Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

23/05/2022

Chuyện ngày xưa một chiếc cầu ở Việt Nam

Thanh Phương - PV

François Bibonne và nhịp cầu âm nhạc Pháp-Việt

Thanh Phương, RFI, 23/05/2022

Có lẽ không có bộ phim tài liệu nào về Việt Nam mà chỉ trong một thời gian ngắn được quốc tế biết nhiều đến như Once upon a bridge in Vietnam (Chuyện ngày xưa một chiếc cầu ở Việt Nam) của François Bibonne. Chính là qua bộ phim này mà khán giả nước ngoài và trong nước khám phá thế giới nhạc cổ điển tại Việt Nam và âm nhạc Việt Nam nói chung.

Áp phích phim "Once upon a bridge in Vietnam" của François Bibonne.  © François Bibonne

Tác phẩm của đạo diễn trẻ mang hai dòng máu Pháp Việt đã đoạt giải Phim tài liệu ngắn hay nhất tại Liên hoan phim Los Angeles LAFA 2022 và Liên hoan phim quốc tế New York NYFA 2022. Phim còn được đề cử tranh giải Phim tài liệu ngắn hay nhất tại Liên hoan phim độc lập Roma Prisma Awards tháng 12/2021, cũng như có tên trong danh sách chính thức tranh giải Liên hoan phim quốc tế Boden ở Thụy Điển, giải Liên hoan phim Hollywood BLVD 2002, và trong danh sách Short to the Point tháng 01/2022.

Once upon a bridge in Vietnam còn đã được trình chiếu tại studio Le Regard du Cygne ở Paris, tại trường Hunter College ở New York và sắp tới đây sẽ được trình chiếu ở Việt Nam trong khuôn khổ Liên hoan Mad Visions Film Fest tại Sài Gòn (10-11/06/2022).

Trả lời phỏng vấn ban Việt ngữ tại phòng thu của RFI ngày 11/05/2022, François Bibonne cho biết về hình tượng cây cầu trong Once upon a bridge in Vietnam : 

"Đó là một ẩn dụ có nhiều nghĩa. Ban đầu đó là hình ảnh cây cầu Long Biên, một cây cầu do Pháp xây dựng và là biểu tượng cho mối quan hệ thân hữu giữa Pháp và Việt Nam. Nhưng ngoài ý nghĩa này, đó còn là cầu theo nghĩa nhạc cụ, tiếng Anh là Bridge, tức là ngựa đàn, phần đỡ những sợi dây của những nhạc cụ như violon, violoncelle.

Cầu cũng có thể được hiểu theo nghĩa âm nhạc, tức là phần chuyển tiếp hay còn gọi là đoạn cầu giữa phân khúc và điệp phúc. 

Ta cũng có thể hiểu đó là nhịp cầu nối giữa nhạc truyền thống Việt Nam với nhạc cổ điển phương Tây, giữa hai nền văn hóa Pháp Việt". 

chiecccau1

   François Bibonne trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 11/05/2022.  © RFI / Tiếng Việt

Chính là vì tò mò muốn tìm hiểu về sinh hoạt của giới âm nhạc cổ điển phương Tây ở Việt Nam, François Bibonne đã đến với quê hương của người bà Việt Nam mà anh rất thương nhớ : 

"Tôi rất say mê nhạc cổ điển. Hồi nhỏ tôi chơi piano rất nhiều và tôi đã từng muốn theo nghề nghệ sĩ piano, nhưng cuối cùng tôi là thích ngành thính thị, tôi cũng có bằng thạc sĩ Lịch sử. Tuy vậy, tôi vẫn muốn làm việc trong môi trường âm nhạc cổ điển và tôi đã bắt đầu làm các phỏng vấn cho một tổ chức nghệ thuật chuyên giảng dạy nhạc cổ điển. Tôi rất quan tâm đến chân dung của các nghệ sĩ, đến cuộc sống của họ. Rồi trong thời gian thực tập cho một công ty sản xuất nhạc cổ điển, quản lý các nghệ sĩ tại những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, tôi tò mò muốn tìm hiểu về nhạc cổ điển ở Việt Nam, không biết ở Việt Nam có dàn nhạc cổ điển không, nhạc cổ điển có một vị trí như thế nào ở nước này. Tôi bèn dùng công cụ Google để tìm thông tin, nhưng chẳng thấy có gì về nhạc cổ điển ở Việt Nam 

Rồi vào lúc đó, bà tôi qua đời và lần đầu tiên tôi về Việt Nam với một dự án phim tài liệu. Tôi rất vui vì ở Việt Nam tôi được mọi người đón tiếp niềm nở, nhất là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Tôi đã được phép theo họ để quay phim trong tất cả các buổi tập dợt, các buổi hòa nhạc và dần dần tôi trở thành giống như là nhà báo của dàn nhạc ! Tôi cũng tiếp xúc nhiều với nhạc trưởng là người Nhật và qua đó biết được nhiều điều về lịch sử nhạc cổ điển ở Việt Nam và gặp được những nhân vật chủ chốt của sân khấu âm nhạc cổ điển Việt Nam. Từ đó, tôi ra khỏi khuôn khổ của dàn nhạc giao hưởng, ra khỏi Hà Nội về các miền quê để đưa khán giả đến với nhạc dân tộc, với văn hóa Việt Nam".

Once upon a bridge in Vietnam chính là dự án đầu tiên của studio Thi Koan mà François Bibonne lập ra và đặt theo tên của bà nội Nguyễn Thị Koan. Nhà đạo diễn trẻ đã ở Việt Nam trong suốt 15 tháng giữa đại dịch Covid-19, đến dự những buổi hòa nhạc, biểu diễn âm nhạc truyền thống, những buổi tập luyện của các nghệ sĩ, hay đến thăm làng làm kèn đồng ở Nam Định, làng vĩ cầm ở Bắc Giang, tìm hiểu về việc duy trì dân ca quan họ ở Bắc Ninh, về ca trù tại Hà Nội…

chieccau2

Một cảnh trong phim "Once upon a bridge in Vietnam" của François Bibonne.  © François Bibonne

Điều đáng nói ở đây là François Bibonne hầu như chỉ một mình dấn thân vào dự án này, thế mà bộ phim tài liệu của anh đã dần dần chinh phục được khán giả ở Pháp, ở Mỹ :

"Tôi chỉ có một mình để làm công việc quảng bá, tiếp thị cho bộ phim. Nhưng như thế cũng hay, bởi vì nhờ vậy mà tôi đã có dịp gặp các phóng viên, gặp những người làm trong ngành thính thị và cũng nhờ vậy mà học được nhiều điều. Nhưng tôi đã làm theo cách cổ điển sau khi hoàn tất bộ phim tài liệu, đó là gởi phim đến dự các liên hoan điện ảnh và tôi đã nhận được một số giải tại các liên hoan ở Mỹ, ở Ý. Tôi cũng đã tổ chức sự kiện đầu tiên ở Paris để trình chiếu bộ phim, với sự tham gia của các nghệ sĩ, nhạc sĩ Việt Nam để có dịp quảng bá cho họ, vì mục đích bộ phim của tôi cũng chính là nêu bật vai trò của họ.

Phim của tôi cũng đã được chiếu tại trường Hunter College ở New York, một đại học rất lớn, nhờ vào sự trợ giúp của một nghệ sĩ piano người Việt, sau này trở thành bạn của tôi. Qua buổi trình chiếu này mà dự án của tôi được cộng đồng người Việt ở Mỹ biết đến. Tôi cũng đã có dịp gặp các giáo sư người Việt ở đại học Colombia, họ có đề nghị là trong tương lai có thể chiếu bộ phim của tôi trong trường của họ và qua đó nói về tiếng Việt, bởi vì phim của tôi cũng nói về tiếng Việt, một ngôn ngữ rất nhiều âm điệu. Các đại học, các viện cũng đang tìm các công cụ để thu hút giới trẻ học tiếng Việt.

Tôi cũng đang tìm các nhà phát hành phim và cũng vì tôi đã không học làm phim tài liệu một cách có bài bản, nên bây giờ tôi cũng đang cố tạo lập mạng lưới riêng cho mình".

Dĩ nhiên là đối với những người làm phim độc lập, chưa có tên tuổi trong làng điện ảnh như François Bibonne, tìm được nguồn tài chính để thực hiện bộ phim Once upon a bridge in Vietnam không phải là đơn giản. Nhưng rất may là anh đã có thể huy động được vốn từ cộng đồng dưới hình thức gọi là crowdfunding :

"Tôi có được nguồn tài trợ cho bộ phim huy động vốn trên mạng Indiegogo, nơi mà cộng đồng có thể đóng góp tiền cho các dự án. Mục tiêu mà tôi đề ra ban đầu là 12.000 euro và tôi đã đạt được mục tiêu này và thậm chí cuối cùng đã nhận được nhiều hơn, hình như là hơn 300 euro. Ban đầu, đó là tiền đóng góp của gia đình, bạn bè, sau đó là đóng góp của các hội đoàn ở Paris, rồi có sự hỗ trợ của các nhạc sĩ ở Việt Nam, và chính họ cũng đi vận động cho tôi. Nếu tổng kết lại các nguồn đóng góp, chúng ta có một tam giác với ba góc là Pháp, Việt Nam và Mỹ. Và thành phần khán giả chủ yếu của tôi cũng chính là ở ba quốc gia đó.

Tôi đã bắt đầu quay tiếp, có thể gọi đó là tập hai của bộ phim, về chân dung của các nhạc sĩ người Việt ở nước ngoài, nói về nỗi nhớ quê hương của họ. Tôi không biết có sẽ lại huy động vốn từ cộng đồng hay không. Tôi rất muốn có sự hỗ trợ của nền tảng như Netflix, của các kênh truyền hình sản xuất phim trên mạng, như đài Pháp-Đức Arte, để có được các thiết bị ghi hình, thu âm tốt hơn. Nếu không tìm được nhà phân phối, nhà bảo trợ, thì tôi sẽ lại tìm nguồn tài trợ qua hệ thống crowdfunding, nhất là vì đã có những phản hồi rất tích cực từ những nhà tài trợ của cộng đồng sau khi họ xem phim của tôi.

Tại Pháp, tôi đang liên hệ với các rạp chiếu phim để tìm các đối tác, tiếp tục quảng bá cho bộ phim nhân các sự kiện, có thể là kết hợp với các nhạc sĩ người Việt. Còn tại Việt Nam, phim cũng sẽ được trình chiếu ở Sài Gòn, trong khuôn khổ Liên hoan Mad Visions Film Fest (10-11/06/2022). Tôi cũng cố gắng có được các đối tác như Viện Pháp ở Việt Nam hay sứ quán Pháp ở Việt Nam. Hiện giờ chưa có sự hỗ trợ của họ, nhưng tôi nghĩ là họ sẽ quan tâm đến dự án của tôi".

Francois Biconne cho biết Việt Nam đã hỗ trợ anh rất nhiều, ngoài các nhạc sĩ, còn có cả một hệ thống báo chí, truyền hình quảng bá cho dự án của anh. Đối với đạo diễn trẻ mang hai dòng máu Pháp Việt, đó là một sự yểm trợ về tinh thần khích lệ anh rất nhiều và càng làm cho anh thấy nhạc cổ điển ở Việt Nam là một chủ đề thu hút khán giả, nhất là qua cái nhìn của một người Pháp.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 23/05/2022

*********************

François Bibonne - người xây cầu bằng âm nhạc Việt Nam

PV, Ngày Nay, 01/04/2022

"Once upon a bridge in Vietnam" là tên một bộ phim âm nhạc do nhà làm phim trẻ François Bibonne mới hoàn thành và đã ra mắt tại Paris. Độc đáo và đầy cảm xúc, cuốn phim đầu tay đã chuyển tải thành công mong ước của nhà làm phim tài liệu trẻ người Pháp có một phần dòng máu Việt, đó là làm cầu nối đưa âm nhạc dân gian và nhạc cổ điển Việt Nam ra thế giới và giúp công chúng nước ngoài khám phá Việt Nam dưới một góc nhìn khác, ít được biết đến.

chieccau3

François Bibone hy vọng có thể quay lại Việt Nam để khởi động những dự định to lớn mà anh đang ấp ủ.

Những điều thú vị và bất ngờ của nền âm nhạc Việt Nam

Từ tiếng mõ toong toong cốc cốc, tiếng cò cưa của đàn đáy theo nhịp lẩy giọng của ca nương đến bản hòa tấu hào hùng của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đồ sộ; từ làng sản xuất kèn đồng của những nghệ nhân Nam Định chân lấm tay bùn, đến những em nhỏ học kéo violon trong sân chùa của một làng quê Bắc Bộ ; từ hình cảnh cây cầu Long Biên cổ kính, nối quá khứ với hiện đại, đến con tàu thống nhất chạy suốt chiều dài đất nước; từ những địa danh, phong cảnh tuyệt đẹp đến những nụ cười hạnh phúc và hình ảnh đầy dung dị của người dân Việt Nam… Tất cả đã được đạo diễn trẻ François Bibonne thu vào ống kính và đưa vào cuốn phim tài liệu âm nhạc "Once upon a bridge in Vietnam" (tạm dịch : "Xưa có một nhịp cầu ở Việt Nam").

Mới ra mắt vào đầu năm 2022, bộ phim tài liệu âm nhạc dài 30 phút này đã kịp giành giải Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất của Giải thưởng phim Los Angeles (Los Angeles Film Awards) tháng 2/2022, và một giải khác tại Liên hoan phim quốc tế New York (New York International Film Award tháng 3/2022).

Chia sẻ với báo giới, François Bibonne cho biết ý tưởng làm phim này chỉ xuất hiện năm 2019, khi anh thực tập ở một nhóm nhạc cổ điển ở Paris. Nhận thấy ở Pháp và trên thế giới không có nhiều tư liệu về âm nhạc cổ điển Việt Nam và cũng do sức cuốn hút của những câu chuyện từ bà nội, Thérèse Nguyễn Thị Koan, từng kể cho anh nghe thời ấu thơ, năm 2020, anh đã quyết định trở về quê hương của bà để tìm hiểu về cội nguồn và thực hiện ý tưởng của mình.

chieccau4

Tấm áp phích quảng cáo bộ phim tài liệu đầu tay của François Bibonne "Once upon a bridge in Vietnam". Ảnh : Thu Hà/TTXV

Trong suốt 15 tháng làm phim ở Việt Nam, François Bibonne đã rong ruổi khắp chiều dài đất nước để sưu tầm, tìm hiểu về âm nhạc, từ những bản hòa tấu cổ điển phương Tây do các dàn nhạc giao hưởng trình diễn đến những làn điệu dân ca và âm nhạc dân tộc được thể hiện bởi các nghệ nhân, từ những nhà hát hoàng tráng hiện đại đến những lớp nhạc nhỏ bé bên sân chùa của một làng quê Bắc Bộ. Chàng thanh niên trẻ người Pháp với 1/4 dòng máu Việt, trong vai nhân vật chính của bộ phim đã dẫn dắt khán giả đi khắp các miền quê của đất nước. Bên cạnh những cảnh đẹp của làng quê Việt Nam, khán giả có thể cùng anh trải nghiệm những điều thú vị và bất ngờ của nền âm nhạc Việt Nam từ cổ điển đến dân gian, từ truyền thống đến hiện đại.

Âm nhạc, cầu nối Việt Nam và thế giới

Nói về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm phim, François cho biết : "Thuận lợi đầu tiên là sự ủng hộ về mặt tinh thần mà tôi đã nhận được từ báo chí truyền thông, từ bạn bè và các nhạc sĩ, nghệ sĩ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ vào các hội đoàn, bạn bè và gia đình tại Pháp, tôi cũng đã quyên góp được 12.000 euro để hoàn tất hậu kỳ và quảng bá bộ phim". Hiệp hội Fontainebleau còn tài trợ cho anh chiếc máy ảnh để tác nghiệp. Thậm chí, dịch bệnh Covid-19 cũng là một lợi thế, vì nhờ đó mà thời gian François ở Việt Nam được kéo dài và cũng nhờ Việt Nam đã xử lý tốt khủng hoảng dịch bệnh nên công việc của anh không bị cản trở.

Với François Bibonne, khó khăn cũng còn đến từ yếu tố tâm lý. Vì chàng thanh niên trẻ người Pháp không nói được tiếng Việt nên mọi việc đều phải tự xoay sở, từ kết nối với các nhân vật, đến thiết lập các mối quan hệ. Thậm chí, François đã phải đi dạy thêm tiếng Pháp, tiếng Anh để có thể trang trải cuộc sống và chi phí cho những chuyến đi. Được đào tạo về lịch sử, âm nhạc và xã hội học, nên François không có nhiều kiến thức về kỹ thuật làm phim. Vì vậy, anh đã phải tự học mọi thứ. "Việt Nam thực sự là một trường học đối với tôi", François chia sẻ.

Khó khăn là vậy, nhưng chính tình yêu đối với âm nhạc và đất nước Việt Nam đã là động lực giúp François vượt qua mọi thử thách. Anh chia sẻ : "Cứ lao vào làm các dự án ở Việt Nam là tôi quên hết thời gian. Tôi mong muốn chứng minh cho những người xung quanh thấy rằng Việt Nam và âm nhạc cổ điển tạo nên một thế giới kỳ diệu đáng được tôn vinh, đó là một sức mạnh nội tại hoàn toàn tự nhiên. Tìm hiểu về lịch sử âm nhạc Việt Nam cũng là một cách khám phá bản sắc của chính mình. Và tôi cảm thấy hạnh phúc khi du hành về với cội nguồn tổ tiên của mình".

chieccau5

Hình ảnh chiếc cầu Long Biên trong phim "Once upon a bridge in Vietnam" của tác giả François Bibonne. Ảnh : Thu Hà/TTXVN

François Bibonne cho biết bộ phim mang nhiều ý nghĩa đối với anh. "Trước hết, đó là một món quà tinh thần để bày tỏ lòng kính trọng đối với người bà mà François vô cùng yêu quí. Sau đó, là muốn giới thiệu tới công chúng Pháp và quốc tế một không gian khác của Việt Nam mà họ chưa từng được biết đến hoặc biết rất ít, đó âm nhạc cổ điển cũng như sự tương phản và giao hòa đầy sáng tạo giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc cổ điển châu Âu tại Việt Nam".

Giải thích về lý do anh lựa chọn cây cầu để làm biểu tượng cho cuốn phim tài liệu này, François cho biết: "Bridge" (cây cầu), ngoài nghĩa đen, trong tiếng Anh, còn có nghĩa là một cấu trúc âm nhạc dùng để liên kết giữa điệp khúc và câu hát trong một bài hát. Từ đó cũng để chỉ một bộ phận của vĩ cầm (hoặc cello và viola) nhằm để kết nối các dây đàn với nhau. Về hình ảnh cụ thể trong phim, đó là cầu Long Biên, là cầu nối giữa Việt Nam với Pháp và thế giới và xa hơn nữa là cầu nối giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc truyền thống Việt Nam.

"Tôi nghĩ Việt Nam là một đất nước năng động và sự năng động này được thể hiện trong bối cảnh âm nhạc. Bộ phim cũng là bằng chứng sinh động về sự mối liên kết giữa Pháp và Việt Nam, mà trong đó văn hóa và âm nhạc là cầu nối. Khi công việc của tôi tiến triển, tôi nhận ra rằng sứ mệnh quảng bá âm nhạc cổ điển châu Âu đã bị lu mờ và nổi lên lại là văn hóa, truyền thống Việt Nam, một di sản phức hợp của đất nước này. Và tác phẩm trên hết nói lên sự trở về cội nguồn của chính tôi", François Bibonne tâm sự.

Chia sẻ về những dự án ấp ủ trong tương lai, François cho biết anh muốn tìm kiếm các nguồn tài trợ để có thể viết một cuốn sách nói về lịch sử âm nhạc cổ điển ở Việt Nam, tổ chức một cuộc gặp mặt những nhân vật trong phim tài liệu, xây dựng các buổi hòa nhạc nhằm liên kết âm nhạc cổ điển và âm nhạc truyền thống. "Hiện tại, tôi muốn chiếu phim tài liệu của mình ở nhiều nơi nhất có thể để thu hút sự quan tâm của khán giả với 'Once Upon a Bridge in Vietnam' và thương hiệu Studio Thị Koan của tôi. Tôi cũng dự định sẽ quay lại Việt Nam để làm bộ phim tiếp theo trên nền câu chuyện về Charles-Camille Saint-Saëns, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đàn piano và organ, nhạc trưởng, nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng người Pháp. Ông đã từng đến Côn Đảo vào năm 1895. Nói rộng hơn nữa là, tôi muốn hình thành khái niệm về âm nhạc cổ điển vòng quanh thế giới và đi đến các quốc gia khác để làm điều tương tự".

PV

Nguồn : Ngày Nay, 01/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, pv
Read 488 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)