Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

25/08/2021

Cali và Sài Gòn : sống với Covid, chết vì Covid

Bùi Văn Phú

California sống với Covid

Sau hơn một năm vất vả phòng chống Covid và kể từ khi có thuốc tiêm ngừa, nước Mỹ đang trở lại bình thường trong những điều kiện mới. Việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ trở thành những nét sinh hoạt trong đời sống. Bắt buộc cũng có mà tự nguyện cũng có.

bvp5

Thành phố đại học Berkeley những ngày phòng chống Covid trong năm 2020

Từ mùa xuân năm nay nhiều tiểu bang đã bỏ những giới hạn sinh hoạt vì Covid. Riêng California, nơi có nhiều hạn chế gắt gao nhất trong công tác phòng chống, giới hạn được bỏ từ ngày 15/6 vừa qua.

Vì ban hành những chính sách khắc khe nên Thống đốc Gavin Newsom, người của Đảng Dân chủ mới làm lãnh đạo tiểu bang California được hai năm, nay đang phải đối mặt với cuộc bầu cử nhằm bãi nhiệm ông vào ngày 14/9 tới đây.

Ngay khi vừa được bãi bỏ giới hạn sinh hoạt, cuối tuần 20/6, ngày Father’s Day đã có tiệc trong khu Little Saigon San Jose với 5, 6 trăm người tham dự.

bvp6

Thống đốc Gavin Newsom đang phải đối đầu với bầu cử bãi nhiệm vào ngày 14/9 tới đây (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Hàng quán đã mở cửa cho khách vào ăn và nhiều quán ăn vẫn còn giữ không gian bên ngoài để phục vụ khách hàng. Đông khách vào buổi trưa cuối tuần dù giá cao hơn trước nhiều. Một tô phở trong Vietnam Town ít ra là 15 đôla. Một ly chè ba mầu trong Grand Century Mall gần 5 đôla.

Không chỉ người Việt mà mọi người đang đổ xô ra ngoài ăn uống để bù lại những ngày cấm túc và cũng vì lo ngại biến chủng Delta của Covid-19 đang lan nhanh, có thể khiến chính quyền sẽ lại ban hành các giới hạn, nếu tình hình lây lan và số người chết tăng nhanh.

bvp3

Từ ngày 15/6 hàng quán ở California đã hoàn toàn mở cửa trở lại để đón khách (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Bây giờ vào hàng quán có nơi đo thân nhiệt của khách. Đến thành phố San Francisco mà bạn muốn ăn nhà hàng, vào quán rượu hay ghé phòng tập thể dục thì phải chứng minh đã chích ngừa, còn không xin miễn vào.

Các chương trình ca nhạc giải trí, tranh đua thể thao đang được tổ chức. Sân vận động chia làm hai khu cách biệt, cho những khán giả đã chích ngừa và chưa chích.

Sau hơn một năm vắng bóng văn nghệ, tại San Jose Center for Performing Art vào chiều Chủ Nhật 29/8 sẽ có chương trình ca nhạc chủ đề "Bông hồng cài áo".

Miền nam California, hôm Chủ nhật 22/8 Thúy Nga Paris by Night đã tổ chức tại sòng bài Pechanga Resort Casino ở gần San Diego hai suất văn nghệ và đã bán hết vé.

Sans titre

Phố Tầu San Francisco cuối tháng 3/2020 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Nhìn về quê nhà, mấy tuần qua xem hình ảnh của các bạn từ Sài Gòn đưa lên Facebook, tôi thấy thành phố nơi mình sinh ra, sau bao đổi đời mà chưa khi nào vắng lặng như thế, kể cả những ngày xa xưa khi chiến tranh tràn vào thành phố.

Tháng Ba năm ngoái, vùng Vịnh San Francisco đã trải qua thời gian hoang vắng. Xa lộ chỉ còn rất ít xe qua lại, phương tiện di chuyển công cộng thật thưa người. Các dịch vụ giải trí, các nơi thờ phượng, các dịch vụ không cần thiết đều đóng cửa. Nhưng không hoang vắng như Sài Gòn hiện nay, với rào kẽm gai giăng mắc ở cả những hang cùng, ngõ hẻm.

bvp7

Sài Gòn hiện nay với rào kẽm gai giăng mắc ở cả những hang cùng, ngõ hẻm.

California những ngày cấm túc năm ngoái người dân được khuyến cáo không ra đường, nhưng vẫn có thể đi siêu thị, đi đổ xăng, đến ngân hàng. Nếu cần thư giãn dân cũng có thể thả bộ quanh lối xóm, chỉ phải đeo khẩu trang và giữ giãn cách xã hội.

Những hàng dài người xếp hàng, giữ khoảng cách 2 mét, chờ vào siêu thị trở nên hình ảnh quen thuộc trong đời sống.

Lúc đó tôi không thể xuống San Jose, thủ phủ của người Việt miền bắc California, vì như thế là không tuân thủ lệnh của chính quyền địa phương không cho di chuyển ra khỏi nơi mình cư ngụ quá xa.

Vài lần lái xe lòng vòng ra phố, qua Oakland, qua San Francisco để quan sát mà trong lòng có cảm giác lo sợ vì chưa bao giờ đường phố vắng xe như thế. Đêm về thì như thành phố ma. Bệnh dịch rồi sẽ lây lan đến đâu?

Ba tháng qua đi, hè đến có vẻ khả quan. Các giới hạn được nới lỏng.

Nhưng số người bị lây nhiễm vẫn không giảm nhiều. Cuối năm tình hình bệnh dịch trở nên bi quan với số người nhập viện, người chết tăng. Nhiều người danh tiếng qua đời vì Covid mà cộng đồng không thể tiễn đưa. Người thân quen mắc bệnh phải tự chữa tại nhà, theo lời dặn của bác sĩ vì bệnh viện không còn chỗ.

BuiVanPhu_20210822_H02

Hàng quán trong khu Vietnam Town ở San Jose đông khách vào một trưa Chủ Nhật gần đây (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Sau hơn một năm phòng chống, nước Mỹ đã có 650 nghìn người chết vì Covid và 38 triệu người bị nhiễm.

Hiện nay nước Mỹ đang tạm bình yên. Trường học đã mở cửa đón sinh viên và học sinh trở lại, tuy vẫn còn tranh cãi về các biện pháp phòng ngừa Covid, như cần chứng minh đã chích ngừa, hay học sinh có cần đeo khẩu trang.

Dù đã có thuốc tiêm phòng chống dịch từ đầu năm, nhưng nhiều người vẫn không muốn chích. Chính quyền các cấp ra sức mời gọi người dân, tổ chức xổ số, tặng quà nhưng đến nay mới có 52% đã được tiêm đủ hai mũi, chưa thể đạt tới mức miễn nhiễm cộng đồng. Hiện tại khắp nơi trên nước Mỹ đang kêu gọi những người đi tiêm lần đầu sẽ được tặng 100 đôla.

Theo số liệu của KFF (kff.org), một tổ chức theo dõi hoạt động y tế ở Mỹ đã thu thập số liệu từ 40 tiểu bang, số người đã chích một mũi, tính đến ngày 16/8, là : 50% người da trắng, 45% người Hispanic, 40% người da đen và 67% người châu Á.

Có những nhận định là người theo Đảng Cộng hòa không muốn tiêm chích hơn người theo Dân chủ. Tôi thấy điều này không thuyết phục, vì nếu như thế thì số người da đen, với trên 80% ủng hộ Đảng Dân chủ qua các kỳ bầu cử thì họ phải là nhóm dân chích ngừa cao nhất, sao lại ở mức 40% cho đến nay.

Có thống đốc tiểu bang Cộng hòa không buộc dân phải tiêm chủng hay phải đeo khẩu trang vì cho đó là những tự do chọn lựa của từng cá nhân.

Nước Mỹ kêu gọi chích ngừa mà dân cứ lơ là. Còn bên Việt Nam hàng triệu người lại đang mong có thuốc để tiêm.

Sài Gòn chết vì Covid

Covid ở Việt Nam trong toàn năm qua được kiểm soát tốt, chỉ vài nghìn ca nhiễm và số tử vong vài trăm. Từ cuối tháng Năm vừa qua tình hình trở nên nguy ngập và lúc này số ca nhiễm lên đến hàng vạn và số người chết lên số trăm một ngày. Hơn 90% các ca nhiễm và tử vong là trong vòng ba tháng qua.

Theo số liệu từ Worldometer, cho đến ngày 22/08/2021 Việt Nam có 348 nghìn ca nhiễm và 8.300 tử vong.

Sài Gòn toang từ hai tháng qua và đã lan nhanh ra nhiều tỉnh lân cận. Chính phủ đang vận động xin viện trợ thuốc chích ngừa từ các nước phát triển.

Nhiều người ở Mỹ đã gửi tiền, gửi thuốc về giúp gia đình bên nhà. Nhưng vì ngăn cấm đi lại gắt gao, những công ti chuyển hàng như Anam Cargo ở San Jose đã phải ngưng nhận gửi đồ cho đến đầu tháng Chín. Hàng gửi trước ngày 20/8 thì đến 25/9 thân nhân mới có thể nhận được.

Thành phố với 13 triệu dân, trong đó có hàng triệu người là dân nhập cư tạm sống và làm việc ở đó. Hàng vạn người phải lũ lượt bỏ Sài Gòn ra đi vì không còn sức chịu đựng. Thiếu tiền nhà, thiếu thực phẩm thì làm sao sống nên phải về quê cũ để có nơi nương thân, còn tìm được miếng ăn.

Xem hình ảnh Sài Gòn trong cơn đại dịch mà cảm thương cho người dân. Dịch bệnh đã làm tê liệt thành phố. Sài Gòn giờ không kịp thiêu người đã chết.

Không chỉ giới nghiêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng, hình ảnh Sài Gòn những tuần qua là một Sài Gòn với ngựa sắt và kẽm gai giăng khắp lối. Sài Gòn đang trở ngược về quá khứ của chiến tranh. Hay của thời điểm đổi tiền và những ngày ngăn sống cấm chợ, như người thân của tôi nhận xét.

Sài Gòn trước những tin đồn cấm dân ra đường, được nhà nước cải chính rồi lại ban hành lệnh thi hành, khiến dân ùn ùn kéo nhau đi mua nhu yếu phẩm, chen chúc trước siêu thị chẳng còn màng đến giãn cách xã hội.

Những ai từng sống ở Sài Gòn qua thời chiến tranh hẳn không quên bài hát quen thuộc của Trần Thiện Thanh, phổ thơ Tô Thùy Yên với những ca từ :

 

Giờ này thương xá sắp đóng cửa

Người lao công quyét dọn hành lang…

Ôi Sài Gòn, Sài Gòn giờ giới nghiêm

Ôi em tôi Sài Gòn không buổi tối

 

Bài hát "Chiều trên Phá Tam Giang"

 

Hay nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ thơ Kim Tuấn :

Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng

Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai

Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài…

 

Bài hát "Khi xa Sài Gòn"

 

Sau năm 1975, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết "Đêm nhớ về Sài Gòn" :

Đêm nhớ về Sài Gòn

Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi

Những con đường thèm đôi chân vui

Đã bao lâu chờ đợi…

 

Bài hát "Đêm nhớ về Sài Gòn"

 

Đó cũng là nỗi nhớ của người Sài Gòn hôm nay. Thèm được ra đường.

Những ngày qua, với tình hình bệnh dịch và Sài Gòn như đang thoi thóp trong từng hơi thở của dân đã tạo cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ, trong và ngoài nước, viết lên những ca khúc.

"Sài Gòn tôi sẽ" của thầy giáo 9x Nguyễn Thái Dương đã được chính tác giả và nhiều người khác hát, thu hình đưa lên You Tube.

Bài hát "Sài Gòn tôi sẽ"

 

Hy vọng hơn cho một ngày Sài Gòn bình thường trở lại là "Sài Gòn sẽ vui lại thôi mà" của bác sĩ Minh Đức.

Từ hải ngoại, hướng lòng về quê nhà nhạc sĩ Quốc Khanh viết "Hướng về quê hương" được nhiều ca sĩ tên tuổi hòa ca : Hoàng Thục Linh, Quốc Khanh Nguyên Khang, Diễm Liên, Thiên Kim, Hồ Hoàng Yến, Huỳnh Phi Tiễn, Nhật Lâm, Đoàn Phi, Huỳnh Gia Tuấn, Xuân Nghi, Ái Ni, Đức Tân.

Bài hát "Hướng về quê hương"

 

Từ San Jose, Trần Hải Sâm có ca khúc "Một ngày trên quê hương tôi" được ca sĩ Trần Thu Hà thể hiện, nghe thật buồn và cảm thương cho biết bao con người ở khắp nơi trên thế giới và ở Việt Nam trong lúc này đang trải qua những cơn sinh tử mà lại thật cô đơn :

Một ngày trên quê hương tôi

Nghe tiếng khóc báo người thân tắt thở

Ra đi giữa im lìm không hương khói, chẳng một vòng hoa

Lặng lẽ hóa ra tro

Lặng lẽ hóa ra tro...

 

Bài hát "Một ngày trên quê hương tôi"

 

Đã một năm rưỡi chúng ta phải sống với Covid, chết vì Covid. Biết làm gì hơn nữa là mong cho càng nhiều người được chích ngừa. Nguyện cầu cho cơn dịch mau qua.

Bùi Văn Phú

(24/08/2021)

Tác giả là giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Văn Phú
Read 1294 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)