Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phần 1

Đạo Tin Lành hiện đại hóa xã hội người Mông

Gần đây, cơ quan chức năng ở Việt Nam tăng sức ép lên "Hội thánh Giê-Sùa" trong cộng đồng người Mông (người H'mong, người Mèo) theo đạo Tin Lành, cho rằng họ muốn "lập quốc" riêng. Vấn đề cộng đồng người Mông Tin Lành vốn nhức nhối ở Việt Nam hơn 30 năm qua một lần nữa có thể quay trở lại. RFA phỏng vấn Mục sư Vàng Chí Minh, một mục sư người Mông Việt Nam tị nạn ở Hoa Kỳ, một người đã có gần ba mươi năm đấu tranh cho quyền sống và quyền tự do tôn giáo của đồng bào Mông theo đạo Tin Lành ở Việt Nam. 

hmong

Một người phụ nữ Hmong trên vùng núi cao ở Hà Giang năm 2010 - Reuters

Mục sư Vàng Chí Mình giải thích lý do người Mông theo đạo Tin Lành từ hơn 30 năm trước, kể về quá trình người Mông theo đạo Tin Lành bị chính quyền đàn áp từ đó đến nay. Theo ông, từng có những lúc sự đàn áp đến mức đày ải người dân đến cùng khổ. 

Việc đàn áp này bắt đầu từ những nghi kị đối với đạo Tin Lành thời cuối thập niên 1980s trở về trước, hiểu sai văn hóa và xã hội đồng bào Mông thiểu số, sự vô trách nhiệm của hệ thống công quyền từ cấp trung ương đến một số địa phương (mặc dù vẫn có những địa phương nỗ lực thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình). Những nghi kị và hiểu sai này phát triển dần thành thù ghét, sợ hãi. Và như một vòng tròn luẩn quẩn, sự thù ghét, sợ hãi lại càng làm tăng mức độ đàn áp của Nhà nước.

Mục sư Vàng Chí Mình mong cộng đồng người Mông Tin Lành ở Việt Nam tuân thủ luật pháp nhà nước, hòa nhập với cuộc sống hiện đại, và đồng thời muốn Nhà nước Việt Nam hội nhập với thế giới, hiểu đúng người Mông theo đạo Tin Lành, không còn nghi kị để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. 

Dưới đây là phần 1 của cuộc phỏng vấn. Ở phần này, Mục sư Vàng Chí Mình giải thích bối cảnh văn hóa - xã hội của người Mông hơn 30 năm về trước, khi họ ồ ạt theo đạo Tin Lành. Theo Mục sư Vàng, người Mông hồi đó ồ ạt theo đạo Tin Lành vì tôn giáo mới này đã đem lại những thay đổi lớn về mặt tinh thần cho cộng đồng, giúp cộng đồng vượt qua được những hủ tục lâu đời, trở nên đoàn kết để hiện đại hóa xã hội. Nhưng rồi, việc theo đạo Tin Lành cũng đã dẫn đến những thảm họa ghê gớm cho cộng đồng, khi Nhà nước Việt Nam lo sợ vì cộng đồng tập trung lại với nhau nghe giảng đạo.

1. Thời thanh niên theo Tin Lành

RFA : Xin Mục sư kể về thời thơ ấu và thời thanh niên của mình. Tại sao Mục sư và nhiều thanh niên Mông khác đến với Đạo Tin Lành ? Mục sư biết rất nhiều ngôn ngữ. Mục sư học tiếng Kinh (tiếng Việt) như thế nào ?

Vàng Chí Mình : Hiện nay tôi có quốc tịch Mỹ nhưng tôi vốn là một người Mông Việt Nam. Quê hương tôi là tỉnh Hà Giang, huyện Xín Mần. Tôi sinh vào tháng 6 năm 1975. Hồi ở Việt Nam, là một công dân người Mông sống trên núi, nói chung thì tôi làm nương, làm rẫy thôi.

Thời nhỏ tôi không được đi học. Lúc bắt đầu đi học là đã 11 tuổi. Học hết lớp 2, đến năm 13 tuổi thì bị đuổi học vì theo đạo Tin Lành. 

Lúc đó có rất nhiều người Mông theo đạo Tin Lành ồ ạt vì nghe qua đài Nguồn Sống phát từ Manila, Philippines. Tôi cũng là một người theo đạo trong thời gian đó. 

Khi tôi học xong lớp 2 thì tôi và tất cả con cháu người Mông theo đạo Tin Lành đều bị đuổi ra khỏi trường hết. Từ đó trở đi, cho đến khi lớn lên, khi già đi, thế hệ chúng tôi không còn được học trong nhà trường của nước Việt Nam.

2. Tín ngưỡng và xã hội người Mông truyền thống

RFA : Xin Mục sư cho biết Đài Radio Nguồn Sống là đài như thế nào.

Vàng Chí Mình : Đài radio Nguồn Sống do Mục sư Vàng Chúng Ly là người Mông gốc Lào ở Mỹ thực hiện. Sau 1975, ông sang Hoa Kỳ, sống ở California. Ông giảng đạo ở đài phát thanh Nguồn sống ở California. Người ta ghi âm lại vào băng rồi mang sang Philippines để phát. Vì ông giảng bằng tiếng Mông nên chúng tôi hiểu. 

RFA : Xã hội và văn hóa người Mông Việt Nam khi đó như thế nào mà khi nghe Mục sư Vàng Chúng Ly giảng đạo thì mọi người đã theo đạo Tin Lành ồ ạt ? 

Vàng Chí Mình : Trước khi biết đến đạo Tin Lành thì người Mông chỉ có đạo Thủ Ti. (RFA chú thích : Trong tín ngưỡng người Mông truyền thống, "Thủ Ti", hoặc "Thổ Ti" hay "Thứ Tỉ," là những vị "thần" hoặc "ma" cai quản một dòng họ, gia đình hoặc đất đai một khu vực nhỏ. Thủ Ti là cách phát âm của người Mông đối với từ "Thổ Địa" 土地, gần giống cách phát âm trong tiếng Quảng Đông, Trung Quốc là "Tǔdì". Tín ngưỡng Th Ti trong xã hi Mông trước đây có nhiu khác bit vi tín ngưỡng Th Địa ca người Kinh Vit Nam và người Hán Trung Quốc, như Mục sư Vàng Chí Minh giải thích ở dưới đây). 

Trong phong tục thờ Thủ Ti truyền thống, phong tục của người Mông rất là lạc hậu. Chẳng hạn như khi trong nhà có người chết thì phải để trong nhà 7 ngày 7 đêm, khi thối hết rồi mới đem đi chôn. Nhiều khi không chọn được thời gian chôn cất thì phải để trong nhà lâu hơn, có thể lên đến mười mấy ngày. Thành ra hủ tục này làm cho cả làng bị thối lên khi có một người qua đời. 

Ngoài ra, theo phong tục cũ, khi có người qua đời như vậy thì con cháu phải giết trâu bò rất nhiều. Nhà có bao nhiêu đứa con trai, con gái thì giết bấy nhiêu con trâu để làm lễ tang đó khao cả làng. Nếu trong nhà không có đủ trâu để giết thì phải đi mua, không đủ tiền mua thì vay nợ. Vay nợ xong thì mất nhiều năm đi làm để trả nợ. Thành ra phong tục đó làm cho con cháu người Mông rất nghèo khổ. Cứ hễ trong nhà có người qua đời là người còn sống bị mắc nợ nần. 

Những người trẻ thấy không thể cứ tiếp tục mãi như vậy. Khi có người cao tuổi qua đời thì giới trẻ phải chịu rất nhiều gánh nặng cuộc sống như thế. Nhưng những người trẻ không biết cách nào để thoát khỏi hủ tục đó. 

Những bài giảng đạo của Mục sư Vàng Chúng Ly qua đài radio Nguồn sống đã dạy chúng tôi cách thoát khỏi bế tắc đó. 

Hồi đó chúng tôi rất muốn hiểu ngọn nguồn làm sao để thoát khỏi hủ tục cũ mà đài Nguồn Sống dạy. Vì vậy chúng tôi rất cố gắng nghe. Đài radio Nguồn Sống dạy là có một Ông Trời. Ông Trời đó bảo vệ cả thế giới. Những hủ tục làm cho cuộc sống chúng tôi nghèo khổ bế tắc là do chúng tôi làm nô lệ của ma quỷ. Làm theo những hủ tục khiến cho mọi người đã nghèo cứ nghèo mãi như thế là do làm theo ma quỷ sai khiến. Mục sư Vàng Chúng Ly dạy là không được giết trâu khi có người qua đời nữa vì như thế khiến con cháu nghèo hết đi. Khi có người qua đời mà phải đi vay nợ để mua trâu về giết, làm cho con cháu nghèo khổ nợ nần mãi, thì rõ ràng là nô lệ của ma quỷ rồi.

Chính vì Mục sư Vàng Chúng Ly dạy chúng tôi những điều chúng tôi rất cần, giúp chúng tôi thoát khỏi bế tắc do hủ tục để lại. Chúng tôi hiểu là con đường mà chúng tôi đang đi là "con đường nô lệ" nên chúng tôi theo đạo Tin Lành đông như vậy.

3. Đạo Tin Lành giúp cộng đồng Mông vượt qua hủ tục 

RFA : Mục sư có nhận xét gì về vai trò của đạo Tin Lành đối với việc thay đổi xã hội người Mông ?

Vàng Chí Mình : Mục sư Vàng Chúng Ly hồi đó nhìn thấy những vấn đề khó khăn trong xã hội và phong tục người Mông. Ông đem đến một đức tin mới để thay đổi tinh thần người Mông.

Theo tín ngưỡng cũ, tức là tín ngưỡng Thủ Ti, nếu người con không giết trâu khi cha mẹ qua đời thì sẽ bị xuống địa ngục. Bị người ta dạy như thế nên chúng tôi rất sợ. Nhưng Mục sư Vàng Chúng Ly dạy chúng tôi là nếu không giết trâu khi cha mẹ chết thì chúng tôi vẫn không bị xuống địa ngục mà còn được lên Thiên Đàng. Điều đó làm chúng tôi không còn sợ khi bỏ hủ tục cũ nữa, chúng tôi rất thích.

Sau này tôi đọc lại tài liệu thì được biết là hồi đó người Mông ở Việt Nam có khoảng hơn chín trăm ngàn người, tức là gần một triệu người, thì có khoảng 480 ngàn người theo đạo Tin Lành. Gần một nửa luôn. 

Chỗ chúng tôi, người ta chỉ cho nhau là nếu mà sợ là bỏ cái đạo Thủ Ti thì không biết đi đâu về đâu thì hãy nghe đài Nguồn Sống. Nghe đài sẽ biết cần làm gì để thoát khỏi hủ tục cũ. Có những vùng gần 100% đi theo đạo. Không có Mục sư, không có ai đến gõ cửa từng nhà để truyền đạo, nhưng nghe lời dạy qua đài Nguồn Sống mà chúng tôi tự bỏ đạo Thủ Ti, bỏ các hủ tục cũ. 

Thế rồi vì không có Mục sư dạy Kinh thánh, chúng tôi nhóm lại với nhau đúng giờ để nghe đài radio Nguồn Sống. Chúng tôi tìm đài cassette để ghi âm lại lời giảng trên đài rồi truyền cho nhau nghe lại. Khi chúng tôi nhóm lại như vậy thì Nhà nước lo lắng.

RFA : Lúc đó, sau khi theo đạo Tin Lành, xã hội người Mông có những thay đổi gì ? Có gì tiến bộ hơn trước không ?

Vàng Chí Mình : Chúng tôi bỏ tín ngưỡng Thủ Ti và các hủ tục liên quan. Nhưng thay đổi lớn nhất là người Mông trở nên đoàn kết. 

Trước đó đạo Thủ Ti làm chúng tôi chia rẽ lắm. Mỗi dòng họ có những vị Thủ Ti riêng nên dòng họ này không thích dòng họ kia. Họ Vàng (họ Vương), họ Giàng (họ Dương), họ Phàng (họ Hoàng), họ Đào… chúng tôi suốt ngày cãi nhau, kiện nhau liên tục. Điều đó gây ra rất nhiều vấn đề trong bản làng. 

Nhưng khi theo đạo Tin Lành thì các dòng họ vượt lên sự ngăn cách và có cùng chung một đấng tối cao để thờ phượng. Chúng tôi trở nên đoàn kết, yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Sinh hoạt tôn giáo trong đạo Tin Lành làm cho sự chia rẽ giữa chúng tôi tan đi. Chúng tôi giống như một gia đình thôi. 

Nhưng khi chúng tôi đoàn kết với nhau, biết yêu thương nhau thì chúng tôi nhóm họp với nhau mỗi khi bật băng cassette nghe giảng Kinh thánh, chính phủ lại bắt đầu lo sợ. Thế là cuộc đàn áp bắt đầu. Vấn đề là như vậy. 

RFA : Đài RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư Vàng Chí Mình dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nhìn từ góc độ tôn giáo học, tín ngưỡng Thủ Ti của người Mông trước đây có thể được xếp vào nhóm đa thần giáo. Việc chuyển từ đa thần giáo sang tôn giáo độc thần như Đạo Tin Lành, Đạo Thiên Chúa, Đạo Phật... vốn là quy luật tinh thần chung của xã hội con người. 

Phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn, Mục sư Vàng Chí Mình sẽ kể lại 10 năm đầu tiên của quá trình khổ nạn gần 30 năm của cộng đồng người Mông theo đạo Tin Lành mà chính ông là nạn nhân và là một trong những người, cùng nhiều người khác, nỗ lực giúp cộng đồng vượt qua khổ nạn.

-------------------------------

Phần 2

Cộng đồng Mông Tin Lành bị trục xuất khỏi quê nhà

Ở phần 1, Mục sư Vàng Chí Mình giải thích cho độc giả RFA vì sao người Mông ở Việt Nam ồ ạt theo đạo Tin Lành vào cuối những năm 1980s và đầu những năm 1990s.

hmong2

Một bản của người Mông ở Hà Giang - Reuters

Theo Mục sư, đạo Tin Lành đã giúp người Mông biết cách vượt qua những hủ tục lạc hậu của xã hội truyền thống, giúp cộng đồng thực hành tiết kiệm và đời sống khá lên. Tôn giáo mới cũng giúp cho cộng đồng trở nên đoàn kết, xóa bỏ những bất hòa giữa các dòng họ do thờ những vị "thần" hay "ma" khác nhau, trong tín ngưỡng truyền thống. 

Trong điều kiện xã hội khó khăn, nghe truyền đạo qua đài radio và không có mục sư hướng dẫn, họ phải tự nhóm họp, tập trung với nhau nghe qua đài và băng cassettes. Khi họ tập trung lại với nhau như vậy, chính quyền địa phương bắt đầu đàn áp. Phần tiếp theo dưới đây, Mục sư Vàng Chí Mình kể về việc đàn áp ở Hà Giang quê ông khoảng ba mươi năm trước.

1. Đạo Tin Lành làm người Mông đoàn kết, yêu thương nhau 

RFA : Theo Mục sư, ở giai đoạn cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, lý do nào khiến Nhà nước Việt Nam đàn áp người Mông theo đạo Tin Lành ?

Vàng Chí Mình : Ban đầu khi theo đạo Tin Lành tôi cũng không biết tại sao, chỉ thấy là Nhà nước đã đàn áp rất là kinh khủng. Sau này tôi nghiên cứu thêm thì tôi biết là có lý do lịch sử và lý do chính trị nữa. 

Tôi sau này được biết là có cuộc chiến tranh Việt Nam 1954 - 1975, và Việt Nam thống nhất vào năm 1975. Tôi được biết là có người Mông ở bên Lào giúp CIA của Mỹ chống lại người Cộng sản ở Việt Nam. Năm 1989 khi đạo Tin Lành đến với người Mông Việt Nam thì chiến tranh mới kết thúc mười mấy năm thôi. 

Trước khi có đạo Tin Lành thì người Mông chỉ theo Thổ Ti. Khi theo tín ngưỡng Thổ Ti thì người Mông chỉ theo từng dòng họ chứ không tập trung lại với nhau. Giữa các dòng họ lại phát sinh mâu thuẫn, thù ghét nhau.

Nhưng khi người Mông theo đạo Tin Lành thì chúng tôi tập trung lại lớn hơn dòng họ. Cả làng chúng tôi tập hợp lại với nhau. Nhiều dòng họ bắt đầu tập trung lại và cử ra người đứng đầu để chăm lo việc đạo. Theo lời dạy của đạo Tin Lành chúng tôi thì tất cả chúng tôi là một gia đình. Hàng tuần chúng tôi nhóm họp với nhau. Trước đó theo tín ngưỡng Thổ Ti thì chúng tôi chỉ nhóm theo dòng họ, khi theo đạo Tin Lành thì cả làng chúng tôi nhóm họp với nhau như một nhà. Sự xung khắc giữa các dòng họ cũng không còn.

2. Chính quyền địa phương đàn áp

RFA : Khi các dòng họ xung khắc như vậy, chắc hẳn gây ra nhiều vấn đề xã hội, gây phiền phức cho chính quyền. Còn khi mọi người đoàn kết thì càng tốt cho chính quyền hơn. Vậy chính quyền phản ứng thế nào ?

Vàng Chí Mình : Việc chúng tôi tập trung lại lớn hơn, thay vì chỉ tập trung theo dòng họ như trước đây, lại có thêm lãnh đạo tôn giáo, khiến cho Nhà nước lo sợ. Họ nghĩ chúng tôi mạnh lên thì sau này sẽ chống lại chính quyền. 

Nhà nước lo sợ và quy chúng tôi là "đạo chia rẽ", "đạo trái phép", "đạo của Mỹ". Họ nghĩ là Mỹ đã nằm trong cộng đồng người Mông, làm cho người Mông theo đạo Tin Lành nhiều như vậy. 

Họ điều tra xem có phải do Mỹ truyền đạo sang hay không. Nhưng chúng tôi đã giải thích rõ là chúng tôi nghe truyền đạo qua đài raido Nguồn Sống. Chính quyền cũng hiểu điều đó nhưng họ vẫn sợ chúng tôi tập trung lại.

RFA : Khi chính quyền sợ người Mông tập trung lại nghe giảng đạo thì họ đã làm gì ? Đồng bào phản ứng ra sao ?

Vàng Chí Mình : Đầu tiên, chính quyền địa phương tìm cách chia rẽ chúng tôi, làm cho chúng tôi không còn tập trung với nhau được nữa. Hàng tuần công an và biên phòng đến từng nhà nơi chúng tôi tập trung nghe đạo để ngăn cấm chúng tôi. 

Người Mông không tập trung nghe giảng đạo ở nhà được thì rủ nhau đi làm nương và nghe giảng đạo trên nương. Chúng tôi nghĩ ra một cách gọi là đi làm "đổi công", chia nhau thành từng nhóm, mỗi ngày cùng nhau làm nương cho một nhà. Ví dụ hôm nay thì cùng nhau làm trên đám ruộng của người này, hôm sau thì cùng làm trên đám nương của nhà khác. 

Chúng tôi ghi âm lời giảng trên Radio Nguồn Sống vào băng cassette. Cứ đến buổi trưa, khi nghỉ trưa ăn cơm thì chúng tôi tập hợp lại để bật băng cassette nghe giảng đạo. 

RFA : "Đổi công" như Mục sư nói là một cách làm nông nghiệp rất hiệu quả ở nhiều nơi, nếu một cộng đồng biết cách đoàn kết và tổ chức được với nhau. Nhưng đi làm nương thì mọi người nghe giảng đạo như thế nào ?

Vàng Chí Mình : Đúng vậy. Chỉ cần một tuần thì nhà nào cũng được làm nương rất hiệu quả. Ai cũng có cái ăn, người trước đó rất nghèo thì cũng giàu hơn. Thành ra chúng tôi vừa nghe được giảng Tin Lành trên nương vừa làm ăn hiệu quả hơn. Cứ chia rẽ giữa các dòng họ như trước thì không thể làm "đổi công" được.

RFA : Chính quyền hồi đó lại phản ứng thế nào với cách "đổi công" của mọi người ?

Vàng Chí Mình : Một thời gian lâu sau thì chính quyền phát hiện ra chúng tôi không còn nhóm lại nghe giảng đạo trong bản làng mà ở ngoài nương. Họ lại đi theo chúng tôi ra nương. Chính quyền không cho các gia đình cùng làm nương chung với nhau. Ban đầu họ chỉ cho hai đến ba nhà được tập hợp lại để "đổi công" ở trên rẫy thôi, không cho cả làng "đổi công" nữa. Họ làm đủ mọi cách để chúng tôi không nhóm với nhau được.

Chúng tôi thấy không thể "đổi công" cả làng được vào ban ngày thì chúng tôi chuyển sang nghe đạo vào ban đêm. Sau 12 giờ đêm, trẻ em ngủ hết rồi, chúng tôi để trẻ em ngủ ở nhà, còn người lớn thì tất cả rủ nhau vào rẫy, hoặc vào rừng sâu, hoặc lên núi cao, bắt đầu nhóm với nhau nghe giảng đạo vào lúc 3 hoặc 4 giờ sáng. Đến 5 giờ sáng thì phải về đến bản để đi làm nương rồi. 

Chính quyền khi phát hiện ra chúng tôi nhóm lại ban đêm trên rẫy, trong rừng nghe giảng đạo thì họ lại tiếp tục ngăn cấm cả ngày lẫn đêm. Họ không theo chúng tôi vào rừng được thì họ dùng những người Mông không theo đạo Tin Lành để phá chúng tôi. Họ cho những người Mông không theo Tin Lành thả trâu thả bò vào phá nương, ăn hết ngô, lúa chúng tôi trồng trên rẫy. Chúng tôi rơi vào tình cảnh không còn gì ăn vì người cùng dân tộc mình lại đi phá mình.

3. Không bỏ đạo, bị trục xuất khỏi bản làng

RFA : Kết quả cuối cùng là gì ?

Vàng Chí Mình : Sau đó chính quyền địa phương tịch thu hết hộ tịch hộ khẩu, chứng minh thư, tịch thu trâu bò, thu hết nhà cửa, và đuổi chúng tôi ra khỏi bản. Chính quyền có đóng dấu hẳn hoi. Họ nói "Chúng mày theo đạo của Mỹ thì đi mà ở với Mỹ, còn đây là đất của Bác Hồ. Con cháu Bác Hồ mới được ở đây. Nói các anh không nghe thì đuổi ra khỏi bản làng."

RFA : Bị đuổi ra khỏi bản làng thì mọi người đi đâu về đâu ?

Vàng Chí Mình : Lúc đó gia đình nào cũng nhận một tờ giấy đuổi ra khỏi nhà, khỏi bản. Bị đuổi khỏi nhà, khỏi bản thì chúng tôi không biết đi đâu. Một số ban đêm chui rừng qua bên Lào Cai. Tôi và những gia đình ở gần biên giới Trung Quốc, không chạy thẳng sang Lào Cai được thì chúng tôi mò sang Trung Quốc thuê xe để chạy sang Lào Cai. Nửa đêm, chúng tôi thuê thuyền thì vượt qua một con suối ở gần cửa khẩu Lào Cai - Trung Quốc để vào Lào Cai.

RFA : Lúc đó là năm nào ?

Vàng Chí Mình : Năm 1995. Năm chúng tôi bị đuổi khỏi quê hương của mình ở xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang để chạy sang Lào Cai là năm 1995. Trên đường chạy, bố tôi bị gãy xương vai và xương sườn rồi mất ở Lào Cai. Chúng tôi chôn bố ở Lào Cai rồi chạy sang Điện Biên. Ban đầu, tôi định chạy sang Lào nhưng không biết đường đi.

Chúng tôi thuê xe từ Lào Cai để chạy sang Điện Biên Phủ. Phải đi mất hai tháng thì cả bản làng chúng tôi mới sang hết được Điện Biên Phủ. 

Đài RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư Vàng Chí Mình dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần này, Mục sư kể cho độc giả cách chính quyền địa phương phản ứng khi phát hiện ra đồng bào Mông theo đạo Tin Lành. Cách phản ứng của chính quyền địa phương dựa trên những nỗi sợ hãi vô lí. Ở phần tiếp theo, Mục sư Vàng Chí Mình sẽ cho độc giả biết việc chính quyền địa phương khi đó trục xuất người Mông theo đạo Tin Lành khỏi bản làng đã gây cho đồng bào những nỗi khổ nạn lâu dài như thế nào. Đó cũng có thể là một cách chính quyền địa phương đẩy hết "vấn đề" ra khỏi địa phương mình để tránh "trách nhiệm". Cách đàn áp này gây cho đồng bào những nỗi khổ nạn lâu dài, và gây ra những vấn đề xã hội - chính trị lớn hơn ở địa phương khác. Nhìn từ góc độ quản trị quốc gia, như Mục sư Vàng Chí Mình kể ở các phần tiếp theo, việc trục xuất đồng bào Mông theo đạo Tin Lành khỏi địa phương đã làm cho một vấn đề nhỏ ở địa phương trở thành một vấn đề lớn ở quy mô quốc gia, và cuối cùng, phát triển thành một vấn đề quốc tế. 

-------------------------------

Phần 3

Cộng đồng Mông Tin Lành lánh nạn trong rừng Điện Biên

Ở Phần 1 cuộc phỏng vấn, Mục sư Vàng Chí Mình chia sẻ với độc giả RFA lý do cộng đồng Mông đến với đạo Tin Lành vào năm 1989, cách mà đạo Tin Lành giúp hiện đại hóa xã hội người Mông.

Ở Phần 2, Mục sư kể về sự đàn áp của chính quyền địa phương đối với cộng đồng Mông Tin Lành ở quê hương ông. Sự đàn áp cứ tăng dần, ban đầu chỉ là ngăn cấm nhóm họp với nhau nghe giảng đạo qua radio, cuối cùng kết thúc bằng việc tịch thu hộ khẩu, hộ tịch, nhà cửa, ruộng nương và đuổi khỏi bản làng (năm 1995). Những người Mông Tin Lành bị trục xuất khỏi bản làng ở miền núi phía Bắc đã chạy tị nạn sang các địa phương khác, đông nhất là ở khu vực Điện Biên, Tây Nguyên và vùng núi Nghệ An, Thanh Hóa. Ở phần thứ 3 này, Mục sư Vàng Chí Mình kể về tình cảnh cộng đồng người Mông Tin Lành khi tị nạn trong rừng sâu ở Điện Biên (lúc đó thuộc tỉnh Lai Châu, tách tỉnh năm 2003). Những khổ ải họ phải chịu đựng đã tích tụ dần thành cuộc biểu tình Mường Nhé khoảng 15 năm sau đó (năm 2011).

hmong3

Một người phụ nữ Mông và con gái đang đập lúa trong mùa thu hoạch ở Sapa (hình minh hoạ) - Reuters

1. Điểm đến sau khi bị trục xuất : Điện Biên, Tây Nguyên, miền núi Nghệ An

RFA : Tại sao lại mọi người lại chọn Điện Biên Phủ làm nơi lánh nạn ?

Vàng Chí Mình : Tôi sinh ở Hà Giang năm 1975, theo đạo Tin Lành năm 1989, bị đàn áp ở Hà Giang khoảng 6 năm, tháng 11 năm 1995 chúng tôi bị đuổi khỏi bản làng ở Hà Giang. Chúng tôi tìm đường chạy sang Điện Biên Phủ. Tới Điện Biên khoảng tháng 1 năm 1996. 

Vùng Điện Biên Phủ khi đó không chỉ có người Mông Tin Lành ở Lào Cai, Hà Giang chạy tới mà người Mông Tin Lành Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu cũng chạy tới đó. Vì Điện Biên Phủ lúc đó rừng già rất là nhiều và lại giáp với Lào. Cộng đồng người Mông Tin Lành khắp các nơi bị đàn áp thì chạy hết vào trong rừng ở vùng đó. 

Ngoài Điện Biên thì Tây Nguyên, miền núi Nghệ An, Thanh Hóa cũng có nhiều nhóm người Mông Tin Lành chạy đến khi bị chính quyền địa phương trục xuất khỏi bản.

Năm 1995 bị trục xuất khỏi bản, ý định ban đầu của chúng tôi là chạy càng xa chính phủ càng tốt. Ban đầu chúng tôi tìm đường sang Lào. Nhưng Lào xa quá và Điện Biên thì có nhiều rừng để trốn nên chúng tôi ở lại. Chính quyền Điện Biên phát hiện ra chúng tôi, cho công an và biên phòng bao vây, chúng tôi không đi đâu được nữa. 

Ban đầu khi tìm đường sang Lào, chúng tôi đi bộ một tuần trong rừng rồi không đi được nữa vì không có cơm ăn. Chúng tôi bỏ hết con cháu ở lại trong rừng còn đàn ông thì phải đi tìm cơm về. Chúng tôi đi vào thành phố mua gạo. Đi mất 3 ngày mới tới, rồi mất 3 ngày để về lại trong rừng là mất một tuần rồi. Mua được 20 kg gạo, đem về tới nơi trú ẩn trong rừng cho vợ con ăn. Rồi mình lại đi bộ vào thành phố, khi quay về tới nơi thì gạo đã ăn hết rồi. Chúng tôi thấy không thể có đủ cơm ăn để đi tiếp sang Lào.

Điện Biên Phủ lúc đó rừng rất là nhiều. Chúng tôi mới tính là ở lại, phá rừng lấy đất trồng lúa xem có làm được gạo ăn không. Chúng tôi tính là sau khi có gạo ăn thì chúng tôi sẽ lại đi tiếp vì ở trong rừng quá xa, quá khó. 

Thêm nữa là có một số đã sang được tới Lào nhưng bị bên Lào bắt được. Họ bị giao về Việt Nam và bị bỏ tù hết. Điều đó làm người Mông chúng tôi sợ. Rồi chính quyền địa phương ở Điện Biên lại phát hiện ra chúng tôi. Họ ngăn chặn chúng tôi hết, không đi đâu được nữa. Họ cho công an và bộ đội biên phòng bao vây. Thành ra chúng tôi ở lại trong rừng ở Điện Biên luôn.

2. Tị nạn ở Điện Biên : chính quyền bỏ rơi, cộng đồng tự tổ chức để sống

RFA : Lúc đó cộng đồng người Mông Tin Lành trong rừng sâu ở Điện Biên có khoảng bao nhiêu người ?

Vàng Chí Mình : Tổng cộng khoảng 28 ngàn người. 

RFA : Nhà nước cho quân bao vây nhưng có lập chính quyền địa phương để quản lý cộng đồng không ? 

Vàng Chí Mình : Nhà nước chỉ bao vây thôi, không cho chúng tôi đi đâu nữa, chứ không lập chính quyền để quản lý chúng tôi. 

Về sau tôi thấy Nhà nước tách tỉnh, thành lập nhiều huyện mới, đều là những nơi cộng đồng người Mông Tin Lành chúng tôi sống tập trung trong rừng sâu, như Mường Nhé (2002), Mường Chà (2005), Sìn Hồ (RFA chú thích : lập năm 2003, tách tỉnh, thuộc Lai Châu), sau này có thêm Nậm Pồ (RFA chú thích : lập năm 2012, sau vụ Mường Nhé năm 2011). Cả 4 huyện đó đều rất đông người Mông Tin Lành chạy tới từ các tỉnh khác. 

Tôi biết nhà nước lập 4 huyện đó là vì chúng tôi. Sau này, nhà nước cho làm đường đi vào trong rừng, chỗ chúng tôi. Ban đầu chỉ đóng quân thôi, suốt một thời gian dài chính quyền vẫn không đến quản lý chúng tôi trực tiếp. Chúng tôi đã bị tịch thu hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh thư ở quê cũ. Lúc đó không còn giấy tờ gì, không còn quyền công dân, không ai quản lý. Chúng tôi cứ sống trong rừng vậy thôi. 

RFA : Khoảng 28 ngàn người sống trong rừng mà không có quản lý thì có phát sinh vấn đề lớn gì không ? Vấn đề kinh tế, xã hội ? Vấn đề y tế ? Cộng đồng tìm cách tổ chức đời sống ra sao để tồn tại ? Lúc đó cộng đồng Tin Lành người Kinh có giúp đỡ gì không ?

Vàng Chí Mình : Chúng tôi vốn không phải là du canh du cư, nhưng bị trục xuất khỏi bản làng cũ thì khi đến ở Điện Biên chúng tôi phải phá rừng làm rẫy kiếm gạo ăn. 

Năm 1996, tôi tìm đường chạy xuống Hà Nội, tìm gặp các mục sư Tin Lành người Kinh ở đó để báo tin tức, kể về tình cảnh khốn khổ của chúng tôi, xin các mục sư Tin Lành người Kinh giúp đỡ. Mục sư Âu Quang Vinh ở Hà Nội lúc đó mới biết đến chúng tôi. Mục sư Âu Quang Vinh hỏi tôi :

- Các anh có đông không ?

- Rất là đông - tôi nói - tổng số người Mông Tin Lành chạy từ Hà Giang sang Điện Biên Phủ sống trong rừng có khoảng ba mươi ngàn người. 

Ông rất là quan tâm. Ông nói tôi về lại rừng sâu trong Điện Biên để nói đồng bào đang ở đâu thì ở yên đó, không manh động, rồi quay lại gặp. 

Hai tuần sau, tôi quay lại Hà Nội, Mục sư Âu Quang Vinh đề nghị gửi tôi vào Sài Gòn học với các mục sư trong đó. Tôi đã bị tịch thu hộ khẩu và chứng minh thư nên không mua được vé tàu. Mục sư phải nhờ người giúp đưa tôi vào Sài Gòn.

Học xong ở Sài Gòn, tôi quay về, trở thành lãnh đạo Hội thánh ở Điện Biên Phủ. Riêng tỉnh Điện Biên Phủ lúc đó có 28 ngàn tín đồ Tin Lành. Tôi trở thành người lãnh đạo cho 28 ngàn tín đồ đó. 

Tôi tách cộng đồng người Mông Tin Lành thành khoảng 1900 hội thánh nho nhỏ, do là mình không thể nhóm đông người được. Mỗi hội thánh nhỏ như vậy chỉ có chừng 10 hộ gia đình đến 50 hộ thôi. Tôi không cho nhóm quá 50 hộ. Chỗ nào lên đến 100 hộ thì tôi cho tách ra. 

Mình phải tách nhỏ ra như vậy vì có quá đông người ở trong rừng, trong khi không có trưởng bản, không có ai lãnh đạo, không có chính quyền địa phương. Trong cộng đồng xuất hiện nhiều rắc rối, tranh chấp giữa người Mông với nhau mà không có ai giải quyết. 

Tôi chia thành các hội thánh nhỏ để người lãnh đạo từng hội thánh nhỏ ấy chịu trách nhiệm lãnh đạo cả nhóm. Nếu nhóm lại nhiều hộ dân hơn trong khi chúng tôi không được chính quyền quản lý, nhà nước không tới, thì chúng tôi không thể giải quyết được các vấn đề phức tạp. Nếu có gì trục trặc, chia rẽ, tranh chấp, cãi nhau lung tung các thứ… giữa các gia đình trong cộng đồng thì người lãnh đạo hội thánh nhỏ sẽ giải quyết. 

Lúc đó chúng tôi vẫn không đi đâu được. Công an và bộ đội biên phòng đóng quân cả bốn phía người Mông Tin Lành chúng tôi. Chúng tôi không đi đâu được, không sang Lào được, nên đành ở lại trong rừng luôn. 

3. Rời khỏi Việt Nam 

RFA : Như vậy các hội thánh nhỏ vừa làm công việc tôn giáo vừa làm quản lý giống như chính quyền thôn xã luôn ? Trở thành lãnh đạo Hội thánh ở Điện Biên trong hoàn cảnh đó, Mục sư có phải đối diện với khó khăn gì với chính quyền không ?

Vàng Chí Mình : Trong 10 năm đó, chính quyền bắt tôi đi tù. Tổng thời gian tù khoảng 9 năm. Nhưng không phải họ bắt tôi ngồi tù liên tục 9 năm. Họ bắt tôi vào tù mỗi năm một hai lần, khi thì sáu tháng, khi thì hai tháng, khi thì bốn tháng. Cứ bắt bỏ tù rồi lại cho về thăm nhà, rồi lại gọi vào tù. Cứ như vậy trong gần 10 năm. Đến 2006 thì tôi rời khỏi Việt Nam.

RFA : Mục sư có tìm cách tiếp xúc với chính quyền ở cấp cao hơn không ?

Vàng Chí Mình : Tôi đã tìm cách tiếp xúc với chính quyền khi còn ở Hà Giang. Khi chạy tị nạn sang Điện Biên tôi cũng tìm cách tiếp xúc với chính quyền Điện Biên. Rồi tôi xin cộng đồng Tin Lành người Kinh giúp cho gặp Chính quyền Trung ương. Nhưng không ai nghe chúng tôi cả. 

Tình cảnh cứ đi đi lại lại giữa nhà tù và nhà mình trong rừng suốt 10 năm như thế làm tôi cảm thấy đạo Tin Lành Việt Nam không thể giúp đỡ chúng tôi thêm được. 

Tôi thấy cộng đồng người Mông Tin Lành chúng tôi khổ quá. Nếu tôi cứ tiếp tục phụng sự Chúa ở trong nước thì sẽ có một ngày nào đó tôi có thể chết trong tù. Tôi chết thì vẫn không giúp gì được cộng đồng người Mông chúng tôi. Tôi nghĩ là mình phải đi ra nước ngoài tìm đường cứu cộng đồng mình. 

Tôi nói với các Hội thánh nhỏ trong cộng đồng : Tôi sẽ bỏ nước ra đi để tìm cách giúp đỡ mọi người. Đừng có chạy lung tung, ở đâu ở yên đó, không được manh động. Rồi tôi vượt rừng sang Lào. Từ Lào tôi tìm đường sang Thái Lan. Tôi đi vào năm 2006, đến Thái Lan khoảng 2007, vào năm 2008 thì tôi tìm đến được Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người Tị nạn ở Thái Lan và được cho sang Hoa Kỳ tị nạn. 

RFA : Đài RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư Vàng Chí Mình dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Trong phần 3 này, Mục sư kể lại cuộc sống của cộng đồng gần 30 ngàn người Mông Tin Lành trong rừng sâu ở Điện Biên, sau khi bị trục xuất khỏi quê nhà. Chính quyền địa phương ở nơi họ đến tiếp tục bỏ rơi họ, không quan tâm. Ở phần tiếp theo, Mục sư Vàng Chí Mình kể về những nỗ lực tiếp xúc với chính quyền địa phương và trung ương trong những năm tháng đó.

 -------------------------------

Phần 4

Nỗ lực không ngừng để Chính quyền hiểu người Mông Tin Lành

Ở ba phần trước, Mục sư Vàng Chí Mình đã kể cho chúng ta câu chuyện người Mông Việt Nam theo đạo Tin Lành để hiện đại hóa xã hội ra sao, nhưng rồi bị đàn áp và trục xuất khỏi bản làng như thế nào. Người Mông Tin Lành bị trục xuất khỏi địa phương đã phải chạy tị nạn sang các địa phương khác, chịu cuộc sống khổ ai trường kì trong rừng sâu. Ở phần này, Mục sư Vàng Chí Mình kể về những nỗ lực ông thực hiện giai đoạn 1993 - 1997 để giải thích cho chính quyền địa phương và trung ương hiểu về đạo Tin Lành trong xã hội, ngôn ngữ Mông nhưng hoàn toàn vô vọng. Kết quả của những nỗ lực tiếp xúc với chính quyền để giải thích này rất đáng buồn : Mục sư và nhiều người khác phải tị nạn ra nước ngoài.

hmong1

Trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ - Tạp chí Tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ Việt Nam

1. Tuyên truyền của Nhà nước : người Mông Tin Lành theo Vàng Pao "lập quốc"

RFA : Chính quyền nói rằng đạo Tin Lành của người Mông thờ "Vàng Chứ", là đạo do ông Vàng Pao lập ra bên Mỹ để chống Cộng và lập "nhà nước của người Mông". Khi cuộc biểu tình Mường Nhé nổ ra năm 2011, Nhà nước Việt Nam cũng tuyên truyền như vậy. Năm ngoái, (2021), trang báo Kiểm Sát của Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao vẫn tiếp tục nói như vậy. Xin Mục sư giải thích về điều này.

Vàng Chí Mình : Kinh Thánh đạo Tin Lành đầu tiên dịch sang tiếng Mông là do người Mông gốc Lào ở Mỹ dịch. Trong tiếng Mông, người Mông gọi khái niệm "thiên" (trời) của người Kinh là "Vàng". Những người dịch Kinh Thánh từ tiếng Anh sang tiếng Mông thì họ ban đầu không biết phải dịch "Chúa Trời" sang tiếng Mông như thế nào. Sau đó họ đồng ý với nhau là dùng từ "Vàng" để dịch. "Vàng" trong tiếng Mông là "thiên" (trời) trong tiếng Kinh.

Còn từ "chứ" trong tiếng Mông nghĩa là "chủ" trong tiếng Việt. "Vàng Chứ" có nghĩa là "ông chủ ở trên trời", tức là ông chủ của trời đất, ông chủ tạo ra trời đất, giống như trong tiếng Kinh dịch "God" là "Đức Chúa Trời". Đó là cách chúng tôi dịch khái niệm "Chúa Trời" sang tiếng Mông.

Trong tiếng Việt, khái niệm "Chúa" cũng phái sinh từ "Chủ", có nghĩa là "ông chủ" hay "người có quyền lực nhất", giống như "lord" trong tiếng Anh. Tiếng Anh cũng có khi gọi "Đức Chúa Trời" là "Lord". Trong tiếng Việt, "Chúa đảo" là ông chủ của một hòn đảo, còn "Đức Chúa Trời" là ông chủ của vũ trụ hay là "Đấng tối cao" trên trời. Không chỉ tiếng Mông hay tiếng Kinh mà các tiếng khác cũng dịch khái niệm "God" theo cách đó. Trong tiếng Mông, "Vàng Chứ" là "Chúa Trời", còn Đấng Christ (Jesus Christ) thì chúng tôi dịch là "Thiên Tò".

Người Mông không biết tiếng Kinh. Nếu gọi "God" là "Đức Chúa Trời" trong tiếng Kinh thì họ không hiểu, phải dịch sang tiếng Mông là "Vàng Chứ" thì họ mới hiểu.

RFA : Thế còn cái tên "Vàng Pao" thì có liên quan không ?

Vàng Chí Mình : Người Mông còn có họ "Vàng". Họ "Vàng" trong tiếng Mông là họ "Vương" trong tiếng Kinh (âm Hán Việt), không liên quan đến "Vàng" nghĩa là "trời". Nếu nghiên cứu lịch sử người Mông sẽ thấy có ông vua Mèo (Mông) là Vương Chí Sình ở Hà Giang. Thực ra trong tiếng Mông thì đọc là Vàng Chí Sình. Họ "Vương" của người Kinh và họ "Vàng" của người Mông là cùng một tên gọi nhưng khác cách đọc thôi.

Còn ông Vàng Pao là ông tướng người Mông bên Lào thời chiến tranh Việt Nam. Ông Vàng Pao theo CIA chống lại người Cộng sản Việt Nam ở Lào. "Last name" (họ) của ông ấy là "Vàng", tức là "Vương" trong âm Hán Việt.

Chính quyền Việt Nam cố tình hiểu sai cái từ đó. Họ nói ông Vàng Pao dùng đạo "Vàng Chứ" để dụ dỗ người Mông Việt Nam chống lại chính quyền, lập nước riêng. "Vàng Chứ" và "Vàng Pao" đều là "Vàng" cả, không khác gì nhau, trong khi một từ có nghĩa là "trời" còn từ kia là cái "last name" (họ.) Họ cố tình dùng cách hiểu sai từ vựng để tìm cớ đàn áp chúng tôi.

Người Mông Tin Lành chúng tôi không chống chính quyền. Không phải chính quyền không hiểu đâu. Họ hiểu chúng tôi nhưng họ cố tình tỏ ra không hiểu.

2. Giải thích cho công an huyện ở Hà Giang về đạo Tin Lành trong tiếng Mông

RFA : Làm sao Mục sư biết là Chính phủ Việt Nam hiểu đúng khái niệm "Vàng Chứ" trong tiếng Mông nhưng cố tình không hiểu ?

Vàng Chí Mình : Người Mông Tin Lành chúng tôi biết chắc chắn là Chính phủ Việt Nam hiểu. Bởi vì Kinh Thánh dịch ra tiếng Mông chúng tôi giống hệt bản Kinh Thánh dịch ra tiếng Việt. Hoàn toàn giống nhau. Giống nhau y xì, không thay đổi gì cả. Trước đây họ dùng cách hiểu gán ghép như thế để bắt chúng tôi bỏ đạo.

Chúng tôi đã đem cả hai bản Kinh Thánh tiếng Mông và tiếng Việt cho Nhà nước Việt Nam xem. Chúng tôi giải thích cho họ là hai bản giống hệt nhau. Bản tiếng Mông chúng tôi không khác gì bản tiếng Kinh, chứ không phải chúng tôi có ý đồ gì. Họ hiểu nhưng họ cố tình tỏ ra không hiểu để gán ghép cho chúng tôi.

RFA : Mục sư đã đem hai bản Kinh Thánh tiếng Mông và tiếng Kinh đi giải thích cho Nhà nước Việt Nam vào khi nào ?

Vàng Chí Mình : Lần đầu năm 1993. Đó là năm bản Kinh Thánh tiếng Mông đầu tiên được truyền đến Việt Nam. Chúng tôi đã photo ở Hà Nội để phát cho các hội thánh của người Mông. Lúc đó tôi vẫn đang sống ở tỉnh Hà Giang.

Năm 1993, tôi đem được quyển Kinh Thánh bản tiếng Mông và bản tiếng Việt về Hà Giang. Tôi đã đi gặp công an và bộ đội biên phòng. Xã Chí Cà chỗ chúng tôi sống ngay sát biên giới Trung Quốc thì luôn luôn có biên phòng ở cùng chỗ chúng tôi. Chúng tôi đã giải thích cho biên phòng rằng quyển này là tiếng Việt, quyển này là tiếng Mông, câu này tiếng Việt câu kia tiếng Mông, hoàn toàn giống nhau. Nhưng họ cố tình không hiểu. Khi nói chuyện với họ, tôi cảm thấy họ đã hiểu nhưng cứ cố tình tỏ ra không hiểu.

Sau đó tôi lên công an huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Tôi cũng đưa ra hai bản Kinh Thánh tiếng Mông và tiếng Kinh để đối chiếu chọ họ xem. Lúc đó người Mông Tin Lành chúng tôi đang bị bắt bớ rất là kinh khủng. Họ thu luôn hai quyển Kinh Thánh của tôi và nhốt tôi một tuần trong phòng giam ở công an huyện.

Họ quy tôi cái tội truyền đạo trái phép và phạt tôi 300 ngàn một quyển Kinh Thánh. Hai quyển thì họ phạt 600 ngàn. Hồi đó 600 ngàn giá trị lắm. Họ nhốt tôi 7 ngày 7 đêm vì lí do truyền đạo trong khi tôi đến để trình bày cho họ về hai quyển Kinh Thánh giống nhau thế nào. Họ hiểu hai quyển giống nhau chứ (cười).

3. Giải thích cho Chủ tịch tỉnh và công an tỉnh ở Điện Biên

RFA : Bộ đội biên phòng và công an huyện là cấp quá thấp. Mục sư từng có cơ hội nào trình bày với Nhà nước Việt Nam ở cấp cao hơn không ?

Vàng Chí Mình : Có. Năm 1996, lúc đó tôi đã chạy sang Điện Biên Phủ. Tôi tiếp tục đi trình bày cho công an Điện Biên Phủ. Lúc đó tôi còn được gặp trực tiếp Chủ tịch tỉnh (chú thích của RFA : Lúc đó còn đang thuộc tỉnh Lai Châu). Chủ tịch tỉnh lúc đó là người Mông. Tôi có giải thích cho ông Chủ tịch tỉnh mục đích của tôi : Ông là chủ tịch của chúng tôi, ông là người Mông và ông có tiếp xúc với cấp cao, tôi muốn ông hiểu chúng tôi để giải thích cho nhà nước hiểu. Tôi cũng đối chiếu hai quyển Kinh Thánh bản tiếng Việt và tiếng Mông cho ông ấy hiểu.

RFA : Ông Chủ tịch tỉnh có giúp được gì không ?

Vàng Chí Mình : Ông ấy chỉ tôi sang gặp Công an tỉnh Điện Biên. Tôi vào Phòng An ninh của Công an Điện Biên trình bày thì bị nhốt vào phòng giam hai đêm nữa. Còn hai quyển Kinh Thánh cũng bị tịch thu luôn (cười.)

4. Giải thích cho Ban Tôn giáo Chính phủ

RFA : Giải thích cho cấp huyện, cấp tỉnh không được thì Mục sư làm gì tiếp ?

Vàng Chí Mình : Năm 1997 thì tôi xuống Hà Nội tìm gặp lãnh đạo cộng đồng Tin Lành người Kinh. Gặp Mục sư Âu Quang Vinh, tôi thưa :

"Trước đây tôi trình bày cho Công an ở Hà Giang rằng quyển Kinh Thánh tiếng Mông giống hệt bản tiếng Việt thì bị nhốt 7 ngày 7 đêm. Bây giờ tôi trình bày như thế cho Công an Điện Biên thì bị nhốt 2 ngày 2 đêm. Tôi không viết tốt tiếng Việt. Tôi xin nhờ Mục sư viết giúp tôi một lá thư. Sau đó tôi viết lại lá thư đó bằng chính tay tôi. Tôi sẽ đem lá thư đến Ban Tôn giáo Chính phủ ở Hà Nội. Lá thư đó trình bày rằng quyển Kinh Thánh tiếng Mông chúng tôi và bản tiếng Việt hoàn toàn giống nhau, nhưng chính quyền ở địa phương cố tình dùng đánh đồng hai chữ "Vàng Chứ" với "Vàng Pao" để đàn áp chúng tôi".

Tôi viết lại lá thư bằng chính tay tôi, rồi tự tay tôi ký. Mục sư Âu Quang Vinh hướng dẫn cho tôi đi nộp ở 12 cơ quan trung ương khác nhau ở Hà Nội. Tôi đã được gặp trực tiếp Ban Tôn giáo Chính phủ để trình bày với họ, xin họ giải thích lại với Nhà nước. Đó là khoảng tháng 3 năm 1997.

RFA : Lúc đó Ban Tôn giáo Chính phủ đã tiếp nhận những giải thích của Mục sư như thế nào ?

Vàng Chí Mình : Ban Tôn giáo Chính phủ cũng chỉ "ờ, ờ, ờ" thế thôi chứ chẳng làm gì cả, cũng không hứa gì. Không có gì thay đổi hết. À, có một thay đổi là tôi không bị Ban Tôn giáo bắt nhốt tù như khi trình bày cho công an ở Hà Giang và Điện Biên (cười).

Cuộc đàn áp mà chúng tôi gánh chịu tiếp tục kéo dài mười mấy năm. Chính phủ không ngừng đàn áp mà cứ nói cái đạo này là "đạo của Mỹ", "đạo của Vàng Pao", "Vàng Pao tuyên truyền cho người Mông Việt Nam theo "Vàng Chứ" là để theo Vàng Pao", "Vàng Chứ với Vàng Pao chẳng khác gì nhau". Họ cương quyết không hiểu. Họ quyết tâm dùng cách nói đó để bắt chúng tôi phải bỏ đạo.

Đến tận gần đây (2021), trang báo "Kiểm Sát" của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vẫn nói người Mông theo đạo Tin Lành thờ "Vàng Chứ" là do "Vàng Pao" lập ra.

5. Xin được thừa nhận nhưng phải đi tị nạn

RFA : Ngoài việc giúp Mục sư đến gặp 12 cơ quan trung ương trong đó có Ban Tôn giáo Chính phủ, hồi đó cộng đồng người Tin Lành người Kinh còn giúp chuyện gì khác nữa không ?

Vàng Chí Mình : Cộng đồng Tin Lành ở Hà Nội và Sài Gòn giúp chúng tôi đối thoại với Chính phủ, nhưng sau đó chúng tôi bị đàn áp mạnh hơn và phải chạy tị nạn ra nước ngoài.

Năm 2005, chúng tôi chọn ra lãnh đạo Tin Lành người Mông ở chín tỉnh phía Bắc, mỗi tỉnh ba người, cùng nhau tập trung ở Hà Nội để thảo luận xem chúng tôi phải làm thế nào, khi mà sự đàn áp đã kéo dài mười mấy năm không ngừng.

Chúng tôi có mời một ông mục sư ở Sài Gòn là Mục sư Đoàn Trung Tín, người thành lập "Hội Thánh truyền giảng Phúc Âm". Chúng tôi mời ông Mục sư Đoàn Trung Tín gặp các lãnh đạo Tin Lành người Mông để xin ông giải thích luật của Việt Nam như thế nào, tại sao chúng tôi bị đàn áp lâu như vậy. Ông góp ý cho chúng tôi :

"Tôi cũng không biết làm sao được. Tôi rất quan tâm đến các anh. Đến bây giờ sự đàn áp vẫn không ngừng thì chúng tôi chỉ có một cách là tôi sẽ soạn một bài, gửi vào Tổng hội Tin Lành cho các anh".  

Hồi đó Chính phủ Việt Nam không cho các hội thánh người Mông được tham gia Tổng hội Tin Lành của Việt Nam, không cho Tổng hội nhận người Mông vào trong đó. Họ đẩy người Mông ra ngoài. Mục sư Đoàn Trung Tín giúp chúng tôi bằng soạn một đơn xin gia nhập Tổng hội. Chúng tôi bầu cử lại lãnh đạo hội thánh của người Mông ở các tỉnh miền Bắc rồi lấy biên bản bầu cử, gửi cho Tổng hội, xin được gia nhập Tổng hội, để gửi cho Chính phủ.

Khi Chính phủ nhận được đơn của chúng tôi thì họ đi tìm bắt những người kí tên trong đơn.

Tôi là người đại diện kí tên cho Điện Biên, tôi thấy phải lánh nạn. Tôi thấy Chính phủ Việt Nam không chấp nhận chúng tôi, Tin Lành Việt Nam cũng không giúp được chúng tôi, không tiếp tục ở lại Việt Nam được nên lại chạy sang Lào. Ông mục sư đại diện của Lai Châu khi đó là bạn tôi, gần Trung Quốc nên phải chạy sang Trung Quốc chứ không sang Lào ngay được. Tôi ở Lào, phải sang Trung Quốc đón bạn qua Lào vì ở Trung Quốc thì không có nơi mà thoát được. Khoảng 6 tháng sau thì thì đón được bạn từ Trung Quốc, đưa sang Việt Nam rồi chạy qua Lào. Rồi từ Lào, chúng tôi chạy tị nạn sang Thái Lan.

Năm 2007 thì tôi được Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người Tị nạn phỏng vấn. Sau đó Đại sứ quán Mỹ tới phỏng vấn tôi khoảng tháng 6/2007. Tháng 11 tôi có kết quả đi Hoa Kỳ. Tháng 1/2008 ở Hoa Kỳ tôi bắt đầu đi học tiếng Anh trong hai năm.

Đài RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư Vàng Chí Mình dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần này, Mục sư Vàng Chí Mình phân tích khái niệm "Vàng Chứ" ("Đức Chúa Trời") trong tiếng Mông, so sánh với tiếng Việt và tiếng Anh, để giúp độc giả hiểu đúng những khái niệm tôn giáo trong tiếng Mông. Mục sư cũng đã nỗ lực giải thích cho các cấp chính quyền từ địa phương (biên phòng Hà Giang, công an huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang năm 1993 ; Chủ tịch tỉnh Lai Châu, Công an tỉnh Lai Châu năm 1996), đến chính quyền trung ương (12 cơ quan trung ương, trong đó có Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 1997) để giải thích và bác bỏ những tuyên truyền của Nhà nước gán ghép "Vàng Chứ" với "Vàng Pao", mô tả "đạo Vàng Chứ" như một công cụ chính trị nhằm "lập quốc" của "Vàng Pao".

Nhưng những nỗ lực này hoàn toàn vô vọng. Cuối cùng, sau khi nỗ lực xin Nhà nước chấp nhận các hội thánh Tin Lành của người Mông, xin được gia nhập Tổng hội Tin Lành của Việt Nam vốn được Nhà nước công nhận, thì Mục sư và nhiều người khác bị tìm bắt và phải tị nạn ra nước ngoài. Ở phần tiếp theo, Mục sư Vàng Chí Mình sẽ kể những nỗ lực giúp đồng bào Mông Tin Lành trong nước khi tị nạn ở nước ngoài, bằng cách nhờ cộng đồng quốc tế giúp đỡ.

--------------------------------

Phần 5

Cuộc biểu tình ở Mường Nhé năm 2011

Ở bốn cuộc phỏng vấn trước, Mục sư Vàng Chí Mình đã kể cho chúng ta nghe câu chuyện người Mông Tin Lành Việt Nam từ lúc bắt đầu theo đạo  (năm 1989) đến khi bị trục xuất  khỏi quê nhà và tị nạn  sang các địa phương khác. Mục sư cũng đã nỗ lực không ngừng  để chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương hiểu và không còn nghi kị người Mông Tin Lành nhưng không thành. Ở phần này, Mục sư kể về nguyên nhân của cuộc biểu tình Mường Nhé năm 2011.

hmong1

Một khu dân cư thuộc Dự án hỗ trợ nhà ở xã hội do Bộ Công an Việt Nam thực hiện tại huyện Mường Nhé sau 2011 - Ban Dân vận Trung ương

1. Ngăn chặn cuộc biểu tình Mường Nhé không thành

RFA : Mục sư đến Mỹ năm 2008. Ở Mỹ, Mục sư làm gì để giúp cộng đồng Mông Tin Lành ở Việt Nam ?

Vàng Chí Mình : Năm 2010, tôi nghe tin người Mông Tin Lành ở Việt Nam muốn biểu tình để đòi đất đai đã bị tịch thu. Nghe tin đó, tôi rất là buồn. Bởi vì tôi biết bà con mà biểu tình thì sẽ bị bắt đi tù. Tôi tìm cách gọi điện thoại cho những người Mông ở Việt Nam thuyết phục họ đừng biểu tình nữa. Nhưng những người Mông ở Việt Nam không đồng ý. Họ nói : Chúng tôi đã bị tịch thu đất rất nhiều, không có gì để sống nữa, không còn cách nào khác phải biểu tình thôi. 

Đến năm 2011, tôi thấy cuộc biểu tình sắp sửa xảy ra, tôi tìm cách bay về Việt Nam thuyết phục những người tổ chức biểu tình không làm việc đó. Lúc đó tôi không biết mình có được nhập cảnh Việt Nam không. Tôi mời những người Mông Tin Lành Việt Nam muốn tổ chức biểu tình đến Côn Minh, Trung Quốc gặp tôi. Tôi thuyết phục họ : 

"Các anh không được làm như thế. Nếu các anh biểu tình như thế, Nhà nước Việt Nam sẽ quy cho các anh tội "chống phá Nhà nước". Các anh sẽ bị bắt đi tù. Ngoài ra các anh còn làm ảnh hưởng đến niềm tin tôn giáo của cộng đồng Mông Tin Lành chúng ta. Bởi vì đa số những người muốn biểu tình đều là người Mông Tin Lành". 

Nhưng những người Mông Tin Lành đó không chịu tôi. Họ nói : "Bây giờ anh đã đi xa rồi. Anh đã thoát khỏi sự đàn áp rồi. Còn chúng tôi bị đàn áp mười mấy năm rồi, còn phải chịu đựng thêm bao nhiêu năm nữa ?"

Thế rồi chúng tôi cãi nhau. Cãi nhau mãi, không đồng ý được với nhau nên cuối cùng tôi bay về Hoa Kỳ còn họ trở lại Việt Nam để chuẩn bị biểu tình. Hai tuần sau thì cuộc biểu tình xảy ra. Đó là cuộc biểu tình ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên năm 2011. Nhà nước bắt những người tổ chức biểu tình. 

2. Bản chất của cuộc biểu tình Mường Nhé 

RFA : Báo Nhân dân của Nhà nước nói người Mông biểu tình ở Mường Nhé là do họ nhẹ dạ, cả tin, nghe lời một số đối tượng muốn thành lập "quốc gia riêng" cho người Mông. Truyền thông nhà nước nói bà con tập trung ở Mường Nhé vì kẻ xấu tuyên tuyền là có "Vua Mông" sẽ xuất hiện ? Xin mục sư cho biết có đúng như vậy không ?

Vàng Chí Mình : Tôi không thấy Nhà nước đưa ra bằng chứng nào cho thấy người Mông Tin Lành chúng tôi muốn "lập quốc gia" riêng hết. Nhà nước chỉ nói vậy thôi mà không đưa ra được bằng chứng nào. 

Còn tôi thì tôi biết rõ lý do người Mông Tin Lành biểu tình ở Mường Nhé năm 2011. Năm 1995, người Mông Tin Lành chúng tôi bị tịch thu hộ khẩu, chứng minh thư rồi đuổi khỏi bản làng. Chúng tôi phải chạy sang các tỉnh khác như Điện Biên ở Tây Bắc, Lâm Đồng ở Tây Nguyên, miền núi Nghệ An. 

Những người biểu tình ở Mường Nhé năm 2011 chỉ muốn đòi lại hộ khẩu, muốn có chứng minh thư và đòi lại đất đai đã mất. Bởi vì sau khi bị trục xuất khỏi quê nhà, chúng tôi phải phá rừng làm rẫy kiếm gạo ăn ở nơi lánh nạn mới. Nhưng không có giấy tờ gì nên họ không mua được cái gì chính thức cả. Không mua được xe máy, không mua được đất, và đất mình khai phá làm rẫy cũng không có giấy tờ gì. Nhà cửa, ruộng nương mình làm trong rừng cũng không có giấy tờ gì cả. 

Ở Tây Nguyên và Điện Biên, nhiều người trong số chúng tôi mua đất đai của người địa phương nhưng không có giấy tờ chính thức vì chúng tôi không có hộ khẩu, chứng minh thư để làm giấy tờ. Chính quyền địa phương sau đó thu hồi những mảnh đất đó vì đó là đất đai không có giấy tờ hợp lệ. Những người bị thu hồi đất như vậy vì không còn gì để kiếm gạo ăn nên họ mới biểu tình ở Mường Nhé để đòi lại. 

RFA : Truyền thông nhà nước nói bà con người Mông ở Tây Nguyên và Điện Biên có tập quán du canh du cư, phá rừng làm rẫy. Có đúng không ? Báo Công an Nhân dân của Nhà nước cũng cho biết chính quyền địa phương ở Lâm Đồng phải giải quyết vấn đề du canh du cư của người dân tộc thiểu số, trong đó có người Mông.

Vàng Chí Mình : Người Mông không phải là dân tộc du canh du cư. Trước khi bị đuổi khỏi bản làng ở miền núi phía Bắc thì người Mông Tin Lành chúng tôi có bản làng riêng trên núi cao, có nương rẫy để sống.

Trước năm 1995 là năm chúng tôi bị đuổi khỏi quê hương thì không có cộng đồng người Mông Tin Lành nào ở Tây Nguyên và Điện Biên hết. Chúng tôi bị đuổi khỏi bản làng nên mới chạy đến các tỉnh đó. Lúc tôi chạy từ Hà Giang sang Điện Biên, có khoảng 250 hộ gia đình đi theo tôi. 

RFA : Tại sao khi biểu tình năm 2011, họ lại tập trung ở Mường Nhé tỉnh Điện Biên ? Tại sao có người Mông Tin Lành ở Lâm Đồng cũng đến Mường Nhé tham gia biểu tình mà không biểu tình tại địa phương ? Năm ngoái, một chuyên gia cao cấp của nhà nước cũng nói họ tập trung ở Mường Nhé vì nghe lời tuyên truyền là sẽ có "vua Mông" xuất hiện ở đó.

Vàng Chí Mình : Họ tập trung ở huyện Mường Nhé vì chỗ đó giáp với cả Lào và Trung Quốc. Những người biểu tình sợ bị đàn áp nên họ chọn một nơi có thể chạy được sang Lào hoặc Trung Quốc khi bị đàn áp. Có những người Mông Tin Lành ở tận trong Lâm Đồng đến Mường Nhé, Điện Biên biểu tình là vì vậy. Tôi đã cố gắng ngăn họ biểu tình nhưng không được. 

RFA : Đài RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư Vàng Chí Mình dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo, Mục sư Vàng Chí Mình kể lại những nỗ lực khuyên giải đồng bào mình không được liên quan đến chính trị, đồng thời đấu tranh với quốc tế xin giúp đỡ để người Mông Tin Lành bị trục xuất khỏi quê quán năm 1995 lấy lại quyền công dân cơ bản là có hộ khẩu và chứng minh thư. 

--------------------------------

Phần 6

Giúp đỡ cộng đồng Mông Tin Lành từ nước ngoài

Ở phần 5 của cuộc phỏng vấn này, Mục sư Vàng Chí Mình kể cho chúng ta về cuộc biểu tình ở Mường Nhé năm 2011 của người Mông Tin Lành. Theo Mục sư kể lại, một số người Mông Tin Lành tụ tập về Mường Nhé năm 2011 vì họ là những người đã bị tịch thu đất đai ở địa phương mới. Sau khi chạy sang các tỉnh khác năm 1995, họ khai phá đất đai làm rẫy kiếm sống trong rừng nhưng đất mới không có giấy tờ hợp pháp vì họ đã bị tịch thu cả chứng minh thư, hộ khẩu. Một số người bị chính quyền địa phương tịch thu đất đai vì không hợp pháp. Mục đích của họ chỉ là đòi có giấy tờ hợp pháp và đòi lại đất, không phải là đòi đất cho riêng người Mông để "lập quốc". Ở phần này, Mục sư Vàng Chí Mình kể lại những nỗ lực đấu tranh để đòi lại giấy tờ hợp pháp cho những người Mông Tin Lành.

hmong2

Người dân Tiểu khu 179 nhận quà từ chính quyền địa phương, tháng 5 năm 2022 (Ảnh : UBND Tỉnh Lâm Đồng) - UBND Tỉnh Lâm Đồng

1. Nỗ lực khuyên người Mông Tin Lành tránh xa chính trị 

RFA : Sau vụ biểu tình Mường Nhé 2011, Mục sư đã làm gì để giúp cộng đồng ?

Vàng Chí Mình : Lúc đó tôi rất buồn. Tôi cũng như cộng đồng người Mông Tin Lành Việt Nam, tất cả từng bị đuổi khỏi bản làng gần 20 năm trước đó, chạy vào rừng sâu ở Điện Biên, Tây Nguyên để lánh nạn. Nhưng đến lúc đó thì tôi đã được đến Mỹ 3 năm rồi, được học tiếng Anh, có cơ hội kiếm sống, còn đồng bào tôi trong nước thì vẫn chịu khổ nạn trong rừng sâu, phá rừng làm rẫy kiếm gạo ăn cũng không yên. Những người Mông Tin Lành chạy vào Tây Nguyên cũng vậy. Họ phải phá rừng làm nương rẫy nên thỉnh thoảng lại bị tịch thu. Hộ khẩu, chứng minh thư không có nên mua xe máy, mua đất làm rẫy cũng không được. Sau khi họ biểu tình ở Mường Nhé thì còn bị đàn áp mạnh hơn. Sau vụ đó một số nhóm người Mông Tin Lành ở Tây Nguyên cũng phải chạy sang bên Lào, lại vào rừng làm rẫy để kiếm cái ăn. 

Tôi thấy mình không thể ngồi yên được. Sáu tháng sau vụ biểu tình Mường Nhé, tôi quay lại Việt Nam. Tôi đi khắp các cộng đồng thiểu số ở phía Bắc, rồi vào miền Nam gặp cộng đồng ở Tây Nguyên. Tôi đi 2 tháng, một tháng khảo sát ở phía Bắc, một tháng khảo sát ở Tây Nguyên. Mục đích của tôi là khảo sát đời sống của họ khi đó, để tìm xem có hướng nào để giúp họ. 

Sau đó tôi trở lại Hoa Kỳ, đi gặp các hội thánh Tin Lành của người Mông Hoa Kỳ, từ bang Minnesota đến California để trình bày cho họ những điều tai nghe mắt thấy. Tôi đi chia sẻ liên tục như vậy suốt 3 tháng. Nhưng họ không biết làm cách nào giúp đỡ chúng tôi. Sau đó, tôi liên tục trở về nước để huấn luyện các mục sư lãnh đạo hội thánh của người Mông Tin Lành.

RFA : Mục sư huấn luyện cho lãnh đạo các hội thánh đó những vấn đề gì ?

Vàng Chí Mình : Từ năm 2012 đến 2015 tôi trở lại Việt Nam mỗi năm hai lần, mỗi lần khoảng một tháng. Tôi gặp các lãnh đạo của các hội thánh người Mông Tin Lành trong nước, từ phía Bắc đến Tây Nguyên. Tôi huấn luyện cho họ những gì mình làm được, những gì mình không được làm. 

"Không được động vào chính trị". Đó là điều tôi huấn luyện họ nhiều nhất. Tôi huấn luyện họ rằng Tin Lành chỉ là một đức tin thôi, không liên quan đến chính trị và các chuyện khác. 

Tôi khuyên họ là mình chỉ nên tập trung hoàn toàn vào Kinh Thánh thôi. Tôi rất sợ người Mông Tin Lành Việt Nam rơi vào chính trị. Nếu mình liên quan đến chính trị, Nhà nước Việt Nam có thể quy vào tội "chống phá Nhà nước".

RFA : Mục sư lấy kinh phí ở đâu để đi lại ? Nhà nước Việt Nam có lẽ cũng biết Mục sư đi lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thường xuyên ?

Vàng Chí Mình : Đến tháng 6 năm 2015 thì Công an Việt Nam bắt tôi ở Sapa, đưa về Hà Nội thẩm vấn 3 ngày. Họ thấy tôi nhập cảnh vào Việt Nam nhiều lần nên bắt tôi để hỏi. 

Ở Mỹ tôi có một business (việc kinh doanh) riêng, chuyên tour đưa khách du lịch Mỹ đi Châu Á. Đó là business của tôi, đăng ký ở bang Minnesota. Tôi giải thích với Công an Việt Nam là mình có một công ty du lịch như thế và mình cần về Việt Nam khảo sát để bán tour du lịch cho khách Mỹ. Công an thấy tôi cũng có cái business hợp pháp như thế ở Mỹ thật nên họ thả tôi. 

Tôi lập cái business đó năm 2012, chuyên tour đưa du khách người Mỹ gốc Mông, gốc Dao về quê cũ đi du lịch. Ba nước khách đi nhiều nhất là Trung Quốc, Việt Nam và Lào. 

Năm 2017 tôi không còn làm business này nữa. Các đoàn khách người Mông của tôi khi vào Việt Nam thì luôn có người đi theo giám sát. Thỉnh thoảng công an hỏi passport (hộ chiếu) trong khi passport thì khách sạn nó giữ lại. Có những đoàn du khách người Mông cứ bị đi theo mãi, sau khi thăm Điện Biên thì họ sợ quá, họ không dám đi thăm Hà Nội theo lịch trình nữa mà chạy sang Lào để về Mỹ luôn. 

2. Nhờ quốc tế giúp đỡ, đòi lại giấy tờ hợp pháp 

RFA : Sau đó Mục sư không về Việt Nam nữa. Mục sư đã làm những gì tiếp theo ? Tại sao Mục sư tập trung vào vấn đề người Mông Tin Lành bị tịch thu hộ khẩu, chứng minh nhân dân ?

Vàng Chí Mình : Tôi làm truyền thông. Từ 2012 đến 2015, sau khi khảo sát đời sống người Mông Tin Lành ở Tây Nguyên và phía Bắc Việt Nam, tôi thấy mình phải lên tiếng công khai với quốc tế. Có hai lý do :

Một là dân Tin Lành người Mông ở Điện Biên, Tây Nguyên lúc đó vẫn không có hộ tịch, chứng minh thư… sau khi bị tịch thu lúc bị đuổi khỏi bàn làng khoảng 20 năm trước. Nếu mình cứ im lặng, dân mình không hiểu quyền của họ là phải có được những giấy tờ hợp pháp đó.

Ngoài những quyền cơ bản của người dân, người Mông Tin Lành còn phải làm nhiều thứ để phát triển nữa. Nhưng muốn làm gì thì làm, đầu tiên phải có được quyền cơ bản là công dân hợp pháp của Việt Nam.

Thứ hai, nếu mình cứ im lặng thì Nhà nước Việt Nam không thay đổi gì cả. Cho đến lúc đó là đã hai chục năm cố gắng thuyết phục chính quyền nhưng không được rồi. 

Tôi làm một kênh truyền thông trên Youtube là Hmong United for Justice để chia sẻ với cộng đồng người Mông Tin Lành Việt Nam. Kênh truyền thông cũng có một chút tiếng Việt để Nhà nước Việt Nam hiểu. 

RFA : Mục sư tìm cách giải quyết vấn đề này thế nào ?

Vàng Chí Mình : Khi khảo sát ở Việt Nam từ 2012 đến 2015, tôi thu thập được khoảng mười ngàn tờ Giấy Khai sinh của các cháu bé người Mông ở Tây Nguyên, Điện Biên và các nơi khác. Các tờ Giấy Khai Sinh đó ghi các cháu là "Con ngoài giá thú".

Các con bị ghi vào Giấy Khai sinh là "Con ngoài giá thú" vì bố mẹ khi bị đuổi khỏi quê nhà năm 1995 đã bị tịch thu hộ khẩu, chứng minh thư, nên không còn là công dân nữa. Chúng tôi chạy vào rừng ở Tây Nguyên hay Điện Biên phá rừng làm rẫy sống thì đến 2015 là 20 năm rồi. Bao nhiêu đứa trẻ đã sinh ra trong thời gian đó. 

Giấy Khai sinh "Con ngoài giá thú" làm tôi đau đớn. Các con sinh ra bị chính quyền ghi vào Giấy Khai sinh "Con ngoài giá thú" vì có bố có mẹ nhưng bố mẹ không có hộ tịch, chứng minh thư, thì con cũng vậy, chỉ được xem như là đứa trẻ sinh ra trong rừng vậy thôi. Điều đó làm lòng tôi đau. 

Tôi quyết định nhờ quốc tế giúp đỡ. Năm 2012 tôi đã nhờ cộng đồng người Mông Tin Lành ở Hoa Kỳ giúp nhưng không ai biết giúp thế nào. Từ 2012 đến 2015 thì tôi về Việt Nam nhiều lần để khảo sát đời sống đồng bào mình và kiên trì khuyên họ không được can hệ tới chính trị. 

Sau đó tôi tìm hiểu xem người Kinh ở nước ngoài đấu tranh như thế nào. Tôi tìm gặp TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc BPSOS, một tổ chức cứu giúp người tị nạn từ Việt Nam và khắp Châu Á. Ban đầu anh Thắng cũng không quan tâm lắm nhưng giúp tôi tiếp cận giới chức Hoa Kỳ. 

Từ đó, tôi trình bày những khổ nạn của người Mông Tin Lành cho giới chức Mỹ. Đầu tiên, tôi trình bày cho bà Thượng nghị sĩ đại diện cho bang Minnesota nơi tôi ở. Sau đó tôi trình bày cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. 

RFA : Bộ Ngoại giao Mỹ có giúp gì không ?

Vàng Chí Mình : Tôi in những tờ Giấy Khai sinh đó ra và đưa cho đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ xem, họ đã khóc mà nước mắt rơi trên đó. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cũng nói với tôi : "Tôi tin anh sẽ thành công, sẽ giúp được các con. Tôi cũng sẽ giúp anh". Rồi anh Thắng hướng dẫn tôi làm trang tin "Đề án dân quyền Việt Nam" để đấu tranh cho những người Mông Tin Lành bị mất quyền công dân ngay trên đất nước mình. Tôi bắt đầu đấu tranh công khai như thế từ 2016 đến nay là 6 năm rồi. 

RFA : Mục sư đấu tranh như thế nào ? Kết quả ra sao ? Hiện nay tình trạng giấy tờ của đồng bào thế nào ?

Mục sư Vàng Chí Mình : Ở Tây Nguyên, mấy năm trước chính quyền địa phương có làm đường vào chỗ đồng bào Mông Tin Lành tị nạn trong rừng sâu. Họ quản lý cộng đồng Mông Tin Lành tị nạn trong rừng bằng cách chia thành các tiểu khu. Khi đấu tranh với quốc tế, chúng tôi không thể đấu tranh chung chung mà chọn ra trước một hai tiểu khu làm mẫu. Cái bản chúng tôi chọn là Tiểu khu 179. 

Năm 2018 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc kiểm điểm nhân quyền Việt Nam. (RFA chú thích : Đó là cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát - tiếng Anh : Universal Periodic Review của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Việt Nam kiểm điểm chính thức vào tháng 1 năm 2019, các hoạt động chuẩn bị được tiến hành từ 2018). Tôi đã tham gia trình bày về vấn đề người Mông Tin Lành không hộ khẩu, không chứng minh thư ở Việt Nam trước mặt đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam. 

Chính phủ Việt Nam lúc đó mới nắm được vấn đề. Sau đó thì lần lượt nhiều bản làng người Mông Tin Lành ở Tây Nguyên được cấp giấy tờ hợp pháp. Chính quyền địa phương đã công nhận họ là người của địa phương. Năm ngoái, những người cuối cùng ở Tiểu khu 179 đã được cấp giấy chứng minh thư rồi. Tôi tin là trong vòng hai ba năm nữa, chính quyền sẽ cấp giấy tờ hợp pháp cho những bản làng còn lại. Họ không thể làm nhanh nhưng rồi sẽ xong thôi. 

RFA : Đài RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư Vàng Chí Mình dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Tháng 3 năm 2017, Đài VTV đưa tin Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Đồng làm việc tại Tiểu khu 179 và công bố sẽ đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu như điện, đường giao thông, trường học, cơ sở y tế cho Tiểu khu 179. Tháng 5 năm 2017, Báo ảnh Dân tộc Miền núi (Thông tấn xã Việt Nam) có đưa tin về những nỗ lực của chính quyền địa phương hỗ trợ người dân Tiểu khu 179 về xã hội, giáo dục, y tế. Tháng 5 năm 2022, UBND Tỉnh Lâm Đồng đưa tin về một số hoạt động hỗ trợ văn hóa, xã hội của chính quyền địa phương cho người dân ở đây.

Ở phần tiếp theo (phần cuối), Mục sư Vàng Chí Mình muốn gửi đến Nhà nước Việt Nam những thông điệp của mình. 

--------------------------------

Phần 7

Hướng đến tương lai

Ở sáu phần trước, Mục sư Vàng Chí Mình đã thuật lại lịch sử hơn 30 năm người Mông theo đạo Tin Lành (1989 đến nay). Kết thúc cuộc phỏng vấn này, Mục sư Vàng Chí Mình muốn gửi đến Nhà nước Việt Nam những thông điệp hướng tới tương lai. 

hmong3

Chiếc lều dựng tạm của 3 gia đình người Mông ở huyện Tuần Giáo, Điện Biên bị chính quyền địa phương đuổi khỏi bản năm 2017 vì theo Tin Lành (Theo thông tin từ Hmong United for Justices) - Hmong United for Justices

1. Kiên trì đối thoại với Nhà nước 

RFA : Mục sư đã rất nỗ lực trình bày cho các cấp chính quyền ở Việt Nam hiểu, từ cấp công an huyện, tỉnh, chủ tịch tỉnh đến tận cấp trung ương nhưng không có kết quả ? Từ 1993 khi giải thích cho công an Hà Giang đến nay đã 30 năm rồi. Mục sư vẫn kiên trì chứ ?

Vàng Chí Mình : Vẫn kiên trì. Tháng 6 vừa rồi, tôi đi dự Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế ở DC. Tôi muốn nhân dịp đó đi tìm gặp Đại sứ quán Việt Nam ở DC. Tôi đi kiếm mấy địa chỉ đều không gặp được ai. 

Nhưng sau Hội nghị Thưởng đỉnh đó thì phía Đại Sứ quán có một vị tên là Cường gọi điện cho tôi, nói là muốn làm việc với một người Mông Việt Nam. Tôi nói "Anh Cường ơi, tôi rất vui vì các anh cần một người Mông Việt Nam. Tôi muốn trình bày một số vấn đề về người Mông Tin Lành ở Việt Nam để anh suy nghĩ rồi chúng ta nói chuyện khi gặp nhau". Ông Cường nói "Anh Mình ơi anh đừng lo lắng về vấn đề tôn giáo, tôn giáo ở Việt Nam bây giờ thoải mái lắm". Tôi trả lời là "Vâng đúng là tôn giáo ở Việt Nam bây giờ thoải mái rồi, nhưng tôi xin gửi cho anh mấy thông tin có những người Mông Tin Lành ở Nghệ An hiện nay bị địa phương họ đuổi khỏi bản làng vì theo Tin Lành để anh xem trước rồi chúng ta nói chuyện với nhau". Nhưng ông Cường xem tin tức tôi gửi thì chỉ trả lời một câu "Sao mà lạ thế nhờ", rồi từ đó mất liên lạc (Cười.)

Trong ước mơ của tôi, hi vọng của tôi, tôi mong muốn có một ngày nào đó, tôi gặp được Chính phủ Việt Nam hoặc là Đại Sứ quán Việt Nam, để trình bày cho Nhà nước Việt Nam hiểu dân tộc thiểu số chúng tôi cần cái gì, lý do chúng tôi bị tù, bị khổ lâu như vậy nhưng chúng tôi vẫn không chịu bỏ đạo. 

Tôi muốn đất nước Việt Nam càng ngày càng tự do, không chỉ cho người Mông mà cho cả người Kinh, cho cả Việt Nam. Làm người ai cũng có đức tin, tin vào tôn giáo nào là tùy người nhưng đức tin thì ai cũng có. Chính phủ không nên động chạm vào đức tin. 

Từ 2016, tôi đã trình bày bằng cả tiếng Mông và tiếng Việt về tên gọi "Vàng Chứ" mà chính quyền hay sử dụng để đàn áp chúng tôi. Thực ra tôi thấy họ cũng đã giảm, không còn nói nhiều chuyện "Vàng Chứ" với "Vàng Pao" như trước. Nhưng tôi biết một số chính quyền địa phương vẫn dùng cái đó để dọa những người theo đạo Tin Lành mới, chủ yếu là những người ở trên núi cao, vùng xa. 

RFA : Còn người Mông Tin Lành ở vùng gần hơn, đã được cho phép sinh hoạt tôn giáo thì sao ? Họ còn bị nói là "Vàng Chứ" là đạo của "Vàng Pao" không ?

Vàng Chí Mình : Ở những vùng đó, bây giờ nếu công an nói chúng tôi thờ "Vàng Chứ" là theo "Vàng Pao" thì chúng tôi nói lại ngay. Người dân cũng cố gắng chỉ dạy cho công an hiểu về tôn giáo của mình. Ở những vùng đã được sinh hoạt tôn giáo chính thức, có nhà nguyện rồi thì công an địa phương không còn đem "Vàng Chứ" với "Vàng Pao" để dọa nữa. 

Nhưng với những người mới theo đạo ở vùng xa, các Mục sư ở đó còn yếu, không được đi học ở bên ngoài, chưa được đi Hà Nội bao giờ thì họ không biết nhiều. Ở một số địa phương như thế, công an địa phương vẫn dùng "Vàng Chứ", "Vàng Pao" để dọa. 

2. Tiếng nói gửi đến Nhà nước Việt Nam

RFA : Trang truyền thông tiếng Mông của Mục sư tập trung vào những vấn đề gì ?

Vàng Chí Mình : Tôi cố gắng giải thích cho cộng đồng người Mông Tin Lành hiểu luật pháp Việt Nam. Mình ở trong một chế độ cộng sản, không phải thích làm gì cũng được. Mình phải biết cái gì làm được, cái gì không được làm. Mình phải theo đúng luật pháp. Mình phải tôn trọng Chính phủ. 

Cái gì Chính phủ làm đúng thì chúng tôi ủng hộ. Cái gì Chính phủ làm không đúng thì chúng tôi phải phê phán để Chính phủ thay đổi cái chuyện đó.

RFA : Nhà nước Việt Nam có xem trang truyền thông của Mục sư không ? Ngoài việc nói với cộng đồng Mông Tin Lành của mình, Mục sư có muốn nói gì với Nhà nước Việt Nam không ? 

Vàng Chí Mình : Như ông Cường ở Đại Sứ quán mà mới gọi tôi mấy tháng trước đó, ông ấy cũng vào xem trang tin của tôi. Lúc gọi tôi, ông ấy nói "Anh Mình ơi, tôi thấy anh có một trang Hmong United for Justice phải không ?" tức là ông ấy có xem (Cười). 

Tôi cũng dự định sau này sẽ tăng cường trang tiếng Việt để cho Chính phủ Việt Nam họ hiểu mà người Mông cũng hiểu. Tôi muốn người dân Mông Tin Lành hiểu quyền của mình và Chính phủ Việt Nam có tấm lòng yêu dân của họ.

Về chuyện người Mông Tin Lành bị tước bỏ hộ tịch, chứng minh thư, tức là mất căn cước quốc gia ngay trên đất nước mình thì tôi tin là Chính phủ Việt Nam rồi đây sẽ giải quyết hết được. Họ cần thời gian, làm từ từ sẽ xong. Cho đến khi nào chưa xong thì chúng tôi còn tiếp tục nói. 

Về chuyện đất đai của người thiểu số nói chung, tôi muốn Nhà nước hiểu tập quán của họ. Đa số người thiểu số, người Mông, người Nùng, người Tày, người Dao… đều là người thiểu số trên núi cao. Họ ở đó từ xa xưa, đất đai do ông bà truyền lại lâu đời, không có sổ đỏ cho đất theo như quy định của Nhà nước. Họ chỉ biết đám ruộng nào là của họ, do ông bà truyền lại. Khi chính quyền địa phương vận động họ làm sổ đỏ thì họ không làm vì không biết luật Việt Nam thế nào. Ruộng đó của chúng tôi do ông bà truyền lại mà, tại sao phải có sổ. Nhưng khi chính quyền kiểm tra, thấy không có sổ đỏ thì lại tịch thu mỗi có chuyện. Nhiều người bị mất ruộng, vườn, nhiều gia đình không làm giấy tờ nhà thì còn bị phạt nữa. Tôi thấy nhà nước ít tuyên truyền về luật Việt Nam cho họ.

Là một con người trên thế gian này mà mất mảnh đất mình làm ăn thì không thể sống được. Tôi mong muốn Nhà nước Việt Nam tuyên truyền đúng và đầy đủ về Luật Việt Nam cho các địa phương và cộng đồng thiểu số. 

Khi chính quyền làm không đúng thì chính quyền chịu, còn khi dân làm không đúng thì dân chịu. Nhưng bước đầu tiên là cả hai bên đều phải cùng hiểu và làm đúng theo luật. Việc cả hai bên không hiểu luật, không làm đúng theo luật đã khiến cho rất nhiều vấn đề đau đớn xảy ra.

3. Tự do tôn giáo : đã tiến bộ hơn trước 

RFA : Còn vấn đề tôn giáo thì sao ? Người Mông theo Tin Lành hiện nay còn bị cấm đoán và trục xuất khỏi bản làng như 30 năm trước nữa không ?

Vàng Chí Mình : Chính quyền các địa phương đã thay đổi rất nhiều, dù nhiều nơi vẫn còn cấm đoán. Nhà nước Việt Nam đồng ý cho cộng đồng Mông Tin Lành ở phía Bắc được sinh hoạt tôn giáo. Họ không cho chúng tôi gọi là nhà thờ mà là nhà nguyện, Điểm sinh hoạt tôn giáo. Từ 2010 đến giờ thì Nhà nước Việt Nam cho phép các nhà nguyện, Điểm sinh hoạt tôn giáo được hoạt động. 

RFA : Năm 2011 mới có biểu tình ở Mường Nhé nhưng năm 2010 các nhà nguyện, Điểm sinh hoạt tôn giáo đã được hoạt động rồi ?

Vàng Chí Mình : Đúng rồi. Năm 2007, quốc tế can thiệp mạnh với Việt Nam về tự do tôn giáo nên từ 2010 thì các nhà nguyện của người Mông Tin Lành không còn bị phá nữa mà được đặt tên là "Điểm sinh hoạt tôn giáo". Năm 2006 và 2007, khi tị nạn ở Thái Lan, tôi cũng lên tiếng nhiều vì các tổ chức quốc tế đến Thái Lan gặp tôi hỏi rất nhiều. 

Sau cuộc biểu tình Mường Nhé năm 2011 để đòi lại đất đai bị tịch thu, đòi hộ khẩu, chứng minh thư thì Nhà nước nghĩ người ta biểu tình để đòi "lập quốc" cho người Mông. Khi đó các Mục sư phải nộp bài giảng hàng tuần cho công an kiểm tra. 

Tôi mong Nhà nước Việt Nam hội nhập với thế giới văn minh, hiểu đúng và tuyên truyền đúng về người Mông Tin Lành, làm theo đúng luật do mình đặt ra để không còn xung đột, nghị kỵ lẫn nhau. 

RFA : RFA xin trân trọng cảm ơn Mục sư đã giành cho độc giả chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 05/10/2022

Additional Info

  • Author Vàng Chí Mình, RFA tiếng Việt
Published in Tư liệu

Chính quyền Việt Nam hình sự hóa hoạt động của các tổ chức Tin Lành ở Tây Nguyên để xóa sổ

Thanh Trúc, RFA, 29/09/2021

"Sau Tin Lành Đ Ga li xut hin t chc phn đng đi lt tôn giáo Tây Nguyên" là tabn tin thuc mng chính tr trên báo mng VoV.vn ngày 22/9.

tinlanh1

Một người Thượng đang cầu nguyện tại một cánh rừng ở Campuchia hôm 22/7/2004 sau khi chạy trốn khỏi Việt Nam - Reuters

Bài viết m đu bng quan đim quenthuc ca Nhà Nước Vit Nam rng : "Chiêu bài li dng tôn giáo rt nguy him bi vì thông qua các hi thánh, các sinh hot tôn giáo, đi tượng lôi kéo, tp trung tín đ, lng ghép tư tưởng hp hòi, ly khai t tr".

Đi tượng được nói ti đây là Hi Thánh Tin Lành Đng Christ. Hi Thánh này b cáo buc li dng vn đ dân tc, tôn giáo đ kích đng tư tưởng dân tc hp hòi, dân tc cc đoan, ly khai.

Tin nói, chiêu bài này không mi và đã tht bi t nhng năm2001, 2004, 2008vi "Nhà nước Đê Ga đc lp". Bài viết nhn đnh, thi gian gn đây thì các đi tượng FULRO lưu vong li tiếp tc dng lên các t chc phn đng đi lt tôn giáo dưới các tên gi khác nhau như "Giáo hi Tin lành đng Christ Vit Nam", "Giáo hi Tin lành đng Christ Tây Nguyên".

Theo truyn thông Nhà nước, t tháng 6/2017 đến đu 2018, lc lượng Công an các tnh Tây Nguyên đã trin khai chiến dch gi là "cuc đu tranh quyết lit vi t chc phn đng đi lt tôn giáo" như thế. Công an tnh Đk Lk báo cáo rng h đã bóc g hơn 30 đi tượng ct cán trong chiến dch.

Mc sư Aha, người dân tc Hlăng, mt trong ba người được nhc tên trong bài báo ca VoV.vn, vì đu tranh t do tôn giáo phi chy sang Thái Lan t năm 2013, qua M t nn năm 2017, cho RFA biết :

"Tin lành Đê Ga cũng như Hi Thánh Tin lành đng Christ, cũng ging các h phái khác nhưng chính quyn thì không mun có hai hi thánh này ti Tây Nguyên.Nhà nước không th quên được cái thi FULRO, cũng không th quên cuc tranh đu năm 2001 h gi là chng phá chính quyn.

Tht ra chúng tôi không chng phá mà ch mun th phượng Chúa, đó là ước nguyn ca dân tc Tây Nguyên. Năm 2017 chính quyn nói là dp tan Hi Thánh Tin lành đng Christ Vit Nam, còn móc thêm Hi Thánh Tin lành đng Christ Tây Nguyên mà h nói tt c là mt thôi. Báo Công An Đà Nng và Công An Đk Lk tung tin sut thi gian này, bao nhiêu video bao nhiêu bài báo là vu cáo Hi Thánh ca chúng tôi nc dù chúng tôi không liên quan cũng không biết vn đ Đê Ga, FULRO hay t tr là gì. Chúng tôi là nhng người ch mun th phượng Chúa và mun t do tôn giáo cho người Tây Nguyên mà thôi". 

tinlanh2

Nhng người Thượng Tây Nguyên đi ra t mt cánh rng mà h đã ln trn Campuchia năm 2004. Reuters

Người th hai, mc sư Yhin Niê, người dân tc Ê Đê, qua M t năm 1992 và hin đang là hi trưởng Hi thánh Tin lành Đng Christ ti North Carolina, Hoa K, cho biết :

"Hi Thánh Tin lành Đng Christ bt ngun t Hoa K, đến Vit Nam và đến Đk Lăk t năm 1934, mc đích rao ging truyn bá Tin Lành.

Đến 1975, Hi Thánh Tin lành Đng Christ không được tn ti, các tôn giáo b xóa b. Tôi lưu vong vào rng sng gn biên gii Campuchia trong 17 năm. Đến năm 1992 tôi đến Hoa K vi mc đích đi tìm t do tôn giáo và tt c nhng gì trước 1975 là tôn giáo chính ca người dân tc".

Có th vì chy vào rng và sng trong đó 17 năm trước khi qua M, nên chính quyn cho là ông đi theo FULRO. Nhưng nếu vì đó mà gán ghép Hi Thánh Tin Lành Đng Christ vào vi FULRO là c s h đ, mc sư Yhin Niê nói tiếp :

"Bn thân Hi Thánh Tin lành Đng Christ không có cơ hi hot đng. Đó là lý do tôi trong rng 17 năm. Hi Thánh Tin lành đng Christ không h có lp trường như s tuyên truyn ca cng sn, là li dng tôn giáo đ mà chng Chính ph, đ mà lt đ Chính ph. Chính tôiti Hoa K không h làm điu đó, cũng chưa thy anh em nào ca tôi có làm điu đó".

Người th ba đang Vit Nam, mc sư Yjôl Bkrông, b cáo buc ti gi tài liu ra ngoài đ xuyên tc tình hình t do tôn giáo Tây Nguyên min Trung, nói rng nhng li buc ti như vyluôn khiến các nhóm Tin Lành ca người Thượng lo âu s st vì biết không ch b cm nhóm hp cu nguyn mà còn có th b bt, b đánh, b buc b đo hay lãnh án tù nhiu năm.

Đi vi mc sư Nguyn Công Chính, hot đng truyn giáo trong các nhóm Tin Lành Tây Nguyên, b theo dõi, bt gi vi bn án 11 năm tù, sang M năm 2017 do b trc xut khi nước, thì Tin Lành nói chung và Tin Lành Đê Ga hay Hi Thánh Tin lành đng Christ đu là nhng danh xưng nhy cm, đc bit nếu có liên quan đến người Tây Nguyên :

"Tt c nhng hi thành này đu thành lp không có xin phép. Vit Nam có tt c 54 dân tc vi văn hóa, tiếng nói và ngôn ng khác nhau, chúng tôi bu ra mt ban đi din đ lo vic Chúa cho các dân tc đó. Cùng ngôn ng và văn hóa vùng min thì công vic truyn giáo sthun li hơn, các Hi Thánh đa phương đng bào dân tc phát trin mnh.

Chính quyn s rng tôn giáo người dân tc phát trin thì h s mt quyn nh hưởng nên h luôn có kế hoch b ráp, ngăn cm, đàn áp.

Hi Thánh Tin lành đng Christ hoàn toàn không phi mt t chc chính tr, không phi là FULRO lưu vong. Ly mc sư Yhin Niê ra mà chp mũ cho c Hi Thánh Tin lành đng Christ là hoàn toàn sai, hình s hóa tôn giáo như vy là không đúng. Phn đng, kích đng dân tc hay li dng tôn giáo là nhng câu t mà Hà Ni thường dùng đ chp mũ nhng t chc tôn giáo không chp nhn s kim soát ca h".

Thc tế cuc sng ca hu hết người dân tc Tây Nguyên còn khó khăn, miếng ăn hàng ngày còn vt v thì ly đâu ra mà đi chng phá Nhà Nước, là li anh Nay Pht, người dân tc Jrai, chy qua Thái Lan vì b công an buc chi đo :

"Chính ph Vit Nam nói Tin Lành Montagnards, Tin Lành Đ Ga đó, và Hi Thánh Tin lành đng Christ ch mun chng phá Nhà nước là không có, không đúng đâu.

Theo đo đ thay đi cuc sng. Xưa kia cuc sng ca người Thượng quá lc hu, đa Tin Lành tt cho cuc sng người Thượng. Người Jrai chúng em thường mê tín d đoan, th cúng thn nước thn núi, đau m phi cúng c mt con bò. Bây gi theo Tin Lành thì đau m phi đi muathuc ch không tin thn thánh nào khác na.

Chính quyn Vit Nam không mun người Thượng bn em có tôn giáo, nói là bn em theo đo người M người Pháp đ lt đ chính quyn. H nói đo ch có li dng thôi, mun theo thì phi nghe li h. Cái em thích nht tôn giáo là 10 Điu Răn ca Chúa, không làm tn hi ai và yêu thương mi người như anh em ca mình. Em b quê qua Thái Lan năm 2018 vì chính quyn Vit Nam bt buc em b đo".

Phía Công an tnh Đc Lk được dn li rng nhng người b bt gi trong Hi Thánh Tin lành Đng Christ đã nhn ti theo cáo buc cũng như cam kết t b hành vi phn đng ca mình.

Ba mươi đi tượng liên quan Hi Thánh Tin lành đng Christ đã b công an "bóc g" như VOV.VN đưa tin, tht ra còn cao hơn nhiu, là khng đnh ca mc sư Nguyn Công Chính.

Và không ch Tin Lành Đ Ga hay Hi Thánh Tin lành đng Christ, mt s t chc tôn giáo khác đã nm trong kế hoch lit vào hàng tà đo đ xóa s là trường hp Công giáo Hà Mòn hay Ân Đàn Đi Đo trước đây, vi c chc đến c trăm người b bt gi, mc sư Nguyn Công Chính kết lun.

RFA đã ni đường dây v công an tnh Gia Lai cũng như Ban Tôn Giáo tnh Đk Lk đ ly phn ng nhưng rt tiếc mt nơi t chi tr li, mt nơi không bt máy.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 29/09/2021

Additional Info

  • Author Thanh Trúc
Published in Diễn đàn

Đại biểu Quốc hội muốn sĩ quan quân đội và công an kê khai tài sản (RFA, 06/09/2018)

Tại hội nghị đại biểu quốc hội diễn ra vào sáng ngày 6/9 ở Hà Nội, có ý kiến cho rằng dự thảo luật phòng chống tham nhũng nên mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản bao gồm sĩ quan quân đội và công an.

kekhai1

Hình minh họa. Ông Đinh Ngọc Hệ tại phiên xử hôm 30/7/2018. Ảnh chụp màn hình - Photo : RFA

Dự thảo luật phòng chống tham nhũng theo dự kiến sẽ được trình quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới đây.

Theo dự thảo luật hiện tại, các giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, những người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, hoặc khi có đơn tố cáo, có biến động tăng tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản bao gồm bố, mẹ và con thành niên, áp dụng đối với những người giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan đảng, nhà nước và ở cơ quan thuộc lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên thu hẹp đối tượng kê khai tài sản vì lo ngại khó khả thi.

Trong thời gian gần đây, đảng Cộng sản Việt Nam đã ra quyết định kỷ luật một số các sĩ quan cấp cao trong quân đội và công an về các sai phạm liên quan đến tham nhũng, lợi dụng chức quyền, trong chiến dịch phòng chống tham nhũng rộng khắp được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động từ sau đại hội đảng 12 hồi năm 2016.

Những trường hợp đáng chú ý gần đây nhất trường hợp của ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc), thượng tá quân đội, bị tòa án tuyên 12 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn. Liên quan đến trường hợp Út trọc, còn có hai đại tá quân đội là Bùi Danh Thắm và Bùi Văn Tiệp bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong lực lượng công an, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm qua đã có 4 tướng công an bị kỷ luật, truy tố về các tội lợi dụng chức quyền. Điển hình là trường hợp của cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa. Cả hai người này bị truy tố với mức án lên đến 10 năm tù.

*********************

Bộ công an đang tìm ai là người giúp Vũ ‘nhôm’ thâu tóm đất công (RFA, 06/09/2018)

Cơ quan chức năng Bộ công an đang xem xét hành vi rửa tiền, trốn đi nước ngoài của ông Phan Văn Anh Vũ, thường được biết đến với biệt danh ‘Vũ nhôm’. Bên cạnh đó Bộ công an Việt Nam cũng đang cố làm rõ ai là nhân vật giúp cho ông Phan Văn Anh Vũ thu tóm được 31 nhà đất công tại thành phố biển Đà Nẵng.

kekhai2

Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) trước tòa tại Hà Nội hôm 30/7/2018 - Reuters

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ Trưởng Bộ công an, hồi đáp như vừa nêu đối với những thắc mắc liên quan của các thành viên Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội Việt Nam tại phiên họp diễn ra vào chiều ngày 6 tháng 9 ở Hà Nội.

Truyền thông trong nước dẫn thắc mắc của ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Thành Phố Đà Nẵng rằng có nhiều nhà cửa, đất đai công sản rơi vào tay ông Phan Văn Anh Vũ ; vậy đến nay những tài sản đó đang do ai quản lý, liệu có thu hồi được hay không.

Trong khi đó ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ban Tư Pháp Quốc Hội Việt Nam, thì nói rằng trong vụ án Vũ nhôm nhiều tài sản rơi vào tay ông Phan Văn Anh Vũ được tẩu tán trước khi bản thân ông này trốn chạy.

Ông Lê Quý Vương trả lời rằng từ khi ông Phan Văn Anh Vũ bị phía Singapore trả về Việt Nam đến nay thời gian khởi tố, điều tra đã 8 tháng. Vụ án được ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, làm tổ trưởng Ban Chỉ Đạo.

Đến nay, ông Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố 4 tội danh. Tòa xử phạt ông này 9 năm tù về tội danh ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’. Các tội danh khác gồm ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’, ‘lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản’, ‘vi phạm qui định về quản lý đất đai, quản lý công sản’.

Ông Phan Văn Anh Vũ sinh năm 1975. Ông được gọi là ‘Vũ nhôm’ vì xuất thân là một người kinh doanh sản phẩm nhôm kính. Tuy nhiên trở thành một nhân vật được nhiều người biết đến như là một ‘đại gia’ trong ngành bất động sản.

Ông còn được nói mang hàm thượng tá công an Việt Nam.

*******************

Thầy truyền đạo Hội thánh tin lành Đấng Christ Việt Nam bị công an bắt cóc (RFA, 06/09/2018)

Một thầy truyền đạo dân tộc Ê Đê thuộc Hội thánh tin lành Đấng Christ ngụ tại tỉnh Đăk Lắk được cho biết bị lực lượng công an địa phương bắt đưa đi khi đang trên đường đi làm rẫy vào sáng 5/9. Một nguồn tin giấu tên cho Đài Á Châu Tự Do biết như vậy hôm 6/9.

kekhai3

Hình minh họa. Những người Thượng xin tị nạn tại Campuchia kêu gọi quốc tế can thiệp - Courtesy Grace Bui

Vào khoảng 7 giờ 30 sáng ngày 5/9, ông Y Jon Ayun ngụ tại buôn Puăn B, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lắk đi làm rẫy tới chiều tối mà vẫn chưa thấy về. Gia đình người nhà lo lắng thì được một người cùng làng qua báo tin là ông đã bị công an bắt.

Mục sư muốn giấu tên nói với chúng tôi như sau.

Vào sáng sớm, công an huyện Krông Pắc chưa tới nhà nhưng thấy thầy Y Jon Ayun thì chặn xe và mời bằng miệng là phải lên huyện làm việc, nhưng Y Jon từ chối vì không có một giấy mời nào hết. Thầy Y Jon chuẩn bị đi vào rẫy đi làm. Ông đang trên đường đi làm, giữa đoạn đường đi ông không ngờ lực lượng công an huyện Krông Pắc và công an huyện Buôn Hồ dùng những thủ đoạn giống như kẻ khủng bố đã chặn và bắt ngay tại đoạn đường trên rẫy.

Chiều tối ngày 5/9, Mục sư Y Nuen, anh trai của Thầy truyền đạo Y Jon Ayun, đã gọi điện thoại lên công an tỉnh Đăk Lắk để hỏi xem em trai mình hiện đang ở đâu. Người nhà nạn nhân cho biết ban đầu công an trả lời rằng không biết nhưng về sau thừa nhận là đã bắt ông Y Jon Ayun để điều tra và đang bị giam tại đồn công an huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lắk.

Vào trưa 6/9, anh trai và vợ của ông Y Jon Ayun đã tới đồn công an huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lắk để gặp người nhà nhưng chỉ có người vợ được vào gặp ông Y Jon Ayun. Cuộc gặp được nói rằng rất ngắn ngủi và công an nói sẽ thả ông Y Jon Ayun khi điều tra xong. Gia đình ông Y Jon Ayun không được cho biết công an đang điều tra ông về cáo buộc gì.

Gia đình ông Y Jon Ayun cho biết đến lúc này ông người bị bắt vẫn chưa được thả về nhà. Vào năm 2013, ông này được nói bị giam giữ và tra tấn 9 ngày trong đồn công an huyện Krông Pắc.

Hội thánh Tin lành Đấng Christ được nói vẫn bị chính quyền địa phương sách nhiễu kể từ năm 2013. Bản thân nhiều người đã phải bỏ buôn làng sang tị nạn ở các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan, Phillipines chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ.

******************

Lại chuyện chiêu dụ người tài nhân danh "lòng yêu nước" (RFA, 06/09/2018)

Chính phủ Hà Nội tiếp tục nhân danh ‘lòng yêu nước’ kêu gọi những người gốc Việt có tài trên thế giới về đóng góp cho tổ quốc. Suốt nhiều năm qua, từng có những vị ở nước ngoài cho biết, họ vì lòng yêu quê hương mà sẵn sàng về làm việc, đóng góp giúp Việt Nam phát triển. Thực tế ra sao ?

kekhai4

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt ở nước ngoài về nước tham dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam hôm 19/8/2018, tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn

Lại chuyện hình thức

Trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, tại Hà Nội diễn ra sự kiện được báo chí trong nước loan tin rộng rãi mang tên "Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018". Tham gia sự kiện ngoài các nhà khoa học trong nước, có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ là người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài được mời.

Mục tiêu theo thông tin từ Chính phủ Việt Nam là nhằm huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo và làm việc lâu năm tại nước ngoài, trở về giúp xây dựng và phát triển đất nước.

Từ Đà Nẵng, nhà báo Trương Duy Nhất đưa nhận xét liên quan chương trình này :

"Trong mọi ngành thì các cuộc gặp gỡ kêu gọi các người tài ở khắp nơi về nó chỉ mang tính hình thức thôi. Người ta hay nói đùa, như trong bài viết của Anh Dương Ngọc Thái là một chuyên gia người Việt trẻ ở Thung lũng Silicon có về Việt Nam tham dự, thì có thể hiểu là buổi lễ chủ yếu để phát danh thiếp, chụp hình với thủ tướng, tặng quà là cây viết thủ tướng… thế thôi. Tôi nghĩ nếu mà để lắng nghe hiến kế của những người tài, thậm chí những ý kiến trái chiều một tí để đóng góp thì nó rất hy hữu".

Nhân danh ‘lòng yêu nước’

Phát biểu tại buổi lễ công bố chương trình "Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018", ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Việt Nam, cho rằng "tình yêu Tổ quốc ở mỗi người thể hiện bằng những hành động cụ thể, những góc độ khác nhau, song hơn hết là làm sao để đưa đất nước phát triển".

kekhai5

Lễ công bố chương trình "Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018" - Viet Nam Innovation Network hôm 19/8/2018, tại Hà Nội.Courtesy chinhphu.vn

Cùng thời điểm này, báo chí do nhà cầm quyền Việt Nam quản lý, cũng đưa lên nhiều bài viết cho rằng, kêu gọi người tài sống ở nước ngoài trở về đóng góp, nên bắt đầu từ lòng yêu nước.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng, từng giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Sài Gòn và bị kết án tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam’ rồi bị trục xuất đi Pháp, chia sẻ suy nghĩ của ông về kêu gọi trí thức nước ngoài hãy vì lòng yêu quê hương về nước đóng góp :

"Tôi cũng không ngạc nhiên, vì thật sự mà nói thì cái lời kêu gọi này tôi đã nghe từ năm 1976 rồi. Tôi thấy nó buồn cười, bởi vì thật sự mà nói những người tài trong nước cũng không phải là ít. Tôi đã có cơ hội làm việc ở trong nước 20 năm, tôi có tiếp xúc với các thầy cô cũng như các sinh viên, tôi thấy họ rất là giỏi và có lòng với đất nước. Với cái số lượng người như thế, chất lượng như thế thì tôi nghĩ cũng đã đủ sức để đóng góp xây dựng đất nước. Vậy mà bốn mươi mấy năm rồi, sau khi bom đạn chấm dứt, đất nước thống nhất. Vậy mà bây giờ đất nước chúng ta, tôi xin xài cái chữ là ‘lẹt đẹt’ trong những nước chậm phát triển".

Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, chính quyền Việt Nam không cần phải kêu gọi những người ở hải ngoại yêu nước trở về, khi mà điều kiện cho phép là họ về ngay. Theo ông, người Việt hải ngoại lúc nào cũng suy nghĩ về đất nước và muốn đóng góp cho đất nước, nhưng hoàn cảnh đất nước không cho phép họ làm như vậy.

‘Lòng Yêu nước’ theo định hướng

Đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động có tiếng ở Việt Nam đồng thời cũng là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Độc Lập IDS tự giải thể, thì lại cho rằng không cần nhân danh ‘lòng yêu nước’ mà cần tạo điều kiện và trọng dụng người tài thực sự :

"Tôi nghĩ cái lòng yêu nước rất là khó xác định, cái việc cần làm là tạo điều kiện để người người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, tức là các nhà khoa học, họ làm việc một cách sáng tạo nhất. Điều kiện đó là gì, tức là họ có thiết bị máy móc, họ được tự do làm việc và phải có thu nhập thỏa đáng. Tôi nghĩ là với vài điều kiện tôi vừa nói thì dễ làm hơn nhiều so với cái gọi là lòng yêu nước chung chung. Cái lòng yêu nước chung chung ấy bây giờ còn không huy động được những người già nữa chứ đừng nói đến thế hệ trẻ. Mà cái lòng yêu nước của họ lại đi ngược với tự do, cho nên tôi nghĩ nói như vậy là nói chơi thôi chứ chẳng có tác dụng gì cả ?"

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, sinh sống tại Bỉ, đã và đang tham gia nhiều chương trình hợp tác tại Việt Nam, hiện đang có mặt tại Việt Nam, đồng ý rằng lòng yêu nước là căn bản của người Việt Nam. Nhưng theo ông, lòng yêu nước trong khuôn khổ quan điểm hiện nay của nhà nước Việt Nam thì có sự lệch lạc. Cho nên ông cho rằng chính quyền Việt Nam dùng lòng yêu nước để kêu gọi người tài thì không ổn. Ông nói tiếp :

"Phải xuất phát từ quan điểm tất cả người Việt Nam đều có lòng yêu nước hết. Mà lòng yêu nước đó là yêu quê hương, yêu xóm làng, yêu khóm tre, bụi trúc, yêu con đò … yêu quê hương là yêu như vậy chứ không phải là yêu quan điểm chính trị. Cái điều lệch lạc là họ cho rằng phải đồng ý với quan điểm chính trị của họ thì mới là yêu nước, đó là một sai lầm. Tôi nghĩ nếu mà nghĩ như vậy để kêu gọi nhân tài về giúp nước, thì tôi e là hơi khó".

Theo nhà báo Trương Duy Nhất, bây giờ mà kêu gọi trở về đóng góp bằng lòng yêu nước thì không còn phù hợp, không nên và không đúng nữa. Bởi vì thực tế yêu nước thì biết bao nhiêu người tài trong nước, biết bao nhiêu người Việt trong nước yêu nước. Ông chia sẻ :

"Đất nước này đâu thiếu người tài, gần 100 triệu dân Việt thì cũng không thiếu người tài đâu, nhưng quan trọng là chính phủ sử dụng người tài như thế nào ? Ví dụ một nhân vật có thể nói là tài năng về mặt công nghệ như Anh Trần Huỳnh Duy Thức, chỉ vì những ý kiến đóng góp mang đầy tính khoa học để xây dựng kinh tế và thể chế thì lại đang phải chịu bản án 16 năm tù giam và Anh đang tuyệt thực trong tù. Ngay cả những người bất đồng chính kiến, giới trí thức phản biện, hay ví dụ như chúng tôi là báo thôi, chúng tôi viết những bài báo phản biện, chúng tôi góp ý chân thành chứ không chống đối, đả phá gì, nhưng mà chúng tôi vẫn bị bắt bỏ tù, kết án".

Nhà báo Trương Duy Nhất cho biết, khi có cơ hội được đi ra nước ngoài và được tiếp xúc với nhiều tầng lớp trí thức, thì họ cho rằng nếu muốn kêu gọi trí thức trở về, thì trước hết chính quyền Việt Nam phải cho thấy cách họ đối xử với người trong nước như thế nào thì mới lấy được lòng tin của họ.

Riêng đối với Giáo sư Phạm Minh Hoàng, thì điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải có được tự do dân chủ, thì lúc đấy sự đóng góp mới hiệu quả và lâu bền.

Published in Việt Nam

Vùng cao ở Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi tôn giáo mạnh mẽ của một dân tộc thiểu số bị gạt bên lề xã hội trong suốt ba thập niên qua.

hmong1

Tín đồ Hmong là sinh viên dự một buổi lễ trong nhà thờ ở Hà Nội

Kể từ thập niên 1980, từ chỗ đạo Tin Lành hầu như không được nhắc đến ở vùng núi phía bắc Việt Nam, đến nay khoảng 300.000 trong số 1.000.000 người Hmong là tín đồ Tin Lành.

Theo thời gian, những tác động của việc thay đổi tôn giáo đối với xã hội, kinh tế và chính trị ngày càng khó bỏ qua, từ việc bị ngược đãi, di dân đến việc thay đổi lối sống và các quan hệ mới về giới.

Đức tin từ 'phát thanh sóng ngắn'

Ngày nay có khoảng 4 triệu người nói tiếng Hmong sống rải rác khắp các biên giới Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Thái Lan, cộng với lượng người di cư đáng kể đang sống ở Mỹ và Úc.

hmong2

Người Hmong ở Trung Quốc còn gọi là Miêu tộc theo Thiên Chúa giáo trong một làn hát Thánh Ca

Bản sắc dân tộc chung được họ tạo dựng trên các phương ngữ thông hiểu được, và tên của các dòng họ giống nhau, dù sống ở đâu.

Gần giống với người Kurd ở Trung Đông, người Hmong tách ra thành một số nhóm lớn nhưng lại bị gạt ra ngoài lề. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, người Hmong bị mắc kẹt trong cuộc xung đột giữa hai phe : cộng sản và lực lượng của Hoa Kỳ. Tướng Vàng Pao lừng danh chống Cộng được CIA ở Lào tài trợ.

Khi Thiên Chúa giáo bắt đầu lan rộng tại vùng cao Việt Nam vào cuối những năm 1980, điều ngạc nhiên là tại đây không có sự hiện diện của các nhà truyền giáo nước ngoài.

Sự phát triển này bắt nguồn từ việc dân làng tình cờ phát hiện một chương trình phát thanh từ Manilla, truyền bá Phúc âm bằng tiếng Hmong. Hào hứng vì nghe được ngôn ngữ của mình trong không trung, những người này liền nói với hàng xóm và họ hàng để cùng dò kênh nghe. Các bản tin và thông điệp truyền đi nhanh như đám cháy rừng.

Đàn áp tôn giáo và các phản ứng

Trước sự lớn mạnh của đạo Tin Lành trong người Hmong, chính quyền Việt Nam phản ứng bằng cách bác bỏ, và không công nhận sự tồn tại của đạo này, phát tán các ấn phẩm tuyên truyền chống lại đạo này và hạn chế sự tự do tín ngưỡng.

hmong3

Phụ nữ Hmong ở vùng núi Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong kinh tế địa phương

Với lịch sử đấu tranh chống đế quốc phương Tây, chính phủ buộc tội "các thế lực thù địch bên ngoài" thúc đẩy đạo Tin Lành để làm suy yếu niềm tin của người dân vào chủ nghĩa cộng sản và gây bất ổn xã hội dọc theo các biên giới chiến lược quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

hmong4

Văn bản tuyên truyền một thời nhằm khuyên người Hmong không theo Ki Tô giáo

Theo các tổ chức nhân quyền, những người vào đạo Tin Lành bị chính quyền địa phương đe doạ, bắt giữ, phạt tiền, bị đánh đập, bị tịch thu tài sản và buộc phải từ bỏ đức tin.

Nhiều người Hmong đã trốn chạy sang Lào, Thái Lan và các vùng khác của Việt Nam để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sự đàn áp tôn giáo đã giảm bới trong những năm gần đây. Tuy vậy các nhà thờ mới vẫn rất khó có được sự công nhận chính thức.

hmong5

Sau một giai đoạn bị cấm hoặc ngăn chặn, nay người Hmong có thể hành lễ và dùng tiếng Việt để đến với Thiên Chúa

Kỳ thị tôn giáo vẫn tiếp diễn khi những người theo đạo Tin Lành bị từ chối cấp học bổng hoặc vào làm viên chức nhà nước, điều được cho là cách duy nhất để có được thu nhập ổn định ở các vùng núi làm nghề nông.

Những kết nối mới và cơ hội mới

Người Hmong đang ở vị trí dưới cùng của hệ thống cấp bậc các nhóm dân tộc Việt Nam, với mức nghèo đói cao nhất và trình độ học vấn thấp nhất.

Vì sống ở các địa bàn sâu và xa, họ không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam. Những sáng kiến phát triển do địa phương khởi xướng thường có kết quả đáng thất vọng vì thành kiến sắc tộc và những hiểu lầm văn hóa.

hmong6

Sapa, Việt Nam : mẹ con người Hmong ngồi nghỉ trước một nhà thờ địa phương

Tuy nhiên, một số tín đồ đạo Tin Lành người Hmong hiện nay có thể tiếp cận các nguồn tài trợ, các thông tin mới và sức mạnh mới thông qua các mạng lưới tôn giáo.

Ví dụ, nhiều trường Kinh Thánh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho phép học sinh dân tộc thiểu số học tập và sống ở đó với mức phí tối thiểu.

Sinh viên Hmong học nhiều về thần học. Họ được tiếp xúc với môi trường đô thị và sau khi tốt nghiệp, họ sẽ mang về bản làng tư duy mới và cách kiếm sống mới.

Nhiều lãnh đạo Giáo hội cũng liên kết với các nhà truyền giáo và các tổ chức nước ngoài trong các đại nghị đạo Tin Lành. Một vài người trong số họ có mong muốn tài trợ cho các nhà thờ hoặc cho các sáng kiến giảm nghèo.

Thay đổi lối sống và xu hướng về giới

Ngay cả những cán bộ nhà nước luôn có thái độ ác cảm trước đây cũng thừa nhận một số mặt tích cực của các tín đồ đạo Tin Lành người Hmong. Chẳng hạn, khi cải đạo, các tín đồ được khuyên bỏ rượu và thuốc lá.

Vì bạo lực gia đình có liên quan chặt chẽ với tình trạng say xỉn, phụ nữ Hmong nhận thấy đạo Tin Lành là một con đường để họ được trao quyền. Họ thường cải đạo đầu tiên, sau đó thuyết phục chồng cải đạo theo mình.

Mặc dù phần lớn các linh mục là đàn ông, phụ nữ lại chiếm đa số trong các giáo hội và họ thường đi đầu các hoạt động của nhà thờ.

hmong7

Một nhóm đàn ông Hmong ngoài chợ

Mặt khác, bia rượu vẫn là thứ kết nối đàn ông nên bỏ rượu đã tạo nên xung đột giữa người theo đạo Tin Lành và người không theo đạo này.

Gia đình và cộng đồng đã bị chia rẽ khi cả hai bên đều có thù oán và hiểu lầm đối với nhau, lại được đẩy cao bởi những cáo buộc của chính quyền về hoạt động tôn giáo.

Hủy hoại hay bảo tồn văn hóa ?

Một mối lo ngại khác là các tín đồ đạo Tin Lành Hmong thường từ chối nghi lễ và cúng bái truyền thống. Nhiều pháp sư người Hmong và người không theo đạo Tin Lành sợ rằng văn hoá của họ đang bị mai một đi.

Chính phủ cũng khá lo lắng vì ngành du lịch của các dân tộc vùng cao đang được thúc đẩy bằng cách đưa các tín ngưỡng văn hoá và phong tục ra trưng bày.

Người Hmong đạo Tin Lành thì phản đối cáo buộc này.

Khi học Kinh Thánh Hmong, họ tuyên bố là họ đang bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết, một khía cạnh quan trọng của văn hoá mà không còn dạy trong trường nữa.

Các vấn đề vừa nêu có lẽ sẽ ngày càng dễ nhận thấy hơn khi mà đạo Tin Lành tiếp tục lớn mạnh trong cộng đồng người Hmong và các nhóm dân tộc khác ở Việt Nam.

Seb Rumsby

Nguồn : BBC, 22/10/2017

Seb Rumsby hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Warwick, Anh Quốc.

Published in Văn hóa