Ngôn ngữ học tri thức & dân tộc học nhận thức
Ngữ luận 6 : Nói - "Nổ"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói : "Việt Nam là một nước dân chủ và chúng tôi lên án chế độ độc tài"
Nói
Nói là động từ của phản xạ sống thường nhật rất tự nhiên của truyền thông, nói để đưa cá nhân vào sinh hoạt xã hội, để định vị cá nhân trong quan hệ xã hội, để bảo đảm ý muốn, ý định của cá nhân này ngay trong đời sống xã hội, nói từ trong gia đình ra tới học đường, từ nghề nghiệp tới văn hóa… Phạm trù nói có tác động lớn, ảnh hưởng rộng, với các hiệu quả cùng các hậu quả từ khó lường được từ không lường được từ khi internet xuất hiện với mạng xã hội, giờ đây, nói có sức lan tỏa trong toàn cầu hóa, trực tiếp trong tức thì với vận tốc nhanh nhạy nhất. Nếu đây là phạm trù của xã hội học truyền thông, thì các chuyên ngành khác như xã hội học văn hóa, xã hội học giáo dục, xã hội học chính trị, xã hội học đạo đức, xã hội học đàm phán, xã hội học chủ thể… có những phân tích khác về hiện tượng nói qua mạng xã hội, với các luận điểm rất khác xã hội học truyền thông.
Hãy bắt đầu câu chuyện nói bằng mạng xã hội, qua internet, với thực tế là ai lên mạng xã hội cũng được, có tự do muốn nói gì thì nói, lúc khởi đầu thì nói một lần và có thể nhiều lần trong ngày… hay nói suốt ngày cùng được. Từ đó biến chuyện nói một thân một mình thành đài phát thanh, thành kênh truyền hình, từ một thân một mình mà giờ đã được mang tên của báo, đài, kênh, cũng phát hành, thông tin như các báo, đài, kênh chính thống của một quốc gia, của một vùng miền… đây là dữ kiện mới của một thực thể mới trong khoa học xã hội nhân văn. Từ họa cảnh nói làm nên rối loạn nói, hãy cùng nhau tìm ra một phương pháp luận để khảo sát và điều tra về hành động nói, hành tác nói mà phân tích và giải thích hiệu quả nói, hậu quả nói qua internet, bằng mạng xã hội. Nơi mà nói không còn là một hành vi cá nhân riêng rẽ, mà nói giờ đây sách lược truyền thông, chiến lược thông tin, với nhiều chiến thuật tin tức đa dạng. Cộng với nhiều xảo thuật tìm bạn, tìm bè, tìm phái, tìm nhóm, tìm đám chiếu cố rồi ủng hộ kẻ nói như các đồng minh trong một liên minh. Nên trong hành động nói có ý muốn, ý định của cá nhân làm nên hành tác nói luôn có ý đồ, tức là có tính toán về quyền lực cả quyền lợi, tại đây có khi tư lợi được toan tính bằng cách hy sinh công lợi xã hội, cụ thể là "thí mạng" công ích tập thể, lợi ích cộng đồng. Cụ thể là biến chuyện tư thành chuyện công, rồi làm ngược lại biến chuyện công thành chuyện tư.
Từ đây, nói không còn là phản xạ vô thưởng vô phạt, mà là chuyện chọn lựa trước các cực thông tin rất khác nhau, trên mạng xã hội có ít nhất hai cực : một là khẩu Phật tâm xà ; hai là khẩu xà tâm Phật. Khi phân loại các cách nói như các cực, thì phải hiểu chủ thể nói chính là chủ từ vừa đại diện, vừa điều khiển động từ nói theo một kịch bản, vừa kể để tả, vừa tả để trao, vừa kể để định hướng, vừa kể để thuyết phục người nghe. Mà muốn định hướng dư luận thì phải rơi vào các cực của truyền thông, nơi mà cực là thượng nguồn của chủ ý biết tạo phân cực trong dư luận cùng lúc không bị mang tiếng là cực đoan hay cường điệu. Khi người nghe chỉ thấy chủ thể nói, là chủ từ nói, có chủ đề nói cùng chủ ý nói, tức là người nghe nói biết được ý định, ý muốn của chủ thể này. Nhưng người được nghe nói hoặc bị nghe nói không khám phá được tức khắc ý đồ được giấu kín của chủ thể này, với các tính toán về quyền lợi, với các toan tính về tư lợi, được ẩn giấu trong thâm ý của chủ thể này.
Thánh nói Nguyễn Xuân Phúc
Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát và điều tra về hiện tượng nói trên mạng xã hội, thì xã hội học truyền thông không thể hành tác riêng rẽ được, mà phải được trợ lực bằng phương pháp luận, phải được trợ duyên bằng tri thức luận của xã hội học văn hóa, xã hội học giáo dục, xã hội học chính trị, xã hội học đạo đức, xã hội học đàm phán, xã hội học chủ thể… Từ đó lập được quy trình phân loại trước để phân tích sau, rồi tiếp tục lộ trình học thuật là giải thích trước để giải luận sau. Câu chuyện nói của chúng ta là câu chuyện Việt, nên chúng ta cũng được trợ lực để được trợ duyên bằng tri thức của tổ tiên Việt, bằng ý thức của ông bà Việt đã để lại cho chúng ta một kho tàng về đạo lý thông tin, về đạo đức truyền thông. Và khi ta khai quật kho tàng này lên, thì chúng ta nhận ra là dân tộc học văn hóa Việt và nhân học văn hiến Việt giúp chúng ta rất nhiều trong quá trình học thuật (để học tập) này. Để thấy-cho-thấu hiện tượng nói trên mạng xã hội hiện nay, chúng ta nên bắt đầu phân loại :
- Phổi bò ruột ngựa, loại ruột để ngoài da đây là thành phần lên mạng xã hội "nói cho đã tức", "nói cho sướng miệng", có khi chỉ "nói cho thỏa", "nói cho nguôi", chỉ vì không có ai chung quanh mình để tâm sự với mình trong đời sống vô cùng cô đơn của mình. Vì không nghe được tiếng người gần, nên cần tiếng người xa, bằng cách tự nói để tìm bạn, "tự trao tin" để "tự báo tin" là "ta vẫn là ta" ! Nhưng thực chất cái ta này là ta nói vì ta cần người nghe, có người nghe ta thì ta mới tồn tại được, nên ta phải nói. Nhưng trên mạng xã hội thì tác giả của truyền thông loại này ít ai có can đảm nói thẳng thừng về điều này. Họ không dám nói thật là họ bị cô đơn trong"nhàm chán", cô độc trong "buồn thiu", cô lẻ trong"ghẻ lạnh"… Nếu "nói khơi khơi" trên mạng xã hội để "tránh buồn mênh mang", để "giải khuây" rồi "giải sầu" cho họ như họ đang uống một loại thuốc chữa tâm bịnh lẻ loi, mà không cần bác sĩ phân tâm học, hoặc tâm thần học, cũng không cần luôn thuốc men, và nếu mạng xã hội có chức năng này thì ta nên mừng mà đừng nên trách họ.
- Khoe của, khoe nhà để khoe mình, đây là loại tâm bịnh sống chìm trong mâu thuẫn của tâm tưởng, đối nghịch trong tâm lý, mà phân tâm học, cùng tâm thần học giải thích là nó bay từ cực tự ti qua thẳng cực tự mãn. Trước đó, khi còn bên nhà thì nghèo khó trong túng thiếu, khi qua được nước ngoài rồi thì đầu tắt mặt tối trong chén cơm manh áo, tối tăm mặt mũi với cơm áo gạo tiền. Rồi giành dụm trong chắt chiu để mua cho bằng được một căn nhà, với chút vườn tược là bắt đầu nhập nội vào ti lộ lấy tự mãn để che tự ti. Rảnh rỗi một chút là mở vi tính, bật internet, rồi lên thẳng mạng xã hội trước là chê đất nước Việt nghèo, khinh dân tộc Việt kém, chửi văn hóa Việt tồi, sau là quay vidéo, chụp ảnh để tự khoe nhà mình rộng, tự khen vườn mình đẹp... Não trạng bần hàn được che phủ bởi vật chất thô thiển, loại này ăn ở không tình nghĩa, sẽ sống nay chết mai trong vô hậu. Đất nước còn nghèo sao không tìm cách giúp đất nước giầu lên ? Dân tộc tộc mình kém sao không tìm cách làm dân tộc khá lên ? Văn hóa Việt tồi sao không tìm cách biến văn hóa đẹp lên ? Nói gần nói xa không qua nói thật mà sự thật thì mất lòng, là chỉ cần nghe loại người này từ nói qua kể, từ khoe qua khoang là ta biết loại này chỉ là loài đầu khờ miệng lanh. Khi chúng ta vận dụng phương pháp phân tích nội dung truyền thông của tâm lý học xã hội, thì ta thấy đây là loại bần cùng mới học làm sang, lấy cái bề ngoài vật chất để trùm che cái bề trong mạt vận trong kiết kiếp. Họ mang tiếng là sống ở phương Tây với văn minh của dân chủ, văn hiến của nhân quyền, nơi mà văn hóa tại đây sinh động trong sáng tạo, linh hoạt trong nghệ thuật ; nhưng họ không biết gì nên không dám kể được về văn hóa, văn minh, văn hiến nơi xứ người. Khi họ khoe của, khoe nhà của họ, thì họ vô tình mà tự thú nhận là : "Thưa ông tôi (chỉ) ở bụi này", vì sự thật là của cải, nhà cửa của họ đối các gia đình tại các quốc gia tiên tiến chỉ là bụi !
- Thánh chửi, đây là thành phần mới trong xã hội Việt hiện nay, xuất hiện trên mạng xã hội không phải để làm thánh mà chỉ để chửi ; cụ thể là chửi chế độ độc đảng toàn trị, với công an trị, tham nhũng trị, tham tiền trị, đặc biệt là chửi các lãnh tụ, các lãnh đạo, các quan chức của Đảng cộng sản Việt Nam. Tất cả các cá thể chửi này không thể xếp chung họ vào cùng một thể loại chửi, vì họ có trình độ tri thức khác nhau, không hề là cá mè một lứa. Nếu các thánh chửi có cùng nhau một hành tác chửi thường trực trên mạng xã hội, thì hành động chửi họ rất khác nhau, từ chủ đề tới nội dung, từ phân tích tới giải thích về chuyện chửi. Đây chính là câu chuyện trình độ chửi song hành cùng thuật ngữ chửi của mỗi cá thể chửi. Nếu họ giống nhau trên ngữ vựng tục tĩu, ngữ văn dữ dằn, thì ngữ pháp của mỗi thánh chửi tùy thuộc hoàn toàn vào hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) của mỗi cá thể chửi. Hãy gạt ra loại "chửi đổng", chỉ biết chửi vô cớ trong vô tri, chửi vô duyên vì vô lý, mà hãy đi vào phân tích sự thành công của thánh chửi này, sự thất bại của thánh chửi kia ; để thấy-mà-thấu ra tác động tích cực của thánh chửi này, hậu quả tiêu cực của thánh chửi kia.Tính duyên dáng trong thuật ngữ chửi, biến chuyện chửi thành chuyện cười có nội dung nhân bản, có ý nghĩa nhân văn, có giá trị nhân tính, tạo ra thành công. Còn ngược lại nếu thấy mình không "có duyên" trong thuật ngữ chửi, nhất là không có ý thức gì về nội dung nhân bản, có ý nghĩa nhân văn, có giá trị nhân tính, thì đừng mong cầu là mình sẽ trở thành thánh chửi. Trên thượng nguồn của sự thành công là tính cẩn trọng trong diễn biến từ sự kiện tới sự cố, có tích mới dựng nên tuồng, được tổ chức trong một thể loại thông tin có kịch bản vững, có bố cục chắc, cả hai song hành cùng truyền thông sắc, thuật ngữ nhọn. Tại đây, ngay trong quá trình chuẩn bị đã có sự phối hợp giữa kỹ thuật truyền thông và nghệ thuật tự đạo diễn để độc diễn. Nơi mà thánh chửi vừa nhận chức năng thông tin, vừa nhận chức vụ diễn viên để biến chuyện chửi thành chuyện cười, còn nếu chỉ chửi để mà chửi thôi thì thất bại là chuyện hiển nhiên. Khi một chủ thể chửi được quần chúng mạng xã hội đặt tên chính danh cho mình là thánh chửi với lượng độc giả cao, với lực khán giả lớn, thì tính chuyên nghiệp độc diễn của một thánh chửi tạo nên được quan hệ sinh động trong truyền thông, trong xã hội. Sau sự thành công của một thánh chửi, khán giả nhận ra được sự thông minh cá nhân của mỗi thánh chửi làm nên đặc điểm trong truyền thông chửi, đặc sắc trong phương pháp chửi, đặc thù trong duyên dáng chửi. Nhiều kẻ tự mệnh danh là thánh chửi, nếu tự mệnh danh thì xã hội học truyền thông sẽ xếp những kẻ này là loại : háo danh ! Chóng chầy sẽ tán gia bại sản trong hữu danh vô thực. Còn loại chính danh trong chính hiệu do quần chúng đặt danh hiệu là thánh chửi trên mạng xã hội Việt, chúng ta chỉ có vài "thánh" : Trang Lê bên Mỹ, có Hương Mắm tại Hà Nội, có Dưa Leo tại Sài Gòn…
Từ dân oan thành chống đối nhà nước - RFA tiếng Việt 31/08/2010
- Vạch mặt chỉ tên từ bạo quyền đến tà quyền, từ ma quyền đến cuồng quyền, là các chủ thể tận dụng mạng xã hội để tố cáo công an trị, tố giác tham nhũng trị trong xã hội Việt hiện nay. Họ biết vận dụng tự do cá nhân để bảo vệ công bằng, để xây dựng bác ái mà không quên đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Các chủ thể này có khi chỉ là các cá thể, có khi lấy tên một công đoàn, một đảng phái, hoặc một đài phát thanh, một kênh truyền hình, nhưng mục đích là tấn công vào sào huyệt của bất công, vào hang ổ của tham nhũng, thối tha trong thối nát của sân sau, chống lưng, ô dù, lót tay, bôi trơn, bao bì… Lòng can đảm của họ bị chế độ công an trị xếp trong loại "điếc không sợ súng", bị bọn dư luận viên đe dọa là "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ". Nhưng sự thật hoàn toàn nằm ở cõi khác, ở nơi chốn mà công an trị cùng bọn âm binh dư luận viên không sao lần tìm, dò la tới được, mà khi chúng tới được thì thật là may cho nhân kiếp của chúng, vì chúng sẽ nhận lại được nhân phẩm. Đó là cõi mà nhân tính, nhân lý luôn được bảo vệ bởi nhân nghĩa, nhân tâm ; được bảo hành bởi nhân tri, nhân trí ; được bảo kê bởi nhân vị, nhân quyền. Thành phần xã hội của lực lượng vạch mặt chỉ tên này vô cùng phong phú, có trí thức mọi chuyên ngành trong đó có những luật sự xuất sắc, có cả ký giả tận tâm, biết bảo vệ các nạn nhân của bạo quyền độc đảng toàn trị. Họ là chủ thể của các công đoàn tự phát, của các hội đoàn tự nguyện, của các phong trào xã hội dân sự luôn bị rình rập, hãm hại. Họ là các đứa con tin của Việt tộc, nhưng cùng lúc luôn là đối tượng của hành hung, hành sát của một tà quyền biết tận dụng du dảng, côn đồ, lưu manh của xã hội đen để truy sát, truy diệt họ. Tiếng nói của họ làm bọn ăn nằm ở dề trong ba hệ là hệ độc (độc đảng, độc quyền, độc tài, độc trị, độc tôn) ; hệ quyền (bạo quyền, tà quyền, ma quyền, cực quyền, cuồng quyền) ; hệ tham (tham quan, tham quyền, tham ô, tham nhũng, tham tiền) phải ngày đêm mất ăn mất ngủ. Các chủ thể biết vạch mặt chỉ tên, đã chọn đứng về phía các nạn nhân của áp bức, của bất công, họ đối kháng với ba tà hệ trên bằng ba chính hệ của họ : hệ công (công tâm, công bằng, công lý, công pháp, công luật), hệ đa (đa trí, đa tài, đa dung, đa năng, đa hiệu) làm chân trời của đa nguyên, trong tương lai của đa đảng ; song đôi cùng lứa với hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái). Quần chúng gởi niềm tin vào lực lượng của ba hệ (đa, công, thông) này, mà tương lai của Việt tộc cũng là đây.
- Lương tâm chống lương lẹo, cõi sáng của lòng thành với hệ lương (lương tâm, lương thiện, lương tri) trực diện để chống lại sự lương lẹo của hệ gian (gian dối, gian xảo, gian trá, gian manh) có cha sinh là hệ quyền (bạo quyền, tà quyền, ma quyền, cực quyền, cuồng quyền), có mẹ đẻ là hệ tham (tham quan, tham quyền, tham ô, tham nhũng, tham tiền). Tiếng nói của lương tâm tới từ các cựu tù nhân lương tâm, đã phải qua bao vòng lao lý của bạo quyền, vượt bao hãm hại của tà quyền, thoát bao truy sát của ma quyền. Bây giờ, nhiều tiếng nói lương tâm này tới từ phương xa, bên phương Tây, ngoài đất nước Việt, ngày ngày tới với đồng bào trên quê hương nhờ mạng xã hội. Tại đây, phải phân loại từng nhóm để thấy ra một sự thật là ngay trên chuyện yêu nước thương nòi cũng là chuyện của trình độ biết nhận tri thức để tổng kết kiến thức, để xây dựng ý thức, để tạo ra nhận thức, để giúp quần chúng tỉnh thức trước bạo quyền, tà quyền, ma quyền. Nếu mọi chuyện trên đời này đều quy về chuyện trình độ thì chuyện khi họ kể về số phận con sâu cái kiến của Việt tộc hiện nay trước cực quyền độc đảng toàn trị cho tới chuyện dời non lấp bể trong hoài bão của họ, thì nói đi nói lại vẫn là chuyện trình độ. Từ chuyện sự thật trong nhân thế, chân lý trong nhân sinh, tới chuyện lẽ phải trong nhân loại, tất cả đều là chuyện trình độ. Nếu trình độ cao thì sẽ kéo người nghe, người dự lên cao ; nếu trình độ rộng thì sẽ đưa người nghe, người dự đi xa ; nếu trình độ sâu thì sẽ dắt người nghe, người dự vào sâu, để làm cho đúng lời dặn của cụ Tiên Điền Nguyễn Du là : "phải lần cho tới tận nguồn lạch sông". Còn ngược lại, nếu trình độ thấp thì sẽ kéo người nghe, người dự xuống thấp có khi xuống bùn ; nếu trình độ hẹp thì sẽ kéo người nghe, người dự vào ngõ cụt, lối mòn, rồi không có lối ra ; nếu trình độ cạn thì sẽ kéo người nghe, người dự vào chuyện cào cào, xới xới bên ngoài mà không đủ tầm để đủ tâm mà đào sâu cho tới nơi, tới chốn. Câu chuyện trình độ ít nhiều liên can tới câu chuyện của Ôn Như Hầu : "Nghĩ thân phù thế mà đau/ Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê", vì bến mê có mặt ngay trong đời sống hàng ngày, với thực hư, rồi hư thực, đúng sai rồi sai đúng như "trở bàn tay". Khi còn đấu tranh ngay trên quê hương của mình, trực diện hàng ngày với quỷ quyền độc tài, với quỷ dử là công an trị, thì cả nước khâm phục lòng dũng cảm, trí kiên cường, tâm cương quyết của các tù nhân lương tâm. Nhưng khi phải nhận cảnh lưu vong, thì các cựu tù nhân lương tâm như bị bứng đi khỏi môi trường ruột của mình (tôi không dùng các từ đất dụng võ đâu nhé). Nên nơi xứ người, bên phương Tây, các cựu tù nhân lương tâm này chạm mặt với một khó khăn mới, một trở ngại mới. Chính là nội hàm về trình độ từ kiến thức chuyên môn tới tri thức chuyên ngành. Tất cả trong một môi trường hoàn toàn mới của tự do cạnh tranh về thông tin, trong toàn cầu hóa về truyền thông, nơi mà trí thức chuyên khoa làm nên ý thức chuyên nghiệp, tạo ra uy tín về trình độ thông tin. Nên sự quả cảm trong yêu nước thương nòi sẽ không đủ, không giúp họ giữ được ảnh hưởng của họ trong quần chúng. Nếu cựu tù nhân lương tâm này cứ nói bằng các tin tức, các dữ kiện, các chứng từ mà mọi người đã biết, đã có rồi. Vì trong các quốc gia phương Tây này người ta có đủ thông tin, có đầy tin tức, mà kẻ trao tin không có lý luận của kiến thức, lập luận của trí thức, giải luận của ý thức, diễn luận của nhận thức, thì họ đang làm chuyện dã tràng xe cát biển đông.
- Chuyên nghệ truyền thông vì chuyên nghiệp từ tin tức tới thông tin, đây là khu vực chuyên môn của các chủ thể có lý luận chính trị, có lập luận kinh tế, có giải luận trước hoàn cảnh quốc gia, có diễn luận trước bối cảnh quốc tế. Họ có kiến thức rộng, tri thức cao, ý thức sâu, nhận thức xa, từ phân tích dữ kiện tới giải thích chứng từ, họ lật đi lật lại hiện tượng cho tới khi bản chất đang bị giấu kín bởi tà quyền phải lòi ra. Tâm địa của quỷ quyền đang ăn gian nói dối thì họ đưa ánh sáng của sự thật vào để cháy nhà lòi mặt chuột, để vạch mặt bạo quyền toàn trị, để chỉ tên tà quyền tham nhũng, để nêu lý lịch của ma quyền tham tiền, để lập chân dung của cực quyền, để trưng ra dị tướng của cuồng quyền. Họ đại diện cho sự chính xác trong khoa học, họ là đại biểu khách quan của sự thật, họ là chính khách của chân lý, họ là chính ngữ của lẽ phải. Họ là trí thức thật nhưng không lang man bằng lý thuyết mà rất cụ thể trong lý giải, vì họ đã từng trải với trường đời. Họ có tri thức rộng nhưng không mơ hồ trong trừu tượng mà rất thiết thực trong diễn luận trước nạn cảnh của đất nước, trước họa cảnh của dân tộc, vì họ đã có trải nghiệm với chính trị, với chính giới...
Một cây làm chẳng nên non là thực tế, một con én không làm được mùa xuân là thực trạng ; nên trên đây chỉ là phân loại tạm thời, không hề đầy đủ được về hiện tượng nói qua mạng xã hội. Còn nếu muốn phân loại cho tới nơi để phân tích cho tới chốn, thì phải có chính sách nghiên cứu với các trung tâm nghiên cứu, cùng một lực lượng đông đảo các nghiên cứu viên. Tất cả được trang bị đầy đủ bởi lý thuyết luận, phương pháp luận, khoa học luận về truyền thông, từ thượng nguồn tin tức tới hạ nguồn thông tin, để cân, đo, đong, đếm về các hiệu quả cũng như các hậu quả của hiện tượng nói qua mạng xã hội này. Nhưng trước mặt, chúng ta có thể phân loại thêm về thực chất của truyền thông bằng các tiêu chuẩn của các ngành khoa học xã hội nhân văn :
- Luật học và tâm lý học xã hội khi song hành cùng xã hội học truyền thông để phân tích hiện tượng nói qua mạng xã hội, thì yêu cầu chúng ta phải lấy trong tin tức ra các dữ kiện khách quan để làm chứng từ được luật định, nơi mà tin đồn không phải là sự thật, nên kẻ trao tin và người nhận tin, cả hai có nhân sinh quan khác nhau để tin hay không tin vào một tin tức.
- Triết học và ngôn ngữ học khi song cặp cùng xã hội học truyền thông để phân tích hiện tượng nói qua mạng xã hội, thì yêu cầu chúng ta phải lấy trong tin tức ra cho bằng được các nội dung cụ thể để thấu giá trị của truyền thông, từ đó nhận ra tư tưởng của kẻ trao tin.
- Chính trị học và truyền thông học khi song lứa cùng xã hội học truyền thông để phân tích hiện tượng nói qua mạng xã hội, thì yêu cầu chúng ta phải vận dụng sự liên minh của liên kiết tin tức-dữ kiện-chứng từ với liên kiết nội dung-giá trị- tư tưởng để nhận ra ý muốn-ý định-ý đồ của kẻ trao tin.
Xin được tạm ngừng, học thuật thật là chuyện nhọc trí, triệt lực, khổ tâm, vì kẻ nói trên mạng xã hội, thì nói như "rồng leo trong sấm chớp", mà kẻ nghiên cứu về hiện tượng nói này, thì phải vượt suối để phân loại, phải trèo đèo để phân tích… Thiên sơn, vạn thủy là đây !
Vụ Thủ Thiêm: Dân ‘mắng’ công an, quân đội, chính quyền ‘đê tiện’ (VOA)
"Nổ"
Trong tâm lý học xã hội khi phân tích quan hệ xã hội, sinh hoạt xã hội làm nên đời sống xã hội là ngã ba trung tâm của xã hội học, để từ đó vào sâu mà phân tích tâm lý cá nhân, nhất là loại cá nhân luôn thấy mình "phải nổ để hơn người". Loại cá nhân này vừa chủ quan khi đánh giá tha nhân, lại vừa bắt buộc tha nhân phải lắng nghe câu chuyện chủ quan đến cường điệu của mình. Nghịch lý là tha nhân biết câu chuyện đó không phải là sự thật, xa vời vợi với chân lý, biền biệt trước lẽ phải. Hiện tượng xảo ngôn cường điệu đến cực đoan này được tóm gọi trong chỉ một từ, vừa lạ trong định nghĩa ngữ văn, vừa hay trong định luận ngữ pháp, đó là từ : "nổ", mà ta luôn bị nghe -tới điếc tai- trong đời sống hằng ngày…
Thánh nổ Nguyễn Mạnh Hùng
"Nổ", rời vị thế của một động từ để trở thành tiêu chí trong bảng xếp loại các cá nhân lạc lõng trước sự thật, lạc loài trước chân lý, nên lạc đường trước lẽ phải. Từ đó, xã hội học và tâm lý học tạo được một nơi hẹn hò thật thông minh để cùng nhau nhận ra các "cá nhân nổ" này ; không những biết nói láo, nói sạo, mà còn biết nói điêu, nói ngoa trong quan hệ xã hội, sinh hoạt xã hội, đời sống xã hội. Mà phương trình "bất tận" của nói láo-nói sạo-nói điêu-nói ngoa chóng chầy sẽ dẫn tới nói liều, nói bừa và từ đây chỉ cần đi thêm một bước nữa là sẽ tới nói bốc, mà hậu quả phản sự thật, chối chân lý, lừa lẽ phải thì"nổ" sẽ là nói nhảm.
Bi kịch của Việt tộc trong chế độ độc đảng nơi mà giới lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam tự cho phép mình "nổ", từ bạo quyền tới cực quyền, từ tham quyền tới lộng quyền, từ cuồng quyền tới quỷ quyền, biến hang ổ của quyền lực chính là nơi "tự nhiên được nổ" nhất ! Tại đây, trên đỉnh cao của quyền lực có ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước ngang nhiên "nổ" giữa nhân gian là : "Chưa bao giờ dân tộc ta được như ngày hôm nay", mặc dầu ông biết rất rõ là thanh niên Việt trong xuất khẩu lao động qua các nứơc láng giềng thì thành lao nô, phụ nữ Việt thì trở thành nô tỳ, vậy mà họ vẫn thí mạng như "thùng nhân" để chết cóng trong xe đông lạnh…Chưa hết, khi Tàu tặc cướp đất, biển, đảo ; khi Tàu họa biến quê hương gấm vóc của tổ tiên Việt thành bãi rác của ô nhiễm boxite, của Formosa ; khi Tàu hoạn với thực phẩm bẩn, hóa chất độc ; khi Tàu nạn buôn ma túy, giết người, cướp để buôn nội tạng con dân Việt, với phản xạ của Tàu tà là đi trên lưng, trên vai, trên đầu của ông và của cả Đảng cộng sản Việt Nam, thì ông cho "nổ" luôn ngay trên nhân kiếp của Việt tộc là : "Chưa bao giờ có dân tộc nào mà tin tưởng đảng lãnh đạo của mình đến thế !". Đối với Đảng cộng sản Việt Nam, nếu có "nổ" là có chết người, kể cả phải cho "nổ" toang thân thể chính đồng chí của mình, có khi còn chưa hả dạ, phải "mổ bụng phanh thân" như đã giết cụ Lê Đình Kình trước Tết 2020.
Còn ông Thủ tướng tự đặt tên cho chính phủ của mình là chính phủ kiến tạo, dù sao bao nhiêu năm làm Thủ tướng ông chưa hề có một kiến tạo gì cả, vì ông quen tính "nổ như chơi" nên khi tới bất cứ tỉnh thành nào ông cũng tự bầu cho tỉnh thành đó là : "đầu tầu cho cả nước". Một đất nước mà có quá nhiều đầu tầu, chạy đủ chiều trong hỗn loạn, thì sẽ đụng nhau, sẽ bị"nổ" lung tung. Trong chính phủ thì mỗi bộ trưởng là một "ngòi nổ", ông Bộ trưởng Thông tin truyền thông thì từ loạn tri đi thẳng đến bãi mìn dày đặc những ngòi nổ mà tuyên bố : "Việt Nam ta làm được những cái mà thế giới không làm được". Ngòi nổ này châm ngòi nổ kia, để tất cả cùng nhau "nổ" ! Các ông bộ trưởng, tướng tá trong công an, trong quân đội vơ vét không biết bao nhiêu tỷ qua tham nhũng tới các lãnh đạo trong tuyên huấn… đều "độc nổ", đều "nói là nổ" tại nơi truyền thống tuyên truyền của độc đảng.
"Nổ từ bao cấp nổ ra thị trường"để khi phải ngồi cùng chiếu ăn cùng mâm trong kinh tế thị trường hiện nay với các lãnh đạo của các quốc gia có văn minh của dân chủ, có văn hiến của nhân quyền, họ nói năng chỉnh lý trước sự thật, hợp lý trước chân lý, toàn lý trước lẽ phải, thì kiểu "nổ đại bác" ở quê nhà chỉ là "pháo xì" ở phương Tây mà thôi. Chính tôi thấy cảnh các lãnh đạo của các quốc gia tiên tiến "cười mỉm" mỗi khi nghe lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam "nổ", mà người phương Tây gọi là "cười chìm" vì lịch sự, thì người Việt lại đặt tên là "cười khẩy" vì khinh miệt. Họ cười vì biết rất rõ là trong lãnh đạo chính trị thì "nổ" là một hành vi : "tự sát", vì "lựu đạn sẽ nổ ngay trong bụng" của kẻ đã dùng miệng để châm ngòi"nổ".
"Nổ chuồn vì biết nổ theo", đó là bà Chủ tịch Quốc hội, bà tự rút quả lựu đạn cho nổ giữa chợ trời nhân sinh, khi bà vặn vẹo dân chúng là : "đã làm gì cho dân tộc chưa ?". Bà chỉ là loại "nổ theo", "nổ bám", "nổ đu" vì câu này không phải của bà, mà bà "nổ kiểu ăn cắp" của một ông tổng thống Mỹ mà lời tuyên bố của ông này thì hợp lý vì hợp cảnh của thời cuộc của ông. Còn bà thuộc loại "nổ mép", "nổ lẻo", "nổ luồn" khi chính bản thân bà xa hoa với hàng trăm chiếc áo dài được may theo kiểu "nổ lòe" trong"nổ trộm", "nổ mọn" trong"nổ vụng" …
Tổ tiên Việt cẩn trọng dặn con cháu Việt :"Giữ miệng như giữ nút bình", để tránh được hậu quả của "Cái miệng hại cái thân". Riêng tôi, khi nghiên cứu phối hợp giữa xã hội học và tâm lý học để tạo tiền đề cho tâm lý học xã hội mà giải luận chính giới, thì tôi phải tìm ra một phạm trù phân tích mới. Tôi đề nghị xếp các thường dân "nổ" vào loại : "đầu khờ miệng lanh", nhưng khi phải giải thích hiện tượng "nổ" của các lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, thì tôi phải đổi lại là : "đầu gian miệng ngoa" !
Lê Hữu Khóa
(09/07/2020)
---------------------
- Giáo sư Đại học Lille
- Giám đốc Anthropol-Asie
- Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á
- Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO Liên Hiệp Quốc
- Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris
- Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á
- Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.