Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

19/05/2022

Bùng binh Cây Liễu không chết theo cuộc đổi đời

D.N.Hà - Phúc Tiến

Tái lập bùng binh cây liễu : Có thể tạo dấu ấn kiến trúc - cảnh quan mới

D.N.Hà, Tuổi Trẻ online, 18/05/2022

Ngoài tổ chức giao thông cho nút giao thông Lê Lợi - Nguyễn Huệ thì vòng xoay nên được thiết kế như một sân nhỏ có cảnh quan cây xanh - mặt nước để hài hòa với khung cảnh xung quanh

caylieu1

Bùng binh Cây Liễu và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tháng 12/2005 - Ảnh : T.T.D.

Đây là một ý kiến góp ý cho việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Giao thông vận tải nghiên cứu phương án tái lập nút giao thông Lê Lợi - Nguyễn Huệ kết hợp với tái lập mặt đường Lê Lợi.

Tái tổ chức giao thông

Đường Lê Lợi bị rào chắn 7 năm để thi công các công trình trong dự án tuyến metro số 1, nay đã được trả lại cho chức năng giao thông. 

Một cán bộ khối đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chỉ đạo trên của chủ tịch UBND Thành phố hướng đến việc tái lập tổ chức giao thông cơ giới cho nút giao thông Lê Lợi - Nguyễn Huệ chứ không nhằm vào việc tái lập cảnh quan hay hình ảnh vòng xoay bùng binh cây liễu trước đây. 

Hai tuyến đường trên là những trục giao thông lớn của trung tâm Thành phố, lâu nay bị ách tắc vì thi công công trình tuyến metro số 1, xe cộ từ đường Lê Lợi không thể đi thẳng qua phía Nhà hát Thành phố.

Theo vị cán bộ này, đường Lê Lợi chưa có kế hoạch làm phố đi bộ trong tương lai gần nên xe cộ vẫn lưu thông bình thường. Xung quanh nút giao thông này, các trụ rào trên đường Nguyễn Huệ được thiết kế dạng mềm, có thể biến đổi tùy theo công dụng của khu vực. 

Vào cuối tuần, các trụ này có thể trồi lên thành rào chắn ngăn xe cộ vào phố đi bộ. Thời gian còn lại thì thụt xuống dưới để xe cộ lưu thông bình thường trên mặt đường.

caylieu2

Bùng binh cây liễu và Thương xá TAX với hai mặt tiền là đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi (tháng 5/2006) - Ảnh : T.T.D.

Tạo dấu ấn kiến trúc - cảnh quan

Phó Giáo sư Tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân, giám đốc Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển, cho rằng việc tái lập nút giao thông ở đây là hợp lý.

"Trước hết tôi thấy nút giao thông này là rất đẹp mà ở tất cả mọi góc nhìn, đứng từ tòa nhà nào ở trung tâm Thành phố đều cũng thấy. Từ trong trụ sở UBND Thành phố nhìn ra, nút giao thông này như một điểm nghỉ chuyển tiếp trước khi tầm mắt chạm đến dòng sông Sài Gòn phía xa xa, vừa hòa hợp với cảnh quan sông nước lại phù hợp với công trường Quách Thị Trang phía cuối đường Lê Lợi", Tiến sĩ Quỳnh Trân nhận định.

Về kiến trúc, hình dáng của nút giao thông này, theo bà Trân, nên ứng dụng kiến trúc hài hòa với không gian xung quanh trong thời điểm hiện tại vì nhiều công trình xung quanh nút giao thông này đã được xây mới với mặt ngoài bằng kính và sơn nước. 

Nút giao thông này quan trọng trong khu trung tâm TP, lại là khu vực được nhiều người biết đến, quan tâm đặc biệt nên việc thiết kế, tổ chức cần cân nhắc. Cơ quan chức năng nên tổ chức một cuộc thi thiết kế để lấy ý tưởng từ cộng đồng.

Bà Trân cũng cho rằng tái lập lại nút giao thông thì trước hết nên tái lập cái hồn của nút giao thông, có cây xanh, có chuyển động, lưu thông. Hơn nữa, hai trục đường của nút giao này, một dẫn ra sông Sài Gòn, một dẫn về đường ra Chợ Lớn. 

Nếu sau này đường Lê Lợi tổ chức thành phố đi bộ, thì điểm giao nhau này vẫn nên được tổ chức cho xe cộ chạy song song với người đi bộ.

Năm 2014, vòng xoay cây liễu tại nút giao thông Lê Lợi - Nguyễn Huệ bị phá bỏ khi Thành phố Hồ Chí Minh làm phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Cách đây mấy năm, trong phương án cải tạo đường Lê Lợi giai đoạn 1 đã xây dựng nơi đây một hồ nước có đài phun nước như một cảnh quan bổ sung cho hoạt động của phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Hiện Sở Giao thông vận tải đang xây dựng phương án tái lập nút giao thông, tức tính toán phương án tổ chức giao thông đi ngang hồ nước này. Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, sở này phải báo cáo phương án cho UBND Thành phố trước ngày 20-5.

D.N.Hà

Nguồn : Tuổi Trẻ online, 18/05/2022

***********************

Sẽ sống lại "Bùng binh cây liễu" ?

Phúc Tiến, Tuổi Trẻ online, 17/05/2022

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định tái lập giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ cũng như mặt đường đại lộ Lê Lợi. Đó là một tin vui không chỉ cho những người bấy lâu lưu giữ ký ức Sài Gòn xưa mà còn với bất kỳ ai yêu thành phố này.

caylieu3

Theo phong thủy phương Đông, người ta tin rằng khi xây dựng một tòa nhà, cần tránh để con đường phía trước "đâm thẳng" vào cửa.

Thật vậy, giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ và bản thân hai đại lộ chính là những cột mốc trung tâm không thể thiếu của Sài Gòn xưa và Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại.

Nơi đây có trụ sở chính quyền thành phố, một tòa lâu đài kiểu dáng Châu Âu duyên dáng, hoàn thành năm 1909, trông ra bến Bạch Đằng – mặt tiền sông nước độc đáo của trung tâm đô thị. 

Phía sau tòa nhà này là phần đất thuộc Hoàng thành Gia Định, được Nguyễn Ánh xây dựng năm 1789, với cổng thành gần nhất chính là ngã tư Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi hiện giờ. 

Đại lộ sang trọng Nguyễn Huệ nguyên là con kênh mang tên Chợ Vải, chỉ mới san lấp vào thập niên 90 của thế kỷ 19. Bốn khối nhà xung quanh giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ đều có lịch sử dày dặn của nó. 

Bao cả hai mặt đường góc Nguyễn Huệ – Lê Lợi đang có một khu đất lớn có tường rào vây quanh hơn 5 năm nay chính là dấu tích thương xá Tax lộng lẫy, thời Pháp có tên là Charner. 

Ở ngã ba đại lộ Lê Lợi và đường Đồng Khởi, may mắn còn đó Nhà hát lớn uy nghi, có mặt từ năm 1901.

Trong khi đó, đại lộ Lê Lợi – tên cũ là Bonard, cũng từng là một con kênh đào. Đại lộ này nổi tiếng là phố thương mại tấp nập từ lúc có chợ Bến Thành (1914), với một loạt cửa hàng, khu căn hộ, rạp hát, cửa hàng xe hơi. 

Cuối đại lộ Lê Lợi là quảng trường Cuniac, nay là Quách Thị Trang, một không gian bát ngát có nhiều đường lớn tỏa ra bến tàu, ga xe lửa (công viên 23/9) và vào Chợ Lớn.

Giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ được người xưa gọi tên là Bùng Binh Sài Gòn hay Bồn Kèn. Trong sách Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển kể nơi đây vào chủ nhật và ngày lễ, "lính kèn" của Tây biểu diễn các bài hành khúc Pháp và nhạc Châu Âu. Tại đây có một nhà bát giác là nơi "chơi nhạc" ngay giữa giao lộ. Đây có thể coi là dấu tích âm nhạc hiện đại đi vào đời sống công cộng, mở màn từ Sài Gòn !

Theo Nam Kỳ tuần báo, chiếc bồn kèn đó được thay thế bằng một hồ tròn, ở trung tâm là đài phun nước rất tân kỳ vào năm 1942. 

Những năm 1970, quanh hồ có thêm một số hàng liễu thêm phần thơ mộng, cho nên người trẻ gọi thêm tên là "bùng binh cây liễu". Đây là nơi người Sài Gòn thích ra đi dạo, hóng mát và chụp hình trong lúc ra phố Lê Lợi và Nguyễn Huệ để mua sắm và vui chơi.

Tìm hiểu kỹ hơn, ta còn có thể thấy bùng binh và đài phun nước này đã xuất hiện trên tranh vẽ quy hoạch Sài Gòn năm 1880. Sang đầu thế kỷ 21, năm 2014, thành phố "đánh mất" chiếc hồ và đài phun nước đầy ắp ký ức của nhiều thế hệ. Không những thế, còn mất tiếp ba vòng xoay – giao lộ trên đại lộ Nguyễn Huệ. 

Ngoài giao lộ – "bùng binh cây liễu", người dân không còn thấy giao lộ Nguyễn Huệ – Mạc Thị Bưởi với tháp đồng hồ duyên dáng, đã có từ năm 1964. Giao lộ kế tiếp, Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế, cũng bị "xóa sổ" cùng lúc để giờ đây trên đại lộ Nguyễn Huệ chỉ còn độc nhất một "khe nhỏ" cho xe lưu thông một chiều (từ gần cửa Kho bạc Thành phố Hồ Chí Minh, băng qua phía trước cao ốc số 8 Nguyễn Huệ). 

Thực tế cho thấy, khi mất các vòng xoay – giao lộ, đại lộ Nguyễn Huệ chỉ còn là hai "tiểu lộ" giữa một rừng cao ốc ngày càng mọc lên tua tủa !

Theo phong thủy phương Đông, người ta tin rằng khi xây dựng một tòa nhà, cần tránh để con đường phía trước "đâm thẳng" vào cửa. Trong tình thế xây dựng chẳng đặng đừng, nếu có những con đường như thế thì cần tạo ra những bức "bình phong" che chắn từ xa cho kiến trúc và chủ nhân của nó.

Mặt khác, việc đặt những giao lộ trên các con đường lớn cũng như làm hồ nước hay các tiểu đảo ở trung tâm các giao lộ là việc cần thiết không chỉ để thuận tiện cho giao thông và mỹ quan mà còn thuận thiên, giúp cho các luồng khí luân chuyển hoặc được biến hóa.

Hiện tại, chính quyền cũng đang dự kiến biến đại lộ Lê Lợi trở thành phố đi bộ thứ hai, sau khi đường ngầm và ga metro hoàn thành. Chúng tôi càng mong phố đi bộ Lê Lợi sẽ không lặp lại sai phạm cũ – phá đi các giao lộ đang có. 

Mặt khác, cả hai phố đi bộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi đều rất cần những bảng kỷ niệm ghi dấu lịch sử, những biểu tượng mỹ thuật, những bảo tàng mini trên mặt đường và trong lòng các tầng ngầm metro và trong các tòa nhà dọc hai con đường – dấu tích đặc sắc của ba thế kỷ phát triển đô thị hiện đại.

Hơn bao giờ hết, việc chỉnh trang đô thị rất cần mời gọi ý kiến đóng góp của người dân và các chuyên gia để vừa làm đẹp thành phố vừa phục hưng ký ức đô thị đang bị tàn phai. Trong Nay luôn có Xưa ! Thật may mắn cho chúng ta khi được sống chung với di sản, với những kinh nghiệm kiến thiết đẹp của tiền nhân.

Phúc Tiến

Nguồn : Tuổi Trẻ online, 17/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: D.N.Hà - Phúc Tiến
Read 581 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)