Khu Opéra (quận 1, 2, 8 và 9)
Phía Bắc Vườn Tuileries và Bảo tàng Louvre là khu Opéra (Nhà Hát Lớn, theo cách gọi của người Hà Nội). Một người không có cơ hội đi du lịch xa, chỉ cần đi dạo quanh khu này một vòng cũng đủ khám phá thế giới. Không một khách du lịch quốc tế nào đến Paris mà không ghé đến khu Opéra để mua sắm hay ngắm nhìn những báu vật trần gian bày bán nơi đây. Nếu giá một khu đất nào đắt nhất nước Pháp, chắc chắn đó phải là Quartier Opéra.
Khu Opéra là nơi mua sắm những hàng hiệu sang trọng nhất Paris (và thế giới) - Cửa hiệu Au Printemps trong Thương xá Tax là nơi mà không một phụ nữ Sài Gòn nào không biết tiếng
Nhưng khu này nổi tiếng không phải vì sự sang trọng và đắt đỏ của nó mà là hào quang của Thời Huy Hoàng (La Belle Epoque) thế kỷ 19 còn tỏa sáng trong sinh hoạt thường nhật. Người ta đến đây để tìm lại chút xa hoa của ngày trước còn sót lại trong các khách sạn, cửa tiệm và nhà hàng sang trọng. Đó là những kẻ có tiền, còn khách du lịch bình thường thì sao ? Không ai bị phân biệt đối xử cả, mọi người đều bình đẳng trước sự huy hoàng của Paris, không ai bị đòi tiền pourboire (tip) khi ngắm nhìn những di tích xưa. Không nơi nào trong khu này không để lộ những nét độc đáo riêng ra ngoài đường phố : từ những bao lơn chạm trổ mỹ thuật trên mỗi căn nhà đến từng khung cửa và chốt mở cửa, không cái nào giống cái nào và cái nào cũng đẹp. Đó là chưa kể những chạm trỗ trên các vách tường biểu lộ sở thích và trình độ văn hóa của những chủ nhân xưa.
Nhưng vào khu Opéra phải biết cách đi, nếu không sẽ bị ạc vì sự hấp dẫn của các công trình kiến trúc mỹ thuật và cửa hiệu sang trọng. Giữa trung tâm khu này là hai kiến trúc đồ sộ : nhà hát Opéra Garnier và giáo đường La Madeleine. Những con đường bao quanh hai kiến trúc này tập trung hầu hết những ngân hàng, hãng du lịch và cửa hiệu áo quần thời trang và mỹ phẩm và sang trọng trong những thương xá lớn nhất của Paris. Chức năng của các cửa hiệu này là bán hàng hóa nhưng tại đây người ta còn tặng cho khách bộ hành giấc mơ trở thành người sang trọng và đẹp nhất trần gian. Cách trình và chất lượng của hàng hóa trưng bày trong các tủ kính biểu lộ sở thích và khả năng của từng thành phần xã hội.
Trở về quá khứ. Trước kia khu này vẫn còn là một bãi đất hoang lầy lội với những xóm lao động nghèo nàn có từ thời Trung Cổ. Khi hoàng hậu Catherine de Médecis, vợ nhà vua quá cố Henri II (1547-1559), biến lò gạch Les Tuileries thành một khu vườn dạo mát lớn năm 1564 thì khu Opéra mới được đông người tới ở. Dân chúng từ khắp nơi đến khu này mua đất dựng nhà và làm việc cho triều đình. Từ sau thế kỷ 16, khi toàn bộ đất đai tại khu Marais quanh Louvre và Tuileries không còn chỗ để xây dinh thự và nhà cửa mới, triều đình Pháp chọn khu Opéra ngày nay làm nơi giải trí dành riêng cho giới thượng lưu, quí tộc. Giải trí thời đó gồm bốn bộ môn : âm nhạc, ngâm thơ, bi kịch và múa hát. Nghệ sĩ từ khắp nơi được tuyển về đây phục vụ vua chúa và giới quí tộc, mỗi buổi tối khu này vang vọng tiếng nhạc và tiếng cười đùa của lãng khách. Những tay giang hồ tứ chiến cũng về đây sinh sống bằng nghề bảo kê, nạn trộm cướp xảy ra thường xuyên và không một đường phố nào tại đây có an ninh về đêm. Khu Opéra trở thành nơi tụ tập đủ mọi thành phần xã hội, từ giới quan quyền đến người thất chí, từ người giàu sang đến kẻ bần cùng, từ người lương thiện đến kẻ gian manh.
Galeries La Fayette được trang trí huy hoàng và lộng lẫy vào những dịp cuối năm
Khu này càng trở nên hỗn tạp khi vua Louis XIV dời cung điện Louvre về Versailles năm 1682 ; khách giang hồ tứ xứ và gái mãi dâm ngày đêm náo loạn các đường phố. Tình trạng mất an ninh kéo dài cho tới năm 1789, những người làm cách mạng biến khu này thành nơi trình diễn những vở ca kịch cách mạng tố cáo chế độ phong kiến. Nhưng sau vài năm tồn tại, những vụ thanh toán lẫn nhau giữa những người làm cách mạng giới nghệ sĩ cách mạng cũng bị mang họa theo vì mỗi người đều có một nhóm thân hữu riêng, nhiều nhà hát phải đóng cửa, những người vô gia cư liền vào chiếm cứ. Sinh hoạt tại đây chỉ bừng sống lại năm 1804 khi hoàng đế Napoléon I biến khu này thành nơi giải trí cho sĩ quan và binh lính từ các mặt trận trở về nghỉ dưỡng, gái giang hồ và khách tứ chiến từ khắp Châu Âu tụ tập về đây sinh sống. Khi Napoléon I bại trận năm 1814, giới quân nhân trở về quê quán cũ thì khu này chỉ còn lại những người sinh sống bằng nghề ca vũ nhạc kịch phục vụ giới quan quyền dưới thời Phục Hưng (Restauration).
Phải chờ đến giữa thế kỷ 19, khu Opéra mới phục hồi những nét huy hoàng của ngày xưa và còn tồn tại cho tới ngày nay. Hoàng đế Napoléon III (1852-1870), cháu Napoléon I và là người sáng lập Đệ nhị Đế quốc (Second Empire), là một người đam mê ca kịch, ông thường đi dự những buổi trình diễn ca kịch tại khu này vào mỗi đêm tối. Biết rõ sở thích này, ngày 14/1/1858, một người Ý quá khích, Felice Orsini, phục kích ám sát Napoléon III khi xe ngựa chạy qua ường Le Peletier để dự một buổi ca kịch, nhưng việc mưu sát bất thành, Orsini bị bắt và bị xử tử. Cũng nên biết nước Ý lúc đó được chia làm nhiều lãnh địa khi bị Napoléon I chiếm đóng. Từ sau ngày đó Napoléon III quyết định xây một nhà hát lớn và đẹp hơn để ông cùng hoàng tộc có thể vào thẳng nhà hát bằng xe ngựa một cách an toàn. Ước muốn khùng điên này không ngờ trở thành hiện thực. Đồ án xây dựng nhà hát do kiến trúc sư Charles Garnier vẽ được chọn sau một cuộc thi tuyển gắt gao. Nam tước Haussmann được chỉ định thiết kế một đại lộ rộng lớn (ngày nay là Avenue de l'Opéra, rộng 30 mét, dài hơn một ngàn mét) để vị hoàng đế có thể dùng xe ngựa đi từ điện Louvre vào thẳng nhà hát lớn một cách an toàn.
Edith Piaf hát Sous le ciel de Paris
Đại lộ Avenue de l'Opéra, được khởi công từ năm 1861 và hoàn tất năm 1876, là một thí dụ điển hình về tài năng thiết kế đô thị của Haussmann. Những con đường nhỏ khúc khuỷu và nhà cửa lụp xụp chung quanh có từ thời Trung Cổ đều bị đập bỏ, dân cư trong những xóm lao động nghèo nàn được dời đi nơi khác, chỉ những kiến trúc quan trọng và đẹp đẽ có từ thế kỷ 17 và 18 còn được giữ lại. Một cảnh quang hài hòa giữa những dinh thự mới và cũ tạo cho đại lộ sự hùng tráng của một thời đại sáng chói, La Belle Époque. Avenue de l'Opéra ngày nay qui tụ gần như những gì tinh hoa nhất nước Pháp về đơi sống xa hoa thời thượng, do đó giá nhà cửa và đất đai quanh đại lộ này rất đắt. Những thương xá sang trọng, hãng du lịch lớn tranh nhau thành lập cơ sở. Những công ty mỹ phẩm và hãng du lịch quốc tế cũng không bỏ lỡ cơ hội đến đây lập chi nhánh. Căn nhà số 27 là Trung tâm quốc gia về nghệ thuật tạo hình (Centre national d'arts plastiques) với cánh cửa giả nổi tiếng do Fabio Rietti vẽ kiểu và thực hiện. Nhà hàng Drouant cách đại lộ này vài thước, trên Place Gaillon, là nơi trao giải Goncourt văn học Pháp mỗi năm. Quán giải khát Harry's Bar được Harry MacElhone thành lập năm 1913 đã được những văn lớn của Mỹ như Francis Scott Fitzgerald và Ernest Hemingway chiếu cố lúc còn sinh thời.
Năm 1862 công trình xây dựng nhà hát lớn Opéra bắt đầu, nhưng Napoléon III không có may mắn khánh thành nhà hát mới do ông khởi xướng. Năm 1870 Paris bị quân Phổ chiếm đóng, Napoléon III phải chạy sang Anh tị nạn và chết tại đó (1873). Công trình xây dựng nhà hát lớn chỉ tiếp tục khi quân Phổ bị đẩy lui về nước năm 1871 và hoàn tất năm 1875. Ngày khánh thành, toàn thể dân chúng Paris ồ lên kinh ngạc trước một kiến trúc vĩ đại không giống với những gì đã thấy từ trước. Đó là một công trình pha trộn giữa những yếu tố cổ Hy Lạp và La Mã với sự hùng tráng của La Belle Époque, mỗi chi tiết kiến trúc trong và ngoài nhà hát là một tác phẩm nghệ thuật toàn hảo. Để nhớ ơn người xây dựng, nhà hát lớn mang tên Opéra Garnier (Place de l'Opéra, quận 9) và trở thành một trong những báu vật văn hóa lớn của nước Pháp nói chung và của Paris nói riêng. Từ đó, Opéra Garnier thu hút mọi sinh hoạt phụ thuộc về ngành ca nhạc kịch của thành phố Paris, nhiều cửa hàng thời trang danh tiếng quốc tế (như Marks & Spencer) được xây dựng chung quanh để phục vụ những mệnh phụ giai nhân và giới hào hoa phong nhã.
Nhà hát Opéra Garnier
Nhìn từ xa Opéra Garnier giống một chiếc bánh sinh nhật khổng lồ với mái vòm hình tròn mạ vàng óng ánh. Đến gần là một kiến trúc pha trộn nhiều trường phái mỹ thuật đủ loại, từ cổ điển đến baroque, với những nóc vòm hình tháp tròn, cột chống cao, tượng và hình chạm khắc đủ kiểu và đủ cỡ bằng đá vôi, đá cẩm thạch hay bằng đồng dựng trên những nóc nhà hay quanh nhà hát. Công trình này được giới kiến trúc ghi nhận là tác phẩm tiêu biểu thời Napoléon III. Trên đỉnh vòm nhà là tượng nữ thần nghệ thuật mạ vàng 24 karats có cánh đứng giữa hai thiếu nữ ngồi dưới chân do điêu khắc gia Gurnery tạc. Bốn góc trên nóc tòa nhà là tượng bốn thiên thần có cánh khổng lồ, cao 2 mét mạ vàng 24 karats, tượng trưng cho bốn bộ môn nhạc kịch : âm nhạc, thơ kịch, ca kịch và múa ballet. Mỗi vách tường là những tác phẩm điêu khắc tinh vi diễn tả những đoạn ca kịch nổi tiếng từ thời Hy Lạp đến thời La Mã, tất cả được chiếu sáng bởi hàng chục tượng thiếu nữa khỏa thân bằng đồng đội đèn. Chung quanh là hàng chục tượng mỹ nữ khỏa thân to lớn bằng đá để lộ những bộ ngực no tròn và cân đối, như để thách thức sắc đẹp của mình với thời gian, hai tay sử dụng các loại dụng cụ về âm nhạc.
Mặt tiền của Opéra Garnier là những bậc cấp bằng đá vôi cao cách mặt đất hai mét dẫn vào nhà hát bằng bảy cửa hình vòng cung chạm trỗ cẩn thận trước khi dẫn vào cửa chính, ở giữa mỗi cửa là tượng một kịch tác gia nổi tiếng. Cũng ở mặt tiền lầu hai, được chống bằng tám cặp cột đá vôi lớn cao trên 6 mét, là một dãy hành lang để khách xem hát hóng mát hay nghỉ giải lao, trần nhà được tô vẽ rất mỹ thuật. Cửa chính ra vào nhà hát là một cầu thang danh dự gồm nhiều bậc cấp dẫn lên đại sảnh dùng làm phòng đợi, hai bên vách tường được trang trí bằng những tranh vẽ bằng mảnh đá men (mosaique). Cánh cửa gỗ đồ sộ ra vào thính đường được chạm trỗ công phu dẫn khách vào một không gian rộng 11.000 mét vuông. Thính đường này có thể chứa 2.200 người xem gồm nhiều dãy ghế lót bằng vải nhung đỏ ở tầng trệt và bốn loges (chỗ ngồi có ngăn che cách) dành riêng cho khách danh dự phân bố trên bốn tầng lầu ở ba góc tường đối diện với sân khấu chính. Lúc xây dựng, Garnier có thiết kế riêng cho Napoléon III một loge đặc biệt ở giữa thính đường để xem hát mà không sợ bị ám sát, ngày nay loge này chỉ dành riêng những vị quốc trưởng hay nhân vật thật quan trọng trong chính phủ.
Sân khấu chính gồm nhiều ngăn, có thể chứa 450 diễn viên trình diễn trong những sân khấu nhỏ với những hoạt cảnh khác nhau, mỗi hoạt cảnh được kéo bằng những trục quay tay, thời gian thay đổi một hoạt cảnh không quá hai phút vừa đủ để bức màn kết thúc một đoạn kịch vừa hạ xuống liền được kéo lên cho màn kịch kế tiếp. Trang trí bên trong thì không ngòi bút nào diễn tả một cách đầy đủ, đó là cả một công trình vĩ đại được chăm sóc từng chi tiết nhỏ nhất, không một sai sót. Trên cao và ở chính giữa là một lồng đèn lớn, nặng sáu tấn, với hàng trăm bóng đèn nhỏ soi sáng khắp thính phòng. Trần nhà được tô điểm bởi những tác phẩm hội họa về ca nhạc kịch của những họa sĩ lớn. Năm 1964, họa sĩ Chagall vẽ lại trên nóc thính đường chín (9) vỡ hát lớn đã trình diễn tại đây và còn tồn tại cho tới ngày nay.
Cách Opéra Garnier năm sáu dãy nhà là nhà thờ Sainte Marie-Madeleine, gọi tắt là La Madeleine (Place de La Madeleine, quận 8). Nữ thánh Marie-Madeleine là một kỹ nữ hồi lương, chị của Lazare (một người cùi được Jésus chữa khỏi bệnh), đã lau xác Jésus de Nazareth khi đem từ thập tự giá xuống chôn và đã chứng kiến Jésus phục sinh theo lời kinh thánh (!). Trên danh nghĩa đây là một giáo đường (église) nhưng phải gọi là một ngôi đền (temple) mới đúng. Thật vậy, đây là một kiến trúc đồ sộ kiểu Hy Lạp không giống một giáo đường công giáo cổ điển nào tại Pháp từ trước đến nay.
Việc xây dựng giáo đường này cũng lắm gian nan và trắc trở. Nhận thấy tình trạng an ninh và đạo đức tại khu này ngày càng xuống cấp, năm 1764 giáo hội công giáo Pháp cho xây một giáo đường mới để cải hóa thành phần tệ đoan trong khu vực. Kiến trúc sư Pierre Contant d'Ivry được giao lãnh nhiệm vụ xây dựng nhưng chẳng may qua đời nửa chừng, công trình bị gián đoạn. Khi kiến trúc sư Guillaume Couture được chỉ định thay thế, toàn bộ đồ án cũ bị bỏ. Công trình xây dựng đang tiến hành dở dang thì Cách mạng Pháp 1789 ập đến, công tác bị ngừng trệ vì thiếu ngân sách. Phải đợi tới 1804, Napoléon I muốn biến ngôi nhà thờ đang xây dở dang này thành một ngôi đền lớn tôn vinh những chiến công của Đại Quân Pháp (Grande Armée), kiến trúc sư Pierre Vignon được giao trọng trách đó. Thay vì tiếp tục đồ án cũ, Vignon phá bỏ tất cả để biến giáo đường cũ thành một ngôi đền Hy Lạp đồ sộ, có thể nhìn thấy từ quảng trường La Concorde. Đang tiến hành nửa chừng thì công trình xây dựng lại dở dang vì Napoléon I thua trận 1814. Phải chờ đến thì vua Louis Philippe (1830-1848) công tác xây dựng mới được tiếp tục. Cũng nên biết Louis Philippe là một nhà vua ôn hòa, những di tích tiêu biểu của một quá khứ bạo lực đều được tôn trọng ; ông muốn hòa giải người Pháp với nhau và cho xây quảng trường Concorde để nhắc nhở người Pháp thương yêu và giúp đỡ thay vì xung đột chém giết lẫn nhau. Ngôi đền được hoàn tất năm 1845 nhưng trở về chức năng cũ là một giáo đường đúng nghĩa. La Madeleine ngày nay là một trong những kỳ quan của thành phố Paris.
Giáo đường La Madeleine
Cổng chính đi vào giáo đường là hai cánh cửa bằng đồng vĩ đại chạm khắc tinh vi. Bên trong được trang trí một cách hài hòa tương xứng với sự to lớn của kiến trúc với bức tranh sơn dầu vĩ đại của họa sĩ François Rude ở cửa ra vào mang tên Baptême du Christ (Lễ rửa tội của đấng Christ). Bàn thờ chính tòa là tượng nữ thánh Madeleine được thiên thần có cánh to lớn bằng thạch cao bao quanh, hai bên bàn thờ là tượng hai thiên thần có cánh chấp tay cầu nguyên dưới những trụ cột kiểu Hy Lạp. Vòm giáo đường cao 18 mét được trang trí bởi những bức tranh sơn dầu diễn tả cuộc đời và công đức của những người mộ đạo như nữ thánh Catherine Labouré, Richelieu, thánh Louis, hoàng đế Constantin và Napoléon I được giáo hoàng Pie VII tấn phong. Dàn orgue (phong cầm) vĩ đại trong ngôi giáo đường này, do Cavaillé-Coll thiết đặt năm 1846, là một trong vài dàn orgue xưa nổi tiếng nhất thế giới, âm thanh vừa thanh vừa thánh thót dẫn người dự lễ chìm đắm trong sự trang nghiêm hiểm có.
Khác với sự trang nghiêm của giáo đường, quảng trường Madeleine (Place de La Madeleine, quận 8) là nơi thị tứ sầm uất. Tất cả các gian hành thực phẩm sang nhất Paris đều tập trung nơi đây : Fauchon (26 Place de la Madeleine), Hédiard (thức ăn chế biến sẵn), Maison de la Truffe (chuyên bán nấm truffe), Crepet Brussol (chuyên về fromage), Caviar Kaspia (chuyên bán caviar biển Caspienne), nhà hàng Maxim's, v.v... Truffe là một loại nấm hiếm quí, rất đắt tiền và ăn rất ngon. Người ta phải dùng một loại heo đặc biệt để đào tìm nấm truffe dưới chân những gốc cây sồi, nấm truffe có màu đen và thường nằm sâu dưới mặt đất 20 cm. Giá một kí nấm truffe có thể lên đến 2.000 USD, tùy theo mùa. Ngày nay Trung Quốc cũng sản xuất loại nấm này, giá có rẻ hơn, nhưng phẩm chất thua rất xa. Quanh quảng trường còn có những gian hàng bán champagne, chocolat, đặc biệt là chocolat của Madame de Sévigné, trái lựu grenadille của Brazil, trứng caviar của Iran. Trứng caviar lấy từ bụng cá sturgeon (cá lưỡi kìm) trong Biển Đen. Cá sturgeon trong vùng biển Iran cho trứng ngon nhất, hơn rất nhiều lần cá sturgeon trong vùng biển của Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ, hay được nuôi ở những nới khác. Theo giới sành điệu hạng sang thì trứng caviar phải ăn sống và uống với rượu champagne hảo hạng thì khẩu vị tăng thêm nhiều lần. Champagne cũng có nhiều loại nhưng phải là champagne của tỉnh Reims sản xuất mới ngon. Chocolat cũng có nhiều loại, loại ngon nhất là chocolat đen, khi ăn phải nhai ngốn nghiến chứ không được ngậm tan trong miệng, có như thế thì mới hưởng thụ trọn vẹn được mùi vị.
Bên trong Thương xá La Samaritaine
Khu Opéra có tám đại lộ rộng trồng cây lớn (boulevard) - Madeleine, Capucines, Italiens, Montmartre, Poissonnière de Bonne Nouvelle, Saint Denis và Saint Martin - tập trung những cửa hàng thời thượng, tiệm giải khát sang trọng nhất của Paris từ thời Napoléon III tới nay. Các đại lộ này là nơi mua sắm hay điểm hò hẹn của giới thượng lưu, quí tộc hay người có tiền. Hai anh em Lumière, cha đẻ của ngành điện ảnh trình chiếu lần đầu tiên một khúc phim cho quần chúng xem trong quán Grand Café (14, boulevard des Capucines) ngày 28/12/1895, nhiếp ảnh gia quốc tế Nadar cũng mở trên đại lộ này studio chụp ảnh đầu tiên. Nhưng được chiếu cố nhiều nhất là quán Café de la Paix (12, boulevard des Capucines), cạnh Opéra Garnier do chính Garnier vẽ kiểu và trang trí, chỉ cần ngồi đây giải khác một vài phúc người ta sẽ khám phá đầy đủ giới tao nhân mặc khách quốc tế có mặt tại Paris. Dọc các đại lộ lớn này còn có các nhà hát kịch khác như Variétés (có từ 1807), Nouveautés (có từ 1920), rạp chiếu bóng Rex (có từ 1932), v.v...
Nét duyên dáng của khu Opéra là những ngỏ hẻm có mái che (passages hay galeries) có từ thế kỷ 19, nối liền những đại lộ với nhau, tại đây những cửa tiệm sang trọng trưng bày những mặt hàng làm vừa lòng những khách hàng khó tính nhất, vừa hiếm có vừa tốt bền. Sau công trình đại tu sửa Paris của nam tước Haussmann, Paris ngày nay chỉ lại còn khoảng 30 ngỏ hẻm loại này. Nằm trên đại lộ Montmartre là Passage Jouffroy với những cửa tiệm bán đồ chơi trẻ em và sách báo về điện ảnh và nhạc kịch. Passage des Panoramas (số 11 boulvard Montmartre và số 10 rue Saint Marc, quận 2) là ngỏ hẻm đầu tiên được thí nghiệm đèn đường thắp sáng bằng khí đốt năm 1817 và cải tiến thêm để trở thành galerie năm 1834. Passage des Princes (số 97 rue de Richelieu và số 5 boulevard des Italiens, quận 2). Ngỏ hẻm số 4 đường Petits Champs, quận 1, là Galerie Vivienne được xem là đẹp nhất với những salon de thé thanh lịch mà ghế bàn được bày giữa lối đi lát đá với những hình bằng đá tráng men, tiệm bán áo quần thời trang của Jean Paul Gaultier được đông người chiếu cố. Đối diện với Galerie Vivienne là Passage des Petits Pères dẫn đến nhà thờ Notre Dame des Victoires. Kế bên là Galerie Colbert (rue de la Banque, quận 1), nơi còn lưu giữ ngôi nhà của Colbert (bộ trưởng thương mại và văn hóa thời vua Louis XIV thế kỷ 17) và bảo tàng nghệ thuật sân khấu (Musée des Arts du spectacle). Passage Choiseul (23 rue Saint Augustin và 40 rue des Petits Champs, quận 1) với những sinh hoạt buôn bán ồn ào ngược với Galerie Véro Dodat yên tịnh trong một khung cảnh trang trí độc đáo. Square Louvois (quận 1) lưu giữ một trong những máy nước (fontaine) đẹp nhất Paris với bốn tượng thiếu nữ khỏa thân tượng trưng bốn con sông lớn của Pháp : Loire, Seine, Garonne và Saône.
Paris có 1200 Fontaine Wallace cung cấp nước uống miễn phí cho mọi người
Musée Grévin (10 boulevard Montmartre, quận 8), thành lập năm 1882, trưng bày các tượng những nhân vật nổi tiếng bằng sáp. Tầng trệt triển lãm những nhân vật chính trị và quân sự cận đại ; lầu một gồm hai phòng : Palais des Mirages trưng bày những nhân vật nổi tiếng về âm nhạc và nhạc thể thao, và Le Cabinet Fantastique trưng bày những nhân vật nổi tiếng trong giới văn học, nghệ thuật. Phòng triển lãm dưới mặt đất trưng bày tượng những nhận vật bằng vàng và đá cẩm thạch (tượng vua Louis XIV lúc bị bắt).
Musée de l'Opéra (8 rue Scribe, quận 9) trước kia là nhà riêng của Napoléon III triển lãm lịch sử hình thành Opéra Garnier, tranh ảnh, trang trí sân khấu, các giải thưởng, hình kỷ niệm, áo quần và đồ trang điểm cùng tượng và hình những nghệ sĩ danh tiếng đã trình diễn trong nhà hát này, đặc biệt là đôi giầy múa ballet của nghệ sĩ Nijinsky. Thư viện của bảo tàng chứa trên 80.000 tài liệu sách, báo, gần 100.000 tranh ảnh liên quan đế nhà hát từ khi thành lập đến nay.
Hôtel Drouot (9 rue Drouot, quận 9) không phải là một khách sạn mà là một nhà bán đấu giá nổi tiếng nhất thế giới (Maison des Ventes de France). Ngôi nhà này được xây dựng năm 1851 thuộc quyền sở hữu của bá tước (comte) Antoine Drouot, một vị tướng của Napoléon I, năm 1980 được tân trang lại gọi là Nouveau Drouot để có thể chứa thêm người tham dự các cuộc đấu giá, phần lớn là đại diện những tiệm sưu tầm đồ cổ nổi tiếng như Sotheby's, Christie's of London. Những ai không thể tham dự các cuộc đấu giá tại đây có thể ngắm nhìn những đồ vật trúng thầu trưng bày trong các tiệm bán đồ cổ chung quanh.
Palais de la Bourse (4 Place de la Bourse, quận 2) là một ngôi nhà đồ sộ, kiến trúc theo kiểu tân cổ điển Hy Lạp, do kiến trúc sư Brongniart thực hiện năm 1808 dưới thời Napoléon I. Lúc đầu Napoléon I muốn dùng ngôi nhà này làm nơi lượng giá những chiến lợi phẩm do ông mang về từ các chiến trường Châu Âu. Năm 1826 trở thành thị trường chứng khoán (Bourse) của Pháp, ngày này là thị trường chứng khoán Paris, CAC 40. Chính giữa ngôi nhà là một phòng lớn gọi là Salle de la corbeille (phòng đựng giỏ). Gọi là Corbeille vì trước kia người ta bỏ phiếu mua trị giá cổ phần những hãng mang ra bán trong những cái giỏ lớn treo khắp phòng, mỗi giỏ là một hãng ; cuối ngày người ta khui những giỏ đó ra và người tổ chức hô to tên những ai trúng thầu với số tiền cao nhất. Ngày nay những giỏ và người hô này không còn nữa, thay vào đó là hàng ngàn máy vi tính buôn bán và trao đổi trị giá các cổ phần quốc tế, cuối phòng là một tấm bản điện tử ghi chằng chịt trị giá các cổ phần trao đổi.
Cách đó không xa là thư viện quốc gia Pháp, Bibliothèque nationale de France-Richelieu (58 rue Richelieu, quận 1). Thư viện này được triều Valois (các vua Charles và Henri, từ 1328 đến 1610) dùng làm nơi tồn trữ văn khố gồm những những văn kiện hoàng gia. Năm 1537, vua François I ra lệnh buộc các nhà ấn loát phải nộp lưu chiểu một bản bất cứ ấn phẩm nào in ra, ngày nay thư viện này lưu trữ 12 triệu tác phẩm, trong đó có nhiều ấn phẩm hiếm. Phòng ấn phẩm họa hình lưu giữ 12 triệu ấn phẩm, 2 triệu hình chụp từ khi phát minh máy ảnh đến nay. Phòng tham cứu có từ thế kỷ 19 chỉ dành riêng cho giới nghiên cứu. Trong thư viện có một bảo tàng trưng bày huy chương và đồ cổ, Cabinet des Médailles et des Antiques, đặc biệt là các bộ sưu tầm nữ trang và vật dụng quí thời gallo romain tìm được tại Berthouville và Sainte Chapelle.
Khu Nouvelle Athènes, nằm trong quận 9, giữa các đường Notre Dame de Lorette và Martyrs, là một khu phố yên tịnh với những ngôi nhà có từ thế kỷ 18 và 19. Đây là thế giới của văn học và nghệ thuật trường phái lãng mạn vì George Sand, Dumas, Berlioz, Delacroix, Murger, Chopin... đã từng cư ngụ tại đây. Một vài bảo tàng nghệ thuật cần vào xem là Musée de la Vie Romantique (16 rue Chaptal), Musée Gustave Moreau (14, rue de La Rochefoucauld).
Les Champs Élysées (quận 8)
Muốn biết niềm hãnh diện thực sự của dân Pháp và Paris ở đâu, phải tìm đến Champs Élysées.
Champs Élysées là gì ? Đó chỉ là một đại lộ lớn lát đá, rộng 71 mét và dài trên hai cây số, nối liền quảng trường Concorde với đài chiến thắng Arc de Triomphe, nhưng là nơi diễn ra những biến cố trọng đại nhất của nước Pháp từ sau thế chiến II đến nay. Tuy có một hào quang khó một nơi nào bì kịp, lịch sử hình thành đại lộ Champs Élysées rất mới, nó chỉ bắt đầu từ thế kỷ 17 và phát triển theo từng thời kỳ thịnh suy của nước Pháp.
Năm 1616, hoàng hậu Marie de Médicis (vợ vua Henri IV) nới rộng khu vườn Tuileries đến quảng trường Concorde để dạo mát. Năm 1667, kiến trúc sư Le Nôtre được giao thiết kế lại khu vườn Tuileries và phá khu rừng trước mặt quảng trường Concorde để mở một con đường dành riêng cho vua và hoàng tộc phi ngựa từ Louvre đến thẳng Versailles săn bắn. Năm 1670, con đường này hoàn tất và được đặt tên là Grand Cours dành riêng cho nam giới (để phân biệt Cours de la Reine, một con đường khác dọc sông Seine dành riêng cho nữ giới). Vô tình Le Nôtre đã khai sinh lộ trình chính của đại lộ Champs Élysées, lúc đó chỉ là một con đường rừng.
Trong thời Phục Hưng (Restauration), năm 1838 kiến trúc sư Jacques Ignace Hittorff biến con đường rừng từ Concorde đến trạm métro Champs Élysées-Clémenceau ngày nay thành những khu vườn nhỏ, với những bể phun nước nằm rải rác khắp nơi với tượng mỹ nữ khỏa thân và trẻ em để làm thú tiêu khiển cho người đi dạo. Khu vườn này không ngờ được rất đông người chiếu cố, cuộc Triển Lãm Quốc Tế năm 1855 được tổ chức tại đây, nhà văn Marcel Proust (1871-1922) thường thả bộ trên những lối đi trong khu vườn này để tìm cảm hứng. Hittorff đã vô tình khai trương nửa đoạn đầu của đại lộ Champs Élysées.
Nửa đoạn sau, từ métro Champs Élysées đến đài chiến thắng Arc de Triomphe de l'Étoile, được khởi công xây dựng từ cuối thế kỷ 18, nhà cửa và các cửa tiệm sang trọng chỉ được dựng lên trong thời Napoléon III (1852-1870), vì năm 1777 người ta còn thả bò ăn cỏ ở nửa phần trên của đại lộ này. Ngày nay phố xá và hàng quán sang trọng hai bên đường ở nửa phần trên của đại lộ Champs Élysées lúc nào cũng tấp nập. Các hãng xe hơi (Peugeot, Mercedès...), hàng không (Air France, British Airways...), cơ quan quảng cáo (Drugstore Publicis), rạp chiếu bóng (Gaumont, UGC), phòng trà ca nhạc (Lido, Queen, Monte Cristo Café), nhà hàng sang trọng (La Fouquet's), các cửa hàng thực phẩm ăn liền (MacDonald, Quick), các cửa hàng buôn bán âm nhạc (Virgin Megastore) và áo quần thời trang lúc nào cũng đông khách.
Nhưng cái gì đã làm đại lộ Champs Élysées nổi tiếng ? Những khu vườn và khu phố vừa nói không có gì đặc sắc hơn các nơi khác ngoài khoảng không gian xanh tươi nho nhỏ giữa một khu phố sang trọng. Cái đã làm đại lộ Champs Élysées nổi tiếng là hình ảnh một nước Pháp hùng cường và hạnh phúc sau thế chiến II vào những dịp lễ lớn. Đại lộ Champs Élysées, cũng giống đại lộ The 5th Avenue của New York, là nơi những người có công với nước Pháp phải đi qua để được dân chúng đón mừng. Champs Élysées, theo huyền thoại Hy Lạp, là nơi cư ngụ của những vị anh hùng và người đạo đức.
Đội kỵ binh Cộng hòa hộ tống xe chở Tổng thống Pháp và Tổng tham mưu trưởng quân đội diễu binh trên Đại lộ Champs Elysées ngày Quốc khánh Pháp 14/7
Ngày 11/11/1919, quân đội Pháp duyệt binh lần đầu tiên trên đại lộ Champs Élysées kỷ niệm năm đầu tiên thắng Đức sau đệ nhất thế chiến giữa tiếng reo hò của dân chúng Pháp. Ngày 26/08/1944, dân chúng một lần nữa tràn xuống đại lộ Champs Élysées đón mừng đoàn quân chiến thắng giải phóng Paris do tướng Charles de Gaulle dẫn đầu. Từ sau ngày đó, chính phủ Pháp tổ chức những cuộc duyệt binh lớn trên đại lộ Champs Élysées, từ đài chiến thắng Arc de Triomphe de l'Étoile tới quảng trường Concorde, vào những dịp quốc khánh 14/7 (ngày phá ngục Bastille năm 1789) và ngày chiến thắng 11/11 (ngày Đức đầu hàng quân đồng minh năm 1918). Chính quyền thành phố Paris đã làm tất cả để đại lộ Champs Élysées trở thành niềm hãnh diện của không những dân Parisens mà còn cả cho nước Pháp trong những ngày lễ lớn. Vào những dịp Giáng Sinh hay ngày đầu năm dương lịch, đèn đuốc, cây cối và nhà cửa hai bên đường được trang hoàng lộng lẫy, ban đêm chiếu sáng cả một góc trời. Đại lộ Champs Élysées chính vì vậy được người Pháp tự hào là đại lộ đẹp nhất thế giới.
Thời gian gần đây, đại lộ Champs Élysées còn là nơi tiếp đón những đội thể thao quốc tế tham dự các cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp (Tour de France), chạy việt dã (marathon de Paris), hay những đội đã mang lại chiến thắng cho nước Pháp như bóng đá và dã cầu (tennis). Cờ tam tài (xanh dương, trắng và đỏ) bay phầp phới trong tiếng cười vui. Vào giữa đêm giao thừa (dương lịch), giới trẻ Pháp thường tràn ra đại lộ Champs Élysées uống champagne, hôn nhau chúc mừng năm mới. Champs Élysées còn là nơi gặp gỡ và giao lưu giữa các nền văn minh thế giới, các của hàng đủ mọi quốc tịch phô trương đặc sản của quốc gia mình, từ tài chánh, ngân hàng, du lịch, dịch vụ đến hành hóa tiêu dùng thường nhật. Cũng trên đại lộ này, người da vàng, da trắng và da đen trao đổi với nhau bằng đủ loại ngôn ngữ quốc tế.
Ai đã làm Champs Élysées nổi tiếng ? Công trạng đầu tiên phải dành cho hoàng đế Napoléon III, người muốn nới rộng và phát triển đại lộ Champs Élysées đến đài chiến thắng Arc de Triomphe de l'Étoile để tôn vinh công trạng của chú ông, hoàng đế Napoléon I và Đệ nhị Đế quốc của ông. Nhưng người có công nhất là nam tước Haussmann (1809-1891), tỉnh trưởng Paris. Haussmann được Napoléon III giao trách nhiệm phát họa và qui hoạch lại một thành phố Paris dơ bẩn và bề bộn để trở thành một thành phố Paris sang trọng, có qui củ, xứng đáng với chỗ đứng của nước Pháp mà đại lộ Champs Élysées là trung tâm. Những công trình xây dựng dở dang dưới thời Napoléon I đều được Haussmann hoàn tất, đặc biệt là đài chiến thắng Arc de Triomphe.
Sau những chiến thắng liên tiếp trên khắp chiến trường Châu Âu, Napoléon I muốn dựng một đài chiến thắng để đoàn quân chiến thắng của ông đi qua trước sự ngưỡng mộ của dân chúng, nhất là hoàng hậu Joséphine, vợ ông lúc đó. Sinh trưởng tại đảo Corse, Napoléon Bonaparte là một người say mê nền văn hóa La Mã và Ý Đại Lợi, trong suốt cuộc đời chinh chiến ông luôn tìm cách chiếm toàn bộ nước Ý để mang về những báu vật thời La Mã. Năm 1796, khi tiến vào Roma, tướng Bonaparte kinh ngạc trước sự hùng tráng của các kiến trúc còn lại của thời La Mã, nhất là đài chiến thắng nơi Julius Ceasar bắt các tù binh cuối đầu bước qua. Sau những chiến thắng dồn dập trên khắp các chiến trường Châu Âu, Napoléon I cho xây hai đài chiến thắng tại Paris : Arc de Triomphe de l'Étoile và Arc de Triomphe du Carrousel (xem Quartier du Louvre đã viết), ông muốn ví mình là Ceasar của thế kỷ 19.
Trở về Pháp sau chiến thắng Austerlitz năm 1806 tại Áo, Napoléon I chọn địa điểm cao nhất trên đường săn bắn Grand Cours do Le Nôtre khai sinh, ngày nay là quảng trường Place Charles de Gaulle, để xây một đài chiến thắng lớn cho đại quân của ông đi qua. Ngày 18/4/1806, Napoléon I đặt viên đá đầu tiên và giao cho kiến trúc sư Jean Chalgrin thực hiện. Công trình xây dựng chỉ chính thức bắt đầu năm 1809 sau nhiều tranh cãi gay go về từng chi tiết của họa đồ. Việc xây dựng không tiến hành như mong muốn vì cung đình bị xào xáo (hoàng hậu Joséphine bị truất phế vì không có con nối dõi, hoàng hậu Marie Louise lên thay). Ngày làm đám cưới, năm 1810, chỉ móng nền đài nhà được hoàn tất, Chalgrin phải dựng một đài chiến thắng bằng gỗ phủ vải trên móng nền để Napoléon I dẫn đầu đoàn quân rước hoàng hậu Marie Louise từ địa điểm này về Louvre. Năm 1811 Chalgrin qua đời, công trình xây dựng bị dở dang.
Napoléon I không có cái may được diễn hành dưới đài chiến thắng với Đại Quân (Grande Armée) của ông, năm 1814 quân Pháp bị đánh bại tại Waterloo, đế quốc Pháp tan rã. Năm 1815, Napoléon I sống lưu đày trên đảo Sainte Hélène và mất tại đó năm 1821. Phải chờ đến thời vua Louis Philippe, đài chiến thắng mới được tiếp tục và hoàn thành năm 1836 theo đúng từng chi tiết trong họa đồ của Chalgrin.
Đài Chiến Thắng Arc de Triomphe
Arc de Triomphe là một đài đá vôi đồ sộ hình chữ nhật - dài 45 mét, rộng 15 mét, cao 50 mét (vòm trong cao 29 mét) - sừng sửng đứng giữa một quảng trường lát đá, đường kính 240 mét, với những cột mắt xích bao quanh. Bốn chân đài là bốn khối đá lớn với những tác phẩm điêu khắc công phu ghi lại những chiến thắng của Napoléon từ lúc khởi đầu đến năm 1810 do các điêu khắc gia François Rude (tượng La Marseillaise 1792), Cortot (tượng Traité de Vienne sau chiến thắng Wagram 1809), Seurre l'Ainé (tượng La Bataille d'Aboukir 1799), Grechet (La Bataille d'Austerlitz), v.v... Đó là chưa kể hàng trăm bức tượng khác được chạm thẳng trên bốn vách tường chung quanh, do các điêu khắc gia danh tiếng Rude, Brun, Jacquet, Laité, Caillouette và Seurre l'Ainé tạc, diễn lại cảnh từ lúc Đại Quân của Napoléon đi chinh chiến và trở về sau những chiến thắng. Các vách tường trên sân thượng được gắn 30 mộc đỡ tượng trưng cho những chiến thắng lớn của Đại Quân Pháp từ 1790 đến 1810. Bên trong và dưới vòm chính là tên 660 tướng lãnh và sĩ quan tử trận được khắc trên đá ở mỗi chân đài. Ở giữa vòm đài là ngọn đuốc bất diệt xây trên mồ một chiến sĩ vô danh được mang về đây chôn ngày 28/1/1921. Đỉnh đài là một sân thượng rộng lớn có thể quan sát toàn bộ cảnh quang Paris. Chỉ mặt tiền của đài chiến thắng đối diện với đại lộ Champs Élysées là đáng chú ý, phía sau đài là những khu nhà ở sang trọng, ban đêm các kỹ nữ và giới đồng tính luyến ái thường ra đón mời khách mua hoa.
Năm 1854, nam tước Haussmann thiết kế 12 đại lộ lớn, mang tên những vị tướng nổi tiếng của Pháp như Foch, Marceau..., chung quanh quảng trường của đài. Nhìn từ trên cao, Arc de Triomphe giống hình một ngôi sao (étoile) 12 cánh, từ đó quảng trường này có tên Arc de Triomphe de l'Etoile (Quảng trường Chiến thắng Ngôi sao). Để tưởng nhớ công lao người đã giải phóng Paris năm 1944, Arc de Triomphe de l'Étoile có thêm tên Charles de Gaulle năm 1970 : Quảng trường ngôi sao đổi thành Place Charles de Gaulle (Quáng trường Charles de Gaulle). Lái xe chung quang quảng trường này rất khó, phải thật vững tay mới tìm một ngỏ để ra vì không ai chịu nhường ai. Quảng trường Charles de Gaulle ngày nay là tụ điểm chính của những trục lộ lớn trong quận 8.
Nửa phần đầu của đại lộ Champs Élysées, từ Concorde đến khu vườn Clémenceau, là những kiến trúc độc đáo tiêu biểu cho Thời Kỳ Đẹp (Bel Epoque) : Le Pont Alexandre III (xem bài Sông Seine và Đảo Thị Trấn), Le Grand Palais, Le Palais de la Découverte, Le Petit Palais, La Palais de l'Élysée, Le Théâtre du Rond Point...
Le Grand Palais (Porte A, avenue Eisenhower) là một kiến trúc khá độc đáo, do kiến trúc sư Charles Girault vẽ kiểu, được xây dựng cùng thời với cầu Alexandre III để tham dự cuộc đấu xảo quốc tế năm 1900 tại Paris. Mục đích sử dụng của tòa nhà này là để trưng bày hàng hóa và vật liệu từ khắp nơi mang đến, triển lãm xong tòa nhà phải được tháo gỡ để trả lại cho khu vườn, do Hitorff vẽ kiểu, không gian yên tịnh của nó. Vì công tác xây dựng tòa nhà quá công phu và phức tạp nên sau khi triển lãm xong không ai đủ can đảm để tháo gỡ. Le Grand Palais còn tồn tại cho tới ngày nay là vì lý do đó và trở thành một kỳ quan để mọi người đến thăm viếng. Nét độc đáo của Le Grand Palais là sự tương phản của những vật liệu xây cất. Móng nền nhà, các vách tường và cột chống chung quanh được xây bằng bằng đá vôi như mọi kiến trúc cổ điển khác nhưng sườn và nóc nhà được kiến tạo bằng những thanh sắt lớn để chống đỡ mái nhà lợp bằng những mảnh kiếng lớn soi sáng nội thất. Ở giữa khu nhà là một tháp cao hình tròn lợp bằng mảnh kiếng với những sườn sắt, mái nhà chung quanh thì lập bằng những tấm đồng. Sau một thế kỷ tồn tại, ngôi nhà này đang để lộ nhiều yếu điểm : nền nhà đang lún dần bởi sức nặng của những cột sắt và trần nhà, một vài nơi bị niêm phong vì sợ trần nhà sụp xuống. Chi phí bảo trì rất đắt. Tuy vậy nhìn từ bên ngoài đây là một kiến trúc đẹp, hai góc trần nhà là hai bức tượng lớn do điêu khắc gia Récipon tạc hình cổ xe do bốn ngựa kéo bằng đồng.
Le Grand Palais, do kiến trúc sư Charles Girault vẽ kiểu, là một kiến trúc khá độc đáo được xây bằng bằng đá vôi nhưng sườn và nóc nhà được kiến tạo bằng những thanh sắt lớn để chống đỡ mái nhà lợp bằng những mảnh kiếng lớn soi sáng nội thất. Hiện nay được làm nơi thi đấu các bộ môn võ thuật Olympic Paris 2024
Le Palais de la Découverte (Avenue Franklin D. Roosevelt), nằm phía sau Le Grand Palais, được xây dựng năm 1937 bởi những nhà bác học để làm bảo tàng phát minh khoa học. Kiến trúc của tòa nhà này cũng tương tự như Grand Palais nhưng nhỏ hơn. Ở hai góc tòa nhà là hai bức tượng người cưỡi ngựa bằng đồng rất sống động. Tại đây những phát minh khoa học thô sơ đầu tiên được lưu trữ để giới thiệu cùng giới trẻ, ở tầng một là một phòng triển lãm không gian ba chiều bầu khí quyển và vũ trụ chúng ta đang sống.
Le Petit Palais (Avenue Winston Churchill), cũng do Girault vẽ kiểu, được xây dựng cùng thời với Le Grand Palais nhưng nhỏ hơn. Ngày nay là bảo tàng Mỹ Thuật (Beaux Arts) của thành phố Paris, gồm hai phòng và năm galeries : phòng triển lãm tác phẩm mỹ thuật từ thời cổ Ai Cập đến Châu Âu thế kỷ 18, những tranh ấn tượng và tượng điêu khắc của những nghệ sĩ danh tiếng ; phòng trưng bày sáng tác nghệ thuật của Pháp từ thế kỷ 19 trở về sau do chính quyền Paris trực tiếp đặt mua. Trần của các hành lang và các phòng triển làm được trang trí bằng những bức tranh khổng lồ.
Le Palais de l'Élysée (55 rue du Faubourg Saint Honoré) được bá tước Évreux xây dựng năm 1718, tòa nhà này trở thành nơi cư ngụ của bà huân tước (marquise) Pompadour năm 1753, đến năm 1805 thuộc quyền sở hữu con gái của Napoléon I, Caroline Bonaparte và chồng là thống chế Joachim Murat. Tòa nhà này có hai gian phòng rất đẹp : Salon Murat dùng làm nơi hội họp của Hội đồng bộ trưởng (Conseil des Ministres) mỗi sáng thư tư ; phòng kế tiếp là Salon d'Argent, nơi Napoléon I ký giấy từ nhiệm ngày 22-6-1815 sau khi thất trận. Từ năm 1873, Palais de l'Élysée là Phủ tổng thống Pháp, 20 vị tổng thống Pháp đã kế tiếp nhau vào biệt điện này làm việc và cư ngụ lúc đương nhiệm. Nhà riêng của tổng thống nằm trên hướng đường Élysée. Hiện nay là tổng thống Jacques Chirac, nhiệm kỳ 1995-2001. Quanh phủ tổng thống là tòa đại sứ các quốc gia lớn.
Những ai ưa thích áo quần thời trang sang trọng và nữ trang đắt quí phải đến đại lộ Montaigne ngắm nhìn. Những tác phẩm độc đáo của những nhà cắt may và thợ kim hoàn danh tiếng nhất thế giới đều được trưng bày tại đây. Gia đình những người giàu có nhất thế giới thường đến đây mua sắm, hai Fashion in Paris có sức hấp dẫn kỳ lạ. Nhà hát kịch Théâtre des Champs Élysées trên đại lộ này được anh em họ Perret xây dựng trước đệ nhất thế chiến, do các kiến trúc sư Maurice Denis và Vuillard vẽ kiếu và ytrang trí, vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.
Musée Jacquemart - André (158 boulevard Haussmann) trước kia là một ngôi nhà, do kiến trúc sư Parent xây từ 1869 đến 1875 cho Edouard André. Xuất thân từ một gia đình theo đạo tin lành giàu có, André là một quân nhân đam mê nghệ thuật, ông tìm mua những tác phẩm nghệ thuật hay vật dụng cũ về cất giữ. Sau khi cưới bà Nélie Jacquemart, hai vợ chồng cùng nhau đi khắp Châu Âu mua lại những tác phẩm thời Phục Hưng của Ý, những tác phẩm và đồ vật quí hiếm trong những thế kỷ 17 và 18 của Pháp, Hòa Lan và Anh Quốc mang về lưu giữ. Trước khi qua đời năm 1912, bà Jacquemart hiến cho Viện Pháp Quốc (Institut de France) toàn bộ những tác phẩm sưu tầm trong thời son trẻ sau khi qua đời, căn nhà của hai ông bà trở thành bảo tàng viện từ đó.
Thánh đường Alexandre Nevski (12 rue Daru) có từ đầu thế kỷ 20, là nơi hành lễ cho những người theo đạo công giáo chính thống (orthodoxe), đa số là người Pháp gốc Nga. Thánh đường này có năm tháp chuông hình tròn, nội thất được những nghệ sĩ từ Saint Peterburg đến trang trí.
Danh lam thắng cảnh văn hóa của khu Champs Élysées còn rất nhiều, những ai rảnh rỗi hãy thả bộ trên bất cứ con đường nào quanh đại lộ Champs Élysées để khám phá thêm những điều kỳ thú, bất cứ con đường nào cũng có một lịch sử và những nét độc đáo riêng.
Nguyễn Văn Huy
(08/08/2024)