Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

17/07/2017

« Saigon » làm rơi lệ Avignon

RFI tiếng Việt

Hầu như toàn bộ 500 khán giả trong sân thể dục của trường trung học Aunabel, Avignon, đều đứng dậy vỗ tay hoan hô. Những tràng vổ tay không dứt cho đến khi các diễn viên của vở kịch ra chào lần thứ tư, lần thứ năm. Sáu đêm diễn của vở kịch đều hết sạch vé, hầu hết là đã được đặt trước từ lâu, số vé it ỏi còn lại được bán tại chỗ không thấm vào đâu so với số người xếp hàng dài trước quày bán vé.

Résultat de recherche d'images pour "« Saigon » làm rơi lệ Avignon"

Một cảnh trong vở kịch "Saigon" tại Liên hoan Avignon

Có thể nói « Saigon », vở kịch của nữ đạo diễn trẻ mang hai giòng máu Pháp Việt Caroline Guiela Nguyen, là một trong những sự kiện nổi bật của Liên hoan sân khấu quốc tế năm nay (06-26/07/2017). Nhiều tờ báo lớn của Pháp như Le Monde, Libération, Les Echos, Télérama đã không ngớt lời khen ngợi các diễn viên Pháp, diễn viên Việt Nam và diễn viên Pháp gốc Việt đóng trong vở kịch này.

« Saigon » đạt thành công vang dội mặc dù câu chuyện của vở kịch này chỉ diễn ra trong một cảnh trí duy nhất, đó là một quán ăn Việt Nam, mà bà chủ quán là một phụ nữ Việt Nam được đặt tên là Marie – Antoinette, theo tên của Hoàng hậu Pháp. Chính quán ăn đơn sơ của Marie-Antoinette đã chứng kiến những bi kịch của thời thuộc địa Pháp, với những mảnh đời đan xen nhau.

Đó là bi kịch của Mai, cô gái đã mòn mõi chờ người yêu cho đến khi tuyệt vọng bỏ nhà ra đi biệt tích, còn người yêu của cô là Hào, sang Pháp kiếm sống, tưởng rằng vài năm sẽ trở về, nhưng đâu ngờ số phận đã buộc chân anh nơi đất Pháp. Đó là bi kịch của Linh, nghe theo lời đường mật của anh lính Edouard sang Pháp sống, để rồi đau đớn vỡ mộng. Đó là bi kịch của Marie Antoinette, ngày đêm mong ngóng tin con và vẫn không chấp nhận thực tế là con bà, một người lính thợ bị chế độ Vichy bắt vào làm việc cho một xưởng vũ khí của Đức, đã chết trong một trận oanh tạc của đồng minh vào nhà máy này.

Những bối cảnh không gian (Pháp và Việt Nam) và thời gian (1956 và 1996) được cố tình trộn lẫn với nhau, như thể là giữa Pháp và Việt Nam quá khứ và hiện tại vẫn còn níu kéo nhau. Xuyên suốt chuỗi không gian và thời gian ấy là Marie-Antoinette, nhân vật trung tâm và cũng là nhân vật gây xúc động nhất cho khán giả. Nữ diễn viên Pháp gốc Việt Trần Nghĩa Anh đã dành hết tấm lòng của một người mẹ Việt Nam để thủ vai này.

Trần Nghĩa Anh cho biết bà rất vui sướng được bước lên sân khấu trở lại để tham gia vở kịch « Saigon », với sự chỉ dẫn rất hiệu quả của đạo diễn trẻ Caroline Guila Nguyen.

Như đã nói ở trên, ngoài các diễn viên kỳ cựu của Pháp, đóng trong vở « Saigon » còn có các diễn viên trẻ đến từ Việt Nam, như Huỳnh Thị Trúc Ly, thủ vai Mai. Năm nay, 22 tuổi, sinh viên năm cuối trường Điện ảnh - Sân khấu, bước lên sân khấu đã gần 3 năm, vẫn không hết bất ngờ về việc ra nước ngoài để diễn kịch.

Năm nay cũng 22 tuổi và cũng là sinh viên năm cuối trường Sân khấu- Điện ảnh như Trúc Ly, Lê Hoàng Sơn cho biết em phải học cấp tốc tiếng Pháp để có thể tham gia đoàn diễn vở « Sài Gòn », nhưng cũng rất hạnh phúc với vai diễn Hào (lúc còn trẻ).

Nguyễn Phú Hậu, thủ vai Linh, nguyên là sinh viên kế toán, nhưng vì ham mê kịch nghệ nên đã đăng ký học ban đêm bộ môn nghệ thuật này. Khi nghe tin Trường Điện ảnh – Sân khấu tổ chức casting tuyển diễn viên cho vở « Sài Gòn », cô đã thử vận may.

Về phần Thanh Thư, cô cũng bất ngờ không kém. Tốt nghiệp Đại học sư phạm, ngành phiên dịch tiếng Pháp, Thanh Thư ban đầu đi theo đoàn để phiên dịch nhưng cuối cùng lại được huy động để đóng một vai mới được thêm vào vở diễn, đó là vai cô cháu của bà chủ quán Marie-Antoinette. Thanh Thư cũng đã hát rất hay ca khúc « Je vivrais pour deux » của Sylvie Vartan vào cuối vở kịch.

Về phần các diễn viên Pháp, lần đầu tiên làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam, mà lại là trong một vở kịch với đề tài thực dân hóa, cũng là một trải nghiệm lý thú đối với họ, như lời Caroline Arroas, thủ vai bà Louise Gauthier, vợ một quan chức Pháp thời thuộc địa :

« Tôi nghĩ rằng không chỉ trong vở diễn này, mà nói chung chúng ta không thể bỏ qua mối quan hệ con người với vấn đề đó, khi ta nói về Sài Gòn. Chính bối cảnh lúc đó đã tạo ra những hoàn cảnh và vở kịch đề cập đến những hoàn cảnh ấy, chứ không nói đến vấn đề thực dân hóa ở khía cạnh lý thuyết.

Làm việc với các diễn viên Việt Nam dĩ nhiên là do hàng rào ngôn ngữ nên ban đầu tôi chưa hiểu họ lắm, nhưng khi đã hiểu nhau rồi thì mọi việc trở nên khá rõ ràng. Thật là tuyệt. »

Những bi kịch của thời thuộc địa được các diễn viên Pháp Việt tái hiện trên sân khấu với đầy nước mắt đã khiến nhiều khán giả sụt sùi rơi lệ. Khi được hỏi bà có cảm thấy xúc động không, một nữ khán giả nói :

« Vâng, nhưng chỉ là vào lúc cuối, khi tôi nắm đủ các yếu tố để hiểu được câu chuyện. Lúc đầu tôi không thể theo dõi được hết mọi diễn tiến theo các thời điểm. Nhưng trong vở kịch người ta có nói đến thời điểm bộ phim « Hận thù » được giải, trong khi nội dung vở kịch thì hoàn toàn ngược lại với hai chữ hận thù. Đúng hơn đó là sự trộn lẫn những cảm xúc của những người lúc thì hiểu nhau, lúc thì không hiểu nhau.

Bản thân tôi không bao giờ hiểu được thực dân hóa, vì tôi vẫn chống thực dân hóa, tôi chẳng hiểu nước Pháp sang những nước khác để làm cái gì. Sự áp bức người dân những thuộc địa vẫn chưa hoàn toàn được đề cập đến ngay ở bên Pháp này. Nhưng tôi thấy vở kịch hay ở chổ là đã xử lý vấn đề từ trong nội tâm các nhân vật. Điều đó làm cho tôi rất xúc động".

Nhưng đúng là chỉ có những người đã trải qua những hoàn cảnh tương tự mới thật sự cảm thông với những nhân vật trong Sài Gòn, như lời một vị khán giả, cũng là người gốc nước ngoài :

« Gia đình tôi cũng là những người sống lưu vong, hơn 40 năm mới quay trở về quê hương, cho nên vở kịch làm tôi rất xúc động. Rất nhiều gia đình như chúng tôi đã trải qua những thảm kịch như thế, với những đứa con không bao giờ trở về, với những người thân bị chia cắt, bị phân tán ».

Khi Hào, nay đã lớn tuổi, do nam diễn viên Pháp gốc Việt Trần Nghĩa Hiệp thủ vai, lần đầu tiên trở về thăm quê hương, ông chỉ gặp một đất nước với quá nhiều thay đổi, nhưng ông cảm thấy như vẫn nhìn thấy đâu đó hình bóng của Mai, người yêu xưa. Trong khi đó, Linh, nay đã là người mẹ lớn tuổi (do nữ diễn viên Pháp gốc Việt Nguyễn Thị Mỹ Châu thủ vai), có lúc đã mất trí nhớ, như bà muốn lãng quên quá khứ đau buồn.

Nhưng vào cuối vở kịch, toàn bộ nhân vật của quá khứ lẫn hiện tại đều đã tề tựu trong quán ăn của bà Marie-Antoinette, khi bà diện bộ áo mới để làm sinh nhật cho đứa con không bao giờ trở về. Bầu không khí chan chứa tình người đó có lẻ là nhằm bày tỏ niềm hy vọng hòa giải giữa hai dân tộc Pháp Việt.

Nguồn : RFI, 17/07/2017

Quay lại trang chủ
Read 838 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)