Giải luận
Giải thích các tin tức, các dữ kiện, các chứng tự, chứng tích, chứng nhân chỉ là một công đoạn của học thuật, giải luận đi xa hơn giải thích đề ra những lý luận có khi kình chống nhau nhưng biết bổ khuyết cho nhau ; những lập luận có lúc xung đột nhau nhưng biết hỗ trợ cho nhau ; những diễn luận có thời đối kháng nhau nhưng giờ lại biết song hành với nhau. Giải luận là đoạn đường dài của học thuật nơi mà nhận định tổng quan sẽ trợ duyên lẫn trợ lực cho các phân tích cụ thể.
Luận thuyết tái sản xuất bất công
Bourdieu, thân sinh của xã hội học quyền lực khi phân tích các bất công có mặt trong xã hội thì luôn có gốc, rễ, cuội, nguồn ngay trong quan hệ giữa quyền lực và quyền lợi, khi quyền lợi luôn tìm cách vụ lợi hóa quan hệ xã hội, thì bất công sẽ xuất hiện và thành hình, thầy tôi đề nghị đào thật sâu để xới thật xa về :
* Thuyết khống chế, nơi mà kẻ khống chế có quyền lực, rồi dùng quyền lực để khống chế quan hệ xã hội, sinh hoạt xã hội, đời sống xã hội ; để từ đó điều kiện hóa nhân sinh quan của cá nhân, người ta sẽ trực tiếp hay gián tiếp thấy bất công ngay trong hồi ký của cá nhân ; mà vấn đề chính vẫn là nhận thức về bất công có tạo được thành hành động đấu tranh chống bất công hay không mà thôi.
* Thuyết khuất phục, nơi mà kẻ có tiền lại có quyền không những ăn trên ngồi trốc mà còn tổ chức ra hệ thống xã hội kiểu cốc mò cò ăn, nạn nhân của bất công sẽ kể những khốn khổ cùng sự khuất phục trong nhật ký, trong hồi ký của mình. Tại đây, chưa chắc các nạn nhân của bất công hiểu hết sự vận hành của bất công đã làm nên phản xạ khuất phục của mình. Như vậy bất công nếu không được ý thức hóa trong hồi ký, rồi trong hành động, thì chắc chắn là bất công đã nằm trong vô thức của nạn nhân, phải sống với bất công mà không thấy đầy đủ bất công để đấu tranh tống cổ nó ra khỏi nhân sinh.
* Thuyết tuân thủ trong đó bất công tạo ra các nạn nhân bị khống chế, bị khuất phục luôn biết tuân thủ một cách vô điều kiện các mệnh lệnh của tác giả gây ra bất công đã đè đầu cưỡi cổ mình, các nạn nhân này vô tình hay cố ý tham dự vào hệ thống xã hội được vận hành bằng những bất công. Nơi mà vẫn đâu cũng hoàn đó với con vua thì được làm vua, con sải nhà chùa lại quét lá đa, bất công có thể được kể lể trong hồi ký, được nhắc đến trong nhật ký, nhưng ít khi nào được hiểu trọn vẹn để từ đó vực dậy nạn nhân, giúp nạn nhân vùng lên đấu tranh chống bất công.
* Thuyết thuần hóa, kẻ tạo bất công thì mạnh vì tiền dùng tiền để thao túng quyền, dùng quyền để quản trị tiền, kẻ mạnh này thuần hóa các nạn nhân bằng sự de dọa là sẽ tăng cường độ và mật độ của bất công lên ngày càng cao. Thuần hóa để tuân lệnh kẻ đã tháo nhân cách, gỡ nhân tri, bứng nhân phẩm của các nạn nhân, dùng sự chấp nhận bất công như một giáo lý hiển nhiên, như một giáo dục có ngay trong phản xạ, phản ứng của nạn nhân.
* Thuyết tái sản xuất bất công, sẽ tự vận hành trong sinh hoạt kinh tế, trong quan hệ nghề nghiệp, trong đời sống xã hội với thực tế của khống chế, với thực trạng của khuất phục, để định chế hóa sự tuân thủ, cơ chế hóa sự thuần hóa. Bất công hiển hiện trong thanh thiên bạch nhật, bó buộc các nạn nhân của bất công phải chấp nhận bất công cả kiếp của mình.
Luận thuyết ký ức sự cố
Ricoeur của triết học đạo đức, nhận ra khi ta giữ kỷ niệm để lập hồi ký thì ta chịu quy luật của diễn biến của sự cố trên diễn biến bình thường theo giòng chảy của thời gian. Thí dụ rõ nhất là mỗi cá nhân nhớ rõ ràng ngày sinh nhật của mình, đối với người Việt có giáo lý của đạo thờ tổ tiên thì nhớ ngày giỗ của ông bà, cha mẹ, và tự tổ chức cho mình một quyền hạn chỉ nhớ những ngày này, và được quyền quên các ngày khác trong năm, vì các ngày thường này không làm nên sự cố.
Ricoeur giảng rất chi ly cho các môn sinh chúng tôi đây là chỗ đứng trung tâm của sự cố trong cuộc đời của một cá nhân, sự cố vì nó đáng được nhớ, sự cố vì nó đáng được giữ trong ký ức, chính nó định vị và định chất cho kỷ niệm, cho nhật ký, cho hồi ký. Như vậy trong một đời người có hai loại thời điểm : loại đáng nhớ, loại không đáng nhớ, mà chính lịch sử làm nên sử học cũng phải chịu sự phân loại này, và sử học tập trung giảng dạy và yêu cầu chúng ta giữ sử cố làm nên sử kiện.
Triết gia này sau khi dùng sự cố để giải thích sử kiện, làm nên sử liệu, định hình sử chất, định vị sử luận, vì cái đáng nhớ là cái đáng ghi, mà cái đáng ghi là cái đáng trao, cái đáng truyền, thì thầy còn đi sâu để đi xa vào thuyết bản sắc. Tại đây, các bản sắc từ quốc gia tới cộng đồng, từ tập thể tới cá nhân, từ cá thể ích kỷ tới chủ thể sống có trách nhiệm với dân tộc và đất nước, thì một bản sắc mạnh, vững, bền là bản sắc kể được-ghi được-nhớ được-trao được-truyền được.
Chính bản sắc kể được các chiến thắng của tổ tiên, các chiến tích của dân tộc, vừa là nền của quá khứ, vừa là gốc của hiện tại, và sẽ là chân trời của tương lai, một chân trời kể được, một tương lai hiểu được. Các sự kiện đời là một cuộc đời không chấp nhận bất công, bất kể xuất xứ và bất cần lý lịch của nó tới từ một bạo quyền, một tà quyền, một ma quyền, một cực quyền, một cuồng quyền, một lộng quyền, một tham quyền nào … Tại đây, quyết tâm chống bất công đã rèn luyện nhân sinh quan theo thời gian đã thành thép nguội của một thế giới quan không chấp nhận vì không biết nhượng bộ bất công.
Luận thuyết đa đoạn thân thế
Passeron, đại sư của phương pháp luận thực địa, minh sư của khoa học luận thực nghiệm ; nơi mà nhân học, sử học, xã hội học đã đồng hội đồng thuyền để đại diện cho khoa học xã hội trong khảo sát tại nơi, điều dã tại chỗ, điền dã tại ổ, nên đã có đường đi nẻo về hoàn toàn khác với với khoa học nhân văn của triết học, của văn học, của ngôn ngữ học dựa vào chữ viết, tin vào văn bản, có văn khố làm chỗ dựa cho văn nhân. Passeron đề nghị khi nghiên cứu một cá nhân để biết cá nhân này sẽ là cá thể chấp nhận phận con ong cái kiến trong thấp cổ bé họng, hay có thể trở thành chủ thể biết thay đời đổi kiếp kiểu con hơn cha là nhà có phúc. Passeron đề nghị nghiên cứu sâu vào cá tính của mỗi cá nhân, không qua tâm lý học mà bằng xã hội học góc độ.
Xã hội học góc độ nơi mà cuộc đời của mỗi cá nhân là những đoạn đời rất khác nhau không hề thuận buồm xuôi gió, với biển êm sóng lặng, mà là một cuộc tiếp đời trong thụ động cúi đầu cam phận, hay chuyển đời trong chủ động trong thay đời đổi kiếp theo hướng đi lên, thăng hoa. Chọn lựa cá nhân làm nên cá tính thấy rất rõ trong từng đoạn đời của mỗi cá nhân, một là tiếp đời thụ động, hai là chuyển đời chủ động, thầy đưa ra các chỉ báo của đời người như một đồ hình của mạng lưới lưu thông công cộng của trong một thành phố, một vùng, một miền, môt quốc gia, một châu lục với :
* Điểm khởi hành thì các cá nhân cùng tuổi, cùng thế hệ, sẽ thường là đi cùng về một hướng như khi họ lên xe lửa, xe điện, xe bus… Càng học sớm chuyện đường đi nước bước qua một hệ thống lưu thông xã hội như di chuyển để lưu động, thì càng nhiều kinh nghiệm trong phản xạ, phản ứng để có tự do đi lại.
* Trạm xuống thì các cá nhân có các trạm xuống khác nhau, kẻ bỏ học thì xuống trước để đi học nghề, kẻ học thêm để được học kỹ, kẻ muốn học cao để được học xa, biết sâu. Mỗi trạm xuống luôn mang theo kết quả, hay hậu quả tự chuyện học chữ tới chuyện học nghề, kẻ thì thất nghiệp, kẻ thì lương bổng cao…
* Trạm cuối thì còn lại rất ít người, vì đa số đã xuống các trạm khác nhau trước đó, kẻ bỏ cuộc xuống sớm, kẻ bền chí xuống sau, kẻ kiên cường cứ tìm cách đi xa, nên qua bao thử thách cùng thăng trầm, thì mỗi người một cách, nên có khi tới trạm cuối xe chẳng còn ai.
* Trạm đổi không những có trạm đổi của nhiều xe điện, xe bus mà có cả nhà ga xe lửa, mà thành phố chủ động hay vùng miền mà năng động còn có cả phi trường quốc nội và quốc tế. Chính các trạm đổi này tạo điều kiện cho cá nhân được thay nghề đổi nghiệp, mà còn phong phú hóa cả nhân sinh quan lẫn thế giới quan luôn được mở để dễ chọn, rộng để dễ quyết định, để cá thể được thành chủ thể với nhiều đường đi nước bước khác nhau. Câu chuyện cá tính chủ động làm nên chủ thể linh động biết tùy cơ ứng biến vì biết, hiểu, thấy, thấu mọi lộ trình từ điểm khởi hành tới trạm xuống, từ trạm cuối tới trạm đổi ;, với các trở ngại ngay điểm khởi hành, với bao gian nan khi tới trạm xuống, với nhiều khó khăn trong trạm cuối, cùng lắm thử thách trước các trạm đổi.
Luận thuyết tự do dân chủ
Tự do giáo dưỡng dân chủ ngay trong chuyện chuyển đổi tư duy, từ chuyện "mỗi người giữ một vị trí" trong định chế, trong cơ chế, để cá nhân không được "cựa quậy" gì trong một chế độ ; cho tới nhận thức ra là "mỗi người được đổi vị trí" của mình trong cuộc sống, trong xã hội, cùng lúc đổi luôn số kiếp của tập thể, số phận của cộng đồng của mình trước một hệ thống ý thức hệ quái tâm dị não áp chế nhân quyền. Tự do giáo dưỡng dân chủ ngay trong đấu tranh cho công bằng xã hội, chống lại chuyện"con vua thì được làm vua", với bi hài kịch "thái tử đảng" sinh ra như những quái thai vô tài bất tướng nhưng được lãnh đạo theo kiểu cha truyền con nối của thể loại "con quan thì được làm quan", gây một thảm kịch cho cả dân tộc : "cả họ làm quan" qua gia đình, hậu duệ, thân tộc, họ hàng... với một cơ chế quái vật ma hình quỷ tướng làm trò hề cho các quốc gia dân chủ văn minh.
Tự do giáo dưỡng dân chủ được chứng minh ngay trong lịch sử của Việt tộc là chuyện "con vua thì được làm vua, con sãi nhà chùa thì quét lá đa" là vừa sai trái vừa vô minh, vì vừa bất công vừa vô nhân. Hãy nhớ lại trường hợp của Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) là con "sãi nhà chùa" mà cũng là minh sư : Vạn Hạnh, đã lập ra triều Lý, sáng ngời trong Việt sử, một triều với các khai quốc công thần dụng nội lực văn hóa Việt để chế tác ra sung lực cho văn minh Việt, để gầy dựng nên hùng lực cho văn hiến Việt. Tự do giáo dưỡng dân chủ được chứng minh qua quá trình của các cá nhân, các tập thể, các cộng động, từ vị thế nạn nhân của bất công và trong thăng trầm đã chủ động chấp nhận thử thách để tiếp nhận tự do, để đề kháng, để đòi hỏi, để đấu tranh, trường hợp các phong trào dân oan là minh chứng thông minh cho tri thức của tự do :
Phong trào dân oan Dương Nội, với gia đình của chị Cấn Thị Thêu từ phong trào bảo vệ đất tới đấu tranh vì dân chủ, vì nhân quyền có tầm vóc quốc tế. Phong trào dân oan Đồng Tâm, với dân làng sáng suốt "bắt giữ công an" đã đàn áp họ để cướp đất họ, tới vận động truyền thông dân chủ trong cả nước để cùng đồng tâm với nhau đấu tranh vì dân chủ. Phong trào dân oan Thủ Thiêm, với dân cư quyết tâm bám đất, chống bọn ma xó lãnh đạo thành phố buôn đất bán dân, chặn lại bọn ma bùn chủ thầu buôn đất bán nhà, giờ đã thành phong trào dân chủ được sống và được chết ngay trên mảnh đất của mình, những mảnh đất có được nhờ lao động của tổ tiên và của chính mình.
Tự do tự giải luận, mang khả năng của tự do tự giải thích bằng kiến thức và tri thức các chuyện không thể chấp nhận được đang đe dọa nhân phẩm là : độc tài, tham nhũng, bất công, bạo động, tha hóa, đồi trụy…Tự do tự giải luận, có năng lực của tự do tự giải trình, có chương trình hành động vì có giáo trình đạo đức của chuyện vì ta và vì người ; tại đây tính hợp lý, tính chỉnh lý của tự do được xây dựng qua hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) để trao luận, trong các trao đổi giữa các đối tác, từ tin tức tới truyền thông, từ dữ kiện tới chứng từ.
Tự do tự giải luận, có năng lượng của tự do tự giải thể qua đấu tranh để chuyển đổi các định chế, để biến đổi các cơ chế, để chuyển hóa các chế độ bất tín, bất tài. Từ đó, tự do nhân lên sung lực của mình qua đa tài để đa năng, đa nguyên để đa đảng, nhờ đa năng nên đa hiệu. Tự do tự giải luận, mang tiềm lực của tự do tự giải trừ qua quyết đoán để quyết tâm dẹp các tệ nạn xã hội, các tệ đoan của chế độ, chống lại chuyện lùi bước trước tha hóa, chống lại chuyện tự tha hóa, bởi một ý thức hệ, bởi một bạo quyền.
Tự do tự giải luận, mang cường lực của tự do tự giải quyết các khó khăn, các trở lực, các ngõ cụt, các suy thoái phẩm chất trong xã hội, trong giáo dục, trong văn hóa, để cùng nhau đi về các chân trời đáng sống, sống mà không chán sống ! Tự do tự giải luận, có mãnh lực của tự do tự giải phóng, bỏ kiếp quy phục cúi đầu, gạt phận khoanh tay quỳ gối, để khẳng định cuộc đời mới thẳng lưng để thẳng đầu, thẳng chân để thẳng thân, sống không những cho lành, cho tốt, mà còn muốn sống sao cho hay, sao cho đẹp.
Tự do tự giải luận là tự do vượt lên thiên nhiên, vì tự do đã rời bản năng "đói ăn, khát uống", vì tự do từ chối kiếp "ăn tươi nuốt sống" để chọn cuộc sống : có hậu. Tự do vượt luôn qua thượng đế, vì tự do chịu nhận kiếp người để tự đổi kiếp người, để tự thăng hoa trong công bằng và bác ái qua đường đi nẻo về của tự do. Tự do tự biện cho tự do vì hạnh phúc, đó là thông điệp của Rousseau. Tự do tự giải cho tự do, vì công bằng đó là thông điệp của Kant. Tự do tự luận cho tự do, vì công lý đó là thông điệp của Marx. Tự do tự thân cho tự do, vì nhân phẩm đó là thông điệp của Nietzsche.
Luận thuyết tự do dấn thân
Tự do để tự cứu trong quyết định tự chủ về số phận của mình, trong ý thức hành động vì tự do, từ cứu cánh tốt đẹp tới phương tiện minh bạch. Trong một đất nước mà tự lợi của Đảng cộng sản Việt Nam đứng trên hiến pháp, luật pháp, tư pháp, thì chuyện tự do để tự cứu là chuyện phải có, phải được hiện hữu với văn minh của con người trong thế kỷ này. Tự do để tự cứu chống tha hóa, vì biết tự trọng đối với chính nhân phẩm của mình, trước một xã hội suy đồi từ đạo đức tới giáo dục, có thể dẫn tới sự suy vong của một dân tộc, thì chuyện tự do để tự cứu vừa vì tồn sinh của đất nước, vừa vì tiền đồ của dân tộc là chuyện vô cùng bình thường trong phản xạ của đồng bào ta. Tự do để tự cứu để chống diệt vong, trước mưu đồ xâm lăng của Tàu tặc, vì dân tộc vì đất nước, vì các thế hệ mai sau là chuyện phải có, phải làm -phải dấn thân vì tự do để có tự do- trước một Đảng cộng sản Việt Nam được xếp loại là "hèn với giặc, ác với dân" là chuyện thật dễ hiểu, dễ thông, dễ thấu.
Tự do để tự cứu chống lại tham quan gây ra thảm họa qua tham nhũng, bòn rút cạn kiệt mọi tiềm lực của dân tộc, mọi tiềm năng của phát triển, mà động cơ vào đảng là để giành giật quyền lực, để tham ô, để hối lộ, để vơ vét. Tham quyền vì tham lam và trước lòng tham không đáy của các nhóm lợi ích mà thật ra là các mafia trong lãnh đạo, thì tự do để tự cứu là chuyện hiển nhiên, là chuyện đương nhiên. Tự do để tự cứu để chống tận diệt môi trường, để bảo toàn môi sinh, như chính bảo vệ tính mạng của mình và của đồng bào, trước các cá nhân lãnh đạo giành giật quyền lực để dễ buôn dân, bán nước. Chúng đã bán biển, bán đất, bán tài nguyên, bán nhân lực lao động của đồng bào với giá thấp, giá rẻ, cùng lúc đã chuyển tiền ra ngoại quốc, để tính toán chuyện cao chạy, xa bay khi mất nước, mất đảng, thì chuyện tự do để tự cứu thật quá dễ giải thích, quá dễ giải trình.
Tự do để tự cứu trực diện để kình chống loại tự do vô nhân, vô đạo của bọn sâu dân mọt nước, khi chúng tự cho phép là chúng có quyền tự do vô biên, vô định, vô hạn để vơ vét từ tài nguyên của đất nước tới tiền tài của nhân dân. Loại tự do vô minh, vô tri này của chúng được dung dưỡng trong một chế độ độc đảng để độc quyền thâm thủng nguyên khí của quốc gia.
Tệ hơn nữa, chúng không có một chút tự trọng gì vì quốc thể : tổ chức bắt cóc người (Trịnh Xuân Thanh) trên nước Đức, một quốc gia văn minh, biết tôn trọng công pháp quốc tế. Mà hiện nay tháng Năm, 2018 với phiên tòa tại thủ đô Đức có tất cả chứng từ của một chính quyền rừng rú, với các tướng tá công an giở trò bắt cóc người, ngay giữa một Âu châu văn hiến, thì chuyện tự do để tự cứu để không nhận quốc nhục là chuyện ta phải thực hiện càng sớm càng hay ! Tự do để tự cứu luôn khẳng định tự do không bao giờ rời ý thức (một ý thức của tự do biết tự giới hạn tự do loạn động) của mình trước văn minh, văn hiến của thế giới, mà còn phải luôn biết học người vì người giỏi hơn ta.
Tự do dấn thân là tự do mang tính hiếu động, luôn thúc đẩy hành động tới từ một động cơ kích thích sự hình thành của tự do trong thực tiễn, động cơ này có thể tới tự ngoại cảnh, chúng ta thấy láng giềng cùng văn hóa tâm giáo đồng nguyên với ta : Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... có đời sống văn minh, phát triển... đó là ngoại cảnh giúp ta dấn thân, thúc đẩy ta có hành động cụ thể vì đời sống văn minh, văn hiến như các láng giềng của ta. Chính ngoại cảnh giúp ta lấy quyết định để hành động, nhưng có kẻ dùng tự do cá nhân để nhậu nhẹt, rượu chè, nghiện ngập... thì khi họ mong muốn có văn hóa, văn minh, văn hiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ châu, Âu châu... mà bản thân họ không biết "thức khuya dậy sớm", và hằng ngày không chịu được cảnh "một nắng hai sương", mà ngược lại còn thiêu hủy kinh tế gia đình qua trác táng, làm khổ vợ con, thì các phát biểu của họ về tự do đi tìm văn minh, văn hiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ châu, Âu châu... chỉ là chuyện tráo lận truyền thông, dựa trên láo, xạo, dối, lừa của thói "lời nói chẳng mất tiền mua", nói mà không suy nghĩ, vì vô tri nên vô lý, nó hoàn toàn xa lạ với định nghĩa về tự do.
Tự do dấn thân mang tính năng động để được nhập cuộc trên con đường đạo lý được chọn lựa bởi cá nhân, bởi tập thể, bởi cộng đồng, bởi dân tộc, bởi nhân loại. Nhưng đạo lý phải chỉnh lý và hợp lý để nhân đạo có sức mạnh của nhân lý. Có lý sáng suốt để có luận tỉnh táo, để mà đi về các chân trời hay, đẹp, tốt, lành. Chính lý luận thông minh vì lập luận thông thái của tự do, nên tự do luôn mang tính tất yếu được chọn lựa bởi nhu cầu cần thiết, bởi mong muốn bức thiết, để cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc, nhân loại được sống tốt hơn trong nhân sinh, sống đẹp hơn trong nhân thế.
Tự do dấn thân là tự do khẳng định phải được sự tham gia trong công cuộc chung đi tìm hạnh phúc, bằng thể lực, trí lực, tâm lực của chính mình, đây là định nghĩa cụ thể và minh bạch của thế nào là dấn thân vì tự do. Tự do dấn thân là tự do được xác thực vừa bằng ý chí, vừa bằng quyết tâm, biến chí nguyện thành nội lực, biến ý nguyện thành sung lực, để nội chất tự do biến thành hành động bằng hùng lực của nhận thức, tự do đứng về phía xác định để minh định bằng can đảm của dấn thân.
Luận thuyết tự do trong tất yếu
Tự do khung tự chủ vì tự do vô cùng thận trọng để song hành dài lâu với sự sống, với nhân phẩm, với môi sinh ; chính tự do của lý trí là khung đã thành khuôn cho mọi quyền hạn và giới hạn, để tự chủ được chấp đôi, chấp lứa với tự do, không những vì nhân sinh và còn vì nhân tính nữa, nên ta phải làm rõ các hệ luận sau đây : Tự do không tất yếu, như giết người không phải là tự do, khi nó hủy tự do được sống của người khác ; nên tự do có khung là công lý, mang nội lực của pháp lý, giúp pháp luật được quyền ngăn chặn các tự do không tất yếu đe dọa sự sống. Tự do không bó buộc, như dùng bạo quyền để áp dụng bạo lực với đồng loại, bạo hành với đồng bào, để đàn áp cá nhân, tập thể, cộng đồng, xã hội, khi họ sử dụng quyền phát biểu, quyền tuyên bố, quyền biểu tình, quyền phản kháng, quyền bất tuân… để chống lại tà quyền đang đe dọa sự sống và đang chà đạp tự do.
Tự do không ràng buộc, như độc đảng dùng độc quyền qua độc trị trong độc tài để đàn áp, để bắt bớ, để bỏ tù, để tuyên án, để tra tấn, để hủy diệt các nhà hoạt động vì dân chủ, vì nhân quyền, để tiêu diệt quyền sử dụng tự do của họ. Tự do không bắt buộc, như chính quyền đã áp đặt chế độ công an trị trên toàn xã hội dân sự, để mặc công an tra tấn, giết người ngay trong đồn công an. Mà chính lực lượng công an này có kẻ, có nhóm, có đàng, có bầy, có đám, có đảng… đã liên kết với các tầng lớp tội phạm của xã hội đen để đàn áp dân oan, thao túng dân đen, trấn áp dân chúng. Chúng cùng lúc thông đồng với các lực lượng côn đồ, du đảng, cướp bóc để buôn lậu, trực tiếp hay gián tiếp tha hóa, đồi trụy toàn bộ xã hội. Có cả các tướng công an tổ chức đánh bạc lận qua mạng truyền thông, với các ván bạc lên hàng ngàn tỷ, mà bộ phận kỹ thuật đầu não nằm ngay trong Bộ Công an.
Chính tự do khi muốn bảo vệ tự chủ thì phải đứng lên, để nhìn rõ, để nổi dậy chống các loại tự do bừa bãi đầy độc tố của bọn âm binh ẩn nấp trong quyền lực đang ung thư hóa xã hội, đang đưa vi trùng độc để gây trọng bịnh trong ngay đạo đức của Việt tộc, đang tìm cách siết cổ các hành vi chân chính, các hành động liêm chính của tự do.
Luận thuyết tự do giữa lý và thức
Tự do đặt tự chủ vào giữa lý và thức, trong đó nhân lý phát huy kiến thức, trong đó nhân tri biết dựa vào nhân trí để có sung lực bảo vệ tính tự chủ của cá nhân, của cộng đồng, của tập thể, của dân tộc… Tất cả quá trình này đều được nhận diện trong các phong trào đấu tranh của dân oan tới các phong trào đòi hỏi dân chủ và nhân quyền trước bạo quyền độc đảng. Tự do đặt tự chủ vào giữa lý và thức khi lý trí hiểu tình thương, hiểu từ nguồn gốc của tình thương đồng loại tới hiệu quả cùng hậu quả trong tình thương này, chính là năng lượng của lý và thức trước các điều kiện của nhân sinh (có khổ đau và có hạnh phúc), từ đó hiểu nội chất của hai thái cực này trong nhân thế để tạo hạnh phúc và xa rời khổ đau. Ta thấy rất rõ quá trình này trong các phong trào thiện nguyện cho tới các phong trào bảo vệ các nạn nhân của trộm cướp trên đường phố do các hiệp sĩ thật sự liêm chính, những phong trào tự phát từ lương tri của các chủ thể tự do trước sự bất tín và bất tài của chính quyền độc đảng.
Tự do đặt tự chủ vào giữa lý và thức đưa lý trí lên hàng đầu, hạng ưu tiên để chọn lựa, để quyết định, để hành động, tự do này chống vô cảm để dẵm lên sự hèn nhát, vì trước hết nó chống vô nhân để đạp lên sự thối nát, không chấp nhận một lực lượng công an, cảnh sát, lên hàng triệu người, mà xã hội đen giữa ngày thao túng dân lành, mà chính chính quyền qua hệ thống công an lại thông đồng, giao kết, và giựt dây xã hội đen để khủng bố dân oan, dân đen, dân lành Tự do đặt tự chủ vào giữa lý và thức để cụ thể bảo vệ cá nhân, gia đình, dân tộc, nhân loại qua công bằng, công lý, công pháp, chính đây sự thông minh qua lý và trí để thăng hoa các phong trào xã hội đi tìm và sẵn sàng đấu tranh vì tự do.
Các phong trào dân oan ngày càng được dân tộc hóa và cả nước đều biết, chia sẻ, đồng cảm, song song với đấu tranh vì dân chủ của nhiều phong trào vì nhân quyền ngày càng được thế giới hóa được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế, ngay cả Liên Hợp Quốc, các châu lục đã có tự do. Điều phải nhận định về chính trị học và xã hội học là hành động tự do đấu tranh vì nhân quyền không bao giờ bị coi rẻ, xem thường, bỏ rơi, bỏ quên mà nó luôn được tôn vinh, và nó ngày càng được tôn vinh hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Kháng oan luận
Ngữ pháp kháng oan luận, được cấu trúc qua ngữ văn đề kháng để chống lại bất công gây ra oan kiếp ngay trong hiện tại mà chế độc đảng toàn trị đã lấy bạo quyền để phá nhà cướp đất của dân lành. Biến dân lành thành dân oan, khi bạo quyền công an trị liên minh với tà quyền tham nhũng trị, liên hiệp với ma quyền tham tiền trị. Kháng oan luận đi bước đầu tiên với hiện tượng học lấy cuộc sống để chế tác ra chất sống, trong chất sống có mắt thấy tai nghe, vì vô trương bất tín (không thấy không tin), chính hiện tượng làm nên kiến thức trực quan của con người. Hiện tượng học có chỗ dựa là hiện tượng luận, nơi mà : trực quan thấu trực cảnh, thực tế kể thực trạng, tầm nhìn sự thật nâng tầm vóc chân lý.
Từ đây, lấy chất sống của cuộc sống để tìm tới sự thật, để tạo ra tri thức, dụng tri thức để dựng lên ý thức, trong đó đạo lý của hay, đẹp, tốt, lành được hình thành để luân lý nói rõ về trách nhiệm và bổn phận của mỗi người, để sống có đạo đức, có nền là nhân phẩm đã biết nhận thức về mọi điều kiện làm người, và muốn làm người với nền của nhân lý, với vóc của nhân tri, với tầm của nhân trí. Nơi đây có nhân kết vừa là tổng kết, vừa là hùng lực của nhân vị tin vào nhân lý, biết dựa vào nhân tri, được nâng cao bởi nhân trí ; nhân bản có nền là nhân văn, có gốc là nhân phẩm, mang rễ của nhân từ ; nhân nghĩa biết trợ lực cho nhân thế, biết trợ duyên cho nhân tình, để nhân loại biết "ăn ở có hậu" ở mãi với nhân duyên.
Nhân kết Việt là thuật ngữ tới từ ít nhất là ba lập luận của Việt tộc : giống nòi Việt, gọi nhau là đồng bào vì cùng bào thai, vì cùng huyết thống ; dân tộc Việt, vì vậy có cùng một giòng sinh mệnh, sinh tử có nhau ; quê hương Việt, là mái nhà Việt để bảo vệ mọi công dân Việt. Nhân kết Việt, được tạo dựng qua ít nhất là ba lý luận của Việt tộc của kết thân, vì có cùng một giòng máu, "máu cháy ruột mềm" ; của kết gia, vì cùng là đồng bào, "anh em một nhà" ; của kết kiếp, vì là thân phận Việt biết, "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ". Dân oan là con dân Việt, là đồng bào Việt, là dân tộc Việt, là giống nòi Việt, chia sẻ với chúng ta cùng một nhân kiếp Việt : chúng ta không thể bỏ rơi dân oan !
Dân oan là nạn nhân của tham nhũng, tác giả là bọn tham quan tạo ra tham ô, vì tham tiền, nên hiện tượng luận nhân vị phải có lý luận để lột mặt nạ chúng, với hình ảnh như dữ kiện, như chứng từ ; từ đó phân tích và giải thích để lý luận về bản chất bất nhân của hệ tham (tham nhũng, tham quan, tham ô, tham tiền). Một hiện tượng luận nhân vị chỉnh lý phải lý luận rành mạch về nội chất và nội dung của hệ tham này. Dân oan là nạn nhân của tham nhũng, nó là con đẻ của độc đảng lấy độc tài để xây dựng độc quyền, lấy độc trị để độc tôn, qua thủ thuật của bạo quyền, qua ma thuật của tà quyền, lấy âm binh công an trị để khổ sai hóa xã hội, lấy tuyên truyền một chiều để ngu dân hóa quần chúng, để rồi tha hóa mọi giá trị đạo đức của tổ tiên. Một hiện tượng luận nhân vị toàn lý phải thấy-để-thấu cái độc hại của hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền,độc trị, độc tôn) này.
Dân oan là nạn nhân của tham nhũng độc đảng, biến quyền lực thành quyền lợi, rồi biến quyền lợi thành tư lợi, nên chúng chính là tà quyền, là âm binh đang biến chất nhân phẩm Việt, bản sắc Việt, lương tâm Việt. Chúng là bọn cướp công ích của dân tộc, cướp công tài của đất nước, cướp công bằng xã hội, và chúng nhẫn tâm cướp luôn công lý của dân oan, vì chúng bất nhân, thất đức ; nên một hiện tượng luận nhân vị phải có minh lý để thông suốt nhân vị của dân oan là một thực thể đại diện cho hệ công (công ích, công tài, công bằng, công lý).
Dân oan là nạn nhân của tham nhũng độc đảng trong tư lợi của tà quyền ; dân oan đấu tranh đòi lại đất của họ, để đòi lại hệ công (công ích, công tài, công bằng, công lý), bằng thái độ liêm chính, bằng hành động liêm sỉ, họ liêm khiết tự lời nói tới quyết tâm. Một hiện tượng luận nhân vị phải có trực lý để diễn luận rõ ràng dân oan đại diện cho hệ liêm (liêm chính, liêm sỉ, liêm khiết), họ chính là đại biểu cho sự thật xã hội, chân lý quần chúng, lẽ phải dân tộc.
Dân oan là thực thể đại diện cho hệ công (công ích, công tài, công bằng, công lý), cảcho hệ liêm (liêm chính, liêm sỉ, liêm khiết), dân oan không thể bị bỏ rơi, dân oan không thể đơn độc trong cuộc đấu tranh vì nhân phẩm Việt, được xây dựng trên nhân vị của nhân bản, nhân văn bằng nhân nghĩa, nhân từ của Việt tộc. Chúng ta chung lưng đấu cật, song hành và gắn bó với tiếng gào, tiếng hét, tiếng thét của dân oan, họ là đồng bào của chúng ta, họ đang lâm cảnh màn trời chiếu đất, họ chính là nhân nghĩa Việt phải có trong mỗi công dân Việt.
Tri tuệ luận
Biết tầm sư học đạo vì biết tôn sư trọng đạo. Nhưng đậm phúc hay nhạt phúc còn tùy thuộc vào trò nữa, đó là chiều dài và chiều rộng trong sự thông minh của trò đã hiểu ra vai vóc và tầm cỡ của chuyện "tầm sư học đạo", vì trên thượng nguồn của giáo dục đã biết "tôn sư trọng đạo". Đây là câu chuyện đạo lý của tri thức, biết lấy kiến thức hay, đẹp, tốt, lành để xây dựng lên ý thức học thành tài để học thành người, dựng lên không gian của nhận thức, phải có văn hay chữ tốt, mà chữ hay có gốc, rễ, cội, nguồn của nó : muốn hay thì phải tìm người xưa. Khi không gian của thức (kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức) đã định hình, thì con đường học sẽ mở : muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.
Khi quy trình tiên học lễ hậu học văn đã được khẳng định, thì trò sẽ vào một quy trình văn ôn võ luyện, trong học hằng ngày có luyện thường xuyên, ngữ pháp Việt rành mạch, vì trong tập luyện có tôi luyện. Trong quá trình ngày ngày tiếp cận với thầy, có bài học : muốn hay chữ phải tìm người xưa ; và muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học giờ đã thành một, một của đường dài, một của nhìn xa trông rộng qua nghe lời thầy, nghe để học đúng và hiểu trúng, chớ không phải nghe một cách vô điều kiện.
Nghe lời thầy từ tổng quan tới chi tiết, vì thầy sẽ kỹ lưỡng trong học ăn học nói học gói học mở, vì văn hay chữ tốt của thầy giờ đã là của trò, mà văn và chữ nầy đã đứng hẳn về phía thanh để chống tục. Vì không gian của học là thanh thoát trong thanh tao, nó ngược chiều với cách hành xử thô tục, nó ngược dòng với cách đối xử tục tĩu, kể cả khi phải đối diện với cái tục tằn, thì liên minh của thanh thoát và thanh tao sẽ chế tác ra thanh nhã để luôn có hành tác : đố tục giảng thanh. Dù gặp một chữ, một câu, một thái độ, một hành động thấp tục tới đâu, thì trò sẽ làm theo thầy là trả lời bằng thanh để giảng thanh cho kẻ tục biết mà tự sửa rồi tự bỏ đi cái tục, để tự kiểm rồi tự nâng mình theo cái cao của cái thanh.
Tự thủa xa xôi nào nơi mà chữ nghĩa cũng quý hiếm như tiền bạc, có lời khuyên như con dao hai lưỡi : "Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", là học chữ để thành người, nhưng nếu học chữ để làm ra tiền, lời khuyên theo loại thực dụng chủ nghĩa này, đáng ngờ vì nó là con dao hai lưỡi, có thể vừa làm ra kết quả, vừa sinh ra hậu quả. Cái thời xưa đó có chữ để làm tiền, vì có chữ là được xem như có học, mà có học thì "không sao chết đói được", dạy học thì ra tiền, thời đó thực sự đã qua chưa ? Giờ đây hình như chữ nghĩa không còn là của riêng của kẻ dạy học, mà dạy trong phản xạ "giấu nghề", thì trò sẽ không học được trọn vẹn, đầy đủ.
Celan, thi sĩ của tâm thức thi ca cận đại, người thầy của những trò muốn đi tìm sự thật tại tâm, có để lại một mô thức nói mạch lạc quan hệ gắn bó bằng tâm huyết giữa thầy và trò : "Tôi là bạn, khi tôi chính là tôi" (Je suis toi, quand je suis moi ! [1]). Lòng thành thật của thầy là sự thật của thầy trong quan hệ giáo lý làm nên giáo dục đặc sắc, dựng lên giáo khoa đặc thù, xây lên giáo trình đặc điểm, dựng nên giáo án đặc biệt mang cá tính, nội công, bản lĩnh, tầm vóc của thầy. Đây không phải là chuyện phô trương hiểu biết của thầy về kiến thức, mà đây là một tổng lực trong đó cá tính, nội công, bản lĩnh, tầm vóc của thầy đã thắp lên được ngọn lửa ngầm ngay trong trí lực và tâm lực của trò, mà những ngày tiếp nối sau này trong cuộc đời của trò, thì trò phải tự biết giữ lấy ngọn lửa ngầm cho trọn kiếp.
Đây là quan hệ giữa người và người, mà giáo dục truyền thông qua internet khó mà thực hiện được, vì tiếng nói của thầy là lời tâm huyết trong một bối cảnh nhất định của không gian trao truyền song hành cùng với thời gian giảng dạy, mang đầy đủ nhân tính trong nhân tri, nhân đạo trong nhân trí, nhân lý trong nhân thế…[2] Thầy đang đứng đó, thầy đang giảng đây, và trò nghe với chính tâm huyết của mình, mỗi lần trò rung động tới từ xúc động qua lời của thầy, tức là trò đang nhen nhúm mà tạo lực cho ngọn lửa ngầm mà trò mong được rực sáng mãi trong tâm lực, trí lực. Trong truyền thống xuất gia của Phật giáo có lễ truyền đăng (truyền đèn như truyền ánh sáng) giữa thầy và trò, như truyền cho nhau không những các tri thức cần có để làm người, mà còn truyền cho nhau tâm nguyện, có trong ý nguyện giờ đã thành ý lực là gốc của tâm lực, trí lực, làm nên vai vóc của trò, biết hành đạo vì biết hành thiện.
Diễn biến tâm lý giáo dục của trò mà chỉ có trò biết, từ nhen nhúm ngọn lửa tới lúc biến ngọn lửa bùng lên, có khi chỉ là khoảng khắc, có khi được nuôi dưỡng bao năm trường, đây có thể là một ngọn lửa lớn, cũng có thể là một ngọn lửa ngầm, tồn tại như một ẩn số của đời người, mà thi sĩ Tô Thùy Yên được vào phương trình ba sinh (quá khứ, hiện tại, vị lai) : "Nhen bùng ngọn lửa chưa tàn ba sinh". Khi người xưa tin rằng lời thầy giảng, dạy, khuyên, răn có khi là khuôn vàng, thước ngọc cho cả một kiếp người, hãy vận dụng các kết quả nghiên cứu của khoa học giáo dục, các khảo sát của xã hội học giáo dục, các định luận vi mô của triết học chính trị giáo dục để cùng song hành với tâm lý học giáo dục mà tổng kết để giải luận về cuộc đời của kẻ đi học gặp được thầy, và những kẻ khác đi học hoài, học mãi, học liên tục mà không gặp được thầy.
Nếu một người thầy đúng nghĩa là thầy, thì người thầy sẽ thực hiện học trình đố tục giảng thanh, với hiệu quả của : không thầy đố mày làm nên, mà giáo dục truyền thông hiện đại qua internet khó mà làm hơn thầy, chỉ vì không có đầy đủ tâm huyết của một người thầy. Chính tâm huyết của thầy (là của riêng thầy) nên thầy rất khác : kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư, họ làm việc với bổn phận và trách nhiệm, nhưng họ không có tâm huyết của thầy. Các kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư thường có tài năng của trí lực (nên mới được hành nghề trong hệ thống giáo dục) ; nhưng họ không có sung lực làm nên hùng lực của tâm lực, đây là một trong những định nghĩa thế nào là tâm huyết trong quá trình trao và truyền của thầy tới trò. Cụ Tiên Điền Nguyễn Du không lầm : Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài !
Tâm huyết của thầy dẫn trò tới một không gian khác của quá trình học tập khi có thầy rồi thì trò không học mò nữa, mà là học hỏi, tức là vừa học, vừa hỏi, hỏi cho ra chuyện, hỏi để được học tới nơi tới chốn, hỏi để thầy và trò cùng ngộ ra là : so ra mới biết ngắn dài ; để cả hai (thầy và trò), cùng thăng tiến rồi thăng hoa theo học lực. Khi thầy không trả lời đầy đủ, trọn vẹn câu hỏi của trò, thì thầy phải tìm hiểu thêm, nghiên cứu thêm, tức là bản thân thầy cũng phải học hỏi thêm, để câu hỏi của trò có câu trả lời, có lối ra, có chân trời, tức là "có hậu", để cả hai, thầy và trò, tiếp tục song hành bền bỉ trên con đường học vấn.
Học lực làm nên thực chất của học hành, nó không bị một bạo quyền lãnh đạo nào có thể bày vẽ ma trận của ngu dân qua tuyên truyền để truy diệt nó, như ta đang thấy trong thảm trạng giáo dục Việt Nam hiện nay, lấy độc đảng để độc tài nhưng bất tài trên mọi lãnh vực quản lý đất nước, nhất là trong giáo dục mà Việt tộc đang phải nhận lãnh một bi nạn là mái trường Việt đang ở đáy vực thẳm của phản giáo dục. Lấy mua điểm bán trường để mua bằng bán cấp, qua học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả để mua chức bán quyền, mà học vị là tờ giấy trắng (trắng tri thức vì vắng kiến thức) và học hàm là tờ giấy đen (đen vì bẩn bùn gian lận, màu đen của âm binh man trá). Cả hệ học (học tập, học hỏi, học vấn, học hành) dựng lên học lực, lấy chí bền của học chăm, trong tỉnh táo để suy ngẫm, sáng suốt để suy luận, luôn ngược lại với học gạo, học cuồng nghiệt trong vô minh, vì học mà không hiểu. Học thuộc lòng nhưng không có tấm lòng để hỏi, học mà không thấy thầy, không biết chuyện tầm sư học đạo.
Thầy đang giảng trước mắt mà nhiều trò vẫn nhìn không ra, họ cứ tưởng là thầy ngồi cùng mâm, ăn cùng chiếu với các kỹ thuật viên, giáo viên, giảng viên, giáo sư… Họ tưởng ai cũng làm thầy được, ai đã dạy họ là thầy họ, họ lầm ! Muốn thấy được thầy, thì trò phải "sáng dạ", "sáng lòng", muốn thấy thầy trước hết phải thấy được một tấm lòng của thầy ! Tấm lòng của thầy lớn hơn điểm thi, cao hơn bằng cấp, rộng hơn học vị, xa hơn học hàm, tấm lòng này dường như ở cõi : sống lâu mới biết lòng người có nhân ! Nhìn mà không thấy, thì xem như "lỡ duyên" học tập với thầy. Thí dụ điển hình là diễn biến hàng năm trong các đại học : năm đầu đại học trong giảng đường có vài trăm sinh viên, tới cử nhân chỉ còn lại một trăm, tới cao học chỉ còn lại hai ba chục, tới tiến sĩ chỉ còn lại vỏn vẹn trên dưới mười sinh viên. Nếu người thầy đúng nghĩa là : thầy, thì thầy sẽ thấy trong vài sinh viên sẽ có kẻ mà chính mình là thầy sẽ đào tạo và "biến hóa" các sinh viên này thành thầy như mình, đây là lúc mà thầy trò phải nhận diện ra nhau ! Thầy thấy trò không những có trí lực, lại có tâm lực, thấu đoản kỳ của kiến thức để chế tác ra trường kỳ của tri thức cho chính mình, và chính thầy sẽ giáo dưỡng để các trò này thành trí thức theo giáo lý hay, đẹp, tốt, lành nhất !
Khi triết gia Hegel xây dựng công trình lý luận của mình là Hiện tượng học lý trí (la phénoménologie de l’esprit), triết gia này đi dần tới Hiện tượng học luật học (la phénoménologie du droit), ông luôn lấy thí dụ của chế độ nô lệ, một bên là chủ mà ngôn ngữ học Âu châu gọi là thầy (maitre), bên kia là nô lệ (esclave). Từ đây, triết gia này phân tích và giải thích mối quan hệ bóc lột của hai loại người không bao giờ cảm thông nhau ngay trong nhân kiếp của họ. Người chủ nô lệ, ngày xưa gọi là thầy (maître) mà loại thầy này không dính líu gì tới giáo dục !
Vì trong không gian giáo dục thì sự gặp gỡ giữa thầy và trò là sự hội tụ của hai nhân kiếp, nếu tâm giao rồi đắc khí, thì hai nhân kiếp này có thể chỉ là một trong chia sẻ kiến thức, trong trao đổi tri thức. Hai kẻ : một bên là thầy, bên kia là trò, nhưng sẽ đồng hội đồng thuyền, lắm lúc đồng cam cộng khổ trên đường đời, trong và ngoài học đường, làm nên một nhân sinh quan chung chia được, dựng lên thế giới quan chia sẻ được, xây lên vũ trụ quan luân lưu được ; có lẽ đây là quan hệ loại đẹp nhất, cao nhất giữa người và người [3].
Nhưng thầy chỉ được danh hiệu : thầy khi do chính trò gọi là thầy, nếu thầy mà tự vỗ ngực là thầy, trong khi chính trò không công nhận mình là thầy, thì chữ thầy do chính thầy tự gọi không có nội dung, vì không có ý nghĩa, nhất là không mang một giá trị cao quý gì cả. Câu chuyện thầy-trò luôn có nội dung của quan hệ giáo dục, luôn có ý nghĩa của sinh hoạt giáo dục, luôn có giá trị của đời sống giáo dục. Chính phương trình quan hệ-sinh hoạt-đời sống được giáo lý Việt hiểu rất nghiêm minh : Nuôi con không dạy là cha có lỗi, dạy không nghiêm ấy tội của thầy, câu chuyện này có cha có lỗi và tội của thầy, mà tội thì nặng hơn lỗi, và lỗi thì ta có thể tha, được chớ tội thì thật khó tha.
Đây cũng là câu chuyện vừa hài kịch, vừa bi kịch của nền giáo dục Việt Nam hiện nay trong chế độ độc đảng gây ra bao độc hại trong giáo lý. Trước hết là hài kịch của trò man trá học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả, để giả học vị rồi gian trong học hàm, ung thư hóa không gian giáo dục, hoạn bịnh hóa môi trường học đường, giờ lại được học trò gọi là "thầy" ! Nhưng vì học (giả) nên chưa bao giờ thực sự gặp thầy thật, được nghe thầy thật giảng, được chia sẻ từ kiến thức tới đạo lý, từ tri thức tới luân lý, từ nhận thức tới đạo đức với thầy thật, nên trọn kiếp chỉ là thầy giả (mạt giáo trong điếm nghiệp).
Thầy giả thì cho tới hết nhân kiếp cũng không sao hiểu được phương trình nội dung-ý nghĩa-giá trị của chữ thầy, luôn song hành để song kiếp với quan hệ-sinh hoạt-đời sống của giáo dục thật. Bi kịch của giáo dục hiện nay của Việt Nam ngày càng tràn lan : với bạo lực học đường, với thầy cô bạo hành học trò, với học sinh bạo động với thầy cô, tất cả đều bị điếm nhục hóa khi học đường bị quan hệ man trá hóa đột nhập, với học sinh phải bán thân trong không gian giáo lý, với những tên thầy giả hãm hiếp học sinh… Với tên Bộ trưởng Bộ giáo dục câm kiến thức, ngọng tri thức, chột ý thức, què nhận thức khi ra thông lệnh "Nếu bán dâm quá bốn lần, thì sẽ bị đuổi học !" (tà nghiệp trong điếm lộ).
Trí tuệ luận
Thầy dặn trò trong chuyện học, thầy khuyên trò về chuyện đời : dại làm cột con, khôn làm cột cái, mà đi học để làm người khôn và sau này ra đời cũng để tiếp tục làm người khôn, để bảo vệ chính nhân cách của mình và luôn biết yêu cầu xã hội chung quanh tôn trọng nhân cách này : chim khôn ai nỡ bán, người khôn ai nỡ nặng lời. Trong thế giới của thiện ác lẫn lộn, nơi mà hai loại người rất khác nhau sống chung với nhau bằng nghịch ngữ, người thì khẩu xà tâm Phật, kẻ thì khẩu Phật tâm xà, vì trong không gian miễn phí này của lời nói : lời nói chẳng mất tiền mua ! Thầy có khi phải thay thế cha mẹ mà khuyên trò : giữ miệng như giữ nút bình, cũng chỉ vì : lưỡi không xương nhiều đường lắc léo.
Giữa thế giới đối xử qua lời nói, thầy chỉ ra cho trò cái khôn cư trú chỗ nào : khôn khéo lấy miệng mà sai, vung dại lấy vai mà đỡ. Nhưng người khôn mà thầy muốn đào tạo là người khôn có đạo lý, lấy đạo đức của mình làm con ngươi trong mọi ứng xử, vì người khôn này là kẻ biết nghe-hiểu-thấu : điều hay lẽ phải. Mà điều hay đang ở trong khu vực của lý trí, là chỗ dựa của trí tuệ, đã mang nội lực của tuệ giác ; còn lẽ phải hiển hiện trong đạo lý dẫn dường cho luân lý, nơi mà con người sống chung với nhau không phải để sát phạt, để truy diệt nhau, mà sống chung vì có bổn phận và trách nhiệm với nhau [4].
Sự qua lại giữa điều hay và lẽ phải, là sự dẫn dắt nhau qua lý trí và đạo đức, và khi cả hai dung hòa rồi thống nhất với nhau thành một khối, thì chân dung của người khôn xuất hiện, mà người khôn của những người khôn khác chính là thầy, thầy dùng cái khôn để nâng đỡ kẻ này, rồi cứu rỗi kẻ kia, bảo vệ kẻ nọ. Trong lịch sử của Việt tộc có loại người thầy đó, chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1409-1585), không những cứu Nguyễn Hoàng khi khuyên chúa này nên vào Nam không những để thoát chết trước tay chúa Trịnh mà còn để dựng nghiệp ; thầy cũng giúp nhà Mạc khuyên họ lên vùng cao để giữ thân, mà bảo nghiệp. Muốn làm thầy trước hết phải biết : nhìn xa trông rộng.
Nhân dạng nhìn xa trông rộng là nét chính làm nên chân dung người thầy, tạo nội lực cho bài giảng, tạo sung lục cho phân tích, tạo hùng lực cho giảng thích của thầy trước trò. Năm 1993, Passeron (dòng thác mạnh của khoa học luận trong khoa học xã hội hiện đại, cùng lúc là nguồn nước bền của phương pháp luận điền dã thực địa của xã hội học), có lần kể cho tôi nghe câu chuyện khi ông và Bourdieu (chủ trì phái tái sản xuất xã hội, minh chủ của luận thuyết khống chế trong bất công xã hội), khi cả hai cho xuất bản tác phẩm
Tái sản xuất (Reproduction) mà tái sản xuất đây là tái sản xuất bất bình đẳng làm nên tái sản xuất bất công trong xã hội. Thì người thầy của Passeron và Bourdieu đã đưa cả hai vào đại học Sorbonne vào làm trợ giảng cho mình, đó chính là Aron, minh sư của xã hội học cận đại, cầu vồng dày bản lĩnh biết nối triết học và xã hội học qua các phân tích vĩ mô, lại là đối thủ tri thức của Sartre trong hậu bán thế kỷ hai mươi vừa qua.
Có lần thầy Aron tuổi trọng gọi hai thầy tuổi trẻ là Passeron và Bourdieu vào trao đổi về sự thành công ngoài tưởng tượng của tác phẩm của ha thầy trẻ này trong giới học thuật, và Aron đã phát biểu một câu "ngược đời" trước sự thành công của tác phẩm này là : "Các bạn đã mang thêm nước để đổ vào cối xay của Sartre" ("Vous apportez de l’eau au moulin de Sartre"). Thầy Passeron tâm sự thêm là ngay khi nghe xong câu này, Passeron và Bourdieu đều nghĩ là Aron vừa giận, vừa trách hai môn đệ của mình đã thêm nước để đổ vào cối xay của đối thủ của thầy mình. Nhưng Passeron kể thêm là với tháng rộng năm dài, và khi nghiền đi ngẫm lại, thì đây là một nhận định rất sáng suốt của một minh sư, trong bối cảnh của giới trí thức sau đệ nhị thế chiến, khâm phục và tôn vinh chủ thuyết hiện sinh của Sartre, để rồi cùng rơi vào con đường chống bất bình đẳng để loại bỏ bất công với Sartre [5].
Nhưng chính những kẻ theo Sartre đã bật đèn xanh cho chủ thuyết cộng sản của Marx, rồi cổ súy cho các đảng cộng sản tại Âu châu, có nhiều trí thức cổ vũ cho hành động này, bằng cách lấy thẻ đảng viên của các đảng cộng sản Âu châu. Họ chưa biết sự khác biệt một trời một vực giữa chủ thuyết cộng sản của Marx và các đảng cộng sản mà Lénin, Staline, Mao… chính là những lãnh tụ dùng bạo quyền để bạo hành dân tộc họ, dùng bạo lực để hành hung dân tộc họ. Lénin, Staline, Mao… của các đảng cộng sản từ khi ra đời là nguồn chết chớ không phải nguồn sống. Và những nạn nhân sống sót qua những cuộc thanh trừng, thảm sát của bọn này, thì nhận ra là thực trạng của chủ thuyết cộng sản chính là bất bình đẳng của mọi bất bình đẳng, bất công của mọi bất công. Và câu cuối của Passeron với tôi hôm đó là : "Aron đúng là thầy, vì ông biết nhìn xa, vì biết nhìn tự trên cao nhìn xuống, nhưng luôn luôn tôn trọng tự do của các môn sinh của mình, dù tự do đó đã đưa các môn sinh của mình tới sai đường lạc lối".
Lê Hữu Khóa
(28/08/2020)
[1] Éloge du lointain, Paris, Gallimard.
[2] Nhân Luận và Nhân Việt, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa)
[3] Lê Hữu Khóa, Tri Luận, Anthropol-Asie, Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).
[4] Lê Hữu Khóa, Tự Luận, Anthropol-Asie, Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).
[5] Lê Hữu Khóa, Anthropologie du Vietnam, Tome III, Anthropol-Asie, Ed. Les Indes Savantes.
---------------------
- Giáo sư Đại học Lille
- Giám đốc Anthropol-Asie
- Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á
- Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCOLiên Hiệp Quốc
- Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris
- Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á
- Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.