Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dầu thải gây ô nhiễm nước sạch Sông Đà là của gốm sứ Thanh Hà (RFA, 21/10/2019)

Số dầu thải đổ ra đầu nguồn của nhà máy nước sạch sông Đà (Viwasupco) gây ô nhiễm nước cho hàng vạn hộ dân ở Hà Nội có nguồn gốc từ Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ.

songda1

Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ - Courtesy of 24h.com.vn

Thông tin trên do ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà, xác nhận với báo giới trong nước hôm 21/10.

Người đại diện Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà cũng xác định ông Trần Thành Chung, thủ kho vật tư của công ty, là người đã lén lút bán dầu thải từ các loại máy cơ khí cho nhóm người xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Trước đó hôm 20/10, truyền thông trong nước đưa tin người chủ mưu vụ đổ dầu xuống nguồn nước Viwasupco là Lý Đình Vũ (sinh năm 1982) đã ra đầu thú. Cơ quan chức năng trước đó, vào hôm 18/10, đã bắt giữ hai nghi phạm khác là Nguyễn Chương Đại (sinh năm 1994) và Hoàng Văn Thám (sinh năm 1986).

Theo báo trong nước, ông Lý Đình Vũ đã khai nhận với phía công an rằng đã được một nữ giám đốc tên Trang của Gốm sứ Thanh Hà thuê đổ dầu thải.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà bác bỏ thông tin trên và khẳng định công ty không có giám đốc nào tên Trang.

Tuy nhiên, ông này xác nhận cơ quan chức năng đã làm việc với con gái ông (tên Trang) hiện làm tại phòng kinh doanh của công ty và quản lý kho Trần Thành Chung.

Ông Truyền ngoài việc thừa nhận số dầu thải đổ ra sông Đà là của công ty gốm sứ Thanh Hà, ông cũng cho rằng từ trước đến nay công ty không có chủ trương đưa dầu thải tới các mối nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, mà luôn thu gom và chuyển cho công ty môi trường xử lý theo đúng quy định.

Theo thông tin ban đầu từ phía công an, nhóm nghi phạm hôm 6/10 đã lái một xe tải và một xe ô tô 4 chỗ từ Bắc Ninh đến Công ty Gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ để nhận 10 thùng chứa khoảng 10m3 dầu thải.

Vào ngày 8/10, nhóm nghi phạm đã chở các thùng dầu thải đến khu vực xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để tiến hành xả thải.

Lượng dầu thải nói trên được xác định đã đổ vào suối Trầm dẫn đến hồ Đầm Bài, là nơi cung cấp nước nguyên liệu của Viwasupco cách đó khoảng 2,5km.

****************

Công ty nước Sông Đà công bố lãi lớn giữa bê bối nước nhiễm dầu (RFA, 21/10/2019)

Báo cáo tài chính quý 3/2019 của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) –đơn vị vừa cung cấp nước nhiễm dầu cho hàng ngàn hộ dân tại Hà Nội, cho thấy Viwasupco lãi hơn 72,4 tỉ đồng.

songda2

Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà Viwasupco. Courtesy 24h

Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 21/10 trích dẫn báo cáo tài chính của Viwasupco.

Cụ thể, trong Báo cáo tài chính quý 3/2019, Viwasupco có doanh thu thuần đạt 137,8 tỉ đồng, tăng 17% và lợi nhuận sau thuế hơn 72,4 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Công ty nước Sông Đà đạt 401,5 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 199 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu tăng 21% và lợi nhuận tăng 30%.

Hiện công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà có 2 cổ đông chính là Công ty MTV Năng lượng Gelex nắm hơn 60% cổ phần và Công ty Cơ điện lạnh REE nắm gần 36%.

Công ty nước Sông Đà là công ty cung cấp nước sạch cho một số quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Hoài Đức… của Hà Nội từ vùng thượng lưu sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình.

Hôm 8/10, người dân tại một số quận ở Hà Nội thuộc khu vực được Công ty nước Sông Đà cung cấp nước sạch, thông báo nước sinh hoạt chuyển màu đen và có mùi khét. Tổng cục Môi trường sau đó đã điều tra và cho biết nước sạch từ nhà máy nước sông Đà cung cấp cho nhiều hộ dân tại Hà Nội có mùi lạ là do nhiễm bẩn dầu nhớt ở đầu nguồn.

Ngày 15/10, UBND thành phố Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm xác định tỷ lệ chất styren có trong nước ở một số khu vực tại Hà Nội cao hơn 1,3 đến 3,6 lần mức bình thường. Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không nên dùng nguồn nước này cho mục đích ăn uống.

Viwasupco cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho thành phố Hà Nội.

Hiện vụ việc đã được cơ quan điều tra huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình khởi tố vụ án hình sự… Đã có 3 người bị bắt vì liên quan đến việc đổ dầu thải vào đầu nguồn nước nhà máy Nước sạch Sông Đà.

*****************

Ai đổ chất dầu thải xuống sông Đà ? (BBC, 20/10/2019)

Sáng 19/10, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà xác nhận nguồn dầu thải đổ xuống sông Đà là của ông, theo Báo Lao Động.

songa3

Vết dầu nhớt được phát hiện ở tỉnh Hòa Bình gần kênh dẫn nước vào nhà máy

Hôm 18/10, công an Hòa Bình đã bắt giữ hai đối tượng, Nguyễn Chương Đại, 25 tuổi và Hoàng Văn Thám, 33 tuổi và đang truy bắt Lý Đình Vũ, 37 tuổi.

Đại và Thám khai nhận đã lấy chất thải từ Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ để đem về Hưng Yên, rồi lên khu vực xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để xả dầu thải.

"Tôi thực sự rất bất ngờ. Khi biết thông tin trên, tôi lập tức gọi điện cho bộ phận kho thì được xác nhận đúng là có vụ việc như vậy. Tôi khẳng định quan điểm của cá nhân và công ty là không ủng hộ việc vi phạm làm ô nhiễm môi trường," ông Truyền nói.

Ông Truyền cho biết đã ký với Công ty Môi Trường Xanh để xử lý chất thải. Nhưng cũng phải tích đủ một khối lượng nhất định thì Công ty Môi Trường Xanh mới đến chở đi.

Ông cho rằng một người làm ở bộ phận kho của Công ty gốm sứ Thanh Hà đã lén lút đem cho hoặc bán số lượng dầu trên cho nhóm Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám.

Sau khi lấy được dầu, nhóm Đại, Thám đã mang về Hưng Yên để sơ chế, giữ lại những gì có thể sử dụng được, rồi phần còn lại đem xả trộm ở Hòa Bình.

"Lượng dầu cặn này mà xử lý phải mất tới 3,5 triệu đồng/khối nên tôi nghĩ đây hoàn toàn là bài toán kinh tế, vì lòng tham của con người thôi. Không có chuyện thuê mướn để hại nhau đâu…," ông Truyền nói.

Nước đã 'đạt chuẩn styren'

Cũng trong hôm 18/10, 10 ngày sau khi có sự cố đổ dầu thải xuống sông Đà, 4 mẫu nước của nhà máy nước sông Đà, và 15 mẫu nước ở 15 hộ dân đã "đạt chuẩn styren".

songda4

Hình ảnh tại nhà máy nước sông Đà

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình cho thấy, vào tối ngày 8, rạng sáng 9/10, người dân phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe núi sát Suối Trâm tại hai xã Phúc Minh và Phúc Tiến, Kỳ Sơn, Hòa Bình - cách kênh dẫn nước của nhà máy khoảng 800m.

Sau đó, khu vực Suối Trâm có mưa to khiến số dầu nhớt lan nhanh đến kênh dẫn nước của Nhà máy nước mặt Sông Đà.

"Váng dầu từ khe núi chảy vào suối và lan tới kênh dẫn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasupco) tại Hoà Bình. Sau khi phát hiện sự việc, Viwasupco đã thuê người dân vớt dầu. Theo báo cáo của công ty này, toàn bộ dầu loang đã được thu gom," Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ông Hoàng Văn Thức nói.

Sự cố đổ trộm dầu thải đã khiến hàng loạt hộ dân ở Hà Nội rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Ngày 16/10, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường.

Sáng 17/10, một số khu vự ở Hà Nội đã được cấp nước trở lại nhưng vẫn lo ngại về nguồn nước ở nhà máy, nên nhiều người dân vẫn tiếp tục đi mua nước đóng chai.

Đến 18/10, công an đã bắt khẩn cấp hai đối tượng Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám.

*******************

Người chủ mưu đổ dầu vào nguồn nước sạch Sông Đà ra đầu thú, khai được một nữ chủ doanh nghiệp thuê (RFA, 20/10/2019)

Ngày 20/10, một người có tên Lý Đình Vũ, sinh năm 1982, người được cho là chủ mưu vụ đổ dầu xuống nguồn nước sạch Sông Đà vào ngày 8/10, đã ra đầu thú, theo truyền thông trong nước.

songda5

Khu vực suối đầu bị đổ dầu chảy vào nguồn cung cấp nước cho nhà máy nước sạch Sông Đà. Courtesy of Bộ Tài nguyên Môi trường

Như vậy, đến lúc này đã có ba người bị công an bắt giữ liên quan đến vụ đổ dầu xuống nguồn nước cung cấp cho nhà máy Nước sạch Sông Đà, công ty cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ ngày đêm cho thành phố Hà Nội.

Hai người bị bắt giữ trước đó vào ngày 18/10 là Nguyễn Chương Đại (sinh năm 1994) và Hoàng Văn Thám (sinh năm 1986). Cả hai khai được Vũ thuê đổ dầu thải vào ngày 8/10.

Báo Thanh Niên trích lời đại tá Phạm Văn Lương, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, Vũ khai đã được một nữ giám đốc doanh nghiệp có tên Trang thuê đổ dầu thải. Tuy nhiên báo không cho biết thêm công ty này là công ty nào, ở đâu.

Trong khi đó, Sở Y tế Hà Nội vào ngày 20/10 cho biết các mẫu nước lấy tại một số vị trí ở Hà Nội vào ngày 19/10 cho thấy hàm lượng Styren đều đạt quy chuẩn của Việt Nam. Styren là chất có thể gây ung thư.

Trước đó, vào ngày 15/10, UBND thành phố Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm xác định tỷ lệ chất styren có trong nước ở một số khu vực tại Hà Nội cao hơn 1,3 đến 3,6 lần mức bình thường. Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không nên dùng nguồn nước này cho mục đích ăn uống.

Published in Việt Nam

Sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà ở Hà Nội cực kỳ nghiêm trọng, hóa chất styren đã được tìm thấy trong mẫu nước sạch được cung cấp cho người dân ở một số quận với hàm lượng gây tổn hại nghiêm trọng đến nội tạng và những bộ bên ngoài cơ thể : da, mắt…

Lãnh đạo công ty nước sạch đã mất hết nhân tính, khi chỉ vì lợi nhuận mà đang tâm đầu độc đồng bào một cách bất lương. Quan chức cộng sản thì vẫn vô trách nhiệm và chậm chạp như thường thấy, sau đó là ngụy biện, lấp liếm và bào chữa để trốn tránh sự truy cứu của pháp luật và dư luận. Chúng ta dễ dàng dự đoán những vở diễn của quan chức và doanh nghiệp sau mỗi thảm kịch, nhưng câu hỏi đặt ra là chúng ta có hoàn toàn vô can ?

Giả sử có một cuộc thi về "thờ ơ chính trị" và "không quan tâm đến chính trị"… thì chúng ta chắc chắn sẽ đoạt một trong ba thứ hạng đầu tiên, chúng ta thừa biết những sự cố ô nhiễm về nguồn nước, không khí, đất... luôn là "đặc sản" của các chế độ độc tài.

Tất cả các chế độ độc tài đều xem thường những quyền căn bản của con người nên việc bảo vệ môi trường là một điều xa xỉ không tưởng. Thậm chí họ còn xem "ô nhiễm" là "lợi thế" để phát triển một nền kinh tế bệnh hoạn hòng củng cố, duy trì sự tồn tại của chế độ càng lâu càng tốt.

n,uoc1

Tất cả các chế độ độc tài đều xem thường những quyền căn bản của con người nên việc bảo vệ môi trường là một điều xa xỉ không tưởng.

Nếu chỉ 5-10% người Việt xem chính trị là công việc chung như cái ý nghĩa tốt đẹp vốn có của nó, chắc chắn chúng ta sẽ không phải chịu đựng và hoảng loạn với những tác hại kinh hoàng của ô nhiễm không khí và nguồn nước như vừa xảy ra tại Hà Nội. Vì không quan tâm đến chính trị, nên nhiều người không biết được thông tin hơn 300 triệu người Trung Quốc đang bị ung thư chủ yếu vì ô nhiễm nguồn nước, không khí.

Chúng ta không chỉ thờ ơ với chính trị, mà chúng ta còn tiếp tay đắc lực cho nhà cầm quyền tàn phá đất nước, hủy hoại sức khỏe con người. Nhiều người sẽ nổi giận khi bị buộc tội như vậy, nhưng họ chính là những người trực tiếp tham gia vào việc hối lộ, không tố giác bất công, sai trái diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong xã hội Việt Nam. Đúng là bạn không trực tiếp đổ dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, nhưng bạn đã bao lần hối lộ khách hàng để lấy hợp đồng ? Bao lần hối lộ cảnh sát giao thông để khỏi bị xử phạt ? Bao lần đưa phong bì cho bác sĩ để được khám bệnh trước ?...

Chính chúng ta tích cực góp phần tạo nên mạng lưới tham nhũng phủ kín đất nước, và cái lưới nhền nhện này đang cuốn siết chặt, bức tử tất cả các thành viên của xã hội. Hậu quả : Sức khỏe bị tàn phá nghiêm trọng là điều ai cũng biết, ở Việt Nam chắc hiếm có gia đình nào mà không có người bị ung thư. Các bệnh viêm ung bướu thì luôn quá tải, mỗi lần viếng thăm những nơi này chúng ta như đi vào cõi chết, hồn trí rã rời, lòng nặng như đeo đá...

Hóa chất có thể phá hủy cả những kim loại quý hiếm, nên dù có một cơ thể hoàn hảo khỏe mạnh do tạo hóa ban tặng, từng tế bào của chúng ta vẫn bị đầu độc và tàn phá mỗi ngày, bằng việc ăn, uống, hít thở nguồn nước bị ô nhiễm, thực phẩm bẩn, không khí đầy bụi mịn. Sau khi bị đầu độc bởi cơ chế quản lý tồi tệ của người cộng sản, chúng ta còn bị lên án, chỉ trích vì không chịu đi kiểm tra mẫu nước, không tự cứu lấy mình. Đó là những lời lẽ mà ông cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ dành cho những nạn nhân ngay sau khi thảm họa ô nhiễm nguồn nước sạch xảy ra. Rõ ràng đây là một sự xúc phạm không thể tha thứ, nó đánh thẳng vào lòng tự trọng đang bị tổn thương sâu sắc của từng người Việt. Nếu không tỉnh táo để chống trả quyết liệt thói ngụy biện trơ trẽn này thì chắc chắn lòng tự trọng ở mỗi chúng ta sẽ bị xuống cấp, thậm chí là bị tuyệt chủng.

Một con người không còn lòng tự trọng thì không khác gì con vật, chúng ta sẽ đạp lên nhau để sống, đó mới thực sự là thảm họa lớn nhất, thảm họa vì ô nhiễm tư duy và tâm hồn. Nó nguy hại gấp ngàn lần ô nhiễm nguồn nước sạch. Việc thờ ơ và chịu đựng sự tồi dở lâu ngày sẽ đánh gục ý chí phản kháng nhỏ nhoi còn tồn tại trong một số ít người Việt. Làm sao có thể nuôi dưỡng tinh thần phản kháng, chống lại bất công, sai trái khi cả đời phải cúi đầu, ngậm miệng trước những thảm họa thuộc về trách nhiệm và bổn phẩn của chính quyền ? Ô nhiễm nguồn nước sạch chỉ là một phần rất nhỏ phản ánh bản chất tồi dở của chính quyền Việt Nam. Hàng loạt thảm kịch của dân tộc đang tố giác sự vô trách nhiệm của chính quyền và cho thấy ý chí phản kháng của người dân đang bị vùi dập và triệt tiêu một cách không thương tiếc. Khi nào người Việt không còn biết phản kháng trước bất công và sai trái khi đó đất nước chính thức giải thể.

Một thực tế khó hình dung ở các nước dân chủ là khi bị ô nhiễm nguồn nước uống hàng ngày thì thay vì đi biểu tình phản đối công ty cấp nước và thái độ thiếu trách nhiệm của chính quyền thì người dân Hà Nội lại đi xếp hàng cả đêm mua nước hay vào các siêu thị mua nước đóng chai với giá gấp 2-3 lần thường ngày. Chúng ta xem đó là chuyện không may và tìm cách khắc phục bằng giải pháp cá nhân ? Hoàn toàn không thể như vậy. Đây không phải là chuyện may rủi hay tai họa từ trên trời rơi xuống mà do cách làm ăn cẩu thả, vô trách nhiệm, coi thường người dân của công ty cấp phát nước và nhất là chính quyền. Nếu một chính quyền thực sự vì dân thì không thể có chuyện đó xảy ra và nếu xảy ra thì chính quyền sẽ có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ người dân thay vì để công ty cấp nước ra một bản thông báo như kiểu ban ơn. Kẻ phạm tội bỗng trở thành ân nhân.

Người dân phải có thái độ cần thiết sau vụ việc này bằng việc chất vấn và lên án việc quản lý lỏng lẻo việc cấp phát nước cho người dân thay vì đi tìm những giải pháp cá nhân như lùng mua nước đóng chai về uống và yên tâm mọi chuyện đã có "đảng và nhà nước lo". Không khí bị ô nhiễm vì bụi mịn, nước thì bị váng dầu và chất độc, thực phẩm thì bị bơm hóa chất, thuốc chữa bệnh thì bị làm giả… vậy chúng ta liệu có sống yên thân được không ? Chắc chắn là không. Đã đến lúc người Việt Nam cần ủng hộ cho một giải pháp mới thay thế cho "giải pháp cộng sản" chứ không thể ngồi yên để mặc đảng cộng sản muốn làm gì thì làm.

Việt Nghĩa

(20/10/2019)

Published in Quan điểm

Không quan tâm chính trị vẫn phải uống nước

Trung Bảo, 17/10/2019

Năm 2015, những cuộc biểu tình phản đối chặt cây xanh ở Hà Nội diễn ra khiến nhiều người bắt đầu được đánh động về chất lượng môi trường ở thủ đô.

Năm đó, tôi đi làm việc ở Hà Nội, và có một cô bạn xinh xắn ở đó. Trong một bữa tối, câu chuyện xoay chuyển thế nào đó khiến tôi hỏi cô nghĩ sao về các cuộc biểu tình môi trường. Không cần suy nghĩ, cô ấy nói ngắn gọn "Bọn phản động. Em không quan tâm chính trị".

nuoc4

‘Nước’ là một vấn đề chính trị rất quan trọng vì chúng ta không thể sống thiếu nước.

Tôi không tranh cãi, nói sang câu chuyện khác cho đến khi đi về. Đó là một cô gái Hà Nội "gốc" xinh xắn với nước da trắng và dáng người thanh mảnh đặc trưng của con gái nơi này, có bố là một viên chức hạng trung trong một Bộ của Chính phủ. Sau đêm đó chúng tôi chưa bao giờ gặp lại nên tôi không biết giờ đây cô ấy đã quan tâm đến chính trị hay chưa bởi nhà cô sống trong khu vực nước nhiễm dầu.

Có thể bạn sống thiếu nước tắm giặt vài ngày, uống nước bình vài tuần và than thân trách phận thay vì chất vấn trách nhiệm của các cơ quan hữu trách. Nhưng, không ai trong số các bạn có thể nhịn thở vài phút.

Có thể bạn không quan tâm đến chính trị nhưng chính trị tìm đến bạn qua chính từng bụm không khí bạn thở mỗi ngày, chính ly nước uống, miếng cơm ăn.

Bạn có quyền từ chối sự quan tâm đến chính trị và tiếp tục van vỉ than trách về mọi thứ tệ hại đang diễn ra, thay vì đòi nơi có trách nhiệm lên tiếng. Nhưng, bạn có nhận thấy giờ đây những thứ cơ bản nhất cho sự sống là nguồn nước và không khí cũng nằm trong sự lũng đoạn của những nhóm lợi ích.

Nhà máy Rạng Đông cháy, Giám đốc nhà máy cố giấu diếm hàng chục kg thuỷ ngân trong kho đã bị hóa hơi. Nhà máy nước Sông Đà mỗi năm đem về doanh thu hơn 400 tỷ/năm, tức mỗi ngày thu hơn 1 tỷ, cho nhóm chủ và sẵn sàng im lặng để dân uống nước nhiễm dầu suốt 1 tuần không thèm cảnh báo.

Chính trị hiển hiện rõ ràng như vậy, bạn có còn "không quan tâm đến chính trị" nữa chăng ? Cũng được, bạn vẫn có cái quyền không quan tâm nhưng tôi nghĩ, bạn vẫn phải thở và uống nước mỗi ngày.

Nguyễn Trung Bảo

Nguồn : facebook.com/trung.bao

********************

Vụ cho dân uống nước pha dầu : hóa ra...

Nguyễn Thị Oanh, 17/10/2019

Vụ cho dân uống nước pha dầu : Hóa ra nước sinh hoạt của dân tại thủ đô đã thuộc về tư nhân !

Khi câu chuyện "mất nước" của Hà Nội hiển hiện ngày càng rõ nét trên mạng lưới truyền thông, tôi (và chắc cũng nhiều người khác cũng giống vậy) mới ngỡ ngàng biết rõ một sự thật rằng : Hóa ra bấy lâu nay, một phần quan trọng của hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại thủ đô đã thuộc về tư nhân !

Bởi lẽ Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà (gọi tắt theo tên tiếng Anh là Viwasupco, chủ đầu tư của Nhà máy nước Sông Đà – đơn vị cung cấp nước chủ lực cho Hà Nội và bán buôn cho rất nhiều công ty cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố) hiện đang được sở hữu bởi hai cổ đông lớn là Công ty trách nhiệm hữu hạnmột thành viên Năng lượng GELEX (giữ tỉ lệ 60,46% cổ phần), còn lại là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (35,95% cổ phần).

Nghe nói ông chủ của Gelex là một nhân vật thuộc thế hệ 8X còn rất trẻ! (Đọc thêm về quá trình mua bán cổ phần của Viwasupco : Nước sạch Sông Đà về tay Gelex ra sao ?).

Việc mua bán, thâu tóm cổ phần trong các doanh nghiệp cổ phần hóa là chuyện bình thường nếu không có gì vi phạm các quy định của pháp luật. Điều đáng nói ở đây là khi xảy ra việc nguồn nước bị nhiễm bẩn và cách xử lý vô trách nhiệm của Viwasupco, liệu có mấy ai giật mình tự hỏi vì sao nguồn nước sinh hoạt thiết yếu cho nhân dân lại có thể để phụ thuộc vào một cá nhân hay nhóm người nào đó ?

nuoc5

Liệu có mấy ai giật mình tự hỏi vì sao nguồn nước sinh hoạt thiết yếu cho nhân dân lại có thể để phụ thuộc vào một cá nhân hay nhóm người nào đó ?

Ở đa phần các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước theo chủ nghĩa "giãy chết", nước được xem là tài nguyên quốc gia và việc cung cấp nước thuộc nhóm dịch vụ công luôn phải do nhà nước quản lý. Public Utility, theo nghĩa tiếng Anh là các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuộc dịch vụ công cộng, ví dụ giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, rác thải, khí đốt…

Ở một số quốc gia, chính phủ có thể cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư mạng lưới cung cấp điện, điện thoại, gaz (khí đốt), giao thông (gồm đường xá và phương tiện vận chuyển), truyền thông – truyền hình, xử lý rác và nước thải… tuy nhiên, hầu như không thấy có nước nào cho tư nhân đầu tư và quản lý hệ thống cấp nước công cộng. Lý do là bởi yếu tố nhạy cảm trong việc bảo vệ sự an toàn tuyệt đối của nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, mà ở đó, trách nhiệm cao nhất thuộc về nhà nước.

Một báo cáo của Aqua Publica Europea (APE – Hiệp hội các nhà điều hành nước công cộng Châu Âu) đã khẳng định : "Bởi vì nước rất cần thiết cho cuộc sống và xã hội của chúng ta, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, do đó, tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý nước là đặc biệt quan trọng để đáp ứng mong đợi ngày càng tăng của người dân".

Một vài so sánh về việc quản lý nước ở các thành phố khác so với Hà Nội :

Tại Toronto (thành phố lớn nhất Canada và cũng là thủ phủ của tỉnh bang Ontario), nước sinh hoạt được cung cấp và quản lý bởi Toronto Water Works Commission (TWWC). Đáng lưu ý là vào thế kỷ 19, nước sinh hoạt tại Toronto cũng được cung cấp từ Toronto Gas Light and Water Company, một công ty của doanh nhân người Montreal là Albert Furniss. Năm 1872, chính quyền thành phố đã mua lại công ty này và chuyển giao việc cấp nước thành dịch vụ công do TWWC quản lý cho đến ngày nay.

Tại Sydney (thành phố lớn nhất của Úc và cũng là thủ phủ của bang New South Wales), nước cho dân dùng được cung cấp bởi Sydney Water Corporation. Đây là một công ty thuộc sở hữu 100% của chính phủ bang NSW và do Bộ trưởng Bộ Tài chính và Dịch vụ chịu trách nhiệm trực tiếp.

Tại đảo quốc Singapore, Bộ trưởng Môi trường và Nguồn nước chịu trách nhiệm về chính sách sử dụng nước. Còn việc quản lý và điều hành cấp nước do Cơ quan Nước quốc gia (Singapore’s National Water Agency) thuộc PUB (Hội đồng các Dịch vụ công) thực hiện. PUB cũng là một tổ chức trực thuộc Bộ Môi trường và Nguồn nước của Singapore.

Cần biết thêm rằng ở các nước phát triển như Canada, Úc và Singapore nêu trên, nước cấp cho dân không chỉ để phục vụ cho các hoạt động của đời sống mà còn phải đủ tiêu chuẩn để uống trực tiếp. Chính quyền cũng thường chịu trách nhiệm quản lý luôn các dịch vụ về xử lý rác thải, nước thải, nước mưa và vệ sinh môi trường chứ ít khi cho phép tư nhân hóa các dịch vụ này.

Từ năm 2008, Liên Hiệp Châu Âu đã chính thức thành lập Hiệp hội các nhà điều hành nước công cộng Châu Âu (APE) nhằm mục đích hợp nhất các dịch vụ nước và vệ sinh thuộc sở hữu công lập để thúc đẩy nâng cao chất lượng quản lý nước ở tầm Châu Âu cũng như quốc tế. Hơn 70 triệu công dân Châu Âu đã và đang được hưởng chất lượng cấp nước cùng các dịch vụ vệ sinh công cộng từ một hội đồng quản lý ở cấp quốc gia (governance) của các thành viên tham gia APE.

Xem người ta làm vậy để thấy rằng việc cung cấp nước sinh hoạt cho dân được coi trọng và thực hiện nghiêm túc như thế nào! Vậy mà ở Việt Nam, thật lạ là các ngành dịch vụ công thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân như cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, vệ sinh môi trường… dường như lại bị nhà nước thoái thác trách nhiệm để đẩy dần cho tư nhân thực hiện.

Hậu quả gì sẽ xảy ra nếu như nguồn nước sinh hoạt (và cả là nước uống gián tiếp qua đun nấu) của nhân dân cả nước rồi sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào một số nhóm lợi ích hay một vài cá nhân có tiền đủ để trở thành "cá mập" lũng đoạn và làm giàu trong những ngành dịch vụ công cơ bản mà đáng lẽ phải thuộc "trách nhiệm độc quyền" của nhà nước? Kinh khủng hơn, thử hình dung nếu những công ty cấp nước tư nhân này lại chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài như "nước lạ", khi đó ai dám đảm bảo sự an toàn về nguồn nước và cũng là nguồn sống cho người Việt Nam ?

Bất kỳ nước nào trên thế giới cũng đều phải xử lý nước từ sông, hồ hoặc lòng đất tự nhiên để sử dụng. Vì thế, phải khai thác và bảo vệ các nguồn nước theo chính sách quản lý tài nguyên quốc gia. Không một công ty tư nhân hay cá nhân nào có thể thực thi chính sách này ngoài nhà nước với quyền lực của một thể chế. Do vậy, việc cho phép tư nhân hóa dịch vụ cấp nước công cộng là vô cùng nguy hiểm vì không chỉ tài nguyên nước bị khai thác vô tội vạ mà cũng sẽ không có ai chịu trách nhiệm về sự an toàn cho người dân sử dụng nước.

Vụ việc xảy ra ở Nhà máy nước Sông Đà cho thấy nhân dân vẫn luôn là người gánh chịu mọi thiệt hại, trong khi họ đã đóng thuế để nuôi một chính quyền có bổn phận phục vụ và cung cấp những dịch vụ thiết yếu nhất cho cuộc sống của mình. Chưa kể đó đây còn râm ran tin đồn rằng những váng dầu không phải tự nhiên lại xuất hiện đúng thời điểm một nhà máy nước hoành tráng nữa của một đại gia ngành bảo hiểm vừa khánh thành với sự hiện diện ủng hộ rất vinh dự của Chủ tịch thành phố Hà Nội. Nếu quả đúng vậy thì càng chứng tỏ rằng yêu cầu nhà nước phải độc quyền quản lý và cung cấp nước công cộng là một điều cấp bách cần làm.

Thật thất vọng khi thấy trong danh mục các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa từ nay đến 2020 có tỷ lệ cổ phần chi phối của nhà nước (nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên) hoàn toàn không còn lĩnh vực cấp – thoát nước! (xem Quyết định 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của TT chính phủ ban hành danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020).

Nghe người ta bảo "bán nước" giàu lắm! Thực hư thế nào thì cứ xem thử thông tin trên một số bài viết như link dưới đây có thể rõ thêm (Bí ẩn nhóm đại gia sở hữu công ty nước sạch Sông Đà). Ở đây, tôi không luận bàn về cách mà các doanh nhân đó làm giàu, mà chỉ đòi hỏi nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để người dân trong chế độ của chúng ta không thể thua kém, thiệt thòi hơn so với dân ở những xứ "giãy chết", ít nhất là về việc được dùng nước sạch dưới sự bảo chứng của một chính phủ thật sự vì dân!

Sẽ có thể có người phản biện cho rằng cái gì để nhà nước độc quyền thì cũng sẽ không hay và dân không thể có được nhiều lựa chọn tốt hơn. Xin khẳng định lại: Một thể chế mà dân phải tự bỏ tiền ra mua dịch vụ công với giá cao để làm giàu cho một nhóm người thì dứt khoát đó không phải là thể chế ưu việt! Còn việc làm sao để có được hệ thống hạ tầng cấp nước tốt và chất lượng nước luôn bảo đảm, đó lại là những vấn đề thuộc về giải pháp kỹ thuật. Miễn là chúng ta có một bộ máy công quyền thực sự làm việc vì dân (nhắc lại một lần nữa !).

Nguồn : FB Oanh Thi Nguyen, 17/10/2019

******************

Không cần quan tâm đến thời cuộc

Đặng Đình Mạnh, 17/10/2019

Nếu bạn hỏi có cần quan tâm đến thời cuộc hay không, thì tôi có ngay câu trả lời là KHÔNG !

Nếu bạn vẫn ung dung trả 100.000 đồng đề mua xăng dù vẫn biết trong đấy chỉ có 45.000 đồng là giá xăng, nhưng có đến 55.000 đồng là thuế phí các loại, chưa kể đến yếu tố chúng ta là một quốc gia xuất khẩu dầu hỏa. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

nuoc6

Bao nhiêu xe nước sạch như thế này mới phục vụ đủ cho chừng đấy người dân thủ đô?

Nếu bạn chấp nhận như lẽ đương nhiên khi con cái bạn rời ghế nhà trường mà không thể kiếm được việc làm, hoặc đi làm nhưng không thích ứng được với công việc vì sự đào tạo kém cỏi của hệ thống giáo dục. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn cảm thấy là “hồng phúc của dân tộc” khi các chức vụ chính quyền cao cấp đều được trao cho những đứa trẻ ranh, bà con thân thuộc của lãnh đạo dù bất tài. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn thản nhiên trước tình trạng cán bộ nhà nước ngày càng giàu có, sống xa hoa bất thường so với mức lương nhận lãnh. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn thấy bình thường khi đã trả đủ loại thuế, phí cho cầu đường mà vẫn phải sử dụng những con đường xuống cấp ngay khi mới hoàn thành. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn tin tưởng tuyệt đối vào thông tin một chiều mà không cần kiểm chứng, tìm hiểu về sự thật nào đang bị ẩn giấu đằng sau đó. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn không cảm thấy thương cảm trước những đoàn người dân oan mất nhà cửa, đất đai, ruộng vườn và cả công lý vì sự thao túng chính sách của những kẻ tham tàn. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn không thắc mắc với mỗi lần thông báo tăng thuế để trả cho số nợ công ngày càng cao vì sự bất lực với tình trạng tham nhũng. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn vẫn bàng quan với sự thua lỗ, thất thoát đến hàng trăm nghìn tỷ đồng của những công ty quốc doanh vứt tiền đóng thuế của bạn ra ngoài của sổ. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn vẫn hồn nhiên hít thở không khí ô nhiễm, ăn thực phẩm bẩn và dùng nước nhiễm độc mà không cần biết đến nguyên do. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn dửng dưng với lá phiếu cử tri của mình để bầu cử cho bất cứ ai mà người ta chọn sẵn cho bạn, dù bất tài, bất xứng. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn không thấy xấu hổ khi thấy các quốc gia lân bang ngày càng thịnh vượng cho dù có xuất phát điểm kém hơn chúng ta. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn không thấy xót xa khi lãnh thổ của cha ông để lại nay ngày càng teo tóp, ngoại bang thì ngày càng lộng hành trước sự luồn cúi hèn hạ của đám sai nha bán nước. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Bạn KHÔNG quan tâm đến thời cuộc, mọi sự với bạn thật nhẹ nhàng. Thế nên, tôi không thể không chúc mừng bạn và nhân thể, tôi chia buồn cho xứ sở, nơi mà tôi với bạn cùng là đồng bào. Vì lẽ, sự thờ ơ về thời cuộc có thể là hạnh phúc của bạn, nhưng là sự vô phúc của dân tộc này. Bạn nhỉ ?

Nguồn : FB Manhdang001, 17/10/2019

Published in Diễn đàn

Báo chí bảo vệ hình ảnh cảnh sát giao thông ?

RFA, 08/06/2017

Trong một cuộc gặp báo giới sáng ngày 6/6, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông (C67), đại tá Lê Xuân Đức nói rằng ông mong được các nhà báo đồng hành để ngăn ngừa các hành vi chống phá, bôi nhọ cảnh sát giao thông.

song1

Một cảnh sát giao thông đang phạt một vụ vi phạm tại một ngã tư ở Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP photo

Tại sao kêu gọi vào lúc này ?

Nhận xét về nguyên nhân vì sao ông Lê Xuân Đức đưa ra lời kêu gọi vào thời điểm này, Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết :

Trong thời gian vừa rồi nhiều người ghi lại được cảnh cảnh sát giao thông có những hành vi tiêu cực. Nhưng trên mạng có một số clip không phản ảnh đúng sự thật nhưng có lẽ là do định kiến ghét cảnh sát giao thông nên họ làm méo mó đi chút để bôi bác ngành đó. Những clip đó có nhưng rất hiếm.

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận thấy rằng nhiều năm trở lại đây cảnh sát giao thông Việt Nam thường xuyên có các hành động tiêu cực, bắt bớ người dân phi lý, tạo nên những hình ảnh xấu trong mắt người dân :

Lâu nay cảnh sát giao thông, tôi không dám nói là 100%, nhưng khá phổ biến các hiện tượng tiêu cực như ăn tiền đút lót, hạch sách lái xe, bắt lỗi những chuyện không đáng có để vòi tiền rất phổ biến khắp từ Nam ra Bắc.

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan cảnh sát giao thông đưa ra những yêu cầu với giới báo chí liên quan đến việc giữ hình ảnh cho họ.

Năm 2013, dư luận cũng từng một phen dậy sóng khi Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ, Đường sắt (C67) ra công văn số 1042/C67 – P3 với nội dung chính là báo chí nếu muốn quay phim chụp ảnh các hành động của cảnh sát giao thông phải được sự đồng ý của họ. Dư luận lúc đó nói rằng văn bản này vi phạm quyền được giám sát các hoạt động của cơ quan chức năng của người dân. Một số nói rằng văn bản "nặng mùi" bao che cho các hành động sai trái của Cảnh sát giao thông. Cơ quan này sau đó lập tức thu hồi lại công văn đưa ra.

Trong khi đó nhà báo Phạm Thành, chủ trang blog Bà Đầm Xòe cho rằng do việc kêu gọi các hãng như Facebook, Google ngăn chặn các thông tin độc hại của chính phủ không hiệu quả, nên bây giờ cơ quan chức năng xoay chuyển qua "cầu cứu" báo chí và những người sử dụng mạng :

Hiện tượng cảnh sát làm bậy làm bạ trên đường chủ yếu là để móc túi những người tham gia giao thông xảy ra quá phổ biến. Trong mấy năm qua truyền thông xã hội đã quay lại những hành động đó đê lên án. Cho nên bây giờ bên cảnh sát giao thông không thể có cách gì biện minh về những hành động đó.

Trong khi đó Đảng và Nhà nước tìm đủ mọi cách để liên lạc với các ông chủ như Facebook để ngăn chặn truyền thông xấu nhưng không hiệu quả nên bây giờ phải kêu gọi báo chí giúp họ. Đấy là hành động tôi cho là họ đã nhìn ra vấn đề và họ cho rằng những hành động ăn cướp, móc túi của người dân không có cách "dìm" đi được.

Đầu năm nay, Chính phủ Hà Nội đã yêu cầu Youtube gỡ bỏ hơn 2000 video mà Việt Nam cho là "độc hại". Đồng thời gây áp lực cho các công ty quảng cáo lớn yêu cầu Facebook xử lý các thông tin "xấu". Sau đó, đại diện bộ Thông tin truyền thông đã gặp mặt đại diện Facebook cũng để bàn bạc vấn đề loại bỏ thông tin xấu, bôi nhọ Đảng, lãnh đạo.

Có khả thi ?

Đáp lại câu hỏi về tính khả thi của những kêu gọi này, nhà báo Phạm Thành cho rằng không phải chỉ cần yêu cầu báo chí "dừng bôi nhọ" là giải quyết được vấn đề, theo ông gốc gác nằm ở đạo đức của người cảnh sát giao thông mà ông cho rằng khó có thể thay đổi :

Cái chính là những cảnh sát giao thông không bao giờ tử tế được. Nhiệm vụ của họ vẫn phải phạt. Cơ chế không thành văn đó là những người được quyền phạt vi phạm giao thông một ngày phải phạt bao nhiêu, bao nhiêu vào túi của mình, bao nhiêu vào túi cấp trên, bao nhiêu vào quỹ này quỹ kia. Cho nên lời kêu gọi không thành hiện thực được.

Trong khi đó nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng việc kêu gọi giới báo chí là không đủ mạnh bởi vì theo ông hầu hết các thông tin, clip, hình ảnh về cảnh sát giao thông được người dân ghi lại và đưa lên mạng xã hội :

Tôi cho rằng lời kêu gọi đó không có tác dụng mấy đâu bởi vì thực tế những clip hay những bình luận không hay ho về ngành cảnh sát giao thông do báo chí đăng là không nhiều lắm, mà chủ yếu là những clip do người dân quay được mới phản ánh đúng sự thật. Nhờ cái đó báo chí nhà nước mới bắt được các thông tin này rồi cho phóng viên xác minh đưa lên mặt báo để phê phán.

Mới cuối tháng 3 vừa rồi, viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã tuyên án tử hình với 3 thanh tra giao thông của địa phương này vì tội danh nhận hối lộ lên đến con số hàng ngàn tỷ đồng.

Cũng trong buổi họp báo hôm 6/6, thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc đấu tranh giữ an ninh trật tự và ổn định chính trị trong nước và nói rằng ‘nếu lực lượng công an muốn trưởng thành thì phải công khai minh bạch và không có bất cứ vùng cấm nào đối với báo chí.’

Lan Hương, phóng viên RFA

******************

Nguồn nước ô nhiễm trầm trọng ở Việt Nam (RFA, 08/06/2017)

Theo số liệu từ Bộ Y Tế và Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn, Việt Nam có 9.000 người chết vì nguồn nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém, và 100,000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

song2

Cá chết hàng loạt ở Hồ Tây. Nguồn nước ô nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt. Ảnh chụp hôm 3/10/2016. AFP photo

Trong khi đó, tại kỳ họp Quốc Hội đang diễn ra ở Hà Nội, một số đại biểu quốc hội cũng lên tiếng báo động là tình trạng thực phẩm bẩn ở Việt Nam đã chạm ngưỡng báo động đỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Nguồn nước ô nhiễm trầm trọng khắp nơi là thực trạng mà Việt Nam đang phải đối mặt, theo nhận định của tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về môi trường và tài nguyên Đại Học Cần Thơ :

Nguồn nước ở Việt Nam bị ô nhiễm nói chung do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một là các nguồn nước ở gần các nhà máy công nghiệp mà nước thải không được xử lý đầy đủ thì nó gây ô nhiễm, đặc biệt nhất là những kim loại nặng. Thứ hai, nguồn nước bị ô nhiễm do canh tác liên tục và sử dụng những loại phân bón có nhiều hóa chất quá cũng gây ô nhiễm nguồn nước.

Tại những vùng có bãi chứa rác mà không xử lý đầy đủ thì nước từ bãi thải đó sẽ thấm xuống nguồn nước. Ô nhiễm nước có thể là một hay nhiều nguyên nhân nhưng tất cả đều ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Người dân khi sử dụng nguốn nước đó sẽ bị nhiễm độc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Thí dụ sử dụng nước đó trong ăn uống thì bị nhiễm độc trực tiếp, còn sử dụng nước đó chăn nuôi hay trồng trọt thì sản phẩm bị nhiễm bẩn, người bị ảnh hưởng gián tiếp qua những sản phẩm như vậy.

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, tại các thành phố lớn, lượng nước thải chưa qua xử lý của hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Thống kê của cơ quan này cho thấy có 76% số dân đang sinh sống ở nông thôn, là nơi hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hưu cơ và vi sinh vật ngày càng cao.

Tạp chí Môi trường trích lời ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước cho biết quá trình đô thị hóa diễn ra nanh chóng, sự gia tăng dân số đã gây áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước ở Việt Nam và nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước khá đa dạng, tập trung chủ yếu vào các nguồn chính là khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung theo quy định. Bên cạnh đó là việc người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trong nông nghiệp cũng làm cho nguồn nước ở song, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm.

Vẫn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện Việt Nam mỗi năm sử dụng khoảng 8 đến 10 triệu tấn thuốc bảo vệ thực vật với hơn 4,000 loại khác nhau. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận trước quốc hội hôm 5 tháng 6 là Việt Nam có quá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết. Ông cho biết trong 8 tháng qua, Việt Nam đã loại ra 600 loại thuốc được cho là có gốc độc rất cao.

Ngoài nguồn nước bẩn gây bệnh hiểm nghèo dẫn đến cái chết, kết quả nghiên cứu mới nhất của chính phủ cho thấy thực phẩm bẩn chiếm 60 đến 70% nguyên nhân gây bệnh ở Việt Nam.

Theo một báo cáo chính phủ chuyển sang quốc hội hôm thứ Hai 5 tháng Sáu, 86% người Việt Nam thực sự quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm trong nước.

Vẫn theo phúc trình này, trên 1/5 trong 3 triệu doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm vẫn vi phạm nguyên tắc an toàn, hơn 1.700 trường hợp ngộ độc thức ăn đã xảy ra khiến 164 người thiệt mạng do ăn uống trong vòng 5 năm qua. Một cư dân ở Huế cho biết :

Ăn vậy thôi còn tin thì không, không tin tưởng đến 60%, thấy nó không vệ sinh, muốn an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khó. Sâu xa hơn thì nguồn thực phẩm cung cấp hoàn toàn không thể kiểm tra được.

Theo phó chủ tịch Ủy Ban Xã Hội Vụ trong quốc hội, ông Nguyễn Hoàng Mai, những số liệu về nhiễm độc thực phẩm được công bố chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi.

Ông Phùng Quốc Hiển, người đứng đầu nhóm giám sát thực phẩm an toàn trong quốc hội khẳng định thực phẩm nhiễm bẩn là nguyên nhân giết người từ từ và thầm lặng nhất.

Được hỏi về nhận định này, tiến sĩ Lê Anh Tuấn khoa Môi Trường và Tài Nguyên Đại Học Cần Thơ quả quyết :

Chắc chắn rồi, tại vì tất cả sản xuất đều dựa vào nguồn nước là chính, thí dụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc chế biến thực phẩm. Đặc biệt sau này lại có thuốc hay hóa chất độc hại từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam, người dân không biết mà sử dụng những cái đó thì cũng bị nhiễm độc nữa.

Từ Quảng Trị, ông Nguyễn Xuân Tâm, cán sự trưởng của tổ chức có tên Quĩ Toàn Cầu Phục Vụ Cộng Đồng, văn phòng chính tại Virginia, Hoa Kỳ, giải thích thêm nguồn gốc thức ăn bẩn :

Thực phẩm bẩn không đơn giản chỉ là nguồn nước đâu, tức là nguồn thức ăn cho gia súc và gia cầm là có vấn đề. Người ta nuôi gia súc gia cầm bằng thức ăn công nghiệp, dẫn đến là vật nuôi của mình không có chất lượng rồi. Người ta có thể sử dụng chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc, nếu lạm dụng thì dẫn động vật khai thác thức ăn chứa nhiều chất không tốt cho sức khỏe con người. Cái đó vẫn là vấn đề của cả quốc gia chứ không phải vấn đề của miền Trung, miền Nam hay miền Bắc gì cả.

Nói với đài ACTD, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc thừa nhận vấn đề ô nhiễm nước và thực phẩm bẩn đang là hai vấn đề bức xúc của xã hội mấy năm gần đây :

Bản thân quốc hội đã thông qua một luật riêng về chuyện này rồi. Lần này trong phiên họp này lại tiến hành cuộc giám sát, một lần nữa nói lên tính nghiêm trọng của vấn đề. Trong phân tích thì các đại biểu cũng nhất trí cho rằng đã đến ngưỡng rất nguy hiểm. Luật thì có rồi nhưng rõ ràng việc thi hành chưa thực sự là nghiêm túc, nhất là chế tài rất là nhẹ so với mức tác hại của nó.

Báo VnExpress trích lời đại biểu Phùng Quốc Hiển cho biết trong vòng 5 năm qua, Việt Nam đã phát hiện gần 680,000 các vụ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nhưng chỉ có 20% trong số này bị xử phạt và chỉ có 3 người phải đối mặt với án phạt hình sự mà thôi.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Published in Việt Nam