Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nếu không thay đổi vào giờ chót, thì sáng ngày mai 13/11/2019 tại thành phố Nha Trang sẽ diễn ra phiên tòa hình sự sơ thẩm về tội danh ‘trốn thuế". Trong 4 bị can, có vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải – Ngô Tuyết Phương.

luatsu1

Luật sư Trần Vũ Hải cùng vợ và 2 người khác bị Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố vì tội trốn thuế. Vợ chồng ông Hải bị tạm hoãn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú. Ảnh VietnamNet

"Dường như ở đây là đòn răn đe của chính quyền dành cho những ai quá cứng rắn trong tiếng nói phản biện, cụ thể là luật sư Trần Vũ Hải được biết đến như một người đi đầu trong bênh vực người dân thấp cổ bé họng. Luật sư Trần Vũ Hải cũng vừa được nhóm luật sư hai miền Bắc – Nam vinh danh là Luật sư dấn thân vì cộng đồng" - Luật sư Trần Thành, nhận xét.

Theo nội dung kết luận điều tra, và bản cáo trạng, thì đây là vụ án trốn thuế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản tại địa chỉ số 87/40, Tuệ Tĩnh, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang. Bị can Nguyễn Thị Ngọc Hạnh là người chủ mưu thực hiện cùng với sự tham gia của bị can Ngô Văn Lắm, bị can Trần Vũ Hải và bị can Ngô Tuyết Phương. 

"Các bị can đã có hành vi bàn bạc, thỏa thuận và thống nhất thực hiện hành vi ký và hủy hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, sử dụng hợp đồng không đúng với trị giá giao dịch thực tế, để che giấu bản chất trị giá của giao dịch chuyển nhượng, nhằm mục đích trốn thuế và đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước số tiền 280.251.302 đồng. 

Với thủ đoạn này, ngoài mục đích của bị can Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và bị can Ngô Văn Lắm sử dụng Hợp đồng số công chứng 1218 để kê khai trốn thuế thu nhập cá nhân, thì bị can Trần Vũ Hải và bị can Ngô Tuyết Phương vẫn đạt được việc có bản sao hợp đồng công chứng số 1216 (đã bị hủy) gian dối trong làm thủ tục thế chấp ngân hàng, để đảm bảo khả năng về tài chính nhận chuyển nhượng bất động sản và tránh không vi phạm thời gian không giao kết theo "Giấy nhận cọc" ngày 28/06/2016. 

Hành vi nêu trên của các bị can đã phạm tội "Trốn thuế" quy định tại khoản 1, điều 161 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009) cần phải được xử lý nghiệm minh trước pháp luật". (Trích cáo trạng)

Luật sư Nguyễn Duy Bình, thành viên trong nhóm 60 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải ở vụ án này, biện luận : "Tôi nhận thấy giả sử hành vi của người bán có dấu hiệu trốn thuế đi chăng nữa thì việc khởi tố, truy tố trong trường hợp này cũng chưa hợp tình, hợp lý, thể hiện việc đối xử thiếu bình đẳng giữa các công dân. 

Từ trước tới nay thực tế xã hội cho thấy đại đa số người dân khi tham gia mua bán bất động sản đều ghi giá trên hợp đồng công chứng thấp hơn giá mua bán thực tế. Mặt khác, căn cứ theo mức trốn thuế do cơ quan điều tra xác định, tôi nhận thấy đây là mức thấp, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi này không đáng kể ; mặt khác, trong quá trình điều tra, truy tố phía người bán đất đã xin nộp tiền khắc phục hậu quả rất nhiều lần để mong được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng không được cơ quan điều tra và viện kiểm sát chấp nhận cũng là một bấp cập".

Theo luật sư Trần Thành, điều luật quy định khi giá chuyển nhượng trong hợp đồng thấp hơn khung giá nhà nước thì áp dụng khung giá nhà nước. Như vậy phải hiểu rằng tất cả hợp đồng giá thấp đều phải áp thuế theo khung giá nhà nước định ra. 

Còn việc các bên không ghi đúng giá thỏa thuận trên hợp đồng mua bán có công chứng, đó là thỏa thuận dân sự đôi bên ; họ chỉ vi phạm pháp luật về thuế khi hai bên mua bán từ chối thực hiện nghĩa vụ thuế được áp khung giá nhà nước trong trường hợp này, khi ấy mới có thể gọi là trốn thuế. Và yêu cầu khởi tố hành vi trốn thuế đó phải đến từ bên có trách nhiệm 'áp thuế' là chi cục thuế Nha Trang.

"Tôi vẫn nghiêng về hướng chính quyền muốn ra đòn để răn đe tiếng nói phản biện. Hồ sơ vụ án cho biết chi cục thuế Nha Trang khai đã áp thuế ở vụ việc này theo bảng giá. Có nghĩa họ đã thu đủ và không có dấu hiệu phạm tội ở bên người có nghĩa vụ đóng thuế.

Nôm na, nói cho gọn thì kiểu thu thuế có áp giá là một kiểu ‘khoán thuế’. Người đóng thuế không chịu trách nhiệm về ‘giá thực tế’, như kiểu áp khoán thuế doanh thu cho các hộ kinh doanh nhỏ. Giờ nếu như vậy mà nói người đóng thuế đã ‘trốn thuế’, thì hóa ra đã khoán hớ, giờ muốn gỡ gạc bằng việc hình sự hóa à ?". Luật sư Trần Thành nhấn mạnh.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 12/11/2019

Published in Diễn đàn

Biến động nhân khẩu nhưng chính quyền địa phương không biết ?

Nguyễn Hồng Phúc, VNTB, 31/10/2019

Nhiều người hoạt động trong các hội đoàn dân sự, chỉ cần rời khỏi nhà là gần như nhân viên công lực biết ngay. Thế nhưng lại có rất nhiều thanh niên phải tha hương mưu sinh tận xứ người, lúc có chuyện xảy ra như vụ thảm cảnh container Anh quốc hôm 23/10, thì phía quản lý Việt Nam lại… ngơ ngác (!?)

hokhau0

Phải chăng các biến động nhân khẩu đã không được cập nhật trong cái gọi là ‘sổ hộ khẩu’ ? Hay đây là sự tắc trách của chính quyền địa phương ?

Sổ hộ khẩu đã 'hoàn thành sứ mệnh lịch sử' ?

Hình mẫu gốc của chế độ hộ khẩu ở Việt Nam là hệ thống hộ khẩu (âm Hán ngữ là hùkǒu) của Trung Quốc. Giống như ở Trung Quốc, hộ khẩu ở Việt Nam được sử dụng để quản lý kinh tế cũng như an ninh trật tự xã hội. 

Tại miền Bắc trước năm 1975, sự hiện diện đầu tiên của hệ thống hộ khẩu trong một văn bản pháp lý vào năm 1957 với Thông tư 495-TTg, ban hành nhằm hạn chế sự di chuyển của người dân từ các vùng nông thôn tới các thành phố Hà Nội và Hải Phòng thời chiến tranh.

Sau đó, hệ thống hộ khẩu được áp dụng chính thức toàn miền Bắc từ năm 1964 theo Nghị định 104-CP, trong đó đưa ra những tiêu chí cơ bản của hệ thống. Nghị định này được ban hành theo đề nghị của Bộ Công an, cơ quan chịu trách nhiệm thi hành, phản ánh tầm quan trọng của hệ thống này như một biện pháp đảm bảo an ninh của một quốc gia trong tình trạng chiến tranh.

Từ tháng 4/1975, chính sách quản lý dân cư bằng hộ khẩu được mở rộng trên toàn quốc, với lý do chính là thực thi chế độ kiểm soát từng hộ gia đình, bên trong có những ai và người này phải chịu trách nhiệm về người kia nên canh chừng lẫn nhau.

Hệ thống hộ khẩu gắn chặt với việc phân phối lương thực, đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm. Không có hộ khẩu đồng nghĩa với việc sống mà không có các quyền và các dịch vụ mà Nhà nước cung cấp cho công dân. Hầu như tất cả các quyền dân sự của một cá nhân chỉ có thể được đảm bảo với sự có mặt của hộ khẩu.

Sau khi nền kinh tế bao cấp bị bãi bỏ, đời sống của người dân vẫn bị đóng khung trong chế độ kiểm soát hộ khẩu, đưa tới sự hình thành của hai thành phần xã hội là người có hộ khẩu ở tại chỗ, và di dân không có hộ khẩu, hay còn được gọi là lao động nhập cư nếu may mắn thì được xét cấp loại hộ khẩu tạm, có ký hiệu từ KT1, KT2, KT3.

Qua vụ việc nghi vấn có người Việt Nam bị tử vong trong thảm nạn di dân trái phép tại Anh Quốc hôm 23/10, thì khi chính quyền các địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An đã lúng túng xác định danh sách những người dân có hộ khẩu ở địa phương, nhưng thực tế lại không có mặt tại nơi cư trú, cho thấy ngoài việc cần xem xét lại cung cách quản lý được chia theo ô khu phố lâu nay trên bản đồ hành chính địa phương của lực lượng cảnh sát khu vực, thì cái gốc ở đây là chuyện quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu dường như không còn thích hợp về quyền tự do cư trú được quy định ở Luật Cư trú.

Sao không áp dụng Luật Hộ tịch ?

"Nhà nước bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân phải bị xử lý nghiêm minh. Nhà nước có chính sách và biện pháp đồng bộ để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân" – Trích Điều 5. Bảo đảm điều kiện thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú, Luật Cư trú.

Như vậy về nguyên tắc thì tất cả người Việt Nam được quyền cư trú bất kỳ nơi nào trên đất nước của mình ; và nếu xuất cảnh hợp pháp, thì quyền cư trú đó của công dân Việt Nam tiếp tục nhận sự bảo hộ của luật pháp Việt Nam : "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế về quản lý cư trú phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế ; thực hiện điều ước quốc tế liên quan đến quản lý cư trú mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên" (Điều 7, Luật Cư trú).

Thực tế hiện nay từ vụ nghi vấn có nhiều người lao động Việt Nam bị thiệt mạng trong container tại Anh Quốc hôm 23-10, cho thấy cần đẩy nhanh việc thay đổi quản lý hành chính từ sổ hộ khẩu của Luật Cư trú, sang dữ liệu cá nhân được quy định tại Luật Hộ tịch.

Theo như quy định của Luật Hộ tịch, có hiệu lực vào đầu năm 2016, Chính phủ chịu trách nhiệm thiết lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số và thẻ căn cước công dân, với số căn cước được gắn với cơ sở dữ liệu này. 

Dữ liệu quốc gia với những thông tin cơ bản về mỗi cá nhân, bao gồm giới tính, dân tộc và tình trạng hôn nhân. Dữ liệu này cũng cung cấp thông tin nơi thường trú, cũng như nơi cư trú hiện tại.

Tuy nhiên ở đây cần có sự dung hòa của hai lập luận thường gặp, thứ nhất, khi các hệ thống lưu trữ thông tin cá nhân quá rộng, thường bị  những nhà hoạt động bảo vệ quyền tự do dân sự lo ngại, rằng thông tin này sẽ bị chính phủ hoặc các nhóm tội phạm lợi dụng. 

Thứ hai, chiều ngược lại, nhiều người ủng hộ cho rằng việc lưu trữ thông tin hộ gia đình, nơi cư trú... sẽ đơn giản hóa quá trình tiếp cận các thông tin cần thiết, phục vụ cho việc hoạch định chính sách.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 31/10/2019

*********************

Chế độ hộ khẩu vi phạm nhân quyền

Quang Nguyên, VNTB, 31/10/2019

Báo Tuổi Trẻ online ngày 26/10/2019 viết : "Sở Xây dựng đề xuất cần ít nhất 20m2 sàn nhà ở/người mới đủ điều kiện đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh) vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ...". Đề xuất này được nhiều quan chức Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình. Tiêu chuẩn 20m2 sàn nhà ở/người là chỉ tiêu về nhà ở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Người dân muốn đăng ký hộ khẩu thường trú vào Thành phố Hồ Chí Minh phải đáp ứng được tiêu chuẩn về chỗ ở trên. Nếu được chấp nhận, nó sẽ là một ‘bước tiến’ nữa của Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với nhà nước Việt Nam, vi phạm thêm quyền sống của công dân Việt Nam.

hokhau2

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền mà Việt Nam ký nhận tuân thủ viết :

Điều 13 : Mọi người có quyền tự do di trú bất cứ nơi đâu trong, ngoài nước.

Hiến Pháp Việt Nam viết :

Điều 22  Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

Điều 23  Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Cái gọi là ‘ Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định’, ngoài những ràng buộc về phía công an, từ cấp bộ, thành phố, tỉnh, quận, huyện cho đến xã có quyền nêu đủ lý do cấm người dân đến hay đi ra khỏi nước, khỏi địa phương, các thành phố có những quy định riêng kiểm soát, giới hạn tự do đi lại và cư trú của người dân. Cuốn sổ hộ khẩu ảnh hưởng tiêu cực đời sống người dân một cách toàn diện.

Hộ khẩu gắn chặt với việc phân phối lương thực, đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm. Người dân không có hộ khẩu không được huởng bất cứ dịch vụ và phúc lợi từ nhà nước như xin việc làm, chữa bệnh, học hành, mua nhu yếu phẩm gạo, thịt cá, dầu ăn, xăm lốp xe đạp, thậm chí việc thăm gia đình ở nơi khác cũng phụ thuộc vào hộ khẩu. Đi đâu phải xin phép tạm vắng, đến đâu cũng phải ra đồn công an xin phép tạm trú. Muốn làm gì cũng phải xin phép chính quyền, việc đầu tiên để được cho phép là phải có hộ khẩu. Toàn dân không khác gì những người bị quản chế sau khi ra tù, hay nói cách khác, qua chính sách hộ khẩu, cả nước là một nhà tù.

Tình trạng nhập hộ khẩu càng ngày càng bị thắt chặt hơn.

Lịch sử quản lý con người  qua chính sách hộ khẩu của chính quyền Việt Nam  tóm tắt như sau.

Kể từ khi kiểm soát được một phần lãnh thổ, chính quyền kháng chiến Việt Minh đã có chính sách kiểm soát sự đi lại và cư trú của người dân. Sau 1954, khi kiểm soát được miền Bắc, những nghị định, thông tư của thủ tướng chính phủ lần lượt bắt người dân vào ‘nề nếp’ bằng hộ khẩu, rập khuôn theo Trung quốc.

Thông tư 495TTg ngày 23/10/1957 : Chính phủ hướng dẫn dùng mọi cách hạn chế người nông thôn nhập cư, sống, tìm việc làm ở các thành phố Hà Nội và Hải Phòng sau khi Uỷ ban hành chính Hà Nội và Hải Phòng báo cáo "trong năm 1956, hai thành phố đã ‘vận động’ được một số đông đồng bào có quê quán ở nông thôn về địa phương tham gia sản xuất nông nghiệp".

Hệ thống hộ khẩu được áp dụng chặt chẽ từ năm 1964. Nghị định 104-CP của Hội Đồng Chính Phủ ngày 27 tháng 6, 1964 theo đề nghị của bộ công an, ban hành điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu. Hộ khẩu được áp dụng như một biện pháp "Để tăng cường việc giữ gìn trật tự trị an xã hội". Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu qua nghị định này cho thấy sự di chuyển, cư trú của từng người dân , kể cả người chết, bị nhà nước quản lý vô cùng nghiêm ngặt. Mỗi người dân được đăng ký là nhân khẩu thường trú tại một và chỉ một hộ gia đình, một địa chỉ và việc di chuyển chỉ được phép khi có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Cả nước trở thành một trại tù, cái xiềng nối mọi người là tờ hộ khẩu. 

Nghị định 31/2014/ND-CP ngày 04/18/2014 quy định về việc thực hiện Luật Cư trú. Để đăng ký hộ khẩu thường trú, một người phải có thời gian sống tạm trú trong một năm (khi đăng ký mới ở các huyện), và hai năm (khi đăng ký mới vào các quận nội thành).

Chính sách hộ khẩu vi phạm nhân quyền, ảnh huởng vào đời sống của mỗi cá nhân, tồi tệ nhất là người dân nông thôn và các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Thông tư 495TTg ngày 23/10/1957 viết rõ ràng "VỀ VIỆC HẠN CHẾ ĐỒNG BÀO Ở NÔNG THÔN RA THÀNH PHỐ" ; người nông dân bị phân biệt đối xử một cách công khai. Các nghị định, thông tư quy định di trú, tạm trú, tạm vắng , nhập khẩu sau này không ghi những cấm cản đối với người dân nông thôn , nhưng thủ tục nhập khẩu thành phố là những trở ngại cho người dân quê, đương nhiên gồm cả dân tộc thiểu số muốn vào thành phố. Báo cáo của World Bank về Việt Nam năm 2017 cho biết chỉ 1% người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thành phố.

Bị lên án nhiều về vi phạm nhân quyền xuyên qua chế độ hộ khẩu, đồng thời nhận ra được tình trạng này ngăn cản phát triển kinh tế, ngày 30/10/2017, Việt Nam loan báo bỏ thủ tục cấp sổ hộ khẩu. Các quan chức chính phủ nói trong khi chờ giải quyết dứt điểm sổ hộ khẩu bằng các bước thay thế, chế độ hộ khẩu được nới lỏng dần dần. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vây. Bài viết của báo Tuổi Trẻ là bằng chức rõ nhất cho thấy chính quyền, từ trung ương đến địa phương vẫn muốn can thiệp vào quyền cư trú của người dân. Hà Nội quy định chỗ ở của người tạm trú phải là 15m2/người và phải có hộ khẩu tạm trú 3 năm. Thành phố Hồ Chí Minh ra điều kiện người muốn xin thường trú phải có hộ khẩu tạm trú ít nhất 2 năm và có một chỗ ở hợp pháp đủ 20m2 cho mỗi người trong hộ. Báo Tuổi Trẻ viết :".. người muốn nhập hộ khẩu vào Thành phố Hồ Chí Minh phải có diện tích nhà, căn hộ (của mình hoặc người thân, hoặc thuê, ở nhờ…) ít nhất 20m2 sàn nhà ở/người trở lên". Chính quyền quàng ách hộ khẩu lên cổ người dân, xiết chặt việc nhập cư thành phố hơn nữa. Một gia đình 4 người, vợ chồng và hai con nhỏ, muốn nhập hộ khẩu phải có một nơi cư trú rộng đến 80m2, phải trả tiền thuê nhà mỗi tháng hơn chục triệu. Chuyện hoang đường đối với các gia đình lao động. Trong thành phố hơn chục triệu dân, ít gia đình khá giả ở Sàigon hiện nay có chỗ ở khoảng 80m2 cho 4 người, và cũng hiếm gia đình 4 người kiếm được vài chục triệu một tháng để đủ tiền trả tiền nhà và sinh hoạt.

Ngoài những thủ tục gây khó khăn về nhập cư, thường trú, chính quyền dành cho họ quyền xâm phạm nơi cư trú của người dân bất cứ lúc nào. Ngày 08/04/2019 trang web. luatleVN viết 8 điểm cần lưu ý năm 2019, "cảnh sát khu vực được quyền kiểm tra cư trú bất cứ lúc nào".

Các quy định về hộ khẩu của chính quyền Việt Nam xâm phạm quyền tự do cư trú, tự do đi lại, quyền an sinh xã hội, quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa của công dân.

Chính sách hộ khẩu được thiết lập từ những chế độ cai trị khắc nghiệt Trung Hoa thời Chu hàng 3 ngàn năm trước để bắt lính, đánh thuế, quản lý dân. Các nước cộng sản Trung Hoa, Liên Xô, Bắc Hàn, Mông cổ, Việt Nam học lại, thêm vào những quy định ngặt nghèo, tinh vi hơn. Sau khi Liên Xô tan rã, tòa án Nga phán quyết bãi bỏ chính sách hộ khẩu vi hiến, vi phạm nhân quyền. Các nước cộng sản Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn vẫn giữ.

Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ bỏ sổ hộ khẩu từ 2017, nhưng Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định chỉ bỏ tờ giấy gọi là sổ hộ khẩu, không bỏ quản lý. Đến nay sau hai năm tuyên bố bãi bỏ, thủ tục cho phép nhập hộ khẩu thành phố còn khó khăn hơn.

Chính phủ Việt Nam quản lý người dân qua sổ hộ khẩu từ hơn nửa thế kỷ, nhiều người sinh ra tên nằm trong hộ khẩu, đến chết cũng chưa được giải thoát khỏi cuốn sổ cực kỳ quan trọng trói buộc cuộc sống và chỗ chôn họ. Chế độ kiểm soát người dân qua sổ hộ khẩu vi phạm trầm trọng nhân quyền, nhưng nhiều người dân Việt Nam sinh ra đã thấy tên mình trong sổ hộ khẩu, cảm thấy an tâm, thậm chí hãnh diện có tên trong một hộ khẩu thành phố nào đó, được chính phủ cho sống như thế nào ‘vui vẻ’ chấp nhận như thế, chịu khuất phục trong cái ách hộ khẩu một cách tự nhiên, thấy nó như một phần cơ thể bẩm sinh của mình mà không biết mình đã bị tước bỏ quyền sống của một con người với đầy đủ nhân phẩm.

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 31/10/2019

Tham khảo :

http://documents.worldbank.org/curated/en/644471467996650491/pdf/106381-VIETNAMESE-P132640-PUBLIC.pdf

https://tuoitre.vn/dieu-kien-nhap-ho-khau-tp-hcm-can-20m2-nha-nguoi-20191026082550413.htm

Published in Diễn đàn

Cà phê cuối tuần bên bờ sông Châu Đốc : vì sao chính quyền ‘không ưa’ Hòa Hảo ?

Đoạn ngã ba sông Châu Đốc có công viên với tượng cặp cá Ba Sa, nên người dân quen gọi đây là công viên cá Ba Sa thay cho cái tên 30 tháng Tư. 

chaudoc0

Quán cà phê bên bờ sông Châu Đốc - Ảnh minh họa 

Cà phê cuối tuần với bè bạn ở công viên cá Ba Sa nhân dịp có chuyến công tác bên xứ lụa Tân Châu, sau câu chuyện thời sự thảm buồn về những người con sinh ra và lớn lên trong môi trường miền Bắc xã hội chủ nghĩa, lại vẫn chấp nhận chối bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để tìm một quê hương mới, và trên con đường đó họ đã bỏ xác xứ người ; người viết đã liên tưởng và nêu một thắc mắc mà người Châu Đốc nói rằng, ‘hỏi vậy dễ bị công an gửi thư mời’, đó là vì sao chính quyền có vẻ ‘thù ghét’ một số tín đồ theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, và những tín đồ này vẫn kiên trì không chấp nhận sự thỏa hiệp, bất chấp mọi đe dọa bị đập phá chén cơm, manh áo ?

Xin lược ghi về buổi hội luận ‘bỏ túi’ chủ đề được coi là nhạy cảm đó.

----------------

Lơ lửng chiếc mũ… phản động (!?)

Ở miền Tây, người ta gọi tắt người theo tín ngưỡng Phật giáo Hòa Hảo, là ‘theo đạo Hòa Hảo’. Sau tháng tư năm 1975, chính quyền đến từ Hà Nội buộc các tôn giáo chỉ được hoạt động khi có quyết định bằng văn bản hành chính do nhà nước cấp.

chaudoc2

Ở miền Tây, người ta gọi tắt người theo tín ngưỡng Phật giáo Hòa Hảo, là ‘theo đạo Hòa Hảo’.

Mãi đến năm 1999, một số nhà lãnh đạo của Phật giáo Hòa Hảo thuận theo yêu cầu của chính quyền, với các giới hạn trong nghi thức cử hành tôn giáo, bày trí thờ phượng ở đạo tràng ; đặc biệt là phải biết luôn tuân thủ theo đường lối của đảng cộng sản đặt ra. Vậy là ra đời một nhóm nhà lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo gọi là Ban Trị sự Trung ương, đặt trụ sở làm việc tại An Hòa Tự, nơi được coi là Thánh tích của Phật giáo Hòa Hảo.

Nhiều lãnh đạo các tôn giáo ở miền Nam, trong đó có Hòa Hảo không đồng ý việc đảng cộng sản can thiệp vào nội bộ hoạt động tôn giáo. Vậy là nhiều người bị tù đày. Đạo Hòa Hảo bị chia năm xẻ bảy thành nhiều nhóm/ tổ chức với các tên gọi như Phật giáo Hòa Hảo truyền thống, Phật giáo Hòa Hảo độc lập, Phật giáo Hòa Hảo chân truyền…

Những tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo chân truyền có một nơi tạm coi như ‘ngôi nhà chung’, đó là Quang Minh tự, ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Khách hành hương lần đầu tìm đến đây, chỉ cần hỏi thăm ‘chùa có ông thầy mổ bụng phản đối cộng sản đàn áp Hòa Hảo’ thì sẽ được chỉ dẫn tận tình ; hoặc có thể bị ‘xét giấy tờ’, thậm chí cả việc 'áp giải rời khỏi' An Giang nếu hỏi nhằm người của chính quyền.

Họ đều là người tốt !

Ông Tư Em, một tín đồ Hòa Hảo nói rằng sự khác biệt dễ thấy nhứt giữa Hòa Hảo ‘quốc doanh’ với các nhóm Hòa Hảo khác, có lẽ là ở chuyện về cúng lễ. 

"Tín đồ Hòa Hảo quốc doanh không được phép cử hành lễ 25 tháng Hai (âm lịch) kỷ niệm ngày Đức Thầy thọ nạn tại Đốc Vàng. Hai lễ 18 tháng 5 là lễ Đức Thầy Khai sáng nền Đạo Phật giáo Hòa Hảo, và lễ 25 tháng 11 là lễ Đản Sanh Đức Thầy, thì các tín đồ Hòa Hảo không nằm trong tổ chức quốc doanh, nếu cùng tụ tập tại đạo tràng để tiến hành lễ thì luôn bị chính quyền gây khó dễ.

Điểm chung ở các hoạt động của tín đồ Hòa Hảo là luôn biết làm những công việc từ thiện, như bốc thuốc Nam miễn phí, đặc biệt có nhiều tín đồ bỏ tiền túi ra mua xe hơi để chở các bệnh nhân hoàn toàn miễn phí". Ông Tư Em kể.

Nhà báo Phan Thị Tuyết Hạnh đến từ Phú Tân, dè dặt góp chuyện rằng trước 1975, Phật giáo Hòa Hảo cũng bị phân hóa, có lúc tới 3 ban trị sự trung ương cùng hoạt động cho đến tháng tư năm 1975. 

"Dù phân hóa, Phật giáo Hòa Hảo tiếp tục phát triển vào thời Đệ Nhị Cộng Hòa, trong đó một sự kiện lớn là việc thành lập Viện Đại học Hòa Hảo năm 1972 ở Long Xuyên. 

Tính đến thời điểm tháng tư, 1975 các nhóm Hòa Hảo điều hành tổng cộng sáu trường trung học phổ thông, một viện đại học và hai bệnh viện. Tất cả những cơ sở này sau đó đều bị chính quyền đến từ Hà Nội chiếm giữ, quốc hữu hóa". Nhà báo Tuyết Hạnh kể.

Theo bà Hạnh, nếu như chính thể Việt Nam Cộng hòa thời chiến tranh đã chấp nhận 3 ban trị sự trung ương đó của cùng Phật giáo Hòa Hảo, thì vào thời bình, chính quyền sao lại ngăn cản về quyền tự do chọn lựa tham gia vào các tổ chức khác nhau trong cùng một tôn giáo ?. 

Kiến trúc sư Nguyễn Thị Lan, người đến từ Sài Gòn nói rằng bà là Phật tử, bà nhận thấy có lẽ chính quyền ‘không ưa’ một số nhóm Phật giáo Hòa Hảo ở chỗ là thay vì chỉ ‘tu nhân’ với ‘tứ trọng ân’ là ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào ; thì người theo đạo Hòa Hảo ‘quốc doanh’, cần phải biết đến ‘ân thứ năm’, đó là ‘ơn đảng’. 

"Không chấp nhận ‘ơn đảng’ thì đảng ghét. Vậy thôi !". Bà Nguyễn Thị Lan nhận xét ngắn gọn. [xem thêm *]

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 27/10/2019

Chú thích :

[*] http://www.vietnamthoibao.org/2019/10/vntb-vi-sao-viec-lam-moi-chua-hoa-bi.html

Published in Văn hóa

Tài khoản facebook của bà Đoàn Kim Khánh, sáng ngày 13-10 có đăng thông báo về khởi kiện trại giam số 4, Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh về việc một số người tạm giam ở đây bị vi phạm một số quyền theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam [1].

tamgiam1

Thông báo gửi đến ai và nói gì ?

Trích nội dung của thông báo (có sửa lỗi chính tả) : "Chúng tôi tên là : 1. Huỳnh Thị Kim Nga, là vợ ông Ngô Văn Dũng. 2. Đoàn Thị Khánh, là chị gái của Đoàn Thị Hồng. 3. Lê Thị Khanh, là vợ ông Trần Thanh Phương. 4. Đỗ Thị Bé, là vợ ông Hồ Đình Cương. 5. Lê Văn Định, là chồng của Hoàng Thị Thu Vang.

Kính thưa : 1. Cộng đồng mạng ; 2. Các tổ chức xã hội dân sự ; 3. Các tổ chức nhân quyền quốc tế ; 4. Amnetsty International ; 5. Cao ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc ; 6. Các tổ chức, cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế.

Nay chúng tôi cùng đưa ra thông báo này, kính thông báo đến quý vị rằng, chúng tôi tiếp tục nộp đơn khởi kiện công an trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, đã liên tục, cố tình vi phạm hiến pháp và vi phạm luật thi hành tạm giữ, tạm giam trong suốt quá trình giam giữ thân nhân của chúng tôi.

Họ nhân danh thực thi công vụ, nhân danh thừa hành pháp luật để bắt giam, ngăn chặn thân nhân chúng tôi, nhưng chính họ lại thực hiện những hành vi vi hiến và vi phạm pháp luật nghiêm trọng ! (…)

Chúng tôi kính mong cộng đồng và các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm, ủng hộ và đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc chiến pháp lý vì công lý này". Hết trích.

Thông báo trên tài khoản Đoàn Kim Khánh không ghi cụ thể là các cá nhân đang bị tạm giam hình sự ở địa chỉ số 4 Phan Đăng Lưu, Thành phố Hồ Chí Minh đã bị vi phạm những quyền gì trong thủ tục tố tụng hình sự về Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Quyền thăm, gửi của người bị tạm giam bị vi phạm ?

Trong thông báo ở tài khoản bà Đoàn Kim Khánh có viện dẫn Điều 9 "Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam" của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Như vậy, nhiều khả năng một trong số các quyền ở điều luật này đang bị xâm hại mà nhóm thân nhân cùng đứng tên trong bản thông báo trên trang facebook của bà Khánh, làm căn cứ pháp lý cho việc khiếu nại và khởi kiện.

Người viết chưa liên lạc được với bà Đoàn Kim Khánh, do đó các phân tích tiếp theo đây là những tình huống mang tính giả định từ căn cứ pháp lý là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Theo Điều 19 "Chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam", thì người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.

Trong trường hợp người thân ở thông báo của bà Đoàn Kim Khánh bị cản trở quyền gặp thân nhân đang bị tạm giam ở số 4, Phan Đăng Lưu (Thành phố Hồ Chí Minh), cần xem xét tiếp quy định tại Khoản 4, Điều 22 "Việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam". 

Theo đó, các khả năng có thể đang xảy ra : Cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án ; Người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác ; Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên ; Người bị tạm giam đang bị kỷ luật ở buồng cách ly.

Vấn đề cần làm rõ trong nội dung thông báo ở tài khoản của bà Đoàn Kim Khánh, là người thân của nhóm đứng tên trong thông báo, có thuộc trường hợp chịu sự chế tài được quy định tại Điều 5.2 "Các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân" của Thông tư số 34/2017/TT-BCA quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân ; nhận quà ; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu.

"Khi bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho cơ sở giam giữ hoặc khi tiếp nhận hồ sơ hoặc khi có yêu cầu thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải có ý kiến ngay bằng văn bản đề nghị không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, nêu rõ lý do, thời hạn không cho thăm gặp ; cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ biết khi đến thăm gặp". (Điều 5.2, Thông tư số 34/2017/TT-BCA).

Những cản trở có thể từ cảm tính của cơ quan an ninh điều tra

Số 4 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là địa chỉ của Cơ quan An ninh điều tra thuộc Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Trại giam ở số 4 Phan Đăng Lưu nổi tiếng là nơi giam giữ các lãnh tụ tôn giáo miền Nam sau năm 1975 không chấp nhận chính quyền đến từ miền Bắc, các nhà tư bản, các chủ xí nghiệp, các phong trào phục quốc, cứu quốc, những văn nghệ sĩ miền Nam và kể cả các tổ chức vượt biên.

Những người bị cáo buộc trong nhóm hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, giai đoạn điều tra thường được giam giữ ở số 4 Phan Đăng Lưu.

Trở lại với nội dung của thông báo trên trang facebook tài khoản Đoàn Kim Khánh. Việc bị hạn chế quyền thăm gặp thân nhân của những người bị giam giữ là Ngô Văn Dũng, Đoàn Thị Hồng, Trần Thanh Phương, Hồ Đình Cương, Hoàng Thị Thu Vang, rất có thể xuất phát từ cảm tính của một số cán bộ tại trại giam.

Thông tư số 34/2017/TT-BCA có một điều khoản mà nội dung dễ dẫn tới sự tùy tiện theo cảm tính của cán cán bộ trại giam : "Người đến thăm gặp và người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải chấp hành đúng Nội quy cơ sở giam giữ, quy định về thăm gặp và thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp ; có thái độ văn minh, lịch sự, trang phục gọn gàng, sạch sẽ. Trường hợp vi phạm sẽ bị nhắc nhở hoặc đình chỉ việc thăm gặp". (Điều 8. Trách nhiệm của người đến thăm gặp và người bị tạm giữ, người bị tạm giam).

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, có Chương IX "Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam". Theo đó, pháp luật bảo hộ quyền được khiếu nại, tố cáo của thân nhân các ông bà : 1. Huỳnh Thị Kim Nga, là vợ ông Ngô Văn Dũng. 2. Đoàn Thị Khánh, là chị gái của Đoàn Thị Hồng. 3. Lê Thị Khanh, là vợ ông Trần Thanh Phương. 4. Đỗ Thị Bé, là vợ ông Hồ Đình Cương. 5. Lê Văn Định, là chồng của Hoàng Thị Thu Vang.

Người viết không có dữ liệu liên quan từ nội dung vụ việc nêu trong thông báo ở tài khoản facebook Đoàn Kim Khánh, nên không thể luận bàn về Chương IX, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 14/10/2019

(1) http://bit.ly/2M8yRdv

Published in Diễn đàn

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân : 'Không có chuyện khóa mới xới chuyện kỷ luật khóa cũ'.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phân trần như vậy tại Hội nghị lần thứ 32 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X nhiệm kỳ 2015-2020, chiều 2/10.

nhan1

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân : 'Thanh tra Chính phủ kết luận 5 khu phố nằm trong ranh giới

Ông Nhân nói rằng Ban chấp hành khóa này chỉ bàn những vấn đề đang đặt ra của cuộc sống, từ Thủ Thiêm, ngập nước, chuẩn bị đại hội...

Nguyễn Thiện Nhân chống Trần Quốc Vượng ?

Như vậy xem ra Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, công khai ra mặt về việc sẽ không có bất kỳ truy cứu trách nhiệm nào theo yêu cầu của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, "Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận ; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này" (1).

Ông Lê Thanh Hải là người của khóa cũ, và cũng từng là ‘quan thầy’ trực tiếp của ông Nhân, nên ông Nhân sẽ ‘không chấp’ những sai phạm của vị tiền nhiệm ấy. Xem ra mai đây nếu ông Lê Thanh Hải có xui rủi xộ khám giống như Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín…, thì đó không hề dính dáng gì đến đương kim bí thư Nguyễn Thiện Nhân.

Và nếu đúng như tuyên bố nói trên tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 32 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X nhiệm kỳ 2015-2020, thì bí thư Nguyễn Thiện Nhân đang đứng trước đe dọa cáo buộc chống quy định của Đảng.

Hiện tại thì đúng là đảng viên Lê Thanh Hải chưa nhận bất kỳ kết luận về vi phạm pháp luật, song Lê Thanh Hải đã góp phần trong việc làm giảm uy tín của tổ chức đảng, đồng thời Lê Thanh Hải còn gây mất lòng tin trong nhân dân về khả năng vận hành bộ máy kỹ trị quốc gia của đảng cộng sản Việt Nam. 

Do đó, nếu thực sự ông Nguyễn Thiện Nhân toàn tâm, toàn ý phụng sự Đảng, thì ông hiểu cần chủ động ra sao trong xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật của đảng viên như Lê Thanh Hải, như Tất Thành Cang và cả những Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân… là đang hết sức cần thiết trong bối cảnh Đảng đang chịu quá nhiều tai tiếng về nhân sự, về cát cứ như thời ‘loạn sứ quân’ ngay trong chính nội bộ của đảng cầm quyền.

Đảng quy định gì về chuyện trị những đảng viên như Lê Thanh Hải ?

Dàn tham mưu cho bí thư Nguyễn Thiện Nhân chắc chắn nắm rất rõ, "Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận ; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước". Đây là những nội dung được nêu tại khoản 2 Điều 1 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. 

Theo đó, Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW ngày 22/3/2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 cũng nêu rõ tại khoản 2 Điều 1 Quy định này là : Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu và đã chuyển sinh hoạt đảng mới phát hiện có vi phạm ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của các tổ chức đảng đó xem xét, xử lý theo quy định.

Trong trường hợp cụ thể đảng viên Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì theo Khoản 5 Điều 2 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 : Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ".

Nội dung này Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW ngày 22/3/2018 nêu : Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên khi phát hiện đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không được giữ lại để xử lý nội bộ. Đảng viên vi phạm pháp luật đang bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền thụ lý theo quy định của pháp luật, thì tổ chức đảng không được can thiệp để đảng viên chỉ bị xử lý kỷ luật về Đảng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý về chính quyền, đoàn thể.

Ai dám nói Hải – Quân – Đua – Tài ‘ăn đất’ Thủ Thiêm ?

Các diễn biến trong những ngày gần đây cho thấy vụ việc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm liên quan đến các tố cáo sai phạm của Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang, Lê Hoàng Quân sẽ được bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân hóa giải theo hướng hòa cả làng, không ai sai phạm cả.

"Bí thư Nguyễn Thiện Nhân : 'Thanh tra Chính phủ kết luận 5 khu phố nằm trong ranh giới'" là tựa bài báo trên tờ Infonet, chuyên trang của báo điện tử Vietnamnet thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, phát hành lúc 20 :39 ngày 01/10/2019.

"Thông tin trên được người đứng đầu Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết bên lề một cuộc họp diễn ra ngày 1/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nhân cũng cho biết, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không làm lại chính sách cho khu vực này". Bài báo viết, và tường thuật rằng, "Mình mở bản đồ Thủ Thiêm ra sẽ thấy, 5 khu phố hoàn toàn không nằm giáp ranh mà nằm ở trong. Không có cơ sở nhưng người dân thắc mắc thì mình phải trả lời, còn kết luận đã nói rõ rồi" – ông Nhân cho hay. 

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, kế hoạch bồi thường cho khu vực này đã làm từ lâu và hiện đã xong. "Chính sách đã công bố rồi và không làm lại nữa" – ông Nhân khẳng định (2).

Như vậy thêm một lần nữa ở vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, người dân đã sai, chính quyền luôn đúng.

Dĩ nhiên người dân Thủ Thiêm không đồng ý với kết luận kiểu "Mình mở bản đồ Thủ Thiêm ra sẽ thấy…" của ông Nguyễn Thiện Nhân, vì người dân cũng mở bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm với các con dấu và những chữ ký xác lập tính hợp pháp, lại cho thấy là "5 khu phố ngoài ranh". Hồ sơ chuyện trong – ngoài ranh này, thì báo chí đã đăng rất nhiều bài, và trục phe nhóm của Hải – Quân – Đua – Tài cũng được hồ sơ xác định rõ về chứng cứ sai phạm pháp lý.

Có ý kiến, ngay cả đất đai khu "Vườn rau Lộc Hưng" ở quận Tân Bình vào năm 2018, mà bí thư Nguyễn Thiện Nhân vẫn làm ngơ cho chính quyền dẫm đạp lên pháp luật để cướp trắng trợn giữa ban ngày, cận kề ngày tết cổ truyền, thì sá gì chuyện Thủ Thiêm dằng dai cả hai mươi năm qua với dích dắc hồ sơ pháp lý.

Có lẽ bí thư Nguyễn Thiện Nhân hiểu rõ lời dân gian về ‘chân mình thì lấm mê mê’, nên ông ấy không dám cầm nghị quyết Đảng mà rê chân Hai Nhựt, Ba Đua, Hai Quân... (!?)

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 04/10/2019

(1) Trích Điều 2, Quy định 102-QĐ/TW, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 15/11/2017

(2) http://bit.ly/2oKn0cc

Published in Diễn đàn
lundi, 02 septembre 2019 05:53

Chuyện nợ phải trả của Hà Nội

Mặc dù Hà Nội từng rêu rao đã đánh bại Mỹ trên chiến trường miền Nam, nhưng sau đó thì dường như Việt Nam đã đầu hàng chủ quyền kinh tế trước kẻ thù lẫn đồng minh thời chiến trước đây của mình. Bởi Hà Nội còn phải trả khoản nợ cho người Nga về ‘món nợ thời Liên Xô cũ’. Chủ nợ trong vai trò đồng minh còn có Trung Quốc – anh cả đỏ của Hà Nội ; và cả chuyện trả nợ cho người Mỹ.

no1

Có một bài viết hôm 31/8 trên trang Việt Nam Thời Báo đề cập khoản nợ về "Trái phiếu cải cách điền địa" do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa phát hành, và sau tháng tư năm 1975, phía Hà Nội vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ hoàn trả (1).

Số nợ này càng khủng khiếp hơn nữa, nếu như công chúng được tường tận về những khoản nợ khác lớn hơn nhiều, tương tự như vụ người dân Mỹ đang muốn nhờ tổng thống của họ níu áo đòi Bắc Kinh trả nợ 1.000 tỷ USD trái phiếu thời nhà Thanh. Đó là các khoản nợ mà Hà Nội đã cam kết tại Câu lạc bộ Paris nơi quy tụ các chính phủ chủ nợ và Câu lạc bộ London quy tụ các công ty chủ nợ [2].

Bài báo có tựa "Hanoi Agrees to Pay Saigon's Debts to U.S". của David E. Sanger đăng trên tờ The New York Times, phát hành ngày 11/3/1997 (3) cho biết Hà Nội và Washington đã ngồi cùng nhau bàn bạc về các khoản nợ cũ của miền Nam Việt Nam. Những khoản nợ này trước đây Việt Nam Cộng Hòa mượn của Mỹ để sửa chữa đường phố, xây dựng nhà máy điện, và vận chuyển ngũ cốc trong thời chiến.

Vào ngày 7/4/1997, Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ phát đi Thông cáo báo chí "United states and Vietnam sign debt agreement", trong đó có đoạn (tạm dịch) : "Bộ Trưởng Tài chánh Robert E. Rubin và Bộ Trưởng Tài chánh Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đồng ý trong ngày hôm nay rằng : Việt Nam sẽ hoàn trả cho Hoa Kỳ khoảng $145 triệu Mỹ kim nợ kinh tế, do Việt Nam Cộng Hòa vay mượn. Khoản "tiền trả lần đầu" hơn $8,5 triệu Mỹ kim lãi suất sẽ đáo hạn trong vòng 30 ngày, kể từ ngày ký hiệp định" (4).

Phần kết của Thông cáo báo chí viết (tạm dịch) : "Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bao gồm toàn bộ số tiền nợ kinh tế đối với Hoa Kỳ. Các khoản vay liên quan được Hoa Kỳ thực hiện theo những điều khoản ưu đãi từ năm 1960 đến năm 1975, nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, tài trợ việc nhập cảng nông sản cũng như các hàng hóa khác của Việt Nam. Ngoài ra, Hoa Kỳ gia hạn cho [Việt Nam] khoản nợ 1 tỷ mỹ kim hỗ trợ tài chánh trong cùng thời điểm [nói trên].

Các khoản thanh toán thông thường theo hiệp định sẽ bắt đầu từ tháng Bảy, kéo dài đến năm 2019".

Đề cập về vấn đề nợ này, bài báo "Ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam ?" của Michel Chossudovsky, đăng trên Tạp chí Hòa bình, ngày 15 tháng 7 năm 1994 (5), có viết rằng :

"Vietnam Pays War Reparations. Prior to the "normalization" of relations with Washington, Hanoi was compelled to foot the bill of the bad debts incurred by the U.S.-backed Saigon regime. At the donor conference held in Paris in November 1993, a total of nearly $2 billion of loans and aid money was generously pledged in support of Vietnam’s free market reforms". 

Dịch thoáng cho đoạn Anh ngữ trên, là trước khi ‘bình thường hóa’ quan hệ với Washington, Hà Nội buộc phải trả các khoản nợ không đòi được, phát sinh từ chế độ Sài Gòn do Mỹ hậu thuẫn. Tại hội nghị tài trợ tổ chức tại Paris vào tháng 11 năm 1993, tổng cộng gần 2 tỷ USD các khoản vay và viện trợ đã được hứa hẹn để hỗ trợ các cải cách thị trường tự do của Việt Nam. 

Cũng theo bài báo của Michel Chossudovsky thì các thỏa thuận đã ký kết với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (đã được công khai) phần lớn là tượng trưng. Số lượng không đáng kể : Hà Nội buộc phải trả cho IMF 140 triệu USD (thuộc sở hữu của chính quyền Sài Gòn không còn tồn tại) như một điều kiện để nối lại các khoản vay mới. Nhật Bản và Pháp, những người chủ thuộc địa cũ của Việt Nam giai đoạn hình thành cái gọi là Ủy ban "Những người bạn của Việt Nam" nhằm giúp Hà Nội vay số tiền cần thiết để trả cho IMF. 

Từ góc nhìn về các khoản nợ khổng lồ liên quan cuộc nội chiến tương tàn mà miền Bắc đã gây ra cho miền Nam, để rồi mặc dù chiến thắng cuối cùng thuộc Hà Nội, song lại đưa đến một Việt Nam phải phụ thuộc vào quá nhiều chủ nợ của cả hai phe địch – đồng minh.

Chuyến công du sang Mỹ sắp tới đây của ông Nguyễn Phú Trọng liệu có giúp Việt Nam tìm kiếm được đồng minh bền vững cho công cuộc tái thiết đất nước sau gần 45 năm tuy gọi là thống nhất địa lý, nhưng lòng người thì vẫn ngổn ngang… 

Nguyễn Hồng Phúc

Nguôn : VNTB, 02/09/2019

Chú thích :

(1) [http://www.vietnamthoibao.org/2019/09/vntb-mon-no-khong-lo-cua-ha-noi.html]

(2) Về khoản nợ Việt Nam phải trả Hoa Kỳ, báo chí ghi nhận khác nhau : New York Times ghi khoảng 140 triệu Mỹ kim. Washington Post ghi khoảng 145 triệu Mỹ kim. Seattle Times ghi khoảng 146 triệu Mỹ kim. Thông báo của Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ ghi khoảng 145 triệu Mỹ kim.

Tham khảo liên quan về chuyện nợ này từ clip của AP : 

https://www.youtube.com/watch?v=q9hiHrF1mkM ; https://www.youtube.com/watch?v=wLL3JRt38N8

(3) https://www.nytimes.com/1997/03/11/world/hanoi-agrees-to-pay-saigon-s-debts-to-us.html?fbclid=IwAR0cF3oPw-dk1VNjdalUn2Lcl28aspUecVKdH7CgxtnbxvdzY0mx4V8ok50

(4) https://www.treasury.gov/press-center/press-releases/Pages/rr1587.aspx?fbclid=IwAR1I0kuIqAln-b4JFY9nciEGDt0lJd849D9aQwJcCY1hkDLVEYtnb5CnpOU

(5) https://www.globalresearch.ca/who-won-the-vietnam-war-2/172

Published in Diễn đàn

"Bởi nhà nước Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa, vai trò của nhà nước ắt phải lớn hơn các nước tư bản chủ nghĩa. Bản chất của chính thể xã hội chủ nghĩa là coi trọng phúc lợi, an sinh xã hội, quyền của người lao động, những người dễ tổn thương trong xã hội trước sự đe dọa của bóc lột tư bản chủ nghĩa và chênh lệch giàu nghèo".

Quan điểm nêu trên là của ông Hirota Fushihara, tiến sĩ luật thực hành (J.D), chuyên gia pháp lý người Nhật đang sống và làm việc ở Sài Gòn.

thatbai1

Ở Việt Nam, chỉ có người dân là ‘lãnh đủ’ từ thất bại (!?)

‘Thất bại của thị trường’ là một thuật ngữ kinh tế học, miêu tả tình trạng thị trường không phân bổ thật hiệu quả các nguồn lực. Các nhà kinh tế chính thức sử dụng thuật ngữ này từ năm 1958. Còn ‘thất bại nhà nước’ có thể xuất hiện dưới dạng các dự thảo, văn bản quy phạm pháp luật, chính sách không phù hợp, các quyết định gây lệch lạc các mối quan hệ trong nền kinh tế, hay những chính sách đã được ban hành đúng đắn nhưng không được thực hiện hay thực hiện không đầy đủ, thực hiện sai.

‘Thất bại nhà nước’ cũng có thể đến do động cơ vụ lợi hay sự thiếu hiểu biết của những người có thẩm quyền ban hành chính sách ; những quyền lực chính trị hay sự vận động hành lang của các nhóm đặc quyền đặc lợi làm thay đổi sự liêm chính của chính sách công ; năng lực kém của các cơ quan xây dựng, ban hành và thực thi chính sách ; tầm nhìn ngắn hạn của các cơ quan liên quan khi tác động, hay người tham gia xây dựng chính sách.

Còn với ông Hirota Fushihara, thì cách hiểu như phần trích ở đoạn mở đầu bài viết về "thất bại thị trường và thất bại nhà nước", đưa đến cảm giác ẩn chứa nhiều vẻ mỉa mai đối với người Việt, khi chỉ cần xét mỗi chuyện bệnh viện công lập tại Việt Nam đang dần hướng đến việc ‘luật hóa’ trong phân biệt chữa trị giữa bệnh nhân nghèo khó – bệnh nhân giàu có, như tác giả Minh Châu đề cập trong bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 13/8 [1].

Theo ông Hirota Fushihara, mọi xã hội đều cần một sự cân bằng phù hợp cho hai lực giằng co nhau đó : dịch vụ công - dịch vụ do thị trường cung cấp, để không đi từ thất bại thị trường tới thất bại nhà nước. Với bối cảnh Việt Nam, có vẻ vẫn còn nhiều dư địa cho việc bàn giao thêm các dịch vụ công cho lĩnh vực tư nhân. 

Tuy nhiên ở đây, phía nhà nước lại thiếu rạch ròi công – tư trong ngay chính dịch vụ được gọi là công, như bệnh viện công ; hoặc nhập nhèm tư nhân trong quản lý hạ tầng đường sá vốn thuộc đầu tư công, như các vụ BOT giao thông ; hay dự kiến trong tương lai gần là thị trường điện lực. Chính điều đó đưa đến chuyện người dân Việt Nam bất tín nhiệm, và băn khoăn trước hiện trạng cung cấp các dịch vụ công do nhà nước nắm giữ. 

Dường như ở đây việc quy lỗi đều hướng đến cụm từ ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’. Bởi thị trường chỉ có thể là thị trường với những quy luật khách quan mang tính phổ quát của nó ; một khi đã ‘định hướng’, thì có nghĩa bắt đầu xuất hiện việc duy ý chí từ một phe nhóm quyền lực nào đó về thị trường.

Ai giám sát thất bại của Bộ Chính trị ?

Trở ngược thời gian, ở cả Vinashin và Vinalines đều có ban kiểm soát. Nhưng bao nhiêu năm trời, các văn bản quyết định khi được trích dẫn tranh tụng ở tòa cho thấy là "trái khoáy" của Hội đồng quản trị, của Ban điều hành, song Ban kiểm soát vì sao lại không phát hiện ra, không báo cáo tình trạng lỗ lãi. Liệu có thể quy trách nhiệm của Ban kiểm soát ?

Nếu ở một quốc gia ‘thị trường là thị trường’, thì theo thông lệ, Ban kiểm soát là đại diện của chủ sở hữu doanh nghiệp, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của Hội đồng quản trị, ban điều hành nhằm đảm bảo đúng đắn, phù hợp. 

Hiểu theo nghĩa này, Ban kiểm soát phải độc lập thực sự với Hội đồng quản trị, ban điều hành. Tuy nhiên, ở nền kinh tế ‘thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’, thì Ban kiểm soát các tập đoàn do Hội đồng quản trị thành lập, trưởng ban Kiểm soát là thành viên của Hội đồng quản trị được Hội đồng quản trị phân công làm nhiệm vụ. Các thành viên của Ban Kiểm soát do Hội đồng quản trị lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm và cả Ban Kiểm soát hoạt động theo quy chế của Hội đồng quản trị ban hành.

Cách thức tổ chức Ban kiểm soát như các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay theo kiểu như vậy đã làm yếu đi rất nhiều chức năng của Ban kiểm soát, nếu không muốn nói đây là lỗ hổng của hoạt động kiểm soát doanh nghiệp nhà nước. Chưa kể, chính phủ lại ban hành Nghị định 101/2009/NĐ-CP cũng cấm Ban kiểm soát tiết lộ kết quả kiểm tra, giám sát khi chưa được sự cho phép của Hội đồng quản trị. Vậy Hội đồng quản trị có đủ độ ‘dũng cảm’ để cho Ban kiểm soát công bố báo cáo của mình ?

Cách thức ở trên thực ra cũng chỉ là sao chép từ mô hình nhà nước hiện tại, khi Bộ Chính trị ‘độc quyền quy hoạch - cơ cấu’ nhân sự các vị trí trọng yếu của Quốc hội, và Chính phủ. 

Đơn cử, nếu Quốc hội thực sự là "cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" như nhấn mạnh ở Điều 1.1 của Luật Tổ chức Quốc hội, thì chắc chắn sẽ không thể có cụm từ mặc định về pháp lý : Đảng cử - Dân bầu. 

Chính lẽ đó nên không quá lời khi có thắc mắc rằng, nếu nhà nước giám sát thất bại của thị trường, vậy ai giám sát thất bại của nhà nước ; và ai 'đủ lá gan' giám sát Bộ Chính trị ?

"Nếu nhà nước có những yếu kém về cơ chế quản lý và vận hành thì cần cải cách và nâng cao năng lực, chứ không phải cứ cái gì khó thì đẩy ra cho thị trường. Đồng thời, những dự án nào để tư nhân tham gia cần được bảo đảm trách nhiệm giải trình cùng tính minh bạch trước cử tri và người dân nói chung". Ông Hirota Fushihara đề xuất ‘đầy ngoại giao’ như vậy tại cuộc thảo luận gần đây về sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dịch vụ công, của chủ đề mang tính học thuật : "Thất bại thị trường và thất bại nhà nước".

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 15/08/2019

[1] http://www.vietnamthoibao.org/2019/08/vntb-bo-truong-bo-y-te-thach-thuc-tu.html

Published in Diễn đàn

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản với nội dung : Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Vinalines cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo phương thức : Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ... Sau đó, ông tiếp tục ký công văn cho phép bán hết vốn của Vinalines tại cảng này.

cang1

Với chỉ đạo trên, theo nhận định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì chỉ trong vòng chưa tới 2 năm, cảng Quy Nhơn từ tài sản Nhà nước đã về tay doanh nghiệp tư nhân. Quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn bị Thanh tra Chính phủ kết luận là có sai phạm.

Có thật là đã hớ giá ?

Đọc tin tức trên báo chí liên quan vụ ‘bán cảng Quy Nhơn’, hầu hết đều hướng độc giả đến cách nghĩ là tài sản Nhà nước đã về tay tư nhân bằng cái giá bèo bọt.

Thực tế thì không hẳn vậy.

Sau cổ phần hoá, doanh thu bình quân của cảng Quy Nhơn đạt 552,31 tỷ đồng/năm, tăng gần 47,47% so với giai đoạn trước cổ phần hóa (chỉ đạt hơn 374,5 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận trước thuế tăng gần 330% từ 20,71 tỷ đồng/năm lên hơn 89 tỷ đồng/năm. Tổng doanh thu mục tiêu trong năm nay là 770 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 125 tỷ đồng. Lưu ý, mức doanh thu này cao gấp 2 lần trước khi cảng Quy Nhơn tiến hành cổ phần hoá.

Tuy nhiên đó là câu chuyện của trước tháng 6/2019.

Năm 2013, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, với tên gọi Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn với vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng, trong đó Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) nắm giữ hơn 75%, còn lại các cổ đông nắm giữ 24,9%. Sau đó số cổ phần Vinalines nắm giữ đã được chuyển giao cho Công ty Hợp Thành.

Tại kết luận thanh tra ngày 17/09/2018, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có nhiều điểm chưa đúng với quy định của pháp luật nên đã kiến nghị giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, thu hồi hơn 75% cổ phần tại cảng Quy Nhơn đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành.

Ngày 29/05/2019, Vinalines đã chính thức tiếp nhận lại hơn 30,3 triệu cổ phần cảng Quy Nhơn (mã QNP, tương ứng 75,01% vốn điều lệ) từ Công ty cổ phần Khoáng sản Hợp Thành. Một tháng sau đó (ngày 29/6), Vinalines chính thức tiếp nhận quyền quản lý, điều hành tại đại hội đồng cổ đông cảng Quy Nhơn ngày 29/6.



Có một vấn đề đặt ra, là phía công ty tư nhân đã mua cảng Quy Nhơn và sau thời gian điều hành đã giúp tăng giá trị của tài sản nơi đây so trước khi cổ phần hóa. Liệu vấn đề đó sẽ được tính toán ra sao khi kết luận rằng "tài sản Nhà nước đã về tay tư nhân bằng cái giá bèo bọt" ?

Đồng vốn của tư nhân luôn được chăm chút quản trị

Nhà đầu tư trong thương vụ này đưa ra bốn vấn đề :

Thứ nhất là giá mua cổ phần Công ty Hợp Thành đã thanh toán cho Vinalines để nhận chuyển nhượng 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn (hơn 415 tỷ đồng). 

Thứ hai là giá trị tài sản gia tăng của cảng Quy Nhơn trong giai đoạn Công ty Hợp Thành tham gia quản lý điều hành (hơn 336 tỷ đồng). 

Thứ ba, chi phí cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp cùng ngành cảng biển (78,4 tỷ đồng). 

Thứ tư là giá trị đầu tư công sức, chất xám, trí tuệ trong giai đoạn quản lý, điều hành để nâng cao năng suất, doanh thu, lợi nhuận cho cảng Quy Nhơn, và mức tổn thất của nhà đầu tư trong lợi nhuận kế hoạch tương lai đã xác định trong phương án kinh doanh mất đi khi thực hiện thoái 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn (26,5 tỷ đồng).

Với cách tính kể trên, để mua lại cảng Quy Nhơn, cho thấy số tiền mà Vinalines phải bỏ ra để thanh toán cho Hợp Thành là hơn 751 tỷ đồng.

Dĩ nhiên là Vinalines không đồng ý. Theo Vinalines, từ khi tham gia quản lý, điều hành cảng Quy Nhơn, Hợp Thành chưa đầu tư thêm vốn, tài sản vào cảng Quy Nhơn. Vốn điều lệ doanh nghiệp vẫn giữ nguyên 404,09 tỷ đồng như thời điểm cổ phần hóa cảng và thời điểm chuyển nhượng số cổ phần trên.

"Tài sản của cảng Quy Nhơn gia tăng từ nguồn lực tài chính của cảng và nguồn vốn vay thương mại. Trong khi, phương án đề xuất giá của Công ty Hợp Thành bao gồm cả tài sản được cảng Quy Nhơn đầu tư, mua sắm trong giai đoạn 2014-2018, điều này không đúng theo ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại thông báo số 88/TB-VPCP là các định các khoản đầu tư, chi phí hợp lệ mà Hợp Thành đã bỏ ra kể từ khi nhận chuyển nhượng đến khi hoàn trả 75,01%". Một báo cáo của Vinalines viết.

Trước khi mua cảng Quy Nhơn, ông chủ của công ty Hợp Thành góp 24% vốn tại Công ty cổ phần Cảng Vinalines Đình Vũ (vốn điều lệ 200 tỷ đồng). Vinalines góp 51% vốn điều lệ. Người từng được coi là ông chủ của Hợp Thành vốn thuộc phe nhóm của Trịnh Xuân Thanh, thời ông này làm chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Tạm gác qua liên tưởng về hệ lụy domino của trục Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh, tình huống đặt ra là nếu bên mua cảng Quy Nhơn ở mấy năm về trước là tỉ phú Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi, tương tự như vụ ông này đã thâu tóm Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào cuối năm ngoái, thì liệu mai này giả dụ có một cuộc thanh tra ‘kiểu như cảng Quy Nhơn’, liệu có cách nào để đòi lại được thương hiệu bia Sài Gòn ?

Quản trị bằng luật, đừng nên bằng chỉ thị hay nghị quyết Đảng

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2011 – 2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 doanh nghiệp nhà nước, tổng giá trị thu về cho ngân sách từ thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc các doanh nghiệp chưa phân định rõ giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đã dẫn đến tình trạng bình mới rượu cũ, hiệu quả hoạt động chưa cao sau cổ phần hóa.

Để tránh chuyện ‘bán rồi, thấy hớ giá, bèn đòi lại’ như vụ cảng Quy Nhơn, chính phủ Việt Nam cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước. Minh bạch hoá thông tin hàng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước ; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư ; hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước.

Thể chế hóa công tác giám sát, đánh giá doanh nghiệp nhà nước bằng quy định pháp luật. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước cả về định tính và định lượng, các tiêu chí đánh giá, giám sát rủi ro tài chính và quản trị doanh nghiệp Nhà nước theo cấp độ công ty mẹ và cả tập đoàn.

"Phải theo luật, chứ không phải điều hành theo ý chí của đảng thông qua những văn bản gọi là chỉ thị, là nghị quyết, để rồi sau này đụng chuyện phải hầu tòa, thì nắm đàng lưỡi luôn là cấp thừa hành. Những vị ký nghị quyết, ký chỉ thị hay thông báo chẳng chịu liên đới gì. Đinh La Thăng là một dẫn chứng của tấn bi kịch nghiệt ngã ấy !" Luật sư Trần Thành, nhận xét.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 12/07/2019

Published in Diễn đàn

Các ‘ông lớn’ như Đại Quang Minh, Quốc Lộc Phát, Tiến Phước, Trần Thái… đang sở hữu những dự án khủng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, tất cả đều là tư nhân của chính sách ‘xã hội hóa đầu tư’. 

hopthuc0

Các ‘ông lớn’ như Đại Quang Minh, Quốc Lộc Phát, Tiến Phước, Trần Thái… đang sở hữu những dự án khủng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm

Tại Hội nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 30, khóa X, khai mạc ngày 8/7, trong báo cáo được Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đọc ở hội nghị có đoạn : "Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cần thay đổi tư duy theo hướng xã hội hóa triệt để các hoạt động đầu tư. Trừ những dự án Nhà nước bắt buộc phải đầu tư, còn lại xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp, người dân làm". 

Một đoạn trích khác ở báo cáo : "Nhiều dự án lớn, đặc thù như trung tâm tài chính, trung tâm hội chợ triển lãm, trung tâm thể dục thể thao... nếu đưa ra tiêu chí chọn lựa đúng đắn để chọn nhà đầu tư tư nhân từ đầu có khả năng đem lại hiệu quả cao hơn thành phố tự làm. Các nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm trong việc lựa chọn ý tưởng đầu tư, có nguồn lực tài chính mạnh và mạng lưới đối tác, khách hàng để bảo đảm hiệu quả thi công và vận hành".

Thế nào là ‘tiêu chí chọn lựa’ ?

Ở Việt Nam, trong hệ thống báo chí quốc doanh (phân biệt với báo chí có vốn của tư nhân dạng ‘mua manchette’, hoặc phát hành theo Luật Xuất bản), một phóng viên giỏi nghề chỉ có thể được đề cử giữ chức trưởng ban, nếu như phóng viên ấy chấp nhận gia nhập vào Đảng cộng sản Việt Nam. 

Tương tự, ông bà chủ của doanh nghiệp tư nhân như bà Trương Mỹ Lan chỉ cần là ‘người nhà’ của ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải là nghiễm nhiên được nhận tất cả ưu ái ; bao gồm cả chuyện thông qua doanh nghiệp của bà Trương Mỹ Lan để ‘đáp tạ’ những ‘ân tình’ mà khi giữ chức chủ tịch rồi bí thư Thành ủy, ông Lê Thanh Hải đã ‘ban phát’. Thương vụ bất động sản ở trụ sở Cảng Sài Gòn, số 3 Nguyễn Tất Thành, quận 4 là đơn cử cho mối quan hệ chằng chịt này giữa quan chức cao cấp của đảng với đồng vốn tư nhân.

Tiêu chí chọn lựa trong trường hợp kể trên, còn bắt gặp ở Đại Quang Minh với hai đại gia Trần Đăng Khoa (biệt hiệu Khoa Khàn) và ông trùm ô tô Trần Bá Dương. Khoa Khàn là doanh nhân thuộc nhóm người Việt từ Đông Âu trở về như anh em nhà Vingroup, như Thái Hương của ngân hàng Bắc Á, hay anh em nhà Masan. Bóng dáng quyền lực chính trị đàng sau những doanh nhân đó, từng được đồn đoán là ông Nguyễn Sinh Hùng, cựu phó thủ tướng, cựu chủ tịch quốc hội.

Đại tá Phùng Quang Hải, con trai cựu bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, với thế mạnh lý lịch, hệ thống chân rết công ty của ông như Công ty trách nhiệm hữu hạn BT Thọ Xuân Nghi Sơn, Công ty cổ phần đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn BOT và BT quốc lộ 20… thỏa sức làm mưa gió trong lãnh vực cơ sở hạ tầng. 

Tương tự, Đại tá Phùng Danh Thắm có hệ thống chân rết là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình - Cái Mép…

Trong các trường hợp nói trên, phần ‘tiêu chí chọn lựa’ dễ nhận ra là ‘nhất thân, nhì thế’ trong hàng ngũ của đảng cộng sản.

Cái giá tất yếu cho sự sáng tạo chưa được kiểm chứng ?

Một số dự án đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được cơ quan Thanh tra Chính phủ kết luận là không tuân thủ pháp luật. Nói một cách khác, chủ trương xã hội hóa đầu tư được tiến hành trong thời gian dài, song vẫn chưa được ‘nghiệm thu’, chưa có một tổng kết trung thực, và nay lại tiếp tục tìm cách ‘hợp thức hóa’ những lỗ hỏng trong chính sách bằng những đắp vá giải pháp tình thế.

hopthuc1

Phối cảnh siêu dự án Sala Thủ Thiêm

Gọi là ‘tình thế’, vì theo một xác nhận hồi tháng 2/2019 của Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam : "Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tham khảo kinh nghiệm phát triển của các quốc gia trên thế giới, và từ thực tiễn phát triển Việt Nam, Đảng ta đã đề ra đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là bước phát triển mới về tư duy lý luận, một sự vận dụng độc lập, sáng tạo của Đảng ta" (1).

Theo bài báo của Vũ Văn Hà, cứ mỗi kỳ đại hội Đảng, ‘tư duy lý luận’ về nền ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ lại được tiếp tục hoàn thiện bằng những sửa đổi. Nôm na, ở đây gần với ví von của dân gian là phương thức ‘ném đá dò đường’.

Vũ Văn Hà nhận xét đảng cộng sản Việt Nam không ‘bắt chước’ Liên Xô lẫn Trung Quốc. "Khác với chúng ta, Liên Xô trước đây đã thực hiện quá trình cải cách, đổi mới chính trị, lấy đó làm cơ sở cho cải cách, đổi mới kinh tế. Và thực tế Liên Xô đã mất cơ sở chính trị cho quá trình đổi mới, đẩy quá trình đổi mới kinh tế chệch hướng (tư nhân hóa hàng loạt tài sản quốc gia, mà sau này chính quyền ông Putin phải điều chỉnh). Trung Quốc thực hiện cải cách theo phương châm ổn định để phát triển. Điều này được luận giải bởi đặc thù của đất nước Trung Quốc quá rộng lớn, đông dân, cần có sự ổn định mới có thể tạo sự phát triển" (1).

Vũ Văn Hà cho rằng "Việt Nam bắt đầu từ đổi mới kinh tế, sau đó mới thực hiện đổi mới đồng bộ giữa kinh tế với chính trị".

Trong bối cảnh học thuyết kinh tế vẫn chưa rõ ràng, với thể chế độc đảng toàn trị, thì chủ trương về cơ chế riêng cho việc xã hội hóa đầu tư mà Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra hôm 08/07, dễ dẫn tới nghi vấn phương thức của hợp thức hóa tham nhũng ở rất nhiều dự án đất đai tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua và hiện tại.

Xem ra đây cũng là hệ lụy tất yếu của dự án được tự nhận là sáng tạo về "đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", song lại chưa được nghiệm thu.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 10/07/2019

(1) http://bit.ly/2YI9xyW

Published in Diễn đàn

Theo con số ghi nhận từ báo cáo tài chính, đến cuối năm 2018, Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế gần 14.000 tỷ đồng.

formosa1

Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh.

Hiện tại, Formosa cũng cắt giảm 20% sản lượng cán nóng thường xuyên của nhà máy, và giảm giá 25 USD/ tấn cho cuộn cán nóng.

Thua lỗ dù nhiều ưu đãi

Chọn đầu tư vào Việt Nam, phía Formosa đã nhận được rất nhiều ưu ái từ phía Đảng và Nhà nước Việt Nam, như được thuê diện tích đất rộng lớn gần 3.300 ha trong thời gian 70 năm (dù quy định chỉ cho phép cho thuê tối đa 50 năm) với giá 4,455 triệu USD, tương đương hơn 96,22 tỉ đồng ; mức giá này quá thấp coi như bằng không, do đó Formosa đã trả ngay một lần. 

Formosa Hà Tĩnh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu đi vào sản xuất, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo và chỉ phải đóng thuế thu nhập 10% trong 50 năm còn lại. Trường hợp nếu dự lỗ, Formosa Hà Tĩnh cũng được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo, được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định.

Sau một năm vận hành lò cao số 2, số liệu cho thấy chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, Formosa đã sản xuất được hơn 2 triệu tấn thép thô (phôi thép), dành 1,6 triệu tấn để tiêu thụ nội bộ, xuất bán trong nước gần 300.000 tấn và xuất khẩu gần 159.000 tấn. Sản lượng thép thô sản xuất của Formosa chiếm khoảng 40% toàn thị trường. Năm 2018, Formosa sản xuất hơn 5 triệu tấn thép thô, gần 3,44 triệu tấn thép cán nóng HRC (hot rolled coil).

Tuy nhiên báo cáo tài chính cho biết tính đến cuối năm 2018, phía Formosa Hà Tĩnh đã lỗ lũy kế gần 14 tỷ đồng, bất chấp việc nhận được nhiều ưu ái của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong chuyện chấp nhận công nghệ lạc hậu, đưa đến nhiều rủi ro cho môi trường sinh thái.

Tổng tài sản của Formosa Hà Tĩnh tại thời điểm 31/12/2018 là 12,7 tỷ USD, tổng nợ vay hơn 7,55 tỷ USD (175.550 tỷ đồng). Công ty đang có tồn kho hơn 1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2017.

Công ty mẹ của Formosa Hà Tĩnh, Formosa Plastic Group - nắm giữ 70% vốn - không có kinh nghiệm trong sản xuất thép, hoạt động chủ yếu của FPG là công nghệ sinh học, chế biến hóa dầu và sản xuất linh kiện điện tử. Tuy nhiên vào năm 2015, China Steel Company (CSC), đã rót thêm vốn vào Formosa Hà Tĩnh (thông qua công ty con là China Steel Asia Pacific Holdings Pte. Ltd.), nâng tỷ lệ nắm giữ lên 25%.

Sản phẩm chủ lực của Formosa Hà Tĩnh là thép cuộn cán nóng dùng nhiều nhất là trong ngành công nghiệp đóng tàu. Và đây cũng chính là nghi vấn thép cuộn cán nóng của Formosa Hà Tĩnh nhằm để cung ứng việc đóng tàu sắt cho lực lượng tàu cá của Trung Quốc đang độc chiếm Biển Đông lâu nay.

Sẽ vẫn tiếp tục ô nhiễm ở mức trầm trọng !

Một nguồn tin cho biết, Formosa Hà Tĩnh đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3 do những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hiện tại, phía Formosa Hà Tĩnh cũng đưa ra tuyên bố toàn bộ công nghệ dập cốc từ ướt sang khô được đưa vào vận hành chính thức, hoàn thành việc khắc phục toàn bộ 53 lỗi vi phạm về công nghệ khi cam kết đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên từ con số lỗ lũy kế như thể hiện trong báo cáo tài chính, đang có nghi vấn việc thay đổi từ dập cốc ướt sang khô được bắt đầu ở lò số một từ đầu năm 2019 và lò số 2 từ tháng 6/2019 của Formosa Hà Tĩnh, là có tuân thủ đầy đủ theo quy trình công nghệ tương ứng hay không ? Lý do, công nghệ dập công khô thường đắt hơn (110 USD/tấn cốc) khi xây nhà máy so với dập cốc ướt.

Về chuyện ô nhiễm, trong khâu dập cốc, cốc từ lò luyện sẽ được làm nguội bằng khí trơ nitơ nếu cốc được dập khô. Qua cách này, bụi than/cốc cỡ hạt nhỏ đến 2,5 microns (PM2,5) sẽ phải được thu hồi để thải hoặc tái xử dụng để đốt trong khâu sintering quặng sắt.

Công nghệ dập cốc khô được các nhà máy gang thép ở Nhật, Hàn Quốc áp dụng nhiều vì đơn giản hơn trong khâu xử lý chất thải, nếu bụi cốc được thu hồi hoàn toàn. Bụi cốc chứa >60% C (cùng hydrocarbon) có nguồn năng lượng cao có thể tái sử dụng. Dập cốc khô cũng sẽ thu hồi được nhiệt từ khâu làm nguội này để chế hơi nước dùng trong nhà máy. 

Tuy nhiên, một nhược điểm của dập cốc khô so dập cốc ướt, là nếu bụi hạt thoát ra ngoài sẽ gây ô nhiễm nhiều hơn, vì có chứa nhiều PAH là các chất hydrocarbon phức vòng/ thơm thuộc nhóm polycyclic aromatic hydrocarbon rất độc hại, gây ung thư ; và các chất hữu cơ khác. Trong nhóm này benzo(a)pyrene (BaP) là chất độc hại nhất, mà Mỹ, EU đặt chuẩn rất gắt gao theo khuyến cáo từ WHO, dưới 1,0 ng/Nm3 cho không khí gần nhà máy.

Giảm thiểu các nguy cơ về rủi ro môi trường, hiện nay trên thế giới có nhiều quy trình sản xuất sắt thép mà không cần khâu luyện cốc. Các quy trình khử sắt trực tiếp (Direct reduction iron) như Corex, Mildrex, Finex,… có thể khử oxy từ quặng sắt (Fe2O3) để chế tạo sắt (Fe) và luyện chung với sắt phế thải trong lò điện hồ quang (Electric Arc Furnace - EAF) ; hoặc quy trình sắt thép đang áp dụng (Blast Furnace - BOF). Chi phí đầu tư ban đầu dĩ nhiên là cao hơn, nhưng chi phí xử lý chất thải thấp hơn nhiều vì ít tạo các chất thải độc hại.

Nếu thực sự vì dân…

Ghi nhận ý kiến từ nhiều chuyên gia trong lãnh vực luyện kim ở Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc Luyện kim Việt Nam, nếu thực sự vì môi trường sống lâu dài của người dân, đòi hỏi các quan chức cấp cao nhất của Bộ Chính trị cần hiểu rõ rằng dự án gang – thép Formosa Hà Tĩnh, về bản chất công nghệ, thuộc loại dự án tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về môi trường. Vì vậy, Đảng – Nhà nước nên xem xét lại quy mô không nên quá 7,5 triệu tấn/năm (hiện tại dự án đăng ký có 6 lò cao, sản lượng thép thô đạt 22,5 triệu tấn), và thời gian tồn tại của dự án Formosa không nên quá 25 đến 30 năm là vòng đời kinh tế của các dự án công nghiệp.

Ngoài ra, nguồn tài nguyên thiên nhiên là cảng biển nước sâu Sơn Dương cũng đã bị Formosa khống chế và độc quyền khai thác, trong khi chi phí cơ hội của cảng biển Sơn Dương rất lớn. 

Nói một cách khác, chủ quyền trên biển của Việt Nam nhìn từ Sơn Dương đang bị phía đối tác Formosa đe dọa, khi phía Bộ Kinh tế Trung Quốc thông qua công ty con là China Steel Asia Pacific Holdings Pte. Ltd., mà bộ này chiếm 20,05% vốn cổ phần, để trở thành là cổ đông giữ quyền chi phối ở Formosa Hà Tĩnh.

Nguyễn Hồng Phúc

Nguồn : VNTB, 06/07/2019

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 3