Trong số các di sản cộng sản tương đồng giữa Việt Nam và Triều Tiên được nêu bật trong chuyến thăm hữu nghị của ông Kim Jong-un tới Việt Nam có lẽ không có gì ‘độc đáo’ hơn là các xác ướp của các cố lãnh tụ được trưng bày ở thủ đô Hà Nội và Bình Nhưỡng và toán kỹ thuật viên ‘mật’ người Nga, những chuyên gia giúp cho các thi thể này ‘trẻ mãi không già.’
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt vòng hoa tại lăng Hồ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 2/3/19.
Ông Kim đã đặt vòng hoa tưởng niệm bên ngoài lăng Hồ Chủ tịch ở Hà Nội hôm thứ bảy, sau khi cuộc họp thượng đỉnh giữa ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cắt ngắn.
Trong không gian nội thất sẫm màu bên trong lăng, xác ướp của ông Hồ được trưng bày trong một quan tài bằng kính giữa dòng khách viếng lặng lẽ.
Tại Bình Nhưỡng, xác ướp của cha và ông nội ông Kim Jong-un cũng được trưng bày như thế trong Cung điện Mặt trời.
Thi thể cả ba nhà lãnh đạo này thoạt đầu đều được bảo quản bởi một nhóm chuyên gia từ ‘Phòng Thí nghiệm Lenin’ ở Moscow, những người đã ướp xác lãnh tụ Vladimir Lenin vào năm 1924.
Liên Xô đã sụp đổ, chủ nghĩa xã hội ở cả Việt Nam và Triều Tiên đã biến dạng đến nỗi cha đẻ của học thuyết này khó mà nhận ra, nhưng ‘Phòng Thí nghiệm Lenin’ vẫn hàng năm đều đặn bảo dưỡng thi thể ông Hồ, và theo một nhà nghiên cứu cho biết, vẫn giúp Triều Tiên giữ cho thi thể Kim ông và Kim cha trông tươi tắn.
"Công tác ướp xác ban đầu và bảo dưỡng định kỳ luôn được thực hiện bởi nhóm khoa học gia của phòng thí nghiệm ở Moscow", ông Alexei Yurchak, giáo sư môn nhân loại học thuộc Đại học California, Berkeley, người đang viết một quyển sách về các xác ướp lãnh tụ cộng sản, cho biết.
"Theo năm tháng, họ huấn luyện các khoa học gia địa phương một số kỹ thuật nhưng không đầy đủ tất cả, giữ lại bí quyết cốt lõi".
Công tác ướp xác
Không giống các quy trình bảo dưỡng xác trước đây như ướp xác theo kiểu Ai Cập, kỹ thuật ướp xác vĩnh viễn khởi xướng bởi các khoa học gia Liên Xô giữ cho thi thể được uyển chuyển, làn da trông như người còn sống không bị hư hại.
Vẫn theo giáo sư Yurchak, khi ông Hồ qua đời vào năm 1969, miền Bắc Việt Nam thường xuyên bị máy bay Mỹ tấn công, phía Liên Xô phải không vận hóa chất và thiết bị đến một hang động bên ngoài Hà Nội và các chuyên gia Liên Xô biến nơi đây thành một phòng thí nghiệm vô trùng.
Khi Liên Xô sụp đổ trong thập niên 90, phòng thí nghiệm của nhà nước bị khủng hoảng tài chính và họ phụ thuộc chủ yếu vào việc cung cấp dịch vụ cho các khách hàng nước ngoài, ông Yurchak cho biết.
Trong số các khách hàng này có Triều Tiên, nơi mà các chuyên gia Nga đã ướp xác cho cả ông Kim Il Sung và ông Kim Jong Il tại phòng thí nghiệm xây bên trong lăng của hai ông ở Bình Nhưỡng.
Quá trình ướp xác nguyên thủy mất vài tháng và xác ướp cần được bảo dưỡng thường xuyên.
"Cứ 1 năm rưỡi tới 2 năm, các thi thể này lại được bảo dưỡng bởi các khoa học gia từ Moscow", giáo sư Yurchak nói, viện dẫn các cuộc phỏng vấn ông đã thực hiện với các khoa học gia phòng thí nghiệm và các cuộc nghiên cứu thực địa.
Trang web của ủy ban quản lý lăng Hồ Chủ tịch nói Nga bắt đầu tính tiền các chất ướp xác sau khi Liên Xô sụp đổ, khiến Hà Nội yêu cầu sản xuất các hóa chất cung ứng tại Việt Nam. Việt Nam cũng gửi kỹ thuật viên sang học ở Nga và hiện có thể tự quản lý các hoạt động của lăng Hồ Chủ tịch, trang web này nói.
Tuy nhiên, một nguồn tin từ ủy ban vừa kể tiết lộ với Reuters rằng lăng mỗi năm đóng cửa khoảng 2 tháng và rằng các kỹ thuật viên người Nga giúp bảo dưỡng thi thể ông Hồ hàng năm.
Khi Reuters liên lạc, phòng thí nghiệm ở Moscow mà kể từ 1992 được biết đến với tên gọi là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Giảng dạy Kỹ thuật hóa sinh từ chối bình luận về bất kỳ khía cạnh nào trong công việc của họ.
Phái đoàn Triều Tiên tại Liên hiệp quốc cũng không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Nhà nghiên cứu Tom Fowdy, người thành lập một nhóm cổ súy du lịch và giao tiếp văn hóa ở Triều Tiên, nói ông thấy Cung điện Mặt trời đóng cửa cho công tác ‘trùng tu’ không được giải thích, nhưng việc bảo dưỡng thi thể lãnh tụ là một bí mật.
"Dù rõ ràng là phương pháp này xuất xứ từ Nga, nó vẫn là một bí mật được giữ kín", ông nói.
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc, nước dựa vào đội ngũ khoa học gia của riêng mình trong việc ướp xác lãnh tụ Mao Trạch Đông do căng thẳng giữa Bắc Kinh với Moscow thời bấy giờ, có thể đã giúp đỡ hoặc dạy cho Triều Tiên cách ướp xác.
Thay đổi biểu tượng
Du khách tới Cung điện Mặt trời ở Bình Nhưỡng đi ngang qua các khu trưng bày bao gồm chiếc thuyền buồm cá nhân của ông Kim Jong-il và một chiếc máy tính Apple mà nhà độc tài này từng sở hữu. Sau đó, họ phải kính cẩn nghiêng mình cuối chào 3 lần trước thi thể của cha con nhà họ Kim.
Không rõ quốc gia đói nghèo Triều Tiên phải chi trả bao nhiêu cho việc duy trì xác ướp của hai lãnh tụ này. Khi Moscow lần đầu tiên tiết lộ chi phí bảo dưỡng xác ướp vào năm 2016, họ báo cáo chi gần 200 ngàn đô la trong năm đó để duy trì xác ướp Lenin.
Thoạt đầu việc ướp xác lãnh tụ được xem như một cách cùng với các nước khác hòa vào chủ nghĩa cộng sản quốc tế.
Tuy nhiên, Việt Nam và Triều Tiên phát triển theo các cách chính trị khác nhau thì ý nghĩa đi kèm với việc bảo quản thi thể lãnh tụ cũng khác nhau.
"Ngày nay, ý nghĩa nguyên thủy của việc ướp xác các lãnh tụ này đã thay đổi – ở Việt Nam, thi thể ông Hồ tượng trưng cho các cuộc đấu tranh chống thực dân đòi độc lập và thậm chí là tượng trưng cho chủ nghĩa dân tộc mới, hơn là tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản", giáo sư Yurchak nhận định.
"Ở Triều Tiên, thi thể cha con nhà họ Kim tượng trưng cho một đất nước tự cung tự cấp được tổ chức xung quanh một nhà lãnh đạo và tồn tại mặc dù ‘bị bao quanh bởi chủ nghĩa đế quốc’".
Nguồn : VOA, 07/03/2019