Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

12/08/2024

Paris bên bờ hữu ngạn - 1

Nguyễn Văn Huy

Nếu tả ngạn sông Seine và Đảo Thị Trấn (Ile de la Cité) là kho tàng di tích lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của thành phố Paris cổ kính thì khu vực hữu ngạn là niềm tự hào về cuộc sống vương giả và gương đấu tranh của dân tộc Pháp tại thủ đô Paris huy hoàng. Khu vực hữu ngạn tuy có phát triển sau khu tả ngạn nhưng những sinh hoạt chính của Paris đều tập trung trên phần đất này. Tuy vậy, vết tích một thời đen tối của cuộc Cách Mạng 1789 vẫn còn in dấu, hữu ngạn cũng là nơi sinh sống của giới bình dân lao động, những phong trào chống đối hay ủng hộ chính quyền phần lớn cũng đều phát nguồn từ nơi đây. Ngày nay những đập phá và thù hận dưới thời Cách Mạng Pháp đã bị tẩy xóa, những hình ảnh đen tối thời đó đã được thay thế bằng những tượng đài kỷ niệm chiến tích oai hùng của Napoléon và công cuộc phục hồi di sản cũ của các chính quyền sau này trên các đường phố lớn.

paris1

Khu vực hữu ngạn tuy có phát triển sau khu tả ngạn

paris01

nhưng những sinh hoạt chính của Paris đều tập trung trên phần đất này.

Viếng thăm hữu ngạn sông Seine rất là lý thú và phải đi từ Đông sang Tây và từ Trung tâm lên phía Bắc. Chúng ta sẽ lần lượt khám phá những nét độc đáo, nếu không muốn nói là duy nhất trên thế giới, đã từng mê hoặc hay đang mê hoặc người dân Paris và du khách quốc tế của từng khu vực, như Quartier de Bercy, Quartier du Marais, Beaubourg và Les Halles, Quartier des Tuileries, Quartier de l'Opéra, Quartier des Champs Élysées, Quartier du Chaillot, và dừng chân ở Quartier du Montmartre để còn chút gì để nhớ.

Quartier de Bercy (quận 12)

Quai Bercy nằm trên hữu ngạn sông Seine, phía Đông thành phố Paris, đối diện với Thư Viện Quốc Gia (Bibiothèque nationale Tolbiac – François Mitterrand) bên kia bờ tả ngạn, quận 13. Có một thời khu này bị lãng quên vì sự không quan trọng của nó, ngày nay Bercy được coi là một trong vài buồng dưỡng khí hiếm hoi và là một trong vài khu hành chánh và dịch vụ lớn của thành phố Paris, đối trọng với khu dịch vụ và thương mại lớn nhất nước Pháp tại La Défense, phía Tây Paris. Diện tích của Bercy được nới rộng qua Xa Lộ Vòng Đai (Périphérique) tới rừng Vincennes.

Cách trung tâm Paris không xa về phía Đông là Château de Vincennes (Avenue de Paris, 94300 Vincennes), được xây dựng từ thế kỷ 14. Tháp canh (donjon) thật cao sừng sửng còn lại của lâu đài là một chứng tích kiến trúc quân sự độc đáo của thời Trung Cổ. Trong thế kỷ 15 lâu đài này được dùng làm nơi lưu ngụ của các hoàng tôn, vương tộc và quốc khách ngoại quốc của triều đình Pháp. Vua Henri V Anh Quốc đã từ trần ở lầu hai của lâu đài năm 1422. Đến thế kỷ 16, Château de Vincennes được dùng làm nơi cất giấu tài sản của dòng họ Bourbon (các vua Henri và Louis) phòng khi có biến cố. Ngôi giáo đường gothic trong lâu đài được Jules Mazarin, một hồng y gốc Ý phụ tá hồng y giáo chủ Armand Jean du Plessis de Richelieu (1585-1642) vào cuối thời vua Louis XIII (1610-1643) và dưới thời hoàng hậu Anne d'Autriche (1601-1666), xây dựng năm 1550. Vào đầu thế kỷ 17, nhà của trong lâu đài được Louis Le Vau xây dựng thêm để giới hoàng tôn, quí tộc đến nghỉ ngơi và săn bắn. Khi toàn bộ triều đình dọn về Versailles vào giữa thế kỷ 17, Château de Vincennes dùng làm nơi giam giữ những người chống đối trong thế kỷ 18, vì nhà tù Bastille đã quá tải, đông người và chật chội. Trong số những tù nhân nổi tiếng bị giam giữ ở đây có Nicolas Fouquet (người phụ trách về tài chánh thời vua Louis XIV), Denis Diderot (nhà văn và tư tưởng thế kỷ 18), nam tước Sade (nhà văn), công tước Riqueti Marquis de Mirabeau (cố vấn vua Louis XVI), v.v... Nhà tù này bị Cách Mạng Pháp đập phá năm 1789 và bị bỏ hoang. Đầu thế kỷ 19, Napoléon I biến lâu đài này thành khu quân sự, với sự thành lập một xưởng thuốc súng (Cartoucherie) và nhiều dãy nhà cho quân đội. Năm 1840 lâu đài quân sự này được cải biến thành pháo đài quân sự phòng thủ phía Đông Paris chống lại quân Phổ (Đức). Bị hư hại nặng năm 1944 khi quân Pháp theo Leclerc tiến vào giải phóng Paris, vì quân Đức tử thủ trong lâu đài, Château de Vincennes được tu sửa lại để trở thành bảo tàng và văn khố quân sự. Những gì còn lại ngày nay chỉ là một phần ba sự huy hoàng và tráng lệ ngày trước ; xưởng thuốc súng ngày nay trở thành nơi trình diễn kịch của các đoàn kịch danh tiếng.

paris2

Cách trung tâm Paris không xa về phía Đông là Château de Vincennes được xây dựng từ thế kỷ 14.

Rừng Vincennes (Bois de Vincennes), rộng 995 hecta, trong thời Trung Cổ thuộc quyền sở hữu của tu viện Saint Maur và đến thế kỷ 16 là khu vực săn bắn của hoàng gia. Sau khi triều đình dọn về Versailles, giữa thế kỷ 17, khu rừng này bị bỏ hoang và chỉ hồi sinh lại dưới thời Louis XV (1715-1774), cây rừng đã tái tạo lại để trở thành nơi dạo mát và săn bắn của hoàng gia. Năm 1796 một phần khu rừng được dùng làm nơi huấn luyện quân sự và sân tập bắn. Vua Napoléon III giao cho nam tước Haussmann và Adolphe Alphand cải biến lại khu rừng để trở thành nơi dạo mát của dân Parisien với một hồ nước nhân tạo khổng lồ hình vòng tròn, Lac du Daumesnil, để dạo thuyền và nhiều đảo nhỏ ở giữa hồ làm nơi cư trú của chim thú rừng. Mỗi buổi sáng hàng ngàn người vào đây chạy bộ. Xuyên khu rừng là những con đường nhỏ chạy ngoằn nghèo giữa 120.000 cây rừng đủ loại và một thảo cầm viên lớn. Vào mùa thu rừng Vincennes rất đẹp, hai bên đường lá vàng rơi rụng như confettis lót đường đón những bước chân lạc loài giữa một thiên niên thơ mộng.

Một phần của khu rừng được dành để làm thảo cầm viên, Zoo de Vincennes, năm 1931 nhân dịp Triễn Lãm Thuộc Địa (Exposition Coloniale). Một mõm đá nhân tạo (Le Rocher), cao 65 thước, và một khoảng đất rộng lớn được dùng làm nơi sinh trú của các loài dê núi, diều hâu, ác điểu chim săn lùng chim bồ câu hoang. Các thú rừng được chăm sóc chu đáo với sự tái tạo lại khung cảnh thiên nhiên của từng chủng loại. Trong khu này có Kaveri, một con voi do cố thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi tặng cố tổng thống Mitterrand, và Yen Yen, một con gấu Panda do Mao Trạch Đông tặng cố tổng thống Pháp Georges Pompidou, là hai con thú được nhiều người đến xem nhất. Ngoài ra còn có một số thú hiếm được mang về đây gầy giống lại để tránh bị diệt chủng nơi sinh trú cũ như các loài gấu, hải cẩu, băng điểu vùng Siberia.

Mỗi năm, cứ độ đầu xuân cho đến cuối hè, Công Viên Hoa (Parc Floral de Paris, Esplanade du Château, Route de la Pyramide, quận 12), rộng 31 hecta, cạnh lâu đài Vincennes trong khu rừng được mở ra cho trẻ em và người lớn đến đây chiêm ngưỡng các loại hoa hiếm có trên thế giới trong Vườn Bươm Bướm (Jardin des Papillons) xen kẽ giữa những tác phẩm điêu khắc mỹ thuật. Trong công viên này có một ngôi chùa thuộc hệ phái mật tông (tantrisme) của Tây Tạng, chùa Kagyu Dzong, thuộc Viện Phật Học Quốc Tế (40, route Circulaire du Lac de Daumesnil, quận 12), rộng 108 mét vuông tượng trưng cho 108 hột mala, là nơi cư ngụ của đức Dalai Lhama và các tăng sĩ mật tông khác mỗi khi đến Pháp. Ngoài ngôi chùa này ra còn có một ngôi chùa nhỏ khác của Việt Nam, chùa Linh Sơn, do những tu sĩ Phật Giáo thân chính quyền cộng sản trụ trì.

Phía Bắc khu rừng Vincennes là Foire du Trône (Hội Chợ Ngai Vua). Hội chợ này trước kia là khu giải trí dành cho những gia đình lao động sinh sống quanh Bercy, các phường múa rối bình dân từ khắp nơi đến đây tổ chức hội chợ và nhảy múa. Sau thất bại của Napoléon I, khu này trở thành nơi đón mừng sự trở về của vua Louis XVIII và trở thành Hội Chợ lớn nhất nước Pháp. Ngày nay, bắt đầu từ chủ nhật lễ lá đến cuối tháng 5, khu này được mở ra để thanh thiếu niên và con cháu các gia đình bình dân quanh Paris, và cũng là nơi hẹn hò của những đôi trai gái, đến đây giải trí và thử thời vận với các trò chơi đen đỏ (jackpot), bắn cung, câu cá, ghế đu bay (manège), v.v... giữa tiếng nhạc và tiếng loa ồn ào từ các gian hàng vọng ra.

Không xa hội chợ ồn ào này là Place de la Nation (Quảng Trường Quốc Gia). Quảng trường này trước kia có tên là Place du Trône (Quảng Trường Ngai Vua), có từ 1660 đến 1880. Vua Louis XIV (còn gọi là Vua Mặt Trời, 1643-1715), sau khi dẹp xong loạn sứ quân (La Fronde, do các hoàng tôn, các chính trị gia và sĩ quan quân đội nổi dậy chống lại chính sách quân chủ chuyên chính của dòng họ Bourbon từ 1648 đến 1653) tiến vào Paris từ địa điểm này, để ghi nhớ thành tích của mình nhà vua đặt tên là Place du Trône. Dưới thời Cách Mạng Pháp, quảng trường này bị đổi thành Place du Trône Renversé (Ngai vàng bị lật đổ), những người cách mạng đã đặt máy chém Guillotine tại đây để chặt đầu hơn 1.300 người bị kết tội "phản cách mạng", đa số là gia đình các hoàng tộc sinh sống tại khu Marais, trong vòng 43 ngày. Cũng nên biết thêm là trong giai đoạn Khủng Bố (La Terreur, 1793-1794), dưới sự lãnh đạo của Robespierre, các tòa án cách mạng đã tuyên án tử hình gần 40.000 người, tất cả những nạn nhân đều bị chặt đầu bằng máy chém Guillotine hay bị xử bắn trên khắp nước Pháp. Cũng tại quảng trường này, những sĩ quan cách mạng đã dựng tại đây hai cột cờ và những cột trụ lớn để ghi nhớ chiến thắng của mình, vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Dưới thời Đệ nhị đế quốc, năm 1880, Napoléon III đổi tên quảng trường này thành Place de la Nation (Quảng trường Quốc Gia) để ghi nhớ những sai lầm của những người lãnh đạo nước Pháp trong giai đoạn đen tối đã qua và nhắc nhở mọi người rằng chỉ có quốc gia là trên hết.

Cạnh Nation là Nghĩa Trang Picpus (Cimetière de Picpus, 35 rue de Picpus). Đây là vết tích rùng rợn còn lại của thời Cách Mạng Pháp, nơi tra tấn và chôn vùi thi thể những nạn nhân. Trong nghĩa trang còn lưu lại một cột gỗ dùng để treo những nạn nhân sau khi bị tra tấn. Tưởng cũng nên nhắc lại chỉ riêng một ngày, ngày 17/6/1794, tên đồ tể Sanson đã chặt bằng máy chém 54 đầu người trong vòng 24 phút. Hơn 1.300 xác không đầu tại Place du Trône Renversé được đem vào đây vùi trong những hố chôn tập thể. Thời gian sau đó, Picpus trở thành nghĩa trang của con cháu những nạn nhân bị chặt đầu. Nghĩa trang này ngày nay được cải biến lại để xóa tan tính chất dã man của thời cách mạng, những lối đi trải đá giữa các vòm cây và thảm cỏ làm tăng nét hiền hòa và yên tỉnh của vườn vĩnh biệt. Tuy không lớn bằng các nghĩa trang Lachaise hay Montparnasse nhưng nghĩa trang này là nơi chôn cất nhiều nhân vật tên tuổi như Marie-Joseph Marquis de La Fayette (1757-1834), người đã giúp di dân Mỹ chống lại đế quốc Anh giành độc lập.

Từ hướng Đông ngoại thành muốn vào Paris phải vô bằng hai cửa : Porte de Bercy và Porte Dorée. Gọi là Porte (cửa) vì Paris trước kia, trong suốt thời Trung Cổ cho tới giữa thế kỷ 19, là một pháo đài phòng thủ kiên cố, dân chúng hay quân địch chỉ có thể vào bằng những cửa đã thiết kế sẵn. Paris có tất cả 36 cửa vào. Những cửa này ngày nay vẫn giữ nguyên tên nhưng đã mất tính chất phòng thủ nghiêm ngặt của ngày xưa. Porte Dorée, theo kinh Cựu Ước của người Do Thái là nơi Đấng Cứu Thế sẽ hiện ra vào ngày tận thế để phán xét người có công và kẻ có tội. Trước kia cửa này có tên là Porte de Picpus, thật ra phải đọc là "Picque Puces", nghĩa là "bắt rận", để ám chỉ dân cư lao động tại đây ăn dơ ở bẩn do đó phải ngăn chặn họ tràn vào thành phố. Với thời gian quần chúng bình dân đọc trại thành Picpus và tên này được giữ nguyên cho tới ngày nay. Sau Cách Mạng 1789, Porte de Picpus là nơi hành hình gia đình những hoàng tộc dưới sự cổ võ của quần chúng bình dân. Đến thời vua Louis XVIII (đầu thế kỷ 19), Porte de Picpus đổi thành Porte Dorée (Hoàng Môn), ý muốn nói là đây nơi phán xét những người đã sát hại những gia đình hoàng tộc trong ngày tận thế.

Trở về hữu ngạn phía Đông sông Seine. Quai de Bercy là một giang cảng có từ thời La Mã, ngày nay còn lại vài tụ điểm dùng làm vựa tồn trữ cát đá xây dựng. Trước kia cảng này dùng làm nơi vận chuyển hàng hóa và vật dụng xây cất cho thành phố Paris và là khu bến tàu với đầy đủ sinh hoạt xô bồ của nó ; những tay anh chị từ khắp nơi đến đây tranh quyền bá chủ. Sau Cách Mạng Pháp 1789, những thành phần lao động tham gia cách mạng cải tổ lại khu này cho có an ninh hơn và biến thành nơi nhập cảng và phân phối rượu. Lúc đầu rượu lậu được chở bằng xà lang và xe ngựa từ khắp nơi đến đây cất giấu trước khi phân phối cho các quán rượu bình dân dọc bến tàu, đến cuối thế kỷ 19 việc buôn bán rượu trở nên hợp pháp và việc chuyên chở rượu bằng đường sắt và đường sông về đây trở nên ồ ạt. Năm 1860 Paris trở thành thủ đô rượu nho ngon nhất Châu Âu, đặc biệt là các loại rượu Bourgogne và Bordeaux. Việc buôn bán rượu càng sầm uất, Quai de Bercy càng trở thành khu lao động nghèo khó, nơi tụ cư của những gia đình phu bốc vác với cảnh say rượu và ẩu đả xảy ra thường xuyên vào mỗi đêm tối. Cuối nửa cuối thể kỷ 19, kiến trúc sư Eugène Viollet Le Duc được giao nhiệm vụ canh tân lại thành phố Paris, trong đó có khu Bercy ; ông cải biến những kho hàng cổ lỗ thành những văn phòng thương mại buôn bán rượu sầm uất với những đường nét mỹ thuật phù hợp với cảnh quang Paris, như các hãng rượu Saint Emilion và Lheureux vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Tên những con đường chung quanh (Pommard, Beaune, Aloxe-Corton...) gợi lại những hiệu rượu danh tiếng của con cháu các vị thần Dionisos và Bacchus.

      Ngày nay công việc bốc vác không còn nữa, nhà cửa gia đình các phu bến tàu và dân lao động đã bị đập phá để xây dựng lại thành những văn phòng với những kiến trúc tân kỳ và khu dân cư đông đúc ; các kho chứa rượu được cải biến lại thành Jardin de la Mémoire (Vườn Tưởng Nhớ) để nhớ lại nghề buôn bán rượu ngày xưa, với những quán rượu, nhà hàng và khu triển lãm quốc tế về rượu. Trong Jardin de la Mémoire (dài 800 mét, nằm song song với sông Seine), những luống hoa tulip được trồng quanh bễ nước do nhà điêu khắc Singer tạc, với những bức tượng Canyoneaustrates, dọc các lối đi bằng đá hoa cương chà bóng, dưới những hàng cây tùng và bên cạnh những thảm cỏ được cát tỉa cẩn thận. Xa hơn về phía Bắc là những di tích còn lại của vườn nho.

Vườn Nho (Vignobles de Bercy), nay là Công Viên Bercy (Parc de Bercy), rộng 13,5 hecta, nằm giữa hai cửa ra vào phía Đông Paris, Porte de Bercy và Porte Dorée, với những lối đi và ghế ngồi thơ mộng, dưới những lùm cây bên cạnh những luống hoa tươi đẹp, dành cho những khách bộ hành lỡ bước hay những người muốn cùng nhau trò chuyện cho hết ngày tháng. Bên cạnh công viên này là nhà thờ Notre Dame de Bercy (Place Lachambeaudie), được xây dựng giữa thế kỷ 19 để ban phép lành cho những đoàn xe lửa chạy ngang trên cầu cạnh đó và cho dân chúng lao động chung quanh đến dự lễ.

Dưới chân cầu xe lửa bên cạnh ngôi nhà thờ này là một bậc đá đánh dấu mực nước sông Seine đã dâng lên một thước vào năm 1910. Những con đường nhỏ trong khu này (rue des Fonds Verts, Wattignies, Brèche aux Loups, Meuniers) trước kia là những con đường làng nằm giữa rừng rậm dành cho nông dân từ ngoại ô vào Paris buôn bán. Nhà cửa trên những con đường này đã thay đổi nhưng bên trong mỗi căn nhà là một lịch sử riêng biệt. Tại căn nhà số 67 rue des Meuniers còn lưu lại dấu vết một cột mốc và nơi để nông dân cạy sình đất dính trên guốc gỗ để khỏi làm dơ các con lộ lát đá dẫn vào thành phố.

Phía đầu Công Viên Bercy là tòa nhà thể thao và thể dục đa năng, Palais Omnisports de Paris Bercy (POPB, 8 boulevard de Bercy). Khu nhà này có hình thù kỳ quặc, nhìn từ xa nó giống một ụ đất được bao phủ bởi một lớp cỏ nhung xanh ; bên trên và ở chính giữa là một khung sắt màu xanh dương với những cửa kiếng để rọi sáng căn nhà. Nét độc đáo của thảm cỏ bọc quanh khu nhà là độ nghiêng 45° của nó, rất khó cắt tỉa. Diện tích nội thất tòa nhà này rộng như một sân vận động đa năng, có thể chứa tới 15.000 người, dùng làm nơi thi đấu thể thao quốc tế và trình diễn văn nghệ của những nghệ sĩ tên tuổi từ khắp nơi trên thế giới. Tại đây các cuộc đua xe đạp trong nhà kín, đua xe moto việt dã, thi kỹ mã, hockey, biểu diễn trên băng tuyết, thể dục dụng cụ, thể dục thẩm mỹ, cử tạ được truyền hình đi khắp thế giới. Các đoàn nhạc rock, ca múa, nhạc kịch, opéra và xiệc lớn trên thế giới cũng đều đến đây trình diễn cho dân chúng Paris xem.

Cạnh tòa nhà Omnisports de Bercy này là Bộ Kinh tế, Tài Chánh và Kỹ Nghệ (Ministère de l'Economie, des Finances et de l'Industrie, 139 rue de Bercy). Cơ quan này, trước kia nằm cạnh Viện Bảo Tàng Louvre nay được dời ra nơi đây năm 1989, là hồ bao của nước Pháp. Tòa nhà này gồm hai công trình kiến trúc độc đáo : một hướng về phía sông Seine và một hướng về phía Nhà Ga Lyon. Tòa nhà thứ nhất hướng về phía sông Seine, do hai kiến trúc sư Paul Chemetov và Borja Huidabro vẽ kiểu, có hình thù kỳ quặc vừa to lớn vừa tân kỳ, được xây dựng ngang qua một con đường lớn, dài 900 mét, bao bọc bởi những tấm kiếng lớn màu đen nổi bật trên màu trắng của tường, nhìn từ xa giống một cầu thang chuyển người lên phi cơ mà dân chúng đi ngang gọi là con tàu (le paquebot) nhưng đột ngột dừng lại ngay đầu bờ sông ở trên cao. Tòa nhà thứ hai hướng về phía Nhà Ga Lyon, do hai kiến trúc sư Louis Arretche và Roman Karasinsky vẽ kiểu, được bao bọc bằng những tấm kiếng đen với những góc cạnh lồi lõm và gãy khúc để tránh có cảm giác đồng bộ. Cả hai tòa nhà này trị giá 3,7 tỷ Francs cũ, trong đó 43 triệu là tiền mua các tác phẩm điêu khắc và thảm trải, là nơi làm việc của hơn 6.000 công chức. Một vài con số : 225.000 mét khối gỗ, 1.300 cừ bê-tông sâu 30 mét, 45.000 mét vuông diện tích bọc kiếng, 5.000 tấn sườn sắt... Hình thù kỳ dị của cơ quan này báo hiệu những điềm chẳng lành cho những ai làm chủ nó, từ khi đi vào sử dụng đến nay không một vị bộ trưởng nào ngồi lâu quá hai năm trong tòa nhà này, họ ra đi không phải vì bất tài mà vì những lý do chẳng liên quan gì đến khả năng của họ, đa số đều phải từ chức giữa nhiệm kỳ, một người tự tử.

Đoạn đường xe lửa trên không, nối liền Rừng Vincennes với Quảng Trường Bastille có từ giữa thế kỷ 19 dưới tên gọi Viaduc des Arts (Cầu Treo Nghệ Thuật) nay trở thành khu vườn treo giữa các khu nhà cách mặt đất 10 mét, với đủ các loại cây cỏ dài 2.300 mét, được chống bởi 60 vòm cầu bằng gạch đỏ và đá vôi trắng dọc theo đại lộ Daumesnil. Dưới các vòm cầu là các gian hàng triển lãm và buôn bán đồ nữ trang, gỗ chạm, điêu khắc, dụng cụ âm nhạc, cửa hàng điện toán và nhà hàng. Khu vườn này cũng là nơi hò hẹn của những người yêu nhau cuối ngày muốn đi trên "đường rày tình ái" giữa tiếng chim ca.

Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Châu Phi và vùng biển Nam Bán Cầu (Musée des Arts d'Afrique et d'Océanie, 293 avenue Daumesnil), lúc đầu có tên là Palais de la France d'Outre-Mer (Dinh Pháp Quốc Hải Ngoại), do kiến trúc sư Albert Laprade và Léon Jaussely vẽ kiểu và xây dựng để tham gia cuộc triển lãm thế giới năm 1931 để trưng bày thành tích chinh phục thuộc địa của Pháp. Sau cuộc triển lãm, cơ sở này biến thành bảo tàng Musée de la France d'Outre-Mer. Giữa thập niên 1960, nhà văn kiêm bộ trưởng André Malraux đổi tên thành Musée des Arts d'Afrique et d'Océanie, ngày nay tuy ít được biết đến vì nằm quá xa khu vực trung tâm, nhưng không vì vậy mà thiếu báu vật. Bảo tàng này trưng bày những bộ sưu tập về nghệ thuật của người nguyên thủy và những bộ lạc ở miền Tây Châu Phi, Trung Phi và Bắc Phi, ở vùng biển phía Nam Bán Cầu và Châu Úc. Ngoài ra còn có những mặt nạ hình đầu dã thú của người Mali, ngà voi chạm trổ tinh xảo của Bénin, nữ trang của người Marốc, tranh vẽ trên vỏ cây của thổ dân Châu Úc, những mặt nạ và tượng bằng gỗ và đồng của người Tây Phi và Trung Phi. Đó là chưa kể những bễ nuôi cá nhiệt đới, những vũng sình nhân tạo nuôi chứa cá sấu và rùa ở từng dưới hầm gây nhiều cảm giác mạnh cho người xem.

Nhà Ga Lyon (Gare de Lyon, Boulevard Diderot) được xây dựng năm 1852 để đưa đón khách đồng thời cũng để chở rượu vào vựa Bercy, với một tháp canh (beffroi) cao 60 mét để canh chừng đoàn tàu và trộm cướp đến từ khu lao động Bercy. Năm 1900 nhà ga được tân trang lại theo trường phái baroque để đón nhận khách tham dự Cuộc Triển Lãm Thế Giới (Exposition Universelle) ; tháp canh được gắn bốn đồng hồ lớn (mỗi kim chỉ giờ dài 3 mét) ở bốn hướng để báo hiệu giờ và còn tồn tại cho tới ngày nay. Dọc các vách tường hành lang của nhà ga là những bức tranh vẽ lại các khung cảnh mà đoàn tàu đi qua rất tinh vi và mỹ thuật. Nhiệm vụ của Nhà Ga Lyon là đón đưa khách. Mỗi ngày 40 chuyến xe lửa tốc độ cao (TGV-Train à Grande Vitesse) màu cam với tốc độ trung bình 300 cây số/giờ đưa đón khách từ Paris đi các tỉnh miền Đông Nam nước Pháp, Ý và Thụy Sĩ hay ngược lại, đó là chưa kể hàng trăm chuyến xe lửa mỗi ngày ghé trạm Gare de Lyon để đưa đón khách ra vào nội thành và vùng ngoại ô. Thời gian trung bình từ Paris đi Lyon là 2 giờ (550 km), Genève : 3 giờ rưỡi (800 km), Lausanne : 4 giờ (950 km), Zurich : 6 giờ, Marseille : 2 giờ 35 (700 km), Milano : 6 giờ 30, Roma : 13 giờ, Barcelona : 9 giờ.

Bên trong nhà ga là nhà hàng Le Train Bleu nổi tiếng ở lầu một. Nhà hàng này được khánh thành cùng lúc với nhà ga năm 1900, năm 1972 được xếp vào hàng di tích lịch sử. Nội thất nhà hàng rất sang trọng gồm một đại sảnh và nhiều tiểu sảnh, được trang trí bằng 45 bức tranh do các họa sĩ tên tưổi thời Hoàng Kim (Belle Epoque) vẽ từ đầu thế kỷ những thành phố mà đoàn tàu PLM (Paris-Lyon-Marseille) đã đi qua. Nhiều nhân vật tên tuổi đã từng vào đây ăn uống và nghỉ ngơi trước khi lên tầu đi xuống vùng Đông Nam như Coco Chanel, Jean Cocteau, Réjane, Sarah Bernhardt, Edmond Rostand, Colette, Dalí, Jean Gabin. Nhà đạo diễn Luc Besson cũng đã mượn khung cảnh nhà hàng này để dựng phim Nikita.

Ga Lyon còn là nơi quyến luyến trước giờ chia tay. Đây là một nhà ga thơ mộng và lãng mạn. Đến Paris mà không chứng kiến cảnh giả từ của những người yêu nhau trên những sân ga giống như ngủ trên giường không có trải ra (drap), nghĩa là không được vui sướng trọn vẹn. Có chứng kiến cảnh chia tay, hay chính mình đưa tiễn người yêu mới cảm thấy những giây phút này thật là huyền diệu.

Ga Lyon đã đi vào văn học và âm nhạc Việt Nam với bài thơ Tiễn Em của Cung Trầm Tưởng do Phạm Duy phổ nhạc. Không một chàng trai Việt Nam nào không muốn được tiễn người yêu đi xa và cũng không một phụ nữ Việt Nam nào không muốn là người "em xóm học" (Saint Germain des Prés) để được người yêu đưa tiễn :

Lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế,

Trời mùa đông Paris suốt đời làm chia ly.

Tiễn em về xứ mẹ, anh nói bằng tiếng hôn.

Không còn gì lâu hơn một trăm ngày xa cách !

Tuyết rơi mỏng manh buồn, Ga Lyon đèn vàng ;

Cầm tay em muốn khóc, nói chi cũng muộn màng...

Hỡi em người xóm học, sương thấm hè phố đêm

Trên con đường anh đi, lệ em buồn vương vấn...

Tuyết rơi phủ con tầu, trong toa em lạnh đầy

Làm sao em không rét cho ấm mộng đêm nay ?

Tiễn em, thơ Cung Trầm Tưởng (1958), nhạc Phạm Duy, tiếng hát Sĩ Phú

Nhà hát Opéra Bastille (102, rue de Lyon) là một kiến trúc tân kỳ hình tròn, nhìn từ xa như chiếc bánh sinh nhật khổng lồ, được bao bọc bởi những tấm kiếng màu xanh dương nổi bật giữa các vách tường hình thang cấp tráng men màu trắng. Công trình xây dựng độc đáo nhất Châu Âu này, do kiến trúc sư người Canada gốc Uruguay Carlos Ott vẽ kiểu, đã bị chỉ trích rất nhiều vì quá tốn kém (2,8 tỷ francs và 580 triệu francs tiền điều hành mỗi năm rc năm 2000) và khác với những nhà hát cổ điển có từ thế kỷ 19 như nhà nhà hát Opéra Garnier ớ Paris, quận 9. Được xây dựng năm 1985 trên nền một nhà ga cũ và khánh thành ngày 14/7/1989, đúng hai trăm năm sau ngày phá ngục Bastille ngày 14/7/1789, nhưng phải chờ đến 16/3/1990 mới tổ chức buổi trình diễn đầu tiên. Nhà hát tân kỳ và vĩ đại này có một thính phòng lớn và rất nhiều thính phòng nhỏ. Thính phòng lớn, có thể chứa tới 2.700 người, được trang trí rất tân kỳ với những ghế nệm đen, giữa những vách tường bằng đá hoa cương dưới trần nhà bằng kiếng. Hệ thống âm thanh của nhà hát này độc đáo nhất thế giới, một tiếng động nhỏ ở bất cư góc sân khấu nào đều được nghe rõ, đó là chưa kể năm sàn sân khấu di động khổng lồ, mỗi sàn có thể chứa cùng một lúc 500 người và xoay chuyển nhanh chóng để người xem không phải chờ đợi giữa hai màn trình diễn. Mỗi năm nhà hát này có thể tổ chức 260 buổi trình diễn cho từ 700.000 đến 800.000 người xem.

Chung quanh nhà hát Opéra Bastille hiện nay là những quán cà phê, rạp chiếu bóng, những cửa hàng và nhà hàng sang trọng trên những đại lộ rộng lớn, khác với khung cảnh sinh hoạt ngày xưa của một nhà ga và một trại lính với những buổi hợp chợ bình dần, ồn ào và mất trật tự. Khu chợ trời buôn bán thức ăn, trái cây và áo quần vẫn còn duy trì.

Quảng trường Bastille (Place de la Bastille), nằm giữa khu Bercy và Le Marais, được xây dựng năm 1803 trên nền nhà tù Bastille cũ nhưng chỉ hoàn tất 60 năm sau với sự xây dựng đại lộ Henri IV, đồn lính Célestins và nhà ga Bastille. Đoạn đường từ số 5 đến số 49 Boulevard Henri IV là những dấu vết còn lại của một vài tháp canh và thành quách nhà tù Bastille, nơi giam giữ những người chống lại triều đình. Nhân cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra trong tháng 7/1789, dân chúng nghèo khó từ khắp nơi, nhất là từ Bercy, ùn ùn kéo nhau đến ngục Bastille phản đối nhà vua và được sự tiếp tay của vệ binh ; ngày 14/7/1789 cửa ngục Bastille bị phá và dân chúng cùng vệ binh vào đốt nhà tù. Trong thực tế nhà tù Bastille lúc đó chỉ giam 7 tù nhân, được trả tự do ngay trong ngày, nhưng phe chống và phá ngục bị thiệt hại nặng : 115 về phía bảo vệ nhà giam và 171 về phía tấn công. Chung quanh quảng trường Bastille ngày nay được lát đá hoa cương để lưu lại vết tích ngày xưa.

paris3

Ngày 14/7/1789 cửa ngục Bastille bị phá và dân chúng cùng vệ binh vào đốt nhà tù.

Ở giữa quảng trường là một tượng đài cao 3 mét với bốn đầu sư tử khổng lồ bảo vệ một cột trụ bằng thau xanh lợt, cao 51,5 mét, gọi là Colonne de Juillet, để tưởng nhớ những nạn nhân bị giết trong cuộc cách mạng tháng 7/1830 tái lập hoàng triều. Trên đỉnh cột là tượng Nữ Thần Tự Do có cánh bằng đồng mạ vàng, đứng một chân trên một khối tròn. Quan sát kỹ, mỗi điểm điêu khắc trên cột từ đường nét đến hình tượng là những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc tinh vi, người ta chỉ biết trầm trồ khen chứ không tìm được ngôn từ nào để diễn tả. Có một điều ít ai biết là dưới chân cột có một nghĩa địa nhỏ, nơi chôn cất 504 thi hài những người chết vì nền Cộng Hòa Pháp và những chết trong cuộc cách mạng 1848. Giữa những thi hài này còn có thêm những xác ướp Ai Cập do Napoléon I mang về nhưng những nhà bác học Pháp thời đó chưa đủ khả năng bảo quản nên đã sình thối và được chôn hết vào nghĩa địa này.

Như muốn giữ truyền thống cách mạng ngày xưa, quảng trường Bastille ngày nay là điểm xuất phát hay điểm khởi hành của bất cứ cuộc xuống đường nào của giới thợ thuyền và sinh viên học sinh, chống đối hay ủng hộ chính quyền, tại Paris.

Quartier du Marais (quận 3 và quận 4)

Le Marais, như tên gọi của nó, trước kia là một khu vực sình lầy, ẩm thấp, rất khó sinh sống. Marais có nghĩa là vũng lầy. Dân số Paris tăng theo thời gian, nhu cầu mở rộng không gian sinh tồn được mở rộng sang bờ hữu ngạn. Nếu trước kia khu Bercy dành riêng cho giới thợ thuyền và dân cư lao động thì khu Marais thuộc những gia đình quí tộc và giàu có. Marais lúc đó còn là một khu vực xây cất tự do, giới quyền quí từ khắp nơi đến đây mua đất rồi thuê nhân công ở khu lao động Bercy vào lấp các trũng nước, vũng lầy để xây nhà dựng cửa. Nhiều công trình xây dựng quan trọng được xây dựng quanh triều đình Louvre trên bờ hữu ngạn, những kiến trúc sư tên tuổi được mời đến đây vẽ kiểu và xây dựng những khu nhà sang trọng mà tên tuổi của họ tồn tại cho tới ngày nay.

Những dinh thự còn lại trong khu Marais ngày nay được coi là những tác phẩm kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ 17, còn gọi là Đại Thế Kỷ (Le Grand Siècle), dành riêng cho giới quí tộc phục vụ triều đình cho đến giữa thế kỷ 17, vì sau đó hoàng cung dọn về Versailles năm 1668 theo "Vua Mặt Trời" Louis XIV. Phần lớn những kiến trúc tiêu biểu dưới thời Louis XIV đều được tu bổ lại để trở thành bảo tàng viện, gọi chung là hôtel, trưng bày những di tích lịch sử của thành phố Paris và nước Pháp. Cũng nên biết những ngôi nhà sang trọng trong khu Marais có nhiều tầng và nhiều phòng nên được gọi cung là "hostel", tức "nhà khách", sau này viết thành "hôtel" nhưng không phải là "khách sạn" theo nghĩa thông dụng ngày nay. Chủ nhân những căn nhà lớn rộng này thời đó thường tổ chức những buổi tiếp tân linh đình và mời khách ngụ lại trong nhà một thời gian.

Dưới thời Cách Mạng Pháp, những gia đình quí tộc và giới đại trưởng đều bị các tòa án cách mạng xử trảm, toàn bộ tài sản đều bị tịch thu và nhà cửa cho dân chúng lao động quanh khu vực vào ở và biến cải thành những cơ sở sản xuất tiểu thủ công nhiệp và cửa hàng buôn bán. Do thù hận và thiếu văn hóa, giới bình dân vào đây đã phá hủy hay làm tiêu hao nhiều công trình kiến trúc quan trọng cho những nhu cầu thường nhật, những gì còn lại ngày nay chỉ tương đương với 20% tổng số kiến trúc thời trước, tuy vậy nếu chịu khó quan sát từng căn nhà cổ người ta sẽ tìm lại nét quí phái hay giàu sang ẩn chìm trong các vách tường và trên các cổng ra vào.

Đến thế kỷ 19, Le Marais trở thành trung tâm sản xuất hàng kỹ nghệ và chỉ bị bỏ rơi vào năm 1962 khi André Malraux, văn hào và là bộ trưởng của tổng thống de Gaulle, cho tu bổ lại các di tích trong khu vực. Từ đó trở đi, nhiều dinh thự hư hao đã được tái tạo lại để trở thành những cửa hàng buôn bán áo quần thời trang và ca nhạc kịch sang trọng. Nhu cầu vào đây thành lập cơ sở buôn bán làm tăng giá nhà đất, những cơ xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kỹ nghệ nhỏ lần lượt đóng cửa nhường chỗ cho giới đại tư bản vào đây khai thác. Người Do Thái gốc Bắc Phi (Pieds Noirs) và người Hoa cũng vào đây mua lại những khu nhà lụp xụp để sửa sang lại thành những xưởng may áo quần thời trang và các cửa tiệm buôn bán hàng xuất cảng liên quan đến thời trang và nữ trang, từ đó không khí sinh hoạt trong khu này trở nên nhộn nhịp. Ngày nay chỉ còn lại một vài hàng quán buôn bán tạp hóa và bistrot (quán cà phê góc đường) thuộc những gia đình bình dân.

Từ phía Đông tiến vào trung tâm, chúng ta sẽ lần lượt viếng thăm những địa danh tuy im lìm trước thời gian nhưng chất chứa một quá khứ đầy sôi động : nhà hát Opéra de Bastille, Place de la Bastille, Colonne de Juillet, căn nhà của Victor Hugo, Place des Vosges, Square du Temple ; những dinh thự được coi là những tác phẩm kiến trúc tiêu biểu của khu Marais như Hôtel de Ville ; những ngôi nhà thời Louis XIV được biến thành bùảo tàng viện như Hôtel de Lamoignon, Hôtel de Rohan, Hôtel de Soubise, Carnavalet, Cognacq Jay, Hôtel de Sully, Hôtel de Coulanges, Hôtel Libéral Bruand, Hôtel de Sens, Hôtel Guénégaud ; những nhà thờ cổ kính như Saint Paul-Saint Louis, Sant Gervais-Saint Protais, Notre Dame des Blancs Manteaux và Cloitre des Billettes ; những con đường được coi là di tích lịch sử như Rue des Francs Bourgeois, Rue des Rosiers...

Là một người yêu mến Paris, trong những năm từ 1832 đến 1848, văn hào Victor Hugo đã dọn về cư ngụ tại số 6 Place des Vosges (quận 4), trên lầu 2. Chính trong căn nhà này Victor Hugo đã tìm cảm hứng sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng, về thơ : Chants du crépuscule (1835), Les voix intérieures (1837), Les rayons et les ombres (1840) ; về kịch : Lutèce Borgia (1833), Ruy Blas (1838) ; về văn học : một phần tác phẩm nổi tiếng Les Misérables đã được hoàn chỉnh trong căn nhà này. Cũng trong thời gian lưu ngụ tại Paris, Victor Hugo đã tham gia sinh hoạt chính trị, lúc đầu theo trường phái pháp gia (légitimiste), sau theo khuynh hướng tự do (libéral) và cuối cùng là cộng hòa và dân chủ (républicain et démocrate). Ông chỉ rời Paris sau vụ lật đổ Napoléon III không thành và phải sống lưu vong. Căn nhà của Victor Hugo trước kia thuộc nhà quí tộc Rohan Guéménée bị truất hữu trong thời cách mạng, vì sự sang trọng và rộng lớn của nó, nay trở thành bảo tàng trưng bày cuộc đời và tác phẩm của Victor Hugo. Từ lầu hai căn nhà này nhìn xuống là Place des Vosges xinh đẹp.

Place des Vosges (quận 3) là quảng trường xưa nhất Paris và, nếu nói không ngoa, đẹp nhất thế giới. Quảng trường này trước kia có tên Place Royale, dành riêng cho vua chúa và giới quí tộc đến đây đua tranh tài nghệ. Ngày 30/6/1559, vua Henri II thách đấu kiếm với tất cả ngự lâm quân trong triều tại đây nhưng bị viên thủ lãnh ngự lâm quân Montgomery đâm thủng mắt ; viên ngự y Ambroise Paré nổi tiếng thời đó ra lệnh chặt đầu và móc mắt tất cả những tù nhân bị kết án tử hình để ghép vào mắt vua nhưng không thành, Henri II qua đời 10 ngày sau đó. Để mừng đám cưới của mình với hoàng hậu Anne d'Autriche (người Anh), vua Louis XIII cho xây dựng lại khu đất thành một quảng trường rộng lớn, hoàn tất năm 1612, để làm nơi tổ chức lễ hội và thi đấu tài nghệ giữa các gia đình hoàng tộc. Sau đám cưới mảnh đất này tiếp tục là nơi thi đấu từ giữa thế kỷ 16 đến nửa cuối thế kỷ 17 thì bị bỏ rơi, một số gia đình hoàng thân sau đó theo vua Louis XIV về điện Versailles cư ngụ năm 1668.

Nhà cửa chung quanh quảng trường được xây cất bằng gạch và đá với những mái nhà bằng ngói bằng đá đen (ardoise) từ Angers đem tới, tầng trệt là những hàng hiên dài và rộng lớn, tất cả chung quanh một ô vuông, mỗi cạnh 108 mét gồm 9 căn nhà, tổng cộng là 36 căn. Bốn khu nhà này chỉ dành riêng cho gia đình hoàng tộc cư ngụ ; căn nhà phía Bắc dành riêng cho vua và căn nhà phía Nam dành cho hoàng hậu cao hơn những nhà khác. Hồng y giáo chủ Richelieu cư ngụ tại đây năm 1615 ; bà Marquise (nam tước) de Sévigné được sinh tại đây ngày 5/2/1626. Sau 1668, khu này trở thành nơi cư ngụ của những gia đình quí tộc trung bình hay sĩ quan cao cấp của triều đình.

Trong thời Cách Mạng Pháp, khu này bị tịch thu, nhiều căn nhà bị cướp phá hay bị đốt. Place Royale bị đổi tên thành Place de l'Indivisibilité (không chia được), đến năm 1800 đổi thành Place des Vosges, để ghi nhớ Vosges là tỉnh đầu tiên nộp thuế dưới thời Bonaparte (tức Napoléon I sau này), và còn tồn tại cho tới ngày nay. Thời gian sau cách mạng, chính quyền Paris bán những căn nhà này cho những người có tiền mua lại với giá khá đắt. Place des Vosges ngày nay là một công viên hình vuông với bốn hàng cây ở bốn góc và bốn thảm cỏ cắt tỉa cẩn thận bao bọc một vòng tròn nhỏ với những lối đi được trải đá và cát ; tất cả bao quanh một hàng cây được trồng theo hình tròn mà trung tâm điểm là bản sao bức tượng vua Louis XIII cưỡi ngựa (bức tượng nguyên thủy bằng đồng đã bị quân cách mạng nấu chảy để đúc súng thần công).

paris4

Place des Vosges, một khu dân cư yên bình (rất đắc đỏ) trong khu Le Marais 

Xa hơn về phía Bắc là Square du Temple (quận 3). Gọi là Temple (đền thờ, ở đây phải hiểu là Hiệp sĩ) vì nơi đây trước kia là một pháo đài phòng thủ kiên cố của giáo phái Ordre des Templiers (Giáo phái Hiệp sĩ), được thành lập năm 1119 tại Jérusalem (Do Thái) để bảo vệ tín đồ đạo Công giáo trước sự tấn công của quân Hồi giáo trong cuộc thánh chiến. Sau khi đánh đuổi quân Hồi ra khỏi Jérusalem, những tu sĩ-chiến sĩ này chuyển nghề để trở thành những nhà tài phiệt, chủ ngân hàng hùng mạnh có mặt tại khắp Châu Âu. Tại Paris, giáo phái Les Templiers chọn địa điểm này làm môt pháo đài kiên cố, với những tường thành thật cao và một cầu quay (pont levis) thật lớn. Khu này có thể gọi là một quốc gia trong một quốc gia ; những người chống đối triều đình đều được vào đây cho tị nạn. Sức mạnh và sự giàu có của giáo phái này làm vua Philippe Le Bel lo ngại ; năm 1307 nhà vua lập mưu bắt tất cả các thủ lãnh của giáo phái này đem thiêu sống và tịch thu toàn bộ tài sản kếch sù của họ ; năm 1312 các tu sĩ dòng Saint Jean được đưa vào thay thế. Pháo đài này sau đó biến làm ngục giam những gia đình hoàng tộc dưới thời Cách Mạng Pháp, trong đó có vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette năm 1792, vua Louis XVI rời nhà giam này lên máy chém ngày 21-1-1793. Thời gian sau, vua Louis XIII (em Louis XVI) biến khu này thành một khu dân cư bình thường để xóa tan một quá khứ đau buồn. Tuy vậy, quanh Square du Temple vẫn còn lưu dấu nhiều ngôi nhà đồ sộ có từ thời Trung Cổ và Đại Thế Kỷ, như Tòa Thị Chính quận 3 (Mairie du 3e arrondissement, rue de Bretagne, quận 3), trường Conservatoire des Arts et Métiers (Boulevard Saint Martin, quận 3), Lycée Turgot, quận 3).

paris02

Pháo đài của Giáo phái Hiệp sĩ ngày nay đã mất hết dấu tích chỉ còn lại huyền thoại - Ảnh minh họa 

paris03

Lâu đài của Giáo phái Les Templiers được vẽ lại theo ký ức cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20

Hôtel de Ville (4 Place de l'Hôtel de Ville, quận 4) là một công trình kiến trúc vừa vĩ đại vừa sang trọng. Năm 1357, viên thanh tra trưởng các phường buôn Etienne Marcel mua mặt căn trên địa điểm này, lúc đó được gọi là Les Piliers (nhà cột trụ), vì tầng trệt là những cột trụ tạo thành một hành lang lớn, để tổ chức những buổi họp dành riêng cho các thanh tra và đại diện giới trưởng giả của thành phố. Với thời gian, căn nhà này được trang trí phong phú hơn và nới rộng thêm nhưng đến năm 1871 thì bị hỏa hoạn thiêu rụi tất cả. Năm 1882, chính quyền thành phố quyết định tái tạo lại hình dạng căn nhà này như ngày xưa. Nội thất của những phòng họp được trang hoàng lại một cách sang trọng với những tác phẩm điêu khắc chạm chìm vào vách tường, những bức tượng điêu khắc chạm trổ tinh vi, những tranh vẽ vĩ đại, những tấm thảm rực rỡ và những cầu thang bằng gỗ quí được đánh chùi bóng loáng dưới những trần nhà thật cao, được trang trí vừa tỉ mỉ vừa sang trọng và chiếu sáng bởi những lồng đèn bằng pha lê. Phía trước tòa nhà là một sân rộng với những hồ phun nước được dùng làm nơi tụ họp của quần chúng mỗi khi có lễ hội lớn.

Dưới thời Cách Mạng Pháp, căn nhà được tái tạo lại này biến thành Hôtel de Ville de Paris, tức Tòa hành chính thành phố, để quản trị thành phố Paris và vẫn còn giữ nguyên chức năng cho tới ngày nay. Sự sang trọng và phong phú của Tòa hành chính Paris là niềm tự hào không những của riêng người dân Paris mà còn là của cả nước Pháp, những buổi tiếp tân tại đây làm nhớ lại những buổi tiếp tân sang trọng và thời thượng của quá khứ. Những nhân vật chính trị lớn của Pháp ai cũng muốn làm chủ tòa nhà này trong một thời gian để chuẩn bị leo lên những nấc thang khác trong sự nghiệp chính trị.

Hôtel de Ville, nếu dịch sát nghĩa là "Khách sạn Thành phố" nhưng thật ra đó là "tòa thị chính", bởi vì sau Cách Mạng Pháp 1789 quần chúng đi theo cách mạng vào thành phố vừa làm việc vừa ngủ qua đêm trong những dinh thự của giới hoàng tộc và những cơ sở kiến trúc công cộng nên gọi chung tất cả là "hôtel", như Hôtel de Ville (Tòa hành chính thành phố), Hôtel des Impôts (Nha thuế vụ), Hôtel de la Préfecture (Tòa hành chính tỉnh), Hôtel de la Police (Nha cảnh sát), Hôtel de Lamoignon (Nhà của dòng họ Lamoignon), Hôtel de Rohan (Nhà của dòng họ Rohan), v.v...

Kiến trúc tiêu biểu của Đại Thế Kỷ trong khu Marais là Hôtel de Lamoignon (24 rue Pavée, quận 4). Khách sạn này được xây dựng năm 1584 cho con gái vua Henri II là công chúa Diane de France, hầu tước d'Angoulême, sau đó bán lại cho nhà quí tộc Lamoignon và bị tịch thu dưới thời cách mạng. Sau đệ nhị thế chiến, tòa nhà này được tu bổ lại dùng làm thư viện lịch sử của thành phố với 80.000 tranh vẽ, hơn một triệu tác phẩm viết tay và in về lịch sử Paris. Sân phía trong của tòa nhà này là sáu trụ cao được dựng dính vào vách tường và được trang hoàng rực rỡ với những tượng đầu chó, cung, tên và bao đựng tên như để tôn vinh tên của công chúa. Diane là nữ thần săn bắn trong thần thoại La Mã.

Đầu thế kỷ 18, hoàng thân Armand Rohan-Soubise có ý định muốn tặng cho cô con gái lớn, công chúa Rohan, một ngôi nhà để làm quà cưới. Năm 1705, Armand Rohan-Soubise mua được hai căn nhà trong khu Marais và giao cho kiến trúc sư Demair tái dựng và tân trang lại trong suốt 4 năm, và đến năm 1709 thì hoàn tất. Không ngờ, với tài nghệ của Delmair hai căn nhà trở thành những tác phẩm kiến trúc tuyệt vời. Armand Rohan-Soubise chọn ngôi nhà đầu, ngày nay là Hôtel de Rohan (87 rue Vieille du Temple, quận 3), làm nơi cư ngụ và tặng cho cô con gái ngôi nhà thứ hai, ngày nay là Hôtel de Soubise (60 rue des Francs Bourgeois, quận 3). Không vừa lòng với ngôi nhà của mình, công chúa Rohan mời những nghệ nhân danh tiếng thời đó và cũng là những người ái mộ mình như Van Loo, Restout, Natoire và Boucher trang hoàng lại những căn phòng để làm nơi tiếp tân, tất cả làm việc dưới quyền điều khiển của Germain Boffrand từ 1735 đến 1740. Từ đó ngôi nhà của công chúa Rohan trở thành nơi tổ chức những buổi tiếp tân thời thượng của giới quí tộc và trưởng giả lớn trong căn phòng hình bầu dục do Natoire trang trí. Armand Rohan-Soubise là một người đam mê ngựa cũng không chịu thua, ông thuê điêu khắc gia danh tiếng nhất thời đó, Robert Le Lorrain, vào tạc bức tượng nổi trên cánh cửa lớn của chuồng ngựa của mình, les Chevaux d'Apollon, từ đó căn nhà của ông trở thành nơi hành hương của những người đam mê ngựa. Cả hai ngôi nhà này bị tịch thu dưới thời cách mạng, cả gia đình dòng họ Rohan-Soubise đều bị đưa lên máy chém. Chính quyền thành phố Paris trở thành sở hữu chủ hai căn nhà sau 1800 dưới thời Napoléon I để làm nơi cư trú của sĩ quan và năm 1927 được tân trang lại để trở thành bảo tàng viện. Hôtel de Rohan hiện nay là bảo tàng tồn trữ một phần văn khố của nước Pháp và Hôtel de Soubise vừa bảo tàng tồn trữ văn khố quốc gia vừa là bảo tàng lịch sử nước Pháp, trong đó có bản di chúc của Napoléon I.

Bảo tàng Carnavalet (23 rue de Sévigné, quận 3) nằm giữa khu Marais, gồm hai ngôi nhà : Hôtel Carnavalet và Hôtel Le Peletier là bảo tàng lịch sử thành phố Paris. Hôtel Carnavalet được xây dựng năm 1545 bởi kiến trúc sư Nicolas Dupuis và Hôtel Le Peletier de Saint Fargeau xây dựng trong thế kỷ 17. Như mọi kiến trúc khác trong khu vực, hai ngôi nhà này bị tịch thu dưới thời cách mạng, các chủ nhân đều bị chết chém, và sau đó dưới tghời napoléon I thuộc quyền sở hữu của thành phố Paris. Trong thế kỷ 19, nhiều công trình tu chỉnh hai căn nhà, bị phá hoại trong thời cách mạng, để bảo tồn văn hóa cũ. Nội thất hai căn nhà này đã được tái tạo lại hoàn toàn và thông thương với nhau.

- Hôtel de Carnavalet gồm có hai tầng, mỗi tầng với nhiều phòng nhỏ. Ở tầng trệt nổi tiếng nhất là Salon de compagnie de l'hôtel d'Uzès, tức phòng trò chuyện, được tân trang lại năm 1761 với các tranh vẽ của Ledoux, các vách được lát bằng đá trắng, kế đến là những hành lang trưng bày lịch sử Paris cho tới thời kỳ Phục Hưng, phía sau là những khu vườn nội uyển được cát tỉa theo những hình rất đẹp. Ở tầng trên gồm có Salon Louis XV, với những bàn ghế và những vật dụng trong hoàng triều, và những hành lang trưng bày tác phẩm văn học thế kỷ 17 và 18 của bà Sévigné, tác phẩm triết học của Jean Jacques Rousseau và Voltaire... Các trần nhà đều được trang trí bằng những hình vẽ của thế kỷ 17 như họa sĩ Charles Le Brun.

- Hôtel Le Peletier gồm ba tầng. Tầng trệt trưng bày lịch sử của Paris từ đệ nhất Đế Quốc đến đệ nhị Đế Quốc, không có gì đặc sắc, nhưng tầng thứ nhất thì quá sang trọng. Tầng này trưng bày di tích lịch sử từ thời đệ nhị Đế Quốc đến ngày nay. Đẹp nhất là Salon de bal de l'Hôtel de Wendel, tức phòng khiêu vũ. Những ai muốn biết sinh hoạt của giới quí tộc Pháp hồi đầu thế kỷ 20 thì phải đến đây mường tượng lại khung cảnh xa hoa và giàu có của họ : nền nhà bằng gỗ được đánh xia (cire) bóng loáng, các vách tường là những thảm nhung trang trí rực rỡ với những khăn quấn đỏ thẩm, trần nhà là một tác phẩm điêu khắc tuyệt hảo, nói chung không bút nào diễn tả nổi. Những phòng kế tiếp trưng bày những vật dụng thường ngày, chỉ cần sở hữu một vật dụng thôi chủ nhân của nó phải mất một đời để tấm tắc khen sự tinh hảo của những người sáng tạo ra nó, như thợ kim hoàng Fouquet chẳng hạn. Tầng chót dành trọn cho thời Cách Mạng Pháp, nơi đây trưng bày hình ảnh và chân dung những người trực tiếp liên quan đến cách mạng, trong đó có chân dung hoàng hậu Marie Antoinette chịu tang (do Alexandre Kucharski vẽ năm 1793) khi vua Louis XVI bị chăt đầu và chân dung của Maximilien Robespierre, Georges Jacques Danton (người khởi xướng và cũng là người yêu cầu chấm dứt chính sách Kinh Hoàng năm 1793 nhưng bị Robespierre đưa lên máy chém năm 1794).

Bảo tàng viện Cognacq Jay (8 rue Elzévir, quận 3), còn gọi là Hôtel Donon, được xây dựng năm 1575 do dòng họ Donon làm chủ, sau đổi thành Hôtel Donon. Bị thời gian soi mòn, mặt tiền và nhiều phòng ốc khác được xây dựng thêm trong thế kỷ 18. Gia đình Ernest Cognacq và vợ là Louise Jay (hai người sáng lập cửa hàng La Samaritaine nổi tiếng), thuộc giới trưởng giả Paris, mua lại vào đầu thế kỷ 20 để trưng bày công trình sưu tập tác phẩm nghệ thuật và bàn ghế của thế kỷ 18. Sau khi cả hai qua đời năm 1929, căn nhà và bộ sưu tập này được tặng lại cho chính quyền thành phố Paris để trở thành một bảo tàng.

Hôtel de Sully (62 rue Saint Antoine, quận 4) là trụ sở của Quỹ bảo tồn các dinh thự và di tích lịch sử (Caisse des monuments historiques et des sites) chuyên triển lãm những tranh ảnh nghệ thuật cận đại dưới hầm. Năm 1624, nhà tài phiệt Mesme-Gallet cho xây một căn nhà đồ sộ theo kiểu Phục Hưng cho mình ở ; năm 1634 bán lại cho công tước de Sully, bộ trưởng thời vua Henri IV. Ông Sully liền cho sửa sang và trang trí lại nội thất và thành lập khu vườn nội uyển nhỏ, gọi là Petit Sully ; cổng ra vào được chạm trổ rất tinh vi và nghệ thuật với những vách tường chạm khắc đủ hình tượng thú vật và ngoại cảnh. Căn nhà này bị chiếm hữu thời cách mạng, thuộc về chính quyền Paris sau đó và hiện nay dùng làm bảo tàng trưng bày những tác phẩm vẽ trên giấy bồi, họa đồ và văn khố thành phố Paris.

Hôtel de Coulanges (35 rue des Francs Bourgeois, quận 4) được Philippe de Coulanges, cố vấn nhà vua, xây năm 1640 để ở. Người cháu gái bị mồ côi của ông, Marie, được nuôi nấng và lớn lên trong căn nhà này và sau này trở thành bà Nam Tước de Sévigné nổi tiếng. Năm 1662 thủ tướng Le Tellier mua lại căn nhà này để sát nhập vào căn nhà khác của ông bên cạnh (ngày nay là trụ sở của Tòa Nhà Châu Âu tại Paris). Căn nhà này, được tân trạng lại trong suốt thế kỷ 18, là biểu tượng của kiến trúc thế kỷ 16 và hiện nay là bảo tàng trưng bày cuộc đời của bà Sévigné và văn hóa của Châu Âu.

Hôtel Libéral Bruant (1 rue de la Perle, quận 3) thật ra là bảo tàng viện Bricard, nơi trưng bày các bộ sưu tầm về ổ khóa, nắm cửa và vật cản cửa, đặc biệt là những ổ khóa có từ thời La Mã cách đây 2000 năm. Libéral Bruant là một kiến trúc sư kiệt xuất, ông là người xây dựng điện Invalides, từ 1671 đến 1676, để chăm sóc thương bệnh binh. Căn nhà này do chính ông xây dựng lấy dùng để ở, với lối kiến trúc hoàn toàn khác với Invalides. Cửa chính vào căn nhà được trang trí rất đẹp với những bức tượng chạm chìm và nổi. Bị cách mạng tịch thu, sau giao lại cho thành phố Paris, căn nhà này đã được tu sửa lại rất nhiều để trở thành bảo tàng ổ khóa, những người sưu tầm chìa khóa và những tay trộm cắp chuyên nghiệp phải ồ lê lên thán phục trước những sáng kiến của người xưa trong việc bảo vệ tài sản riêng của họ bằng những ổ khóa.

Căn nhà số 1 rue du Figuier, quận 4 hiện nay, là Hôtel de Sens, một kiến trúc còn sót lại của thời Trung Cổ. Nhìn từ xa người ta có cảm tượng đó là một lâu đài của công chúa Lọ Lem, ngày nay là thư viện Forney bảo tồn và lưu giữ những tác phẩm về nghề nghiệp và kỹ thuật của nghệ nhân Paris từ xưa đến nay. Ngôi nhà này, hoàn tất năm 1519, được hồng y Pellevé giáo phận Sens biến thành một pháo đài phòng thủ kiên cố năm 1594 chống lại sự tấn công của vua Henri IV vào Paris. Nhưng cuối cùng pháo đài này cũng bị thất thủ và vua Henri IV chọn nơi ngôi nhà đẹp đẽ này làm phòng the cho bà vợ cũ là Maguerite de Valois, được biết nhiều dưới tên "la reine Margot". Hoàng hậu Margot một người đàn bà dâm đãng nhất thời đó, bà có cả một bộ sưu tầm tóc của những người đàn ông đã qua tay bà ít nhất một lần trong căn nhà này.

paris5

Căn nhà số 1 rue du Figuier, quận 4 hiện nay, là Hôtel de Sens, một kiến trúc còn sót lại của thời Trung Cổ.

Căn nhà số 60 rue des Archives, quận 3 hiện nay, là Hôtel Guénégaud, được xây dựng vào giữa thế kỷ 17 bởi kiến trúc sư danh tiếng François Mansart cho bộ trưởng tư pháp Henri de Guénégaud des Brosses. Căn nhà này, bị hư hại nhiều dưới thời cách mạng và thuộc thành phố Paris sau đó, đã được tu sửa lại và năm 1967 André Malraux biến thành bảo tàng viện săn bắn và thiên nhiên của thành phố Paris. Bảo tàng này vừa trưng bày những tác phẩm hội họa nổi tiếng của Rubens, Rembrant và Monet về thiên nhiên vừa triển lãm những thành tích về săn bắn : những ngà voi to lớn, những thú rừng quí hiếm được nhồi rơm cùng những vũ khí săn bắn như cung, nõ với những bộ sưu tầm về súng săn của thế kỷ 16 và 17.

Ngôi nhà số 5 rue de Thorigny hiện nay là Hôtel Salé là một ngôi nhà to lớn được xây dựng năm 1656 cho Aubert de Fontenay, một người thu thuế muối, vì thế căn nhà của ông mang tên Salé, có nghĩa là muối mặn. Sau ngày Picasso chết, con cháu ông bán lại cho chính phủ Pháp một phần lớn tranh vẽ và tượng của ông. Năm 1885, Tòa Thị Chính Paris chọn Hôtel Salé làm Bảo Tàng Picasso, trưng bày cuộc đời của họa sĩ quá cố nổi tiếng Pablo Picasso (1881-1973) qua những bức tranh và tượng tạc. (Picasso là người Tây Ban Nha, tị nạn sang Pháp năm 1934, trốn chế độ độc tài Franco). Những nét kiến trúc xưa của ngôi nhà được bảo tồn nguyên vẹn, gồm một nhà trệt, một lầu, một căn hầm và một sân trong rộng lớn. Dưới hầm là những tác phẩm vẽ từ thập niên 1950 đến năm 1973 ; nhà trệt và sân trong tiễn lãm tranh và tượng sáng tác từ thập niên 1930 đến 1950, và lầu một là những tranh vẽ từ đầu thập niên 1910 đến cuối thập niên 1920. Những bức tranh tiêu biểu nổi tiếng của mỗi giai đoạn là Autoportrait (1901), Les Deux frères (1906), Violon et partition (1912), Deux femmes courant sur la plage (1922), Peintre avec palette et chevalet (1928), Femme lisant (1932), Le Baiser (1969) ; những bức tượng tiêu biểu là Femme à la mantille (1949), Les Baigneuses (1956).

Nói đến khu Marais thì cũng phải nhắc đến những ngôi nhà thờ cổ kính. Đạo Công giáo trở thành quốc giáo khi Clovis đánh bại quân La Mã năm 485, lên ngôi vua và chọn Paris làm kinh đô của người Francs công giáo. Từ đó trở đi giáo quyền và quân quyền hòa trộn với nhau, phong trào xây dựng nhà thờ và tu viện cũng trở nên ồ ạt. Khu Marais nằm trong phong trào đó nhưng chậm hơn bên kia bờ tả ngạn, vì khu sinh lầy Les Marais chỉ được lấp bằng vào thế kỷ 14 và những ngôi giáo đường đúng danh nghĩa chỉ khởi sự xây dựng từ thế kỷ 17.

Giáo đường Saint Paul - Saint Louis (99 rue Saint Antoine, quận 4) được vua Louis XIII đặt viên đá đầu tiên năm 1627, dành riêng cho các tu sĩ Dòng Tên (Jésuites), với một nóc chuông cao 60 mét và được trang trí phong phú. Đến năm 1762 các giáo sĩ này bị đuổi khỏi nước Pháp và ngôi giáo đường này được giao lạo cho hội truyền giáo Compagnie de Jésus. Trong thời cách mạng, giáo đường này bị cướp phá và bị hư hại nặng, đến giữa thế kỷ được sửa sang lại với bức tranh thật lớn của Eugène Delacroix, Le Christ au jardin des Oliviers, vẽ tặng vào giữa thế kỷ 19.

Giáo đường Saint Gervais - Saint Protais (Place Saint Gervais, quận 4) được xây dựng lại năm 1621, trên thầm một ngôi giáo đường xưa có từ thế kỷ 6, để tưởng nhớ hai thánh tử đạo Gervais và Protais. Nhạc sĩ đàn orgue François Couperin đã sáng tác nhiều nhạc phẩm dành riêng cho các buổi lễ trong ngôi giáo đường này, truyền thống cử hành lễ ngày nay vẫn còn tiếp tục với đoàn hợp xướng do các nam tu sĩ dòng Fraternité monastique de Jérusalem hát, hấp dẫn cả thế giới.

Le Cloitre des Billettes (24 rue des Archives, quận 4) là giáo viện duy nhất còn sót lại từ thời Trung Cổ. Được xây dựng năm 1427, giáo viện này gồm bốn hành lang với những cột chống vòm tròn dưới những nóc cao. Đến thế kỷ 18 các tu sĩ dọn đi nơi khác, giáo viện này trở thành nơi hành lễ của phe cải cách và nơi trình diễn âm nhạc.

Giáo đường Notre Dame des Manteaux Blancs (12 rue des Blancs Manteaux, quận 4) được xây dựng năm 1648, trên thềm một tu viện cũ thuộc dòng Augustins có từ 1258, để tôn vinh bà Maria, mẹ của Jésus. Vì các tu sĩ dòng Augustins thường mặc áo thụng trắng nên ngôi giáo đường lấy luôn tên. Trong thế kỷ 18, một bục cao đựng dựng lên giữa nhà thờ để hành lễ và cũng là nơi để các dàn nhạc đến hòa tấu thánh ca.

Nhưng Le Marais còn nổi tiếng với những con đường lịch sử, du khách phải dùng chân lại ngắm nhìn từng căn nhà trong mỗi khu phố mới khám phá hết những nét đẹp lịch sử của đời sống ngày xưa và thời nay.

- Rue des Francs Bourgeois (quận 3 và quận 4), bắt đầu từ Hôtel de Soubise và Musée Carnavalet đến Place des Vosges, là con đường còn lưu giữ nhiều "hôtel" (nhà khách) có từ đầu thế kỷ 16 đến nay : Hôtel d'Albre (số 31) với cánh cửa cổng vào chạm trỗ rất công phu, Hôtel de Coulanges (số 37), Hôtel de Sandreville (số 26), Maison du 17ème siècle (số 39), Hôtel d'Almeyras (số 30), v.v...

paris6

Rue des Francs Bourgeois (quận 3 và quận 4) là con đường còn lưu giữ nhiều "nhà khách" có từ đầu thế kỷ 16 đến nay

- Rue des Rosiers (quận 4) trước kia là đường tuần canh của binh lính bảo vệ lâu đài vua Philippe Auguste (1180-1223), hai bên đường được trồng hoa hồng nên mới có tên là Rosiers. Con đường này ngày nay gần như là con đường dàng riêng cho người Do Thái. Người Do Thái có mặt tại đây từ thế kỷ 12 và bị đuổi khỏi khu phố vào cuối thế kỷ 14. Đến thời Cách Mạng Pháp, vài trăm người Do Thái về lại nơi đây mua nhà và sinh sống bằng nghề buôn bán tạp hóa và cho vay. Cuối thế kỷ 19 cộng đồng người Do Thái trên con đường này gia tăng với sự di cư ồ ạt của người Do Thái (ashkénazes) từ Trung Âu sang, sinh sống bằng nghề buôn bán sỉ ; đến thập niên 1960, cộng đồng người Do Thái Bắc Phi (sépharades) tiến vào hội tụ, sinh sống bằng nghề kim hoàng, may mặc.

Vào giữa thập niên 1980, cộng đồng người Hoa Đông Dương và đầu thập niên 1990 người Hoa Hồng Kông tìm mua những khu phố lụp xụp của cộng đồng người Bắc Phi trong khu vực để mở tiệm buôn bán. Họ nhận thầu gia công quần áo may sẵn và đồ nữ trang của người Do Thái. Tiếng đồn xấu về cộng đồng người Hoa tại Paris xuất phát từ khu này, số người Hoa nhập cảnh lậu từ lục địa vào đây rất đông và sinh sống trong những căn phòng chật chội và làm việc không ngừng nghỉ cho giới chủ thầu hàng may mặc. Cảnh sát Pháp đã nhiều lần tiến vào khu này lục soát và bắt rất nhiều người Hoa không có giấy tờ nhập cảnh hợp lệ.

Cộng đồng người Hoa sinh sống xen kẻ với người Ả rập Bắc Phi và Do Thái trong những con đường nhỏ hẹp của quận 3, như Rue Pavée (có từ năm 1450 là con đường được lát đá đầu tiên), Rue de Turenne (trước kia là con đường dành cho vua đi với tên Allée du Roi), Rue Payenne (với những ngôi nhà xưa rất đẹp), Rue Vieille du Temple (có từ thế kỷ 13), Rue des Gravilliers (nổi tiếng với các cửa hàng buôn sỉ đồ da, nữ trang rẻ tiền), Rue des Vertus (với các hàng quán ả rập), Rue Au Maire (khu bình dân ồn ào), Le Carreau du Temple (gồm hai con đường : Dupetit Thouars và Perrée là nơi buôn sỉ quần áo may sẵn), Rue du Temple với nhiều ngôi nhà xưa...

Căn nhà số 3 rue Volta (quận 3) là căn nhà xưa nhất khu vực, được xây dựng vào khoảng năm 1300, tiêu biểu cho lối kiến trúc thời Trung Cổ với những cột gỗ lớn chôn trong vách tường vôi và trên những cánh cửa bằng gỗ, những bệ cửa sổ trước kia dùng làm nơi trưng bày hóa và những trần nhà thấp (chỉ cao 2 mét).

Le mémorial du Martyr Juif inconnu là một tượng đài tưởng niệm người Do Thái vô danh dựng ở chân một ngôi nhà màu trắng, số 17 rue Geoffroy, quận 4, hiện là trung tâm lưu trữ văn khố chứa đựng hơn 800.000 hồ sơ người Do Thái tại Paris và 40.000 sách báo nói về cuộc sát hại người Do Thái trong thời đệ nhị thế chiến.

Nguyễn Văn Huy

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 769 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)