Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

01/08/2022

Hành trình không ngơi nghỉ của "Kiều Chinh - Nghệ sĩ lưu vong"

Kiều Chinh - Thanh Phương

Trong giới nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại, có thể là không có người nào mà sự nghiệp nghệ thuật đầy những thăng trầm và kéo dài như nữ tài tử Kiều Chinh. Cuộc đời của ngôi sao điện ảnh sinh vào năm 1937 tại Hà Nội đã trải qua cùng với nhiều biến động của đất nước, kể từ khi bà bước vào nghệ thuật thứ bảy vào thập niên 1950 cho đến năm 1975, khi Sài Gòn thất thủ, phải sang Hoa Kỳ tị nạn và sống lưu vong cho tới nay.

kieuchinh1

Ảnh bìa cuốn hồi ký "Kiều Chinh - Nghệ sĩ lưu vong"  © Kiều Chinh

Nhưng ở xứ người, Kiều Chinh không chỉ tiếp tục con đường của một nghệ sĩ, mà bà còn là một nhà hoạt động xã hội hết mình không chỉ với đồng hương, mà với mọi thân phận bất hạnh. Cuộc đời với biết bao diễn biến đầy kịch tính như trong một cuốn tiểu thuyết đã được Kiều Chinh tái hiện trong cuốn hồi ký "Kiều Chinh - Nghệ sĩ lưu vong".

Cuốn sách đã được phát hành tại Hoa Kỳ từ tháng 9 năm 2021 bằng hai ấn bản tiếng Việt và tiếng Anh. Theo dự kiến ấn bản tiếng Pháp sẽ ra mắt độc giả vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay. 

Hôm nay, chúng tôi rất hân hạnh được tiếp chuyện qua điện thoại với nữ tài tử Kiều Chinh, một nữ diễn viên mà tên tuổi đã gắn liền với nền điện ảnh Việt Nam từ bao thập niên và có lẽ là nữ tài tử người Việt được làng điện ảnh Hollywood biết đến nhiều nhất. 

kieuchinh2

Nữ tài tử Kiều Chinh thời gian còn ở Việt Nam  © Kiều Chinh

RFI : Xin chào chị Kiều Chinh. Thưa chị trước khi nói về cuốn hồi ký mà bản tiếng Pháp sẽ ra mắt độc giả trong nay mai, xin được hỏi là hiện giờ chị có tiếp tục có những sinh hoạt trong giới văn hóa nghệ thuật, cũng như các hoạt động xã hội ?

Kiều Chinh : Thưa Thanh Phương, mình cứ tưởng về già sẽ có nhiều thời gian ở nhà làm vườn, trồng cây cảnh. Nhưng không biết tại sao số phận Kiều Chinh càng già càng quá bận rộn ! Thứ nhất, sau khi cuốn hồi ký ra đời, Kiều Chinh được đón nhận ở khắp mọi nơi, cho nên phải đi ra mắt sách ở khắp các tiểu bang trên đất Mỹ, ở các thành phố bên Canada. Hiện giờ Kiều Chinh vẫn còn đang đóng phim, vừa đi thành phố Kentucky, Louisville đóng phim hai tuần lễ, mới về cách đây hai ngày và còn hai dự án làm phim, tháng 10 sẽ qua Úc để đóng phim một tháng, thành ra rất là bận rộn. 

Ngoài việc đóng phim và ra mắt sách, lại còn những hoạt động xã hội, cộng đồng nữa.

RFI : Hiện nay chị vẫn tiếp tục đi các nơi để giới thiệu cuốn hồi Ký"Kiều Chinh - Nghệ sĩ lưu vong", cho thấy độc giả, ít ra là tại Hoa Kỳ, đã đón nhận nồng nhiệt cuốn sách này ?

Kiều Chinh : Vâng, xin lỗi lại nói về "le moi" (cái tôi), mà "le moi est haissable" (cái tôi thì đáng ghét). Nhưng theo lời Đinh Quang Anh Thái, nhà sách Tự Lực, đây là một cuốn sách "make history", tức là cuốn sách thành công nhất trong lịch sử làm sách ở Hoa Kỳ, bởi vì mới ra mắt có mấy tháng mà đã có mấy ngàn ấn bản phát hành khắp mọi nơi. Những buổi ra mắt sách rất thành công.

Thật sự thì cuộc đời của Kiều Chinh cũng giống cuộc đời của hàng triệu người Việt Nam lưu vong trên thế giới, ai cũng có một câu chuyện để kể lại. Kiều Chinh chỉ là một trong hàng triệu câu chuyện đó, nhưng có được may mắn là cuốn sách "Kiều Chinh - Nghệ sĩ lưu vong" được đón nhận rất là nồng nhiệt.

RFI : Thưa chị Kiều Chinh, chị đã đặt tên cho cuốn hồi ký là "Kiều Chinh - Nghệ sĩ lưu vong". Như vậy đối với chị, quảng đời mà chị sống nơi đất khách quê người là thời gian mà có nhiều sự kiện, nhiều biến cố ghi dấu sự nghiệp, cũng như cuộc sống của chị ?

Kiều Chinh : Vâng. Thật sự thì cũng có những người không đồng ý với chữ "lưu vong", nhưng đối với Kiều Chinh, khi mình không sống ở quê hương mình, thì đó là một sự lưu vong. Cuốn hồi ký, nhất là ấn bản tiếng Anh, được đón nhận rất là nồng nhiệt, vì Kiều Chinh nghĩ là sau cuộc chiến Việt Nam, sau 1975, đã có rất nhiều sách, phim ảnh nói về chiến tranh Việt Nam, về Việt Nam. Nhưng những sách và phim đó là từ point de vue (quan điểm) của người ngoại cuộc, qua con mắt của những người không phải là người Việt Nam, không phải là của những người đã sống ở Việt Nam.

Còn Kiều Chinh là người sinh ra ở đất Bắc, lớn lên ở miền Nam và sống quá nửa đời người ở quê hương và đã trải qua ba cuộc chiến, từ thời Đệ nhị Thế chiến tới thời kỳ chiến tranh Đông Dương kết thúc, chứng kiến quân đội Pháp rời bỏ Việt Nam và quân đội Mỹ bắt đầu đi vào Việt Nam. Trong những năm tháng đó, mình giống như là những nhân chứng sống, mình là người trong cuộc, kể lại câu chuyện về lịch sử của quê hương. Mình cũng là một nghệ sĩ nữa, cho nên đã trải qua rất nhiều rất nhiều biến động của đất nước, cũng như đã được đi đây đi đó rất nhiều trong suốt thời gian làm diễn viên điện ảnh, đã đại diện cho điện ảnh miền Nam đi khắp các vùng Đông Nam Á và cũng được đóng phim ở khắp vùng Đông Nam Á, từ Philippines cho tới Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan và cả Ấn Độ nữa.

RFI : Thưa chị Kiều Chinh. Đúng là cuộc đời nghệ thuật điện ảnh của chị gắn liền với những thăng trầm của lịch sử đất nước, nhất là ở miền Nam trong thời gian chiến tranh, cho nên chị đã có một vai diễn nhớ đời trong bộ phim nổi tiếng "Người tình không chân dung".

Kiều Chinh : Phim "Người tình không chân dung" do hãng phim Giao Chỉ sản xuất. Hãng phim Giao Chỉ là của Kiều Chinh. Kiều Chinh là executive producer và diễn viên chính, phim do đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc viết cốt chuyện và dàn dựng. Đó cũng là cuốn phim đầu tiên dự đại hội điện ảnh ở Đài Loan và cuốn phim đầu tiên được hai giải thưởng tại sự kiện đó : giải cho phim chiến tranh và giải cho nữ diễn viên chính là Kiều Chinh. 

Nếu có cuốn phim nào để lại cho Kiều Chinh nhiều kỷ niệm nhất thì có lẽ đó là phim " Người tình không chân dung", bởi vì phim không quay trong một phim trường, mà được quay "live" ở khắp các vùng có mặt trận. Thành ra Kiều Chinh đã có dịp gặp rất nhiều anh em. Phim đã để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt là với hai nam diễn viên chính là anh Vũ Xuân Thông và anh Minh Trường Sơn. Với Kiều Chinh, đó là hai người bạn thân nhất trong đời thường. Mới đây là kỷ niệm 50 năm bộ phim đó, đài Jimmy TV ở Mỹ đã có một cuộc phỏng vấn dài với ba diễn viên chính và chúng tôi lại gặp nhau.

Cuốn phim đã để lại nhiều kỷ niệm và cũng nhân đây cám ơn tất cả quý vị đã có cảm tình với phim "Người tình không chân dung" trong 50 năm qua và cũng xin chắp tay tưởng nhớ biết bao nhiêu người trong phim đó đã ra đi.

kieuchinh03

Kiều Chinh trong vai Suyuan Woo (The Joy Luck Club), bà mẹ Trung Hoa thời Đệ Nhị Thế Chiến, bị buộc phải bỏ hai con sơ sinh trên đường chạy loạn © Kiều Chinh

RFI : Ngay trong thời gian còn đóng phim ở Việt Nam, chị cũng đã có dịp sang Mỹ và tiếp xúc với giới điện ảnh Hoa Kỳ. Từ khi phải rời Việt Nam để sang Mỹ sống, chị đã có những vai diễn nào ưng ý nhất trong làng điện ảnh Hollywood, một môi trường mà thật ra không xa lạ lắm đối với chị, những vai diễn đánh dấu cuộc đời nghệ thuật của chị ở hải ngoại ?

Kiều Chinh :Lần đầu tiên Kiều Chinh qua Mỹ là vào năm 1968, khi có một hãng phim dự tính quay cuốn phim "Doctor Tom Dooley", họ mời Kiều Chinh sang Hollywood để sửa soạn, nhưng chẳng may dự án đó không thành. Nhưng thời gian đó, Kiều Chinh đã được mời tham dự bộ phim mà Kiều Chinh yêu thích vô cùng, đó là "Doctor Jivago" và cũng làm quen một vài nhân vật ở đây. 

Còn phim nào để lại nhiều ấn tượng nhất cho Kiều Chinh ? Nếu nói về TV thì phải nói đến chương trình MASH, show truyền hình đầu tiên Kiều Chinh được làm việc ở Hollywood. MASH là show nổi tiếng nhất thời đấy ở nước Mỹ và trên toàn thế giới, với đạo diễn là tài tử Alan Adam.

Nếu nói về phim ảnh thì sau cuốn phim "The letter" với nữ tài tử Lee Remick thì phải nói đến phim của nhà văn Amy Tan "The Joy Luck Club" (1993). Bộ phim đã đưa Kiều Chinh đi khắp nơi trên nước Mỹ, cũng như là ở Châu Âu để ra mắt phim. Đi đâu họ cũng nhận ra mình đóng trong phim "The Joy Luck Club" !

RFI :  Đó là nói về lĩnh vực điện ảnh. Nhưng trong cuộc đời nghệ sĩ lưu vong, dường như là số phận cũng đã đưa đẩy chị đến các hoạt động xã hội, từ thiện, mà trên hết là những hoạt động trợ giúp cho đồng bào tị nạn Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhất là trong những năm đầu tiên ? Có lẽ chính những hoạt động đó đã làm cho cuộc sống nghệ thuật của chị thêm phong phú, thêm ý nghĩa ?

Kiều Chinh Thưa Thanh Phương, đa số các thính giả biết Kiều Chinh là một nghệ sĩ đóng phim, thật sự công việc bận rộn thứ hai, ngoài đóng phim, Kiều Chinh còn là một diễn giả, đi gần như là khắp các trường đại học trên nước Mỹ để nói chuyện. Ngoài trường đại học, Kiều Chinh còn được đi rất nhiều ở rất nhiều tổ chức về văn hóa, phụ nữ và xã hội. Ở những nơi dừng chân để nói chuyện, Kiều Chinh cũng đã được gặp rất nhiều người. 

Nhất là thời gian vào khoảng năm 1980, khi có sự hiện diện của thuyền nhân Việt Nam, Kiều Chinh đã bay sang Philippines cùng đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos để chào đón đồng bào thuyền nhân tại trại Palawan. Đồng thời Kiều Chinh cũng đi khắp các trại tị nạn ở Đông Nam Á, Hồng Kông, để thăm đồng bào tị nạn. Đó cũng chính là nhờ những lần đi nói chuyện các nơi.

Có một lần được mời đến bức tường đá đen mà ở Hoa Thịnh Đốn (Washington), nơi ghi tên 58.000 binh sĩ Mỹ tử trận ở Việt Nam, Kiều Chinh có đọc một bài diễn văn. Trên nửa triệu người có mặt hôm đó nhân kỷ niệm 10 năm bức tường đá đen. Họ tổ chức 3 ngày 3 đêm liền để đọc tên từng người một trên bức tường đó. Khi đến lượt Kiều Chinh là người thứ tư lên đọc tên, Kiều Chinh nói : "Hôm nay, tôi là một công dân Mỹ, nhưng là gốc Việt. Khi đọc những tên như là Smith, Johnson, thì trong lòng tôi không khỏi nghĩ đến những người họ Trần, họ Lê đã gục ngã trong cuộc chiến đó. Đã có đến hơn 2 triệu người gục ngã. Tôi ước mong một ngày sẽ làm được gì để vinh danh những người đó, nhất là trẻ em".

Khi nói điều đó, Kiều Chinh đã được những Vietnam Vet (Cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam) hưởng ứng. Sau đó, Kiều Chinh được tiếp tay với nhà báo nổi tiếng Terry Anderson, người đã bị giữ làm con tin ở Trung Đông và ông Lewis Puller, một cựu chiến binh nổi tiếng của Mỹ, cùng sáng lập một hội từ thiện lấy tên là "The Vietnam Children Fund" vào năm 1993. Hội chỉ làm một công việc là xây những ngôi trường tiểu học tại các làng mạc đã bị chiến tranh tàn phá, giúp các em có chỗ học và hy vọng các em sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. 

Hội có may mắn là được rất nhiều sự ủng hộ, đặc biệt từ phía các cựu quân nhân Mỹ. Một trong những người đầu tiên đứng lên ủng hộ cũng là một Vietnam Vet, Jim Kimsey. Sau khi giải ngũ, ông đã sang Việt Nam hai lần trong thời gian chiến tranh. Khi về, ông thành lập công ty America Online. Chính ông là người tài trợ cho ngôi trường đầu tiên của hội, mà Kiều Chinh đã đề nghị xây tại Đông Hà, tức vĩ tuyến 17, nơi chia đôi đất nước trong thời chiến. Năm 1995, ngôi trường được xây xong. Ông Terry Anderson, tức là đồng chủ tịch với Kiều Chinh cùng với ông Jim Kimsey, người tài trợ, đã về cắt băng khánh thành trường. 

Từ đó cho đến nay, hội đã xây được 52 ngôi trường tại khắp các vùng trên quê hương, từ Bắc, Trung tới Nam. Người tài trợ nhiều nhất và lâu dài nhất cũng là một cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam, đó là ông Fred Smith, chủ tịch của công ty FedEx, đã tài trợ cho hội 5 ngôi trường. Ngôi trường cuối cùng Kiều Chinh về cắt băng khánh thành, hình như vào năm 2016 là ở Quảng Nam. Cho tới nay, 52 ngôi trường đó đã đủ chỗ cho các em đi học, giúp cho khoảng 40 chục ngàn em mỗi năm có nơi đi học.

kieuchinh4

Kiều Chinh và Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala, Ấn Độ, tháng 5/2014© Kiều Chinh

RFI : Thưa chị Kiều Chinh, cuộc đời của chị quả là có nhiều thăng trầm, nhiều biến cố đau thương. Nhìn lại những năm tháng đã qua, điều gì đã giúp cho chị vượt qua được những thử thách, những tai nạn để vẫn đứng vững cho đến ngày hôm nay, để tiếp tục đi đóng phim, tiếp tục hoạt động xã hội ?

Kiều Chinh : Đúng như anh nói. Cuộc đời của Kiều Chinh có những may mắn, nhưng cũng có những cái kém may mắn, cũng gặp rất nhiều thăng trầm. Mỗi lần một sự việc không may mắn xảy ra thì mình cứ tưởng như là trời sụp, là mình chịu đựng không nổi. Nhiều lúc cũng muốn nổi điên ! Nhưng cũng nhờ là tại những nơi mà mình đã đi, chẳng hạn như các trại tị nạn, mình đã gặp biết bao nhiêu người, đã nhìn thấy, đã chứng kiến và đã được nghe những thảm kịch. Mình nhìn lại thì mình thấy : "Chao ôi, chuyện của mình thấm thía gì so với chuyện mà những người khác đã trải qua. Hãy nhìn lại mà xem, đồng bào mình cũng như ở khắp mọi nơi, biết bao nhiêu người khổ đau, biết bao chuyện ghê gớm. Vậy thì chuyện của mình có gì đâu, đừng té ngã như vậy, hãy đứng thẳng lên và đi tới, để tiếp tục công việc của mình và hãy mạnh mẽ để còn làm được nhiều việc cho người khác". Đó là sức mạnh giúp cho Kiều Chinh.

RFI : Thưa chị Kiều Chinh, nếu không có gì trục trặc thì ấn bản tiếng Pháp cuốn hồi ký"Kiều Chinh, nghệ sĩ lưu vong" sẽ được xuất bản trong tháng 9, tháng 10.  Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, chị có những lời tâm sự, nhắn gởi gì đến đồng bào người Việt ở Pháp nói riêng, và đồng bào người Việt nói chung ?

Kiều Chinh : Cám ơn Thanh Phương. Cuốn sách của Kiều Chinh bản tiếng Việt cũng như bản tiếng Anh đã được đón nhận rất nồng nhiệt ở Hoa Kỳ. Rất nhiều người bên Đức, bên Úc, cả ở Việt Nam và đặc biệt bên Pháp cũng đòi Kiều Chinh gởi sách đi rồi ra mắt sách. Đó là lý do mà Kiều Chinh đã quyết định cho cuốn sách được dịch sang Pháp ngữ. Hiện giờ, cuốn sách dự kiến là tháng 9, tháng 10 sẽ xong và rất mong có một buổi ra mắt sách để gặp gỡ đồng bào ở bên Pháp sau khi cuốn sách bằng tiếng Pháp được phát hành. Cho tới giờ cũng chưa biết ai sẽ giúp mình đứng ra tổ chức một buổi ra mắt sách như vậy. Ước mong sẽ có một người nào đó bên Pháp đứng ra tổ chức cho Kiều Chinh.

RFI : Xin cám hơn chị Kiều Chinh.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 01/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kiều Chinh, Thanh Phương
Read 606 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)