Một vở kịch cảm động về người tị nạn Việt Nam vừa ra mắt tại liên hoan sân khấu ở Avignon, miền Nam nước Pháp, đã gặt hái thành công một cách đáng kinh ngạc. Hãng tin AFP cho biết đêm diễn nào khán giả cũng đứng lên vỗ tay và xúc động đến chảy nước mắt.
Vở kịch Sai Gon đang trên sàn tập (Ảnh chụp màn hình từ Yahoo)
Đạo diễn của vở kịch “Saigon” là Caroline Guiela Nguyen, 35 tuổi, con của một gia đình đã từ Sài Gòn chạy sang Pháp vào năm 1956.
Vở kịch lấy bối cảnh là một nhà hàng Việt Nam, được khen ngợi là đã giúp khán giả hiểu được những đau thương mất mát của người di dân và tị nạn Việt Nam trong khi số phận của họ từ lâu chìm trong im lặng ở Hoa Kỳ và ở Pháp.
Nội dung vở kịch kể về những người Việt di tản bị giằng xé giữa nước Pháp và quê hương Việt Nam trong giai đoạn cuối của thời kỳ cai trị thực dân của Pháp ở Việt Nam. Đó là nỗi đau xé ruột gan và nỗi nhớ nhung mãnh liệt.
Phóng viên AFP nói vở kịch “Saigon” đã hoàn toàn chinh phục khán giả và các nhà phê bình, và khiến họ “phải rút khăn tay ra chậm nước mắt”.
AFP dẫn lời đạo diễn Nguyễn nói rằng vở kịch được đóng khung trong hai mốc thời gian : 1956 và 1996.
“1956 là năm mà người những người lính Pháp và những viên chức thuộc địa cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Nhiều người Việt có quốc tịch Pháp cũng ra đi cùng với họ. những người này được gọi là “Việt kiều”, theo bà Nguyễn.
Phải đến năm 1996 – tức 40 năm sau, khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam – thì những “Việt kiều” này mới trở về cố hương. Một vài năm sau đó, bà Nguyễn, khi đó còn trong tuổi teen, đã cùng mẹ trở về Việt Nam. Lúc đó bà mới cảm nhận được nỗi mất mát của mình sâu sắc đến dường nào.
Nguyễn kể bà không thể nhịn cười khi nghe mẹ trả giá với những người bán trái cây ở một ngôi chợ ở thành phố Hồ Chí Minh. Tiếng Việt của bà sau bốn mươi năm, hầu như không còn nữa, một vết tích của quá khứ.
Cũng giống như 17 người anh chị em họ lớn lên ở Pháp, Nguyễn không nói được Tiếng Việt, vì cha mẹ bà mong muốn con cái hoàn toàn hội nhập vào xã hội Pháp, nên đối với họ, nói tiếng Việt là đi thụt lùi. Caroline đề cập tới sự chia rẽ trong đại gia đình khi bàn đến việc có nên về lại Việt Nam hay không.
“Một số cô chú bác của tôi không bao giờ muốn quay lại trong khi những người khác thì đau đáu muốn được nhắm mắt trên quê hương”.
Để viết được vở kịch này, Caroline Nguyễn đã mất hai năm qua lại giữa Pháp và Việt Nam để thu thập tư liệu.
“Chúng tôi thu thập những lời kể, ghi lại những hình ảnh, âm thanh và cả bối cảnh và từ đó câu chuyện của chúng tôi ra đời», bà nói với AFP.
Vở kịch diễn ra ở một nhà hàng ở Paris vào năm 1996. Một số người trong dàn diễn viên 11 người nói tiếng Việt còn những người khác nói tiếng Pháp. Tất cả đều bị kẹt trong một thế giới không còn hiện hữu.
Caroline cho biết khi lớn lên bà đã cảm nhận được hố sâu ngăn cách giữa cha mẹ Việt và con cái của họ sinh ra và lớn lên ở Pháp. Khi thu thập tư liệu cho vở kịch, bà nghe một bà mẹ Việt Nam nói rằng : “Con trai tôi là người ngoại quốc số một trong lòng tôi”.
Cũng giống như nhân vật điệp viên nhị trùng trong tiểu thuyết “Sympathizer”-“Cảm tình viên” của nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã đoạt giải Pulitzer năm 2016, các nhân vật trong vở kịch “Saigon” bị giằng xé giữa các nền văn hóa, giữa tình yêu và sự hoài nghi.
Tuy nhiên khác với tiểu thuyết “Cảm tình viên”, vở kịch “Saigon” né tránh chủ đề chính trị.
Caroline nói :
“Điều mà tôi quan tâm là nhìn vào những con người mà số phận được định đoạt bởi thời kỳ cai trị thực dân, để xem cái gì còn lại trong nội tâm và trong tim họ”.
“Đây là một vở kịch không giống bất cứ vở kịch nào», tờ Le Monde bình luận. Tờ nhật báo này so sánh vở kịch với nỗi nhung nhớ đầy phiền muộn, vừa ngọt ngào vừa xót xa trong tác phẩm điện ảnh kinh điển “In the Mood for Love”, tức “Tâm trạng khi yêu” của đạo diễn Hong Kong Vương Gia Vệ.
Vở kịch kết thúc với lời thoại : “Đây là cách chúng tôi kể chuyện ở Việt Nam – với rất nhiều nước mắt».
Theo tờ Le Monde thì kiểu kể chuyện lấy nước mắt khán giả như thế là điều lâu nay không còn thấy trên sân khấu của nước Pháp, và chính điều đó làm nên sức hút của vở kịch “Saigon”.
Nguồn : VOA, 24/07/2017