Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

27/10/2019

Cà phê cuối tuần bên bờ sông Châu Đốc

Nguyễn Hồng Phúc

Cà phê cuối tuần bên bờ sông Châu Đốc : vì sao chính quyền ‘không ưa’ Hòa Hảo ?

Đoạn ngã ba sông Châu Đốc có công viên với tượng cặp cá Ba Sa, nên người dân quen gọi đây là công viên cá Ba Sa thay cho cái tên 30 tháng Tư. 

chaudoc0

Quán cà phê bên bờ sông Châu Đốc - Ảnh minh họa 

Cà phê cuối tuần với bè bạn ở công viên cá Ba Sa nhân dịp có chuyến công tác bên xứ lụa Tân Châu, sau câu chuyện thời sự thảm buồn về những người con sinh ra và lớn lên trong môi trường miền Bắc xã hội chủ nghĩa, lại vẫn chấp nhận chối bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để tìm một quê hương mới, và trên con đường đó họ đã bỏ xác xứ người ; người viết đã liên tưởng và nêu một thắc mắc mà người Châu Đốc nói rằng, ‘hỏi vậy dễ bị công an gửi thư mời’, đó là vì sao chính quyền có vẻ ‘thù ghét’ một số tín đồ theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, và những tín đồ này vẫn kiên trì không chấp nhận sự thỏa hiệp, bất chấp mọi đe dọa bị đập phá chén cơm, manh áo ?

Xin lược ghi về buổi hội luận ‘bỏ túi’ chủ đề được coi là nhạy cảm đó.

----------------

Lơ lửng chiếc mũ… phản động (!?)

Ở miền Tây, người ta gọi tắt người theo tín ngưỡng Phật giáo Hòa Hảo, là ‘theo đạo Hòa Hảo’. Sau tháng tư năm 1975, chính quyền đến từ Hà Nội buộc các tôn giáo chỉ được hoạt động khi có quyết định bằng văn bản hành chính do nhà nước cấp.

chaudoc2

Ở miền Tây, người ta gọi tắt người theo tín ngưỡng Phật giáo Hòa Hảo, là ‘theo đạo Hòa Hảo’.

Mãi đến năm 1999, một số nhà lãnh đạo của Phật giáo Hòa Hảo thuận theo yêu cầu của chính quyền, với các giới hạn trong nghi thức cử hành tôn giáo, bày trí thờ phượng ở đạo tràng ; đặc biệt là phải biết luôn tuân thủ theo đường lối của đảng cộng sản đặt ra. Vậy là ra đời một nhóm nhà lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo gọi là Ban Trị sự Trung ương, đặt trụ sở làm việc tại An Hòa Tự, nơi được coi là Thánh tích của Phật giáo Hòa Hảo.

Nhiều lãnh đạo các tôn giáo ở miền Nam, trong đó có Hòa Hảo không đồng ý việc đảng cộng sản can thiệp vào nội bộ hoạt động tôn giáo. Vậy là nhiều người bị tù đày. Đạo Hòa Hảo bị chia năm xẻ bảy thành nhiều nhóm/ tổ chức với các tên gọi như Phật giáo Hòa Hảo truyền thống, Phật giáo Hòa Hảo độc lập, Phật giáo Hòa Hảo chân truyền…

Những tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo chân truyền có một nơi tạm coi như ‘ngôi nhà chung’, đó là Quang Minh tự, ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Khách hành hương lần đầu tìm đến đây, chỉ cần hỏi thăm ‘chùa có ông thầy mổ bụng phản đối cộng sản đàn áp Hòa Hảo’ thì sẽ được chỉ dẫn tận tình ; hoặc có thể bị ‘xét giấy tờ’, thậm chí cả việc 'áp giải rời khỏi' An Giang nếu hỏi nhằm người của chính quyền.

Họ đều là người tốt !

Ông Tư Em, một tín đồ Hòa Hảo nói rằng sự khác biệt dễ thấy nhứt giữa Hòa Hảo ‘quốc doanh’ với các nhóm Hòa Hảo khác, có lẽ là ở chuyện về cúng lễ. 

"Tín đồ Hòa Hảo quốc doanh không được phép cử hành lễ 25 tháng Hai (âm lịch) kỷ niệm ngày Đức Thầy thọ nạn tại Đốc Vàng. Hai lễ 18 tháng 5 là lễ Đức Thầy Khai sáng nền Đạo Phật giáo Hòa Hảo, và lễ 25 tháng 11 là lễ Đản Sanh Đức Thầy, thì các tín đồ Hòa Hảo không nằm trong tổ chức quốc doanh, nếu cùng tụ tập tại đạo tràng để tiến hành lễ thì luôn bị chính quyền gây khó dễ.

Điểm chung ở các hoạt động của tín đồ Hòa Hảo là luôn biết làm những công việc từ thiện, như bốc thuốc Nam miễn phí, đặc biệt có nhiều tín đồ bỏ tiền túi ra mua xe hơi để chở các bệnh nhân hoàn toàn miễn phí". Ông Tư Em kể.

Nhà báo Phan Thị Tuyết Hạnh đến từ Phú Tân, dè dặt góp chuyện rằng trước 1975, Phật giáo Hòa Hảo cũng bị phân hóa, có lúc tới 3 ban trị sự trung ương cùng hoạt động cho đến tháng tư năm 1975. 

"Dù phân hóa, Phật giáo Hòa Hảo tiếp tục phát triển vào thời Đệ Nhị Cộng Hòa, trong đó một sự kiện lớn là việc thành lập Viện Đại học Hòa Hảo năm 1972 ở Long Xuyên. 

Tính đến thời điểm tháng tư, 1975 các nhóm Hòa Hảo điều hành tổng cộng sáu trường trung học phổ thông, một viện đại học và hai bệnh viện. Tất cả những cơ sở này sau đó đều bị chính quyền đến từ Hà Nội chiếm giữ, quốc hữu hóa". Nhà báo Tuyết Hạnh kể.

Theo bà Hạnh, nếu như chính thể Việt Nam Cộng hòa thời chiến tranh đã chấp nhận 3 ban trị sự trung ương đó của cùng Phật giáo Hòa Hảo, thì vào thời bình, chính quyền sao lại ngăn cản về quyền tự do chọn lựa tham gia vào các tổ chức khác nhau trong cùng một tôn giáo ?. 

Kiến trúc sư Nguyễn Thị Lan, người đến từ Sài Gòn nói rằng bà là Phật tử, bà nhận thấy có lẽ chính quyền ‘không ưa’ một số nhóm Phật giáo Hòa Hảo ở chỗ là thay vì chỉ ‘tu nhân’ với ‘tứ trọng ân’ là ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào ; thì người theo đạo Hòa Hảo ‘quốc doanh’, cần phải biết đến ‘ân thứ năm’, đó là ‘ơn đảng’. 

"Không chấp nhận ‘ơn đảng’ thì đảng ghét. Vậy thôi !". Bà Nguyễn Thị Lan nhận xét ngắn gọn. [xem thêm *]

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 27/10/2019

Chú thích :

[*] http://www.vietnamthoibao.org/2019/10/vntb-vi-sao-viec-lam-moi-chua-hoa-bi.html

Quay lại trang chủ
Read 713 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)