Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

03/02/2022

Một hạt bụi bay !

Chu Văn

Ít có người Việt Nam nào, sau khi đã từ giã cõi đời, được thế giới nhắc nhớ với nhiều ngưỡng mộ và thương mến như thiền sư Thích Nhất Hạnh. Những lời giảng dạy về điều được gọi là chánh niệm trong Phật giáo đã mang lại an vui và hạnh phúc cho rất nhiều người trên thế giới. Tôi là một trong số những người đó. Nếu tôi có trở thành một Phật tử, theo cách thế riêng của tôi, thì cũng do học hỏi và thực hành những lời giảng dạy của thầy. Một cách nào đó, thiền sư Nhất Hạnh là bậc tôn sư của tôi.

nhathanh1

 Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong bộ áo nâu sòng, đội mũ len rời khỏi căn phòng an dưỡng đến thiền đường gặp các phật tử.

Khoảng giữa thập niên 1960, ở tuổi thanh niên, tôi đã nghe nói đến thầy. Một cách gián tiếp qua một linh mục công giáo là cố giáo sư Nguyễn Ngọc Lan. Trong tác phẩm "Đường hay Pháo Đài", linh mục Nguyễn Ngọc Lan có nhắc đến thiền sư Nhất Hạnh : một hôm ông đèo vị thiền sư trên chiếc xe gắn máy và luồn lách qua một khu phố nghèo ở Sài Gòn ; trẻ con trong xóm chạy ra xem và "tri hô" : "Ra mà coi : ông cha chở ông sư !". Cứ như thể đây là chuyện không bao giờ được phép xảy ra trong một đất nước đang sôi sục vì chia rẽ tôn giáo !  Những cuộc biểu tình của Phật giáo dẫn đến sự cáo chung của nền Cộng hòa đầu tiên mà lãnh đạo là một người công giáo. Nhiều cuộc xô xát có khi đẫm máu giữa một số cộng đồng Công giáo và Phật giáo tại một số nơi đã khiến cho mối quan hệ giữa hai tôn giáo lớn ở Việt Nam trở nên căng thẳng. Trong bối cảnh ấy, một linh mục công giáo đèo một vị sư phật giáo rảo qua phố phường hẳn phải là một hình ảnh đẹp hiếm có. Nhưng cũng kể từ lúc đó, theo dõi các hoạt động của vị thiền sư này, tôi lại thấy nơi thầy có những lời tuyên bố hay một sự thinh lặng đầy tranh cãi.

Đầu tiên đáng tranh cãi nhứt phải nói là lời tuyên bố của thầy về vụ Mỹ dội bom phá hủy Thị xã Bến Tre, một thị xã có 300 ngàn dân. Lời tuyên bố của vị thiền sư này được đưa ra trong một bài thuyết giảng tại một nhà thờ Tin Lành ở New York ngày 25 tháng Chín năm 2001. Nhân dịp giảng dạy về việc kiềm chế sự giận dữ, thiền sư cho biết : "Có lần tôi được biết Thị xã Bến Tre, một thành phố có 300 ngàn dân, bị máy bay Mỹ oanh tạc chỉ vì một số du kích quân đã vào thị xã và tìm cách bắn hạ máy bay Mỹ. Các du kích quân đã không thành công và sau đó đã rút lui. Và thị xã đã bị tiêu hủy. Và viên phi công (Mỹ) vốn chịu trách nhiệm (về vụ oanh tạc) sau này đã tuyên bố rằng ông đã phải tiêu hủy thị xã Bến Tre để cứu lấy nó. Tôi rất giận dữ" (1).

Nếu tôi là một thính giả đang uống lấy từng lời của thiền sư Nhất Hạnh thì tôi phải tin ngay việc Mỹ tàn phá cả một thành phố chỉ vì mấy tên du kích lẩn trốn trong đó. Nhưng là một người Việt Nam đã từng sống trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng ấy, tôi chưa từng nghe nói đến cuộc thảm sát ấy. Nếu quả thật một cuộc thảm sát như thế đã xảy ra thì chắc chắn tôi cũng đã "rất giận dữ" và biết đâu lại chẳng vào bưng để "chống Mỹ cứu nước".

Thiền sư Nhất Hạnh đã tỏ ra "rất giận dữ". Chỉ có điều khó hiểu nơi thầy là thầy đã có thể giận dữ trước hành động dã man của quân đội Mỹ nhưng lại thinh lặng trước vô số tội ác còn dã man gấp trăm lần của du kích quân cộng sản và quân đội Bắc Việt. Cụ thể nhứt là sự thinh lặng khó hiểu của thầy trước cuộc thảm sát ở Huế hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Chống Mỹ và yêu cầu Mỹ rút quân ra khỏi Miền Nam Việt Nam cũng như gay gắt lên án chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nhưng thầy lại thinh lặng trước tội ác của chế độ cộng sản cũng như bàn tay lông lá của Liên Xô và Trung Cộng tại Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh.

Khó hiểu hơn nữa có lẽ là cuộc đấu tranh vì tự do tôn giáo của thầy. "Thời chiến tranh, thầy kêu gọi chính phủ Sài Gòn cho Giáo hội Phật giáo được tự do hành đạo. Thời cộng sản, Hà Nội đàn áp Giáo hội thì thầy không nói gì"... "Ba mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, qua nhiều vận động của quốc tế và Hoa Kỳ, đặc biệt là của cố Thượng nghị sĩ John McCain, thầy được trở lại quê hương đầu năm 2005 trong phẩm phục, võng lọng chứ không còn là hình ảnh Sư ông Làng Mai đơn sơ với áo nâu sòng, nón lá".

"Về nước, Đức Tăng thống Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ không tiếp thầy, trong khi thầy được gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời trà. Sư cô Chân Không (người đệ tử luôn sát cánh bên thầy), như để lấy điểm với nhà nước, đã phát biểu rằng những ngôi chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là nơi có cờ vàng ba sọc đỏ" (2).

Quả thật, thầy Nhất Hạnh đã có những lời tuyên bố đầy tranh cãi và một thái độ thinh lặng khó hiểu trước những hoàn cảnh lẽ ra đòi hỏi phải lên tiếng. Nhưng với riêng tôi, khó hiểu nhứt vẫn là hình ảnh của một vị thiền sư đức độ như thầy lại xuất hiện trong "phẩm phục và võng lọng" trong chuyến về thăm quê hương lần đầu tiên đầu năm 2005. Nghe như vọng lại nhận xét mỉa mai của cụ Trần Tế Xương : "Công đức tu hành sư có lọng" !

nhathanh2

Không hiểu sao tôi dễ bị dị ứng với "phẩm phục và võng lọng" trong các tôn giáo. Những thứ hào nhoáng ấy là biểu hiện của quyền lực thế trần và danh vọng hão huyền hơn là tinh thần cốt lõi của tôn giáo là sự khiêm tốn và quên mình. Trong hàng bao nhiêu thế kỷ, mãi cho đến cuối thập niên 1950 của thế kỷ trước, các vị lãnh đạo tối cao trong Giáo hội Công giáo của tôi, mỗi lần xuất hiện trước công chúng đều tỉnh bơ ngồi chễm chệ trên một chiếc kiệu được 4 người khiêng ! Những người được tôn vinh như "đại diện của Chúa Kitô" chẳng thể hiện được bất cứ nét nào trong chân dung của Đấng sống không nhà không cửa, không nơi gối đầu và quỳ gối rửa chân cho các môn đệ của mình như một người đày tớ.

Tôi khâm phục nhà lãnh đạo tối cao hiện nay của Giáo hội Công giáo là Đức Phanxicô. Vừa được bầu làm chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, Ngài đã lột bỏ hết tất cả những râu ria phù phiếm trên người của vị giáo hoàng như đôi giày màu đỏ sang trọng, cây thánh giá vàng trên cổ. Chiếc ghế dát vàng mà các vị giáo hoàng thường ngồi lên để giảng dạy, Ngài cũng cho vào kho. Ngài cũng không còn phải mỗi năm đến biệt thự sang trọng của các vị giáo hoàng ở Castel Gandolfo để nghỉ mát. Ngay cả căn phòng sang trọng dành riêng cho các giáo hoàng trong điện Vatican, Ngài cũng từ bỏ. Các quan sát viên cho rằng cho tới nay Ngài vẫn chưa thực hiện được một cuộc cải tổ quan trọng nào trong Giáo hội. Nhưng dưới mắt tôi, dẹp bỏ được "phẩm phục và võng lọng" trong chính con người của giáo hoàng đã là một cuộc cách mạng vĩ đại nhứt mà không vị tiền nhiệm nào của Ngài dám làm.

Nhìn lại lịch sử của các tôn giáo có tổ chức, ôn lại cuộc đời của các nhà lãnh đạo tôn giáo, cách riêng trong Giáo hội Công giáo của tôi, tôi nhận ra một điều : dù ở địa vị nào trong tôn giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng chỉ là những con người bất toàn. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, họ cũng "tham sân si" như mọi người, họ cũng chia sẻ cùng một kiếp người với mọi người. Trong tuyển tập "909 bài thơ ba dòng", nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc nhìn nhận một sự thật phũ phàng :

"Mỗi người ra đi,

Trời đất phúng điếu bằng

Một hạt bụi bay".

Phận người như thế cho nên tôi chưa bao giờ cảm thấy được thuyết phục để phủ phục tôn thờ bất cứ một lãnh tụ nào.

Thầy Nhất Hạnh của tôi đã ra đi. Giờ này thầy cũng chỉ còn là "một hạt bụi bay". Theo chúc thư thầy để lại, thầy muốn được hỏa táng và tro bụi của thầy phải được phân tán đi khắp các trung tâm và tu viện trên khắp thế giới mà thầy đã thành lập (3). Dù có được rải rắc khắp nơi để ghi lại dấu chân của thầy, thầy cũng chỉ là "một hạt bụi bay". Mà "một hạt bụi bay" là "một hạt bụi bay" !

Về thực hành, tôi luôn tu tập và hít thở theo phương pháp chánh niệm thầy đã chỉ dạy. Về tư tưởng, tôi rất tâm đắc với thuyết mà thầy gọi là "Tiếp Hiện" (Interbeing). Trong tác phẩm "Cốt lõi của sự hiểu biết" (The Heart of Understanding), thầy dùng một hình ảnh rất đơn sơ là tờ giấy để giải thích : "Tờ giấy này hiện hữu, vì mọi thứ khác đều hiện hữu... Mong manh như tờ giấy này, nhưng nó chứa đựng mọi sự trong vũ trụ". Theo thầy,  hiện hữu là "tương hữu" (to be is to inter-be). Thầy nói : "Bạn không thể chỉ hiện hữu một mình. Bạn cần phải "tương hữu" với mọi thứ khác" cho nên  tương hữu cũng có nghĩa là phải chịu trách nhiệm về người khác.

Với riêng tôi, ý niệm về "tương hữu" luôn nhắc nhở tôi về tính bất toàn của con người. Dù có "đắc đạo" đến cỡ nào, con người cũng vẫn mãi mãi là một hữu thể bất toàn. Cũng trong tuyển tập "909 bài thơ ba dòng", Nguyễn Hưng Quốc ghi nhận :

"Mỗi đời người là một phác thảo của Thượng Đế.

Tiếc.

Phần lớn đều vụng về"

Hơn ai hết tôi ý thức được rằng tôi là một tác phẩm vụng về của Thượng Đế. Nhìn xung quanh tôi và ngay cả ngước nhìn lên những con người đã vươn lên đến địa vị lãnh tụ, trong mọi lãnh vực, nhứt là chính trị và tôn giáo, hầu như ai cũng chỉ là một tác phẩm vụng về. Chính vì ý thức được những bất toàn của mình mà tôi cần phải luôn cảm thông trước những "tác phẩm vụng về" quanh tôi. Xét cho cùng, con đường để đi đến "Một hạt bụi bay" của tôi chỉ có thể đi xuyên qua sự "tương hữu", tức cảm thông với người khác và chịu trách nhiệm chung với cộng đồng nhân loại.

Chu Văn

(03/02/2022)

Chú thích :

1. ThichNhatHanh: One time I learned that the city of Ben Tre...

2. Bùi Văn Phú, Thầy Nhất Hạnh mất đi, nỗi buồn Việt Nam vẫn còn đó 

3. Vietnamese Buddhist monk Thich Nhat Hanh’s funeral attracts processions of monks 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chu Văn
Read 917 times

1 comment

  • Comment Link Thục Quyên vendredi, 04 février 2022 15:43 posted by Thục Quyên

    Tác giả Chu Văn có những thắc mắc đưa đến những đánh giá theo tôi là không chính xác.Tôi có thể giúp ông một vài dữ kiện để ông có thể đánh giá lại, nếu ông muốn.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)