Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

08/08/2021

Tự do và Tình người

Chu Văn

Thời đại dịch, ở đâu cũng thấy có những hiện tượng giống nhau. Ở đâu cũng có chết chóc, ở đâu cũng có phong tỏa. Nhưng dường như chỉ có ở Việt Nam mới có hiện tượng người dân bỏ chạy. "Chạy đến vô cùng", như một tác giả ở Sài Gòn đã chua xót ghi nhận. Chạy tứ phía. Già cũng chạy. Trẻ con mới 10 ngày tuổi cũng chạy. Chạy bằng mọi phương tiện, từ xe gắn máy đến xe đạp và ngay cả đi bộ. Chạy đến gần cả ngàn cây số. Ngày chạy, đêm ngủ vất vưởng dọc đường. "Lý do họ rời bỏ Sài Gòn, bởi không còn tin tưởng vào các chính sách chống dịch của nhà cầm quyền, và cũng không đủ sức để cầm cự thêm nữa khi mất việc, không còn gì để sống tiếp nay mai. Hẳn nhiên, chính quyền (thành phố) Hồ Chí Minh đang nợ những con người này một lời xin lỗi, vì đã không cưu mang họ được, qua những tháng ngày này, bất chấp việc tuyên truyền nói dối rằng luôn lo đủ cho mọi người gặp khó khăn" (1).

bochay0

Chính quyền (thành phố) Hồ Chí Minh đang nợ những con người này một lời xin lỗi, vì đã không cưu mang được họ qua tuyên truyền nói dối lo đủ cho mọi người gặp khó khăn - Ảnh minh họa : Chốt kiểm dịch Cai Chanh (Đắk R'Lấp, Đắk Nông) nhiều thời điểm bị quá tải vì lượng người đổ về Tây Nguyên đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông - Ảnh: N.G (Danviet.vn)

Dạo đầu tháng Tư năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng phát, các nhà lãnh đạo đang ở "đỉnh cao trí tuệ loài người" đã tung ra tư tưởng và phương châm hành động vô cùng có tính "sáng tạo" : "Chống dịch như chống giặc". Trên báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, tôi đọc được những lời dẫn giải về phương châm này như sau : "Trước hết, do dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu, có tốc độ lây lan nhanh, không chỉ gây thiệt hại trên mọi lãnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, mà còn khiến số người tử vong ngày càng cao ; được coi là vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Thứ hai, đối với Việt Nam, "trong dịch có giặc" : Đó là các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng việc phòng chống dịch Covid-19 để chống phá cách mạng Việt Nam" (2). Hai tháng sau, trong một bài nói chuyện tại Quốc hội, thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã "nổ" : "Cột điện ở Mỹ mà biết đi sẽ về Việt Nam" (3).

Nay cột điện ở Mỹ chưa kịp về Việt Nam mà người dân trong nước thì đã tháo chạy. Có người đã gọi đây là chuyến "di tản thứ ba" của lịch sử Việt Nam (3). Nhưng theo tôi, đúng với phương châm "chống dịch là chống giặc" của Việt Nam, việc người dân trong nước "tháo chạy" quả là một cuộc "chạy giặc".

Bất cứ nơi nào trên thế giới, hễ có chiến tranh là có "chạy giặc". Nhưng có lẽ chưa có dân tộc nào "chạy giặc" nhiều cho bằng người Việt Nam. Trong ký ức của tôi, kể từ năm 1954 đến nay, người dân Việt Nam "chạy giặc" không biết bao nhiêu lần. 7 tuổi, tôi đã chứng kiến cảnh người Bắc "chạy giặc" vô Nam. Từ đó cho đến năm 1975, tôi cũng đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần, hễ cứ mỗi lần có du kích hay cộng quân xuất hiện là người dân bỏ chạy. Tôi không được tận mắt chứng kiến cuộc di tản của người Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, nhưng tại thành phố Nha Trang của tôi vào ngày mùng một tháng Tư năm đó, tôi đã cảm nghiệm được thế nào là "chạy giặc". Từ cao nguyên, từ những vùng tuyến đầu của miền Trung, bằng mọi phương tiện, người ta đổ xô về Nha Trang và từ đó bồng bế nhau, dẫm đạp lên nhau  để "chạy" bán sống bán chết vào Miền Nam.

bochay2

Từ cao nguyên, từ những vùng tuyến đầu của miền Trung, bằng mọi phương tiện, người ta đổ xô về Nha Trang và từ đó bồng bế nhau, dẫm đạp lên nhau  để "chạy" bán sống bán chết vào Miền Nam. Ảnh minh họa : Dân chúng rờ bỏ thành phố Ban Mê Thuộc ngày 10 tháng 3 năm 1975 để chạy xuống Nha Trang

Người dân Việt Nam đã "chạy giặc". Và dĩ nhiên, "giặc" ở đây chỉ có thể là "giặc cộng". Nơi nào lá cờ " giải phóng" được giương lên, nơi nào hai chữ "tự do" được hô hào, người dân Việt Nam liền "chạy giặc" !

Thành phố Sydney, thủ phủ của Tiểu bang New South Wales, Úc Đại Lợi và những thị trấn ở vòng đai của thành phố này cũng như thủ phủ của một số tiểu bang khác, hiện đang bị phong tỏa vì đại dịch. Bị cấm cố trong nhà có lúc tôi cũng cảm thấy bị quẫn trí. Tôi thèm được tự do, nhứt là tự do lái xe đi câu cá ở những nơi mình muốn. Thèm được tự do cho nên đầu óc tôi cứ lẩn quẩn với hai chữ tự do.

Trong ngôn ngữ loài người có lẽ không có gì hàm hồ, bị đánh tráo và  "hãm hiếp" cho bằng hai chữ tự do. Đối với những ai đã từng sống dưới một chế độ cộng sản, tự do hay giải phóng chỉ đơn thuần có nghĩa là nô lệ, tù đày, kiềm kẹp và chạy giặc, mà cụ thể là vượt biên, cũng đơn thuần có nghĩa là đi tìm tự do và sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để được tự do.

Tôi đã cảm nghiệm, đã nếm trải thế nào mới thực sự là tự do kể từ khi được đặt chân vào trại tỵ nạn ở Galang, Nam Dương hồi cuối năm 1981. Khi vừa nhập trại, người tỵ nạn nào cũng nghe vọng lại từ một loa phóng thanh : "Đây Galang, ngưỡng cửa của Tự do và Tình người xin chào đón các bạn". Kể từ đó, ngoài quyền tự do thật sự, tôi còn nhận ra một hàm ý khác của tự do là Tình người. Phải chăng, con người chỉ thực sự hiểu  được thế nào là tự do khi họ cảm nghiệm và thực thi tình người.

bochay3

Vượt biên, cũng đơn thuần có nghĩa là đi tìm tự do và sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để được tự do.

Là một người tỵ nạn, tôi đã hiểu được thế nào là tự do. Nay trong cơn đại dịch, tôi lại bị buộc phải suy nghĩ về hai chữ tự do dưới một ý nghĩa khác. Hầu như ở đâu cũng thế, hễ cứ có phong tỏa để phòng chống dịch là có người đòi hỏi tự do. Điển hình là ở Mỹ. Buồn cười nhứt là dưới thời của Tổng thống Donald Trump, khi có một số tiểu bang ban hành lệnh phong tỏa, một số người đã xuống đường biểu tình chống lại các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giữ giãn cách xã hội và tránh tụ tập đông người và ngay cả chích ngừa. Có người còn lên kế hoạch bắt cóc những thống đốc nào ban hành lệnh phong tỏa. Riêng ông tổng thống thì lại hô hào người dân đứng lên "giải phóng" những tiểu bang nào ra lệnh phong tỏa (5). Nghĩ lại những năm tháng sống dưới chế độ cộng sản, cứ nghe hai chữ "giải phóng" là tôi thấy run.

Cũng may, ở Úc Đại Lợi của tôi, chưa thấy ông Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi dân chúng xuống đường chống lại lệnh phong tỏa của các tiểu bang. Nhưng theo dõi cảnh hàng ngàn người dân Sydney xuống đường chống phong tỏa dạo cuối tháng Bảy vừa qua, tôi cũng cảm thấy "run" khi nhìn thấy không một người nào trong đám đông đeo khẩu trang. Bên cạnh một số biểu ngữ có nội dung tôn giáo như "Máu Chúa Giêsu là thuốc chủng ngừa của tôi" (The blood of Jesus is my vaccine), tôi còn đọc được "mấy không" trên những chiếc áo thun của đoàn người biểu tình như "không đeo khẩu trang" (unmasked), "không xét nghiệm" (untested), "không chích ngừa" (unvaxxed), "không sợ" (unafraid)...Các cuộc điều tra của cơ quan y tế ở Úc đã cho thấy : những cuộc biểu tình chống lại lệnh phong tỏa như thế là đầu mối của những cuộc lây lan vô tội vạ. Hầu hết  báo chí và các cơ quan truyền thông Úc đều gọi những người tham gia biểu tình như thế là ngu xuẩn và ích kỷ (idiotic and selfish).

bochay4

Một số biểu ngữ có nội dung tôn giáo như "Máu Chúa Giêsu là thuốc chủng ngừa của tôi" (The blood of Jesus is my vaccine) - Ảnh minh họa

"Ngu xuẩn" là phải bởi vì người ta lao mình vào cửa tử vì nghĩ rằng tự do là muốn làm gì thì làm. "Ích kỷ" là bởi người ta không nghĩ đến những hệ lụy mà hành động đòi hỏi tự do của mình có thể có đối với người khác. Không gì "ngu xuẩn" và "ích kỷ" khi đòi hỏi cho bằng được thứ tự do muốn làm gì thì làm !

Suy nghĩ về hai chữ tự do, tôi cũng thường nghĩ đến một trong những triết gia nổi bật nhứt của chủ nghĩa hiện sinh là Jean-Paul Sartre (1905-1980). Trong một trong những tác phẩm tiêu biểu nhứt của ông là "Hữu thể và Hư vô" (L’Être et le Néant) xuất bản hồi năm 1943, ông có viết một câu : "con người bị kết án là phải được tự do" (l’homme est condamné à être libre). Thú thật, cho tới nay tôi vẫn chưa hiểu được hoàn toàn một tư tưởng cao siêu như thế. Cũng như tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã từng thú nhận khi viết về tác giả Phạm Công Thiện (1941-2011) "ông là người có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông muốn nói cái gì cả", cũng thế, tôi cũng đã từng say mê triết gia Jean-Paul Sartre, nhưng hiểu được tư tưởng của ông về thế nào là tự do, "chết liền" !  Về triết gia nổi tiếng này, tôi chỉ biết có một số biến chuyển chính trị đáng chú ý : ông đã từng say mê chủ nghĩa cộng sản. Tuy không bao giờ gia nhập đảng cộng sản Pháp, ông thường lên tiếng ủng hộ Liên Xô và những chính sách của chế độ cộng sản Nga. Năm 1954, ông sang  Nga để thấy tận mắt thế nào là xã hội chủ nghĩa. Nhưng 2 năm sau, tức năm 1956, khi Liên Xô đem quân sang xâm chiếm Hung Gia Lợi, Jean-Paul Sartre đã mạnh mẽ lên án đế quốc đỏ và năm 1968, khi Liên Xô đưa quân sang đè bẹp cuộc nổi dậy "Mùa Xuân Praha" ở Tiệp Khắc, ông mới thực sự giã từ giấc mơ xã hội chủ nghĩa. Và năm 1979,  cảm động không ít  khi ông cùng với các nhà trí thức Pháp tham gia phát động phong trào cứu vớt người Việt tỵ nạn cộng sản. Hai chữ tự do mà ông đã từng nêu cao có lẽ giờ đây đã gắn liền với tình người.

Trong cơn đại dịch, tôi ý thức về tự do của tôi hơn bao giờ hết. Cái lẽ thường và lý trí lúc nào cũng mách bảo tôi, như ai đó đã nói, rằng tự do của tôi chấm dứt khi nó chạm đến mũi của người khác. Ký giả Mỹ gốc Do Thái Hannah Arendt (1906-1975), người đã từng sống dưới chế độ Đức Quốc Xã Đức, đã nhắc nhở tôi điều đó. Trong cuốn sách có tựa đề "Con người trong thời kỳ đen tối" (Men in Dark Times), bà cảnh cáo chúng ta không nên rút lui vào vỏ ốc của mình . Bà nhắc lại rằng theo người La Mã thời xa xưa, sống là "sống giữa người khác" và chết là "thôi hiện hữu giữa người khác". Theo bà, co cụm trong vỏ ốc riêng tư của mình, nghĩa là chỉ nghĩ đến mình, là đánh mất nhân tính của mình. Đây chính là chân lý mà tôi đã cảm nhận được khi đặt chân đến trại  Galang, Nam Dương, "ngưỡng cửa của Tự do và Tình người" để khởi đầu cuộc hành trình làm người tỵ nạn và cố gắng sống như một người tự do thật sự.

Chu Văn

(08/08/2021)

Chú thích :

1. Tuấn Khanh : Chạy đến vô cùng. 

2.Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, "Chống dịch như chống giặc

3. Kalynh Ngô, chuyến "di tản thứ ba" của lịch sử Việt Nam, Kalynh Ngô/Người Việt 

4. Đài Á Châu Tự Do 

5.Donald Trump urges supporters to 'liberate' states, encouraging protests against coronavirus restrictions

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chu Văn
Read 1345 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)