Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 15 septembre 2022 08:51

Nhìn lại Cách Mạng Tháng Tám

Ghi chú tháng 8/2022 :

Bài này được viết vào năm 1991, giữa cao điểm của làn sóng dân chủ thứ ba làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới. Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua nhưng những nhận định của nó vẫn còn rất thời sự, có lẽ còn thời sự hơn nhiều so với khi được viết ra. Kết luận vào năm 1991 của bài này là thế hệ 1990 phải hơn thế hệ 1945 để đất nước có lối thoát. Mong ước này đã không được toại nguyện, nhưng một thế hệ mới đã xuất hiện được thông tin đầy đủ hơn và với ý thức chính trị rõ rệt hơn. Tiến bộ tuy chậm nhưng có thực.

Đăng lại bài này tôi cũng xin ghi nhận hai thiếu sót :

Một là, tôi đã không nhấn mạnh thiệt hại lớn nhất mà Đảng Cộng Sản đã gây ra cho dân tộc trong Cách Mạng Tháng 8. Đó là sự tàn sát những người yêu nước trong các đảng phái quốc gia, như Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt. Họ là những trí thức yêu nước chân chính duy nhất vào lúc đó. Những người trí thức khác hoặc chỉ học để làm quan hoặc chìm đắm trong thơ văn lãng mạn. Còn những người cộng sản ? Họ đặt lý tưởng cộng sản lên trên dân tộc, họ tranh đấu và hy sinh cho lý tưởng cộng sản và phong trào cộng sản quốc tế hơn là cho dân tộc. Đó chính là lý do họ chủ trương cuộc kháng chiến võ trang. Đó cũng là lý do khiến họ tàn sát những người yêu nước để giành độc quyền kháng chiến. Những người yêu nước chân chính đã bị tiêu diệt gần hết. Ý chí và tình cảm dân tộc gần như đã bị bẻ gẫy.

Hai là, sự sợ hãi không phải là lý do duy nhất khiến chế độ toàn trị vẫn còn tiếp tục. Một nguyên nhân quan trọng khác là sai lầm phương pháp. Do quen bị áp đặt những lý luận khiên cưỡng một số đông đảo trí thức Việt Nam quay lại ức hiếp trí tuệ của chính mình. Thay vì dựa vào sự hiểu biết và lý luận để rút ra kết luận họ chọn lựa trước những giải pháp tiện lợi hoặc an toàn cho mình rồi loay hoay biện hộ cho những lập trường trái ngược với cả thực tế lẫn lý luận đúng đắn. Sự coi thường kiến thức và lý luận này đã khiến nhiều người cố bám vào ảo tưởng có thể cải tổ chế độ qua những yêu cầu và kiến nghị. Nhưng thực tế đã chứng tỏ rằng không một chế độ cộng sản nào có thể cải tổ được và thực tế cũng đã chứng tỏ rằng giải pháp duy nhất đối với một chính quyền tham nhũng là thay thế nó bằng một chính quyền khác. Chúng ta đang có một chế độ cộng sản rất tham nhũng. 

Nguyễn Gia Kiểng

cmt8001

Mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám tại Hà Nội, tháng 9/1945.

***********************

Vì đất nước hôm nay và ngày mai

Nhìn lại Cách Mạng Tháng Tám

Nguyễn Gia Kiểng, Thông Luận số 41, tháng 9/1991

Trong lịch sử thế giới chưa có chủ nghĩa nào khơi dậy nhiều đam mê và gây ra nhiều xung đột đẫm máu cho nhiều dân tộc bằng chủ nghĩa cộng sản. Việt Nam đã là một trong những nạn nhân đau đớn nhất. Chủ nghĩa cộng sản và những thảm kịch mà nó đem tới đã biến Việt Nam từ vị trí một nước nhiều triển vọng bậc nhất thành một trong những quốc gia nghèo đói, lạc hậu và bế tắc nhất. Ba mươi năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, hàng triệu người thiệt mạng, dân tộc bị chia rẽ trầm trọng. Thành tích của Đảng Cộng Sản Việt Nam tai hại một cách đáng sợ.

Tôi chưa bao giờ bị chủ nghĩa cộng sản cám dỗ cả. Nhưng cộng sản đã chinh phục được những con người tôi rất quí mến. Càng lớn lên tôi càng khám phá ra rằng những trí thức, văn nghệ sĩ mà tôi ngưỡng mộ nhất trong thời niên thiếu phần lớn đã di theo cộng sản và vẫn còn tiếp tục than phục cộng sản. Từ khi bắt đầu theo dõi hoạt động chính trị, niềm đau lớn nhất của tôi là nhiều bạn bè quí mến nhất của tôi lần lượt ngả theo cộng sản. Cộng sản, đặc biệt là cộng sản Việt Nam, đã có một sức quyến rũ ghê gớm. Ghê gớm đến nỗi nhiều trí thức lỗi lạc mặc dầu đã hiến trọn cuộc đời cho cộng sản để chỉ được một chỗ đứng chầu rìa bạc bẽo, mặc dầu phải chứng kiến những tội ác kinh khiếp của nó, vẫn không thể dứt bỏ nó. Sức thu hút mãnh liệt ấy bắt đầu từ một biến cố trọng đại rồi cứ trên đà đó mà tiếp tục. Biến cố trọng đại đó là Cách Mạng Tháng Tám.

"Bài học 45" là điều được những người chống cộng nhắc đi nhắc lại nhiều nhất. Trong những công kích gần đây nhắm vào chủ trương "hòa giải và hòa hợp dân tộc" của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, "bài học 45" cũng được viện dẫn nhiều nhất. Người ta phê phán chúng tôi là không thuộc lịch sử, không biết "bài học 45". Có lần Trần Thanh Hiệp nhăn mặt vì giận dữ nói với tôi : "Làm sao người ta có thể tưởng tượng là mình không biết đến những sự kiện tầm thường như vậy được nhỉ ?".

Tựu trung "bài học 45" được viện dẫn và lý luận như thế này : "Vào những năm 1945-1946, phe Quốc Gia có lực lượng mạnh, có thể thắng được Cộng Sản nhưng vì đã ngây thơ, cả tin vào cộng sản, thỏa hiệp với cộng sản rồi bị lường gạt và tiêu diệt. Bài học cay đắng đó chứng tỏ rằng thỏa hiệp với cộng sản là chết. Vì vậy những kẻ còn nói chuyện thỏa hiệp, liên hiệp, hòa giải, v.v. với cộng sản chỉ có thể hoặc ngây thơ, ấu trĩ, hoặc tay sai cộng sản, hoặc cộng sản trá hình".

Cái nhìn này được rất nhiều người chia sẻ. Nó đã trở thành một phần của ký ức tập thể.

cmt81

Ngày 28/8/1945, dưới sự điều động của Xứ ủy Bắc kỳ và Thành ủy Hà Nội, cuộc mít tinh đã biến thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy, bắt đầu từ quảng trường Nhà hát Thành phố và lan khắp nơi trên phố phường Hà Nội

Suy nghĩ và hành động của chúng ta lệ thuộc rất nhiều ở ký ức tập thể. Khi ký ức tập thể sai thì những phân tích và kết luận khó có thể đúng. "Bài học 45" đã được ghi nhận như thế trong ký ức tập thể của chúng ta. Nhìn lại giai đoạn 1945/1946 vì vậy là điều cần thiết.

Trái với khẳng định của nhiều người, vào thời điểm 1945, phe quốc gia không mạnh, cũng không yếu, mà phải nói là không đáng kể, trong khi đảng cộng sản đã bành trướng khắp nơi và đã nắm trọn được tình hình.

Cán cân lực lượng ngay từ lúc đầu đã lệch hẳn về phía cộng sản. Nhượng Tống, sáng lập viên Việt Nam Quốc Dân Đảng trong cuốn hồi ký Nguyễn Thái Học của ông, cho biết rằng khi Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập cuối năm 1927 thì Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, tiền thân của đảng cộng sản, thành lập năm 1925, đã có cơ sở ở khắp nơi và Việt Nam Quốc Dân Đảng không thể nào cạnh tranh được với họ. Nhờ hoạt động táo bạo, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã phát triển nhanh trong vòng hai năm, và được cả nước biết đến và hưởng ứng sau cuộc khởi nghĩa liều lĩnh tháng 2/1930. Nhưng Việt Nam Quốc Dân Đảng đã phải trả bằng tính mạng của chính mình cho uy tín này.

Toàn bộ ban lãnh đạo bị tiêu diệt, một số nhỏ trốn thoát sang Trung Hoa. Những đảng viên còn lại trong nước như rắn không đầu không liên lạc được với nhau nữa và cũng không biết phải làm gì, lại bị truy lùng ráo riết nên hoàn toàn tê liệt, cái uy tín có được đã không khai thác được. Đến năm 1931, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng lên kiên cường không kém và cũng bị đàn áp dã man không kém cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng thì đảng cộng sản cũng chiếm được tình cảm của quần chúng ngang hàng với Việt Nam Quốc Dân Đảng. Chỉ khác một điều là cơ cấu của họ vẫn còn và họ khai thác được cảm tình này để thu hút quần chúng trong khi Việt Nam Quốc Dân Đảng đã gục ngã.

Nhìn lại thập niên 1930, người ta phải ngỡ ngàng về sự ủy mị của trí thức Việt Nam lúc đó.

Sau hai cuộc khởi nghĩa đẫm máu của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Xô Viết Nghệ Tĩnh, bên lề những biến động lớn của thế giới, thanh niên Việt Nam tại các thành phố vẫn chỉ biết mê mải đèn sách với mộng ra làm quan hay đắm chìm trong một phong trào lãng mạn rất khó hiểu. Oái oăm thay, thập niên 1930 lại được coi như là thời đại vàng son của tiểu thuyết, thơ tình, nhạc ướt át, tranh ấn tượng. Những người cộng sản ít ra đã không trùm chăn nằm ngủ trong giai đoạn này, sự dũng cảm của họ không thể chối cãi được. Sau Cách Mạng Tháng Tám, trí thức Việt Nam ngỡ ngàng tỉnh dậy, hổ thẹn vì sự hèn nhát của mình và bị thôi miên bởi sự dũng cảm của người cộng sản, từ đó về sau nhiều người đã phục tùng họ một cách không điều kiện.

Một bước ngoặc quan trọng đã làm cho thế thắng của đảng cộng sản không thể đảo ngược được là giai đoạn 1936-1938 khi Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire) lên nắm chính quyền tại Pháp.

Mặt trận này là một liên hiệp giữa Đảng Xã Hội Pháp và Đảng Cộng Sản Pháp, và vì vốn chống chính sách thuộc địa nên đã dành nhiều dễ dãi cho các hoạt động đấu tranh giành độc lập tại Việt Nam. Đảng cộng sản đã chụp lấy cơ hội để hoạt động và phát triển công khai trong khi những cơ sở còn lại của Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn chỉ giới hạn trong một vài hoạt động bí mật. Đảng cộng sản vì vậy đã độc chiếm được cuộc đấu tranh giành độc lập. Họ đã phối hợp được hoạt động bí mật với hoạt động công khai, đã xây dựng được cơ sở ở khắp nơi, đã có cơ quan ngôn luận, đã len lỏi và khuynh đảo được nhiều tổ chức nghiệp đoàn và hiệp hội, đã chủ động được nhiều cuộc đình công và phá hoại, gây tiếng vang và phấn khởi ở khắp nơi. Khi Thế chiến II bùng nổ và Nhật vào Đông Dương, họ là tổ chức tranh đấu duy nhất thực sự có hoạt động. Thế ưu thắng áp đảo của họ cứ thế mà tiếp tục. Nạn đói 1945, trong đó hàng triệu người bị chết, đã đem lại cho khẩu hiệu xóa bỏ giàu nghèo của cộng sản một hấp lực ghê gớm. Phẩm giá và mạng sống của người nghèo lúc đó không bằng chén gạo, củ khoai.

Hấp lực của cộng sản còn đi xa hơn thế nữa, nó còn buôn bán cái ảo tưởng là những người vô học cũng có thể là những cấp lãnh đạo. Chính cái ảo tưởng đó đã làm say sưa nhiều người mộc mạc đến độ họ sẵn sàng chết cho đảng. Nhưng cũng chính cái ảo tưởng đó đã khiến cho sự dốt nát ngự trị trong chính quyền cộng sản và đập phá đất nước cho đến ngày nay.

cmt82

Đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội ngày 28/8/1945.

Tương quan lực lượng đã như vậy, về đường lối thì sao ?

Người ta trông đợi rất nhiều ở nhóm Phong Hóa Ngày Nay, đặc biệt là ở ông Nguyễn Tường Tam và người em xuất chúng của ông là Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long. Họ được coi là những nhà trí thức lỗi lạc nhất lúc đó. Đảng Đại Việt Dân Chính của họ ra đời năm 1943 với một cương lĩnh mà ông Nguyễn Tường Bách, em ruột của hai ông Tam, Long và cũng là một nhân vật cốt cán của Đại Việt Dân Chính, đánh giá như sau : "đó là một sự kết hợp hỗn tạp của chủ nghĩa quốc gia trong đó có thành phần của chủ nghĩa Tam Dân, lại có cả thành phần của chủ nghĩa phát xít", ông Bách nhận định : "cái cương lĩnh hỗn tạp ấy dĩ nhiên không thể lôi kéo được quần chúng". Đó là tư tưởng của nhóm trí thức sáng giá nhất lúc đó. Việt Nam Quốc Dân Đảng thì cũng vẫn không có đường lối nào rõ rệt cả. Sau này Đại Việt Dân Chính sát nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng và các ông Tam, Long, Bách trở thành những nhân vật cốt cán của Việt Nam Quốc Dân Đảng, ta có thể hiểu rằng Việt Nam Quốc Dân Đảng tán thành cái "cương lĩnh hỗn tạp" đó. Vào thời điểm này, con người đầu tư vào tư tưởng nhiều nhất là ông Lý Đông A, nhưng luận thuyết của ông không phải là một cương lĩnh chính trị, nó chỉ giới hạn ở lý thuyết và lại mang nhiều ngộ nhận về mặt triết lý và ngôn ngữ. Vả lại Đảng Đại Việt Duy Dân của Lý Đông A không phát triển trong quần chúng, không đóng vai trò đáng kể nào trong những năm 1945-1946 cả.

Tư tưởng chỉ đạo đã như vậy, chiến lược của phe quốc gia lại quá nông cạn. Đa số các tổ chức ra đời lúc đó trông đợi Nhật đánh đổ chế độ thuộc địa Pháp và trao quyền cho họ. Họ không nhận ra một sự thật hiển nhiên là Nhật không thể đánh đổ Pháp ; Chính quyền Đông Dương của Pháp lúc đó phục tùng chính phủ Vichy, đồng minh của Đức, mà Đức lại là đồng minh của Nhật, nên Nhật không thể có ý định đánh đổ chính quyền thuộc địa Pháp. Vả lại Nhật còn nhiều vấn đề cấp bách khác cần phải đối phó hơn là đuổi Pháp để trao trả độc lập cho Việt Nam. Họ còn cần Pháp giữ gìn anh ninh trật tự, bảo đảm hậu cần cho họ tại Việt Nam. Pháp đã chấp nhận như vậy và đó là tất cả những gì Nhật muốn. Kiến Quốc Quân của Việt Nam Quang Phục Hội đã phải trả cái giá vô cùng đắt cho lòng tin ở Nhật, nhưng các đảng phái quốc gia vẫn chưa vỡ mộng, hoặc vỡ mộng nhưng không nhìn thấy đường lối nào khác. Nhật chỉ đảo chính Pháp khi Quốc Xã Đức đã đầu hàng và chính quyền thuộc địa Pháp sắp ngả theo phe Đồng Minh, nhưng lúc đó Nhật cũng đã tuyệt vọng và không còn nhờ cậy được nữa.

Đến khi Nhật đã thua rõ rệt, các nhóm quốc gia lưu vong lại ngả sang nương tựa Tưởng Giới Thạch.

Đường lối và chiến lược bao giờ cũng là căn bản khởi đầu của mọi cuộc đấu tranh chính trị.

Các đảng phái quốc gia đã thiếu đường lối và không có chiến lược chung nên đã không kết hợp được.

Người ta nói nhiều về khủng hoảng lãnh đạo và chê trách các lãnh tụ quốc gia lúc đó là nặng đầu óc lãnh tụ, không ai chịu ai. Nhưng đó chỉ là hiện tượng ngoài mặt, lý do căn bản là phe quốc gia đã thiếu đường lối và chiến lược. Khủng hoảng lãnh đạo là hậu quả tất nhiên của khủng hoảng về lập trường.

Tổ chức rời rạc, đường lối không có, chiến lược cũng không, các phe phái quốc gia nhỏ bé hoàn toàn rối loạn. Đầu năm 1945 cộng sản, dưới danh nghĩa Việt Minh, đã kiểm soát được tình hình.

cmt83

Các đội quân du kích từ các chiến khu tiến vào Hà Nội, tập trung trước Nhà hát lớn, ngày 30/8/1945.

Ông Trần Trọng Kim, thủ tướng chính phủ Nam Triều thành lập tháng 4/1945, một tháng sau ngày Nhật đảo chính Pháp, nhận định trong hồi ký Một Cơn Gió Bụi như sau : "Đảng Việt Minh lúc ấy rất hoạt động, đánh huyện này, phá huyện kia, lính Bảo An ở các nơi phần nhiều bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn nhưng cũng không chống lại nữa" ; tại miền Bắc, khâm sai Phan Kế Toại "sợ hãi và chán nản, chỉ nói chuyện xin từ chức". Đến gần ngày Nhật đầu hàng, ông Hồ Tá Khanh, bộ trưởng kinh tế của chính phủ Trần Trọng Kim, đề nghị "phong trào Việt Minh mạnh lắm, nội các Trần Trọng Kim nên thôi đi để cho họ làm việc may ra họ cứu được nước". Ông Hồ Tá Khanh không hề có cảm tình nào với Việt Minh cả.

Việt Minh không hề giấu giếm là sẽ dùng bạo lực để nắm chính quyền một mình vì lúc đó họ thấy mình là lực lượng duy nhất. Thủ tướng Trần Trọng Kim ra Bắc, bí mật tiếp xúc với họ xin thỏa hiệp, họ chỉ cử một "thiếu niên" (theo lời ông Trần Trọng Kim) tới gặp. Thiếu niên này không thèm xưng cả tên tuổi, chỉ nói thẳng cho ông Trần Trọng Kim hay là họ không cần hợp tác với ai cả, họ sẽ cướp toàn bộ chính quyền bằng võ lực dù cho nhân dân có mười phần chết chín đi nữa. Ông Trần Trọng Kim gởi hai bộ trưởng Phan Anh ra Bắc và Hồ Tá Khanh vào Nam để vận động các nhân sĩ, cả hai ông đều bị Việt Minh bắt giữ trên đường đi. Việt Minh đã kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.

Ngay khi Nhật đầu hàng, ngày 14/8/1945, Việt Minh lập tức khởi nghĩa làm chủ tình hình khắp nơi, tới ngày 19/8/1945 họ huy động dân chúng xuống đường tràn ngập các cơ quan và nắm chính quyền tại Hà Nội. Điều này chứng tỏ họ đã có kế hoạch chu đáo. Ngày 25/8, Bảo Đại thoái vị.

cmt84

Việt Minh khởi nghĩa làm chủ tình hình khắp nơi, tới ngày 19/8/1945 họ huy động dân chúng xuống đường tràn ngập các cơ quan và nắm chính quyền tại Hà Nội.

Ngày 2/9, ngày Nhật hoàng ký văn kiện đầu hàng cũng là ngày Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và công bố nội các đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Các đảng phái quốc gia hoàn toàn vắng mặt.

Tháng 10/1945, quân Trung Hoa tiến vào Việt Nam, đem theo một số lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Việt Cách). Nhờ sự che chở của quân Trung Hoa, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Cách bắt đầu công khai hoạt động, đả kích Việt Minh, đòi chia quyền. Báo Việt Nam của Việt Nam Quốc Dân Đảng bắt đầu đả kích cộng sản mạnh mẽ, Việt Cách lập được một trụ sở và một loa phóng thanh ở đường Quan Thánh. Trong hồi ký Những Ngày Chưa Quên ông Đoàn Thêm thuật lại là các buổi phát thanh của Việt Cách mới đầu lôi kéo cả ngàn người, nhưng càng về sau càng thưa thớt. Trần Thanh Hiệp có mặt tại trụ sở Quan Thánh trong suốt giai đoạn này cũng nhìn nhận như vậy. Ảnh hưởng của phe quốc gia chỉ giới hạn ở trong một vài khu phố tại Hà Nội, ra ngoài các khu này họ có thể bị bắt và bị thủ tiêu dễ dàng. Ngoài Hà Nội, các cán bộ phe quốc gia bị phát hiện sẽ bị thủ tiêu ngay. Người ta nói nhiều đến các chiến khu của phe quốc gia ở phía Bắc Hà Nội, nhưng mọi nhân chứng trong thời gian đó đều xác nhận đó chỉ là những thị xã hoàn toàn bị cô lập. Quân quốc gia ở đó trong đại bộ phận là các toán lính khố xanh của Pháp trước đây bơ vơ sau ngày Nhật đảo chính và được các lãnh tụ phe quốc gia kết nạp trên đường theo quân Trung Hoa về Hà Nội. Mỗi thị xã chỉ có vài chục tay súng và bị quân du kích Việt Minh vây kín. Sau này, khi các cấp lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng theo quân Trung Hoa rút về nước thì khi họ triệt thoái khỏi nơi đâu các thị xã lọt vào tay Việt Minh tới đó. Tất cả bị xóa bỏ trong vòng vài ngày.

Một số người quốc gia mong đợi quân Trung Hoa đánh dẹp Việt Minh giùm mình. Cũng may cho họ mà sự kiện này không xảy ra, nó không đem lại cho họ chính quyền mà chỉ khiến họ trở thành những kẻ phản quốc. Dù quân Trung Hoa có ra tay đánh Việt Minh chăng nữa, họ cũng chỉ có thể đẩy quân Việt Minh ra khỏi Hà Nội và Hải Phòng mà thôi, phần còn lại của cả lãnh thổ vẫn ở trong tay Việt Minh. Các tướng Trung Hoa biết như vậy nên mặc dầu họ không ưa Việt Minh và muốn bênh vực phe quốc gia, họ chỉ có thể làm áp lực để Việt Minh nhượng bộ phe quốc gia được phần nào hay phần ấy.

Chính do áp lực của quân Trung Hoa mà đầu tháng 3/1946, Hồ Chí Minh đã phải nhượng bộ giải tán chính phủ mà ông đã thành lập từ 6 tháng trước và chấp nhận thành lập một chính phủ liên hiệp với sự tham dự của những bộ trưởng thuộc các đảng phái quốc gia hay không có đảng phái. Vì Việt Minh đã làm chủ tình hình nên chính phủ này hoàn toàn không có một thẩm quyền nào cả. Ông Huỳnh Thúc Kháng (bộ trưởng Nội Vụ) tâm sự với ông Trần Trọng Kim rằng mọi quyết định đều do địa phương, ông không làm gì cả, còn ông Nguyễn Tường Tam thì nói rằng hồ sơ Bộ Ngoại Giao của ông chỉ có ba lá đơn của người Tàu nhờ tìm nhà và tìm hộ cái ví bị mất cắp. Khi quân Trung Hoa sắp rút đi, ông Nguyễn Hải Thần, phó chủ tịch chính phủ, bỏ nước sang Tàu. Các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng sau đó cũng theo đường Việt Trì, Yên Bái chạy sang Trung Hoa. Chính phủ liên hiệp tan rã sau bốn tháng. Từ đó Việt Minh thẳng tay tàn sát đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Chính phủ liên hiệp tháng 3/1946 dầu sao cũng đã có một tác dụng tốt cho phe quốc gia, nhờ đó mà các cán bộ phe quốc gia không bị tàn sát thẳng tay trong vài tháng. Sau này tôi có dịp nói chuyện nhiều lần với ông Vũ Hồng Khanh, chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhân vật quan trọng nhất của phe quốc gia lúc đó. Ông Khanh nói rằng nhờ có chính phủ liên hiệp mà nhiều đồng chí của ông đã có thì giờ trốn thoát hoặc sang Trung Hoa, hoặc sang những địa phương khác nếu không thì đã có thể bị tàn sát hết. Tôi nghe rất nhiều người chê ông Vũ Hồng Khanh là dở. Ông Vũ Hồng Khanh quả nhiên không phải là người lãnh đạo xuất sắc, ông kém về nhiều mặt, nhưng ông hơn đa số những người chê ông. Mỗi lần nghĩ tới ông, tôi lại nhớ tới câu nói của ông Ngô Thời Nhiệm : "gặp thời thế thế thời phải thế".

cmt86

Chính phủ liên hiệp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tháng 1/1946

Sức mạnh của Việt Minh so với phe quốc gia áp đảo đến nỗi cho tới mãi sau này đại đa số những người cộng sản có vai trò quan trọng vào thời điểm Cách Mạng Tháng Tám mà tôi đã được gặp, kể cả những người ngày nay đã thất vọng, chỉ coi các phe phái quốc gia lúc đó như là những bọn phá đám dựa hơi quân Trung Hoa, hay quân Pháp tại miền Nam, để gây khó khăn cho họ. Thái độ của họ, dù thiên vị, cũng phản ánh tương quan lực lượng lúc đó.

Cũng có người hiểu biết hơn, nhìn nhận rằng sau Cách Mạng Tháng Tám, phe quốc gia đã hoàn toàn tuyệt vọng nhưng lại chê nội các Trần Trọng Kim là hèn nhát đã đầu hàng Việt Minh và đã để cho Việt Minh chiếm cả nước, nhờ thế mới tạo được sức mạnh. Ông Trần Trọng Kim trả lời rằng những người này ở ngoài cuộc nên không biết rằng lúc đó nội các của ông không làm được gì khác hơn là đầu hàng. Trần Trọng Kim đã hỏi người chỉ huy Đoàn Thanh Niên Tiền Tuyến, đạo quân nòng cốt của chính phủ, và đã được người chỉ huy trả lời rằng cá nhân ông ta sẵn sàng chống lại Việt Minh, nhưng quân của ông ta thì không có gì bảo đảm. Các đội quân giữ kinh thành cũng đều đã ngả theo Việt Minh hết. Quân Nhật lúc đó có đề nghị dẹp quân Việt Minh giùm cho chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng ông Trần Trọng Kim đã từ chối vì thấy như vậy chỉ gây đổ máu vô ích. Quyết định của chính phủ Trần Trọng Kim là một quyết định sáng suốt của những người có lòng yêu nước và hiểu tình thế.

Cách Mạng Tháng Tám đã là một biến cố vĩ đại trong lịch sử nước ta. Kể từ khi người Pháp đánh chiếm Nam Bộ năm 1863, nước ta đã mất chủ quyền hết thảy 82 năm. Chúng ta đã tủi nhục vì ngoại thuộc trong suốt thời gian đó. Nhưng tủi nhục nhất là năm năm sau cùng. Trước đó chúng ta bị một cường quốc đô hộ nhưng từ năm 1940 trở đi khi Pháp đã bị Đức đánh bại, chúng ta bị một nhóm người Pháp đã mất nước, đã đầu hàng chế ngự và chà đạp mà không làm gì được. Đáng tủi nhất là đám thực dân đã mất nước này chẳng đông đảo gì. Sở dĩ họ đã đứng vững được là vì đã có những người Việt Nam tiếp tay cho họ. Mỉa mai thay, những người này về sau lại là rường cột của các chính quyền được gọi là quốc gia. Chưa bao giờ nước ta nhục đến thế. Ngày 19/8/1945 đã là ngày người Việt Nam đứng dậy, xác nhận nước Việt Nam cũng là một quốc gia như các quốc gia khác và người Việt Nam cũng là những con người như những con người khác trên thế giới.

Người cộng sản đã không cướp đoạt Cách Mạng Tháng Tám của ai. Họ đã chuẩn bị nó, tổ chức thành công nó sau khi đã chấp nhận muôn ngàn thử thách cho nó. Người cộng sản đã chịu phần hy sinh chính trong suốt khoảng thời gian 1931-1945. Máu người cộng sản đã đổ ra nhiều nhất và trong các nhà tù chính trị, tù nhân cộng sản đông gấp ba bốn lần tù nhân của tất cả các đảng phái quốc gia cộng lại. Người cộng sản Việt Nam đã tổ chức và lãnh đạo một mình cuộc khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam trong Cách Mạng Tháng Tám. Họ xứng đáng được hưởng trọn vẹn vinh quang của Cách Mạng Tháng Tám.

cmt80

Người cộng sản đã không cướp đoạt Cách Mạng Tháng Tám của ai. Họ đã chuẩn bị nó, tổ chức thành công nó sau khi đã chấp nhận muôn ngàn thử thách cho nó.

Nhưng những nhân chứng của Cách Mạng Tháng Tám đều nhớ rằng cuộc cách mạng ấy đã khởi đầu với những phát súng lục vừa động viên vừa uy hiếp tinh thần quần chúng. Chi tiết này tuy nhỏ mà quan trọng. Đó là thảm kịch của Cách Mạng Tháng Tám, bởi vì bạo lực đã là tinh thần chỉ đạo của nó cũng như của mọi chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam sau này và ngay cho tới bây giờ.

Bạo lực này đã tàn sát hàng trăm ngàn người yêu nước thực sự, những đứa con quả cảm nhất của tổ quốc đáng lẽ phải được tôn vinh nhưng đã bị giết chỉ vì không tán thành chủ nghĩa cộng sản.

Tôi phân tích và trình bày sức mạnh áp đảo của cộng sản vào giai đoạn trước và sau Cách Mạng Tháng Tám, không phải để tâng bốc họ mà để thấy rõ tội ác của họ. Với một sức mạnh và một khí thế vượt trội và hơn hẳn như thế, thực ra Việt Minh không cần gì phải tàn sát những người không cộng sản cả. Không ai làm gì được họ hết. Họ vẫn có thể lãnh đạo cuộc tranh đấu giành độc lập, và có lẽ còn thành công mau chóng và dễ dàng hơn nhiều, nếu không tàn sát những người quốc gia. Nhưng họ vẫn tàn sát, như họ đã tàn sát hàng vạn người trong Cải Cách Ruộng Đất, như họ đã hạ nhục tập thể và bỏ tù hàng loạt quân nhân và công chức miền Nam sau ngày 30/4/1975, bởi vì mục tiêu của họ không phải chỉ là giành độc lập mà là giành độc lập để thiết lập chủ nghĩa cộng sản. Họ đã tàn sát bởi vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào của họ, nếu có, cũng không có một trọng lượng nào so với chủ nghĩa Mác-Lênin mà họ tôn thờ. Có thể là người cộng sản cũng yêu nước nhưng họ không phải chỉ yêu nước mà còn yêu chủ nghĩa, và họ yêu chủ nghĩa hơn yêu nước và trước khi yêu nước.

Cuốn Thời Dựng Đảng của đảng cộng sản viết về ông Hồ Chí Minh như sau : "các chế độ đời đời nhớ ơn bác Hồ trước hết là người đã truyền bá chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam".

Ngày nay khi chủ nghĩa Mác-Lênin đã hiện hình trung thực dưới mắt mọi người và mọi dân tộc như một lầm lẫn tai hại thì những đam mê mà nó khơi dậy bỗng nhiên trở thành kệch cỡm một cách đáng thương và những tội ác mà người ta đã phạm nhân danh nó chỉ còn là một sự đần độn đẫm máu.

Nhưng tại sao "bài học 45" đã đi vào ký ức tập thể của những người chống cộng một cách sai lầm ?

Sau khi Nhật đầu hàng, người Pháp đã theo quân Anh trở lại Việt Nam và họ lập tức nổ súng chiếm lại các tỉnh phía Nam. Ngày 19/12/1946, chiến tranh thực sự bùng nổ tại miền Bắc và quân Pháp mau chóng chiếm được các thành phố. Đánh chiếm đến đâu, người Pháp lập các cở cấu cai trị đến đó. Năm 1947, họ gộp các cơ cấu này trọng một "chính phủ quốc gia Việt Nam" do một thiếu tướng quân đội Pháp gốc Việt là Nguyễn Văn Xuân cầm đầu. Nguyễn Văn Xuân trước đó một năm đã từng được Pháp cử làm phó chủ tịch "Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc" do Nguyễn Văn Thinh đứng đầu trong một âm mưu tách rời miền Nam khỏi Việt Nam. Âm mưu này thất bại và đã đưa đến cái chết trong ân hận của Nguyễn Văn Thinh nhưng cũng đã giúp cho Nguyễn Văn Xuân được Pháp thăng chức lên thiếu tướng. Chính phủ này là một sản phẩm của Pháp, gồm những người đã làm việc cho Pháp và đi lính cho Pháp. Năm 1948, chính phủ này được bàn giao cho Bảo Đại sau Hiệp ước Elysée ; nó được sự tham gia của một số nhân vật thuộc phe quốc gia trước đây. Nhưng nó hoàn toàn không dính dáng gì với phe quốc gia trước đây mà chỉ là sự tiếp nối của chính quyền thuộc địa Pháp. Các đảng phái quốc gia cũ vẫn tiếp tục bị ngược đãi ngay dưới các chính quyền quốc gia sau này. Gia đình tôi quen biết hai người bị kết án tù chung thân và bị đày ra Côn Đảo sau cuộc đảo chính của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930. Họ chỉ được phóng thích năm 1955, nghĩa là 7 năm sau các chính quyền gọi là quốc gia được thành lập và sau 25 năm tù đày vì "hạnh kiểm tốt". Ông Nguyễn Viết Nguyên, trưởng ban binh bị của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930, cũng ở trong một trường hợp tương tự.

Ông mất cuối năm 1960. Các đồng chí của ông không được chính quyền Ngô Đình Diệm cho phép làm tang lễ. Họ phải dọa nếu bị cấm sẽ bỏ quan tài ở giữa đường rồi giải tán, chính quyền Ngô Đình Diệm mới nhượng bộ. Trên đường đưa thi hài người anh hùng dân tộc đó đến nơi an nghỉ cuối cùng, cảnh sát đứng gờm gờm hai bên đường sẵn sàng can thiệp.

Tình thế đã thay đổi, độc lập đã trở thành một mục tiêu không thể chối cãi được, các ông quan lại, sĩ quan và cai đội thời Pháp thuộc bỗng dưng trở thành những người lãnh đạo cuộc tranh đấu "chống cộng để bảo vệ chính nghĩa quốc gia". Họ cần hạ uy tín của những người lãnh đạo phe quốc gia cũ, vì dầu sao đi nữa những người này cũng là những người yêu nước hơn họ, chống cộng hơn họ, và chính đáng hơn họ ngàn lần trước dân tộc và lịch sử. "Bài học 45" đã được chế tạo ra như vậy và cho mục đích đó. Dần dần vì được nhắc đi nhắc lại, nó đi vào ký ức tập thể của phe chống cộng. Nhồi sọ và xuyên tạc lịch sử không thuộc độc quyền của phe cộng sản.

Sau cùng, nếu cần rút ra bài học của Cách Mạng Tháng Tám ?

Trước hết, những gì đã xảy ra vào giai đoạn 1945-1946 không chứng tỏ rằng các lãnh tụ phe quốc gia đã dại dột khi liên hiệp với cộng sản. Chính phủ liên hiệp đã có lợi cho phe quốc gia. Nó đã cho phe quốc gia một thời gian tương đối yên ổn để hoạt động và tranh thủ quần chúng. Nhưng thời gian này quá ngắn để phe quốc gia có thể khai thác để thay đổi một tương quan lực lượng quá chênh lệch.

Giai đoạn 1945-1946 cũng không chứng tỏ rằng liên hiệp với cộng sản là chết. Trước đó cũng như trong lúc đó và sau đó đã có nhiều chính phủ liên hiệp tại nhiều quốc gia nhưng không phải phe cộng sản lúc nào cũng thắng, trái lại họ đã bại nhiều hơn thắng. Một chính phủ liên hiệp giữa hai phe không thể sống chung với nhhau chỉ tạo ra một tình huống mới và phe nào có tư thế để vận dụng được tình huống đó thì phe đó sẽ thắng.

"Bài học 45" thực sự là một cơ hội, chỉ là một cơ hội cho những ai đã tiên liệu nó, đã chuẩn bị cho nó, đã chờ đợi nó. Người Việt Nam nào, nhất là người Việt Nam không cộng sản, không thấy tủi hổ là sau những hy sinh cao cả của cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quốc Dân Đảng, hầu như suốt thập niên 1930, đa số trí thức Việt Nam đã trùm chăn hưởng thụ, đã say mê những câu thơ lãng mạn, trong khi thế giới biến động mạnh và bất ổn tại Châu Âu là điều có thể nhìn thấy và tiên liệu dễ dàng. Việt Nam đã không chuẩn bị cho cơ hội 1940 và đã không chuẩn bị kịp cho cơ hội 1945, vì thế Việt Nam đã là Việt Nam ngày nay. Trong chiều sâu, dân tộc nào không nhiều thì ít cũng xứng đáng với số phận của mình.

Mười sáu năm đã trôi qua kể từ ngày cả nước qui về một mối dưới chế độ cộng sản. Nếu các lực lượng dân chủ tiến bộ thực tâm chuẩn bị nghiêm túc thì chúng ta đã có nhiều cơ hội. Nhưng chúng ta không nhìn thấy những cơ hội đó. Chúng ta đã lãng phí thời giờ và nghị lực vào những hành động hời hợt và giả tạo chỉ có tác dụng làm thuốc tê cho cơn đau mất nước và làm thuốc an thần cho sự tuyệt vọng ngự trị trong lòng. Chúng ta đã không hình thành được một lực lượng có tầm vóc nào mà cũng chưa đạt tới đồng thuận về một đường lối đấu tranh nào. Nếu có cơ hội cứu nước thì với thực trạng hiện nay chúng ta cũng không có khả năng để chụp lấy.

Chuẩn bị cho một cuộc đổi đời và đổi chế độ là một việc phải làm âm thầm và kiên nhẫn từ lâu trước khi cơ hội tới. Phe quốc gia không chuẩn bị trong những năm 1930 nên đã không nắm được cơ hội 1940, và vì mới bắt đầu chuẩn bị từ 1940 trở đi nên đã không đúng hẹn với cơ hội 1945. Năm 1947, Việt Minh đã mất rất nhiều uy tín, nhân dân đã vô cùng bất mãn sau hai năm chịu đựng chính sách khủng bố thô bạo và chờ đợi một giải pháp mới nhưng vì không có một lực lượng dân tộc nào cả nên đã chỉ có giải pháp Bảo Đại. Năm 1954, khi Pháp đã bại trận và người Việt Nam có thể thực sự làm chủ được vận mệnh của mình thì cũng vì không có chuẩn bị nghiêm túc nào cả lại chỉ có Ngô Đình Diệm, con người đã từng hợp tác với Pháp, với Bảo Đại, đã đi đêm với Nhật và đã tiếp tay đắc lực đàn áp Việt Nam Quốc Dân Đảng khi đang làm quan. Khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ cũng chỉ có các tướng tá mà một phần khá lớn xuất thân từ hàng ngũ quân đội Pháp. Cuối cùng Việt Nam đã là Việt Nam ngày nay.

Trong công tác chuẩn bị, điều quan trọng nhất là chuẩn bị về tư tưởng. Một phong trào hành động luôn luôn phải được một trào lưu tư tưởng đi trước. Bởi vậy, đối thoại và thảo luận bộc trực là điều chúng ta không thể tiết kiệm. Và có lẽ trong khi chúng ta thẳng thắn trình bày những khác biệt chúng ta sẽ nhận ra là những khác biệt ấy không quan trọng lắm. Lúc đó chúng ta có thể nghĩ đến kết hợp. Chỉ có thể có kết hợp hành động giữa những con người đồng ý với nhau về mục tiêu phải đạt tới và về con đường phải đi.

Một yếu tố cũng vô cùng quan trọng là niềm tin bởi vì không thể có thắng lợi nếu không có lạc quan. Niềm tin này có ba vế : tin ở sự sụp đổ chắc chắn của chế độ cộng sản để mạnh dạn vượt lên trên những lô gích cũ, những lằn ranh cũ ; tin ở thế tất thắng của dân chủ để dứt khoát từ bỏ những tâm lý và phương pháp lỗi thời và hành động như những người dân chủ chân chính ; tin ở thiện chí của nhau để đừng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù và hoảng hốt coi những người khác lập trường với mình là phản bội.

Đảng cộng sản đã tiêu xài hết vốn liếng của họ. Vai trò lịch sử của họ đã hết. Trước những vấn đề lớn của đất nước họ không còn là giải pháp mà là chướng ngại. Hàng ngũ của họ đang tan rã.

Những con người từ những quá khứ xung đột đang nhìn cùng về một hướng và hướng đó không phải là hướng Mác-Lênin.

Như một trái cây đã chín, chế độ cộng sản sắp rụng. Nó có thể rụng vì bị rung cây, nó có thể rụng vì một cơn gió nhẹ và nó cũng có thể rụng vì đã quá chín dưới trọng lượng của chính nó. Đất nước này cần một giải pháp thay đổi. Chúng ta đang có cơ hội, tiếc rằng chúng ta đã không đủ chuẩn bị. Nhưng cơ hội vẫn còn đó và vẫn chờ đợi chúng ta.

Nhìn lại Cách Mạng Tháng Tám trước hết là để tái lập một sự thực lịch sử và để có thể rút ra những bài học xác đáng. Nhưng cũng có một lý do khác thúc đẩy tôi viết bài này. Đó là một sự tương đồng giữa thời lỳ 1940-1945 và tình hình hiện nay. Năm 1940 Pháp đã bị bại trận, đã hoang mang và rã rượi, mà chính quyền thuộc địa Pháp vẫn tiếp tục một cách hung bạo bởi vì người Việt Nam, trừ người cộng sản, đã không chuẩn bị trước để nắm lấy cơ hội. Ngày nay hệ thống cộng sản đã sụp đổ, các chế độ cộng sản còn lại chỉ còn là những đứa con côi của một sự phá sản ; không còn người Việt Nam nào, ngay cả những người trong guồng máy cộng sản, muốn chế độ này tiếp tục nữa, nhưng nó vẫn còn đó do quán lực của quá khứ. Quán lực này có một tên gọi : đó là sự sợ hãi. Sợ hãi cho tương lai mình trong một chế độ mới hay sợ hãi một bạo lực đang hấp hối. Chúng ta sẽ đánh bại được chế độ độc tài này nếu tháo gỡ được quán lực ấy. Lịch sử sẽ khai thông ngay vào lúc không còn ai sợ hãi nữa, và lịch sử sẽ thuộc về những ai tìm được giải pháp an toàn và danh dự cho tất cả mọi người.

Thế hệ 1990 phải hơn thế hệ 1940.

Nguyễn Gia Kiểng

Nguồn : Thông Luận số 41, tháng 9/1991

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm

Phần I

Dẫn nhập

Bắt đầu từ mùa Hè năm 1945, Thế chiến thứ hai khởi động từ 1939 đi vào giai đoạn kết thúc. Tại Âu Châu, nước Đức dần lâm thế bị động do cùng một lúc phải hứng chịu hai mặt giáp công. Cuộc tiến công từ hướng Tây gồm liên quân Hoa Kỳ, Anh, Pháp và đồng minh Tây Âu khởi sự từ lần đỗ bộ vĩ đại lên đất Pháp ở bãi biển Normandie vào ngày 6 tháng Sáu của năm trước. Đồng thời Hồng quân Liên Xô sau khi kết thúc chiến tranh ở Châu Âu với Đức đã xé bỏ Hiệp ước Bất tương xâm ký với Nhật trước kia và tấn công đạo quân Quan Đông của nước nầy nhằm chiếm đóng vùng Mãn Châu ở Bắc Á.

Ngày 6 và 9/8, Mỹ quyết định thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố kỹ nghệ Hiroshima và Nagasaki ; thấy rõ không thể cứu vãn được tình thế, ngày 15 tháng Tám, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Hậu quả của tình thế chung tác động trực tiếp đến các nước trong vùng Đông-Nam Á trong đó có Việt Nam. Và khi thế giới dần ra khỏi cơn ác mộng chiến tranh thì trên đất Việt lại bắt đầu dậy cơn lửa đạn với một lực lượng gọi là Mặt trận Việt Minh do Đảng cộng sản Đông Dương làm hạt nhân tổ chức và chỉ đạo.

Ðây là một chặng đường lịch sử vô cùng quan trọng vì đã tạo nên những biến động quyết định liên quan trực tiếp đến vận mệnh của đất nước và dân tộc Việt. Dẫu chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi của hai tháng Tám và Chín năm 1945, tuy nhiên từ yêu cầu khách quan và sự thật của lịch sử đã đến lúc cần viết lại để giải thích hiện tình Việt Nam ở thế kỷ 21 nầy. 

vietlai1

Đại diện Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng Đồng Minh trên chiến hạm Missouri ngày 2/9/1945 (file photo)

1.1. Để hiểu rõ tình thế của Việt Nam vào những ngày tháng 8/1945 chúng ta cần tìm hiểu Mặt trận Việt Minh là gì, do ai lãnh đạo và lực lượng nầy đã đưa đất nước đi về đâu… ? Câu trả lời đầu tiên cần nói rõ là : Mặt trận Việt Minh là tổ chức chính trị bạo lực đã cướp chính quyền hợp pháp của Vua Bảo Đại tại Hà Nội vào những ngày tháng 8/1945, cách đây đúng 77 năm.

Trước tiên cần nhắc lại những sự kiện chính trị liên quan đến tình thế Việt Nam. Do nhu cầu liên kết những nhà hoạt động cách mạng người Việt ở Trung Hoa trong thập niên 30-40 của thế kỷ trước với mục tiêu giành độc lập từ tay người Pháp, các ông Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần với sự giúp đỡ của Quốc Dân Đảng Trung Hoa đã thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Minh Hội tại Nam Kinh vào tháng 1/1936. Nhờ sự giới thiệu và uy tín của ông Hồ Học Lãm đối với nhà cầm quyền Trung Hoa Dân Quốc, vào gần cuối năm 1940 một số cán bộ cộng sản người Việt gồm Lâm Bá Kiệt được giới thiệu đến nhà cầm quyền Trung Hoa.

Lâm Bá Kiệt là bí danh của ông Phạm Văn Đồng là người sau nầy giữ chức thủ tướng của chế độ mới tại Hà Nội kể từ 1955. Thủ tướng Đồng cũng là người ký công hàm thuận nhượng Hoàng-Trường Sa cho Trung Quốc từ 14/9/1958 mà hậu quả di hại với thực trạng Biển Đông tại hôm nay. 

1.2. Vào đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh từ Trung Hoa về nước đặt căn cứ ở hang Pắc Bó, Châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để trực tiếp chỉ huy lực lượng cộng sản đang hoạt động ở ba nước Việt, Miên và Lào. Sau khi củng cố nội bộ, huấn luyện đảng viên, phát triển cơ sở, Nguyễn Ái Quốc tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương lần thứ 8 vào Tháng 5 năm 1941 đưa Trường Chinh Đặng Xuân Khu lên làm Tổng bí thư đảng chuẩn bị cho lần cướp chính quyền vào tháng 8/1945 tại Hà Nội. 

Ngày 19/5/1941 Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội gọi tắt là Mặt trận Việt Minh ra mắt công khai tại Cao Bằng (Lưu ý : thời điểm 19/5/1946 được sử dụng làm ngày sinh của Hồ Chí Minh với một mục đích chính trị khác). Kể từ đó, những đảng viên cộng sản Việt Nam, nhân viên của Quốc tế Cộng sản Nga-Hoa, hoạt động ở Trung Hoa cũng như ở trong nước Việt Nam đều núp dưới danh xưng Việt Minh nên đã đánh lừa được giới quan sát viên quốc tế cũng như tại Việt Nam.

Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh mới gồm đa số là đảng viên cộng sản, nắm rõ được biến chuyển của tình hình thế giới nhờ thông tin của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản và của cả OSS (Office of Strategic Services) tức là tổ chức tình báo của Hoa Kỳ, tiền thân của CIA (Central Intelligence Agency) ngày nay. Cũng do Việt Minh đã hợp tác với và cung cấp tin tức cho OSS về những hoạt động của quân đội Nhật Bản ở Đông Dương.

Từ tháng 4/1945, ban lãnh đạo Việt Minh bắt đầu tổ chức Ủy ban Giải phóng tại các vùng họ hoạt động, thống nhất các lực lượng võ trang thành Việt Nam Giải Phóng Quân đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Võ Nguyên Giáp, đồng thời thành lập các Ủy ban Dân tộc Giải phóng từ tháng 7/1945 đầy biến động nầy. Vì vậy ngay khi Nhật đầu hàng Mỹ vào ngày 14/8/1945, trong lúc lãnh tụ các đảng phái quốc gia chưa trở tay kịp vì thiếu thông tin liên lạc quốc tế và thiếu chuẩn bị khởi nghĩa trong nước thì Việt Minh ra lệnh cướp chính quyền ở khắp các tỉnh thuộc lãnh thổ Việt Nam.

vietlai2

Vua Bảo Đại giữa các sĩ quan Pháp và quan lại triều đình, năm 1945 (file photo)

1.3. Trở lại với Triều đình Huế với Vua Bảo Đại cùng lần thành hình của Đế Quốc Việt Nam.

Đế Quốc Việt Nam là một chính thể chỉ tồn tại từ 11/3 đến 23/8/1945 ; tuy  nhiên chỉ trong 5 tháng ngắn ngủi nầy, Nội các của Hoàng đế Bảo Đại đã thực hiện được một sự việc vô cùng quan trọng đối với lịch sử mà hôm nay cần nhận định lại để xét xem "Lý Chính Danh" thuộc về ai. Sự kiện quan trọng ấy là lần Tuyên bố Độc lập và Thống nhất qua việc tái nhập xứ Nam Kỳ vào lãnh thổ Việt Nam trên danh nghĩa. Chúng ta hôm nay có bổn phận nói rõ về biến cố lịch sử vô cùng quan trọng nầy mà hầu như số đông nhiều thế hệ người Việt đã không biết đến.

Cần nhắc lại những sự kiện quan trọng xẩy ra trong những năm từ 1939 đến 1945 của Đệ nhị thế chiến. Sau khi chính phủ Pháp ở Ba Lê đầu hàng quân Đức vào năm 1940 thì quân đội Pháp mất quyền kiểm soát Đông Dương và quyền này rơi vào tay người Nhật. Tuy nhiên người Nhật vẫn giữ lại những viên chức người Pháp và chỉ điều khiển sau hậu trường. Nhưng do yêu cầu của tình thế nên ngày 9/3/1945, Nhật đổi chính sách và thực hiện cuộc đảo chính ở Việt Nam nhằm bắt giam các tướng lãnh và tước khí giới của quân đội Pháp. Đại sứ Nhật ở Đông Dương là Matsumoto Shunichi giao cho đại diện Pháp là Đô đốc Jean Decoux tối hậu thư buộc người Pháp phải chấp nhận vô điều kiện quyền chỉ huy của Nhật trên mọi phương diện.

Ở Huế, Đại úy Kanebo Noburu vào trình báo Vua Bảo Đại quyền lực của Pháp đã bị loại bỏ. Hiện thực tình thế nầy giới chức lãnh đạo Nhật ở Đông Dương thỏa thuận trao trả độc lập cho Việt Nam trên danh nghĩa. Hai ngày sau, 11/3 vua Bảo Đại triệu cố vấn tối cao của Nhật là Đại sứ Yokoyama Masayuki vào điện Kiến Trung để tuyên bố nước Việt Nam Độc Lập. Bản tuyên ngôn độc lập này có chữ ký của sáu vị thượng thư trong Cơ Mật Viện là cơ quan hành pháp tối cao của Vương triều Bảo Đại. Đấy là các Thượng thư Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Ưng Úy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh Đạt và Trương Như Đính. Vua Bảo Đại công bố một chiếu chỉ đề ngày 27 tháng Giêng ta tức năm thứ 20 niên hiệu Bảo Đại đến với Quốc dân Việt Nam báo hiệu thời kỳ tự chủ, độc lập của đất nước. Nhà vua lên ngôi từ năm 1926 lúc mới 13 tuổi lúc còn đang du học ở Pháp.

1.4. Nhắc lại những sự kiện quan yếu kể trên để hiểu rõ hơn nội dung và tinh thần của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ bị người Pháp đô hộ kể từ năm 1884 trên toàn cõi nước Việt. Chiếu chỉ của Vua Bảo Đại có nội dung như sau:

"Theo tình hình thế giới nói chung và hiện tình Á Châu, chính phủ Việt Nam long trọng công bố rằng: "Kể từ ngày hôm nay, Hòa Ước Bảo Hộ ký kết với nước Pháp được hủy bỏ và vô hiệu hóa. Việt Nam thu hồi hoàn toàn chủ quyền của một Quốc gia Độc lập".

Với Dụ số 1 ra ngày 17/3, nhà vua nêu khẩu hiệu "Dân Vi Quý", có nghĩa lấy Dân Làm Quý là phương châm trị nước.

Nhà sử học Trần Trọng Kim được bổ làm Nội các Tổng trưởng thời kỳ mới, giao nhiệm vụ thành lập nội các vào ngày 17/4. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Độc Lập và ông Trần Trọng Kim trở thành vị Thủ tướng đầu tiên của lịch sử dân chủ của quốc gia Việt Nam. Với tập hợp được những trí thức có danh tiếng lúc bấy giờ, thành phần nội các ra mắt quốc dân ngày 19/4 gồm các vị :

- Tổng trưởng Nội các hay Thủ tướng : Giáo sư Sử học Trần Trọng Kim.

- Phó Tổng trưởng Nội các hay là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao : Luật sư Trần Văn Chương. Ông Trần Văn Chương chính là thân phụ của bà Ngô Đình Nhu, mà sau nầy ông giữ chức Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ cho đến biến cố Phật giáo năm 1963 xẩy ra ở trong nước.

- Bộ trưởng Nội vụ là Bác sĩ Trần Đình Nam là nhân vật sau nầy giữ nhiệm vụ Niên trưởng Giám sát Viện nền Đệ nhị Cộng Hòa Việt Nam (từ 1963 đến 1975).

- Bộ trưởng Tư pháp : Luật sư Trịnh Đình Thảo sau năm 1960 giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, tức là tổ chức chính trị do nhà nước Hà Nội dựng nên từ 1960 để làm bình phong che giấu âm mưu lấn chiếm miền Nam của Bộ Chính trị Trung ương Đảng cộng sản…

Với những thành phần có thể gọi là ưu tú nhất của xã hội Việt Nam thời bấy giờ mà cũng là hôm nay… Tiếc thay Nội các của Thủ tướng Trần lại không có được bản lãnh mưu thuật chính trị để đối đầu với sách lược xảo trá cộng sản do Hồ Chí Minh chỉ đạo. Thế nên vận nước dần chuyển theo một tình thế nguy nan do mưu đồ cướp chính quyền bằng bạo lực qua những nguyên nhân và diễn tiến liên tục xẩy ra trong những ngày của tháng 8/1945.

vietlai3

Thủ tướng Trần Trọng Kim (file photo)

1.5. Tháng 6/1945 Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim đặt Quốc hiệu là Đế Quốc Việt Nam ; lấy Quốc ca là bài Đăng Đàn Cung ; Quốc kỳ có "Nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình Quẻ Ly gồm Ba Vạch Màu Đỏ thẫm". Cần phải mở một dấu ngoặc ở đây để thấy rằng như thế Cờ Quẻ Ly của Đế Quốc Việt Nam đã là tiền thân của Quốc kỳ Quốc Gia Việt Nam (1948-1955) và Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975). Đây là cờ biểu tượng chính thống xuất hiện trên toàn lãnh thổ Việt Nam trước khi có lá cờ đỏ sao vàng của Chính phủ Lâm thời do Mặt trận Việt Minh cướp được từ chính quyền của Thủ tướng Trần Trọng Kim theo một biến cố sẽ trình bày trong phần tiếp theo sau.

Cũng cần nói thêm để biết được rằng : Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ sau nhiều vận động chính trị giữa cựu hoàng Bảo Đại và giới chức cao cấp của Pháp đã trở nên là một Biểu tượng Quốc gia chính thống cụ thể qua những biến cố sau đây :

Ngày 7/12/1947, tại cuộc họp trên tàu chiến Pháp ở Vịnh Hạ Long, cựu hoàng Bảo Đại và Pháp đã đàm phán và ký kết Hiệp ước Vịnh Hạ Long. Hiệp ước nầy thể hiện sự đồng thuận của hai bên về việc thành lập Quốc Gia Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp. Chính phủ quốc gia hoạt động dưới một hiến chương lâm thời, chọn Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ làm Quốc Kỳ và bản Thanh Niên Hành Khúc với lời nhạc được sửa đổi làm quốc ca. Ngày 5/6/1948, Quốc Gia Việt Nam ký kết với Pháp một Hiệp ước Vịnh Hạ Long khác, với nội dung Pháp công khai và trọng thể công nhận nền độc lập của Việt Nam.

1.6. Cuối cùng, tháng 1/1949, chính phủ Pháp thỏa thuận chấp nhận yêu cầu của Quốc trưởng Bảo Đại là miền đất Nam Kỳ phải trở lại với Quốc Gia Việt Nam. Ngày 8/3/1949 sau nhiều kỳ đàm phán, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã thuận ký kết Hiệp ước Elysée xác nhận nền độc lập của Việt Nam, chính thức thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại trước diễn trường chính trị thế giới.

Điển hình cho sự xác nhận nầy là sự kiện liên quan đến vấn đề hôm nay :

Tại Hòa hội San Francisco tháng 9/1951, trước sự hiện diện của 51 quốc gia trên toàn thế giới, đại diện Quốc Gia Việt Nam là Thủ tướng Trần Văn Hữu đã đọc bản tuyên bố xác định chủ quyền đã có từ lâu đời của Quốc gia Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với những lời lẽ hàm xúc và chứng cớ lịch sử chính xác, Thủ tướng Hữu đã long trọng tuyên cáo trước công luận thế giới chủ quyền toàn diện và tuyệt đối của Quốc Gia Việt Nam đối với vùng quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Hóa ra trong trận chiến giữ nước lực lượng quốc gia dân tộc luôn là những người bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hơn hẳn phía cộng sản.

Nay chúng ta nhắc lại lời của Thủ tướng Trần Văn Hữu như một chứng cớ hùng hồn nhất để nói cùng Bắc Kinh và Hà Nội quyết tâm sắt son của người Việt quốc gia :

"Thật là nghiêm trọng và cảm kích cho Việt Nam được đến San Francisco tham dự công việc của hội nghị hòa bình. Sở dĩ phái đoàn Việt Nam được hiện diện tại đây là nhờ các tử sĩ của nước Việt và lòng hy sinh vô bờ bến của dân tộc Việt Nam. Là một dân tộc đã chịu đựng biết bao đau khổ để được sống còn và giành sự trường tồn cho một nòi giống đã có hơn 4 ngàn năm lịch sử".

vietlai4

Hội nghị San Francisco đã chính thức công nhận việc Quốc Gia Việt Nam khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (file photo)

1.7. Cho dù không đứng vững được bao lâu, nhưng Nội các Trần Trọng Kim đã cố gắng đặt nền móng xây dựng một thể chế độc lập và tự chủ đầu tiên không lệ thuộc người Pháp. Tuy không được chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như thiếu rất nhiều về nhân sự và vật lực để điều hành một quốc gia vừa mới thành hình. Trong khi đó công tác đối ngoại thì phải cố gắng dung hòa giữa các thế lực quốc tế và chủ thuyết Đại Đông Á của Nhật, đối nội thì có nhiều phe phái muốn giành chính quyền, chính phủ mới vẫn đạt được một số điều kiện căn bản, nhóm lên nhiều hy vọng độc lập và tự chủ cho đất nước.

Trong những bước đầu tiên, Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Đình Thảo ra lệnh thả hàng ngàn tù nhân chính trị bị Pháp giam giữ từ trước trong đó có rất nhiều cán bộ cộng sản như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng. Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim còn thành lập Hội đồng Cải cách cai trị, tư pháp và tài chính gồm 16 nhân sĩ nổi danh được giao nhiệm vụ xúc tiến việc soạn thảo cơ cấu mới cho quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh giữ nhiệm vụ tổ chức Đội Thanh niên Tiền tuyến theo tinh thần quốc gia để huy động quốc dân giữ an ninh vì không có bộ quốc phòng. Bộ trưởng Phan Anh lại là một trong những nhân vật đầu tiên có mặt trong Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến với chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng do ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch vào năm sau, 1946. Sau khi Việt Minh buộc Hoàng đế Bảo Đại thoái vị trong ngày 23 Tháng Tám, Đội Thanh niên Tiền tuyến dưới quyền lãnh đạo của Phan Anh đi theo hẳn cộng sản, khởi đầu bi kịch Tháng Tám, và sự kiện Ngày 2/9/1945 tại Hà Nội.

_______________

Phần II 

2.1. Sau 77 năm chúng ta hẳn có đủ yếu tố để biết đâu là sự thật về ngày 19/8/1945 mà phía cộng sản kể cho đến hôm nay luôn gọi là ngày "cướp chính quyền". Để tìm hiểu nguyên nhân và diễn tiến về ngày biến cố kia xẩy ra như thế nào trong thực tế, chúng ta hãy trở lại từ đầu với những chứng cứ đã được lịch sử minh xác đồng nghĩa với sự thật.

Bởi cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài trong chín năm từ 1946 đến 1954 là của chung xương máu của toàn thể quốc dân Việt Nam chứ không riêng của Đảng cộng sản Việt Nam với những luận điệu chỉ có tính cách tuyên truyền trong quần chúng như : "Cách Mạng Tháng Tám của Việt Nam, hay Cách Mạng Tháng Mười của Liên Xô". Tuy nhiên vì đây là một dấu mốc vô cùng quan trọng quyết định nên vận mệnh của đất nước và dân tộc kéo dài trong một giai đoạn ngắn ngủi chỉ từ ngày 9/3 đến ngày 2/9 xuyên qua thời điểm 19/8/1945. 

2.2. Cần trở lại thời điểm : Bắt đầu từ năm 1940, một năm sau lần khởi cuộc Ðệ nhị Thế chiến, chính phủ Pháp ở Ba Lê đầu hàng quân Đức nên thuận nhường cho Nhật chủ trị Đông Dương vì lúc ấy Nhật là đồng minh gánh chịu nhiệm vụ chiến lược yểm trợ Đức ở mặt trận Châu Á. Vì lý do nầy, Toàn quyền Pháp ở Ðông Dương là Decoux thuận để cho quân Nhật vào Bắc Kỳ, Hải quân Nhật sử dụng hải cảng Hải Phòng, còn không quân Nhật được quyền chiếm đóng các phi trường Gia Lâm (Hà Nội), Lào Kay, Phủ Lạng Thương.

Cũng vì vậy máy bay và chiến hạm của Đồng minh (chủ yếu là Mỹ) đã tấn công các vị trí đóng quân của Nhật đóng trên lãnh thổ Việt Nam khiến cho đồng bào người Việt phải chịu nạn bom đạn chung với hai lực lượng quân sự Pháp và Nhật. Nhưng rồi sự hợp tác bất đắc dĩ giữa chính quyền bảo hộ của Thực dân Pháp và Phát-xít Nhật trên đất nước ta phải đến lúc chấm dứt. Do đó vào đêm 9/3/1945 Ðại sứ Nhật là Matsumoto Shunichi đã chính thức trao tối hậu thư cho Toàn quyền Jean Decoux, ra lệnh cho quân viễn chinh Pháp trên toàn cõi Việt Nam phải buông súng đầu hàng Nhật vô điều kiện.

vietlai5

Giải giới vũ khí quân đội Nhật tại Sài Gòn 1945 (file photo)

2.3. Cuộc đảo chính quân sự ngắn ngủi của quân đội Nhật trong đêm 9/3/1945 chấm dứt 80 năm đô hộ của Thực dân Pháp trên toàn cõi Ðông Dương. Nhưng chỉ sau một thời hạn ngắn, vì buộc phải ký hiệp ước đầu hàng đồng minh với Tướng McArthur đại diện Mỹ giữ vai chủ tọa ngày 2/9/1945 trên chiến hạm Missouri, quyền lực Nhật ở Đông Dương thật sự cáo chung khiến tạo nên một khoảng trống về quyền lực.

Do quân Đồng minh gồm liên quân Anh-Ấn chưa vào miền Nam (dưới vĩ tuyến 16), và quân Trung Hoa Dân Quốc chưa vào miền Bắc (trên vĩ tuyến 16) để giải giới quân Nhật theo như thỏa thuận của các cường quốc vừa thắng trận gồm Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc nên tình thế Việt Nam rơi vào tình trạng một quốc gia vô chủ quyền. Sự kiện cũng có nguyên nhân do hậu quả của việc Nội các của Thủ tướng Trần Trọng Kim tuyên bố giải nhiệm và Vua Bảo Đại thoái vị vì xúi dục có tính đe dọa của Phạm Khắc Hòe là cán bộ cộng sản giữ chức Chánh văn phòng nằm vùng bên cạnh nhà vua, và áp lực quần chúng do cán bộ cộng sản trong Mặt trận Việt Minh vận động, tổ chức.

2.4. Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim là một yếu tố chẳng đặng đừng của lịch sử được khai sinh do nhu cầu quân sự-chính trị của Nhật tại Đông Dương trong lúc quốc gia  nầy đang bị đồng minh bao vây khẩn cấp như đã trình bày ở phần I :

Chính phủ Trần Trọng Kim cũng có đủ đại diện ba miền gồm Phó Thủ tướng Trần Văn Chương gốc miền Nam ; hai bộ trưởng Hồ Tá Khanh và Trịnh Đình Thảo sinh tại Trung và Bắc nhưng sống tại Sài Gòn khi được mời tham gia chính phủ. Trong khi đó tại miền Nam các giáo phái và phe nhóm chính trị từ Đệ Tam tới Đệ Tứ cộng sản, lực lượng võ trang Bình Xuyên, các giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài đồng loạt xuất hiện trên sân khấu hội trường và đường phố trong một tình hình hỗn loạn vì không có chính phủ trung ương thực quyền kiểm soát.

Xứ ủy Nam Kỳ của Cộng sản Ðông Dương lại chia làm hai : Nhóm thứ nhất gồm Trần Văn Giàu, Bùi Công Trừng, Lý Chính Thắng với các tổ chức gồm công đoàn, hiệp hội nông dân, Thanh Niên Tiền Phong sử dụng cờ vàng sao đỏ, báo Tiền Phong làm cơ quan ngôn luận. Nhóm khác gồm Phạm Văn Vi, Nguyễn Thị Thập lập nên một xứ ủy Cộng sản Ðông Dương khác thuộc Mặt trận Việt Minh với kỳ hiệu cờ đỏ sao vàng có báo Giải Phóng chống lại nhóm của Trần Văn Giàu.

Sử sách của cộng sản và các học giả thiên tả thường hạ thấp giá trị những kế hoạch của chính phủ Trần Trọng Kim qua đánh giá chỉ là cải cách trên giấy tờ, thuần túy những tuyên cáo rất ít ảnh hưởng đến đám đông. Tuy nhiên các kế hoạch của chính phủ Trần Trọng Kim hiện nay cần được nghiên cứu đầy đủ hơn bởi kế hoạch ấy phản ảnh quan điểm tổng quát của giới thượng lưu trí thức người Việt thời bấy giờ về một nước Việt Nam không ảnh hưởng Pháp với tinh thần quốc gia dân tộc. 

2.5. Cũng cần nêu rõ sự khác biệt giữa Chính phủ Trần Trọng Kim và Chính phủ Lâm Thời do Hồ Chí Minh thành lập vào ngày 2/9/1945. Cũng bởi trong tháng 3/1945 kia, giới lãnh đạo miền Bắc chỉ sử dụng danh xưng Ðại Việt, trong khi ở miền Nam lại thích dùng từ "Việt Nam" và tại miền Trung thì dùng danh xưng "An Nam" hay "Ðại Nam". Tưởng cũng nên ghi nhận kể từ năm 1925, Nguyễn Sinh Côn, hay Hồ Chí Minh, mới "Việt Nam hóa" tổ chức thanh niên cộng sản do ông thành lập qua danh xưng Việt Nam Thanh Niên Kách Mệnh Ðồng Chí Hội.

Trước đó, trong Thỉnh nguyện thư 8 Điều gởi Tổng thống Wilson của Mỹ vào năm 1919 thì tên gọi của đảng chính trị đầu tiên do ông Côn đặt ra là An Nam Quốc Dân Hội. Năm 1930, ông Côn bị thất sủng với Ban Phương Ðông của Quốc tế Cộng sản vì tự động thống nhất các chi phái cộng sản thành Việt Nam Cộng Sản Ðảng ! Vì bị kết án là có khuynh hướng quốc gia dân tộc nên Nguyễn Sinh Côn, tức Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh, đã bị Mạc Tư Khoa thay thế bởi Trần Phú. Ông Phú được chỉ định trách nhiệm triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ nhất ở Ma Cao để cải danh thành Ðông Dương Cộng Sản Ðảng.

vietlai6

Sĩ quan OSS của Mỹ huấn luyện quân sự cho Việt Minh (file photo)

2.6. Nhắc lại những điều kể trên không phải là vô ích, với kinh nghiệm của những năm 30, 40 nên khi thành lập chính phủ trong ngày 2/9/1945 tại Hà Nội, ông Hồ tuyệt đối che giấu nguồn gốc cộng sản của bản thân và các thành viên trong Mặt trận Việt Minh. Sự che giấu toàn hảo đến nỗi không những chỉ quần chúng bị nhầm lẫn mà ngay những nhân viên tình báo Mỹ trong tổ chức OSS, tiền thân của CIA sau nầy, có thể cũng không khám phá ra tính chất và nguồn gốc cộng sản của những nhân vật gọi là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng v.v.

Quá trình và hậu quả của mưu đồ ngụy trang, che giấu nầy hiện thực cụ thể với hoạt cảnh như sau qua lời kể của nhân chứng Tô Hải viết lại trong hồi ký xuất bản tại hải ngoại (Hồi ký của Một Thằng Hèn - Tô Hải, Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, 2009) :

"Đúng Ngày 17 Tháng 8, 1945, đồng bào kéo nhau đến quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội họp mít-tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc mít-tinh bắt đầu được mấy phút bỗng hàng loạt cờ đỏ sao vàng được tung ra, cờ Quẻ Ly bị giật xuống và trên bục diễn giả xuất hiện một người đeo súng ngắn, đăng đàn diễn thuyết kêu gọi đồng bào đi theo Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật đòi lại áo cơm, tự do, xóa bỏ gông xiềng…

Cuộc mít-tinh của các ông bà công chức quốc gia với Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ bỗng nhiên bị thay thế bởi một lá Cờ Đỏ Sao Vàng rất lớn thả từ bao lơn của nhà hát xuống, rồi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu yểm trợ Việt Minh và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao. Thế là cuộc biểu tình của Tổng Đoàn Công Chức bỗng nhiên biến thành cuộc biểu tình của Mặt trận Việt Minh…

Những khẩu hiệu vừa phát ra đã có hàng ngàn người không biết từ đâu đến hô to hưởng ứng. Không một tiếng súng. Không một sự phản kháng từ ai, từ đâu dù trại lính Nhật ở cách đó chỉ khoảng 300 mét !".

2.7. Diễn tiến thật sự của cuộc chính biến gọi là "Cách Mạng Tháng Tám" nhanh chóng thành công ở Hà Nội như vừa kể ra. Tuy nhiên, sau nầy các nhà viết sử cộng sản luôn giấu kín sự thật của biến cố Mặt trận Việt Minh "cướp chính quyền" từ chính phủ quân chủ lập hiến hợp pháp của Thủ tướng Trần Trọng Kim diễn ra trong những ngày của tháng Tám và Chín năm 1945 tại Hà Nội. Biến cố tháng 8 và 9/1945 ở Việt Nam tương tự như lần lật đổ chính phủ Thủ tướng Kerensky ở nước Nga trong lúc nội tình nước này đang rối loạn vào năm 1917 do vận động khuynh đảo của đảng cộng sản dưới quyền lãnh đạo của Lenin.

Các nhà viết sử cộng sản cũng luôn giấu kín sự kiện ông Hồ đóng kịch hay cố tình bộc lộ tinh thần khâm phục đối với nước Mỹ khi soạn thảo văn kiện gọi là Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Công trường Ba Đình, Hà Nội vào ngày 2/9/1945. Ngày 1/9, trong vòng thân mật ông Hồ đã kín đáo hỏi ý kiến viên Thiếu tá OSS Archimedes Patti về việc lặp lại lời mở đầu "Con người sinh ra vốn bình đẵng…" của Tuyên Ngôn Độc Lập 1776 của Hoa Kỳ.

Không hiểu ông Hồ có thực lòng phục Mỹ hay không nhưng chắc một điều ông đã cố giấu kín nguồn gốc cộng sản của bản thân đối với người Mỹ và điều nầy ông đã thành công trong một mức độ khả thể khiến sách sử báo chí Âu Mỹ hiện tại vẫn gọi cán bộ cộng sản quốc tế Nguyễn Sinh Côn, Linov, Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc, hay cuối cùng Hồ Chí Minh là một "nhà cách mạng quốc gia, dân tộc". Lịch sử hôm nay còn nhiều điều cần phải được soi sáng giải thích đúng với sự thật. 

2.8. Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi (17/4 – 25/8/1945) giữa một tình thế vô cùng rối ren nên Nội các Trần Trọng Kim thường bị các nhà biên khảo đánh giá không chính xác, nhất là qua cách xuyên tạc vì mục tiêu chính trị của đảng cộng sản. Nhưng ngày nay nhiều sử gia với lăng kính vô tư đã phải công nhận rằng Nội các Trần Trọng Kim đã đề ra một sách lược phản ảnh đúng đắn về một nước Việt Nam độc lập không chịu ảnh hưởng của người Pháp.

Do nội các cụ Trần đã tập họp được một thành phần ưu tú nhất của đất nước như các vị Nguyễn Xuân Chữ, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam… Kể cả những giới chức sau nầy theo cộng sản như các luật sư Trịnh Đình Thảo, Phan Anh. Tất cả đã tạo nên một chính phủ với những nhân sự có thể gọi là ưu tú nhất của xã hội Việt Nam thời bấy giờ mà cũng là hôm nay. Tiếc thay Nội các của Thủ tướng Trần lại không có được bản lãnh mưu thuật chính trị để đối đầu với sách lược xảo trá cộng sản do Hồ Chí Minh chỉ đạo. Thế nên vận nước dần chuyển theo một tình thế nguy nan do mưu đồ cướp chính quyền bằng bạo lực như trên đã trình bày.     

2.9. Những yếu tố góp phần làm sụp đổ Nội các Trần Trọng Kim cũng có thể kể đến việc những cán bộ cộng sản như Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Minh Giám, Tôn Quang Phiệt, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Bạch v.v. đã trà trộn vào đủ mọi cơ quan từ trung ương ở Huế cho tới tận Nam Kỳ. 

Và việc nội các sụp đổ vào những ngày quân Nhật đầu hàng Ðồng Minh (15/9/1945) đã tạo nên một khoảng trống quyền lực khiến cộng sản dễ bề thao túng. Cụ thể về ngân quỹ dự trữ của Việt Nam tại Ngân hàng Ðông Dương, Nhật chẳng những rút hết số tiền đã có do Pháp ký thác hơn 800 triệu Phật Lăng mà còn in thêm tiền không bảo chứng, tạo tình trạng lạm phát, góp phần cho nạn đói và trộm cướp khắp nơi.

Mặc dù bị thành phần cộng sản trong Mặt trận Việt Minh phá hoại, xúi dục dân chúng đánh cướp các kho gạo dự trữ công cộng, hành hung cản trở viên chức phát gạo chẩn bần ; hoặc bất nhơn hơn là bán tin, chỉ điểm cho máy bay Hoa Kỳ đánh phá các trục giao thông, tàu thuyền chở gạo từ Nam ra Bắc khiến làm trầm trọng thêm nạn đói với hơn một triệu người chết đói, tuy nhiên, từ tháng 6/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đã ngăn được một phần nạn đói do trúng mùa chiêm và nhất là gạo trong Nam đã chở ra được ngoài Bắc dù Mỹ đã đặt mìn phong tỏa Hải Phòng cùng các hải cảng lớn.

Trong vấn đề cải cách, chính phủ đã ban hành lệnh giảm hay bỏ hẳn nhiều loại thuế bất công và bóc lột người dân nghèo có từ thời Pháp, nhất là loại thuế thân đánh vào mỗi thân phận người dân thuộc địa. Về giáo dục lấy chữ Quốc ngữ làm ngôn ngữ chính trong các chương trình giảng dạy, tổ chức khóa thi tiểu học đầu tiên bằng chữ Việt mới vừa cải cách. Chính phủ Trần Trọng Kim cũng lập ra một Ủy ban Quốc gia phụ trách nền quốc học.

Ðể chứng tỏ sự tự cường, tự do, chính phủ đã công bố nhiều buổi lễ, hồi phục và vinh danh các anh hùng liệt nữ mọi thời từ Hùng Vương Quốc Tổ cho tới những nam nữ liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chống Pháp xâm lăng. Tất cả tên các đường phố đều được đặt lại với tên các anh hùng của lịch sử Việt Nam như Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Thái Học. Báo chí cũng được dịp nở rộ và tự do phát triển. 

2.10. Tuy nhiên, công lao lớn nhất của chính phủ Trần Trọng Kim đáng được nhắc nhớ trong dòng lịch sử dân tộc là đã tranh đấu với chính phủ Nhật lấy lại tất cả lãnh thổ Việt Nam. Thật vậy, tương tự như Pháp, ban đầu người Nhật cũng chỉ hứa suông trả nước lại cho người Việt Nam, nhưng thực tế là chỉ nói miệng. Cũng nhờ chính phủ Trần Trọng Kim mềm mỏng dùng ngoại giao lần hồi chẳng những thu hồi được ba kỳ, mà còn lấy lại những thành phố nhượng địa cho Pháp như Hà Nội, Hải Phòng, và Ðà Nẵng vào tháng 7/1945.

Từ những thành quả như vừa kể ra, Vua Bảo Ðại mới ban hành 4 Ðạo Dụ thành lập Hội Ðồng Tư Vấn Quốc Gia để chuẩn bị soạn thảo Hiến pháp. Nhiều lãnh tụ chính trị miền Nam như Hồ Văn Ngà, Trần Văn Ân đều được tham dự trong Ủy ban của Chính phủ. Nhưng giữa lúc hòa bình đang hé lộ trên quê hương thì Nhật Bản đầu hàng, Thủ tướng Trần Trọng Kim từ chức và Vua Bảo Đại chưa kịp lập nội các mới. Tất cả tạo nên biến động chính trị làm thay đổi tất cả vận mệnh Việt Nam.

Nguyên ông Phạm Khắc Hòe, lúc ấy giữ chức Ngự Tiền Đổng Lý được gần gũi với Vua Bảo Đại nhưng lại làm nội ứng cho cộng sản, ông nầy gièm pha, kiếm chuyện ngăn cản không cho phái đoàn của Thủ tướng Trần Trọng Kim từ Huế vào Sài Gòn tiếp nhận chính quyền do Nhật giao lại. Tất cả đã tạo nên khoảng trống khiến nhóm hung thần cộng sản Nam Kỳ gồm Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trấn dễ dàng tổ chức chiếm đoạt một chính quyền bỏ trống.

vietlai7

Lính ngự lâm dâng ấn kiếm trong lễ trao lại ấn kiếm cho Cựu hoàng Bảo Đại (vietnamnet)

2.11. Khắp nơi những đảng phái và người quốc gia đều đứng lên chống Việt Minh.

Tại Nam Kỳ, nhóm Cộng sản Ðệ Tứ liên hợp với hai giáo phái Cao Ðài và Hòa Hảo thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất. Khâm sai Nam Kỳ Nguyễn Văn Sâm trước họng súng, cũng giao quyền cho Việt Minh. Cụ thể điển hình phải kể đến biến cố trong ngày 17/8, lực lượng Việt Minh đã đàn áp phong trào ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim do công chức Bắc Kỳ tổ chức tại Hà Nội, khiến cụ Nguyễn Xuân Chữ, Chủ tịch Ủy ban Chính trị tại Bắc Kỳ phải giao quyền cho cán bộ cộng sản, kéo theo sự sụp đổ hoàn toàn của Chính phủ Quốc gia.

Và cuối cùng, ngày 23/8/1945, Vua Bảo Ðại nghe theo lời xúi giục o ép của viên cán bộ cộng sản nằm vùng Phạm Khắc Hoè nên thoái vị trao ấn kiếm Vương triều Nguyễn cho đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu và Tôn Quang Phiệt. Cả hai thực chất là cán bộ cộng sản thuộc Đệ Tam Quốc Tế do Hồ Chí Minh chỉ đạo.

Một ánh lửa nhỏ cũng có thể gây nên một đám cháy rừng. Trong đêm đen thăm thẳm Việt Nam tám-mươi năm nô lệ, những đốm lửa từ que diêm nội các Trần Trọng Kim vừa thắp sáng niềm hy vọng của một đất nước sắp có Tự Do-Độc Lập-Thống Nhất thì giông tố cộng sản đã chuyển đến, đẩy vận mệnh dân tộc rơi vào một địa ngục tối tăm. 

vietlai8

Cờ vàng ba sọc đỏ tại Phủ Toàn quyền Hà Nội năm 1950

Kết từ

Ngày 13/7/2010, Giáo sư người Pháp Philippe Devilliers 90 tuổi, cựu phóng viên tờ Le Monde người có mặt tại Việt Nam vào những ngày của năm 1945, đã trao tặng cho cá nhân giáo sư Phan Huy Lê ở Hà Nội 203 tấm ảnh gọi những "tấm ảnh lịch sử".

Cụ thể theo báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn số ngày 19/8/2010, để kỷ niệm biến cố gọi là Cách Mạng Tháng Tám là tấm ảnh chụp cuộc biểu tình của "Tổng hội Công chức" trong ngày 17/8/1945 ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim với Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của công chức Hà Nội. Việt Nam đã được hai lần trao trả độc lập từ chính quyền Nhật và Pháp qua Vua Bảo Đại.

Cả hai lần độc lập Quốc gia đều bị Hồ Chí Minh và tổ chức cộng sản phá hỏng, đẩy đất nước vào hai cuộc chiến gọi là đuổi Pháp đánh Mỹ đẫm máu hoàn toàn không cần thiết. Đấy là những cuộc chiến được quyết định từ Châu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông với sự đồng thuận sau nầy từ Nixon, Kissinger là những người không hề biết đến Mối Đau Việt Nam.

Viết lại sau 77 năm (1945-2022)

Phan Nhật Nam

Nguồn : SaigonnhoNews, 28/08/2022

Additional Info

  • Author Phan Nhật Nam
Published in Tư liệu

Chúng ta đang ở giữa mùa kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8, giai đoạn hai tuần lễ sôi động từ ngày 19/08 đến ngày 02/09/1945 cách đây 70 năm. Đây là lúc để nhìn rõ mất mát đau đớn nhất của đất nước vào thời điểm này : sự tàn sát những người yêu nước chân chính. Đất nước đã ngã gục cùng với họ.

gucnga1

Cách Mạng Tháng 8 đã là khởi điểm của một cuộc nội chiến kéo dài 30 năm từ 1945 đến 1975, một cuộc nội chiến thảm khốc và không cần thiết, hơn thế nữa còn là tội ác. Ảnh minh họa Cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế 1968

Nội chiến cộng sản

Cách Mạng Tháng 8 đã là khởi điểm của một cuộc nội chiến kéo dài 30 năm từ 1945 đến 1975 chia ra làm hai giai đoạn, giai đoạn 1945-1954 mà Đảng Cộng Sản Việt Nam gọi là giai đoạn chống Pháp và giai đoạn 1954-1975 mà họ gọi là giai đoạn chống Mỹ. Phải nói thẳng : cả hai giai đoạn này đều chỉ là hai phần của một cuộc nội chiến thảm khốc và không cần thiết, hơn thế nữa còn là tội ác.

Không cần thiết trước hết vì không có cuộc nội chiến nào cần thiết cả. Không có gì tàn phá một quốc gia bằng một cuộc nội chiến bởi vì ngoài những đổ vỡ về vật chất và sinh mạng nội chiến còn hủy diệt cả tinh thần dân tộc và tình đồng bào, những nền tảng của một đất nước và rất khó khôi phục một khi đã đổ vỡ. Chính vì thế mà chưa có quốc gia nào đã có thể hồi phục nhanh chóng sau một cuộc nội chiến, ngay cả với một cố gắng hòa giải dân tộc thành thực. Không có lý do nào biện minh cho nội chiến và không có tội nào lớn hơn tội gây ra nội chiến.

Cuộc nội chiến 1945-1954 không cần thiết bởi vì vào thời điểm 1945, và ngay cả trước đó, sự cáo chung bắt buộc của các chế độ thực dân đã là một điều hiển nhiên đối với mọi người có chút kiến thức chính trị tối thiểu, sự thể hiện chỉ còn là một vấn đề thời gian. Dĩ nhiên chúng ta vẫn phải tranh đấu để giành lại chủ quyền trong những điều kiện thuận lợi nhất nhưng dứt khoát không cần chiến tranh. Vả lại nếu chúng ta có đoàn kết dân tộc thì chiến tranh đã không xảy ra, người Pháp sẽ không dám ngoan cố vô ích.

Cuộc nội chiến 1954-1975 càng vô lý vì Hoa Kỳ không phải là một cường quốc thực dân và cũng không hề có ý định xâm chiếm một nước nào cả. Vả lại nó đã được phát động khi sư hiện diện của Hoa Kỳ tại miền Nam còn chưa đáng kể so với sự hiện diện của Liên Xô và Trung Quốc tại miền Bắc.

Nhưng tại sao đã có cuộc nội chiến này ?

Đó là vì Đảng Cộng Sản không theo đuổi lý tưởng dân tộc mà theo đuổi lý tương cộng sản. Mục tiêu của họ không phải là độc lập và chủ quyền dân tộc mà là thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới. Đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh chủ nghĩa tư bản là nghĩa vụ thiêng liêng của những người cộng sản chân chính. Lê Duẩn đã từng nói : "Ta đánh là đánh cho Trung Quốc, cho Liên Xô". Độc lập chỉ là một chiêu bài được sử dụng để đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản mà vào thời điểm đó các lãnh tụ Đảng Cộng Sản Việt Nam tôn sùng như một chân lý tuyệt đối. Theo chủ nghĩa này các quốc gia chỉ là sản phẩm thống trị của giai cấp tư sản. Ở đây phải nói dứt khoát về một điều đã nhiều lần được nhắc lại : đã có rất nhiều người chiến đấu và hy sinh trong hàng ngũ cộng sản vì lý tưởng yêu nước. Đúng nhưng họ không có vai trò lãnh đạo nào cả.

Chính lý tưởng cộng sản đó đã khiến Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông lấy một quyết định nghiêm trọng là tàn sát các đảng viên của các đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt và những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Hàng trăm nghìn người đã bị giết hại trong và sau Cách Mạng Tháng 8. Nếu độc lập dân tộc là mục tiêu cao nhất thì không có lý do gì để bách hại họ. Đảng Cộng Sản đã tàn sát họ chỉ để giành độc quyền lãnh đạo một cuộc nội chiến trá hình dưới danh nghĩa kháng chiến tai hại cho Việt Nam nhưng cần thiết cho phong trào cộng sản thế giới.

Não trạng tiền chiến

Phải nhìn rõ giai đoạn 1930 - 1945, thường được gọi là giai đoạn của thơ văn và nhạc tiền chiến, để hiểu mất mát to lớn cho đất nước. Hy sinh bi hùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng trong cuộc khởi nghĩa 1930 và biến cố Xô Việt Nghệ Tĩnh năm 1931 đã không được tiếp nối bằng một ý thức dân tộc và một phong trào chính trị mà bằng một giai đoạn nở rộ của thơ văn lãng mạn và nhạc trữ tình kéo dài tới tận Cách Mạng Tháng 8, bất chấp cả Thế Chiến II. Nghịch lý này còn cần được phân tích thấu đáo hơn nhưng tựu chung nó có hai lý do.

Lý do thứ nhất là những người Việt Nam có học thức lúc đó - mà ta tạm gọi là trí thức - vẫn còn mang nặng văn hóa Khổng Giáo. Họ nhìn chính trị đơn giản là một con đường công danh và vai trò của kẻ sĩ chỉ là để làm dụng cụ cho một chính quyền chứ không phải là để đấu tranh cho một đất nước tươi đẹp hơn. Đại bộ phận những người đi học chỉ mang ước vọng được làm quan hay được sang giầu.

Lý do thứ hai là sau một nửa thế kỷ dưới quyền người Pháp một số người Việt Nam khá đông đảo đã biết đến và say mê văn hóa Pháp. Giai cấp trung lưu Việt Nam đã đọc và say mê văn thơ Pháp lúc đó cũng là văn thơ phong phú và tinh hoa nhất thế giới.

Hai lý do này kết hợp lại đã khiến quan tâm tới chính trị chỉ có nơi một thiểu số rất nhỏ trí thức Việt Nam. Thiểu số này có tăng lên đáng kể từ khi Thế Chiến II bùng nổ nhưng vẫn chỉ là một thiểu số nhỏ, không những ít về số lượng mà còn rời rạc và thiếu kiến thức chính trị. Một thành phần trí thức khác cũng quan tâm tới chính trị là trí thức cộng sản. Nhưng những người này đặt chủ nghĩa cộng sản lên trên hết và họ tranh đấu cho phong trào cộng sản thế giới chứ không phải cho dân tộc Việt Nam. Đối với họ yêu nước chỉ là yêu chủ nghĩa xã hội. Khẩu hiệu này vẫn cò được liên tục lặp lại cho đến cuối thập niên 1980.

Như đã nói ở phần trên những người yêu nước và đặt đất nước Việt Nam lên trên hết chỉ là một thiểu số, không những thế kiến thức và bản lĩnh chính trị cũng còn rất sơ sài, chủ yếu vì mới nhập cuộc và không được hướng dẫn. Ngọn đuốc Phan Châu Trinh đã tắt. Học giả duy nhất đề cập đến các vấn đề tư tưởng một cách có bài bản là Phạm Quỳnh cũng không quan tâm lắm tới các chủ đề chính trị. Tuy vậy những người này đã là những hạt nhân đầu tiên của một thành phần không thể thiếu cho một quốc gia đúng nghĩa nhưng nước ta vẫn chưa có : những trí thức chính trị. (Xin mở một ngoặc đơn để nói rằng cụm từ "trí thức chính trị" được dùng ở đây chỉ để nhấn mạnh tới quan tâm chính trị chứ thực ra không cần thiết. Trí thức tự nó đã là một khái niệm chính trị. Một trí thức đúng nghĩa phải có quan tâm chính trị, một chuyên gia dù kiến thức cao rộng tới đâu nhưng không quan tâm tới những vấn đề đặt ra cho đất nước cũng chỉ là một người lao động trí óc). Tuy sự hiểu biết về chính trị còn cần được bổ sung nhưng họ đã có những yếu tố quan trọng nhất của người trí thức chính trị : nguyện vọng phục vụ đất nước và ý chí đấu tranh bảo vệ quyền lợi dân tộc, ngay cả nếu phải trả giá. Những yếu tố này mới quan trọng vì không dễ học hỏi để có như kiến thức. Vả lại các lãnh tụ cộng sản cao nhất vào lúc đó cũng chỉ có trình độ hiểu biết rất sơ sài nếu xét qua những gì họ đã viết và nói hoặc những hồi ký của những người trong cuộc như Trần Đĩnh, Bùi Tín, Đoàn Duy Thành v.v.

Thành phần trí thức yêu nước này là thành quả của hơn hai thế kỷ tiếp xúc với phương Tây và gần một nửa thế kỷ cọ xát - nhiều khi tủi nhục - với người Pháp. Chính họ mới thực sự là ý chí, tinh thần và tình cảm của dân tộc. Những người học để mưu tìm danh vọng - cũng là đa số vào lúc đó - có thể hài lòng với mọi chế độ dù độc lập hay ngoại thuộc. Thiểu số cộng sản thì đã theo đuổi một lý tưởng khác trong đó quốc gia chỉ là dụng cụ thống trị của một giai cấp cần phải tiêu diệt. Lòng yêu nước của những người cộng sản ở thời điểm 1945 nếu có cũng không đáng kể.

Trọng lượng tương đối giữa hai khối trí thức quốc gia và cộng sản lúc đó như thế nào ? Dựa vào tài liệu của Đảng Cộng Sản và hồi ký của những người trong cuộc thì số đảng viên cộng sản lúc đó chỉ khoảng 2000 người, thành phần có trình độ học vấn từ lớp 10 trở lên rất ít và sự hiểu biết về chính trị cũng rất sơ sài. Phe quốc gia đông hơn hẳn, có trình độ văn hóa cao hơn hẳn và cũng có cơ sở quần chúng do cảm tình giành được sau sự hy sinh oanh liệt năm 1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tuy vậy trọng lượng không phải là sức mạnh, phe quốc gia không có tổ chức nên không có sức mạnh. Ngược lại Đảng Cộng Sản dù ít người nhưng đã kiểm soát được cả dư luận lẫn quần chúng và không chế được cả đại đa số trí thức vì có tổ chức chặt chẽ và vì một lý do khác quan trọng hơn nhiều cần được nhận diện thật rõ : họ là một tổ chức khủng bố. Một tổ chức khủng bố có thể làm tất cả những gì nó cần làm hay muốn làm và vì thế nó có sức mạnh ghê gớm. Bằng chứng là cả thế giới chung sức vẫn chưa dẹp được Al Qaeda.

Đảng Cộng Sản hoàn toàn làm chủ tình thế và đã tàn sát các thành phần quốc gia bởi vì nếu không họ chỉ là một thiểu số và sẽ không thể áp đặt cuộc "kháng chiến chống Pháp" và cướp đoạt chính nghĩa "yêu nước". Khi Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng Cộng Sản Việt Nam nói họ đã "cướp chính quyền" trong Cách Mạng Tháng 8 chúng ta phải hiểu là cướp từ những người quốc gia chứ không phải từ chính phủ Trần Trọng Kim, một chính phủ hoàn toàn không có thực chất.

Như đã nói những trí thức quốc gia là ý chí, tinh thần và tình cảm của dân tộc. Họ đã bị tàn sát gần hết trong và sau Cách Mạng Tháng 8 và đất nước đã đột quỵ cùng với họ. Đến nay chúng ta vẫn chưa hồi phục sau mất mát quá đau đớn này.

Sau Cách Mạng Tháng 8

Sau này nhưng bộ trưởng trong các chính quyền gọi là "quốc gia" - của Bảo Đại, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu - hầu hết chỉ là những trí thức công cụ, những người có thể có nhiều bằng cấp, đôi khi có cả kiến thức thực sự, nhưng không có tinh thần dân tộc và quyết tâm chính trị. Họ hoàn toàn không phải là những cấp lãnh đạo chính trị của một nước độc lập. Không phải là quá đáng nếu nói rằng các chính quyền này chỉ là sự nối dài của guồng máy thuộc địa cũ.

Còn trong hàng ngũ cộng sản ? Cũng chỉ có những trí thức tê liệt vì sợ hãi nên đã cúi đầu chịu làm những dụng cụ ngoan ngoãn cho một bộ máy khủng bố điều khiển bởi những người thiếu cả văn hóa lẫn tâm hồn. Một số đã cố che đậy sự khiếp nhược của mình bằng cách cũng tỏ ra quyết liệt và tin tưởng vào chính nghĩa của Đảng Cộng Sản, nhưng sự hèn nhát chỉ hèn nhát hơn khi nó cố làm ra vẻ hùng tráng.

Dần dần dưới các chính quyền quốc gia một lớp trí thức chính trị đã hình thành, nhưng họ chưa đủ mạnh để nắm lấy vai trò chủ động thì chiến thắng cộng sản 1975 đã ập đến và họ lại bị tiêu diệt. Sự tiêu diệt lần này không phải là tàn sát thẳng tay như trong Cách Mạng Tháng 8 mà bằng cách bỏ tù, đầy đọa và hạ nhục. Trí thức miền Nam không bị giết nhưng bị tàn phá nhân phẩm, ý chí và lòng tự hào. Ngay cả sau này có ra được nước ngoài họ cũng không thể hoàn toàn hồi phục. Đảng Cộng Sản đã hai lần tiêu diệt ý chí và tình cảm dân tộc và đã khiến chúng ta suy nhược một cách trầm trọng trong trí tuệ và tâm hồn. Điều này phải được nhìn rõ.

Sự suy nhược này chính là lý do khiến chế độ cộng sản vẫn còn tiếp tục sau hơn 40 năm dù phạm vô số sai lầm và tội ác, đã khiến nước ta tụt hậu và thua kém bi đát như ngày nay và đã trở thành một chế độ cực kỳ tham nhũng.

Kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8 là dịp để chúng ta, những con người Việt Nam hôm nay, suy nghĩ về một cợ hội đáng lẽ phải mở ra kỷ nguyên vinh quang nhưng lại chỉ mở đầu cho một thảm kịch đã kéo dài 70 năm và vẫn chưa chấm dứt.

Quan trọng hơn, để nghiêng mình kính cẩn trước những tinh hoa của đất nước đã bị sát hại. Cách tôn vinh đúng nhất đối với họ là thực hiện điều mà họ đã mơ ước và đã trả giá bằng tính mạng : một nước Việt Nam dân chủ và đáng tự hào.

Và muốn như thế thì đừng lặp lại sai lầm của họ vào thời điểm 1945. Đừng phân tán lực lượng.

Nguyễn Gia Kiểng

(26/8/2015)

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm

Câu tr li tng quát cho tiêu đ trên là : Cách mng tháng 8 năm 1945 là ca Đng, do Đng và vì s nghip xây dng xã hi ch nghĩa ca Đng cng sn Vit Nam. H qu là, Đảng cộng sản Việt Nam đã gt hái thành qu bước đu, còn nhân dân, dân tc, đt nước Vit Nam thì nhn lãnh hu qu bi thm kéo dài nhiu thp niên sau đó.

cachmang1

n kiếm ca vua Bo Đi bàn giao li cho chính quyn Cách mng trong bui l thoái v 30/8/1945 (Chú thích ca Bo tàng lch s quân s Vit Nam, 8/2020).

I. Cách mng tháng 8 năm 1945 là ca Đng, do đng và vì s nghip ca Đảng cộng sản Việt Nam

1. Lch s Cách mng tháng 8 – 1945

Theo Wikipedia.vn, đon viết v "Lch s Cách mng tháng 8/1945" có đon (xin trích nguyên văn) :

"Cách mng tháng Tám còn gi là tng khi nghĩa tháng Tám là tên gi ngành s hc chính thng ti Vit Nam hin nay dùng đ ch vic phong trào Vit Minh tiến hành khi nghĩa chng Đế quc Nht Bn, buc Đế quc Vit Nam bàn giao chính quyn trung ương và các đa phương và buc Bo Đi phi thoái v trong tháng 8 năm 1945.

Vic chuyn giao quyn lc được Chính ph Đế quc Vit Nam thc hin cơ bn trong hòa bình, ít có đng đ dù xy ra tranh chp vi lc lượng Nht, Đi Vit, Hòa Ho... mt s đa phương. Tr mt s đa phương tnh l như Hi Ninh (nay thuc Qung Ninh), Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Vĩnh Yên nm trong tay các đng phái khác như Đi Vit, Vit Nam Quc dân Đng... và quân Tưởng Gii Thch (Trung Quc) ; ch trong 10 ngày, cơ s chính quyn Vit Minh đã được thiết lp trên toàn b các tnh l trên khp Vit Nam (mun nht 28/8 : Đng Nai Thượng, Hà Tiên), hu hết đa phương trong c nước. Mt s nơi có khó khăn hơn như Hà Giang, quân Tưởng Gii Thch bc rút quân Nht (29/8) và gii phóng luôn tnh này, Cao Bng (giành chính quyn 21/8 nhưng sau đó quân Tưởng tràn vào), Lng Sơn (giành chính quyn sau đó quân Tưởng Gii Thch tràn vào, tháng 10 mi thành lp chính quyn cách mng), Vĩnh Yên (Quc dân Đng nm gi), Hi Ninh Móng Cái (Vit Nam Cách mnh Đng minh Hi nm), mt s đa bàn Qung Ninh (do Đi Vit, Vit Nam Cách mnh Đng minh Hi nm), Đà Lt (quân Nht còn kháng c mnh như ngày 3/10)...

Kết qu ca cuc cách mng là ngày 2 tháng 9 năm 1945, H Chí Minh đc bn Tuyên ngôn Đc lp Vit Nam, khai sinh ra nước Vit Nam Dân ch Cng hòa, đng thi cũng chm dt chế đ quân ch chuyên chế tn ti sut 2.000 năm trong lch s Vit Nam. Sau đó, Vit Nam Dân ch Cng hòa t chc Tng tuyn c năm 1946 trên phm vi c nước…" (hết trích)

Lch s trên dù da theo tài liu đa phn do các s gia ca Đảng cộng sản Việt Nam viết, song tương đi khách quan. Mt khách quan đáng lưu ý là Đảng cộng sản Việt Nam tha nhn cuc "Cách mng tháng 8/1945" Vit Minh (cộng sản) đã cướp chính quyn t vương quyn Bo Đi, ch không phi t Phát-Xít Nht hay thc dân Pháp.

2. Nhn đnh : Cách mng tháng 8/1945 là của Đảng, do Đảng và vì s nghip xây dng xã hi ch nghĩa ca đng cộng sản ti Vit Nam

Vì cuc Cách mng tháng 8 năm 1945 do Vit Minh (mt t chc trá hình ca Đảng cộng sản Việt Nam) mà người đng đu là ông H Chí Minh, mt đng viên cộng sản Đ tam quc tế, đã ch đo phát đng, tiến hành. Mc tiêu trước mt là đ cướp chính quyn t chế đ vương quyn Vit Nam (vi vua Bo Đi), khi đu tiến trình thc hin s nghip ti hu ca Đảng cộng sản Việt Nam, là xây dng chế đ xã hi ch nghĩa mai hu ti Vit Nam (Giai đon đu ca ch nghĩa cng sn). Cuc cách mng này tương t như cuc cách mng Tháng 10 Nga năm 1917 (Cách mng xã hội chủ nghĩa Nga), dưới s lãnh đo ca lãnh t cng đng Bolshevik Nga Vladimir Ilyich Lenin, đã cướp được chính quyn Nga hoàng Nikolas II, thiết lp Liên bang Cng hòa xã hi ch nghĩa xô-viết (gi tt là Liên-Xô).

Đây là nước cng sn (xã hi ch nghĩa) đu tiên trên thế gii. Có khác chăng là Lenin và đng cộng sản Bolshevik Nga, sau khi cướp được chính quyn mt thi gian ngn, đã thiết lp ngay mt chế đ xã hội chủ nghĩa. Trong khi H Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam sau khi cướp được chính quyn, mi khi đu quá trình thc hin s nghip xây dng xã hội chủ nghĩa. Vì khong mt năm sau Cách mng tháng 8/1945, Đảng cộng sản Việt Nam dưới mt n Vit Minh đã phi tm thi thiết lp chế đ "Vit Nam Dân ch Cng hòa" (ngy dân ch, ngy cng hòa) theo ch nghĩa dân ch tư sn.

S khác bit này là do :

1) bi cnh lch s Vit Nam lúc đó (Vua Bo Đi mi tiếp nhn ch quyn đc lp t Phát-xít Nht tháng 3/1945, ch ít tháng trước khi Nht trong phe trc đu hàng phe Đng minh, kết thúc Thế Chiến II) khác nước Nga (đang là nước Nga quân ch, đc lp, hòa bình, kinh tế tư bn ch nghĩa).

2) Thc lc ca Đảng cộng sản Việt Nam lúc đó còn yếu thế so vi các lc lượng quc gia, dân tc, dân ch.

3) Đi vi nhân dân trong nước, ch nghĩa cng sn còn xa l và còn được nhiu người dân Vit Nam loan truyn như là mt ch nghĩa ngoi lai "Tam vô" (vô gia đình, vô t quc, vô tôn giáo).

4) Đi vi thế gii, ch nghĩa cng sn đang b coi là mt him ha chung ca nhân loi sau Thế chiến II.

Chính vì vy, ông H và Đảng cộng sản Việt Nam đã phi tìm cách che du b mt cng sn bng t chc Vit Minh (viết tt ca Vit Nam Đc Lp Đng Minh hi) ; tuyên b gii tán đng cng sn. Đng thi, ngy dân tc vi chiêu bài chng ngoi xâm (chng thc dân Pháp, đánh đui phát-xít Nht) đ giành đc lp dân tc. Chính nh chiêu bài ngy trang này, ông H và Đảng cộng sản Việt Nam đã huy đng được lòng yêu nước, tinh thn chng ngoi xâm, giành đc lp dân tc ca mi tng lp nhân dân Vit Nam. H đã thành công bước đu là huy đng được sc mnh qun chúng xung đường biu tình nhiu nơi, trong nhiu ngày vào tháng 8/1945 và đã cướp được chính quyn nhanh gn, d dàng, ít đ máu. Mc du lúc đó lc lượng đng viên cng sn Vit Nam được biết ch khong 5000 người. Các lc lượng quc gia dân tc dân ch lãnh đo kháng chiến chng Pháp v s lượng đông hơn nhiu, nhưng thế phân tán.

II. H qu ca cuc Cách mng tháng 8 năm 1945

Thc tế lch s cho thy, cuc Cách mng tháng 8 năm 1945, Đảng cộng sản Việt Nam đã gt hái thành qu bước đu là cướp đượ chính quyn. Trong khi nhân dân, dân tc và đt nước Vit Nam phi gánh chu nhiu hu qu tàn hi kéo dài trong nhiu thp niên sau đó.

1. Đng cộng sản Việt Nam gt hái thành qu bước đu

Đó là Đảng cộng sản Việt Nam dưới mt n Vit Minh đã cướp được chính quyn t vương quyn Bo Đi, mc dù không thiết lp ngay được chế đ xã hi ch nghĩa, do điu kin khách quan cũng như ch quan chưa thun li.

Như vy là Đảng cộng sản Việt Nam dù thế yếu so vi các chính đng quc gia dân tc dân ch, nhưng nh khéo ngy trang che du b mt cng sn, đã huy đng được lòng yêu nước, tinh thn chng ngoi xâm ca nhân dân. Đng thi, biết li dng thi cơ giao thi, các đng viên cộng sản có tính t chc, tinh thn chiến đu cao, nên đã thành công trong bước đu là cướp được chính quyn, tuy chưa th thc hin được mc tiêu ti hu là xây dng chế đ xã hội chủ nghĩa. Vì thế Đảng cộng sản Việt Nam đã bt đc dĩ phi liên hip vi các lc lượng quc gia dân tc dân ch, thành lp chính ph liên hip Quc-Cng, hình thành chế đ ngy dân ch, ngy cng hòa (Vit Nam Dân Ch Cng Hòa) trên nn tng Hiến pháp năm 1946, đ che mt thế gii, la m nhân dân. T đó, Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tc s dng các b mt ngy to này đ theo đui cuc kháng chiến 9 năm chng Pháp cui cùng (1946-1954), cướp được chính quyn na nước Min Bc, bt đu xây dng xã hi ch nghĩa. Sau đó, Đảng cộng sản Việt Nam phát đng chiến tranh cng sn hóa Min Nam, song vn ngy trang dưới ngn c "kháng chiến chng M cu nước, gii phóng dân tc". Sau 21 năm (1954-1975) tiến hành chiến tranh, Đảng cộng sản Việt Nam đã cướp được chính quyn chính thng quc gia Vit Nam Cng Hòa Min Nam (kế tha chính danh quyn bính quc gia ca vương quyn Bo Đi), cng sn hóa c nước. Đây chính là thành qu sau cùng khi đi t cuc Cách mng tháng 8/1945 cướp được chính quyn, do Đảng cộng sản Việt Nam ch đo thc hin, dưới mt n Vit Minh. Đây cũng là mc tiêu cui cùng ca Đảng cộng sản Việt Nam đã đt được, bt đu minh danh chế đ "Cng hòa Xã hi ch nghĩa Vit Nam" không cn che du, sau ngày "Gii phóng Min Nam" vào ngày 30/4/1975. Như vy Cách mng tháng 8/1945 rõ ràng là của Đảng, do Đảng và vì s nghip xây dng xã hi ch nghĩa ca Đảng cộng sản Việt Nam ch không phi vì c lp-T do-Hnh phúc" cho dân tc và nhân dân. Vì "T quc xã hội chủ nghĩa Liên Xô" ca Đảng cộng sản Việt Nam, khác và đi kháng vi "T quc Vit Nam quc gia dân tc ch nghĩa Vit Nam". Vì vy

2. Hu qu Cách mng tháng 8/1945, nhân dân, dân tc và đt nước Vit Nam phi gánh chu là gì ?

Sau đây là mt s hu qu bi thm khi đi t Cách mng tháng 8/1945 :

1) Vit Nam mt cơ hi giành và gi đc lp rt sm, so vi các nước thuc đa ca các đế quc như Anh, Pháp trong vùng cũng như trên thế gii

Vì Cách mng tháng 8/1945, Vit Minh (cộng sản) đã cướp chính quyn t vương quyn Bo Đi mi được phát-xít Nht trao tr đc lp ít ngày, sau khi Nht đo chánh Pháp ngày 9/3/1945. Vua Bo Đi người tha kế chính danh chế đ vương quyn Vit Nam, đã tiếp nhn ch quyn và đc Tuyên ngôn đc lp ngày 11/3/1945 (1), ra chiếu ch son tho Hiến pháp (2). Đng thi, mt chính quyn quc gia đc lp đã hình thành ngày 17/4/1945 (Chính ph Trn Trng Kim). Chính quyn này đã công b và thc hin ngay quc kế dân sinh được hoch đnh. Trước hết vào ngày 4/5/1945, chính ph Trn Trng Kim quyết đnh quc hiu mi là Đế Quc Vit Nam, ch không dùng các danh xưng An Nam, Đi Nam hay Đi Vit. Kinh đô Huế được đi thành Thun Hóa. Ngày 2/6/1945, chính ph chn quc k Vit Nam nn vàng, ba sc đ theo hình qu ly. Quc ca là bài "Đăng đàn cung"…

Thc tế như vy, Vit nam đã giành và có th gi được đc lp rt sm, t tháng 3/1945 (có th là sm nht so vi mt s thuc đa khác trong vùng) (3) ; nếu như Vit Minh (cộng sản) không làm cách mng tháng 8/1945 cướp chính quyn. Vì tình hình quc tế lúc đó đã đi thay. Vào thi khong sau khi Thế chiến II kết thúc, ch nghĩa thc dân cũ bước vào thi k cáo chung, đã buc các đế quc cũ như Anh, Pháp, Tây ban nha, B đào nha sm mun phi trao tr đc lp cho các nước thuc đa. Trong bi cnh này, Vit Nam nht đnh s gi vng được đc lp, Pháp không th quay tr li cướp nước ta mt ln na.

Thc tế lúc đó, s dĩ Pháp đã theo chân quân đi Anh vào Vit Nam gii gii quân Nht đ tái lp chế đ thuc đa, có th là vì nhu cu chiến lược toàn cu mi hình thành sau Thế Chiến II (Chiến tranh ý thc h toàn cu gia cng sn ch nghĩa và tư bn ch nghĩa) nên các cường quc như Anh, M và đng minh tư bn, bt đc dĩ phi ym tr Pháp tr li, đ ngăn chn s bành trướng ca Vit Minh ti Vit Nam nói riêng và cng sn quc tế nói chung.

2) Nhân dân Vit Nam bt đu cuc kh nn trin miên trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, khi đi t sau Cách mng tháng 8/1945 :

- Kh nn trong chiến tranh. đó là hai cuc chiến tranh do Vit Minh phát đng, ch đo là, 9 năm kháng chiến chng Pháp (1946-1954) và 21 năm ni chiến Quc-Cng ct nhc tương tàn (1954-1975). Trong cuc chiến th hai này, hai min Bc-Nam đã b ngoi bang s dng như công c thc hin cuc chiến tranh ý thc h toàn cu gia hai phe cng sn hay xã hội chủ nghĩa (Đng đu là các "tân đế quc Đ Nga-Tàu") và phe tư bn ch nghĩa (lãnh đo là "tân đế quc Trng Hoa kỳ"…), hình thành sau Thế Chiến II (1939-1945). Chính trong bi cnh cuc chiến tranh này, các công c bn x Quc-Cng đã dùng vũ khí, bom đn ca ngoi bang sát hi nhau, tàn phá tan hoang đt nước, gây hn thù trong lòng dân tc, đ li hu qu nghiêm trng, toàn din và di hi lâu dài cho dân tc và đt nước.

- Kh nn trong hòa bình, là kh nn hu chiến khi Đảng cộng sản Việt Nam cưỡng ép nhân dân tiến lên xã hi ch nghĩa, mt xã hi không tưởng (lý tưởng cao đp, nhưng không th, không bao gi thc hin được). Thc tế 10 năm đu sau chiến tranh (1975-1985), "Đng ta" đã lãnh đo "nhân dân ta" thc hin trit đ th nghim mô hình "xã hi ch nghĩa" tht bi thm hi ; phi i mi" 10 năm kế tiếp vn không cu vãn được tht bi hoàn toàn và vĩnh vin. Sau cùng phi "M ca" xoay trc v phía tư bn ch nghĩa. Phi chăng, nhng kh i toàn din cơ cc lm than, mt hết t do, đói nghèo cơm áo mà nhân dân c nước phi gánh chu trong 20 năm xây dng xã hội chủ nghĩa không thành, chính là hu qu tàn hi khác trong hòa bình, khi đi t Cách mng tháng 8/1945 ?

III. Kết lun

Qua dn chng các s kin lch s và thc tin, qu thc Cách mng tháng 8/1945 là cách mng của Đảng, do Đảng và vì s nghip xây dng xã hi ch nghĩa ca Đảng cộng sản Việt Nam. Vì cuc cách mng y đã là bước khi đu dn đến các thành qu sau đó ca Đảng cộng sản Việt Nam ; là đã ln lượt cướp được chính quyn na nước Min Bc (1945-1954) và na nước Min Nam sau 30/4/1975, đưa c nước tiến lên xã hi "xã hi ch nghĩa". Nếu đây là thành qu khi đi t cách mng tháng 8/1945 ca ng ta", thì "nhân dân ta" đã phi gánh chu mt hu qu bi thm kéo dài nhiu thp niên sau đó, trong chiến tranh (1945-1975) cũng như trong hòa bình (1975-1995) khi c nước đi lên xã hi ch nghĩa dưới s lãnh đo ca ng ta". Tiếc rng, s nghip xây dng ca đng ta không thành, mà nhân dân ta, dân tc ta, đt nước ta đã phi tr mt giá quá đt phi không ?

Houston, ngày 10/8/2021

Thin Ý

Nguồn : VOA, 24/08/2021

Chú thích

(1) Vua Bo Đi công b Bn Tuyên ngôn Độc lập ngày 11/3/1945. Nguyên văn như sau :

"Chiếu tình hình thế gii nói chung và tình hình Á Châu nói riêng, chính ph Vit Nam long trng công khai tuyên b, k t ngày hôm nay hip ước bo h ký vi Pháp [năm 1884] được bãi b và đt nước thu hi ch quyn đc lp quc gia.

Nước Vit Nam c gng t lc, t cường đ xng đáng là mt quc gia đc lp và s theo đường hướng ca bn tuyên ngôn chung ca khi Đi Đông Á, hu giúp đ nhau tài nguyên cho nn thnh vượng chung.

Vì vy, chính ph nước Vit Nam đã đt tin tưởng vào s thành tín ca nước Nht, và đã có quyết đnh cng tác vi nước ny, hu đt mc đích nói trên.

Khâm th,

Huế, ngày 27 tháng giêng năm th 20 triu Bo Đi"

(Theo tài liu ca s gia Trn Gia Phng trích : Bo Đi, sđd. tr. 162.)

(2) Ngày 8/5/1945, nhà vua đưa ra ch trương xây dng mt hiến pháp theo khu hiu "Dân vi quý" ca Mnh T, và ngày 30/6/1945, nhà vua ban hành sc d thành lp Hi đng son tho hiến pháp. Hi đng mi bt đu làm vic, thì tình hình thay đi nhanh chóng. Vì thế mi chính sách đi ni và đi ngoi ca chính ph Trn Trng Kim trong tư thế mt quc gia đc lp, đã công b và bt đu đi vào thc hin chưa được bao lâu thì b Vit Minh cng sn cướp chính quyn vào tháng 8/1945 đưa đến ngày 2/9/1945 như là ngày quc nn ca quc dân và dân tc Vit Nam.

(3) Cách mạng tháng 8/1945 đã làm mt cơ hi đc lp cho Vit Nam rt sm (3/1945) sm hơn nhiu quc gia thuc đa khác trong vùng như : Indonesia thuc đa ca đế quc Anh (1981-1941) b phát-xít Nht chiếm đóng (1941-1945) giành đc lp vào tháng 8/1945, thành lp nước Cng hòa Indonesia ; Philippines trước là thuc đa Tây Ban Nha, năm 1898 giành đc lp, thành lp Cng hòa Philippines, Thế chiến II b Nht chiếm đóng giành li đc lp dân tc vào tháng 8/1945 ; n Đ, Pakistan, Bangladesh thuc đa ca đế quc Anh, được trao tr đc lp năm 1947 Vit Nam, nếu không b Vit Minh cng sn cướp chính quyn vào tháng 8/1945, thì đã được đc lp và có ngày quc khánh vào ngày 11/3/1945, khai sinh ra chế đ quân ch lp hiến, vi quc hiu ế quc Vit nam".

Additional Info

  • Author Thiện Ý
Published in Diễn đàn

Đảng cộng sản Việt Nam ngụy biện là đã đánh đuổi được hai đế quốc Pháp-Nhật, giải phóng cho dân tộc lúc ấy, chỉ là một tuyên truyền vô căn cứ để mê hoặc dân chúng"

Bác sĩ Nguyễn Tường Bách

Nếu Mặt trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh không đồng ý mà cứ đoạt chính quyền trước, thì Mặt trận Việt Minh cũng sẽ đoạt ngay hết chính quyền ở các tỉnh ; đồng thời cho phá vỡ ngay đê sông Hồng cho nước tràn đầy Hà Nội, cô lập hóa Thủ đô theo kế hoạch đã được bố trí sẵn sàng".

Đại biểu Mặt Trận Việt Minh

-----------oooOooo-----------

75 năm nhìn lại ngày 19/08/1945 : 1945 – 2020

Tại sao các đảng phái quốc gia để Việt Minh cướp chính quyền ?

(để tưởng nhớ Phụ thân)

cm1

Bộ đội Việt Minh hân hoan trên đường phố Hà Nội trong những ngày tháng 8/1945 - Ảnh minh họa (Wikipedia)

Trong những ngày tiếp theo ngày Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh, ngày 15/08/1945, khi ấy Việt Minh mới đe dọa cướp chính quyền nhưng chưa thực sự sẵn sàng vì các lãnh tụ của đảng này còn đang bận họp ở Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang). Tất cả mọi hoạt động là do các cán bộ địa phương quyết định trong những giờ phút chót. Trong khi đó thì Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại vẫn còn tại chức, Chính phủ Trần Trọng Kim trong tháng Bảy lại vừa thành công thâu hồi được xứ Nam Kỳ và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng trước đó đã bị nhường cho người Pháp. Đặc biệt hơn nữa, Hoàng đế Bảo Đại đã ban hành bốn Đạo dụ và một Đạo sắc nhằm thiết lập những cơ cấu đầu tiên cần cho một chế độ quân chủ lập hiến, trong đó nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả tự do nghiệp đoàn, được tôn trọng.

Đây là những điều mọi người đương thời, và ngay cả hiện tại, ai nấy đều mong muốn. Câu hỏi được đặt ra là trước tình hình này các đảng phái quốc gia đã những hoạt động gì để đối phó với tình thế có thể thay đổi bất ngờ hay họ đã hoàn toàn thụ động, chờ thời cho đến khi quá muộn ? Đây là điều mọi người muốn biết. Câu trả lời là có.

Có ít nhất ba sự kiện đã được ghi nhận, đó là :

- Cuộc tiếp xúc giữa Khâm sai Phan Kế Toại và Đại Việt Quốc Xã Nguyễn Xuân Tiếu ;

- Cuộc xâm nhập Phủ Khâm sai của lực lượng võ trang của Nguyễn Xuân Tiếu chiều ngày 17/8 ;

- Hai cuộc họp ngày 11 và 17/8 của đại diện các đảng.

Cuộc tiếp xúc ở Phủ Khâm sai

Mở đầu là cuộc tiếp xúc ở Phủ Khâm sai : Cuộc họp mặt này có sự tham dự của Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ và được Bác sĩ Chữ ghi lại trong hồi ký của ông. Bác sĩ Chữ không nói rõ là ngày nào nhưng cho biết là "nội buổi tối" sau khi ông mới nói về chuyện Nhật hoàng hạ lệnh cho quân đội Nhật giải giáp ở mọi nơi, khiến ta có thể hiểu là tối ngày 15/8.

Tối hôm đó Bác sĩ Chữ được Phan Kế Toại cho xe ra đón vào Phủ để giải quyết một vấn đề khẩn cấp. "Đến nơi, thấy trước đại quan có hai người khách ngồi nói chuyện biết đấy là lãnh tụ và phó lãnh tụ của một đảng cách mệnh đã từng cộng tác chặt chẽ với quân đội Nhật thời kỳ đảo chính". Bác sĩ Chữ không cho biết tên hai người này nhưng theo tác giả Hoàng Văn Đào vị lãnh tụ này là Nguyễn Xuân Tiếu của Đại Việt Quốc Xã [i] "là một đảng được người Nhật giúp đỡ nên rất hoạt động trong thời Nhật chiếm đóng. Đảng này công khai hoạt động, có trụ sở ỏ nhiều nơi và thu hút được khá nhiều thanh niên yêu nước" [ii]. Hai nhân vật này đến "với mục đích ép ông Khâm sai từ chức để nhường chức cho lãnh tụ đảng". Vì cho rằng đòi hỏi như vậy là quá đáng, lại ra ngoài pháp lý, Bác sĩ Chữ yêu cầu được nói chuyện riêng với hai nhà cách mệnh. Chi tiết của cuộc đối thoại giữa hai bên đã được ông kể lại như sau :

Lãnh tụ nói :

- Người Nhật chỉ tin có chúng tôi và chỉ giao khí giới cho chúng tôi.

- Người Nhật cũng đã giao khí giới cho ông Phan Kế Toại ở nơi Bảo An Binh.

- Nhưng cần phải có tất cả khí giới hiện ở tay người Nhật trước khi quân đội Nhật giải giới.

- Mỗ y sĩ ngờ là nhân vật Nhật, đã nói đến nhiều lần, bầy mưu kế cho hai nhà lãnh tụ.

"Nếu người Nhật quả thật chỉ tin có các vị, người Nhật phải chính thức đề đạt các vị nơi Triều đình Huế để Triều đình bổ nhiệm, sau khi đã cất chức ông Phan Kế Toại hoặc bắt họ Phan từ chức. Một đường quan chỉ có thể từ chức trước Triều đình. Chưa bao giờ có chuyện một công khanh từ chức với một người để nhường địa vị cho người ấy. Nếu các vị muốn sung chức Khâm sai, tất phải làm một cuộc đảo chính, hạ đương sự mà thay thế".

Không biết ông Khâm sai có từ chức hay không ?

Nhưng mỗ y sĩ cảm thấy ông không muốn ngồi ở địa vị trước tình thế khó khăn. Cho nên về sau, nhân cơ hội, ông đã lặng lẽ đặt trách nhiệm nặng nề vào mỗ y sĩ. Ngày ấy và cho đến bây giờ người ta vẫn cho rằng mỗ y sĩ đã lĩnh chức Khâm sai. Sự thực không phải thế [iii].

Điều cần để ý ở đây là tại sao hai vị lãnh tụ kể trên lại nêu vấn đề "cần phải có tất cả khí giới ở tay người Nhật trước khi quân đội Nhật giải giới" ? Câu trả lời đã được Bác sĩ Chữ gián tiếp cho biết khi ông kể lại sự kiện "một toán đông người không ai ngăn cản, rầm rộ kéo vào tận sân Bắc Bộ Phủ, yêu cầu chính quyền bắt nhốt tất cả người Pháp lại". Lý do là vì "Người Nhật, sau ngày đảo chính không hề bắt nhốt người Pháp, ngoài những nhân vật quan trọng" [iv].

Cuộc xâm nhập Phủ Khâm sai

Nói cách khác, đó là để chống lại người Pháp nổi dậy tái lập chế độ bảo hộ của họ, điều mọi người Việt Nam ở thời này đều e ngại và đề phòng. Sự kiện này phù hợp với những gì Hoàng Văn Đào ghi rõ hơn trong tác phẩm của ông là sau khi gặp Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ và bị Bác sĩ Chữ bác bỏ đề nghị Phan Kế Toại từ chức của Nguyễn Xuân Tiếu, Nguyễn Xuân Tiếu đã quyết tâm đảo chính. Nguyên văn lời viết của tác giả Hoàng Văn Đào như sau :

Hôm ấy vào buổi chiều ngày 17 tháng 8, Nguyễn Xuân Tiếu cùng 4 vị sĩ quan Nhật Bản hoá trang, mỗi người vai đeo một khẩu tiểu liên, ngoài phủ chiếc áo dài thâm Việt Nam, hướng dẫn 300 thanh niên võ trang súng trường, không ai ngăn cản, rầm rộ tiến vào Khâm sai phủ. Một cuộc mà bề ngoài coi như là "Biểu Tình", đòi Chính quyền bắt nhốt hết tất cả người Pháp lại.

Đổng Lý văn phòng Khâm sai họ Phạm trả lời : "Chính quyền sẽ giải quyết nguyện vọng".

Giữa khi ấy, một cán bộ trong Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh được phái đến mật báo cho ông Tiếu biết rằng" Quân đội Pháp ở trong thành đã đào lấy lên được một số võ khí quan trọng mà chúng đã chôn dấu từ trước, quyết định tối nay tràn ra đánh chiếm Hà Nội yêu cầu tạm lui quân để chặn đánh Pháp trước, rồi sáng mai hãy đoạt chính quyền chưa muộn".

Nguyễn Xuân Tiếu còn đương phân vân chưa quyết định. Lãnh tụ Trương Tử Anh cỡi xe đạp tới, cùng báo mật tin như trên, và yêu cầu giao ngay số 300 thanh niên võ trang lại cho họ Trương, kịp gấp đi bố trí các nơi, phòng bị Pháp quân từ trong thành đánh ra.

Tức thời Trương Tử Anh chỉ huy 300 thanh niên võ trang ra khỏi Khâm sai phủ. Nguyễn Xuân Tiếu cùng 4 sĩ quan Nhật Bản cùng nhau trở về. Chờ mãi tới đêm 18 rạng ngày 19 mới thấy một số thanh niên trở về báo cho Nguyễn Xuân Tiếu biết : "Lãnh tụ họ Trương đã trao họ cho Trung và Quế tức Cối Kê là Hiến binh Nhật Bản, bị tên Quế tước hết khí giới, rồi đưa đến giữ ở trong trại Bảo An Binh" [v].

So sánh nội dung đoạn sách kể trên với nội dung văn thư Phan Kế Toại gửi cho các ủy viên Ủy ban Giám đốc Chính trị thông báo từ chức cũng như lời kể của Nguyễn Xuân Chữ, việc Đại Việt Quốc Gia Liên Minh dự định đảo chính ở Phủ Khâm sai trước khi Việt Minh cướp chính quyền là có thực. Chi tiết này cũng được Đoàn Thêm ghi vắn tắt mấy chữ : 18-8-1945 : Bắc-bộ-phủ bị quần-chúng ùa tới bao vây, Khâm-Sai Phan-kế-Toại vắng mặt, rồi loan tin từ chức [vi] .

Hai cuộc họp lịch sử ngày 11 và 17/8 tháng 8

Câu hỏi được đặt ra là tại sao nỗ lực kể trên đã bị đã bị thất bại ? Câu trả lời là vì phía những người quốc gia không có lập trường dứt khoát và thống nhất, chưa kể tới chủ quan, khinh địch, hiểu sai và coi nhẹ thế lực của Việt Minh và không hiểu rõ vai trò của quân đội Nhật và Đồng Minh ở vào thời điểm này và luôn luôn e ngại bị Đồng Minh cho là thân Nhật. Điều này có thể được thấy rõ qua hai buổi họp là buổi họp chiều ngày 11/8/1945 của Ban chấp hành của Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh để quyết định về vấn đề đoạt chính quyền ở Miền Bắc và buổi họp khẩn cấp tối ngày 17 tháng 8 của "Liên Minh Quốc Dân Đảng". Hoàng Văn Đào đã ghi lại các chi tiết sau đây :

Về buổi họp thứ nhất :

Trong cuộc thảo luận, hội nghị chia làm hai phái, ý kiến mậu thuẫn nhau. Một phái gồm có Chu Bá Phượng, Trương Tử Anh và đại diện của Nguyễn Tường Long (ông Long bị bệnh thương hàn phải điều trị tại bệnh viện) chủ trương rằng : "Muốn được Đồng Minh công nhận Chính phủ của chúng ta sau này, thì chúng ta không được phép hợp tác với Nhật Bản bất cứ dưới hình thức nào. Nếu hợp tác với họ, đó là chống lại Đồng Minh và đi ngược với trào lưu quốc tế, chúng ta tất sẽ bị tiêu diệt. Còn nếu Việt Minh có cướp chính quyền chăng nữa, cũng chẳng quan ngại gì ! Vì lực lượng của phe cách mạng dân tộc chúng ta có thể nói là mạnh gấp bội phe Việt Minh kể cả về mọi phương diện ; chúng ta có đủ sức tiêu diệt họ. Vậy tốt hơn hết là chúng ta hãy nên chờ quân ở Hải ngoại cùng quân đội Đồng Minh sắp nhập cảnh nay mai bằng ba ngả đường Lao Kai, Lạng Sơn và Móng Cái ; rồi sẽ liên hiệp lập chính phủ có Đồng Minh đứng sau ủng hộ ; đại cuộc của chúng ta tất sẽ thành". Một phái chủ trương nên dựa vào thế lực quân đội Nhật Bản cướp chính quyền ngay.    Sau khi đã có quyền, đợi các đồng chí cách mạng từ Hải ngoại về tới, sẽ cùng nhau lập Chính phủ. Đại biểu cho phái này là Nguyễn Xuân Tiếu tức Nguyễn Lý Cao Kha.

Hội nghị đương họp chưa quyết định bề nào, thì đột nhiên Trần Văn Cương cùng Đặng Đức Hinh đại diện nhóm "Phụng Sự Quốc Gia" hướng dẫn đại biểu "Mặt Trận Việt Minh" tới, đề nghị không nên đảo chính vội, viện lý do khi quân đội Đồng Minh tới sẽ cho là chính phủ thân Nhật Bản, không có lợi. Nếu "Mặt trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh" không đồng ý mà cứ đoạt chính quyền trước, thì "Mặt trận Việt Minh" cũng sẽ đoạt ngay hết chính quyền ở các tỉnh ; đồng thời cho phá vỡ ngay đê sông Hồng cho nước tràn đầy Hà Nội, cô lập hóa Thủ Đô theo kế hoạch đã được bố trí sẵn sàng.

Hội nghị đâm hoang mang rồi giải tán [vii].

Ta thấy ngay là quan điểm của đa số người Việt thời này là sợ mang tiếng thân Nhật khi Đồng Minh tới, trong khi Việt Minh thì được tiếng là chống cả Pháp lẫn Nhật. Những gì xảy ra sau này không riêng ở Việt Nam mà còn ở các nước Á Châu khác như Đại Hàn với Tổng thống Park Chung Hee, Nam Dương với Tổng thống Soekarno, Mã Lai với Thủ tướng Abdul Rahman... cho thấy sự thực không hoàn toàn như vậy. Đồng Minh không hề kết tội hay làm khó dễ cho những người bị coi là thân Anh hay Nhật hay là đã cộng tác với Anh, Nhật mà chỉ lo tước khí giới quân đội Nhật mà thôi. Đó không phải là việc làm của Quân Đồng Minh mà chỉ là sự tuyên truyền, hù dọa do Việt Minh gây ra không hơn, không kém.

Buổi họp thứ hai :

Được triệu tập một cách bất ngờ vào buối tối ngày 17/8 sau khi cuộc mít-tinh của công chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội bị biến thành cuộc mít-tinh biểu tình của Việt Minh, mà Hoàng Văn Đào ghi lộn là ngày 18/8. Trong buổi họp này, về phía Việt Nam Quốc Dân Đảng có Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Viễn, Lê Khang, về phía Đại Việt Quốc Dân Đảng có Trương Tử Anh, Phạm Khải Hoàn, và một người được gọi là Đồng Chí Kim… để bàn về việc đoạt chính quyền vào đêm hôm này. Hoàng Văn Đào đã viết nguyên văn về cuộc thảo luận này như sau :

Các đồng chí Đại Việt Quốc Dân Đảng cho rằng : "Cuộc cách mạng nào cũng chỉ đi tới mục đích là giành lại độc lập cho tổ quốc. Thì dẫu Mặt Trận Việt Minh hay đoàn thể nào cũng vậy ! Việt Minh nắm được chính quyền, chúng ta sẽ tham gia hướng dẫn họ trên công cuộc phục vụ nhân dân, nếu họ muốn trở mặt, lúc đó chúng ta sẽ lấy nhân dân làm hậu thuẫn mà hạ họ xuống. Vả lại, lực lượng của họ có gì đáng cho chúng ta lo ngại ! Nếu nay chúng ta dùng võ lực để đối phó, trong lúc này ắt có cuộc lưu huyết ! Cộng sản chưa thấy đâu mà đã thấy ngay dân chúng bị tàn sát. Sau đây lịch sử sẽ quy tội cho chúng ta là tham cầu địa vị, gây nên cảnh nồi da sáo thịt ; tội đó há riêng một cá nhân gánh chịu !

Lê Khang cực lực phản kháng :

"Thì ra đến giờ phút này mà các anh vẫn chưa hiểu rõ Việt Minh cộng sản là thế nào cả ? Huống hồ là dân chúng !

"Tôi xin nói thẳng mong các anh đừng mếch lòng ! Những phần tử cộng sản họ rất sẵn sàng đi đôi với tất cả các thế lực, mặc dầu là thực dân Pháp hay quân phiệt Tầu, nghĩa là tiêu diệt được những những người cách mạng dân tộc chúng ta. Nếu nay để cho cộng sản nắm được chính quyền, họ sẽ đặt tình thế trước sự đã rồi. Chúng ta sẽ đi tới tự sát. Cộng sản sẽ áp dụng mọi thủ đoạn để tiêu diệt chúng ta ngay. Cộng sản sẽ tuyên truyền công bố ngay với dân chúng : chúng ta là những tên phản động, phản quốc, Việt gian !

"Chúng ta không nên đóng vai rò thụ động, không được phép chờ họ khủng bố rồi mình mới đánh lại ; chúng ta nên tấn công họ trước, mới nắm được phần thắng về mình. Tôi khẩn khoản yêu cầu các anh hãy mau nắm lấy chính quyền, rồi tóm cổ hết những       phần tử cộng sản nhốt lại, để trừ mối họa cho dân tộc.

"Chúng ta nắm được chính quyền, chỉ thu số súng đạn của Bảo An Binh cũng có tới 5.000 khẩu, cùng với số súng đủ loại ở kho Ngọc Hà của Pháp trước mà Nhật tước được có trên 20.000 khẩu, mà nay Nhật Bản sẵn sàng trao lại cho chúng ta. Với lực       lượng ấy chúng ta có thể lập ba sư đoàn cách mạng quân để đối phó với tình thế, tiến tới một chính quyền thống nhất toàn quốc.

"Nếu các anh cương quyết không chịu nghe ý kiến tôi, thì một ngày rất gần đây khi cộng sản đã nắm vững tình hình, họ sẽ sách động gây nên cuộc giai cấp đấu tranh, hủy diệt Tôn Giáo, tổ chức phong trào đấu tố, thì ngay vợ con các anh sẽ đấu tố các anh là phản động, là… các anh sẽ không còn đất để đứng ! Để họ tạo nên một giai cấp quan liêu thống trị mới hưởng mọi đặc ân và sẽ loại trừ hết các đảng phái quốc gia, họ sẽ đưa quốc gia ta lệ thuộc vào hàng ngũ Đệ Tam Quốc tế".

Ý kiến của Lê Khang không được hội nghị chấp thuận, bởi Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Viễn… vì quá nhu nhược lừng chừng, thiếu quả quyết.

Thấy cơ hội độc nhất đã lỡ ! Vô phương cứu vãn ! Lê Khang cùng một số đồng chí lặng lẽ bỏ lên Vĩnh Yên tìm Đỗ Đình Đạo thảo kế hoạch đoạt chính quyền tỉnh Vĩnh Yên làm địa bàn hoạt động.

Các võ trang đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng được huy động từ chiến khu triệu về tập trung tại trường tiểu học Hàng Kèn, Hà Nội để đợi lệnh đoạt chính quyền cũng thứ tự rút lui [viii].

Bỏ lỡ cơ hội bằng vàng

Cũng về biến cố này, Hoàng Tường, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng khác đã kể lại câu chuyện như sau :

Các cán bộ quốc-gia chứng kiến cuộc biểu tình tuần hành của Việt Minh ngạc nhiên tự hỏi : Tại sao Việt Minh không chiếm chính quyền ngay chiều hôm 17 ? Có lẽ chưa được lệnh của thượng cấp ? Có lẽ đấy chỉ là một cuộc biểu tình để trắc nghiệm xem phản ứng của Nhật bản ra sao, rồi mới đặt kế hoạch ? Mãi đến sáng hôm sau họ mới cho loan truyền quyết định tổ chức biểu tình cướp chính quyền vào ngày 19/8/1945.

Từ ngạc nhiên đến toan tính : Trung ương Đảng bộ ra lệnh chuẩn bị gấp, đoạt chính quyền tối 18 rạng 19, trước rạng đông. Mọi việc cần phải làm đều được sắp xếp : cờ xí, biểu ngữ, bích chương và tuyên cáo quốc dân. Tất cả cán bộ và đảng viên hiện diện được lệnh chia nhau túc trực ở các cửa ô đợi lệnh. Võ khí tuy chưa có nhiều nhưng theo báo cáo thì "ta" đã có một số anh em binh sĩ trong trại bảo an binh sẵn sàng tiếp     tay. Như dự định, anh em cán bộ và đảng viên đã sắp đặt ai nhiệm vụ ấy, kéo đến phủ Khâm sai, nhà máy đèn, đài phát thanh.

Nhưng, lúc ba giờ sáng ngày 19/8/1945, không biết vì nhũng lý do gì mà hội nghị cấp lãnh đạo lại hủy bỏ kế hoạch đoạt chính quyền, và ra lệnh cho tất cả phân tán mỏng,ai về nhà nấy, nhường cho Việt Minh làm công cuộc ấy sáng hôm sau, 19/8/1945.

Hồi ấy, người viết chỉ là một đảng viên cấp thấp, không được dự hội nghị có tính cách quyết định lịch sử ấy, nên không tường sự việc. Hai hôm sau, người viết hỏi anh Chu Bá Phượng (cũng gọi là anh Hai) thì anh cho biết là theo quyết định của hội nghị, "ta" hãy tạm thời nhường Việt Minh một bước, để sau khi quân Đồng minh vào, sẽ tính [ix].

Nói tóm lại qua những tài liệu kể trên, ta thấy các đảng phái quốc gia cũng có kế hoạch cướp chính quyền trước cả Việt Minh, nhưng vì nhiều lý do như thiếu thống nhất, thiếu quyết đoán, coi thường đối thủ, lại sợ bị mang tiếng thân Nhật có hại khi quân Đồng Minh tới, sợ Việt Minh phá đê Sông Hồng để nước tràn vào Hà Nội và Cộng sản sẽ làm chủ nông thôn, cô lập Hà Nội, cũng như đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi của phe nhóm, trong đó có Cộng sản… nên nửa chừng bỏ dở giúp cho Việt Minh nắm được cơ hội cướp được chính quyền trước khiến tình hình sau đó trở thành quá trễ và là thảm họa lớn cho chính họ, đúng như Lê Khang cảnh cáo trước. Nên để ý là Lê Khang hay Lê Ninh ở thời này được coi là một lãnh tụ sáng giá của Việt Nam Quốc Dân Đảng qua câu nói được truyền tụng "Việt Quốc Lê Ninh, Việt Minh Trần Văn Giàu". Ông bị Việt Minh giết sau này.

Cuối cùng, về thái độ của các đảng phái quốc gia trong thời gian này, Bác sĩ Nguyễn Tường Bách (em ruột Nhà văn Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam), trong Việt-Nam Một Thế-Kỷ Qua, Hồi Ký Cuốn Một 1916-1946, in năm 1998, 53 năm sau đã viết :

Cần phải khách quan để rút kinh nghiệm về những bài học lịch sử. Lực lượng các đảng phái quốc gia Việt Nam thiếu tổ chức có hệ thống chặt chẽ, thiếu lãnh đạo sáng suốt, thiếu võ trang , tuyên truyền trong quần chúng, thiếu khu căn cứ, tới ngày quyết liệt lại không mạnh dạn cướp lấy thời cơ trăm năm có một, kết quả lâm vào thế bị động và nguy nan.

Có anh em lại chủ trương không nên xung đột với Việt Minh gây đổ máu giữa người Việt với nhau vô ích, đợi cộng sản lên cầm quyền rồi dần dần nó sẽ lộ chân tướng, và tất sẽ bị nhân dân lật đổ. Một chủ trương quá lý tưởng và quá tin ở người khác. Vì không nghiên cứu kỹ càng về sách lược, chiến thuật nên không hiểu gì về câu châm ngôn của cộng sản "tất cả vì chính quyền" – có chính quyền là có tất cả. Đến bây giờ, người cộng sản vẫn coi trọng câu châm ngôn ấy, bám chặt chính quyền là vấn đề số 1 đối với họ. [x]

Chưa hết, về thái độ đối với chính quyền của Hoàng Đế Bảo Đại của các đảng phái quốc gia, tác giả Nguyễn Tường Bách nhận định thêm :

Nếu trước kia, các đảng phái quốc gia biết cách hợp tác với chính quyền Bảo Đại, dựng một chính phủ vững mạnh thì đã không những ngăn ngừa được nền chuyên chính của cộng sản, mà còn có thể lãnh đạo toàn dân chống đế quốc Pháp quay trở lại.

Bất cứ một chính phủ dân tộc nào lúc đó cũng có khả năng chỉ huy cuộc kháng chiến, cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới. Việc đảng cộng sảnVN ngụy biện là đã đánh đuổi được hai đế quốc Pháp-Nhật, giải phóng cho dân tộc lúc ấy, chỉ là một tuyên truyền vô căn cứ, để mê hoặc dân chúng. Dựa vào lập luận ngụy biện này, đảng cộng sản đã có thể lôi kéo dân chúng đi theo con đường tai họa xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản. Thật ra lúc này Pháp đã bị Nhật tước quyền rồi, mà Nhật lại đã đầu hàng [xi].

Lời cuối :

Nhận định của Nguyễn Tường Bách như một người đương thời và là một trong những ngưười lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng về chuyện "Nếu trước kia các đảng phái quốc gia biết cách hợp tác với chính quyền Bảo Đại" nếu có phần đúng thì chỉ đúng cho thời điểm bốn tháng trước đó khi Chính phủ Trần Trọng Kim mới được thành lập và còn đang tích cực hoạt động và hoạt động hữu hiệu. Nó không đúng với thời điểm ngay sau ngày Nhật Bản đầu hàng khi Đồng Minh sắp kéo vào giải giới Quân đội Nhật với nhiệm vụ duy nhất là tước khí giới Quân đội Nhật với điều họ muốn thấy là có sẵn một chính quyền bản xứ hợp pháp tồn tại để tiếp tục giữ gìn an ninh, trật tự bất kể là thân Nhật hay không thân Nhật. Ngoài ra không còn điều gì khác. Chính quyền Bảo Đại-Trần Trọng Kim do đó là chính quyền cần phải được duy trì và bảo vệ. Đại Việt Quốc Gia Liên Minh và các đảng phái quốc gia không biết rõ điều này, cứ thắc mắc và bị hù dọa về chuyện thân Nhật hay không thân Nhật, còn Việt Minh thì biết. Thay vì hợp tác với Khâm sai Phan Kế Toại, các lãnh tụ Đại Việt Quốc Gia Liên Minh lại chủ trương bắt ép ông này từ chức nhường quyền cho họ. Sau đó thay vì kéo đến bảo vệ Phủ Khâm sai như đã cho Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, người duy nhất trong năm vị giám đốc trong Ủy Ban Giám Đốc Chính Trị Miền Bắc còn có mặt tại chỗ thay thế Phan Kế Toại, biết khiến ông mỏi mắt trông chờ vào những giờ phút chót. Cuối cùng Bác sĩ Chữ, vì sức ép của đám đông, phải mở cổng Phủ cho đoàn biểu tình tràn vào khiến cho Việt Minh cướp được chính quyền một cách dễ dàng, mở đầu cho một giai đoạn đầy chiến tranh, oan khiên, máu và nước mắt của lịch sử dân tộc kéo dài đã ba phần tư thế kỷ vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

Phạm Cao Dương   

Phạm Cao Dương là Tiến sĩ Lịch sử, cựu Giáo sư Đại học thời Việt Nam Cộng Hòa và ở Hoa Kỳ sau 1975

Chú thích :  


[i] Hoàng Văn Đào, Lich Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1954 : Việt Nam Quốc Dân Đảng. Saigon, 1964. Garden Grove, CA : Tân Việt tái bản tại Hoa Kỳ, 2006, tr. 210. Nguyễn Xuân Tiếu còn có tên là Nguyễn Cao Kha. Ông thành lập Đại Việt Quốc Gia Xã Hội Đảng từ năm 1936 và đến tháng 2 là Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương của Đại Việt Quốc Gia Liên Minh. Ủy Ban này gồm có Nguyễn Tường Long, Trương Tử Anh, Ngô Thúc Địch,. Bùi Như Uyên, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nhượng Tống, Nguyễn Đăng Đệ, Nguyễn Xuân Dương tức Lạc Long. Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, Tập III, Nhân Vật Chí. Hoston, TX : Văn Hóa, 1997, tr. 413.

[ii] Nguyễn Khắc Ngữ, Đại Cương về Các Đảng Phái Chính Trị Việt Nam. Montréal : Tủ Sách Nghiên Cứu Sử Địa, 1989, tr. 40.

[iii] Hồi Ký Nguyễn Xuân Chữ, đã dẫn, tr. 276-277.

[iv] -như trên-, tr. 280-281

[v] Hoàng Văn Đào, tr. 211.

[vi] Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm Qua, 1945-1964, Việc Từng Ngày, tr.11.

[vii] Hoàng Văn Đào, tr. 213-214.

[viii] -nt- , tr. 215-216.

[ix] Hoàng Tường, Việt Nam Đấu Tranh, 1930-54. Westminster, California : Văn Khoa Publishing House, 1987, tr. 67-68.

[x] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Hồi Ký Cuốn Một 1916-1946. Santa Ana, CA : Nhà Xuất Bản Thch Ngữ, 1998, tr. 172.

[xi] như trên.

Published in Diễn đàn

75 năm lặng lẽ trôi qua như nước chảy qua cầu, nhưng cái gọi là "Cách mạng tháng Tám 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam", như Tuyên giáo đảng tuyên truyền năm này qua năm khác có thật hay đồ giả ?

cachmang1

19/08/1945 là ngày Việt Minh đã cơ may "cướp" được Chính quyền Trần Trọng Kim không có quân lính bảo vệ.

Căn cứ theo diễn tiến có các nhân chứng tham dự ngày 19/08/1945 tại Hà Nội thì đó chỉ là ngày Việt Minh đã cơ may "cướp" được Chính quyền Trần Trọng Kim không có quân lính bảo vệ. Biến cố lịch sử này không có súng nổ, hay bạo động đổ máu nên không thể bảo đó là "cách mạng".

Là người Việt Nam sinh ra trước và sau biến cố này đều biết rõ như thế, nhưng Đảng cộng sản do ông Hồ Chí Minh thành lập từ năm 1930 thì không nhận đã đi "cướp" sợ mất chính nghĩa nên đã phịa ra là "giành lại Chính quyền".

Vậy đầu đuôi chuyện 19 tháng Tám của 75 năm trước như thế nào ?

Giáo sư Nguyễn Đình Cống

Hãy đọc Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống :

"Đêm 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp. Trên đất Việt Nam không còn người Pháp cai trị. Ngày 11/3 vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, xóa bỏ mọi hiệp ước đã ký với Pháp. Tháng 4/1945 giải tán triều đình phong kiến với các thượng thư, lập chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu và các bộ trưởng. Ngày 15/8 Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngày 17/8 Chính quyền Hà nội tổ chức mit tinh, treo cờ Quẻ Ly để chào mừng nước Việt Nam độc lập. Cuộc mit tinh này đã bị người của Việt Minh cướp đoạt, hạ cờ Quẻ Ly xuống, giương cờ đỏ sao vàng lên và kêu gọi đi theo Việt Minh. Từ trước ngày 17/8 Thủ tướng Trần Trọng Kim, Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đã 5 lần tiếp xúc, hội đàm với đại diện của Việt Minh tại Hà Nội (Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Khang) với đề nghị mời người của Việt Minh tham gia Chính phủ hoặc hợp tác lập Chính phủ liên hiệp để chuẩn bị đón tiếp quân Đồng minh, nhường quyền kiểm soát phần lớn đất nước cho Việt Minh một cách hòa bình. Nhưng cả 5 lần đều bị đại diện Việt Minh từ chối với tuyên bố là Việt Minh đủ lực lượng để cướp toàn bộ chính quyền mà không cần sự hợp tác nào hết, chỉ có đấu tranh một mất một còn. Để tỏ rõ thiện chí không dùng bạo lực, chính phủ ông Kim và Bảo Đại không thành lập quân đội, không có Bộ Quốc phòng.

Ngày 19/8 Việt Minh cướp chính quyền ở Hà nội. Sau đó việc cướp chính quyền lan rộng ra toàn quốc. Việc cướp này diễn ra dễ dàng, nhanh chóng vì không gặp phải sự chống đối. Ngày 25/8 vua Bảo Đại thoái vị".

Vậy Việt Minh có công gì không ? Giáo sư Cống khẳng định :

"Câu chuyện vào Cách mạng tháng 8 Việt Minh đã đánh Pháp, đã đuổi Nhật để giành độc lập mà trên 70 năm qua nhiều người Việt vẫn tin và khẳng định như vậy thì thực tế lịch sử đã chỉ ra rõ ràng là không đúng. Trong thời gian diễn ra Cách mạng tháng 8, Việt Minh không hề đánh một đơn vị Pháp nào, không hề đuổi một đơn vị Nhật nào. Việt Minh quả thực đã lợi dụng được thời cơ và điều kiện rất thuận lợi để cướp chính quyền của Chính phủ Trần Trọng Kim khi Pháp đã bị Nhật loại bỏ, Nhật đã đầu hàng, chính quyền hợp pháp không có quân đội, không chống lại. Hơn nữa khi Cách mạng sắp nổ ra, tổng chỉ huy quân Nhật tại Việt Nam có đề nghị với Bảo Đại và Trần Trọng Kim, rằng nếu phía Việt Nam yêu cầu thì quân đội Nhật sẽ giúp bảo vệ chính quyền và đánh tan Việt Minh. Nhưng các ông Bảo Đại và Trần Trọng Kim đã không đồng ý, cho rằng như thế là huynh đệ tương tàn, là làm đổ máu của người Việt một cách không cần thiết. Ông Kim còn đòi Nhật thả nhiều thanh niên Việt Minh bị Nhật bắt giam trước đó. Nhật đã thả họ. Trong tuyên ngôn thoái vị, Bảo Đại nêu cao tình đoàn kết dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân".

(trích bài "Vài đánh giá nhầm trong Cách mạng tháng 8", ngày 18/08/2016)

Theo Bách khoa toàn thư mở, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, sinh ngày 12/12/1937 tại Quảng Bình, từng là nhà giáo nhân dân tại Đại học Xây dựng. Ông là một trong những kỹ sư đầu tiên ở Việt Nam chuyên về nghiên cứu bê tông và các lĩnh vực khác trong xây dựng. Ông đã có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu giảng dạy đào tạo trong lĩnh vực xây dựng.

Tuy nhiên, sau khi nghỉ hưu ông đã có nhiều bài viết phê bình nghiêm khắc chính sách cai trị phản dân chủ của Đảng cộng sản Việt Nam. Ông còn thẳng thắn nêu ra những sai lầm của Chủ nghĩa Mác- Lênin, và kêu gọi thực hiện đa nguyên, dân chủ.

Vào ngày 03/02/2016, ông tuyên bố từ bỏ Đảng.

Cố Đại tá Bùi Tín

Trong khi đó, khi còn sống, cựu Đại tá Bùi Tín, cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam viết trên trang cá nhân của ông :

"Sau 70 năm, nhìn lại không thể gọi biến cố đó là Cách mạng tháng Tám. Gọi vậy là "ngoa ngôn", là "đại ngôn", vì "cách mạng" là phải thay đổi hẳn chế độ cai trị, đổi mới hoàn toàn bản chất chế độ, đem lại dân chủ, tự do cho mọi công dân, quyền tự do bình đẳng trong kinh doanh, cốt lõi là tự do ngôn luận, tự do báo chí".

Nhà bất đồng chính kiến với Đảng cộng sản Việt Nam nói thêm :

"Biến cố gọi là Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam hoàn toàn không đổ máu, không có đấu tranh giằng co bằng bạo lực quyết liệt. Chính quyền thực dân Pháp đã bị phát xít Nhật lật đổ ngày 9/3/1945 trong một cuộc đảo chính nhẹ nhàng. Trước đó, cả Đông dương thuộc Pháp đã đầu hàng phát xít Đức, Việt Nam trở thành thuộc địa của nước Pháp thua trận đã đầu hàng phát xít, cho nên bị khối Đồng minh xếp vào loại bị quân Đồng minh là quân đội Anh và quân đội Trung Hoa Dân quốc chiếm đóng để giải giáp quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Quân đội Trung Hoa vào miền Bắc, quân Anh vào miền Nam.

Việt Nam trở thành đất trống về quyền lực cai trị, chính phủ Trần Trọng Kim vừa thành lập được 6 tháng còn non yếu, tuy về danh nghĩa đã giành được nền độc lập từ tay phát xít Nhật đã buông súng đầu hàng Đồng minh. Do sức ép của quần chúng xuống đường theo lời hiệu triệu của Mặt Trận Việt Minh do Đảng cộng sản Đông Dương tổ chức ra. Vua Bảo Đại thoái vị nhanh chóng, bày tỏ niềm vui "từ bỏ ngai vàng để trở thành một công dân tự do".

(Giáo sư Tiến sĩ Phạm Cao Dương : "Việt Minh cướp chính quyền, 73 năm nhìn lại", 17/08/2018)

Ông Bùi Tín, sinh ngày 29/12/1929, tị nạn chính trị tại Pháp năm 1990 và qua đời tại Paris ngày 11/8/2018.

Nhạc sĩ Tô Hải

Đến lượt nhân chứng, cố Nhạc sĩ Tô Hải, tác giả bài ca nổi tiếng Nụ cười sơn cước đã kể :

"Chỉ đơn cử 2 ngày 17 và 19/8/1945 là đã có sự lẫn lộn rồi. Thì ra 17/8 là cuộc mít tinh của công chức biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Còn ngày 19/8 là ngày mít tinh ủng hộ Việt Minh. Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo ?

Theo Bách khoa Toàn thư mở thì ông Tô Hải, tên thật là Tô Đình Hải, sinh ngày 24/09/1927, qua đời ngày 11/08/2018, từng phụ trách các hoạt động văn nghệ và mỹ thuật, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, tham gia công tác tại Khu 4 và Nhà xuất bản Mỹ thuật.

Trước khi xuất bản "Hồi ký của một Thằng Hèn" năm 2009, ông đã ra khỏi đảng. Ông cho biết không khí hoang mang của ngày 19/08/1945 như thế này :

"Ai hô thế nào thì hô theo thế ấy. Cờ vàng, cờ đỏ chẳng có gì quan trọng. Miễn là đi qua trại lính Nhật chẳng thấy đứa nào dám nổ súng dù có hô to "Đả đảo Phát xít Nhật !", "Việt Nam muôn năm !". Cả hai cuộc mít tinh nói trên đều có mặt cái thằng tớ. Cũng may là tớ chẳng vướng vào các cuộc mít tinh có lính Tầu Tưởng đứng gác ở chợ Đồng Xuân để bị nghe "Tỉu cái là ma lồng pào !" khi bị Việt Minh giải tán !"…

Với lời tự nhận "Tớ đúng là một tên gà mờ", ông Tô Hải kể tiếp :

"Có phải chính những người như bọn tớ, tay cầm cờ vàng ba sọc đỏ, miệng hát "Này thanh niên ơi ! Quốc gia đến ngày giải phóng" kéo nhau đi biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim đã "quáng gà cách mạng" nên, giữa chừng đã a-dua, khi thấy người ta trương lên lá cờ đỏ sao vàng to tướng và phát cho chúng tớ những lá cò đỏ nhỏ bằng cái quạt mo là những người đã được "Đảng giáo dục" và "đồng lòng cùng đi tiếc gì thân sống" để thực hiện nghị quyết của Đại hội Quốc dân (?) họp ở Tân Trào ? Không ! Hoàn toàn không ! Chúng tớ, lúc ấy, dù bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào, đã đưa ra đường lối chống Pháp, đã hứa hẹn Độc Lập-Tự Do cho đất nước, đều sẵn sang đi theo ! Đến cựu Hoàng Bảo Đại cũng còn tuyên bố 'Làm dân một nước tự do còn hơn là làm vua một nước nô lệ !' nữa là… !".

Cuối cùng Nhạc sĩ Tô Hải đã thẳng tay bác chuyện Đảng cộng sản Việt Nam "nhận vơ" đã lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 như sau :

"Nói trắng ra rằng, dân Việt Nam chẳng hề biết đến cái sự lãnh đạo tài tình nào của Đảng cộng sản trước cái ngày 19 tháng 8 năm 1945 ấy ! Vả lại lúc đó Đảng các ông có mấy người ? Làm sao chỉ có gần 60 chục mống, (trong đó có cả ông anh họ tớ, Tô Kim Châu, Ban Bình dân Học vụ cùng Nguyễn Hữu Đang, không hề là đảng viên cộng sản, sau này bỏ vô Nam, làm cái gì đó ở tòa án quân sự Việt Nam Cộng Hòa, nên đi học tập "có" 11 năm !) đi họp ở Tân Trào về mà động viên được cả triệu người, đủ mọi thành phần từ Bắc vô Nam, đứng lên đòi Độc Lập Tự Do kia chứ !

Tóm lại, theo tớ, 19 tháng 8 năm 45 nếu tớ là nhà viết sử có lương tâm tớ sẽ viết hẳn một chương : CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM VÀ CUỘC ĐẢO CHÍNH 19 THÁNG 8 NĂM 45. Tiếp theo đó là những trang bi tráng nhất về lịch sử dân tộc Việt Nam sau cuộc đảo chính này… Vì :
Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã bắt đầu bị đổi mầu từ đây. Máu đổ xương rơi cũng bắt đầu từ đây !"

(Giáo sư Tiến sĩ Phạm Cao Dương : "Việt Minh cướp chính quyền, 73 năm nhìn lại", 17/08/2018)

Luật sư Trần Thanh Hiệp

Cuối cùng, nguyên Luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn và Paris Trần Thanh Hiệp phát biểu về ngày 19/08/1945 như sau :

"Tôi nhớ là nhân có một cuộc biểu tình do công chức, dân chúng tổ chức để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, thì trong cuộc biểu tình ấy Việt Minh cướp cờ nổi lên và giành lấy như là cuộc biểu tình của Việt Minh để làm cuộc Cách mạng tháng Tám. Nhưng thực sự ra không có cách mạng gì cả, mà chỉ là một sự cướp chính quyền thôi".

Luật sư Hiệp nhấn mạnh :

"Đối với tôi đó là một hành động cướp chính quyền chứ không phải là cái mà người ta gọi là Cách mạng tháng Tám vì không có gì thay đổi, cách mạng cả, chỉ có cướp quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim mà Đảng cộng sản, dưới tên gọi là Mặt trận Việt Minh hay Việt Nam Mặt trận Đồng minh, cướp lấy chính quyền...

Đảng cộng sản Việt Nam khi cướp chính quyền thì giữ luôn chính quyền cho riêng mình và giành lấy độc quyền, rồi từ đó đến nay mở ra đường lối toàn trị. Thành ra Đảng cộng sản tự cho mình quyền thay dân chúng để sử dụng chủ quyền quốc gia".

(BBC tiếng Việt, 31/08/2018)

Vẫn nói dối quanh

Với 3 nhân chứng cựu đảng viên Đảng cộng sản Nguyễn Đình Cống, Bùi Tín, Tô Hải và Luật sư Trần Thanh Hiệp nói về ngày 19/8/1945, thiết tưởng đã quá đủ để thấy ông Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam chẳng có công trạng gì với cái gọi là "Cách mạng tháng Tám 1945".

Chẳng qua là nhóm cán bộ Việt Minh ở Hà Nội khi ấy đã nhanh chân chốp lấy thời cơ để biến cao trào quần chúng xuống đường ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim và ăn mừng đất nước đã được độc lập, sau tuyên bố của Vua Bảo Đại ngày 11/3/1945, để cướp chính quyền cho cộng sản cai trị độc quyền.

Thế mà Tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam, qua báo Quân đội Nhân dân, đã huyênh hoang :

"Phủ nhận thành quả Cách mạng tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam nhằm xuyên tạc lịch sử, hướng lái con thuyền cách mạng nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, là thủ đoạn không mới, nhưng vô cùng thâm độc của các thế lực thù địch. Do đó, luận giải và kiên quyết đấu tranh làm thất bại mưu đồ phản động ấy là vấn đề cấp thiết và thời sự hiện nay.

Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi cách đây 75 năm là dấu mốc lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam thời hiện đại".

(Quân đội nhân dân, 18/08/2020)

Tại sao lại cay cú đến thế ? Vĩ đại chỗ nào ? Lý do tiếp tục bị phủ nhận vì cái gọi là Cách mạng tháng Tám 75 năm trước đầy đã không đem lại cơm no áo ấm và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Ngược lại, vì tham vọng quyền lực và vì phải chu toàn điều gọi là "nghĩa vụ quốc tế cộng sàn" với hai đàn anh Nga-Tầu, Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước vào 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, gây chia rẽ hận thù và tiếp tục chậm tiến lạc hậu như ngày này.

Điều này được Giáo sư, Tiến sĩ Lịch sử Phạm Cao Dương tóm tắt trong bài viết năm 2018 của ông như sau :


"Cách đây đúng 73 năm, hai biến cố lớn đã xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, đã đưa dân tộc Việt Nam vào một khúc quanh lịch sử vô cùng quan trọng : Biến cố 19/8/1945, Việt Minh cướp chính quyền và Biến cố 2/9/1945, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập.

Hai biến cố này đã đưa tới sự thay thế chính quyền của Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim bằng chính quyền Việt Minh do Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản lãnh đạo, từ đó tới Cuộc chiến Ba mươi năm đầy đau thương, chết chóc, chia rẽ và hủy diệt, kéo dài từ năm 1946 đến năm 1975".

Giáo sư Phạm Cao Dương, sau nhiều năm giảng dạy tại các trường Đại học ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, và sau 1975 tại Mỹ, đã nghĩ hưu nói thêm :

"Hai biến cố này thực ra là đều không cần thiết vì ít nhất hai lý do :

Thứ nhất : Người Pháp đã bị nguời Nhật loại trừ ra khỏi chính quyền Đông Dương từ sau ngày 9/3/1945, ngày Nhật đảo chính Pháp. Tiếp theo đến lượt người Nhật đầu hàng, Việt Nam đương nhiên độc lập với chính quyền Bảo Đại–Trần Trọng Kim là chính quyền đương nhiệm và hợp pháp. Sau này khi người Pháp muốn trở lại, người ta vẫn có thể dùng các phương tiện ngoại giao để điều đình nhưng với một tư thế hoàn toàn khác trước.

Thứ hai : Chính quyền của Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim không phải là một chính quyền tệ hại, như bị cộng sản tuyên truyền, trái lại gồm toàn những trí thức ưu tú đương thời, có khả năng, nhiệt tâm và sự hiểu biết cần thiết để điều hành đất nước, khác với các chính quyền sau đó. Chính quyền này đã và đang thực hiện được nhiều công trình quan trọng như thu hồi và cụ thể hóa nền độc lập và thống nhất quốc gia, thiết lập những cơ chế căn bản cho một chế độ dân chủ, tự do trong một tuần lễ được báo chí đương thời mệnh danh là Tuần lễ của các quyền tự do, đặc biệt và tồn tại cho đến tận ngày nay là công cuộc Việt hóa và xây dựng nền giáo dục quốc gia... dù chỉ mới cầm quyền được trên dưới bốn tháng, những gì chính quyền cộng sản cho đến tận ngày nay vẫn chưa muốn làm hay chưa làm được".

(Giáo sư Tiến sĩ Phạm Cao Dương : "Việt Minh cướp chính quyền, 73 năm nhìn lại", 17/08/2018)

Như thế thì ngày 19/08/1945 nên được đặt vào chỗ nào trong lịch sử giữ nước và dựng nước của Việt Nam, và những tang thương, đỗ vỡ của dân tộc do Đảng cộng sản Việt Nam gây ra từ sau biến cố này có cách gì hàn gắn được không ?

Lịch sử đã là như thế thì tất nhiên không thể bị bẻ cong hay đổi trắng thay đen tùy tiện.

Phạm Trần

(26/08/2020)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn

73 Năm Nhìn Lại : Miền Nam trong những ngày định mệnh tháng Tám và Chín 1945

Không có lực lượng võ trang đáng kể, Việt Minh chỉ lợi dụng Thanh niên Tiền phong làm lực lượng xung kích, qua sự lừa đảo tập thể những người trẻ chỉ biết yêu nước và phụng sự quốc gia của miền Nam này và họ đã thành công, giống hệt như ở Hà Nội, họ đã lợi dụngvà cướp ngang cuộc biểu tình ngày 17 tháng Tám của Tổng hội Công chức, được tổ chức để mừng độc lập và ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, không phải để ủng hộ Việt Minh.

cmt81

Việt Minh sử dụng lực lượng Thanh niên Tiền phong như lực lượng xung kích

- "Tôi có đủ tin tức biết rõ lực lượng Việt Minh. Họ không có khí giới gì ráo. Tôi đủ sức giữ Sài Gòn, không để Việt Minh cướp chánh quyền một khi Bảo Đại chưa thoái vị".

Huỳnh Văn Phương, Đệ Tứ

Tổng Giám Đốc Công An Nam Kỳ

- "Thấy hôn ! Tôi không ăn có với kỷ niệm tưng bừng mà "xin cho tôi can", đừng nói quá lắm về tài giỏi mà như ông bà ta biểu, "nói năng phải phân phân, cây đa cậy thần, thần cậy cây đa".

Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn mà thắng lợi là cũng nhờ có cơ hội, điều kiện giúp cho nó mà thôi.

Coi, tôi là người tổ chức cướp chính quyền mà thiệt ra tôi có làm được gì nhiều đâu".

Nguyễn Văn Trấn, Hung thần Chợ Đệm

(Hồi Ký Viết cho Mẹ và Quốc hội)

"…Người Việt Nam nào đảm đương được và có hy vọng thành công, chúng tôi sẵn lòng tán trợ… Nghĩa là lúc nào chúng tôi cũng vẫn đặt nền độc lập quốc gia lên trên vấn đề quyền tước…

Giết thì cứ giết nhưng đừng kêu qua là Việt gian".  

Hồ Văn Ngà

Chủ tịch Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng

Mặt trận Quốc gia Thống nht

"hàng triệu truyền đơn do Việt Minh tung ra, tự xưng là bạn với Nga, với Tàu, với Mỹ, và với Anh…".

Nguyễn Kỳ Nam

Hồi ký 1925-1964

cmt82

Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ Lâm
thời sau phiên họp Chính phủ đầu tiên (3/9/1945)

Khi nói tới hai biến cố Việt Minh cướp chính quyền và Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập thời cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 1945, những ngày người viết gọi là "định mệnh đầy đau thương của dân tộc Việt Nam", bình thường người ta chỉ nghĩ tới những gì xảy ra ở hai miền Bắc và miền Trung mà ít hay không nói tới những gì xảy ra ở miền Nam. Đây là một thiếu sót vô cùng quan trọng cần phải được điều chỉnh.

Bài này nhằm phần nào bổ khuyết cho sự thiếu sót kể trên với phần mở đầu nói về sự khác biệt giữa xứ Nam Kỳ và hai xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ, tiếp theo là những gì đã xảy ra ở Nam Kỳ trong những ngày những ngày định mệnh này.

***************

1. Khác biệt giữa Nam kỳ với Bắc kỳ và Trung kỳ

Khác với Bắc kỳ và Trung kỳ, Nam kỳ từ sau hai năm 1862 và 1867, rồi 1874 đã là thuộc địa của người Pháp, do đó nằm ngoài thẩm quyền cai trị của Hoàng đế Việt Nam và Triều đình Huế, từ đó bị tách rời khỏi hai phần còn lại của đất nước. Nhưng đó chỉ là về lý thuyết. Trên thực tế người Việt miền Nam vẫn luôn luôn coi mình là người Việt Nam và lúc nào cùng hướng lòng mình về cố quốc, đúng như Nguyễn Đình Chiểu đau đớn triền miên, khắc khoải và thất vọng, tâm sự qua bài thơ viếng Phan Thanh Giản :

Ải Bắc ngày trông tin nhạn vắng,

Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu

Cho tới ít ra là năm 1954 và nhiều năm sau đó, người Nam vẫn tự nhận mình là Người Việt, còn gọi người Bắc là người Bắc. Họ đã nhiệt tâm và liên tục, bằng cách này hay bằng cách khác, thế hệ này sang thế hệ khác, ủng hộ các cuộc đấu tranh chung cho nền độc lập và Thống nhứt của cả dân tộc, điển hình là các phong trào Đông Du và Duy Tân với các nhà ái quốc tiền bối Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, rồi sau này là vận động hướng về quá khứ của các sinh viên Nam Kỳ "du học" ở Đại học Hà Nội trong nửa đầu của thập niên 1940. Đây là một nét đẹp nằm sâu trong tâm tư của người dân Nam Kỳ đối với hai phần còn lại của nước Việt Nam, nói chung, và đối với cuộc chiến đấu giành độc lập và Thống nhứt quốc gia trong thời gian này, nói riêng.

Về điểm này Luật sư Hoàng Cơ Thụy, tác giả Việt Sử Khảo Luận, người có mặt ở Nam Kỳ trong những ngày này đã viết như sau :

"Dân chúng Nam Kỳ mặc dầu đã Tây hóa rất nhiều, song phản ứng rất hào hứng và đầy thiện cảm với bản tuyên ngôn độc lập của vua Bảo Đại.

[…]

Toàn dân rất xúc động về nạn chết đói thê thảm ở Bắc Việt, nên hô hào tổ chức chở gạo để cứu đói.

Vậy nếu chưa có Thống nhứt về pháp lý, thì đã có Thống nhứt trong tâm hồn" (1).

Điều khác biệt là ở Nam Kỳ giới trí thức du học ở Pháp về đã đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị trong tiền bán thế kỷ 20, bên cạnh hai tôn giáo lớn mang nặng tính cách Việt Nam là Cao Đài và Phật giáo Hòa hảo. Hai tôn giáo này đã có ảnh hưởng rất lớn đối với quần chúng, đặc biệt là quần chúng nông thôn. Nói cách khác, các vận động giải phóng dân tộc ở đây đa dạng hơn ở hai xứ Bắc và Trung Kỳ rất nhiều. Ảnh hưởng của cộng sản Đệ Tam Quốc Tế với Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Trần Văn Thạch... từ đầu, hay luôn cả ảnh hưởng của Việt Minh sau này, so với nhóm Đệ Tứ của Tạ Thu Thâu có thể nói là rất yếu ớt, không mạnh như ở miền Bắc.

Về sự khác biệt này, Nguyễn Long Thành Nam, tác giả của Phật giáo Hòa hảo trong dòng Lịch sử dân tộc đã ghi nhận như sau :

"Quần chúng miền Nam không bời rời như ở miền Bắc, mà đã thực sự đoàn ngũ hóa trong hai tổ chức tôn giáo quan trọng là Cao Đài và Phật giáo Hòa hảo. Quần chúng đoàn ngũ hóa bao giờ cũng có năng động tính và sẵn sàng để nhập cuộc hơn là quần chúng tâm lý mà không có tổ chức. Các đảng cách mạng xuất hiện tại miền Bắc như Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt, Duy Dân có thể được sự đồng minh ngưỡng mộ của quân chúng, nhưng không thể chuyển động mau chóng khối quần chúng đó vào đấu tranh, vì chưa thực hiện được bước sơ khởi là đoàn ngũ hóa quần chúng.

Ngoài ra, tại miền Nam các tổ chức cách mạng mang hình thức tôn gíáo, cho nên quy tụ được đông đảo quần chúng, trong khi tại miền Bắc, các tổ chức cách mạng mang hình thức chánh đảng, cho nên sự quy tụ đảng viên giới hạn hơn.

Ngoài hai tổ chức tôn giáo Cao Đài, Phật giáo Hòa hảo ở vào tư thế đã đoàn ngũ hóa và sẵn sàng chiến đấu, tại miền Nam lúc đó còn có phong trào Thanh niên Tiền phong, và vài tổ chức võ trang, tuy ít người nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để nhập cuộc chiến đấu. Đó là tổ chức Bình Xuyên, tổ chức Nghĩa sĩ đoàn, tổ chức Thanh niên ái quốc đoàn, tổ chức Dân quốc quân của Việt Nam Quốc dân dảng miền Nam, nhóm Đệ Tứ, đảng Quốc gia Độc lập với thành phần trí thức miền Nam.

Riêng đảng Cộng sản đệ tam rất yếu thế tại miền Nam, lúc đó chưa có quần chúng tổ chức, chưa có đơn vị võ trang, chỉ mới có một số cán bộ là Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu, sau được tăng cường lớp cán bộ vừa được thả ra từ các khám đường như Lê Duẩn, Phạm Hùng được chỉ thị ở lại miền Nam hoạt động, chớ không về thẳng miền Bắc" (2).

2. Mặt trận Quốc gia Thống nhứt

Trong bối cảnh chánh trị kể trên, ngày 14 tháng 8 năm 1945, năm ngày trước biến cố 19 tháng 8 ở Hà Nội, Mặt trận Quốc gia Thống nhứt được thành lập với thành phần gồm có Việt Nam Quốc gia độc lập đảng, Liên đoàn Giáo chức, Tịnh độ Cư sĩ, Phật giáo Hòa hảo, Cao Đài, nhóm trí thức Đệ Tứ hay quen gọi là Nhóm tranh đấu...

Cương lĩnh của Mặt trận là chống Pháp, chống thực dân và ngày chính thức ra mắt dân chúng là ngày 21 tháng 8 trong một cuộc biểu tình qui tụ 200.000 người thuộc đủ mọi từng lớp theo lời kêu gọi của người cầm đầu là Hồ Văn Ngà của Việt Nam Quốc gia độc lập đảng kéo tới ủng hộ. Một bản tuyên ngôn cũng được phổ biến trên báo chí. Mặt khác, để phòng ngừa quân Pháp trở lại các tổ chức đấu tranh miền Nam còn thành lập bốn sư đoàn dân quân cách mạng bằng cách võ trang quần chúng do các đoàn thể có khả năng như Phật giáo Hòa hảo, Cao Đài, Việt Nam Quốc dân đảng, Bình Xuyên… tự đảm nhiệm.

Tất cả các nỗ lực kể trên đều không mang lại kết quả mong muốn. Phe cộng sản Đệ Tam đã chờ sẵn và đã mau chóng cướp được chính quyền và lịch sử đã chuyển sang một hướng khác.

Nhận xét về Mặt trận Quốc gia Thống nhứt vào thời điểm này, tác giả Nguyễn Long Thành Nam, cũng là một tín đồ Hòa hảo rất tích cực đương thời và sau này, đã viết :

"Sơ hở căn bản của Mặt trận Quốc gia Thống nhứt là không nắm lấy chính quyền trong lúc có phong trào quần chúng ủng hộ như thế. Thành ra chỉ khơi động phong trào, tạo không khí thuận lợi, để cho Việt Minh xen vào phỗng tay trên, tuyên bố thiết lập Lâm ủy Hành chánh Nam bộ lãnh đạo đấu tranh, chỉ bốn ngày sau cuộc biểu tình vĩ đại đó" (3).

Còn Nguyễn Kỳ Nam, ông này đã ghi chi tiết hơn :

"Vừa hay tin Nhựt đầu hàng, ông Hồ Văn Ngà đứng ra kêu gọi các đảng phái chánh trị đoàn kết lại.

Ngày 14 tháng 8, các đảng phái đáp lời kêu gọi của Hồ Văn Ngà, đoàn kết sau Mặt trận Quốc gia Thống nhứt.

Trong thời kỳ nghiêm trọng nầy, Nhựt đầu hàng, Đồng Minh sẽ đến tước khi giới, Pháp làm sao không "đòi" Nhựt trả chủ quyền cho họ, nên đoàn kết là một phương pháp đấu tranh, một vấn đề sinh tử của cả một dân tộc.

Nhưng dân chúng đặt vấn đề đoàn kết rất giản dị : nắm tay nhau tranh đấu chống Pháp, chống thực dân. Có thế thôi.

Không một ai chịu ngó xa thêm một chút nữa :

- Ai lãnh đạo đoàn kết ?

- Đóng góp vào đoàn kết đến độ nào ?

- Phân công làm sao cho công bằng ?

- Phương pháp đoàn kết trong tinh thần nào ?

Lúc đó các đảng phái quốc gia chỉ nghĩ có 3 mục đích :

- Chống Đế quốc Pháp,

- Chống thực dân,

- Bảo vệ an ninh và bài trừ phản động.

Họ không bao giờ nghĩ đến Cộng sản Đệ tam đang ở trong bóng tối chực cướp công cuộc kêu gọi đoàn kết, thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhứt của cánh Quốc gia. Cho nên sau lời kêu gọi Thống nhứt của ông Hồ Văn Ngà, tức thì tất cả các đảng phái chính trị, tôn giáo nhất tề đứng dậy.

Việt Nam Quốc gia Độc lập đảng, Thanh niên Tiền phong, Nhóm trí thức, Liên đoàn Công chức, Tịnh độ Cư sĩ, Phật giáo Hòa hảo, Cao Đài giáo v.v…

Đồng thời nhóm Đệ tứ, thường gọi là nhóm Tranh đấu, cũng xin gia nhập Mặt trận.

Một bản tuyên ngôn đăng tải trên các báo Thủ đô.

Đồng bào rất có cảm tình với các đảng chính trị, nên nhiệt liệt hoan nghinh Mặt trận Quốc gia Thống nhứt. Thấy phong trào đang lên cao, Mặt trận liền đứng ra tổ chức một cuộc biểu tình để biểu dương lực lượng quốc gia.

Thế là ngày 21 tháng 8, hai trăm ngàn người gồm đủ các giới nghe theo lời kêu gọi của Mặt trận, tham gia cuộc biểu tình và tuần hành qua các đường lớn.

Như vậy, đến giờ phút nầy, nào thấy có mặt Cộng sản ?

Mà có mặt Cộng sản, chưa chắc có cuộc biểu tình trong vòng trật tự như vậy.

Nếu ngay bây giờ, mà có người lãnh đạo Mặt trận thì chánh quyền đã về Mặt trận Quốc gia Thống nhứt rồi.

Hồ Văn Ngà… lại viết trên mặt báo rằng :

"…Người Việt Nam nào đảm đương được và có hy vọng thành công, chúng tôi sẵn lòng tán trợ…

"Nghĩa là lúc nào chúng tôi cũng vẫn đặt nền độc lập quốc gia lên trên vấn đề quyền tước…" (4).

Cũng về cuộc họp ngày 14 tháng 8, Nguyễn Kỳ Nam cho biết thêm là trong những ngày đầu, tại trụ sở của Mặt trận ở đường Léon Combes, sau này là đường Alexandre de Rhodes, mỗi đêm đều có nhóm họp và có người nói đến Việt Minh. Nhưng Việt Minh là ai ? Ở đâu ? Chẳng một ai biết.

Đại biểu các đảng phái đề nghị nên tìm Đại biểu Việt Minh đặng mời gia nhập Mặt trận.

Phan Văn Hùm (nhóm Tranh đấu) tình nguyện lãnh sứ mạng đi liên lạc với Việt Minh.

Huỳnh Phú Sổ thản nhiên cuời và nói một cách nửa chơi nửa thiệt :

- …thì Việt Minh có đâu đây, chớ cần gì phải kiếm ?

Té ra có Trần Văn Giàu, đứng trong hàng ngũ Đảng Quốc gia độc lập mà không ai ngờ Giàu là Đại biểu Việt Minh ở Nam bộ.

Và mọi người đều biết rõ dĩ vãng của Trần Văn Giàu.

Hồi 1943, Trần Văn Giàu có đến nhờ anh em cho gia nhập và nhờ can thiệp với nhà đương cuộc Nhựt, bảo đảm cho Giàu để anh ta dễ bề hoạt động.

Lúc đó, Giàu bị nhà chức trách truy nã, nên phải bỏ Bà Rịa trốn vào Sài Gòn.

Anh em trong Việt Nam Quốc gia độc lập đảng không thể nhận điều kiện của Giàu mặc dầu Giàu đã cam kết trên giấy trắng mực đen rằng : "Tôi bỏ hàng ngũ Cộng sản về với Quốc gia", Giàu ký tên hẳn hòi trên lời cam kết đó.

3. Lâm ủy Hành chánh xuất hiện

Nhờ len lỏi được vào Mặt trận Quốc gia Thống nhứt để trở thành "một cán bộ được trọng dụng và đắc dụng" (5) như trên, Trần Văn Giàu đã hiểu rõ được nhược điểm không có người lãnh đạo của Mặt trận Quốc gia Thống nhứt này và lợi dụng cơ hội khi thời cơ đến. Hậu quả là ngày 25 tháng 8, Lâm ủy Hành chánh "tự mình ra mắt đồng bào với Trần Văn Giàu đứng đầu sổ, làm Chủ tịch gồm 9 người, phần đông đều là cán bộ cộng sản" (6).

Theo Nguyễn Kỳ Nam, tất cả xảy ra trong vài ngày sau cuộc biểu tình 21 tháng 8, bắt đầu bằng sự kiện hàng triệu truyền đơn do Việt Minh tung ra, tự xưng là bạn với Nga, với Tàu, với Mỹ, và với Anh… và :

"Ngủ qua một đêm, sáng ngày đồng bào Thủ đô thức dậy lấy làm ngạc nhiên thấy   khắp trên đường treo đầu biểu ngữ : "Chánh quyền về Việt Minh".

Không một ai hiểu gì ráo !

Chính các lãnh tụ tham gia trong Mặt trận Quốc gia Thống nhứt cũng ngẩn ngơ…

Họ hỏi với nhau :

- Việt Minh là ai ?

- Ai cho Việt Minh nắm chánh quyền, mà bảo rằng : chánh quyền về Việt Minh ?

Đang lúc bối rối và phân vân ấy, nhiều truyền đơn khác tung ra : Kêu gọi đồng bào tham gia cuộc biểu tình ngày 28 tháng 8… dưới ký tên Việt Minh.

Mặt trận Quốc gia Thống nhứt liền triệu tập Đại hội.

Thì ra thiếu mặt "Thanh niên Tiền phong".

Mà Thanh niên Tiền phong là một lực lượng đáng kể được cảm tình nồng hậu nhất của dân chúng.

Không dự Đại hội của Mặt trận Quốc gia Thống nhứt, Thanh niên Tiền phong còn dán yết thị, treo biểu ngữ, rải truyền đơn xác nhận, kể từ chiều ngày 22 tháng 8 : "Thanh niên Tiền phong gia nhập Mặt trận Việt Minh".

Bây giờ các lãnh tụ quốc gia mới hiểu ý nghĩa của lá cờ vàng sao đỏ… để sau đổi thành cờ đỏ ngôi sao vàng. Và Phạm Ngọc Thạch, lãnh tụ Thanh niên Tiền phong lại là cán bộ cộng sản.

Thế là, bên cánh Quốc gia mất đi nửa lực lượng.

Uy tín của Mặt trận Quốc gia Thống nhứt bị tổn thương vì Việt Minh.

Nói đến "Thanh niên Tiền phong", người nhớ kẻ không.

Còn bạn trẻ, thì hầu hết, chỉ nghe nói lại thôi.

Phong trào Thanh niên Tiền phong quả thật là một phong trào quốc gia có một lực lượng hùng hậu, một tinh thần dũng cảm, một hy sinh đáng kể, một chủ trương tân tiến được đồng bào trong Nam triệt để ủng hộ ; vì Thanh niên Tiền phong sẵn sàng hiến thân cho Tổ quốc !

Thanh niên Tiền phong là một phong trào phổ biến sâu rộng trong dân chúng. Nó có một lịch sử vẻ vang mà tất cả mọi người phải công nhận : đó là phong trào giải phóng dân tộc mạnh mẽ nhứt trong Nam" (7).

Có điều người lãnh đạo của tổ chức này, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, là người của cộng sản Đệ Tam nằm vùng. Ông này đã lái Thanh niên Tiền phong đi theo hướng khác.

Nguyễn Long Thành Nam cũng ghi nhận sự bất ngờ của người dân Sài Gòn trước sự xuất hiện của Lâm ủy Hành chánh như sau :

"Sáng ngày 25/08/1945, nguời dân Sài Gòn mới thức dậy nhìn thấy một cây trụ lớn sơn màu đỏ chói đặt tại "Bồn Kèn" tức ngã tư đường Charner (Nguyễn Huệ sau này) và Bonard (Lê Lợi sau này) liệt kê danh sách cơ quan chánh quyền miền Nam với danh nghĩa Ủy ban Hành chánh Nam bộ Lâm thời gọi tắt là Lâm ủy Hành chánh.

Sự xuất hiện thật là đột ngột, báo chí không hề loan tin trước, dân chúng cũng không hề nghe đến một cuộc bầu cử hay chuẩn bị nào. Lại là một cây trụ sơn màu đỏ chói như màu máu, đập vào mắt mọi người qua lại. Đây cũng là một lối đánh úp, đánh du kích của Cộng sản, bất ngờ tạo ra một thay đổi đột ngột như cờ Việt Minh xuất hiện đột ngột tại cuộc biểu tình 17/08/1945 tại Hà Nội, và đặt dư luận cũng như các tổ chức đấu tranh trước một "đã rồi". Những người ngạc nhiên nhất là các chiến sĩ trong cơ quan lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Thống nhứt. Họ không hề được tham khảo ý kiến về việc thành lập Lâm Ủy và thành phần của nó, mặc dầu mới vài ngày trước Mặt trận Quốc gia Thống nhứt do sự yêu cầu của Trần Văn Giàu, đã chấp nhận cho Giàu tham gia để có sự đoàn kết rộng rãi mà ứng phó hữu hiệu với thời cuộc.

Thành phần của Lâm ủy Hành chánh Nam bộ gồm có chín ủy viên mà hết bốn ủy viên là cộng sản, bốn ủy viên thân cộng, chỉ có một độc lập.

Trần Văn Giàu, chủ tịch kiêm Ủy trưởng Quân sự.

[…] Tất cả quyền hành đều tập trung vào tay Trần Văn Giàu, nghĩa là vào Độc tài Cộng sản Đệ Tam Quốc tế, chớ không phải là một Chính phủ Liên hiệp (không có một đại diện nào của Mặt trận Quốc gia Thống nhứt).

Các lãnh tụ Mặt trận Quốc gia Thống nhứt bất bình, nhưng đã quá trễ. Đảng   Cộng sản đã đi trước một nước cờ quan yếu. Đồng thời Trần Văn Giàu hạ một đòn độc đâm vào sau lưng Mặt trận Quốc gia Thống nhứt : Phạm Ngọc Thạch, lãnh tụ Thanh niên Tiền phong, ra thông cáo tuyên bố rằng tổ chức Thanh niên Tiền phong đã rút khỏi Mặt trận Quốc gia Thống nhứt và từ nay gia nhập Mặt trận Việt Minh" (8).

Theo Nguyễn Trọng Xuất, trong bài "Một quyết định mang tính lịch sử" in trong Trần Văn Giàu dấu ấn trăm năm, Trần Văn Giàu và phe cộng sản đã bàn tính cướp chính quyền ngay từ giữa tháng 8, trong buổi họp tối ngày 15 tháng 8 của Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ do Trần Văn Giàu triệu tập ngay sau khi được tin Nhật Bản đầu hàng, ở Chợ Đệm và lập kế hoạch nổi dậy vào đêm 17 hay 18, đồng thời thành lập Ủy ban Khởi nghĩa gồm 6 người với Trần Văn Giàu làm chủ tịch và Huỳnh Văn Tiểng làm ủy viên thường trực rồi đêm 16 họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng để thông qua kế hoạch này. Cuộc họp không suông sẻ vì có hai nhóm đối nghịch nhau về quyết định nổi dậy hay không, khiến Trần Văn Giàu phải cho ngưng lại và đặt câu hỏi "Nếu Hà Nội khởi nghĩa thì trong Nam ta phải làm gì ?". Kết quả là Hội nghị mở rộng họp lại lần thứ hai vào sáng ngày 21 rồi đặc biệt lần thứ ba vào sáng ngày 23, sau khi Tân An thành công cướp được chính quyền một cách suông sẻ, không bị quân Nhật ngăn cản, kèm với tin Đại tá Cédile đã nhảy dù xuống Tây Ninh để cuối cùng đêm 24 quyết định sẽ biểu tình tuần hành vào sáng hôm sau 25 tháng 8, đồng thời thành lập Ủy ban Hành chánh Lâm thời, gọi tắt là Lâm ủy Hành chánh với Trần Văn Giàu làm Chủ tịch (9).

Cũng trong tác phẩm Trần Văn Giàu dấu ấn trăm năm, Tiến sĩ Sử học Phan Văn Hoàng trong bài "Cùng nhau xông pha lên đàng" cũng cho biết thêm nhiều chi tiết về các hoạt động của cộng sản dưới danh nghĩa Việt Minh và Thanh niên Tiền phong trong những ngày này. Chẳng hạn như trong buổi lễ truy điệu Nguyễn An Ninh ngày 20 tháng 8, do Thanh niên Tiền phong tổ chức, Tôn Đức Thắng, "một thanh niên cách mạng, một đảng viên của Nguyễn Ái Quốc, hiện bị 20 năm tù ngoài Côn Đảo" ngay lúc mở đầu đã được bầu làm chủ tịch danh dự và Phạm Ngọc Thạch là chủ tịch. "Diễn giả là Nguyễn Văn Tạo, một cán bộ cộng sản kỳ cựu".

Mặt khác, căn cứ vào báo Điện Tín, Tiến sĩ Phan Văn Hoàng cho biết thêm là lần đầu tiên người Nam Bộ được nghe tiếng hô "Vạn tuế Việt Minh" là sau buổi lễ truy điệu Nguyễn An Ninh đêm 20 tháng 8 tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Đêm hôm sau, cũng tại rạp Nguyễn Văn Hảo, Liên đoàn Công chức tổ chức buổi diễn thuyết với Trần Văn Giàu là diễn giả. Trong buổi diễn thuyết này, Trần Văn Giàu đã đưa ra nhận định của Đảng cộng sản là "Không phải một mình Đảng đem lại sự độc lập cho Việt Nam [mà] cần phải có nhiều đồng bào, nhiều chánh đảng yêu nước tham dự" và "Xét như vậy, Đảng cộng sản mới kêu gọi tất cả các đảng yêu nước, tất cả dân chúng liên hiệp lại làm một Mặt trận để chống bọn đế quốc xâm lăng, để mưu đồ cuộc độc lập hoàn toàn cho nước nhà. Mặt trận ấy là Việt Nam độc lập đồng minh, tức Việt Minh…" bên cạnh nhiều hoạt động khác của Trần Văn Giàu (10).

Hồi ký của Nguyễn Kỳ Nam thì lại nói hoàn toàn khác. Theo Nguyễn Kỳ Nam :

"Nắm chánh quyền được 5 ngày, từ 25 tới 30 tháng 8, Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ mở phiên nhóm Khoáng Đại hội Nghị, có đủ các Đảng phái Chánh Trị tham gia.

Buổi nhóm đó, có các ký giả.

Tôi không bao giờ quên những câu hỏi và những câu trả lời của Trần Văn Giàu.

Tôi cũng không bao giờ quên khi Trần Văn Giàu mặc áo sơ mi đứng lên, tay mặt    đập mạnh vào khẩu súng lục nhỏ mang ở bên hông, để trả lời một câu hỏi của Trần Văn Thạch.

Nghe và thấy vậy, làm sao không sợ ?

Nhứt là người đứng lên trả lời đó là một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Đệ tam.

Không run, không sợ làm sao… khi mà sáng tinh sương ngày 25 tháng 8, từ nhà xuống toà báo, đi qua "Bồn kèn" trước Sạc Ne, tôi trong thấy một trụ lớn và vuông, bốn mặt sơn đỏ lòm, kẻ chữ vàng, danh sách những người được chọn vào Lâm ủy Hành chánh, đứng đầu là Trần Văn Giàu.

Buổi nhóm Khoáng đại Hội nghị hôm đó, Lâm ủy Hành chánh để lộ chân tướng "sát nhơn" rõ rệt.

Tôi nhớ 2 người chất vấn : Huỳnh Phú Sổ và Trần văn Thạch.

Huỳnh Phú Sổ - Phật giáo Hòa hảo - mà cũng là lãnh tụ đảng Việt Nam Vận động hội - tôi sẽ nói sau này.

Bây giờ, tôi xin nói trường hợp của Trần Văn Thạch – nhóm Đệ Tứ - trước.

Thạch chất vấn Giàu :

- Ai cử Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ ?

Thạch chất vấn như vậy là phải, vì như trên đã nói, ngủ một đêm sáng ngày bừng mắt dậy, bỗng dưng thấy danh sách Lâm ủy Hành chánh, kẻ chữ trên một trụ đỏ lòm, không biết ai cử Lâm ủy Hành chánh ? Và cử hồi nào ?

Trần Văn Giàu đứng dậy trả lời :

- Anh Thạch, tôi biết anh muốn nói gì rồi. Anh hỏi : "Ai cử Ủy ban Hành chánh", chớ thật ra trong bụng anh nghĩ : Ta giỏi như vầy mà không ai đem ta vào Lâm Ủy". Vậy tôi xin trả lời : "Chúng tôi tạm thời đảm đương chính phủ. Trong giai đoạn này. Sau rồi, chúng tôi giao lại các anh. Còn trả lời về chánh trị, tôi sẽ gặp anh ở một nơi khác".

Trần Văn Giàu vừa nói câu sau vừa để tay mặt nơi cây súng sáu" (11).

Viết về Trần Văn Giàu và biến cố Việt Minh cướp chính quyền ở miền Nam, phía những người cộng sản, kể cả các nhà nghiên cứu hay sử học đã dùng các từ ngữ vô cùng hoa mỹ như "tinh thần sáng tạo", "chủ động", "bản lĩnh, trí tuệ" để ca ngợi (12). Nguyễn Văn Trấn, một lãnh đạo cộng sản cao cấp đương thời, quê ở Chợ Đệm là nơi Xứ ủy Nam Kỳ họp ba đêm liền, 21, 22 và 23 tháng 8, để sửa soạn cho ngày cướp chính quyền 24 tháng 8, người sau này được cử làm Giám đốc rồi Ủy trưởng Quốc gia Tự vệ cuộc và cũng tự nhận là "Người tổ chức cướp chính quyền ở Sài Gòn", đồng thời được mệnh danh là "Hung thần Chợ Đệm", lại cho biết những chi tiết khác hơn khi ông viết kể lại chuyện này vào năm 1995, tức nửa thế kỷ sau, "để cho rõ vài chuyện lịch sử bị kể méo", theo lời ông, như sau :

"Cái năm 1945 năm mà cái chủ nghĩa háo danh nó làm kỷ niệm rập rình, bắt tôi,       trái với lòng hết sức, nhưng vì nợ nuớc phải rập theo.

Rập theo khoe không phải vì công khanh mà để cho rõ vài chuyện lịch sử bị kể méo.

Người tổ chức cướp chánh quyền ngày 25 tháng Tám, ở Sài Gòn là chính tôi đây, chớ tôi không có ai ở trên đầu để tôi làm phó. Sử gia hãy nghe tôi nói lại.

Một buổi chiều (nhớ chắc là ngày 24 chớ không thể là vào ngày khác được, tại nhà số 6 Colombert tôi thay mặt cho Cộng sản, họp với Huỳnh Văn Tiểng mà tôi gọi là người "lãnh đạo Thanh niên Tiền phong của Tân dân chủ đảng", với Trương Văn Giàu, Nguyễn Văn Quang, ông Đội Hưng ở Caserne Lelièvre, (gần bên thơ viện), Sơn Xuyên và Chín Bội của Brigade mobile Chí Hòa. Mấy vị lính này là bạn của tôi qua công tác binh vận mà trách bương bả.

Hôm đó tôi nói kế hoạch và phân công. Và cũng muốn làm oai chơi nên đề nghị các đoàn thanh niên của anh em dân chủ chịu trách nhiệm những chỗ quan trọng mà cuộc khởi nghĩa nào của thành phố cũng đền nghĩ tới trước nhứt. Những chỗ đó là : Nhà đèn, Đài phát thanh, Khám lớn, Nhà dây thép, các trại lính.

Đằng anh em kêu, nhiệm vụ như vậy nặng quá, làm không nổi, cho lãnh những chỗ vừa vừa.

Tôi nói vừa vừa là dinh Thống đốc, là đài phát thanh… ?

Có người nào đó nói : hai chỗ đó, lính Nhựt còn cả tiểu đội chớ vừa gì ?

Tôi nói :

Thật ra như mùa lúa chín, ta rung nó rụng thôi. Mà thế lực của ta là : Ở cơ quan, công sở nào cũng có Thanh niên Tiền phong hai màu cờ. Hôm qua cờ vàng hoan hô Khâm sai đại thần. Ngày mai cờ vàng, cờ đỏ sánh đôi hô Việt minh vạn tuế.

[…] Trên chóp nón là chính tôi, chin Bôi và Kiều Tấn Lập.

Và Nguyễn Văn Trấn kết luận :

"Thấy hôn ! Tôi không ăn có với kỷ niệm tưng bừng mà "xin cho tôi can", đừng nói quá lắm về tài giỏi mà như ông bà ta biểu, "nói năng phải phân phân, cây đa cậy thần, thần cậy cây đa".

Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn mà thắng lợi là cũng nhờ có cơ hội, điều kiện giúp cho nó mà thôi.

Coi, tôi là người tổ chức cướp chính quyền mà thiệt ra tôi có làm được gì nhiều đâu" (13).

Điều cần phải tìm hiểu là trong hồi ký của ông, Nguyễn Văn Trấn đã không hề nói tới ba cuộc họp vô cùng gay cấn để quyết định có nên khởi nghĩa hay không của Thường vụ Xứ ủy ở Chợ Đệm, quê hương ông. Câu hỏi được đặt ra là tại sao ? Xin để các độc giả tự tìm câu trả lời.

Riêng về thế lực của phía quốc gia, Nguyễn Văn Trấn viết :

Cơ sở giai cấp, nền tảng Mặt trận Quốc gia Thống nhứt của chánh quyền khâm sai Nguyễn Văn Sâm, có đó và không phải yếu.

Ông ta nè, hội đồng Bền chủ hãng xà bông Việt Nam nè, Kha Vạng Cân chủ lò đúc "Cân et Vang" nè (xin nói chừng ấy với tánh chất đại biểu trí thức tư sản) ;

Trần Văn Ân, đốc phủ Hoài là trí thức địa chủ và quan lại ;

Vậy mà ít ai dám ngồi lại với Khâm Sai. Họ sợ tiếng collabo (14) với phát xít, mà đồng minh sẽ đối xử là tội phạm chiến tranh.

Cho nên một tiếng hét "đả đảo", ngày 25/8 đủ cho ông Sâm nhào. Ghế bỏ trống. Ta leo lên và dựng "Ủy ban hành chánh Nam Bộ (chớ có đâu mà Ủy ban Nhân dân vô duyên) (15).

Có điều ngay trang sau, Nguyễn Văn Trấn lại viết :

"Sự nghiệp của tôi đã cho phép tôi báo cáo với Ủy ban hành chánh rằng : sự thắng lợi quá dễ dàng và chóng quánh của Việt Minh đã làm cho những đảng phái ngoài vòng cảm tình đã có ý muốn cướp lại nhưng họ đã thôi. Tôi coi cái nguyện vọng ấy, của họ như cái trứng chí lép.

Xin đọc kỹ ba chữ "muốn cướp lại" và các chữ "tội phạm chiến tranh" ở đây và đối chiếu với những gì kể lại bởi phía các người quốc gia về biến cố 25 tháng Tám này, đặc biệt là những lời chất vấn Trần Văn Giàu của Trần Văn Thạch thuộc Nhóm Đệ Tứ và Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ của Phật giáo Hòa hảo trên đây trong buổi họp khoáng đại ngày 30 tháng 8, cùng sự sợ hãi của những người tham dự khi thấy Trần Văn Giàu tay phải vỗ vào khẩu súng lục đeo bên sườn bên phải khi trả lời Trần Văn Thạch. Một nghi vấn khác cũng cần phải được đặt ra ở đây là có thật có biểu tình cướp các công sở ở Sài Gòn ngày 25 tháng 8 hay không, vì theo các nhân chứng như đã nói trên đây, thì ngủ một đêm, sáng ra "mới thức dậy nhìn thấy một cây trụ lớn sơn màu đỏ chói đặt tại "Bồn Kèn" tức ngã tư đường Charner (Nguyễn Huệ sau này) và Bonard (Lê Lợi sau này) liệt kê danh sách cơ quan chánh quyền miền Nam với danh nghĩa Ủy ban Hành chánh Nam bộ Lâm thời gọi tắt là Lâm ủy Hành chánh" ?

Cũng Nguyễn Văn Trấn, khi nói về chức xứ ủy Nam Kỳ của Trần Văn Giàu, có viết về một lớp học do Tạ bá Tòng, một sinh viên con nhà giàu quê Sóc Trăng được cha mẹ cho ra Hà Nội học và tham gia Thanh niên Cứu quốc của Lê Quang Đạo, khi về Sài Gòn tổ chức ở nhà Dược sĩ Trần Kim Quang ở Thị Nghè. Lớp học do "anh Sáu", tức Trần Văn Giàu phụ trách, quy tụ được gần bảy chục đoàn viên thanh niên dân chủ, và :

"Học trò mến thầy lại nghe lịch sử của thầy nữa nên suy tôn anh Sáu là bí thư xứ  ủy Nam Kỳ, không biết cái xứ ủy ma nào" (16).

4. Có phải vì Nhật thua nên mới trả lại Nam Kỳ cho Chính phủ Trần Trọng Kim không ?

Nhằm phủ nhận thành tích của Trần Trọng Kim và nội các của ông, có người cho rằng sở dĩ người Nhật quyết định trả lại xứ Nam Kỳ cho Việt Nam là vì họ đã thua, trong đó có Nguyễn Văn Trấn. Nguyễn Văn Trấn căn cứ vào ngày dự trù long trọng làm lễ trả và thu nhận lại xứ này là ngày 14 tháng 8 tại Sài Gòn. Điều này (vì Nhật sắp thua) không đúng vi hai lẽ.

Lẽ thứ nhất ngày 14 tháng 8 là sau ngày 9 tháng 8, ngày quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki, sau quả bom thứ nhất được thả xuống Hiroshima ngày 6 tháng 8. Sau đó Nhật Bản mới đầu hàng. Trước đó không ai ngờ chuyện này có thể xảy ra sớm như vậy và dù sớm hay muộn, Nhật cũng phải thua nhưng còn có thể cầm cự được cả năm nữa.

Lẽ thứ hai là quyết định trả lại xứ Nam Kỳ cho Việt Nam đã được Thủ tướng Trần Trọng Kim và Tướng Tsuchihashi chấp thuận cả non một tháng trước đó, ở thời điểm không một ai có thể biết là Mỹ sẽ sử dụng bom nguyên tử, ngoại trừ Tổng thống Truman và các cộng sự viên thân tín nhất của ông. Không những thế nhu cầu giữ nguyên trạng, tránh mọi sư lộn xộn ở hậu phương để cho Quân Đội Nhật rảnh tay đối phó với quân Đồng Minh một khi quân Đồng Minh đổ bộ là một nhu cầu của người Nhật. Chính vì thế mà Tướng Tsuchihashi đã dùng dắng lúc đầu.

Cũng nên để ý là các cuộc điều đình đã được thực hiện từ trước khi Thủ tướng Trần Trọng Kim ra Bắc giữa Ngoại trưởng Trần Văn Chương và giới chức Nhật. Còn về phía Việt Nam, Hoàng đế Bảo Đại qua bn Tuyên chiếu, ngày 11 tháng 6 năm 1945, tức ngày 21 tháng 5 âm lịch, năm Bảo Đại thứ 20, ngày lễ Việt Nam Thống nhứt Đại Khánh, cho biết ông phải "hành động thận trọng và tuần tự", "sau khi "chính phủ phải dự bị cho xong công cuộc tổ chức việc cai trị các lãnh thổ (đã) được phục hồi và thực hành chủ quyền của chính phủ ta trên các lãnh thổ ấy (hai xứ Bắc và Trung Kỳ)". Lý do là vì trong suốt 80 năm trước đó Nam Kỳ là thuộc địa của người Pháp nên hoàn toàn không thuộc thẩm quyền cai trị của Triều Đình Huế, trái với Bắc và Trung Kỳ là các xứ bảo hộ. Chính vì vậy Nhà Vua đã "cảm ơn quan chức Nhật-bản đã tạm cai quản những lãnh thổ kia từ ngày mồng chín tháng ba dương lịch, và đã sẵn sàng chỉ đợi chính phủ tuân theo ý Trẫm, dự bị hoàn toàn, là sẽ trả lại quyền cai trị tất cả đất nước Việt-nam cho chính phủ Việt-nam" (17). Vấn đề như vậy không đơn giản như phía cộng sản nhận định và tuyên truyền.

5. Dân Miền Nam vẫn còn quý trọng Nhà Vua và tôn trọng vị Khâm sai của Triều đình.

Đây là một thực tại lịch sử khác ta cần phải để ý. Nó giúp ta hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra ở miền Nam không riêng vào thời điểm 1945 mà luôn cả những năm cuối của thập niên 40 của thế kỷ 20. Ít nhất có ba sự kiện đã chứng minh thực tại này.

Thứ nhất : Lễ Hưng Quốc Khánh Niệm 11 tháng 6 năm 1945, ngày Vua Gia Long thống nhứt sơn hà, đã được long trọng cử hành tại Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn, rất đông người tham dự.

Thứ hai : Ngày 3 tháng 7 năm 1945, 38 sinh viên đại diện trường huấn luyện Thanh niên Tiền phong đã ra Huế và đã được Vua Bảo Đại tiếp kiến. Nguyễn Kỳ Nam lúc đó có mặt ở Huế với tư cách đặc ủy viên của Bộ Tư pháp của Luật sư Trịnh Đình Thảo đã kể lại buổi lễ như sau :

"Cuộc tiếp rước đơn giản mà trọng thể tại lầu Kiến Trung, nhà vua không tiếc lời ban khen nồng nhiệt và nhắc nhở trách vụ của thanh niên trong giai đoạn tranh giành độc lập, và kiến thiết quốc gia.

Do đề nghị của Chính phủ Trần Trọng Kim, vua Bảo Đại ban Sắc, chuần cho   Phạm Ngọc Thạch sung chức Xứ trưởng thanh niên và đại diện Bộ trưởng thanh niên Phan Anh ở Nam Kỳ (18).

Thứ ba : Khâm sai Đại thần Nguyễn Văn Sâm, sau khi đã bị Việt Minh ngăn chặn, kể cả bị bắt, khi trên đường đầy gian nan, nguy hiểm, từ Huế vào Sài Gòn nhậm chức vào lúc tình hình đã có nhiều biến chuyển, vẫn được đồng bào Nam Kỳ long trọng đón tiếp.

6. Dân chúng đứng chật hai bên đường từ Đất Hộ (Dakao) về tới đường Lagrandière (Gia Long) dinh Thống đốc để đón mừng vị Khâm sai đầu tiên của triều đình sau tám mươi năm ngoại thuộc

Nguyễn Kỳ Nam, như đã nói ở trên, lúc đó là đặc ủy viên của Bộ Tư pháp của Bộ trưởng Trịnh Đình Thảo trong Chính phủ Trần Trọng Kim, là người tháp tùng Nguyễn Văn Sâm và, vì không tin người tài xế, đã lái xe cho ông này trong đoạn cuối của chuyến vô Sài Gòn nhậm chức, đã ghi lại sự đón tiếp nồng hậu mà vị Khâm Sai này nhận được khi qua khỏi Phan Thiết, tiến vào địa phận Nam Kỳ như sau :

Đường về Nam Bộ, xe Khâm sai qua khỏi ranh Phan Thiết là gặp những khải hoàn môn dựng trước công sở, đón tiếp nồng hậu.

Bây giờ, tôi mới biết mình còn sống.

Tôi ngừng xe lại. Mà xe ngừng ở giữa 2 bên mé rừng làm cho ông Nguyễn Văn Sâm ngạc nhiên.

- Sao anh không chờ tới chỗ đông người…

Tôi mở cái "cốp" xe Ford, lấy lá cờ quẻ ly, đem treo trước đầu xe. Diệp Ba mỉm cười.

- Họ đã xé lá cờ lúc tới Khánh Hòa, tại sao anh còn lá cờ nầy ?

- Tôi "phòng thủ" một lá cờ thứ hai từ lúc còn ở Huế. Từ đây về Sài Gòn sẽ gặp nhiều nơi đón tiếp. Dầu sao cũng là Khâm sai đại thần, phải treo cờ cho người ta biết chớ !

Ông Nguyễn Văn Sâm cười, một nụ cười đau khổ thế nào ! Diệp Ba vui miệng nói luôn :

- Hồi thời xưa, nhà vua đưa Khâm sai đại thần đi trấn nhậm một nơi nào, là tiền hô hậu ủng, hương án đặt hai bên đường, lính tráng oai nghiêm chớ đâu có một chiếc xe Ford trơ trọi như vầy… Lại còn bị nhốt vào khám nữa !

Diệp Ba nói dứt lời, xe tiến tới…một bàn hương án !

Tôi ngừng xe lại, Diệp Ba ngó ra trước nói :

- Cũng có hương án đó !

Đây là Xuyên Mộc. Ông chủ Quận ặc áo rộng đứng trước bàn hương án, với   ban Hội tề và vài người lính.

Một giây pháo nổ lẹt đẹt xé tan không khí âm u của khu rừng im lặng, giữa quang cảnh gió mát, cây lá chận ánh sáng mặt trời.

Một quận nghèo nàn làm sao ấy !

Đây là "ải địa đầu" của Nam Bộ.

Dân tình thưa thớt, có mấy chú thợ rừng…Không ai chú ý đến ông Khâm sai Đại thần ! Hơn nữa, Nam Kỳ là thuộc địa, nó mới mang tên "Nam Bộ" đây và bây giờ mới có một Khâm sai đại thần sau tám mươi năm không liên lạc với Triều đình vua chúa.

Nguyễn văn Sâm xuống xe nói chuyện qua loa vì sợ mất thì giờ, đoạn vội vã trở lên xe đặng về Sài Gòn kịp 5 giờ chiều.

Tôi đếm tất cả là 18 người đứng chung quanh bàn hương án !

Ông tỉnh trưởng Phan thiết đánh điện tín về những tỉnh, những quận… mà Khâm sai sẽ trải qua, trên quốc lộ số 1, nên đâu đâu đều chuẩn bị cuộc tiếp rước. Xe chưa vào     châu thành Biên hòa, lại gặp một chiêc xe trắc xông có cắm cờ đón giữa đường, ở một nơi vắng vẻ.

Tôi hỏi :

- Sao ? Ngừng hay chạy luôn. Kìa có người đưa tay ra ngoắc xe ngừng lại ; bây giờ liệu sao ?

Diệp Ba cũng còn lưỡng lự. Xe lại gần…

Tôi tốp bớt máy lại, rề rề… chờ.

- Sao ? Ngừng hay… chạy luôn.

Tôi hỏi chưa dứt câu, Diệp Ba vùng la lên :

- Anh Huỳnh Văn Phương mà làm tôi hết hồn… tưởng Việt Minh đón xe bắt ông Khâm sai nữa !

Ông Hỳnh Văn Phương lãnh chức Tổng giám đốc Công an lên trước ở đây, đón ông Nguyễn Văn Sâm đặng hỏi tin tức.

Mọi người đều xuống xe.

Huỳnh Văn Phương và Nguyễn Văn Sâm trao đổi tin tức.

- Tụi nó… dám tuyên truyền Bảo Đại thoái vị rồi.

Tụi nó… đây là Việt Minh.

Ông Huỳnh Văn Phương là chiến sĩ Đệ tứ nắm Công an trong tay, tự nhiên phải coi chừng Cộng sản Đệ tam, từ mọi hành động, từ một lời tuyên truyền.

Huỳnh Văn Phương lại hỏi riêng tôi :

- Anh có nghe Hội đồng Nội các tính thế nào không ? Và ông Đổng lý Văn phòng Bảo Đại có biết gì về Việt Minh không ?

Tôi không giấu một sự thật nào :

- Thủ tướng Trần Trọng Kim không thể lập Nội các nữa được, nên ở đó chờ giờ… Ông đã mướn nhà riêng ở bên kia cầu Trường tiền, đặng khi Việt Minh đến, ông sẽ giao luôn Thủ tướng Phủ ?

Ông Huỳnh Văn Phương coi bộ cương quyết lắm :

- Tôi có đủ tin tức biết rõ lực lượng Việt Minh. Họ không có khí giới gì ráo. Tôi đủ sức giữ Sài Gòn, không để Việt Minh cướp chánh quyền một khi Bảo Đại chưa thoái vị.

Ông Nguyễn Văn Sâm lúc nào cũng bình tĩnh và ôn hòa :

- Để về tới nơi rồi sẽ lo liệu. Ở Hà Nội, Phan Kế Toại chịu đựng không nổi nên đánh điện về Huế xin từ chức.

Huỳnh Văn Phương kể sơ qua những biến chuyển mấy ngày chót. Đoạn cùng nhau trực chỉ Sài Gòn.

Xe của Phương mang cờ Công an, chạy trước mở đường.

Tới Biên Hòa, Thanh niên Tiền phong sắp hàng tiếp rước Khâm sai rất long trọng.

Ông Khâm sai Đại thần đứng trước cờ vàng sao đỏ của Thanh niên Tiền phong, nghiêm chỉnh bằng cách đưa trước ngực… như một chiến sĩ bại trận… hàng cầu nghịch vậy !

Rồi Thủ Đức, Gia Định, Sài Gòn.

Dân chúng đứng chật hai bên đường từ Đất hộ (Dakao) về tới đường Lagrandière (Gia Long) dinh Thống đốc là nơi còn Minoda.

Xe Huỳnh Văn Phương ngừng ở Đất hộ để một mình ông Khâm sai vào Sài Gòn để cuộc tiếp rước không lầm lẫn được. Nhưng tôi quýnh trước số đông dân chúng một lúc một đông thêm. Tôi run : cầm tay chiếc Ford PI (Palais Impérial) mà lòng những hồi hộp làm sao ấy ! (19).

Xin để ý câu nhận định của Huỳnh Văn Phương về lực lượng võ trang của Việt Minh và sự tự tin của ông dựa trên những tin tức mà ông nhận được : "Tôi có đủ tin tức biết rõ lực lượng Việt Minh. Họ không có khí giới gì ráo. Tôi đủ sức giữ Sài Gòn, không để Việt Minh cướp chánh quyền một khi Bảo Đại chưa thoái vị" để đối chiếu với những gì xảy ra sau đó. Quan điểm này phần nào giống quan điểm của Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đại học Hà Nội Phan Thanh Hòa, chống lại chủ trương ép nhà vua thoái vị nhường quyền cho Việt Minh. Không có lực lượng võ trang đáng kể, Việt Minh chỉ lợi dụng Thanh niên Tiền phong làm lực lượng xung kích qua sự lừa đảo tập thể những người trẻ chỉ biết yêu nước và phụng sự quốc gia của Miền Nam này của lãnh tụ gốc cộng sản Đệ Tam Phạm Ngọc Thạch và họ đã thành công, gìống hệt như ở Hà Nội, họ đã lợi dụng và cướp ngang cuộc biểu tình ngày 17 tháng Tám của Tổng Hội Công Chức.

Điểm khác biệt là ở miền Bắc cuộc chống đối tiếp theo là giữa Quốc gia và cộng sản, còn ở miền Nam có thêm nhóm Tranh đấu Đệ Tứ. Hậu quả là phe Đệ Tứ phần đông là trí thức du học ở Pháp về đã bị tàn sát một cách tàn khốc với các nhân vật danh tiếng như Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Dương Văn Giáo, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà, vợ chồng Bác sĩ Hồ Vĩnh Ký-Nguyễn Ngọc Sương…

Nên để ý là Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sương là thủ lãnh Thanh niên Tiền phong, phía các phụ nữ. Đó là chưa kể tới 64 (?) người ở sông Lòng Sông và không rõ bao nhiêu người trong danh sách trên hai ngàn người của Trần Văn Giàu được nói tới trong hồi ký của Nguyễn Kỳ Nam, Trần Văn Ân và nhiều nhân vật khác khiến miền Nam mất đi một lực lượng trí thức ưu tú lớn lao, cần thiết để sau này tiếp tục tranh đấu cho nền độc lập, thống nhất và kiến thiết xứ sở.

Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu trong bài viết nhan đề "Những nhân chứng cuối cùng", đăng trên Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y năm 2010, đã viết về những sự kiện này như sau :

Trong đêm 23 tháng 9 năm 1945, ngày lịch sử mở màng cuộc Kháng chiến Cách mạng Mùa Thu ở Nam bộ, người bị giết đầu tiên, thây phơi trên đường Albert 1er (đường   Đinh Tiên Hoàng) là ông Lê Văn Vững, bí thư vùng Sài Gòn-Chợ Lớn của nhóm Tranh Đấu và cũng là người phụ trách phát hành lại báo Tranh Đấu (20). Như vậy người Việt Nam đầu tiên đã bỏ mình trong cuộc Kháng chiến chống Pháp không do thực dân giết mà lại do Tự vệ Cuộc miền Nam thanh toán. Bà vợ của ông Vững đã tận tụy suốt đời nuôi con và mở một tiệm bán bánh mức trên đường Đinh Tiên Hoàng, gần góc đường Hiền Vương. Tiệm trương bảng màu vàng đề tên Lê Văn Vững chữ đỏ, để kỷ niệm người chồng vắn số.

Vài ngày sau 23 tháng 09, 1945 nhà giáo Nguyễn Thi Lợi phụ trách báo Tranh Đấu  cũng bị thủ tiêu ở Cần Giuộc, Chợ Lớn. Cuộc khủng bố trắng, săn bắt, ám sát các nhân sĩ ái quốc có uy tín nhưng không thuộc Đảng Cộng sản từ đó đã xảy ra hằng ngày, bắt đầu từ Bùi Quang Chiêu đến Hồ Văn Ngà, Trần Quang Vinh, Luật sư Hồ Vĩnh Ký và vợ là Bác sĩ Nguyễn Thị Sương (nguyên Thủ lãnh Phụ Nữ Tiền Phong) v.v... Nhà viết báo và cách mạng danh tiếng trong thời kỳ "Đông dương Đại hội," Diệp Văn Kỳ, khi biết rõ ý đồ của Trần Văn Giàu, đã lánh mặt, mặc áo tu lên ở Tha La Xóm Đạo (Trảng Bàng) cũng bị bắt và sát hại trong đêm.

Một nhân tài có tiếng tăm khác bị thanh toán là Luật sư Dương Văn Giáo. Cái chết của ông Giáo có thể có liên can một phần nào đến cấp chỉ huy trực tiếp của ông Trấn, tức ông Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Nam bộ. Số là trước khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 09 tháng 03 năm 1945, ông Trần Văn Giàu cũng như một số lớn các nhà cách mạng khác, đã bị Pháp cầm tù ở Trại Tà Lài (Bà Rá). Có thể vì nhu cầu chánh trị, để chống phá quân đội Nhật, giới cầm quyền Pháp ở Việt Nam đã nhận chỉ thị từ Pháp dàn cảnh để ông Trần Văn Giàu vượt ngục Tà Lài để ra ngoài hoạt động chống Nhật. Khi Nhật đảo chánh Pháp, trong các hồ sơ mật được giữ trong văn khố Sở Mật thám ở Catinat, văn kiện này được người Nhật tìm ra và ông Huỳnh Văn Phương là người được Chánh phủ Trần Trọng Kim cho phụ trách cơ sở bót Catinat đã có tài liệu về việc Trần Văn Giàu gặp gỡ với trùm mật thám Arnoux của Pháp. Trong một phiên họp của Mặt trận Quốc gia Thống nhứt ở nhà vợ chồng bác sĩ Hồ Vĩnh Ký, đường Phan Đình Phùng, ông Dương Văn Giáo lúc đó từ Thái Lan về, đã rút từ cập da ra tài liệu này cho các người hiện diện xem. Sau khi thảo luận, chính ông Giáo là người đề nghị không công bố tài liệu này để không làm mất uy tín ông Trần Văn Giàu để Mặt trận Việt Minh có thể lãnh đạo hữu hiệu việc chống    Pháp lúc đó đang lâm le chiếm trở lại miền Nam. Quyết định sau cùng của buổi hội là giao cho Dương Văn Giáo đến gặp Trần Văn Giàu đặt vấn đề cải tổ Lâm ủy Hành chánh.

Khi Pháp, với sự thỏa thuận của quân đội Anh đang chiếm đóng, làm chủ được Sài Gòn nhưng còn bị bao vây trong thành phố, Dương Văn Giáo đã bị vu cáo là Việt gian và bị xử tử ở Cầu Bến Phân (Gia Định). Phần đông những người hiện diện trong buổi hội lịch sử kể trên như luật sư Hồ Vĩnh Ký và vợ là bà bác sĩ Nguyễn Thị Sương, Huỳnh Văn Phương, Hồ Văn Ngà, Huỳnh Phú Sổ, Lê Kim Tỵ... sau đó đã lần lượt bị giết chỉ trừ Vũ TamAnh (sau bị Mật vụ chế độ Ngô Đình Diệm giết) và Nguyễn Văn Hướng.

Những người đã bị thủ tiêu không những phần nhiều đã hoạt động chung quanh vùng Sài Gòn, Chợ Lớn mà còn cả nhiều người ở các tỉnh xa ở miền Nam. Danh sách những người này như đã được ghi nhận từ lâu, chỉ chờ có cơ hội là được đem ra thi hành. Ông Trịnh Hưng Ngẫu (người được giới tranh đấu ở Nam biết tiếng không phải chỉ vì ông đã chế biến cho các xe chuyên chở sử dụng lò đốt than gọi là gasogen để thay thế xăng khan hiếm vào thời đó, mà do thành tích ông đã đá vô mông một cò Pháp nhân một cuộc bảo vệ ông Bùi Quang Chiêu từ Bến Nhà Rồng, Khánh Hội về tới nhà ở Phú Nhuận) đã     cho biết là trong một cuộc gặp gỡ Trần Văn Giàu ở Thái Lan, ông Giàu đã khoe là ông có danh sách hơn 200 người cần thủ tiêu nhưng chưa thi hành kịp (!).

Một số đông những người này đã bị Tự vệ Cuộc của ông Trấn bắt giam trước khi Lâm ủy Hành chánh của Trần Văn Giàu rút khỏi Sài Gòn đi về miệt Tân An. Ông Trấn đã có đề cập đến việc này trong sách của ông (Xem trang 136) với lời khen (!) "Pháp cho nhảy dù xuống Hội đồng Sâm để giải thoát cho tù nhân mà ta giam ở đó. Có cái tốt là tù nhân không chạy theo Tây". Tù nhân (!) được giao cho Phạm Hùng đem vào kinh Xáng và đi luôn xuống Cà Mau. Một số những người bị giam nầy đã thoát chết khi được ông Nguyễnnhân lúc Sư đoàn này rút lui về Hậu giang. Người may mắn trong trường hợp này là ông Ngô Văn đã kể lại chuyện trong quyển "Viet-Nam, 1920-1945, révolution et contre-révolution sous la domination coloniale" xuất bản ở Pháp.

Định mệnh đầy đau thương và cực kỳbi thảm của miền Nam khởi đầu từ những sự kiện này. Điều đáng tiếc căn bản làvì "mắc lừa bọn du côn" (21),Chính Phủ Trần Trọng Kim đã từ nhiệm và Vua Bảo Đại đã thoái vị quá sớm.

Phạm Cao Dương

(Giáo sư, Tiến sĩ Sử học)

------------------

(1) Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận, Cuốn 4, Từ Đế quốc Việt Nam đến trận Điện Biên Phủ. Paris ; Nam Á (Sudasie), 2002, tr. 1956.

(2) Nguyễn Long Thành Nam, Phật giáo Hòa hảo trong dòng Lịch sử dân tộc, Santa Fe Springs, Đuốc Từ Bi, 1981, tr. 308-309.

(3) như trên, tr. 343.

(4) Nguyễn Kỳ Nam, Hồi ký "1925-1964". Tập II, Sài Gòn, Nhật báo Dân Chủ Mới xuất bản, 1964, tr. 49-50.

(5) như trên, tr. 78.

(6) như trên, cùng trang.

(7) như trên, tr. 50-52.

(8) Nguyễn Long Thành Nam, Phật giáo Hòa hảo, tr. 346-347.

(9) Nguyễn Trọng Xuất, "Một Quyết Định Mang Tính Lịch Sử", trong Trần Văn Giàu, dấu ấn lịch sử. Thành phố Hồ Chí Minh : Nhà xuất bản Trẻ, 2012, tr. 172-175.

(10) Phan Văn Hoàng, "Cùng Nhau Xông Pha Lên Đàng", trong Trần Văn Giàu, dấu ấn lịch sử, tr. 147- 176.

(11) Nguyễn Kỳ Nam, Hồi ký…, đã dẫn, tr. 27-28.

(12) Nguyễn Trọng Xuất, "Tự Vạch Lấy Con Đường Mà Đi", trong Trần Văn Giàu, dấu ấn lịch sử, đã dẫn, tr. 146.

(13) Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội. California, USA : Văn Nghệ Xuất Bản, 1995, tr. 122 - 124.

(14) Trong sách in là "collabo" và chú thích là "cộng tác"

(15) Nguyễn Văn Trấn, như trên, tr. 125.

(16) như trên, tr. 117-118.

(17) "Tuyên Chiếu", trong Tri Tân tạp chí, số 1993, thứ Năm, 25 tháng Sáu 1945, tr. 382.

(18) Nguyễn Kỳ Nam, Hồi ký, tr. 71.

(19) Nguyễn Kỳ Nam, Hồi ký, tr. 43-47.

(20) Tờ báo của phe Đệ Tứ.

(21) Lời cựu Hoàng Bảo Đại nói với cựu Thủ tướng Trần Trọng Kim khi hai người gặp lại nhau lần đầu tiên vào năm 1946 và được Trần Trọng Kim ghi lại trong hồi ký của ông (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi. Sài Gòn, Vinh Sơn, 1960, tr. 146).

Phạm Cao Dương là Giáo sư, Tiến sĩ Sử học của một số trường Đại học thời Việt Nam Cộng hòa trước 1975. Sau 1975, ông là Giáo sư chuyên về Văn hóa và Lịch sử Việt Nam tại một số Đại học Mỹ.

Published in Diễn đàn

Đoàn quân Việt Minh đi

Xe nhà phất phới

Dắt họ hàng làng nước ra làm quan.

Cùng chung sức phá két xây nhà mới,

Đứng đều lên may vá cho thật sang.

(Lời hát nhái bài Tiến Quân Ca thời 1945)

Trước khi vào đề

Cách đây đúng 73 năm, hai biến cố lớn đã xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, đã đưa dân tộc Việt Nam vào một khúc quanh lịch sử vô cùng quan trọng : Biến cố 19/8/1945, Việt Minh cướp chính quyền, và Biến cố 2/9/1945, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập.

cm1

Chính phủ Trần Trọng Kim ngày 17/04/1945

Hai biến cố này đã đưa tới sự thay thế chính quyền của Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim bằng chính quyền Việt Minh do Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản lãnh đạo, từ đó tới Cuộc chiến ba mươi năm, đầy đau thương, chết chóc, chia rẽ và hủy diệt, kéo dài từ năm 1946 đến năm 1975. Hai biến cố này thực ra là đều không cần thiết vì ít nhất hai lý do :

Thứ nhất : Người Pháp đã bị nguời Nhật loại trừ ra khỏi chính quyền Đông Dương từ sau ngày 9/3/1945, ngày Nhật đảo chính Pháp. Tiếp theo đến lượt người Nhật đầu hàng, Việt Nam đương nhiên độc lập với chính quyền Bảo Đại–Trần Trọng Kim là chính quyền đương nhiệm và hợp pháp. Sau này khi người Pháp muốn trở lại, người ta vẫn có thể dùng các phương tiện ngoại giao để điều đình nhưng với một tư thế hoàn toàn khác trước như Thủ tướng Trần Trọng Kim đã dự trù và viết trong hồi ký của ông.

Thứ hai : Chính quyền của Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim không phải là một chính quyền tệ hại, như bị cộng sản tuyên truyền, trái lại gồm toàn những trí thức ưu tú đương thời, có khả năng, nhiệt tâm và sự hiểu biết cần thiết để điều hành đất nước, khác với các chính quyền sau đó. Chính quyền này đã và đang thực hiện được nhiều công trình quan trọng như thu hồi và cụ thể hóa nền độc lập và thống nhất quốc gia, thiết lập những cơ chế căn bản cho một chế độ dân chủ, tự do trong một tuần lễ được báo chí đương thời mệnh danh là Tuần lễ của các quyền tự do, đặc biệt và tồn tại cho đến tận ngày nay là công cuộc Việt hóa và xây dựng nền giáo dục quốc gia... dù chỉ mới cầm quyền được trên dưới bốn tháng, trong khi những gì chính quyền cộng sản cho đến tận ngày nay vẫn chưa muốn làm hay chưa làm được.

Tất cả những sự kiện kể trên người viết ít nhiều đã ghi lại và đã giải thích tương đối đầy đủ, với những chú thích rõ ràng trong tác phẩm Bảo Đại, Trần Trọng Kim và Đế quốc Việt Nam, 9/3/1945 – 30/8/1945, do Nhà xuất bản Amazon in và phát hành. Độc giả có thể liên lạc với nhà xuất bản này, tìm đọc thêm. Trong bài này người viết chỉ xin ghi lại những nhận định về hai biến cố kể trên của những nhân vật liên hệ hay biết chuyện, đặc biệt là hai người vừa mới qua đời trong tháng Tám vừa qua : Nhạc sĩ Tô Hải, tác giả Hồi Ký Của Một Thằng Hèn và cựu Đại tá, Nhà Báo Quân Đội Nhân Dân Bùi Tín.

Nhạc sĩ Tô Hải và cựu Đại tá Bùi Tín

Nhạc sĩ Tô Hải và cựu Đại tá Bùi Tín là hai nhân vật đã có dịp theo dõi và tham gia cuộc sống trong thời gian hai biến cố kể trên xảy ra, đã phục vụ chính quyền cộng sản trong Quân Đội Nhân Dân, trong văn nghệ và báo chí, sau đó đã đổi thái độ.

cm2

Nhạc sĩ Tô Hải và cựu Đại tá Bùi Tín là hai chứng nhân của Cách Mạng Tháng 8

Ngày 11/8/2018 vừa qua, hơn một tuần lễ trước ngày có thể coi là mở đầu cho định mệnh của hai ông, hai ông cùng qua đời. Câu hỏi được đặt ra là hai ông đã nhận định ra sao về ngày 19/8/1945 này ?

Người viết xin vắn tắt ghi lại sau đây để người đọc tiện theo dõi và hiểu rõ hơn quan điểm của hai ông, đồng thời cũng xin ghi thêm một vai chi tiết liên quan tới ngày 19/8/1945 ít được mọi người biết tới hay chỉ biết mơ hồ, trong đó có chuyện tấm ảnh của Tướng Cọp Bay Chennault ký tặng Hồ Chí Minh, chuyện Việt Minh lấy đồ trong cung vua đem ra chợ bán, chuyện bốn tấn bạc người Nhật trả lại cho Chính Phủ Việt Nam, chuyện Việt Minh tịch thu của cải của nhà giàu...

Nhạc sĩ Tô Hải

Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy Mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo ? Ai hô thế nào thì hô theo thế ấy. Cờ vàng, cờ đỏ chẳng có gì quan trọng.

Chỉ đơn cử 2 ngày 17 và 19/8/1945 là đã có sự lẫn lộn rồi. Thì ra 17/8 là cuộc Mít tinh của công chức biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Còn ngày 19/8 là ngày Mít tinh ủng hộ Việt Minh. Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy Mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo ?

Nhạc sĩ Tô Hải, sinh năm 1927, tác giả bài ca Nụ Cười Sơn Cước và Hồi Ký Của Một Thằng Hèn. Ở vào thời điểm tháng Tám 1945, Tô Hải 18 tuổi, mới qua tuổi thiếu niên, bước sang tuổi thanh niên và đã có bằng tú tài. Mãi 54 năm sau, đến ngày 19 tháng 8 năm 2009, người nhạc sĩ này mới có dịp ghi lại những gì ông còn nhớ và ghi trên trang mạng riêng của mình, trong tuần ký số 17, với tiểu đề "Tớ đúng là một tên gà mờ", nguyên văn xin được trích như sau :

Như tớ đã thú thật, trong tuần ký số 16 là tớ chỉ viết về những gì tớ đã tham gia hoạt động thật sự cho những tổ chức có thật trong những ngày nhốn nháo tù mù đó. Cho nên do không được hân hạnh có nhiều tư liệu như các friends, tớ chỉ mong muốn các nhà viết sử sẽ dựa vào những tư liệu có thật, không phán đoán, phê phán vô bằng cớ, không cắt gọt xuyên tạc… cùng tớ bạch hóa cái chặng đường từ 9/3/45 đến ngày ra mắt chính phủ Cách Mạng lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì chính phủ có cái cờ vàng, quẻ ly đó mà chính bản thân tớ và cả các ông "to" trong chính phủ từng cất cao, với câu ca "Này thanh niên ơi !" nó… biến đi đâu ? Nhìn ra đường phố, hôm nay 19/8/2009 ai cần biết cần hát cái bài "Mười chín tháng tám ! Chớ quên là ngày khởi nghĩa" nữa rồi !

Thế đấy ! chỉ qua những tài liệu văn bản thu thập được chỉ trong có một tuần, so với lúc tớ viết tuần kí số 16, thì tớ đã tự trả lời được rất nhiều câu hỏi, để cỏ thể đủ khả năng kết luận vì sao ? Tại ai ? Cụ thể là :

Chỉ đơn cử 2 ngày 17 và 19/8/1945 là đã có sự lẫn lộn rồi. Thì ra 17/8 là cuộc Mít tinh của công chức biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Còn ngày 19/8 là ngày Mít tinh ủng hộ Việt Minh. Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy Mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo ? Ai hô thế nào thì hô theo thế ấy. Cờ vàng, cờ đỏ chẳng có gì quan trọng. Miễn là đi qua trại lính Nhật chẳng thấy đứa nào dám nổ súng dù có hô to "Đả đảo Phát xít Nhật !" "Việt Nam muôn năm !" Cả hai cuộc mít tinh nói trên đều có mặt cái thằng tớ. Cũng may là tớ chẳng vướng vào các cuộc mít tinh có lính Tầu Tưởng đứng gác ở chợ Đồng Xuân để bị nghe "Tỉu cái là ma lồng pào !" khi bị Việt Minh giải tán !...

Cựu Đại tá Bùi Tín

Sau 70 năm, nhìn lại không thể gọi biến cố đó là Cách mạng tháng Tám. Gọi vậy là "ngoa ngôn", là "đại ngôn".

Khác với nhạc sĩ Tô Hải, như một nhà báo và một nhà lý luận chính trị, sau khi định nghĩa từ ngữ "cướp", nguyên đại tá Bùi Tín, trong bài viết trên trang mạng của ông, đã đặt vấn đề nghiên cứu sâu thêm sự kiện lịch sử của thời gian này để trả lời câu hỏi Tổng Khởi Nghĩa hay Cách Mạng Tháng Tám, hay Cướp Chính Quyền, gọi sao cho chính xác ? Đặt câu hỏi nhưng ông đã lập tức trả lời ngay sau câu hỏi do ông đặt ra và trả lời một cách khẳng định :

Sau 70 năm, nhìn lại không thể gọi biến cố đó là Cách mạng tháng Tám. Gọi vậy là "ngoa ngôn", là "đại ngôn", vì "cách mạng" là phải thay đổi hẳn chế độ cai trị, đổi mới hoàn toàn bản chất chế độ, đem lại dân chủ, tự do cho mọi công dân, quyền tự do bình đẳng trong kinh doanh, cốt lõi là tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Ông lý luận nguyên văn như sau :

Gọi là cách mạng trước hết là không chính xác. Cách mạng là một cuộc thay đổi chế độ trong đấu tranh quyết liệt, thường có bạo lực chống đối, giằng co nhau, có đổ máu, như cách mạng ở Pháp, ở Hoa Kỳ mà ông Hồ chí Minh đã dẫn ra trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.

Biến cố gọi là Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam hoàn toàn không đổ máu, không có đấu tranh giằng co bằng bạo lực quyết liệt. Chính quyền thực dân Pháp đã bị phát xít Nhật lật đổ ngày 9/3/1945 trong một cuộc đảo chính nhẹ nhàng. Trước đó cả Đông dương thuộc Pháp đã đầu hàng phát xít Đức, Việt Nam trở thành thuộc địa của nước Pháp thua trận đã đầu hàngphát xít, cho nên bị khối Đồng minh xếp vào loại bị quân Đồng minh là quân đội Anh và quân đội Trung Hoa Dân quốc chiếm đóng để giải giáp quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Quân đội Trung Hoa vào miền Bắc, quân Anh vào miền Nam.

Việt Nam trở thành đất trống về quyền lực cai trị, chính phủ Trần Trọng Kim vừa thành lập được 6 tháng còn non yếu, tuy về danh nghĩa đã giành được nền độc lập từ tay phát xít Nhật đã buông súng đầu hàng Đồng minh. Do sức ép của quần chúng xuống đường theo lời hiệu triệu của Mặt Trận Việt Minh do đảng cộng sản Đông Dương tổ chức ra. Vua Bảo Đại thoái vị nhanh chóng, bày tỏ niềm vui "từ bỏ ngai vàng để trở thành một công dân tự do".

Những nhân chứng khác

Đoàn Thêm

Đoàn Thêm sinh năm 1915, lúc đó 30 tuổi, cử nhân luật khoa, công chức cao cấp của Phủ Toàn Quyền trước đó và là tác giả của hồi ký Những Ngày Chưa Quên, xuất bản năm 1969 tại Saigon, người đã trực tiếp tham gia cuộc biểu tình vào lúc 3 giờ chiều ngày 17 tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội do Tổng Hội Công Chức tổ chức nhằm mừng độc lập hoàn toàn, thâu hồi toàn vẹn lãnh thổ và ủng hộ Chính Phủ Trần Trọng Kim.

Sau đây là nguyên văn lời tường thuật về những gì đã xảy ra trong cuộc biểu tình ngày 17 tháng 8 năm 1945 của Đoàn Thêm 24 năm sau :

Trước Nhà Hát Lớn, 15 giờ ngày 17/8, trời kéo cơn mưa, nhưng hàng vạn công chức đã sắp thành đoàn đứng chặt đường Paul Bert, kéo dài suốt Hàng Trống. Dân chúng tới xem, chen chúc trên các ngả phụ cận, Bobillot, Amiral Courbet.

Trên bao-lan Nhà Hát, cờ ba vạch gãy Quẻ Ly được từ từ đưa lên, trong tiếng đồng ca vang dội Tiếng gọi Thanh-Niên... Mây xám giãn dần ; chợt thấy giọng ai như của L. béo ngập ngừng qua ống phóng thanh : "mặt trời tỏ, một điềm vui… Hôm nay chúng ta họp mặt tại đây để `mừng cho chủ- quyền đã thâu hồi toàn-vẹn, và hoan hô Chánh-phủ Trần-Trọng-im…".

Hoan-hô ! V.N. độc-lập muôn năm !

Hoan-hô VM !

Những tiếng sau là của kẻ nào lén vào hàng ngũ công-chức. Những người quanh đó sửng-sốt ngơ-ngác… Còn đa-số vẫn mải reo to : Hoan hô V.N. muôn năm !

Rồi đoàn biểu-tình được lịnh chuyển bước tuần-hành qua nhiều đường lớn, nhưng mỗi lúc những tiếng lạ tai khi nãy lại được gào thét nhiều hơn. Tới ngã sáu Cửa-Nam, vài anh áo cộc quần đen, chắc chắn không phải là công-chức, vừa chạy vừa phất là cờ đỏ giữa có ngôi sao vàng, anh khác giơ một vật ít thấy có cỏ thời đó là khẩu súng lục, bắn vài phát chỉ-thiên như để thị-uy : anh em hãy cùng chúng tôi hô Mặt Trận Giải Phóng muôn năm !

Vài công-chức, có lẽ hoảng sợ quá, đành "muôn năm" theo một các gượng-gạo và máy-móc. Mấy cảnh binh đứng cạnh dọc đường lấm lét hỏi nhau với vẻ kinh ngạc, nhưng không can thiệp, tuy nhiều đám người khác trên các vỉa hè cũng nắm tay giơ chào như Phát-xít Ý, và hoan hô một đoàn-thể mà nhân-viên công-lực cũng không biết là gì.

Nhưng cần chi biết ? Hàng chục, hàng trăm, rồi hàng ngàn người cứ việc "muôn năm" mãi cho tới khi giải-tán, vào khoảng sáu bảy giờ chiều.

Ông tham Đ dừng lại hỏi ông phán N : tưởng là bìểu-tình hoan-hô Trần-Trọng-Kim, mà chẳng thấy ai kêu cụ Trần cả ? V.N. chứ sao lại mặt-trận VM ? Một số ông nữa xen vào câu chuyện : ai bảo hoan-hô như thế, bây giờ còn băn khoăn ? Người ta hô, thì làm sao khác được ? – Thôi, nó bắn, ông mất hết vía rồi !

Mất vía còn ít. Như thế này thì mất cả những gì đáng quí hơn tâm hồn tham phán. Đó là cảm-tưởng sám ngắt như trời mây phủ, nó theo đuổi tôi trên lối về nhà. Đêm hôm ấy, tôi trằn trọc khó ngủ, vi đầu óc rối ren như cảnh đã mục-kích ban trưa, và như cảnh hỗn độn mà tôi ngại cho những ngày sắp tới.

Cựu Hoàng Bảo Đại :

Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn.

Đó là câu nói đầu tiên cựu Hoàng đế Bảo Đại nói với cựu Thủ tướng Trần Trọng Kim khi hai người lần đầu tiên gặp lại nhau ở Hương Cảng năm 1946 và được Trần Trọng Kim ghi lại trong hồi ký của ông. Cả hai người đều không giải thích gì thêm nhưng sau này khi kể lại lý do khiến ông thoái vị, trong hồi ký của mình, cựu Hoàng viết :

Tôi không biết một lãnh tụ nào của họ, thế mà họ đã liên lạc được với Đồng minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp, trong khi lời kêu gọi của tôi gửi cho Tổng thống Truman, cho Thống chế Tưởng Giới Thạch, cho Quốc vương Anh, cho Tướng de Gaulle lại im lìm, không có hồi âm. Họ có súng đạn, phương tiện, còn tôi thì không có cả khả năng để tập hợp những bậc trung thần và những người thân cận xưa nay bỗng câm như thóc, hay có âm mưu chống lại tôi… Họ đã chiếm được quyền hành không mất một mảy lông, và tôi bị bơ vơ trong một kinh thành chết.

Tất cả như tập họp lại cho họ, đầy bí hiểm. Sự thành công không thể chối cãi này, phải chăng là một dấu hiệu chứng tỏ họ đã nhận được thiên mệnh của Trời ?

Độc giả cần để ý tới câu "họ đã liên lạc được với Đồng minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp" mà người viết bài này đánh đậm. Thực sự thì chuyện Việt Minh "đã liên lạc được với Đồng minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp" chỉ là chuyện bịa đặt, tuyên truyền, phóng đại, không có thật. Không có liên lạc nào chính thức giữa Việt Minh với Đồng minh mà chỉ có chuyện Hồ Chí Minh được các nhân viên cấp thấp, Đại úy Archimedes Patti và Trung úy Charles Fenn, của cơ quan Tình Báo Chiến Lược Mỹ ở Côn Minh, thuê làm tình báo cung cấp tin tức về thời tiết, về các phi công Mỹ bị bắn hạ ở biên giới Hoa-Việt và hoạt động của Quân Đội Nhật.

Chuyện tấm hình của Tướng Cọp Bay Chennault tặng Hồ Chí Minh

cm3

Tướng Claire Lee Chennault, người sáng lập đội Cọp Bay

Hồ Chí Minh trong thời gian này, ngày 29 tháng 3 năm 1945, lúc 11 giờ, qua sự giới thiệu của Fenn có đến gặp Tướng Claire Lee Chennault, Chỉ huy trưởng Không đoàn Cọp Bay (Flying Tigers) hoạt động ở Hoa Nam, lấy cớ để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của ông đối với viên tướng này. Điều kiện được Trung úy Fenn đưa ra là Hồ Chí Minh không được yêu cầu tướng Chennault điều gì cả.

Nhưng với bản tính khôn lanh, Hồ Chí Minh đã nhân dịp xin Chennault một tấm hình làm kỷ niệm kèm với chữ ký của viên tướng này (để sau này làm bằng chứng cụ thể cho cuộc gặp gỡ để lòe bịp mọi người).

Chuyện này được cả Fenn lẫn Patti kể lại trong các sách nửa hồi ký, nửa khảo cứu của hai ông (Fenn, tr. 78 ; Patti, tr. 58) và sau này được các tác giả khác, trong đó có Dixee Bartholomew-Feis với cuốn OSS và Hồ Chí Minh, đã được dịch sang tiếng Việt, lập lại.Patti cho rằng tấm hình này đã trở thành quan trọng sinh tử (of vital importance) đối với Hồ Chí Minh vì chỉ ít tháng sau, Hồ Chí Minh đã hết sức cần nó để thuyết phục những người quốc gia còn rất dè dặt về chuyện ông được người Mỹ hỗ trợ.

Theo Patti, đó là một mưu tính thiếu căn cứ nhưng đã mang lại hiệu quả. Vua Bảo Đại tin theo vì bị ảnh hưởng của những người chung quanh ông như Phạm Khắc Hòe, Tạ Quang Bửu hay Hồ tá Khanh, Trần Đình Nam, Nguyễn Hữu Thí trong Nội các, trong đó Phạm Khắc Hòe lại chính là người được Nhà Vua giao cho trách nhiệm đi tìm hiểu xem Hồ Chí Minh là ai ?

Từ cướp chính quyền đế cướp tài sản ?

Những chuyện khác xảy ra sau ngày 19/8/1945 :

Cách mạng hay cướp phá ?

Của cải trong cung bị Việt Minh lấy đem ra chợ bán và bốn tấn bạc người Nhật trả cho Triều Đình Huế biến đâu mất : Những của cải trong cung mà Đổng lý Phạm Khắc Hòe đã làm kiểm kê kèm theo biên bản để giao cho nhà cầm quyền mới mà Bộ trưởng Lê Văn Hiến là đại diện, không ai biết là có còn đã và còn đầy đủ hay đã bị thủ tiêu, tẩu tán ngay sau đó. Nên để ý là Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương khi bị buộc phải từ bỏ Hoàng Cung ra đi không được mang theo món gì. Còn Hoàng thái hậu Từ Cung thì "chỉ có quần áo và mấy cuốn kinh Phật".

Câu hỏi được đặt ở đây là biên bản kiểm kê của cải trong cung do Đổng lý Phạm Khắc Hòe làm và giao cho Bộ trưởng Lê Văn Hiến có được đưa về Hà Nội trình chính phủ hay không ? và nếu có thì Cục Lưu Trữ Trung Ương ở Hà Hội có còn giữ được biên bản này hay không ?

Câu trả lời nhiều phần là không. Nên để ý là các báu vật của Triều đình Huế theo Phạm Khắc Hòe được giữ ở phía sau Điện Cần Chánh, chưa kể tới những thứ khác mà sau này Thủ tướng Trần Trọng Kim đã ghi lại trong hồi ký của ông :

Ở trong hoàng thành, Việt Minh cho người vào lấy những bảo vật và y phục của các vua chúa đời trước đem ra chợ bán. Khi quân Nhật sắp hàng có đưa trả lại cho chính phủ Việt Nam bốn tấn bạc bằng thoi chở vào để trong cung, số bạc ấy không biết về sau ai lấy mất.

Độc giả nên để ý sáu chữ "Việt Minh cho người vào lấy" và bảy chữ "không biết về sau ai lấy mất". Câu hỏi được đặt ra là hai tiếng Việt Minh ở đây là nhằm chỉ những người nào ? Cá nhân hay Mặt trận ? Trung ương hay địa phương Huế và Thừa Thiên hay Thuận Hóa ? Tố Hữu và Tôn Quang Phiệt phải biết chuyện này. Có điều là sau biến cố này, Vua Bảo Đại đã trở thành một thứ vô sản thứ thiệt vì trong khi ở Hà Nội làm Cố vấn tối cao cho Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ông đã phải nhờ cựu Đổng Lý Phạm Khắc Hoè, khi ông này có dịp vào Huế, xin tiền bà Nam Phương và bà Nam Phương thì lại xin tiền chị gái của mình. Sau này, khi bị Hồ Chí Minh bỏ rơi ở phi trường Trùng Khánh, ông chỉ còn có trơ trọi một mình với một va-ly quần áo. May cho ông là có một doanh gia người Tàu cho ông về tá túc. Điều này cho thấy nhà vua trong chế độ quân chủ cổ truyền ở Việt Nam trên lý thuyết tuy là sở hữu chủ tối cao của mọi thứ ở trong nước nhưng thực sự thì cá nhân ông chẳng sở hữu gì cả mà là quốc gia, là nhà nước.

Ai lấy tiền trong Kho bạc ở Nam Kỳ ?

Một điều ít ai biết là tình trạng thất thoát của cải và tiền bạc này cũng xảy ra luôn ở Nam Kỳ. Theo Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu trong hồi ký Gió Mùa Đông Bắc của ông :

[…] tối ngày 5 tháng 9, để tìm cách trấn an dân chúng, Trần Văn Giàu đăng đàn diễn   thuyết ở rạp hát Nguyễn Văn Hảo, nhưng không thuyết phục được dân chúng phải chấp nhận những gì y nói, nhất là khi Giàu cho biết là Kho Bạc hiện thiếu 7 triệu đồng. Dân chúng hoang mang : 7 triệu đồng ai lấy mà bây giờ mới thấy thiếu.

Chưa hết, trong sinh hoạt văn hóa, ngoài các sách vở, tài liệu ở các văn khố, thư viện đã nói ở trên, còn các sách vở, tài liệu tàng trữ trong các văn phòng các bộ và các thư viện của các tư gia, trong đó có thư viện Long Cương (?) của Thượng thư Cao Xuân Dục và các thư viện mang danh hiệu nhà vua, sau này đã bị phân tán hay đem ra chợ bán hoặc đem lên khu dùng làm giấy quấn thuốc hút mà nhà chuyên sưu tầm đồ cổ Vương Hồng Sển thỉnh thoảng lại kể cho học trò của mình hay những người trẻ tới thăm ông nghe với một vẻ mặt và giọng nói đầy u hoài, tiếc nuối.

Để kết luận, người viết xin quý vị độc giả cho phép vượt ra ngoài sử học thuần túy gửi tới quý vị nhận định sau đây :

Bảy mươi năm đã trôi qua. Bảy mươi năm bằng cả một đời người được coi như là thọ. Tính theo thế hệ, bảy mươi ba năm là tương xứng với gần ba thế hệ. Đã đến lúc người ta cần phải xét lại những gì đã xảy ra bảy mươi ba năm trước, không thể mãi mãi bị lừa. Sự thực lịch sử phải là sự thực, sự thực đầy đủ và trọn vẹn. Người viết tin tưởng rằng với trí thông minh, sự sắc bén, tinh thần trách nhiệm, nhất là lòng can đảm vốn có của người Việt, dù là người Việt ở bất cứ nơi nào, ở trong nước hay ở hải ngoại, miền đất mới mà tác giả trong nhiều bài viết gọi là Siêu Quốc Gia Việt Nam, tất cả đều sớm nhận thức ra chân lý của lịch sử, không để một thế hệ nào tiếp tục bị lừa thêm nữa.

Ở thời điểm 1945, điều người ta tin chuyện mắt Bác Hồ có hai con ngươi là đúng và sau đó, năm 1946, chuyện Anh hùng Lê Văn Tám mà Sử gia Phan Huy Lê, theo lời trối trăng của nguyên Bộ trưởng Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh, cải chính là không hề có, là còn có thể hiểu được.

Ở thời điểm 2018 của thế kỷ 21, tất cả cần phải được xét lại. Cuộc luân lạc mười lăm năm của Nàng Kiều của Thi hào Nguyễn Du đã được coi là dài. Dân tộc Việt Nam đã luân lạc tới bảy mươi ba năm.

Còn hai năm nữa là đúng bảy mươi lăm năm, gấp năm lần thời gian luân lạc của Thúy Kiều. Thời gian gần ba phần tư thế kỷ này không lẽ chưa đủ hay sao ?

Phạm Cao Dương

Tháng Tám 2018

-------------------------

Tác giả Phạm Cao Dương, Giáo sư Tiến sĩ Sử học, cựu Giáo sư các trường đại học Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Sau 1975, ông là Giáo sư chuyên vế Văn hóa và Lịch sử Việt Nam tại một số đại học Mỹ, trước khi nghỉ hưu.

Published in Diễn đàn

Năm trước tôi đã viết bàn luận về "Huế tháng Tám", bài thơ duy nhất do Tố Hữu viết ngay sau khi sự biến xảy ra. Bài đã đăng trên VNTB. Tóm tắt trong vài chữ "Tố Hữu tưởng tượng ra một viễn cảnh tương la từ gợi ý sâu xa của học thuyết Mác-Lê, anh ta phát điên và gào lên theo thể thơ Mới". Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là "cơn- điên- quyền - lực- bộc- phát" (1).

cmt81

Đoàn người biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 trước cửa Bắc Bộ phủ.

Bữa nay bàn tiếp về vài sáng tác khác viết sau sự kiện, số lượng vừa ít ỏi, cảm xúc gượng gạo, qua loa, lầm lẫn cố tình gây nhiễu về đề tài Cách Mạng Tháng 8.

Nào hãy đọc bài thơ "Đất Nước" của Nguyễn Đình Thi viết về "cách mạng tháng Tám".

"Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

(nháp 1948, hoàn thành 1955, xuất bản trong tập Người chiến sĩ, Nhà xuất bản Văn nghệ, 1956)

Thực tế "Ngày Cách Mạng Tháng 8" không có tiếng súng nổ nào cả, không cả la hét giận dữ. Thiên hạ chỉ ngỡ ngàng ngạc nhiên và "cuốn theo chiều gió" thôi.

Ông nhà thơ đại tá Chính Hữu viết bài "Ngày về" :

"Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa

Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm.

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa"

Thực tế là, Hà Nội không tự đốt cháy mình bao giờ. Chính Hữu đã copy cảnh nhân dân thành phố Matskva đốt cháy thành phố của họ rồi rút chạy trước khi quân Napoleon kéo vào chiếm đóng (theo tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình - Lev Tolsoi).

Kim Lân và truyện ngắn "Vợ nhặt"

Với truyện ngắn "Vợ nhặt" tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư", nhà văn Kim Lân viết về nạn đói cuối 1944, đầu năm 1945 để khẳng định sức sống và tình yêu của người cùng khổ. Không liên quan đến Cách Mạng Tháng 8. Truyện ngắn in trong tập "Con chó xấu xí" (xuất bản 1962). Truyện ngắn thì được viết sau khi "Cách mạng tháng Tám" xảy ra. Do vậy Kim Lân đã thêm tý đuôi bẻ ngoắt cho hợp thời thế.

Năm 1945, nạn đói khủng khiếp xảy ra khắp nơi, người chết như rạ. Tràng là một người xấu xí thô kệch, ế vợ, sống ở xóm ngụ cư. Tràng kéo xe bò thuê và sống với một mẹ già. Một lần kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh, Tràng đã quen với một cô gái bốc vác. Vài ngày sau gặp lại, Tràng không còn nhận ra cô gái ấy bởi vẻ tiều tụy, đói rách làm cô đã khác đi rất nhiều. Tràng đã mời cô gái một bữa ăn, cô gái liền ăn một lúc bốn bát bánh đúc. Sau một câu nói nửa thật, nửa đùa, cô gái đã theo anh về nhà làm vợ.

Bà cụ Tứ mẹ Tràng đón nhận người con vừa buồn vừa mừng, vừa lo âu, vừa hi vọng nhưng không hề tỏ ra rẻ rúng người phụ nữ đã theo không con mình. Trước cảnh ấy, Tràng cảm thấy mình gắn bó và có trách nhiệm với cái nhà của mình và thấy mình nên người, người vợ đúng là một phụ nữ hiền hậu đúng mực dù nghèo khổ. Bà cụ Tứ đãi hai con vài bát cháo loãng và một nồi chè cám. Qua lời kể của người vợ về chuyện phá kho thóc Nhật, Tràng dần dần nhớ hai chữ "Việt Minh" và trong óc Tràng hiện lên hình ảnh đám người đói kéo nhau đi phá kho thóc Nhật, phía trước là một lá cờ đỏ bay phấp phới.

"Im lặng một lúc, thị lại tiếp :

- Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chiụ đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy.

Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi,cái mặt to lớn bặm lại, khó đăm đăm.

Miếng cám ngậm trong miệng hắn bã ra, chát xít…".

Quân Nhật hoang mang chỉ còn đóng trại chờ ngày thi hành hiệp định rút về nước. Kho thóc đóng cửa để đó, lính canh giữ trễ nải. Dân đói thì phải đi phá kho thóc. Đó là lẽ tự nhiên sống còn của con người lâm vào bước đường cùng. Chẳng có cái gì gọi là yêu nước hay là giác ngộ cách mạng. Những người viết sử và viết chính trị sau này cố tình bôi son trát phấn lên sự kiện để "giáo dục" dân chúng, nhất là thế hệ trẻ sinh sau chẳng biết gì lại còn bị bưng bít thông tin.

Hai mươi năm sau Cách Mạng Tháng 8, Chế Lan Viên viết :

"Rồng năm móng vua quan thành bụi đất

Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười !"

Chế độ phong kiến nhà Nguyễn dù gì cũng xây dựng đất nước mấy trăm năm, đã có công lao khai phá miền Nam rõ ràng. Nhà thơ sỉ mắng "vua quan nhà Nguyễn thành bụi đất"- - một câu thơ thô lỗ, bất nhân, bạo lực, ăn cháo đá bát. Lịch sử không bao giờ "chết", sao lại có thể trở thành bụi đất ? Chế viết một câu thơ của người nông dân mù chữ.

Còn sau đây là câu thơ lộng ngôn, hỗn hào nhất với tổ tiên dân tộc, phi lý nhất về quan niệm lịch sử... Nhớ hồi xưa chẳng có thầy giáo Văn hay nhà phê bình nào bình giảng được câu thơ dưới đây :

"Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn

Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút bây giờ

Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng".

Một câu văn viết theo thể điều kiện (conditional) ngớ ngẩn, uốn éo "cha ông đến sớm" tức là mắc lỗi "sinh ra sớm quá", và "con cháu đến muộn" thì thực ngớ ngẩn khó tả.

Câu thứ 3 thì nịnh hót trơ tráo vô cùng "buổi Hùng vương có đảng".

Thương ôi một thế hệ trí thức văn nghệ sĩ bại hoại, rồi nhiều thế hệ suy thoái nhân cách, không thể ngờ được !

Nhét "Cách Mạng Tháng 8" vào tiểu thuyết "Vỡ bờ"

Nhà văn Nguyễn Đình Thi cố nhét "Cách Mạng Tháng 8" vào tiểu thuyết "Vỡ bờ".

"Vỡ bờ" tạm coi là bộ tiểu thuyết sử thi bề thế, gồm 2 tập, dày tới trên ngàn trang in, nội dung đề cập tới cuộc sống, đấu tranh của quần chúng lao động dưới sự giác ngộ, dìu dắt của các đảng viên cộng sản trong những ngày tiền khởi nghĩa, để rồi làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám "long trời lở đất". Tên bộ tiểu thuyết và cảm hứng chủ đạo là tiếp nối câu thơ được chính tác giả viết trước đó nhiều năm :

"Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

("Đất nước", viết trong kháng chiến chống Pháp)

Ông Thi cố viết tiếp tiểu thuyết "Vỡ bờ" thực ra đã ăn cắp ý tưởng, nhân vật và kết cấu của tiểu thuyết "Chiến tranh và Hòa bình" của Lev Tolstoi.

Hai nhân vật chính "Khắc đảng viên" và "Quyên con nhà gia giáo". Được xây dựng theo mô hình hai nhân vật Andrey Bolkonski và Natasa của Lev Tolsoi. Bối cảnh 3 thành phố Việt Nam cũng theo kiểu ba thành phố nước Nga. Thứ đồ giả, nhái không thể lừa được độc giả. Cuốn tiểu thuyết duy nhất tái hiện Cách Mạng Tháng 8 đã bị vứt vào sọt rác.

Cùng với thời gian, bộ sách đã chứng minh cho ý kiến của nhà văn Nguyễn Tuân, rằng trong văn học không phải cứ "to tổ bố" là có thể trụ vững.

Đối chiếu với những dòng văn chân thực về Cách Mạng Tháng 8

Những ngày tháng 8 năm 1945 dưới ngòi bút chân thực của nhà văn Duyên Anh : "Cướp chính quyền ở thị xã Thái Bình".

"Ngày phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, trước sự chứng kiến của đông đảo dân chúng, quân Nhật đồn trú ở thị xã Thái Bình buồn bã cúi đầu hạ cờ. Lá cờ Nhật từ từ tụt xuống, tựa hồ mặt trời lặn vào buổi chiều. Một thanh niên tên Huy rút ra một lá cờ màu vàng quẻ Ly của chính phủ Trần Trọng Kim lao nhanh đến cột cờ định giương lên. Nhưng chưa kịp làm gì thì anh đã bị hàng chục người áo nâu từ đâu ào ra xô ngã. Họ lấy ra một lá cờ đỏ, buộc vào dây rồi kéo lên. Một người áo nâu đeo súng lục hô khẩu hiệu : "Cách mạng thành công muôn năm !".

Thoạt đầu, chỉ độ vài chục người hô theo. Dần dần, đám đông hò reo "Muôn năm" theo. Hai đứa trẻ tên Vũ và Côn chứng kiến diễn biến đó ngơ ngác không hiểu tại sao anh Huy, người trước đó đã dám phanh ngực thách thức kiếm Nhật, người bảo trái tim mạnh hơn súng, người làm Vũ mến phục và làm Côn hãnh diện là dân Thái Bình lại bị những người áo nâu xô ngã và trói gô lại".

Đó là vài dòng tóm tắt nội dung chương 3 của cuốn tiểu thuyết "Con Thúy" trong series tiểu thuyết "Những đứa trẻ Thái Bình" (các nhân vật Vũ, Côn, Vọng, Thúy, Khoa, Luyến) của nhà văn quá cố Duyên Anh trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Chỉ trong một chương truyện ngắn, với bối cảnh thị xã Thái Bình nhỏ bé, cùng với sự lần lượt thay ngôi đổi vị chớp nhoáng của 3 lá cờ (cờ Nhật, cờ chính phủ Trần Trọng Kim, cờ Việt Minh) dưới ánh mắt ngơ ngác của những thiếu niên 14 – 15 tuổi, ngòi bút của Duyên Anh đã tái hiện thành công bức tranh phác thảo toàn cảnh của nước Việt Nam trong những ngày mùa thu tháng 8 năm 1945 với những diễn biến thời cuộc quá nhanh mà nội các Trần Trọng Kim đang cầm quyền lúc bấy giờ gồm những trí thức thừa lòng yêu nước nhưng thiếu kinh nghiệm chính trị đã không kịp trở tay.

Duyên Anh viết tiếp : "Dân thị xã đã nhập vào cuộc chơi lớn. Tất cả vui mừng, hớn hở như trẻ con trong cuộc chơi cướp cờ. Trong cuộc chơi này, ai nhanh chân, mưu mẹo, cướp được cờ chạy về bên mình là người ấy được vỗ tay, khen ngợi. Kẻ thua cuộc luôn luôn là kẻ chụp hụt lá cờ hay chụp cờ rồi mà bị đuổi theo xô ngã khi chưa về đến đích".

Thế là trong cuộc cuộc chơi cướp cờ của người lớn trong những ngày tháng 8 năm 1945, Bảo Đại nhu nhược và nội các Trần Trọng Kim chậm chân đã là người thua cuộc.

Kết

Bây giờ chúng ta cùng bình tâm suy ngẫm.

Vậy, sau khi giành được chính quyền thì chính quyền đó có về tay nhân dân không ?

Có lẽ câu trả lời đã rõ sau 70 năm. Đến ngày hôm nay, nhân dân Việt Nam vẫn không có đủ những quyền cơ bản. Nhân dân Việt Nam không được bầu cử một cách thực sự, không được sở hữu đất đai, không có quyền phúc quyết hiến pháp và những vấn đề hệ trọng của đất nước. Các quyền cơ bản trong Hiến pháp 1946 ngày nay vẫn bị trì hoãn.

Và vì thế, cuộc cách mạng "giành chính quyền về tay nhân dân", 73 năm qua vẫn chưa xong.

Phùng Hoài Ngọc

Nguồn : VNTB, 22/08/2018

(1) Nhớ lại hồi tuổi trẻ nhẹ dạ cả tin, đám học trò chúng tôi từng nghe các thầy giáo, các nhà phê bình say sưa bình phẩm các biện pháp nghệ thuật "kỳ thú, tài hoa" của nhà thơ. Chuyện đó nay không bàn thêm nữa.

Published in Diễn đàn

Thay vì bước vào kỷ nguyên độc lập và dân chủ và bây giờ có thể đã là một nước giầu mạnh, chúng ta đã chỉ bắt đầu cùng với Cách Mạng Tháng 8 một giai đoạn nội chiến rồi cộng sản với thực trạng bi đát hiện nay. Chúng ta đang là một quốc gia không đáng kể.

cmt81

Một câu hỏi lớn, rất lớn, cần được đặt ra là tại sao vào lúc đó, khi Thế Chiến II chấm dứt và một triển vọng độc lập và dân chủ mở ra cho Việt Nam, lực lượng được ủng hộ nhiều nhất lại là Đảng Cộng Sản ?

Một lần nữa chúng ta lại kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8-1945. Một câu hỏi lớn, rất lớn, cần được đặt ra là tại sao vào lúc đó, khi Thế Chiến II chấm dứt và một triển vọng độc lập và dân chủ mở ra cho Việt Nam, lực lượng được ủng hộ nhiều nhất lại là Đảng Cộng Sản, một đảng theo một chủ nghĩa chuyên chính mà mục đích sau cùng là xóa bỏ các quốc gia, hơn nữa chủ nghĩa này đã bị nhận diện là sai và bị bác bỏ trên chính quê hương của nó từ 70 năm trước ?

Cố gắng trả lời câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn giai đoạn lịch sử kế tiếp và đồng thời cũng giúp chúng ta hiểu phải tranh đấu như thế nào để mở ra cho đất nước kỷ nguyên dân chủ.

Ba lý do của một quốc hận

Có ba nguyên nhân chính khiến Đảng Cộng Sản đã được quần chúng Việt Nam ủng hộ và đã cướp được chính quyền.

cmt82

Tại Trung Quốc cũng như tại Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản đã xuất hiện như một cải tiến của Khổng Giáo.

Lý do thứ nhất là lòng yêu nước và tinh thần quốc gia của chúng ta quá yếu.

ự thực này hầu như bị mọi người cố tình phủ nhận vì trong bối cảnh nội chiến sau Cách Mạng Tháng 8 lòng yêu nước đã là một khẩu hiệu của mọi phe phái, không ai dám nhận rằng mình không yêu nước dù rất ít ai thực sự yêu nước. Tuy vậy nếu ta suy nghĩ bình tĩnh thì sự thiếu vắng của lòng yêu nước và tinh thần quốc gia của người Việt Nam chỉ là đương nhiên. Yêu nước trước hết là yêu đồng bào mình và tinh thần quốc gia trước hết là nguyện ước xây dựng và chia sẻ một tương lai chung với đồng bào mình. Chúng ta không thấy, hay cùng lắm chỉ thấy được một cách rất mờ nhạt, tình yêu và nguyện ước đó khi nhìn vào lịch sử.

Trong suốt quá trình lập quốc của chúng ta, từ thời tiền sử cho đến thế kỷ 10 khi Ngô Quyền mở đầu kỷ nguyên tự chủ, chúng ta đã chỉ thấy những cuộc chiến giữa các phe phái môn phiệt để tranh giành quyền thống trị trên một khối dân chúng bị coi như những kẻ nô lệ. Không hề có dấu vết của tình dân tộc nghĩa đồng bào. Vào cuối thế kỷ thứ 3 Đào Hoàng là tướng Đông Ngô cai trị nước ta. Đào Hoàng đã đàn áp thẳng tay mọi ý đồ tự trị và thực hiện một chính sách Hán hóa quả quyết, buộc những thành phần bất khuất phải rút vào rừng núi và trở thành người Mường. Tuy vậy khi Đào Hoàng qua đời dân chúng đã khóc thương ông như khóc cha chỉ vì ông đã để cho họ sống yên.

Trong suốt dòng lịch sử, đối với tuyệt đại bộ phận quần chúng, các lãnh chúa địa phương hay các quan cai trị Trung Quốc đều chỉ là những kẻ thống trị trong khi họ vẫn chỉ là những người nô lệ. Các giai đoạn tự chủ chỉ thay thế một ách nô lệ ngoại bang bằng một ách nô lệ bản xứ. Những người nô lệ không có lý do để yêu nước.

Sự vắng mặt của tinh thần quốc gia dân tộc vẫn tiếp tục dưới hai triều đại Lý và Trần. Nhà Trần còn chủ trương lấy lẫn nhau trong họ để máu hoàng tộc không bị pha trộn với dân gian. Phải đến thế kỷ 15, trong bài Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi mới nhắc tới "dân" khi buộc tội quân Minh "nướng dân đen trên lửa hung tàn". Nhưng cũng chỉ có thế. Ngay cả sau thế kỷ 19 nhà Nguyễn cũng vẫn chỉ tự coi là một lực lượng thống trị. Các vua nhà Nguyễn dành những đặc quyền lớn cho tỉnh Thừa Thiên của mình và rất ít khi vào Nam hay ra Bắc.

Người ta có thể biện luận rằng mọi quốc gia đều bắt đầu từ một tham vọng thống trị của một nhóm nhỏ, tinh thần quốc gia và dân tộc chỉ hình thành chậm chạp sau đó với thời gian. Đúng, nhưng vấn đề là đối với chúng ta tinh thần này đã gần như không có trong gần suốt dòng lịch sử khá dài. Chúng ta không có tinh thần quốc gia và dân tộc bởi vì nền tảng ý thức hệ của chúng ta là Khổng Giáo, một ý thức hệ vừa rất sơ đẳng vừa vô tổ quốc. Các nho sĩ theo phương châm "nước nguy không đến, nước loạn không ở" (nguy bang bất nhập loạn bang bất cư). Họ chỉ mong ước được làm tôi tớ cho các vua chúa để sống sung túc và tiếp tay ức hiếp khối dân chúng nghèo khổ.

(Chính bản chất vô tổ quốc của Khổng Giáo đã khiến các nước nhỏ bé như Mông Cổ và Mãn Thanh có thể chinh phục và thống trị Trung Quốc trong một thời gian dài trước khi sụp đổ vì phân hóa nội bộ chứ không phải vì bị chống đối như những lực lượng ngoại xâm).

Một trong những chủ trương nền tảng của chủ nghĩa Marx là xóa bỏ các quốc gia, nhưng điều này nhiều người Việt Nam không biết, hoặc có biết cũng không khiến nó bị từ khước bởi vì lòng yêu nước và tinh thần quốc gia của chúng ta gần như không có. Trái lại lời kêu gọi đấu tranh giai cấp, xóa bỏ giầu nghèo của nó có sức thu hút đặc biệt, nhất là sau nạn đói đầu năm 1945 khiến gần hai triệu người chết.

Vả lại tại Trung Quốc cũng như tại Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản đã xuất hiện như một cải tiến của Khổng Giáo. Về bản chất hai chủ nghĩa này gần giống nhau. Cũng giáo điều chuyên chính, cũng kỳ thị giai cấp, cũng thù ghét thương mại, cũng vô tổ quốc. Điều khác biệt chỉ là chủ nghĩa cộng sản, ít nhất trên danh nghĩa, chủ trương bênh vực người nghèo trong khi Khổng Giáo công khai phục vụ giai cấp quyền quý.

cmt83

Chủ nghĩa Marx đã xuất hiện dưới mắt nhiều người như một tư tưởng chính trị mới, mạch lạc và thuyết phục

Lý do thứ hai là sự thiếu vắng tư tưởng, tư tưởng nói chung cũng như tư tưởng chính trị.

Chúng ta tự hào có lịch sử dài, bốn ngàn năm hay hai ngàn năm, nhưng chúng ta không có một nhà tư tưởng nào hay một tác phẩm tư tưởng nào. Nguyễn Trãi có được một câu nói đúng "chính trị cốt mưu tìm hòa bình, chiến tranh trước hết là để trừ bạo ngược", nhưng ông cũng chỉ dừng lại ở đó thôi.

Tư tưởng của chúng ta cho đến rất gần đây chỉ là Khổng Giáo du nhập từ Trung Quốc, nhưng Khổng Giáo không phải là một triết lý mà trái lại còn là một phản triết bởi vì nó chỉ lặp lại những xác quyết chứ không lý luận trong khi lý luận là nền tảng của triết. Mãi đến đầu thế kỷ 20 mới có Phan Châu Trinh, nhưng Phan Châu Trinh mới chỉ mở đầu cho tư tưởng chính trị và đã không được tiếp nối. Phạm Quỳnh là một học giả chân chính nhưng cũng mới chỉ là một học giả. Dầu vậy Phan Châu Chinh và Phạm Quỳnh đã là hai trí thức lỗi lạc bậc nhất của chúng ta trong thế kỷ 20.

Vào thời điểm của Cách Mạng Tháng 8 chúng ta không có một tư tưởng chính trị nào cả. Việt Nam Quốc Dân Đảng chỉ lặp lại qua loa khẩu hiệu Tam Dân của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Các đảng Đại Việt -ra đời từ cuối thập niên 1930- nói chung chỉ sao chép lại chủ nghĩa Nazi, một chủ nghĩa tồi tệ sắp gây ra Thế Chiến II và bị đào thải. Chủ nghĩa "dân tộc sinh tồn" của Đại Việt Quốc Dân Đảng, do đảng trưởng Trương Tử Anh viết trên hai trang giấy, chỉ tóm lược một cách rất thô sơ chủ nghĩa quốc gia cực đoan của Quốc Xã Đức. Đại Việt Dân Chính của nhóm Tự Lực Văn Đoàn thì theo lời ông Nguyễn Tường Bách, một đảng viên cốt cán, chỉ có một cương lĩnh luộm thuộm nửa Tam Dân nửa Phát Xít. "Chủ nghĩa Duy Dân" cũng hoàn toàn trống rỗng. Việc Lý Đông A được nhiều trí thức khoa bảng coi là một lý thuyết gia chỉ chứng tỏ chúng ta không có tư tưởng. Các đảng phái quốc gia không chịu đầu tư vào học tập tư tưởng chính trị chủ yếu vì không hiểu tư tưởng chính trị là gì để nhìn thấy sự cần thiết của nó.

Trong giai đoạn Pháp thuộc chúng ta đã có nhiều người học được nhiều kiến thức phương Tây ở mức độ cao, nhưng họ chủ yếu học để thi lấy bằng và làm quan chứ không quan tâm tới tư tưởng, càng không quan tâm tới tư tưởng chính trị. Về mặt tư tưởng chúng ta vẫn chưa có gì. Chính vì sự trống vắng tư tưởng đó mà vào thời điểm Cách Mạng Tháng 8 đại đa số người Việt, kể cả trí thức, không biết một sự thực khổng lồ là chủ nghĩa Marx đã bị nhận diện là sai và bị loại bỏ ngay trên quê hương của nó từ 70 năm rồi, chính xác là từ đại hội Gotha của Đảng Xã Hội Dân Chủ Đức năm 1875. Nếu Hồ Chí Minh có kiến thức hơn một chút thì khi được biết tới chủ nghĩa cộng sản, gần 50 năm sau khi nó đã bị bác bỏ, ông đã không say sưa đến độ mê sảng và không làm nhiều người mê sảng theo ông và điên cuồng tàn sát những người mà họ nghi ngờ là không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản.

Bi đát hơn nữa là trong sự trống vắng tư tưởng đó, chủ nghĩa Marx đã xuất hiện dưới mắt nhiều người như một tư tưởng chính trị mới, mạch lạc và thuyết phục, nhất là khi nó lại quả quyết đứng về phía những người nghèo khổ và kêu gọi họ đứng dậy đoàn kết đấu tranh đòi quyền sống. Và như đã nói nó còn có sức động viên mãnh liệt sau nạn đói Ất Dậu kinh khủng vừa xẩy ra vài tháng trước đó và vẫn chưa chấm dứt hẳn.

cmt84

Vào thời điểm tháng 8/1945, trong khoảng trống chính trị và quyền lực toàn diện khi Nhật đầu hàng, quân Đồng Minh chưa tới và chính quyền Trần Trọng Kim tan rã, Đảng Cộng Sản là lực lượng duy nhất.

Lý do thứ ba là quần chúng Việt Nam vào lúc đó cũng không có chọn lựa nào khác.

Việt Nam Quốc Dân Đảng đã hoàn toàn tê liệt từ năm 1930 sau khi bị đàn áp dã man. Đảng viên cơ sở vẫn còn nhiều, kể cả ở nông thôn, chủ yếu là những người tham gia vì cảm phục sau sự hy sinh anh dũng ngày 17/6/1930 tại Yên Bái, nhưng đầu não thì đã bị tiêu diệt gần hết, số nhỏ thoát nạn thì phần lớn đã đào thoát qua Trung Quốc. Việt Nam Quốc Dân Đảng thực ra không có lãnh đạo sau năm 1930 để vận dụng cảm tình của dân chúng. Các đảng Đại Việt chỉ mới thành lập và cũng chỉ là những tổ chức lỏng lẻo không có dự án chính trị và chỉ giới hạn trong giới trí thức đô thị. Điểm chung của tất cả các đảng phái quốc gia là một sai lầm : tất cả đều tin rằng chỉ có con đường đấu tranh võ trang dù không có và cũng không thể có phương tiện. Như vậy tất cả đều rất yếu và đã mang sẵn thất bại ở trong lòng.

Nhiều người thường nhắc lại với sự tiếc nuối là vào thời điểm Cách Mạng Tháng 8 chính phủ Trần Trọng Kim đã thiếu quả quyết. Nhưng chính phủ Trần Trọng Kim chưa bao giờ là một chính phủ. Nó chỉ có trên danh nghĩa và giấy tờ vài tháng trước đó, sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9/3/1945. Các bộ trưởng chỉ được phong chức chứ chưa nhận chức. Họ ở rải rác trên ba miền Nam Trung Bắc và hình như chưa bao giờ họp lại. Khi họ họp lại, có lẽ là lần đầu, hai tuần lễ trước Cách Mạng Tháng 8, họ cãi lộn rồi tất cả từ chức. Chính quyền Trần Trọng Kim không nhượng bộ Đảng Cộng Sản vào ngày 19/8/1945 như nhiều người nghĩ, nó chưa bao giờ có thực và đàng nào cũng đã tan rã rồi.

Ông Trần Trọng Kim không phải là một chính trị gia. Ông chỉ là một nhà giáo và một nhà sử hoàn toàn không có kinh nghiệm lãnh đạo nào trên bất cứ địa hạt nào. Khi được vua Bảo Đại mời làm thủ tướng ông đã mời một số nhân sĩ có tiếng tăm làm bộ trưởng. Những người này không có một kiến thức và kinh nghiệm chính trị nào. Họ không phải là một đội ngũ và cũng không biết nhau để có thể đồng ý. Họ chỉ là những nhân sĩ cùng lắm có thể tham gia vào một guồng máy có sẵn, khi không có guồng máy họ bối rồi và bỏ cuộc. Đó là điều đã xảy ra. Sau này tại Paris tôi đã có nhiều dịp trao đổi với bác sĩ Hồ Tá Khanh, bộ trưởng kinh tế trong chính phủ Trần Trọng Kim. Ông Hồ Tá Khanh là một người tốt nhưng ông nhìn nhận là không biết gì về cả kinh tế lẫn chính trị. Ông hoàn toàn đồng ý với những nhận xét của tôi về chính phủ Trần Trọng Kim.

Trong cuốn hồi ký Một cơn gió bụi ông Trần Trọng Kim đã nhìn nhận rằng vào lúc đó Đảng Cộng Sản gần như là lực lượng duy nhất và họ đã rất mạnh. Có thể lực lượng quân sự của họ chưa mạnh nhưng họ có tổ chức và hậu thuẫn, ngay cả trong hàng ngũ vệ binh của triều đình Huế. Các cấp lãnh đạo của họ cũng đã được huấn luyện tại Liên Xô và Trung Quốc. Họ đáng lẽ còn mạnh hơn nữa nếu không tổ chức cuộc "Nam Kỳ Khởi Nghĩa" dại dột và vụng về vào cuối năm 1940 để rồi thảm bại và phần lớn các cơ sở miền Nam bị tiêu diệt. Tuy vậy vào thời điểm tháng 8/1945, trong khoảng trống chính trị và quyền lực toàn diện khi Nhật đầu hàng, quân Đồng Minh chưa tới và chính quyền Trần Trọng Kim tan rã, Đảng Cộng Sản là lực lượng duy nhất. Thắng lợi của họ là đương nhiên. Chỉ tiếc một điều là họ đã là chính họ, nghĩa là Đảng Cộng Sản.

Ngày 19/8/1945 xứng đáng được coi là một ngày quốc hận lớn trong lịch sử Việt Nam. Ân hận, đáng tiếc và đáng buồn chứ không thù hận. Thay vì bước vào kỷ nguyên độc lập và dân chủ, và bây giờ có thể đã là một nước giầu mạnh, chúng ta đã chỉ bắt đầu cùng với Cách Mạng Tháng 8 một giai đoạn nội chiến rồi cộng sản với thực trạng bi đát hiện nay. Chúng ta đang là một quốc gia không đáng kể. Nghèo khổ, tụt hậu và ô nhiễm, không một công ty, một phát minh khoa học kỹ thuật hay một sáng tác văn học nghệ thuật, hay ngay cả một thành tích thể thao nào được thế giới biết đến. Đã thế còn mất biến, mất đất, mất đảo, mất cả một phần chủ quyền. Người Việt Nam vẫn còn bị từ chối những quyền làm người căn bản nhất, vẫn còn bị thống trị bởi một đảng coi mình cao hơn đất nước, thẳng tay vơ vét và đàn áp không khác một lực lượng chiếm đóng. Trên thực tế chúng ta đang ở trong một tình trạng nội chiến. Tất cả đã bắt đầu ngày 19/8/1945.

Những bài học vẫn còn rất thời sự

Như chúng ta cùng vừa nhìn lại, ba lý do đã khiến Cách Mạng Tháng 8 diễn ra như nó đã diễn ra là vào thời điểm đó lòng yêu nước và tinh thần quốc gia của chúng ta quá yếu, tư tưởng chính trị của chúng ta thiếu vắng và nhân dân Việt Nam không có chọn lựa nào khác ngoài Đảng Cộng Sản. Chúng ta có thể rút ra những bài học nào cho tương lai ?

Trước hết chúng ta cần thực thà nhìn nhận rằng lòng yêu nước và tinh thần quôc gia, hay tinh thần trách nhiệm với đất nước, là điều chúng ta phải tạo ra, củng cố và tăng cường chứ chưa phải là điều đã sẵn có để có thể sử dụng và lạm dụng. Một dân tộc sau một cuộc nội chiến, dù chỉ một vài năm, chỉ có hai chọn lựa. Một là hòa giải dân tộc để đất nước tiếp tục, hai là không hòa giải và chấp nhận tan vỡ. Như thế chúng ta phải đồng ý với nhau rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện nay và mọi chính sách của chính quyền dân chủ sau này phải đặt nền tảng trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc một cách thành thực, quả quyết và trọn vẹn.

Tư tưởng chính trị thiếu vắng vào giai đoạn Cách Mạng Tháng 8 đã khiến chúng ta trôi dạt vào thảm kịch bởi vì một quốc gia không có tư tưởng chính trị không khác một con tầu đi biển không có la bàn, không đụng vào đá ngầm này thì cũng đâm vào một băng đảo khác. Tai họa là chắc chắn. Chúng ta cần chấm dứt tức khắc và dứt khoát thái độ vô lễ với kiến thức để đầu tư một cách nghiêm túc vào tư tưởng và kiến thức chính trị. Mọi hợp tác phải được quyết định trước hết theo tiêu chuẩn này. Phải dứt khoát tẩy chay sự nông cạn và hời hợt, nhất là khi nó đi đôi với sự tự mãn.

Và tại sao không có một lực lượng chính trị đáng kể nào trước mặt Đảng Cộng Sản vào thời điểm 1945 ? Đó là vì một tổ chức đấu tranh chính trị đúng nghĩa chỉ có thể là thành quả của một cố gắng xây dựng bền bỉ trong nhiều năm, bắt đầu bằng một đội ngũ nòng cốt, đặt nền tảng trên một tư tưởng chính trị lành mạnh và một dự án chính trị vừa nghiêm túc vừa khả thi.

Chúng ta cần khẩn cấp rút ra những bài học vẫn còn rất thời sự này.

Nguyễn Gia Kiểng

(19/08/2018)

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm
Trang 1 đến 2