Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

12/09/2024

Đảng Cộng Sản Việt Nam trong quy luật Thành - Trụ - Hoại – Diệt

Trần Đan Tâm

Thành - Trụ - Hoại – Diệt là một quy luật vật lý của vũ trụ cho thấy mọi vật có khối lượng và mọi hiện tượng cân đo đong đếm được trong vũ trụ đều bị chi phối qua 4 thời kỳ : xuất hiện là Thành, phát triển là Trụ, hư nát là Hoại và mất đi là Diệt. Quy luật nầy là một định luật khoa học chứ không phải là một quy luật riêng biệt của Phật giáo, được áp dụng cho mọi loại vật chất và hiện tượng trong vũ trụ hiện tại của nhân loại.

hcm1

Một ví dụ cụ thể là con người ngay khi được sinh ra là giai đoạn Thành (hơn 9 tháng), lớn lên là giai đoạn Trụ, già đi là giai đoạn Hoại và khi chết đi là giai đoạn Diệt. Ví dụ về một hiện tượng như cơn gió hiện ra là "thành", thổi qua một thời gian là "trụ", yếu dần là "hoại" và sau cùng ngưng thổi tức là "diệt". Không có sự vật nào tồn tại vĩnh viễn trong vũ trụ nầy và chính cái vũ trụ nầy cũng đang tiến vào chu kỳ hoại diệt trong tương lai hàng tỷ tỷ năm sau nầy.

Cực điểm của giai đoạn Hoại là gai đoạn Diệt thường là ngay lập tức hoặc nếu kéo dài thì thời gian cũng rất ngắn gọn, có thể kiểm chứng cụ thể qua những sự cố sụp đổ của các đảng cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu chung quanh thập niên 90 của thế kỷ 20 vừa qua.

Lý thuyết Cơ học Lượng tử (Quantum Mechanics Theory) của khoa học và triết học phương Đông (Kinh Dịch) đã chỉ ra sự biến dịch của vạn vật và những hiện tượng trong vũ trụ. Đảng Cộng Sản Việt Nam không là một ngoại lệ, cho nên đảng nầy cũng phải bị biến dịch theo đúng với quy luật Thành - Trụ - Hoại – Diệt [1]. Hơn nữa, theo Giáo sư Kiều Tiến Dũng (Melbourne – Úc), Lý Thuyết Cơ học Lượng tử ngày nay đã chứng minh rằng ngay trong bản chất của bất cứ sự vật hay hiện tượng nào đều đã hàm chứa sẵn khả năng tự biến chuyển và luôn luôn biến chuyển, dù không có bất cứ ngoại lực nào tác động vào nó [1].

Đảng Cộng Sản Việt Nam là một hiện tượng của đất nước Việt Nam, hay nói khác đi, Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tổ chức chặt chẻ hay một tập thể chặt chẻ, có gần 5 triệu người Việt Nam hiện nay. Chiếu theo Đạo Đức Kinh của Lão Tử thì vạn vật từ Không mà sinh ra, dần dần trưởng thành khi lớn lên. Khi lớn lên tới cực điểm rồi thì trở ngược lại và bắt đầu giảm lần, yếu dần và suy tàn cho đến khi trở về Không. Vậy thì tổ chức Đảng Cộng Sản Việt Nam nầy đang ở đâu chiếu theo Thuyết Cơ học Lượng tử và quy luật Thành-Trụ-Hoại-Diệt gồm 4 giai đoạn thành, tru, hoài & diệt ?

Cần nhấn mạnh là 4 giai đoạn thành, trụ, hoại & diệt của quy luật nầy thường chồng lấn lên nhau từng phần, chứ không phải hoàn toàn được phân chia cụ thể như những toa xe (coaches) của một đoàn tàu lửa.

A. Giai đoạn hình Thành của Đảng Cộng Sản Việt Nam (1928-1931)

Khác với tất cả các đảng chính trị & cách mạng xuất hiện trước năm 1945 như Dân Xã, Đại Việt, Quốc Dân Đảng, Tân Việt…, Đảng Cộng Sản Việt Nam được hình thành qua nhiều tên tuổi khác nhau và do quyết định của ngoại bang là Liên Xô (đứng đầu Quốc Tế Cộng Sản III) & Đảng Cộng Sản Trung Quốc tạo dựng.

Trong suốt 2 năm 1929 và 1930, do chỉ thị của Đông Phương Bộ (là một bộ phận của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản), các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải họp nhau trên đất Tàu để thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất cho vùng Đông Dương mang tên chính thức là Đảng Cộng Sản Đông Dương, như sau :

- Đông Dương Cộng Sản Đảng được thành lập ngày 17/6/1929 tại Hà Nội với Ban Chấp hành trung ương lâm thời gồm : Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc, Trần Tư Chính và Nguyễn Tuân, do Trần Văn Cungm Bí thư. Thực ra, Đông Dương cộng sản Đảng có tiền thân là Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên (6/1925-8/1929), do Nguyễn Ái Quốc thành lập tại Quảng Châu, Trung Quốc. Các hội viên chủ chốt có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Vương Thúc Oánh...

- An Nam Cộng Sản Đảng được thành lập ngày 15/11/1929 tại Sài Gòn. Ban Chấp hành trung ương lâm thời gồm : Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu, Trần Não, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Sĩ Sách, do Châu Văn Liêm làm Bí thư.

- Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn được thành lập ngày 1/1/1930 tại Hà Tĩnh. Các thành viên chủ chốt gồm : Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Khoa Văn, Trần Hữu Chương, Lê Tiềm, Ngô Đức Đệ, Nguyễn Tốn, Trần Đại Quả và Ngô Đình Mẫn. Tuy nhiên tổ chức nầy chưa kịp bầu Bí thư và Ban Chấp hành trung ương thì bị thực dân Pháp bắt bớ và đàn áp. Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn có tiền thân là Tân Việt Cách Mệnh Đảng (14/7/1928-1/1/1930), với nhân sự chủ chốt gồm có Trần Mộng Bạch, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai... và do Đào Duy Anh làm Tổng thư ký. Về sau nhiều thành viên chuyển sang xu hướng cộng sản và thành lập Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn.

Việc thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam là do chỉ thị của Đông Phương Bộ (là một bộ phận của Đệ Tam Quốc Tế) yêu cầu Lý Thụy, tức Nguyễn Ái Quốc (chưa dùng tên Hồ Chí Minh) triệu tập các đại biểu cộng sản Việt Nam họp từ ngày 6/1/1930 đến ngày 8/2/1930 tại Hương Cảng, trên cơ sở thống nhất ba tổ chức cộng sản tại Đông Dương là Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn. Hội nghị hợp nhất này diễn ra tại căn nhà của một công nhân ở bán đảo Cửu Long (Kowloon) từ ngày 6/1 đến ngày 8/2/1930, đúng vào dịp Tết năm Canh Ngọ. Tham dự Hội nghị có 2 đại biểu Đông Dương Cộng Sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh, hai đại biểu An Nam Cộng Sản Đảng là Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm và 3 đại biểu ở nước ngoài là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu & Lê Hồng Sơn đại diện cho Quốc Tế Cộng Sản III. Hội nghị quyết định thành lập một tổ chức cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Mãi đến ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn mới chính thức gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam nầy. Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh tại Đại hội II của Đảng Cộng Sản Việt Nam ghi ngày thành lập Đảng là 6/1/1930 nhưng Nghị quyết tại Đại hội III năm 1960 lại đổi thành ngày 3/2/1930.

Như vậy ngày 3/2/1930, Đông Dương Cộng Sản Đảng và An Nam Cộng Sản Đảng chính thức hợp nhất thành một Đảng Cộng Sản Việt Nam thống nhất. Ngày 24/2/1930 thì Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn chính thức gia nhập.

Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hồng Kông từ ngày 14 đến 31/10/1930, tên của Đảng Cộng Sản Việt Nam được đổi thành Đảng Cộng Sản Đông Dương theo yêu cầu của Quốc Tế Cộng Sản III và Trần Phú được bầu làm Tổng bí thư đầu tiên.

Theo Hà Huy Tập thì lúc mới hợp nhất, phía Đông Dương Cộng Sản Đảng có 85 đảng viên, An Nam Cộng Sản Đảng có 61 đảng viên và Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn có 119 đảng viên, và phân bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Đông Dương có 300 đảng viên. Ngoài ra ở Thái Lan còn có 40 đảng viên và Hương Cảng (Hong Kong) có 14 đảng viên. Khi hợp nhất thì Đảng Cộng Sản Đông Dương có tổng cộng 565 đảng viên, chia thành 40 chi bộ ở khắp Đông Dương, Trung Quốc, Xiêm La (Thái Lan) và Hong Kong [2], [3] & [4].

hcm2

Nguyễn Ái Quốc, đại biểu Đông Dương, chụp tại Đại hội Đảng cộng sản Pháp họp tại Marseille năm 1921

Phân tích tỉ mỉ giai đoạn hình thành của Đảng Cộng Sản Việt Nam nói trên sẽ thấy có 5 sự kiện đặc thù nổi bật.

Thứ nhất là chỉ trong 3 năm ngắn ngủi (1928-1930) đảng nầy dùng đến 2 cái tên khác nhau (sau năm 1945 còn đổi tên thêm vài lần nữa), dù bản chất cộng sản không thay đồi. Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng bị chính đảng nầy tự ý thay qua đổi lại như hành vi tráo bài ba lá : Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh tại Đại hội II của Đảng Cộng Sản Việt Nam ghi ngày thành lập Đảng là 6/1/1930 nhưng Nghị quyết tại Đại hội III năm 1960 lại đổi thành ngày 3/2/1930.

Thứ hai là 300 đảng viên của phân bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc gia nhập ngay khi thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, góp phần đưa con số đảng viên từ 265 lên 565. Con số 300 đảng viên gốc Hoa nầy chiếm đa số từ những ngày đầu mới thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tai họa cho chính họ và cho đất nước Việt Nam suốt từ đó cho đến nay.

Thứ ba là ông Lý Thụy, tức Nguyễn Ái Quốc (chưa lấy tên Hồ Chí Minh), chẳng có vai trò gì trong giai đoạn manh nha thành hình Đảng Cộng Sản Việt Nam từ 1928 đến 1930, dù ông ta là sứ giả và đại diện cho Quốc tế Cộng Sản III, mà Trần Phú lại chính là nhân vật có uy tín và ảnh hưởng trên nhóm thành lập đảng nầy. Chỉ một năm sau Trần Phú bị Pháp bắt tại Sài Gòn vào tháng 4/1931 và chết vào tháng 9 tại nhà thương Chợ Quán – Sài Gòn. Sau đó, Lê Hồng PhongHà Huy Tập lần lượt làm Tổng bí thưĐảng Cộng Sản Đông Dương, còn Hồ Chí Minh chỉ đảm nhiệm công tác liên lạc giữa Quốc Tế Cộng Sản và các đảng cộng sản tại Đông Nam Á. Cả 3 Tổng bí thư đầu tiên của đảng nầy đều bị Pháp bắt tại Việt Nam và giết chết trong nhà tù từ 1931 đến 1941 và cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt ngày 15/06/1924 tại Trung Quốc, trong khi đó ông Lý Thụy, tức Nguyễn Ái Quốc, được an toàn trong suốt thời gian hoạt động tại Trung Quốc và Xiêm La từ năm 1930, mãi đến năm 1942 ông mới lấy tên mới là Hồ Chí Minh. Trước đó thì ông Nguyễn Tất Thành, tức Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), đã dùng nhiều tên giả như Lý Thụy – là tên lúc đó của ông Hồ làm điệp viên chỉ điểm cho Liên Xô tại Trung Hoa dưới vỏ bọc thông dịch viên cho phái bộ Borodine - Lin, Thầu Chín, Nguyễn Ái Quốc, v.v… Một điều khá đặc biệt trong 79 năm cuộc đời, ông Hồ đã dùng tới 176 tên gọi và bí danh khác nhau, kể cả tên Hồ Chí Minh được dùng từ 1942 tới ngày nay [5], [6] & [7] (Ghi chú : Theo báo điện tử của Đảng Cộng Sản Việt Nam [6] thì ông Hồ Chí Minh dùng đến 205 tên giả, chưa kể đến 2 bút danh Trần Dân Tiên, T. Lan để tự viết sách ca ngợi chính mình và bút danh CB để viết báo Nhân Dân gán ghép tội "cường hào ác bá" để xử bắn bà Nguyễn Thị Năm, tức bà Cát Hanh Long – một ân nhân đóng góp của cải nhiều nhất cho Đảng Cộng Sản Việt Nam - trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất 1956 của Đảng Cộng Sản Việt Nam). Hồ Chí Minh đã từng dùng bí danh Lý Thụy trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc. Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu với các giấy tờ tùy thân mang tên Lý Thụy. Trong bức thư gửi Quốc Tế Cộng Sản, ngày 18/12/1924, Nguyễn Ái Quốc ghi ở cuối thư : " Trong lúc này tôi là một người Trung Quốc, chứ không phải là một người An Nam, và tên tôi là Lý Thụy chứ không phải là Nguyễn Ái Quốc". Trước đó, vào năm 1919, khi còn mang tên Nguyễn Tất Thành ở Pháp cùng sinh hoạt chung với nhóm trí thức gồm các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh. Nguyễn Tất Thành là người đến gia nhập nhóm sau cùng và chớp lấy cái tên Ái Quốc của nhóm, tức mạo danh nhóm trí thức nói trên [6] & [7].

Thứ tư là trong 4 năm liền sau khi thành lập Đảng, ông Lý Thụy, tức Nguyễn Ái Quốc, tức Lin bị các tổng bí thư tiên khởi khiển trách. Trong những năm 1931–1935, Nguyễn Ái Quốc bị Trần Phú và sau đó là Hà Huy Tập phê phán về đường lối cải lương "liên minh với tư sản và địa chủ vừa và nhỏ", không đúng đường lối đấu tranh giai cấp của Đệ Tam Quốc Tế. Trong một bức thư gửi cho tổ chức Đệ Tam Quốc Tế vào tháng 3/1935 với nội dung kể về phong trào cách mạng tại Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã bị phê phán nặng nề. Bức thư này có ghi nhận về "tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm của các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc". Trong thư này cũng có đoạn : "Những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản. Cuộc tranh đấu không nhân nhượng chống những học thuyết cơ hội này của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và của Đảng Thanh Niên là rất cần thiết (...). Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin viết một cuốn sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua". Sở dĩ có việc phê phán này là do bất đồng giữa Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí của ông về các lực lượng tham gia, cần tranh thủ trong hoạt động cách mạng và sự chệt hướng đấu tranh giai cấp của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) [8]. Việc tuyên truyền rằng Nguyễn Ái Quốc là cha đẻ của Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay là sự tuyên truyền gian dối và bịp bợm, vì chỉ sau ngày các tổng bí thư tiên khởi Trần Phú, Hà Huy Tập & Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt giam và giết chết thì Nguyễn Ái Quốc mới cướp quyền lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam vào thời đó. Do đó, lịch sử còn nghi ngờ dữ kiện là có thể Nguyễn Ái Quốc đã chỉ điềm cho Pháp bắt được cả 3 tổng bí thư tiên khởi nói trên để không còn ai có uy tín hơn Nguyễn Ái Quốc và đương nhiên ông bước lên vị trí chóp bu dễ dàng. Nghi ngờ nầy rất có cơ sở khi lịch sử đã nắm vững chứng cớ Nguyễn Ái Quốc đã bán đứng cụ Phan Bội Châu cho Pháp lúc 12 giờ trưa ngày 15/06/1924 (ngày 11 tháng Năm năm Giáp Tý), để cướp quyền chi phối Việt Nam Quang Phục Hội, Tâm Tâm Xã… tại Trung Hoa và nhận được một số tiền lớn do Pháp trả cho là 150 ngàn bạc Đông Dương thời bấy giờ [9], [10] & [11].

hcm3

Nghi án Hồ Chí Minh bán cụ Phan Bội Châu cho Pháp

Thứ 5 là việc ai sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam vào thời kỳ thành lập đó ? Câu trả lời chính xác : "Dựa theo lịch sử Việt Nam và các tài liệu chính thức trên truyền thông quốc tế thì Đệ III Quốc Tế Cộng Sản - do Liên Xô cầm đầu, chi phối – và Tàu Cộng là 2 nhân tố sáng lập. Có thể ghi nhận chính xác là Đảng Cộng Sản Tàu & Đảng Cộng Sản Liên Xô là 2 bà mẹ đẻ ra và nuôi dưỡng Đảng Cộng Sản Việt Nam khôn lớn". Cho đến ngày nay thì đảng cộng sản Tàu vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng và chi phối Đảng Cộng Sản Việt Nam ngấm ngầm & công khai. Do đó, những trí thức đương thời & có tầm nhìn sâu sắc như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Tường Tam, Huỳnh Phú Sổ, Trương Tử Anh, Nguyễn Thái Học, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Khôi, Thiều Chửu… đều xa lánh Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngược lại là Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, Trần Đại Nghĩa, Lâm Đức Thụ, v.v.. đều nhầm lẫn nghe theo tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam thời đó đến nỗi thân bại danh liệt sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam cướp được chính quyền miền Bắc Việt Nam vào năm 1945.

Như vậy kết lại những sự kiện trong giai đọan Thành cho thấy Tàu Cộng & cộng sản Liên Xô đã chung tay đẻ ra Đảng Cộng Sản Việt Nam để nhuộm đỏ vùng Đông Dương và phát triển thêm Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Dứt khoát là Đảng Cộng Sản Việt Nam không phải do nhu cầu chính trị của Việt Nam thời đó tạo nên, cho nên đã cai trị Việt Nam trong suốt thời gian từ 1954 đến nay như một đạo quân chiếm đóng.

Trở lại giai đoạn Thành thì 5 yếu tố đặc thù của giai đoạn Thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương nói trên đã xen kẻ một yếu tố của giai đoạn TRỤ (phát triển) và 4 yếu tố của giai đoạn HOẠI. Nhất là sự kiện thứ 5 nói trên và 300 đảng viên cộng sản Tàu tham gia làm con số đảng viên sơ khởi phát triển từ 265 lên 565, nhưng 300 đảng viên nầy lại sẽ là yếu tố HOẠI nặng nề về sau nầy.

Trần Đan Tâm

(12/09/2024)

Tham khảo :

[1] Kiều Tiến Dũng, 15/12/2016, Khoa Học Phương Tây Và Triết Học Phương Đông, Người Việt Books.

[2] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Wikipedia Bách Khoa Toàn Thư mở.

[3] Communist Party of Vietnam, Wikipedia, The Free Encyclopedia.

[4] Đệ Tam Quốc Tế, Wikipedia Bách Khoa Toàn Thư mở.

[5] Bút hiệu của Hồ Chí Minh, Wikipedia Bách KHoa Toàn Thư Mở.

[6] Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/suu-tam-ten-goi-bi-danh-va-but-danh-cua-chu-tich-ho-chi-minh-qua-cac-thoi-ky-2554

[7] Sự thật về Hồ Chí Minh,  , Hồ Chí Minh có bao nhiêu tên gọi, bút danh, bí danh ?

[8] Hồ Chí Minh, Wikipedia Bách Khoa Toàn Thư mở.

[9] Nhượng Tống, 1928, nhà xuất bản Nam Đồng Thư Xã cho phát hành tập tài liệu "Ai bán đứng cụ Phan Bội Châu ?" của tác giả Nhượng Tống nêu đích danh người báo cho mật thám Pháp bắt Phan Bội Châu là nhóm Lý Thụy, Lâm Đức Thụ.

[10] Minh Võ, Chương 45, Hồ Chí Minh và vụ bán Cụ Phan Bội Châu cho Pháp, Hồ Chí Minh - Nhận định và tổng hợp.

[11] Phạm Minh Vũ, 18/05/2020, Hồ Chí Minh đã bán đứng nhà cách mạng Phan Bội Châu cho Pháp như thế nào ?, hồ chí minh đã bán đứng nhà cách mạng Phan Bội Châu cho Pháp như thế nào ? - Hồ Sơ - Quyền Được Biết (quyenduocbiet.com)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Đan Tâm
Read 926 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)