với dân và cùng với dân đo đạc lại khu đất tranh chấp bấy lâu nay.
Đài Á Châu Tự do đã liên hệ với đại diện chính quyền huyện và xã Đồng Tâm để tìm hiểu thông tin nhưng họ đều từ chối trả lời.
Vụ tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền xảy ra đã lâu trên một khu đất có diện tích 106 ha. Người dân thì nói chỉ có 47,6 ha trong số này là đất quốc phòng còn lại là đất nông nghiệp của họ. Nhưng chính quyền lại phản đối nói rằng cả khu đất tranh chấp là đất quốc phòng và muốn thu hồi lại giao cho tập đoàn Viettel. Tháng 4 vừa qua, công an Hà Nội đã bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm trong đó có cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi bị thương nặng trong quá trình bắt giữ. Người dân phẫn nộ với việc làm này của chính quyền nên họ đã giam 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin.
Lan Hương
*********************
Đừng thắng dân (RFA, 14/10/2017)
Công an Hà Nội vừa phát "thư kêu gọi" dân thôn Hoành, Đồng Tâm đầu thú. Theo nội dung thư, cảnh sát điều tra đã yêu cầu các công dân tham gia vụ "bắt, giam giữ người trái pháp luật và huỷ hoại tài sản" phải ra "đầu thú, khai báo, khắc phục hậu quả".
Vụ Đồng Tâm, càng có vẻ như chính quyền và tướng Chung đang quyết thắng.
Nếu chọn cách thua, hình ảnh và sự nghiệp chính trị của Nguyễn Đức Chung sẽ đẹp hơn.
Tiếc. Một hình ảnh đẹp mà ông vừa gây dựng được bỗng chốc tiêu tan. Sẽ không còn những cái bắt tay thân thiện, không còn bất kỳ một bó hoa nào cho ông.
Thắng dân, tướng Chung sẽ để lại một vết nhơ khó bề gột rửa trong "hồ sơ chính trị" của mình.
Cái dại nhất của quan chức Cộng sản là luôn tìm cách thắng dân, thắng bằng mọi cách, dùng "nghiệp vụ" để thắng. Thắng dân là mất dân. Vậy mà họ lại cứ muốn đưa dân ra toà.
Giá như, chính quyền Hà Nội (và không chỉ Hà Nội) biết nhìn đấy như là một cơ hội quí để có thể tìm hướng gỡ ra các múi nút đất đai. Một khi, cứ lập án trên các vụ việc như Đồng Tâm, thì khả năng bùng cháy lên những cuộc "khởi nghĩa đất đai" là điều khó tránh.
Thật tình, tôi cứ tự hỏi mãi : Tại sao chính quyền Hà Nội lại đưa ra lời kêu gọi "đầu thú" đối với dân Đồng Tâm ? Ai đầu thú ai ? Các vụ án đất đai (nếu xem đó là án), thì chưa biết ai, bên nào mới là bị cáo, ai, bên nào mới là kẻ phải ra "đầu thú".
Xem dân như tội phạm, lập án gài dân, đánh dân có phải là thứ tư duy quản trị điều hành vừa kịp hình thành từ khi viên tướng Công an Nguyễn Đức Chung được thuyên chuyển sang ghế Chủ tịch Hà Nội, một bộ máy chính quyền bị Công an hóa ?
Đỗ Mười thay ! Hiện tượng "công an hoá" này, đang dẫn đến tình trạng chính quyền luôn tìm cách thắng dân, xem các cuộc đánh dân, bỏ tù dân là "những trận đánh đẹp".
Trương Duy Nhất
Báo chí đăng tin hôm qua vụ Đồng Tâm, công an Hà Nội "kêu gọi người dân thôn Hoành (những người bắt 38 cảnh sát làm con tin) ra đầu thú".
Chính Nguyễn Đức Chung, đương kim chủ tịch UBND Hà Nội đến Đồng Tâm, cam kết "không truy tố vụ Đồng Tâm"- Ảnh minh họa
Vụ này tôi đã có tiên đoán từ đầu. Status ngày 22 tháng tư tôi có viết như sau :
"Tôi nghĩ là lãnh đạo vụ "Đồng Tâm" đã bỏ sót một "thủ tục" hết sức quan trọng...
Điều mà đáng lẽ phải làm, trước khi thả người, những cán bộ, công an phải viết giấy cam kết là "tự nguyện ở lại làm khách" chớ không hề bị dân cưỡng ép ở lại. Thời gian "làm khách" mọi người được dân làng đối đãi tử tế, như là "khách". Cũng cần ghi thêm (cho mỗi người) lời cam kết sẽ vĩnh viễn không khiếu nại, về bất kỳ lý do nào".
Bởi vì, nếu ai có kinh nghiệm sống với cộng sản thì đều biết : "tin cộng sản là tự sát".
Làm cái gì với họ cũng phải đề phòng (lật lọng sau này).
Status ngày 23 tháng tư tôi có viết :
"Vấn đề Đồng Tâm theo tôi là chưa chấm dứt. Không phải là tôi bi quan, nhưng với bản chất lưu manh, tráo trở của lãnh đạo cộng sản Việt Nam, tôi e ngại rằng nay mai chính những "con tin" sẽ đi kiện lại dân Đồng Tâm vì các tội như "bắt con tin", "giam giữ người trái phép". Không phải vì bất bình, vì "bức xúc" mà họ đi kiện. Bởi vì người dân đối xử họ trong thời gian họ ở lại còn hơn là "thượng khách". Dân ở đây chịu đói dành phần ba bữa đầy đủ cho "khách mời". Mà vì bọn lãnh đạo, tướng tá thuộc Đảng cộng sản Việt Nam thúc giục họ đi kiện. Đất Đồng Tâm là đất vàng. Họ phải lấy "cục vàng" này lại".
Bây giờ kiểm chứng lại mới thấy đúng.
Trong vụ này phía công an đã bội ước với người dân đến hai lần.
Giấy cam kết của Nguyễn Đức Chung, vốn xuất thân là đại tá công an, đương kim chủ tịch UBND Hà Nội, ký tên cùng với (một số) đại biểu quốc hội, cam kết "không truy tố vụ Đồng Tâm". Tờ cam kết này có giá trị pháp lý. Ông Chung đương kim chủ tịch UBND Hà Nội, người có thẩm quyền giải quyết mọi vấn đề tranh chấp liên quan đến Hà Nội. Các đại biểu quốc hội (trong đó có Dương Trung Quốc) là đại diện của "cơ quan quyền lực cao nhứt nước".
Giấy cam kết này nhanh chóng trở thành "tờ giấy lộn", với sự tráo trở lật lọng của chính Nguyễn Đức Chung (và Dương Trung Quốc).
Những tấm hình chụp để lại còn cho thấy hình ảnh 38 "con tin" vui cười với nhân dân thôn Hoành, hai bên đều "bịn rịn" lúc chia tay. Điều này cho thấy 38 người này không thể là "con tin" bị bắt ở lại.
Hình ảnh 38 "con tin" vui cười với nhân dân thôn Hoành, hai bên đều "bịn rịn" lúc chia tay.
Viễn ảnh Quỳnh Phụ (Thái Bình, tháng sáu 1997), nếu dân thôn Hoành không lo liệu ngay từ bây giờ, là điều chắc chắn sẽ phải tới. Đầu thú theo lời công an kêu gọi không phải là giải pháp khôn ngoan.
Tất cả những người có dính líu đến vụ Thái Bình đều sẽ bị "thanh trừng". Nhiều tài liệu cho rằng hàng ngàn người dân Thái Bình có dính líu đến vụ "nổi dậy" đã bị "thủ tiêu" trong tù bằng phương pháp dã man : mỗi tù nhân bị một chiếc đũa đâm xuyên qua hai lỗ tai.
Status ngày 24 tháng tư tôi có viết :
"Hy vọng những người lãnh đạo cuộc "nổi dậy" ở Đồng Tâm hiểu được bản chất tàn bạo của đảng đối với những người bị xem là "phản đảng". Và họ cũng phải hiểu tính "quyền biến" của cái gọi là "pháp quyền xã hội chủ nghĩa"... "Pháp quyền (biến)" là pháp (luật) nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Nó không hề có nội hàm bất biến của "pháp trị - rule of law", theo kiểu "pháp trị xã hội chủ nghĩa" của Trung Quốc, hay "état de droit - nhà nước pháp trị" của các quốc gia tư bản Tây phương. Luật của Việt Nam là "luật rừng", họ muốn áp dụng thế nào cũng được. Cam kết, hợp đồng đối với họ đều là "phương tiện trong giai đoạn".
Cá nhân tôi, một người luôn tin tưởng vào công lý, lẽ phải, vào sự hiện hữu của tính lương thiện. Nhưng đối với một chế độ "tam quyền phối hợp" như ở Việt Nam, kiện đi đâu mà không bị lâm vào cảnh "ba bộ đồng tình bóp vú con tôi" ? Vì vậy vụ này tôi thấy hết sức là khó !
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 15/10/2017