Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/06/2017

Sống với cảnh sát giao thông và nguồn nước ô nhiễm

RFA tiếng Việt

Báo chí bảo vệ hình ảnh cảnh sát giao thông ?

RFA, 08/06/2017

Trong một cuộc gặp báo giới sáng ngày 6/6, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông (C67), đại tá Lê Xuân Đức nói rằng ông mong được các nhà báo đồng hành để ngăn ngừa các hành vi chống phá, bôi nhọ cảnh sát giao thông.

song1

Một cảnh sát giao thông đang phạt một vụ vi phạm tại một ngã tư ở Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP photo

Tại sao kêu gọi vào lúc này ?

Nhận xét về nguyên nhân vì sao ông Lê Xuân Đức đưa ra lời kêu gọi vào thời điểm này, Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết :

Trong thời gian vừa rồi nhiều người ghi lại được cảnh cảnh sát giao thông có những hành vi tiêu cực. Nhưng trên mạng có một số clip không phản ảnh đúng sự thật nhưng có lẽ là do định kiến ghét cảnh sát giao thông nên họ làm méo mó đi chút để bôi bác ngành đó. Những clip đó có nhưng rất hiếm.

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận thấy rằng nhiều năm trở lại đây cảnh sát giao thông Việt Nam thường xuyên có các hành động tiêu cực, bắt bớ người dân phi lý, tạo nên những hình ảnh xấu trong mắt người dân :

Lâu nay cảnh sát giao thông, tôi không dám nói là 100%, nhưng khá phổ biến các hiện tượng tiêu cực như ăn tiền đút lót, hạch sách lái xe, bắt lỗi những chuyện không đáng có để vòi tiền rất phổ biến khắp từ Nam ra Bắc.

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan cảnh sát giao thông đưa ra những yêu cầu với giới báo chí liên quan đến việc giữ hình ảnh cho họ.

Năm 2013, dư luận cũng từng một phen dậy sóng khi Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ, Đường sắt (C67) ra công văn số 1042/C67 – P3 với nội dung chính là báo chí nếu muốn quay phim chụp ảnh các hành động của cảnh sát giao thông phải được sự đồng ý của họ. Dư luận lúc đó nói rằng văn bản này vi phạm quyền được giám sát các hoạt động của cơ quan chức năng của người dân. Một số nói rằng văn bản "nặng mùi" bao che cho các hành động sai trái của Cảnh sát giao thông. Cơ quan này sau đó lập tức thu hồi lại công văn đưa ra.

Trong khi đó nhà báo Phạm Thành, chủ trang blog Bà Đầm Xòe cho rằng do việc kêu gọi các hãng như Facebook, Google ngăn chặn các thông tin độc hại của chính phủ không hiệu quả, nên bây giờ cơ quan chức năng xoay chuyển qua "cầu cứu" báo chí và những người sử dụng mạng :

Hiện tượng cảnh sát làm bậy làm bạ trên đường chủ yếu là để móc túi những người tham gia giao thông xảy ra quá phổ biến. Trong mấy năm qua truyền thông xã hội đã quay lại những hành động đó đê lên án. Cho nên bây giờ bên cảnh sát giao thông không thể có cách gì biện minh về những hành động đó.

Trong khi đó Đảng và Nhà nước tìm đủ mọi cách để liên lạc với các ông chủ như Facebook để ngăn chặn truyền thông xấu nhưng không hiệu quả nên bây giờ phải kêu gọi báo chí giúp họ. Đấy là hành động tôi cho là họ đã nhìn ra vấn đề và họ cho rằng những hành động ăn cướp, móc túi của người dân không có cách "dìm" đi được.

Đầu năm nay, Chính phủ Hà Nội đã yêu cầu Youtube gỡ bỏ hơn 2000 video mà Việt Nam cho là "độc hại". Đồng thời gây áp lực cho các công ty quảng cáo lớn yêu cầu Facebook xử lý các thông tin "xấu". Sau đó, đại diện bộ Thông tin truyền thông đã gặp mặt đại diện Facebook cũng để bàn bạc vấn đề loại bỏ thông tin xấu, bôi nhọ Đảng, lãnh đạo.

Có khả thi ?

Đáp lại câu hỏi về tính khả thi của những kêu gọi này, nhà báo Phạm Thành cho rằng không phải chỉ cần yêu cầu báo chí "dừng bôi nhọ" là giải quyết được vấn đề, theo ông gốc gác nằm ở đạo đức của người cảnh sát giao thông mà ông cho rằng khó có thể thay đổi :

Cái chính là những cảnh sát giao thông không bao giờ tử tế được. Nhiệm vụ của họ vẫn phải phạt. Cơ chế không thành văn đó là những người được quyền phạt vi phạm giao thông một ngày phải phạt bao nhiêu, bao nhiêu vào túi của mình, bao nhiêu vào túi cấp trên, bao nhiêu vào quỹ này quỹ kia. Cho nên lời kêu gọi không thành hiện thực được.

Trong khi đó nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng việc kêu gọi giới báo chí là không đủ mạnh bởi vì theo ông hầu hết các thông tin, clip, hình ảnh về cảnh sát giao thông được người dân ghi lại và đưa lên mạng xã hội :

Tôi cho rằng lời kêu gọi đó không có tác dụng mấy đâu bởi vì thực tế những clip hay những bình luận không hay ho về ngành cảnh sát giao thông do báo chí đăng là không nhiều lắm, mà chủ yếu là những clip do người dân quay được mới phản ánh đúng sự thật. Nhờ cái đó báo chí nhà nước mới bắt được các thông tin này rồi cho phóng viên xác minh đưa lên mặt báo để phê phán.

Mới cuối tháng 3 vừa rồi, viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã tuyên án tử hình với 3 thanh tra giao thông của địa phương này vì tội danh nhận hối lộ lên đến con số hàng ngàn tỷ đồng.

Cũng trong buổi họp báo hôm 6/6, thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc đấu tranh giữ an ninh trật tự và ổn định chính trị trong nước và nói rằng ‘nếu lực lượng công an muốn trưởng thành thì phải công khai minh bạch và không có bất cứ vùng cấm nào đối với báo chí.’

Lan Hương, phóng viên RFA

******************

Nguồn nước ô nhiễm trầm trọng ở Việt Nam (RFA, 08/06/2017)

Theo số liệu từ Bộ Y Tế và Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn, Việt Nam có 9.000 người chết vì nguồn nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém, và 100,000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

song2

Cá chết hàng loạt ở Hồ Tây. Nguồn nước ô nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt. Ảnh chụp hôm 3/10/2016. AFP photo

Trong khi đó, tại kỳ họp Quốc Hội đang diễn ra ở Hà Nội, một số đại biểu quốc hội cũng lên tiếng báo động là tình trạng thực phẩm bẩn ở Việt Nam đã chạm ngưỡng báo động đỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Nguồn nước ô nhiễm trầm trọng khắp nơi là thực trạng mà Việt Nam đang phải đối mặt, theo nhận định của tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về môi trường và tài nguyên Đại Học Cần Thơ :

Nguồn nước ở Việt Nam bị ô nhiễm nói chung do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một là các nguồn nước ở gần các nhà máy công nghiệp mà nước thải không được xử lý đầy đủ thì nó gây ô nhiễm, đặc biệt nhất là những kim loại nặng. Thứ hai, nguồn nước bị ô nhiễm do canh tác liên tục và sử dụng những loại phân bón có nhiều hóa chất quá cũng gây ô nhiễm nguồn nước.

Tại những vùng có bãi chứa rác mà không xử lý đầy đủ thì nước từ bãi thải đó sẽ thấm xuống nguồn nước. Ô nhiễm nước có thể là một hay nhiều nguyên nhân nhưng tất cả đều ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Người dân khi sử dụng nguốn nước đó sẽ bị nhiễm độc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Thí dụ sử dụng nước đó trong ăn uống thì bị nhiễm độc trực tiếp, còn sử dụng nước đó chăn nuôi hay trồng trọt thì sản phẩm bị nhiễm bẩn, người bị ảnh hưởng gián tiếp qua những sản phẩm như vậy.

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, tại các thành phố lớn, lượng nước thải chưa qua xử lý của hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Thống kê của cơ quan này cho thấy có 76% số dân đang sinh sống ở nông thôn, là nơi hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hưu cơ và vi sinh vật ngày càng cao.

Tạp chí Môi trường trích lời ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước cho biết quá trình đô thị hóa diễn ra nanh chóng, sự gia tăng dân số đã gây áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước ở Việt Nam và nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước khá đa dạng, tập trung chủ yếu vào các nguồn chính là khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung theo quy định. Bên cạnh đó là việc người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trong nông nghiệp cũng làm cho nguồn nước ở song, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm.

Vẫn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện Việt Nam mỗi năm sử dụng khoảng 8 đến 10 triệu tấn thuốc bảo vệ thực vật với hơn 4,000 loại khác nhau. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận trước quốc hội hôm 5 tháng 6 là Việt Nam có quá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết. Ông cho biết trong 8 tháng qua, Việt Nam đã loại ra 600 loại thuốc được cho là có gốc độc rất cao.

Ngoài nguồn nước bẩn gây bệnh hiểm nghèo dẫn đến cái chết, kết quả nghiên cứu mới nhất của chính phủ cho thấy thực phẩm bẩn chiếm 60 đến 70% nguyên nhân gây bệnh ở Việt Nam.

Theo một báo cáo chính phủ chuyển sang quốc hội hôm thứ Hai 5 tháng Sáu, 86% người Việt Nam thực sự quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm trong nước.

Vẫn theo phúc trình này, trên 1/5 trong 3 triệu doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm vẫn vi phạm nguyên tắc an toàn, hơn 1.700 trường hợp ngộ độc thức ăn đã xảy ra khiến 164 người thiệt mạng do ăn uống trong vòng 5 năm qua. Một cư dân ở Huế cho biết :

Ăn vậy thôi còn tin thì không, không tin tưởng đến 60%, thấy nó không vệ sinh, muốn an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khó. Sâu xa hơn thì nguồn thực phẩm cung cấp hoàn toàn không thể kiểm tra được.

Theo phó chủ tịch Ủy Ban Xã Hội Vụ trong quốc hội, ông Nguyễn Hoàng Mai, những số liệu về nhiễm độc thực phẩm được công bố chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi.

Ông Phùng Quốc Hiển, người đứng đầu nhóm giám sát thực phẩm an toàn trong quốc hội khẳng định thực phẩm nhiễm bẩn là nguyên nhân giết người từ từ và thầm lặng nhất.

Được hỏi về nhận định này, tiến sĩ Lê Anh Tuấn khoa Môi Trường và Tài Nguyên Đại Học Cần Thơ quả quyết :

Chắc chắn rồi, tại vì tất cả sản xuất đều dựa vào nguồn nước là chính, thí dụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc chế biến thực phẩm. Đặc biệt sau này lại có thuốc hay hóa chất độc hại từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam, người dân không biết mà sử dụng những cái đó thì cũng bị nhiễm độc nữa.

Từ Quảng Trị, ông Nguyễn Xuân Tâm, cán sự trưởng của tổ chức có tên Quĩ Toàn Cầu Phục Vụ Cộng Đồng, văn phòng chính tại Virginia, Hoa Kỳ, giải thích thêm nguồn gốc thức ăn bẩn :

Thực phẩm bẩn không đơn giản chỉ là nguồn nước đâu, tức là nguồn thức ăn cho gia súc và gia cầm là có vấn đề. Người ta nuôi gia súc gia cầm bằng thức ăn công nghiệp, dẫn đến là vật nuôi của mình không có chất lượng rồi. Người ta có thể sử dụng chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc, nếu lạm dụng thì dẫn động vật khai thác thức ăn chứa nhiều chất không tốt cho sức khỏe con người. Cái đó vẫn là vấn đề của cả quốc gia chứ không phải vấn đề của miền Trung, miền Nam hay miền Bắc gì cả.

Nói với đài ACTD, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc thừa nhận vấn đề ô nhiễm nước và thực phẩm bẩn đang là hai vấn đề bức xúc của xã hội mấy năm gần đây :

Bản thân quốc hội đã thông qua một luật riêng về chuyện này rồi. Lần này trong phiên họp này lại tiến hành cuộc giám sát, một lần nữa nói lên tính nghiêm trọng của vấn đề. Trong phân tích thì các đại biểu cũng nhất trí cho rằng đã đến ngưỡng rất nguy hiểm. Luật thì có rồi nhưng rõ ràng việc thi hành chưa thực sự là nghiêm túc, nhất là chế tài rất là nhẹ so với mức tác hại của nó.

Báo VnExpress trích lời đại biểu Phùng Quốc Hiển cho biết trong vòng 5 năm qua, Việt Nam đã phát hiện gần 680,000 các vụ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nhưng chỉ có 20% trong số này bị xử phạt và chỉ có 3 người phải đối mặt với án phạt hình sự mà thôi.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 831 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)