Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

27/06/2021

Juneteenth có nguồn gốc như thế nào ?

The Economist

Juneteenth, ngày lễ liên bang mới nhất của Mỹ, có nguồn gốc như thế nào ?

Các nhà hoạt động quyền dân sự ở Hoa Kỳ từ lâu đã thúc đẩy việc biến ngày "Juneteenth" (từ ghép của June và 19th, tức ngày 19/6) trở thành ngày lễ quốc gia. Mong ước của họ đã trở thành hiện thực trong tuần này khi Tổng thống Joe Biden ký một dự luật đưa "Ngày Độc lập Quốc gia 19 tháng 6" trở thành ngày nghỉ lễ ở cấp liên bang. Nhiều dịch vụ không thiết yếu sẽ đóng cửa và nhân viên chính phủ sẽ được nghỉ lễ có trả lương. Các thị trường chứng khoán cũng thường ngừng giao dịch vào các ngày lễ, nhưng vì ngày 19/6 năm nay rơi vào thứ Bảy nên dù sao thì các sàn cũng sẽ đóng cửa. Ông Biden gọi sự công nhận này là một trong những vinh dự lớn nhất mà ông có được trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, nhưng việc này vẫn gặp phải các chỉ trích. Đạo luật đã được Thượng viện nhất trí thông qua, nhưng 14 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu chống lại. Và nước Mỹ ngày càng bị chia rẽ bởi quan điểm về chủng tộc. Vậy, ý nghĩa của Juneteenth chính xác là gì ?

juneteenth1

Vào ngày 1 tháng 1 năm 1863, khi cuộc nội chiến Hoa Kỳ đang diễn ra, Tổng thống Abraham Lincoln đã ra tuyên bố giải phóng tất cả các nô lệ sống ở các bang thuộc Hợp bang miền Nam. Nhưng lệnh này không có nhiều hiệu lực ở Texas, nơi có rất ít binh sĩ Liên bang miền Bắc để giúp thực thi tuyên bố. Phải mất hơn hai năm, tin tức về tuyên bố mới đến được tai các nô lệ ở Galveston, Texas. Vào ngày 19 tháng 6 năm 1865, tức hai tháng sau khi nội chiến kết thúc, một vị tướng của Liên minh miền Bắc đã cưỡi ngựa đến thông báo cho thành phố rằng tất cả mọi nô lệ từ nay sẽ được tự do. Và sáu tháng nữa chế độ nô lệ sẽ bị cấm trên toàn quốc (trước đó Lincoln đã miễn lệnh cấm cho các bang ủng hộ chế độ nô lệ nào không ly khai mà ở lại tham gia Liên minh miền Bắc). Nhưng suốt nhiều thế hệ, người Mỹ gốc Phi đều kỷ niệm ngày chấm dứt chế độ nô lệ vào ngày 19/6.

Ngày 19/6 hiện là ngày lễ liên bang thứ 12 của Hoa Kỳ, nhưng ngày lễ này đã được tổ chức rộng rãi từ trước. Các bữa tiệc nướng và dã ngoại ăn mừng đã được tổ chức kể từ khi sự kiện này diễn ra. Vào năm 1980, Texas đã trở thành tiểu bang đầu tiên chính thức kỷ niệm ngày này. Tuần này, Hawaii và South Dakota lần lượt trở thành các bang thứ 49 và 50 làm việc đó. Các cuộc biểu tình sau khi George Floyd, một người da đen không vũ trang, bị một sĩ quan cảnh sát da trắng kẹp cổ tới chết vào tháng 5 năm 2020 đã mang lại sự ủng hộ lớn hơn cho ngày lễ 19/6. Và các công ty cũng ngày càng công nhận ngày lễ này. Một số công ty, chẳng hạn như Twitter, Nike và Vox Media, cũng đã biến nó thành một ngày nghỉ có trả lương cho các nhân viên người Mỹ (năm nay, nhiều người kỷ niệm ngày lễ vào thứ Sáu, 18/6). Một cuộc thi hoa hậu "Miss Juneteenth" cũng được tổ chức lần đầu vào năm 2020 để giúp các cô gái và phụ nữ da đen tôn vinh di sản chung của mình.

Sự công nhận của ông Biden đối với ngày lễ Juneteenth diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang có các tranh luận gay gắt về cách Mỹ nên ứng xử với sự bất công chủng tộc như thế nào. Các cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa kiểm soát ở ít nhất năm tiểu bang đã thông qua các dự luật nhằm cấm những gì họ gọi là "lý thuyết chủng tộc phê phán", hạn chế cách các giáo viên có thể thảo luận về lịch sử và các sự kiện thời sự của Mỹ. Paul Gosar, một nghị sĩ Đảng Cộng hòa đại diện cho bang Arizona, người đã bỏ phiếu chống lại dự luật mà ông Biden đã ký ban hành vào tuần này, gọi ngày 19 tháng 6 là "Lý thuyết Chủng tộc Phê phán được thổi phồng" và tuyên bố rằng nó càng "làm đất nước chúng ta chia rẽ". Hầu hết 13 hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa còn lại phản đối đạo luật cũng cho rằng thuật ngữ "Ngày Độc lập Quốc gia 19 tháng 6" gây chia rẽ. Nhưng đối với nhiều người Mỹ, việc liên bang công nhận ngày lễ 19 tháng 6 đáng lẽ ra đã phải được thực hiện từ lâu.

The Economist

Nguyên tác : "What is Juneteenth, America’s newest national holiday ?", The Economist, 18/06/2021.

Trần Hùng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist, Trần Hùng
Read 591 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)