Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

20/06/2019

Hậu Thành Đô 2 - Hai hành lang một vành đai kinh tế

Nguyễn Văn Huy

Phần 2

Hai hành lang một vành đai kinh tế

 

Những thỏa thuận thực hiện chiến lược "hai hành lang một vành đai kinh tế"

Nếu đọc kỹ từng lãnh vực hợp tác liệt kê trong những Tuyên bố chung, người đọc rất dễ dàng nhận thấy Việt Nam luôn ở thế bị động vì không có tiền, không có phương tiện, nhân sự yếu kém về kiến thức chuyên môn lẫn tư cách lãnh đạo để có thể đối thoại ngang hàng với những quan chức đồng cấp và những chủ đầu tư Trung Quốc.

Để bù lấp sự chênh lệch về phương tiện và trình độ này, phía Trung Quốc ưu đãi hậu hĩnh về vật chất lẫn tinh thần nguồn nhân sự của Việt Nam được cử tham gia vào những ủy ban và nhóm/tổ công tác soạn thảo Tuyên bố chung để không bị phản đối khi biểu quyết lấy quyết định.

Nguồn nhân sự phía Việt Nam trong những ủy ban và nhóm/tổ công tác soạn thảo này gồm hai phần :

- phần đông nhất đến từ đảng bộ các bộ quốc phòng, công an, an ninh nội chính, ngoại giao, tư pháp, tài chính, công thương, giao thông và vận tải, lao động thương binh và xã hội, giáo dục, văn hóa thể thao và du lịch, ban bí thư những thành phố trực thuộc trung ương ;

- phần ít hơn đến từ đảng bộ các đảng ủy địa phương cấp tỉnh, xã, huyện, nơi những cơ sở hoạt động của phía Trung Quốc được thiết đặt.

Chỉ cần quan sát cách sống cũng như nơi cư trú của những cán bộ trung ương hay địa phương được tuyển chọn vào làm việc trong những ủy ban/nhóm/tổ liên quan đến quan hệ giữa hai nước thì sẽ rõ sự ưu đãi của phía Trung Quốc như thế nào, lò chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng còn lâu mới dám động tới.

hanhlang1

Quần đảo Cát Bà trong Vịnh Bắc bộ, nổi tiếng về đa dạng sinh học, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO công nhận năm 2014

 

Nội dung những Tuyên bố chung và Thông cáo chung

Từ sau năm 2000 đến 2015, Trung Quốc và Việt Nam đã công bố trên dưới 10 Tuyên bố chung và từ 2016 đến nay có ít nhất 5 Thông cáo chung cấp Đảng, Nhà nước và Chính phủ được phổ biến.

Bố cục những Tuyên bố chung và Thông cáo chung không thay đổi nhiều theo thời gian và được sắp xếp theo một thứ tự nhất định :

Phần 1 nói về lý do của chuyến viếng thăm cùng với tên và chức vụ của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước để ra Tuyên bố chung.

Phần 2 nhắc lại phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.

Phần 3 (dài nhất và quan trọng nhất) nhấn mạnh quyết tâm làm sâu sắc hợp tác chiến lược toàn diện trong từng lãnh vực :

- tóm lược những thành quả đã đạt được của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương (chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược) trong từng giai đoạn ;

- tăng cường chỉ đạo vĩ mô, quy hoạch tổng thể và thúc đẩy toàn diện sự hợp tác đang hoặc sẽ thực hiện ("Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc") cấp Đảng trong tất cả các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tư pháp, kinh tế, tài chính, nông nghiệp, ngư nghiệp, văn hóa, giáo dục, khoa học, du lịch.

- ấn định lịch trình và nội dung hợp tác của từng giai đoạn : về kinh tế : giao thông trên bộ (đường bộ và đường sắt), trị giá kim ngạch trao đổi ; về tài chính : tạo điều kiện đầu tư, thanh quyết bằng đồng nhân dân tệ ở vùng biên giới.

- khuyến khích gặp gỡ hữu nghị giữa thanh niên Việt Nam và Trung Quốc, khuyến khích nghiên cứu sinh Việt Nam sang Trung Quốc thực tập. Từ năm 2013, Trung Quốc đề nghị tăng cường hợp tác giữa các tỉnh biên giới hai nước, cụ thể là 7 tỉnh của Việt Nam (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh) với 4 tỉnh và khu tự trị của Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam và Vân Nam.

Phần 4 phác họa cách giải quyết những bất đồng về biên giới trên đất liền, và nhất là những bất đồng trên vùng biển chủ quyền. Nhóm công tác về vùng biển có nhiệm vụ soạn thảo những thỏa thuận về hợp tác khai thác trên và dưới mặt nước, trong và ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Phần 5 ủng hộ chính sách một nước Trung Quốc, không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan.

Phần 6 điều phối và phối hợp với Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Phần 7 tóm lược những thỏa thuận đã ký.

Phần 8 đề nghị lần gặp gỡ cấp cao để ra một Tuyên bố chung cho lần tới.

Theo bố cục và nội dung của từng Tuyên bố chung này, được những Ủy ban liên chính phủ, Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương do phía Trung Quốc gợi ý và viết sẵn, phía Việt Nam chỉ bổ túc một vài chi tiết về cách hành văn và đồng ý.

Qua những Tuyên bố chung này, một cách tổng quan, người đọc có cảm tưởng phía Trung Quốc ưu ái muốn giúp Việt Nam phát triển để bắt kịp mình. Nhưng thực tế đã không phải vậy, Việt Nam chỉ là con cờ được Trung Quốc sử dụng để thực hiện những tham vọng lớn trong vùng ("hai hành lang một vong đai kinh tế") và trên thế giới ("Sáng kiến Vòng đai Con đường"), nhằm biến Giấc mơ Trung Hoa do Tập Cận Bình vẽ ra thành hiện thực.

Tập Cận Bình muốn gì ? Qua Giấc mơ Trung Hoa, Tập Cận Bình muốn biến Trung Quốc thành một đại cường về kinh tế lẫn quân sự, đủ sức đối đầu với Hoa Kỳ để tranh giành ngôi vị đứng đầu thế giới về kinh tế sau năm 2025. Để thực hiện, Tập Cận Bình xây dựng một lộ trình chiến lược gồm hai giai đoạn : Giai đoạn đầu là củng cố nội lực (đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về kỹ thuật và ổn định các vùng biên giới phía tây và phía nam Trung Quốc), giai đoạn kế tiếp là, qua những con đường tơ lụa mới trên đất liền và trên biển cả, xây dựng cơ sở hạ tầng tại những quốc gia đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Châu Âu để làm bàn đạp tranh giành và củng cố ngôi vị số một về kinh tế trên toàn thế giới, sau đó là ngôi vị đệ nhất đại cường về quân sự .

Củng cố bằng cách nào ? Bằng cách xuất khẩu nguồn lao động có trình độ kỹ thuật xây dựng hạ tầng cơ sở và quản lý kinh tế tài chính đi khắp nơi trên thế giới làm việc. Khi hoàn tất nhiệm vụ, một số công nhân và chuyên viên được chuyển đi nơi khác để tiếp tục công tác xây dựng, số còn lại được khuyến khích ở lại để phục vụ sự điều hành của những cơ sở sản xuất hay dịch vụ vừa được xây dựng tại chỗ.

hanhlang2

"Hai hành lang, một vành đai kinh tế"

Việt Nam ở giai đoạn nào trong chiến lược con đường tơ lụa mới của Trung Quốc ? Giai đoạn 2, tức giai đoạn xây dựng hạ tầng cơ sở dưới tên gọi "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" :

- Hành lang 1 : trục giao thông đường bộ và đường sắt "Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng" ;

- Hành lang 2 : trục giao thông đường bộ và đường sắt "Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng" ; và

- Vành đai kinh tế, tức vùng biển đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, từ Móng Cái tới Đà Nẵng.

Theo nội dung những Tuyên bố chung đã được công bố, chiến lược "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" sẽ hoàn tất vào năm 2020. Không đợi kế hoạch này chấm dứt, ngay từ năm 2015, Bắc Kinh đã chuẩn bị tiến hành giai đoạn tiếp theo, chiến lược "Sáng kiến Một vành đai Một con đường" (Belt and Road Initiative) để đến năm 2025 đổi tên thành "Made in China 2025", nghĩa là Trung Quốc sẽ làm chủ toàn bộ sản phẩm sản xuất trên thế giới. Tại Việt Nam, chiến lược này đang nhắm vào miền Nam, con gà đẻ trứng vàng của đất nước.

Nội dung các Tuyên bố chung với những thỏa thuận được công bố

Không cần phải viết thư, gởi kiến nghị yêu cầu Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước trả lời hay giải thích, chỉ cần đọc kỹ từng Tuyên bố chung, người đọc sẽ thấy Đảng cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận những gì với Trung Quốc từ sau Hội nghị Thành Đô 1990 đến nay. Mỗi Tuyên bố chung đều có phần tóm lược những thỏa thuận đã ký.

Thỏa thuận là sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai hoặc nhiều đối tác. Về mặt luật pháp, thỏa thuận có thể gọi giao ước, một hợp đồng ràng buộc pháp lý đối với các bên về một hay nhiều mục đích và hành động cụ thể. Mỗi thỏa thuận gồm có các điều khoản và quy định cụ thể, được các bên tuyên bố và xác nhận cụ thể vào thời điểm đưa ra thỏa thuận. Có nhiều loại thỏa thuận khác nhau như thỏa thuận thương mại, thỏa thuận đầu tư hạ tầng cơ sở, kết hợp vùng, sử dụng bản vị trao đổi chung, chuyển giao tài sản… Theo nội dung những Tuyên bố chung và Thông cáo chung, những thỏa thuận ký với Việt Nam là những thỏa thuận cấp chiến lược phát triển quốc gia, nghĩa là ở cấp lãnh đạo cao nhất do Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam chủ động.

Việt Nam là một thể chế chuyên chính, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, theo Điều 4 Hiến pháp, thay mặt những định chế của Nhà nước để ký những thỏa thuận cấp quốc gia mà không cần phải thông qua sự phê duyệt của Quốc hội. Chính vì thế, văn khố của Quốc hội và Ngân hàng nhà nước không có văn bản gốc những thỏa thuận này để lưu trữ, do đó rất khó tìm.

Nếu muốn biết Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã ký những gì với Trung Quốc sau Hội nghi Thành Đô thì phải yêu cầu công bố những thỏa thuận đã ký trong từng Tuyên bố chung hay Thông cáo chung.

1. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 02/11/2005 (cấp Đảng và Nhà nước : Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Trần Đức Lương họp với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào), ngoài việc đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định phân định và Hiệp định Hợp tác nghề cáVịnh Bắc bộ :

- Về Vịnh Bắc bộ, hai bên tích cực triển khai điều tra liên hợp nguồn lợi thủy sản trong vùng đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ ; khởi động hợp tác thăm dò khai thác các cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định ; sớm thực hiện việc tuần tra chung giữa Hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ.

- Về biên giới đất liền, hai bên bảo đảm thực hiện đúng thời hạn mục tiêu hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới và ký văn kiện mới về qui chế quản lý biên giới chậm nhất vào năm 2008.

- Về thương mại, hai bên nhất trí phấn đấu thực hiện trước thời hạn mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 10 tỷ USD vào năm 2010. Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế kỹ thuật : những dự án hợp tác kinh tế lớn giữa hai nước, khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp hai nước tiến hành hợp tác lâu dài, triển khai đầu tư và hợp tác kinh tế cùng có lợi dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, nghiên cứu về hợp tác kinh tế "hai hành lang, một vành đai".

- Về Biển Đông, hai bên đánh giá cao "Thỏa thuận công tác địa chấn biển liên hợp 3 bên tại khu vực thỏa thuận ở biển Đông" do Công ty dầu khí 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Philippines ký tháng 3 năm 2005 ; trong quá trình đó, hai bên sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề hợp tác cùng phát triển để tìm được mô hình và khu vực hợp tác cùng phát triển phù hợp với Luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là "Công ước Luật biển" năm 1982 của Liên Hợp Quốc và "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" mà hai bên có thể chấp nhận được.

2. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc 17/11/2006 (cấp Đảng và Nhà nước : Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết họp với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào), ngoài những câu chúc mừng xã giao, hai bên ký kết Bản ghi nhớ về việc triển khai Hợp tác "hai hành lang, một vành đai kinh tế" và một số văn kiện hợp tác kinh tế khác. 

- Về kế hoạch hai hành lang, hai bên thực hiện mục tiêu mới là nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD (thêm 5 tỷ USD so với năm 2005) vào năm 2010. Hai bên tích cực ủng hộ và thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác lâu dài và cùng có lợi trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, khai thác nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác. Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô-xít Đắc Nông… ; đề ra phương hướng tổng thể về hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước trong 5-10 năm tới, xác định các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, phát huy tác dụng tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.

- Về kế hoạch một vòng đai, hai bên tiếp tục thực hiện tốt "Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ" và "Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ", thúc đẩy một cách vững chắc đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực trao đổi ý kiến về vấn đề hợp tác cùng phát triển ở khu vực này.

3. Tuyên bố chung Trung Quốc - Việt Nam 01/06/2008 (cấp Đảng : Tổng bí thư - Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh) :

- Hai bên khẩn trương bàn bạc, ký kết và thực hiện tốt "Quy hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc", xác định các lĩnh vực và dự án hợp tác trọng điểm ; nâng cao hơn nữa quy mô và mức độ hợp tác kinh tế thương mại. Hai bên tích cực ủng hộ và thúc đẩy các doanh nghiệp của hai nước hợp tác lâu dài cùng có lợi trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác, như Bôxít Đắk Nông, các dự án trong khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai kinh tế"…

- Hai bên đã ký Hiệp định cấp chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, về hợp tác trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật, và một số thỏa thuận kinh tế thương mại khác về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam tín dụng ưu đãi và cho vay ưu đãi bên mua.

- Về kế hoạch một vòng đai, hai bên đẩy nhanh việc thực hiện "Thỏa thuận khung về hợp tác dầu khí trong vùng thỏa thuận tại Vịnh Bắc Bộ", phấn đấu sớm đạt kết quả thực chất trong hợp tác thăm dò, khai thác chung các cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định Vịnh Bắc Bộ… Hai bên tiếp tục thúc đẩy một cách vững chắc đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực trao đổi ý kiến về vấn đề hợp tác cùng phát triển…

4. Tuyên bố chung Trung Quốc - Việt Nam 25/10/2008 (cấp Chính phủ : Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), ngoài việc hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa các bộ ngành, thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác giữa các ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh... ; mở rộng hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch...

- Về thương mại, hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế mậu dịch, phấn đấu nâng kim ngạch mậu dịch hai bên đạt 25 tỷ USD (thêm 15 tỷ USD so với năm 2005) vào năm 2010. Ðẩy mạnh thực hiện "Quy hoạch 5 năm phát triển hợp tác kinh tế mậu dịch Việt - Trung" mà hai bên đang thảo luận để ký kết…

- Về hợp tác chiến lược, hai bên tiếp tục trao đổi thỏa thuận về các dự án hợp tác lớn, khuyến khích các doanh nghiệp lớn của hai nước mở rộng hợp tác lâu dài, cùng có lợi trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, điện lực, xây dựng nhà ở, tư vấn thiết kế, công nghiệp hóa chất, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu... ; nghiên cứu nghiêm túc ý tưởng về khu kinh tế, thương mại, du lịch xuyên biên giới, thắt chặt mối quan hệ giữa các tỉnh biên giới hai nước.

- Về Vịnh Bắc bộ và Biển Đông, hai bên tiếp tục thúc đẩy một cách vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển, sớm khởi động khảo sát chung ở khu vực này.

Trong thời gian viếng thăm, hai bên đã ký 8 Hiệp định và Thỏa thuận, trong đó có :

- Hiệp định về thiết lập đường dây nóng ;

- Hiệp định về kiểm dịch y tế biên giới ;

- Hiệp định khung về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ;

- Thỏa thuận về xây dựng khu kinh tế - thương mại Trung Quốc tại thành phố Hải Phòng ;

- Thỏa thuận về hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty Dầu khí Hải dương quốc gia Trung Quốc và một số thỏa thuận hợp đồng kinh tế khác.

5. Tuyên bố chung hai nước Trung Quốc - Việt Nam 15/10/2011 (cấp Đảng : Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng), ngoài việc cố gắng hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD (tăng thêm 35 tỷ USD so với năm 2008 là 25 tỷ USD), hai bên đã ký :

- Kế hoạch hợp tác giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc (2011-2015) ;

- Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 2012-2016, và Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm, thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, khoáng sản, công nghiệp chế tạo và phụ trợ, dịch vụ cũng như hợp tác khu vực "Hai hành lang, một vành đai" ;

- Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản giữa Bộ Công thương Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc ;

- Thỏa thuận trao đổi giáo dục 2011-2015 giữa Bộ Giáo dục và đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định Văn hóa Việt-Trung giai đoạn 2013-2015, sớm hoàn thành việc xây dựng Trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia ;

- Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc về sửa đổi Hiệp định vận tải ôtô giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc ;

- Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc về thực hiện Hiệp định vận tải ôtô giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc ;

- Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển.

6. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc 21/06/2013 (cấp Nhà nước : Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang), ngoài việc tiếp tục thúc đẩy xây dựng các dự án hợp tác kinh tế - thương mại quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng, khu công nghiệp, kết nối giao thông trên bộ, trong đó ưu tiên thúc đẩy xây dựng các dự án đường bộ và đường sắt kết nối khu vực biên giới trên bộ hai nước như tuyến đường bộ cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội...

- Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam ; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước ; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế… ; thúc đẩy các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước cùng phát triển. 

- Hai bên nhất trí thực hiện nghiêm túc Kế hoạch công tác năm 2013 của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền hai nước ; thành lập Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới ; thúc đẩy việc mở và nâng cấp các cửa khẩu biên giới giữa hai nước ; tăng cường xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng của các cửa khẩu biên giới, cải thiện điều kiện và nâng cao hiệu quả thông hành cho người, hàng hóa, phương tiện qua cửa khẩu nhằm phục vụ việc qua lại và phát triển kinh tế - thương mại giữa hai nước. Sớm khởi động việc xây dựng cầu Bắc Luân II Việt-Trung.

- Hai bên nhất trí tổ chức vòng đàm phán mới "Hiệp định về quy chế tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc Luân" và "Hiệp định về hợp tác và khai thác phát triển du lịch khu vực thác Bản Giốc" vào nửa cuối năm 2013, cố gắng sớm đạt được tiến triển thực chất…

- Hai bên hoan nghênh Thỏa thuận sửa đổi liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa doanh nghiệp hữu quan hai nước, nhất trí mở rộng diện tích khu vực thỏa thuận, kéo dài thời hạn thỏa thuận, cùng nhau thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ sớm đạt được tiến triển tích cực.

Trong thời gian viếng thăm, hai bên đã ký :

- Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ;

- Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Trung Quốc (sửa đổi) ;

- Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển ;

- Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu ;

- Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc ;

- Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc thành lập Trung tâm văn hóa tại hai nước ;

- Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2013-2017 giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc ;

- Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ ;

- và nhiều văn kiện hợp tác kinh tế khác.

7. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc 15/10/2013 (cấp Chính phủ : Thủ tướng : Nguyễn Tấn Dũng và Lý Khắc Cường), ngoài những tuyên bố xã giao và phấn đấu hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD,

- Hai bên nhất trí về phương án thực hiện và huy động vốn đối với dự án đường bộ cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội nhằm sớm khởi công xây dựng.

- Hai bên sẽ tích cực thúc đẩy dự án đường bộ cao tốc Móng Cái - Hạ Long, phía Trung Quốc ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc tham gia dự án này, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ về huy động vốn ; đẩy nhanh nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

- Hai bên nhất trí thực hiện tốt "Bản ghi nhớ về việc xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới", tích cực nghiên cứu đàm phán ký kết "Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung" (sửa đổi) nhằm phát huy vai trò tích cực thúc đẩy hợp tác và phồn vinh ở khu vực biên giới hai nước, tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các địa phương, nhất là giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước ; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước.

- Phía Việt Nam sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ sớm hoàn thành Khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang) và Khu công nghiệp An Dương (Hải Phòng). Hai bên sẽ đẩy nhanh thi công, thúc đẩy sớm hoàn thành dự án Cung Hữu nghị Việt-Trung.

- Thúc đẩy đàm phán về "Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc" sớm đạt được tiến triển thực chất, sớm khởi động vòng đàm phán mới và đạt nhất trí về "Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân", sớm hoàn thành xây dựng các cầu qua biên giới như cầu đường bộ Bắc Luân 2, cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của khu vực biên giới hai nước.

- Hai bên hỗ trợ dịch vụ tài chính cho các dự án hợp tác song phương về thương mại và đầu tư trên cơ sở Hiệp định thanh toán bằng đồng bản tệ song phương trong thương mại biên giới ký giữa ngân hàng Trung ương hai nước năm 2003, tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng bản tệ, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư hai bên.

- Hai bên nhất trí tổ chức tốt Liên hoan Thanh niên Việt-Trung lần thứ hai ; gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung ; liên hoan nhân dân Việt-Trung… nhằm bồi dưỡng ngày càng nhiều thế hệ tiếp nối sự nghiệp hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc.

- Hai bên nhất trí thành lập Viện Khổng Tử tại Việt Nam và đẩy nhanh việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia…

Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký :

- Hiệp định về việc mở Cơ quan Xúc tiến thương mại nước này tại nước kia ;

- Bản ghi nhớ về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới ;

- Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác hỗn hợp hỗ trợ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam ;

- Hiệp định về việc xây dựng cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu và Nghị định thư kèm theo ;

- Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ ;

- Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang ;

- Thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội ;

- và một số văn kiện hợp tác kinh tế. 

8. Thông cáo chung Trung Quốc - Việt Nam 09/04/2015 (cấp Đảng : Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng), ngoài việc nhắc lại những thành tựu đã thực hiện qua những thỏa thuận trước, hai bên đã ký kết :

- Kế hoạch hợp tác giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020 ;

- Hiệp định về hợp tác dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Thỏa thuận về các vấn đề về thuế đối với Dự án thăm dò chung tài nguyên dầu khí tại vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc" giữa Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tài chính nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ;

- Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng trên bộ (MOU-Memoranum of Understanding) giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc ;

- Điều khoản Tham chiếu Nhóm công tác hợp tác tài chính tiền tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ;

- Bản ghi nhớ về hợp tác làm phim truyền hình chuyên đề giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.

9. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc 06/11/2015 (cấp Đảng và Nhà nước : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình), ngoài việc nhắc lại nội dung những hợp tác toàn diện và thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "một vành đai, một con đường", hai bên :

- Khẩn trương thành lập Nhóm công tác, tích cực bàn bạc, ký kết Phương án tổng thể chung xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, thúc đẩy việc xây dựng và tích cực thu hút đầu tư đối với hai Khu Công nghiệp Long Giang (Tiền Giang) và An Dương (Hải Phòng) ở Việt Nam, đôn đốc và chỉ đạo doanh nghiệp hai nước thực hiện tốt các dự án hợp tác như gang thép và phân đạm do doanh nghiệp Trung Quốc nhận thầu xây dựng tại Việt Nam.

- Ký tiếp "Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế - thương mại Việt - Trung", khẩn trương sửa đổi "Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung", thực hiện thương mại song phương phát triển cân bằng, vững chắc và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2017 (tăng thêm 40 tỷ USD so với 2011).

- Tăng cường vai trò Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực liên quan không ngừng có tiến triển tích cực.

- Thực hiện tốt dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ; khẩn trương lập quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, thúc đẩy hợp tác kết nối cơ sở hạ tầng như tuyến đường bộ cao tốc Móng Cái - Vân Đồn.

- Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng Cung Hữu nghị Việt - Trung vào năm 2017, sớm thành lập Trung tâm Văn hóa nước này tại nước kia, vận hành có hiệu quả Học viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội.

Hai bên đã ký các văn kiện hợp tác :

- Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020 ;

- Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc thành lập Trung tâm Văn hóa nước này tại nước kia ;

- Công hàm trao đổi giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ;

- Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hợp tác năng lực sản xuất giữa Bộ Công thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Bản ghi nhớ về việc ưu hóa thiết kế dự án Cung Hữu nghị Việt - Trung giữa Bộ Kế hoạch và đầu tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Bản thỏa thuận giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Đảng cộng sản Việt Nam với Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng cộng sản Trung Quốc về thiết lập giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức cơ sở Đảng địa phương ;

- Thỏa thuận triển khai giao lưu hữu nghị Đảng bộ địa phương giữa Tỉnh ủy Lào Cai, Đảng cộng sản Việt Nam và Tỉnh ủy Vân Nam, Đảng cộng sản Trung Quốc...

Đối với Trung Quốc, chiến lược "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" coi như hoàn tất với mốc thời gian năm 2020. Kể từ năm 2016, những Tuyên bố chung không còn cần thiết nữa, thay vào đó là những Thông cáo chung trong mục đích duy trì và củng cố mối quan hệ toàn diện giữa hai Đảng và hai Nhà nước.

10. Thông cáo chung Trung Quốc - Việt Nam 14/09/2016 (cấp Chính phủ : Thủ tướng Trung Quốc Lý Khác Cường và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc), ngoài việc nhắc lại những hiệp định và thỏa thuận đã ký, hai bên đã ký :

- Hiệp định gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021 ;

- Hiệp định thương mại biên giới (sửa đổi) giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Bản ghi nhớ về Danh mục các dự án hợp tác năng lực sản xuất giữa Bộ Công thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Phát triển và cải cách nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Bản ghi nhớ về cùng xây dựng Kế hoạch hợp tác cơ sở hạ tầng trên bộ giai đoạn 2016 - 2020 giữa Bộ Kế hoạch và đầu tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giai đoạn 2016 - 2020 giữa Bộ Giáo dục và đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- và một số văn kiện hợp tác khác.

11. Thông cáo chung giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam 14/01/2017 (cấp Đảng : Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng), mốc thời gian 2020 được nhắc lại trong quan hệ giữa hai Đảng và hai nước :

- Thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020, phát huy tốt vai trò điều phối, thúc đẩy của cơ quan đối ngoại hai Đảng.

- Tiếp tục tổ chức tốt Hội thảo lý luận, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020 ; tăng cường giao lưu hợp tác giữa các cơ quan Trung ương của hai Đảng, giữa tổ chức Đảng các địa phương đặc biệt là các tỉnh/khu biên giới…

- Thực hiện hiệu quả Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến năm 2025…

- Thực hiện tốt "Kế hoạch thực hiện Hiệp định Văn hóa Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2016-2018", "Thỏa thuận hợp tác giáo dục Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2016-2020" ; khuyến khích hai bên cử nhiều hơn nữa lưu học sinh sang nước nhau học tập.

- Thực hiện tốt "Bản ghi nhớ về cùng xây dựng Kế hoạch hợp tác cơ sở hạ tầng trên bộ giai đoạn 2016-2020 giữa Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam với Ủy ban Phát triển và cải cách nhà nước Trung Quốc".

- Thực hiện tốt dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ; khẩn trương thúc đẩy hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, thực hiện hiệu quả quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

- Tích cực bàn bạc thống nhất để sớm ký kết "Phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc".

Hai bên đã ký kết các văn kiện hợp tác :

- Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2017-2020 ;

- Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đến năm 2025 ;

- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc ;

- Hiệp định khung về hợp tác cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ;

- Bản ghi nhớ về hợp tác triển khai viện trợ không hoàn lại chuyên về lĩnh vực y tế công cộng giữa Bộ Kế hoạch và đầu tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác thả giống nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương giữa Việt Nam-Trung Quốc ;

- Bản ghi nhớ về việc hợp tác làm phim truyền hình chuyên đề giữa Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc ;

- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Kinh tế trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc ;

- Kế hoạch hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục Du lịch quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa giai đoạn 2017-2019 ;

- Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2017- 2021 giữa Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc ;

- Thỏa thuận hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc ;

- Biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam và Ngân hàng phát triển Trung Quốc về việc hợp tác tài trợ dự án và cho vay song phương trung dài hạn giai đoạn 2017 - 2019 ;

- Thỏa thuận hợp tác giữa Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật Việt Nam và Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2021.

12. Thông cáo chung Trung Quốc - Việt Nam 15/05/2017 (cấp Nhà nước : Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Trần Đại Quang), ngoài việc ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác kết nối giữa khuôn khổ "hai hành lang, một vành đai" và sáng kiến "Vành đai và Con đường" :

Hai bên tích cực thúc đẩy công tác nghiên cứu và xây dựng kế hoạch hợp tác 5 năm trong lĩnh vực giao thông và năng lượng trong hợp tác cơ sở hạ tầng trên bộ, thúc đẩy khánh thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 (Cát Linh - Hà Đông) theo kế hoạch, sớm hoàn thành lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ; tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giao lưu nhân dân như Gặp gỡ Hữu nghị Thanh niên lần thứ 17, Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung, hoàn thành việc xây dựng Cung Hữu nghị Việt - Trung trong năm 2017.

Hai bên tạo điều kiện để Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) cung cấp các nguồn vốn cho các dự án đầu tư kết nối cơ sở hạ tầng, trong đó khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Phía Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc và các nguồn vốn khác theo các quy định liên quan.

Hai bên đã ký kết các văn kiện hợp tác, trong đó có :

- Thỏa thuận về tăng cường hợp tác trong tình hình mới giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ;

- Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ;

- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đảng trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

13. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc 13/11/2017 (cấp Đảng : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình), ngoài việc hô hào cùng nhau thực hiện tốt "Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung giai đoạn 2017-2021", ký kết và thực hiện danh mục các dự án hợp tác trọng điểm, thúc đẩy hoàn thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 (Cát Linh - Hà Đông) theo kế hoạch. Ngoài ra hai bên đã ký :

- Thỏa thuận về hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc ;

- Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường" ;

- Biên bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo ;

- Bản ghi nhớ về danh mục dự án hợp tác năng lực sản xuất năm 2017 ;

- Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quản lý pháp quy an toàn hạt nhân ;

- Bản ghi nhớ về việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa thuận khung về xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới ;

- Bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm công tác hợp tác thương mại điện tử ;

- Bản ghi nhớ về việc xác định danh mục các dự án hợp tác trọng điểm của Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017-2021 ;

- Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển nguồn nhân lực, Công thư trao đổi về việc nghiên cứu tính khả thi trước khi lập dự án về Dự án viện trợ xây mới cơ sở 2 Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam ;

- Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi thông tin thanh tra, giám sát ngân hàng ;

- Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp văn hóa, Kế hoạch hành động về hợp tác y tế ;

- Thỏa thuận hợp tác về trao đổi khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ;

- Thỏa thuận khung hợp tác giữa Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, Việt Nam và Cục Sự nghiệp xuất bản - phát hành Ngoại văn Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2022 ;

- Thỏa thuận giao lưu và hợp tác báo chí giữa Hội nhà báo Việt Nam và Hội nhà báo toàn quốc Trung Quốc ;

- Thỏa thuận về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Đảng cộng sản Việt Nam và Khu ủy Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng cộng sản Trung Quốc ;

- và một số thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp, tổ chức tài chính.

***************

Sự cố Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vị đột quỵ tại Kiên Giang là một bất ngờ đối với hai Đảng và hai nước. Sự vắng mặt của ông Nguyễn Phú Trọng tại diễn đàn Diễn đàn Con đường Tơ lụa mới tại Bắc Kinh ngày 28/04/2019 khiến Bắc Kinh hụt hẫng, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã không có tuyên bố chung nào với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, người thay mặt Nguyễn Phú Trọng, để khai triển chiến lược mới này tại Việt Nam trong giai đoạn tới. Để bù đắp sự thiếu vắng này, phía Trung Quốc đành phải cử người ký kết những thỏa thuận với từng cấp cao trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, như những thỏa thuận ký giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc viếng thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến 29/05/2019.

Về những thỏa thuận đã ký, những tai họa về kinh tế, tài chính do phía Trung Quốc áp đặt lên Việt Nam bắt nguồn từ năm 2008, dưới thời Tổng bí thư Nông Đức Mạnh : Trung Quốc được quyền xây dựng những cơ sở hạ tầng và khu công nghiệp trên những địa bàn chiến lược của Việt Nam), cao điểm là trong hai năm 2013 và 2015, dưới thời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : cho phép Trung Quốc đổ tiền ồ ạt vào Việt Nam dưới hình thức tín dụng cho vay, và cho phép những công ty lớn của Trung Quốc trúng thầu toàn bộ những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở cần thiết và không cần thiết. Dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình hình càng trầm trọng thêm, năm 2017 Trung Quốc đẩy thương vụ trao đổi lên 100 tỷ USD (tăng thêm 40 tỷ USD so với năm 2015) (60 tỷ), vượt quá sức chịu đựng của một nền kinh tế yếu kém với những món nợ không thể trả nổi.

Tình trạng bị thúc ép gia tăng thương vụ với Trung Quốc sẽ còn bị thúc ép hơn nữa trong những năm sắp tới. Hiện nay, với sự tiếp tay của Đảng cộng sản Việt Nam qua ông Nguyễn Phú Trọng, giới đầu tư và doanh nhân Trung Quốc đang tiến vào miền Nam Việt Nam theo sách lược "Sáng kiến Vành đai Con đường" được khởi động từ năm 2015.

Trong những ngày sắp tới, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ bằng mọi cách vay thêm tiền và loại bỏ những nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế để cho phép nhà đầu tư Trung Quốc trúng thầu xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam, đường sắt cao tốc Bắc Nam, cảng sông Đồng Nai-Biên Hòa, đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong và Phú Quốc nhằm phục vụ sinh hoạt của những cơ sở kinh tế mà Trung Quốc muốn trực tiếp xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

Nguyễn Văn Huy

 

---------------------------

Mc lục

 

Phần 0 - Tổng quan

Phần 1 - Nắm giữ miền Bắc

Phần 2 - Hai hành lang một vành đai kinh tế

Phần 3 - Muốn làm chủ luôn cả miền Nam

Phần 4 - Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Phần 5 - Bằng chứng của một sự phản bội

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 4050 times

1 comment

  • Comment Link Tran  Ngoc Bau dimanche, 09 juin 2019 12:11 posted by Tran Ngoc Bau

    THẬT ĐÁNG BUỒN VÀ XẤU HỔ!!!
    Theo tác giả, "Không cần phải viết thư, gởi kiến nghị yêu cầu Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước trả lời hay giải thích, chỉ cần đọc kỹ từng Tuyên bố chung, người đọc sẽ thấy Đảng cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận những gì với Trung Quốc từ sau Hội nghị Thành Đô 1990 đến nay."
    Nếu đúng vậy thì tại sao những vị được coi là "tai mắt" trong nước MÙ hết sao mà không thấy được (dù là mù mờ) SỰ THỰC NÔ CON MẮT mà tác giả nêu ra trong bài...

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)