Nguyễn Nhơn, RFA, 11/02/2024
Túm đầu đuôi đến khúc giữa sự việc là thế này :
Một đồng chí lãnh đạo cơ quan kia ở Hà Tĩnh dùng xe công vụ đến sân bay đón con gái về quê ăn Tết. Lý do là con gái đang mang bầu, còn xe thì sẵn đang đi công vụ nên ghé luôn, cũng tiện.
VTC
Tết người ta đi lại nhiều, máy bay đến trễ, nên đồng chí lãnh đạo và xe công vụ phục vụ đồng chí lãnh đạo phải đỗ ngoài nhà chờ sân bay, chờ con gái của đồng chí lãnh đạo gần một tiếng.
Nếu chỉ đến đây thì chả có gì để nói, gớm Việt Nam chứ phải Tây đâu, chuyện các đồng chí lãnh đạo dùng xe công vào việc riêng nó là cái tất lẽ dĩ ngẫu rồi. Thư ký riêng còn phải đi đưa đón con của đồng chí lãnh đạo đi học, đưa vợ của đồng chí lãnh đạo đi mua sắm, đưa mẹ vợ của đồng chí lãnh đạo về quê tảo mộ và cúng nhà từ đường kia kìa Ai không dĩ công vi tư lại chả bị các đồng chí lãnh đạo khác cười thối mũi, bảo làm màu, "họa sĩ" ấy chứ !
Đã bảo, Việt Nam mà !
Cái (hơi) không bình thường ở đây là chiếc xe biển xanh đi đón con gái kia còn lắp còi hụ, bật đèn ưu tiên vào sân bay. Lúc đón được người lại tiếp tục rú còi và bật đèn ưu tiên để xe trên đường dạt ra hết nhường đường.
Một đồng chí phóng viên địa phương tình cờ có mặt ở sân bay thấy được chuyện oách xà lách này bèn liên lạc với đồng chí lãnh đạo nói trên để xác minh thông tin.
Đến đây thì mọi chuyện vẫn rất ư là bình thường. Nhà báo có quyền hoạt động trên khắp lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật, được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí, Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật (theo Luật Báo chí 2016).
Theo đồng chí phóng viên trên, qua điện thoại, đồng chí lãnh đạo xác nhận có việc dùng xe công vụ đi đón người thân ở sân bay và hẹn đến cơ quan để nói chuyện cụ thể.
Đoạn này bắt đầu bất bình thường.
Đồng chí phóng viên thuật lại với báo chí, khi đồng chí tới trụ sở cơ quan của đồng chí lãnh đạo theo lời hẹn thì đồng chí cáo bận đi họp nên không gặp được.
Nhưng, tình cờ sao, khi đồng chí phóng viên chuẩn bị rời trụ sở cơ quan làm việc của đồng chí lãnh đạo thì bị lực lượng chức năng ập đến, giong về à nhầm mời về trụ sở làm việc.
Qua một hồi làm việc, các đồng chí lực lượng chức năng xé vé phạt luôn đồng chí phóng viên bốn triệu đồng.
Lý do xử phạt là các đồng chí cơ quan chức năng kết luận đồng chí phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép hoạt động của cơ quan đang công tác.
Hóa ra đồng chí lãnh đạo chẳng đi họp gì cả mà là đang gài hàng đồng chí phóng viên !
Ấy thế mà các đồng chí cơ quan chức năng cũng ngoan như cún, cun cút đi bắt đồng chí phóng viên về phạt cho bằng được.
Đấy là bất bình thường thứ nhất.
Đồng chí lãnh đạo tên Nguyễn Thị Lệ Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, dùng xe công vụ đón con gái ở sân bay Vinh (Nghệ An).
Còn đồng chí phóng viên công tác tại Tạp chí Công nghiệp Môi trường, trực thuộc Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, có tòa soạn tại Thành phố Hà Nội và hai văn phòng đại diện tại Đà Nẵng-Thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ quan chức năng ngoan như cún là Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Hà Tĩnh.
Bắt phạt phóng viên xong, hỉ hả quá, các đồng chí chạy ngay một bản tin lên báo Hà Tĩnh, thuật lại hết sức kỹ càng việc "phóng viên tự ý liên hệ hoạt động báo chí" "hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép".
Lẽ ra, theo Luật Báo chí như đã dẫn ở trên, Tạp chí Công nghiệp Môi trường phải bảo vệ phóng viên của mình vì phóng viên này hoạt động nghề nghiệp hoàn toàn hợp pháp, đồng thời phản đối việc làm trái pháp luật của Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Hà Tĩnh. Cạnh đó tiếp tục làm rõ việc chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh dùng xe công hú còi bật đèn ưu tiên đi đón con gái về ăn Tết.
Nhưng không !
Tạp chí này viết một bản tin "làm rõ" khiến đồng nghiệp trợn tròn con mắt.
Bản tin có hai nội dung chính :
- Phóng viên kia liên hệ với đồng chí lãnh đạo để có thông tin không được coi là một hoạt động báo chí.
- Hành vi (thu thập tin tức) của phóng viên tương đồng với việc lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân" (Nghị định 119/2020 của Chính phủ).
Tạp chí này xem việc đồng chí lãnh đạo dùng xe công rú còi, bật đèn ưu tiên đi đón con gái về nhà ăn Tết là hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân. Còn việc phóng viên bất bình với việc làm sai của đồng chí lãnh đạo và thận trọng đi xác minh thông tin hóa ra lại là hoạt động cá nhân !
Nước này thì không còn gọi là bất bình thường nữa, mà là nực cười, trơ trẽn, ngu xuẩn. Năm con Rồng mới vừa sang mà một cơ quan hoạt động trong lĩnh vực truyền bá thông tin và tri thức đã kịp thời có tư duy rồng lộn điên đảo đến mức này, thật bái phục !
Nhưng hóa ra dư luận rộng rãi lại suy nghĩ khác đồng chí lãnh đạo Lệ Hà, đồng chí Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông Hà Tĩnh, báo Hà Tĩnh và Tạp chí Công nghiệp Môi trường. Người ta cứ phê phán việc đồng chí lãnh đạo ngang nhiên lạm quyền cơ chứ !
Đến khi các báo lớn trong cả nước cũng nhảy vào cuộc thì đất Hà Tĩnh bị khuấy động đến tầng cao nhất nhưng cách xử lý thật sự gây cười.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh tuyên bố sẽ kiểm điểm nghiêm túc. Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tuyên bố sẽ mời đồng chí lái xe lên làm việc.
Ngay chiều 9/2, chỉ hai ngày sau khi sự việc xảy ra, đồng chí lái xe bị phạt 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe hai tháng, tịch thu bộ còi/đèn ưu tiên.
Trước đó, khi sự việc đã bùng phát trên báo chí, đồng chí lãnh đạo Lệ Hà chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh "thật thà" trả lời : Hơn một năm trước, khi mới về nhậm chức tại Hội, thấy xe công vụ cơ quan có lắp đèn ưu tiên và còi hơi đã nhắc nhở đồng chí lái xe tháo cất song đồng chí này mãi đến giờ vẫn chưa tháo xong !
Tức là đồng chí lãnh đạo để mặc tài xế rú còi bật đèn cả lúc vào sân bay đón con lẫn khi đón xong chạy ra khỏi sân bay Vinh (vì con gái đang có bầu, rú còi để chạy cho nhanh) là đề cao tinh thần tiết kiệm, không để lãng phí thiết bị của công đấy thôi, chứ đồng chí lãnh đạo hoàn toàn ý thức được đấy là sai, mà sai từ tận hơn một năm trước rồi cơ.
Chẳng biết quý vị đọc vụ này có bị xoắn ruột không, chứ tôi thì thấy nó lộn lèo lên hết cả rồi.
Chỉ một sự việc đúng sai rõ rành rành như ngày với đêm, mà các đồng chí lãnh đạo Hà Tĩnh hành xử y như trò trẻ, sáng đúng chiều sai sáng mai lại đúng ! Đã làm sai, bị phát hiện lại còn cáu lên đi gài bẫy người phát hiện. Cơ quan chức năng thì bịt mắt hớn ha hớn hở chạy theo như chó con. Khi bị cả nước điểm mặt thì trở mặt như lật bàn tay, nhưng không quên đổ hết tội cho kẻ thấp cổ bé họng nhất vốn là một người lao động tay chân chỉ được phép làm theo mệnh lệnh của cấp trên.
Xui xẻo thay cho đồng chí lái xe, đã cố lấy lòng sếp bà đến thế mà cuối cùng vẫn bị đẩy ra làm vật hy sinh, ngày cuối năm còn bị mất tiền, tước bằng lái, mất gạo mất cơm cho vợ con. Còn sếp bà chưa bị động đến sợi lông chân.
Cũng kính phục thay các đồng chí lãnh đạo Hà Tĩnh (nói trên) ! Các đồng chí thật là được rồng (đen) nhập mệnh, mà nhập cả loạt. Cho nên uốn éo, xảo lộn, đổi trắng thay đen liên tiếp, lộ nguyên hình bản chất làm quan là quàn dân mà mặt không biến sắc. Cho nên cùng hành xử ngang ngược, ức hiếp người dưới với sự thống nhất cao độ, y như một quốc gia riêng dọc ngang nào biết trên đầu có ai !
Còn cái Tạp chí Công nghiệp Môi trường, xin tặng cho bốn chữ vàng : Đã ngu lại hèn !
Nguyễn Nhơn
Nguồn : RFA, 11/02/2024
Tham khảo :
*****************************
Vụ bê bối xe còi hụ ở Hà Tĩnh, liệu Huệ Vương có trảm để lấy điểm ?
Trà My, Thoibao.de, 10/02/2024
Chuyện bà Nguyễn Thị Lệ Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh dùng xe "biển xanh" gắn còi, đèn ưu tiên, chạy vào sân bay Vinh đón con gái, gây bất bình trong công luận. Tới mức, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phải lên tiếng chỉ đạo xử lý vụ việc đầy tai tiếng này.
Xe biển xanh 38A-066.88 khi chạy vào sân bay Vinh đón người, đã bật đèn và hụ còi ưu tiên.
Báo VietNamnet ngày 7/2 đưa tin, "Bí thư Hà Tĩnh chỉ đạo xử lý vụ xe công dùng đèn ưu tiên đón người nhà lãnh đạo". Bản tin cho biết, trao đổi với báo chí, Bí thư Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, đã nắm được sự việc kể trên, và Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh sẽ kiểm điểm nghiêm túc sự việc.
Công luận bày tỏ sự bất bình sau khi trên mạng xã hội, vào sáng 7/2, lan truyền một video clip cho thấy hình ảnh một chiếc xe công vụ mang biển số xanh, biển kiểm soát 38A-066.88, khi chạy vào sân bay Vinh đón người, đã bật đèn và hụ còi ưu tiên.
Chủ tịch Hội Phụ nữ Hà Tĩnh Nguyễn Thị Lệ Hà đã thừa nhận sử dụng xe công sai mục đích. Nhưng dù bà Hà nhận sai, thì bà vẫn tiếp tục hứng chịu nhiều chỉ trích trên mạng xã hội.
Đặc biệt, với thông tin mà báo Hà tĩnh đã đưa, về việc ông Vũ Đình Thắng – phóng viên tạp chí Công nghiệp Môi trường, bị Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông Hà Tĩnh phạt 4 triệu đồng, chỉ vì gọi điện cho bà Hà để xác minh vụ việc bà này dùng xe công vụ và còi hụ khi đón con ở sân bay Vinh.
Đó là lý do vì sao, công luận tỏ ra không tin tưởng vào việc Bí thư Hà Tĩnh đã cam kết, rằng, "Thường trực Tỉnh ủy sẽ kiểm điểm nghiêm túc".
Nhà báo Bạch Hoàn, trên trang Facebook cá nhân đã đưa ra bình luận :
"Nhà báo phải nộp vào ngân sách một số tiền đáng kể, với hành vi hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ mục đích. Vậy, chiếc xe công chạy vào sân bay đón rước con cái chị được cho là Chủ tịch Hội kia, cũng hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, đúng không ?
Vì lẽ đó, phạt nhà báo thì cũng phải xử lý cái vụ xe công vào sân bay đón rước kia chứ !?".
Đại tá Công an Phạm Xuân Cần, giảng viên những khóa đầu tiên của Đại học Công an, cho rằng :
"Vụ xe biển xanh, còi hụ đón con, muốn người ta quên đi còn chưa được, thì Sở 4T lại đè cổ phóng viên phạt 4 triệu ! Ăn chi mà khun rứa bây ?"
Còn Luật sư Trần Vũ Hải, cũng trên trang Facebook cá nhân, đã đặt câu hỏi : "Sử dụng xe công vào mục đích cá nhân bị phạt bao nhiêu tiền ?". Đồng thời Luật sư Hải cũng dẫn câu trả lời, theo đó :
"Theo Điều 8, Khoản 2, Tiết C, Nghị định 63/2019, người nào sử dụng xe công vào mục đích cá nhân bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu.
Pháp luật cũng không cấm phạt và nộp phạt vào thời gian những ngày nghỉ, kể cả dịp Tết. Vậy sáng mai 30 Tết, cơ quan chức năng cứ ra quyết định xử phạt và chị Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Hà tĩnh cứ tự nguyện nộp phạt 20 triệu cho nhân dân cả nước không thắc mắc nữa".
Qua tìm hiểu phóng viên của thoibao.de, được biết, theo các quy định hiện hành của Việt Nam, xe được gắn còi, đèn ưu tiên, gồm xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, xe cứu thương, xe hộ đê hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp.
Đối với ô tô gắn đèn phát tín hiệu ưu tiên trái phép, có thể bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng, bị tịch thu thiết bị, người lái bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Bên cạnh đó, người nào sử dụng xe công vào mục đích cá nhân, hoặc phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, các quy định của nhà nước nêu rõ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, tình trạng sử dụng xe công vào việc riêng đã trở thành một hiện tượng phổ biến, đã bị dân chúng và ngay cả truyền thông nhà nước không ít lần lên án. Đó chính là biểu hiện của hành vi "tham nhũng quyền lực" của quan chức nhà nước.
Công luận thấy rằng, khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường giáo huấn lãnh đạo Việt Nam, rằng, họ phải là "đầy tớ của nhân dân". Nhưng rõ ràng, hiện nay, lãnh đạo Việt Nam đã trở thành "cha mẹ của nhân dân".
Mà vụ việc phóng viên Vũ Đình Thắng bị phạt 4 triệu đồng, chỉ vì gọi điện cho bà Hà để hỏi về việc sử dụng xe công sai mục đích, không chỉ là quyền của phóng viên báo chí, mà tối thiểu cũng là việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân, theo quy định của luật pháp Việt Nam.
Cỡ như Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, một nhân vật bị đánh giá là đạo đức kém, mà còn biết phải viết thư "xin lỗi nhân dân" và rút ra "bài học sâu sắc", vào đầu tháng 1/2019. Bà Hà, với một chức danh tép riu, thì còn chờ gì nữa Ban lãnh đạo Hà Tĩnh không trảm ngay tức thì, để xóa đi tiếng xấu lâu nay – "vương quốc vô luật pháp".
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 10/02/2024
*********************************
Vụ nữ quan chức Hà Tĩnh dùng xe công đón con : Lái xe bị phạt nặng
VOA, 10/02/2024
Công an tỉnh Hà Tĩnh của Việt Nam cho biết hôm 9/2 (30 Tết) rằng họ phạt nặng người lái xe cho bà chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh này vì ông ấy sai phạm trong việc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên trên ô tô.
Hôm 2/2/2024, bà Nguyễn Thị Lệ Hà, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh, nổi như cồn trên toàn quốc vì dùng công xa đi từ Hà Tĩnh đến sân bay Vinh – cách nơi bà làm việc khoảng 60 cây số - đón con gái về nhà ăn Tết và cho mở đèn, hụ còi để không phải chung chạ quá lâu với đám thường dân.
Việc xử phạt được thực thi sau khi báo chí trong nước và dư luận trên mạng xã hội tỏ ý bất bình cũng như chỉ trích việc bà Nguyễn Thị Lệ Hà, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh, dùng xe công vụ đón con gái ở sân bay Vinh vào tối 2/2.
Thanh Niên, Tuổi Trẻ và ZNews đưa tin rằng tài xế của bà Hà, có tên viết tắt là P.H.S., bị công an phạt 2,5 triệu đồng, bên cạnh đó, ông ấy bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng. Công an tịch thu bộ còi, đèn phát tín hiệu ưu tiên do xe của bà Hà không được quyền lắp đặt, sử dụng các thiết bị này.
Như VOA đã đưa tin, việc bà Hà đi xe công vụ, bật đèn và còi ưu tiên, đón con cách đây ít ngày bị người dân ghi hình, đưa lên mạng xã hội, dẫn đến nhiều lời lên án nặng nề.
Hôm 7/2, bà Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh xác nhận với báo chí Việt Nam về sự việc và "thừa nhận việc sử dụng xe công vụ vào sân bay đón con là sai".
Cùng ngày, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, người có thực quyền quyết định cao nhất trong tỉnh, theo cơ cấu chính trị của nước Việt Nam cộng sản, nói với báo chí rằng cơ quan đảng "sẽ kiểm điểm nghiêm túc", đồng thời "giao công an xem xét" việc xe công vụ lắp còi, đèn ưu tiên, theo đó, sở, ban, ngành, địa phương nào "sử dụng sai" sẽ bị "thu hồi, chấn chỉnh".
Các quy định của nhà nước Việt Nam nêu rõ rằng người nào sử dụng xe công vào mục đích cá nhân, hoặc phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến sáng 10/2, chưa có thông tin liệu bà Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh, có bị kỷ luật hay bị công an phạt hay không.
Nguồn : VOA, 10/02/2024
****************************
Chị Hà và tất yếu của xứ hà hà
Đồng Phụng Việt, RFA, 09/02/2024
Chị Hà tên đầy đủ là Nguyễn Thị Lệ Hà, 51 tuổi, cầm tinh con trâu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ của tỉnh Hà Tĩnh. Chị Hà vốn thuộc nhóm có danh, có phận ở Hà Tĩnh và cách nay vài ngày chị Hà nổi như cồn trên toàn quốc vì dùng công xa đi từ Hà Tĩnh đến sân bay Vinh – cách nơi chị làm việc khoảng 60 cây số - đón con gái về nhà ăn Tết và cho mở đèn, hụ còi để không phải chung chạ quá lâu với đám thường dân.
Ảnh tài xế của chị Hà, có tên viết tắt là P.H.S., đang lái xe công vụ vào sân bay.
Công xa được sắm bằng tiền thuế do dân chúng đóng góp, vận hành (xăng, lương tài xế, bảo trì, sửa chữa) cũng bằng tiền thuế và về lý không được sử dụng công xa vào bất kỳ chuyện gì không phải công vụ nhưng ở xứ hà hà..., nghiêm cấm lạm dụng công xa chỉ là lệnh được ban hành cho phải phép. Bằng chứng là khi thiên hạ kháo um chuyện công xa của chị Hạ chớp đèn, hụ còi giành đường của thường dân, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ muốn xem xét chuyện dùng công xa đón con và xài đèn chớp, còi hụ mà thôi (1).
Chẳng ai thắc mắc tại sao dân xứ hà hà phải "thắt lưng, buộc bụng" đóng đủ loại thuế, phí để nuôi những cá nhân làm việc cho các tổ chức chính trị như đảng, đoàn, hội, mà bản chất hoàn toàn nằm ngoài phạm vi công vụ. Cũng chẳng ai thắc mắc tại sao các tổ chức chính trị này nhiều như nấm và ngoài việc phải nuôi, dân xứ hà hà còn phải cung phụng đủ thứ cho các tổ chức chính trị ấy như công xa.
Chị Hà là một trong những đại diện cho tầng lớp mà ông, cha của dân xứ hà hà thường gọi là "nuôi báo cô". Từ khi 23 tuổi tới giờ, chị Hà chỉ làm cán bộ đoàn (1996 – 2006), cán bộ đảng (2006 – 2021) và gần đây là cán bộ hội (2021 tới nay). Dân xứ hà hà không chỉ nuôi chị Hà làm "công tác chính trị" mà còn phải nuôi chị Hà học chính trị, học thạc sĩ về "khoa học giáo dục" đâu chừng năm năm (2) để chớp đèn, hụ còi.
Dưới gầm trời này, chỉ ở Việt Nam mới có chuyện xem việc "chúc Tết cán bộ phụ nữ lão thành" cũng là công vụ. Chúc Tết chắc chắn không chỉ nói suông, phải có quà mà quà thì sắm bằng gì ? Tất nhiên là công quỹ ! Khi công quỹ được chi cho cả những chuyện như vậy thì tất nhiên làm gì còn tiền để thực hiện "quốc kế, dân sinh", tất nhiên những phúc lợi công cộng trong y tế, dân sinh, an sinh phải như đã biết và đang thấy.
Dưới gầm trời này, chỉ ở Việt Nam mới có những chuyện như "Hàn Quốc gỡ lệnh cấm, lao động Hà Tĩnh phấn khởi đăng ký dự thi tiếng Hàn" (3) hay "Hà Tĩnh : Hơn 3.500 người đăng ký dự thi sang Hàn Quốc lao động" (4) và dẫu được dân nuôi, được dân cung phụng song những cá nhân như chị Hà không những không thấy xấu hổ khi những người nuôi họ bế tắc đến mức phải chọn tha hương cầu thực làm sinh kế mà còn táng tận lương tâm tới mức chỉ dùng công quỹ "đền ơn đáp nghĩa" cho riêng những kẻ "cùng hội, cùng thuyền" với mình. Sự trâng tráo của chị Hà khi chóp đèn, hụ còi là sự trâng tráo của một giới và vì sự trâng tráo này phổ biến cho nên khi dân chúng rủa xả, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mới "Giao công an xem xét. Sở, ban ngành, địa phương nào sử dụng sai sẽ thu hồi, chấn chỉnh".
Dưới gầm trời này, chỉ ở Việt Nam mới có những chuyện như "Xử phạt một phóng viên hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích trên địa bàn Hà Tĩnh" (5) và hoạt động bị coi là "không đúng tôn chỉ, mục đích" tới mức cần triệu tập, tra hỏi ngay lập tức và ra quyết định buộc nộp bốn triệu tiền phạt ấy chính là gọi điện thoại cho chị Hà để hỏi thăm về việc lạm dụng công xa, mở đèn chớp, bật còi hụ.
Chị Hà không phải là trường hợp cá biệt. Hà Tĩnh cũng không phải là nơi duy nhất ở xứ hà hà có những cá nhân trâng tráo, càn rỡ như vậy. Cách nay chừng nửa tháng, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã triệu tập một người đàn ông dùng xe hai bánh gắn máy để chặn một chiếc công xa đang chớp đèn, hụ còi để lấn vào phần dành cho chiều ngược lại trên đường Điện Biên đoạn thuộc quận Ba Đình.
Người đàn ông vừa kể đã buộc chiếc công xa phải lùi lại, trở về đúng phần đường dành cho hướng nó di chuyển mà lúc ấy đang kẹt cứng. Khi video clip ghi lại chuyện vừa kể được đưa lên mạng xã hội, rất nhiều người tán thưởng hành vi ngăn chặn kiểu lưu thông càn rỡ. Thay vì trừng phạt tài xế điều khiển công xa thì sau đó, Cảnh sát giao thông loan báo đã xác minh và đã xác định, công xa thuộc công an (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) và vì "đang thi hành công vụ" nên mới chớp đèn, hụ còi, đi ngươc chiều, cho nên sẽ xử lý người không chịu nhường đường cho công xa.
Dưới gầm trời này, chỉ ở Việt Nam mới có những chuyện như công xa của lực lượng bảo vệ, thực thi pháp luật "đang thi hành công vụ" lại ngoan ngoãn thối lui vì bị người khác chặn đầu bắt đi đúng chiều và những cá nhân "đang thi hành công vụ" không hề viện dẫn "lý do công vụ" để yêu cầu các lực lượng bảo vệ, thực thi pháp luật khác hỗ trợ ngay lập tức. Việc gặp trở ngại trong khi "đang thi hành công vụ" chỉ được xác định khi dân chúng chỉ trích kịch liệt sự lạm dụng công quyền nên đành tiến hành xác minh (6).
***
Khi một quốc gia xây dựng chủ nghĩa xã hội, thiết lập dân chủ xã hội chủ nghĩa, quản trị và điều hành theo pháp chế xã hội chủ nghĩa thì việc có những cá nhân hành xử như chị Hà là tất yếu ! Những chị Hà này luôn luôn khoái trá và hà hà. Thường dân cũng hà hà mà nếu không giống như khóc thì là hà hà thay cho chửi, song nhớ chửi nhỏ ở chốn riêng tư và phải nhìn trước ngó sau thì mới an toàn !
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 09/02/2024
Tham khảo
(1) https://vnexpress.net/xe-bien-xanh-don-con-gai-chu-tich-hoi-phu-nu-tai-san-bay-4709919.html
*****************************
Trước thềm năm mới, khía cạnh khác của ‘phát triển’
Trân Văn, VOA, 09/02/2024
Về vụ gắn đèn, còi ưu tiên, tôi thấy dư luận hơi bất công với bà ấy. Việc gắn đèn còi trên các xe chở các cán bộ là bình thường như cơm bữa.
Ông S. lái xe biển xanh bật đèn ưu tiên bị xử phạt hành chính. Ảnh : CACC
Chuyện bà Nguyễn Thị Lệ Hà – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - ở Hà Tĩnh sử dụng công xa đi đón ái nữ và để khỏi phải chờ đợi như thường dân, tài xế đã cho chớp đèn, hụ còi, buộc các phương tiện khác nhường đường(1) là scandal cuối cùng của năm Quý Mão 2023. Scandal này hứa hẹn, cho dù "tống cựu, nghinh tân" nhưng "dưới sự lãnh đạo vẻ vang của đảng", Giáp Thìn 2024 chẳng hứa hẹn điều gì tốt lành...
***
Scandal vừa kể là lý do khiến Thach Vu cho rằng "chế độ ta, cán bộ ta tiến bộ", bằng chứng là :Trước, phải cỡbộ trưởng nhưTrần Tuấn Anh mới dùng ô tô đón vợ ở chân máy bay.Nay, chỉ cần là Hộitrưởng phụ nữmột tỉnh là có thể dùng côngxa gắn đèn chớp và còi hụ đi đón con gái ở sân bay (2) ?! Nguyen Dang Khoa thì nhìn scandal như một ví dụ để so sánh và nêu thắc mắc, cưỡi mô tô trên đường vắng rồi đăng lên mạng, và "cho công xa hụ còi, giành quyền ưu tiên ở phi trường, đường phố làm náo động cõi mạng, suygiảm, hoại uy tín nhà nước, tội nào nặng hơn ?". Đồng thời lưu ý :Luật pháp bất vị thân nha(3) ! Tuy lưu ý đó chính xác mọi lúc, mọi nơi nhưng riêng ở Việt Nam thì sai ! Vừa có một phóng viên bị Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông Hà Tĩnh triệu tập lấy lời khai và phạt bốn triệu vì dám gọi điện thoại hỏi bà Hà về vụ dùng công xa đón ái nữ(4).
Không phải tự nhiên mà Hà Phan bộc bạch thế này :Tôi nghĩ lỗi lớn nhất và đầu tiên trongvụ xe biển xanhtình cờ mởcòi hụ khitừ Hà Tĩnh ra Vinh chúc Tết nhân tiện đón con Chủ tịch là của cá thể tài xế ! Đã khôngchịu nghe chịtôi chỉ đạo là phải tháo bỏ mà còn tự ý bật đèn xanh đỏ nhấp nháy, chocòi hú inh ỏi gây chú ý. Kế đó là lỗi củangười quay videoclip khôngxin phép ai và cứ thế tung lên mạng. Khôngpost thì ai biết đấy là đâu ?Lỗi cuối cùng thuộcvề những người dùngfacebook, chuyển tứ tung rồi phẫn nộ không chịu lo Tết làm các cơ quan ban ngành đoàn thể tự dưng bao việc. Nên làm rõ ngaycác sai phạm và xử lý nghiêm những cá thể này (5) ! Còn Nguyễn Thu Trang thì phỏng đoán việc "chị đại nghênh ngang xông thẳng vô sân bay đón con gái" bởi người được đón "cũng là một phụ nữ và đó có thể là lãnh đạo tương lai" (6).
Lê Huyền Ái Mỹ cũng nghĩ gần như thế nên trách công chúng :Chuyện cái còithì Văn phòng Tỉnh hội phải thấy mà tự giác tháo chứ ! NếuVăn phòng không thấy thì Ban Chính sách - Pháp luật phải thấy vì nó chưa đúng luật. Nếu nó làmnhân dân "chướng tai, gai mắt" thì Ban Tuyên giáo Tỉnh hội phải thấy. Ai lại để đích thân chị Lệ Hà trực tiếp nhắc tài xếmà nhắc rồi vẫn không chịu tháo còi. Lỗi tại anh tài xế. Thế thôi. Các anh làm ghê quá ! Trung ương Hội đang phát động chương trình "Tết sum vầy - Xuân yêu thương", chị Lệ Hà là cán bộ Hội, đón con gái chả phải để sum vầy là gì, đi cả quãng đường xa ngái để đón con cho bằng được thì chả yêu thương quá đó sao. Các anh làm ghê quá ! Bà Lê Huyền Ái Mỹ lưu ý :Chị Lệ Hà là lãnh đạo phụ nữ cao nhất của tỉnhnên dùng xe biển số xanh là quyền của chị, mở còigiành ưu tiên là quyền của anh tài xế (6) !
***
Trước scandal cuối cùng của năm Quý Mão 2023, cũng có những người không chọn bỡn cợt để bày tỏ suy nghĩ, thái độ mà nhận xét hết sức nghiêm túc như ông Đoàn Bảo Châu :Luật pháp nước ta rất ‘nghiêm’. Ngọc Trinh biểu diễn trên xe máy còn bị phạt giam mấy thángvà một năm án treo vì ‘gây rối trật tự công cộng’ - trước đấy báo chí còn dọa có thể tới năm,bảy năm tù.Vậy cho tôi hỏi việc lắp đèn, còi, cho nháy đèn, hụ còi của cô Lệ Hà có ‘gây rồi trật tự công cộng’ không ? Việc gắn đèn, còi ấy theo quy định nào ? Nếu sai thì xử phạt sao ?Luật pháp nếu nghiêm minh thì phải xử cán bộ nặng hơn xử dân, bởi cán bộ là những người hiểu biết, cần làm gương cho dân, không phải như câu nói nổi tiếng của ông Mai Tiến Dũng : ‘Nếu ta sai, ta xin lỗi dân. Nếu dân sai, dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật’. Khác với câu nói của Hồ Chí Minh : ‘Cán bộ là đày tớ của nhân dân’, nhiều người có chức quyền trong bộ máy coi thường dân, coi mình cao hơn dân nhưng thực ra họ đã làm gì cho dân để tự cho mình đặc quyền, đặc lợi ?Cô Lệ Hà sẽ dạy con kiể u gì khi chính mình tùy tiện dùng tài sản công cho việc riêng ? Chẳng những dùng mà còn khoa trươngbằng đèn, còi để tranh đường trong giao thông.Sự việc không chỉ có vậy. Chỉ vì gọi điện cho cô Lệ Hà hỏi về sự việc mà một phóng viên bị phạt. Là người làm báo lâu năm, tôi không tin việc làm của phóng viên là sai.Một phóng viên có quyền tìm hiểu thông tin, nếu thấy câu chuyện có chất liệu tốt thì mới đề đạt lên cấp trên để viết bài.Theo suy luận của tôi, chuyệnnày phản ánh một sự lạm quyền của bộ máy ở Hà Tĩnh. Xe, còi, đèn là lạm quyền cấp một, phạt phóng viên thể hiện cái bản chất cố hữu sâu hơn của bộ máy ở Hà Tĩnh.Thú thật là càng viết, càng nghĩ sâu thì tôi càng cảm thấy nản trước thực trạng ở Việt Nam. Với đà này thì xã hội còn rất nhiều vấn đề, đất nước này còn lâu mới ‘sánh vai với các cường quốc năm Châu’ (8).
Xuan Son Vo cũng thế - cũng bi quan tới mức không thể bỡn cợt :Tôi thấy mọi người ồn ào vụ bà chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh lấy xe công vụ có gắn đèn còi đi đón con ở sân bay. Về vụ gắn đèn, còi ưu tiên, tôi thấy dư luận hơi bất công với bà ấy.Việc gắn đèn còi trên các xe chở các cán bộlà bìnhthường như cơm bữa. Ai đó thường xuyên lái xe đi trên đường đều biết. Bản thân tôi, đã nhiều lần phải nhường đường cho họ. Họ không chỉ gắn đèn còi ưu tiên, mà còn gắn cả những đèn pha cực sáng, rất nhức mắt. Không nhường đường cho họ thì chỉ có nước lóa mắt mà tông vô xe khác mà thôi. Nhiều bạn viện dẫn qui định này nọ, rằng xe gắn đèn, còi như vậy là sai, là vi phạm qui định. Các bạn cứ làm như luật pháp, qui định ở cái đất nước này là dành cho đám ‘đày tớ’ ấy.Hãy mở mắt ra mà nhìn. Ở đất nước này, đám ‘đày tớ’ mà không ngồi xổm lên pháp luật thì đó mới là chuyện lạ. Cứ nhìn những vụ án xử chúng nó và những vụ án xử bọn không thuộc nhóm chúng nó thì thấy ngay thôi.Ngay cả vụ ở Hà Tĩnh, tôi tin rằng cái bà "chủ tịt" gì đó, chắc là xui, gặp đối thủ, hoặc lỡ cản đường hay qua mặt ông to bà lớn nào, nên mới bị lôi lên công luận. Chứ bình thường, thì đố báo nào dám đăng. Hoặc giả gặp phóng viên và Biêntập viên nổi máu yêng hùng thì cũng bị gỡ bài liền.Cứ để đó xem, tuần này, tuần sau, tháng này, tháng sau và sau này nữa, xem mấy cái xe biển xanh gắn đèn còi ưu tiên có giảm hay không ? Hay là thằng này lật thằng khác xong rồi, lên ngồi đó, lại trang bị thêm đèn sáng hơn, còi to hơn nữa (9) !
Dùng công xa đón vợ con, ngay cả đi lại cũng gắn đèn, còi, giành quyền ưu tiên đã thành bình thường trong giới "đày tớ", rất xui mới bị "búa rìu dư luận", Kiem Mai Ba đệ đạt :Tôi đề nghị một giải pháp ôn hòa vừa mang tính thuyết phục vừa thỏa mãn tánh phô trương của họ- cấp "xe đặc chủng tám chỗ ngồi và một chỗ nằm", có còi và đèn, sẵn sàng tùy nghi sử dụng khi vào Tám chỗ ngồi dành cho bácsĩ, y tá hoặc đạo tì (10) !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/02/2024
Chú thích
Dương Xuân Lương, VNTB, 24/11/2021
Tịnh thất Bồng Lai bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu xóa xổ
1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có quyền công nhận hay xóa bỏ các điểm tu tại gia
Một vấn đề pháp lý được dư luận quan tâm là Tịnh thất Bồng Lai bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu xóa xổ. Hay nói rộng hơn các điểm tu tại gia có bắt buộc phải được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) công nhận và quản lý hay không ?
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là 1 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận. Hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam mà cụ thể là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Thẩm quyền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng giống như các tổ chức tôn giáo khác, không được trái với các quy định về quyền của một tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận.
1.1. Thẩm quyền công nhận
Theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, hai chủ thể có thẩm quyền công nhận một tổ chức tôn giáo là : Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương (Ban Tôn giáo Chính Phủ). Ngoài hai chủ thể này, cá nhân hoặc cơ quan khác đều không có quyền công nhận hay phủ nhận bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào. Như thế Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có quyền công nhận các điểm tu tại gia mà đây là Tịnh thất Bồng Lai.
1.2. Quyền tự do tín ngưỡng
Mỗi người đều có quyền tuyệt đối tin, hay không tin, theo một tôn giáo nào và đều có quyền biểu lộ lòng tin của mình hoặc một mình, hay chung với những người khác, tại điểm thờ phụng hay tại nhà riêng. Các quy định của pháp luật có thể hạn chế một số hoạt động tôn giáo vì những lý do bất khả kháng như dịch bệnh hay an ninh. Ngoài ra không tổ chức, đoàn thể nào có quyền cấm đoán sinh hoạt tôn giáo của cá nhân hay hội nhóm.
Như vậy việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu xóa sổ Tịnh thất Bồng lai, một tổ chức tôn giáo tu tại gia, hơn nữa chưa từng gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hay có thể nói một tôn giáo khác, là một hành động phi pháp, lộng quyền và thiếu hiểu biết. Nếu sự lộng quyền này được nhà nước cho phép bằng cách ủng hộ, hay làm ngơ để mặc GHPGV làm khó dễ Tịnh thất Bồng Lai, chính phủ có thể đã cho phép tổ chức này có quyền bao trùm các tôn giáo khác.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lộng quyền
Ban tôn giáo chính phủ cho rằng cơ sở Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, Tịnh thất Bồng Lai, là cơ sở thờ tự bất hợp pháp và Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu hủy bỏ tu điểm tại gia này là các hành động phi pháp và lộng quyền.
Dưới đây chúng tôi sẽ chỉ ra cách hành xử lộng quyền, phạm pháp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cánh tay của chính phủ Việt Nam đối với Đạo Cao Đài qua việc tịch thu tài sản của Đạo và ban phát cho một tôn giáo khác.
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nói tắt là Đạo Cao Đài được thành lập năm 1926 tại làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra Sắc Luật 003/65 ngày 12/7/1965 công nhận pháp nhân Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ theo Hiến chương ngày 21/1/1965.
Sau ngày 20/7/1978, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh ban hành "Bản án Hoạt động phản cách mạng của một số tên phản động trong giới cầm đầu giáo phái Cao Đài Tây Ninh".
Cái tên "Bản án" của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh tây Ninh đã thể hiện rõ sự lấn quyền tòa án của Mặt trận Tổ quốc tỉnh này. Mặt trận Tổ quốc Tây Ninh viết ra một bản án, kết tội một số giới chức Cao Đài. Ủy ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh tiếp theo "Bản Án" đó ra quyết định 124 tịch thu hầu hết các cơ sở tôn giáo trong nội ô tòa thánh Tây Ninh và nhiều cơ sở khác tại các địa phương.
Đi quá xa hơn nữa, từ cái quái thai "bản án" của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam, UBND tỉnh Tây Ninh lấy luôn Tòa Thánh Tây Ninh và các cơ sở khác giao cho tổ chức tôn giáo khác.
Sau khi lấy Tòa Thánh Tây Ninh, chính quyền Tây Ninh tập trung một số giới chức của Đạo, theo đảng, có chân trong Mặt trận Tổ quốc dựng nên một tôn giáo mới khác với Cao Đài chính truyền từ năm 1926 được dựng nên bởi chính đức Thế Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Ngày 9 tháng 5 1997 Ban Tôn giáo chính phủ ra Quyết định số 10 QĐ/TCCP công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo mới này là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh, gọi tắt là Đạo Cao Đài Tây Ninh. Điều 4 của quyết định này viết : "Trụ sở của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh".
Tịch thu tài sản của Đạo Cao Đài Chân Truyền
Ngày 4/6/1980, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh ra Quyết định 124, tịch thu hầu hết các cơ sở của đạo trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh và nhiều cơ sở tôn giáo khác của đạo tại các địa phương.
Năm 1997 nhà nước lấy Tòa thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài 1926 giao cho Chi phái Cao Đài 1997, cho phép chi phái 1997 mở rộng một số sinh hoạt.
Mãi đến năm 2017 qua quá trình giúp đỡ người Đạo Cao Đài 1926 bảo vệ quyền tự do tôn giáo, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng Tổng giám đốc BPSOS phát hiện ra sự thật : Đạo Cao Đài 1926 và chi phái 1997 là hai tổ chức tôn giáo khác nhau.
Tháng 6 năm 2018, BPSOS hoàn thành Hồ sơ Chi phái 1997 là tác nhân phi chính phủ với thành tích dài lâu vi phạm nhân quyền đối với Đạo Cao Đài. Hồ sơ đã đệ trình đến chính phủ Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế.
Bản phúc trình năm 2019 của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF) đã nêu đích danh "Chi Phái Cao Đài Tây Ninh (Chi Phái 1997)" là công cụ do Nhà nước quản lý và sử dụng.
Năm 2019 Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã hủy giấy phép độc quyền danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh cấp tạm cho ông Trần Quang Cảnh, đại diện hải ngoại của chi phái 1997. Không những vậy, quyết định này của Bộ Thương mại Hoa Kỳ mặc nhiên xác định chi phái 1997 không phải là đạo Cao Đài.
Trong báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế tháng 5/2021, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu sự khác biệt giữa đạo Cao Đài được thành lập năm 1926 với Chi phái Cao Đài 1997 được nhà nước hậu thuẫn.
Sự thật về sự vô pháp vô thiên của nhà nước Việt Nam qua các công cụ tay sai nối dài của họ được phanh phui ra ánh sáng.
Qua hai việc lộng hành, lạm quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những cánh tay đắc lực của chính quyền Việt Nam, đặt nghi vấn cho thực quyền của chính phủ về nạn kiêu binh kèm sự thiếu hiểu biết của nhưng công cụ của họ dựng nên.
Dương Xuân Lương
Nguồn : VNTB, 24/11/2021
*************************
Người Tân Định, VNTB, 24/11/2021
Thượng tọa Trụ trì chùa Thiên Quang tại Bà Rịa Vũng Tàu và đại diện Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa (facebook
Ngày 5 tháng 11 năm 2021 Thượng tọa Trụ trì chùa Thiên Quang tại Bà Rịa Vũng Tàu thông báo bị bắt buộc phải gỡ bỏ mọi công trình mà chính quyền cho là phi pháp trước ngày 15 tháng 11. Sự kiện này gây hoang mang cho giới Phật Tử trong và ngoài nước, đặc biệt cho tăng chúng trong chùa.
Ngày 16/11/2021, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh điện thoại hỏi thăm đời sống sinh hoạt chư tăng tại chùa Thiên Quang ? Về phía Tổng Lãnh sự quán rất quan tâm đến đời sống yên bình tại chùa, và đang nổ lực hết mình cho việc gìn giữ sự bình yên đó.
Tiếp đó ngày 19/11/2021, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ lại điện thoại hỏi thăm quý Thầy, nội dung cuộc nói chuyện như sau :
– Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ : Ở chùa có được bình an không ? Mọi thứ vẫn ổn phải không ạ ?
– Thầy Thích Thiên Thuận : Dạ, hiện tại thì chư tăng tại chùa Thiên Quang vẫn được bình an và mong được bình an như vậy trong những ngày dài sắp tới. Thật tốt cho quý thầy ở đây với thiên nhiên và bình yên trong sự tu hành.
– Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ : Vậy là yên tâm cho chư Tăng đang tu tập ở chùa rồi. Nếu có gì thay đổi hay chuyện gì xảy ra đột ngột thì Thầy hãy gọi điện trực tiếp cho chúng tôi biết để chúng tôi kịp thời nắm bắt thông tin.
– Thầy Thích Thiên Thuận : Xin cảm niệm, biết ơn đến quý vị về những điều quý giá mà quý vị dành cho chúng tôi trong những lúc như thế này. Thật tình chúng tôi yêu mến thiên nhiên, yêu sự hòa bình và con người tại nơi đây. Thật là rất vui nếu trong dịp tết Nguyên Đán này xin mời quý vị ghé thăm chùa và dùng cơm.
– Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ : (tiếng cười) dĩ nhiên rồi ạ ! ! ! xin cảm ơn Thầy.
– Thầy Thích Thiên Thuận : Xin cầu nguyện tất cả mọi người được bình an.
– Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ : Xin chào và hẹn gặp lại ngày gần nhất
Trước đó ngày 15/11, Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức đã gửi công hàm đến sở ngoại vụ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu về việc này. Công hàm cho biết bà Tổng Lãnh sự Đức lấy làm tiếc nếu các công trình trong khuôn viên chùa bị chính quyền buộc phá bỏ.
Chùa Thiên Quang tọa lạc tại Thác Hòa Bình, Ấp 5, Hòa Bình, Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu nổi tiếng là đẹp và yên bình
Chùa Thiên Quang tọa lạc tại Thác Hòa Bình, Ấp 5, Hòa Bình, Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, là một ngôi chùa nổi tiếng với các pho tượng Phật, Bồ Tát bằng gỗ quý đồ sộ.
Từ Thị trấn Ngãi Giao vào 17km đến xã Hòa Bình chúng ta gặp ngay ngôi chùa hiển hiện giữa núi đồi hoang vu, là mái chùa Thiên Quang mộc mạc đậm nét cổ truyền xứ Huế.)
Chùa Thiên Quang được khởi công xây dựng ngày 19/07/2000 (Canh Thìn) do Đại đức Thích Thiên Thuận làm trụ trì. Lúc bấy giờ chùa chỉ là một thảo am nhỏ đủ để sinh hoạt cho bà con Phật tử nơi đây sinh hoạt tu học. Tháng năm dần trôi, mái chùa Thiên Quang được tô đậm thêm nét vững mạnh của xóm làng và dân tộc. Như cơ chỉ của thiên nhiên ban tặng trước mặt chùa là dòng thác quanh năm tuôn chảy, như rồng xanh cuộn mình thổi từng cơn gió mát cho thiền môn hưng thịnh. Phong thủy hữu tình, gió mát quanh năm, vào chùa là hình ảnh cửa không của thiền môn quy cũ, xây dựng theo lối kiến trúc cổ kính, không gian thoáng ngập phối với cảnh thiên nhiên làm nền chủ đạo. Ngoài ra những pho tượng thờ phượng đều được tạc từ gỗ quý được các nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng từ miền Nam Bắc quy tụ về đây.
Dù có sự quan tâm của dư luận, âu lo trong giới Phật tử và các cơ quan ngoại giao quốc tế, số phận của Chùa Thiên Quang tùy thuộc vào chính quyền Bà Rịa Vũng Tàu. Trụ trì chùa chua xót viết trên facebook dặn dò các đệ tử :
Sư phụ dặn dò các đệ tử trong bữa cơm sáng ngày 17/11/2021 vì qua ngày 18/11/2021 những bữa cơm sáng như thế này có thể sẽ không còn nữa ??? Từng tấm ngói, chiếc bàn cũ, cái bếp lem nhem, cái tô, cái chén có thể trở thành những ước mơ của tăng chúng nơi đây !!!
Thượng tọa trụ trì cho biết : "Đơn ký ngày 5/11/2021 [gỡ bỏ một phần kiến trúc của Chùa] tới ngày 08/11/2021 chùa mới nhận được đơn, hôm nay là ngày thứ 9 chùa nhận được đơn, 10 ngày là đơn có hiệu lực.
Thương quý thầy, quý chú tiểu nhỏ, người già trong chùa… từ nay không biết ra sao ? Tết này…".
Thượng Tọa Thích Thiên Thuận cho biết thêm :
"Chùa Thiên Quang trải qua 20 năm xây dựng tạm bợ không ai kiện tụng tranh chấp về đất đai, chỉ có phía chính quyền trên dưới 10 lần đo đạc mà không tạo điều kiện giấy tờ pháp lý. Lý do làm việc là kênh nước đi qua chùa, cắt ngang phía sau chùa thành hai hình tam giác, năm 2019 – 2020 Chùa gửi đơn hai lần không thấy ai mời làm việc. Tất cả những công trình được xây dựng từ 2006 đến 2016 đã chấm dứt, giờ mới lập biên bản xử phạt".
Người Tân Định
Nguồn : VNTB, 24/11/2021
"Lòng yêu nước thực sự căm ghét sự bất công trên chính quê hương của mình, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác".
Clarence Darrow
BOT Cai Lậy đã mở trạm vào lúc 9 giờ sáng ngày 30/11/2017 với sự tăng cường dày đặc của lực lượng an ninh
Sau gần 3 tháng tạm ngưng hoạt động vì gặp phải sự phản đối của giới tài xế, BOT Cai Lậy đã mở trạm vào lúc 9 giờ sáng ngày 30/11/2017 với sự tăng cường dày đặc của lực lượng an ninh. Rất nhiều người dân đã thắc mắc tại sao một doanh nghiệp tư nhân như BOT Cai Lậy lại có thể huy động được hàng trăm công an, cảnh sát giao thông và cơ động đến đâyvới lý do "giữ gìn trật tự" ? Từ khi nào trách nhiệm của lực lượng an ninh là bảo vệ sự an toàn cho người dân đã chuyển sang bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp tư nhân ?
Trong ngày mở trạm đầu tiên 30/11/2017, hàng loạt tài xế đã phản đối BOT Cai Lậy bằng cách trả tiền lẻ và trả 25.100 đồng (24.500 và 3 tờ tiền 200 đồng). Sau đó, tài xế yêu cầu trạm Cai Lậy phải trả đúng số tiền dư là 100 đồng và nếu không có, họ sẽ không đi. Chính điều này đã dẫn đến sự can thiệp thô bạo của công an và buộc BOT Cai Lậy phải liên tiếp xả trạm nhiều lần vì kẹt xe trầm trọng.
Vì sao người dân bức xúc, phản đối trạm thu phí Cai Lậy ?
Trạm thu phí có mục đích chính là đường tránh Cai Lậy, nhưng nó lại được đặt ở quốc lộ 1A. Vì thế, những xe không sử dụng tuyến tránh, vẫn bị thu phí với mức giá thấp nhất là 25.000 đồng".
Trạm đặt ngay quốc lộ 1, nên chúng tôi không chạy xe vào đường tránh cũng phải mua vé. Nên dời trạm vào đường tránh, ai đi tuyến đó thì mua vé, còn đi quốc lộ 1 thì không phải tốn tiền", tài xế Nguyễn Văn Huân ở thị xã Cai Lậy nói.
Đã là tuyến tránh xe, thì dân phải có quyền lựa chọn : lái vào đường tránh không qua thị xã ; hoặc lái đường Quốc lộ 1. Tại sao BOT Cai Lậy lại "vẽ" thêm phần phụ trong dự án là nâng cấp 26,5 km quốc lộ 1, để lấy cớ chặn ngang quốc lộ 1 mà thu phí ? Nên nhớ, quốc lộ 1A đã có từ rất lâu, là con đường huyết mạch vốn được xây dựng từ tiền thuế của dân.
Chính tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng thừa nhận sai trái của BOT Cai Lậy : "Quốc lộ 1 chỉ tráng một lớp trên mặt đường và cuối cùng thu phí giá cao, hơn cả cao tốc Trung Lương, vì thế dân bức xúc là đúng".
Cảnh sát giao thông sai luật
Điều đáng nói tại trạm Cai Lậy là sự can thiệp không hợp pháp của cảnh sát giao thông.
Luật sư Phạm Tất Thắng (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định với báo Tuổi Trẻ : "… phải khẳng định ngay việc tài xế dùng tiền lẻ hay chẵn là quyền của tài xế, không vi phạm pháp luật. Mệnh giá tiền bao nhiêu hoặc phương thức thanh toán nào khác phù hợp (cà thẻ nếu có) giữa tài xế và trạm thu phí là quan hệ dân sự đơn thuần. Đó là chưa kể đến việc đặt trạm thu phí tại vị trí đó để thu tiền là chưa đúng. Như vậy, lực lượng cảnh sát giao thông tham gia giải quyết rắc rối đó bằng cách thu giữ bằng lái, giấy tờ xe của tài xế là hành vi trái luật" (1).
Theo quy định, cảnh sát giao thông chỉ được quyền kiểm tra, giữ giấy tờ, bằng lái của tài xế khi xử lý vi phạm hành chính về giao thông và hoàn toàn không có thẩm quyền để can thiệp vào các giao dịch dân sự.
Quyết đè đầu, cưỡi cổ, hút máu dân cho bằng được
Lực hấp dẫn mãnh liệt của dự án BOT chính là tiền lãi, khiến "nhóm lợi ích" mê mẩn, nên đã cấu kết, ăn chia với chính quyền xây trạm thu phí ngày càng nhiều. Chính lợi ích cũng chính là mắt xích kết nối bọn chúng lại với nhau và quyết ăn thua đủ với người dân. Cụ thể ở BOT Cai Lậy, nhà nước cộng sản đã hoàn toàn xem thường dân khi tự ý cho phép doanh nghiệp tư nhân nâng cấp con đường đã có từ thời xa xưa QL1, rồi ngang nhiên đặt trạm thu phí và ép dân phải trả phí là một hành vi cướp bóc có tổ chức.
Quyết tâm "hút máu dân" đến cùng được thể hiện rõ qua phát biểu của Bộ Giao thông vận tải : "Quyết không dời trạm, chỉ giảm phí".
Chưa dừng lại ở đó, để đối đầu với sự phản đối khôn khéo của các tài xế trong việc trả phí 25.100 đồng, ngay lập tức Ngân hàng nhà nước chi nhánh Tiền Giang đã gửi văn bản xin điều tiết lượng tiền 100 đồng, nhằm ăn thua đủ với giới tài xế yêu cầu 100 đồng tiền thối tại trạm BOT Cai Lậy (2).
Bất kì ai theo dõi tình hình ở trạm thu phí BOT Cai Lậy cũng có thể thấy được sự thất bại toàn diện của lãnh đạo BOT Cai Lậy, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Tiền Giang. Họ đã không có một giải pháp toàn diện nào, nhưng chỉ là các biện pháp chắp vá tạm thời. Hễ các bài tài "xuất chiêu" gì thì ngay lập tức bọn họ tìm cách "phá chiêu". Thật đáng khinh cho hành vi ăn thua đủ với dân.
Gốc rễ của mọi bức xúc là BOT Cai Lậy đã đặt sai vị trí. Vì thế, giải pháp không phải là giảm giá, nhưng là phải di dời và trả nó về đúng với vị trí và chức năng thu phí đường tránh.
Một vấn đề đơn giản, nhưng nhà nước cộng sản cũng không thể khéo léo giải quyết cho hợp lòng dân. Bù lại là sự lạm quyền, ngồi xổm lên pháp luật và quyết ăn thua đủ với dân. Chính quyền cấu kết với bọn tham quan và lợi ích nhóm ngang nhiên trục lợi là một chính quyền khốn nạn và phải được thay thế bằng một chính quyền lương thiện trong một chế độ dân chủ đa nguyên.
Những ai tự cho mình là thành phần "trí thức tinh hoa của xã hội" nhưng im lặng, không chỉ trích hành vi sai trái của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông vận tải, BOT Cai Lậy và chính quyền cộng sản thì thật đớn hèn và đáng trách.
Một người yêu nước thực sự sẽ phản kháng bất công ngay chính nơi mình sinh ra như Clarence Darrow đã diễn giải rất hay : "Lòng yêu nước thực sự căm ghét sự bất công trên chính quê hương của mình, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác".
Không cần phải trả phí tại BOT Cai Lậy
Cần phải nhấn mạnh rằng rất nhiều vi phạm của BOT cả nước nói chung và BOT Cai Lậy nói riêng là rất rõ ràng, được nhiều quan chức thừa nhận và phản đối.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng :
"Không thể nhắm mắt làm ngơ không xử lý những vấn đề đang đặt ra. Vấn đề đầu tiên phải chấm dứt ngay là thu phí BOT kiểu trấn lột, vì người ta không đi đường BOT thì không thể thu, đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không được. Trả 1 đồng mà bất công, người dân cũng không chịu. Phải di dời trạm, không thể nói hứa với nhà đầu tư nên không di dời được, không thể trấn lột người dân như thế" (3).
Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường vụ Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng chỉ ra :
"Vấn đề mà hiện nay người dân bức xúc tại tạm BOT Cai Lậy là do Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư đã làm sai nguyên lý kinh tế. Đó là bắt người dân phải bỏ tiền trả dịch vụ mà họ không sử dụng".
Vì thế, theo đúng pháp luật, các tài xế hoàn toàn có quyền không trả tiền phí tại trạm Cai Lậy nếu không sử dụng đường tránh. Hãy ôn hòa và nhẫn nại yêu cầu nhân viên thu phí tại sao phải trả phí khi không sử dụng đường tránh ? Hãy yêu cầu họ trưng bày công văn hoặc chỉ thị của nhà nước yêu cầu dân đóng phí QL1.Và nếu như nhân viên trạm thu phí không thể đưa ra bất kì bằng chứng nào cho việc thu phí QL1, thì các bác tài hãy kiên nhẫn chờ đợi đến khi họ phải mở trạm cho qua mới thôi.
Chỉ cần 90% tài xế đồng thuận, nhẫn nại và ôn hòa sử dụng cách này liên tục trong vài tuần, thì BOT Cai Lậy chắc chắn phải nhượng bộ và di dời.
Đảng cộng sản đã hoàn toàn thất bại
Thực trạng BOT Cai Lậy đã phô bàysự lạm quyền và tham nhũng quyền lực rất rõ ràng : lòng dân không là cái thá gì với bọn chúng. Chính quyền tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo BOT Cai Lậy và Bộ Giao thông vận tải đã cố ý đạp lên pháp luật và dư luận bằng cách huy động lực lượng an ninh dày đặc, nhằm dọa nạt tinh thần những bác tài xế trả phí bằng tiền lẻ, vốn là một hành vi dân sự giữa người dân và tư nhân.Điều này đã chứng tỏ được sự khốn nạn đến tận cùng của bè lũ lạm quyền, xem thường dân đến cùng.
Nếu không có sự bảo kê của Đảng cộng sản, thì liệu bọn chúng có dám đạp lên đầu pháp luật và toàn dân như thế không ?
Nếu chóp bu của Đảng cộng sản thực sự có uy, thì bọn đàn em có dám phớt lờ sự phản đối của nhiều quan chức và người dân, để tiếp tục duy trì trạm thu phí BOT Cai Lậy hay không ?
Chỉ có thể giải thích được rằng sợi dây lợi ích ràng buộc nhóm thân hữu và đảng viên, cũng như giữa đảng viên với nhau, đã không còn hiệu lực nữa. Quyền lực mà Đảng cộng sản trao cho 3 nhóm nô lệ là đảng viên, công an và quân đội, để chúng ngoan ngoãn phục vụ Đảng, đã bị bọn chúng lạm dụng và tham nhũng. Có thể thấy rằng thực trạng của Đảng cộng sản rất nguy ngập vì mạnh ai nấy ăn, không ai nghe lời ai, bất chấp nội quy Đảng.
Một chính đảng chỉ có thể tồn tại nếu được đặt trên nền tảng chính trị lương thiện và chiếm được niềm tin yêu của toàn dân. Đảng cộng sản không có tư tưởng gì ngoài bạo lực. Nó đã và đang thất bại trên mọi phương diệnvì tham nhũng và sự phá hoại của chính các đảng viên ở mọi lĩnh vực.
Thay lời kết
Trách nhiệm của mỗi một người dân là phải giám sát và lên tiếng trước những chính sách vô lý và khủng hoảng của nhà nước.
Edward Abbey nói : "Một người yêu nước phải luôn luôn sẵn sàng chống lại chính quyền để bảo vệ đất nước".
Lịch sử đã chứng minh, đấu tranh bất bạo động, cụ thể là bất tuân dân sự, là một phương pháp hiệu quả để thay đổi thể chế. Tất cả chính quyền, từ dân chủ đến độc tài, chỉ có thể cai trị và hoạt động được,khi còn nhận được sự hợp tác, quy phục và tuân thủ của quần chúng.
Thế mạnh nhất của Đảng cộng sản là vũ lực với quân đội hùng hậu và vũ khí chuyên nghiệp. Do đó, sẽ khó có thể đánh bại được chế độ bằng chính thế mạnh của nó. Mong các bác tài xế sẽ tiếp tục ôn hòa phản đối một cách nhẫn nại, yêu sách BOT Cai Lậy, BOT Biên Hòa… phải dời trạm thu phí vào đúng vị trí của nó. Sự kiên nhẫn và ôn hòa là chìa khóa thành công trong cuộc chiến chống lại BOT hút máu và trấn lột dân.
Sự tồn tại ngang nhiên của Đảng cộng sản và bè lũ của nó là một thách đố xấc xược đối với lẽ phải cũng như đối với lương tâm và danh dự của mọi người Việt Nam. Chúng ta không thể chấp nhận để chúng tiếp tục ăn trên xương máu và ngồi trên đầu dân tộc Việt Nam nữa. Chúng ta, là thành phần ít ỏi còn quan tâm đến Đất nước, cần liên kết lại với nhau, để tạo nên một đối trọng mạnh, cạnh tranh quyền lực chính đáng với Đảng cộng sản, để mang đến một tương lai hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
Mai V. Pham
Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
"Đa Nguyên – Bất Bạo Động – Hòa Giải & Hòa Hợp Dân Tộc"
Chú thích :
Tổng Thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng tham nhũng ở Việt Nam trong 3 năm qua (2012-2014) có tính chất ổn định
Một nhà báo hỏi anh công nhân "nhà máy kia của ai", anh công nhân trả lời "của chúng tôi", "thế còn chiếc ô tô đẹp kia của ai", trả lời "của đồng chí Giám đốc"
Năm 2016 kết thúc với hai xu thế mang tính chỉ đạo nổi bật : cải cách thể chế chính trị và cải cách thể chế kinh tế.
Về chính trị, ngày 30/10 Tổng bí Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".
Về kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nêu thông điệp sẽ xây dựng Chính phủ hiện nay thành "Chính phủ kiến tạo và liêm chính".
Người xưa có câu : "Vua không nói đùa", thông điệp của người đứng đầu Đảng và Chính phủ nêu lên trong năm 2016 không còn là lời nói, không chỉ là nghị quyết, mỗi người dân đều có thể cảm nhận theo cách riêng của mình.
Bằng chứng là hàng loạt vụ việc được các cơ quan Đảng xử lý liên quan đến những đảng viên giữ trọng trách trong cơ quan Đảng và chính quyền (Ban Tổ chức, Bộ trưởng, Thứ trưởng…).
Bằng chứng là những hoạt động, chỉ đạo của Thủ tướng với tần suất dày đặc chỉ trong một thời gian ngắn mà gần nhất là tập trung xử lý dứt điểm hậu quả các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài (riêng Bộ Công Thương là 12 dự án) hoặc vấn đề quy hoạch đô thị, đặc biệt là Thủ đô, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác.
Dù là xưa hay nay thì câu "Vua không nói đùa" vẫn không thay đổi ý nghĩa, lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy" tuyệt đối không phải là câu nói đùa [1].
Thế nhưng khi đất nước có quá nhiều Vua (dù là vua con) và có thể còn thêm cả những ông vua ẩn danh, không ngai nữa thì thứ dân sẽ sống như thế nào ?
Muốn có những đột phá, muốn chỉ trong một vài năm có thể đảo ngược tình thế "loạn vua con" tồn tại suốt mấy chục năm, cần phải có những con người hội tụ đủ bốn yếu tố "Tâm - Tầm - Uy - Quyền", những người vì dân, vì nước, trọng danh dự hơn quyền lực.
Đó nhất thiết phải là những người muốn để lại tiếng thơm cho đời chứ không phải là hàng núi của cải cất giấu đâu đó, là những người tử tế ngay khi còn đương chức, đương quyền chứ không phải là đợi đến khi nghỉ.
Cảm nhận của người viết là vẫn thiếu sự đồng bộ giữa cải cách thể chế chính trị với các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Khi Đảng đã ban hành quyết định kỷ luật nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhưng cả Quốc hội, Chính phủ và cơ quan tư pháp vẫn chưa biết sẽ xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng như thế nào, do thiếu điều luật hay do nguyên nhân khác ?
Khi Tổng bí thư đã chỉ đạo xem xét trường hợp Trịnh Xuân Thanh nhưng người này vẫn trốn ra nước ngoài trót lọt, lý do được viện dẫn là "khi chưa có kết luận điều tra thì không thể cấm công dân xuất cảnh", lại cũng có ý kiến cho rằng Trịnh Xuân Thanh "xuất cảnh chui" ?
Dù với bất kỳ lý do gì thì cũng đã đến lúc phải hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Công chức và những quy định liên quan đến phòng chống tội phạm kinh tế.
Câu chuyện kê khai tài sản cũng là đề tài khiến xã hội bức xúc, "theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực.
Còn theo báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ, trong số 1 triệu bản kê khai, các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 414 người nhưng lại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm" ? (Tienphong.vn - 4/1/2017).
Chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm trong năm 2016, sự "trong sạch" đạt đến con số không tưởng là 100% trong khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII khẳng định "một bộ phận không nhỏ" cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất…
Liệu sự "tiến bộ" của năm 2016 so với năm 2015 có phù hợp với nhận định của Trung ương Đảng ?
Bài báo của Tienphong.vn cho biết một vị đại biểu Quốc hội - ông Lưu Bình Nhưỡng - mất 1 giờ kê khai tài sản (năm 2016).
Một triệu người kê khai mất 1 triệu giờ, mỗi ngày làm việc 8 giờ thì mất 125.000 ngày, tương đương 343 năm.
Một công chức cấp cao - thuộc diện phải kê khai tài sản - làm việc 343 năm sẽ tương đương bao nhiêu tỷ tiền lương mà ngân sách, chính xác là tiền thuế của dân phải trả ?
Nhiều năm liền việc kê khai tài sản đều cho con số trong sạch gần 100%, liệu đó có phải là điều đáng mừng, cho thấy đất nước đang có một Chính phủ liêm chính ?
Có thể thấy chuyển động ở phía trên là rất mạnh mẽ nhưng phía dưới lại không như vậy. Liệu có đúng không khi cho rằng không ít người đang ngấm ngầm "bất tuân thượng lệnh" ?
Bộ phận không nhỏ (mà thực ra là đã khá lớn) dường như chưa thể quen với chuyện bị tước bỏ bổng lộc, quyền lợi, bị trả về vị trí "công bộc" đúng nghĩa chứ không phải là những ông "vua con" hùng cứ một phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh : Vietnamnet.vn)
Báo Vietnamnet.vn ngày 2/1/2017 có bài : "Xe của tôi, ai cho phép anh mang phục vụ người khác".
Khi người phụ trách đội xe điều chiếc xe của thủ trưởng chở đoàn cán bộ (cấp vụ) đi công tác, vị thủ trưởng "đã quạt cho đội trưởng đội xe một mẻ tái cả mặt, rằng : xe của tôi, ai cho phép anh điều động phục vụ người khác ? Từ nay, khi nào không được phép của tôi thì không có bất kỳ ai được ngồi lên xe của tôi".
Không biết vô tình hay cố ý, trong một câu văn ngắn, từ "của tôi" được nhắc tới ba lần.
Chợt nhớ mấy chục năm trước, trong buổi phụ đạo trước khi thi tối thiểu môn Chủ nghĩa Mác-Lênin tại một trường đại học (thuộc một nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu), ông Phó Giáo sư phụ trách bộ môn đã kể câu chuyện vui như sau :
Một nhà báo hỏi anh công nhân "nhà máy kia của ai", anh công nhân trả lời "của chúng tôi", "thế còn chiếc ô tô đẹp kia của ai", trả lời "của đồng chí Giám đốc".
Mang câu hỏi đó hỏi một công nhân tại nước tư bản "nhà máy kia của ai", người công nhân trả lời "của ông chủ", "thế còn chiếc ô tô kia của ai", người công nhân trả lời "ô tô là của tôi".
Kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 29/12/2016, đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc khá nhiều đến việc thực hiện kỷ cương còn chưa nghiêm.
Hình như chúng ta, kể cả các vị lãnh đạo cao cấp ngại dùng cụm từ "yêu cầu" mà là "đề nghị" cấp dưới. Làm sao lại có chuyện cấp trên "đề nghị" cấp dưới khi người Việt đều hiểu "đề nghị" thì không phải là mệnh lệnh.
Còn trong khi làm việc, xảy ra sai phạm người ta, sẵn sàng trưng ra văn bản này nọ chứng tỏ đã báo cáo, đã xin ý kiến cấp trên.
Bởi thế, khi nhận được lời "đề nghị" thì người ta xem việc thực hiện hay không là quyền của họ, giống như người dân và doanh nghiệp "đề nghị" cơ quan công quyền việc gì đó.
Một khi đã là "Vua con" thì chẳng việc gì phải làm theo "đề nghị".
Bỏ qua lời "đề nghị" là thói quen khó bỏ hay còn là sự lạm dụng đường lối "tập thể lãnh đạo", ai cũng có quyền và chẳng ai chịu trách nhiệm ? Về điều này, người viết đã từng đề cập qua bài viết "Quốc gia đội sổ và… báo cáo Thủ tướng" [2].
Ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khiến người ta nhớ đến câu chuyện mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tâm sự, rằng có người nói với ông : "ông là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao ông phê bình tôi" [3].
Khi Đảng, Nhà nước thực hiện cải cách thể chế chính trị và kinh tế mà vẫn tồn tại trong hàng ngũ Bộ trưởng quan điểm "cùng cấp không thể phê bình nhau" thì làm sao cấp dưới dám phê bình cấp trên, làm sao nhân dân dám phê bình lãnh đạo và làm sao chúng ta thực hiện được quyết tâm của Tổng bí thư và Thủ tướng ?
Câu trả lời : "Tôi không phê bình, tôi truyền đạt ý kiến của Thủ tướng" [3] của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho thấy hình như ông cũng ngại khi phê bình đồng cấp.
Nếu quan điểm "đồng cấp không thể phê bình nhau" được thừa nhận rộng rãi thì có lẽ Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ có thể "phê bình" duy nhất một người là… Bộ trưởng Y tế !
Nếu quan điểm của vị Bộ trưởng đó được nhiều người thừa nhận, được nhân rộng sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là truyền thông thì sẽ như thế nào ?
Báo chí được mệnh danh (không chính thức) là "quyền lực thứ 4" ngang hàng với lập pháp, hành pháp và tư pháp, vậy khi "ngang cấp" thì báo chí làm thế nào để phản biện, để "phê bình" việc điều hành của các cơ quan này ?
Phát biểu của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng liệu có phản ánh một hiện tượng, đó là đối với các "Vua con" thì chỉ được tung hô "mười tuế, trăm tuế" chứ không có chuyện phê bình, góp ý !
Có sự ví von khá hay, rằng "chẳng dòng sông yên ả nào mà đáy sông lại không có sóng ngầm" và "dù mặt biển có dông tố gào thét thì đáy biển vẫn là nơi yên tĩnh nhất".
Cục diện đất nước giống như sông hay biển, người dân khó có thể đánh giá chính xác, đó là công việc của những nhà hoạch định chính sách.
Người dân chỉ có thể nhận thấy, đội ngũ lãnh đạo cao cấp hiện nay đã có những phát biểu và việc làm phù hợp với mong đợi, dù rằng vẫn còn khá nhiều việc chưa như ý muốn.
Mong mỏi của dân chúng là những chuyển động năm 2016 sẽ được tiếp tục trong năm 2017 dù không ít khó khăn, cản trở.
Khó khăn lớn nhất, đe dọa sự tồn vong của thể chế không phải do các thế lực bên ngoài mà do chính chúng ta, do chính những người được nhân dân giao phó trọng trách nhưng vẫn không ít người còn mang nặng tư tưởng "sao ông phê bình tôi" !
Xuân Dương
Nguồn : GDVN, 09/01/2017
Tài liệu tham khảo :
[1] http://www.nguoiduatin.vn/ong-nguyen-phu-trong-noi-ve-vua-con-o-dia-phuong-chuyen-gia-tam-dac-a243038.html
[2] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Quoc-gia-doi-so-va-bao-cao-Thu-tuong-post156922.gd
[3] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/ong-bo-truong-toi-cung-bo-truong-sao-phe-binh-toi-349598.html