Tại sao đã sống gần trọn đời, mà bây giờ đến gần cuối đời thì tôi lại đặt câu hỏi là : "Tôi đã được sinh ra chưa ?", trên thượng nguồn về chuyện tổng kết một đời người của tôi từ lâu đã có sự hiện diện của hai sự phụ trong văn chương, họ đã gieo cho tôi phiền muộn này, đã tới từ phiền não của họ. Người thứ nhất là thi hào Rimbeau mà thi nghiệp có thể được tóm gọn trong câu kết là : "Đời sống thật của đời tôi chắc là nó ở một nơi khác, một chốn nào đó, mà bản thân tôi không được sống thật với đời sống thật đó". Người thứ nhì là văn hào Kafka mà văn nghiệp cũng có thể được tóm thâu trong câu cuối là : "Tôi đã sống rồi, nhưng không biết là tôi đã được sinh ra đời chưa ?".
Câu chuyện của hai sự phụ của tôi là Rimbeau và Kafka, không hề là câu chuyện sinh đẻ ; cũng chẳng phải câu chuyện sinh, lão, bịnh, tử, mà đây là câu chuyện của suy tưởng làm nên tư tưởng. Với tư duy mong cầu được sống với cuộc đời bằng chính nhân sinh quan của mình, được chia sẽ với đồng bào của mình bằng chính thế giới quan của mình, được chung chia với đồng loại của mình bằng chính vũ trụ quan của mình. Xin được kể về nhân lộ của tôi, không một chút phiền muộn, phiền não hoặc phiện lòng gì cả để tự trả lời câu hỏi cho chính tôi là : "Tôi đã được sinh ra chưa ?".
Arthur Rimbaud và Franz Kafka
* Sự thật, tới với cá nhân như một biến cố bắt cá nhân phải thay đời đổi kiếp ngay tức khắc, trong bây giờ và ở đây, vì thời gian sẽ không đợi được và sẽ không còn một cơ hội nào khác. Đó là khi tôi thấy-để-thấu bản chất của bạo quyền độc đảng toàn trị đang cai trị đồng bào, giống nòi, đất nước của tôi. Khi tôi sử dụng khảo sát, vận dụng nghiên cứu, tận dụng học thuật để xem-rồi-xét là trong một xã hội đang nằm trong quyền sinh sát của một bạo quyền độc đảng toàn trị thì tôi hiểu là nó có cả một ổ ung thư ngay trong bạo quyền đó. Tại đây, tôi đã thấy có : công an trị, thanh trừng trị, tham nhũng trị, tham tiền trị, ngu dân trị, tuyền truyền trị, lạm quyền trị, cực quyền trị, cuồng quyền trị… nơi mà nhân quyền cùng nhân phẩm của đồng bào tôi không bằng cái móng chân của bọn chúng.
* Sự cố, của sự thật đã làm nên biến cố ngay trong cuộc đời của tôi, vì biến cố này bắt buộc tôi không được nhắm mắt, cúi đầu, khom lưng, khoanh tay, quỳ gối, rạp đất. Mà tôi phải thức tỉnh để thức dậy, thẳng lưng để đi tới, mở mắt để sáng lòng, dấn bước để dấn thân… Dù biết dấn thân sẽ có ngày bị bạo quyền độc đảng toàn trị, cùng có các đứa con cốt tử của nó là : tà quyền mưu hèn kế bẩn, là quỷ quyền truy cùng diệt tận, là ma quyền chó cắn trộm, là âm quyền chém sau lưng sẽ tù đày tôi, hãm hại tôi, ám sát tôi, thủ tiêu tôi… Nhưng khi sự cố của thực tại của cả một xã hội đã trở thành biến cố sâu đậm trong cuộc đời của một cá nhân, thì biến cố này mang tầm vóc của chuyện vật đổi sao dời ngay trong tư tưởng của cá nhân đó. Tại đây, nhân kiếp của một cá nhân luôn thấp, bé, ngắn, cụt so với nhân phẩm của đồng bào, nhân đạo của đồng loại, đây chính là thượng nguồn của các quá trình dấn thân. Chính sự cố tập thể của nhân sinh đã tạo ra biến cố cá nhân ngay trong nhân kiếp của cá nhân đó ; nơi mà sự thật đòi hỏi sự dấn thân, mà sự dấn thân đòi hỏi lòng can đảm.
* Phép mầu, báo tin là sự cố không bi thảm, biến cố không phải là bi nạn, mà sự dấn thân xem sự cố như một phép lạ, mà lòng can đảm xem biến cố như phép màu, đã khai thị nhân sinh quan, rồi khai sáng thế giới quan, mà thử thách của một nhân kiếp là phải thấy phép màu của nhân tính để tiếp nhận phép lạ của nhân phẩm. Vì nhân phẩm không ai trao tặng chúng ta, mà mỗi người trong chúng ta phải sử dụng nhân quyền, vận dụng nhân lý, tận dụng nhân tri để dấn thân trong đấu tranh mà tiếp nhận nhân phẩm. Câu chuyện phép mầu ở đây không hề là câu chuyện mê tín, dị đoan, cũng chẳng phải là câu chuyện của tôn giáo kể về một phép lạ của ơn trên ; mà là câu chuyện của nhân thế có ngay trong nhân gian khi nhân lý nhận ra nhân quyền để bảo vệ nhân phẩm. Câu chuyện phép mầu giữa người và người này là câu chuyện của nhân loại, nó sinh tồn với đồng loại, và nó là câu chuyện thật đẹp, và rất thông minh, không cực đoan, chẳng cuồng đạo.
* Công lý, là câu chuyện cũng rất thông minh khi nhân tính và nhân lý đi tìm để được hạnh ngộ với nhân tri và nhân trí, cụ thể là tìm kiến thức để tổ chức tri thức, tiếp ý thức để đón nhận thức, để tất cả cùng nhau tỉnh thức trước bất bình đẳng. Trong phong kiến thủa xưa thì con vua lại được làm vua, trong chế độ bạo quyền nội đảng trị hiện nay thì con quan lại được làm quan. Nơi mà bạo quyền độc tài nhưng bất tài trong quản lý, lại tự vỗ ngực như một bà lãnh đạo thành Hồ : "Con cán bộ mà làm cán bộ là hồng phúc cho dân tộc". Dân tộc nào vậy ? Có dân tộc nào chấp nhận được độc tài nhưng bất tài ? Có dân tộc nào chấp nhận được độc trị nhưng không biết quản trị ? Có dân tộc nào chấp nhận được độc tôn nhưng không biết gì về tôn ti trật tự trong đạo lý của tổ tiên, đạo đức của dân tộc, luân lý của giống nòi ? Bất bình đẳng sinh đôi với bất công, khi nhân lý gào lên "bất bình đẳng quá !", khi nhân tính thét lên "bất công quá !", thì nhân phẩm sẽ gào lên : "bất nhân thất đức quá !". Từ đây, công lý đã xây dựng nên nền, móng, tường, mái cho sự xuất hiện của chủ thể.
"Nếu tôi đang sống mà mang đầy những nỗi lo, nỗi sợ, nỗi đau, nỗi khổ, nỗi hoảng, thì thật sự là tôi chưa xứng đáng được sinh ra trên cõi đời này !"
* Chủ thể, không còn là một cá thể đơn lẻ, không còn là một cá nhân đơn độc, mà là chủ trong chính nhân kiếp của mình, để trực tiếp trả lời câu hỏi : "Tôi đã sinh ra rồi, và tôi sinh ra với nỗi khổ của đồng bào trước bạo quyền độc đảng công an trị, với niềm đau của đồng loại trước bạo quyền độc đảng tham nhũng trị, đã biến dân lành thành dân oan, dân tốt thành dân đen. Tôi đã sinh ra rồi, và tôi phải lớn khôn với công lý, và tôi phải cõng, bổng, ẵm, bế ngay trong âm giới của âm binh đang chực chờ để mai phục tôi, đang rình rập để hãm hại tôi. Nhưng tôi phải chấp nhận cái giá này ! Cái giá được dẫn dắt bằng nhân quyền vì công lý, được dìu dắt bằng sự dấn thân của lòng can đảm !". Tôi sinh ra trên đất nước này, trong vòng tay của dân tộc này, tôi luôn có một dòng sinh mệnh với giống nòi của tôi, như vậy tôi đã định được thời gian lẫn không gian của sự ra đời của tôi : "Tôi sinh ra trong bất công nhưng tôi biết lớn lên trong đấu tranh vì công lý để bảo vệ công bằng".
* Can đảm, nơi mà lòng quả cảm làm nên chí kiên cường trong đấu tranh của chủ thể đã nhận bổn phận với đồng bào, trách nhiệm với đất nước, sứ mệnh với giống nòi, như nhận thử thách bằng chính nhân tâm của mình, nhận thăng trầm chính nhân từ của mình. Chủ thể không còn là thường dân, vì thường dân này đã lấy sự can đảm để dấn thân vì công lý, để trực diện mà trực luận bằng bất bạo động với bạo quyền độc đảng toàn trị, với các đứa con âm bịnh của nó là : công an trị, thanh trừng trị, tham nhũng trị, tham tiền trị, ngu dân trị, tuyên truyền trị, lạm quyền trị, cực quyền trị, cuồng quyền trị… Chủ thể đứng về phía nước mắt để đối thoại trong đối lý, đối luận trong đối trọng, đối lực trong đối kháng để vạch mặt chỉ tên bất bình đẳng, bất công, bất tài… Tính can đảm của chủ thể không đứng chung với tà quyền mưu hèn kế bẩn, không ngồi cùng với quỷ quyền truy cùng diệt tận các đứa con tin yêu của Việt tộc, mà chủ thể Việt đứng đối diện để đối đầu với bạo quyền độc đảng chỉ thạo thanh trừng trị.
* Nỗi lo, có trong chủ thể là nỗi lo bình thường của nhân tính khi cá nằm trên thớt trước bạo quyền công an trị, và tà quyền thanh trừng trị ; nhưng nỗi lo này không vùi dập được nhân lý, không chôn sống được nhân quyền, không thủ tiêu được nhân phẩm. Chính nhân phẩm phải có lý luận xác đáng để nỗi lo không làm nên nỗi sợ ; chính nhân tâm phải có lập luận thích đáng để nỗi sợ không làm nên nỗi đau ; chính nhân quyền phải có giải luận thích hợp để nỗi đau không làm nên nỗi khổ ; chính nhân đạo phải có diễn luận chính xác để nỗi khổ không làm nên nỗi hoảng.
***
Nếu bạo quyền độc đảng toàn trị cố tình với ý đồ, cố ý với mưu đồ của nó là thường xuyên tạo ra nỗi lo, nỗi sợ, nỗi đau, nỗi khổ, nỗi hoảng để cai trị dân tộc, thì chủ thể của lòng quả cảm làm nên chí kiên cường, sẽ tự trả lời với thâm tâm của mình rằng : "Nếu tôi đang sống mà mang đầy những nỗi lo, nỗi sợ, nỗi đau, nỗi khổ, nỗi hoảng, thì thật sự là tôi chưa xứng đáng được sinh ra trên cõi đời này !".
Lê Hữu Khóa
(01/03/2021)
---------------------
Lê Hữu Khóa
- Giáo sư Đại học Lille
- Giám đốc Anthropol-Asie
- Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á
- Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCOLiên Hiệp Quốc
- Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris
- Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á
- Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.