Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 12 août 2024 16:27

Paris bên bờ hữu ngạn - 4

Khu Chaillot (quận 16)

Chaillot là một khu dân cư khá mới so với những khu phố danh tiếng khác trong thành phố Paris nhưng là một thắng cảnh không thể bỏ qua. Tuổi đời tuy còn khá trẻ, nhà cửa chỉ được xây dựng từ thời Trung Cổ, tức chỉ cách đây khoảng 500 năm, nhưng đây là khu phố mà những người giàu có nhất nước Pháp (và trên thế giới) đều muốn có một ngôi nhà trong quận 16 này của thành phố Paris.

chaillot4

Chaillot là khu phố mà những người giàu có nhất nước Pháp (và trên thế giới) đều muốn có một ngôi nhà trong quận 16 này của Paris.

Nếu giá nhà đất tại khu Opéra được xem là đắt nhất Paris thì giá nhà đất tại khu Chaillot vượt ngoài lượng định, nghĩa là rất đắt hay quá đắt so với túi tiền của những người được xem là có tiền nhất, giới bình dân coi như bị loại ra khỏi khu phố này. Diện tích nhà ở (chứ không phải đất xây dựng) trị giá trung bình từ 10.000 đến 12.000 USD một mét vuông và nhà cửa trong khu này không được xây cao quá 6 tầng vì phải tôn trọng vẻ mỹ quang chung, tức không được trái ngược với những kiến trúc xưa.

Đường phố trong quận, đa số là đại lộ (avenue), rất rộng lớn so với các nơi khác trong thành phố vì được xây dựng vào giữa thế kỷ 19, do nam tước Haussmann thiết kế. Người nào cho ai một địa chỉ cư trú tại đây thì phải hiểu ngầm đó là một người có tiền hoặc thuộc một gia đình quyền quí. Chính vì sự sang trọng của nó, Chaillot là khu vực yên tịnh nhất Paris ; trụ sở các tòa đại sứ và lãnh sự của các quốc gia lớn trên thế giới, kể cả tòa thánh Vatican, đều tập trung vào đây.

Nhưng quận 16 không chỉ là nơi dành riêng cho những người giàu có và các sứ quán quốc tế, nó còn là một khu di tích lịch sử và một khu du lịch nổi tiếng với quảng trường Trocadéro và điện Chaillot, một kiến trúc đồ sộ đối diện với tháp Eiffel. Mặc dầu vậy, vì tuổi đời còn quá trẻ Chaillot chỉ qui tụ những bảo tàng viện lớn nổi tiếng nhất của Paris và nước Pháp để trưng bày những di tích về nguồn gốc con người và các sinh hoạt nghệ thuật.

chaillot2

Sân đi dạo Trocadéro – ban công nhìn tháp Eiffel

Từ đầu thế kỷ 6, Chaillot chỉ là hai ngôi làng nhỏ, Auteuil và Passy, chuyên sống bằng nghề trồng nho cung cấp rượu cho triều đình và dân chúng Paris quanh Đảo Thị Trấn. Vào giữa thế kỷ thứ 10, một lâu đài dành riêng cho một bậc vương tôn được xây dựng lên trên đỉnh đồi ở giữa hai ngôi làng này (đồi Chaillot) nhằm ngăn chặn quân cướp và thu thuế nông phẩm. Đến cuối thế kỷ 15, khi an ninh quanh thành phố Paris đã được bảo đảm và sinh hoạt chính trị tập trung quanh điện Louvre và khu Marais, lâu đài này bị bỏ hoang. Một số nữ tu dòng Đức Mẹ Thăm Viếng (Visitation) mua lại lâu đài và biến thành một nữ tu viện và một viện mồ côi. Để có lợi tức, trẻ em mồ côi được đưa vào làm việc trong một xưởng sản xuất xà bông cạnh đó (ngày nay là viện bảo tàng nghệ thuật mới của thành phố Paris). Nếu sinh hoạt của Chaillot chỉ dừng lại tại đây thôi thì khu đất này không có gì đáng nói. Người có công làm hai ngôi làng nhỏ bên bờ hữu ngạn này trở nên nổi tiếng là Bonaparte, tức hoàng đế Napoléon I.

Để kỷ niệm chiến thắng quân Phổ năm 1806 tại Iéna, một thành phố tại Đông Đức cũ, Napoléon I cho xây một cây cầu lớn bắc ngang sông Seine (cầu Iéna), nối liền Trường Quân Sự (École Militaire), nơi ông tốt nghiệp khóa sĩ quan năm 1785, với tu viện Visitation trên đỉnh đồi Chaillot (đối diện tháp Eiffel ngày nay) để vận chuyển vật liệu xây cất một biệt điện thật lớn cho con trai của ông là Napoléon II (1811-1832), lúc đó vừa mới ra đời. Đang xây cất nửa chừng thì Napoléon I bị đánh bại tại Waterloo năm 1815, đế quốc Pháp tan rã, công trình xây dựng bị đình chỉ. Phải chờ đến giữa thế kỷ 19, khi nam tước Haussmann mở rộng các đại lộ từ khu Opéra và Champs Élysées đến Chaillot, ngôi biệt điện mới được hoàng đế Napoléon III cho tiếp tục và chỉ hoàn tất vào năm 1878 để tổ chức cuộc triển lãm thế giới, gọi là Palais du Trocadéro. Năm 1937, Palais du Trocadéro bị đập phá đi để biến cải lại thành Palais du Chaillot, để tổ chức cuộc triển lãm thế giới về nghệ thuật và kỹ thuật. Cầu Iéna cũng được nới rộng thêm để sự lưu thông thêm dễ dàng. Sau cuộc triển lãm, các phòng ốc trong Palais du Chaillot được ngăn chia thành những bảo tàng viện nhỏ.

chaillot3

Tượng đồng đầu bò và con hươu đang nhảy do điêu khắc gia Paul Jouve tạc hồi nửa đầu thế kỷ 20

Palais de Chaillot (17, Place du Trocadéro), do các kiến trúc sư Azéma, Louis Auguste Boileau và Jacques Carlu vẽ kiểu và xây dựng từ 1935 đến 1937, là một khu nhà to lớn gồm hai dãy nhà hình vòng cung đồ sộ với những trụ cột cao to, mỗi dãy được kết thúc bởi hai cao ốc lớn ở mỗi đầu. Mặt tiền của mỗi dãy nhà được trang hoàng bởi vô số tượng hình chạm nổi trên đá diễn tả lại những sinh hoạt của người Pháp từ xưa đến nay, mỗi hình tượng là một tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ. Hai dãy nhà hình vòng cung dài 195 mét, bao quanh một bễ phun nước vĩ đại ở phía dưới, như cánh tay người mẹ ôm choàng đứa con tràn đầy sức sống đang thi thố tài năng, hai bên là một khu vườn rộng 10 hecta. Bễ nước này được giới du lịch nhìn nhận là bễ nước lớn và đẹp nhất thế giới với nhiều hình tượng thiếu nữ khỏa thân và ngựa khổng lồ chạm trên đá và đồng của những điêu khắc gia Pháp nổi tiếng nhất trong những năm 1930.

Vào những dịp lễ lạc, các vòi phun nước (gọi là canon) gia tăng công suất bắn ra những tia nước cao xa tạo một cảnh quang rất đẹp mắt. Ban đêm nguồn ánh sáng cực mạnh từ đáy hồ chiếu lên làm nổi bật những tượng người và ngựa giữa bễ nước. Tháp Eiffel nhìn từ Trocadéro qua màng nước trắng trông rất mờ ảo và hùng vĩ. Khu vườn hai bên bễ nước được chăm sóc cẩn thận với nhiều bức tượng được chạm trỗ công phu và mỹ thuật rải rác khắp các lối đi ngoằn nghèo như để chứng kiến những lời tình tự của những người yêu nhau trong một không gian nhỏ hẹp. Vào những dịp lễ lớn hay ngày nghỉ, thanh niên nam nữ thường hẹn nhau đến đây biểu diễn roller và skateboard chung quanh bễ nước.

chaillot1

Khu vườn hai bên bễ nước được chăm sóc cẩn thận với nhiều bức tượng được chạm trỗ công phu và mỹ thuật rải rác khắp các lối đi ngoằn nghèo như để chứng kiến những lời tình tự của những người yêu nhau trong một không gian nhỏ hẹp.

Các phòng ốc trong điện Chaillot ngày nay được tổ chức thành những bảo tàng viện nhỏ, nơi triển lãm những tác phẩm nghệ thuật, một nhà hát kịch và một phòng những loại chiếu phim hiếm có. Có tất cả năm viện bảo tàng trong và ngoài điện Chaillot :

- Viện bảo tàng về con người (Musée de l'homme), được thành lập năm 1938 ở đầu dãy nhà phía Tây của điện Chaillot, gồm hai tầng, trưng bày đồ vật và những tác phẩm từ thời đồ đá cùng những hình ảnh liên quan đến nguồn gốc con người trên khắp năm Châu qua ba chủ đề : thời tiền sử, nhân chủng học và dân tộc học.

- Viện bảo tàng hàng hải (Musée de la marine), do một thái tử con vua Charles X thành lập năm 1827. từ 1943 viện này triển đủ loại trang thiết bị và hơn 2.000 đồ vật trang trí trên các tàu thuyền cùng những loại tàu thuyền thu nhỏ của Pháp, từ các loại thuyền buồm có mái chèo đến các loại tàu chiến, tàu ngầm và hàng không mẫu hạm nguyên tử trong 13 hải cảng lớn nhất của Pháp từ thế kỷ 17 đến nay.

- Viện bảo tàng dinh thự Pháp (Musée des monuments français) gồm hai tầng được thành lập từ 1879 bởi kiến trúc sư Viollet Le Duc, người đã tân trang lại Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris), lưu trữ vật liệu, những cánh cửa, tác phẩm điêu khắc cùng những mô hình thu nhỏ các dinh thự trên khắp nước Pháp từ thế kỷ 7 đến 19, phần lớn đã bị hư hao hay biến mất.

- Viện bảo tàng các loại phim xưa cũ và hiếm có của Pháp (Cinémathèque française) do Henri Langlois, một người đam mê điện ảnh, thành lập năm 1936. Bộ sưu tầm phim hiếm có và xưa cũ của ông rất phong phú. Từ 1963 trở đi người ta có thể mua vé vào xem những loại phim xưa theo chủ đề hay theo tên tuổi của những diễn viên.

- Viện bảo tàng điện ảnh (Musée du cinéma), cũng do Henri Langlois thành lập, lưu trữ hơn 5.000 vật liệu trang trí và vật dụng liên quan đến nghệ thuật thứ bảy lúc ban đầu cùng áo quần và đồ trang sức của các tài tử danh tiếng như Rudolf Valentino, Marylin Monroe.

Cũng nằm trong điện Chaillot, nhưng cửa vào ở số 11 Avenue du Prùésident Wilson, là Viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại của thành phố Paris (Musée d'art moderne de la ville de Paris) trong Palais de Tokyo ở dãy nhà hình vòng cung phía Đông. Nền nhà của viện bảo tàng này trước kia là một xưởng dệt thảm do vua Henri IV thành lập để dệt thảm riêng cho hoàng gia, năm 1825 vua Charles X dời xưởng này về đường Gobelins (quận 13), cơ xưởng này bị thiêu rụi năm 1914 sau một trận hỏa hoạn lớn và trở thành một bãi đất trống. Năm 1937 địa điểm này được sát nhập vào công trình xây dựng điện Chaillot, ngày nay là viện bảo tàng này trưng bày những sáng tác thuộc mọi khuynh hướng mới về hội họa và điêu khắc do năm nhà hảo tâm thu thập được trong suốt thế kỷ 20, đặc biệt là bức tranh lớn nhất thế giới, Nàng Tiên Điện Lực (Fée Électricité) của Raoul Dufy, rộng 600 mét vuông. Trước cổng ra vào là hai tác phẩm điêu khắc bằng đồng của Gabriel Forestier.

Phía sau điện Chaillot là quảng trường Trocadéro. Quảng trường này trước kia có tên là Place du Roi de Rome để vinh danh con của Napoléon I là công tước Reichstadt, biệt danh là Ó Con (Aiglon), năm 1878 đổi thành Place du Trocadéro. Trocadéro là một địa danh tại Tây Ban Nha, gần Cadix, bị quân đội Pháp chiếm đóng năm 1823 sau một trận thư hùng đẫm máu. Ở giữa quảng trường là một pho tượng bằng đồng thống chế Ferdinand Foch cưỡi ngựa do hai điêu khắc gia danh tiếng Robert Wlérick và Raymond Martin tạc năm 1951. Foch là người chỉ huy quân đội đồng minh đánh thắng quân Đức năm 1918. Từ nơi đây du khách có thể nhìn tháp Eiffel giữa hai dãy nhà một cách toàn diện.

Kế cạnh quảng trường Trocadéro là một nghĩa trang nhỏ nhưng được rất nhiều người ao ước được chôn cất tại đây sau khi chết : Cimetière de Passy (Rue du Commandant Schlœsing) chỉ dành riêng cho những người có công và danh tiếng nhất của Paris. Trong ngôi nhà chờ đợi, được xây dựng giống như Palais de Chaillot nhưng nhỏ hơn, khách đến viếng thăm có thể đọc trong sổ phúng điếu bút ký của những người đến phúng điếu cách đây 200 năm.

Khi thành lập viện bảo tàng các nghệ thuật Châu Á tại thành phố Lyon (cách Paris 450 cây số về phía Nam) năm 1879, nhà kỹ nghệ Emile Guimet không ngờ nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các nhà bác học và giới nghiên cứu đông phương học, đặc biệt là các giáo sư thuộc Trường Viễn Đông Bác Cỗ Pháp (Ecole Française de l'Extrême Orient) đang công tác tại các quốc gia Châu Á thời đó. Sau một thời gian hiện hữu, viện bảo tàng Guimet trở nên chật hẹp vì không còn đủ chỗ để chứa những báu vật và tác phẩm văn học nghệ thuật cổ xưa mang về từ khắp Châu Á. Năm 1889, được chính phủ Pháp thời đó tài trợ, Guimet dời viện bảo tàng của ông lên Paris để cho nhiều người đến xem, đồng thời mở thêm bên cạnh một viện nghiên cứu để cho giới nghiên cứu đông phương học đến khảo sát các báu vật tại chỗ. Từ đó Viện bảo tàng Guimet (Musée Guimet) có thêm một tên mới là Viện bảo tàng quốc gia nghệ thuật Châu Á (Musée national des arts asiatiques, 6 Place d'Iéna). Đây là viện bảo tàng được nhiều người đến xem nhất tại Paris sau Viện bảo tàng Louvre. Tại đây khách vào thăm có thể chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của những nền văn minh đã biến mất như Champa và Angkor, những tượng bằng đất nung, đồ sành sứ của Trung Hoa và những hình tượng các vị thần Ấn Độ bằng đá và đồng. Sau một thời gian hiện diện, viện bảo tàng Guimet trở nên già cỗi và gặp lại khó khăn cũ : diện tích. Năm 1997, số đồ vật quá nhiều và số người vào xem quá đông, viện bảo tàng Guimet trở nên chật hep và phải đóng cửa để tân trang lại nội thất rộng lớn và ấm cúng hơn. Viện bảo tàng Guimet chỉ mở cửa lại vào đầu năm 2001.

Bên hông bảo tàng Guimet là Bảo tàng Phật giáo (Musée du Panthéon bouddhique, 19 Avenue d'Iéna). Lịch sử đạo Phật tại Trung Quốc và Nhật Bản được tạo dựng lại trong các hành lang, bao quanh một khu vườn Nhật Bản nhỏ và đẹp mắt, gồm những tác phẩm và tượng Phật thu thập được từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 19.

Viện bảo tàng truyền thanh của Pháp (Musée de radio France, 116 Avenue du Président Kennedy) được thành lập cùng thời với Đài trung tâm phát thanh Pháp (Maison de la Radio), do kiến trúc sư Henri Bernard xây dựng năm1952 và hoàn thành năm 1963. Đây là một khu nhà đồ sộ hình tròn bằng kiếng đen và nhôm trên hữu ngạn sông Seine, gồm ba dãy nhà hình bán nguyệt nối liền với nhau với 60 phòng phát thanh 25 thứ tiếng và 5 cây số hành lang. Ở giữa là một tòa nhà hình tròn cao gần 70 mét, 23 tầng, dùng làm văn phòng và nơi lưu trữ tài liệu phát thanh. Viện bảo tàng nằm trong ngôi nhà hình tròn này trưng bày các loại dụng cụ truyền thành từ 1793 đến nay.

Viện bảo tàng rượu nho (Musée du vin, 5 Square Charles Dickens), trước kia là một vườn nho sau biến thành nơi cấp nước miễn phí cho dân chúng Paris năm 1868 (con đường dẫn đến viện bảo tàng này có tên rue des Eaux là vì vậy). Viện bảo tàng này trưng bày lịch sử và tượng các ông tổ nghề lưu linh từ thời Trung Cổ đến nay. Tại đây người ta có thể mua và thưởng thức các loại rượu nho, tìm hiểu sự tiến hóa của nghề làm rượu nho từ thủ công đến kỹ nghệ, với đủ loại chai lọ chứa rượu.

Trong căn nhà số 59 Avenue Foch là hai viện bảo tàng : Viện bảo tàng Enery (Musée d'Enery) và Viện bảo tàng của người Arménien (Musée arménien). Viện bảo tàng Enery, được thành lập giữa thế kỷ 19, trưng bày những đồ vật nghệ thuật từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 do nhà văn Adolphe Enery mua từ Trung Quốc và Nhật Bản mang về. Viện bảo tàng Armenién trưng bày các di tích lịch sử 4.000 năm của người Armenian và những báu vật của vương quốc Ourartou (thế kỷ 7 trước công nguyên). Armenian ngày nay là một sắc dân bị phân tán trong ba quốc gia : Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Edith Piaf - Sous le ciel de Paris

Paris không chỉ là thành phố văn hóa mà còn là thành phố của thời trang và trưng diện. Chính vì thế Paris là nơi duy nhất trên thế giới có một Viện bảo tàng thời trang và áo quần (Musée de la mode et du costume, 10 Avenue Pierre 1er de Serbie) lưu trữ hơn 100.000 bộ áo quần từ năm 1735 đến nay, trong đó có nhiều bộ áo quần do các mệnh phụ và công nương thuộc các dòng quí tộc tặng như bà nam tước Hélène de Rothschild và hoàng hậu Grace de Monanco. Vấn đề là các bộ áo quần không được trưng bày một cách thường trực vì cần được bảo quản, do đó cứ mỗi sáu tuần các bộ quần áo được thay đổi và triển lãm theo từng chủ đề. Những ai thích ăn sang mặc đẹp phải vào đây xem cách người xưa ăn mặc để tìm cảm hứng tạo cho mình một cách trưng diện riêng. Đó là chưa kể kiến trúc độc đáo của viện bảo tàng này, một cung điện được xây dựng theo khuynh hướng Phục Hưng của Ý, do kiến trúc sư Louis Ginain thực hiện năm 1892, cho bà bá tước Maria de Ferrari Galleria ở, gọi là Palais Galléria.

Nói đến thời trang thì phải nói đến đồ giả mạo. Áo quần thời trang ai cũng biết là rất đắt, chỉ những giới quyền quí, giàu sang và nghệ sĩ tên tuổi mới đủ khả năng mua sắm hay đặt may bởi những nhà sáng tạo thời trang, mỹ phẩm và mỹ vị danh tiếng như các nhãn hiệu Cartier, Yves Saint Laurent, Lacoste hay Oréal, Bourjois, Fauchon, Cognac v.v... Do không thể thụ đắc áo quần thời trang hay mỹ phẩm sang trọng, phong trào làm đồ giả bắt chước đồ thật rất là phổ biến, mặc dù bị chế tài rất gắt gao. Chính vì thế Paris cũng là thành phố duy nhất trên thế giới có một Viện bảo tàng đồ giả mạo (Musée de la contrefaçon, 16 rue de la Faisanderie) trưng bày những đồ trang sức giả (nữ trang, son, phấn, nước hoa, rượu, áo quần...) từ thời gallo romain (cách đây 2.000 năm) tới nay. Tuy là đồ giả mạo nhưng nếu nhìn kỹ trông rất giống đồ thật vì được bắt chước rất công phu, giá cả cũng đắt gần bằng đồ thật.

Ngôi nhà của văn hào Honoré de Balzac (Maison de Balzac, 47 rue Raynouard) cũng được biến thành bảo tàng năm 1949, trưng bày đồ vật, di tích sáng tác và cuộc đời tình ái của ông với bà Hanska. Căn nhà này được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, nhưng Balzac chỉ cư ngụ từ 1840 đến 1847. Trong căn nhà này, Balzac đã sáng tác rất nhiều tiểu thuyết nổi tiếng trong bộ truyện La Comédie humaine (Hài kịch nhân loại) như La Cousine Bette (1846).

Nhiều viện bảo tàng nhỏ khác như Musée Clémenceau (8 rue Franklin) bảo tồn đồ vật của thống chế Clémenceau, Fondation Dapper (50 Avenue Victor Hugo) triển lãm các tác phẩm nghệ thuật Châu Phi trong một khu vườn bằng tre.

Quận 16 còn nổi tiếng với Bois de Boulogne, một khu rừng rộng 865 hecta ở tận cùng phía Tây thành phố Paris. Khu rừng này trước kia là Forêt du Rouvre sau đổi thành Bois de Boulogne dưới thời Napoléon III. Bois de Boulogne được nam tước Haussmann xây dựng giữa thế kỷ 19, dựa theo khuôn viên rừng Hyde Park tại London, để dân chúng Paris vào dạo mát và hít thở không khí trong lành. Rừng Boulogne được thành hai khu vực : Pré Catalan và Jardins de Bagatelle.

- Pré Catelan là một khu rừng nhỏ với nhiều loại cây quí lạ, đặc biệt là một cây sồi (hêtre) cao lớn nhất Paris được trồng ngay giữa khu rừng. Ban đêm những người nhát gan không nên vào đây vì là nơi hành nghề của giới mãi dâm, đặc biệt là những nam thanh niên Brazil bơm ngực giả làm kỹ nữ mời chào khách mua hoa dọc các lề đường trong khu rừng.

- Jardins de Bagatelle là một khu vườn trồng đủ loại hoa, nhất là hoa hồng. Mỗi năm vào ngày 21-6 một cuộc triển lãm hoa hồng quốc tế được tổ chức tại đây để mọi người vào xem. Trong vườn Bagatelles có một ngôi nhà xinh xắn được xây dựng vào thế kỷ 18 trong 64 ngày, kỷ lục này là kết quả của một sự cá cuộc giữa bá tước d'Artois với em dâu của ông là hoàng hậu Marie Antoinette, vợ vua Louis XVI.

Khu Montmartre (quận 18)

Khu phố cần viếng thăm cuối cùng trong loạt bài viết về Paris năm 2024 là Montmartre.

chaillot5

Một thợ vẽ ở khu Montmartre - Ảnh minh họa

Huyền thoại về lịch sử khu này rất là ly kỳ. Vào thế kỷ 3 sau công nguyên, Paris lúc đó là thành phố Lutecea (Lutèce) đặt dưới quyền cai trị của đế quốc La Mã, đạo công giáo bị bách hại. Năm 250, một số giáo dân công giáo cùng vị giám mục đầu tiên của thành phố Paris, tên là Denis, bị quân La Mã mang lên đồi La Butte xử trảm. Khi đao phủ thủ vừa chém bay đầu, thay vì chết liền tại chỗ xác giám mục Denis vụt đứng dậy mò tìm đầu của mình ôm trong tay đi đến nơi khác chết. Ngọn đồi đẫm máu La Butte được dân chúng Paris đổi tên lại thành Đồi Tử Đạo : Mons Martyrum theo tiếng la tinh và Monts des Martyrs theo tiếng Pháp. Với thời gian Monts des Martyrs đọc thành Montmartre và tên này tồn tại cho tới ngày nay. Nhiều tu viện vào giáo đường công giáo được thành lập trên ngọn đồi này trong suốt thời Trung Cổ.

Về giám mục Denis, sau khi được phong thánh, trở thành Saint Denis và là người được tôn thờ nhất tại Paris. Nơi ông chết ngày nay là giáo đường Saint Denis (Basilique Saint Denis, cách Montmartre một cây số đường chim bay) nằm giữa trung tâm thành phố Saint Denis, tỉnh Seine-Saint Denis (mã số 93), một tỉnh ngoại ô phía Bắc thành phố Paris (mã số 75) thuộc Vòng Đai Nhỏ (Petite Couronne). Nhiều địa danh, tên đường phố, giáo đường và tu viện trong và ngoài nước Pháp mang tên Saint Denis. Tượng thánh Denis được tạc lại thành một người không đầu hai tay ôm thủ cấp.

chaillot6

Tượng thánh Denis được tạc lại thành một người không đầu hai tay ôm thủ cấp.

Trở lại khu Montmartre. Vào cuối thế kỷ 16, vua Henri IV đặt bộ tham mưu trong một nữ tu viện trên đồi Montmartre để tái chiếm thành phố Paris trên tay phe công giáo, chấm dứt sự hà khắc của đạo công giáo trên đạo tin lành. Điều đáng ngạc nhiên là khi vừa lên ngôi vua năm 1589, Henri IV bỏ đạo tin lành để theo đạo công giáo nhưng cuối cùng cũng bị Ravaillac, một giáo sĩ công giáo cực đoan, đâm chết năm 1610 vì tình nghi thông dâm với mẹ bề trên của nữ tu viện. Từ sau ngày đó, các tu viện tại Montmartre bị bao vây ngặt nghèo và ngọn đồi này trở thành nơi sản xuất rượu nho, trái cây và rau cải cung cấp cho thành phố cho tới đầu thế kỷ 19. Trong thời Cách Mạng Pháp, khu này được nâng lên cấp thành phố với 638 dân cư sinh sống bằng nông nghiệp. Năm 1860, Montmartre được sát nhập vào địa bàn thành phố Paris để tái định cư dân chúng trong các xóm lao động tại khu Marais theo chương trình làm đẹp thành phố của nam tước Haussmann, từ đó dân số tại Montmartre tăng lên đáng kể. Giới thợ thuyền và nghệ sĩ dọn về đây sinh sống rất đông và làm thay đổi hẳn sinh hoạt của Montmartre.

Năm 1870, quân của Napoléon III bị quân Phổ đánh bại, đệ nhị đế quốc Pháp tan rã, Paris bị chiếm đóng. Ngay khi quân Phổ vừa rút khỏi Paris sau 4 tháng chiếm đóng, dân chúng Montmartre, vừa đói vừa căm giận Pháp bị thua trận, thành lập phong trào tả phái (la) Commune, những người tham gia phong trào gọi là Communards. Tháng 5/1871, quân Communards tràn xuống trung tâm Paris chiếm đóng dinh thự, nhà cửa những người giàu có, đốt phá các nhà thờ và tu viện, bắt tất cả thú nuôi trong vườn bách thú làm thịt. Chưa hả giận, họ đốt Hôtel de Ville (Toda thị sảnh thành phố), giật sập các tượng đài tôn vinh Napoléon I, rồi tiến vào điện Tuileries đập phá và san bằng nhà cửa hai bên đường để thành lập một con đường thật trống trải từ Louvre đến rừng Boulogne. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, quân Communards bị Adolphe Thiers, trưởng ban hành pháp nền đệ tam cộng hòa Pháp vừa được thành lập, dẫn quân từ Versailles vào đánh dẹp. Cuộc chiến rất là đẫm máu, hơn 20.000 quân Communards bị giết, 30.000 người bắt làm tù binh và bị đày đi nơi khác. Thành phố Montmartre bị giải tỏa và giáng cấp xuống thành một làng nhỏ, chỉ những tu sĩ mới được quyền ở lại. Sau một thời gian bị cô lập, ngôi làng Montmartre tìm lại sự yên bình và trở thành nơi tụ tập của giới văn nghệ sĩ.

Trở lại năm 1870, giữa lúc phong trào Communard đang nổi dậy, hai doanh nhân công giáo giàu có, Alexandre Legentil và Rohault de Fleury, đã cùng nhau cầu xin Jesus che chở thành phố Paris không bị đốt thành tro bụi. Lời cầu nguyện này có lẽ đã được nghe nên còn khá nguyên vẹn. Để tạ ơn, ngay khi Paris vừa được giải phóng (1871), hai ông mời nhiều kiến trúc danh tiếng đương thời vẽ kiểu xây dựng một ngôi giáo đường thật hùng vĩ, cuối cùng đồ án của kiến trúc sư Paul Abadie được chọn. Abadie chỉ dựa theo mẫu giáo đường Saint Front kiến trúc theo kiểu La Mã và Byzance tại Perigueux (một thành phố ở trung tâm nước Pháp). Về địa điểm, hội đồng giám mục Paris, như muốn trừng phạt dân chúng Montmartre đã đốt phá những nơi thờ phượng Thiên Chúa tại Paris, đã chọn đỉnh đồi Montmartre, nơi xuất phát phong trào Commune, làm nơi xây dựng ngôi giáo đường vĩ đại đó, gọi là Basilique du Sacré Coeur (Thánh đường Thánh Tâm).

chaillot7

Basilique du Sacré Coeur (Thánh đường Thánh Tâm).

Công trình xây dựng Basilique du Sacré Coeur (35 rue de Chevalier), đặt dưới quyền điều khiển của tổng giám mục địa phận Paris là hồng y Guibert, bắt đầu từ năm 1875 và chỉ hoàn tất gần 40 năm sau (năm 1914), nhưng chỉ chính thức hoạt động năm 1919 sau khi thế chiến thứ nhất chấm dứt. Thánh đường Sacré Coeur được xây bằng một loại đá vôi đặc biệt mang từ Château Landon, một thành phố cách Paris 700 cây số về phía Tây Nam. Đặc điểm của loại đá này là càng bị ước nước đá càng thêm trắng do chất calcin tiết ra, mưa càng nhiều đá càng trắng. Chính vì thế, sau gần 100 năm xuất hiện, nhìn thấy từ rất xa màu trắng của thánh đường luôn nổi bật giữa bầu trời xanh thẵm của Paris. Hình (carte postale) thánh đường Sacré Coeur trên đồi Montmartre được mua nhiều nhất Paris.

Về hình dáng, Sacré Coeur được kiến trúc theo kiểu La Mã-Byzance, tức giống các giáo đường công giáo chính thống (orthodox) tại các quốc gia Đông Âu, nghĩa là vừa có nhiều cột trụ vừa có nhiều vòm to nhỏ và cao thấp khác nhau, nhưng ở đây chỉ toàn màu trắng của đá chứ không sơn phết màu mè. Vòm chính của thánh đường, bằng đá hình tròn, là điểm cao thứ nhì của thành phố Paris, sau tháp Eiffel, muốn lên đỉnh tháp từ bên trong phải đi bộ theo một cầu thang 237 bậc hình xoang ốc rất chóng mặt. Tháp chuông phía sau thánh đường có tên là Le Campanile, hoàn tất năm 1895 và cao 83 mét, chứa quả chuông nặng nhất thế giới (18,5 tấn, riêng kim gõ nặng 850 kí). Chung quanh thánh đường là những cửa kính màu cao thấp lẫn lộn cùng những vách tường vuông tròn khác nhau. Những bậc cấp đầu tiên bắt đầu từ rue Tardieu hay Place Saint Pierre dẫn lên cổng chính của giáo đường dài 500 mét, phải cứng đầu gối lắm mới có thể đi hết các bậc cấp không ngừng nghỉ vì đường rất dốc. Những ghế đá trong các khu vườn nhỏ hai bên đường giúp khách bộ hành có chỗ nghỉ ngơi. Mặt tiền của Sacré Coeur nhìn từ phía dưới lên xuyên qua những bậc cấp trông rất hùng vĩ. Cổng chính ra vào là một cánh cửa bằng đồng với những hình tượng chạm trỗ rất công phu mô tả bữa tiệc cuối cùng của Jesus (cène/cena) trước khi bị treo lên thập tự giá. Trên đỉnh cửa là tượng Jesus to lớn bằng đá ban phép lành tượng hai kỹ mã bằng đồng to lớn do điêu khắc gia Hippolyte Lefèvre tạc, Jeanne d'Arc và vua Louis IX (được phong thánh năm 1297), được dựng ở trên hai bên cổng chính. Bên hông thánh đường là nơi lưu ngụ của những tu sĩ.

Nội thất thánh đường được soi sáng bởi những cửa kiếng màu trang trí những hình ảnh được chạm khắc rất công phu về cuộc đời chúa Jesus, đạo công giáo và các loại hoa miền Nam nước Pháp. Thiết kế và trang trí bên trong thành đường không có gì đặc biệt nếu so với những ngôi giáo đường đã có từ trước, cũng một đại thính đường và nhiều thính đường nhỏ, nhưng nếu ra được sân thượng phía trên cửa ra vào khách sẽ thấy toàn diện cảnh quang của Paris, rất đẹp. Tiến sâu vào phía trong là những bàn thờ nhỏ thờ phượng Đức Mẹ (tượng La Vierge et l'Enfant bằng bạc do Paul Brunet tạc năm 1896, tượng Jesus bằng gỗ to lớn do Eugène Benet tạc năm 1911) và các thánh tử đạo, trần nhà được trang trí bởi một bức tranh khổng lồ về cuộc đời của Jesus do họa sĩ Luc-Olivier Merson vẽ từ 1912 đến 1922. Phần dưới của thánh đường là nơi lưu trữ hài cốt và di tích những người có công với đạo công giáo tại Paris như trái tim khô của ông Alexandre Le Gentil, người tài trợ phần xây dựng. Một chuyện khó tin nhưng có thật là từ 110 năm qua, những người công giáo vào đây đọc kinh cầu nguyện liên tục ngày đêm, nhiều chỗ trong giáo đường sắp xếp để những người vào cầu nguyện nằm nghỉ.

Montmartre không phải chỉ có một mình Sacré Coeur mà còn có rất nhiều kiến trúc tôn giáo khác :

- Nhà nguyện Chapelle du Martyre (9 rue Yvonne Le Tac), có từ thế kỷ 19, được xây dựng trên nền nhà một nữ tu viện thời Trung Cổ, nơi giám mục đầu tiên của Paris Denis và những người công giáo chết vì đạo trong thời La Mã. Dưới nhà nguyện này là nơi giáo sĩ Ignace de Loyola cùng sáu người khác thành lập hội truyền giáo Dòng Tên (Jésuite) để bảo vệ đạo công giáo trước sự tấn công của đạo tin lành năm 1534.

- Giáo đường Saint Pierre de Montmartre (2 rue du Mont Cenis) ngày nay tuy bị thánh đường Sacré Coeur làm lu mờ nhưng là một trong những giáo đường có tuổi đời cao nhất tại Montmartre. Năm 1133, vua Louis VI và hoàng hậu Adélaide de Savoie chọn một ngôi đền có từ thời La Mã tại Montmartre để xây một tu viện lớn dành cho dòng Ơn Phước (Bénédictine). Bốn cột trụ bằng đá của ngôi đền được dùng làm trụ chống chính của nhà nguyện trong tu viện. Với thời gian, tu viện này bị hư hao và được tu bổ lại trong thế kỷ 15 và 18. Trong thời cách mạng Pháp 1789, mẹ bề trên của nữ tu viện này bị đưa lên máy chém, ngôi giáo đường được biến thành một đền thờ Lý Trí (temple de la Raison). Phải chờ đến năm 1908, giáo đường này mới được phục hồi và bị hư hao nhiều trong đệ nhị thế chiến. Nét nổi bật của giáo đường này là cánh cửa chính ra vào bằng đồng với những hình chạm nổi mô tả cuộc đời của thánh Pierre và những cửa kiếng màu.

- Nhà thờ Saint Jean l'Evangéliste (19 rue des Abesses), được kiến trúc sư vẽ kiểu và hoàn tất xây dựng năm 1904, là ngôi giáo đầu tiên tại Pháp được xây bằng bê-tông cốt sắt. Nội thất và những cột nhà được trang trí với những đường nét tiêu biểu của trường phái nghệ thuật mới. Những đường cong của trần nhà pha trộn rất nhiều yếu tố kiến trúc hồi giáo. Mặt tiền của nhà thờ được xây bằng gạch đỏ.

chaillot8

Khu Montmartre không phải ở những giáo đường mà là thánh địa của giới văn nghệ sĩ.

Nhưng tiếng tăm của Montmartre không phải ở những giáo đường mà là thánh địa của giới văn nghệ sĩ. Thật vậy, nói đến Montmartre là nói đến nghệ thuật. Khu đất nhỏ hẹp này từ cuối thế kỷ 19 đến nay là nơi hội tụ của biết bao danh tài văn chương và hội họa : Théodore Géricault và Camille Corot trong thế kỷ 19 ; Maurice Urillo, Amedeo Modigliani và nhiều người khác làm bất tử khu này trong thế kỷ 20. Nữ ca sĩ tài danh quá cố Edith Piaf bắt đầu sự nghiệp bằng nghề bồi bàn và hát ca tại đây. Cứ sau mỗi ngày, khi ánh mặt trời vừa khuất bóng, tiếng cười đùa của tao nhân văn khách từ các quán rượu, phòng trà hai bên đường vang rộn suốt đêm thâu. Sau thế chiến II, cuộc sống ngày càng khó khăn, phần lớn nghệ sĩ dọn về khu Montparnasse để một mình Montmartre ở lại với những tầm thường của cuộc sống : cửa hàng bán đồ kỷ niệm, nhà hàng và những người vẽ dạo. Nhà cửa tại đây ngày càng bị bê-tông hóa. Quảng trường Place du Tertre có từ thế kỷ 14 là trung tâm điểm của đồi Montmartre, nằm sau lưng thánh đường Sacré Coeur, ngày nay lúc nào cũng đông chật người đi. Montmartre ngày nay chỉ còn là một ngôi làng của quá khứ với những con đường ngoằn nghèo nhỏ hẹp. Tuy vậy Montmartre vẫn còn nhiều nơi đáng đến thăm.

Quán Au Lapin Agile (26 rue des Saules) và Bateau Lavoir (13 Place Emile Goudeau) là nơi hẹn hò của những họa sĩ và trí thức lớn trong suốt thế kỷ 20. Hai quán này còn lưu giữ vết tích những bức tranh và thơ văn được sáng tác ngay tại chỗ bởi những nghệ sĩ danh tiếng hồi đầu thế kỷ 20 : Van Dongen, Marie Laurencin, Juan Gris, Modigliani, Picasso, Matisse, Braque, Toulouse Lautrec, Charles Dullin, Mac Orlan, Hary Baur, Guillaume Apollinaire, Roland Dorgelès...

Nhiều bảo tàng viện được thành lập chung quanh Place du Tertre để trưng bày những bức tranh do các danh họa sáng tác hồi đầu thế kỷ :

- Musée du Vieux Montmartre (12 rue Corot) là một căn nhà có từ thế kỷ 17 được nghệ sĩ ca kịch Claude de La Roze (bí danh Rosimond). Sau ngày bà Roze từ trần, năm 1875 căn nhà trở thành quán trọ để giới nghệ sĩ thuê (như Auguste Renoir, Utrillo và mẹ là Suzanne Valadon), ngày là bảo tàng lịch sử của toàn khu phố.

- Musée d'Art Naif (2 rue Ronsard) là viện bảo tàng nghệ thuật ngây ngô do Max Fourny, một nhà xuất bản sách, thành lập để trưng bày những sáng tác hội họa và điêu khắc không tôn trọng qui luật nghệ thuật cổ điển nào mang về từ 30 quốc gia trên thế giới.

- Musée de l'Art Juif (42 rue des Saules),được thành lập năm 1948, trưng bày các kiến trúc đền thờ đạo Do Thái từ thế kỷ 17 tới nay và lầu ba triển lãm tác phẩm của những nghệ sĩ Do Thái đã sáng tác tại Montmartre từ đầu thế kỷ 20 tới nay, như Mané Katz, Benn, Lipchitz, Marc Chagall...

- Espace Montmartre (11 rue Poulbot) là phòng triển lãm hơn 330 tác phẩm hội họa và điêu khắc của Salvador Dali, người Tây Ban Nha.

- Galerie Artchipel (53 rue d'Orsel) giới thiệu tác phẩm những nghệ sĩ trẻ đang còn trong bóng tối.

Chung quanh đồi Montmartre còn sót lại cối xay lúa bằng quạt gió (Moulin de la Galette và Moulin du Radet nằm trên hai đường rue Giradon và rue Lepic) được các họa sĩ Auguste Renoir và Vincent Van Gogh vẽ lại. Dưới chân đồi Montmartre là vô số hàng quán bày bán những tác phẩm hội họa.

Vũ điệu French cancan của Moulin Rouge

Nhân nói đến cối xay, không thể không nói tới Moulin Rouge (82 boulevard de Clichy). Nhà máy xay này đã làm khu Montmartre được cả thế giới biết tiếng. Nhà máy xay lúa này được xây dựng năm 1885 để xay lúa thuê cho các nông dân sinh sống ở dưới chân đồi, nhưng thất bại. Sau một thời gian hoạt động, số người mang lúa đến xay quá ít để nhà máy có thể tồn tại, năm 1900 cối xay được tu sửa lại để trở thành một vũ trường ca múa nhạc. Để hấp dẫn mọi người từ xa, những cánh quạt và toàn thân của cối xay được sơn màu đỏ và mang tên Moulin Rouge từ đó. Vũ trường này nổi tiếng với điệu French Cancan, một điệu vũ rất "sex" vào đầu thế kỷ 20 vì các vũ nữ vừa nhảy vừa đưa chân lên cao để mọi người thấy "váy lót" bằng dentelle trắng của mình. Điệu Cancan do nhạc sĩ Jacques Offenbach sáng tác được trình diễn lần đầu tiên tại vũ trường Grande Chaumière trong khu Montparnasse, nhưng điệu này chỉ nổi tiếng tại Moulin Rouge nhờ hoạ sĩ Toulouse Lautrec bất tử hóa trên các bích chương quảng cáo thời đó. Ngày nay Moulin Rouge là một trong những phòng trà ca vũ sang trọng nhất thế giới, các nữ vũ công phần lớn được tuyển mộ từ khắp nơi trên thế giới. Điều kiện để được tuyển dụng là chiều cao tối thiểu : 1,75m cho nữ giới và 1,85m cho nam giới, phải có một thân hình thon đẹp, tuổi từ 18 đến 25/28.

Cũng trên đại lộ Clichy, cạnh Moulin Rouge, là Place Pigalle. Pigalle là tên một điêu khắc gia nổi tiếng trong thế kỷ 18, nhà của ông ta ở ngay khu này nên sau khi từ trần khu phố mang tên Pigalle để tưởng nhớ một nghệ sĩ tài danh và tên này vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Đây là một khu phố "nóng" của Paris vì chỉ sinh hoạt về đêm và dành riêng cho những người thật "bạo dạn". Du khách ngoại quốc thường gọi là "Pig Alley". Trong một diện tích chật hẹp trên vài con đường (Victor Massé, Frochot, Fontaine và Douai) gần 100 phòng trà, phòng chiếu phim X, cửa hàng buôn bán đồ vật liên quan đến tình dục, âm nhạc. Khu này trước kia là nơi ăn chơi dành riêng cho những thành phần bất hảo, những tay anh chị, gái giang hồ tứ chiến ; những vụ thanh toán lẫn nhau bằng súng xảy ra thường xuyên, nhưng từ thập niên 1980 trở về đây khu này trở nên yên tịnh và trở thành một khu du lịch dành riêng cho khách quốc tế. Hàng đêm giới thanh niên vào các discothèque L'Élysée Montmartre, La Cigalle, La Locomotive là những discothèque dành riêng cho giới trẻ ; giới luống tuổi hay những người yêu mến các điệu vũ xưa (valse, tango, rumba, mambo...) vào La Nuit, Le Chat Noir, L'Âne Rouge, Aux Noctambules để vui chơi.

chaillot09

Ngày nay Moulin Rouge là một trong những thắng cảnh không thể thiếu khi viếng thăm Paris và còn là phòng trà ca vũ sang trọng nhất thế giới.

Nhưng cuộc vui nào cũng có lúc phải tàn, cuộc đời nào cũng đến hồi chấm dứt, nghĩa trang Cimetière de Montmartre (20 avenue Rachel) là trạm dừng chân vĩnh viễn của những người một thời tài danh. Nơi đây chôn cất các nhà soạn nhạc Hector Berlioz và Jacques Offenbach, nhà thơ Heinrich Heine, vũ sư Nijinski, nhà làm phim François Truffault, các nhà văn Alfred de Vigny, Goncourt, Stendhal, Théophile Gautier, các họa sĩ Edgar Degas, Greuze, v.v... Mộ phần của những nhân vật này được trang trí rất mỹ thuật với nhiều tượng điêu khắc. Viếng thăm nghĩa trang này, du khách sống lại với thời vàng son của một Montmartre sáng chói.

Nguyễn Văn Huy

(12/08/2024)

Additional Info

  • Author Nguyễn Văn Huy
Published in Tư liệu
lundi, 12 août 2024 17:33

Paris bên bờ hữu ngạn - 3

Khu Opéra (quận 1, 2, 8 và 9)

Phía Bắc Vườn Tuileries và Bảo tàng Louvre là khu Opéra (Nhà Hát Lớn, theo cách gọi của người Hà Nội). Một người không có cơ hội đi du lịch xa, chỉ cần đi dạo quanh khu này một vòng cũng đủ khám phá thế giới. Không một khách du lịch quốc tế nào đến Paris mà không ghé đến khu Opéra để mua sắm hay ngắm nhìn những báu vật trần gian bày bán nơi đây. Nếu giá một khu đất nào đắt nhất nước Pháp, chắc chắn đó phải là Quartier Opéra.

opera01

Khu Opéra là nơi mua sắm những hàng hiệu sang trọng nhất Paris (và thế giới) - Cửa hiệu Au Printemps trong Thương xá Tax là nơi mà không một phụ nữ Sài Gòn nào không biết tiếng

Nhưng khu này nổi tiếng không phải vì sự sang trọng và đắt đỏ của nó mà là hào quang của Thời Huy Hoàng (La Belle Epoque) thế kỷ 19 còn tỏa sáng trong sinh hoạt thường nhật. Người ta đến đây để tìm lại chút xa hoa của ngày trước còn sót lại trong các khách sạn, cửa tiệm và nhà hàng sang trọng. Đó là những kẻ có tiền, còn khách du lịch bình thường thì sao ? Không ai bị phân biệt đối xử cả, mọi người đều bình đẳng trước sự huy hoàng của Paris, không ai bị đòi tiền pourboire (tip) khi ngắm nhìn những di tích xưa. Không nơi nào trong khu này không để lộ những nét độc đáo riêng ra ngoài đường phố : từ những bao lơn chạm trổ mỹ thuật trên mỗi căn nhà đến từng khung cửa và chốt mở cửa, không cái nào giống cái nào và cái nào cũng đẹp. Đó là chưa kể những chạm trỗ trên các vách tường biểu lộ sở thích và trình độ văn hóa của những chủ nhân xưa.

Nhưng vào khu Opéra phải biết cách đi, nếu không sẽ bị ạc vì sự hấp dẫn của các công trình kiến trúc mỹ thuật và cửa hiệu sang trọng. Giữa trung tâm khu này là hai kiến trúc đồ sộ : nhà hát Opéra Garnier và giáo đường La Madeleine. Những con đường bao quanh hai kiến trúc này tập trung hầu hết những ngân hàng, hãng du lịch và cửa hiệu áo quần thời trang và mỹ phẩm và sang trọng trong những thương xá lớn nhất của Paris. Chức năng của các cửa hiệu này là bán hàng hóa nhưng tại đây người ta còn tặng cho khách bộ hành giấc mơ trở thành người sang trọng và đẹp nhất trần gian. Cách trình và chất lượng của hàng hóa trưng bày trong các tủ kính biểu lộ sở thích và khả năng của từng thành phần xã hội.

Trở về quá khứ. Trước kia khu này vẫn còn là một bãi đất hoang lầy lội với những xóm lao động nghèo nàn có từ thời Trung Cổ. Khi hoàng hậu Catherine de Médecis, vợ nhà vua quá cố Henri II (1547-1559), biến lò gạch Les Tuileries thành một khu vườn dạo mát lớn năm 1564 thì khu Opéra mới được đông người tới ở. Dân chúng từ khắp nơi đến khu này mua đất dựng nhà và làm việc cho triều đình. Từ sau thế kỷ 16, khi toàn bộ đất đai tại khu Marais quanh Louvre và Tuileries không còn chỗ để xây dinh thự và nhà cửa mới, triều đình Pháp chọn khu Opéra ngày nay làm nơi giải trí dành riêng cho giới thượng lưu, quí tộc. Giải trí thời đó gồm bốn bộ môn : âm nhạc, ngâm thơ, bi kịch và múa hát. Nghệ sĩ từ khắp nơi được tuyển về đây phục vụ vua chúa và giới quí tộc, mỗi buổi tối khu này vang vọng tiếng nhạc và tiếng cười đùa của lãng khách. Những tay giang hồ tứ chiến cũng về đây sinh sống bằng nghề bảo kê, nạn trộm cướp xảy ra thường xuyên và không một đường phố nào tại đây có an ninh về đêm. Khu Opéra trở thành nơi tụ tập đủ mọi thành phần xã hội, từ giới quan quyền đến người thất chí, từ người giàu sang đến kẻ bần cùng, từ người lương thiện đến kẻ gian manh.

opera02

Galeries La Fayette được trang trí huy hoàng và lộng lẫy vào những dịp cuối năm

Khu này càng trở nên hỗn tạp khi vua Louis XIV dời cung điện Louvre về Versailles năm 1682 ; khách giang hồ tứ xứ và gái mãi dâm ngày đêm náo loạn các đường phố. Tình trạng mất an ninh kéo dài cho tới năm 1789, những người làm cách mạng biến khu này thành nơi trình diễn những vở ca kịch cách mạng tố cáo chế độ phong kiến. Nhưng sau vài năm tồn tại, những vụ thanh toán lẫn nhau giữa những người làm cách mạng giới nghệ sĩ cách mạng cũng bị mang họa theo vì mỗi người đều có một nhóm thân hữu riêng, nhiều nhà hát phải đóng cửa, những người vô gia cư liền vào chiếm cứ. Sinh hoạt tại đây chỉ bừng sống lại năm 1804 khi hoàng đế Napoléon I biến khu này thành nơi giải trí cho sĩ quan và binh lính từ các mặt trận trở về nghỉ dưỡng, gái giang hồ và khách tứ chiến từ khắp Châu Âu tụ tập về đây sinh sống. Khi Napoléon I bại trận năm 1814, giới quân nhân trở về quê quán cũ thì khu này chỉ còn lại những người sinh sống bằng nghề ca vũ nhạc kịch phục vụ giới quan quyền dưới thời Phục Hưng (Restauration).

Phải chờ đến giữa thế kỷ 19, khu Opéra mới phục hồi những nét huy hoàng của ngày xưa và còn tồn tại cho tới ngày nay. Hoàng đế Napoléon III (1852-1870), cháu Napoléon I và là người sáng lập Đệ nhị Đế quốc (Second Empire), là một người đam mê ca kịch, ông thường đi dự những buổi trình diễn ca kịch tại khu này vào mỗi đêm tối. Biết rõ sở thích này, ngày 14/1/1858, một người Ý quá khích, Felice Orsini, phục kích ám sát Napoléon III khi xe ngựa chạy qua ường Le Peletier để dự một buổi ca kịch, nhưng việc mưu sát bất thành, Orsini bị bắt và bị xử tử. Cũng nên biết nước Ý lúc đó được chia làm nhiều lãnh địa khi bị Napoléon I chiếm đóng. Từ sau ngày đó Napoléon III quyết định xây một nhà hát lớn và đẹp hơn để ông cùng hoàng tộc có thể vào thẳng nhà hát bằng xe ngựa một cách an toàn. Ước muốn khùng điên này không ngờ trở thành hiện thực. Đồ án xây dựng nhà hát do kiến trúc sư Charles Garnier vẽ được chọn sau một cuộc thi tuyển gắt gao. Nam tước Haussmann được chỉ định thiết kế một đại lộ rộng lớn (ngày nay là Avenue de l'Opéra, rộng 30 mét, dài hơn một ngàn mét) để vị hoàng đế có thể dùng xe ngựa đi từ điện Louvre vào thẳng nhà hát lớn một cách an toàn.

Edith Piaf hát Sous le ciel de Paris

Đại lộ Avenue de l'Opéra, được khởi công từ năm 1861 và hoàn tất năm 1876, là một thí dụ điển hình về tài năng thiết kế đô thị của Haussmann. Những con đường nhỏ khúc khuỷu và nhà cửa lụp xụp chung quanh có từ thời Trung Cổ đều bị đập bỏ, dân cư trong những xóm lao động nghèo nàn được dời đi nơi khác, chỉ những kiến trúc quan trọng và đẹp đẽ có từ thế kỷ 17 và 18 còn được giữ lại. Một cảnh quang hài hòa giữa những dinh thự mới và cũ tạo cho đại lộ sự hùng tráng của một thời đại sáng chói, La Belle Époque. Avenue de l'Opéra ngày nay qui tụ gần như những gì tinh hoa nhất nước Pháp về đơi sống xa hoa thời thượng, do đó giá nhà cửa và đất đai quanh đại lộ này rất đắt. Những thương xá sang trọng, hãng du lịch lớn tranh nhau thành lập cơ sở. Những công ty mỹ phẩm và hãng du lịch quốc tế cũng không bỏ lỡ cơ hội đến đây lập chi nhánh. Căn nhà số 27 là Trung tâm quốc gia về nghệ thuật tạo hình (Centre national d'arts plastiques) với cánh cửa giả nổi tiếng do Fabio Rietti vẽ kiểu và thực hiện. Nhà hàng Drouant cách đại lộ này vài thước, trên Place Gaillon, là nơi trao giải Goncourt văn học Pháp mỗi năm. Quán giải khát Harry's Bar được Harry MacElhone thành lập năm 1913 đã được những văn lớn của Mỹ như Francis Scott Fitzgerald và Ernest Hemingway chiếu cố lúc còn sinh thời.

Năm 1862 công trình xây dựng nhà hát lớn Opéra bắt đầu, nhưng Napoléon III không có may mắn khánh thành nhà hát mới do ông khởi xướng. Năm 1870 Paris bị quân Phổ chiếm đóng, Napoléon III phải chạy sang Anh tị nạn và chết tại đó (1873). Công trình xây dựng nhà hát lớn chỉ tiếp tục khi quân Phổ bị đẩy lui về nước năm 1871 và hoàn tất năm 1875. Ngày khánh thành, toàn thể dân chúng Paris ồ lên kinh ngạc trước một kiến trúc vĩ đại không giống với những gì đã thấy từ trước. Đó là một công trình pha trộn giữa những yếu tố cổ Hy Lạp và La Mã với sự hùng tráng của La Belle Époque, mỗi chi tiết kiến trúc trong và ngoài nhà hát là một tác phẩm nghệ thuật toàn hảo. Để nhớ ơn người xây dựng, nhà hát lớn mang tên Opéra Garnier (Place de l'Opéra, quận 9) và trở thành một trong những báu vật văn hóa lớn của nước Pháp nói chung và của Paris nói riêng. Từ đó, Opéra Garnier thu hút mọi sinh hoạt phụ thuộc về ngành ca nhạc kịch của thành phố Paris, nhiều cửa hàng thời trang danh tiếng quốc tế (như Marks & Spencer) được xây dựng chung quanh để phục vụ những mệnh phụ giai nhân và giới hào hoa phong nhã.

opera3

Nhà hát Opéra Garnier

Nhìn từ xa Opéra Garnier giống một chiếc bánh sinh nhật khổng lồ với mái vòm hình tròn mạ vàng óng ánh. Đến gần là một kiến trúc pha trộn nhiều trường phái mỹ thuật đủ loại, từ cổ điển đến baroque, với những nóc vòm hình tháp tròn, cột chống cao, tượng và hình chạm khắc đủ kiểu và đủ cỡ bằng đá vôi, đá cẩm thạch hay bằng đồng dựng trên những nóc nhà hay quanh nhà hát. Công trình này được giới kiến trúc ghi nhận là tác phẩm tiêu biểu thời Napoléon III. Trên đỉnh vòm nhà là tượng nữ thần nghệ thuật mạ vàng 24 karats có cánh đứng giữa hai thiếu nữ ngồi dưới chân do điêu khắc gia Gurnery tạc. Bốn góc trên nóc tòa nhà là tượng bốn thiên thần có cánh khổng lồ, cao 2 mét mạ vàng 24 karats, tượng trưng cho bốn bộ môn nhạc kịch : âm nhạc, thơ kịch, ca kịch và múa ballet. Mỗi vách tường là những tác phẩm điêu khắc tinh vi diễn tả những đoạn ca kịch nổi tiếng từ thời Hy Lạp đến thời La Mã, tất cả được chiếu sáng bởi hàng chục tượng thiếu nữa khỏa thân bằng đồng đội đèn. Chung quanh là hàng chục tượng mỹ nữ khỏa thân to lớn bằng đá để lộ những bộ ngực no tròn và cân đối, như để thách thức sắc đẹp của mình với thời gian, hai tay sử dụng các loại dụng cụ về âm nhạc.

Mặt tiền của Opéra Garnier là những bậc cấp bằng đá vôi cao cách mặt đất hai mét dẫn vào nhà hát bằng bảy cửa hình vòng cung chạm trỗ cẩn thận trước khi dẫn vào cửa chính, ở giữa mỗi cửa là tượng một kịch tác gia nổi tiếng. Cũng ở mặt tiền lầu hai, được chống bằng tám cặp cột đá vôi lớn cao trên 6 mét, là một dãy hành lang để khách xem hát hóng mát hay nghỉ giải lao, trần nhà được tô vẽ rất mỹ thuật. Cửa chính ra vào nhà hát là một cầu thang danh dự gồm nhiều bậc cấp dẫn lên đại sảnh dùng làm phòng đợi, hai bên vách tường được trang trí bằng những tranh vẽ bằng mảnh đá men (mosaique). Cánh cửa gỗ đồ sộ ra vào thính đường được chạm trỗ công phu dẫn khách vào một không gian rộng 11.000 mét vuông. Thính đường này có thể chứa 2.200 người xem gồm nhiều dãy ghế lót bằng vải nhung đỏ ở tầng trệt và bốn loges (chỗ ngồi có ngăn che cách) dành riêng cho khách danh dự phân bố trên bốn tầng lầu ở ba góc tường đối diện với sân khấu chính. Lúc xây dựng, Garnier có thiết kế riêng cho Napoléon III một loge đặc biệt ở giữa thính đường để xem hát mà không sợ bị ám sát, ngày nay loge này chỉ dành riêng những vị quốc trưởng hay nhân vật thật quan trọng trong chính phủ.

Sân khấu chính gồm nhiều ngăn, có thể chứa 450 diễn viên trình diễn trong những sân khấu nhỏ với những hoạt cảnh khác nhau, mỗi hoạt cảnh được kéo bằng những trục quay tay, thời gian thay đổi một hoạt cảnh không quá hai phút vừa đủ để bức màn kết thúc một đoạn kịch vừa hạ xuống liền được kéo lên cho màn kịch kế tiếp. Trang trí bên trong thì không ngòi bút nào diễn tả một cách đầy đủ, đó là cả một công trình vĩ đại được chăm sóc từng chi tiết nhỏ nhất, không một sai sót. Trên cao và ở chính giữa là một lồng đèn lớn, nặng sáu tấn, với hàng trăm bóng đèn nhỏ soi sáng khắp thính phòng. Trần nhà được tô điểm bởi những tác phẩm hội họa về ca nhạc kịch của những họa sĩ lớn. Năm 1964, họa sĩ Chagall vẽ lại trên nóc thính đường chín (9) vỡ hát lớn đã trình diễn tại đây và còn tồn tại cho tới ngày nay.

Cách Opéra Garnier năm sáu dãy nhà là nhà thờ Sainte Marie-Madeleine, gọi tắt là La Madeleine (Place de La Madeleine, quận 8). Nữ thánh Marie-Madeleine là một kỹ nữ hồi lương, chị của Lazare (một người cùi được Jésus chữa khỏi bệnh), đã lau xác Jésus de Nazareth khi đem từ thập tự giá xuống chôn và đã chứng kiến Jésus phục sinh theo lời kinh thánh (!). Trên danh nghĩa đây là một giáo đường (église) nhưng phải gọi là một ngôi đền (temple) mới đúng. Thật vậy, đây là một kiến trúc đồ sộ kiểu Hy Lạp không giống một giáo đường công giáo cổ điển nào tại Pháp từ trước đến nay.

Việc xây dựng giáo đường này cũng lắm gian nan và trắc trở. Nhận thấy tình trạng an ninh và đạo đức tại khu này ngày càng xuống cấp, năm 1764 giáo hội công giáo Pháp cho xây một giáo đường mới để cải hóa thành phần tệ đoan trong khu vực. Kiến trúc sư Pierre Contant d'Ivry được giao lãnh nhiệm vụ xây dựng nhưng chẳng may qua đời nửa chừng, công trình bị gián đoạn. Khi kiến trúc sư Guillaume Couture được chỉ định thay thế, toàn bộ đồ án cũ bị bỏ. Công trình xây dựng đang tiến hành dở dang thì Cách mạng Pháp 1789 ập đến, công tác bị ngừng trệ vì thiếu ngân sách. Phải đợi tới 1804, Napoléon I muốn biến ngôi nhà thờ đang xây dở dang này thành một ngôi đền lớn tôn vinh những chiến công của Đại Quân Pháp (Grande Armée), kiến trúc sư Pierre Vignon được giao trọng trách đó. Thay vì tiếp tục đồ án cũ, Vignon phá bỏ tất cả để biến giáo đường cũ thành một ngôi đền Hy Lạp đồ sộ, có thể nhìn thấy từ quảng trường La Concorde. Đang tiến hành nửa chừng thì công trình xây dựng lại dở dang vì Napoléon I thua trận 1814. Phải chờ đến thì vua Louis Philippe (1830-1848) công tác xây dựng mới được tiếp tục. Cũng nên biết Louis Philippe là một nhà vua ôn hòa, những di tích tiêu biểu của một quá khứ bạo lực đều được tôn trọng ; ông muốn hòa giải người Pháp với nhau và cho xây quảng trường Concorde để nhắc nhở người Pháp thương yêu và giúp đỡ thay vì xung đột chém giết lẫn nhau. Ngôi đền được hoàn tất năm 1845 nhưng trở về chức năng cũ là một giáo đường đúng nghĩa. La Madeleine ngày nay là một trong những kỳ quan của thành phố Paris.

opera2

Giáo đường La Madeleine

Cổng chính đi vào giáo đường là hai cánh cửa bằng đồng vĩ đại chạm khắc tinh vi. Bên trong được trang trí một cách hài hòa tương xứng với sự to lớn của kiến trúc với bức tranh sơn dầu vĩ đại của họa sĩ François Rude ở cửa ra vào mang tên Baptême du Christ (Lễ rửa tội của đấng Christ). Bàn thờ chính tòa là tượng nữ thánh Madeleine được thiên thần có cánh to lớn bằng thạch cao bao quanh, hai bên bàn thờ là tượng hai thiên thần có cánh chấp tay cầu nguyên dưới những trụ cột kiểu Hy Lạp. Vòm giáo đường cao 18 mét được trang trí bởi những bức tranh sơn dầu diễn tả cuộc đời và công đức của những người mộ đạo như nữ thánh Catherine Labouré, Richelieu, thánh Louis, hoàng đế Constantin và Napoléon I được giáo hoàng Pie VII tấn phong. Dàn orgue (phong cầm) vĩ đại trong ngôi giáo đường này, do Cavaillé-Coll thiết đặt năm 1846, là một trong vài dàn orgue xưa nổi tiếng nhất thế giới, âm thanh vừa thanh vừa thánh thót dẫn người dự lễ chìm đắm trong sự trang nghiêm hiểm có.

Khác với sự trang nghiêm của giáo đường, quảng trường Madeleine (Place de La Madeleine, quận 8) là nơi thị tứ sầm uất. Tất cả các gian hành thực phẩm sang nhất Paris đều tập trung nơi đây : Fauchon (26 Place de la Madeleine), Hédiard (thức ăn chế biến sẵn), Maison de la Truffe (chuyên bán nấm truffe), Crepet Brussol (chuyên về fromage), Caviar Kaspia (chuyên bán caviar biển Caspienne), nhà hàng Maxim's, v.v... Truffe là một loại nấm hiếm quí, rất đắt tiền và ăn rất ngon. Người ta phải dùng một loại heo đặc biệt để đào tìm nấm truffe dưới chân những gốc cây sồi, nấm truffe có màu đen và thường nằm sâu dưới mặt đất 20 cm. Giá một kí nấm truffe có thể lên đến 2.000 USD, tùy theo mùa. Ngày nay Trung Quốc cũng sản xuất loại nấm này, giá có rẻ hơn, nhưng phẩm chất thua rất xa. Quanh quảng trường còn có những gian hàng bán champagne, chocolat, đặc biệt là chocolat của Madame de Sévigné, trái lựu grenadille của Brazil, trứng caviar của Iran. Trứng caviar lấy từ bụng cá sturgeon (cá lưỡi kìm) trong Biển Đen. Cá sturgeon trong vùng biển Iran cho trứng ngon nhất, hơn rất nhiều lần cá sturgeon trong vùng biển của Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ, hay được nuôi ở những nới khác. Theo giới sành điệu hạng sang thì trứng caviar phải ăn sống và uống với rượu champagne hảo hạng thì khẩu vị tăng thêm nhiều lần. Champagne cũng có nhiều loại nhưng phải là champagne của tỉnh Reims sản xuất mới ngon. Chocolat cũng có nhiều loại, loại ngon nhất là chocolat đen, khi ăn phải nhai ngốn nghiến chứ không được ngậm tan trong miệng, có như thế thì mới hưởng thụ trọn vẹn được mùi vị. 

opera03

Bên trong Thương xá La Samaritaine 

Khu Opéra có tám đại lộ rộng trồng cây lớn (boulevard) - Madeleine, Capucines, Italiens, Montmartre, Poissonnière de Bonne Nouvelle, Saint Denis và Saint Martin - tập trung những cửa hàng thời thượng, tiệm giải khát sang trọng nhất của Paris từ thời Napoléon III tới nay. Các đại lộ này là nơi mua sắm hay điểm hò hẹn của giới thượng lưu, quí tộc hay người có tiền. Hai anh em Lumière, cha đẻ của ngành điện ảnh trình chiếu lần đầu tiên một khúc phim cho quần chúng xem trong quán Grand Café (14, boulevard des Capucines) ngày 28/12/1895, nhiếp ảnh gia quốc tế Nadar cũng mở trên đại lộ này studio chụp ảnh đầu tiên. Nhưng được chiếu cố nhiều nhất là quán Café de la Paix (12, boulevard des Capucines), cạnh Opéra Garnier do chính Garnier vẽ kiểu và trang trí, chỉ cần ngồi đây giải khác một vài phúc người ta sẽ khám phá đầy đủ giới tao nhân mặc khách quốc tế có mặt tại Paris. Dọc các đại lộ lớn này còn có các nhà hát kịch khác như Variétés (có từ 1807), Nouveautés (có từ 1920), rạp chiếu bóng Rex (có từ 1932), v.v...

Nét duyên dáng của khu Opéra là những ngỏ hẻm có mái che (passages hay galeries) có từ thế kỷ 19, nối liền những đại lộ với nhau, tại đây những cửa tiệm sang trọng trưng bày những mặt hàng làm vừa lòng những khách hàng khó tính nhất, vừa hiếm có vừa tốt bền. Sau công trình đại tu sửa Paris của nam tước Haussmann, Paris ngày nay chỉ lại còn khoảng 30 ngỏ hẻm loại này. Nằm trên đại lộ Montmartre là Passage Jouffroy với những cửa tiệm bán đồ chơi trẻ em và sách báo về điện ảnh và nhạc kịch. Passage des Panoramas (số 11 boulvard Montmartre và số 10 rue Saint Marc, quận 2) là ngỏ hẻm đầu tiên được thí nghiệm đèn đường thắp sáng bằng khí đốt năm 1817 và cải tiến thêm để trở thành galerie năm 1834. Passage des Princes (số 97 rue de Richelieu và số 5 boulevard des Italiens, quận 2). Ngỏ hẻm số 4 đường Petits Champs, quận 1, là Galerie Vivienne được xem là đẹp nhất với những salon de thé thanh lịch mà ghế bàn được bày giữa lối đi lát đá với những hình bằng đá tráng men, tiệm bán áo quần thời trang của Jean Paul Gaultier được đông người chiếu cố. Đối diện với Galerie Vivienne là Passage des Petits Pères dẫn đến nhà thờ Notre Dame des Victoires. Kế bên là Galerie Colbert (rue de la Banque, quận 1), nơi còn lưu giữ ngôi nhà của Colbert (bộ trưởng thương mại và văn hóa thời vua Louis XIV thế kỷ 17) và bảo tàng nghệ thuật sân khấu (Musée des Arts du spectacle). Passage Choiseul (23 rue Saint Augustin và 40 rue des Petits Champs, quận 1) với những sinh hoạt buôn bán ồn ào ngược với Galerie Véro Dodat yên tịnh trong một khung cảnh trang trí độc đáo. Square Louvois (quận 1) lưu giữ một trong những máy nước (fontaine) đẹp nhất Paris với bốn tượng thiếu nữ khỏa thân tượng trưng bốn con sông lớn của Pháp : Loire, Seine, Garonne và Saône.

opera4

Paris có 1200 Fontaine Wallace cung cấp nước uống miễn phí cho mọi người

Musée Grévin (10 boulevard Montmartre, quận 8), thành lập năm 1882, trưng bày các tượng những nhân vật nổi tiếng bằng sáp. Tầng trệt triển lãm những nhân vật chính trị và quân sự cận đại ; lầu một gồm hai phòng : Palais des Mirages trưng bày những nhân vật nổi tiếng về âm nhạc và nhạc thể thao, và Le Cabinet Fantastique trưng bày những nhân vật nổi tiếng trong giới văn học, nghệ thuật. Phòng triển lãm dưới mặt đất trưng bày tượng những nhận vật bằng vàng và đá cẩm thạch (tượng vua Louis XIV lúc bị bắt).

Musée de l'Opéra (8 rue Scribe, quận 9) trước kia là nhà riêng của Napoléon III triển lãm lịch sử hình thành Opéra Garnier, tranh ảnh, trang trí sân khấu, các giải thưởng, hình kỷ niệm, áo quần và đồ trang điểm cùng tượng và hình những nghệ sĩ danh tiếng đã trình diễn trong nhà hát này, đặc biệt là đôi giầy múa ballet của nghệ sĩ Nijinsky. Thư viện của bảo tàng chứa trên 80.000 tài liệu sách, báo, gần 100.000 tranh ảnh liên quan đế nhà hát từ khi thành lập đến nay.

Hôtel Drouot (9 rue Drouot, quận 9) không phải là một khách sạn mà là một nhà bán đấu giá nổi tiếng nhất thế giới (Maison des Ventes de France). Ngôi nhà này được xây dựng năm 1851 thuộc quyền sở hữu của bá tước (comte) Antoine Drouot, một vị tướng của Napoléon I, năm 1980 được tân trang lại gọi là Nouveau Drouot để có thể chứa thêm người tham dự các cuộc đấu giá, phần lớn là đại diện những tiệm sưu tầm đồ cổ nổi tiếng như Sotheby's, Christie's of London. Những ai không thể tham dự các cuộc đấu giá tại đây có thể ngắm nhìn những đồ vật trúng thầu trưng bày trong các tiệm bán đồ cổ chung quanh.

Palais de la Bourse (4 Place de la Bourse, quận 2) là một ngôi nhà đồ sộ, kiến trúc theo kiểu tân cổ điển Hy Lạp, do kiến trúc sư Brongniart thực hiện năm 1808 dưới thời Napoléon I. Lúc đầu Napoléon I muốn dùng ngôi nhà này làm nơi lượng giá những chiến lợi phẩm do ông mang về từ các chiến trường Châu Âu. Năm 1826 trở thành thị trường chứng khoán (Bourse) của Pháp, ngày này là thị trường chứng khoán Paris, CAC 40. Chính giữa ngôi nhà là một phòng lớn gọi là Salle de la corbeille (phòng đựng giỏ). Gọi là Corbeille vì trước kia người ta bỏ phiếu mua trị giá cổ phần những hãng mang ra bán trong những cái giỏ lớn treo khắp phòng, mỗi giỏ là một hãng ; cuối ngày người ta khui những giỏ đó ra và người tổ chức hô to tên những ai trúng thầu với số tiền cao nhất. Ngày nay những giỏ và người hô này không còn nữa, thay vào đó là hàng ngàn máy vi tính buôn bán và trao đổi trị giá các cổ phần quốc tế, cuối phòng là một tấm bản điện tử ghi chằng chịt trị giá các cổ phần trao đổi.

Cách đó không xa là thư viện quốc gia Pháp, Bibliothèque nationale de France-Richelieu (58 rue Richelieu, quận 1). Thư viện này được triều Valois (các vua Charles và Henri, từ 1328 đến 1610) dùng làm nơi tồn trữ văn khố gồm những những văn kiện hoàng gia. Năm 1537, vua François I ra lệnh buộc các nhà ấn loát phải nộp lưu chiểu một bản bất cứ ấn phẩm nào in ra, ngày nay thư viện này lưu trữ 12 triệu tác phẩm, trong đó có nhiều ấn phẩm hiếm. Phòng ấn phẩm họa hình lưu giữ 12 triệu ấn phẩm, 2 triệu hình chụp từ khi phát minh máy ảnh đến nay. Phòng tham cứu có từ thế kỷ 19 chỉ dành riêng cho giới nghiên cứu. Trong thư viện có một bảo tàng trưng bày huy chương và đồ cổ, Cabinet des Médailles et des Antiques, đặc biệt là các bộ sưu tầm nữ trang và vật dụng quí thời gallo romain tìm được tại Berthouville và Sainte Chapelle.

Khu Nouvelle Athènes, nằm trong quận 9, giữa các đường Notre Dame de Lorette và Martyrs, là một khu phố yên tịnh với những ngôi nhà có từ thế kỷ 18 và 19. Đây là thế giới của văn học và nghệ thuật trường phái lãng mạn vì George Sand, Dumas, Berlioz, Delacroix, Murger, Chopin... đã từng cư ngụ tại đây. Một vài bảo tàng nghệ thuật cần vào xem là Musée de la Vie Romantique (16 rue Chaptal), Musée Gustave Moreau (14, rue de La Rochefoucauld).

Les Champs Élysées (quận 8)

Muốn biết niềm hãnh diện thực sự của dân Pháp và Paris ở đâu, phải tìm đến Champs Élysées.

Champs Élysées là gì ? Đó chỉ là một đại lộ lớn lát đá, rộng 71 mét và dài trên hai cây số, nối liền quảng trường Concorde với đài chiến thắng Arc de Triomphe, nhưng là nơi diễn ra những biến cố trọng đại nhất của nước Pháp từ sau thế chiến II đến nay. Tuy có một hào quang khó một nơi nào bì kịp, lịch sử hình thành đại lộ Champs Élysées rất mới, nó chỉ bắt đầu từ thế kỷ 17 và phát triển theo từng thời kỳ thịnh suy của nước Pháp.

Năm 1616, hoàng hậu Marie de Médicis (vợ vua Henri IV) nới rộng khu vườn Tuileries đến quảng trường Concorde để dạo mát. Năm 1667, kiến trúc sư Le Nôtre được giao thiết kế lại khu vườn Tuileries và phá khu rừng trước mặt quảng trường Concorde để mở một con đường dành riêng cho vua và hoàng tộc phi ngựa từ Louvre đến thẳng Versailles săn bắn. Năm 1670, con đường này hoàn tất và được đặt tên là Grand Cours dành riêng cho nam giới (để phân biệt Cours de la Reine, một con đường khác dọc sông Seine dành riêng cho nữ giới). Vô tình Le Nôtre đã khai sinh lộ trình chính của đại lộ Champs Élysées, lúc đó chỉ là một con đường rừng.

Trong thời Phục Hưng (Restauration), năm 1838 kiến trúc sư Jacques Ignace Hittorff biến con đường rừng từ Concorde đến trạm métro Champs Élysées-Clémenceau ngày nay thành những khu vườn nhỏ, với những bể phun nước nằm rải rác khắp nơi với tượng mỹ nữ khỏa thân và trẻ em để làm thú tiêu khiển cho người đi dạo. Khu vườn này không ngờ được rất đông người chiếu cố, cuộc Triển Lãm Quốc Tế năm 1855 được tổ chức tại đây, nhà văn Marcel Proust (1871-1922) thường thả bộ trên những lối đi trong khu vườn này để tìm cảm hứng. Hittorff đã vô tình khai trương nửa đoạn đầu của đại lộ Champs Élysées.

Nửa đoạn sau, từ métro Champs Élysées đến đài chiến thắng Arc de Triomphe de l'Étoile, được khởi công xây dựng từ cuối thế kỷ 18, nhà cửa và các cửa tiệm sang trọng chỉ được dựng lên trong thời Napoléon III (1852-1870), vì năm 1777 người ta còn thả bò ăn cỏ ở nửa phần trên của đại lộ này. Ngày nay phố xá và hàng quán sang trọng hai bên đường ở nửa phần trên của đại lộ Champs Élysées lúc nào cũng tấp nập. Các hãng xe hơi (Peugeot, Mercedès...), hàng không (Air France, British Airways...), cơ quan quảng cáo (Drugstore Publicis), rạp chiếu bóng (Gaumont, UGC), phòng trà ca nhạc (Lido, Queen, Monte Cristo Café), nhà hàng sang trọng (La Fouquet's), các cửa hàng thực phẩm ăn liền (MacDonald, Quick), các cửa hàng buôn bán âm nhạc (Virgin Megastore) và áo quần thời trang lúc nào cũng đông khách.

Nhưng cái gì đã làm đại lộ Champs Élysées nổi tiếng ? Những khu vườn và khu phố vừa nói không có gì đặc sắc hơn các nơi khác ngoài khoảng không gian xanh tươi nho nhỏ giữa một khu phố sang trọng. Cái đã làm đại lộ Champs Élysées nổi tiếng là hình ảnh một nước Pháp hùng cường và hạnh phúc sau thế chiến II vào những dịp lễ lớn. Đại lộ Champs Élysées, cũng giống đại lộ The 5th Avenue của New York, là nơi những người có công với nước Pháp phải đi qua để được dân chúng đón mừng. Champs Élysées, theo huyền thoại Hy Lạp, là nơi cư ngụ của những vị anh hùng và người đạo đức.

opera5

Đội kỵ binh Cộng hòa hộ tống xe chở Tổng thống Pháp và Tổng tham mưu trưởng quân đội diễu binh trên Đại lộ Champs Elysées ngày Quốc khánh Pháp 14/7

Ngày 11/11/1919, quân đội Pháp duyệt binh lần đầu tiên trên đại lộ Champs Élysées kỷ niệm năm đầu tiên thắng Đức sau đệ nhất thế chiến giữa tiếng reo hò của dân chúng Pháp. Ngày 26/08/1944, dân chúng một lần nữa tràn xuống đại lộ Champs Élysées đón mừng đoàn quân chiến thắng giải phóng Paris do tướng Charles de Gaulle dẫn đầu. Từ sau ngày đó, chính phủ Pháp tổ chức những cuộc duyệt binh lớn trên đại lộ Champs Élysées, từ đài chiến thắng Arc de Triomphe de l'Étoile tới quảng trường Concorde, vào những dịp quốc khánh 14/7 (ngày phá ngục Bastille năm 1789) và ngày chiến thắng 11/11 (ngày Đức đầu hàng quân đồng minh năm 1918). Chính quyền thành phố Paris đã làm tất cả để đại lộ Champs Élysées trở thành niềm hãnh diện của không những dân Parisens mà còn cả cho nước Pháp trong những ngày lễ lớn. Vào những dịp Giáng Sinh hay ngày đầu năm dương lịch, đèn đuốc, cây cối và nhà cửa hai bên đường được trang hoàng lộng lẫy, ban đêm chiếu sáng cả một góc trời. Đại lộ Champs Élysées chính vì vậy được người Pháp tự hào là đại lộ đẹp nhất thế giới.

Thời gian gần đây, đại lộ Champs Élysées còn là nơi tiếp đón những đội thể thao quốc tế tham dự các cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp (Tour de France), chạy việt dã (marathon de Paris), hay những đội đã mang lại chiến thắng cho nước Pháp như bóng đá và dã cầu (tennis). Cờ tam tài (xanh dương, trắng và đỏ) bay phầp phới trong tiếng cười vui. Vào giữa đêm giao thừa (dương lịch), giới trẻ Pháp thường tràn ra đại lộ Champs Élysées uống champagne, hôn nhau chúc mừng năm mới. Champs Élysées còn là nơi gặp gỡ và giao lưu giữa các nền văn minh thế giới, các của hàng đủ mọi quốc tịch phô trương đặc sản của quốc gia mình, từ tài chánh, ngân hàng, du lịch, dịch vụ đến hành hóa tiêu dùng thường nhật. Cũng trên đại lộ này, người da vàng, da trắng và da đen trao đổi với nhau bằng đủ loại ngôn ngữ quốc tế.

Ai đã làm Champs Élysées nổi tiếng ? Công trạng đầu tiên phải dành cho hoàng đế Napoléon III, người muốn nới rộng và phát triển đại lộ Champs Élysées đến đài chiến thắng Arc de Triomphe de l'Étoile để tôn vinh công trạng của chú ông, hoàng đế Napoléon I và Đệ nhị Đế quốc của ông. Nhưng người có công nhất là nam tước Haussmann (1809-1891), tỉnh trưởng Paris. Haussmann được Napoléon III giao trách nhiệm phát họa và qui hoạch lại một thành phố Paris dơ bẩn và bề bộn để trở thành một thành phố Paris sang trọng, có qui củ, xứng đáng với chỗ đứng của nước Pháp mà đại lộ Champs Élysées là trung tâm. Những công trình xây dựng dở dang dưới thời Napoléon I đều được Haussmann hoàn tất, đặc biệt là đài chiến thắng Arc de Triomphe.

Sau những chiến thắng liên tiếp trên khắp chiến trường Châu Âu, Napoléon I muốn dựng một đài chiến thắng để đoàn quân chiến thắng của ông đi qua trước sự ngưỡng mộ của dân chúng, nhất là hoàng hậu Joséphine, vợ ông lúc đó. Sinh trưởng tại đảo Corse, Napoléon Bonaparte là một người say mê nền văn hóa La Mã và Ý Đại Lợi, trong suốt cuộc đời chinh chiến ông luôn tìm cách chiếm toàn bộ nước Ý để mang về những báu vật thời La Mã. Năm 1796, khi tiến vào Roma, tướng Bonaparte kinh ngạc trước sự hùng tráng của các kiến trúc còn lại của thời La Mã, nhất là đài chiến thắng nơi Julius Ceasar bắt các tù binh cuối đầu bước qua. Sau những chiến thắng dồn dập trên khắp các chiến trường Châu Âu, Napoléon I cho xây hai đài chiến thắng tại Paris : Arc de Triomphe de l'Étoile và Arc de Triomphe du Carrousel (xem Quartier du Louvre đã viết), ông muốn ví mình là Ceasar của thế kỷ 19.

Trở về Pháp sau chiến thắng Austerlitz năm 1806 tại Áo, Napoléon I chọn địa điểm cao nhất trên đường săn bắn Grand Cours do Le Nôtre khai sinh, ngày nay là quảng trường Place Charles de Gaulle, để xây một đài chiến thắng lớn cho đại quân của ông đi qua. Ngày 18/4/1806, Napoléon I đặt viên đá đầu tiên và giao cho kiến trúc sư Jean Chalgrin thực hiện. Công trình xây dựng chỉ chính thức bắt đầu năm 1809 sau nhiều tranh cãi gay go về từng chi tiết của họa đồ. Việc xây dựng không tiến hành như mong muốn vì cung đình bị xào xáo (hoàng hậu Joséphine bị truất phế vì không có con nối dõi, hoàng hậu Marie Louise lên thay). Ngày làm đám cưới, năm 1810, chỉ móng nền đài nhà được hoàn tất, Chalgrin phải dựng một đài chiến thắng bằng gỗ phủ vải trên móng nền để Napoléon I dẫn đầu đoàn quân rước hoàng hậu Marie Louise từ địa điểm này về Louvre. Năm 1811 Chalgrin qua đời, công trình xây dựng bị dở dang.

Napoléon I không có cái may được diễn hành dưới đài chiến thắng với Đại Quân (Grande Armée) của ông, năm 1814 quân Pháp bị đánh bại tại Waterloo, đế quốc Pháp tan rã. Năm 1815, Napoléon I sống lưu đày trên đảo Sainte Hélène và mất tại đó năm 1821. Phải chờ đến thời vua Louis Philippe, đài chiến thắng mới được tiếp tục và hoàn thành năm 1836 theo đúng từng chi tiết trong họa đồ của Chalgrin.

opera6

Đài Chiến Thắng Arc de Triomphe

Arc de Triomphe là một đài đá vôi đồ sộ hình chữ nhật - dài 45 mét, rộng 15 mét, cao 50 mét (vòm trong cao 29 mét) - sừng sửng đứng giữa một quảng trường lát đá, đường kính 240 mét, với những cột mắt xích bao quanh. Bốn chân đài là bốn khối đá lớn với những tác phẩm điêu khắc công phu ghi lại những chiến thắng của Napoléon từ lúc khởi đầu đến năm 1810 do các điêu khắc gia François Rude (tượng La Marseillaise 1792), Cortot (tượng Traité de Vienne sau chiến thắng Wagram 1809), Seurre l'Ainé (tượng La Bataille d'Aboukir 1799), Grechet (La Bataille d'Austerlitz), v.v... Đó là chưa kể hàng trăm bức tượng khác được chạm thẳng trên bốn vách tường chung quanh, do các điêu khắc gia danh tiếng Rude, Brun, Jacquet, Laité, Caillouette và Seurre l'Ainé tạc, diễn lại cảnh từ lúc Đại Quân của Napoléon đi chinh chiến và trở về sau những chiến thắng. Các vách tường trên sân thượng được gắn 30 mộc đỡ tượng trưng cho những chiến thắng lớn của Đại Quân Pháp từ 1790 đến 1810. Bên trong và dưới vòm chính là tên 660 tướng lãnh và sĩ quan tử trận được khắc trên đá ở mỗi chân đài. Ở giữa vòm đài là ngọn đuốc bất diệt xây trên mồ một chiến sĩ vô danh được mang về đây chôn ngày 28/1/1921. Đỉnh đài là một sân thượng rộng lớn có thể quan sát toàn bộ cảnh quang Paris. Chỉ mặt tiền của đài chiến thắng đối diện với đại lộ Champs Élysées là đáng chú ý, phía sau đài là những khu nhà ở sang trọng, ban đêm các kỹ nữ và giới đồng tính luyến ái thường ra đón mời khách mua hoa.

Năm 1854, nam tước Haussmann thiết kế 12 đại lộ lớn, mang tên những vị tướng nổi tiếng của Pháp như Foch, Marceau..., chung quanh quảng trường của đài. Nhìn từ trên cao, Arc de Triomphe giống hình một ngôi sao (étoile) 12 cánh, từ đó quảng trường này có tên Arc de Triomphe de l'Etoile (Quảng trường Chiến thắng Ngôi sao). Để tưởng nhớ công lao người đã giải phóng Paris năm 1944, Arc de Triomphe de l'Étoile có thêm tên Charles de Gaulle năm 1970 : Quảng trường ngôi sao đổi thành Place Charles de Gaulle (Quáng trường Charles de Gaulle). Lái xe chung quang quảng trường này rất khó, phải thật vững tay mới tìm một ngỏ để ra vì không ai chịu nhường ai. Quảng trường Charles de Gaulle ngày nay là tụ điểm chính của những trục lộ lớn trong quận 8.

Nửa phần đầu của đại lộ Champs Élysées, từ Concorde đến khu vườn Clémenceau, là những kiến trúc độc đáo tiêu biểu cho Thời Kỳ Đẹp (Bel Epoque) : Le Pont Alexandre III (xem bài Sông Seine và Đảo Thị Trấn), Le Grand Palais, Le Palais de la Découverte, Le Petit Palais, La Palais de l'Élysée, Le Théâtre du Rond Point...

Le Grand Palais (Porte A, avenue Eisenhower) là một kiến trúc khá độc đáo, do kiến trúc sư Charles Girault vẽ kiểu, được xây dựng cùng thời với cầu Alexandre III để tham dự cuộc đấu xảo quốc tế năm 1900 tại Paris. Mục đích sử dụng của tòa nhà này là để trưng bày hàng hóa và vật liệu từ khắp nơi mang đến, triển lãm xong tòa nhà phải được tháo gỡ để trả lại cho khu vườn, do Hitorff vẽ kiểu, không gian yên tịnh của nó. Vì công tác xây dựng tòa nhà quá công phu và phức tạp nên sau khi triển lãm xong không ai đủ can đảm để tháo gỡ. Le Grand Palais còn tồn tại cho tới ngày nay là vì lý do đó và trở thành một kỳ quan để mọi người đến thăm viếng. Nét độc đáo của Le Grand Palais là sự tương phản của những vật liệu xây cất. Móng nền nhà, các vách tường và cột chống chung quanh được xây bằng bằng đá vôi như mọi kiến trúc cổ điển khác nhưng sườn và nóc nhà được kiến tạo bằng những thanh sắt lớn để chống đỡ mái nhà lợp bằng những mảnh kiếng lớn soi sáng nội thất. Ở giữa khu nhà là một tháp cao hình tròn lợp bằng mảnh kiếng với những sườn sắt, mái nhà chung quanh thì lập bằng những tấm đồng. Sau một thế kỷ tồn tại, ngôi nhà này đang để lộ nhiều yếu điểm : nền nhà đang lún dần bởi sức nặng của những cột sắt và trần nhà, một vài nơi bị niêm phong vì sợ trần nhà sụp xuống. Chi phí bảo trì rất đắt. Tuy vậy nhìn từ bên ngoài đây là một kiến trúc đẹp, hai góc trần nhà là hai bức tượng lớn do điêu khắc gia Récipon tạc hình cổ xe do bốn ngựa kéo bằng đồng.

opera7

Le Grand Palais, do kiến trúc sư Charles Girault vẽ kiểu, là một kiến trúc khá độc đáo được xây bằng bằng đá vôi nhưng sườn và nóc nhà được kiến tạo bằng những thanh sắt lớn để chống đỡ mái nhà lợp bằng những mảnh kiếng lớn soi sáng nội thất. Hiện nay được làm nơi thi đấu các bộ môn võ thuật Olympic Paris 2024

Le Palais de la Découverte (Avenue Franklin D. Roosevelt), nằm phía sau Le Grand Palais, được xây dựng năm 1937 bởi những nhà bác học để làm bảo tàng phát minh khoa học. Kiến trúc của tòa nhà này cũng tương tự như Grand Palais nhưng nhỏ hơn. Ở hai góc tòa nhà là hai bức tượng người cưỡi ngựa bằng đồng rất sống động. Tại đây những phát minh khoa học thô sơ đầu tiên được lưu trữ để giới thiệu cùng giới trẻ, ở tầng một là một phòng triển lãm không gian ba chiều bầu khí quyển và vũ trụ chúng ta đang sống.

Le Petit Palais (Avenue Winston Churchill), cũng do Girault vẽ kiểu, được xây dựng cùng thời với Le Grand Palais nhưng nhỏ hơn. Ngày nay là bảo tàng Mỹ Thuật (Beaux Arts) của thành phố Paris, gồm hai phòng và năm galeries : phòng triển lãm tác phẩm mỹ thuật từ thời cổ Ai Cập đến Châu Âu thế kỷ 18, những tranh ấn tượng và tượng điêu khắc của những nghệ sĩ danh tiếng ; phòng trưng bày sáng tác nghệ thuật của Pháp từ thế kỷ 19 trở về sau do chính quyền Paris trực tiếp đặt mua. Trần của các hành lang và các phòng triển làm được trang trí bằng những bức tranh khổng lồ.

Le Palais de l'Élysée (55 rue du Faubourg Saint Honoré) được bá tước Évreux xây dựng năm 1718, tòa nhà này trở thành nơi cư ngụ của bà huân tước (marquise) Pompadour năm 1753, đến năm 1805 thuộc quyền sở hữu con gái của Napoléon I, Caroline Bonaparte và chồng là thống chế Joachim Murat. Tòa nhà này có hai gian phòng rất đẹp : Salon Murat dùng làm nơi hội họp của Hội đồng bộ trưởng (Conseil des Ministres) mỗi sáng thư tư ; phòng kế tiếp là Salon d'Argent, nơi Napoléon I ký giấy từ nhiệm ngày 22-6-1815 sau khi thất trận. Từ năm 1873, Palais de l'Élysée là Phủ tổng thống Pháp, 20 vị tổng thống Pháp đã kế tiếp nhau vào biệt điện này làm việc và cư ngụ lúc đương nhiệm. Nhà riêng của tổng thống nằm trên hướng đường Élysée. Hiện nay là tổng thống Jacques Chirac, nhiệm kỳ 1995-2001. Quanh phủ tổng thống là tòa đại sứ các quốc gia lớn.

Những ai ưa thích áo quần thời trang sang trọng và nữ trang đắt quí phải đến đại lộ Montaigne ngắm nhìn. Những tác phẩm độc đáo của những nhà cắt may và thợ kim hoàn danh tiếng nhất thế giới đều được trưng bày tại đây. Gia đình những người giàu có nhất thế giới thường đến đây mua sắm, hai Fashion in Paris có sức hấp dẫn kỳ lạ. Nhà hát kịch Théâtre des Champs Élysées trên đại lộ này được anh em họ Perret xây dựng trước đệ nhất thế chiến, do các kiến trúc sư Maurice Denis và Vuillard vẽ kiếu và ytrang trí, vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Musée Jacquemart - André (158 boulevard Haussmann) trước kia là một ngôi nhà, do kiến trúc sư Parent xây từ 1869 đến 1875 cho Edouard André. Xuất thân từ một gia đình theo đạo tin lành giàu có, André là một quân nhân đam mê nghệ thuật, ông tìm mua những tác phẩm nghệ thuật hay vật dụng cũ về cất giữ. Sau khi cưới bà Nélie Jacquemart, hai vợ chồng cùng nhau đi khắp Châu Âu mua lại những tác phẩm thời Phục Hưng của Ý, những tác phẩm và đồ vật quí hiếm trong những thế kỷ 17 và 18 của Pháp, Hòa Lan và Anh Quốc mang về lưu giữ. Trước khi qua đời năm 1912, bà Jacquemart hiến cho Viện Pháp Quốc (Institut de France) toàn bộ những tác phẩm sưu tầm trong thời son trẻ sau khi qua đời, căn nhà của hai ông bà trở thành bảo tàng viện từ đó.

Thánh đường Alexandre Nevski (12 rue Daru) có từ đầu thế kỷ 20, là nơi hành lễ cho những người theo đạo công giáo chính thống (orthodoxe), đa số là người Pháp gốc Nga. Thánh đường này có năm tháp chuông hình tròn, nội thất được những nghệ sĩ từ Saint Peterburg đến trang trí.

Danh lam thắng cảnh văn hóa của khu Champs Élysées còn rất nhiều, những ai rảnh rỗi hãy thả bộ trên bất cứ con đường nào quanh đại lộ Champs Élysées để khám phá thêm những điều kỳ thú, bất cứ con đường nào cũng có một lịch sử và những nét độc đáo riêng.

Nguyễn Văn Huy

(08/08/2024)

Additional Info

  • Author Nguyễn Văn Huy
Published in Tư liệu
lundi, 12 août 2024 18:17

Paris bên bờ hữu ngạn - 2

Beaubourg và Les Halles (quận 1, quận 3 và quận 4)

Nếu có một nốt sai trong Tình khúc Paris tuyệt vời, đó là Beaubourg và Les Halles. Khu này - nằm trong ba quận 1, 3 và 4 - là một cái gì bất bình thường giữa thành phố Paris tráng lệ. Beaubourg theo nguyên nghĩa là "phố đẹp" và Les Halles là "vựa thực phẩm". Đã là phố đẹp thì không thể đi đôi với vựa thực phẩm, cũng như một phụ nữ ăn mặc đẹp đẽ không thể ngồi giữa chợ bán thịt cá, nhưng ở trong khu Beaubourg và Les Halles này tất cả đều có thể. Les Halles ngày nay không còn vết tích gì của vựa thực phẩm và Beaubourg cũng không phải là phố đẹp như tên gọi của nó. Đây là một khu phố lạ đời, "một Woodstock giữa thành phố" !

rivedroite1

Les Halles và Beaubourg là một khu phố lạ đời, "một Woodstock giữa thành phố" !

Thời gian và đời sống thường nhật đã thay đổi hẳn dĩ vãng của một khu lao động nghèo nàn và dơ bẩn giữa thành phố Paris để trở thành một khu phố ồn ào và náo nhiệt với những sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật từ sáng đến tối. Thật vậy, trong những ngày nắng ấm, giới trẻ Paris và giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới thường tới Beaubourg và Les Halles ngồi nghe những nghệ sĩ lang thang trình diễn văn nghệ hay những tay "mãi võ sơn lâm" biểu diễn ảo thuật thuộc đủ mọi quốc tịch trên các con đường lát đá dành riêng cho khách bộ hành và các vỉa hè rộng lớn,

Về lịch sử, khu Beaubourg từ thế kỷ 16 mang tên Saint Merri, sau đổi thành Beaubourg từ nửa cuối thế kỷ 18 và là nơi cư ngụ của gia nhân các bậc vua chúa và quan quyền. Sang thời Cách mạng Pháp 1789, khu này trở thành ổ phản kháng chống lại triều đình và sau đó biến thành một khu lao động dơ bẩn. Năm 1969, cố tổng thống Pháp Georges Pompidou - muốn biến Paris thành một trung tâm sáng tác nghệ thuật và văn hóa xứng đáng với tầm vóc của nước Pháp và để cạnh tranh với các thủ đô văn hóa khác trên thế giới - đã chọn khu đất cũ kỹ Beaubourg trong quận 4 để xây dựng một trung tâm văn hóa và nghệ thuật tân kỳ lớn nhất nước Pháp.

Hơn 600 dự án kiến trúc độc đáo từ khắp nơi trên thế giới gởi tới để dự thi. Sau một thời gian lưỡng lự giữa nhiều dự án hấp dẫn, chính quyền Paris quyết định chọn dự án hỗn hợp của các kiến trúc sư Renzo Piano, Gianfranco Franchini (Ý) và Richard Rogers (Anh). Nhưng (cố tổng thống) Pompidou không có cái may chứng kiến giấc mơ các mình được thành tựu khi còn sống như (cố tổng thống) François Mitterrand, người kế vị ông 7 năm sau đó khi khánh thành thư viện quốc gia với tên của mình Bibliothèque National Tolbiac-Mitterrand. Năm 1974, Pompidou qua đời sau một cơn bạo bệnh ; để tưởng nhớ công lao vị tổng thống quá cố, chính phủ Pháp đổi tên trung tâm Beaubourg thành Centre Georges Pompidou (Place Georges Pompidou, quận 4) mà dân chúng thường dưới tên thân mật là Beaubourg.

rivedroite2

Năm 1974, Trung tâm văn hóa và nghệ thuật Beaubourg mang tên Centre Georges Pompidou

Công trình xây dựng kéo dài 8 năm, từ 1970 đến 1977, trong sự âm thầm và trước sự bàng quang của thiên hạ. Ngày 31/1/1977, khi (cố) tổng thống Valéry Giscard d'Estaing đến cắt băng khánh thành, dân chúng Paris sửng sốt chứng kiến một công trình kiến trúc kỳ lạ, không giống với những gì mà họ đã từng thấy trước đó. Đây là một khu nhà có hình thù kỳ lạ, rộng 5.000 mét vuông, bằng kiếng và kim khí, nhìn từ xa giống một nhà máy lọc dầu vĩ đại với những sườn sắt chằng chịt, những đường ống bằng kim khí to lớn màu mè xanh đỏ vàng trắng và hệ thống cầu thang lên xuống tự động trong các đường ống trong suốt.

Về mặt kiến trúc, Centre Georges Pompidou là một cuộc cách mạng về thiết kế nội thất. Tất cả hệ thống vận chuyển, điều hòa không khí, sưởi ấm đều đưa ra bên ngoài để tăng cường diện tích bên trong. Bước vào tòa nhà người ta có cảm tưởng như bước vào một không gian ba chiều, với vòm nhà thật cao sơn màu tối được chiếu sáng bởi những bóng đèn huỳnh quang như những hành tinh lóng lánh giữa màn đêm. Những kiến trúc sư xây dựng công trình muốn thông tin cùng khách qua lại sự sống động của ngôi nhà này qua màu sắc của những đường ống. Sự chọn màu không phải tình cờ, mỗi màu tương trưng một công dụng riêng : màu xanh dương dành cho những ống thông hơi, màu xanh lục là những ống dẫn nước, màu vàng chóe cho những ống dẫn điện, màu đỏ là hệ thống thang máy, màu trắng cho hệ thống ống thông hơi và màu xám là những cột thép chống đỡ bên ngoài. Để tạo sự hài hòa với sự mới mẻ, những trang trí công cộng chung quanh cũng được xây dựng với những hình thù kỳ lạ, sơn phết đủ màu tươi chói.

Có một điều không ai ngờ là công trình kiến trúc kỳ quái năm tầng này lại thành công quá sức tưởng tượng. Khách ra vào trung tâm Beaubourg mỗi năm khoảng 8 triệu người, gấp hai lần khách lên xuống tháp Eiffel và gần bằng du khách ra vào khu giải trí EuroDisney Land (phía Đông Paris). Từ ngày khai trương 31/1/1977 đến 29/9/1997 có hơn 146 triệu lượt người vào thăm Beaubourg. Nhưng sau gần mười năm hoạt động, ngôi nhà "lọc dầu" này trở nên mệt mỏi và chính quyền Paris quyết đã định đóng cửa hai năm (từ 30/9/1997 đến 31/12/1999) để tu bổ và sơn phết lại hệ thống ống dẫn để mở cửa lại nhân dịp đầu năm 2000. Hiện nay số lượt người vào trung tâm văn hóa này khoảng 7.100 người/ngày, hay 2,6 triệu người/năm (2023).

125984547

Centre Pompidou là một khu nhà có hình thù kỳ lạ, rộng 5.000 mét vuông, bằng kiếng và kim khí, nhìn từ xa giống một nhà máy lọc dầu vĩ đại với những sườn sắt chằng chịt, những đường ống bằng kim khí to lớn màu mè xanh đỏ vàng trắng

Sự hấp dẫn của Beaubourg có những lý do của nó. Trước nhất là Bảo tàng quốc gia nghệ thuật mới, nơi trưng bày và triễn lãm đủ mọi trường phái nghệ thuật mới (art moderne), với trên 40.000 tác phẩm nghệ thuật đủ loại của hơn 4.200 nghệ sĩ nổi tiếng từ 1905 đến 1995. Thứ hai là Thư viện công cộng thông tin (BPI) khổng lồ cho hơn 1.300 lượt người vào mỗi ngày để tham khảo hơn 400.000 sách và ấn phẩm, 2.300 tạp chí và báo chí đủ loại, 20.000 vi phim và 14.000 đĩa CD và băng thu nhạc, đó là chưa kể hàng trăm máy vi tính (computer), máy đọc tài liệu trên vi phim và máy thính nhạc lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ, cho cả người mù. Thứ ba là Viện nghiên cứu và liên hợp thính nhạc (IRCAM), mở cửa cho bất cứ người yêu thích âm nhạc nào muốn vào nghe. Thứ tư là Trung tâm sáng tạo công nghiệp (CCI) và Nha phát triển văn hóa (DDC) thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề và giới thiệu những sáng tác nghệ thuật mới đến hàng triệu người mỗi năm. Cuối cùng, và quan trọng nhất, là khách vào xem được tự do đi lại và không bị gò bó như những trong khuôn mẫu kiến trúc có sẵn trước đó ; khi mệt mỏi khách vào xem có thể dừng chân nghỉ mệt ở mỗi tầng lầu trong hệ thống cầu thang tự động hình ống bọc kiếng để nhìn toàn cảnh Paris bên ngoài (tháp Eiffel, nhà thờ Montmartre và La Défense) hay ngồi bệt xuống sàn nhà. Nhưng được mọi người yêu thích nhất là nụ cười và sự niềm nở của hơn 1.700 nhân viên trẻ đẹp làm việc trong khu nhà này, gần 2/3 dưới 35 tuổi. Đa số những người ra vào trung tâm Beaubourg là giới thanh niên, tuổi trung bình từ 25 đến 30 tuổi.

Bảo tàng quốc gia nghệ thuật mới (MNAM-Musée national d'art moderne) - tọa lạc trên lầu ba và bốn ; cửa ra vào nằm ở lầu bốn - là nơi được thăm viếng nhiều nhất. Lầu ba gồm nhiều phòng trưng bày những sáng tác cận đại với tất cả phong phú về nghệ thuật tạo hình : kiến trúc và tạo hình (design) cùng với những phòng chiếu phim video và cinéma. Lầu bốn triển lãm thường trực những tác phẩm hội họa tiêu biểu của các trường phái mới : dã thú (fauvisme) như Henri Matisse (1869-1954), hỗn hợp (dadaisme hay real made) như Marcel Duchamp (1887-1968), lập thể (cubisme) như Georges Braque (1882-1963) và Pablo Picasso (1881-1973), trừu tượng (abstraction) như Vassily Kandinsky (1866-1944), Robert Delaunay (1885-1941), Paul Klee (1879-1940), Piet Mondrian (1872-1944), siêu thực (surréalisme) như Joan Miró (1893-1983), René Magritte (1898-1967), Yves Tanguy (1900-1955) và Salvador Dalí (1904-1989), nghệ thuật dân gian (pop'art) và nhiều khuynh hướng khác ; ngoài ra lầu bốn còn có nhiều khu triển lãm các tác phẩm điêu khắc thuộc các trường phái hiện thực (réalisme) và vị lai (futurisme).

Lầu năm của trung tâm, có tên Le Belvédère (nhà ngắm cảnh) gồm nhiều Galeries trưng bày khoảng 7.300 tác phẩm nhiếp ảnh, điện ảnh và nghệ thuật tạo nét (graphisme). Lầu hai dành cho Thư viện công cộng thông tin (BPI) Trung tâm sáng tạo công nghiệp (CCI) của viện Bảo tàng quốc gia nghệ thuật mới. Lầu một dành riêng cho người mù. Tầng trệt là nơi thông tin những sinh hoạt văn hóa thường nhật của trung tâm và có một khu dành cho trẻ em học hỏi nghệ thuật tạo hình. Tầng hầm dành cho Nha phát triển văn hóa (DDC) tổ chức triển lãm và hội thảo. Viện nghiên cứu và liên hợp thính nhạc (IRCAM) nằm ở ngoài trung tâm trên góc đường Saint Merri và rue Brismiche.

Đối diện với cửa ra vào Centre Pompidou là quán Café Beaubourg (100, rue Saint Martin, quận 4), nơi qui tụ của những nhân viên làm việc trong trung tâm và dân cư lân cận để ăn trưa và uống cà phê buổi chiều khi tan sở. Nét độc đáo của quán cà phê này là kiến trúc mỹ thuật của nó. Quán cà phê này do kiến trúc sư Christian de Portzamparc, người vẽ Khu âm nhạc tại La Villette (quận 19), thực hiện. Nội thất được trang trí theo khuynh hướng Art Déco (nghệ thuật trang trí) với những tủ sách dựng kín đáo ở mỗi góc tường. Từ ngày khai trương đến nay, quán này là tụ điểm của giới thanh nhân mặc khách Paris. Vào những ngày nắng ấm, khách ngồi uống cà phê đông tràn ra cả hè phố và không ai phiền hà gì cả, những thiếu nữ kiểu diễm từ khắp nơi thường đến đây uống nước để mọi người chiêm ngưỡng nét đẹp trời cho và những đoàn ca hát lang thang đến trình diễn văn nghệ ngay trước quán, không khí rất là "văn nghệ".

Phía Đông Bắc tòa nhà Beaubourg là một hồ nước nhân tạo để tưởng nhớ nhà soạn nhạc Nga, Bassin Igor Stravinsky (Rue Brismiche, quận 4). Hai nhà điêu khắc Niki de Saint Phalle và Jean Tinguely đã nắn tạo những tượng thú tiền sử lập thể di động, với tượng một con gà trống màu sắc rực rỡ dựng ở giữa hồ. Hồ này đẹp nhất vào buổi tối nhờ những ánh đèn huỳnh quang chiếu vào.

rivedroite4

Để tạo sự hài hòa với sự mới mẻ, những trang trí công cộng chung quanh cũng được xây dựng với những hình thù kỳ lạ, sơn phết đủ màu tươi chói.

Tiến lên phía Bắc một chút là "khu đồng hồ" (Quartier de l'horloge) nằm trong khu vực Rue Saint Martin, Rambuteau, Beaubourg và Grenier Saint Lazarre (quận 4). Khu này nổi tiếng nhờ chiếc đồng hồ khổng lồ mang tên "Le Défenseur du Temps" (người bảo vệ thời gian) dựng trên đường Rue Bernard de Clairvaux (quận 3), do Jacques Monastier tạc, cao 4 mét với những tượng người tự động (automate) bằng thau màu vàng sáng chói như muốn chống chọi lại không khí, đất và nước.

Cách đó không xa về phía Nam khu Beaubourg là giáo đường Saint Merri (76, rue de la Verrerie, quận 4). Saint Merri là tên gọi tắt của nhà tu Meredic. Từ thế kỷ 7 dân chúng xây một nhà nguyện nhỏ để thờ phượng nhưng đến đầu thế kỷ 8 thi thể nhà tu Meredic, đã phong thánh, được mang từ Autun (trung tâm nước Pháp) về chôn trong nhà nguyện. Sang thế kỷ 16, dân số trong khu vực gia tăng nhanh, nhà nguyện được dựng lại để trở thành một giáo đường gothic rực rỡ năm 1552, mang tên Saint Merri. Năm 1789, giáo đường Merri bị phá hoại nặng và chỉ được tu sửa lại năm 1842, do anh em dòng họ Stodtz thực hiện. Mặt tiền phía Tây của của giáo đường là những bức tượng thánh được rất công phu. Nội thất của giáo đường được trang trí rất sang trọng với những cửa kiếng màu (vitraux) rực rỡ, bục giảng bằng gỗ cũng được chạm trỗ rất tinh vi. Hiện nay giáo đường Merri là nơi gặp mặt của những người Ý làm việc trong các ngân hàng lân cận trên đường Lombards, trước kia là nơi cư ngụ của những người cho vay nặng lãi.

Đi về phía Tây, trên những con đường lát đá để giữ lại những nét của thời Trung Cổ và không xa giáo đường Saint Merri bao nhiêu là bễ nước Fontaine des Innocents (Square des Innocents). Sở dĩ có tên Innocents (vô tội) là vì nơi đây trước kia là một bãi tha ma công cộng, nơi vùi xác những người không tên tuổi (les innocents) trong những hố chôn tập thể. Để tưởng niệm những người quá cố bị vùi xác tại đây, một bễ nước đã được dựng lên trên đường Saint Denis năm 1549 ; sau khi hốt xong phần lớn hài cốt chôn tập thể này bễ nước đó bị đập bỏ và một bễ nước khác được dựng trên bãi tha ma cũ với những đường nét tuyệt mỹ, do điêu khắc gia Jean Goujon chạm theo hình vẽ của họa sĩ Pierre Lescot, bao bọc bởi những hàng cây tươi mát (ai hay sợ ma thì không nên đến khu này vào buổi tối). Ngày nay Fontaine des Innocents là nơi hẹn hò của những đôi trai gái vào khu Beaubourg giải trí.

Những con đường chật hẹp lát đá quanh Fontaine des Innocents, có từ thời Trung Cổ. Rue Saint Honoré là con đường chở các tử tội dưới thời Cách mạng Pháp 1789 lên máy chém (guillotine) và trẻ con thường chạy theo xe để cù lét chân những thân xác cụt đầu khi được đem về quăng xác xuống hồ chôn tập thể ; ngày nay là con đường rẫy các quán ăn và cửa tiệm. Rue de la Ferronnerie chứng kiến vua Henri IV bị Ravaillac ám sát năm 1610, trước căn nhà số 11. Rue Saint Denis cũng là con đường chở những tử tội tới Montfaucon để treo cổ từ thời Trung Cổ và cũng là con đường được các vua Pháp dùng để tiến vào Paris sau khi làm lễ đăng quang từ Reims trở về. Mỗi lần như thế dân chúng hai bên đường rót rượu suốt ngày đêm, ngày nay con đường này vẫn tiếp tục sống trong cảnh trụy lạc với nhiều ổ mãi dâm và các tiệm chiếu phim hay buôn bán dụng cụ tình dục. Số 51 rue de Montmorency (quận 3) là một trong hai ngôi nhà xưa cổ nhất Paris (cái thứ hai số 3 rue Volta, quận 4), được nhà văn Nicolas Flamel xây năm 1407 để giúp người nghèo.

Cạnh những con đường vừa nói trên, nơi này trước kia được gọi là Les Halles, cái "bao tử của thành phố Paris" (theo cách gọi của nhà văn Emile Zola). Nhận thấy dân số Paris ngày càng gia tăng và việc cung cấp lương thực thực phẩm cho toàn thành phố chưa được hoàn hảo, năm 1183 vua Philippe Auguste (1180-1223) chọn khu vực Les Halles ngày nay để xây dựng một khu chợ lớn nhằm cung cấp thực phẩm cho dân chúng Paris và cũng để kiểm soát số dân cư sinh sống nơi đây. Ngay giữa chợ là một bục cao, nơi dân chúng có quyền ném bùng đất, rác thối vào mặt những tay buôn gian bán lận, trộm cắp, chủ chứa gái và những người xúc phạm đến Thượng đế bị bắt đem tới đây ; lệ này chỉ bị bỏ vào thời Cách mạng Pháp.

Cũng nên biết là không khí sinh hoạt tại Les Halles từ cuối thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 18 rất là xô bồ, các tay giang hồ tứ chiến từ khắp nơi về đây quậy phá giữa mùi hôi thối nồng nặc từ những xác người sình rữa ở nghĩa địa Les Innocents bốc ra. Nghĩa địa này không có mộ phần, nó là một bài tha ma thì đúng hơn. Khi chết, xác người xấu số được thân nhân mang đến ném xuống một hố sâu hơn chục mét rồi bỏ đi, không lấp đất lại, làm mồi cho chuột bọ và quạ đen hay chờ xác một người khác phủ lấp lên. Mùi hôi thối từ những tử thi rữa nát này bốc ra bao trùm cả khu vực và tình trạng này kéo dài trong 7 thế kỷ, từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18, mà không ai phiền hà gì cả. Với thời gian xương cốt những người chết trồi cao hơn mặt đất 2 mét và đất đai chung quanh bị mục rữa làm sập nhiều căn nhà. Năm 1780, không thể để tình trạng xô bồ và hôi thối tại nơi này kéo dài mãi, vua Louis XVI ra lệnh hốt hết hài cốt những người chết trong khu vực này đem chôn nơi khác. Công tác vận chuyển hài cốt rất là cực nhọc, những người tù khổ sai được đưa đến đây hốt hơn 6 triệu bộ hài cốt từ các hố chôn tập thể này. Theo số liệu thống kê thời đó, trong ba năm liền, các tù nhân khổ sai đã đẩy trên 12.000 chuyến xe bò ban ngày, 3.500 xe ban đêm và hơn một ngàn chuyến xe chở xương cốt vụn vứt vào các hầm đá bỏ hoang tại Montrouge, Montparnasse và Montsouris. Năm 1860, trong chương trình đại tu thành phố Paris do Haussmann thực hiện, người ta hốt thêm hàng trăm ngàn bộ cốt khác, chở trên 800 xe bò trong 15 tháng, mang về chôn trong hầm đá tại Issoire (ngày nay là đường Tombe Issoire, quận 14) vì các hầm đá khác đã đầy cốt người. Không ngờ "thế giới người chết" nằm sâu dưới lòng đất 20 mét này trở thành một trong những nơi đáng viếng thăm của Paris, với tên gọi "Les catacombes" (Place Denfert Rochereau, quận 14), rộng 11.000 mét vuông.

Công tác dọn dẹp sạch sẽ khu Les Innocents bị đình chỉ dưới thời Cách mạng Pháp, sinh hoạt của khu Les Halles trở lại y như cũ, nghĩa là rất xô bồ. Dưới thời Napoléon I (1799-1821), việc buôn bán tại khu Les Halles có phần nề nếp hơn, Paris trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất Châu Âu. Năm 1851 hoàng đế Napoléon III giao kiến trúc sư Victor Baltard xây những ngôi nhà lồng bằng sắt tại Les Halles để che mưa che nắng, không ngờ ngôi chợ lồng này được khắp nơi trên thế giới bắt chước, kể cả tại Việt Nam thời đó (chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, v.v.), với gọi là Pavillon Baltard. Nhưng diện tích khu chợ Les Halles trở nên chật hẹp trong khi nhu cầu về thực phẩm ngày càng tăng. Các kho trữ hàng đều ngập ứ, nạn kẹt xe xảy ra thường xuyên, vựa rượu được dời ra Jussieu, sau ra bến Bercy năm 1860. Tình trạng hỗn độn tại Les Halles kéo dài cho tới năm 1962, và chấm dứt hẳn năm 1969, khi chính phủ Pháp quyết định dời khu Les Halles về Rungis (tỉnh Val de Marne, 94), cạnh phi trường Orly (cách Paris 5 cây số về phía Nam). Từ sau ngày đó, vết tích của khu buôn bán sỉ thực phẩm bị xóa hẳn để trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa mới, Le Forum des Halles, gọi tắt là Les Halles, năm 1979.

Le Forum des Halles (quận 1) là một trung tâm sinh hoạt văn hóa nằm sâu dưới lòng đất giữa thành phố lớn nhất thế giới, gồm năm tầng (khu thương mại chiếm ba tầng, mỗi tầng rộng 7 hecta, và đường xe điện ngầm Châtelet-Les Halles chiếm hai tầng cuối). Về kiến trúc, Le Forum des Halles là một dãy nhà bằng kiếng (như để giữ kỷ niệm về ngôi chợ của Baltard) rất tân kỳ, hình vòng hoa với những hành lang thông thương với nhau nằm sâu dưới lòng đất được rọi sáng bằng áng sáng thiên nhiên từ một sân trong (patio), dùng làm nơi trình diễn văn nghệ. Dọc các hành lang là những cửa tiệm buôn bán áo quần thời trang, sách báo, băng dĩa nhạc, công ty du lịch, rạp chiếu bóng, quán cà phê và fast-food. Những nghệ sĩ trẻ thường tổ chức triển lãm hội họa và điêu khắc trong Pavillon des Arts và thơ nhạc trong Maison de la Poésie.

Bảo tàng hình người bằng sáp (Musée Grévin, lầu 1, Le Forum des Halles), là một chi nhánh của Musée Grévin trên Boulevard Montmartre từ năm 1882, bảo tàng nhỏ này trưng bày 20 hoạt cảnh ba chiều với những văn nhân nghệ sĩ tên tuổi của Pháp thời La Belle Epoque (1871-1913), như văn hào Victor Hugo trước Nhà Thờ Đức Bà, họa sĩ Toulouse Lautrec trong một quán nhạc tại Montmartre, Jules Vernes trong lòng đất, Gustave Eiffel dưới chân tháp, v.v...

Khu vườn Jardin d'enfants des Halles (Forum des Halles, 105, rue Rambuteau, quận 1) là một không gian riêng biệt dành cho trẻ em từ 7 đến 11 tuổi. Tại đây các em có thể thám hiểm một cách bạo dạng mà không sợ nguy hiểm 7 thế giới khác nhau được tạo dựng theo những chuyện cổ tích nổi tiếng.

La vidéothèque de Paris (2 rue Grande Galerie du Forum, quận 1) là trung tâm chiếu phim vidéo về văn hóa lớn nhất nước Pháp, đặc biệt là về thành phố Paris. Từ 1995, trung tâm này mở thêm dịch vụ Cyberport thu hút rất đông giới trẻ vào sinh hoạt. Cạnh trung tâm này là một thư viện băng từ (CD), với hơn 40 máy đọc 30.000 CD, 5.000 băng vidéo và 7.000 sách âm nhạc, và một hồ bơi, nơi trình diễn những thân hình kiều diễm nhất Paris.

Musée de la Poupée (Impasse Berthaud, quận 3) được thành lập năm 1994 là bảo tàng trưng bày các bộ sưu tầm, xếp theo chủ đề, về búp bê của Pháp từ 1850 đến 1950 trong 36 tủ kính và các búp bê khác của thế giới trong 24 tủ kính, tổng cộng hơn 200 búp bê bằng đất nung (porcelaine).

Giáo đường Saint Eustache (Place du Jour, quận 1) là một trong nhiều ngôi giáo đường đẹp nhất Paris kiểu gothic trong thời Phục Hưng. Giáo đường này có năm nóc cao song song với tiền diện. Những cửa kiếng màu được cấu tạo theo tranh của họa sĩ Philippe de Champaigne. Ngôi giáo đường này đã được nhiều nhân vật lịch sử Pháp đến dự lễ : bà công tước de Pompadour và hồng y Richelieu chịu phép rửa tội, vua Luois XIV chịu phép bao đồng, v.v... Trước ngôi giáo đường cổ kính này là một tác phẩm điêu khắc lạ đời hình một đầu người tròn trịa to lớn cạnh một bàn tay khổng lồ do điêu khắc gia Henri de Miller thực hiện.

Cạnh ngôi giáo đường là quán Le Bistrot d'Eustache (37 rue Berger, quận 1), một quán cà phê tiêu biểu của thập niên 1930. Mỗi chiều chủ nhật khách vào chật cả quán để nghe những nhạc sĩ trình diễn các điệu jazz cổ điển nổi tiếng. Tối thứ năm là các buổi trình diễn các điệu nhạc nhạc jazz mới. Những ngày khác là những buổi trình diễn nhạc rượu (piano-bar). Thức ăn đặc sản tại đây có tiếng là ngon.

Giáo đường Saint Germain l'Auxerrois (2 Place du Louvre, quận 1), được xây dựng từ thế kỷ 12 và tu sửa vào thế kỷ 15, đã là nơi các vua Pháp dòng họ Valois đến dự thánh lễ từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Đây là một công trình kiến trúc gothic rực rỡ kết hợp với vô số tượng hình và tác phẩm điêu khắc trên gỗ kiểu phục hưng. Giáo đường này nổi tiếng với nóc chuông kiểu La Mã, nơi phát hiệu lệnh thảm sát 3.000 tín đồ Tin Lành trong đêm 24-8-1572 (đêm Saint Barthelémy). Thời Cách mạng Pháp, giáo đường này bị đóng cửa năm 1793 và được dùng làm nơi chứa rơm. Bị hư hại nặng, giáo đường này chỉ được phục hồi vào cuối thế kỷ 19.

Tháp La tour Saint Jacques (Square de la Tour Saint Jacques, quận 4) là vết tích duy nhất còn sót lại của giáo đường gothic Saint Jacques de Compostelle, được xây dựng năm 1523, bị đập phá trong thời Cách mạng Pháp vì tình nghi có ma thuật. Thật vậy, tại nơi đây năm 1382 nhà hóa học Nicolas Flamel đã biến thủy ngân thành bạc làm nhiều người bị mê hoặc làm theo, nhà bác học Blaise Pascal (1623-1662) đã thử nghiệm áp suất không khí và sức từ trường ngay trong giáo đường, ngày nay tượng của ông được dựng ở tầng trệt của tháp để tưởng nhớ. Thời gian sau, tháp chuông cao ráo này được một người sản xuất vũ khí thuê, ông ta đúc đầu đạn bằng chì từ trên tháp cao đổ xuống đất để tạo những khối tròn, gây kinh hoàng cho khách bộ hành qua lại. Quyền sử dụng tháp bị thu lại và được biến thành đài quan sát thủy văn và tồn tại cho tới ngày nay. Tháp chuông này sau đó được tu bổ, Nữ hoàng Anh khi sang Pháp năm 1854 đã đến viếng thăm tháp chuông này, do đó con đường nơi tọa lạc La Tour Saint Jacques mang tên Avenue Victoria.

Căn nhà số 20, rue Etienne Marcel (quận 2) có một huyền sử độc đáo. Trong cuộc nội chiến giành ngôi vua giữa phe Armagnac và Bourguignon, bá tước Bourgogne, Jean Sans Peur (1371-1419), liên hiệp với quân Anh đánh phe Armagnac do bá tước d'Orléans cầm đầu. Tuy có biệt dang là "không sợ, nhưng ông này là người "rất nhát" : lo sợ cuộc chiến kéo dài bất lợi cho mình, Jean Sans Peur cho thủ hạ ám sát bá tước d'Orléans năm 1408, rồi sợ bà góa phụ Duc d'Orléans báo thù, ông cho xây một ngôi nhà cao 27 mét và ngủ ở lầu bốn đề phòng bị ám sát, muốn lên tới phòng ngủ phải leo 140 bậc cấp, thời gian đủ để hộ vệ báo động và đối phó, nhưng cuối cùng ông cũng bị ám sát năm 1419.

La Bourse du Commerce (2 rue de Viarmes, quận 1) là một kiến trúc hình tròn với mái nhà hình vòm được xây dựng lên cho hoàng hậu Catherine de Médicis (1519-1589), vợ vua Henri II. Vào thế kỷ 18, ngôi nhà này bị phá bỏ để biến thành kho lúa cho khu Les Halles. Năm 1889 kho lúa bị dời đi nơi khác để được tân trang lại thành một ngôi nhà vòm to lớn, được trang trí rực rỡ kiểu tân cổ điển với những cột trụ và tượng hình La Mã, làm nơi trao đổi tín dụng và tiền bạc giữa các tay buôn trong khu Les Halles. Ngôi nhà này ngày nay là nơi trao đổi ngoại thương và là văn phòng của Phòng thương mại và kỹ nghệ thành phố Paris.

Nhưng nơi được đông đảo dân chúng, nhất là khách du lịch ngoại quốc, ra vào là khu thương mại La Samaritaine (19 rue de la Monnaie, quận 1). Đây là một trong hai khu thương mại sang trọng vừa xưa vừa lớn nhất Paris (cửa hàng kia là Au Bon Marché, 5 rue de Babylone, quận 7, bên bờ tả ngạn), do ông bà Ernest Cognacq và Louise Jay tạo dựng năm 1900. Cửa hàng gồm chín tầng, mỗi tầng bày bán áo quần thời trang, mỹ phẩm sang trọng và vật dụng thường nhật. Sau một thời gian hoạt động hai vợ chồng Cognacq-Jay quyết định thay đổi hình thức cửa hàng. Từ 1926 đến 1928, mặt tiền của cửa hàng được tân trang lại theo trường phái Art Déco. Nội thất cũng được tái tạo lại với những dãy hành lang bằng sắt được trang trí theo nghệ thuật mới. Lầu chín là quán giải khát, chỉ mở cửa từ tháng 4 đến tháng 10 mỗi năm để đón khách, thiết kế trên một sân thượng rộng rãi có thể nhìn khắp Paris. Các lầu khác là những cửa hàng bày bán những vật dụng cho sinh hoạt thường nhật hay mỹ phẩm, nữ trang sang trọng. Hai ông bà Cognacq-Jay còn là sở hữu chủ bảo tàng tác phẩm và đồ vật hoàng gia thế kỷ 18 (Musée Cognacq-Jay, Hôtel Donon, 8 rue Elzévir, quận 3) và được tặng cho thành phố Paris năm 1929 để cho quần chúng vào xem. Sau 16 năm tân trang và cải tiến nội thất, La Samaritaine đã mở cửa lại năm 2021 và trở thành một khu thương mại sang trọng nhất Paris.

Marc Lavoine - Paris [1991]

 

Khu Tuileries (quận 1)

Nếu phải chọn một khu vực nào sang trọng và phong phú nhất Paris để đi dạo, đó phải là khu Tuileries. Sự vẻ vang này không phải tự nhiên mà có, đó là một cố gắng phi thường của tất cả những người yêu mến vùng đất này và đã biến nó thành một nơi đáng quí. Tuileries có nghĩa là lò gạch, xưởng làm ngói. Khi địa danh Paris bắt đầu phát triển dưới thời La Mã cách đây gần hai ngàn năm, dân chúng thường chèo thuyền sang hữu ngạn sông Seine đào bùn đúc gạch ngói và nung khô rồi chở sang bờ tả ngạn dựng nhà, danh xưng Tuileries có từ thời đó và tồn tại cho tới ngày nay. Khi phong trào đào bùn làm gạch chấm dứt vào đầu thế kỷ thứ 6, khu này trở thành bải rác công cộng khổng lồ. Năm 1564, hoàng hậu Catherine de Médecis, người Ý vợ nhà vua quá cố Henri II (1547-1559), mua lại bải rác này để biến thành một khu dạo mát dọc hữu ngạn sông Seine với những luốn cây thẳng tắp và thảm cỏ xanh rộng, tên Jardin des Tuileries nảy sinh từ đó. Một thế kỷ sau, năm 1664, kiến trúc sư André Le Nôtre được vua Louis XIV giao thiết kế lại khu vườn kiểu Pháp, rộng 6 hecta, với một lối đi rộng lớn giữa những luống cỏ cắt tỉa tuyệt đẹp với những hình hoa Lys, biểu tượng của hoàng gia Pháp, và bốn hồ nước nhân tạo (một hình tròn và một hình tám góc ở hai đầu lối đi chính và hai hồ nước nhỏ ở hai góc phải và trái giáp bảo tàng Louvre), chung quanh bao bọc bởi một tường thành dài cao năm thước.

Vườn Tuileries (Jardin des Tuileries, Place de La Concorde, quận 1), trở thành nơi dạo mát của giới quí tộc và trưởng giả Paris từ thế kỷ 17 đến thời Cách mạng Pháp 1789. Thời gian sau đó, khu vườn này trở thành nơi tập hợp của quần chúng ủng hộ phe cách mạng và cũng là nơi các nhà cách mạng lên án giai cấp phong kiến. Những lúc không có diễn văn chính trị khu vườn biến thành khu dạo mát của giới bình dân và phường bán dạo, buổi tối là nơi làm việc của giới buôn dâm, nét đài các của khu vườn ngày xưa nhường chỗ cho sự tầm thường phi văn hóa. Sang thời Phục Hưng (Renaissance) các vua Pháp đã trả lại khu vườn này không gian yên tịnh của nó, diện tích khu vườn được nới rộng thêm, hàng ngàn cây xanh được trồng, hàng trăm bức tượng và tác phẩm điêu khắc thế kỷ 18 và 19 được dựng lên đây đó để làm đẹp mắt khách bộ hành.

Phía đầu khu vườn là quảng trường La Concorde (quận 8) với một bia đá Ai Cập hình khối bằng đá hoa cương màu hồng, cao 15 mét, nặng 230 tấn.

Trái với những đồn đoán cho rằng hoàng đế Napoléon hạng nhất đã cướp bia đá này như một chiến lợi phẩm mang về Pháp dựng tại Quảng trường La Concorde. Sự thực là năm 1830 phó vương Ai Cập tên Mehemet Ali, để tạ ơn tình hữu nghị giữa Pháp và Ai Cập, đã tặng cho vua Charles X của Pháp hai bia đá dựng trước khu di tích Louxor. Để đáp lại, năm 1935 vua Louis Philippe đệ nhất tặng cho phó vương Mehemet một đồng hồ bằng đồng lớn ngày nay vẫn còn được treo trên Thành cổ Cairo. Trong thực tế chỉ bia đá bên phải của đền Louxor được tháo gỡ năm 1835 và chuyển về Pháp năm 1836. Còn bia đá thứ hai, nhưng ngay khi vừa đắc cử tổng thống Pháp, ngày 26/09/1981 tân (cố) Tổng thống François Mitterrand đã nhân danh nước Pháp từ chối nhận bia đá thứ hai và chính thức giao lại chủ quyền cho Ai Cập.

Trở về Quảng trường La Concorde, dưới chân tượng đài là một khối đá khổng lồ cao 4 mét mang từ vùng Bretagne dùng làm bục nâng với những chữ tượng hình khắc bốn góc chung quanh giải thích cách chuyên chở tượng đài về đến Paris.

Concorde có lẽ là một trong những quảng trường đẹp nhất thế giới. Lúc khởi đầu, Concorde là một khu vườn kiểu Pháp (có nhiều luống cỏ cắt tỉa cẩn thận), do kiến trúc sư Jacques Ange Gabriel thiết kế từ 1753 đến 1763, tượng nhà vua do Edme Bouchardon và Jean Baptiste Pigalle tạc được dựng ngay giữa quảng trường mang tên Louis XV. Năm 1792 phe cách mạng đổi tên thành Quảng trường Cách Mạng và là nơi đặt máy chém đầu vua Louis XVI, hoàng hậu Marie Antoinette, Danton, Robespierre và hơn 1.100 người khác. Năm 1795, nơi này đổi tên thành Quảng trường Hòa hợp (Concorde) và tượng Les Chevaux de Marly do điêu khắc gia Guillaume Coustou tạc được dựng lên để xóa tan những vết tích gớm ghiếc của thời cách mạng.

Khi vua Louis XVIII lên cầm quyền lại năm 1814, quảng trường đổi lại thành Quảng trường Louis XV năm 1814, Louis XVI năm 1823 và Hiến chương năm 1830, sau cùng vua Louis Philippe (1830-1848) trả lại tên cũ với tên Concorde. Năm 1836, kiến trúc sư Hittorff dựng thêm 8 bức tượng lớn tượng trưng 8 thành phố của Pháp và hai bễ nước bao quanh. Quảng trường Concorde ngày nay là nơi dựng khán đài kết thúc cuộc duyệt binh nhân dịp lễ quốc khánh 14/7 mỗi năm.

Ở hai đầu phía Tây của khu vườn Tuileries là Musée de l'Orangerie (bên tả) và Galerie nationale du Jeu de Paume (bên hữu). Bảo tàng Orangerie là nơi trưng bày các tác phẩm hội họa thuộc các trường phái ấn tượng (impressionnisme) như Claude Monet, Pierre Auguste Renoir ; biểu tượng (expressionnisme) như Amadeo Modigliani ; lập thể (cubisme) như Paul Cézanne, Pablo Picasso ; dã thú (fauvisme) như Henri Matisse... Phòng triển lãm quốc gia Jeu de Paume được thành lập năm 1851 dưới thời Napoléon III, lúc đầu là nơi hội họp của những dân biểu bất phục tùng uy quyền quân chủ sau đổi thành bảo tàng đầu thế kỷ 20. Từ 1947 bảo tàng này trưng bày một bộ sưu tầm tranh ấn tưởng nổi tiếng, sau đó chuyển về bảo tàng Orsay năm 1986. Ngày nay bảo tàng Jeu de Paume chỉ trưng bày các tác phẩm hội họa cận đại. Giữa hai bảo tàng này là một sân rộng, nơi dựng lên một bánh xe khổng lồ cao hơn 60 mét để đưa người lên không trung ngắm cảnh trong vài phút. Đây cũng là nơi trưng bày các gian hàng hội chợ quanh năm với những trò chơi giải trí.

Xa hơn về phía Đông là quảng trường Carrousel. Năm 1806 hoàng đế Napoléon I cho khởi công xây dựng Đài chiến thắng Carrousel (Arc de triomphe du Carrousel, Place du Carousel, quận 1) để ghi lại những công trạng của mình trên chiến trường Ý. Đây là một công trình kiến trúc kiểu La Mã, hoàn tất năm 1808, dựng trên tám cột bằng đá cẩm thạch trắng và hồng, bốn góc đài chạm trỗ những chiến công của Napoléon năm 1805 với tượng những người lính trong Đại quân Pháp (Grande Armée) và sau này nhiều tượng khác được thêm vào dưới thời Phục Hưng (Restauration). Trên đỉnh đài là tượng hoàng đế Napoléon đứng trên cổ xe do bốn con ngựa Saint Marc bằng đồng đen kéo. Bốn con ngựa này do điêu khắc gia Bosio tạc lại từ bản chính (bị Napoléon tịch thu từ Ý mang về năm 1805) trả lại cho thành phố Venise năm 1815.

Tiến về phía Tây là bảo tàng lớn nhất thế giới, Musée du Louvre (Quai du Louvre và rue de Ravoli, quận 1). Bảo tàng này trước kia là triều đình của các vua Pháp, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, và không ngừng lớn rộng theo thời gian. Nhìn từ trên không, bảo tàng Louvre có hình chữ A khổng lồ. Lúc đầu, năm 1190, vua Philippe Auguste (1180-1223) cho xây tại nơi một pháo đài kiên cố đề phòng hải tặc Viking vào cướp phá. Năm 1360, vua Charles V biến pháo đài này thành cung điện nhà vua, Palais du Louvre. Các dòng vua sau nới rộng thêm để tổ chức triều chính, vua François I (1515-1547), Henri II (1547-1559) và vợ là hoàng hậu Catherine de Médicis cho xây thêm dãy nhà thật lớn dọc bờ sông Seine và dừng lại với Pavillon Flore, gọi là Palais des Tuileries (Aile Denon), do các kiến trúc sư Pierre Lescot, Louis Métezeau và Jacques II Androuet du Cerceau thực hiện. Về sau, các vua Henri IV (1589-1610), Louis XIII (1610-1643) và Louis XIV (1643-1715) nối liền Palais du Louvre quanh một sân vuông, La Cour Carrée, với Palais des Tuileries, tất cả các công trình mới này do các kiến trúc sư Jacques Le Mercier, Louis Le Vau và Claude Perrault phụ trách. Đến thời vua Louis XIV, triều đình dời về Versailles năm 1682, điện Louvre được dùng làm nơi lưu trữ văn khố và sau đó trở thành viện bảo tàng nghệ thuật trung ương năm 1793 bởi quyết định của quốc hội cách mạng.

Khi vừa lên ngôi, Napoléon I (1804-1815) chọn Louvre làm nơi cư ngụ và lập triều đình, đồ vật trưng bày tại đây không ngừng tăng thêm sau mỗi chiến thắng của ông. Để tăng thêm diện tích cung điện, Napoléon I cho xây một dãy nhà rộng lớn song song với Rue de Rivoli dùng làm nơi hội họp của ban tham mưu, với nhiều tượng tướng lãnh nổi tiếng dựng ở các thành tường, công trình này do hai kiến trúc sư Pierre François Léonard Fontaine và Charles Percier thực hiện. Tượng Napoléon I, đứng trên bốn con ngựa bằng đồng đen mang về từ (Venise (Ý), được dựng trên đỉnh đài chiến thắng, do kiến trúc sư Percier vẽ kiểu, giữa quảng trường Carrousel trong một khu vườn được cắt tỉa theo kiểu Anh, Jardin du Carrousel. Các vua Louis XVIII, Charles X và Louis Philippe về sau xây thêm một dãy nhà nhỏ nối dài từ Cour Carré ra. Đến thời Napoléon III (1852-1870) công trình nối liền Palais des Tuileries với điện Louvre hoàn tất với nhiều dãy nhà thật lớn nối liền Cour Carrée ra tới hai ngôi nhà lớn ở cuối, Pavillon de Marsan và Pavillon de Flore, tất cả các công trình xây dựng mới đều dưới quyền điều khiển của kiến trúc sư Hector Lefuel.

Năm 1871, phong trào quần chúng từ Montmartre tràn xuống chiếm trung tâm thành phố Paris và đốt Palais des Tuileries phản đối triều đình Pháp bị thất trận (trước quân Phổ) và thành lập một phong trào tả phái mang tên (la) Commune. Để đề cao chiến công của mình, phong trào xây dựng một con thật trống trải, gọi là Đường Khải Hoàng (Voie triomphale) từ điện Tuileries ra tới rừng Boulogne. Nhà cửa và cây cối hai bên đường đều bị san bằng để tôn vinh sự chiến thắng của giới bình dân nhưng bị thủ tướng Thiers nhanh chóng dẹp tan ngay sau đó. Phải chờ tới đầu thế kỷ 20, chính quyền Paris mới đủ tài chánh xây dựng lại điện Tuileries, Louvre và nhiều dinh thự và nhà cửa khác, tu sửa lại Jardins des Tuileries và Carrousel và tăng diện tích lên thành 24 hecta. Những gì còn lại ngày nay là do cố gắng phi thường của người Pháp hàn gắn lại những đổ vỡ do phong trào Commune gây ra.

Sau khi chế độ đệ tam cộng hòa được thiết lập năm 1870, điện Louvre mới thực thụ biến thành viện bảo tàng lưu giữ những đồ vật của hoàng triều Pháp và những di tích cổ từ khắp nơi trên thế giới. Năm 1989, cố tổng thống Pháp François Mitterrand (1981-1995) khánh thành bảo tàng Le Grand Louvre sau 8 năm tân trang và mở rộng, từ 1981 đến 1989.

rivedroite5

Viện bảo tàng Louvre hiện nay - Ảnh minh họa

Le Grand Louvre là một thành phố ngầm rộng lớn trên 100.000 mét vuông diện tích triễn lãm, trong đó có 30.000 mét vuông trong các dãy nhà phân bổ trên ba tầng lầu, số còn lại ở ngay dưới mặt đất (gọi là tầng trệt). Ngoài ra còn có bốn tầng ngầm (sous-sol) nằm dưới "tầng trệt" của viện bảo tàng dùng làm bãi đậu xe và nơi lưu trữ các báu vật cần được sửa chữa hay chưa được trưng bày, trong đó có nhiều phòng dành riêng cho giới nghiên cứu cổ vật đến thực nghiệm. Cửa ra vào đặt giữa sân Cour Napoléon hình một kim tự tháp bằng kiếng thật lớn với hai kim tự tháp nhỏ (như tại Gizeh bên Ai Cập) bao quanh bởi các hồ nước, do kiến trúc sư Đài Loan Ieoh Ming-Pei thực hiện. Mục đích của các kim tự tháp này là vừa để thay đổi cảnh quang vừa để soi sáng đại sảnh đường ở dưới đất bằng ánh sáng thiên nhiên.

Vào thăm bảo tàng phải có thì giờ và phải có bản đồ chỉ dẫn trên tay nếu không sẽ bị lạc vì quá rộng lớn. Cuộc viếng thăm nhanh nhất phải mất 4 giờ và cuộc viếng thăm trung bình đầy đủ nhất là hai ngày. Những dãy nhà thuộc Palais des Tuileries cũ được đặt tên lại như sau : dãy nhà bao quanh Cour Carré là Aile Sully trên Rue du Louvre, dãy phía hữu là Aile Richelieu trên Rue de Rivoli và dãy nhà phía tả là Aile Denon trên Quai du Louvre, dọc sông Seine. Bảo tàng được chia thành 7 phân bộ (département) :

1. Cổ vật Đông phương (trong đó có nghệ thuật hồi giáo) ;

2. Cổ vật Ai Cập ;

3. Cổ vật Hy Lạp, Etrusques và La Mã ;

4. Tác phẩm hội họa ;

5. Tác phẩm điêu khắc ;

6. Vật dụng mỹ thuật ;

7. Nghệ thuật tạo nét (graphisme).

Ngoài ra còn có một phòng trưng bày các vật dụng thời Trung Cổ tìm thấy ngay dưới điện Louvre. Mỗi phân bộ có một màu sắc riêng để dễ phân biệt : các phòng trưng bày báu vật cổ có màu xanh dương, tác phẩm hội họa màu xanh lục, tác phẩm điêu khắc màu vàng, mỹ nghệ màu hồng và màu xám là các lối ra vào. Tất cả những báu vật trên được trưng bày trong 10 khu vực (arrondissements) : khu vực 1, 2, 3 tại Aile Richelieu ; khu vực 4, 5, 6, 7 trên Aile Sully và khu vực 8, 9, 10 trên Aile Denon. Cuộc viếng thăm phải đi từ Aile Richelieu qua Aile Sully và chấm dứt ở Aile Denon.

Aile Richelieu còn là nơi trưng bày các bộ sưu tầm về thời trang và nghệ thuật trang trí trong hai bảo tàng viện, có thể nói thiên đàng mơ ước của phần lớn phụ nữ đúng nghĩa :

1. Musée de la mode et du textile (Palais du Louvre, 107 rue de Rivoli, quận 1) được thành lập năm 1986 để trưng bày các kiểu áo quần thời trang sang trọng nhất từ thời Trung Cổ đến nay của các nhà vẽ kiểu nổi tiếng của Pháp, với hơn 80.000 bộ áo quần và vải sợi đủ kiểu. Số y phục trưng bày được luân phiên thay đổi để giữ gìn phẩm chất và tạo sự hấp dẫn.

2. Musée des arts décoratifs (Palais du Louvre, 107 rue de Rivoli, quận 1), gồm 100 phòng trên 5 tầng lầu, trưng bày các kiểu vật dụng trang trí từ thời Trung Cổ đến ngày nay, đặc biệt là các kiểu vật dụng dưới thời các vua Louis XIV, XV và XVI, như tủ bàn, tranh vẽ, các vật dụng trang trí phòng ốc... ; ngoài ra còn có nhiều gian phòng trưng bày nữ trang, đồ trang sức riêng của phụ nữ, đặc biệt là gian phòng trang sức của bà Jeanne Lanvin (hiệu mỹ phẩm Lanvin ngày nay) trong những năm 1918-1939 được tái tạo lại. Bảo tàng nghệ thuật trang trí còn trưng bày các loại đồ chơi cổ và những kiểu bàn ghế do các nghệ sĩ và kiến trúc sư cận đại sáng tác.

Rivoli là tên một địa danh tại Ý, nơi Napoléon đánh thắng quân Áo năm 1797. Để ghi nhớ chiến thắng này, năm 1800 Napoléon I lập một con đường dài đi từ khu Les Marais tới Place de la Concorde, dưới tên gọi Rue de Rivoli (quận 1), dùng làm nơi cư ngụ của gia đình các sĩ quan theo ông đánh giặc. Nhưng năm 1815 Napoléon bị thua trận, các khu nhà trên đường Rivoli được cho thuê hay bán lại để mở tiệm buôn bán.

Giữa Le Grand Louvre và Jardin des Tuileries trên đường Rivoli là Place des Pyramides (quận 1), nơi tượng Jean d'Arc mạ vàng cưỡi ngựa, do Daniel Frémiet tạc năm 1874 để nhắc lại sự tích vị nữa anh hùng này bị quân Anh bắn trọng thương ngay cửa Saint Honoré gần đó. Pyramides cũng là tên một chiến thắng của Napoléon I trên đất Ai Cập năm 1802. Quảng trường này là nơi hành hương hàng năm của Mặt Trận Quốc Gia (nay đổi tên thành Tập Hợp Quốc Gia), một tổ chức cực hữu của Pháp, vào mỗi dịp 1 tháng 5 (lễ Lao động).

Những ai thích sưu tầm đồ cổ thì phải ghé Le Louvre des Antiquaires (2 Place du Palais Royal, quận 1). Khu nhà này có cùng thời với điện Louvre ngày xưa nhưng được hai kiến trúc sư Charles Percier và Pierre-François Fontaine tân trang lại dưới thời Napoléon I để làm nơi cư ngụ của gia đình các tướng lãnh. Trong thập niên 1970, các phòng ốc trong khu nhà này được tân trang lại để trở thành 250 gian hàng bán đồ cổ sang trọng nhất Paris, phân bổ trên ba tầng. Nhiều người sẽ lầm vì tưởng rằng giá đồ cổ tại đây đắt hơn những nơi khác, thực tế đã ngược lại. Người mua đồ cổ tại đây được bảo đảm về tính xác thực (authenticité) của đồ vật (có chứng chỉ bảm đảm) và giá của nó là giá thị trường quốc tế, có trên catalogue, do đó giá tại đây đôi khi còn rẻ hơn những cửa hàng ngoài khu vực. Ngày nay khu này đã được dời về Saint Ouen (bắc Paris).

Cách khu nhà bán đồ cổ độ mươi thước bên tay phải là cung điện hoàng gia, Palais Royal (Place du Palais royal, quận 1). Khu nhà này do hồng y Richelieu xây dựng lên vào đầu thế kỷ 17 (và chết tại đây năm 1642), dùng làm nơi nuôi dưỡng và giáo dục con cháu vương tộc Bourbon, dòng họ Orléans. Suốt thời son trẻ vua Louis XIV (vua mặt trời, 1643-1715) sống trong khu nhà này, sau đó nhường cho em trai của ông năm 1692, sau này là vua Louis XV (1714-1774). Khu nhà Palais Royal không ngường lớn rộng và làm đẹp thêm dưới thời Louis XV và con của ông ta là Philippe d'Orléans, để tổ chức các buổi tiếp tân và dạ vũ linh đình trong suốt thế kỷ 18. Với thời gian, khu nhà này trở thành nơi truy hoang, trác táng của giới hoàng gia và là một trong những ngòi nổ của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Dưới thời Napoléon I, khu nhà này trở thành trung tâm giải trí sang trọng của các sĩ quan cao cấp. Sau khi Napoléon I bị truất phế năm 1815, khu nhà này được trả lại cho con cháu dòng họ Orléans. Vua Louis Philippe (1830-1848) cho đập phá tất cả các sòng bạc và hồng lâu để trả lại sự trang nghiêm của tổ tiên ông. Palais Royal bị phong trào tả phái La Commune đốt phá năm 1871 và chỉ được phục hồi lại năm 1875 để đón nhận Hội đồng quốc gia (Conseil d'Etat) và vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Để tạo lại sự hấp dẫn của Palais Royal, nhà tạo hình Daniel Buren được chính phủ Pháp mời thiết kế lại sân trong của khu nhà năm 1980, với những cột trụ cao thấp không đồng đều màu trắng đen, gọi là Colonnes de Buren. Muốn vào thăm phải đi qua một cổng phụ bên phải vì cổng chính là Conseil d'Etat. Vượt qua sân cột này là một khu vườn xanh mát giữa các khu nhà sầm uất.

Khu vườn đó là Jardins du Palais Royal do Desgots, người làm vườn của vua do Richelieu điều động đến đây làm việc. Khu vườn này trước kia là nơi các hoàng tử và công chúa đùa giỡn với gia nhân. Khu vườn được phối trí rất đẹp với những lối đi thơ mộng giữa những hàng cây và thảm cỏ được cắt tỉa cẩn thận, ở giữa là một bễ phun nước chạm trỗ tinh vi và một vài bức tượng. Trong thời cách mạng, nơi này thành nơi tụ tập của gái mại dâm nên sau khi được giao trả lại, vua Louis Philippe xây thêm ba dãy nhà nhiều tầng quanh khu vườn (trên hai con đường Rue de Valois và Rue de Montpensier) để cho mướn vì hoàng gia lúc đó rất thiếu tiền, trong đó có nhà hàng Grand Véfour và gian hàng chạm khắc của Guillaumont. Những người thuê mướn tại đây ngày nay vẫn tiếp tục trả tiền nhà cho dòng họ Orléans, các nhà văn quá cố Cocteau và Colette đã từng mướn nhà tại đây.

Kế cận Palais Royal là nhà hát Le Théâtre Français (2 rue de Richelieu, quận 1). Ngôi nhà này được xây dựng năm 1786 để đón những đoàn hát nổi tiếng về phục vụ cho hoàng gia và giới quí tộc thời đó. Từ năm 1799 ngôi nhà này là trụ sở của đoàn ca kịch Comédie Française, do vua Louis XIV thành lập năm 1680 và dưới thời Napoléon I đặt dưới quyền kiểm soát của chính phủ năm 1812. Những kịch phẩm lớn nổi tiếng của Molière, Voltaire... đều được trình diễn trong nhà hát này. Thời La Commune (1871), tòa nhà bị đập phá gần hết, năm 1900 được tu sửa lại và tồn tại cho tới ngày nay. Trần nhà do họa sĩ Albert Besnard trang trí và càng nổi bật khi ánh đèn của sân khấu rọi lên. Tượng và chân dung trên đá cẩm thạch của những kịch tác gia nổi tiếng của Pháp được trưng bày dọc các hành lang trong nhà hát. Tượng của Molière được dựng nơi cuối đường Rue de Richelieu để nhớ lại nơi cư ngụ của nhà kịch tác gia nổi tiếng này của Pháp.

Giáo đường Saint Roch (296, rue Saint Honoré, quận 1), do Jacques Le Mercier vẽ kiểu, được vua Louis XIV đặt viên đá đầu tiên năm 1653 và hoàn tất năm 1690. Vào thế kỷ 18, ngôi giáo đường này được kiến trúc sư Jules Hardouin Mansat nối rộng thêm, dài 126 mét (gần bằng thánh đường Notre Dame de Paris), với nóc nhà hình vòm trên đền thờ nữ vương Maria, nóc vòm là một bức tranh khổng lồ về tích Đức Mẹ lên trời do Jean Baptiste Pierre vẽ. Nhiều tác phẩm nghệ thuật và tranh vẽ các sự tích của đạo công giáo trong các thế kỷ 18 và 19 được mang về từ các tu viện bị bỏ phế treo dọc các vách tường.

Vendôme là tên một quảng trường mười góc (Place Vendôme, quận 1), do kiến trúc sư Jules Hardouin Mansart thực hiện từ 1686 đến 1699, để dựng tượng vua Louis XIV cưỡi ngựa cao 7 mét (tổng cộng là 17 mét vì bục đá nâng bức tượng cao 10 mét). Đây là một quảng trường bị thay tên đổi họ nhiều nhất nước Pháp. Ngay sau khi vừa khánh thành, quảng trường này đổi tên thành Place des Conquêtes (chinh phục), rồi Place Louis Le Grand (tức vua Louis XIV). Tượng nhà vua bị đập phá năm 1792 dưới thời Cách mạng Pháp và quảng trường đổi tên thành Place des Piques (Quảng trường Lá bài đen) từ 1793 đến 1799. Năm 1806 Napoléon I cho xây một trụ cột cao 43,5 mét (móng cột sâu 9 mét, vị chi là 52,5 mét) bằng đồng, lấy từ các nòng súng thần công của quân Nga và Áo bại trận mang về nấu chảy ra, do hai kiến trúc sư Jacques Gondoin và Jean Baptiste Lepère thực hiện, các hình chạm nổi chung quanh cột là kể lại những chiến công của Napoléon là công lao của điêu khắc gia Etienne Bergeret. Trên đỉnh cột là tượng Napoléon I bằng đồng, do Antoine Denis Chaudet tạc, ăn mặc như César kiểu La Mã. Tượng này bị phe bảo hoàng phủ cờ trắng, rồi cờ hoàng gia và cuối cùng bị phong trào tả phái La Commune hạ bệ hủy hoại năm 1871, rồi (bản sao) được dựng lại năm 1873 và tồn tại cho tới ngày nay. Nhà cửa quanh Place Vendôme tiêu biểu cho khuynh hướng kiến trúc cuối thời vua Louis XIV, nghĩa là rộng lớn và sang trọng. Năm 1699 Louis XIV bán các khu đất quanh quảng trường cho những người giàu có để xây nhà. Ngày nay, chung quanh quảng trường Vendôme tập trung những hàng hiệu nổi tiếng : kim hoàng (Chaumet, Cartier...), áo lông thú, áo quần thời trang, đồ mỹ phẩm, khách sạn (khách sạn César Ritz, nơi công nương Diana ăn tối trước khi bị tử nạn), những ngân hàng sang trọng nhất thế giới.

La Banque de France (39 Place Croix des Petits Champs, quận 1) là ngân hàng nhà nước đầu tiên của Pháp được thành lập năm 1800 dưới thời Napoléon I, trước đó là Hôtel de Toulouse do François Mansart xây dựng đầu thế kỷ 18. Ngôi nhà này có một đại sảnh dài 50 mét, Galerie dorée, được trang hoàng rất lộng lẫy với những bức tranh trên trần nhà rất rực rỡ. Ngôi nhà này được bán lại cho con vua Louis XIV và bà de Montespan, comte (bá tước) de Toulouse năm 1713. Dưới thời Cách mạng Pháp, căn nhà này bị trưng dụng để làm nhà in quốc gia, sau đó là trụ sở của Ngân hàng hàng quốc gia Pháp năm 1800 và chính thức sở hữu chủ căn nhà này năm 1811.

Quảng trường những chiến thắng (Place des Victoires, quận 2), được kiến trúc sư Jules Hardouin Mansart xây dựng năm 1685, để tôn vinh những chiến thắng của vua Louis XIV bằng một tượng bằng đồng ở giữa quảng trường. Tượng vua Louis XIV bị quân cách mạng hạ bệ và nấu chảy để đúc súng năm 1792, gần một phần tư thế kỷ sau tượng này được dựng lại (1822) và tồn tại cho tới ngày nay. Chung quanh quảng trường là những cửa hàng áo quần thời trang sang trọng (Kenzo, Cacharel, Mugler...).

Bảo tàng mỹ nghệ Musée Bouilhet Christophe (9 rue Royale, quận 8) được thành lập từ đầu thế kỷ 19 bởi Charles Christophe, thợ kim hoàng của vua Louis Philippe và Napoléon III. Ngày nay căn nhà này là nơi trưng bày những vật dụng trang trí bằng vàng và bạc của Pháp từ 150 năm trở lại đây.

Khu Tuileries thật ra còn rất nhiều nơi đáng đến xem nhưng còn tùy thì giờ của khách lãm du tại thủ đô ánh sáng này. Nhiều nơi như Galerie Véro Dodat (2 rue du Bouloi, quận 1), Galerie Vivienne (4 rue de Beaujolais, quận 1), Galerie Colbert (Passage des Petits Frères, quận 1), Passage Choiseul, Square Louvois, Rue de la Paix, v.v. rất đáng được vào xem hay đi ngang qua để thấy sự phong phú của "La Mecque" dành riêng cho những người yêu mến nghệ thuật hay những kiến trúc của một thời vàng son còn ẩn tàng chưa kịp phơi ra ánh sáng.

Nguyễn Văn Huy

(06/08/2024)

Additional Info

  • Author Nguyễn Văn Huy
Published in Tư liệu
lundi, 12 août 2024 19:26

Paris bên bờ hữu ngạn - 1

Nếu tả ngạn sông Seine và Đảo Thị Trấn (Ile de la Cité) là kho tàng di tích lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của thành phố Paris cổ kính thì khu vực hữu ngạn là niềm tự hào về cuộc sống vương giả và gương đấu tranh của dân tộc Pháp tại thủ đô Paris huy hoàng. Khu vực hữu ngạn tuy có phát triển sau khu tả ngạn nhưng những sinh hoạt chính của Paris đều tập trung trên phần đất này. Tuy vậy, vết tích một thời đen tối của cuộc Cách Mạng 1789 vẫn còn in dấu, hữu ngạn cũng là nơi sinh sống của giới bình dân lao động, những phong trào chống đối hay ủng hộ chính quyền phần lớn cũng đều phát nguồn từ nơi đây. Ngày nay những đập phá và thù hận dưới thời Cách Mạng Pháp đã bị tẩy xóa, những hình ảnh đen tối thời đó đã được thay thế bằng những tượng đài kỷ niệm chiến tích oai hùng của Napoléon và công cuộc phục hồi di sản cũ của các chính quyền sau này trên các đường phố lớn.

paris1

Khu vực hữu ngạn tuy có phát triển sau khu tả ngạn

paris01

nhưng những sinh hoạt chính của Paris đều tập trung trên phần đất này.

Viếng thăm hữu ngạn sông Seine rất là lý thú và phải đi từ Đông sang Tây và từ Trung tâm lên phía Bắc. Chúng ta sẽ lần lượt khám phá những nét độc đáo, nếu không muốn nói là duy nhất trên thế giới, đã từng mê hoặc hay đang mê hoặc người dân Paris và du khách quốc tế của từng khu vực, như Quartier de Bercy, Quartier du Marais, Beaubourg và Les Halles, Quartier des Tuileries, Quartier de l'Opéra, Quartier des Champs Élysées, Quartier du Chaillot, và dừng chân ở Quartier du Montmartre để còn chút gì để nhớ.

Quartier de Bercy (quận 12)

Quai Bercy nằm trên hữu ngạn sông Seine, phía Đông thành phố Paris, đối diện với Thư Viện Quốc Gia (Bibiothèque nationale Tolbiac – François Mitterrand) bên kia bờ tả ngạn, quận 13. Có một thời khu này bị lãng quên vì sự không quan trọng của nó, ngày nay Bercy được coi là một trong vài buồng dưỡng khí hiếm hoi và là một trong vài khu hành chánh và dịch vụ lớn của thành phố Paris, đối trọng với khu dịch vụ và thương mại lớn nhất nước Pháp tại La Défense, phía Tây Paris. Diện tích của Bercy được nới rộng qua Xa Lộ Vòng Đai (Périphérique) tới rừng Vincennes.

Cách trung tâm Paris không xa về phía Đông là Château de Vincennes (Avenue de Paris, 94300 Vincennes), được xây dựng từ thế kỷ 14. Tháp canh (donjon) thật cao sừng sửng còn lại của lâu đài là một chứng tích kiến trúc quân sự độc đáo của thời Trung Cổ. Trong thế kỷ 15 lâu đài này được dùng làm nơi lưu ngụ của các hoàng tôn, vương tộc và quốc khách ngoại quốc của triều đình Pháp. Vua Henri V Anh Quốc đã từ trần ở lầu hai của lâu đài năm 1422. Đến thế kỷ 16, Château de Vincennes được dùng làm nơi cất giấu tài sản của dòng họ Bourbon (các vua Henri và Louis) phòng khi có biến cố. Ngôi giáo đường gothic trong lâu đài được Jules Mazarin, một hồng y gốc Ý phụ tá hồng y giáo chủ Armand Jean du Plessis de Richelieu (1585-1642) vào cuối thời vua Louis XIII (1610-1643) và dưới thời hoàng hậu Anne d'Autriche (1601-1666), xây dựng năm 1550. Vào đầu thế kỷ 17, nhà của trong lâu đài được Louis Le Vau xây dựng thêm để giới hoàng tôn, quí tộc đến nghỉ ngơi và săn bắn. Khi toàn bộ triều đình dọn về Versailles vào giữa thế kỷ 17, Château de Vincennes dùng làm nơi giam giữ những người chống đối trong thế kỷ 18, vì nhà tù Bastille đã quá tải, đông người và chật chội. Trong số những tù nhân nổi tiếng bị giam giữ ở đây có Nicolas Fouquet (người phụ trách về tài chánh thời vua Louis XIV), Denis Diderot (nhà văn và tư tưởng thế kỷ 18), nam tước Sade (nhà văn), công tước Riqueti Marquis de Mirabeau (cố vấn vua Louis XVI), v.v... Nhà tù này bị Cách Mạng Pháp đập phá năm 1789 và bị bỏ hoang. Đầu thế kỷ 19, Napoléon I biến lâu đài này thành khu quân sự, với sự thành lập một xưởng thuốc súng (Cartoucherie) và nhiều dãy nhà cho quân đội. Năm 1840 lâu đài quân sự này được cải biến thành pháo đài quân sự phòng thủ phía Đông Paris chống lại quân Phổ (Đức). Bị hư hại nặng năm 1944 khi quân Pháp theo Leclerc tiến vào giải phóng Paris, vì quân Đức tử thủ trong lâu đài, Château de Vincennes được tu sửa lại để trở thành bảo tàng và văn khố quân sự. Những gì còn lại ngày nay chỉ là một phần ba sự huy hoàng và tráng lệ ngày trước ; xưởng thuốc súng ngày nay trở thành nơi trình diễn kịch của các đoàn kịch danh tiếng.

paris2

Cách trung tâm Paris không xa về phía Đông là Château de Vincennes được xây dựng từ thế kỷ 14.

Rừng Vincennes (Bois de Vincennes), rộng 995 hecta, trong thời Trung Cổ thuộc quyền sở hữu của tu viện Saint Maur và đến thế kỷ 16 là khu vực săn bắn của hoàng gia. Sau khi triều đình dọn về Versailles, giữa thế kỷ 17, khu rừng này bị bỏ hoang và chỉ hồi sinh lại dưới thời Louis XV (1715-1774), cây rừng đã tái tạo lại để trở thành nơi dạo mát và săn bắn của hoàng gia. Năm 1796 một phần khu rừng được dùng làm nơi huấn luyện quân sự và sân tập bắn. Vua Napoléon III giao cho nam tước Haussmann và Adolphe Alphand cải biến lại khu rừng để trở thành nơi dạo mát của dân Parisien với một hồ nước nhân tạo khổng lồ hình vòng tròn, Lac du Daumesnil, để dạo thuyền và nhiều đảo nhỏ ở giữa hồ làm nơi cư trú của chim thú rừng. Mỗi buổi sáng hàng ngàn người vào đây chạy bộ. Xuyên khu rừng là những con đường nhỏ chạy ngoằn nghèo giữa 120.000 cây rừng đủ loại và một thảo cầm viên lớn. Vào mùa thu rừng Vincennes rất đẹp, hai bên đường lá vàng rơi rụng như confettis lót đường đón những bước chân lạc loài giữa một thiên niên thơ mộng.

Một phần của khu rừng được dành để làm thảo cầm viên, Zoo de Vincennes, năm 1931 nhân dịp Triễn Lãm Thuộc Địa (Exposition Coloniale). Một mõm đá nhân tạo (Le Rocher), cao 65 thước, và một khoảng đất rộng lớn được dùng làm nơi sinh trú của các loài dê núi, diều hâu, ác điểu chim săn lùng chim bồ câu hoang. Các thú rừng được chăm sóc chu đáo với sự tái tạo lại khung cảnh thiên nhiên của từng chủng loại. Trong khu này có Kaveri, một con voi do cố thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi tặng cố tổng thống Mitterrand, và Yen Yen, một con gấu Panda do Mao Trạch Đông tặng cố tổng thống Pháp Georges Pompidou, là hai con thú được nhiều người đến xem nhất. Ngoài ra còn có một số thú hiếm được mang về đây gầy giống lại để tránh bị diệt chủng nơi sinh trú cũ như các loài gấu, hải cẩu, băng điểu vùng Siberia.

Mỗi năm, cứ độ đầu xuân cho đến cuối hè, Công Viên Hoa (Parc Floral de Paris, Esplanade du Château, Route de la Pyramide, quận 12), rộng 31 hecta, cạnh lâu đài Vincennes trong khu rừng được mở ra cho trẻ em và người lớn đến đây chiêm ngưỡng các loại hoa hiếm có trên thế giới trong Vườn Bươm Bướm (Jardin des Papillons) xen kẽ giữa những tác phẩm điêu khắc mỹ thuật. Trong công viên này có một ngôi chùa thuộc hệ phái mật tông (tantrisme) của Tây Tạng, chùa Kagyu Dzong, thuộc Viện Phật Học Quốc Tế (40, route Circulaire du Lac de Daumesnil, quận 12), rộng 108 mét vuông tượng trưng cho 108 hột mala, là nơi cư ngụ của đức Dalai Lhama và các tăng sĩ mật tông khác mỗi khi đến Pháp. Ngoài ngôi chùa này ra còn có một ngôi chùa nhỏ khác của Việt Nam, chùa Linh Sơn, do những tu sĩ Phật Giáo thân chính quyền cộng sản trụ trì.

Phía Bắc khu rừng Vincennes là Foire du Trône (Hội Chợ Ngai Vua). Hội chợ này trước kia là khu giải trí dành cho những gia đình lao động sinh sống quanh Bercy, các phường múa rối bình dân từ khắp nơi đến đây tổ chức hội chợ và nhảy múa. Sau thất bại của Napoléon I, khu này trở thành nơi đón mừng sự trở về của vua Louis XVIII và trở thành Hội Chợ lớn nhất nước Pháp. Ngày nay, bắt đầu từ chủ nhật lễ lá đến cuối tháng 5, khu này được mở ra để thanh thiếu niên và con cháu các gia đình bình dân quanh Paris, và cũng là nơi hẹn hò của những đôi trai gái, đến đây giải trí và thử thời vận với các trò chơi đen đỏ (jackpot), bắn cung, câu cá, ghế đu bay (manège), v.v... giữa tiếng nhạc và tiếng loa ồn ào từ các gian hàng vọng ra.

Không xa hội chợ ồn ào này là Place de la Nation (Quảng Trường Quốc Gia). Quảng trường này trước kia có tên là Place du Trône (Quảng Trường Ngai Vua), có từ 1660 đến 1880. Vua Louis XIV (còn gọi là Vua Mặt Trời, 1643-1715), sau khi dẹp xong loạn sứ quân (La Fronde, do các hoàng tôn, các chính trị gia và sĩ quan quân đội nổi dậy chống lại chính sách quân chủ chuyên chính của dòng họ Bourbon từ 1648 đến 1653) tiến vào Paris từ địa điểm này, để ghi nhớ thành tích của mình nhà vua đặt tên là Place du Trône. Dưới thời Cách Mạng Pháp, quảng trường này bị đổi thành Place du Trône Renversé (Ngai vàng bị lật đổ), những người cách mạng đã đặt máy chém Guillotine tại đây để chặt đầu hơn 1.300 người bị kết tội "phản cách mạng", đa số là gia đình các hoàng tộc sinh sống tại khu Marais, trong vòng 43 ngày. Cũng nên biết thêm là trong giai đoạn Khủng Bố (La Terreur, 1793-1794), dưới sự lãnh đạo của Robespierre, các tòa án cách mạng đã tuyên án tử hình gần 40.000 người, tất cả những nạn nhân đều bị chặt đầu bằng máy chém Guillotine hay bị xử bắn trên khắp nước Pháp. Cũng tại quảng trường này, những sĩ quan cách mạng đã dựng tại đây hai cột cờ và những cột trụ lớn để ghi nhớ chiến thắng của mình, vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Dưới thời Đệ nhị đế quốc, năm 1880, Napoléon III đổi tên quảng trường này thành Place de la Nation (Quảng trường Quốc Gia) để ghi nhớ những sai lầm của những người lãnh đạo nước Pháp trong giai đoạn đen tối đã qua và nhắc nhở mọi người rằng chỉ có quốc gia là trên hết.

Cạnh Nation là Nghĩa Trang Picpus (Cimetière de Picpus, 35 rue de Picpus). Đây là vết tích rùng rợn còn lại của thời Cách Mạng Pháp, nơi tra tấn và chôn vùi thi thể những nạn nhân. Trong nghĩa trang còn lưu lại một cột gỗ dùng để treo những nạn nhân sau khi bị tra tấn. Tưởng cũng nên nhắc lại chỉ riêng một ngày, ngày 17/6/1794, tên đồ tể Sanson đã chặt bằng máy chém 54 đầu người trong vòng 24 phút. Hơn 1.300 xác không đầu tại Place du Trône Renversé được đem vào đây vùi trong những hố chôn tập thể. Thời gian sau đó, Picpus trở thành nghĩa trang của con cháu những nạn nhân bị chặt đầu. Nghĩa trang này ngày nay được cải biến lại để xóa tan tính chất dã man của thời cách mạng, những lối đi trải đá giữa các vòm cây và thảm cỏ làm tăng nét hiền hòa và yên tỉnh của vườn vĩnh biệt. Tuy không lớn bằng các nghĩa trang Lachaise hay Montparnasse nhưng nghĩa trang này là nơi chôn cất nhiều nhân vật tên tuổi như Marie-Joseph Marquis de La Fayette (1757-1834), người đã giúp di dân Mỹ chống lại đế quốc Anh giành độc lập.

Từ hướng Đông ngoại thành muốn vào Paris phải vô bằng hai cửa : Porte de Bercy và Porte Dorée. Gọi là Porte (cửa) vì Paris trước kia, trong suốt thời Trung Cổ cho tới giữa thế kỷ 19, là một pháo đài phòng thủ kiên cố, dân chúng hay quân địch chỉ có thể vào bằng những cửa đã thiết kế sẵn. Paris có tất cả 36 cửa vào. Những cửa này ngày nay vẫn giữ nguyên tên nhưng đã mất tính chất phòng thủ nghiêm ngặt của ngày xưa. Porte Dorée, theo kinh Cựu Ước của người Do Thái là nơi Đấng Cứu Thế sẽ hiện ra vào ngày tận thế để phán xét người có công và kẻ có tội. Trước kia cửa này có tên là Porte de Picpus, thật ra phải đọc là "Picque Puces", nghĩa là "bắt rận", để ám chỉ dân cư lao động tại đây ăn dơ ở bẩn do đó phải ngăn chặn họ tràn vào thành phố. Với thời gian quần chúng bình dân đọc trại thành Picpus và tên này được giữ nguyên cho tới ngày nay. Sau Cách Mạng 1789, Porte de Picpus là nơi hành hình gia đình những hoàng tộc dưới sự cổ võ của quần chúng bình dân. Đến thời vua Louis XVIII (đầu thế kỷ 19), Porte de Picpus đổi thành Porte Dorée (Hoàng Môn), ý muốn nói là đây nơi phán xét những người đã sát hại những gia đình hoàng tộc trong ngày tận thế.

Trở về hữu ngạn phía Đông sông Seine. Quai de Bercy là một giang cảng có từ thời La Mã, ngày nay còn lại vài tụ điểm dùng làm vựa tồn trữ cát đá xây dựng. Trước kia cảng này dùng làm nơi vận chuyển hàng hóa và vật dụng xây cất cho thành phố Paris và là khu bến tàu với đầy đủ sinh hoạt xô bồ của nó ; những tay anh chị từ khắp nơi đến đây tranh quyền bá chủ. Sau Cách Mạng Pháp 1789, những thành phần lao động tham gia cách mạng cải tổ lại khu này cho có an ninh hơn và biến thành nơi nhập cảng và phân phối rượu. Lúc đầu rượu lậu được chở bằng xà lang và xe ngựa từ khắp nơi đến đây cất giấu trước khi phân phối cho các quán rượu bình dân dọc bến tàu, đến cuối thế kỷ 19 việc buôn bán rượu trở nên hợp pháp và việc chuyên chở rượu bằng đường sắt và đường sông về đây trở nên ồ ạt. Năm 1860 Paris trở thành thủ đô rượu nho ngon nhất Châu Âu, đặc biệt là các loại rượu Bourgogne và Bordeaux. Việc buôn bán rượu càng sầm uất, Quai de Bercy càng trở thành khu lao động nghèo khó, nơi tụ cư của những gia đình phu bốc vác với cảnh say rượu và ẩu đả xảy ra thường xuyên vào mỗi đêm tối. Cuối nửa cuối thể kỷ 19, kiến trúc sư Eugène Viollet Le Duc được giao nhiệm vụ canh tân lại thành phố Paris, trong đó có khu Bercy ; ông cải biến những kho hàng cổ lỗ thành những văn phòng thương mại buôn bán rượu sầm uất với những đường nét mỹ thuật phù hợp với cảnh quang Paris, như các hãng rượu Saint Emilion và Lheureux vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Tên những con đường chung quanh (Pommard, Beaune, Aloxe-Corton...) gợi lại những hiệu rượu danh tiếng của con cháu các vị thần Dionisos và Bacchus.

      Ngày nay công việc bốc vác không còn nữa, nhà cửa gia đình các phu bến tàu và dân lao động đã bị đập phá để xây dựng lại thành những văn phòng với những kiến trúc tân kỳ và khu dân cư đông đúc ; các kho chứa rượu được cải biến lại thành Jardin de la Mémoire (Vườn Tưởng Nhớ) để nhớ lại nghề buôn bán rượu ngày xưa, với những quán rượu, nhà hàng và khu triển lãm quốc tế về rượu. Trong Jardin de la Mémoire (dài 800 mét, nằm song song với sông Seine), những luống hoa tulip được trồng quanh bễ nước do nhà điêu khắc Singer tạc, với những bức tượng Canyoneaustrates, dọc các lối đi bằng đá hoa cương chà bóng, dưới những hàng cây tùng và bên cạnh những thảm cỏ được cát tỉa cẩn thận. Xa hơn về phía Bắc là những di tích còn lại của vườn nho.

Vườn Nho (Vignobles de Bercy), nay là Công Viên Bercy (Parc de Bercy), rộng 13,5 hecta, nằm giữa hai cửa ra vào phía Đông Paris, Porte de Bercy và Porte Dorée, với những lối đi và ghế ngồi thơ mộng, dưới những lùm cây bên cạnh những luống hoa tươi đẹp, dành cho những khách bộ hành lỡ bước hay những người muốn cùng nhau trò chuyện cho hết ngày tháng. Bên cạnh công viên này là nhà thờ Notre Dame de Bercy (Place Lachambeaudie), được xây dựng giữa thế kỷ 19 để ban phép lành cho những đoàn xe lửa chạy ngang trên cầu cạnh đó và cho dân chúng lao động chung quanh đến dự lễ.

Dưới chân cầu xe lửa bên cạnh ngôi nhà thờ này là một bậc đá đánh dấu mực nước sông Seine đã dâng lên một thước vào năm 1910. Những con đường nhỏ trong khu này (rue des Fonds Verts, Wattignies, Brèche aux Loups, Meuniers) trước kia là những con đường làng nằm giữa rừng rậm dành cho nông dân từ ngoại ô vào Paris buôn bán. Nhà cửa trên những con đường này đã thay đổi nhưng bên trong mỗi căn nhà là một lịch sử riêng biệt. Tại căn nhà số 67 rue des Meuniers còn lưu lại dấu vết một cột mốc và nơi để nông dân cạy sình đất dính trên guốc gỗ để khỏi làm dơ các con lộ lát đá dẫn vào thành phố.

Phía đầu Công Viên Bercy là tòa nhà thể thao và thể dục đa năng, Palais Omnisports de Paris Bercy (POPB, 8 boulevard de Bercy). Khu nhà này có hình thù kỳ quặc, nhìn từ xa nó giống một ụ đất được bao phủ bởi một lớp cỏ nhung xanh ; bên trên và ở chính giữa là một khung sắt màu xanh dương với những cửa kiếng để rọi sáng căn nhà. Nét độc đáo của thảm cỏ bọc quanh khu nhà là độ nghiêng 45° của nó, rất khó cắt tỉa. Diện tích nội thất tòa nhà này rộng như một sân vận động đa năng, có thể chứa tới 15.000 người, dùng làm nơi thi đấu thể thao quốc tế và trình diễn văn nghệ của những nghệ sĩ tên tuổi từ khắp nơi trên thế giới. Tại đây các cuộc đua xe đạp trong nhà kín, đua xe moto việt dã, thi kỹ mã, hockey, biểu diễn trên băng tuyết, thể dục dụng cụ, thể dục thẩm mỹ, cử tạ được truyền hình đi khắp thế giới. Các đoàn nhạc rock, ca múa, nhạc kịch, opéra và xiệc lớn trên thế giới cũng đều đến đây trình diễn cho dân chúng Paris xem.

Cạnh tòa nhà Omnisports de Bercy này là Bộ Kinh tế, Tài Chánh và Kỹ Nghệ (Ministère de l'Economie, des Finances et de l'Industrie, 139 rue de Bercy). Cơ quan này, trước kia nằm cạnh Viện Bảo Tàng Louvre nay được dời ra nơi đây năm 1989, là hồ bao của nước Pháp. Tòa nhà này gồm hai công trình kiến trúc độc đáo : một hướng về phía sông Seine và một hướng về phía Nhà Ga Lyon. Tòa nhà thứ nhất hướng về phía sông Seine, do hai kiến trúc sư Paul Chemetov và Borja Huidabro vẽ kiểu, có hình thù kỳ quặc vừa to lớn vừa tân kỳ, được xây dựng ngang qua một con đường lớn, dài 900 mét, bao bọc bởi những tấm kiếng lớn màu đen nổi bật trên màu trắng của tường, nhìn từ xa giống một cầu thang chuyển người lên phi cơ mà dân chúng đi ngang gọi là con tàu (le paquebot) nhưng đột ngột dừng lại ngay đầu bờ sông ở trên cao. Tòa nhà thứ hai hướng về phía Nhà Ga Lyon, do hai kiến trúc sư Louis Arretche và Roman Karasinsky vẽ kiểu, được bao bọc bằng những tấm kiếng đen với những góc cạnh lồi lõm và gãy khúc để tránh có cảm giác đồng bộ. Cả hai tòa nhà này trị giá 3,7 tỷ Francs cũ, trong đó 43 triệu là tiền mua các tác phẩm điêu khắc và thảm trải, là nơi làm việc của hơn 6.000 công chức. Một vài con số : 225.000 mét khối gỗ, 1.300 cừ bê-tông sâu 30 mét, 45.000 mét vuông diện tích bọc kiếng, 5.000 tấn sườn sắt... Hình thù kỳ dị của cơ quan này báo hiệu những điềm chẳng lành cho những ai làm chủ nó, từ khi đi vào sử dụng đến nay không một vị bộ trưởng nào ngồi lâu quá hai năm trong tòa nhà này, họ ra đi không phải vì bất tài mà vì những lý do chẳng liên quan gì đến khả năng của họ, đa số đều phải từ chức giữa nhiệm kỳ, một người tự tử.

Đoạn đường xe lửa trên không, nối liền Rừng Vincennes với Quảng Trường Bastille có từ giữa thế kỷ 19 dưới tên gọi Viaduc des Arts (Cầu Treo Nghệ Thuật) nay trở thành khu vườn treo giữa các khu nhà cách mặt đất 10 mét, với đủ các loại cây cỏ dài 2.300 mét, được chống bởi 60 vòm cầu bằng gạch đỏ và đá vôi trắng dọc theo đại lộ Daumesnil. Dưới các vòm cầu là các gian hàng triển lãm và buôn bán đồ nữ trang, gỗ chạm, điêu khắc, dụng cụ âm nhạc, cửa hàng điện toán và nhà hàng. Khu vườn này cũng là nơi hò hẹn của những người yêu nhau cuối ngày muốn đi trên "đường rày tình ái" giữa tiếng chim ca.

Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Châu Phi và vùng biển Nam Bán Cầu (Musée des Arts d'Afrique et d'Océanie, 293 avenue Daumesnil), lúc đầu có tên là Palais de la France d'Outre-Mer (Dinh Pháp Quốc Hải Ngoại), do kiến trúc sư Albert Laprade và Léon Jaussely vẽ kiểu và xây dựng để tham gia cuộc triển lãm thế giới năm 1931 để trưng bày thành tích chinh phục thuộc địa của Pháp. Sau cuộc triển lãm, cơ sở này biến thành bảo tàng Musée de la France d'Outre-Mer. Giữa thập niên 1960, nhà văn kiêm bộ trưởng André Malraux đổi tên thành Musée des Arts d'Afrique et d'Océanie, ngày nay tuy ít được biết đến vì nằm quá xa khu vực trung tâm, nhưng không vì vậy mà thiếu báu vật. Bảo tàng này trưng bày những bộ sưu tập về nghệ thuật của người nguyên thủy và những bộ lạc ở miền Tây Châu Phi, Trung Phi và Bắc Phi, ở vùng biển phía Nam Bán Cầu và Châu Úc. Ngoài ra còn có những mặt nạ hình đầu dã thú của người Mali, ngà voi chạm trổ tinh xảo của Bénin, nữ trang của người Marốc, tranh vẽ trên vỏ cây của thổ dân Châu Úc, những mặt nạ và tượng bằng gỗ và đồng của người Tây Phi và Trung Phi. Đó là chưa kể những bễ nuôi cá nhiệt đới, những vũng sình nhân tạo nuôi chứa cá sấu và rùa ở từng dưới hầm gây nhiều cảm giác mạnh cho người xem.

Nhà Ga Lyon (Gare de Lyon, Boulevard Diderot) được xây dựng năm 1852 để đưa đón khách đồng thời cũng để chở rượu vào vựa Bercy, với một tháp canh (beffroi) cao 60 mét để canh chừng đoàn tàu và trộm cướp đến từ khu lao động Bercy. Năm 1900 nhà ga được tân trang lại theo trường phái baroque để đón nhận khách tham dự Cuộc Triển Lãm Thế Giới (Exposition Universelle) ; tháp canh được gắn bốn đồng hồ lớn (mỗi kim chỉ giờ dài 3 mét) ở bốn hướng để báo hiệu giờ và còn tồn tại cho tới ngày nay. Dọc các vách tường hành lang của nhà ga là những bức tranh vẽ lại các khung cảnh mà đoàn tàu đi qua rất tinh vi và mỹ thuật. Nhiệm vụ của Nhà Ga Lyon là đón đưa khách. Mỗi ngày 40 chuyến xe lửa tốc độ cao (TGV-Train à Grande Vitesse) màu cam với tốc độ trung bình 300 cây số/giờ đưa đón khách từ Paris đi các tỉnh miền Đông Nam nước Pháp, Ý và Thụy Sĩ hay ngược lại, đó là chưa kể hàng trăm chuyến xe lửa mỗi ngày ghé trạm Gare de Lyon để đưa đón khách ra vào nội thành và vùng ngoại ô. Thời gian trung bình từ Paris đi Lyon là 2 giờ (550 km), Genève : 3 giờ rưỡi (800 km), Lausanne : 4 giờ (950 km), Zurich : 6 giờ, Marseille : 2 giờ 35 (700 km), Milano : 6 giờ 30, Roma : 13 giờ, Barcelona : 9 giờ.

Bên trong nhà ga là nhà hàng Le Train Bleu nổi tiếng ở lầu một. Nhà hàng này được khánh thành cùng lúc với nhà ga năm 1900, năm 1972 được xếp vào hàng di tích lịch sử. Nội thất nhà hàng rất sang trọng gồm một đại sảnh và nhiều tiểu sảnh, được trang trí bằng 45 bức tranh do các họa sĩ tên tưổi thời Hoàng Kim (Belle Epoque) vẽ từ đầu thế kỷ những thành phố mà đoàn tàu PLM (Paris-Lyon-Marseille) đã đi qua. Nhiều nhân vật tên tuổi đã từng vào đây ăn uống và nghỉ ngơi trước khi lên tầu đi xuống vùng Đông Nam như Coco Chanel, Jean Cocteau, Réjane, Sarah Bernhardt, Edmond Rostand, Colette, Dalí, Jean Gabin. Nhà đạo diễn Luc Besson cũng đã mượn khung cảnh nhà hàng này để dựng phim Nikita.

Ga Lyon còn là nơi quyến luyến trước giờ chia tay. Đây là một nhà ga thơ mộng và lãng mạn. Đến Paris mà không chứng kiến cảnh giả từ của những người yêu nhau trên những sân ga giống như ngủ trên giường không có trải ra (drap), nghĩa là không được vui sướng trọn vẹn. Có chứng kiến cảnh chia tay, hay chính mình đưa tiễn người yêu mới cảm thấy những giây phút này thật là huyền diệu.

Ga Lyon đã đi vào văn học và âm nhạc Việt Nam với bài thơ Tiễn Em của Cung Trầm Tưởng do Phạm Duy phổ nhạc. Không một chàng trai Việt Nam nào không muốn được tiễn người yêu đi xa và cũng không một phụ nữ Việt Nam nào không muốn là người "em xóm học" (Saint Germain des Prés) để được người yêu đưa tiễn :

Lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế,

Trời mùa đông Paris suốt đời làm chia ly.

Tiễn em về xứ mẹ, anh nói bằng tiếng hôn.

Không còn gì lâu hơn một trăm ngày xa cách !

Tuyết rơi mỏng manh buồn, Ga Lyon đèn vàng ;

Cầm tay em muốn khóc, nói chi cũng muộn màng...

Hỡi em người xóm học, sương thấm hè phố đêm

Trên con đường anh đi, lệ em buồn vương vấn...

Tuyết rơi phủ con tầu, trong toa em lạnh đầy

Làm sao em không rét cho ấm mộng đêm nay ?

Tiễn em, thơ Cung Trầm Tưởng (1958), nhạc Phạm Duy, tiếng hát Sĩ Phú

Nhà hát Opéra Bastille (102, rue de Lyon) là một kiến trúc tân kỳ hình tròn, nhìn từ xa như chiếc bánh sinh nhật khổng lồ, được bao bọc bởi những tấm kiếng màu xanh dương nổi bật giữa các vách tường hình thang cấp tráng men màu trắng. Công trình xây dựng độc đáo nhất Châu Âu này, do kiến trúc sư người Canada gốc Uruguay Carlos Ott vẽ kiểu, đã bị chỉ trích rất nhiều vì quá tốn kém (2,8 tỷ francs và 580 triệu francs tiền điều hành mỗi năm rc năm 2000) và khác với những nhà hát cổ điển có từ thế kỷ 19 như nhà nhà hát Opéra Garnier ớ Paris, quận 9. Được xây dựng năm 1985 trên nền một nhà ga cũ và khánh thành ngày 14/7/1989, đúng hai trăm năm sau ngày phá ngục Bastille ngày 14/7/1789, nhưng phải chờ đến 16/3/1990 mới tổ chức buổi trình diễn đầu tiên. Nhà hát tân kỳ và vĩ đại này có một thính phòng lớn và rất nhiều thính phòng nhỏ. Thính phòng lớn, có thể chứa tới 2.700 người, được trang trí rất tân kỳ với những ghế nệm đen, giữa những vách tường bằng đá hoa cương dưới trần nhà bằng kiếng. Hệ thống âm thanh của nhà hát này độc đáo nhất thế giới, một tiếng động nhỏ ở bất cư góc sân khấu nào đều được nghe rõ, đó là chưa kể năm sàn sân khấu di động khổng lồ, mỗi sàn có thể chứa cùng một lúc 500 người và xoay chuyển nhanh chóng để người xem không phải chờ đợi giữa hai màn trình diễn. Mỗi năm nhà hát này có thể tổ chức 260 buổi trình diễn cho từ 700.000 đến 800.000 người xem.

Chung quanh nhà hát Opéra Bastille hiện nay là những quán cà phê, rạp chiếu bóng, những cửa hàng và nhà hàng sang trọng trên những đại lộ rộng lớn, khác với khung cảnh sinh hoạt ngày xưa của một nhà ga và một trại lính với những buổi hợp chợ bình dần, ồn ào và mất trật tự. Khu chợ trời buôn bán thức ăn, trái cây và áo quần vẫn còn duy trì.

Quảng trường Bastille (Place de la Bastille), nằm giữa khu Bercy và Le Marais, được xây dựng năm 1803 trên nền nhà tù Bastille cũ nhưng chỉ hoàn tất 60 năm sau với sự xây dựng đại lộ Henri IV, đồn lính Célestins và nhà ga Bastille. Đoạn đường từ số 5 đến số 49 Boulevard Henri IV là những dấu vết còn lại của một vài tháp canh và thành quách nhà tù Bastille, nơi giam giữ những người chống lại triều đình. Nhân cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra trong tháng 7/1789, dân chúng nghèo khó từ khắp nơi, nhất là từ Bercy, ùn ùn kéo nhau đến ngục Bastille phản đối nhà vua và được sự tiếp tay của vệ binh ; ngày 14/7/1789 cửa ngục Bastille bị phá và dân chúng cùng vệ binh vào đốt nhà tù. Trong thực tế nhà tù Bastille lúc đó chỉ giam 7 tù nhân, được trả tự do ngay trong ngày, nhưng phe chống và phá ngục bị thiệt hại nặng : 115 về phía bảo vệ nhà giam và 171 về phía tấn công. Chung quanh quảng trường Bastille ngày nay được lát đá hoa cương để lưu lại vết tích ngày xưa.

paris3

Ngày 14/7/1789 cửa ngục Bastille bị phá và dân chúng cùng vệ binh vào đốt nhà tù.

Ở giữa quảng trường là một tượng đài cao 3 mét với bốn đầu sư tử khổng lồ bảo vệ một cột trụ bằng thau xanh lợt, cao 51,5 mét, gọi là Colonne de Juillet, để tưởng nhớ những nạn nhân bị giết trong cuộc cách mạng tháng 7/1830 tái lập hoàng triều. Trên đỉnh cột là tượng Nữ Thần Tự Do có cánh bằng đồng mạ vàng, đứng một chân trên một khối tròn. Quan sát kỹ, mỗi điểm điêu khắc trên cột từ đường nét đến hình tượng là những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc tinh vi, người ta chỉ biết trầm trồ khen chứ không tìm được ngôn từ nào để diễn tả. Có một điều ít ai biết là dưới chân cột có một nghĩa địa nhỏ, nơi chôn cất 504 thi hài những người chết vì nền Cộng Hòa Pháp và những chết trong cuộc cách mạng 1848. Giữa những thi hài này còn có thêm những xác ướp Ai Cập do Napoléon I mang về nhưng những nhà bác học Pháp thời đó chưa đủ khả năng bảo quản nên đã sình thối và được chôn hết vào nghĩa địa này.

Như muốn giữ truyền thống cách mạng ngày xưa, quảng trường Bastille ngày nay là điểm xuất phát hay điểm khởi hành của bất cứ cuộc xuống đường nào của giới thợ thuyền và sinh viên học sinh, chống đối hay ủng hộ chính quyền, tại Paris.

Quartier du Marais (quận 3 và quận 4)

Le Marais, như tên gọi của nó, trước kia là một khu vực sình lầy, ẩm thấp, rất khó sinh sống. Marais có nghĩa là vũng lầy. Dân số Paris tăng theo thời gian, nhu cầu mở rộng không gian sinh tồn được mở rộng sang bờ hữu ngạn. Nếu trước kia khu Bercy dành riêng cho giới thợ thuyền và dân cư lao động thì khu Marais thuộc những gia đình quí tộc và giàu có. Marais lúc đó còn là một khu vực xây cất tự do, giới quyền quí từ khắp nơi đến đây mua đất rồi thuê nhân công ở khu lao động Bercy vào lấp các trũng nước, vũng lầy để xây nhà dựng cửa. Nhiều công trình xây dựng quan trọng được xây dựng quanh triều đình Louvre trên bờ hữu ngạn, những kiến trúc sư tên tuổi được mời đến đây vẽ kiểu và xây dựng những khu nhà sang trọng mà tên tuổi của họ tồn tại cho tới ngày nay.

Những dinh thự còn lại trong khu Marais ngày nay được coi là những tác phẩm kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ 17, còn gọi là Đại Thế Kỷ (Le Grand Siècle), dành riêng cho giới quí tộc phục vụ triều đình cho đến giữa thế kỷ 17, vì sau đó hoàng cung dọn về Versailles năm 1668 theo "Vua Mặt Trời" Louis XIV. Phần lớn những kiến trúc tiêu biểu dưới thời Louis XIV đều được tu bổ lại để trở thành bảo tàng viện, gọi chung là hôtel, trưng bày những di tích lịch sử của thành phố Paris và nước Pháp. Cũng nên biết những ngôi nhà sang trọng trong khu Marais có nhiều tầng và nhiều phòng nên được gọi cung là "hostel", tức "nhà khách", sau này viết thành "hôtel" nhưng không phải là "khách sạn" theo nghĩa thông dụng ngày nay. Chủ nhân những căn nhà lớn rộng này thời đó thường tổ chức những buổi tiếp tân linh đình và mời khách ngụ lại trong nhà một thời gian.

Dưới thời Cách Mạng Pháp, những gia đình quí tộc và giới đại trưởng đều bị các tòa án cách mạng xử trảm, toàn bộ tài sản đều bị tịch thu và nhà cửa cho dân chúng lao động quanh khu vực vào ở và biến cải thành những cơ sở sản xuất tiểu thủ công nhiệp và cửa hàng buôn bán. Do thù hận và thiếu văn hóa, giới bình dân vào đây đã phá hủy hay làm tiêu hao nhiều công trình kiến trúc quan trọng cho những nhu cầu thường nhật, những gì còn lại ngày nay chỉ tương đương với 20% tổng số kiến trúc thời trước, tuy vậy nếu chịu khó quan sát từng căn nhà cổ người ta sẽ tìm lại nét quí phái hay giàu sang ẩn chìm trong các vách tường và trên các cổng ra vào.

Đến thế kỷ 19, Le Marais trở thành trung tâm sản xuất hàng kỹ nghệ và chỉ bị bỏ rơi vào năm 1962 khi André Malraux, văn hào và là bộ trưởng của tổng thống de Gaulle, cho tu bổ lại các di tích trong khu vực. Từ đó trở đi, nhiều dinh thự hư hao đã được tái tạo lại để trở thành những cửa hàng buôn bán áo quần thời trang và ca nhạc kịch sang trọng. Nhu cầu vào đây thành lập cơ sở buôn bán làm tăng giá nhà đất, những cơ xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kỹ nghệ nhỏ lần lượt đóng cửa nhường chỗ cho giới đại tư bản vào đây khai thác. Người Do Thái gốc Bắc Phi (Pieds Noirs) và người Hoa cũng vào đây mua lại những khu nhà lụp xụp để sửa sang lại thành những xưởng may áo quần thời trang và các cửa tiệm buôn bán hàng xuất cảng liên quan đến thời trang và nữ trang, từ đó không khí sinh hoạt trong khu này trở nên nhộn nhịp. Ngày nay chỉ còn lại một vài hàng quán buôn bán tạp hóa và bistrot (quán cà phê góc đường) thuộc những gia đình bình dân.

Từ phía Đông tiến vào trung tâm, chúng ta sẽ lần lượt viếng thăm những địa danh tuy im lìm trước thời gian nhưng chất chứa một quá khứ đầy sôi động : nhà hát Opéra de Bastille, Place de la Bastille, Colonne de Juillet, căn nhà của Victor Hugo, Place des Vosges, Square du Temple ; những dinh thự được coi là những tác phẩm kiến trúc tiêu biểu của khu Marais như Hôtel de Ville ; những ngôi nhà thời Louis XIV được biến thành bùảo tàng viện như Hôtel de Lamoignon, Hôtel de Rohan, Hôtel de Soubise, Carnavalet, Cognacq Jay, Hôtel de Sully, Hôtel de Coulanges, Hôtel Libéral Bruand, Hôtel de Sens, Hôtel Guénégaud ; những nhà thờ cổ kính như Saint Paul-Saint Louis, Sant Gervais-Saint Protais, Notre Dame des Blancs Manteaux và Cloitre des Billettes ; những con đường được coi là di tích lịch sử như Rue des Francs Bourgeois, Rue des Rosiers...

Là một người yêu mến Paris, trong những năm từ 1832 đến 1848, văn hào Victor Hugo đã dọn về cư ngụ tại số 6 Place des Vosges (quận 4), trên lầu 2. Chính trong căn nhà này Victor Hugo đã tìm cảm hứng sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng, về thơ : Chants du crépuscule (1835), Les voix intérieures (1837), Les rayons et les ombres (1840) ; về kịch : Lutèce Borgia (1833), Ruy Blas (1838) ; về văn học : một phần tác phẩm nổi tiếng Les Misérables đã được hoàn chỉnh trong căn nhà này. Cũng trong thời gian lưu ngụ tại Paris, Victor Hugo đã tham gia sinh hoạt chính trị, lúc đầu theo trường phái pháp gia (légitimiste), sau theo khuynh hướng tự do (libéral) và cuối cùng là cộng hòa và dân chủ (républicain et démocrate). Ông chỉ rời Paris sau vụ lật đổ Napoléon III không thành và phải sống lưu vong. Căn nhà của Victor Hugo trước kia thuộc nhà quí tộc Rohan Guéménée bị truất hữu trong thời cách mạng, vì sự sang trọng và rộng lớn của nó, nay trở thành bảo tàng trưng bày cuộc đời và tác phẩm của Victor Hugo. Từ lầu hai căn nhà này nhìn xuống là Place des Vosges xinh đẹp.

Place des Vosges (quận 3) là quảng trường xưa nhất Paris và, nếu nói không ngoa, đẹp nhất thế giới. Quảng trường này trước kia có tên Place Royale, dành riêng cho vua chúa và giới quí tộc đến đây đua tranh tài nghệ. Ngày 30/6/1559, vua Henri II thách đấu kiếm với tất cả ngự lâm quân trong triều tại đây nhưng bị viên thủ lãnh ngự lâm quân Montgomery đâm thủng mắt ; viên ngự y Ambroise Paré nổi tiếng thời đó ra lệnh chặt đầu và móc mắt tất cả những tù nhân bị kết án tử hình để ghép vào mắt vua nhưng không thành, Henri II qua đời 10 ngày sau đó. Để mừng đám cưới của mình với hoàng hậu Anne d'Autriche (người Anh), vua Louis XIII cho xây dựng lại khu đất thành một quảng trường rộng lớn, hoàn tất năm 1612, để làm nơi tổ chức lễ hội và thi đấu tài nghệ giữa các gia đình hoàng tộc. Sau đám cưới mảnh đất này tiếp tục là nơi thi đấu từ giữa thế kỷ 16 đến nửa cuối thế kỷ 17 thì bị bỏ rơi, một số gia đình hoàng thân sau đó theo vua Louis XIV về điện Versailles cư ngụ năm 1668.

Nhà cửa chung quanh quảng trường được xây cất bằng gạch và đá với những mái nhà bằng ngói bằng đá đen (ardoise) từ Angers đem tới, tầng trệt là những hàng hiên dài và rộng lớn, tất cả chung quanh một ô vuông, mỗi cạnh 108 mét gồm 9 căn nhà, tổng cộng là 36 căn. Bốn khu nhà này chỉ dành riêng cho gia đình hoàng tộc cư ngụ ; căn nhà phía Bắc dành riêng cho vua và căn nhà phía Nam dành cho hoàng hậu cao hơn những nhà khác. Hồng y giáo chủ Richelieu cư ngụ tại đây năm 1615 ; bà Marquise (nam tước) de Sévigné được sinh tại đây ngày 5/2/1626. Sau 1668, khu này trở thành nơi cư ngụ của những gia đình quí tộc trung bình hay sĩ quan cao cấp của triều đình.

Trong thời Cách Mạng Pháp, khu này bị tịch thu, nhiều căn nhà bị cướp phá hay bị đốt. Place Royale bị đổi tên thành Place de l'Indivisibilité (không chia được), đến năm 1800 đổi thành Place des Vosges, để ghi nhớ Vosges là tỉnh đầu tiên nộp thuế dưới thời Bonaparte (tức Napoléon I sau này), và còn tồn tại cho tới ngày nay. Thời gian sau cách mạng, chính quyền Paris bán những căn nhà này cho những người có tiền mua lại với giá khá đắt. Place des Vosges ngày nay là một công viên hình vuông với bốn hàng cây ở bốn góc và bốn thảm cỏ cắt tỉa cẩn thận bao bọc một vòng tròn nhỏ với những lối đi được trải đá và cát ; tất cả bao quanh một hàng cây được trồng theo hình tròn mà trung tâm điểm là bản sao bức tượng vua Louis XIII cưỡi ngựa (bức tượng nguyên thủy bằng đồng đã bị quân cách mạng nấu chảy để đúc súng thần công).

paris4

Place des Vosges, một khu dân cư yên bình (rất đắc đỏ) trong khu Le Marais 

Xa hơn về phía Bắc là Square du Temple (quận 3). Gọi là Temple (đền thờ, ở đây phải hiểu là Hiệp sĩ) vì nơi đây trước kia là một pháo đài phòng thủ kiên cố của giáo phái Ordre des Templiers (Giáo phái Hiệp sĩ), được thành lập năm 1119 tại Jérusalem (Do Thái) để bảo vệ tín đồ đạo Công giáo trước sự tấn công của quân Hồi giáo trong cuộc thánh chiến. Sau khi đánh đuổi quân Hồi ra khỏi Jérusalem, những tu sĩ-chiến sĩ này chuyển nghề để trở thành những nhà tài phiệt, chủ ngân hàng hùng mạnh có mặt tại khắp Châu Âu. Tại Paris, giáo phái Les Templiers chọn địa điểm này làm môt pháo đài kiên cố, với những tường thành thật cao và một cầu quay (pont levis) thật lớn. Khu này có thể gọi là một quốc gia trong một quốc gia ; những người chống đối triều đình đều được vào đây cho tị nạn. Sức mạnh và sự giàu có của giáo phái này làm vua Philippe Le Bel lo ngại ; năm 1307 nhà vua lập mưu bắt tất cả các thủ lãnh của giáo phái này đem thiêu sống và tịch thu toàn bộ tài sản kếch sù của họ ; năm 1312 các tu sĩ dòng Saint Jean được đưa vào thay thế. Pháo đài này sau đó biến làm ngục giam những gia đình hoàng tộc dưới thời Cách Mạng Pháp, trong đó có vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette năm 1792, vua Louis XVI rời nhà giam này lên máy chém ngày 21-1-1793. Thời gian sau, vua Louis XIII (em Louis XVI) biến khu này thành một khu dân cư bình thường để xóa tan một quá khứ đau buồn. Tuy vậy, quanh Square du Temple vẫn còn lưu dấu nhiều ngôi nhà đồ sộ có từ thời Trung Cổ và Đại Thế Kỷ, như Tòa Thị Chính quận 3 (Mairie du 3e arrondissement, rue de Bretagne, quận 3), trường Conservatoire des Arts et Métiers (Boulevard Saint Martin, quận 3), Lycée Turgot, quận 3).

paris02

Pháo đài của Giáo phái Hiệp sĩ ngày nay đã mất hết dấu tích chỉ còn lại huyền thoại - Ảnh minh họa 

paris03

Lâu đài của Giáo phái Les Templiers được vẽ lại theo ký ức cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20

Hôtel de Ville (4 Place de l'Hôtel de Ville, quận 4) là một công trình kiến trúc vừa vĩ đại vừa sang trọng. Năm 1357, viên thanh tra trưởng các phường buôn Etienne Marcel mua mặt căn trên địa điểm này, lúc đó được gọi là Les Piliers (nhà cột trụ), vì tầng trệt là những cột trụ tạo thành một hành lang lớn, để tổ chức những buổi họp dành riêng cho các thanh tra và đại diện giới trưởng giả của thành phố. Với thời gian, căn nhà này được trang trí phong phú hơn và nới rộng thêm nhưng đến năm 1871 thì bị hỏa hoạn thiêu rụi tất cả. Năm 1882, chính quyền thành phố quyết định tái tạo lại hình dạng căn nhà này như ngày xưa. Nội thất của những phòng họp được trang hoàng lại một cách sang trọng với những tác phẩm điêu khắc chạm chìm vào vách tường, những bức tượng điêu khắc chạm trổ tinh vi, những tranh vẽ vĩ đại, những tấm thảm rực rỡ và những cầu thang bằng gỗ quí được đánh chùi bóng loáng dưới những trần nhà thật cao, được trang trí vừa tỉ mỉ vừa sang trọng và chiếu sáng bởi những lồng đèn bằng pha lê. Phía trước tòa nhà là một sân rộng với những hồ phun nước được dùng làm nơi tụ họp của quần chúng mỗi khi có lễ hội lớn.

Dưới thời Cách Mạng Pháp, căn nhà được tái tạo lại này biến thành Hôtel de Ville de Paris, tức Tòa hành chính thành phố, để quản trị thành phố Paris và vẫn còn giữ nguyên chức năng cho tới ngày nay. Sự sang trọng và phong phú của Tòa hành chính Paris là niềm tự hào không những của riêng người dân Paris mà còn là của cả nước Pháp, những buổi tiếp tân tại đây làm nhớ lại những buổi tiếp tân sang trọng và thời thượng của quá khứ. Những nhân vật chính trị lớn của Pháp ai cũng muốn làm chủ tòa nhà này trong một thời gian để chuẩn bị leo lên những nấc thang khác trong sự nghiệp chính trị.

Hôtel de Ville, nếu dịch sát nghĩa là "Khách sạn Thành phố" nhưng thật ra đó là "tòa thị chính", bởi vì sau Cách Mạng Pháp 1789 quần chúng đi theo cách mạng vào thành phố vừa làm việc vừa ngủ qua đêm trong những dinh thự của giới hoàng tộc và những cơ sở kiến trúc công cộng nên gọi chung tất cả là "hôtel", như Hôtel de Ville (Tòa hành chính thành phố), Hôtel des Impôts (Nha thuế vụ), Hôtel de la Préfecture (Tòa hành chính tỉnh), Hôtel de la Police (Nha cảnh sát), Hôtel de Lamoignon (Nhà của dòng họ Lamoignon), Hôtel de Rohan (Nhà của dòng họ Rohan), v.v...

Kiến trúc tiêu biểu của Đại Thế Kỷ trong khu Marais là Hôtel de Lamoignon (24 rue Pavée, quận 4). Khách sạn này được xây dựng năm 1584 cho con gái vua Henri II là công chúa Diane de France, hầu tước d'Angoulême, sau đó bán lại cho nhà quí tộc Lamoignon và bị tịch thu dưới thời cách mạng. Sau đệ nhị thế chiến, tòa nhà này được tu bổ lại dùng làm thư viện lịch sử của thành phố với 80.000 tranh vẽ, hơn một triệu tác phẩm viết tay và in về lịch sử Paris. Sân phía trong của tòa nhà này là sáu trụ cao được dựng dính vào vách tường và được trang hoàng rực rỡ với những tượng đầu chó, cung, tên và bao đựng tên như để tôn vinh tên của công chúa. Diane là nữ thần săn bắn trong thần thoại La Mã.

Đầu thế kỷ 18, hoàng thân Armand Rohan-Soubise có ý định muốn tặng cho cô con gái lớn, công chúa Rohan, một ngôi nhà để làm quà cưới. Năm 1705, Armand Rohan-Soubise mua được hai căn nhà trong khu Marais và giao cho kiến trúc sư Demair tái dựng và tân trang lại trong suốt 4 năm, và đến năm 1709 thì hoàn tất. Không ngờ, với tài nghệ của Delmair hai căn nhà trở thành những tác phẩm kiến trúc tuyệt vời. Armand Rohan-Soubise chọn ngôi nhà đầu, ngày nay là Hôtel de Rohan (87 rue Vieille du Temple, quận 3), làm nơi cư ngụ và tặng cho cô con gái ngôi nhà thứ hai, ngày nay là Hôtel de Soubise (60 rue des Francs Bourgeois, quận 3). Không vừa lòng với ngôi nhà của mình, công chúa Rohan mời những nghệ nhân danh tiếng thời đó và cũng là những người ái mộ mình như Van Loo, Restout, Natoire và Boucher trang hoàng lại những căn phòng để làm nơi tiếp tân, tất cả làm việc dưới quyền điều khiển của Germain Boffrand từ 1735 đến 1740. Từ đó ngôi nhà của công chúa Rohan trở thành nơi tổ chức những buổi tiếp tân thời thượng của giới quí tộc và trưởng giả lớn trong căn phòng hình bầu dục do Natoire trang trí. Armand Rohan-Soubise là một người đam mê ngựa cũng không chịu thua, ông thuê điêu khắc gia danh tiếng nhất thời đó, Robert Le Lorrain, vào tạc bức tượng nổi trên cánh cửa lớn của chuồng ngựa của mình, les Chevaux d'Apollon, từ đó căn nhà của ông trở thành nơi hành hương của những người đam mê ngựa. Cả hai ngôi nhà này bị tịch thu dưới thời cách mạng, cả gia đình dòng họ Rohan-Soubise đều bị đưa lên máy chém. Chính quyền thành phố Paris trở thành sở hữu chủ hai căn nhà sau 1800 dưới thời Napoléon I để làm nơi cư trú của sĩ quan và năm 1927 được tân trang lại để trở thành bảo tàng viện. Hôtel de Rohan hiện nay là bảo tàng tồn trữ một phần văn khố của nước Pháp và Hôtel de Soubise vừa bảo tàng tồn trữ văn khố quốc gia vừa là bảo tàng lịch sử nước Pháp, trong đó có bản di chúc của Napoléon I.

Bảo tàng Carnavalet (23 rue de Sévigné, quận 3) nằm giữa khu Marais, gồm hai ngôi nhà : Hôtel Carnavalet và Hôtel Le Peletier là bảo tàng lịch sử thành phố Paris. Hôtel Carnavalet được xây dựng năm 1545 bởi kiến trúc sư Nicolas Dupuis và Hôtel Le Peletier de Saint Fargeau xây dựng trong thế kỷ 17. Như mọi kiến trúc khác trong khu vực, hai ngôi nhà này bị tịch thu dưới thời cách mạng, các chủ nhân đều bị chết chém, và sau đó dưới tghời napoléon I thuộc quyền sở hữu của thành phố Paris. Trong thế kỷ 19, nhiều công trình tu chỉnh hai căn nhà, bị phá hoại trong thời cách mạng, để bảo tồn văn hóa cũ. Nội thất hai căn nhà này đã được tái tạo lại hoàn toàn và thông thương với nhau.

- Hôtel de Carnavalet gồm có hai tầng, mỗi tầng với nhiều phòng nhỏ. Ở tầng trệt nổi tiếng nhất là Salon de compagnie de l'hôtel d'Uzès, tức phòng trò chuyện, được tân trang lại năm 1761 với các tranh vẽ của Ledoux, các vách được lát bằng đá trắng, kế đến là những hành lang trưng bày lịch sử Paris cho tới thời kỳ Phục Hưng, phía sau là những khu vườn nội uyển được cát tỉa theo những hình rất đẹp. Ở tầng trên gồm có Salon Louis XV, với những bàn ghế và những vật dụng trong hoàng triều, và những hành lang trưng bày tác phẩm văn học thế kỷ 17 và 18 của bà Sévigné, tác phẩm triết học của Jean Jacques Rousseau và Voltaire... Các trần nhà đều được trang trí bằng những hình vẽ của thế kỷ 17 như họa sĩ Charles Le Brun.

- Hôtel Le Peletier gồm ba tầng. Tầng trệt trưng bày lịch sử của Paris từ đệ nhất Đế Quốc đến đệ nhị Đế Quốc, không có gì đặc sắc, nhưng tầng thứ nhất thì quá sang trọng. Tầng này trưng bày di tích lịch sử từ thời đệ nhị Đế Quốc đến ngày nay. Đẹp nhất là Salon de bal de l'Hôtel de Wendel, tức phòng khiêu vũ. Những ai muốn biết sinh hoạt của giới quí tộc Pháp hồi đầu thế kỷ 20 thì phải đến đây mường tượng lại khung cảnh xa hoa và giàu có của họ : nền nhà bằng gỗ được đánh xia (cire) bóng loáng, các vách tường là những thảm nhung trang trí rực rỡ với những khăn quấn đỏ thẩm, trần nhà là một tác phẩm điêu khắc tuyệt hảo, nói chung không bút nào diễn tả nổi. Những phòng kế tiếp trưng bày những vật dụng thường ngày, chỉ cần sở hữu một vật dụng thôi chủ nhân của nó phải mất một đời để tấm tắc khen sự tinh hảo của những người sáng tạo ra nó, như thợ kim hoàng Fouquet chẳng hạn. Tầng chót dành trọn cho thời Cách Mạng Pháp, nơi đây trưng bày hình ảnh và chân dung những người trực tiếp liên quan đến cách mạng, trong đó có chân dung hoàng hậu Marie Antoinette chịu tang (do Alexandre Kucharski vẽ năm 1793) khi vua Louis XVI bị chăt đầu và chân dung của Maximilien Robespierre, Georges Jacques Danton (người khởi xướng và cũng là người yêu cầu chấm dứt chính sách Kinh Hoàng năm 1793 nhưng bị Robespierre đưa lên máy chém năm 1794).

Bảo tàng viện Cognacq Jay (8 rue Elzévir, quận 3), còn gọi là Hôtel Donon, được xây dựng năm 1575 do dòng họ Donon làm chủ, sau đổi thành Hôtel Donon. Bị thời gian soi mòn, mặt tiền và nhiều phòng ốc khác được xây dựng thêm trong thế kỷ 18. Gia đình Ernest Cognacq và vợ là Louise Jay (hai người sáng lập cửa hàng La Samaritaine nổi tiếng), thuộc giới trưởng giả Paris, mua lại vào đầu thế kỷ 20 để trưng bày công trình sưu tập tác phẩm nghệ thuật và bàn ghế của thế kỷ 18. Sau khi cả hai qua đời năm 1929, căn nhà và bộ sưu tập này được tặng lại cho chính quyền thành phố Paris để trở thành một bảo tàng.

Hôtel de Sully (62 rue Saint Antoine, quận 4) là trụ sở của Quỹ bảo tồn các dinh thự và di tích lịch sử (Caisse des monuments historiques et des sites) chuyên triển lãm những tranh ảnh nghệ thuật cận đại dưới hầm. Năm 1624, nhà tài phiệt Mesme-Gallet cho xây một căn nhà đồ sộ theo kiểu Phục Hưng cho mình ở ; năm 1634 bán lại cho công tước de Sully, bộ trưởng thời vua Henri IV. Ông Sully liền cho sửa sang và trang trí lại nội thất và thành lập khu vườn nội uyển nhỏ, gọi là Petit Sully ; cổng ra vào được chạm trổ rất tinh vi và nghệ thuật với những vách tường chạm khắc đủ hình tượng thú vật và ngoại cảnh. Căn nhà này bị chiếm hữu thời cách mạng, thuộc về chính quyền Paris sau đó và hiện nay dùng làm bảo tàng trưng bày những tác phẩm vẽ trên giấy bồi, họa đồ và văn khố thành phố Paris.

Hôtel de Coulanges (35 rue des Francs Bourgeois, quận 4) được Philippe de Coulanges, cố vấn nhà vua, xây năm 1640 để ở. Người cháu gái bị mồ côi của ông, Marie, được nuôi nấng và lớn lên trong căn nhà này và sau này trở thành bà Nam Tước de Sévigné nổi tiếng. Năm 1662 thủ tướng Le Tellier mua lại căn nhà này để sát nhập vào căn nhà khác của ông bên cạnh (ngày nay là trụ sở của Tòa Nhà Châu Âu tại Paris). Căn nhà này, được tân trạng lại trong suốt thế kỷ 18, là biểu tượng của kiến trúc thế kỷ 16 và hiện nay là bảo tàng trưng bày cuộc đời của bà Sévigné và văn hóa của Châu Âu.

Hôtel Libéral Bruant (1 rue de la Perle, quận 3) thật ra là bảo tàng viện Bricard, nơi trưng bày các bộ sưu tầm về ổ khóa, nắm cửa và vật cản cửa, đặc biệt là những ổ khóa có từ thời La Mã cách đây 2000 năm. Libéral Bruant là một kiến trúc sư kiệt xuất, ông là người xây dựng điện Invalides, từ 1671 đến 1676, để chăm sóc thương bệnh binh. Căn nhà này do chính ông xây dựng lấy dùng để ở, với lối kiến trúc hoàn toàn khác với Invalides. Cửa chính vào căn nhà được trang trí rất đẹp với những bức tượng chạm chìm và nổi. Bị cách mạng tịch thu, sau giao lại cho thành phố Paris, căn nhà này đã được tu sửa lại rất nhiều để trở thành bảo tàng ổ khóa, những người sưu tầm chìa khóa và những tay trộm cắp chuyên nghiệp phải ồ lê lên thán phục trước những sáng kiến của người xưa trong việc bảo vệ tài sản riêng của họ bằng những ổ khóa.

Căn nhà số 1 rue du Figuier, quận 4 hiện nay, là Hôtel de Sens, một kiến trúc còn sót lại của thời Trung Cổ. Nhìn từ xa người ta có cảm tượng đó là một lâu đài của công chúa Lọ Lem, ngày nay là thư viện Forney bảo tồn và lưu giữ những tác phẩm về nghề nghiệp và kỹ thuật của nghệ nhân Paris từ xưa đến nay. Ngôi nhà này, hoàn tất năm 1519, được hồng y Pellevé giáo phận Sens biến thành một pháo đài phòng thủ kiên cố năm 1594 chống lại sự tấn công của vua Henri IV vào Paris. Nhưng cuối cùng pháo đài này cũng bị thất thủ và vua Henri IV chọn nơi ngôi nhà đẹp đẽ này làm phòng the cho bà vợ cũ là Maguerite de Valois, được biết nhiều dưới tên "la reine Margot". Hoàng hậu Margot một người đàn bà dâm đãng nhất thời đó, bà có cả một bộ sưu tầm tóc của những người đàn ông đã qua tay bà ít nhất một lần trong căn nhà này.

paris5

Căn nhà số 1 rue du Figuier, quận 4 hiện nay, là Hôtel de Sens, một kiến trúc còn sót lại của thời Trung Cổ.

Căn nhà số 60 rue des Archives, quận 3 hiện nay, là Hôtel Guénégaud, được xây dựng vào giữa thế kỷ 17 bởi kiến trúc sư danh tiếng François Mansart cho bộ trưởng tư pháp Henri de Guénégaud des Brosses. Căn nhà này, bị hư hại nhiều dưới thời cách mạng và thuộc thành phố Paris sau đó, đã được tu sửa lại và năm 1967 André Malraux biến thành bảo tàng viện săn bắn và thiên nhiên của thành phố Paris. Bảo tàng này vừa trưng bày những tác phẩm hội họa nổi tiếng của Rubens, Rembrant và Monet về thiên nhiên vừa triển lãm những thành tích về săn bắn : những ngà voi to lớn, những thú rừng quí hiếm được nhồi rơm cùng những vũ khí săn bắn như cung, nõ với những bộ sưu tầm về súng săn của thế kỷ 16 và 17.

Ngôi nhà số 5 rue de Thorigny hiện nay là Hôtel Salé là một ngôi nhà to lớn được xây dựng năm 1656 cho Aubert de Fontenay, một người thu thuế muối, vì thế căn nhà của ông mang tên Salé, có nghĩa là muối mặn. Sau ngày Picasso chết, con cháu ông bán lại cho chính phủ Pháp một phần lớn tranh vẽ và tượng của ông. Năm 1885, Tòa Thị Chính Paris chọn Hôtel Salé làm Bảo Tàng Picasso, trưng bày cuộc đời của họa sĩ quá cố nổi tiếng Pablo Picasso (1881-1973) qua những bức tranh và tượng tạc. (Picasso là người Tây Ban Nha, tị nạn sang Pháp năm 1934, trốn chế độ độc tài Franco). Những nét kiến trúc xưa của ngôi nhà được bảo tồn nguyên vẹn, gồm một nhà trệt, một lầu, một căn hầm và một sân trong rộng lớn. Dưới hầm là những tác phẩm vẽ từ thập niên 1950 đến năm 1973 ; nhà trệt và sân trong tiễn lãm tranh và tượng sáng tác từ thập niên 1930 đến 1950, và lầu một là những tranh vẽ từ đầu thập niên 1910 đến cuối thập niên 1920. Những bức tranh tiêu biểu nổi tiếng của mỗi giai đoạn là Autoportrait (1901), Les Deux frères (1906), Violon et partition (1912), Deux femmes courant sur la plage (1922), Peintre avec palette et chevalet (1928), Femme lisant (1932), Le Baiser (1969) ; những bức tượng tiêu biểu là Femme à la mantille (1949), Les Baigneuses (1956).

Nói đến khu Marais thì cũng phải nhắc đến những ngôi nhà thờ cổ kính. Đạo Công giáo trở thành quốc giáo khi Clovis đánh bại quân La Mã năm 485, lên ngôi vua và chọn Paris làm kinh đô của người Francs công giáo. Từ đó trở đi giáo quyền và quân quyền hòa trộn với nhau, phong trào xây dựng nhà thờ và tu viện cũng trở nên ồ ạt. Khu Marais nằm trong phong trào đó nhưng chậm hơn bên kia bờ tả ngạn, vì khu sinh lầy Les Marais chỉ được lấp bằng vào thế kỷ 14 và những ngôi giáo đường đúng danh nghĩa chỉ khởi sự xây dựng từ thế kỷ 17.

Giáo đường Saint Paul - Saint Louis (99 rue Saint Antoine, quận 4) được vua Louis XIII đặt viên đá đầu tiên năm 1627, dành riêng cho các tu sĩ Dòng Tên (Jésuites), với một nóc chuông cao 60 mét và được trang trí phong phú. Đến năm 1762 các giáo sĩ này bị đuổi khỏi nước Pháp và ngôi giáo đường này được giao lạo cho hội truyền giáo Compagnie de Jésus. Trong thời cách mạng, giáo đường này bị cướp phá và bị hư hại nặng, đến giữa thế kỷ được sửa sang lại với bức tranh thật lớn của Eugène Delacroix, Le Christ au jardin des Oliviers, vẽ tặng vào giữa thế kỷ 19.

Giáo đường Saint Gervais - Saint Protais (Place Saint Gervais, quận 4) được xây dựng lại năm 1621, trên thầm một ngôi giáo đường xưa có từ thế kỷ 6, để tưởng nhớ hai thánh tử đạo Gervais và Protais. Nhạc sĩ đàn orgue François Couperin đã sáng tác nhiều nhạc phẩm dành riêng cho các buổi lễ trong ngôi giáo đường này, truyền thống cử hành lễ ngày nay vẫn còn tiếp tục với đoàn hợp xướng do các nam tu sĩ dòng Fraternité monastique de Jérusalem hát, hấp dẫn cả thế giới.

Le Cloitre des Billettes (24 rue des Archives, quận 4) là giáo viện duy nhất còn sót lại từ thời Trung Cổ. Được xây dựng năm 1427, giáo viện này gồm bốn hành lang với những cột chống vòm tròn dưới những nóc cao. Đến thế kỷ 18 các tu sĩ dọn đi nơi khác, giáo viện này trở thành nơi hành lễ của phe cải cách và nơi trình diễn âm nhạc.

Giáo đường Notre Dame des Manteaux Blancs (12 rue des Blancs Manteaux, quận 4) được xây dựng năm 1648, trên thềm một tu viện cũ thuộc dòng Augustins có từ 1258, để tôn vinh bà Maria, mẹ của Jésus. Vì các tu sĩ dòng Augustins thường mặc áo thụng trắng nên ngôi giáo đường lấy luôn tên. Trong thế kỷ 18, một bục cao đựng dựng lên giữa nhà thờ để hành lễ và cũng là nơi để các dàn nhạc đến hòa tấu thánh ca.

Nhưng Le Marais còn nổi tiếng với những con đường lịch sử, du khách phải dùng chân lại ngắm nhìn từng căn nhà trong mỗi khu phố mới khám phá hết những nét đẹp lịch sử của đời sống ngày xưa và thời nay.

- Rue des Francs Bourgeois (quận 3 và quận 4), bắt đầu từ Hôtel de Soubise và Musée Carnavalet đến Place des Vosges, là con đường còn lưu giữ nhiều "hôtel" (nhà khách) có từ đầu thế kỷ 16 đến nay : Hôtel d'Albre (số 31) với cánh cửa cổng vào chạm trỗ rất công phu, Hôtel de Coulanges (số 37), Hôtel de Sandreville (số 26), Maison du 17ème siècle (số 39), Hôtel d'Almeyras (số 30), v.v...

paris6

Rue des Francs Bourgeois (quận 3 và quận 4) là con đường còn lưu giữ nhiều "nhà khách" có từ đầu thế kỷ 16 đến nay

- Rue des Rosiers (quận 4) trước kia là đường tuần canh của binh lính bảo vệ lâu đài vua Philippe Auguste (1180-1223), hai bên đường được trồng hoa hồng nên mới có tên là Rosiers. Con đường này ngày nay gần như là con đường dàng riêng cho người Do Thái. Người Do Thái có mặt tại đây từ thế kỷ 12 và bị đuổi khỏi khu phố vào cuối thế kỷ 14. Đến thời Cách Mạng Pháp, vài trăm người Do Thái về lại nơi đây mua nhà và sinh sống bằng nghề buôn bán tạp hóa và cho vay. Cuối thế kỷ 19 cộng đồng người Do Thái trên con đường này gia tăng với sự di cư ồ ạt của người Do Thái (ashkénazes) từ Trung Âu sang, sinh sống bằng nghề buôn bán sỉ ; đến thập niên 1960, cộng đồng người Do Thái Bắc Phi (sépharades) tiến vào hội tụ, sinh sống bằng nghề kim hoàng, may mặc.

Vào giữa thập niên 1980, cộng đồng người Hoa Đông Dương và đầu thập niên 1990 người Hoa Hồng Kông tìm mua những khu phố lụp xụp của cộng đồng người Bắc Phi trong khu vực để mở tiệm buôn bán. Họ nhận thầu gia công quần áo may sẵn và đồ nữ trang của người Do Thái. Tiếng đồn xấu về cộng đồng người Hoa tại Paris xuất phát từ khu này, số người Hoa nhập cảnh lậu từ lục địa vào đây rất đông và sinh sống trong những căn phòng chật chội và làm việc không ngừng nghỉ cho giới chủ thầu hàng may mặc. Cảnh sát Pháp đã nhiều lần tiến vào khu này lục soát và bắt rất nhiều người Hoa không có giấy tờ nhập cảnh hợp lệ.

Cộng đồng người Hoa sinh sống xen kẻ với người Ả rập Bắc Phi và Do Thái trong những con đường nhỏ hẹp của quận 3, như Rue Pavée (có từ năm 1450 là con đường được lát đá đầu tiên), Rue de Turenne (trước kia là con đường dành cho vua đi với tên Allée du Roi), Rue Payenne (với những ngôi nhà xưa rất đẹp), Rue Vieille du Temple (có từ thế kỷ 13), Rue des Gravilliers (nổi tiếng với các cửa hàng buôn sỉ đồ da, nữ trang rẻ tiền), Rue des Vertus (với các hàng quán ả rập), Rue Au Maire (khu bình dân ồn ào), Le Carreau du Temple (gồm hai con đường : Dupetit Thouars và Perrée là nơi buôn sỉ quần áo may sẵn), Rue du Temple với nhiều ngôi nhà xưa...

Căn nhà số 3 rue Volta (quận 3) là căn nhà xưa nhất khu vực, được xây dựng vào khoảng năm 1300, tiêu biểu cho lối kiến trúc thời Trung Cổ với những cột gỗ lớn chôn trong vách tường vôi và trên những cánh cửa bằng gỗ, những bệ cửa sổ trước kia dùng làm nơi trưng bày hóa và những trần nhà thấp (chỉ cao 2 mét).

Le mémorial du Martyr Juif inconnu là một tượng đài tưởng niệm người Do Thái vô danh dựng ở chân một ngôi nhà màu trắng, số 17 rue Geoffroy, quận 4, hiện là trung tâm lưu trữ văn khố chứa đựng hơn 800.000 hồ sơ người Do Thái tại Paris và 40.000 sách báo nói về cuộc sát hại người Do Thái trong thời đệ nhị thế chiến.

Nguyễn Văn Huy

Additional Info

  • Author Nguyễn Văn Huy
Published in Tư liệu
lundi, 12 août 2024 21:47

Sông Seine và Đảo Thị Trấn

Năm 1958, chàng sinh viên Trần Bích Lan khi về lại Việt Nam đã cho phổ biến Thơ Nguyên Sa, một tập thơ gây chấn động trong giới yêu mến văn nghệ và sinh viên học sinh Việt Nam Cộng Hòa thời đó. Nhiều bài thơ, trích trong tuyển tập, đã được phổ nhạc và hát trong các câu lạc bộ sinh viên và trên các làn sóng điện. Hình ảnh Paris qua những vần thơ, điệu nhạc đó đã lôi cuốn biết bao tâm hồn thanh niên thời đó, và cho đến ngày nay vẫn còn gây xao xuyến mỗi khi nghe lại.

seine1

Dưới cầu Mirabeau, nước sông Seine vẫn chảy… (thơ Apollinaire)

Làm sao quên được những vần thơ nhẹ đẹp và lãng mạn như áng mây khi ngày sắp tắt :

Paris có gì lạ không em ?

Mai anh về em có còn ngoan

Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ

Em có tìm anh trong cánh chim...

Nguyên Sa đã sống, đã yêu và lãng mạn hóa Paris, một thành phố mà anh tiếc nhớ khi phải giã từ. Tình yêu đó anh trút vào từng dòng thơ, êm ái chuyền vào máu những người chưa biết Paris yêu mến Paris và chia sẻ với anh những thao thức xa vắng người yêu. Sau Nguyên Sa là cả một phong trào nhớ lại Paris, bằng thơ và nhạc, lan khắp Sài Gòn. Không ai trong chúng ta đã không một lần nghe đến "Mùa thu không trở lại" của Phạm Trọng Cầu, "Tiễn em" thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy...

Paris rất đẹp. Paris rất lạ.

Paris có nhiều điều để xem. Mỗi dinh thự, mỗi bờ tường, mỗi góc phố, mỗi viên đá lót đường là mỗi kỷ niệm, mỗi tâm sự riêng. Khách lãng du phải để tâm hồn thảnh thơi lắng nghe Paris kể lại những thao thức ở mỗi góc đường và mỗi khu phố.

Khám phá Paris giống như khám phá một kho tàng. Nếu chịu khó tìm tòi, Paris sẽ trưng bày những bảo vật hiếm có. Paris rất tình cảm nhưng Paris cũng rất lạnh lùng, có những người suốt đời ở trong và ở cạnh Paris nhưng chưa bao giờ biết đến những báu vật của Paris. Khám phá Paris chính vì vậy chỉ dành cho những người diễm phúc.

Báu vật của Paris rất nhiều. Paris có gần 2.000 kiến trúc lịch sử và mỹ thuật, gần 1.000 bức tượng chạm khắc tinh vi trưng bày trên khắp các công viên, góc đường, nóc nhà, cửa ra vào, v.v... Nhưng số lượng tác phẩm điêu khắc trưng bày trong 167 bảo tàng lớn nhỏ, dinh thự công và tư, trên khắp Paris, cũng phải hơn 30.000 tuyệt tác. Chỉ riêng cầu Alexandre III bắc ngang sông Seine cũng đã có hơn 50 tác phẩm điêu khắc bằng đồng và bằng đá dựng chung quanh các cột trụ của cầu, nhưng những tác phẩm này không được tính vào những tượng đài công cộng, những thân cột đèn bằng thau dọc hai bên thân cầu cũng là những tuyệt tác về điêu khắc để sinh viên các trường mỹ thuật quốc tế đến tham khảo từng chi tiết. Bảo tàng Louvres cũng có trên 6.000 tuyệt tác điêu khắc nhưng chỉ hơn 2.000 tượng được trưng bày trong 67 phòng triển lãm, đó là chưa kể hơn một trăm tác phẩm điêu khắc được dựng trên các bức tường chung quanh điện Louvre ghi công các tướng lãnh và binh sĩ của Napoléon. Bảo tàng Orsay có trên 1.200 tượng điêu khắc, Bảo tàng Guimet thì không kể hết, ít nhất có trên 20.000 tượng lớn nhỏ từ khắp nơi Đông Nam Á.... Nếu một thành phố nào đó trên trái đất chỉ sở hữu một phần mười những tác phẩm điêu khắc mà Paris hiện có thì đó đã là một niềm hãnh diện lớn. Chỉ cần đi dọc hai bờ sông Seine, trong 15 khu phố (quartiers), chúng ta sẽ lần lượt khám phá những báu vật của Paris cất giấu và ẩn hiện theo thời gian, cũng phải kể thêm những nơi mà lãng khách muốn đến "hành hương" để tìm lại cảm giác mà những đôi tình nhân tên tuổi đã từng để lại.

paris01

Tượng Triomphe de la République (Chiến Thắng của nền Cộng hòa) được dựng trên công viên Nation, do điêu khắc gia Jules Dalou tạc năm 1889, phỏng theo hình người phụ nữ, biểu tượng của nền Cộng hòa, đứng trên một quả địa cầu được kéo bởi hai con sư tử dẫn dắt bởi thần Tự do ; tượng được bao bọc bởi bốn nhân vật tượng trưng cho Lao động, Công lý, Hòa bình và Giáo dục.

Viếng thăm Paris phải bắt đầu từ sông Seine, dòng sông lịch sử đã sinh thành Paris, sau đó tản bộ lên trên đảo Cité và sang hai bờ sông.

- Tả ngạn có Quartier des Invalides và Tour Eiffel, Saint Germain des Prés, Quartier Latin, Jardin du Luxembourg, Jardin des Plantes, Quartier du Luxembourg, Montparnasse và Quận 13.

- Hữu ngạn có Quartier de Chaillot, Champs Élysées, Quartier des Tuileries, Quartier de l'Opéra, Beaubourg et Les Halles, Le Marais và Montmartre. 

seine2

Hai bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Serine

Lướt nước sông Seine

Nước sông Seine không cuồn cuộn như sông Danube, dòng sông xanh của các thành phố Vienna và Budapest. Nước sông Seine bình thản từ cội nguồn chảy ra biển cả, đem quá khứ đổ vào tương lai, mang tình yêu lấp tràn thù hận. Từ khi biết đến con người, dòng sông này chứng kiến biết bao tranh chấp nhưng thiên chức của nó dường như chỉ để xoa dịu nỗi đau và lắng nghe những lời ngọt ngào của những người yêu nhau từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, những khách bộ hành bình thường tản bộ trên hai bờ nước. Sông Seine của Paris chính vì vậy là dòng sông của tình yêu, dòng sông của những người biết hưởng hạnh phúc.

Guillaume Apollinaire, nhà thơ nổi tiếng của Pháp đầu thế kỷ 20, đứng trên cầu Mirabeau nhìn nước sông Seine nhớ lại cuộc tình :

Sous le pont Mirabeau coule la Seine   

Et nos amours                     

Faut-il qu'il m'en souvienne

La joie venait toujours après la peine

Vienne la nuit sonne l'heure

Les jours s'en vont je demeure...

 

*******************

 

Dưới chân cầu Mirabeau, nước sông Seine vẫn chảy

cùng với cuộc tình của chúng ta

Có cần gợi nhớ lại không 

Niềm vui thường đến sau nỗi đau

Đêm đã đến giờ đã điểm

Tháng ngày cứ trôi qua tôi một mình ở lại...

(Guillaume Apollinaire, Le pont Mirabeau, Alcools, 1914)

Nguyên Sa khi xa vắng người yêu cũng thường hay tự hỏi :

Paris có gì lạ không em ?

Mai anh về giữa bến sông Seine

Anh về giữa một dòng sông trắng

Là áo sương mù hay áo em ?...

(Nguyên Sa, Paris có gì lạ không em ?, Paris, 1954)

Paris có gì lạ không em ? – Thơ Nguyên Sa - Nhạc Ngô Thụy Miên – Tiếng hát Thái Thanh

Phạm Trọng Cầu cũng thế, anh trút nỗi nhớ vào từng cung nhạc :

Từ chia ly nghe rơi bao lá vàng

Ngập dòng nước sông Seine

Mưa rơi trên phím đàn

Chừng nào cho tôi quên...

(Phạm Trong Cầu, Em ra đi mùa thu, 1958)

Mùa thu không trở lại – Nhạc và lời Phạm Trọng Cầu – Tiếng hát Thái Thanh

Nhưng sông Seine không chỉ là dòng sông của những chuyện tình, nó còn là dòng sông lịch sử tạo ra thành phố Paris. Chưa một thành phố lớn nào tại Châu Âu gắn liền số phận của mình với một dòng sông như Paris. Từ ngày thành lập đến nay, tất cả những công trình kiến trúc mỹ thuật danh tiếng của Paris đều được xây dựng dọc hai bờ sông Seine. Mọi khoảng cách, số nhà và sinh hoạt của thành phố đều tính từ dòng sông Seine trở ra. Người Parisien, mỗi khi được hỏi, thường xác định vị trí cư ngụ theo hai bờ sông Seine (tả ngạn hay hữu ngạn). Gắn liền số phận với một dòng sông, tính tình người Paris cũng như dòng nước, luôn luôn dao động, sẵn sàng xuống đường chống đối, nhưng rất bộc trực và hồn nhiên : khi buồn thì khóc, khi vui thì cười.

Sông Seine chia Paris ra làm hai phần rõ rệt. Khu vực hữu ngạn phía Bắc dành cho những sinh hoạt vật chất (buôn bán, ăn chơi, giải trí). Khu vực tả ngạn phía Nam, hình dành cho những sinh hoạt tinh thần (các trường đại học, các viện bảo tàng, nơi cư ngụ của văn nghệ sĩ). Về lịch sử, khu vực phía Đông còn giữ lại nhiều dấu ấn của thời kỳ thành lập, khu vực phía Tây gắn liền với những công trình kiến trúc của thời hoàng kim thế kỷ 18 và 19. Ngoại ô phía Tây là nơi cư ngụ của giới quí tộc và những gia đình giàu có ; ngoại ô phía Đông là nơi cư ngụ của những người mới đến nhập cư ; ngoại ô phía Bắc là khu lao động và ngoại ô phía Nam là nơi cư ngụ của giới khoa bảng. Dí dỏm hơn, về hình dáng, sông Seine trong thành phố Paris giống chiếc boomerang của thổ dân Úc, khu vực hữu ngạn hình chiếc bánh croissant và khu vực tả ngạn hình chiếc bánh xèo.

Lướt nước sông Seine phải đi bằng thuyền, ban ngày ngắm nhìn thắng cảnh hai bên bờ, buổi chiều ăn tối trên những nhà hàng du thuyền di động. Ăn tối trên sông những ngày cuối thu và mùa đông rất là thơ mộng, bên trong ấm cúng với tiếng nhạc, bên ngoài rực rỡ ánh sáng đèn màu, du khách khó có thể quên một khung cảnh thần tiên trong đời.

Vào cuối thế kỷ 19 du khách du ngoạn trên sông Seine bằng péniche (xà lan), một loại tàu đường sông có thể chuyên chở người và vật dụng nặng. Ngày nay các loại tàu này được trang hoàng đẹp hơn, chở đông người hơn và tiện nghi hơn nên gọi là "vedette" (du thuyền). Ban đêm các vedettes này được trang bị những đèn pha cực mạnh chiếu sáng hai bên bờ để du khách quan sát nét đẹp Pparis by night trên sông. Vào mùa hè, từ trưa tới chiều du khách có thể nhìn những thiếu nữ xinh đẹp của Paris phơi mình dưới nắng ấm dọc hai bờ sông.

Loại du thuyền chở khách trên sông Seine gọi là bateaux-mouches ("tàu ruồi" như nhiều người Việt thường dịch nghĩa). Thực ra tên loại tàu này là cả một huyền thoại. Vào nửa cuối thế kỷ 19, sau khi được nam tước Haussmann chỉnh trang lại thông thoáng hơn trước, với những đại lộ rộng thênh thang và kiến trúc tân kỳ, Paris trở thành thành phố ánh sáng thu hút khách du lịch từ khắp Châu Âu đến viếng thăm. Để thưởng ngoạn những kiến trúc độc đáo của thành phố, khách phải đi bằng du thuyền mới có thể ngắm nhìn trọn vẹn những cảnh đẹp của Paris. Một thương nhân tên Jean Bruel mua lại tất cả tàu thuyền tham dự cuộc triễn lãm toàn cầu (Exposition universelle) năm 1867 để sau đó đem về xưởng đóng những tàu thuyền này tại Lyon để tân trang lại. Viên giám đốc phân xưởng này tên Michel Félizat đặt tên cho loại này la "Bateaux Mouche", vì được tu sửa trong một phân xưởng mang tên Mouche. Nhưng để thương mại hóa, doanh nhân Jean Bruel thêm chữ "s" vào chữ Mouche để thành một danh từ chung (vì Mouche là tên người nên không thể thêm chữ "s"), và đăng ký nhãn hiệu cầu chứng "Bateaux Mouches". Để thu hút sự tò mò của du khách, ngày 1/4/1953 Jean Bruel cho dựng tượng một người không có thật, mang tên Jean-Sébastien Mouche, như là người đã sáng chế ra ngành du lịch đường sông bằng những du thuyền trên sông Seine. Ngày nay công ty Bateaux Mouches không còn độc quyền như trước .

Luật di chuyển trên sông khác luật đường bộ. Tàu trên sông Seine bắt đầu từ Tây sang Đông, lượt đi bên tay phải (hữu ngạn) và lượt về bên tay trái (tả ngạn) dựa theo luật đường sông bên Anh. Các hãng tàu thường tập trung cạnh chân Tháp Eiffel với những tên : Bateaux Parisiens, Bateaux-Mouches, Batobus, Vedettes du Pont Neuf, Île de France... Ngoài ra còn có hãng Canauxrama và Paris-Canal chuyên chở khách du ngoạn trên những con kinh đẹp không kém sông Seine trong và ngoại thành Paris như Canal Saint-Martin, Canal de l'Ourcq. Canal de l'Ourcq dài 108 km phía Đông Bắc vào thẳng Paris và đổi tên thành kinh Saint Martin, quận 10.

Thành phố Paris có tổng cộng 339 cầu đủ loại, trong đó 37 cầu bắc ngang sông Seine : 35 chiếc cầu lớn (ponts) và cầu treo nhỏ (passerelles) dành riêng cho xe cộ và khách bộ hành, 2 cầu được dùng riêng cho xe lửa điện (métro).

Du ngoạn trên sông Seine là dịp để ngắm nhìn những cây cầu bắc ngang với những kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Mặc dù được xây dựng từ rất lâu, những cây cầu này ngày nay vẫn còn kiên cố ; mỗi chiếc cầu là một tác phẩm nghệ thuật đánh dấu từng giai đoạn chuyển mình của Paris.

Phía Tây Nam có cầu Garigliano và Mirabeau, nơi thi sĩ Apollinaire đứng nhìn dòng nước luyến nhớ chuyện tình đã qua, nằm giữa hai quận 15 và 16. Phía Đông Nam có các cầu National, Tolbiac, Bercy, Charles de Gaulle và Austerlitz phân ranh hai quận 12 và 13. Đây là những chiếc cầu mà thuyền chở khách du ngoạn không đến.

Các loại bateaux-mouches, tùy theo hãng tàu, bắt đầu từ cầu Grenelle, chạy dọc tả ngạn sau đó quay sang hữu ngạn để trở về điểm xuất phát.

Dưới chân cầu Grenelle là tượng Nữ Thần Tự Do, y hệt bức tượng được dựng trước cửa biển New York nhưng nhỏ hơn (bằng 1/10), mặt hướng ra cửa biển nhìn về New York, trong khi bức tượng chính tại New York mặt hướng về nước Pháp. Dọc bờ hữu ngạn là Maison de la Radio (Đài Phát Thanh Pháp), ở giữa dòng sông là một mô đất dài rợp bóng cây, nơi dân Parisien chạy bộ và dạo mát, nối liền hai cầu Grenelle và Bir Hakeim. Giữa cầu Bir Hakeim có một tượng đài bằng đồng hình một kỵ sĩ cưỡi ngựa tượng trưng cho nghệ thuật điêu khắc thời Phục Hưng.

seine3

Bên cạnh cầu Grenelle là tượng Nữ Thần Tự Do, y hệt bức tượng được dựng trước cửa biển New York nhưng nhỏ hơn (bằng 1/10)

Xa hơn một chút là cầu Iéna nối liền tháp Eiffel với Trocadéro và Palais de Chaillot, nơi có bốn viện bảo tàng (dinh thự quốc gia, con người, điện ảnh và hàng hải) và một thư viện điện ảnh. Đây là chiếc cầu được đông khách bộ hành qua lại nhất thế giới, vì mỗi năm có hơn 30 triệu lượt người qua lại viếng thăm tháp Eiffel và Palais de Chaillot để chụp ảnh.

Cách cầu Iéna không xa về phía Đông, được Napoléon I xây năm 1806, là một chiếc cầu nhỏ bắc ngang sông gọi là Passerelle de Billy, chỉ dùng cho khách bộ hành.

Dưới chân cầu Alma là tượng một người lính zouave (lính đánh bộ tại Algérie), dùng để đo mực nước sông Seine. Trên bờ tả ngạn là ngọn đuốc tự do tưởng nhớ những người kháng chiến Pháp trong thế chiến II, không lấy gì làm đẹp nhưng mỗi ngày có rất đông người đến truy niệm vì là nơi quận chúa Diana tử nạn xe hơi năm 1997.

seine4

Dưới chân cầu Alma là tượng một người lính zouave (lính đánh bộ tại Algérie), dùng để đo mực nước sông Seine.

Cầu Invalides không có gì đặc sắc bên cạnh cầu Alexandre III, chiếc cầu lộng lẫy nhất Paris nếu không muốn nói là đẹp nhất thế giới. Năm 1886 hoàng đế Alexandre III (thân phụ của hoàng đế Nicolas II bị quân bolchevik Nga giết năm 1918) đặt viên đá đầu tiên xây dựng chân cầu để tổ chức cuộc triển lãm toàn cầu năm 1900. Cầu Alexandre III, nối liền điện Invalides bên tả ngạn với Grand Palais bên hữu ngạn, được dựng trên một cột sắt với những thân hình tiên nữ khỏa thân cùng những thỷy quái ; trên chóp bốn trụ cầu là bốn tượng mạ vàng rực rỡ tôn vinh Khoa học, Nghệ thuật, Thương Mại và Kỹ nghệ, đó là chưa kể dọc thân cầu là những trụ đèn chạm khắc rất công phu và mỹ thuật.

seine5

Cầu Alexandre III là chiếc cầu lộng lẫy nhất Paris nếu không muốn nói là đẹp nhất thế giới

Hai bên cầu Concorde là quảng trường Concorde với một bia đá Ai Cập cao lớn (do Napoléon I mang từ Ai Cập về) cùng một bánh xe khổng lồ cao 60 m đưa du khách lên ngắn nhìn Paris và khách sạn Grignon nổi tiếng, nơi cư ngụ của các tài tử và nghệ sĩ quốc tế đến Paris lưu diễn, trên bờ hữu ngạn, bên kia bờ tả ngạn là tòa nhà Quốc Hội, Assemblée nationale.

Passerelle Solférino nối liền vườn Tuileries bên hữu ngạn với bảo tàng viện d'Orsay bên tả ngạn dành cho khách bộ hành. Nhìn tháp Eiffel từ cây cầu này, cảnh quang rất đẹp.

Các cầu Royal và Carousel không có gì đặc sắc so với các cầu vừa kể nhưng nếu so với các cây khác tại các quốc gia Châu Âu, đó là những công trình mỹ thuật và kỹ thuật cao vào thế kỷ 17 và 18. Hai cây cầu này nối liền khu vực hoàng gia trước kia, nay là bảo tàng Louvres, với khu vực nghệ sĩ (Saint Germain des Prés).

Pont des Arts là chiếc cầu đầu tiên hoàn toàn được xây dựng bằng kim loại "gang" (fonte - sắt nung) tại Paris năm 1804. Kỹ thuật xây dựng mới này làm đảo lộn tất cả kỹ thuật kiến trúc cổ điển (bằng đá tảng và vôi) trước đây và là tiền thân của cách xây dựng loại nhà chọc trời và tháp Eiffel.

Đi quanh đảo Cité và Saint Louis thì các tàu chở khách đi ngược lại, lượt đi bên tay trái và lượt về sang tay phải, và tuần tự lướt dưới các cầu Pont Neuf, Pont de Sully, Pont de la Tournelle, Pont de l'Archevêché, Pont au Double, Petit Pont ở tả ngạn để sau đó quay về hữu ngạn với Pont Neuf, Pont au Change, Pont Notre Dame, Pont d'Arcole, Pont Louis Philippe, Pont Marie, rồi trở về với các cầu đã đi qua.

Pont Neuf là chiếc cầu lâu đời nhất Paris, được vua Henri III đặt viên đá đầu tiên năm 1578 và do vua Henri IV khánh thành năm 1607. Cầu này dài 275 m, 12 nhịp, nối liền đảo Cité với hai bờ sông. Vào thời đó, đây là một cuộc cách mạng về kỹ thuật xây dựng cầu vì không có nhà cửa xây dựng ngay trên cầu giúp sự qua lại trên sông và hai bờ được dễ dàng.

Pont de Sully có một lịch sử khá đặc biệt. Theo lệnh vua Henri IV và do bộ trưởng Sully thực hiện, cây cầu này thay hai chiếc cầu gỗ cũ, quá mục nát và lần lượt bị sập năm 1848 và 1872, gồm hai cầu bằng sắt (159 m và 82 m) nhưng kiến trúc rất nhau nhìn xa tưởng như một, được xây dựng từ 1875 đến 1876, nhằm nối liền hai bờ sông. Từ cây cầu này nhìn phía sau Nhà Thờ Đức Bà, cảnh quang rất tuyệt.

Dọc bờ tả ngạn là Quai Saint Bernard, nằm giữa hai chiếc cầu Sully và Austerlitz. Bến này trước kia là một cánh cửa lớn (đại môn) được xây dựng dưới thời vua Louis XIV (1643-1715) nhằm ngăn cản dân chúng đến đây tắm giặt, sau đó bị đập bỏ năm 1787 để trở thành nơi dạo mát của dân Parisien, dài gần một cây số, với tên gọi mới là Bến Saint Bernard. Từ 1975 đến 1980, bến này mang tên là vườn Tino Rossi (một ca sĩ nổi tiếng), và từ 1980 trở đi được biến thành một viện bảo tàng điêu khắc ngoài trời với những tác phẩm nổi tiếng bằng đá và bằng thau được sáng tác vào giữa thế kỷ 20. Nhưng rất tiếc là một số thành phần bất hảo đã đến xịt vẽ (tag) trên các bức tượng buộc chính quyền thành phố Paris mang phần lớn những tác phẩm nhỏ đi nơi khác, hiện nay chỉ còn lại những tác phẩm lớn, kềnh càng bằng kim loại triển lãm trên bến.

Île de la Cité và Île Saint Louis (quận 1 và 4)

Lịch sử hòn đảo nhỏ nằm giữa dòng sông Seine này, Île de la Cité gắn liền với lịch sử thành lập thành phố Paris. Vào khoảng thế kỷ thứ tư trước công nguyên, một bộ tộc Gaulois gốc Celte, người Parisii, đã đến đây lập nghiệp và dựng một ngôi làng thô sơ trên hòn đảo này để tránh thú dữ và sinh sống bằng nghề trồng trọt và săn bắt cá. Vị trí ngôi làng này trở nên quan trọng trong suốt ba thế kỷ trước công nguyên khi lượng hàng hóa giao lưu giữa lục địa (nông phẩm của người Gaulois) với bờ biển (hải sản của người Celte) gia tăng. Năm 52 trước công nguyên, Labienus, chỉ huy trưởng quân đội La Mã vùng Bắc xứ Gaule (Pháp), đánh bại quân Gaulois tại Camulgène, cạnh Île de France ; dân Parisii phải đốt làng bỏ chạy. Kể từ đó người La Mã chiếm đóng Île de la Cité, kiểm soát sự qua lại trên sông Seine và cải danh thành Lutecea (Lutèce). Từ đầu thế kỷ thứ 2 sau công nguyên trở đi, người La Mã chọn hòn đảo này làm đại bản doanh miền Bắc xứ Gaule vì vị trí chiến lược của nó. Họ bắt đầu xây dựng dinh thự, đền đài, nhà cửa trên đảo và mở rộng đô thị sang bờ tả ngạn. Với thời gian, Lutecea trở thành trung tâm chính trị và thương mại của xứ Gaule La Mã (gallo-romain) trong 500 năm ; người Gaulois từ khắp nơi đến đây dựng làng canh tác nông nghiệp trên bờ hữu ngạn. Năm 360, thống đốc La Mã xứ Gaule, Julien, tự xưng hoàng đế, chọn Lutecea làm đế đô và đổi tên thành Paris (tiếng La Mã là Parisius). Sự phồn vinh của hòn đảo nhỏ này tỏa rộng khắp nơi ; từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 5 Paris thường xuyên bị quân cướp từ khắp nơi tiến vào đánh phá.

seine6

Nhà thờ Đức Bà trên đảo Île de la Cité

Thời gian sau đó người Francs, rồi người Capétiens thay nhau làm chỷ Paris, mỗi lần thay ngôi đổi chủ là xây thêm nhiều dinh thự mới ; Île de la Cité vẫn duy trì vị trí trung tâm và nhiều công sự phòng thủ mới được tăng cường quanh đảo. Phải chờ đến thời kỳ Trung Cổ (thế kỷ 6-thế kỷ 15), những công trình kiến trúc kiên cố và mỹ thuật mới được dựng lên trên đảo và còn tồn tại cho tới ngày nay.

Diện tích hòn đảo này rất nhỏ (20 hecta), thuộc hai quận 1 và 4, đường sá chật hẹp và ngoằn nghèo, do đó khi viếng thăm phải dùng đôi chân. Một số tên đường trên đảo được giữ nguyên từ thời Trung Cổ, như Quai des Orfèvres (bến thợ kim hoàng), Quai du Marché Neuf (bến chợ mới). Có chín cây cầu bắc ngang qua đảo : Pont Neuf (xưa nhất, xây dựng năm 1578) băng ngang qua phần đất nhỏ hẹp ở đầu hòn đảo, nối liền hai bờ sông Seine ; cầu Saint Louis nối liền hai đảo (Île de la Cité và Île Saint Louis) với nhau ; các cầu Archevêché, Cầu Đôi (Pont au Double), Cầu Nhỏ (Petit Pont) và cầu Saint Michel nối liền Đảo Thị Trấn với bờ tả ngạn ; các cầu Arcole, Notre Dame và Pont au Change nối liền với bờ hữu ngạn. Những di tích được thăm viếng nhiều nhất là Nhà thờ Đắc Bà (Notre Dame de Paris), Sainte Chapelle, Palais de Justice và Conciergerie.

Ở đầu hòn đảo về phía Tây là công viên Square du Vert Galant, trước cầu Pont Neuf. Đây là một trong những nơi huyền bí nhất của Paris vì, theo lời kể lại, sau nhiều lần muốn tiến về Paris nhưng không vào được thành vua Henri IV hứa sẽ dành một khu đẹp đẽ để tạ Ơn Trên. Được toại nguyện, nhà vua đã chọn phía đầu hòn Đảo Thị Trấn làm một công viên đầy bóng mát và đặt tên là Vert Galant (biệt danh của Henri IV). Về sau để nhớ ơn nhà vua, một tượng vua Henri IV cưỡi ngựa bằng đồng được dựng ở giữa công viên, từ nơi đây có thể nhìn về bảo tàng Louvre, vườn Tuileries và cảnh vật trên hữu ngạn sông Seine. Từ đó những người ước muốn điều gì trọng đại đều âm thầm đến đây cầu xin. Nơi đây cũng là bến xuất phát các tàu đi trên sông du ngoạn.

Sau khi khánh thành xong công viên Vert Galant và cầu Pont Neuf, năm 1607 vua Henri IV xây thêm một quảng trường khác ở đầu hòn đảo về phía Đông, Place Dauphine, để tặng con trai ông, vua Louis XIII. Nơi này hiện nay là nơi tụ tập của những người chơi đánh boule vào mỗi cuối tuần, cuối ngày và ngày lễ.

La Sainte Chapelle (4 Boulevard du Palais, quận 1) là ngôi giáo đường xưa nhất Paris, được xây năm 1246, dùng để bảo tồn chiếc mũ gai của chúa Jesus và một mảnh gỗ lấy từ cây thánh giá treo Jesus. Ngôi giáo đường này là một trong những tuyệt tác kiến trúc của thời Trung Cổ phương Tây, nội tất được chiếu sáng bởi 15 mảnh kiếng màu, chôn khéo léo trong bốn vách tường, với 1.000 hoạt cảnh trong kinh thánh.

La Conciergerie (1 Quai de l'Horloge, quận 1), nằm đối diện với bờ hữu ngạn, là một dãy nhà to lớn được xây cất vào giữa thế kỷ 14, được dùng làm nhà tù đầu tiên của thành phố Paris năm 1391. Trong cuộc Cách Mạng Pháp 1789, 2.780 người đã bị xử trảm (bằng máy chém đầu guillotine) trong nhà tù này, trong đó có cả những người đã khởi xướng cuộc cách mạng như Danton, Saint Just, Desmoulin... Du khách có thể viếng thăm những phòng giam được tái tạo lại để tưởng tượng tâm trạng những người chờ bị chém đầu, nhất là những phụ nữ nổi tiếng như hoàng hậu Marie-Antoinette (vợ vua Louis XVI), bà Charlotte Corday (người đã đâm Marat, người sáng lập tờ báo cách mạng Ami du Peuple). Phòng giam bà Marie-Antoinette sau đó được sửa sang lại thành một giáo đường theo nguyện ước của em chồng bà là vua Louis XVIII.

Le Palais de la Justice (Tòa án Paris, 4 Boulevard du Palais, quận 1), là một dãy nhà đồ sộ cạnh giáo đường Sainte Chapelle, đối diện với bờ tả ngạn. Dưới thời La Mã, tòa nhà này được dùng làm nơi xử các phạm nhân và được các vua chúa Pháp thời Trung Cổ dùng làm tòa án cho tới thế kỷ 14. Năm 1793 những lãnh tụ cuộc cách mạng Pháp dùng làm nới xử những đối thủ của mình, các tội nhân sau đó bị giam vào La Conciergerie chờ bị xử trảm.

Sở cảnh sát Paris (Préfecture de Police) nằm trên Boulevard du Palais và Quai du Marché Neuf, quận 1) nằm đối diện với tòa án. Đây là một khu nhà có cùng thời với Palais de Justice được sử dụng trước đó như nơi cư trú của lực lượng an ninh thời La Mã và của các vua chúa. Dưới thời cách mạng Pháp, đây là cơ quan điều tra rất là nghiệt ngã để triệt hạ những người chống đối. Ngày nay cơ quan này là nơi đặt văn phòng của Sở cảnh sát Paris.

Đối diện với bờ hữu ngạn là một bệnh viện to lớn và khá lâu đời. Bệnh viện này trước kia là một cô nhi viên, con cháu những người bị hành quyết dưới thời cách mạng, mang tên Hôtel Dieu (Khách sạn của Chúa, ý trêu chọc những người đã bị hành quyết và con cái của họ, bị gom vào đây coi như là vào nhà của Chúa sau khi chết). Đến thời hoàng đế Napoléon III, theo chương trình chỉnh trang đô thị của nam tước Haussmann, cô nhi viện này bị đập bỏ để xây dựng lại thành một bệnh viện, công trình xây cất từ 1866 đền 1878 mới xong, với tên gọi Hôpital Hôtel Dieu (1, Place du Parvis de Notre Dame, quận 1). Bên cạnh bệnh viện này là chợ bán bông và chim, Marché aux fleurs et Marché aux oiseaux (Place Louis Lépine, quận 1).

seine7

Nhà thờ Đức Bà Paris (trước khi bị hỏa hoạn ngày 15/4/2019, hiện đang được phục hồi y như cũ và sẽ ra mắt trước cuối năm 2025)

Đối diện với bờ tả ngạn là La Cathédrale Notre Dame de Paris (Place du Parvis de Notre Dame, quận 4). Nhà Thờ Đức Bà Paris được hoàn tất năm 1330, sau hơn 170 năm xây dựng, do giáo hoàng Alexandre III đặt viên đá đầu tiên năm 1163. Thánh đường này là một công trình kiến trúc đồ sộ thời Trung Cổ, kiểu gothic, dài 130 m, rộng 60 m, với hai tháp chuông mỗi cái cao 69 m và một tháp nhọn cao 90 m ở giữa, được UNESCO công nhận là tài sản của nhân loại. Mỗi đường nét kiến trúc, mỗi vật dụng trang trí trong và ngoài thánh đường là một đề tài nghiên cứu phong phú đầy lý thú. Sự đồ sộ và huyền bí của Notre Dame còn là nguồn cảm hứng của rất nhiều truyện kịch, nổi tiếng nhất là Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà (1831) của Victor Hugo, sau này được tổ hợp Walt Disney viết thành phim hoạt họa. Năm 1804 hoàng đế Napoléon thụ sắc, năm 1970 đám tang của cố tổng thống de Gaulle được tổ chức trong thánh đường này.

Notre Dame de Paris - Belle

Notre Dame được xây dựng trên một ngôi đền cổ của người La Mã có từ thế kỷ thứ 3, dưới thềm Parvis (phần đất dùng làm sân trước thánh đường) là những đường sá và nhà cửa thời gallo-romain. Bảo tàng viện Notre Dame, cạnh giáo đường, trưng bày những vật dụng gallo-romain thu nhặt được trong các cuộc đào bới khảo cổ : dấu tích xưa nhất của đạo Công Giáo tại đây là một chén rượu bằng thủy tinh cách đây 1.600 năm. Trên Parvis là tấm biển ghi cây số 0, nơi xuất phát mọi khoảng cách từ các tỉnh vào Paris hay ngược lại, và cũng là nơi chim bồ câu tụ tập chờ khách cho ăn bánh mì khô... trên tay.

Phần đất phía sau Notre Dame là một khu vườn nhỏ, Square Jean-XXIII, tươm tất và sạch sẽ, được dùng làm nơi nghỉ chân và hóng gió sông. Ở cuối hòn đảo là Đài tưởng niệm những người hy sinh và bị đày dưới thời Đức quốc xã (gần 200.000 người bị thiệt mạng), nơi đây chôn cất xác một nạn nhân đi đày vô danh. Một khu vực trang nghiêm cần được tôn trọng.

seine8

Toàn cành Ile de la Cité và Ile de Saint Louis nhìn từ trên không - Ảnh minh họa

Île Saint Louis thuộc quận 4 là một ụ đất nổi lên giữa sông Seine, cạnh đảo Cité, rộng 4 hecta. Hòn đảo nhỏ này được nối liền với hai khu vực tả và hữu ngạn bởi năm cây cầu : Pont Saint Louis (đã nói ở phần trên) ; Pont de Sully nối liền hai bờ sông Seine ; Pont de La Tournelle nối liền khu vực tả ngạn ; Pont Louis Philippe và Pont Marie nối liền khu vực hữu ngạn. Người Celte, La Mã, Gaulois và Francs trước kia sử dụng ụ đất này như một khu vực trồng trọt và chăn nuôi. Đến giữa thế kỷ 17, khi dân số Paris lên cao, kiến trúc sư Louis Le Vau được giao xây dựng một khu nhà ở sang trọng, từ đó ụ đất này mang tên thánh vị vua sáng lập (Louis XIV) và trở thành một hòn đảo thơ mộng, nơi cư ngụ của những người giàu có và tiếng tăm, với những con đường nhỏ một chiều. Khách sạn de Lauzun được Le Vau xây dựng năm 1656 cho Charles Gruyn des Bordes, một nhà buôn bán súng đạn giàu có, sau đó bán lại cho công tước Lauzun năm 1682, cho bá tước de Pimodan năm 1779, rồi cho nhà sưu tầm sách quí Jérôme Pichon năm 1842, và từ 1928 đến nay là tài sản của thành phố Paris ; ngôi nhà này đã đón nhận những văn nghệ sĩ tên tuổi như Charles Beaudelaire, Théophile Gautier, Rainer Maria Rilke, Walter Sicker, Richard Wagner... Ngoài ra còn có bảo tàng Adam Mickievicz, một người Ba Lan sinh sống tại Paris vào thế kỷ 19, được con của ông thành lập năm 1903, lưu trữ những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và chính trị của cộng đồng người Ba Lan tị nạn.

Nguyễn Văn Huy

(31/07/2024)

Additional Info

  • Author Nguyễn Văn Huy
Published in Tư liệu

Paris : Hậu trường phim "Điệp vụ bất khả thi : Sụp đổ"

Ba mươi bảy ngày quay tại Paris trong bối cảnh căng thẳng của tình trạng khẩn cấp, chiến dịch tranh cử tổng thống và vụ khủng bố ngay trên đại lộ Champs-Elysées. Trên 5.000 kỹ thuật viên và diễn viên quần chúng, những màn rượt đuổi xuyên qua 11 quận của Paris …

mission1

Siêu sao Tom Cruise cùng với đoàn làm phim "Điệp vụ bất khả thi : Sụp đổ" tại tháp Eiffel trong buổi chiếu ra mắt bộ phim ngày 12/07/2018. Reuters/Gonzalo Fuentes

Le Point trong bài "Toát mồ hôi lạnh với Điệp vụ bất khả thi", thuật lại tập 6 của loạt phim nổi tiếng này đã được quay tại Paris trong những điều kiện không thể ngờ.

Trên 5.000 kỹ thuật viên và diễn viên quần chúng được thuê mướn. Những trục đường chính như đại lộ Opéra ở trung tâm Paris bị cấm lưu thông trong suốt cả ngày. Một cuộc đuổi bắt ly kỳ ở quảng trường Ngôi Sao với diễn viên siêu sao Tom Cruise trên mô tô, không đội nón bảo hộ, chạy ngược chiều với tốc độ kinh hồn xung quanh Khải Hoàn Môn, trước 70 chiếc xe khác trong một buổi sáng Chủ nhật.

Ba mươi bảy ngày quay tại Paris, từ 07/04 đến 23/05/2017 trong bối cảnh căng thẳng của tình trạng khẩn cấp, chiến dịch tranh cử tổng thống và vụ khủng bố ngay trên đại lộ Champs-Elysées. Nhiều thị trưởng phải toát mồ hôi, việc tổ chức đại quy mô đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan và bốn bộ… "Điệp vụ bất khả thi : Sụp đổ", chuyến phiêu lưu thứ sáu của điệp viên Ethan Hunt đã gây náo loạn cả đôi bờ sông Seine trong mùa xuân năm ngoái.

Bộ phim thành công rực rỡ dài 147 phút này có đến phân nửa thời lượng được quay tại thủ đô nước Pháp. Diễn viên Tom Cruise và đạo diễn Chris McQuarrie cho biết muốn vinh danh một Paris thơ mộng đã trở thành tang tóc với các vụ khủng bố năm 2015.

"Điệp vụ bất khả thi : Sụp đổ" là bộ phim quan trọng nhất từ trước đến nay được quay tại Paris. Trên 25 triệu euro đã được chi ra trên đất Pháp, cao hơn cả số chi 19 triệu euro để làm phim "Dunkerque" (Cuộc di tản Dunkirk) trước đây, và 10 triệu euro cho hai tập "Hunger Games – La révolte" (Đấu trường sinh tử). Với chủ trương ưu đãi thuế, nước Pháp lại lọt vào mắt xanh của các hãng phim Mỹ. Ngoài lợi ích kinh tế, Nhà nước Pháp còn coi đây là phương tiện để quảng bá văn hóa, một công cụ "quyền lực mềm".

Sau những thương lượng ban đầu giữa hai đối tác Paramount và Film France tháng 4/2016, đến tháng 12 Michel Gomez - người phụ trách điện ảnh của Paris - tổ chức một cuộc họp giữa nhà sản xuất Mỹ và đại diện Sở Cảnh sát, Bộ Nội vụ, bộ Văn hóa và bộ Quốc phòng.

Quân đội cũng liên quan vì trong một cảnh quay, một chiếc trực thăng Caracal lượn trên bầu trời Paris. Và vì trực thăng này sẽ đáp xuống nóc tòa nhà bộ Tài chính, nên cũng phải thương thảo vì bộ trưởng sợ những tổ ong tại đây bị hư hại. Một nỗi lo khác : bảo đảm chỗ đậu cho khoảng mấy chục xe tải của đoàn phim, và chỗ ở cho dàn diễn viên, trong đó có ba căn hộ riêng cho Tom Cruise.

Những diễn biến bất ngờ

Đến ngày 15/01/2017, kế hoạch làm việc được thiết lập xong, dự kiến có những xen rượt đuổi xuyên qua 11 quận của Paris. Nhưng còn một tháng nữa sẽ khởi quay, thì chánh văn phòng Sở Cảnh sát Paris thông báo, do cuộc bầu cử tổng thống Pháp trùng hợp với lịch quay, nên phải dời lại đến mùa hè.

Raphael Benoliel, đối tác phía Pháp hốt hoảng : "Không thể dời lại ngày quay vì lịch làm việc của Tom Cruise đã kín. Nếu thay đổi vào giai đoạn này thì sẽ hủy hoại danh tiếng của nước Pháp trước các hãng phim Mỹ, sẽ là thảm họa kinh tế cho lãnh vực điện ảnh". Rốt cuộc các bên đã thỏa thuận được vào phút chót.

Sau những phút hồi hộp này, mọi chuyện lại đâu vào đó. Benoliel nói : "Tom Cruise là tài tử màn bạc chuyên nghiệp nhất và kỷ luật nhất mà tôi từng biết được, anh là một mẫu mực". Mọi người cũng công nhận tính lịch lãm của Cruise. Mỗi tối anh lại tham gia học lái trực thăng ở ngoại ô Paris hoặc xem lại các cảnh quay trong phòng chiếu riêng Club 13 ở quận 8.

Đáng buồn thay, mối đe dọa khủng bố lại hiển hiện với ê-kíp. Hôm 20/04/2017 lúc gần 21 giờ ngay trên đại lộ Champs-Elysées, cảnh sát viên Xavier Jugelé đã bị một kẻ ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo sát hại. Cách đó chưa đầy 200 mét, các máy quay phim của "Điệp vụ bất khả thi : Sụp đổ" tại cung Grand Palais bỗng tắt ngúm, với 800 diễn viên bị kẹt bên trong mà không biết chuyện gì xảy ra. Tom Cruise, lúc đó đang trong căn hộ ngoại ô, chỉ có thể đến vào lúc 23 giờ, anh vội vàng nói lời chia buồn với ê-kíp Pháp và Sở Cảnh sát Paris.

Giai đoạn quay ở Paris kết thúc vào ngày 23/05/2017. Ông Michel Gomez thở phào nhẹ nhõm. Giờ đây, ông tự hào với những gì đã trải qua, nhưng thú nhận khi đóng máy ông cảm thấy kiệt sức, bên cạnh những thị trưởng có lúc "hồn vía lên mây". Nếu phải lặp lại thì sao ? "Tất nhiên là tôi sẵn sàng. Một thành phố không lên phim là một thành phố không hiện diện trong tâm tưởng của khách du lịch".

Imran Khan sẽ lãnh đạo Pakistan ra sao ?

Liên quan đến Châu Á, Le Point nói về "Sự phục thù của cựu danh thủ bóng gậy (cricket)". Imran Khan, người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 25/07/2018, đã bền bỉ chinh phục được một đất nước phức tạp như Pakistan. L’Express cho rằng ông Khan là "một sự pha trộn giữa quân sự và tôn giáo", riêng The Economist đặt câu hỏi "Imran Khan sẽ lãnh đạo như thế nào ?"

Được coi là người hùng sau khi đội bóng gậy Pakistan thắng được đất nước đã từng đô hộ mình năm 1992, Imran Khan bắt đầu làm chính trị. Đến nay những bài nói chuyện giản dị, thẳng thắn của ông đã thuyết phục được giới trẻ vốn chiếm 60% dân số. Tuy nhiên, những người chống đối cho rằng ông Khan chỉ là con rối của phe quân đội. Le Point cho biết trong chiến dịch tranh cử, an ninh đã khuyến cáo nhiều ứng cử viên rút lui để tạo lợi thế cho Imran Khan.

The Economist nhấn mạnh, về mặt kinh tế, tân thủ tướng không còn nhiều thời gian. Pakistan nhập khẩu 3/4 nhu cầu năng lượng, và dự trữ ngoại hối hiện chỉ còn 9 tỉ đô la, vừa đủ cho hai tháng nhập khẩu. Cầu viện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chăng ? Pakistan cũng trông vào lời hứa đầu tư 62 tỉ đô la của Trung Quốc, nhưng tuần này ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ phản đối bất kỳ món tín dụng nào của IMF nếu Pakistan dùng để trả nợ cho Trung Quốc.

Trung Quốc độc quyền xe hơi điện

Về kinh tế, Le Monde Diplomatique cho biết "Xe hơi điện, mối lợi lớn cho Trung Quốc". Chia tay với dầu lửa và khí gây hiệu ứng nhà kính, đó là hứa hẹn của xe điện. Tuy nhiên, mặt trái của giải pháp này là lại gây thêm ô nhiễm và lệ thuộc về địa chính trị. Đó là do độc quyền về một số nguyên vật liệu, Bắc Kinh có thể trở thành thủ đô thế giới về xe hơi.

Trong kế hoạch "Made in China 2025", bình điện xe hơi được chọn làm ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc hiện sản xuất 94% magnésium, 69% graphite thiên nhiên, 84% tungstène tiêu thụ trên thế giới, thậm chí đối với một số đất hiếm tỉ lệ này còn lên tới 95%. Thế độc quyền này thúc đẩy không ít tập đoàn chuyển dịch sản xuất sang Trung Quốc để bảo đảm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, và họ bị buộc phải liên doanh với một công ty nội địa, phải chuyển giao công nghệ. Như vậy, khi chuyển từ xe chạy xăng dầu sang xe điện, phương Tây vô hình trung đã làm cho ngành kỹ nghệ đang thu dụng 20 triệu nhân công trở nên dễ tổn thương trước Bắc Kinh.

Tập Cận Bình liên tục sang Châu Phi

"Trung Quốc xuất khẩu sang Châu Phi", đó là tựa đề bài viết của Le Point. Lục địa đen mời chào Tập Cận Bình, trong lúc chủ tịch Trung Quốc mơ bành trướng Con đường tơ lụa mới.

Tập Cận Bình vừa hoàn tất chuyến công du thứ tư tại Châu Phi trong vòng 5 năm qua, trao đổi với Châu lục này đã lên đến 200 tỉ đô la một năm. Khoảng một triệu người từ Hoa lục đã định cư tại đây, với 10.000 công ty hoạt động. Tuy nhiên, về lâu về dài, mô hình dân chủ tự do của phương Tây mới giúp có được các chính phủ hiệu quả hơn, một sự thịnh vượng được chia sẻ một cách công bằng hơn.

Hình ảnh tổng thống Pháp suy giảm vì vụ Benalla

Tại nước Pháp, xì-căng-đan Benalla ầm ĩ suốt tuần qua trên các nhật báo Paris, tiếp tục làm tốn giấy mực của các tuần san. Le Point nói về "Các bài học kinh tế của vụ Benalla", L’Express thấy rằng "Benalla làm náo loạn Quốc hội", còn L’Obs thuật lại lịch sử khu dinh thự Alma, nơi cận vệ của tổng thống Pháp được ưu tiên cấp một căn hộ. Nhà sử học Christian Delporte nhận định "Macron đã tự làm hình ảnh của mình xuống cấp".

Theo ông Delporte, cũng là chuyên gia về truyền thông, hình ảnh của chính khách rất dễ dàng đi xuống, và là loại thuốc độc có tác dụng chậm. Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy sau khi ăn mừng chiến thắng ở nhà hàng sang trọng Fouquet’s đã mang tiếng là tổng thống thích chơi trội, ông François Hollande sau vụ Leonarda bị coi là một nguyên thủ yếu kém. Tổng thống Emmanuel Macron cũng đang trong tiến trình xuống cấp này, hơn nữa, vụ Benalla còn cho thấy sự tập trung quyền lực, tạo ra hình ảnh chính phủ của một phe nhóm.

Cuộc "phản cách mạng" kỹ thuật số

Bước sang lãnh vực internet, tác giả Laurent Alexandre trên L’Express nhận định về "Cuộc phản cách mạng kỹ thuật số". Mạng toàn cầu bây giờ là một công cụ quan trọng cho việc bóp méo thông tin và kiểm soát người dân.

Những người sáng tạo ra internet tin rằng mạng lưới này sẽ trở thành công cụ chính cho việc xúc tiến dân chủ, qua việc bảo đảm tự do ngôn luận cho mỗi công dân trên hành tinh. Cuộc cách mạng internet đã biến đổi thế giới, và rồi chính thế giới đã thay đổi internet : từ năm 2010 chúng ta đã chứng kiến một cuộc phản cách mạng kỹ thuật số tàn bạo. Theo tác giả, internet đã không mở rộng tự do hay tiêu diệt độc tài ; mà ngược lại, nay là đồng minh chính của các chế độ toàn trị. Ba cột trụ của các chế độ này là kiểm duyệt, tuyên truyền và giám sát, đã được kỹ thuật số tạo điều kiện.

Phương Tây của năm 2010 cho rằng không thể kiểm duyệt web một cách chọn lọc, và khi cho người dân sử dụng internet tốc độ cao, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tự đào mồ chôn mình. Thế nhưng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay cho phép cá nhân hóa thế giới ảo, giúp kiểm duyệt trở nên vô cùng tinh tế, không gây trở ngại cho khoa học và kinh doanh.

Trí tuệ nhân tạo là công cụ mãnh liệt nhất để tập trung hóa chính trị và kinh tế. Quyền lực nay chỉ nằm trong tay một nhóm nhỏ : Washington và GAFA, Đảng Cộng sản Trung Quốc và BATX (tương đương với GAFA).

Ô nhiễm ánh sáng, một cuộc chiến khác

Về môi trường, L’Express phân tích "Ô nhiễm ánh sáng, một cuộc chiến khác". Các chuyên gia nhận thấy ánh sáng nhân tạo gây ảnh hưởng đến nhịp độ sinh học của con người, và làm rối loại hành vi của loài vật. Liệu đêm đen có nguy cơ biến mất trên Trái Đất của chúng ta ?

Ngày càng khó phân biệt được mảng trắng sữa của dải Ngân Hà và hàng tỉ ngôi sao của nó. Thủ phạm là ai ? Những ngọn đèn đường, các bảng quảng cáo rực rỡ của những cửa hàng, những cột đèn chiếu sáng sân vận động… Tất cả những nguồn sáng nhân tạo này hợp thành một vòm màu da cam, làm cho bầu trời đêm bớt đen, những ngôi sao biến mất. Các nhà thiên văn đã cảnh báo cách đây hơn hai chục năm, nhưng hồi đó không mấy người quan tâm. Còn nay hiện tượng này đã vượt ra ngoài khuôn khổ cộng đồng thiên văn học.

Đó là vì ánh sáng nhân tạo ảnh hưởng lên tất cả sinh vật. Ánh sáng đêm làm thay đổi quy luật sinh sản của nhiều loài. Chẳng hạn đom đóm đực không còn nhìn ra được chấm sáng yếu ớt của đom đóm cái, nhện tranh thủ giăng lưới nơi sáng để bẫy các loại côn trùng.

Đa dạng sinh học bị đe dọa, vì chỉ những loài nào thích ứng nhanh nhất mới tồn tại. Đối với loài chim biển Barau ở đảo Réunion, những chú chim non lần đầu tập bay nhầm lẫn ánh sáng vùng duyên hải với ánh trăng, chúng rơi xuống, bị thương và không thể cất cánh, phải chết đói hoặc làm mồi cho những loài khác. Cây cối sử dụng ánh sáng tự nhiên cho quá trình quang hợp cũng bị chênh so với mùa tự nhiên.

Trên thế giới, Đông Nam Á là khu vực bị ô nhiễm ánh sáng nhiều nhất, còn tại Pháp, đến 90% lãnh thổ bị tác động. Kể từ ngày 1/7 năm nay, luật của Pháp buộc 3 triệu cơ sở thương mại phải tắt hết đèn từ 1 giờ sáng đến 6 giờ sáng. Nghị định này có từ năm 2012, và phải đến sáu năm sau mới được áp dụng. Hiệp hội các thị trưởng Pháp phối hợp với các cơ quan môi trường tổ chức ra Ngày của Đêm, để đánh động người dân về nguy cơ ô nhiễm ánh sáng.

Tựa chính các tuần báo

Bắt đầu vào mùa hè, các tuần báo Pháp đưa ra các chủ đề nhẹ nhàng, riêng Courrier International vào tuần trước đã gộp ba số báo làm một để nghỉ hè. L’Obs đặt mình vào vị trí của nam giới sau phong trào MeToo, L’Express điểm qua những mô hình thành phố của tương lai, Le Point tìm hiểu "Toán học đã làm thay đổi cuộc sống như thế nào". Riêng tờ báo Anh The Economist đăng ảnh bìa những người đang dập lửa với nhận xét bi quan là chúng ta "đang thua trong trận chiến chống biến đổi khí hậu".

Thụy My

Published in Quốc tế

"Paris không còn là Paris nữa" : Trích lời "một ông bạn" tên Jim, một cái tên khá phổ biến tại Mỹ, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 24/02/2017 đã lại quay sang công kích Pháp, Thụy Điển và Châu Âu nói chung về chính sách nhập cư bị ông cho là quá lỏng lẻo, mở cửa cho khủng bố vào hoành hành, khiến cho du khách chạy mất.

paris1

Ảnh minh họa : Biểu tình tại Paris chống chính sách nhập cư của tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh ngày 04/02/2017. Reuters

Đề tài những vụ khủng bố gần đây tại Pháp vẫn thường được ông Trump sử dụng để biện minh cho chính sách thắt chặt nhập cư mà ông chủ trương, nhưng lần này tổng thống Mỹ lại nói dông dài khác thường về Paris, thủ đô nước Pháp.

Tại hội nghị thường niên của giới bảo thủ Mỹ CPAC (Conservative Political Action Conference) gần Washington, khi nói về tầm quan trọng của an ninh biên giới Mỹ, ông Trump đã không ngần ngại nêu bật Pháp và Châu Âu thành những ví dụ phản diện, chỉ trích cách thức các quốc gia Châu Âu đối phó với những vụ khủng bố của Hồi Giáo cực đoan.

Ông Trump lặp đi lặp lại : "Hãy nhìn những gì đang xảy ra ở Châu Âu đi... Hãy nhìn những gì đã xảy ra ở Pháp đi ! Hãy nhìn Nice và Paris đi".

Và ông Trump đã kể với đám đông một câu chuyện về một người bạn tên Jim của ông, rất mê Paris, và trong nhiều năm trời, mùa hè nào ông ta cũng ghé Paris cùng với vợ con.

Ông Trump kể tiếp : "Lâu rồi tôi mới gặp ông ấy và tôi hỏi "Này Jim, Paris lúc này thế nào ? Và ông ấy trả lời "Paris ư ? Tôi không còn đến đó nữa. Paris không còn là Paris nữa".

Đạo lý của câu chuyện, theo ông Trump, là không nên được phép để xảy ra tại Hoa Kỳ những gì đang diễn ra ở Paris. Dù không nêu đích danh, nhưng ông Trump ngụ ý rằng các vụ khủng bố ở Nice và Paris trong nhiều năm qua có lẽ đã làm cho các thành phố này không còn an toàn.

Và ông trở lại với nhân vật tên Jim : "Từ bốn, năm, năm nay ông ấy đã không đến Paris, điều mà trước đây ông ấy không bỏ lỡ dù phải trả bất cứ giá nào. Thế mà ngày nay, ông ấy thậm chí không còn nghĩ đên việc qua đó nữa".

'Không nên xem thường đồng minh !'

Phản ứng của Pháp rất tức thời trước những lời lẽ thiếu thiện cảm đó.

Trước lời đả kích đích danh của vị tổng thống mang tên Donald, trùng tên với chú vịt Donald, một nhân vật trong truyện tranh Walt Disney, Paris đã phản pháo một cách mạnh mẽ, nhưng rất ý nhị và lịch sự, dùng đến một nhân vật tiêu biểu cũng của Disney : Chú chuột Mickey !

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau phát biểu của tổng thống Mỹ, thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, đã sử dụng ngay "vũ khí" quen thuộc của ông Trump là twitter để phản pháo.

Bà đã gởi ngay cho ông Trump và "người bạn Jim" của ông, một tấm ảnh bà chụp chung tại tháp Eiffel với hai người hóa trang thành chú chuột Mickey và nàng chuột Minnie, 2 nhân vật nổi tiếng của Walt Disney, kèm theo lời nhắn : "Ở tháp Eiffel chúng tôi đang kỷ niệm sự năng động và tinh thần cởi mở của Paris cùng với Mickey và Minnie".

Và như để chứng minh rằng tổng thống Mỹ đã nói năng vô căn cứ, một tin nhắn thứ hai của bà Hidalgo trên mạng Twitter nêu bật : "Lượng khách du lịch Mỹ đặt chỗ để đến Paris đã tăng 30% so với năm 2016".

Sau bà thị trưởng Paris, đến lượt tổng thống Pháp nhập cuộc : Hôm 25/02, ông François Hollande đã nhân dịp ghé thăm Hội Chợ Triển Lãm Nông Nghiệp Paris để cho rằng lẽ ra tổng thống Mỹ nên thể hiện thái đô ủng hộ các đồng minh, hơn là chê bai.

Đối với ông Hollande "Việc biểu lộ thái độ coi thường, dù là nhỏ nhất, đối với một quốc gia đồng minh không hay chút nào cả". Ông khẳng định : "Tôi sẽ không làm thế với Mỹ và tôi yêu cầu tổng thống Mỹ cũng không làm thế với Pháp".

Tổng thống Pháp mỉa mai : "Tôi không muốn đưa ra so sánh nhưng ở đây – tức là ở Pháp – vũ khí không được phép lưu hành, không có những người lấy súng bắn vào đám đông...".

François Hollande cũng không quên nhắc lại rằng gần đây, khi tiếp xúc với ông qua điện thoại, ông Donald Trump từng nói lên "tất cả tình yêu của mình đối với Paris và Pháp, ông yêu nước Pháp, và không có đất nước xinh đẹp hơn Pháp".

Dĩ nhiên là câu chuyện của Donald Trump và người bạn tên Jim đã được cư dân trên mạng khai thác triệt để với những lời bình luận mỉa mai, thậm chí dữ dội. Ấn bản Pháp của tờ báo Mỹ Huffington Post ngày 24/02 đã ghi nhận một số phản ứng trên Twitter.

"Trump kể một câu chuyện buồn về người bạn giàu có tên Jim của ông, đã không thể qua Paris chơi vì ông ấy sợ những người rám nắng".

"Khó mà tin được Jim, người bạn của Trump, tôi mới đây đã đến Paris và chuyến đi tuyệt diệu".

Có người còn công bố thông báo của đại sứ quán Mỹ tại Pháp cho biết là Paris rất an toàn để tự hỏi "Chà, tôi đoán rằng Jim, người bạn của Trump phải có nhiều thông tin hơn cả sứ quán Mỹ tại Pháp".

Cách tổng thống Mỹ mượn danh "người bạn tên Jim" cũng đã bị châm biếm. Một người đã nêu bật mâu thuẫn trong hai câu nói của ông Donald Trump : "Đừng tin vào các nguồn tin nặc danh" và "Người bạn tên Jim của tôi nói rằng Paris là một địa ngục khủng khiếp".

Việc nói mơ hồ đến "người bạn tên Jim", một cái tên phổ biến chẳng khác gì với việc trích dẫn một nguồn tin nặc danh. Một tin nhắn Twitter đã tự hỏi "Liệu có một phóng viên dũng cảm nào dám lần lượt gọi cho tất cả những người mang tên Jim cho đến khi tìm ra được "người bạn" tên Jim của ông Trump hay không ?".

Thụy Điển bực dọc

Đây không phải là lần đầu tiên tân chủ nhân Nhà Trắng bị tố cáo là có những tuyên bố vô căn cứ và tiêu cực về một nước Châu Âu. Trước Paris và nước Pháp, Thụy Điển cũng từng là nạn nhân của Donald Trump.

Ngày 18/02, cũng trước một đám đông tại bang Florida, tổng thống Mỹ đã không ngần ngại nêu ví dụ Thụy Điển như là một nơi thường bị khủng bố : "Hãy nhìn vào những gì ... đã xảy ra ở Thụy Điển đêm qua đi ! Là Thụy Điển đấy, các bạn có tin không ! Họ tiếp nhận số lượng lớn (người nhập cư) nên đang gặp những vấn đề mà họ không bao giờ nghĩ có thể xảy ra".

Có điều là khi kiểm chứng lại, thì không hề có một vụ tấn công khủng bố nào xảy ra tại Thụy Điển trong thời điểm ông Trump nêu lên, và tuyên bố của tổng thống Mỹ đã lập tức bị chỉ trích là thất thiệt, điều mà một hôm sau ông buộc phải thừa nhận, giải thích rằng ông chỉ dựa theo một phóng sự về Thụy Điển trên kênh truyền hình Fox News, nổi tiếng là bênh vực ông Trump.

Thế nhưng trong hồ sơ Thụy Điển, đạo đức nghề nghiệp của đài Fox News đang có vấn đề. Trong một chương trình nói về tình trạng người nhập cư ở Thụy Điển, đài này đã phỏng vấn một người được giới thiệu là "Cố vấn về quốc phòng và an ninh quốc gia Thụy Điển" tên là Nils Bildt, đã bênh vực các tuyên bố của ông Trump theo đó số lượng các vụ tội phạm mà hung thủ là người nhập cư ở Thụy Điển đã tăng lên đáng kể.

Vấn đề là người mang tên Nils Bildt đó không hề là cố vấn cho chính quyền Thụy Điển, thậm chí chức vụ "Cố vấn về quốc phòng và an ninh quốc gia Thụy Điển" cũng không hề có thực, tên Nils Bildt cũng là tên giả.

Báo chí Mỹ và Thụy Điển đã điều tra phát hiện ra người này hiện là một nhà phân tích an ninh đang làm việc tại Mỹ, đã đổi tên thành Bildt vào năm 2003, năm 2014 từng bị kết án một năm tù tại Mỹ về tội bạo hành. Điểm quan trọng tuy nhiên là chính nhân vật này đã cho biết rằng cái chức thật kêu mà đài Fox News gán cho ông không phải là do ông nói ra mà do đài này tự chọn.

RFI tiếng Việt 

Published in Quốc tế

Sông Seine đoạn chảy qua Paris và ngoại ô có tới 37 cây cầu bắc qua. Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là Pont Neuf - cây cầu lâu đời nhất Paris và Alexandre Đệ Tam - cây cầu lộng lẫy nhất Paris.

pont1

Cầu Pont Neuf - Paris. LOIC VENANCE / AFP

Pont Neuf - cầu lâu đời nhất của Paris

Pont Neuf có nghĩa là Cầu Mới. Đây là cây cầu lâu đời nhất trong số những cây cầu hiện đại bắc qua sông Seine, đoạn chảy qua Paris. Sở dĩ cầu có tên gọi là Cầu Mới vì đây là cây cầu bằng đá đầu tiên của Paris. Trước kia, các cây cầu ở Paris đều bằng gỗ.

Pont Neuf nằm ở vị trí trung tâm Paris, được xây dựng từ năm 1578 đến năm 1607, trong thời gian trị vì của vua Henri Đệ Tam và Henri Đệ Tứ. Phải mất gần 30 năm cây cầu mới được hoàn thành vì các khó khăn tài chính, Chiến Tranh Tôn Giáo (1588-1598) và các xung đột chính trị.

Anh Louis Antoine, hướng dẫn viên du lịch và là đồng sáng lập Hiệp Hội "Một người bạn ở Paris" giới thiệu : "Viên đá đầu tiên được đặt vào một ngày mưa to, và vị vua đặt viên đá đó cũng chứa chan nước mắt khóc thương vì hai cận thần được ông sủng ái đã qua đời một tháng trước đó. Vì thế, người dân Paris đã mệnh danh Pont Neuf là "cây cầu nước mắt" (…) Ngay khi mới được khai trương, cây cầu đã đón nhận thành công lớn vì đây là cây cầu có tầm nhìn rất rộng ra sông Seine. Những cây cầu xây trước Pont Neuf đều có các ngôi nhà được xây dọc theo hai bên thành cầu. Vì thế, khi đi trên cầu, người dân Paris không thể ngắm nhìn sông Seine".

Như vậy, Pont Neuf cũng là cây cầu đầu tiên không có nhà cửa bao quanh lòng cầu, chỉ có một trạm bơm được xây trên một hệ thống cọc để bơm nước từ sông Seine tới Louvre (khi đó là cung điện) và vườn Tuilerie. Trạm bơm có tên gọi Samaritaine, đây là trạm bơm nước đầu tiên của Paris. Đến năm 1813, khi Paris có hệ thống dẫn nước mới thì trạm bơm Samaritaine mới bị dỡ bỏ.

Pont Neuf cũng là cây cầu đầu tiên của Paris có vỉa hè. Và trong vòng 200 năm sau khi Pont Neuf được khánh thành, đây vẫn là cây cầu có vỉa hè duy nhất ở Paris. Người ta phỏng đoán phần vỉa hè của Pont Neuf theo dự tính ban đầu có lẽ là dành để xây dựng các ngôi nhà như những cây cầu trước đó.

Nhờ không có các ngôi nhà chắn tầm nhìn mà khi đi trên cầu, mọi người có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn dòng sông Seine trải dài và các công trình nổi tiếng của Kinh Đô Ánh Sáng nằm dọc hai bên bờ sông.

Dài hơn 230m, đây là cây cầu đầu tiên bắc qua cả hai nhánh của sông Seine, nối liền quận 6 ở tả ngạn và quận 1 ở hữu ngạn sông Seine, bắc qua cả mũi đất phía Tây của đảo Île de la Cité, nơi có quảng trường Dauphine. Pont Neuf rộng 20,5m, gồm 11,5m lòng cầu và hai bên vỉa hè, mỗi bên rộng 4,5m.

Pont Neuf có 12 nhịp cầu uốn hình vòng cung. Phần cầu bắc qua nhánh lớn của sông Seine nối sang quận 1 gồm 7 nhịp. Còn phần nối sang quận 6 gồm 5 nhịp. Tại mỗi trụ cầu có một "ban công" hình bán nguyệt nhô ra phía ngoài sông Seine. Mạn ngoài của cầu được trang trí bằng 381 bức điêu khắc gương mặt của các vị thần trong các truyền thuyết cổ đại, chẳng hạn như thần dê, thần rừng. Mỗi bức tượng lột tả một cảm xúc khác nhau, nhiều bức tượng khắc họa vẻ nhăn nhó, trông khá kỳ dị. Đại văn hào Victor Hugo xưa kia đã gọi những bức tượng đó là "những cơn ác mộng hóa đá".

Trong một thời gian rất dài, cây cầu đã trở thành một trung tâm náo nhiệt và sầm uất về thương mại của thành phố. Trong bài thơ có tiêu đề "Thành phố Paris", được sáng tác vào năm 1660, thi sĩ Berthod đã miêu tả Pont Neuf là nơi bán hàng quen thuộc của những người bán thuốc bôi, thuốc mỡ, sách truyện, quần áo cũ, là nơi hành nghề của những người nhổ răng dạo, … Vào năm 1619, chính trên cầu Pont Neuf, quầy bán sách cũ đầu tiên của Paris đã xuất hiện.

Vào cuối giai đoạn trị vì của vua Henri Đệ Tam, các nhà buôn và thợ thủ công đã dựng các quầy hàng bằng gỗ tại các ban công bán nguyệt để buôn bán. Năm 1775, các quầy hàng bằng gỗ này bị dỡ bỏ và thay vào đó là các quầy hàng xây bằng đá, do kiến trúc sư danh tiếng Soufflot thiết kế. Kiến trúc sư Soufflot cũng chính là người đã thiết kế Điện Panthéon - Đền thờ các vĩ nhân của Pháp. Đến năm 1854 thì các quầy hàng bằng đá cũng bị dỡ bỏ, việc buôn bán và làm nghề thủ công trên vỉa hè của cầu chấm dứt. Vỉa hè cầu Pont Neuf trở thành nơi dạo Bộ lý tưởng cho người dân.

Trong tác phẩm mang tựa "Bức họa Paris" năm 1781, tác giả Louis-Sébastien Mercier đã viết : "Pont Neuf trong thành phố giống như trái tim trong cơ thể con người, trung tâm của mọi sự chuyển động và tuần hoàn, người dân và khách nước ngoài đổ tới cầu nhiều tới mức chỉ cần đi dạo trên cầu mỗi ngày 1 tiếng là có thể gặp được người mà ta muốn gặp".

Trải qua hơn bốn thế kỷ, với biết bao đổi thay của lịch sử, cây cầu vẫn còn đó và đã trở thành cảm hứng sáng tạo và đi vào tác phẩm hội họa của một số họa sĩ nổi tiếng như Pierre-Auguste Renoir hay Camille Pissarro. Họa sĩ Renoir vẽ bức tranh "Pont Neuf" vào năm 1872. Bức tranh sơn dầu này hiện nằm tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Quốc Gia ở Washington, Mỹ. Còn bức tranh "Pont Neuf" của họa sĩ Pissarro vẽ năm 1901 được trưng bày tại bảo tàng Nghệ Thuật Philadelphia, Mỹ. Cây cầu cũng là bối cảnh chính của Bộ phim "Les Amants du pont Neuf" (Những tình nhân của cây cầu Pont Neuf), sản xuất năm 1991.

Cũng trong năm 1991, cùng với quần thể dọc bờ sông Seine, Pont Neuf đã được công nhận là Di Sản Thế Giới của UNESCO.

Alexandre Đệ Tam - cầu lộng lẫy nhất Paris

Nếu Pont Neuf nổi tiếng là cây cầu lâu đời nhất Paris thì cầu Alexandre Đệ Tam lại nổi tiếng là cây cầu đẹp nhất, lộng lẫy nhất, hoành tráng nhất "Kinh Đô Ánh Sáng".

Cầu Alexandre Đệ Tam nằm ở một khu vực quan trọng, tập trung nhiều công trình lịch sử có giá trị của của thành phố Paris. Cầu nằm trên trục thẳng nối từ Điện Invalides bên tả ngạn sông Seine (quận 7) tới đại lộ Wilson Churchill bên hữu ngạn (quận 8) với hai công trình Grand Palais và Petit Palais nằm hai bên. Gần đó là tháp Eiffel, đại lộ Champs Elysée, Phủ Tổng Thống (Điện Elysée), quảng trường Concorde, Tòa nhà Quốc Hội (Palais Bourbon)…

Cầu Alexandre Đệ Tam là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước Nga và Pháp. Sa hoàng Nga Alexandre Đệ Tam và tổng thống Pháp Sadi Carnot đã cho xây dựng cây cầu nhân dịp Triển Lãm Hoàn Cầu được tổ chức ở Paris vào năm 1900. Sa hoàng Nicolai Đệ Nhị - con trai của sa hoàng Alexandre Đệ Tam đã đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng cầu vào năm 1896 và vào ngày 14/04/1900, cũng chính Nikolai Đệ Nhị, cùng với tổng thống Pháp Emile Loubet, đã khánh thành cây cầu. Đây cũng là ngày tổng thống Emile Loubet khai mạc Triển Lãm Hoàn Cầu tại Grand Palais.

pont2

Cầu Alexandre Đệ Tam - Paris. @wikipedia/philippe alès

Năm 1975, cầu Alexandre Đệ Tam được công nhận là công trình lịch sử của Pháp. Năm 1991, cũng như Pont Neuf, cùng với các công trình hai bên bờ sông Seine, cầu Alexandre Đệ Tam được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới.

Nét đẹp của cầu Alexandre Đệ Tam nằm ở sự giao hòa giữa kỹ thuật xây dựng hiện đại và phong cách nghệ thuật mới. Nhà báo Patrick de Carolis và nhà sử học Louis Laforge, trong cuốn sách "Paris - dọc theo sông Seine", đã trích dẫn các quy định mời thầu, cho biết là các kiến trúc sư phải đảm bảo là "cây cầu sẽ không làm ảnh hưởng đến những cảnh đẹp mắt và sống động trên sông Seine, nhìn từ phía quảng trường Concorde thì những cảnh đó là độc nhất vô nhị : các cây cầu nối tiếp nhau với tầu thuyền tấp nập trên sông", độ cao của cây cầu không được quá cao, che lấp các cảnh quan nổi tiếng xung quanh, nhưng cũng không được quá thấp làm ảnh hưởng tới tàu thuyền đi lại trên sông, và đặc biệt cây cầu phải hài hòa với hai công trình nằm ngay gần đó cùng được xây dựng để phục vụ Triển Lãm Hoàn Cầu là Grand Palais và Petit Palais.

Cầu Alexandre Đệ Tam chỉ có một nhịp dài 107 m, với ba điểm nối và không có cột chống trung gian nào. Cầu rộng 40m. Toàn Bộ khung cầu được đúc sẵn bằng thép từ nhà máy Le Creusot rồi được vận chuyển đến lắp ghép tại chỗ bằng đinh ốc. Đây là một trong những công trình đầu tiên trên thế giới được xây dựng theo công nghệ này. Loại thép dùng để xây cầu cũng là loại thép đặc biệt, chỉ được dùng cho các mục đích quân sự ở Pháp vào thời đó. Vì thế, phải có giấy phép đặc biệt mới được sử dụng loại thép này để xây dựng cây cầu. Để chống lại sức đẩy của nước, phần móng cầu sát bờ sông được gia cố bằng các khối bê tông khổng lồ, có thể nói là chưa từng có vào thời kỳ đó.

Việc trang trí cây cầu được giao cho các nhà điêu khắc nổi tiếng thời đó như Dalou, Garder, Gauquié, … Với các tác phẩm điêu khắc lộng lẫy, cầu Alexandre Đệ Tam được coi như một viện bảo tàng.

Hai bên thành cầu được trang trí bằng 32 cột đèn bằng đồng với các tượng thiên thần nhỏ có cánh. Ở mỗi đầu cầu, có hai cột lớn bằng đá cao 17m. Phía dưới mỗi cột được trang trí bằng một bức tượng đá tượng trưng cho nước Pháp dưới thời trị vì của vua Charlemagne, thời Phục Hưng, thời trị vì của vua Louis XIV và thời hiện đại. Còn trên đỉnh mỗi cột đặt một bức tượng đồng mạ vàng hình nữ thần và ngựa có cánh, tượng trưng cho nghệ thuật, nông nghiệp, trận chiến đấu và chiến tranh. Ở chính giữa, hai bên mạn ngoài cầu được trang trí bằng bức tượng các nữ thần sông Neva với các loại vũ khí của Nga và các nữ thần sông Seine với các loại vũ khí của Pháp. Ngoài ra, hai bên thành cầu còn có các bức tượng các em nhỏ dắt sư tử, các vị thần sông với cá hoặc ốc.

Từ tháng 04-11/1900, trong thời gian diễn ra Triển Lãm Hoàn Cầu, đã có 50 triệu du khách đến chiêm ngưỡng cây cầu.

Cây cầu lộng lẫy và nổi tiếng bậc nhất Paris đã đi vào nhiều tác phẩm điện ảnh, chẳng hạn như Bộ phim "Midnight in Paris" (Paris lúc nửa đêm) của đạo diễn gạo cội Woody Alen. Danh ca Adèle của nước Anh, người đã thắng 6 hạng mục quan trọng tại giải Grammy năm 2012 cũng đã chọn cây cầu Alexandre Đệ Tam để quay clip "Someone like you".

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 03/02/2017

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Văn hóa